Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Chữ hiếu trong Kinh tạng Hán văn

12/11/201016:53(Xem: 11885)
18. Chữ hiếu trong Kinh tạng Hán văn


18. CHỮ HIẾU TRONG KINH TẠNG HÁN VĂN

Chúng ta có thể nói rằng, một người Á Đông, một người dân Việt Nam không thể không có hiếu với cha mẹ. Lòng biết ơn cha mẹ đã trở thành tánh tự nhiên, ăn sâu vào tâm của những người phương Đông; và khi lọt lòng chào đời, đứa con như đã thâm cảm được tất cả ân đức sâu dày của cha mẹ đã tác thành và đã thương yêu mình. Một người Việt Nam không ghi ơn và trả ơn cha mẹ thì còn là một người Việt nữa, vì người ấy đã tự mình bới gốc rễ những gì tinh hoa nhất của tinh thần Viêt Nam, tự mình phá huỷ những gì cao đẹp nhất của tinh thần dân tộc.

Tinh hoa và tinh thần cao đẹp ấy của người dân Việt, không phải chính tự nhiên mà có, mà chính là nhờ ảnh hưởng của cả một nền giáo dục, một tổ chức văn hóa từ ngàn xưa để lại, xứng hợp với bản tánh, với phong tục của người Á Đông, của dân tộc Việt Nam; và nhờ vậy mà truyền thống từ lâu đời này qua đời khác vẫn được mật thiết duy trì phát triển. Trong tất cả các ảnh hưởng, ảnh hưởng lớn nhất của đạo Phật, một tôn giáo, một nền giáo dục được truyền vào Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ I, được đi sâu vào tầng lớp quần chúng và mãi được duy trì, qua các thời đại; cho đến ngày nay vẫn được đa số dân chúng tôn thờ quy ngưỡng. Chúng ta hãy tìm ở đây quan điểm đạo Phật đối với chữ Hiếu như thế nào, và những lời Phật dạy đã có ảnh hưởng gì đối với dân tộc Việt Nam.

Trước hết, đạo Phật nêu rõ công ơn của cha mẹ đối với con cái, công ơn sâu dày thâm trọng không thể nào tả xiết. Với lý tương quan tương duyên giữa mọi sự vật trong vũ trụ, đức Phật đã trình bày rõ ràng luật tương quan sinh tồn của con người; và người con được sống ở đời được thành người tất cả là nhờ công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha trải biết bao năm tháng. Hãy thành kính đọc lên những câu kinh thấm nhuần đạo Hiếu của người con đã nhớ đến nỗi đau khổ của người mẹ trong khi thai sản:

"Ở đời mẹ hiền chịu thai con
Mười tháng cưu mang luôn chịu khổ
Với năm dục lạc, tình không đắm
Tùy thời ăn uống cũng chung đồng
Ngày đêm canh cánh lòng thương xót
Đi đứng nằm ngồi chịu khổ đau
Đến thời mãn nguyệt sanh con dại
Đau tợ dao gươm cắt ruột gan
Mê mẫn đông tây không phân biệt
Khắp thân đau đớn khó nhẫn kham... "
(Kinh Tâm Địa Quán)

Và những người dân quê trong những phút chạnh lòng tưởng nhớ đến cha mẹ, hát lên câu ca dao:

"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một thời thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con".

Có lẽ, người dân quê mộc mạc ấy đã được một vị Tổ sư nào xa xưa dạy cho câu kinh này trong Tâm Địa Quán:

"Cha lành ơn cao như non Thái
Mẹ hiền ân sâu như biển cả
Nếu ta ở đời trong một kiếp
Nói ân mẹ hiền không thể hết".

Có người tự cho mình là văn minh dám nói rằng: "Cha mẹ không có ân gì với con cả, chỉ muốn thoả mãn một chút dục tình mà chẳng may sinh con, nay nuôi nấng, chịu khổ cực vì con là phải lắm". Nhưng đã sanh ra làm con người, ai lại khỏi có dục tình? Vì còn phải sống trong dục giới nên mới lập gia đình, mới sanh con đẻ cái, mới tác thành con người, nào có gì là vượt khỏi địa giới con người đâu? Nhưng cha mẹ một khi sanh con, không một cha mẹ nào lại không hy sinh cho con, và vui lòng chịu cực khổ vì con. Nhưng cha mẹ chịu chết vì con thì nhiều, những người con chịu chết vì cha mẹ hiếm lắm. Như vậy làm sao dám tính toán so lường ân cao nghĩa trọng của mẹ cha?

Hãy đọc hai đoạn kinh sau đây để thành kính nghiêng mình trước hình ảnh hai bậc ân nhân cao trọng của những người con biết vinh dự được làm người con:

"Cha mẹ đối với con cái, ân đức cao nặng sâu dày; ân đức sản sanh từ tâm bú mớm, ân đức tắm giặt nuôi nấng trưởng thành, ân đức cung cấp các món cần dùng, ân đức chỉ dạy cách sống ở đời. Cha mẹ luôn luôn muốn con rời khổ được vui, không bao giờ xao nhảng nhớ con thương con như ảnh theo hình". (Kinh Bổn Sự)

"Ân cha hiền lớn như núi cả, ân mẹ hiền to như bể rộng, không gì hơn một niềm hiếu thuận, đem vật nhỏ mọn nuôi dưỡng mẹ lành. Ở đời lấy gì làm sáng, lấy gì làm tối? Mẹ hiền còn sống gọi là mặt trời sáng chói; mẹ hiền mất rồi gọi là đêm tối u ám". (Kinh Tâm Địa Quán)

Tình tương thân tương ái giữa cha mẹ và con cái ấy sở dĩ mặn nồng và mãnh liệt, cũng nhờ đạo lý đồng thể Đại Bi của đạo Phật khai sáng một phần nào. Người mẹ trong khi ôm ấp đứa con, đã nhận chân được máu thịt của con chính là máu thịt của mình, thân xác của con chính là thân xác của mình. Vì vậy cho nên, người mẹ là người đã khổ với nỗi khổ của con, đã vui sướng với nỗi vui sướng của người con. Lòng hy sinh không bờ bến bắt nguồn từ tâm Đại Bi của các vị Bồ-tát đã ngụyên trọn đời cứu độ cho chúng sinh, chung vui chịu khổ với chúng sinh, thể nhập vào thân xác của từng chúng sinh, để giáo hóa cứu độ cho chúng sinh, và đức Bồ-tát Quán Thế Âm, bà mẹ của những bà mẹ, đã được toàn thể chúng sinh tôn xưng là bậc Từ Mẫu ngàn đời của những người con xoay vần trong biển xanh từ đau khổ.

Người mẹ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là người mẹ bất diệt trên lịch sử hùng cường của nòi giống Việt Nam. Trong lúc nước nhà điêu linh, gia đình tan nát, những bà mẹ không những tự tay phải lo sự sống xa gia đình, xa nhà, tản mát trên trận địa để chống giữ bờ cõi nước nhà. Cứ mỗi tin một người con bỏ mình trong nạn chiến tranh cũng làm trào động bể nước mắt đau khổ của bao bà mẹ. Nếu "Nước mắt của chúng sinh tràn đầy bốn bể đại dương" như lời Phật dạy, thời ba phần nước mắt ấy phải để dành riêng cho tình thương của những bà mẹ lên chùa khẩn cầu chư Phật gia hộ cho con mình được mọi điều an lành trong khi xa vắng. Nhìn cử chỉ chí thành chí kính, nghe tiếng khẩn vái thiết tha não ruột, lòng người con Phật sao khỏi cảm động bồi hồi. Trong khi mình không được ở bên con để lo miếng cơm manh áo, để kết khuy nút cho con, để kéo mền đắp cho con trong cơn mưa lạnh, để che chở cho con khỏi bị các loại nạn nguy hiểm, những bà mẹ Việt Nam lên chùa khẩn cầu đức Phật, bà mẹ của những bà mẹ, thành kính gửi tình thương của chính tự lòng mình, nhờ chư Phật chuyển đạt lòng thương ấy đến bên người con, âu yếm che chở cho con. Những lời khẩn cầu nồng nàn chí thiết của ngàn vạn bà mẹ Việt Nam đã toả rộng làn sóng tình thương, lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Và những người con trong khi xa nhà, vắng bóng mẹ hiền, cũng cảm thấy lòng mình được sởi ấm, lòng thương mẹ, thương nước dạt dào thêm. Chúng ta có thể nói: "Chỉ có những bà mẹ mới hiểu được tình thương của những bà mẹ. Chỉ có các vị Bồ- tát mới hiểu được tình thương của những bà mẹ Việt Nam ".

Một lần nữa, chúng ta hãy thành kính nghe lời tán thánh của đức Phật đối với những bà mẹ hiền:

Quả đất ở đời gọi là nặng
Mẹ hiền ơn nặng quá hơn nhiều
Tu-di người đời gọi là cao
Mẹ hiền ân cao quá hơn nhiều
Gió lốc ở đời gọi là mau
Nhất niệm mẹ hiền mau hơn nhiều"
(Kinh Tâm Địa Quán)

Nếu bà mẹ là cả một tình thương bộc lộ mãnh liệt, say đắm, thời người cha Việt Nam thương con lại kín đáo, mạnh liệt, và sáng suốt hơn. Một người bạn đã đến nói với chúng tôi: "Mãi khi hơn hai mươi tuổi tôi mới biết cha tôi thương tôi". Quen sống với đời sống bên trong, và tự nhận thiên trách của mình khác hẳn với bà mẹ, người cha chú trọng hơn nhiều đến sự giáo dục và tác thành cho con, muốn con trở thành trở thành những người lý tưởng của mình, nối nghiệp cho cả giòng giống tổ tiên của mình. Lòng thương can đảm và bình tĩnh ấy khiến người con nông nổi khó chịu thật, nhưng chính là cả một sức mạnh khiến các người con sống đúng với tinh thần gia tộc, xứng đáng là một người con lý tưởng cho gia đình, cho nước nhà. Một người con đến xin phép cha cho ra trận, người cha nói tự nhiên: "Ừ thôi con đi, gắng sao cho xứng đáng nước non nhà". Một tin đưa từ mặt trận về: "Người con đã từ trần", người cha thốt lên một câu: "Chết vinh còn hơn sống nhục. Con mình xử sự đúng với tinh thần của gia đình, của Tổ Quốc là đủ". Rồi mặc cho vợ con khóc lóc, người cha thản nhiên châm thuốc hút. Nói rằng người cha không biết đau vì con là không hiểu một chút nào tâm trạng của người cha, đã phải nuốt giận chịu đắng, để đủ sáng suốt, đủ can đảm mà nắm cương lãnh gia đình, để đào tạo những người con lý tưởng cho đất Việt. Người cha Việt Nam thản nhiên, lãnh đạm, nhưng cương quyết ấy đã sống đúng với tinh thần Á Đông, kín đáo, trọng lý trí, trọng lý tưởng và quên mình nghĩ đến gia tộc, nghĩ đến Tổ quốc, nghĩ đến nhân loại. Chính tình thương sáng suốt và kín đáo ấy đã được đức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thân tượng trưng một cách thiết thực và toàn cõi Á Đông đều thành kính tôn xưng Ngài là đấng Từ Phụ của muôn loài.

Đối với tình thương cao cả và mãnh liệt của những bậc cha mẹ như vậy, đạo Phật luôn nhắc nhủ các người con phải biết ơn và nhớ ơn. Kinh Đại Tập dạy rằng: "Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật". Kinh Tứ Thập Nhị Chương đã từng nói: "Thờ trời đất quỷ thần, không bằng có Hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh cao nhất trong các thần minh". Với hai lời dạy trên, đức Phật tôn trọng cha mẹ đến bậc nào, và chúng ta thấy hiếu hạnh là một trong những hạnh cần thiết nhất của người Phật tử. Chính đức Phật luôn luôn nhắc nhở công ơn của cha mẹ Ngài:

"Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn nay mới thành Phật, toàn là công ơn cha mẹ Ta. Vậy nên, người muốn học đạo không thể không tinh tấn hiếu thảo với cha mẹ". (Phân Biệt Kinh)

"Ta tự nhớ trong nhiều kiếp quá khứ, từ tâm hiếu thuận cúng dường cha mẹ; do công đức như vậy, nên lên các tầng trời thì làm vị Thánh vương" (Kinh Hiền Ngu).

Công đức hiếu hạnh thật không thể nghĩ lường và muốn thành tựu tư cách của con người trên đường đời cũng như trên đường đạo không thể không nghĩ đến hạnh báo Hiếu.

"Điếu thiện tối cao không gì hơn hiếu; điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu" (Kinh Nhẫn Nhục).

"Làm con đối với cha mẹ đem lễ mọn cúng dường thì được phước vô lượng, làm chút điều bất thiện đối với cha mẹ thì tội cũng vô lượng" (Kinh Tập Bảo Tạng).

Công đức báo hiếu đã được đức Phật luông luôn tán thán, và đạo làm con không thể nào không nghĩ đến sự hiếu dưỡng cha mẹ, nên cách báo hiếu thiết thực chơn chánh, được đức Phật chỉ dạy rất nhiều và rất tinh tường.

Biết ân cha mẹ và muốn báo đáp ân đức cũng chưa đủ. Hệ trọng là phải biết cách báo ân chân chánh, thiết thực có lợi ích cho cha mẹ và cho tất cả mọi người. Thông thường ở ngoài đời, phần nhiều lo phụng dưỡng cha mẹ khỏi mọi điều thiếu thốn về vật chất, luôn luôn tôn trọng kính lễ cha mẹ và xử sự thế nào cho cha mẹ khỏi phải phiền lòng. Ở nơi đây, chúng ta để ra ngoài những người con chỉ biết tự lo thân sung sướng mà hất hủi cha mẹ, chúng ta cũng để ra ngoài những người con làm ô danh gia tộc bằng những hành vi đê tiện xấu xa, vì những người con này không còn đuợc gọi là một người con nữa và không được gọi là người dân Việt nữa - vì không một người Việt nào lại không có Hiếu. Chúng ta lấy cách báo ân như vậy cũng tạm gọi là chân chánh; và ở đời, sống cam tâm trong trong cuộc đời giả tạm, đành chịu những nỗi đau khổ: Già, Đau, Sống, Chết đoanh vậy, thì không có gì quý bằng sự phụng dưỡng cha mẹ và sống cuộc đời thanh bạch đạo đức làm hiển danh cha mẹ. Và đức Phật cũng đã từng khuyên những người con hãy: "Phụng sự cha mẹ không thiếu thốn, phàm làm việc phải trình trước cha mẹ rõ... "(Kinh Trường A Hàm).

Nhưng mục đích đạo Phật là giải thoát con người khỏi những nỗi đau khổ căn bản của cuộc đời là Sanh, Lão, Bệnh, Tử; thời đối với những người của con chí thành chí hiếu, đức Phật dạy rằng bổn phận của người con là phải làm thế nào cứu độ cha mẹ thoát khỏi những nỗi khổ cội rễ của con người. Và chỉ có vậy mới thiết thực báo ân cha mẹ.

Kinh Hiếu Tử nói rằng:

"Cúng dường cha mẹ không bì bằng khuyên cha mẹ làm việc lành bỏ việc ác".
"Ở đời gọi là hiếu phải khuyên cha mẹ bỏ ác làm lành".
"Nếu không thể cải hóa cha mẹ phụng trì Tam Bảo; thời tuy có hiếu dưỡng cha mẹ, cũng gọi là bất hiếu".

Đức Phật lại dạy thêm:

"Làm con phụng dưỡng cha mẹ, dùng trăm vị cam lộ dâng cúng cha mẹ, dùng thiên nhạc vi diệu làm vui lòng cha mẹ, hai vai tự cõng cha mười mẹ đi cùng khắp bốn biển, trọn đời đáp ân nuôi dưỡng cha mẹ, như vậy chưa gọi là Hiếu, Cha mẹ ngu si không kính thờ Tam Bảo, hung ngược dâm dật, nguy biện trái đạo... người con phải hết sức cản ngăn, mới gọi là Hiếu" (Kinh Hiếu Tử).

"Muốn báo ân cha mẹ, nên khuyên cha mẹ đối với Phật, Pháp, Tăng, đối với các pháp nhân quả v.v..., cha mẹ chưa tin, khuyên cha mẹ tin rồi, khiến lòng tin tăng trưởng; cha mẹ không giữ tịnh giới, khuyên giữ tịnh giới, khuyên làm việc huệ thí; khéo an trú để tự điều phục. Như vậy, mới gọi là chân thực báo ân cha mẹ... (Cảnh Sách).

Và đức Phật so sánh hai cách báo hiếu:

"Lấy món cam lồ phụng dưỡng cha mẹ là hiếu thế gian. Khuyên cha mẹ tu tịnh giới là hiếu xuất thế gian. Hiếu thế gian thì cha mẹ chỉ hưởng phước trong một đời, báo hiếu như vậy không lớn. Hiếu xuất thế gian cha mẹ hưởng phước vô tận, vì cha mẹ được sinh Tịnh độ phước thọ trải vô lượng kiếp; như vậy mới là đại hiếu" (Long Thư Tịnh Độ Văn).

Chúng ta thấy rằng, đức Phật trong khi dạy những người con khuyên cha mẹ phụng thờ Tam Bảo không phải muốn cho mọi người tôn thờ Ngài và đạo của Ngài như nhiều người lầm tưởng; chính đức Phật chỉ muốn khai sáng cho tất cả những bậc cha mẹ, noi theo đường chân chánh sáng suốt, thiết thực dắt dẫn mọi người thoát khỏi những nỗi khổ mà thôi. Khi những người con khuyên cha mẹ theo đạo Phật, quy y Tam Bảo là chỉ muốn cha mẹ được sống giác ngộ giải thoát. Sống giác ngộ là nhận sự thật hiển nhiên của sự vật và sống đúng với sự vật ấy, không còn mê mờ mù quáng; sống giải thoát là sống vượt ra khỏi sự trói buộc của dục vọng của sự vật, và được sống tự tại thanh tịnh. Chính chỉ có vậy mới là chân thực báo ân cha mẹ, và chỉ có vậy mới là báo ân chân chánh; ngoài ra đều chỉ là những chữ Hiếu giả tạm.

Đối với cha mẹ đã từ trần rồi, người con cần phải làm thế nào? Thông thường chú trọng trong lúc đám hiếu đám tang, kỵ giỗ, tế lễ, làm thế nào cho hương hồn được thoả mãn và cho miệng thế gian khỏi chê trách là được. Người Việt Nam rất trọng thờ cúng tổ tiên. Đối với dân tộc Á Đông, chết rồi không phải là mất hẳn, và các ông bà cha mẹ vẫn còn sống với con cháu và ủng hộ che chở cho con cháu. Những ngày kỵ giỗ không những để cho con cháu có dịp nhớ tưởng đến ông bà mà thôi, mà cũng là một dịp để nhắc lại tinh thần của gia đình, của gia tộc, để khuyến khích con cháu phải làm thế nào sống cho đúng tinh thần ấy. Nhưng mọi sự kính lễ hình như mất hết ý nghĩa thuần túy xưa, và biến thành những cử chỉ mê tín dị đoan, làm cho có làm, và nhiều khi gây ra tai hại khác nữa.

Đạo Phật với đạo lý Luân hồi trình bày cho chúng ta rõ rằng cha mẹ ông bà khi chết đi không phải là mất hẳn, mà chỉ là chuyển nghiệp thác sanh vào một trong sáu cõi phàm mà thôi; và còn ở trong các cõi phàm là còn phải sanh tử luân hồi đau khổ. Vì vậy, các người con chí hiếu và sáng suốt phải chú trọng làm thế nào mà chuyển đổi được trọng nghiệp của cha mẹ khỏi đoạ lạc trong sáu đường, và nhất là đừng tạo nên nghiệp ác cho cha mẹ. Ví dụ như, khi cha mẹ lâm chung, mà khóc than ảo não, làm cho cha mẹ luyến tiếc không có niệm xả ly, tức là khiến cha mẹ tạo thêm nghiệp đoạ lạc trong sáu đường dữ. Lại khi cúng tế mà giết hại các loài súc sanh tức là làm tăng thêm nghiệp ác cho cha mẹ và bắt buộc cha mẹ phải đoạ lạc. Khi cha mẹ sắp sửa trút hơi thở cuối cùng, cần nhất phải làm cho cha mẹ thân tâm thanh tịnh, không có sợ hãi, không có mến tiếc cõi đời, chỉ có nhất niệm dứt bỏ tất cả dục vọng, tất cả luyến ái, luôn luôn chí thành hướng niệm chư Phật, cầu vãng sanh lên cõi Tịnh Độ là một cõi không còn tham sân si, không còn sanh tử luân hồi. Cần nhất là con cháu trong nhà đứng xung quanh giường, nhất tâm niệm Phật, không khóc than, không kêu gào, chỉ giữ chí thành kính cầu nguyện cho cha mẹ được vãng sanh lên cõi Tịnh Độ mà thôi. Đối với những cha mẹ ví tạo những nghiệp quá nặng không thể tự giải thoát được thời các người con có hiếu cần phải luôn luôn hướng niệm đến cha mẹ và cầu sức chú nguyện của thập phương tăng, dùng đạo đức tu hành mà chuyển nghiệp cho cha mẹ khỏi đau khổ luân hồi trong sáu đường dữ. Tóm lại, đạo Phật rất chú trọng đến hai đức tánh là Giác ngộ và Giải thoát cho cha mẹ, khi còn sống cũng như đã mất, bao giờ người con chí hiếu cũng phải nhất tâm nhất niệm chú nguyện cho cha mẹ được Giải thoát và Giác ngộ.

Riêng đối với cha mẹ, người con cần phải báo hiếu như trên, nhưng đối với tự thân, người con cần phải xử sự thế nào để đền đáp ân đức sanh thành của cha mẹ? Nhận hiểu đúng với chân tinh thần đạo Phật, những người con Phật sẽ tự thấy con đường tiến thân đúng với nghĩa báo hiếu nhất là tự mình sống đúng với lời Phật dạy. Một người con can tâm sống trong đêm tối của mê tín, mê muội, nghĩa là sống trái với tinh thần giác ngộ, tức là khiến cho toàn thể chúng sinh trong đấy có cha mẹ mình chịu ảnh hưởng ngu muội của mình; như vậy tức là bất hiếu. Một người dục vọng sướng trong sự dục lạc vật chất, tức là đem lửa dục vọng thiêu đốt chúng sinh, trong ấy đau khổ nguy hại, như vậy tức là bất hiếu. Một người con làm cho chúng sinh khác đau khổ, trong đấy có cha mẹ mình, như vậy là bất hiếu. Cử chỉ xứng hợp với tinh thần báo hiếu chân chính của người Phật tử là sống đúng với lời Phật dạy và làm mọi người sống đúng với lời Phật dạy.

Ở nơi đây, cần phải hiểu thêm rằng, một người không phải là Phật tử mà mọi cử chỉ đều đúng với tinh thần giác ngộ và giải thoát, thời người ấy thật chính là một Phật tử chân chính và là một người con chí hiếu. Một người Phật tử mà xử sự trái với tinh thần giác ngộ và giải thoát, thì người ấy không phải là người Phật tử chân chính, và là một người con bất hiếu.

Hiểu một cách rộng rãi và giải thoát hơn, Hiếu là gì? Nếu không phải là những hạnh nghiệp diệt trừ những sự sai khác riêng biệt giữa Phật và chúng sinh, giữa cha mẹ và con cái, để thể nhập vào bản thể chung cùng rộng rãi của muôn sự muôn vật. Hiếu hạnh không còn là những chướng ngại ngăn đón sự giải thoát cá nhân hay toàn thể, không còn là những nguyên nhân ích kỷ nhỏ nhen khiến cho mọi gia đình đau khổ để gia đình mình được sung sướng, cũng không còn là những câu chấp lễ nghi phiền phức làm trở ngại những sự phát triển chân chánh. Nghĩa chữ Hiếu ở nơi đây không còn bó hẹp trong phạm vi gia đình, gia tộc, xã hội mà mở rộng khắp muôn loài muôn vật trong đại gia đình chúng sinh trong đại gia đình Phật tử.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni của chúng ta là gương sáng của hạnh chí hiếu toàn thiện toàn mỹ, và đời Ngài chỉ là phản ánh trung thành của tâm đức đại Hiếu đại Từ.

Ngày còn làm Thái tử, nhận hiểu được con người là phải bị sự đau khổ: Sống, Đau, Già, Chết bức bách, doanh vây. Ngài nghĩ đến Phụ vương Ngài, nghĩ đến bà Ma-Gia mẹ Ngài cũng phải quay cuồng hụp lặn trong biển đau khổ ấy. Ngài hiểu rằng cha mẹ đau khổ là chúng sinh đau khổ, chúng sinh đau khổ là cha mẹ đau khổ. Lo riêng cứu độ cho cha mẹ, thời sự cứu độ ấy không được rốt ráo; lo riêng cứu độ cho chúng sinh, thời không tròn đạo Hiếu.

Ngài lại hiểu thêm rằng nguyên nhân khổ đau là do mê mờ ái dục. Vì mê mờ nên không nhận chân được sự thật, vì ái dục nên say đắm trong cảnh trần lao đau khổ. Chính lòng thương chúng sinh, lòng hiếu cha mẹ thúc đẩy, Ngài từ bỏ tất cả quốc thành thê tử để tìm đạo giải thoát cho cha mẹ, cho muôn loài. Cũng chính lòng thương lòng hiếu ấy là những sức mạnh giúp Ngài trì chí chuyên tâm, tìm đạo, tu khổ hạnh, tu thiền định và thành bậc Chánh giác. Thành đạo, giác ngộ được sự thật, Ngài thực hành ngay chí nguyện độ sanh kiền đi giáo hóa cứu khổ cho tất cả chúng sinh, không thể kể xiết.

Rồi Ngài về thành Ca-tỳ-la-vệ, thuyết pháp cho vua Tịnh Phạn, lên cung trời Đao Lơi thuyết pháp cho bà Ma-Gia nghe. Đến khi vua cha lâm bệnh sắp từ trần, Ngài đến bên giường thuyết pháp giảng dạy khiến cho vua Tịnh Phạn khỏi phải đau khổ, buồn rầu, và thác sanh lên cõi Tịnh Cư Thiên. Khi đưa đám vua cha đức Phật cũng một tay bưng quan tài để làm gương cho cho những người con bất hiếu ở đời, tự thân làm lễ trà tỳ cho vua cha.

Và cho đến khi nhập Niết-bàn, Ngài chỉ một từ tâm vô lượng cứu độ cho toàn thể chúng sinh không một phút giây dừng nghỉ. Cứ mỗi chúng sinh được hóa độ, đức Phật lại được tán dương, quy ngưỡng và vua Tịnh Phạn và bà Ma-Gia lại được tôn kính, được danh tiếng thêm lên. Nếu ngày nay hàng vạn hàng vạn ức Phật tử biết cung kính, biết được tên họ của vua Tịnh Phạn và bà Ma-Gia; hàng vạn ức chúng sinh được giác ngộ giải thoát tất cả là nhờ công ơn báo hiếu vẹn toàn của đức Phật, một người con chí hiếu, một bậc cha mẹ đại từ, không thể nghĩ nghì, không thể ước-lường, không thể tán dương cho hết lời được.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/05/2017(Xem: 7741)
Cụm từ "Di Đà Tự tánh" hay "Duy tâm Tịnh độ" thường được dùng để chỉ đỉnh cao của pháp môn Tịnh độ, nhưng rất dễ gây hiều lầm. Về phương diện Lí tánh thì Phật A-di đà Vô Lượng Quang Vô Lượng Thọ là Tự tánh thường chiếu và vĩnh hằng của chúng ta. Khi ta niệm danh hiệu A-di-đà là trở về với Tự tánh, bản tâm. Chúng ta hãy xem đoạn văn sau đây của những người dùng lí thuyết "cao siêu" để bài bác pháp môn Tịnh độ: "Niệm danh hiệu Phật để cầu sanh Tịnh độ là còn chấp Tướng, tìm pháp ngoài Tâm - không hiểu rằng tất cả các pháp đều là tâm".
16/04/2017(Xem: 7370)
Phương pháp Thập Niệm do một vị Đại sư nổi tiếng giảng dạy dựa trên sự vãng sanh Hạ phẩm được diễn tả trong Quán Kinh. Phương pháp nầy đặc biệt dành cho những người quá bận bịu với cuộc sống nên hằng ngày không thể niệm Phật (nhiều lần) để cầu vãng sanh như người tu Tịnh độ bình thường. Do đó, cách nầy dạy niệm danh hiệu Phật A-di-đà khoảng mười lần mỗi khi hít vào và thở ra. Chủ đích của phương pháp nầy là dùng hơi thở để tập trung tâm ý. Tùy theo hơi thở dài hay ngắn mà hành giả có thể niệm được nhiều hơn hay ít hơn 10 danh hiệu. Sau mười lần hít vô--thở ra (tức là niệm được tổng cộng khoảng từ 50 đến 100 câu Phật hiệu), hành giả có thể bắt đầu tụng bài thơ hồi hướng công đức sau đây:
02/04/2017(Xem: 9382)
Theo âm Hán Viêt, A Di Đà Phật có nghĩa là Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật, Tây Phương Phật. Trong kinh A Di Đà, Đức Phật Thích Ca giảng là Phật A Di Đà, Giáo Chủ cõi Cực Lạc (Soukhavati (Scr.), ở phương Tây, cách cõi Ta Bà của chúng ta mười vạn ức cõi Phật. Đó là một cõi đầy đủ các công đức trang nghiêm. Lầu các, cây cối, đất đai toàn là châu báu. Nào là các loài chim bạch hạt, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tầng già v.v… ngày đêm sáu thời ca hát ra những lời pháp: năm căn, năm lực, bảy món bồ đề, bát chánh đạo…
27/03/2017(Xem: 4650)
Tịnh độ tông là tên gọi chung của tất cả những giáo lí dạy rằng chúng sanh có thể thành Phật nếu được vãng sanh về cõi Tịnh độ của đức Phật A-di-đà. Ở Ấn độ. giáo lí nầy được các ngài Mã Minh, Long Thọ và Thế Thân giảng dạy trên cơ sở nhiều kinh điển khác nhau, như hai bộ kinh A-di-đà. Lịch sử của Tịnh độ tông bắt đầu từ Ấn độ thời cổ đại, nhưng thời đó truyền thống đức tin chưa được nhấn mạnh. Mặc dầu Ấn-độ lúc đó đã có một môn phái thờ đức A-di-đà, sự kính ngưỡng Ngài chỉ là một trong các cách thực hành của Phật giáo Đại thừa lúc ban sơ.
07/09/2016(Xem: 6704)
Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản Seuil, Paris, thì Jean Eracle nguyên là Quản Đốc Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học Á Châu, đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Do một nhân duyên vô cùng kỳ lạ, ông được sang Nhật-bản lưu trú suốt mấy mươi năm để học hỏi cùng thực hành Niệm Phật theo giáo pháp của “Đạo Phật Chân Chánh trong Pháp môn Tịnh-độ” tức Tịnh-độ Chân-tông do Ngài Thân Loan Thánh Nhân khai sáng cách đây gần 8 thế kỷ.
28/04/2016(Xem: 20394)
Thiền, Tịnh, Mật được xem là ba pháp môn tu truyền thống của Phật giáo Việt Nam xưa nay. Thiền giáo xuất hiện từ thời Khương Tăng Hội, Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông. Các thế kỷ sau, kinh điển Đại thừa được truyền bá, theo đó tư tưởng Thiền, Tịnh và Mật được phổ biến tại nước ta. Từ lịch sử phát triển Phật giáo Việt Nam cho thấy, ba pháp môn tu đó có sự đóng góp tích cực cho con người và xã hội qua nhiều thời đại.
15/02/2016(Xem: 12226)
Trong bổn hội các liên hữu đồng tu, đều tuân theo tu học Tịnh Độ Ngũ Kinh và Tịnh Độ Thập Yếu, đặc biệt là Kinh Vô Lương Thọ, bản hội tập của Hạ Liên Cư Đại Sĩ, Di Đà Yếu Giải, Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, nhất định phải y cứ ba bộ kinh này tu học, dốc hết toàn lực, nghiên cứu học tập kinh luận Đại Thừa mới có thể tương ứng với Tịnh Tông. Bổn hội đặc biệt chú trọng hành giải tương ứng, tâm khẩu nhất như, cho nên hành môn là mọi người phải phát nguyện, cho đến mức cùng đời vị lai. Tuân theo Quán Kinh tu Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Thập Đại Nguyện Vương.
23/12/2015(Xem: 10754)
Hễ phát tiểu nguyện thì không hợp nhân quả, chẳng được vãng sanh. Tại sao ? Vì tiểu nguyện chỉ phát nguyện cho một mình được vãng sanh, nếu không trở lại đầu thai thì làm sao có quả báo ? Bây giờ chẳng nói về kiếp trước, chỉ nói kiếp này : Từ nhỏ tới lớn có sát sanh không? Có giết chết con muỗi con kiến không ? Có ăn thịt chúng sanh không ? Theo nhân quả là một mạng phải đền một mạng, ăn một cục thịt trả một cục thịt, thế thì làm sao trả nợ mạng, nợ thịt? Nên phải phát đại nguyện.
24/07/2015(Xem: 16001)
Tập sách này không phải là một tiểu luận về tâm lý học nên không thể bao quát hết mọi vấn đề nhân sinh, mục đích của nó nói lên sự tương quan của Ý, Tình, Thân và tiến trình phiền não...
10/07/2015(Xem: 6634)
Hầu hết các kinh luận Đại thừa đa số đều thuyết minh tổng quát về pháp môn niệm Phật. Trên thực tế hình thành pháp môn Tịnh Độ phổ biến từ tư tưởng các bộ kinh căn bản như Kinh Bát Chu Tam Muội (Ban Châu Tam Muội), Kinh A Di Đà, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Hoa Nghiêm và Kinh Thủ Lăng Nghiêm và nhiều bộ kinh khác. Pháp niệm Phật đến với quần chúng ước tính khoảng mười tám thế kỷ qua (Tính từ khi Kinh Ban Châu Tam Muội được dịch tại Trung quốc năm 179 s.dl.), và pháp môn Tịnh Độ được hình thành và phát triển thời tổ sư Huệ Viễn (334-416 TL) cho đến ngày nay. Thực tế lịch sử đã chứng minh pháp môn niệm Phật đã đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực truyền bá Phật giáo Đại thừa. Y cứ từ kinh điển liên quan Pháp môn niệm Phật, trên căn bản thì thiền sư Tông Mật (784-841), tổ thứ năm của tông Hoa Nghiêm đã phân thành bốn phương pháp niệm Phật. Đó là trì danh niệm Phật, quán tượng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật và thật tướng niệm Phật. Từ thời đại Tổ Liên Trì về sau
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]