Lá bối 1996
DUY BIỂU HỌC
Giảng luận
Thiền Sư Nhất Hạnh
---o0o---
4.
Hạt giống của vô minh
Của Triền sử, ái nhiễm
Quấy động thành vọng thức
Khi danh sắc hiện hành.
Ta có hạt giống của vô minh. Vô minh là sự thiếu sáng suốt, hiểu lầm, hiểu sai nên ta có nhiều hạt giống vô minh lắm chứ không chỉ một hạt. Chúng ta hiểu lầm thế giới, hiểu lầm làm con người, hiểu lầm các loài động vật, các loài cây cỏ. Chúng ta hiểu lầm bản thân của chính chúng ta. Những hạt giống về vô minh (ignorance hay lack of understanding) đó có thể là những hạt giống sẵn có hay những hạt giống trao truyền. Ta có thể tiếp nhận những hạt giống vô minh từ tổ tiên, từ xã hội trao truyền. Gần mực thì đen. Nếu chúng ta ở gần những người có nhiều thù hận, nhiều hiểu lầm và chia rẽ thì chúng ta sẽ tiếp nhận những hạt giống thù hận đó. Đó là những hạt giống vô minh được trao truyền bởi những người sống xung quanh đó. Hạt giống của vô minh, của triền sử, ái nhiễm. Triền sử dịch là samyojana hay nội kết. Nội kết êm ái hay không êm ái cũng là triền sử cả. Nó có hai tác dụng trói ta lại gọi là triền và tác dụng thứ hai là nó đẩy chúng ta làm những việc mà ta không muốn làm gọi là sử (sai sử). Nhiều khi mình biết cái đó không có lợi cho mình cho bạn mình mà vẫn cứ làm. Đó là vì mình bị sai sử. Không có tự do, bị trói (triền). Ví dụ mình bị sự sai sử của ma túy (tập khí của ma túy). Hạt giống đó nằm trong tâm. Vì thân cũng là tâm. Thân là biểu hiện của tâm. Ta biết a lại gia thức nó biểu hiện thành thế gian: khí thế gian (sông núi vạn vật bao quanh mình) và tình thế gian (con người của mình). Thành ra hạt giống ma túy nó được trồng vào trong thân và trong tâm. Và khi đã được trồng vào rồi thì nó ma đưa lối, quỷ dẫn đường, cứ như những chốn đoạn trường mà đi. Tức là những chỗ có hút xách.
Cũng như một người con trai bất đầu yêu cô nào đó thì hạt giống nội kết êm ái cứ trồng vào thân và tâm người đó. Thành ra bữa nào cũng đi về con đường đó. Hôm nào có chút thì giờ rảnh đều đi về con đường đó, con đường đi về nhà nàng đó. Mà đi như vậy không phải cố tình đâu. Đôi khi anh chàng biết rất rõ là đi ngang cũng không thấy được mặt tại vì đi ngang cô ta đang ở trong phòng chứ chứ đâu có hiện ra cho mình thấy nhưng mà triền sử nó cứ đeo mình đi vậy thôi... Sức mạnh mà nó đẩy mình đi là nội kết, nội kết êm ái. Hạt giống của ái nhiễm. Do nhiễm mà bị dính những gì không trong sáng, không tự do, không hạnh phúc. Tất cả những hạt giống vô minh, triền sử dó nó nằm sâu trong thức a lại gia, nó tạo thành một sức mạnh, một nguồn năng lượng, quấy động và khiến cho a lại gia trở thành vọng thức. Vọng thức tức là nhận thức trong đó có sự mê, vọng, sai lầm. Vọng sai lầm, ngược với chân. Chân là sự thật, vọng là giả. Ví dụ ngoài vườn có tàu lá chuối lấp lánh dưới ánh trăng. Mình thấy rõ tàu lá thật mầu nhiệm thì đó là chân. Còn cũng tàu lá lấp loáng mà mình tưởng là thoáng thấy một bóng trắng mặc áo dài tha thướt đi lại. Dó chỉ là bóng ma của vọng tưởng của mình. Vọng thức là nhận thức của mình sáng tạo ra những hình ảnh không phù hợp với sự thật. vọng thức là trong chúng ta có một nguồn năng lượng tập hợp bởi hạt giống của vô minh, của triền sử, của ái nhiễm, nó quấy động và nó làm cho a lại gia trở thành vọng thức.. khi có vọng thức rồi thì nó sẽ phát hiện ra danh và sắc (nama rupa). Danh là tâm lý, sắc là sinh lý. Ta biết rằng con người là một tập hợp ngũ uẩn. Con người là một thôi. Nếu mà chia ra thì ta có thể chia hai hay chia năm. Chia hai thì danh (tâm lý) và sắc (sinh lý). Chia năm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức… Sắc là sắc, là danh, là thọ, tưởng, hành và thức.
Học tới câu thứ tư của bài tụng này khi danh sắc hiện hành thì ta tự nhiên nghĩ đến đạo lý mười hai nhân duyên. Mười hai hữu chi, Bhavanga. Chi thứ nhất là vô minh. Thứ hai là hành. Hành là sức mạnh tạo ra vọng thức, tạo ra vấn đề, tạo ra bất an, tạo ra ham muốn, tạo ra sự chạy theo mà cái gốc của nó là vô minh triền sử và ái nhiễm. Khi nào mà trong lòng mình trong con người mình mà có hành thì mình biết là mình sẽ phải chạy, chạy theo cái gì đó, phải làm cái gì đó. Có cái lực nó thúc đẩy mình bên trong. Vô minh tạo ra hành. Ví dụ như mình hiểu lầm người nào đó thì có cái nguồn năng lượng bực bội giận hờn sinh ra. Nguồn năng lực bực bội giận hờn là hành. Trước đó mình khỏe ru, nhẹ nhàng… Vô minh sinh hành. hành sanh thức. Có thức nên phân biệt là tôi bị anh đó khinh khi, xài xể. Anh đó với tôi là khác. Cái đó là thức, tức là phân biệt. Thức đây là a lại gia. Mà a lại gia này là vọng thức ô nhiễm, rồi thì thức sẽ đưa tới danh và sắc. Thức ở ngoài đời không có nghĩa rộng như trong Duy Biểu học. Thức đây trước hết là thức a lại gia. Sinh lý và Tâm lý gọi là danh (tâm lý) và sắc (sinh lý). Khi đó thì danh và sắc hiện hành. những hạt giống của sinh lý và tâm lý nó hiện hành. Vì vậy, nên mình có đủ sắc thọ tưởng hành thức.
Khi đọc bài kệ thứ 16 này mình nhớ tới mười hai hữu chi: vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên…
Nương vào A lại gia
Phát hiện thức mạt na
Tác dụng là tư lương
Níu lấy tàng làm ngã
Thức mạt na này cũng được phát sinh từ thức gốc. Thức gốc là căn bản thức, là A lại gia thức. Thành ra thức này không phải là một thực tại độc lập. Thức này cũng chuyển hiện từ thức A-lại-da, nó nương trên thức a lại gia phát hiện nên được gọi là chuyển thức. Chuyển thức (pravritti vijnama) là một nhận thức được sinh khởi, chuyển hiện từ thức căn bản. Chúng ta có 7 chuyển thức (evolving consciousness) và một căn bản thức. Mạt na là thức mà đồng thời cũng là căn. Căn của nó là a lại gia. Nó nương vào a lại gia, nó khởi, và thành ra chuyển thức. Rồi căn cứ trên trung tâm mạt na làm căn ta có thức thứ sáu là ý thức. Ý thức lấy mạt na làm căn cứ. Thành ra thường ta gọi mạt na là ý căn. Có sáu căn: mắt, mũi, lưỡi, thân và ý (ý đây là ý căn là mạt na). Khi ta nói đến sáu thức thì có: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Sáu căn đó chạm với sáu trần là: sắc thanh hương vị xúc pháp thì nó sinh ra sáu thức. Ý là ý căn cũng là thức mà ta không gọi gọi là ý thức. Manas là một chữ rất quan trọng. Thường nói tới thức, ta nói đến chủ thể và đối tượng của thức. Ta nói tới thức với ý niệm, chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, tức là hai phần. Nhưng trong Duy Biểu học thì thức có ba phần: kiến phần, tướng phần và tự thể phần. Phần (bhaga). Khi ta nói về thức thường nói có hai phần: chủ thể và đối tượng. Nghe thì phải nghe gì, thấy thì phải thấy cái gì chứ không thấy suông được. Nên điều mình phải ghi tâm khắc cốt là thức nó bao gồm cả chủ thể và đối tượng. Nếu không có đối tượng thì cũng không có thức.
Triết học Tây phương có thuyết hiện tượng luận của Hussert rất thiết thực luôn nhấn mạnh về điều đó nghĩa là ý thức thì phải ý thức về một cái gì. Conscience dst toujours conscient de quelque chose. Trong đạo Bụt, Duy Biểu cũng nhấn mạnh về các điều đó. Giận là giận ai, buồn là buồn ai, buồn gì, lo là lo gì, suy nghĩ là suy nghĩ cái gì. Tất cả những cái đó là thức. Không có thể thức khi không có đối tượng. Khi mà hai cái xáp vào nhau, căn và trần thì nó sinh ra thức. Hai cái đi đôi như hình với bóng. Hai cái đó đồng thời phát sinh nhưng có nhiều người cứ nghĩ là thức có phân nửa thôi (chủ thể) và khi ra nó gặp cái này thì biết cái này, gặp cái khác thì biết cái khác. Đó là một cái tập quán sái, nó làm cho ta không hiểu duy biểu. Trong Ba Mươi Bài Tụng có câu: “Thị chư thức chuyển biến, phân biệt sở phân biệt”. nghĩa là những thức đó nó chuyển biến ra phân biệt và bị phân biệt, nghĩa là chủ thể phân biệt và bị phân biệt là đối tượng. Danh từ chủ thể và đối tượng là những danh từ triết học bây giờ. Trong danh từ cổ điển Duy Thức Học thì có danh từ: kiến phần (darsanabhaga chủ thể nhận thức), tướng phần (nimittabhaga đối tượng). Nhưng trong Duy Biểu học, quý Thầy có nói tới phần thứ ba coi như là căn bản thì gọi là tự thể phần (svabhavikabhaga). Ba phần đó giúp cho mình hiểu được rằng trong mỗi hiện tượng tâm lý nó có chủ thể, đối tượng và bản chất của thức làm nền tảng cho hai phần kia. Ví dụ như chúng ta đem cái dĩa này ra làm hai phần: mặt lưng và mặt bụng. Mặt lưng không thể nào có được nếu không có mặt bụng. Mặt bụng không thể nào có được nếu không có mặt lưng. Đó là kiến phần và tướng phần nhưng còn phần thứ ba nữa là bản chất của cái dĩa, cái chất sành, kaolin làm ra dĩa. Nếu không có chất kaolin làm ra dĩa thì không có phần kiến cũng không có phần tướng. Phần thứ ba mà gọi là phần cũng chưa đúng hẳn. Ý muốn nói cái gì cũng có bản chất của nó. Cái bản chất đó nó chứa đựng tất cả mọi cái không phải là kiến phần và tướng phần mà thôi.
Trong tám thức và năm mươi mốt tâm sở cái nào cũng có ba phần: kiến phần, tướng phần và tự chứng phần. Chứng có nghĩa chứng minh rằng tôi là nguồn gốc của hai phần đó. Không có tôi thì không có gì cả. Hai cái đó mà không có thì tôi cũng không có luôn. Ba cái cùng có, nương vào nhau mà có như một nhóm cây lau chống đỡ nhau. Kiến phần, tướng phần và tự thể phần trình bày ra để ta có được cái thấy, cái nhận thức. Còn như nếu mình chia từng phần ra làm từng phần là mình phản lại thâm ý của của người trình bày. Tại vì một phần nó chứa cả hai phần kia. Nghe pháp thì phải thực tập đừng có bị động. Thầy nói cái gì mình phải nhìn sâu và hiểu được xuyên qua lời nói. Cũng như hồi nảy Thầy nói: Bây giờ ta rời lãnh vực thức thứ tám để sang thức thứ bảy, thì mình phải có phản ứng đó liền thì cái học mới đi tới nơi tới chốn. Cái học này là cái học hành. Vậy thì thức A lại gia cũng có ba phần. Phần là kiến, một phần là tướng và một phần là tự thểâ phần…
Bên phần tướng này ta thấy gì? ta thấy sự biểu hiện của thế giới, của căn thân. Biểu hiện a lại gia, là thế giới tánh cảnh, độc ảnh và đới chất, mười tám giới hình thành. Là anh chàng tướng phần này: khí thế gian là thiên nhiên, tình thế gian gồm các loài chúng sanh và con người trong đó có mình. Và tất cả những gì mình nhận thức đều căn cứ trên cái tướng phần a lại gia. Tướng phần này có thể dịch là object. Kiến phần là subject. Tướng phần của a lại gia là sự biểu hiện của thức a lại gia thành ra thế giới loài người, loài vật, cây cỏ. Tất cả những gì thuộc về đối tượng nhận thức của mình là tướng phần của a lại gia. Thành ra kiến phần là nó ôm, nó duy trì lại. Trong này vừa có chủng tử vừa có hiện hành. Những hạt giống trong này là do thức a lại gia giữ gìn và những cái hiện hành mà mình nhận thấy như là sông núi, chị Ngọc Tuyền… những hiện tượng đó đều phát hiện từ thức a lại gia. A lại gia là tác dụng của duy trì và làm biểu hiện ra. Biểu hiện a lại gia là thế giới tánh cảnh, độc ảnh cảnh và đới chất,mười tám giới hình thành. Thức thứ bảy là mạt na cũng phát hiện từ tự thể phần của thức a lại gia và nó biểu hiện ra thành thức thứ bảy gọi là mạt na. Chúng ta đừng kỳ thị quá, nói cái tướng nó khác với tự thể ví dụ nói cái lưng của cái đĩa nó khác với cái chất đất sét làm ra cái đĩa là sai lắm. Cũng như cái bụng của cái đĩa không phải là cái lưng cũng sai lắm. Vì vậy cho nên tất cả những cái chủng tử những hiện hành nó chỉ nằm ở gốc tướng phần mà thôi. Kiến cũng là tướng, tướng cũng là tự thể phải không? phải tập như vậy mới được. Nếu không thì không thể hiểu được. Đây là vấn đề thực tập. Nghe và hiểu nếu không thì bị kẹt. Chính nhiều Thầy hồi xưa viết sách về duy thức cũng bị kẹt chứ đừng nói học viên bình thường. Mạt na là một chuyển thức, có gốc rễ từ thể a lại gia, phát hiện ra thành một tác dụng nhận thức và đối tượng của nó là kiến phần của a lại gia. Nó ôm lấy một phần của a lại gia và nó cho đó là người yêu của nó. Nương vào a lại gia phát hiện ra thức mạt na, tác dụng là tư lương, níu lấy tàng làm ngã. Tư lương là chữ mà các Thầy đọc như vậy. Thật ra phải đọc là tư lượng. Tư là suy tư, lượng là đo lường tính toán. Anh chàng này chỉ làm cái việc đó thôi. Đó là tôi, anh đừng chen vào, anh đừng đụng tới. Cái đó gọi là tư lượng. Mentation, Cogitating, Cogitation. Đêm ngày mạt na chỉ làm việc ôm ghì, níu lấy thôi. Đối tượng của mạt na không phải là tướng phần của thức a lại gia mà nó ôm kiến phần của a lại gia. Cố nhiên kiến thì cũng ôm tướng phần. Trong kiến có tướng. Nhưng mà ở đây nói rất rõ là cái chủ thể của a lại gia. Và đây là đối tượng của mạt na, níu lấy chéo áo của a lại gia và biến thành ra một đối tượng. Và đối tượng đó là ngã “níu lấy tàng làm ngã”.
Đối tượng của mạt na
Là ngã tướng đới chất
Phát sinh từ giao thoa
Giữa ý và tàng thức.
Tam cảnh: Tánh cảnh (the realm of things in themselves), Đới chất cảnh (the realm of representations) và Độc ảnh cảnh (the realm of mere images). Cảnh của thức thứ tám là Tánh cảnh. Nó duy trì, nuôi nấng, và biểu hiện bằng cách trực tiếp, ngay thẳng, không suy luận gì cả. Đối tượng nhận thức của mạt na là Đới chất cảnh. Là cảnh do dựa vào tánh cảnh mà tạo ra vẽ riêng theo ý mình. Đó không là tự thân của tánh cảnh. Đó là một sáng tạo phẩm của bản thân mình căn cứ trên tánh cảnh. Thành ra đối tượng của sự yêu thương, ghì chặt của mạt na không phải là bản thể của a lại gia mà nó là một hình ảnh do mạt na tạo ra từ sự biến kế, níu kéo của mình.
Giống hệt như trong trường hợp yêu thương của nam nữ. Nhiều khi mình không yêu người đó. Mình tạo ra một hình ảnh của người đó và yêu cái hình ảnh đó. Và chính trong cái yêu đó, do vọng thức mà có nhiều vô minh cho nên sau mới khổ. Từ từ sống chung, đi chơi với người đó rồi mới khám phá ra những cái ngược lại với hình ảnh của mình tạo ra liền đem tới sự đau khổ. Đối tượng của mạt na, là ngã tướng, đới chất phát sinh từ giao thoa giữa ý và tàng thức. Tức là sự động chạm giữa mạt na và tàng thức. Sự giao thoa giữa hai nguồn năng lượng tạo ra một đối tượng và đối tượng đó là đối tượng của mạt na. Nó không là tàng thức nhưng nó có chút bản chất của tàng thức, đèo theo một chút chất liệu của tàng thức. Đới tức là quảy theo, đèo theo, mang theo, mang theo có hơi hưởng của bản chất. Đó là người trong mộng. Người trong mộng làm cho mình khổ, cho nên “làm sao giết được người trong mộng”. Người trong mộng có tính cách hôn mê. Mạt na làm suốt ngày suốt đêm. Mạt na làm việc có tính chất hôn mê trong đó có hơi nhiều. Ý là một chữ rất hay để dịch qua mạt na. Ý cũng có nghĩa là yêu “ý trung nhân” tức là người trong ý của mình, người yêu. Bây giờ mà nói tôi yêu anh thì nói “ngã ý trung nễ” phải không? trong bài dịch về tám thức Thầy dịch là the lover. Tại vì trong những bài tụng của Thầy Huyền Trang. Thầy dịch về ý như vầy “Đới chất hữu phú thông tình bản”. Đối tượng của thức thứ bảy là đới chất cảnh và tính chất của nó là hữu phú tức là bị che mờ. Thức đó là thức bị che mờ nên mới yêu kiểu đó. Và cái hình ảnh của người yêu, cái đối tượng của nhận thức nó liên hệ tới tình và bản. Bản là căn bản thức, thức thứ tám malavijnana, nó cũng liên hệ tới mạt na là người tình. Thông là liên hệ. The object of manas is the realm of representations. The nature of that consciousness to the lover (manas) and the base (alaya). Because alaya vijnana sometime called the root consciousness. The encounter between the base consciousness and the manas bring about the object created by manas and this object is linked in one hand to the lover (manas) and on the other hand oh the alaya vijnana.
Thầy Huyền Trang có dùng chữ tình. Tình là thức thứ bảy, tình nhân. Loài người có khi gọi là loài hữu tình. Các loài khác cũng gọi là hữu tình. Có những loài đất đá khoáng chất thì người ta gọi là vô tình. Không chắc “Làm sao em biết bia đá không đau”. Vì đều có tình. Nó cũng là thức. Đối tượng của mạt na là ngã tướng đới chất. Ngã tướng là do mạt na tạo ra, căn cứ trên chất liệu a lại gia. Đối tượng đó không phải tự thân a lại gia mà được phát sinh từ sự giao thoa giữa a lại gia và thức thứ bảy. Ví dụ như cánh tay của tôi đây, nó phát sinh từ thân thể tôi và trở lại ôm thân thể tôi. Vấn đề là cánh tay này có thể tiếp xúc trực tiếp với thân thể tôi không, hay là nó tạo ra một hình ảnh của thân thể tôi để nó chỉ tiếp xúc một phần thôi. Tại vì thiếu chánh niệm, thiếu sự sáng suốt thì bàn tay mình có rờ vào thân thể mình cũng không xúc tiếp được với thực thể của thân thể mình. Thức mạt na cũng vậy. Nó xuất phát từ bản thể của a lại gia thì chúng ta thấy gốc rễ bản chất của mạt na nằm ở tàng thức “hạt giống của vô minh của triền sử ái nhiễm, quấy động thành vọng thức khi danh sắc hiện hành”. Khi nhìn vào hiện tượng mạt na chúng ta nhìn sâu và chúng ta có thể nhận diện được những hạt giống những tính chất nằm trong hạt giống này vô minh, triền sử, ái nhiễm… Nhìn cái này thấy được cái này, như là nhìn vào trái chanh thì thấy được cây chanh. Nhìn vào hoa cải thì thấy được hạt cải, lá cải. Vì vậy cho nên mạt na nó có tính cách hữu phú là bị cái màn mờ ám nó ngăn che. Ta sẽ hỏi mạt na như vậy là một tên tà giáo ta phải loại trừ mạt na ra phải không? Thật ra trong mạt na nó cũng chứa đựng a lại gia, nó chứa đựng đủ thứ trong đó có Phật tánh, như trong rác chứa đựng hoa vậy. Trong này có tất cả mọi cái. Tại vì tất cả mọi thứ, mọi tâm vương, tâm sở đều có tính cách tương tức, tương nhập vừa có tính chất chung và riêng. Vì vậy cho nên tuy mạt na bị che lấp nhưng mà trong mạt na mình thấy được sự có mặt của mọi thứ khác nữa. Ví dụ như bông hoa mình thấy mặt trời, phân bón, đất. Tại vì một cái đó mang theo tất cả các cái khác. Một là tất cả phải tập nhìn như vậy. Nếu không thì mình bắt đầu phàn nàn “anh chàng mạt na này thiệt à, mình khổ là vì nó! Thôi nó đi đâu cho rảnh mắt mình. Trong thực tập đạo Phật không có kể thù là vậy. Kẻ thù là do mình. Mình chịu trách nhiệm về người đó. Đối tượng của mạt na là ngã tướng, đới chất. Ngã tướng là image of itself. Nhưng nó chi là đới chất cảnh thôi. Đới chất cảnh theo danh từ triết học ngoài đời nó gọi là ý tượng. Đó chỉ là những ý tượng tức là những hình tượng trong ý mình thôi. Chứ sự vật ở ngoài, ở nơi sự vật nó không như vậy. Representations danh từ này ông cố đạo Berkelay chủ trương Duy tâm luận nhưng mình mượn đỡ danh từ ý tượng để cho người Tây phương hiểu được đưói chất cảnh là gì. Tới đây quý vị cần thấy thêm nữa.
Trong Duy Biểu học nó có ý niệm gọi là bốn duyên và các học phái khác cũng vậy đó là bốn điều kiện:
1/ Nhân duyên là Hetupratyaya ví dụ hạt lúa là nhân duyên làm ra cây lúa. Hetu là nhân. Nhân chữ Hán viết có chữ đại bên trong và vây quanh bởi một cái ô vuông. Tức là tuy bị giam hãm trong cái vỏ nhỏ xíu nhưng nếu đủ nhân duyên thì nó sẽ trởi thành rất lớn.
2/ Tăng thượng duyên tức là adhipatipratyaya tức là những điều kiện giúp vào cho nhân duyên phát triển. Ví dụ như nắng, mưa, đất… đối với hạt lúa để giúp hạt lúa thành cây. Có những thuận tăng thượng duyên và nghịch tăng thượng duyên. Không phải lúc nào cũng nghịch tăng thượng duyên cũng xấu. Ví dụ có người sắp lầm lỗi nhưng nhờ nghịch tăng thượng duyên nên không làm bậy được. Vì vậy nghịch tăng thượng duyên rất lợi lạc.
3/ Sở duyên là alambanapratyaya. Sở duyên là đối tượng của nhận thức. Không có sở duyên thì không có nhận thức. Vì vậy điều kiện sở duyên là điều kiện thiết yếu cho thức. Tại vì thức mà không có sở duyên, không có đối tượng thì không gọi là thức được. Phải có chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Vậy thì thức mạt na có nhận duyên từ tự thể phần. Nhưng nó nhờ kiến phần của a lại gia làm đối tượng rồi nó tạo ra sở duyên của nó. Nhưng mà kiến phần này không là đối tượng trực tiếp, không là sở duyên trực tiếp của mạt na. Mạt na nương vào kiến phần của alaya mà tạo ra một sở duyên của riêng mình. Đây là người trong mộng (tri giác sai lầm) chứ đâu phải là người thật, không là kiến phần a lại gia thật. Ta nên biết kiến phần của a lại gia đóng vai tăng thượng duyên, duyên thứ hai, nhưng điều kiện để mạt na có thể căn cứ trên những điều kiện rồi tạo ra sở duyên của mình. Ta nhớ lại hồi Cấp Cô Độc đi về Vương Xá và thấy người anh rể đang dọn nhà dọn cửa để thỉnh Bụt tới thọ trai. Ông thấy lần này sao mà anh rể mình lơ là với mình qua. Sau khi biết lý do vì người anh bận thỉnh Bụt và Tăng đoàn tới thọ trai, cấp cô độc nghe tin đó bỗng trong tâm phát sinh một hình ảnh về Bụt và yêu Bụt liền. Cấp Cô Độc chưa hề tiếp xúc với tánh cảnh về Bụt đâu. Hình ảnh trong tâm Cấp Cô Độc trước nhất là một hình ảnh đới chất, là một ý tượng về Bụt. Ý tượng đó là sở duyên. Sở duyên này nó dựa trên tăng thượng duyên kia (những lời của người anh, cách người anh chuẩn bị…)
Sau này là để tử Bụt, Cấp Cô Độc có thể tiếp xúc trực tiếp với tánh cảnh của Bụt và sở duyên của ông về Bụt càng ngày càng sáng, càng đúng, English: For a thing is born, that thing needs 4 kind of cause. Manas has been born from a coverted seed in alayavijanana (first cause: hetupratyaya). There are other conditions like the subject part of alaya and manas bent on that part (second kind of cause: adhipatipratyaya) and basing on that created its alambanapratyaya object of consdiousness (third kind of cause). So the darsanabhaga (subject of consciousness of alaya) is the condition favorable to the fabrication of the beloved one (the wrong perception) of manas, the converted reality. The beloved one of manas is the almbanapratyaya, the object of knowing, that beloved one favorable to that kind of creation.
4/ Đẵng vô gián duyên nghĩa là nó đều đều, liên tục, không dứt đoạn. Trong lòng hiện hữu của các hiện tượng cần có sự liên tục, không gián đoạn, đó là một điều kiện quan trọng samanantarapratyaya this condition is also important. This is called the continuity, the immediacy. Without that, there will not be a fruit. Because this flower of this previous moment. If there is no continuation no immediacy, then nothing is possible. Like the electricy in the computer. If electricy was cut then all will be erase.
Đây là bốn điều kiện mà mình phải tập để thấy sự hình thành của vạn vật. Tại vì mình nghe nó nhân quả nhưng mà nhân quả của mình hơi quá đơn sơ. Nhân duyên là hạt giống từ đó phát sinh mà một nhân duyên thì không có gì phát sinh cả. Vì vậy phải có tăng thượng duyên thuận và nghịch như mặt trời mưa và nắng.
Thứ ba là sở duyên. Sở duyên là điều kiện, đối tượng, điều kiện tất yếu để có nhận thức. Đó là đối tơnựg của nhận thức. Giận thì giận “ai” mới được, buồn hay thương “ai” mới được. “Ai” đó là đối tượng. Thành ra mấy nhà chính trị có khi họ phải tự tạo ra đối tượng kẻ thù để ho người ta ghét người ta ta tức là quên những lỗi lầm của chánh quyền này. Nhân duyên. Tăng thượng duyên. Và sở duyên duyên. Chữ duyên thứ ba là điều kiện, chữ duyên thứ hai là đối tượng nhận thức và cuối cùng và đẳng vô gián duyên là đều đều không dứt đoạn. Tại vì không có sự liên tục thì không có gì thành cả. Tôi của giờ phút này mà nếu không có tôi ở giờ phút trước thì tôi của giờ phút này không có được.
Ta ôn lại. Từ một hạt giống hay những hạt giống trong tư thế a lại gia mà ta vừa nhận diện được nghĩa là những hạt giống của vô minh, của triền sử, ái nhiễm nó quấy động thành vọng thức cho nên có một đợt sống từ biển cả trỗi dậy. Đợt sống đó tên là mạt na.
Trong kinh nhiếp Đại Thừa luận cũng như kinh Lăng Già có ví dụ tàng thức là biển cả và các chuyển thức là những đợt sóng. Và vì vậy cho nên mạt na là một chuyển thức phát sinh từ biển a lại gia. Mình nhận diện được gốc rễ của mạt na. Mạt na cúi xuống nhìn vào a lại gia gới sự trìu mến và sáng tạo ra một đối tượng và ôm lấy. Vậy nên alaya bị níu áo và không được giải thoát. Đối tượng của mạt na được tạo nên bởi sự giải thoát giữa mạt na và alaya và đối tượng này không là tánh cảnh, không là bản chất của thực tại mà nó là cái được tạo tác ra bởi cái chủ thể của mạt na hay alaya; và có dính líu với một chút bản chất nên gọi là đới chất cảnh.
Ý tượng. Điều quan trọng là học tới đâu mình nắm được tới đó thôi. Có những câu hỏi trong đầu có tánh cảnh trí thức, phân tích, ráng đừng hỏi. Ráng nuôi những câu hỏi đó. Trong khi mình nghe giảng mình phải thực tập an trú trong chánh niệm và nhất là dùng năng lượng của mình hiểu được thì bài giảng tới mình sẽ hơi bị lạc tông. Rồi khi nghe những bài pháp thoại kế tiếp từ từ mình sẽ tự khám phá ra câu trả lời.
“Đối tượng của Mạt na
Là ngã tướng đới chất
Phát sinh từ giao thoa
Giữa ý và tàng thức”
Chúng ta đang nói về đối tượng của thức Mạt na, tức là thức thứ bảy, và công dụng của Mạt na là tư lượng. Tư lượng là tác dụng của đo lường, suy nghĩ. Và tác dụng đo lường và suy nghĩ này là một loại trực giác. Nhưng trong cái trực giác đó có yếu tố sai lầm. Thức Mạt na phát sinh từ Alaya va nó níu lấy Alaya làm một phần đối tượng của nó. Nhưng mà đối tượng của nó không phải là tự thân của Alaya mà là một loại đối tượng phát sinh từ xúc chậm, từ sự giao thoa giữa Alaya và mạt na, đó là đối tượng đới chất.
Đới chất có nghĩa là không phải tự thân của bản chất, nhưng nó mang theo một ít chất liệu của bản chất, gọi là đới chất. Và đêm ngày mạt na cứ níu lấy cái đó, cho cái đó là cái ta của mình, đối tượng yêu thương của mình, đi theo để mà bảo vệ để mà giữ gìn, để mà bám víu. Vì vậy cho nên đối tượng của Mạt na không phải là tánh cảnh, tức là thực tại bản thân mà chỉ là đới chất cảnh. Tức là một đối tượng được tạo ra sự giao thoa giữa hai bên.
Không thực là bản chất, nhưng nó dính tới bản chất. “Đối tượng của Mạt na là ngã tướng đới chất”. Ngã tướng tức là một cái ta, đối tượng về một cái ta, và đối tượng đó là một đối tượng đới chất, là một ý tượng - nói theo danh từ triết học bây giờ - (representations chứ không pahỉ là réalité). Chúng sinh đối tượng đó nó phát sinh từ giao thoa giữa mạt na và thức thức tám.
Tới đây chúng ta nên nhắc một điều căn bản, tưc là tâm thức chúng ta có nhiều tác dụng.khi mà chúng ta học tơi bài học thứ 18 này thì chúng ta chỉ mơi học qua thức thứ 8 Alaya, và chúng ta đang học thức thứ bảy, thức mạt na. Thức có nhiều tác dụng (functions). Và chúng ta biết rằng trong tâm lý học, mỗi cái, mỗi cái tác dụng tâm lý được coi như là một thực tại tâm lý. Thành ra khi mà chúng ta chia ra làm tám thức và chúng ta thấy có tám tác dụng tâm lý. Và vì vậy cho nên chúng ta nói có tám thức, nhưng thực sự cái đó mình có thể hiểu là tám tác dụng của thức. Còn nếu như mình chia ra làm tám cái độc lập khác nhau. Tức là mình đã đi ngược lại với cái tinh thần đạo Bụt rồi, tức là trong tám cái đều có dính líu tới nhau cả. thành ra khi mình nói thức thứ tám và thức thứ bảy, mình có khuynh hướng nghĩ rằng hai cái đó là hai cái khác nhau nhưng mà kỳ thực tuy là mình phân tích để mà tìm hiểu như vậy nhưng mà mình phải thấy rằng giữa cái này và cái kia nó có liên hệ mật thiết, “mình với ta tuy hai là một, ta với mình tuy một mà hai”.
Ví dụ như có một người là Thầy Nhất Hạnh. Thì trông con người của ổng, nó có một nhà nghệ sĩ, ổng làm thơ, ổng viết văn, ổng trồng rau, cắm hoa. Rồi có một nhà đạo sĩ trong đó, thì trong đó có tác dụng của một nghệ sĩ, có tác dụng của một đạo sĩ. Trong con người đó còn có con người chiến sĩ, và còn có nhiều nữa. Có nhiều mặt của một con người nữa. Một người không có chịu thua, một người luôn luôn phấn đấu, một người muốn thực hiện một cái gì đó. Trong mỗi con người chúng ta đều có ít nhất là ba cái mặt. Đứng về phương diện nghệ sĩ mình có thể phân tích, mình có thể hiểu mình, mình sẽ tiếp xúc con người chiến sĩ trong đó. Như vậy không có nghĩa rằng người nghệ sĩ nó là một người độc lập với người chiến sĩ. Đây chỉ là những mặt khác nhau của một con người. Vì vậy cho nên khi mà mình học về tám thức, mình phải nhớ như vậy.
Tám thức đó không phải là tám phạm vi riêng biệt với nhau, không có dính líu với nhau. Những công dụng khác nhau của thức được gọi bằng một cái tên riêng, nhưng mà cái thực tại này cũng liên hệ tới thực tại khác. Và tuy rằng là tám mà là một, tuy rằng một mà là tám. Vì vậy cho nên khi ta nói drằng cái công dụng đầu tiên của thức là tàng, chúng ta nghĩ tới thức thứ tám vì thức thứ tám là tàng thức. Rồi bây giờ chúng ta đi sang công dụng thứ hai của thức là tư lượng, thì chúng ta nghĩ tới thức thứ bảy. Vì vậy cho nên tư lượng là một cái tác dụng thức hai của thức. Và cố nhiên là cái công dụng này, cái tác dụng này có liên hệ tới cái tác dụng kia và nó chịu ảnh hưởng cái tác dụng kia. Cái con người của nhà đạo sĩ nó có liên hệ tới con người của nhà nghệ sĩ và nó có liên hệ tới con người của nhà chiến sĩ. Tại vì nhà đạo sĩ chân chính thế nào cũng có con người của chiến sĩ ở trong. Mà con người của nhà chiến sĩ chân chính thế nào cũng có con người của nhà đạo sĩ ở trong.
Vì sáu chuyển thức khác
Đóng vai nhiễm tịnh y
Vừa thẩm lại vừa hằng
Hữu phú mà vô ký.
Chúng ta biết rằng thức thứ bảy được gọi là chuyển thức, chuyển thức tức là một cái thức được chuyển hiện từ căn bản thức, (pravrtti vijnana). Thức căn bản như là biển cả, mà chuyển thức cũng giống như những đợt sóng nó phát sinh từ biển cả. Vậy thì ngoài thức thứ bảy chúng ta còn có những chuyển thức khác, và còn có sáu chuyển thức nữa, tức là thức thứ sáu, ý thức và năm thức đầu là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức. “Vì sáu chuyển thức khác đóng vai nhiễm tịnh y”. Nhiễm tịnh y là một danh từ mới. Nhiễm tịnh y thức là cái căn bản của sự nhiễm và tịnh. Y tức là chỗ y cứ, tức là nền tảng, tức là căn bản. Tiếng Phạn là saraya. Tức là thức thứ bảy này nó là một nền tảng tịnh và nhiễm cho các thức khác, cho sáu thức khác. Mà tất cả những thức kia cũng đều được phát sanh từ thức căn bản. Bảy chuyển thức đó là Mạt na, ý thức, nhãn, tỷ, thiệt, thân thức. Trong bảy chuyển thức đó thì thức thứ bảy nó làm nền tảng cho sự nhiễm tịnh của thức thứ sáu và năm thức khác.
Nền tảng nhiễm tịnh là sao? Là những thức khác, nó dơ bẩn hay trong sạch đều có liên hệ đến thức thứ bảy. Vì vậy thức thứ bảy là nền tảng nhiễm tịnh của sáu thức đầu. Nếu mà thức thứ bảy bị che lấp quá nhiều, bị u mê quá nhiều thì thức thứ sáu và năm thức đầu bị nhiễm nhiều. Nếu mà thức thứ bảy được giải thoát nhẹ nhàng hơn thì sáu t hức khác cũng được nhẹ nhàng hơn, giải thoát hơn. Cho nên gọi là nhiễm tịnh y.
Địa vị của người yêu (mạt na) ở trong này rất là quan trọng, yêu mà yêu một cách mê mờ, một cách ngu si thì tất cả đều lãnh đủ hết. Tại vì ý (mạt na) tức là người yêu cho nên cái chất liệu của si mê của thức thứ bảy nó càng lớn chừng nào thì chất liệu, si mê ở thức thứ sáu và năm thức khác càng lớn chừng đó. Khi mà thức thứ bảy càng được cởi mở chừng nào, được rộng rãi thế nào thì thức thứ sáu và các thức trước cũng được hưởng chừng đó. Cho nên thức thứ bảy gọi là nhiễm tịnh y là nền tảng của ô nhiễm hay là thanh tịnh của của sáu thức trước ở trong con người của chúng ta, nó có phần lý trí và tình cảm. Chúng ta thường nói rằng: lý trí dẫn đạo cho hành động và khi mà chúng ta thấy , hiểu thì chúng ta cứ làm theo đó. Nhưng mà sự thực có khi không phải như vậy. Cái lý trí nhiều khi yếu hơn. Chúng ta thấy như vậy, chúng ta hiểu như vậy nhưng mà chúng ta không làm theo như vậy là tại vì các tình cảm trong chúng ta nó mạnh hơn. Điều đó chứng tỏ rằng thức thứ bảy rất mạnh, nó làm chỗ y cứ, làm nền tảng cho hành động.
“Vì sáu chuyển thức khác, đóng vai nhiễm tịnh y, vừa thẩm lại vừa hằng, hữu phú mà vô ký”. Thẩm tức là tư lượng, tức là luôn luôn có sự thẩm sát, có sự so đo, có tính toán, reflecting (cogito). Tiếng Anh có thể dịch là mentation. Thẩm tức là có suy nghĩ, có đo lường, có tính toán ở trong gọi là thẩm.
Thức thứ tám, nó không thẩm. Nó không có tác dụng thẩm, nó chỉ có tính hằng và chuyển thôi. Vừa chuyển lại vừa hằng. Anh chàng này cũng hằng, tức là anh chàng cũng có mặt ở đó hai mươi bốn giờ trong một ngày, permanent. Thẩm là reflecting. Hằng là always. Thành ra thức này với thức thứ tám có một cái giống nhau: hai chàng đều là hằng cả. Vì thức thứ sáu không có hằng. Thức thứ sáu ban đêm khi nằm ngủ mà không có mơ tức là nó đi nghỉ. Nó không có hằng. Ban đêm mà ngủ ngon không có mộng thì thì thức thứ sáu được nghỉ ngơi, khỏi làm việc, nó không hiện khởi. Thành ra thức thứ sáu không có hằng. Trong khi đó thì thức thứ tám luôn luôn có hằng. Tại vì thức thứ tám mà không có hằng thì trong khi ngủ mình sẽ chết. Thức thứ bảy cũng vậy. Khi mà mình chết rồi thức thứ tám và thức thứ bảy còn y nguyên. Nó hằng. Nhưng mà thức thứ sáu nó lặn đi. Nó sẽ trở về cái hạt giống của nó, nó không có biểu hiện. Thành ra thức thứ bảy này nó vừa thẩm lại vừa hằng. Thẩm ở đây có nghĩa là tư lượng. Tư lượng ở đây tức là níu lấy cái đối tượng đó, cho cái đó là ngã là người yêu của mình, là cái quan hệ nhất ở trên đời, còn những cái khác không quan hệ. Ví dụ như cảm tưởng cái thân của mình là quan hệ nhất. Còn những cái gì xảy ra trong xã hội thì không quan trọng. Ví dụ như là có giặc giã ở bên Yougoslavie, cái đó không quan trọng, không có dính tới mình, hay là những cánh rừng lớn đang bị đốn ở Nam Mỹ, cái đó không có liên hệ gì tới mình, hay là thiên hạ xài xe hơi quá nhiều, làm ô nhiễm quá nhiều không khí của trái đất, cái đó không quan trọng gì với mình. Thì cái cảm tưởng, cảm giác, sự tính toán đó có thể là sự tính toán, sự tư lượng của thức thức bảy cũng có sự sai lầm ở trong đó, thiếu tính chất tí tuệ trong đó. Vì bất cứ cái gì xảy ra trong thiên nhiên và trong thế giới đều có động tới sự an toàn của cái ngã của mình nhưng mà mình cứ nghĩ rằng những cái đó không phải là ngã, cái này mới là ngã, thì cái đó là thiếu trí tuệ. Vì vậy cho nên thức này bị che lấp một phần rất quan trọng. Cho nên ở đây gọi là hữu phú. Hữu phú tức là bị che lại.
Vừa thẩm lại vừa hằng, hữu phú mà vô ký. Vô ký có nghĩa là không thiện mà cũng không ác. Ở đây chúng ta thấy có một sự giống nhau giữa thứ thứ bảy và thức thứ tám. Bởi vì thức thức tám cũng vô ký. Thứ thứ tám không phải thiện cũng không phải ác. Cái kho chứa của chúng ta không phải thiện cũng không phải ác và thức thứ bảy cũng vậy, không phải thiện cũng không phải ác. Nhưng có sự khác nhau thức thứ tám là vô phú, tức là không bị ngăn che. Trong khi đó thức thứ bảy bị ngăn che, có lẽ tại vì anh chàng này si tình cho nên gọi là có ngăn che. Hữu phú mà vô ký. Trong khi đó thức thứ tám là vô phú và vô ký.
Học tới đây rồi mới thấy vai trò quan trọng của thức thứ sáu. Vì chính thức thứ sáu đóng vai trò đem đuốc mà soi để chúng ta thấy được tình trạng hiện thời ở trong bản thân của thức thứ bảy và thức thứ tám. Và vì vậy cho nên ánh sáng chánh niệm mà thức thứ sáu đem tới mới có thể đóng được vai trò mà chúng ta trông đợi, tức là vai trò làm cách mạng. Tại cuộc cách mạng trong sự tu học là nhằm tới mục đích thay đổi tận gốc rễ cái tình trạng ở trong thức thứ bảy và thức thứ tám. Sự thay đổi đó gọi là sự thay đổi tận gốc chứ không phải là sự thay đổi trên mặt, cái thay đổi tận gốc đó gọi là chuyển y. chuyển y tiếng phạn là Paravriti asraya. Asraya là y, pdravriti là chuyển. Chữ y dịch là căn bản. Chuyển y tức là thay đổi tận gốc rễ. Chuyển tức là làm cách mạng, là đảo ngược lại, làm thay đổi như là chuyển hóa. Còn asraya là y, tức là chuyển hóa nhưng không chuyển hóa cái bề mặt, chuyển hóa tận gốc rễ của nó gọi là chuyển y. Transformation at the base. Và chính thức thứ sáu này có nhiệm vụ đem ánh sáng tới để chiếu rọi trong căn nhà của thức thứ bảy và thức thứ tám, để chúng ta thấy được tình trạng của căn nhà đó. Và chỉ có ánh sáng của chánh niệm mới tạo ra được ý thức, mới tạo ra sự thay đổi. Vì vậy cho nên, tuy rằng thức thứ tám và thức thứ bảy rất quan trọng trong sự tu học nhưng mà dầu sao hai thức đó vẫn đóng vai trò thụ động. Vì vậy cho nên hai thức đều được gọi là vô ký cả. Nó không đóng vai trò thiện và ác, nó đóng vài trò thụ động. Thụ động nhưng không có nghĩa là không làm việc. Làm việc rất giỏi. Ví dụ như đất chẳng hạn. Đất ruộng, đất vườn đâu có làm việc theo cái kiểu của người làm vườn. Đất nó không tự cày, không có tự bừa, không có tự bón phân, không cứ tự làm cỏ. Nhưng mà nếu không có đất thì người làm vườn chịu chết. Tuy vậy nếu người làm vườn có làm hết mình mà đất không có sự làm việc của đất thì cũng không đi đến đâu. Tại vì sau khi người làm vườn đã cày, đã bừa, đã xới, đã gieo hạt, đã tưới, thì lúc đó đất nó làm việc một cách tự nhiên. Nó cống hiến hoa trái. Ở đây thức thứ tám cũng vậy. Thức thứ tám nó làm việc, ví dụ như khi mình tới Làng Hồng để tu học, thì mình phải đem theo thức thứ sáu và thức thứ tám. Tức là phải đem theo đất theo. Tại vì nếu mà Thầy cho mình những bài pháp thoại, Thầy tặng cho mình những hạt giống của Phật pháp, những pháp môn tu học thì mình tiếp nhận bằng thức thứ sáu, mình phải có chỗ để gieo hạt giống đó vào, chỗ để gieo những hạt giống Phật Pháp là thức thứ tám, tức là đất. Khi một vị Thiền Sư trao cho một thiền sinh một công án, thì công án đó người đệ tử không thể nào giữ ở trong trí tuệ và trí năng của mình được. Trí năng là thức thứ sáu. Ví dụ thiền sinh nói như thế này: “Anh hãy cho tôi biết cái mặt mũi của anh nó như thế nào trước khi mẹ anh ra đời?” Thì đó là một công án được nêu ra hay là Thầy cho một công án rằng: “Cái tất cả nó đi về cái một, vậy thì anh cho tôi biết cái một nó đi về đâu?”. Đó là những công án cổ điển. Khi mà người thiền sinh tiếp nhận những công án, người đó phải đem vào trong con người mình và vùi chôn công án đó vào trong miếng đất của thức thứ tám, và ngày đêm dùng chánh niệm để tưới tẩm, để vun bón. Đi có chánh niệm, ngồi có chánh niệm, ăn có chánh niệm, uống có chánh niệm, và phải có đức tin ở thức thứ tám. Thức thứ tám nó làm việc ngày đêm. Người thiền sinh đi ngủ rồi nó vẫn làm việc. Một ngày nào đó, người thiền sinh thức dậy hoặc là đi vấp một cái thì tự nhiên nó bừng nở. Hoa trái của sự giác ngộ là do thức thứ tám nó làm ra. Vì vậy cho nên mình phải có đất. Mình phải tin cậy vào đất và tuy rằng thức thứ tám nó không có làm việc theo kiểu thức thứ sáu, nhưng mà công tác nó rất là quan trọng. Những hạt giống Phật Pháp mà Thầy trao, mình phải biết chôn vùi trong thức thứ tám. Nếu mà mình chỉ biết sử dụng thức thứ sáu để làm thay thể thao với Phật pháp, để chơi cái trò thể thao với những hạt giống Thầy trao thì mình không đi đến đâu cả. Điều này có nhiều người hay làm lắm. Nhưng điều mình đã được học với Thầy ở trong kinh , mình chỉ sử dụng thức thứ sáu thôi. Tức là mình suy nghĩ, mình đàm luận, mình nói ra để chơi thôi, chứ mình không biết đem những hạt giống Phật pháp đó chôn vùi ở trong thức thứ tám, và đừng có suy nghĩ quá về cái đó, chôn vào, vùi nó vào trong thức thứ tám, và bằng đời sống hằng ngày của mình, bằng chánh niệm của mình, đi, đứng, nằm, ngồi, nấu cơm, bửa củi, mình tưới tẩm những hạt giống đó. Thì thức thứ tám, miếng đất của mình, nó sẽ làm cho hạt giống kia nức mầm và ngày mai mình sẽ có hoa trái của sự giác ngộ.
Thành ra những người nào mà tu với thức thứ sáu, làm tất cả mọi cái với thức thứ sáu thì không bao giờ thành công được. “Lên non vùi hạt bồ để, xôn xao để lại dưới kia bụi hồng” tức là lên non mình phải vùi hạt bồ đề, không có được sử dụng như một trái túc cầu mà chơi với hạt bồ đề dó bằng trí năng của mình, mình phải ươm hạt bồ đề đó vào trong đất tàng thức, thì mai này mơi có hoa trái của sự giác ngộ. Vì vậy cho nên thức thứ bảy là vô ký và thức thứ tám cũng là vô ký. Vô ký không có nghĩa là không làm việc. Nó làm việc khác hơn thức thứ sáu. Thành ra trong bốn câu của bài kệ thứ 19 này, chúng ta thấy được rất nhiều dữ kiện của thức thứ bảy. “Vì sáu chuyển thức khác đóng vai nhiễm tịnh y” nó là nền tảng của sự thanh tịnh và sự ô nhiễm của sáu thức đầu. Nó nặng nề thì sáu thức đầu nó nặng nề, nó nhẹ nhàng bớt đi thì sáu thức đầu nhẹ nhàng bớt đi. Đó là vai trò nhiễm tịnh y của thức thứ bảy: vừa thẩm lại vừa hằng. Thức này ngày đêm đều làm công việc níu lấy thức thức tám và cho đó là cái ngã của mình. Và trong nhận thức đó có nhiều sai lầm. Và công việc tư lượng dó, làm cả ngày cả đêm không bao giờ ngừng nghỉ, cho nên gọi là hằng. “Vừa thẩm lại vừa hằng, hữu phú và vô ký” nó bị che lấp, tuy nhiên nó có tính cách vô ký và nhờ đó nên nó mới chuyển hóa được. Cũng như đất vậy. Đất có thể mọc gai góc, nhưng đất có thể mọc thành hoa trái rất thơm tho. Đất là vô ký. Thức thứ bảy cũng vô ký như thức thức tám.
Tương ưng năm biến hành
Bốn phiền não và Tuệ
Cùng các thứ đại tùy
Đều hữu phú, vô ký
Năm biến hành tức là năm tâm sở biến hành xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư. Thì tác dụng tư lượng của thức thứ bảy được biểu hiện trong năm tâm sở biến hành. Nó thường xuyên xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư. Xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư này làm cái công việc níu lấy tàng. Cho đó là cái ta của mình. Chúng ta biết rằng năm tâm sở biến hành là năm tâm sở có mặt trong tất cả các thức, cho nên gọi nó là biến hành. Biến hành (Universal) tương đương với bốn tâm sở phiền não. Bốn phiền não đó là ngã si, ngã mạn, ngã kiến, ngã ái. Ngã si tức là một quan niệm sai lầm về ngã. Si là hiểu lầm. Ví dụ như mình nói rằng: tôi là thân thể này, là cảm thọ này, tri giác này còn những cái gì không phải là thân thể này, là cảm thọ này, là tri giác này không phải là tôi. Cái đó là một ngã si, tại vì cái tôi này nó liên hệ đến tất cả vạn hữu, vạn vật. Chỉ nắm lấy một phần rất nhỏ, và tạo ra cái bóng dáng của thực tại đó mà cho là cái ta, thì cái ta đó không phải là cái ta chân thật, cho nên mới gọi là ngã tướng, đới chất mà không phải là tánh cảnh, gọi là ngã si (Ignorace à propos du moi). Ngã kiến tức là những cái thấy sai lạc về ngã (atman drsti). Ngã kiến tức là những cái nhận thức về ngã, cho rằng có một cái ngã độc lập, thường tại có một cái ngã có thể tồn tại ngoài những cái khác gọi là ngã kiến. Ngã mạn tức là thái độ cho rằng mình là giỏi hơn, hay hơn, đẹp hơn, quan trọng hơn (arrogance). Ngã ái tức là mình yêu mình nhiều quá mình bị dính vào mình nhiều quá, mình nói ra cái gì, mình làm cái gì, tất cả những cái mình nói, mình làm, mình suy nghĩ đều mang nặng cái tính chất ràng buộc vào cái ta của mình gọi là ngã ái. Bốn anh chàng đó nó có mặt luôn ở trong thức thứ bảy. Bốn phiền não là bốn anh chàng đó nó có mặt luôn ở trong thức thứ bảy. Bốn phiền não là bốn anh chàng đó: ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái. Tuệ ở đây tức là một trong năm tâm sở biệt cảnh (the five narticulars). Năm tâm sở biệt cảnh là dục, thắng giải, niệm, định và tuệ. Tuệ ở dây là một cái thấy mà không chắc cái thấy này là cái thấy đúng. Mình thấy cái gì đó, mình níu lấy cái đó, mình cho là chân lý tuyệt đối thì cái đó là một trong những tâm sở của thức thứ bảy và tương ứng với thức thứ bảy và cái đó là thấy rằng đó là cái quan trọng nhất. Đó là người yêu của mình, đó là tất cả cuộc đời của mình. Đó là cái tuệ và cố nhiên cái tuệ đó cũng bị hữu phú. Tất cả những tâm sở của thức thứ bảy đều hữu phú và đều vô ký có nghĩa là có thể bị mê mờ nhưng chuyển hóa được. Vậy thì chữ tuệ ở đây có nghĩa là một trong năm cái tâm sở biệt cảnh. Năm tâm sở biến hành là năm tâm sở phổ biến cho tất cả các thức. Còn năm tâm sở biệt cảnh thì không phổ biến cho tất cả các thức.
Tuy nhiên ở thức thứ bảy có tâm sở tuệ. Tức là mình cho cái thấy đó là mình, đó là người yêu của mình, là quan trọng nhất, là cái vật duy nhất cần bảo vệ, cần đeo đuổi, thì đó là một thứ tuệ bị che lấp “Cùng tám thứ đại tùy”. Đại tùy có nghĩa là những tâm sở tùy phiền não. Chúng ta có nhiều tâm sở (51 cái). Loại tâm sở đầu là tâm sở biến hành (the five unversals). Rồi đến thứ hai là tâm sở biệt cảnh (the five particulars). Rồi chúng ta có những tâm gọi là thiện tâm sở. Thiện tâm sở có 11. Rồi đến những tâm sở phiền não, thứ là bất thiện tâm sở.
Trong phiền não tâm sở có chia làm hai loại: một là phiền não căn bản và hai là tùy phiền não. Sáu căn bản phiền não gồm tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến
Phiền não căn bản là những cái tâm trạng nặng nề, độc hại nhất có khi gọi là độc tố. Ví dụ như là tham, sân, si gọi là tam độc, ba độc ở trong con người mình. Nhưng mà ở đây có tới sáu chất độc. Mình cho mình là số một thì đó là ngã mạn. Mình nghi ngờ người khác, mình nghi ngờ tất cả mọi cái thiện chí trên đời, mình nghi ngờ tất cả mọi giáo lý, mọi con đường thì đó cũng là một cái độc tố rất lớn. Và kiến tức là mình có những cái thấy sai lầm, những cái thành kiến thì sáu cái đó gọi là tâm sở phiền não căn bản. Cái thứ nhất trong này dịch là covetousness cái thứ hai dịch là hatred, cái thứ ba dịch là ignorance; cái thứ tư dịch là arrogance; cái thứ năm dịch là doubt; cái thứ sáu dịch là false view, tức là những cái thấy sai lầm.
Và tiếp theo là những phiền não, nó không phải căn bản mà là thứ yếu nên gọi tùy phiền não gọi là hatred affiction. Căn bản tức là basic. Phiền não là affiction. Thì những phiền não tùy thuộc, những phiền não nhẹ hơn gọi là tùy phiền não. Mà tùy phiền não được chia làm ba loại, gọi là 8 đại tùy, trung tùy và tiểu tùy.
Ở đây thức thứ bảy nó tương ưng với tám đại tùy, tức là phẩn (anger), hận (enmity), phú (concealment), não (affiction), tật (envy), xan (parsimony), cuống (dêcp-tion), siễm (fraudulence). Thì xin quý vị tham khảo bản này, nó có tên của tất cả các tâm sở ở trong này. Và hôm nay mình chỉ biết rằng là thức thứ bảy tương ưng với tám đại tùy phiền não. Xin đại chúng học thuộc tên của các tâm sở phiền não và tâm sở thiện phiền não.
5 biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng tư.
5 biệt cảnh: dục, thắng giải, niệm, định, tuệ.
11 Thiện: tín, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, cân, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại.
Bất thiện: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, phẩn, hận, phú, não, tật, xan, cuống, siễm, hại, kiêu, vô tàm, vô quý, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.
Học thuộc lòng. Mình học nhiều bài hát không có giá trị gì cả. Mà còn thuộc huống là mấy cái bịnh muôn đời này của mình, rất cần biết và gọi tên nó mỗi khi nó ló đầu ra.
Tất cả các phiền não đó đều theo thức thứ bảy. Những phiền não đó đều hữu phú và đều vô ký. Thành ra những tâm sở khi mà nó tương ứng với một tâm vương, tức là một cái thức thì nó mang tính chất đường lối của thức đó. Thành ra xúc ở thức thứ tám thì khác; mà xúc ở thức thứ bảy thì khác; xúc ở thức thứ sáu nó khác; xúc ở thức thứ năm cũng khác. Phải hiểu như vậy. Cho nên khi mình nói thức thứ bảy nó tư lượng, nói nó suy nghĩ thì suy nghĩ ở thức thứ bảy khác với cái suy nghĩ ở thức thứ tám. Nói là thức thứ bảy nó đo lường, nó cân nhắc nhưng mà cái đo lường và cái cân nhắc ở thức thứ bảy khác với sự đo lường và cái cân nhắc ở thức thứ tám. Chúng ta đọc lại bài kệ thứ hai mươi:
“Tương ưng năm biến hành, bốn phiền não và tuệ, cùng tám thứ đại tùy, đều hữu phú vô ký”.
---o0o------o0o---