LUẬN VỀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
- Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32
thuộc Luận Tập Bộ Toàn. Thứ tự Kinh văn số 1648.
Hán văn từ trang 399 đến trang 461 gồm có 12 quyển.
Tác giả: - Ngài A La Hán Ưu Ba Đề Sa (Uptissa)
Ngài Tam Tạng Tăng Già Bà La (Samghaphala) nước Phù Nam
dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán.
- Sa Môn Thích Như Điển, dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt
--o0o--
Quyển thứ 8
- A La Hán Ưu Bà Đề Sa
(đời Lương gọi là Đại Quang)
tạo luận nầy bằng chữ Phạn.
- Đời nhà Lương, người nước Phù Nam,
Ngài Tam Tạng Tăng Già Bà La
dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán.
- Sa Môn Thích Như Điển,
Phương Trượng Chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt,
ngày 17 tháng 5 năm 2006 nhằm ngày 20 tháng 4 năm Bính Tuất (nhằm ngày kỷ niệm tự thiêu của Bồ Tát Thích Quảng Đức, lần thứ 43).
Thứ 5
Hỏi rằng: Sao gọi là từ? Tu cái gì? tướng gì? vị gì? khởi cái gì và có công đức nào? Vì sao phải tu hành?
Đáp rằng: Như cha mẹ duy chỉ có một con, do chỗ tình yêu và nhớ thấy con mình nên khởi lên lòng từ. Khởi lên tâm làm lợi lạc. Như thế đối với tất cả chúng sanh. Lòng từ chính là tâm nhiêu ích. Đây nghĩa là lòng từ, làm cho kia tu giữ chẳng loạn; nên gọi là tu.Làm cho vui theo sự nhiêu ích khởi lên, lấy làm tướng. Lấy sự yêu thương nhớ nghĩ làm vị. Chẳng sân nhuế khởi lên. Nếu người tu hành lòng từ sẽ được 11 công đức. Gồm: Ngủ yên, thức an ổn, chẳng thấy ác mộng, vì người khác mà nhớ nghĩ yêu thương, chư thiên gìn giữ, lửa dữ dao gậy chẳng làm hại đến thân, làm cho tâm luôn luôn định tĩnh, sắc diện tươi đẹp, lâm chung chẳng loạn. Nếu chưa được thắng pháp thì sanh làm Phạm Thế.
Phải tu hành như thế nào?
Đầu tiên đối với người tọa thiền vui tu làm việc lành. Đầu tiên quán về sự phẫn hận, lo lắng và nhẫn nại là công đức. Tâm nên giữ gìn sự nhẫn nại.
Vì sao nên quán sự phẫn hận, quá hoạn?
Nếu người mới bắt đầu khởi lên sự giận dữ, đốt thiêu tâm từ, làm cho tâm nầy dơ đi. Từ đây biến dần qua mắt và mặt đỏ. Từ đó tạo thêm cho miệng nói điều xấu ác. Từ đây tăng trưởng sự quan sát bốn phương. Từ đây tay chân tìm gậy dao. Từ đây giận dữ thổ huyết. Từ đây sinh ra mất mát của cải. Từ đây sinh ra đập phá các vật. Từ đây tăng trưởng việc giết hại; hoặc giết kẻ khác; hoặc tự giết mình. Lại nữa nếu người hay giận dữ; hoặc giết cha mẹ; hoặc giết A La Hán; hoặc phá Tăng; hoặc ác tâm làm cho thân Phật ra máu. Như thế làm những việc xấu hổ. Như thế mà quán. Lại nữa như thế nên quán. Ta được gọi là Thanh Văn vì sao mà chẳng đoạn sự giận dữ, trở nên không xấu hổ. Ta nhớ lại việc cái cưa như trong kinh đã nói. Ta ưa vui pháp lành. Nếu ta làm cho sự giận dữ tăng trưởng, trở thành sự giận ác. Như người vui tắm, cuối cùng cũng dơ. Ta tự biết đa văn mà chưa hàng phục được sự giận dữ, như chỗ bỏ dơ, giống như vị Thầy thuốc mà cuối cùng tự tán loạn. Ta vì đời là chỗ trân quý mà ta chẳng trừ được sự giận dữ thì làm chỗ cho người chê cười. Cũng giống như người họa cái hình mà bên trong toàn là đồ chẳng sạch chứa nhóm. Là con người có trí tuệ mà khởi lên sự sân hận cũng giống như người ăn đồ tạp độc. Vì sao vậy? - Từ sự giận dữ nầy thật chẳng đáng ưa rồi thành quả báo khổ sở. Như người bị rắn độc cắn. Tự có độc dược, nên chẳng thể chữa lành. Người kia có thể biết vui, khổ và chẳng vui. Như thế Tỳ Kheo. Nếu tâm giận tức khởi lên chẳng thể kềm chế được thì Tỳ Kheo kia có thể biết được sự khổ, vui và chẳng vui, vì sao từ sự giận dữ nầy mà phải kinh sợ.
Lại nữa nên quán về sự sân hận. Sự sân giận nầy làm cho oán hận cả nhà và ai cũng ta thán, cười chê. Lại vì chỗ thân cận mà xấu hổ. Chỉ có cái đức mới sâu dày; nhưng lại bị khinh miệt. Căn bản được quý trọng mà trở thành bị khinh dễ. Bị gọi là dự hay bị chê cười. Rõ ràng cầu vui thành khổ. Hoặc không động mà làm ra cho động; hoặc có mắt trở thành như mù; hoặc thông minh mà trở thành vô trí. Như thế nên quán và nhớ nghĩ về sự giận dữ, lo nghĩ.
Hỏi rằng: Vì sao quán về công đức của sự nhẫn nhục?
Đáp rằng: Nhẫn nhục là cái lực, là cái áo giáp có thể hộ thân, có thể trừ sự giận dữ. Đây gọi là dự, là lời khen. Người trí tán thán chỗ ấy. Đây là niềm vui làm cho chẳng thoái. Đây là sự giữ gìn, làm cho hộ trì tất cả đầy đủ. Đây là ánh sáng làm cho thấy rõ nghĩa. Đây gọi là việc khởi lên sự xấu hổ. Lại nữa nên quán ta đã cạo bỏ tóc râu; nên phải nhẫn nhục. Ta đã yêu ta và nhận chỗ quốc thí thì phải lấy tâm nhẫn mà làm cho thí chủ kia được quả báo lớn. Ta mang giữ hình hài bậc Thánh, ta phải thực hành nhẫn nhục là hạnh của bậc Thánh. Ta còn sân nhuế, làm cho chẳng còn sân nhuế. Ta được gọi là Thanh Văn làm cho thật danh là Thanh Văn. Kẻ Đàn Việt cúng thí cho ta các đồ vật, hãy lấy sự nhẫn nhục nầy làm cho thí chủ kia được quả báo lớn. Ta có niềm tin rằng: Sự nhẫn nhục nầy là chỗ ta tin tưởng, ta có trí tuệ. Sự nhẫn nhục nầy là nơi sinh ra trí tuệ. Ta có trùng độc của sự giận dữ. Với sự nhẫn nhục nầy ta sẽ đạp lên trùng độc kia. Như thế quán niệm về sự giận dữ, lo lắng và công đức của sự nhẫn nhục, làm cho tâm thọ trì. Ta sẽ hướng về sự nhẫn nhục. Có người ác mạ lỵ ta, ta sẽ nhẫn nhục, ta sẽ khiêm cung chẳng kiêu mạn. Như thế người tọa thiền hướng về niềm vui của sự nhẫn nhục. Tự tạo ra sự lợi lạc, nhập vào nơi yên ổn; tâm chẳng loạn. Từ ban đầu, thân nầy làm cho đầy đủ. Ta lại vui và tâm vui chẳng nệ hà khổ sở.
Vì sao ta chẳng giận gia đình và chẳng sân nhuế?
Sự an lạc đã xa lìa các não phiền, thành tựu tất cả công đức. Kẻ tọa thiền kia chế phục được tâm nầy, làm cho tâm biết xấu hổ và làm cho tâm nầy kham nhẫn lãnh thọ. Nếu tâm đã trở thành tàm quý kham nhẫn lãnh thọ rồi thì từ đây nên tu hành về lòng từ. Đối với tất cả chúng sanh như thể thân nầy khổ sở để tọa thiền và người ấy đã tu về lòng từ. Đối với tất cả chúng sanh từ đầu chẳng thể tu về lòng từ và đối với những người oán trong gia đình, với người ác, với người chẳng có công đức, với người đã mất, người ở nơi đó nên khởi lên lòng từ. Người tọa thiền kia nên quý trọng họ. Vì khởi lên tâm xấu hổ; nên đã chẳng khinh khi họ. Chẳng làm những việc không vừa ý mà hay làm lợi lạc; nên phải khởi lên lòng từ. Đối với những người ấy chẳng khởi lên sự tật đố và cũng chẳng khởi lên sự sân nhuế. Đối với chỗ của người kia, đầu tiên nên tu lòng từ. Đầu tiên nên tưởng đến sự lợi lạc ấy và nên quý trọng công đức kia. Như thế lấy tánh để thành tựu. Lại cũng gọi là thành tựu về lời khen. Ở đây sự nghe cũng thành tựu mà giới cũng thành tựu nữa. Lấy định để thành tựu; lấy huệ để thành tựu. Là những chỗ ta nên quý trọng. Như thế lấy thí, lấy ái ngữ, lấy sự lợi ích, lấy đồng sự thành tựu. Đó là những điều ta đã làm lợi lạc. Như thế những sự suy nghĩ lành, là những công đức đáng quý và là những công đức lợi lạc. Làm cho khởi lên sự nhớ nghĩ sâu dày và nhớ nghĩ về những người thân. Đối với chỗ của người kia nên tu về lòng từ; nên làm lợi lạc và tâm thuờng tỉnh thức. Nguyện cho tâm nầy không còn oán hận; chẳng muốn còn sân si, trở thành an lạc. Nguyện lìa khỏi những nơi ồn ào và nguyện thành tựu tất cả những công đức. Nguyện được những việc lành lợi ích. Mong được tán dương. Nguyện có niềm tin; nguyện được niềm vui. Mong có giới, nguyện được có trí tuệ để nghe; nguyện được bố thí; nguyện có trí tuệ; nguyện được ngủ yên; nguyện được an ổn khi thức. Nguyện chẳng thấy ác mộng; nguyện người được yêu thương; nguyện được yêu thương loài chẳng phải người. Nguyện được chư thiên bảo hộ. Nguyện cho lữa dữ, dao gậy không đụng vào thân nầy. Nguyện cho mau định tâm. Nguyện cho sắc diện được vui tươi: nguyện sanh về cõi có Phật; nguyện gặp người lành; nguyện chính thân mình đầy đủ. Nguyện cho không có bệnh tật. Nguyện được sống lâu: nguyện thường được an lạc. Lại nữa như thế nên suy nghĩ đối với những bất thiện pháp kia nếu chưa sanh, nguyện đừng cho sanh ra. Nếu đã sanh rồi, nguyện cho tiêu trừ đi. Còn thiện pháp chưa sanh thì nguyện cho sanh. Nếu đã sanh rồi, nguyện cho được tăng trưởng. Lại nữa kẻ kia chẳng thích suy nghĩ về các pháp, nguyện việc ấy chẳng sanh. Nếu đã sanh rồi thì nguyện cho mất đi. Nếu yêu mến nhớ nghĩ về pháp chưa sanh thì do tâm từ kia mà được có lòng tin. Người tọa thiền ấy lấy lòng tin tự tại mà giữ nơi tâm. Lấy chỗ giữ tự tại ấy làm cho sự nhớ nghĩ trụ lại. Lấy sự nhớ nghĩ tự tại, lấy chỗ giữ cho tự tại, lấy niềm tin tự tại để tâm trở thành bất loạn. Người kia hiện biết là chẳng loạn. Lấy những cửa nầy và những việc làm nầy mà đối với người kia nên tu tâm từ. Tu rồi, tu nhiều hơn nữa. Người tọa thiền kia hiện tại biết không loạn, dùng cửa nầy và việc làm nầy đối với người kia tu rồi, thì dùng tâm từ để tu nhiều nữa. Lấy tâm xấu hổ, tâm thọ trì lần lượt yêu thương người ấy và tu hành tưởng nhớ đến lòng từ. Đối với chỗ yêu mến người kia, nên tu và nhớ nghĩ đến lòng từ. Rồi lần lượt ở trong ấy sẽ có người tu và nghĩ đến lòng từ. Đối với người ấy đã tu và tưởng đến lòng từ rồi thì lần lượt đối với việc oan gia kia sẽ tu và tưởng đến lòng từ, thì như thế đối với tất cả chúng sanh giống như thân của mình, làm cho đầy đủ chẳng có phân biệt. Hoặc như thế tu hành về lòng từ. Hay ở nơi người kia mà người ấy chẳng hành lòng từ. Hoặc nơi người tọa thiền chậm chạp chẳng khởi lòng từ, thì nên làm cho sự lo lắng xa lìa. Với ta chẳng lành, chẳng dễ thương. Ta vui được với pháp lành, có lòng tin nên xuất gia. Ta lại nói rằng: Nương vào nơi bậc Thầy làm lợi ích chúng sanh, khởi lên đại từ bi. Đối với một người mà khởi lên lòng từ, hà huống đối với việc oan gia. Nếu như thế thì sự lo lắng xa rời sân nhuế chẳng mất được. Kẻ tọa thiền kia vì thế mà tu lòng từ. Chẳng nên siêng năng, lấy những phương tiện khác mà tu hành. Đối với kẻ kia, vì trừ sân nhuế.
Hỏi rằng: Dùng phương tiện nào để trừ sân nhuế?
Đáp rằng: Cùng với kia, nên chu toàn. Nên suy nghĩ đây là công đức về hơi thở, tự do mình tạo ra. Lo việc giải thoát thân tộc của chính mình về những tội đã qua, chẳng nên tác ý. Nghiệp của chính mình trong hiện tại là những gốc rễ tự tánh, nhớ nghĩ sự mất mát ấy. Nên quán về chỗ không. Nên hãy nhiếp thọ. Từ kẻ kia tuy sanh sân hận; hoặc có chỗ đi khất thực, tùy nghi mà thí cho cùng. Nếu người kia có bố thí, lại tùy nghi mà lấy dùng, thường cùng với lời nói lành, kẻ kia làm việc ấy lại cũng tùy theo. Như thế giữ gìn. Cái nhơn kia so với sân nhuế nầy sẽ mất đi. Đối với công đức hoặc thấy công đức nầy thì với công đức ấy nên suy nghĩ; chẳng vì phi công đức. Như trong nước có rác, trừ rác lấy nước. Nếu như nơi kia không có công đức thì phải khởi lòng từ. Người nầy chẳng có công đức, nên hướng về con đường ác. Người chịu ơn nên suy nghĩ về ơn kia. Nếu người làm ấy chẳng yêu kính thì làm cho khởi lên ân đức. Đối với người kia, nếu đã làm rồi, chẳng yêu kính thì nên tạo ra công đức. Lại nữa phải làm cho diệt việc bất thiện để trở thành cõi thiện. Từ đó sự oán kia trở thành ân nghĩa có thể rõ biết. Chính nghiệp do mình tạo ra, vì người nầy tạo ra pháp ác. Vì người nầy sân nhuế. Đối với nghiệp ác của kẻ kia nên phát sanh sự quan sát, lo cho việc giải thoát. Nếu người mạ lỵ ta, hại ta, thì đó là đầu tiên tạo ra nghiệp ác, giúp cho kẻ kia giải thoát, ta phải làm cho chứng và thấy được sự hoan hỷ. Trong thân tộc, đối với sự sanh tử của chúng sanh liên tục, thì đó là người quen của ta; nhớ nghĩ rồi liền làm cho khởi lên sự nhớ nghĩ về những người thân. Vì tự thân của mình tội lỗi, do tạo ra tướng và sự sân nhuế kia từ ta mà sanh ra. Vì kẻ kia chẳng được công đức, ta trở thành chỗ làm cho khởi lên cái tướng tội trong quá khứ của mình. Chẳng nên tác ý. Chẳng có tướng sân nhuế. Chẳng nên tác ý. Như người chẳng vui thấy màu sắc khi khép mắt lại. Người khổ ấy vì tự mình làm khổ, chẳng có chướng ngại; nên làm cho khởi lên tướng.
Vì sao như kẻ ngu si?
Lấy lòng từ, chẳng nhớ nghĩ đúng, tự tạo ra khổ. Hãy quán về tâm khổ là nguyên nhơn, cũng nên biết là có chỗ ân oán với gia đình. Từ người kia nên lìa chỗ nầy. Làm cho chẳng thấy chẳng nghe, mà nơi ấy sẽ giữ lại các căn. Tự tánh là giữ gìn sự dễ thương về sự chẳng dễ thương của cảnh giới. Các căn tự tánh nơi sân nhuế của ta đây. Nguyên nhơn là không nhớ nghĩ chơn chánh. Như thế mà quán. Kẻ mà sự nhớ nghĩ diệt, lấy kia sanh khổ và cả kia lại khổ. Đây là tất cả pháp đối với một tâm sát na được diệt. Ta vì sao mà cùng kia chẳng sân nhuế? Ta sẽ tạo ra sân, như thế mà quán. Kẻ hòa hợp, trong ngoài chẳng phân hòa hợp; nên sanh ra khổ vậy. Ta đối với một phần nơi chốn chẳng thể tạo cho tâm sân nhuế. Như thế mà quán về không. Đó là người tạo khổ, là người thọ khổ. Nghiệp thứ nhất kia chẳng thể được. Thân nầy là nhơn duyên để sanh ra, chẳng có chúng sanh cũng chẳng có cái ta, chỉ là chỗ tụ lại của cỏ rác. Quán như thế cho nên Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Ở nơi làng rừng thảy
Những khổ vui đều rõ
Chẳng từ chính ta đốt
Nương phiền não do xúc
Nếu tâm không phiền não
Ai chạm được tới xương.
Kẻ tọa thiền kia như thế sân nhuế diệt, phương tiện rõ ràng mà từ người thân mình trong đó có người oán. Liền phân biệt rồi, sau đó tự tại. Tâm sau đó lần lượt nhớ nghĩ đến từ, nên tu tại nơi. Các Thầy Tỳ Kheo từ kẻ kia nên tu. Trụ xứ của Tăng chúng, từ kẻ kia nên tu. Tự trụ xứ ấy chư thiên từ kẻ kia nên tu. Từ trụ xứ, chúng sanh từ kẻ kia nên tu. Từ chỗ ở ngoài thôn, như thế từ thôn nầy đến thôn khác; từ nước nầy đến nước khác; từ kẻ kia nên tu hết thảy. Kẻ tọa thiền kia lấy tâm từ bi làm cho khắp nơi đầy đủ rồi. Từ nơi kia tỏa ra 2 phía, rồi 3 phía, rồi 4 phía. Rồi từ 4 phía ấy, cả trên dưới cùng với tất cả chúng sanh đều phóng tâm từ bi và tất cả thế gian lấy tâm từ tối đại vô lượng. Chẳng oán chẳng sân nhuế làm cho đầy đủ. Kẻ tọa thiền kia như thế tu hành về lòng từ. Dùng 3 loại làm cho an ổn nơi Thiền. Đó là lấy tổng nhiếp chúng sanh; lấy tổng nhiếp làng ấp và lấy tổng nhiếp các nơi. Lấy một chúng sanh làm cho an ổn nơi lòng từ của thiền. Như thế hai, ba chúng sanh cho đến nhiều chúng sanh. Đối với một thôn làng có chúng sanh, làm cho an ổn nơi tâm từ của Thiền; rồi cho đến nhiều thôn cũng như thế. Đối với một phương, tạo mỗi chúng sanh, làm cho an ổn nơi tâm từ của Thiền, như thế cho đến 4 phương. Đối với đây nếu nương vào một chúng sanh tu hành lòng từ thì với chúng sanh nầy, việc chết ấy trở thành mất đi. Lấy việc mất ấy chẳng chịu đựng, khởi lên lòng từ. Cho nên phải rộng tu tâm từ bi. Cho đến những việc làm rộng thêm ra, thì lúc ấy sẽ trở thành những việc làm vi diệu. Trở thành cái quả lớn và công đức thật to lớn.
Hỏi rằng: Lòng từ ấy gốc gì? khởi lên cái gì? đầy đủ thế nào: và cái gì không đầy đủ? việc gì?
Đáp rằng: Chẳng tham lam là gốc. Chẳng sân nhuế là gốc. Chẳng si mê là gốc. Dục là căn. Chánh tác ý là căn.
Khởi lên cái gì? - Căn nầy làm cho khởi đầy đủ thế nào? Nếu lòng từ thành tựu, giết trừ sân nhuế, trừ đi cái yêu thương chẳng lành, làm cho thân, miệng, ý nghiệp được thanh tịnh. Đây gọi là đầy đủ.
Những gì là không đầy đủ?
Dùng 2 nguyên nhân mất đi lòng từ; lấy chính người quen của mình rồi sanh oán, dùng cái ái không thuận; lấy sự đối trị sanh oán, lấy việc ấy khởi lên sân nhuế. Đây nghĩa là không đầy đủ.
Việc gì? - Đối với tất cả chúng sanh là công việc vậy.
Hỏi rằng: Chẳng đúng về đệ nhất nghĩa chúng sanh là chẳng thể được và vì sao nói chúng sanh là sự?
Đáp rằng: Y vào các loại gốc ở đời mà giả nói là chúng sanh. Lúc ấy các Bồ Tát Ma Ha Tát tu lòng từ tràn khắp, đối với tất cả chúng sanh đầy đủ 10 Ba La Mật.
Hỏi rằng: Vì sao lại đúng?
Đáp rằng: Bồ Tát Ma Ha Tát đối với tất cả chúng sanh hành tâm từ, duyên vào sự lợi lạc trở thành nhiếp thọ chúng sanh, tạo thí vô úy. Như thế đầy đủ nơi Đàn Ba La Mật. Bồ Tát Ma Ha Tát đối với tất cả chúng sanh làm việc lành, nương vào sự lợi ích đối với tất cả chúng sanh thành ra chẳng hại, chẳng mất pháp để dùng. Đối với tất cả chúng sanh làm việc thiện, nương vào sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh, thành ra ý chẳng tham, xa lìa chỗ không lợi lạc, hướng đến thiền, hướng đến người xuất gia, như thế đầy đủ Ba La Mật Đa. Bồ Tát Ma Ha Tát đối với tất cả chúng sanh làm việc lành, nương vào làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh, thành ra suy nghĩ nhiều về sự lợi lạc và chẳng lợi lạc và như nghĩa nói về phương tiện cho rõ ràng. Vì trừ ác, nên được việc lành. Như thế đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật.
Bồ Tát Ma Ha Tát đối với tất cả chúng sanh làm việc lành, nương vào chỗ chấp làm lợi lạc, chẳng xả tinh tấn. Tất cả mọi lúc đầu siêng năng tinh tấn. Như thế đầy đủ tinh tấn Ba La Mật.
Bồ Tát Ma Ha Tát làm việc lành, đối với tất cả chúng sanh, nương vào sự lợi lạc cho chúng sanh kia, nói lời ác mạ lỵ, thành nhẫn nhục, chẳng sân hận. Như thế đầy đủ nhẫn nhục Ba La Mật.
Bồ Tát Ma Ha Tát, đối với tất cả chúng sanh làm việc từ, nương vào sự nhiêu ích đối với tất cả chúng sanh nói lời chơn thật về chỗ ở thật, thọ trì thật. Như vậy đầy đủ cho lý Ba La Mật.
Bồ Tát Ma Ha Tát đối với tất cả chúng sanh thực hành từ bi, nương vào chỗ lợi lạc đối với tất cả chúng sanh cho đến mất mạng nầy, thề nguyền vẫn không xả bỏ. Nguyện thành Thánh để thọ trì lời thệ nguyện. Như thế thọ trì Ba La Mật đầy đủ.
Bồ Tát Ma Ha Tát đối với tất cả chúng sanh lấy tự tướng mà làm lợi lạc, đầy lòng từ bi Ba La Mật.
Bồ Tát Ma Ha Tát đối với tất cả chúng sanh tu từ bi và ngay cả người thân hay kẻ oan trong gia đình đều lấy tâm bình đẳng, lìa sự sân nhuế yêu thương. Như thế đầy đủ xả Ba La Mật.
Như vậy Bồ Tát Ma Ha Tát tu hạnh từ bi, thành đủ cả 10 Ba La Mật, làm rõ lòng từ, đủ 4 cách thọ trì. Lúc ấy Bồ Tát Ma Ha Tát tu lòng từ đầy đủ 10 Ba La Mật rồi, làm cho đầy đủ 4 sự thọ trì. Cho nên gọi là chân lý thọ trì, thí thọ trì, tịch tĩnh thọ trì, huệ thọ trì. Đối với đây là chân lý Ba La Mật, thọ trì Ba La Mật, tinh tấn Ba La Mật làm cho đầy đủ chân lý Ba La Mật. Thí Ba La Mật, giới Ba La Mật ra ngoài Ba La Mật làm cho đầy đủ thí thọ trì. Nhẫn nhục Ba La Mật, Từ Ba La Mật, Xả Ba La Mật làm cho đầy đủ tịch tĩnh thọ trì. Huệ Ba La Mật làm cho đầy đủ huệ thọ trì. Như thế Bồ Tát Ma Ha Tát tu lòng từ biến mãn rồi, đầy đủ 10 Ba La Mật làm cho đầy đủ 4 thọ trì, làm cho đầy đủ 2 pháp. Cho nên Xa Ma Tha, Tỳ Bà Xá Na. Đối với chân lý nầy thọ trì, thí thọ trì, tịch tĩnh thọ trì làm cho đầy đủ Xa Ma Tha. Huệ thọ trì làm cho đầy đủ Tỳ Bà Xá Na. Đầy đủ Xa Ma Tha rồi, làm cho đầy đủ tất cả thiền, giải thoát, định chánh thọ. Làm cho khởi lên xong biến vào định và đại từ định. Tỳ Bà Xá Na đầy đủ rồi, làm cho đầy đủ tất cả thần thông biện lực vô úy. Khi đầy đủ rồi, làm cho khơi lên tự nhiên trí và nhứt thiết trí. Như thế Bồ Tát Ma Ha Tát tu hành về lòng từ, làm cho lần lượt đầy đủ nơi Phật địa.
Hỏi rằng: Thế nào là bi? Tu cái gì? Tướng gì? Vị gì? Khởi lên như thế nào? Có công đức gì? Vì sao phải tu?
Đáp rằng: Như cha mẹ chỉ có một con, tâm thường thương yêu nhớ nghĩ, thấy con khổ sở, tâm khởi lên sự thương con. Khổ sở như thế, đối với tất cả chúng sanh khởi lên lòng từ lân mẫn. Đây nghĩa là bi. Bi trụ chẳng loạn, đây nghĩa là tu. Chẳng hiện ra điều không lợi lạc làm tướng. Lạc chính là vị. Lấy chẳng hại mà khởi, cùng với từ tạo ra công đức.
Vì sao phải tu? - Đầu tiên người mới ngồi thiền nhập vào chỗ tịch tĩnh để ngồi, nhiếp tất cả tâm, làm cho tâm chẳng loạn. Thấy kia có bịnh; có già; có tham; hoặc thấy; hoặc nghe như thế mà tác ý. Chúng sanh kia bị khổ. Phải dùng phương tiện như thế nào để giải thoát sự khổ ấy. Lại nữa nếu thấy sự điên đảo nầy vì bị phiền não cột ràng, trói chặt vào vô minh; hoặc người có công đức mà chẳng tu học. Hoặc thấy hoặc nghe như thế mà tác ý, chúng sanh bị khổ nên sanh vào chỗ ác. Phải dùng phương tiện nào để giải thoát khỏi khổ ấy? Lại nữa nếu thấy bất thiện pháp tương ưng với thiện pháp hay chẳng tương ưng thì dùng bất khả ái pháp tương ưng với khả ái pháp và với chẳng tương ưng. Hoặc thấy hoặc nghe như thế mà tác ý. Chúng sanh kia bị khổ nên phải sanh vào chỗ ác. Dùng phương tiện nào để từ chỗ khổ ấy được giải thoát. Với người tọa thiền kia dùng cửa nầy và việc làm nầy đối với người kia tu hành tâm bi, tâm ấy tu hành nhiều. Kẻ ngồi thiền kia lấy cửa nầy và việc làm nầy đối với người kia tu tâm bi rồi và sau khi đã tu tâm bi nhiều rồi thì tâm ấy trở thành hòa nhã, kham nhẫn hay thọ trì. Kẻ kia lần lượt tu hành ở trong loài người. Từ kẻ kia tu hành với người oán. Ngoài ra như đã nói trước, cho đến đầy đủ khắp nơi.
Hỏi rằng: Lòng bi đầy đủ là gì? Bi như thế nào là không đầy đủ?
Đáp rằng: Nếu lòng bi mẫn thành tựu thì trừ nơi sự sát hại chẳng khởi ưu não. Trừ lòng thương bất thiện. Dùng 2 nhân duyên để mất lòng từ, lấy tự thân sanh oán,lấy ưu não thực hành, lấy đối trị sinh oán, từ đó khởi lên sự lo sợ.
Hỏi rằng: Sự khổ chẳng phải đối với tất cả chúng sanh có, chẳng phải tất cả lúc có. Vì sao đối với tất cả chúng sanh tu tâm bi?
Đáp rằng: Chúng sanh bị khổ, lành lấy tướng ấy, rồi chấp vào tướng kia, thành tất cả nơi phải tu bi. Lại nữa sanh tử là khổ và tất cả chúng sanh đều khổ. Do kia mà thành tất cả nơi tu hành.
Hỏi rằng: Hỷ là gì? Tu cái gì? Tướng gì? Vị gì? Khởi lên cái gì và với công đức nào? Vì sao phải tu?
Đáp rằng: Giống như cha mẹ chỉ có một người con, tâm thường thương yêu nhớ nghĩ đến, thấy con ấy được vui, tâm sinh hoan hỷ. Lành thay như thế, tất cả chúng sanh, tâm sanh hoan hỷ. Đây nghĩa là hỷ. Hỷ trụ chẳng loạn, đây nghĩa là tu. Lấy mừng vui làm tướng; chẳng sợ làm vị. Trừ chẳng vui làm hỷ. Cùng với lòng từ tạo ra công đức. Vì sao phải tu? - Đầu tiên người tọa thiền nhập vào chỗ tịch tĩnh, nhiếp tất cả tâm bất loạn. Tánh cách người nầy được chỗ kính trọng. Thấy được an lạc, tâm sinh hoan hỷ. Hoặc thấy hoặc nghe như thế mà tác ý. Lành thay lành thay! Nguyện cho chúng sanh kia được hoan hỷ lâu dài. Lại nữa nếu thấy cùng bất thiện pháp, chẳng tương ưng; cùng với thiện pháp thì tương ưng. Pháp không khả ái, không tương ưng. Cùng với khả ái thì tương ưng. Hoặc thấy hoặc nghe như thế mà tác ý. Lành thay lành thay! Nguyện vì chúng sanh kia mà được hoan hỷ lâu dài. Kẻ tọa thiền kia lấy cửa nầy, lấy việc làm nầy. Đối với người kia tu tâm hoan hỷ, tu hành nhiều hơn. Người tọa thiền kia lấy cửa nầy, dùng việc làm nầy, đối với người kia tu hỷ tâm rồi, tu nhiều hơn nữa, thành ra hòa hợp với tâm tàm quý, tâm kham nhẫn và hay thọ trì. Từ kẻ kia lần lượt tu hành trong mọi người. Từ nơi kia tu hành đối với kẻ oán. Ngoài ra như đã nói rộng rồi. Cho đến niềm vui đầy đủ tứ phương.
Hỷ nào đầy đủ? Hỷ nào không đầy đủ? Nếu hỷ thành tựu, trừ việc chẳng vui, chẳng khởi, chẳng lành yêu, trừ ỷ ngữ, mà 2 nguyên nhơn làm mất niềm vui. Đó là lấy tự thân sanh oán và lấy cười đùa khởi lên việc làm. Lấy đối trị sanh oán, lấy chẳng vui khởi, như ban đầu đã giải rõ.
Hỏi rằng: Cái gì là xả? Tu cái gì? Tướng gì? Vị gì? Khởi ra sao? Công đức nào? Vì sao phải tu?
Đáp rằng: Cũng giống như cha mẹ chỉ có một con, không thể nghĩ lại chẳng không thể không nghĩ về, thành ra xả. Đối với kia thành trung tâm như thế và đối với tất cả chúng sanh là trung tâm xả hộ. Đây gọi là xả. Xả trụ chẳng loạn. Đây gọi là tu. Lấy Vô sở trước làm tướng. Lấy bình đẳng làm vị. Điều phục sự vui sân hận mà khởi. Cùng với lòng từ tạo ra công đức.
Hỏi rằng: Tu cái gì?
Đáp rằng: Kẻ tọa thiền từ ban đầu cùng với lòng từ đầy đủ khởi dậy rồi cùng với bi đầy đủ khởi dậy và cùng với hỷ đầy đủ khởi dậy. Rồi khởi nơi đệ tam thiền. Kẻ tọa thiền kia đã được nơi tam thiền rồi, tự tại thấy từ bi hỷ quá lo. Ái nhuế cận kề, cùng với hí luận cùng khởi, cùng với hỷ lạc một lúc khởi lên. Lấy quá lo để đối trị. Thấy công đức xả. Người tọa thiền kia như thế thấy từ bi hỷ quá lo rồi, rồi thấy xả công đức. Từ đầu đối với việc chẳng thể yêu nghĩ,chẳng thể chẳng yêu nghĩ về người; rồi cùng với xả cùng khởi lên sự nhớ nghĩ, làm cho tâm đầy đủ. Xả tâm tăng trưởng, tu rồi tu nhiều hơn nữa để thành hòa hợp vui vẻ, kham nhẫn có thể thọ trì. Kẻ kia lần lượt đối với người oán tu hành. Từ kẻ kia đối với thân hãy tu hành. Ngoài ra như đã nói rộng lúc ban đầu có thể rõ biết cho đến đầy đủ khắp nơi. Kẻ tọa thiền kia như thế tu hành, cùng với xả đều khởi. Nơi đệ tứ thiền lấy 3 loại làm cho yên. Đó là tổng nhiếp chúng sanh. Tổng nhiếp làng xóm và tổng nhiếp các nơi.
Hỏi rằng: Nếu người tọa thiền hiện tu hạnh xả thì đối với chúng sanh vì sao tác ý?
Đáp rằng: Tác ý như đã nói là đối với từ bi hỷ là chỗ tác ý. Đối với các chúng sanh, trừ ra việc làm hoan hỷ. Làm việc hoan hỷ, tác ý trong niềm vui, như người thân xa nhau lâu ngày thấy lại lần đầu sung sướng chờ đợi, tâm ấy sanh hoan hỷ. Sau khi ở chung rồi tâm nầy thành tục, như thế giữ lại từ bi hỷ. Sau đó trở thành xả nhiếp thọ. Như thế tác ý tu hành đối với xả. Lại có người nói: Chúng sanh, chúng sanh giả, như thế mà tác ý.
Vì sao xả đầy đủ và xả chẳng đầy đủ? - Nếu xả thành tựu thì giết trừ sân ái, chẳng khởi lên vô minh. Lấy 2 nguyên nhơn làm mất xả. Lấy tự thân sanh oán, lấy đó khởi vô minh, lấy đối trị sanh oán, lấy sân ái khởi lên.
T hế nào là Tứ Vô Lượng tán cú?
Tứ Vô Lượng ở đây lấy một chúng sanh mà khởi lên. Nương vào nơi chốn mà tu hành, như mẹ nhớ con tùy theo thời tiết, như đối với súc sanh, như đối với người phạm giới, đối với người đầy đủ giới, đối với kẻ lìa dục, đối với các vị Thanh Văn, đối với các vị Duyên Giác, đối với bậc Chánh Biến Tri, đối với quy y thắng xứ, nhiều hơn vô lượng có thể biết được.
Hỏi rằng: Đối với Từ Bi Hỷ và sao lại khởi nơi tam thiền? mà không phải đệ tứ thiền?
Đáp rằng: Chúng sanh khởi lên chỗ ưu não, sân nhuế hại, chẳng vui. Lấy sự ưu não kia đối trị, cùng với hỷ sanh tâm. Tu hành Từ Bi Hỷ. Cho nên sanh vào Tam Thiền mà không phải Tứ Thiền. Lại nữa xả địa ở nơi đệ tứ thiền, lấy 2 xả mà thành tựu vậy. Cho nên thọ xả pháp trong xả. Đối với xả địa trụ nơi ấy. Đối với chúng sanh lấy sự lợi lạc làm xả. Do địa mà tâm vô lượng sanh nơi tam thiền, chẳng phải sanh vào tứ thiền. Lại nói đối với Tứ Vô Lượng thì sanh nơi tứ thiền, như Đức Thế Tôn đã nói: Đối với Tứ Vô Lượng – Này các Tỳ Kheo nên tu. Định nầy có giác có quán. Các ngươi nên tu có giác không quán. Các ngươi nên tu không giác không quán. Các ngươi nên tu cùng với hỷ sanh ra. Các ngươi nên tu cùng với lạc sanh ra. Các ngươi nên tu cùng với xả sanh ra.
Hỏi rằng: 4 Vô Lượng nầy tại sao nói 4? mà chẳng nói ba, chẳng nói năm?
Đáp rằng: Nếu mà ghi tất cả thì phải thấy rằng vì sân nhuế hại chẳng vui. Sân ái đối trị nên thành Tứ Vô Lượng. Lại nói rằng trong 4 loại nầy chỉ có Từ. Do con người hay khởi lên nhiều sân nhuế não hại. Vì trừ được nên dùng 4 cửa, thành hơn kia. Xả là Từ Bi Hỷ thanh tịnh, sân ái đối trị vậy. Tứ Vô Lượng là một tánh mà nên biết có nhiều tướng khác nhau. Như thế sự quá lo lắng làm đối trị; đó là việc của chúng sanh. Đây là ý lợi lạc vậy, thành một tướng. Lại nói pháp thắng vậy. Chấp vào việc hơn vậy. Lấy sự lợi lạc hơn vậy, thành nhiều tướng khác nhau. Như Đức Thế Tôn nói: Đối với y vàng trong các kinh điển thì đó là nơi thanh tịnh, lòng từ là đệ nhứt. Đối với hư không xứ, lòng bi là đệ nhứt. Đối với thức xứ, hỷ là đệ nhứt. Đối với vô sở hữu xứ, xả là đệ nhứt.
Hỏi rằng: Vì sao biết được?
Đáp rằng: Do nương vào chỗ gần kia vậy mà rõ biết được nghĩa nầy.
Hỏi rằng: Vì sao?
Đáp rằng: Tu tâm từ vậy. Đối với tất cả chúng sanh tùy theo nơi ý nầy, dùng thường tùy theo. Đối với xanh vàng tất cả đều vào hiện làm tác ý. Lấy tiểu phương tiện làm cho tâm được an. Đây là những việc của chúng sanh vậy. Hoặc sắc giới thanh tịnh, tất cả nhập vào pháp ý. Người tọa thiền kia lúc ấy ở sắc giới được đệ tứ thiền. Cho nên nói với Từ là đệ nhứt thanh tịnh. Kẻ tọa thiền kia nương vào. Sắc giới về lòng từ nơi đệ tứ thiền, lúc ấy được vượt qua khỏi kia.
Hỏi rằng: Đây là chỗ cạn vì sao?
Đáp rằng: Lấy việc tu từ vậy. Tâm biết sắc giới quá lo. Vì thấy chúng sanh khổ. Với kia vì sắc là nhơn sanh ra Từ. Từ đây lấy tâm để biết sắc giới quá lo. Đối với sắc, xa lìa, hiện làm ra chỗ tác ý. Đối với hư không xứ dùng tiểu phương tiện thì tâm nầy được an. Dùng cái được ấy để nương vào vậy. Cho nên nói bi đối với hư không là đệ nhứt. Kẻ tọa thiền kia nương vào Hỷ để vượt qua Hư không xứ.
Hỏi rằng: Nghĩa nầy là thế nào?
Đáp rằng: Do tu Hỷ vậy. Tâm chẳng dính mắc, thường lấy Vô biên thức. Vì sao mà Hỷ nầy đối với Vô sở trước và Vô biên thức xứ làm an ổn chúng sanh. Từ tâm nầy chẳng dính mắc, thường hay lấy Vô biên thức vậy. Lìa sự dính mắc đối với hư không. Vô biên thức hiện ra làm chỗ tác ý. Dùng tiểu phương tiện, tâm nầy được an. Các loại khác vậy. Cho nên nói Thức xứ lấy Hỷ làm đệ nhứt.
Hỏi rằng: Kẻ tọa thiền kia nương vào xả để vượt qua thức xứ. Nghĩa nầy là thế nào?
Đáp rằng: Do tu xả vậy. Tâm trở nên lìa xa sự dính mắc. Vì sao chẳng lấy tu xả được chỗ dính mắc. Chúng sanh nầy được lạc được khổ; hoặc do hỷ; hoặc do lạc. Từ kia lấy tâm lý sự dính mắc, lìa chỗ Vô sở trước, vô sở hữu xứ. Hiện làm cho tâm vui. Dùng tiểu phương tiện của tâm nầy thành an ổn. Chẳng đắm trước các loại khác. Vì sao đối với Vô sở hữu xứ mà chẳng được dính mắc hoặc thức hoặc vô biên. Cho nên nói Vô sở hữu xứ xả là đệ nhứt.
Hỏi rằng: Quán tứ đại là thế nào? Tu cái gì? Tướng gì? Vị gì? Khởi lên cái gì? Công đức gì? Vì sao phải tu?
Đáp rằng: Do trí cho biết là bên trong tự tướng gồm tứ đại. Đây nghĩa là xem thấy tứ đại. Tâm kia trụ nơi chẳng loạn. Đây nghĩa là tu. Tùy theo quán tứ đại lấy làm tướng. Thông đạt chỗ không, lấy làm vị. Trừ chúng sanh mà khởi.
Công đức gì? - Nếu tu hành quán tứ đại trở thành có thể kham nhẫn sự lo sợ về niềm vui hay chẳng vui. Đối với việc dễ thương hay chẳng dễ thương, trở thành tâm bình đẳng; trừ ý kiến riêng của nam nữ sẽ trở thành đại trí huệ. Hướng đến chỗ lành và nơi tốt đẹp. Đây chính là phần pháp rõ ràng. Tất cả đối với kia thành việc tu hành đầy đủ.
Vì sao đối với kia phải tu? - Kẻ mới ngồi thiền lấy 2 việc làm mà giữ cho các đại, lấy tóm lược, lấy rộng ra.
Hỏi rằng: Vì sao lấy tóm lược để giữ các đại?
Đáp rằng: Kẻ tọa thiền kia nhập vào chỗ ngồi tịch tịnh, nhiếp tất cả tâm nên tâm chẳng loạn. Thân nầy do đó được gọi gồm tứ đại. Đối với thân nầy tất cả những gì tánh cứng thuộc về đất; tánh ẩm ướt thuộc về nước; tánh nóng thuộc về lửa; tánh bền thuộc về đất; tánh động thuộc về gió. Như thế thân nầy chỉ có hạn định, không có chúng sanh nào là không có mạng sống. Như thế lại nói gọn là nằm trong giới hạn. Lại cũng nói – Người tọa thiền kia lấy việc tóm lược chấp giữ sự giới hạn và lấy thân nầy nương vào các bức màng để mà phân biệt; hoặc là sắc; hoặc là hình; hoặc là xứ; hoặc là phân biệt. Người tọa thiền kia đã tóm lược giữ những giới hạn rồi, sau đó nương vào các màng để phân biệt tất cả tánh của thân; hoặc dùng sắc; hoặc dùng hình; hoặc dùng xúc; hoặc dùng phân biệt. Nương vào thịt để phân biệt thân nầy. Hoặc dùng sắc; hoặc dùng hình; hoặc dùng xúc; hoặc dùng phân biệt. Kẻ tọa thiền kia nương vào da thịt để phân biệt tất cả thân rồi. Hoặc dùng sắc; hoặc dùng hình; hoặc dùng xứ; hoặc dùng phân biệt. Kẻ tọa thiền kia nương vào mạch để phân biệt tất cả thân. Hoặc dùng sắc; hoặc dùng hình; hoặc dùng xứ; hoặc dùng phân biệt. Kẻ ngồi thiền kia nương vào mạch máu rồi phân biệt tất cả thân. Hoặc dùng sắc; hoặc dùng hình; hoặc dùng xứ; hoặc dùng phân biệt. Từ đây lại nương vào xương để phân biệt với tất cả thân. Hoặc dùng sắc; hoặc dùng hình; hoặc dùng xứ; hoặc dùng phân biệt. Kẻ tọa thiền kia đối với 4 việc làm nầy và lấy 4 việc làm nầy để hàng phục tâm. Khiến cho tâm biết xấu hổ, làm cho tâm thọ trì. Kẻ tọa thiền kia đối với 4 việc làm nầy, dùng 4 việc làm nầy để hàng phục tâm. Sau khi xấu hổ rồi, khiến cho thọ trì. Đối với 4 việc làm nầy có tánh cứng phải biết đó thuộc về đất. Có tánh ẩm ướt phải biết đó thuộc về nước. Có tánh nóng, phải biết đó thuộc về lửa. Có tánh động, phải biết đây thuộc về gió. Kẻ tọa thiền kia đối với 4 việc làm nầy tuy có biên giới, nhưng không có chúng sanh và không có mạng sống. Dùng sự so sánh nầy ngoài những việc làm rồi trở thành giữ yên, như thế lấy sự tóm lược giữ lấy nơi giới hạn.
Vì sao lấy chỗ chấp giữ rộng nơi các cảnh giới?
Lấy 20 việc làm chấp giữ rộng rãi nơi địa giới và lấy thân nầy như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, mạch máu, xương, tủy, vai, tim, gan, phổi, mật, bao tử, ruột non, ruột già, bụng, đường tiểu, não. Lấy 20 việc làm nầy rộng nhiếp vào cảnh giới thuộc về nước thì thân nầy có đờm, mũi, dãi, máu, mồ hôi, mỡ tảng, nước mắt, mỡ chài, nước đờm, nước dãi, nước tiểu.
Lấy 4 việc làm rộng thâu vào nơi lửa thì đây là nóng, đây là ấm. Lấy sức ấm nầy bình đẳng trung hòa làm tiêu hóa thức ăn. Đây thuộc về phạm vi của lửa. Lấy 6 việc làm rộng chấp lấy nơi gió. Hướng lên gió bên trên, hướng xuống gió bên dưới, nương vào gió nơi bụng; nương vào gió nơi vai; nương vào gió nơi thân, hơi thở vào ra. Như thế lấy 42 việc làm để thấy thân nầy. Duy chỉ có biên giới, không có chúng sanh và không có đời sống. Như thế chấp giữ rộng rãi về các biên giới. Lại nữa như trước Ngài đã nói lấy 10 việc làm để quán về tứ đại. Cho nên lấy ngôn ngữ, lấy công việc, lấy chỗ tụ họp lại, lấy chỗ tan ra, lấy chỗ vô sở trước, lấy duyên, lấy tướng, lấy cùng loại, lấy chẳng cùng loại, lấy một nghĩa và nhiều nghĩa khác, lấy giới phân biệt đệ nhứt, lấy ngôn ngữ ý nghĩa chương cú.
Hỏi rằng: Vì sao dùng ngôn ngữ để phân biệt các cảnh giới?
Đáp rằng: Có 2 cảnh giới cùng ngôn ngữ. Cho nên nói cùng lời hay hơn lời. Đối với tứ đại đây nói giống lời. Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới. Đây nghĩa là thắng ngôn.
Hỏi rằng: Bốn đại nầy nghĩa gì?
Đáp rằng: Đại sanh nên gọi là đại. Có đại chẳng phải thật nghĩa, làm cho hiện ra thật nghĩa. Nên đây gọi là đại. Đại là hồn so với hình hài; nên gọi là đại. Các giới đại sanh ra, như thế Đức Thế Tôn nói kệ rằng:
Lược nói tướng đất
Có hai mươi vạn
Bốn Na Do Tha
Nước bốn mươi vạn
Tám Na Do Tha
Gió trụ hư không
Đến chín mươi vạn
Sáu Na Do Tha
Thế giới chỗ trụ
Lại do lửa thành
Ở trong thế giới
Có các ánh sáng
Trên đến Phạm Thế
Cho đến bảy ngày
Như thế đất sanh
Cho nên tên đại.
Hỏi rằng: Vì sao đại chẳng thật nghĩa làm cho hiện ra thật nghĩa?
Đáp rằng: Gọi là đại giới vậy. Chẳng phải nam, chẳng phải nữ, lấy nam nữ sắc mà nhìn. Giới ở đây chẳng dài chẳng ngắn. Lấy dài ngắn hình tướng để thấy. Giới ấy chẳng phải cây, chẳng phải núi. Dùng màu sắc của cây núi mà thấy. Như thế đại chẳng phải phi thật nghĩa làm hiện ra thực nghĩa, tên là đại.
Vì sao các hồn sánh với dị hình?
Như hồn nhập vào thân người để thành thân nầy. Lấy hình thức của hồn khởi lên 4 việc làm. Hoặc thân mạnh; hoặc nước tiểu nóng; hoặc động nhẹ. Như thế đối với thân nầy lấy lửa giới hòa hợp thành để khởi lên 4 việc làm.
Lấy địa giới hòa hợp thành cứng; lấy thủy giới hòa hơp thành trơn; lấy hỏa giới hòa hợp thành nóng; lấy phong giới hòa hợp thành nhẹ nhàng. Như thế hình thái của linh hồn có tên là đại. Đại đây là nói nghĩa nầy vậy.
Hỏi rằng: Địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới là nghĩa gì?
Đáp rằng: Nói rộng rãi nghĩa là đất. Vật có thể dùng để uống thì đây nghĩa là nước. Làm cho có ánh sáng thì đây là hỏa. Đến đi nghĩa là gió.
Giới nghĩa là gì?
Nghĩa là giữ tự tướng. Lại nữa tự tánh của đất gọi là địa giới. Tự tánh của nước gọi là thủy giới. Tự tánh của lửa gọi là hỏa giới. Tự tánh của gió gọi là phong giới.
Tự tánh của đất là gì?
Đây là tánh cứng, tánh rắn chắc, tánh dày, tánh chẳng động, tánh an ổn, tánh giữ gìn. Đây nghĩa là tánh đất.
Tánh của nước như thế nào?
Tánh ẩm, tánh lỏng, tánh chảy, tánh lưu xuất. Tánh dày, tánh tăng trưởng, tánh hỷ, tánh nối kết dính mắc. Đây gọi là tánh nước.
Sao gọi là tánh lửa?
Đó là tánh nóng, tánh ấm, tánh nồng, tánh nực, tánh đốt cháy, tánh giữ lại. Đây là tánh lửa.
Sao gọi là tánh gió?
Tánh đầm, tánh lạnh, tánh đến đi, tánh động nhẹ, tánh thấp, tánh chấp thủ. Đây nghĩa là tánh gió. Đây nghĩa là giới. Như thế dùng ngôn ngữ và ý nghĩa nên quan sát về giới nầy.
Hỏi rằng: Sự quán sát về giới là gì?
Đáp rằng: Địa giới giữ gìn công việc; thủy giới kết trước là công việc; hỏa giới làm cho nóng là công việc. Phong giới chận lại là công việc. Lại nữa địa giới thành lập là công việc. Thủy giới hạ xuống là công việc. Hỏa giới làm cho bùng lên là sự việc. Phong giới động chuyển là sự việc. Lại nữa hai giới gần cho nên trở thành lúc ban đầu. Lại nữa hai giới gần nên thành ra bước sau. Hai giới gần nên thành 2 chỗ ngồi nằm. Lại nữa 2 giới nên thành hậu hành lập. Hai giới gần nên thành giải đãi và buồn ngủ. Hai giới gần nên sau thành tinh tấn, dõng mãnh. Hai giới gần nên trước thành nặng. Hai giới gần nên sau thành nhẹ. Như thế lấy sự việc để quán tứ đại.
Vì sao lấy chỗ tụ hội để quán tứ đại?
Tụ nghĩa là nơi của đất, nước, gió, lửa hợp lại. Nương vào những nơi nầy để trở thành sắc, hương, vị, xúc. Với 8 pháp nầy hoặc nhiều hơn cùng chúng sống chẳng hề lìa nhau. Sự hòa hợp nầy gọi là tụ hội. Cái kia lại có thêm 4 loại nữa. Đó là sự tụ hội của đất, sự tụ hội của nước, sự tụ hội của lửa và sự tụ hội của gió. Nơi hội tụ của đất kia trở thành tối đa. Còn thủy giới, hỏa giới, phong giới lần lượt trở thành tối thiểu. Đối với sự hội tụ của nước thì thủy giới trở thành tối đa. Địa giới, phong giới, hỏa giới trở thành tối thiểu. Đối với sự tụ hội của lửa thì hỏa giới trở thành tối đa. Địa giới, phong giới và thủy giới trở thành tối thiểu. Đối với sự tụ hội của gió thì phong giới trở thành tối đa. Hỏa giới, thủy giới, địa giới lần lượt trở thành tối thiểu. Như thế lấy sự tụ hội mà quan sát các cảnh giới.
Hỏi rằng: Vì sao lấy sự tan hoại để quan sát tứ đại?
Đáp rằng: Quán nơi địa giới từ nơi thật nhỏ như lân không vi trần sanh ra. Đất nầy lấy nước làm chỗ hòa hợp nên không bị tan hoại. Lấy lửa làm chỗ ấm áp nên không bị hôi. Lấy gió làm chỗ lưu giữ và trở thành sự chuyển động. Như thế mà quán. Lại như trước đã dạy: Đập nhỏ thân nầy ra, tất cả chỉ là bụi, sẽ trở thành 12 cân. Còn nước thì độ 6 cân rưỡi. Còn lửa thì làm cho ấm lên và tùy theo gió khởi lên mà hồi chuyển. Như thế lấy sự tan hoại mà quan sát về các cảnh giới.
Hỏi rằng: Vì sao chẳng thể lìa việc quán tứ đại?
Đáp rằng: Địa giới dùng nước để gìn giữ lửa nóng và gió máy. Như thế 3 loại kia hòa hợp. Thủy giới ở nơi đất và lửa thì nóng và gió giữ lại. Như thế 3 cảnh giới nầy được nhiếp lại. Hỏa giới ở nơi đất. Nước sẽ gìn giữ gió lại. Như thế 3 cảnh giới được ấm. Phong giới ở nơi đất; nước sẽ giữ lửa và chỗ ấm. Như thế 3 giới giữ gìn. Đối với đất, ở 3 cảnh giới và nước là chỗ giữ gìn. Ba cảnh giới nên chẳng tan hoại. Lửa là chỗ ấm của 3 cảnh giới trở thành chẳng hôi. Gió là chỗ giữ 3 cảnh giới, được thay đổi ngay chỗ ở; nên không tan hoại. Như thế 4 cảnh giới nầy nương vào sự triển chuyển mà thành trụ, chẳng có tan hoại. Như thế lấy sự chẳng lìa nhau để mà quán về cảnh giới vậy.
Hỏi rằng: Thế nào là quán duyên về cảnh giới?
Đáp rằng: Tứ Đại có 4 sự duyên để khởi lên cảnh giới.
Thế nào là 4?
Đó là nghiệp, tâm, thời gian và sự ăn uống.
Sao gọi là nghiệp và từ nghiệp mà sanh?
Tứ quả lấy 2 duyên để thành duyên. Lấy duyên sanh làm nghiệp duyên. Ngoài ra cảnh giới nương vào duyên để thành duyên. Tâm là từ chỗ tâm mà sanh ra. Bốn cảnh giới lấy sáu duyên trở thành duyên. Lấy sanh duyên, lấy cộng sanh duyên, lấy nương vào duyên, lấy sự ăn uống để duyên vào. Lấy căn duyên, lấy hữu duyên để thành duyên nầy. Ngoài các cảnh giới ra lấy sự nương vào duyên, lấy hữu duyên. Đối với khi nhập thai thì các hình tướng lấy 7 duyên để trở thành duyên. Các duyên cộng lại với nhau mà thay đổi phát triển và nương vào việc ăn uống, các căn và nghiệp báo để tạo thành duyên và sau đó thì tâm sinh ra đầu tiên. Còn thân lấy 3 duyên để hợp thành duyên. Cho nên hậu sanh duyên nương vào duyên để có duyên. Lúc ấy thời gian đã thành tựu. Tứ đại lấy 2 duyên để thành duyên, sanh duyên và hữu duyên. Ngoài ra các cảnh giới lấy 2 duyên thành duyên. Nương vào duyên có duyên. Việc ăn uống nầy từ chuyện ăn mà thành tựu. Tứ đại lấy 3 duyên thành duyên. Đó là sanh duyên, thực duyên và hữu duyên. Ngoài ra các cảnh giới lấy 2 duyên thành duyên. Cho nên nương vào duyên và có duyên. Đây là do nghiệp mà sanh ra 43 cảnh giới và cùng với các sự sanh ra, phát triển thay đổi để 4 duyên ấy duyên vào nhau. Cho nên gọi là những duyên cùng chung với nhau và những duyên thay đổi phát triển. Nương vào duyên và hữu duyên. Ngoài ra các giới lấy duyên để thành duyên. Cho nên nương vào duyên để có duyên. Như thế từ tâm sanh ra, từ thời gian sanh ra, từ ăn uống mà sanh ra, như thế phải nên biết.
Địa giới là vì ngoài cảnh giới ra ở đó duyên vào nhau để thành duyên. Thủy giới là vì ngoài cảnh giới ra, tạo nên sự dính mắc và duyên thành duyên. Hỏa giới là ngoài giới ra tạo nên nóng và duyên thành duyên với nhau. Phong giới là vì ngoài giới ra, tạo nên sự duyên lại với nhau duyên. Như thế lấy duyên để quán sát về các cảnh giới.
Hỏi rằng: Vì sao lại lấy tướng để quán về các cảnh giới?
Đáp rằng: Tướng cứng thuộc về đất; tướng ẩm thuộc về nước; tướng nóng thuộc về lửa; tướng lạnh thuộc về gió. Như thế lấy tướng để quán về các cảnh giới.
Hỏi rằng: Vì sao lại quán về cảnh giới của nhiều loại và chẳng phải loại nào?
Đáp rằng: Địa giới và thủy giới thuộc về một chủng loại. Lấy đó làm trọng. Còn hỏa giới, phong giới là một chủng loại, lấy đó làm nhẹ. Thủy giới, hỏa giới chẳng phải loại. Nước hay làm tiêu lửa, làm cho khô. Đây chẳng phải thuộc loại nào.
Địa giới, phong giới thay đổi, phát triển trở thành chẳng phải loại nào. Đất ngăn gió lại. Gió có thể làm cho đất mất đi. Cho nên không thuộc chủng loại nào. Lại nữa hoặc 4 giới triển chuyển thành các loại; lấy sự triển chuyển ấy duyên vào vậy. Hoặc triển chuyển trở thành chẳng phải loại nào. Lấy tự tướng vậy. Như thế lấy chủng loại và phi chủng loại để quán về các cảnh giới vậy.
Hỏi rằng: Vì sao lại quán về cảnh giới của một tánh và nhiều tánh?
Đáp rằng: Từ nghiệp sanh ra 4 cảnh giới. Từ đó mà nghiệp sanh. Cho nên lấy một tánh làm tướng của chủng chủng tánh. Đây là do từ tâm sanh và từ thới gian sanh, từ thức ăn sanh và có thể biết 4 nhơn duyên của địa giới. Lấy tướng của một tánh làm nhơn. Cho nên có nhiều tướng. Như thế 4 nhơn duyên của gió, lửa, lấy cảnh giới của gió có thể biết được. Bốn cảnh giới lấy giới làm một tánh. Lấy đại là một tánh; lấy pháp là một tánh; lấy vô thường làm một tánh; lấy khổ làm một tánh; lấy vô ngã làm một tánh; lấy tướng chủng chủng tánh, lấy sự chủng chủng tánh; lấy nghiệp chủng chủng tánh; lấy tâm chủng chủng tánh thành chủng chủng tánh. Lấy thời chủng chủng tánh thành chủng chủng tánh. Lấy thực chủng chủng tánh thành chủng chủng tánh. Lấy chủng chủng tánh thành chủng chủng tánh. Lấy địa chủng chủng tánh thành chủng chủng tánh. Lấy sanh chủng chủng tánh thành chủng chủng tánh. Lấy cõi chủng chủng tánh thành chủng chủng tánh. Như thế lấy một tánh chủng chủng tánh để quán sát về những cảnh giới khác.
Hỏi rằng: Sao lại lấy việc ảo để quán về cảnh giới?
Đáp rằng: Như người thầy xiếc hay, lấy cây trong rừng để tạo thành người, làm cho đầy đủ tay chân, đi, đứng có thể được, bên trong chuyển động, bên ngoài mặc những đồ giả, giống như người thật, áo quần tươm tất; hoặc nam hoặc nữ, lấy người kéo dây; hoặc đi hoặc ném, hoặc đứng, hoặc ngồi. Như thế đây gọi là thân ảo của cảnh giới. Đầu tiên lấy phiền não ảo giác vị thầy xiếc ấy tạo ra đầy đủ gân cốt của con người. Rồi lấy dây cột lại giống như thịt như đất bùn. Rồi lấy màu sắc tạo ra da, khoảng trống là lỗ chơn lông. Lấy áo quần đẹp đẽ mặc vào, rồi bảo đó là nam hay nữ. Với cái tâm ấy tạo ra cảnh giới của gió; hoặc đi; hoặc đứng; hoặc đến; hoặc lui; hoặc tiến; hoặc thoái; hoặc nói; hoặc giảng. Đây là cảnh giới của người ảo. Hoặc gió cảnh giới của thức cùng sanh ra, lấy ưu não làm nhơn duyên, trở thành ưu, bi, khổ, não; hoặc cười; hoặc đùa; hoặc choàng vai choàng cổ v.v... Ăn cũng để duy trì cảnh giới giả ảo. Mệnh sống nầy cũng thọ trì cảnh giới giả. Khi mệnh sống nầy mất đi thì mọi vật phân tán ở trong cảnh giả nầy. Nếu nghiệp phiền não còn, lại còn khởi lên cảnh giới giả tạm khác nữa. Như thế lại sanh vào cảnh giả nữa. Cái ban đầu chẳng rõ biết và cái cuối cùng cũng chẳng biết đầu đuôi.
Với người tọa thiền như thế ở cửa nầy và thực hành điều nầy, chỉ cần quán thân nầy là một cảnh giới giả tạm, chẳng có chúng sanh mà cũng chẳng có thọ mạng. Khi quán thì lấy cảnh giới, dùng sự sống và pháp số, thọ, tưởng, hành, thức để quán. Rồi kẻ tọa thiền kia quán đến danh sắc. Từ quán danh sắc kia, biết đây là khổ, đây là tham ái, đây là khổ tập. Quán những tham ái diệt rồi thì khổ diệt. Quán bát chánh đạo; đây là khổ diệt đầy đủ.
Sau đó người tọa thiền rộng quán về tứ đế, lúc ấy thấy sự khổ mà lo lắng. Dùng vô thường, khổ, vô ngã hay tư duy chẳng tán loạn. Lấy trí tuệ để thấy khổ diệt là công đức. Lấy sự tịch tĩnh mà xa lìa một cách vi diệu. Với người tọa thiền kia, như thế hiện thấy khổ nên quá lo và thấy diệt, được công đức. An trụ chơn chánh nơi căn lực giác phần. Từ tướng của việc làm, tâm khởi lên rồi chứng nhập cảnh giới thanh tịnh.
Hỏi rằng: Vì sao đối với việc ăn uống chẳng thể chịu theo tưởng? Tu cái gì, tướng gì? Vị gì? Nơi nào? Khởi lên cái gì? Và công đức nào? Vì sao phải tu?
Đáp rằng: Lấy chỗ nếm thử đồ ăn uống mà tác ý rồi kéo theo tư tưởng kia để rõ biết điều đúng. Đây nghĩa là chẳng kéo theo tư tưởng về việc ăn. Tư tưởng kia tạm nơi bất loạn. Đây nghĩa là tu. Đối với việc ăn, lấy sự lo nghĩ làm tướng. Lấy sự xa lìa làm vị. Lại do yêu mùi vị mà khởi lên.
Có công đức nào? - Thành được 8 công đức. Nếu tu về tư tưởng không kéo theo sự ăn uống, biết lường về việc ăn uống, biết ngũ dục đầy đủ, biết về sắc ấm; rõ về tưởng bất tịnh. Tại thân nầy suy nghĩ để trở thành chỗ tu học đầy đủ. Từ chỗ thích mùi vị rồi xa rời tâm kia, hướng đến con đường lành và hướng vào chỗ an tĩnh.
Vì sao phải tu? - Đầu tiên người tọa thiền ngồi chỗ yên lặng; nhiếp tất cả tâm, làm cho tâm chẳng loạn. Lấy sự nếm thử mùi vị của thức ăn chẳng tạo nên cái ý để lôi kéo theo. Như vâỵ cả trăm mùi vị buôn bán, đối với kẻ thanh tịnh, là chỗ đáng quý trọng. Sắc hương đầy đủ là chỗ quá quý. Tỷ như ăn uống đủ vào thân biến thành bất tịnh, thành chẳng chịu nổi, thành đồ hôi thối, thành chỗ quá dơ. Lấy ngũ hành để tu hành về sự tưởng nhớ đến việc chẳng kéo theo. Do vậy mà lấy việc buôn bán để làm tan đi nơi chốn, chỗ chẳng mất hay chỗ tụ hội lại.
Hỏi rằng: Vì sao lấy sự buôn bán tu hành mà chẳng kéo theo tư tưởng (sự nhớ nghĩ) về ăn uống?
Đáp rằng: Người tọa thiền nầy thấy các chúng sanh vì sự buôn bán đồ ăn uống khốn khổ, làm các ác pháp; hoặc sát hại; hoặc trộm cắp; lại thấy chúng sanh kia thọ vô lượng khổ, biết rằng nơi kia do sự sát hại trói buộc, lại thấy chúng sanh kia tạo ra nhiều tội ác; hoặc là xin ăn; hoặc là ngông cuồng, trá hiện siêng năng, thấy thức ăn lại khởi lên sự xa lìa, lấy sự bất tịnh của tiểu giải chảy xiết, mà thức ăn uống là nguyên nhơn và kẻ kia tạo ra các nghiệp cũng như thế.
Lại thấy người xuất gia ở chỗ núi đồi thanh tịnh có nhiều hoa hương, cầm thú ca hát do người lành tạo ra. Hoặc như ở thôn xóm tốt đẹp đầy đủ bóng cây rừng chiếu xuống nước, giữ ý người kia lại. Nhà cửa đẹp đẽ chẳng có chỗ cao thấp. Người thấy ngờ ngợ chẳng có những điều nghi. Đây là chỗ mà người xuất gia dành để tu giải thoát, sánh với chỗ ở của Phạm Thiên. Những trụ xứ như thế, tâm chẳng dính mắc. Thường hay tọa thiền, vui tu việc tốt. Hoặc đối với nơi lạnh nóng, gió táp mưa sa nơi núi non hiểm trở. Vì nguyên nhơn việc ăn uống buôn bán rồi quảng bát vào nhà người khất thực. Kia thấy như vậy và tâm khởi lên sự xa rời. Uống ăn chẳng sạch, tiểu giải chảy ra. Việc buôn bán chuyện ăn uống nầy là nguyên nhơn vậy. Như vậy nên xả bỏ, cầu niềm vui đệ nhất.
Lại nữa thấy kẻ xuất gia tu hành đi khất thực; hoặc đối với ngựa voi, ác thú; hoặc đối với chó heo thảy; hoặc với kẻ làm ác; hoặc chỗ bất tịnh, đạp lên bùn đất và đến trước cửa nhà kia đứng yên thời gian, lấy áo che thân. Vì được cho ăn, sanh nghi. Hoặc thấy việc ăn kia giống như đồ ăn của chó. Khi ăn khởi lên sự ghê tởm. Việc buôn bán đồ ăn nầy có thể tạo ra chỗ ác độc lắm điều, làm sao mà có thể buôn bán và lấy kia để ăn. Như thế sự buôn bán, tu hành về việc ăn. Chẳng nhớ nghĩ dính theo.
Vì sao lại làm mất đi sự tu hành về thức ăn mà chẳng nhớ nghĩ theo? Kẻ tu hành kia, như vậy chỗ được buôn bán ăn uống và khi ngồi ăn, lấy chỗ ẩm thấp bình dân, lấy tay để lùa vào miệng. Lấy môi nhận thức ăn, lấy rằng để nhai, lấy lưỡi để chuyển động và dùng nước bọt để đưa cơm, để trở thành máu huyết hòa hợp. Xa lìa chỗ dở xấu nhất, như chó nôn mửa, chẳng thể thấy được. Như thế nên xa rời, sự tu hành không thể suy nghĩ theo chuyện ăn uống được.
Hỏi rằng: Vì sao lấy nơi tu hành, chẳng kéo theo sự nhớ nghĩ về việc ăn uống?
Đáp rằng: Như thế việc ăn nầy khi nuốt vào bụng cùng với vật chẳng thanh tịnh hòa hợp rồi sanh ra chỗ ấm.; nơi hằng trăm loại trùng ăn ở. Lấy chỗ ấm áp ấy làm thành chỗ xa rời thứ nhất như người mửa đồ bất tịnh vào bình. Như thế nầy nơi chốn tu hành chẳng kéo theo sự nhớ nghĩ về ăn uống.
Hỏi rằng: Vì sao lấy chỗ chảy thông tu hành mà chẳng kéo theo sự nhớ nghĩ về ăn uống?
Đáp rằng: Do chỗ ăn uống ấm áp nầy cùng với đồ ăn mới chẳng thanh tịnh hòa hợp, giống như rượu đặt vào ly bị bể; như thế tất cả thân nầy bị chảy ra, rồi tùy theo đó mà chảy vào các mạch nơi khóe mắt, qua 9 lỗ của 99.000 lỗ chân lông, đầy dẫy chảy khắp. Đồ ăn nầy như thế chảy vào trong cơ thể và chia ra làm 5 phần. Một phần để cho trùng ăn; một phần tạo làm sức ấm; một phần duy trì sự sống cho thân; một phần thành nước tiểu; một phần thành thể xác. Như thế sự tu hành không kéo theo sự nhớ nghĩ về thức ăn.
Hỏi rằng: Vì sao sự tụ họp tu hành chẳng kéo theo tư tưởng về việc ăn uống?
Đáp rằng: Đây là chỗ chảy thức ăn để thành tóc, lông, móng tay v.v... của thân nầy. Làm cho khởi lên cả hàng 101 phần của thân. Nếu chẳng lưu thông làm cho khởi lên 191 thứ bịnh não. Như thế, đây là chỗ tụ hợp tu hành,chẳng kéo theo sự nhớ nghĩ về việc ăn uống. Kẻ tọa thiền kia lấy cửa nầy và chỗ làm nầy như là việc tu hành chẳng kéo theo sự nhớ nghĩ về việc ăn uống, thành ra xa lìa sự ăn uống. Lấy tâm xa lìa tự tại ấy thành chỗ bất loạn. Nếu tâm bất loạn thì những sự che đậy mất đi và thiền phần lại khởi lên và việc hành thiền bên ngoài lại trụ yên.
Vô sở hữu xứ và Phi phi tưởng xứ như Sở địa và tất cả nhập môn hay nói như kệ sau đây:
Hành xứ kẻ tọa thiền
Chỗ nói tuy rõ ràng
Như người lành chỉ đường
Về nước Ba Lợi Phất
Lược nói được biết rộng
Rõ biết cả trước sau
Hằng xem như phi pháp
Với đây nói rộng rồi
Như thế đủ các tướng
Tất cả công đức kia
Như pháp mà phân biệt
Giải thoát đạo hành xứ.
Luận Về Con Đường Giải Thoát
Hết quyển thứ 8
--o0o--
Trình bày: Nhị Tường