Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHƯƠNG TÁM

15/04/201318:41(Xem: 7249)
CHƯƠNG TÁM

Thức Thứ Tám

Lâm Như Tạng
Chùa Viên Giác
PL. 2549 - DL 2005
---o0o---

CHƯƠNG TÁM

BA TỰ TÁNH VÀ BA VÔ TÁNH

I- BA TỰ TÁNH

A- Ba Tự Tánh giải thích theo luận Vijnãna Mâtra-siddhi Trimsati Castra Karika của Vasubandhu

Mục đích của Duy Thức Học là tìm hiểu thực thể của vạn sự vạn vật. Tìm hiểu thể tính của các pháp ấy là gì? Tự tính của các sự vật ấy là gì? Theo Duy Thức Học mà Alaya là Thức Căn Bản thì mỗi sự vật đều có ba loại tự tính. Ðó là Biến Kế Sở Chấp Tự Tánh, Y Tha Khởi Tự Tánh, Viên Thành Thật Tự Tánh.

1- Biến Kế sở chấp tự tánh:

Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có 4 câu về tự tánh nầy như sau:

Do bỉ bỉ biến kế.

Biến kế chủng chủng vật.

Thử biến kế sở chấp.

Tự tánh vô sở hữu.

(Yena yena vikalpena.

Yad yad vastu vikalpyate

Parikalpita eva asau.

Svabhãvo na sa vidyate).

Dịch:

Do tánh biến kế đó.

Chấp trước tất cả vật.

Biến kế sở chấp đó.

Tự tánh không có thật.

(Như Tạng dịch từ Hán văn ra tiếng Việt)

Biến nghĩa là phổ biến. Kế nghĩa là xét nghiệm, so đo. Tự tánh nầy không phụ thuộc vào bản chất các pháp. Nó không phải là tự tánh của các pháp. Tự tánh ấy chỉ do sự so đo xét nghiệm của Ý Thức mà có. Một là cho rằng mỗi pháp đều có đặc tính riệng của nó. Hai là cho rằng tất cả các đặc tính đều có bản thể. Ví dụ nghe đồn nhà bên cạnh có con quỉ đêm đêm hiện về khuấy phá. Khi nhe như vậy người nầy tưởng tượng ra hình thù con quỉ mặt xanh nanh vàng. Người khác tưởng tượng ra con quỉ mặt đỏ nanh trắng v.v… Thực ra những hình ảnh đó là do Ý Thức tưởng tượng ra mà có chứ thực thể không có thật. Nên bài tụng nói tánh biến kế nầy không có tự tánh là nghĩa như vậy.

Ta có thể suy luận ra 4 loại biến kế như sau: Biến mà không kế, kế mà không biến, có biến và có kế, không biến cũng không kế.

a- Biến mà không kế:

Nghĩa là khi hành giả tu tập đã chuyển Thức thành Trí rồi thì thấu rõ vạn pháp không ngăn ngại. Sự thông suốt là do Trí Giác mà biết chứ không do kế đạt phân biệt mà biết nên gọi là tri giác phổ biến mà không do kế đạt phân biệt. Do đó nên gọi là biến mà không kế.

b- Kế mà không biến:

Đó là hành tướng của Mạt Na Thức. Thức Mạt Na chấp ngã là cái ngã kiến hư vọng. Ðối tượng của nó chỉ là phần tri kiến của Thức Alaya. Còn những đối tượng nhận thức khác như về vũ trụ, nhân sinh, sự lý đều thoát ra ngoài sự so đo suy nghiệm của nó nên gọi là Mạt Na có kế mà không biến.

c- Có biến và có kế:

Đó là chỉ cho hành tướng của Ý Thức. Ðối tượng của Ý Thức là 3 cảnh, tất cả những sắc trần, thinh, hương, vị, mừng giận… đều là đối tượng của thức nầy nên gọi là Biến. Ý thức luôn luôn suy nghiệm so đo nên gọi là Kế. Vì kiến chấp của Ý Thức là do những tác động từ bên ngoài mà có nên gọi là Y Tha Khởi. Nhưng vì các pháp bên ngoài không có thật thể nghĩa là không có tự tánh nên Ý Thức dựa vào đó mà phát sinh nhận thức nên tự tánh của nó cũng không thật có.

d- Không Biến cũng không Kế:

Ðó là chỉ cho các Thức: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân. Các Thức nầy chỉ phân biệt đối tượng riêng biệt của chúng nên không phải là Biến. Và những phân biệt theo trực giác chứ không phải theo lối so đo suy niệm nên không gọi là Kế.

Nói chung tại sao gọi là Biến Kế Sở Chấp Tự Tánh? Vì sự nhận thức so đo của Ý Thức chấp trước tất cả sự vật theo cách nhìn thiển kiến của Ý Thức về sự vật dễ đưa đến tình trạng thiên lệch kiến chấp sai lầm, phát khởi từ những nguyên nhân sai lầm trùng trùng duyên khởi từ bên ngoài đã thành thói quen mà mọi người thường cho đó là tự tánh là thể tính. Nhưng thực ra những chuỗi dài nhân duyên đó vốn không có thực thể thì làm gì có tự tính được. Do đó mà trường họp nầy không có tự tính thật.

2- Y Tha Khởi Tự Tánh:

Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có 2 câu tụng nói về tự tánh như sau:

Y Tha Khởi tự tánh.

Phân biệt duyên sở sanh.

(Paratantrasvabhãvastu.

Vikalpah pratyaya udbhavah)

Dịch:

Tự tánh Y Tha Khởi.

Từ duyên phân biệt sinh.

( Như Tạng Việt dịch)

“Y” nghĩa là dựa vào. “Tha” là những cái khác. Y Tha Khởi là dựa vào những vật khác mà sinh ra. Nương vào những hiện tượng khác mà phát sinh ra hiện tượng nầy. Ðó là tự tánh của các Pháp. Nói cho cùng thì vật nào cũng phải từ cái khác liên hệ sinh khởi. Không vật nào hay hiện tượng nào tự nó có thể sinh khởi mà không nhờ đến các duyên khác. Một vật được sinh ra là do kết hợp nhiều nguyên nhân và nhiều trợ duyên mới thành. Ðó là nguyên lý nhân duyên sinh của các pháp. Ðó là tính Y Tha Khởi của các Pháp.

Nhưng Tự Tính Y Tha Khởi nầy cũng không thật có vì mọi vật nếu hội đủ nhân duyên thì đuợc sinh ra nếu nhân duyên tan rã thì vật ấy không còn tồn tại. Do đó mà Tự Tính nầy không thật có. Do đó tuy gọi là Tự Tính nhưng vì nó không thật có nên không phải là tự tính nữa.

3- Viên Thành Thật Tự Tánh

Cũng trong Duy Thức Tam Thập Tụng có những câu như sau:

Viên Thành Thật ư bỉ.

Thường viễn ly tiền tánh.

Cố thử dữ Y Tha.

Phi di phi bất dị.

Như vô thường đẵng tánh.

Phi bất kiến thử bỉ.

(Nispannastsya pũrvena.

Sadã rahitatã tu yã.

Ata eva sa na eva anyo.

Na ananyah paratantratah.

Anityatã ãdivad vãcyo.

Na adrste ‘smin sa drsyate)

Dịch:

Viên Thành Thật, Y Tha (ư bỉ).

Thường xa lìa tánh trước (biến kế sở chấp).

Vì Nó (Viên Thành Thật) với Y Tha.

Cũng giống và cũng khác.

Như vô thường chủng tánh.

Chẳng thấy đây (viên thành thật) với kia (y tha khởi).

(Như Tạng Việt dịch và ghi chú)

Tự tánh viên mãn chân thật nầy mới là chân như. Vì chân như là thể tính cộng thông của tất cả sự lý chân thực.

Tánh Viên Thành Thật nầy thường xa rời với tánh Biến Kế Sở Chấp đã nói trước. Nếu nhận rõ được Biến kế là hư vọng sẽ hiểu được tánh Y Tha. Khi hiểu được Y Tha thì mới thấu đạt tánh Viên Thành Thật. Nếu rời Y Tha thì sẽ không nhận chân được tánh Viên Thành Thật. Do đó tụng nói Y Tha và Viên Thành Thật “cũng khác, cũng chẳng khác” là như vậy. Y Tha được ví như SÓNG còn Viên Thành Thật ví như NƯỚC. Vì có gió nên nước mới nổi sóng, thế nên sóng với nước không phải “hai” mà cũng không phải “một”.

Bát Nhã Tông chủ trương thể tính của các Pháp là Không. Chữ không phải được hiểu là tất cả các Pháp đều do Alaya biến hiện trong ý nghĩa là vạn pháp Duy Thức do đó thể tính của các pháp là Không. Không là “không phải là biến kế sở chấp”.

Ðứng về Pháp Tướng Tông thì vạn sự vạn vật sở dĩ có là do Y Tha Khởi, cái có tương đối giả huyễn cái bản chất của các hiện tượng giả huyễn ắt là không có thực thể. Ðứng về bản chất pháp tánh mà nói thì các pháp vẫn có bản tính chân thực của nó. Do đó tất cả những biến tướng của Thức đều là pháp tướng của Y Tha Khởi. Nhận chân được điều đó thì tánh Viên Thành Thật của các Pháp sẽ được hiểu là tự tánh chân thật của các Pháp vậy.

B- Ba Tự Tánh giải thích theo Thành Duy Thức Luận của Dharmapâla v.v…

1- Tự Tánh của Năng Biến Kế

Có ý kiến cho rằng tám Thức và các Tâm Sở hữu lậu đều là Năng Biến Kế. Vì tự tánh nó là hư vọng phân biệt, hiện ra tương tợ như kiến phần Năng Thủ và Tướng Phần Sở Thủ. A Lại Ya Thức lấy chủng tử vọng chấp về tự tánh biến kế sở chấp làm sở duyên.

Lại có ý kiến cho rằng Tâm Phẩm thức thứ sáu, thức thứ bảy chấp ngã và chấp pháp đó mới là năng biến kế. Nhưng trong Kinh chỉ nói Ý Thức là năng biến kế. Vì Ý và Thức chung lại gọi là Ý Thức; kế đạt và phân biệt là Năng Biến Kế. Vì chấp Ngã và Pháp là Tuệ Tâm Sở; do chấp Ngã và Pháp tất cùng khởi với vô minh Tâm Sở nên không nơi nào nói vô minh có thiện tánh cả. Vì chấp Có và chấp Không không thể cùng khởi lên được. Tâm hữu lậu không chứng thật lý được nên tất cả đều gọi là hư vọng phân biệt, không thể gọi là năng biến kế.

Khế Kinh nói: “Trí Hậu Đắc của Phật hiện ra các ảnh tượng thân, và tợ như tấm gương”, nếu không có tác dụng năng duyên, sở duyên thì không phải là trí. Tuy trong Kinh nói: “Tạng thức duyên chủng tử của Biến Kế”, nhưng không nói “Duy chỉ duyên Biến Kế” do đó không phải là lời biện giải hợp lý.

Vì thế nên chỉ có tâm phẩm thứ sáu và thứ bảy là có tánh Năng Biến Kế.

2- Tự Tánh của Sở Biến Kế

Luận Nhiếp Đại Thừa nói: “Đó là Y Tha Khởi, nó là sở duyên duyên của tâm Biến Kế”.

Có người hỏi Tánh Viên Thành Thật tại sao không phải là cảnh sở duyên của Biến kế?

Vì Tánh Viên Thành Thật là chơn tánh nên không thể là cảnh sở duyên của vọng chấp được. Biến kế sở chấp ngã pháp tuy là cảnh của tâm năng biến kế nhưng không phải là sở duyên duyên, vì ngã pháp không thật, nó chỉ làm sở duyên, giống như mặt trăng thứ hai, do đó Viên Thành Thật Tánh không phải là Sở biến kế.

3- Tướng của Biến Kế Sở Chấp và sự khác biệt với Y Tha Khởi

“Nhiều luận sư có ý kiến rằng Tâm và Tâm Sở hữu lậu trong ba cõi do sự huân tập hư vọng sanh ra tợ như hai là Kiến Phần và Tướng Phần tức là Năng Thủ và Sở Thủ. Tướng hai thứ đó gọi là Biến Kế Sở Chấp. Thức thể Tự Chứng Phần làm chỗ nương cho kiến tướng, thức thể thật nương duyên sanh, tánh nó chẳng phải không, nên gọi là Y Tha Khởi, vì do duyên hư vọng phân biệt mà sanh ra.

“Vì trong Kinh nói: “Hư vọng phân biệt là Y Tha Khởi”; còn hai thủ thì gọi là Biến Kế sở chấp.

Lại có những ý kiến khác cho rằng hết thảy Tâm và Tâm sở do sức huân tập mà biến ra hai phần là Kiến và Tướng. Hai phần nầy là do duyên sanh, cũng là Y Tha Khởi. Biến Kế y vào đó vọng chấp cho rằng nhất định có thật Ngã và Pháp v.v... đó mới gọi là Biến Kế Sở Chấp.

“Vì trong các Kinh nói rằng chỉ có Duy Lượng (thức), duy hai (kiến, tướng), duy các thứ đó đều được gọi là Y Tha Khởi. Trong luận nói bốn pháp là tướng, kiến, tự chứng và chứng tự chứng đều là Y Tha Khởi. Nếu Kiến và Tướng mà không phải là Y Tha Khởi thì hai phần Kiến và Tướng của Hậu Đắc Trí vô lậu được gọi là Biến Kế sở chấp. Nếu chấp nhận đó là Biến Kế thì Thánh Trí không phải duyên hai phần kiến và tướng sanh, hoặc Thánh Trí duyên hai phần đó không phải thuộc Đạo đế. Nếu không chấp nhận Kiến và Tướng của Hậu Đắc Trí là Biến Kế Sở Chấp thì hai phần kiến tướng của tâm hữu lậu cũng vậy.

“Lại nếu nói hai phần Kiến và Tướng là Biến Kế Sở Chấp thì có thể nói như sừng thỏ, không phải là Sở Duyên Duyên. Vì thể của Biến Kế Sở Chấp không thật có.

Hai phần Kiến và Tướng đã không thật thì không huân thành chủng tử, như vậy thức sau sinh ra không có hai phần.

Các Tập khí là tướng phần của Thức Thứ Tám, vả lại là pháp không thật có mà có thể làm nhân duyên sanh ra Tám Thức hiện hành sao?

“Lại nếu hai phần Kiến và Tướng trong nội thức do duyên sanh mà không phải là Y Tha Khởi thì Thức Thể (tự chứng phần) làm chỗ nương cho Kiến Phần và Tướng Phần đó cũng thế, vì nguyên nhân hai bên không khác nhau.

Vì lẽ đó mà hết thảy tự thể Tâm, Tâm sở và Tướng, Kiến phần do duyên sanh, dù hữu lậu, vô lậu đều là Y Tha Khởi, tức là y nơi duyên khác mà được sanh khởi.

“Viên Thành Thật nầy với Y Tha Khởi kia chẳng phải khác chẳng phải không khác. Khác thì hóa ra chơn như không phải là thật tánh của Y Tha còn không khác thì thật tánh chơn như nầy hóa ra là vô thường như Y Tha. Y Tha kia, Chơn Như nầy nếu đều là cảnh tịnh cả hoặc là phi tịnh cả thời trí căn bản và trí hậu đắc không có công dụng khác nhau (chơn như thì thuần tịnh còn y tha thì thông cả tịnh và phi tịnh, nên hai trí duyên hai cảnh có khác nhau. Căn Bản Trí duyên chơn như, hậu đắc trí duyên Y Tha )”.

4- Tánh của Viên Thành Thật và Tánh của Y Tha Khởi chẳng phải một, chẳng phải khác

Trong các pháp vô thường, vô ngã, tánh vô thường với các pháp nếu là khác, thì các pháp kia chẳng phải vô thường. Nếu là không khác thì vô thường nầy không phải là cộng tướng của các pháp kia. Từ đó suy ra Viên Thành Thật nầy với Y Tha Khởi kia chẳng phải một, chẳng phải khác.

Trong luận có bài tụng như sau:

Phi chẳng thấy chơn như

Mà rõ được các hành

Đều như các sự huyễn

Tuy có mà chẳng thật

Ý bài tụng nói rằng ba thứ tự tánh đều không lìa Tâm và Tâm sở Pháp. Tâm, Tâm Sở Pháp và tất cả các pháp được biến hiện đều do duyên sanh. Giống như những sự huyễn hóa, chẳng phải có thật mà trông như có thật. Tất cả những sự vật ấy đều gọi là Y Tha Khởi tánh. Người không thấu đáo sự việc như thế đối với các thứ Y Tha Khởi kia vọng chấp ngã và pháp, chấp có, không, một, khác, câu và bất câu, như hoa đóm giữa hư không, Tánh lẫn Tướng đều không. Tất cả những thứ chấp đó đều gọi là Biến Kế Sở Chấp.

Ngã và Pháp vọng chấp dựa trên Y Tha Khởi đó đều là không thật có, Chơn Tánh của Thức được hiển lộ từ cái không đó gọi là Viên Thành Thật. Do đó ba tánh nầy đều không lìa Tâm.

Còn về ba món Hư Không Vô Vi, Trạch Diệt Vô Vi, Phi Trạch Diệt Vô Vi, Nhiếp về tánh nào?

Cả ba tánh đều dung nhiếp. Tâm và tâm sở biến ra tợ như tướng hư không v.v… Đó là tùy tâm sanh nên thuộc về tánh Y Tha Khởi. Người không hiểu đối với tướng đó vọng chấp cho là thật có, đó chính là Biến Kế Sở Chấp. Nếu từ chơn như giả đặt ra có Hư Không, Trạch Diệt, Phi Trạch Diệt, Vô Vi thì thuộc về tánh Viên Thành Thật.

Do tâm Hữu Lậu duyên Vô Vi thì Vô Vi đó thuộc về Y Tha Khởi. Tâm Vô Lậu duyên Vô Vi thì Vô Vi đó thuộc về hai tánh. Vì do duyên sanh nên nó thuộc về Y Tha; do tâm không điên đảo nên nó thuộc về Viên Thành Thật.

Có người hỏi ba tánh cùng với bảy chơn như nhiếp vào nhau như thế nào? Bảy chơn như là những món nào?

5- Bảy chơn như là:

a- Lưu Chuyển Chơn Như:Thật tánh của pháp hữu vi.

b- Thật Tướng Chơn Như:Thật tánh được hiển lộ bởi hai vô ngã.

c- Duy Thức Chơn Như:Thật tánh của Pháp Nhiễm và Tịnh chính là Duy Thức.

d- An Lâp Chơn Như:Thật Tánh của Khổ Đế.

e- Tà Hạnh Chơn Như:Thật tánh của Tập Đế.

f- Thanh Tịnh Chơn Như:Thật Tánh của Diệt Đế.

g- Chánh Hạnh Chơn Như:Thật Tánh của Đạo Đế.

Vì là cảnh giới của Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí nên bảy tánh đó nhiếp về Viên Thành Thật.

Vì là vọng chấp tạp nhiễm nên ba thứ Lưu Chuyển, Khổ, Tập Chơn Như thuộc về Biến Kế và Y Tha.

Bốn món còn lại thuộc về Viên Thành Thật.

Trong Thành Duy Thức Luận ngài Hộ Pháp có trích dẫn đoạn Kinh như sau: “Bốn chân thật (thế gian chơn thật, đạo lý chơn thật, phiền não chướng tịnh chơn thật, sở tri chướng tịnh chơn thật) nó với ba tánh nhiếp thuộc nhau như thế nào?

Trong đó Thế gian chân thật và Đạo lý chân thật nhiếp thuộc về Y Tha Khởi và nhiếp về ba sự là Danh, Tướng và Phân Biệt.

Hai chân thật còn lại được nhận biết do trí thanh tịnh ngoài hai chướng phiền não và sở tri thì nhiếp thuộc về Viên Thành Thật và nhiếp vào hai sự là chánh trí và chân như.

Luận Biện Trung Biên nói: “Thứ chân thật theo thế gian chỉ nhiếp thuộc về tánh Biến kế sở chấp” vì đó là những điều của thế gian cùng chấp nhận. Thứ đạo lý chân thật thứ hai thì nhiếp thuộc cả ba tánh, vì đạo lý thông cả có chấp, không chấp, tạp nhiễm, thanh tịnh. Hai thứ chân thật sau cùng chỉ nhiếp thuộc về Viên Thành Thật.

Cũng trong Thành Duy Thức Luận Ngài Hộ Pháp nói về Ba Tánh và Bốn Đế nhiếp thuộc nhau như sau:

Trong mỗi Đế đều có đủ ba tánh.

Trong Khổ Đế, tánh Vô Thường, Vô Ngã v.v… mỗi mỗi có đủ ba tánh.

6- Vô Thường có 3:

a- Vô Tánh Vô Thường, vì là tánh thường không.

b- Khởi tận vô thường, vì có sanh có diệt.

c- Cấu tịnh vô thường, vì địa vị chuyển biến khi cấu khi tịnh.

7- “Khổ” có 3:

a- Sở Thủ Khổ, chỗ nương tựa, chấp thủ của hai chấp ngã và pháp

b- Sự Tướng Khổ, là tướng ba khổ.

c- Hòa Hợp Khổ, khổ hợp với khổ.

8- “Không” có ba:

a- Vô Tánh Không, vì tánh chẳng phải có.

b- Dị tánh không, vì “Không” với “Vọng Chấp” hai tánh khác nhau

c- Tự tánh không, dùng chổ hiển lộ của hai không làm tự tánh.

9- “Vô Ngã” có ba:

a- Vô tướng vô ngã, là ngã tướng không có.

b- Dị Tướng vô ngã, vô ngã với tướng ngã chấp hư vọng khác nhau

c- Tự Tướng vô ngã, là tự tướng do vô ngã hiển lộ.

10- “Tập Đế” có ba:

a- Tập khí tập, tức là chấp tập khí của Biến Kế Sở Chấp Tự Tánh. Chấp vào tập khí đó, giả lập là tập khí tập.

b- Đẳng khởi tập, tức là Nghiệp và phiền não.

c- Chưa ly hệ tập, tức Chơn Như chưa lìa chướng.

11- “Diệt Đế” có ba:

a- Tự tánh diệt, tức là tự tánh không sanh.

b- Nhị thủ diệt, tức là trạch diệt, hai thủ không còn sanh.

c- Bản tánh diệt, tức là Chơn như.

12- “Đạo Đế” có ba:

a- Biến tri đạo, là có thể biết tánh Biến Kế Sở Chấp.

b- Vĩnh đoạn đạo, là có thể đoạn nhiễm phần Y Tha Khởi.

c- Tác chứng đạo, là có thể chứng Viên Thành Thật.

Biến Tri Đạo có thể thông cả Vĩnh Đoạn Đạo và Tác Chứng Đạo.

Theo như trên đã kể ta thấy Khổ Đế có 4 lần 3, Tập Đế có 1 lần 3, Đạo Đế có 1 lần 3. Bốn Đế cộng lại có 7 lần 3, theo thứ lớp mà phối hợp với 3 tánh hoặc giả hoặc thật.

Cảnh giới của ba giải thoát môn (Không, Vô Nguyện, Vô Tướng) nhiếp thuộc nhau như thế nào?

Sự thật thì ba Môn đều thông cả ba Tánh. Còn theo Tướng thì mỗi môn thông mỗi tánh. Như thứ lớp nên biết, do tánh Biến Kế Sở Chấp mà lập Không Môn. Do tánh Y Tha Khởi mà lập Vô Nguyện Môn. Do tánh Viên Thành Thật mà lập Vô Tướng Môn.

13- Từ đây lại sinh ra ba Vô Sanh Nhẫn:

a- Bản tánh Vô Sanh Nhẫn.

b- Tự nhiên Vô Sanh Nhẫn.

c- Hoặc khổ Vô Sanh Nhẫn.

Thứ lớp của ba tánh nầy là đối cảnh của ba nhẫn kia.

Còn về ba tánh nầy đối với ba đế nhiếp thuộc nhau như thế nào?

Về Thế Tục Đế có đủ cả ba tánh nầy. Thắng Nghĩa Đế chỉ nhiếp tánh Viên Thành Thật mà thôi.

Thế Tục Đế chia làm ba loại như sau:

Giả Thế Tục, tương ưng với Tánh Biến Kế.

Hành Thế Tục, tương ưng với Y Tha.

Hiển Liễu Thế Tục, tương ưng với Viên Thành Thật.

Thắng Nghĩa Đế có ba loại là:

Nghĩa Thắng Nghĩa, tức là chơn như.

Đức thắng nghĩa, tức là Niết Bàn.

Hành thắng nghĩa, Tức là thánh đạo.

Thắng nghĩa có nghĩa là hơn hẳn, không điên đảo, không biến đổi, nhiếp vào Viên Thành Thật.

Biến Kế sở chấp an lập hư vọng nên gọi là giả; vì nó không có thể thật tướng nên có thể nói chẳng phải giả, chẳng phải thật.

Tánh Y Tha khởi có thật có giả.

Nếu là tụ tập (khí giới, căn thân), tương tục (tướng chuyển dịch của Tâm, Tâm Sở), phận vị (hai mươi bốn tâm bất tương ưng), được gọi là giả có; nhưng Tâm, Tâm Sở và Đắc thì tùy duyên sanh nên nói là thật có. Trường hợp nếu không có giả pháp thì thật pháp cũng không có. Vì giã từ nơi thật mà phát sinh ra.

Tánh Viên Thành Thật chỉ là thật có vì không sinh ra từ tha duyên.

Tóm lại ba tánh đó không phải một vì vọng chấp nên có Biến Kế, vì duyên với cái khác mới khởi lên nên có Y Tha, và cả hai đều từ chơn nghĩa thật tánh nên có Viên Thành Thật. Thế nhưng cả ba không phải khác vì cùng từ Căn Bản Thức tức Thức Thứ Tám mà phát sinh ra nên không phải khác.

C- Ba Tự Tánh trong kinh Sandhinirmona-sũtra

Đức Phật nói: “Đức Bản, tánh của các pháp đại lược có ba mặt: Một là Biến Kế Chấp Tánh, hai là Y Tha Khởi Tánh, ba là Viên Thành Thật Tánh. Biến kế chấp tánh là thế nào? Là tự tánh và sai biệt của các pháp, được giả thiết bởi danh từ, cho đến làm cho theo đó mà phát sinh ngôn ngữ.

“Y tha khởi tánh là thế nào? Là đặc tính duyên sinh của các pháp, cái nầy có thì cái kia có, cái nầy sinh thì cái kia sinh, vô minh duyên sinh hành, cho lớn lao.

Viên Thành thật tánh là thế nào, là chân như nhất quán của các pháp, chân như mà Bồ Tát phải do các duyên tố tinh tiến dũng mãnh, tác ý đúng lý và tư duy không ngược mới thông đạt, bằng vào sự thông đạt nầy mà tuần tự tu tập, cho đến vô thượng chánh biến giác mới chứng ngộ viên mãn”.

“Đức Bản, như người bị bịnh màng mắt, cái màng mắt ấy Biến Kế chấp tánh cũng vậy. Như người bị bịnh màng mắt thấy những ảo ảnh tóc lông ong ruồi lá diếp dây sắn hay xanh vàng đỏ trắng, những ảo tượng ấy Y Tha khởi tánh cũng vậy. Như người mắt đã trong sáng, hết hẳn màng mắt, bản tính con mắt trong sáng nhìn thấy cảnh vật không thác loạn, cảnh vật không thác loạn ấy Viên Thành thật tánh cũng vậy.

“Lại tựa như ngọc bạch châu trong suốt, nếu nhuộm màu xanh thì thấy như ngọc đế thanh, do ngộ nhận là ngọc đế thanh mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu đỏ thì thấy như ngọc hổ phách, do ngộ nhận là ngọc hổ phách mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu lục thì thấy như ngọc sát sắc, do ngộ nhận là ngọc sát sắc mà làm cho người lầm lẫn thác loạn; nếu nhuộm màu vàng thì thấy như hoàng kim, do ngộ nhận là hoàng kim mà làm cho người lầm lẫn thác loạn.

“Tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt mà có màu sắc, nơi Y Tha khởi tánh mà có tập khí ngôn từ của Biến Kế chấp tánh thì cũng như vậy; tương tự nơi ngọc bạch châu trong suốt mà có những ngộ nhận đế thanh hổ phách sát sắc hoàng kim, nơi Y Tha khởi tánh mà có Biến Kế chấp tánh thì cũng như vậy; tương tự ngọc bạch châu trong suốt, Y Tha khởi tánh thì cũng như vậy; tương tự nơi bạch ngọc châu trong suốt, đế thanh hổ phách sát sắc hoàng kim luôn luôn và vĩnh viễn không thật có và không đặc tính, nơi Y Tha khởi tánh, Viên Thành thật tánh mà Biến Kế chấp tánh luôn luôn và vĩnh viễn không thật có và không đặc tính thì cũng như vậy”.

Lược giải đoạn trên:

Đoạn nầy nói về 3 tánh bằng 2 ví dụ. Tổng quang nghĩa lý ở kinh nầy cũng như ở các kinh luận khác, có thể nói 3 tính như sau. A Lại Ya mặt ẩn là chủng tử của các pháp, mặt hiện là hiện hành của các pháp, các pháp ấy là Y Tha khởi tánh. Ngộ nhận các pháp như vậy là ngã pháp ấy là Biến Kế chấp tánh. Giác ngộ A Lại Ya như vậy vẫn là chân như, chân như ấy là Viên Thành Thật Tánh. Như ngọc trong hiện ra đủ màu là Y Tha, lầm màu ấy là thật là Biến Kế, biết ngọc vẫn trong là Viên thành thật (nói cách khác theo chánh văn, biết màu ấy không thật là Viên Thành thật).

Chính văn kinh:

“Đức Bản, biết do tướng và danh tương ứng làm duyên tố thì biết được Biến Kế Chấp tánh; nơi Y Tha khởi tánh, biết cái chấp của Biến Kế Chấp tánh làm duyên tố thì biết Y Tha khởi tánh; nơi y tha khởi tánh, biết không có cái chấp của biến kế chấp tánh làm duyên tố thì biết viên thành thật tánh.

“Lại nữa, nếu Bồ Tát có thể nơi y tha khởi tánh của các pháp mà đúng như sự thật biết biến kế chấp tánh, thì thế là đúng như sự thật biết sự vô tướng của các pháp. Nếu Bồ Tát đúng như sự thật biết y tha khởi tánh, thì thế là đúng như sự thật biết sự tạp nhiễm của các pháp. Nếu Bồ Tát đúng như sự thật biết viên thành thật tánh, thì thế là đúng như sự thật biết sự thanh tịnh của các pháp. Bồ Tát nếu nơi y tha khởi tánh mà đúng như sự thật nhận biết sự vô tướng thì có thể hủy diệt sự tạp nhiễm. Nếu có thể hủy diệt sự tạp nhiễm thì có thể chứng đắc sự thanh tịnh.

“Đức Bản, Bồ Tát do đúng như sự thật mà biết biến kế chấp tánh, y tha khởi tánh và viên thành thật tánh, nên cũng đúng như sự thật mà nhận biết sự vô tướng, sự tạp nhiễm và sự thanh tịnh. Đúng như sự thật mà nhận biết sự vô tướng nên hủy diệt sự tạp nhiễm, hủy diệt sự tạp nhiễm nên chứng đắc sự thanh tịnh. Ngang đây gọi là vị Bồ Tát khéo biết tánh của các pháp, và cũng ngang đây Như Lai qui định vị Bồ Tát ấy là Bồ Tát khéo biết tánh của các pháp.

“Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

Nếu không biết rõ về sự vô tướng

Thì sự tạp nhiễm không thể hủy diệt

Nếu sự tạp nhiễm không thể hủy diệt

Thì sự thanh tịnh không thể chứng đắc

Không hề quán sát lỗi lầm các hành

Sự phóng dật nầy làm hại chúng sinh

Nên trong hai mặt trú pháp động pháp

Sự nhác làm cho đã không lại có

Mất hỏng đến thế thật đáng xót thương

Đọc qua những đoạn kinh trên cho chúng ta thấy từ những lời dạy của Đức Phật mà Tổ Thế Thân đã đúc kết bằng những lời kệ ngắn gọn để nói lên 3 tánh trong Duy Thức Ba Mươi Bài Tụng. Sau đó ngài Hộ Pháp v.v... đã giải rộng trong Thành Duy Thức Luận. Mục đích chính của Đức Phật là chỉ ra ba tánh cũng chỉ là một vì do vọng chấp mà có ba, nhưng người thực hành phải hướng đến mục đích thanh tịnh giải thoát nên phải quán chiếu ba tánh đều không mới đạt đến chân như thanh tịnh.

D- Ba Tự Tánh trong kinh Lankâvatâra-Sũtra

Đức Phật nói: “Đại Huệ, Đại Bồ Tát phải rành về ba tự tánh.

Thế nào là ba tự tánh? Nghĩa là vọng tưởng tự tánh, duyên khởi tự tánh, thành tự tánh”.

Tự tánh đây còn có thể nói là thể tánh, khi biết ba thứ thể tánh từ các duyên khởi đạt được biến kế, lúc đó có thể trở về viên thành không xa.

“Đại Huệ, Vọng tưởng tự tánh từ tướng sanh. Đại Huệ bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, tại sao vọng tưởng tự tánh từ tướng sanh? Phật bảo Đại Huệ, tướng duyên khởi tự tánh sự tướng, tướng hành hiển hiện sự tướng, chấp trước có hai thứ vọng tưởng tự tánh. Như Lai ứng cúng đẳng chánh giác kiến lập. Danh tướng chấp trước tướng, sự tướng chấp trước tướng. Danh tướng chấp trước tướng là nói chấp trước các pháp trong ngoài. Sự tướng chấp trước tướng tức là kia chấp trước tự tướng cộng tướng trong ngoài như thế. Ấy gọi là hai thứ tướng vọng tưởng tự tánh. Hoặc y hoặc duyên sanh, ấy là duyên khởi”.

Từ tướng mà sanh ra vọng tưởng tự tánh. Đây là hai thứ tướng duyên khởi. Đây nói tự tánh sự là danh. Hành hiển sự là tướng. Đó là hai thứ vọng tưởng tự tánh. Nói về pháp trong ngoài tức là trong uẩn và ngoài uẩn của tất cả căn trần nên gọi là chấp danh. Nói về pháp tự tướng cộng tướng trong ngoài đó là chấp tướng.

Về Biến Kế Sở Chấp (trong kinh gọi là vọng tưởng tự tánh) tự tánh và Y Tha Khởi (trong kinh gọi là duyên khởi tự tánh).

“Thế nào là Thành tự tánh? Nghĩa là lìa vọng tưởng danh, tướng và sự tướng, thánh trí đã được và tự giác thánh trí thú cảnh giới sở hành. Ấy gọi là Thành tự tánh Như Lai Tàng Tâm”.

Nói về thành tự tánh tức là đạt được danh tướng là như như, thấu rõ vọng tưởng là chánh trí. Chánh trí đây cũng có thể gọi là thánh trí.

“Khi ấy Đức Thế Tôn muốn nhắc lại nghĩa nầy nên nói bài kệ như sau:

Danh tướng giác tưởng

Tự tánh hai tướng

Chánh trí như như

Ấy là thành tướng”.

Danh tướng vọng tưởng do trí nhập như, bản giác và thủy giác hiệp một nên gọi là “Thành tự tánh Như Lai tàng tâm”.

II- BA VÔ TÁNH

A- Ba Vô Tánh giải thích theo luận Vijnãna Mâtra-siddhi Trimsati Castra Karika của Vasubandhu

Phần trên đã đề cập đến 3 tự tánh thế nhưng tại sao Đức Thế Tôn lại nói là: “Tất cả Pháp đều không có tự tánh”.

Đức Phật y cứ trên 3 món Tự Tánh đó mà mật ý nói là tất cả pháp đều không có tự tánh. Trong Duy Thức Học nói Ba Cõi duy tâm, vạn pháp duy Thức. Nói về Thức thì Thức Thứ Tám là căn bản Thức. Trong phần bàn luận về Ba Vô Tánh cũng là nói về những thuộc tính của Thức Thứ Tám vậy.

Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có bài tụng như sau:

Tức y thử tam tánh

Lập bỉ tam vô tánh

Cố Phật mật ý thuyết

Nhứt thế pháp vô tánh

(Trividhasya svabhàvasya trividhàm nihsvabhàvatàm

Samdhàya sarvadharmànàm desità nihsvabhàvatà)

Dịch:

Từ nơi ba tánh ấy

Thành lập ba Vô Tánh

Do Phật mật ý nói

Tất cả Pháp không tánh

(Như Tạng - Việt dịch)

1- “Tướng Vô Tánh” đối trị Biến Kế Sở Chấp Tánh

Biến Kế sở chấp sở dĩ không có tự tánh vì là tướng hư vọng của các pháp nên nó không có tự tánh.

Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có câu:

Sơ tức tướng vô tánh

(Prathamo laksanena eva)

Dịch:

Trước tiên là “Tướng Vô Tánh”

Trước tiên nói về Biến Kế. Tánh của biến kế là vọng chấp mà sinh ra nên không có tự tánh. Vì không có tự tánh nên nó là vô tánh. Ví dụ vì gió làm nổi sóng chứ thật sự sóng đó cũng chỉ là nước chứ không có hiện tượng sóng ngoài nước. Do đó sóng không có tự tánh của nó. Không có tự tánh là đồng nghĩa với vô tánh.

Sóng là một hiện tượng, thuộc về bóng dáng hữu hình mà chúng ta có thể trông thấy được nên gọi là tướng. Tướng đó là một hiện tượng do duyên sinh nên không có tự tánh riêng biệt của nó.

2- “Tự Nhiên Vô Tánh” đối trị Y Tha Khởi Tánh

Y Tha khởi không có tự tánh vì nó do các duyên hội đủ mà sinh ra chứ không phải tự nhiên mà có được do đó trong luận nói không có tự tánh.

Trong Duy Thức Tam Thập Tụng có câu:

Thứ vô tự nhiên tánh

(nihsvabhàvo parah punah)

Dịch:

Kế đến là không “Tự nhiên tánh”

Trong nhiều kinh luận thường nói tất cả pháp đều do duyên sinh đều nằm trong ý nghĩa nầy. Không có vật gì tự nhiên sinh và tự nhiên diệt. Không tự sinh nghĩa là không phải tự nhiên mà có. Tất cả đều do duyên sinh nghĩa là nói lên tánh Y Tha khởi của các pháp. Vì do ngoại duyên nên gọi là không có tự nhiên tánh.

Hoặc nói cách khác, Y Tha Khởi không có tự tánh cũng cùng một ý nghĩa đó.

3- “Thắng Nghĩa Vô Tánh” đối trị Viên Thành Thật Tánh

Sở dĩ Viên Thành Thật không có tự tánh là vì do xa lìa tánh Biến Kế hư vọng chấp ngã chấp pháp mà hiện ra. Trong luận có những câu tụng:

Hậu do viễn ly tiền

(na svayambhàva etasya ity)

Sở chấp ngã pháp tánh

(aparà nihsvabhàvatà)

Thử chư pháp thắng nghĩa

(dharmànàm paramàrthasca)

Diệt tức thị chơn như

(sa yatas tathatà api sah)

Thường như kỳ tánh cố

(sarvakàlam tathàbhàvàt)

Tức duy thức thật tánh

(sa eva vijnãptimàtratà)

Dịch:

Sau do xa lìa trước

Chấp nơi tánh Ngã Pháp

Các pháp thắng nghĩa nầy

Cũng gọi là chân như

Vì tánh thường như thế

Là Duy Thức Thật Tánh

(Như Tạng dịch)

Đức Phật muốn phá 3 món tự tánh nên giả lập ra ba món vô tánh nầy. Đây là mật ý của Đức Phật không muốn hàng đệ tử chấp vào ba món tự tánh mà có hại cho sự tiến tu giải thoát.

Thắng Nghĩa có nghĩa là hơn hẳn, là tuyệt diệu không thể nghĩ bàn. Thắng Nghĩa Vô Tánh cũng tức là Chơn Như, vì tánh nó chơn thật không vọng, thường hằng như vậy nên được gọi là Thật Tánh của Duy Thức.

Đức Phật mật ý nói: “Hết thảy pháp đều không có tự tánh” chứ chẳng phải nói “Tánh” hoàn toàn không có.

B- Ba Vô Tánh giải thích theo Thành Duy Thức Luận của Dharmapâla v.v…

Trong Thành Duy Thức Luận cũng đã trích dẫn những bài tụng trong Duy Thức Tam Thập Tụng ghi ở phần trên.

Từ nơi ba Tánh trước mà lập ra ba Không Tánh, đó là Tướng Không Tánh, Không Tự Nhiên Tánh và Thắng Nghĩa Không Tánh. Do đó Đức Phật nói pháp không có tự tánh chứ không phải nói hoàn toàn không có tự tánh.

Chữ “mật ý” trong bài tụng được hiểu là những gì Phật nói ra không phải có ý nghĩa rốt ráo, mà đó chỉ là phương tiện chỉ bày một ý nghĩa nào đó mà thôi. Nghĩa là hai tánh Y Tha Khởi và Viên Thành Thật sau tuy có thể chẳng phải không, nhưng vì bị vọng chấp có tánh Ngã và tánh Pháp thật có. Chính sự vọng chấp ấy gọi là Biến Kế Sở Chấp.

Vì để diệt trừ vọng chấp mà Đức Thế Tôn đối với cái “Có” của Y Tha và Viên Thành Thật, và cái “Không” của Biến Kế Sở Chấp ngài nói chung là “Không Tánh”.

Từ tánh Biến Kế Sở Chấp mà lập ra “Tướng Không Tánh”. Vì tướng của Biến Kế hoàn toàn không thật có.

Từ Tánh Y Tha Khởi mà lập ra “Tự Nhiên Không Tánh”. Vì Y Tha Khởi là từ các duyên mà sinh ra, giả lập mà có các pháp không phải tự nhiên mà có nên gọi là Tự Nhiên Không Tánh.

Từ Tánh Viên Thành Thật lập ra “Thắng Nghĩa Không Tánh”. Vì do xa lìa hai tánh trên nên mới có Tánh Viên Thành Thật do đó gọi là “Thắng Nghĩa Không Tánh”.

Tánh Viên Thành Thật nầy được gọi là nghĩa thù thắng của các Pháp, là thắng nghĩa đế của tất cả các Pháp.

Thắng Nghĩa Đế gồm có 4 loại:

1- Thế gian thắng nghĩa:đó là 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới.

2- Đạo lý thắng nghĩa: đó là Tứ Diệu Đế.

3- Chứng đắc thắng nghĩa: đó là chơn như được hiển lộ.

4- Thắng nghĩa thắng nghĩa: đó là pháp giới nhất chơn.

Thắng Nghĩa trong bài tụng là chỉ cho thắng nghĩa thứ 4 nói trên, vì đây là nói đến ý nghĩa của đạo phẩm tối thắng tu chứng, để nói lên sự khác biệt với 3 thắng nghĩa kia.

Thắng nghĩa nầy là nói lên pháp chân như. Sự chân thật, chẳng phải hư dối, không biến dịch. Tánh chân thật của các pháp. Tánh chân thật nơi tất cả ngôi vị đều thường như tánh nó (tùy duyên bất biến), do đó gọi là chân như.

Thắng nghĩa nầy chính là để nói lên tánh Duy Thức. Tánh Duy Thức có hai thứ.

Một là tánh hư vọng, tức tánh Biến Kế Sở Chấp.

Hai là tánh chơn thật, tức là tánh Viên Thành Thật. Vì để phân biệt với tánh hư vọng trong luận nói về Thật Tánh.

Có hai Tánh:

a- Thế tục - tức là Y Tha Khởi.

b- Thắng nghĩa, tức Viên Thành Thật. Vì để phân biệt khác với thế tục nên nói Thật Tánh.

Tóm lại trong những bài tụng nói về Vô Tánh, cũng như trong Khế Kinh nói về Vô Tánh không phải nói với ý nghĩa thật rốt ráo. Nghĩa là không nên chấp rằng tất cả các pháp đều không có tự tánh.

C- Ba Vô Tánh trong Kinh Sandhinirmona-sũtra

1- Đoạn một (giải thích ba vô tánh)

Đoạn nầy nói về Tướng Vô Tánh, Sinh Vô Tánh và Thắng Nghĩa Vô Tánh.

Vì phần nầy rất dài hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc nên xin chia thành nhiều phân đoạn để dễ thấu triệt ý nghĩa hơn.

a- Phần một

Lý do tại sao phải nói về ba vô tánh.

Trong kinh Đức Phật thường nói về 5 Uẩn, 12 xứ, 12 nhân duyên, 18 giới, 4 diệu đế v.v…

Sau đó lại nói các pháp toàn không, không sinh, không diệt, tự tánh niết bàn.

Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh muốn thưa thỉnh để Đức Thế Tôn nói rõ về những việc ấy.

“Lúc ấy đại Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh thưa Phật: Bạch Đức Thế Tôn, con từng một mình ở chỗ thanh vắng tâm trí tầm tư như vầy, bằng nhiều mặt, Đức Thế Tôn đã nói đặc tính, phát sinh, tận diệt, vĩnh đoạn và biến tri của năm uẩn; như Ngài đã nói năm uẩn, thì Ngài đã nói 12 xứ, 12 duyên khởi và 4 thực cũng như vậy; bằng nhiều mặt, Ngài đã nói đặc tính, biến tri, vĩnh đoạn, tác chứng và tu tập của 4 đế; bằng nhiều mặt, Ngài đã nói đặc tính, chủng loại, đa dạng, vĩnh đoạn và biến tri của 18 giới; bằng nhiều mặt, Ngài đã nói đặc tính, năng trị, sở trị, tu tập chưa sinh thì phát sinh, đã sinh thì kiên cố, bội phần tu tập cao lên và rộng ra của bốn niệm trú; như Ngài đã nói bốn niệm trú, thì Ngài đã nói bốn chính đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám thánh đạo cũng như vậy.

“Nhưng Đức Thế Tôn lại nói các pháp toàn không, không sinh không diệt, tự tánh niết bàn.

Bạch Đức Thế Tôn con chưa hiểu rõ do mật ý nào mà Ngài nói như vậy? Con xin thỉnh vấn Ngài về ý nghĩa ấy; xin Ngài thương mà giải thích cho chúng con về mật ý mà Ngài nói các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo đại Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh: Tốt lắm, Thắng Nghĩa Sinh, sự tầm tư của ông rất là đúng lý. Tốt lắm Thắng Nghĩa Sinh, ông có thể hỏi Như Lai cái thâm nghĩa như vậy…

b- Phần hai

Phần nầy giải thích thế nào gọi là Tướng vô tánh, Sinh vô tánh, và Thắng nghĩa vô tánh.

“Thắng Nghĩa Sinh, hãy nhận thức rằng Như Lai căn cứ ba vô tánh sau đây mà mật ý nói các pháp toàn không, ấy là Tướng Vô Tánh, Sinh Vô Tánh, Thắng Nghĩa Vô Tánh”.

“Tướng Vô Tánh là thế nào, là chính biến kế, chấp tánh của các pháp. Tại sao? Vì tánh ấy do giả danh thiết lập chứ không phải do tự tướng thiết lập nên gọi là tướng vô tánh".

“Sinh Vô Tánh là thế nào, là chính Y Tha Khởi, tánh của các pháp. Tại sao? Vì do cái khác là duyên tố mà có chứ không phải tự nhiên mà có, nên gọi là sinh vô tánh".

“Thắng Nghĩa Vô Tánh là thế nào?

Một mặt là các pháp do sinh vô tánh mà nói là vô tánh, có nghĩa là chính các pháp duyên sinh cũng gọi là Thắng Nghĩa Vô Tánh.

“Tại sao? Vì nơi các pháp, nếu là thanh tịnh sở duyên thì Như Lai nói là Thắng Nghĩa Vô Tánh, mà Y Tha Khởi Tánh không phải thanh tịnh sở duyên nên cũng gọi là Thắng Nghĩa Vô Tánh".

“Thêm nữa (mặt khác) Viên Thành Thật Tánh của các pháp cũng gọi là Thắng Nghĩa Vô Tánh .

Tại sao? Tại pháp vô ngã của tất cả các pháp thì gọi là Thắng Nghĩa. Thắng Nghĩa nầy cũng gọi là Vô Tánh. Vì nó mới là Thắng nghĩa của các pháp và do Vô Tánh hiển lộ nên (Viên Thành Thật Tánh) gọi là Thắng Nghĩa Vô Tánh. Tương tự không hoa, Tướng Vô Tánh cũng vậy. Tương tự ảo tượng (của ảo thuật), Sinh Vô Tánh cũng vậy, Thắng Nghĩa Vô Tánh mặt thứ nhất cũng vậy. Tương tự hư không do sắc tướng vô tánh hiển lộ và phổ biến tất cả.

“Thắng Nghĩa Vô Tánh mặt thứ hai cũng vậy, vì do pháp vô ngã hiển lộ và phổ biến tất cả. Như Lai căn cứ ba vô tánh như vậy mà mật ý nói rằng các pháp toàn không”.

Những đoạn kinh trên đã nêu rõ nghĩa về Thắng Nghĩa Vô Tánh. Ngoài ra trong phần giải thích trong Thành Duy Thức Luận đã giải thích rõ về Thắng Nghĩa Vô Tánh là thế nào.

Tiếp theo cũng trong kinh Giải Thâm Mật tiếp tục giải thích về Thắng Nghĩa Vô Tánh nầy.

Trong phần giải thích Hòa Thượng Thích Trí Quang viết: “Thắng Nghĩa Vô Tánh: Ghi chú câu nầy có 3 chi tiết:

b.1- Chi tiết một

Thắng Nghĩa Vô Tánh có 2: Thứ nhất - Y Tha không phải Thắng Nghĩa nên cũng gọi là Thắng Nghĩa Vô Tánh. Thứ hai - Viên Thành Thật do pháp không hiển lộ nên gọi là Thắng Nghĩa Vô Tánh. Nói cách khác cho dễ hiểu, Thắng Nghĩa không phải như Y Tha (vì Y Tha không phải thắng nghĩa). Thắng Nghĩa càng không phải là Biến Kế (vì Biến Kế là Ngã Pháp, ngã pháp không đi mới hiển lộ Thắng Nghĩa).

b.2- Chi tiết hai

Chữ pháp vô ngã trong câu nầy chính văn là nhất thế chư pháp, pháp vô ngã tánh (sau đây chính văn chỉ nói pháp vô ngã tánh). Chính văn như vậy phải dịch pháp vô ngã chứ không thể dịch sự vô ngã của các pháp. Nhưng pháp vô ngã (= pháp không) thì đã bao gồm nhân vô ngã (đúng ra nên nói ngã vô ngã = ngã không), vì được pháp vô ngã thì đã được nhân vô ngã rồi. Thắng nghĩa vô tánh là thắng nghĩa do nhân vô ngã và pháp vô ngã hiển lộ, nên duy thức luận, tụng 24, nói: Hậu do viễn ly tiền, sở chấp ngã pháp tánh.

b.3- Chi tiết ba

Cái được hai vô ngã hiển lộ là thắng nghĩa (chân như), được gọi là thanh tịnh sở duyên.

Tiếp tục trở lại chính văn kinh Giải Thâm Mật:

“Thắng Nghĩa Sinh, ông nên biết Như Lai căn cứ tướng vô tánh mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn, vì sao, vì nếu tự tướng các pháp toàn không thì không sinh, không sinh thì không diệt, không sinh diệt thì bản lai vắng bặt, bản lai vắng bặt thì tự tánh niết bàn, trong đó không có chút gì gọi là có để còn phải làm cho nhập vào niết bàn. Nên Như Lai căn cứ tướng vô tánh mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn.

“Thế nhưng Như Lai cũng căn cứ thắng nghĩa vô tánh được hiển lộ bởi pháp vô ngã mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn. Vì sao? Vì thắng nghĩa vô tánh do pháp vô ngã hiển lộ thì luôn luôn vĩnh viễn. Pháp tánh các pháp là an trú, vô vi, không thích ứng với tất cả tạp nhiễm, luôn luôn và vĩnh viễn, pháp tánh các pháp là an trú nên vô vi, là vô vi nên không sinh diệt, là không thích ứng với tất cả tạp nhiễm nên bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn.

“Thế nên Như Lai căn cứ thắng nghĩa vô tánh do pháp vô ngã hiển lộ mà mật ý nói các pháp không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn”.

2- Đoạn hai

Đoạn nầy căn cứ vào ba vô tánh kể trên Đức Phật giải thích về “các pháp toàn không, không sinh diệt, bản lai niết bàn”.

“Thắng Nghĩa Sinh, nhưng không phải vì trong chúng sinh giới có những kẻ nhìn riêng biến kế chấp cho là tự tánh, cũng không phải vì những kẻ ấy nhìn riêng y tha khởi hay viên thành thật cho là tự tánh cả, mà Như Lai thiết lập ba vô tánh.

Như Lai thiết lập ba vô tánh vì những kẻ nơi y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà tăng thêm biến kế chấp tánh. Những kẻ ấy, do biến kế chấp tánh (quá khứ) nên (hiện tại) nơi y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà nổi lên ngôn ngữ; như ngôn ngữ nổi lên thế nào thì cũng như thế ấy mà ngôn ngữ huân tập vào tâm, ngôn ngữ phát sinh ra biết, ngôn ngữ liên tục trong tâm nên y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà tăng thêm biến kế chấp tánh.

“Vì như biến kế chấp tánh thế nào thì cũng như thế ấy, nơi y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà tăng thêm biến kế chấp tánh, nên phát sinh y tha khởi tánh trong tương lai, nghĩa là bị hoặc tạp nhiễm, bị nghiệp tạp nhiễm, bị sinh tạp nhiễm, nên trong phạm vi sinh tử, (những kẻ ấy) mãi hoài dong ruổi, trôi lăn, không hề ngừng nghỉ, chịu mọi khổ não trong nại lạc ca (địa ngục), trong bàng sinh, trong ngạ quỉ, trong chư thiên, trong tu la, trong nhân loại”.

3- Đoạn ba (giải thích lý do lập ba vô tánh )

Lý do Đức Phật nói về ba vô tánh là để cho hàng đệ tử hiểu rõ bản tính của các pháp mà lo tránh điều cố chấp có thể sinh ra những điều ác, che lấp chơn tâm bản tánh, chướng ngại cho đường tu tập giải thoát.

“Thắng Nghĩa Sinh, với những người từ hồi nào đến giờ chưa gieo trồng thiện căn, chưa làm sạch chướng ngại, chưa thành thục liên tục, chưa tu nhiều thắng giải, chưa thể dồn chứa hai thứ tư lương phước đức trí tuệ, thì Như Lai vì họ, căn cứ sinh vô tánh mà tuyên thuyết pháp yếu; nghe pháp yếu nầy rồi, họ có thể tùy sức mà tùy lý giải các hành duyên sinh là không thường hằng, không yên ổn, biến động, hư rã; lý giải như vậy rồi, đối với các hành, họ e sợ, chán ghét sâu xa; e sợ chán ghét như vậy nên họ kềm chế điều ác, với điều ác thì có khả năng đình chỉ, với điều thiện thì có khả năng tu tập; tu tập điều thiện nên chưa gieo trồng thiện căn thì có thể gieo trồng, chưa làm sạch chướng ngại thì có thể làm sạch, chưa thành thục liên tục thì có thể thành thục, và do vậy mà có thể tu nhiều thắng giải, dồn nhiều hai thứ tư lương phước đức trí tuệ.

“Tuy gieo trồng thiện căn cho đến dồn nhiều hai thứ tư lương phước đức trí tuệ, nhưng đối với sinh vô tính, họ vẫn chưa như thật thấu triệt tướng vô tánh và hai thắng nghĩa vô tánh, nghĩa là đối với các hành, họ vẫn chưa chán ghét chính xác, chưa ly dục chính xác, chưa giải thoát chính xác, chưa giải thoát toàn thể hoặc tạp nhiễm, chưa giải thoát toàn thể nghiệp tạp nhiễm".

“Chưa giải thoát toàn thể sinh tạp nhiễm, nên Như Lai nói thêm pháp yếu cho họ về tướng vô tánh và thắng nghĩa vô tánh, vì muốn làm cho họ đối với các hành có thể chán ghét chính xác, ly dục chính xác, giải thoát chính xác, vượt qua toàn thể hoặc tạp nhiễm, vượt qua toàn thể nghiệp tạp nhiễm, vượt qua toàn thể sinh tạp nhiễm".

“Được nghe pháp yếu Như Lai nói thêm cho như vậy, nên đối với sinh vô tánh, họ có thể tin hiểu chính xác về tướng vô tánh và thắng nghĩa vô tánh, lựa lọc suy xét, thấu suốt chính xác, nghĩa là nơi y tha khởi tánh họ không còn chấp biến kế chấp tánh, cái trí không còn huân tập theo ngôn ngữ, không còn nhận thức theo ngôn ngữ, không còn liên tục theo ngôn ngữ, nên họ có thể hủy diệt y tha khởi tánh, ngay trong hiện tại họ được nắm giữ bởi sức mạnh của cái trí như trên nên vĩnh viễn diệt được cái nhân đời sau, tức là đối với các hành họ chán ghét chính xác, ly dục chính xác, giải thoát chính xác, giải thoát toàn thể hoặc, nghiệp, sinh, ba loại tạp nhiễm”.

4- Đoạn bốn (nói về tu chứng 3 vô tánh, Tư Lương vị và Gia Hạnh vị)

Đức Phật nói về Thinh Văn Thừa và Độc Giác Thừa chỉ rõ cách tu chứng để đạt đến Tư Lương Vị và Gia Hạnh Vị.

“Thắng Nghĩa Sinh, những người có chủng tánh đi theo Thanh Văn Thừa cũng do con đường và dấu đi nầy mà được niết bàn yên ổn tối thượng, những người có chủng tánh đi theo Độc Giác thừa, những người có chủng tánh đi theo Như Lai thừa, cũng do con đường và dấu đi nầy mà được niết bàn yên ổn tối thượng".

“Tất cả các vị Thanh Văn Độc Giác Bồ Tát cùng đi con đường sạch sẽ tinh tế và duy nhất nầy, cùng được sự thanh tịnh toàn hảo và duy nhất nầy, chứ không có con đường và sự thanh tịnh thứ hai, nên Như Lai căn cứ sự thể ấy mà mật ý nói chỉ có Nhất Thừa. Chứ không phải trong chúng sinh giới không có những chủng tánh khác nhau, hoặc độn căn, hoặc trung căn, hoặc lợi căn".

“Do vậy nếu người có chủng tánh Thanh Văn một chiều đi đến niết bàn, thì dầu được ơn Phật thiết lập đủ cách cải hoán hướng dẫn cho họ tu hành dũng mãnh đi nữa, cũng không bao giờ có thể làm cho họ sẽ ngồi nơi Bồ Đề Đạo Tràng mà được vô thượng giác".

“Tại sao? Vì họ vốn chỉ có chủng tánh thấp kém, một chiều từ bi bạc nhược, một chiều khiếp sợ khổ sở. Vì một chiều từ bi bạc nhược nên họ một chiều trái bỏ những công hạnh ích lợi chúng sinh, vì một chiều khiếp sợ khổ sở nên họ một chiều trái bỏ những thệ nguyện phát khởi công hạnh, và Như Lai không bao giờ nói những người một chiều trái bỏ công hạnh ích lợi chúng sinh và một chiều trái bỏ thệ nguyện phát khởi công hạnh sẽ được ngồi nơi Bồ Đề Đạo Tràng và thành tựu vô thượng giác, nên Như Lai gọi những người nầy là Thanh Văn một chiều đi đến niết bàn. Nếu người có chủng tánh Thanh Văn xoay lại hướng về bồ đề thì Như Lai cũng dùng cách nói khác mà nói họ là Bồ Tát.

“Tại sao? Vì họ giải thoát phiền não chướng rồi, khi được ơn Phật thức tỉnh cho, thì đối với sở tri chướng họ cũng sẽ được giải thoát. Chỉ bởi nguyên thỉ họ chỉ vì tự lợi mà tu hành những cách giải thoát phiền não chướng, nên Như Lai nói họ là chủng tánh Thanh Văn”.

5- Đoạn năm

Dầu ba Vô Tánh là hướng tu nhất thừa. Nhưng vì cách hành trì khác nhau của những người có căn tánh khác nhau nên mới có Thanh Văn Bồ Tát, Tiểu Thừa, Ðại Thừa, La Hán Phật Đà.

“Thắng Nghĩa Sinh, như thế đó, trong chánh pháp mà Như Lai khéo tuyên thuyết, khéo qui định, và được nói ra bởi ý muốn cực kỳ trong sạch, vẫn có những nhận thức khác nhau của nhiều hạng người. Như Lai vốn căn cứ ba Vô Tánh như trên, nhưng do mật ý sâu xa, nên trong những kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo mà Như Lai đã nói, Như Lai nói pháp yếu theo cách nói kín đáo, rằng các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn”.

Trong đoạn 5 nầy có thể chia làm 4 phần nhỏ để dễ theo dõi ý nghĩa trong kinh hơn:

a- Phần một:

Trong phần nầy nói hành giả làm thế nào để được chánh biến giác.

“Đối với kinh pháp như vậy, người đã gieo trồng thiện căn thượng phẩm, đã làm sạch chướng ngại, đã thành thục liên tục, đã tu nhiều thắng giải, đã dồn chứa được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ thượng phẩm, thì nghe kinh pháp như vậy rồi, người ấy thấu hiểu đúng như sự thật lời nói mật ý sâu xa của Như Lai. Người ấy tin hiểu sâu xa kinh pháp như vậy, đối với nghĩa lý của kinh pháp như vậy, người ấy dùng cái trí tuệ không đảo ngược mà thông suốt đúng như sự thật, rồi dựa vào sự thông suốt nầy mà khéo tu tập, nên mau chóng đạt đến sự cứu cánh cùng cực. Đối với Như Lai, người ấy phát sinh một cách sâu xa đức tin trong sáng, nhận thức Như Lai là bậc ứng cúng, chánh biến giác, đã chánh biến giác tất cả các pháp”.

b- Phần hai

Đoạn nầy nói về Pháp tánh của các pháp cực kỳ sâu xa và hai thứ tư lương phước đức trí tuệ.

“Người đã gieo trồng thiện căn thượng phẩm, đã làm sạch chướng ngại, đã thành thục liên tục, đã tu nhiều thắng giải, nhưng chưa dồn chứa được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ thượng phẩm, mà tính họ chất trực, họ thuộc loại chất trực, dầu bất lực trong việc suy nghĩ chọn lựa những sự phế bỏ và thiết lập, họ vẫn không đứng yên trong sự cố thủ ý kiến của mình.

“Do đó, họ nghe kinh pháp như vậy rồi, dầu bất lực trong sự thấu hiểu đúng như sự thật lời nói mật ý sâu xa của Như Lai, nhưng đối với kinh pháp như vậy họ vẫn có thắng giải, vẫn sinh đức tin trong sáng. Tin rằng kinh pháp như vậy là do Như Lai nói, là rất sâu xa, biểu lộ sự sâu xa, thích hợp đạo lý không, khó thấy khó hiểu, không thể tầm tư, không phải lĩnh vực tầm tư biết thấu, mà là nhỏ nhiệm, xác thực, những người tuệ giác sáng suốt biết thấu.

“Đối với nghĩa lý được nói trong kinh pháp như vậy thì họ khiêm tốn mà tự nói rằng tuệ giác Đức Thế Tôn cực kỳ sâu xa, pháp tánh các pháp cũng cực kỳ sâu xa, chỉ Đức Thế Tôn mới thấu triệt một cách khéo léo chứ không phải là cái mình hiểu nổi. Đức Thế Tôn thuyết pháp cho những người thắng giải khác nhau, thấy và biết của Đức Thế Tôn không có giới hạn, thấy và biết của mình chỉ bằng lỗ chân trâu bò.

“Đối với kinh pháp như vậy họ tôn kính như thế, và đem nói cho người, sao chép, bảo tồn, mở đọc, truyền bá, thiết tha, hiến cúng, học hỏi, tụng thuộc, ôn tập, nhưng chưa thể đem cái tu của mình mà làm theo. Do vậy, họ chưa thể thông suốt lời chữ của Như Lai mật ý sâu xa nói ra, nhưng cũng do vậy mà họ vẫn tăng trưởng được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ, và đời sau thì thành thục được cái chưa thành thục”.

c- Phần ba

Đoạn nầy giải thích rằng vì thấy không và thấy không tánh nên phủ nhận rằng các tánh đều không (đó là cả ba tánh: Biến kế sở chấp, y tha khởi, và viên thành thật). Thế nhưng không thể rơi vào sự chấp không ấy một cách máy móc không hiểu hết mật ý của Đức Phật thì dễ bị tạo nghiệp chướng.

“Người chưa gieo trồng thiện căn thượng phẩm, cho đến chưa dồn chứa được hai thứ tư lương phước đức trí tuệ thượng phẩm, tính không chất trực, không thuộc loại chất trực, dầu có sức lực trong việc suy nghĩ chọn lựa những sự phế bỏ và thiết lập, nhưng vẫn đứng yên trong sự cố thủ ý kiến của mình, thì họ nghe kinh pháp như vậy không thể thấu hiểu đúng như sự thật lời nói mật ý sâu xa của Như Lai".

“Dầu tin hiểu kinh pháp như vậy nhưng đối với nghĩa lý kinh pháp như vậy thì chấp trước theo ngôn ngữ, cho các pháp quyết định toàn không, quyết định không sinh không diệt, quyết định bản lai vắng bặt, quyết định tự tánh niết bàn. Do vậy, đối với các pháp, họ thấy không, thấy không tánh. Vì thấy không và thấy không tánh nên phủ nhận rằng các tánh đều không tánh, nghĩa là họ bài bác tất cả biến kế chấp tánh, y tha khởi tánh và viên thành thật tánh của các pháp".

“Tại sao biết họ bài bác tất cả, vì có y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mới thiết lập biến kế chấp tánh. Nếu y tha khởi tánh và viên thành thật tánh mà thấy là không tánh cả thì thế là bài bác cả biến kế chấp tánh. Thế nên Như Lai nói họ bài bác tất cả ba tánh và như thế thì dẫu đối với kinh pháp của Như Lai họ thấy là kinh pháp, nhưng đối với phi nghĩa lý họ thấy là nghĩa lý. Vì kinh pháp thấy là kinh pháp nhưng phi nghĩa lý thấy là phi nghĩa lý, nên họ nắm lấy kinh pháp làm kinh pháp và nắm lấy phi nghĩa lý làm nghĩa lý".

“Họ tin hiểu kinh pháp nên phước đức tăng trưởng, nhưng chấp trước phi nghĩa lý nên trí tuệ lui mất, trí tuệ lui mất nên lui mất vô số thiện pháp quảng đại. Người nào nghe họ nói một cách cho kinh pháp là kinh pháp nhưng cho phi nghĩa lý là nghĩa lý, rồi chấp thuận kiến thức của họ thì cũng cho kinh pháp là kinh pháp nhưng cho phi nghĩa lý là nghĩa lý, vì cho kinh pháp là kinh pháp nhưng cho phi nghĩa lý là nghĩa lý nên cũng như họ, người nầy lui mất thiện pháp. Còn người nào không chấp thuận kiến thức của họ, nhưng đột nhiên nghe họ nói các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn thì sinh ra sợ hãi, sợ hãi như thế nên nói kinh pháp như vậy không phải Phật nói mà là ma nói".

“Do nhận định nầy mà phỉ báng thóa mạ kinh pháp như vậy, do phỉ báng thóa mạ kinh pháp như vậy mà bị đại suy tổn, chạm đại nghiệp chướng. Vì thế, Như Lai nói ai cho các tánh toàn là không tánh, nghĩa là lấy phi nghĩa lý làm nghĩa lý, thì đó là phương cách tiện lợi nổi đại nghiệp chướng. Vì họ làm cho vô số chúng sinh phải bị sa đọa mà tạo đại nghiệp chướng”.

d- Phần bốn

Người tu cần phải dứt bỏ những “cố thủ kiến thức của mình” mới có thể gieo trồng thiện căn, dứt sạch các nghiệp, tu thắng giải, dồn chứa hai thứ tư lương phước đức trí tuệ. Những người như thế mới có thể lãnh hội thấu đáo được những lời dạy thâm sâu của đức Phật, hành trì để tiến đến giải thoát giác ngộ hoàn toàn.

“Người chưa gieo trồng thiện căn, chưa làm sạch nghiệp chướng, chưa thành thục liên tục, không tu nhiều thắng giải, chưa dồn chứa hai thứ tư lương phước đức trí tuệ, tính không chất trực, không phải loại chất trực, dẫu có sức lực trong việc suy nghĩ chọn lựa những sự phế bỏ và thiết lập, nhưng thường đứng yên trong sự cố thủ kiến thức của mình, thì nghe kinh pháp như vậy họ không thể thấu hiểu đúng như sự thật về lời nói mật ý sâu xa của Như Lai. Cũng không tin hiểu kinh pháp như vậy, nên kinh pháp cho là phi kinh pháp, nghĩa lý cho là phi nghĩa lý. Kinh pháp cho là phi kinh pháp và nghĩa lý cho là phi nghĩa lý, nên nói rằng kinh pháp như vậy không phải Phật nói mà là ma nói, và nhận định nầy làm cho họ phỉ báng thóa mạ kinh pháp như vậy là hư ngụy".

“Bằng lắm cách, họ hủy diệt xô đổ kinh pháp như vậy, những ai tin hiểu kinh pháp như vậy thì bị họ coi là kẻ thù. Họ trước kia bị nghiệp chướng làm cho chướng ngại, nay do lý do trên mà bị nghiệp chướng tiếp tục chướng ngại, và nghiệp chướng nầy mở đầu (có vẻ) giản dị, nhưng rồi (chịu khổ) trong thời kỳ bằng trăm ngàn câu chi na dữu đa (tức là 100 tỷ), khó có lúc thoát khỏi.

“Thắng nghĩa sinh, như thế đó, trong chánh pháp mà Như Lai khéo tuyên thuyết, khéo qui định, và được nói ra bởi ý muốn cực kỳ trong sạch, vẫn có những nhận thức khác nhau của nhiều hạng người như vậy”.

6- Đoạn sáu

Đoạn nầy nói về những nhận thức đúng và sai về ba Vô Tánh.

Đức Phật nhắc lại những ý nghĩa đã nói trên bằng những câu văn vần để dễ nhớ.

“Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn nói lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây:

“Tất cả các pháp

Toàn là không cả

Không sinh không diệt

Bản lai vắng bặt

Tự tánh các pháp

Vốn thường niết bàn”

Lời có trí nầy

Sao không mật ý?

Tướng vô tự tánh

Sinh vô tự tánh

Nghĩa vô tự tánh

Ba thứ như vậy

Như Lai căn cứ

Mà nói lời trên

Nếu không biết được

Mật ý Như Lai

Thì mất đường chính

Không đi đến đâu

Các vị trong sạch

Toàn do đường ấy

Đường ấy duy nhất

Không đường thứ hai

Do sự thể nầy

Lập ra nhất thừa

Không phải chúng sinh

Chủng tánh đồng nhất

Nên trong chúng sinh

Có vô số người

Chỉ đưa bản thân

Đi đến niết bàn

Và thật hiếm có

Những ai đại bi

Tinh tiến dũng mãnh

Chứng đại niết bàn

Không hề bỏ rơi

Hết thảy chúng sinh

Trong vô lậu giới

Nhiệm mầu nan tư

Thì sự giải thoát

Thật là đồng đẳng

Hoàn toàn chân thật

Thoát ly khổ não

Nên còn được gọi

Hai cách gọi khác

Hoặc gọi là thường

Hoặc gọi là lạc.

7- Đoạn bảy

Đức Phật chỉ dạy về ba tánh. Trong đoạn nầy chia làm nhiều phần nhỏ để dễ theo dõi như sau:

a- Phần một

Phần nầy nói về sự tiếp nhận lý giải ba Tự Tánh và ba Vô Tánh.

Từ sự sai biệt của sắc uẩn, sắc uẩn phát sinh, sắc uẩn diệt tận, vĩnh đoạn sắc uẩn, biến tri sắc uẩn, Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh đã bạch Phật như sau:

“Lúc ấy đại Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh thưa Phật: Bạch Đức Thế Tôn, ngôn ngữ mật ý của Đức Thế Tôn thật rất kỳ lạ, rất hiếm có, cho đến tinh tế và rất tinh tế, sâu xa và rất sâu xa, khó thấu triệt và rất khó thấu triệt. Nay theo ý nghĩa của Đức Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà giả danh thiết lập làm tự tánh và sai biệt của sắc uẩn, giả danh thiết lập làm tự tánh và sai biệt của sắc uẩn phát sinh, của sắc uẩn diệt tận, của vĩnh đoạn sắc uẩn, của biến tri sắc uẩn, (sự giả danh thiết lập ấy) gọi là biến kế chấp tánh, và Đức Thế Tôn căn cứ biến kế chấp tánh như vậy mà thiết lập tướng vô tánh. Còn chính các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào thì gọi là y tha khởi tánh, và Đức Thế Tôn căn cứ y tha khởi tánh như vậy mà thiết lập sinh vô tánh và một phần của thắng nghĩa vô tánh".

“Và cứ như thế, theo ý nghĩa của Đức Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì chính nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà (thấy) biến kế chấp tánh không thật có.

Cái tánh không thật có biến kế chấp tánh này, tức chân như do pháp vô ngã hiển lộ và là thanh tịnh sở duyên nầy gọi là viên thành thật tánh, và Đức Thế Tôn căn cứ viên thành thật tánh như vậy mà thiết lập một phần nữa của thắng nghĩa vô tánh”.

Sau khi nói về sắc uẩn, nói tiếp về các uẩn khác và mười xứ, mười hai hữu, bốn thực, mười tám giới:

“Như đối với sắc uẩn (được nói như vậy) thì đối với các uẩn khác cũng nên nói rõ như vậy. Như đối với năm uẩn (được nói như vậy) thì đối với mười hai xứ mỗi xứ cũng nên nói rõ như vậy, đối với mười hai hữu chi mỗi hữu chi cũng nên nói rõ như vậy, đối với bốn thực mỗi thực cũng nên nói rõ như vậy, đối với (ba lần) sáu giới tức mười tám giới cũng nên nói rõ như vậy.

“Nay, theo ý nghĩa của Đức Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà giả danh thiết lập làm tự tánh và sai biệt của khổ đế và của biến tri khổ đế, (sự giả danh thiết lập ấy) gọi là biến kế chấp tánh, và Đức Thế Tôn căn cứ biến kế chấp tánh như vậy mà thiết lập tướng vô tánh.

“Còn chính các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào thì gọi là y tha khởi tánh, và Đức Thế Tôn căn cứ y tha khởi tánh như vậy mà thiết lập sinh vô tánh và một phần của thắng nghĩa vô tánh. Và cứ như thế, theo ý nghĩa của Đức Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì chính nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà (thấy) biến kế chấp tánh không thật có.

“Cái tánh không thật có biến kế chấp tánh nầy, tức chân như do pháp vô ngã hiển lộ và là thanh tịnh sở duyên nầy, gọi là viên thành thật tánh, và Đức Thế Tôn căn cứ viên thành thật tánh như vậy mà thiết lập một phần nữa của thắng nghĩa vô tánh”.

Tiếp tục nói về bốn Đế, bốn niệm trú, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi:

“Như đối với khổ đế (được nói như vậy) thì đối với các đế khác cũng nên nói rõ như vậy. Như đối với 4 đế (được nói như vậy) thì đối với bốn niệm trú, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, mỗi thứ cũng nên nói rõ như vậy”.

Đoạn cuối của phần nầy là nói về sự sai biệt của chánh định, năng tri, sở tri, chính tu:

“Nay, theo ý nghĩa của Đức Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà giả danh thiết lập làm tự tánh và sai biệt của chánh định, sai biệt của chánh định của các sự của chánh định là năng trị, sở trị, chính tu chưa sinh thì phát sinh, đã sinh thì kiên cố, bội tu thì cao lên và rộng ra, (sự giả danh thiết lập ấy) gọi là biến kế chấp tánh, và Đức Thế Tôn căn cứ biến kế chấp tánh như vậy mà thiết lập tướng vô tánh. Còn chính các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào thì gọi là y tha khởi tánh, và Đức Thế Tôn căn cứ y tha khởi tánh như vậy mà thiết lập sinh vô tánh và một phần của thắng nghĩa vô tánh.

Và cứ như thế, theo ý nghĩa của Đức Thế Tôn nói mà con tiếp nhận lý giải, thì chính nơi các hành của phân biệt biết đến và biến kế dựa vào mà (thấy) biến kế chấp tánh không thật có".

“Cái tánh không thật có biến kế chấp tánh nầy, tức chân như do pháp vô ngã hiển lộ và là thanh tịnh sở duyên nầy, gọi là viên thành thật tánh, và Đức Thế Tôn căn cứ viên thành thật tánh như vậy mà thiết lập một phần nữa của thắng nghĩa vô tánh”.

b- Phần hai

Phần nầy đề cập đến sự tiếp nhận và lý giải về giá trị của 3 vô tánh.

Đức Phật dạy ba vô tánh trong các kinh giống như chất xúc tác của một chất thuốc làm tăng thêm tánh năng của một món thuốc khi hòa chung. Cũng như sự pha chế màu của một họa sĩ, như thêm sữa chín vào các món ăn thích hợp, tất cả đó là những chất xúc tác làm tăng thêm tánh năng của những chất gì mà mình muốn.

Tương tự như thêm ba Vô Tánh vào các kinh vậy: “Do ba tánh nên các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn”.

“Bạch Đức Thế Tôn, như thuốc Tỳ thấp phược (một loại thần dược làm cho thuốc khác trở nên thần hiệu) thì nên để khắp trong các phương thuốc tán và thuốc tiên. Tương tự như vậy, do ba vô tánh nên các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn, pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo nầy nên để vào khắp trong các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo.

Như bột vẽ màu thì có khắp cả trong tất cả nét vẽ, làm cho những nét vẽ ấy đều cùng một màu hoặc xanh hoặc vàng hoặc đỏ hoặc trắng, lại làm cho rõ ra những nét vẽ ấy.

Tương tự như vậy, do ba vô tánh nên các pháp toàn không cho đến tự tánh niết bàn, pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo này có khắp trong tất cả các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo, làm cho các kinh ấy cùng một ý vị, lại làm cho rõ ra nghĩa lý chưa hoàn hảo trong các kinh ấy.

“Như những thực phẩm bánh trái đã chín và quí mà bỏ sữa chín vào thì càng thêm mùi vị đặc biệt.

Tương tự như vậy, do ba vô tánh nên các pháp toàn không cho đến tự tánh niết bàn, pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo nầy đặt vào các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo thì càng làm sinh ra nỗi thích thú siêu việt.”

Đức Phật cũng dạy mặc dù thêm ba vô tánh vào các kinh nhưng cũng ví như hư không vậy. Hư không nơi nào cũng có nhưng không làm chướng ngại chi cả. Giống như ba tự tánh, ba vô tánh do đó mà các pháp toàn không cho đến tự tánh niết bàn mà không chướng ngại cho sự tu hành giải thoát.

“Như hư không thì khắp nơi đều cùng một đặc tính, ấy là không trở ngại mọi sự việc. Tương tự như vậy, do ba tự tánh nên các pháp toàn không cho đến tự tánh niết bàn, pháp thoại mà nghĩa lý đã hoàn hảo nầy thì khắp trong các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo đều cùng một đặc tính, ấy là không trở ngại việc tu của Thanh Văn Độc Giác và Đại Thừa”.

c- Phần ba

Đức Phật ca ngợi sự lý giải hợp lý đúng nghĩa của Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh.

“Đại Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh thưa như vậy rồi, Đức Thế Tôn bảo ngài: Tốt lắm, Thắng Nghĩa Sinh, ông khéo lý giải về ý nghĩa của lời nói mật ý sâu xa mà Như Lai đã nói.

Ông khéo ví dụ về ý nghĩa ấy, ví như thuốc Tỳ thấp phược, như bột vẽ màu, như sữa chín, như hư không.

Thắng Nghĩa Sinh, đúng như vậy, đúng như ông nói chứ không có khác gì hơn nữa.

Ông hãy tiếp nhận và lý giải đúng như vậy”.

8- Đoạn tám

Trong đoạn nầy chia ra 2 phần để dễ theo dõi nghĩa lý trong lời Đức Phật dạy.

a- Phần một

Đoạn nầy nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của ba vô tánh và hệ thống hóa toàn bộ Phật Pháp thành 3 thời kỳ, đó là HỮU, KHÔNG và TRUNG. Nói về phước tín giải và tu học ba vô tánh.

a.1- Thời kỳ HỮU

Đức Phật chuyển bánh xe pháp tại Vườn Nai. Nói pháp Tứ Diệu Đế hướng về Thanh Văn Thừa.

“Bấy giờ đại Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh lại thưa Phật: Bạch Đức Thế Tôn, xưa kia, trong thời kỳ đầu tiên, khi ở trong rừng ban cho loài nai chỗ tiên nhân Ba La Niệt Tư sa xuống (tức vườn Lộc Uyển) Đức Thế Tôn chỉ vì những vị xu hướng Thanh Văn thừa, căn cứ đạo lý Tứ Đế mà chuyển pháp luân, tuy rất lạ, rất hiếm, bao nhiêu người trời trong thế giới không ai chuyển được đúng cách.

Nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ nầy vẫn có cái trên nữa, vẫn chịu đựng đả phá, là nghĩa lý chưa hoàn hảo, là nơi đặt chân của sự tranh luận”.

a.2- Thời kỳ KHÔNG

Hướng về Đại Thừa Đức Phật nói các pháp toàn không.

“Kế đó, trong thời kỳ thứ hai, Đức Thế Tôn chỉ vì những vị xu hướng Đại Thừa, căn cứ đạo lý các pháp toàn không, không sinh, không diệt bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn, dùng sự ẩn mật mà chuyển pháp luân. Tuy càng rất lạ, càng rất hiếm, nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ nầy vẫn còn có cái trên nữa, vẫn còn chịu đựng đả phá, vẫn là nghĩa lý chưa hoàn hảo, vẫn là nơi đặt chân của sự tranh luận”.

a.3- Thời kỳ Trung Đạo

Thời kỳ nầy Đức Phật thuyết pháp hướng về cả ba thừa, không còn pháp nào trên nữa, nghĩa lý đích thực hoàn hảo.

“Còn nay, trong thời kỳ thứ ba, Đức Thế Tôn khắp vì các vị xu hướng Nhất Thế Thừa (cỗ xe đủ cả, Nhất Thừa bao gồm cả 3 thừa nên có tên như vậy) căn cứ đạo lý do ba tánh nên các pháp toàn không, không sinh, không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn, dùng sự minh bạch mà chuyển pháp luân, càng rất lạ nhất, càng rất hiếm nhất, và pháp luân được chuyển hiện nay không còn có cái gì trên nữa, không còn chịu đựng sự đả phá nào nữa, nghĩa lý đích thực hoàn hảo, không còn là nơi đặt chân của sự tranh luận.

“Bạch Đức Thế Tôn, đối với pháp thoại rất sâu xa và rất hoàn hảo của Đức Thế Tôn căn cứ đạo lý do ba vô tánh nên các pháp toàn không, không sinh, không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn mà nói ra đây. Nếu thiện nam hay thiện nữ nào nghe rồi tin hiểu, sao chép, bảo tồn, hiến cúng, truyền bá, học hỏi, tụng thuộc, tu tập, tư duy đúng lý, và đem sự tu của mình mà nỗ lực tu tập, thì phát sinh được bao nhiêu phước đức?

b- Phần hai

Đức Thế Tôn dạy về phước đức tín ngưỡng và những lợi ích của sự tu học ba Vô Tánh.

“Đại Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh thưa như vậy rồi, Đức Thế Tôn dạy ngài: Thắng Nghĩa Sinh, thiện nam hay thiện nữ như vậy được phước vô số lượng, khó thể đối chiếu và nhận thức.

Như Lai nay chỉ nói cho ông một phần nhỏ. Đất nơi móng tay mà so sánh với đất cả đại địa thì không bằng một phần trăm, không bằng một phần ngàn, không bằng một phần trăm ngàn, không bằng một phần sổ, toán, kế, dụ, ô ba ni sát đàm (ghi chú: Số, toán, kế, dụ, tham khảo Vạn 34/416. Ô ba ni sát đàm thì Ấn Độ có 60 cấp về số, (Trung Hoa có 15 cấp), cấp cuối cùng là ô ba ni sát đàm)".

“Nước trong lỗ chân trâu bò mà so sánh với nước cả bốn đại dương thì không bằng một phần trăm, cho đến không bằng một phần ô ba ni sát đàm.

Tương tự như vậy, đối với các kinh nghĩa lý chưa hoàn hảo mà nghe rồi tin hiểu, cho đến đem sự tu của mình mà nỗ lực tu tập, cái phước như vậy đem so sánh với cái phước nghe rồi tin hiểu, cho đến đem cái tu của mình mà nỗ lực tu tập đối với pháp thoại nghĩa lý đã hoàn hảo nầy, thì không bằng một phần trăm, cho đến không bằng một phần ô ba ni sát đàm”.

9- Đoạn chín

Pháp thoại nầy tên là: Nghĩa Lý Hoàn Hảo Về Thắng Nghĩa. Lợi ích của pháp thoại nầy kết quả là có nhiều trăm ngàn chúng sinh phát tâm vô thượng bồ đề.

“Khi Đức Thế Tôn dạy như vậy rồi, Đại Bồ Tát Thắng Nghĩa Sinh lại thưa ngài: Bạch Đức Thế Tôn, trong toàn bộ pháp thoại Giải Thâm Mật, pháp thoại nầy nên mệnh danh là gì? Chúng con phải kính cẩn ghi nhớ như thế nào? Đức Thế Tôn dạy: Thắng Nghĩa Sinh, pháp thoại nầy tên là Nghĩa Lý Hoàn Hảo Về Thắng Nghĩa. Ông hãy kính cẩn ghi nhớ theo cái tên nầy”.

“Khi Đức Thế Tôn nói pháp thoại Nghĩa Lý Hoàn Hảo Về Thắng Nghĩa nầy thì trong đại hội có sáu trăm ngàn chúng sinh phát tâm vô thượng bồ đề. Ba trăm ngàn Thanh Văn lánh xa bụi bặm, tách rời dơ bẩn, đối với các pháp thì được mắt pháp trong sáng. Một trăm năm mươi ngàn Thanh Văn hết hẳn mọi sự sơ hở (tức là các lậu, tên khác của phiền não), tâm được giải thoát. Bảy mươi lăm ngàn Bồ Tát được vô sinh pháp nhẫn”.

Kinh Giải Thâm Mật là một trong những bộ kinh căn bản của môn Duy Thức Học. Do đó tất cả các nhà nghiên cứu Duy Thức Học đều phải nghiên cứu và học hỏi. Ngay cả tổ Thế Thân cũng vậy. Khi đọc các tác phẩm Duy Thức Học của Ngài ví dụ như Duy Thức Tam Thập Tụng, Đại Thừa Trăm Pháp v.v... ta đều thấy ngài đã theo kinh nầy mà viết ra các tác phẩm Duy Thức, trong đó có nói về Ba Tự Tánh và Ba Vô Tánh v.v…

Mấy mươi năm nói pháp, cuối cùng Đức Phật đã đưa chúng ta đến lý Bát Nhã.

Riêng môn Duy Thức Học Đức Phật đã dạy rải rác trong các kinh. Các Tổ đã rút tỉa các chi tiết có liên quan đến tám thức, hệ thống hóa thành môn Duy Thức Học riêng biệt.

D- Vô tánh trong kinh Lankâvatâra-sũtra

1- Nhơn Vô Ngã

Trong kinh Lăng Già không có những mục riêng biệt đề cập đến ba Vô Tánh nhưng Đức Phật đã vì sự thưa thỉnh của Bồ Tát Đại Huệ mà nói về Nhơn Vô Ngã và Pháp Vô Ngã, trong đó có đề cập đến vô tánh, không tánh...

“Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ Tát phải khéo quán hai thứ tướng vô ngã. Thế nào là hai tướng vô ngã?

Là Nhơn Vô Ngã và Pháp Vô Ngã.

Thế nào là Nhơn Vô Ngã? Tức là lìa Ngã và Ngã Sở, ấm giới nhập họp, vô minh nghiệp ái sanh. Nhãn sắc v.v… nhiếp thọ chấp trước sanh thức, tất cả các căn tự tâm hiện. Thế giới chúng sanh là tướng tự vọng tưởng của Tàng Thức thành lập hiển bày. Như dòng sông, như chủng tử, như đèn, như gió, như mây, sát na lần lượt hoại. Thô động như khỉ vượn, ưa chỗ bất tịnh như ruồi lằn, không nhàm chán như gió thổi lửa.

Nhơn tập khí hư ngụy từ vô thủy như bánh xe đạp nước, sanh tử lăn lộn trong các cõi, thọ các thứ thân sắc, như huyễn thuật, thần chú, máy động hình đi. Khéo biết tướng kia gọi là Nhơn Vô Ngã”.

“Khi chấp ấm giới nhập họp thật có ngã sở, thành tướng nhơn ngã. Nếu lìa ngã và ngã sở thì ấm giới nhập liền đó không còn nhơn. Từ vô minh nghiệp ái phát sinh ra ấm giới nhập. Các thức nhiếp thọ các sắc. Tàng thức hiện bày tất cả chúng sinh và thế giới, chuyển biến vô thường, có tất cả nhưng không có thật. Những thí dụ như trên để nói lên cái hư ngụy từ vô thủy mà luân chuyển sanh tử, như bánh xe đạp nước xoay vần chẳng dừng. Tất cả đó là mục đích nói lên trong thân năm uẩn không thật có chủ tể".

Đó là ý nghĩa của nhơn vô ngã. Nhơn vô ngã nầy chính là đệ nhất nghĩa trí nhận thức. Nên kinh nói: “Khéo biết tướng kia gọi là nhơn vô ngã”.

2- Pháp vô ngã

Từ vô minh phát nghiệp, ái thủ tiếp nối, lần lượt duyên sanh, tất cả các pháp tự tướng, cộng tướng đều do vọng chấp hư ngụy mà sinh các tướng chấp thủ. Do đó phải tu tập xa lìa vọng chấp, quán xét các pháp đều hư ngụy, không thật có, nhờ đó mà xa lìa kiến chấp để hiển lộ pháp vô ngã.

“Thế nào là pháp vô ngã trí? Nghĩa là giác ấm giới nhập tướng vọng tưởng tự tánh. Như ấm giới nhập lìa ngã và ngã sở. Ấm giới nhập chứa nhóm, nhơn nghiệp ái ràng buộc lần lược duyên nhau sanh, không diêu động, các pháp cũng vậy. Lìa tướng vọng tưởng, sức vọng tưởng tự tướng cộng tướng chẳng thật. Đây là phàm phu sanh, chẳng phải thánh hiền. Vì tâm, ý, ý thức, ba tự tánh lìa. Đại Huệ! Đại Bồ Tát phải khéo phân biệt tất cả pháp vô ngã”.

“Nói về tự tánh, pháp ấm giới nhập vốn không có tự tánh chỉ do tướng vọng tưởng mà có tự tánh. Khi có trí giác có thể phân biệt biết liền lìa ngã sở. Từ vô minh phát nghiệp, ái thủ tiếp nối, lần lược duyên sanh mà lý bản trụ (chơn tánh) vẫn không diêuđộng. Tất cả các pháp tự tướng, cộng tướng đều lìa, do vọng tưởng hư ngụy vọng thấy có tướng làm tăng trưởng sức vọng tưởng, phàm phu mê chấp khiến chẳng đạt được nguồn cội pháp tánh.

Phàm phu vọng tưởng nên chấp có, Nhị Thừa lại rơi vào cái không tất cả đều rơi vào chướng ngại, chướng pháp. Lìa vọng tưởng, mới chứng ngộ được chân như pháp tánh. Do Tâm, Ý, Ý thức bất giác mà thấy có các tánh và vọng tưởng, cho nên trong kinh nói: “Vì Tâm, Ý, Ý thức, ba tự tánh lìa. Đại Bồ Tát phải khéo phân biệt tất cả pháp vô ngã”.

3- Thiện Pháp vô ngã

a- Lìa tướng dựng lập

“Đại Huệ! Thế nào chẳng có tướng dựng lập tướng? Nghĩa là ấm giới nhập chẳng có tự tướng cộng tướng mà khởi chấp trước, đây như thế, đây chẳng khác. Ấy gọi là chẳng có tướng dựng lập tướng. Chẳng có tướng mà dựng lập, đây là do lỗi vọng tưởng hư ngụy từ vô thủy, các thứ tập khí chấp trước mà sanh”.

Kinh nói ấm giới nhập vốn không có tự tướng cộng tướng mà khởi chấp trước tự tướng cộng tướng. Lại nói “pháp ngã chấp cứng không buông” và nói “đây như thế đây chẳng khác”.

Tất cả đều do Như Lai Tàng vọng tưởng mê chấp mà sinh ra nghiệp tướng chuyển tướng các thứ hư ngụy. Đó là do “các thứ tập khí chấp trước mà sanh”.

“Đại Huệ! Chẳng có kiến dựng lập tướng là ấm giới nhập kia như thế chấp ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng, trưởng dưỡng, sĩ phu dựng lập. Ấy gọi là chẳng phải có kiến dựng lập tướng.

Đại Huệ! Chẳng có nhơn dựng lập tướng là thức ban đầu không nhơn sanh, sau chẳng thật như huyễn vốn chẳng sanh nhãn, sắc, minh, giới, niệm, trước sanh, sanh rồi, thật có rồi trở lại hoại. Ấy gọi là chẳng có nhơn dựng lập tướng”.

Kinh nói “kiến” tức là “ngã kiến” nơi ấm giới nhập, nên gọi là nhơn ngã.

“Thức ban đầu không nhơn sanh” tức là từ mê tàng sinh thức, do đó mà sinh nghiệp tướng, chuyển tướng đều từ mê chấp mà phát khởi, giống như sanh mà chẳng có nhơn sanh. Do đó kinh nói “Ấy gọi là chẳng có nhơn dựng lập tướng”.

Kinh lại nói rõ về tánh dựng lập tướng v.v… như sau:

“Đại Huệ! Chẳng có tánh dựng lập tướng là hư không, diệt tận, niết bàn, chẳng phải làm ra, chấp trước tánh dựng lập. Những thứ nầy lìa tánh phi tánh. Tất cả pháp như sừng thỏ, sừng ngựa v.v… như thấy tóc rũ, lìa có và chẳng phải có. Ấy gọi là chẳng có tánh dựng lập tướng. Dựng lập và phỉ báng là ngu phu vọng tưởng, chẳng khéo quán sát tự tâm hiện lượng, không phải thánh hiền. Thế nên lìa ác kiến dựng lập phỉ báng, nên phải tu học”.

Đây nói lìa tánh phi tánh tức là lìa có và không. Không phải tánh lập ra tức là lìa có, không là đối với có mà lập ra cho nên lìa có tức lìa chẳng phải có (không). Như thế tất cả pháp đều lìa có và không. Cho nên dựng lập, phỉ báng đều là vọng chấp của phàm phu.

b- Cứu cánh độ thoát

“Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ Tát khéo biết tướng tâm, ý, ý thức, ba tự tánh, hai vô ngã, tiến đến cứu cánh (giải thoát). Vì an chúng sanh nên hiện các thứ hình loại, như chỗ vọng tưởng tự tánh, y nơi duyên khởi. Ví như các sắc hiện trong bảo châu như ý, Bồ Tát khắp hiện ở tất cả cõi nước chư Phật, tất cả Như Lai có đại chúng nhóm họp, thảy đều ở trong ấy nghe nhận Phật Pháp. Nên nói tất cả pháp như huyễn, như mộng, bóng trong nắng, trăng đáy nước, nơi tất cả pháp lìa sanh, diệt, đoạn, thường và lìa pháp Thanh Văn, Duyên Giác, được trăm ngàn tam muội, cho đến trăm ngàn ức na do tha tam muội.

Được tam muội rồi, dạo đi đến các cõi nước chư Phật, cúng dường chư Phật, sanh trong các thiên cung để tuyên dương Tam Bảo.

Thị hiện thân Phật có Thanh Văn, Bồ Tát vây quanh, dùng tự tâm hiện lượng độ thoát chúng sanh, phân biệt diễn nói ngoại tánh là không tánh, thảy khiến xa lìa kiến chấp có, không v.v…”.

Đây là nói cứu cánh hiện lượng chẳng bị kiến chấp phàm thánh làm hạn lượng, mới có thể tùy thời xuất hiện tự tại vô ngại. Tất cả pháp đều do tâm biến hiện, xa lìa kiến chấp có không tiến đến cứu cánh giải thoát.

“Khi ấy Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa nầy nên nói kệ như sau:

Tâm lượng thế gian

Phật Tử quán sát

Các thân chủng loại

Lìa hành sở tác

Được sức thần thông

Thành tựu tự tại”

4- Bảy tướng pháp không

“Khi ấy Đại Bồ Tát Đại Huệ thỉnh hỏi Phật: Cúi mong Đức Thế Tôn vì chúng con nói tất cả pháp không, vô sanh, không hai, lìa tướng tự tánh. Các con và chúng Bồ Tát khác giác ngộ pháp không, vô sanh, không hai, lìa tướng tự tánh rồi thì sẽ lìa vọng tưởng có và không, chóng được vô thượng chánh đẳng chánh giác? Thế Tôn bảo Bồ Tát Đại Huệ: Lắng nghe! Lắng nghe! Khéo suy nghĩ đó, nay sẽ vì ông rộng phân biệt nói.

Đại Huệ bạch Phật: Đức Thế Tôn, lành thay! Chúng con xin vâng thọ giáo”.

“Đức Phật bảo Đại Huệ: Không không tức là chỗ tự tánh vọng tưởng. Đại Huệ! Người chấp trước tự tánh vọng tưởng nói không, vô sanh, không hai, lìa tướng tự tánh. Kia lược nói bảy thứ không, nghĩa là:

Tướng không, tánh tự tánh không, hành không, vô hành không, nhất thiết pháp ly ngôn thuyết không, đệ nhất nghĩa thánh trí đại không, bỉ bỉ không”.

Tại sao kinh nói “không không”, tức là chỗ tự tánh vọng tưởng, lìa tất cả tương đối ngôn thuyết, không hai, đệ nhất nghĩa thánh trí đại không, bỉ bỉ không v.v… chỉ có tu chứng tự ngộ chứ không thể giải bày được. Từ tự tánh vọng tưởng chỉ ra chơn không. Vì chơn không chẳng phải không tương đối nên gọi là không không.

a- Tướng không

“Thế nào là tướng không? Nghĩa là tất cả tánh tự tướng cộng tướng đều không. Quán sát vì sự triển chuyển chứa nhóm, phân biệt không tánh, tự tướng cộng tướng chẳng sanh, tánh tự, tha, câu (chung) đều không tánh, cho nên tướng chẳng trụ. Thế nên nói tất cả tánh tướng không, là danh tướng không vậy”.

Tánh tự tướng là nói đến công năng tự biến của Thức Thứ Tám. Tướng cộng tướng là nói đến công năng cộng biến của các thức. Tất cả tự tha, năng sở đều không nên ngộ được tánh tướng không. Kinh nói “danh” tức là tâm, “tướng” tức là các pháp sở duyên. Tâm là tên gọi khác của Thức Thứ Tám cũng là do vọng tưởng mà thấy có phân biệt. Khi ngộ thì cả danh và tướng đều là không. Khi ấy mới chứng ngộ được chơn không.

b- Tánh tự tánh không

“Thế nào là tánh tự tánh không? Nghĩa là tánh chính mình, tự tánh chẳng sanh. Ấy gọi là tất cả pháp tánh tự tánh không, nên nói tánh tự tánh không”.

Tất cả pháp đều do duyên sanh. Cái nầy tùy thuộc vào cái kia, khi hội đủ điều kiện thì sinh ra cái mới, khi các duyên tan rã thì vật ấy sẽ biến mất do đó không vật nào có tự tánh riêng biệt. Do đó mà kinh nói là “tánh tự tánh không”.

c- Hành không

“Thế nào là hành không? Nghĩa là ấm lìa ngã và ngã sở. Nhơn sở thành nên sở tạo nghiệp phương tiện sanh, ấy gọi là hành không”.

Nhơn sở thành tức là chủng tử đã có đủ các duyên để phát khởi ra hiện hành. Sở tạo nghiệp tức là giai đoạn chủng tử phát khởi ra hiện hành. Đây là những giai đoạn do ấm sanh khởi.

Khi lìa ngã (tức là năng biến thức), ngã sở là tất cả những hiện hành. Ấm là nói đến sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ấm lìa ngã và ngã sở nghĩa là các duyên tan rã khi ấy không còn hành nữa nên gọi là hành không.

d- Vô hành không

“Đại Huệ! Tức cái hành không như thế ấy triển chuyển duyên khởi, tự tánh không tánh, ấy gọi là vô hành không”.

“Triển chuyển duyên khởi” cũng có thể gọi là “hành”. Tất cả các duyên có thể khiến chủng tử các pháp khởi ra hiện hành tan rã đó là hành chấm dứt đây gọi là “vô hành không”.

e- Nhất thiết pháp ly ngôn thuyết không

“Thế nào là nhất thiết pháp ly ngôn thuyết không? Nghĩa là tự tánh vọng tưởng vì không có ngôn thuyết, nên tất cả pháp lìa ngôn thuyết. Ấy gọi là nhất thiết pháp ly ngôn thuyết không”.

Tất cả pháp không có tự tánh. Để nhận biết điều đó phải tự tu tự chứng mói giác ngộ chân lý ấy được. Thế nhưng muốn tu chứng giác ngộ hoàn toàn, lìa vọng chấp nơi các pháp sanh diệt đối đãi thì phải xả luôn cái “nhất thiết pháp ly ngôn thuyết” ấy mới đạt đến toàn giác. Do đó kinh nói là “nhất thiết pháp ly ngôn thuyết không”.

f- Nhất thiết pháp đệ nhất nghĩa thánh trí đại không

“Thế nào là nhất thiết pháp đệ nhất nghĩa thánh trí đại không? Nghĩa là người được tự giác thánh trí thì tất cả lỗi tập khí kiến chấp không, ấy gọi là nhất thiết pháp đệ nhất nghĩa thánh trí đại không”.

Đây nói về hành giả đã chứng quả toàn giác, các thức đã chuyển thành trí, trong đó Thức Thứ Tám đã chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí. Tự giác thánh trí vốn lìa các kiến chấp có và không. Tất cả chỗ, tất cả thời, tất cả việc thành đệ nhất nghĩa. Do đó kinh nói là “đệ nhất nghĩa thánh trí đại không”.

g- Bỉ bỉ không

“Thế nào là bỉ bỉ không? Nghĩa là đối với kia không cái không kia, ấy gọi là bỉ bỉ không. Đại Huệ! Thí như là lộc tử mẫu không có voi ngựa trâu dê v.v…, chẳng phải không chúng tỳ kheo, mà nói kia không. Chẳng phải nhà nhà tánh không, cũng chẳng phải tỳ kheo, tỳ kheo tánh không, chẳng phải chỗ khác không voi ngựa. Ấy gọi là tất cả pháp tự tướng. Kia nơi kia không kia, ấy gọi là bỉ bỉ không.

Đây gọi là bảy thứ không. Cái bỉ bỉ không là cái không rất thô, ông phải xa lìa”.

Đoạn nầy nói các pháp không có tha tướng, chẳng phải không có tự tướng. Ngoại đạo chấp không, không giống chánh pháp của chư Phật có bảy nghĩa không như vừa đề cập. Lìa tất cả tập khí kiến chấp có không nghĩa là không có không tha tánh, nhưng cũng không phải không có tự tánh.

5- Thế nào là tướng Vô Sanh

“Đại Huệ! Chẳng tự sanh chẳng phải chẳng sanh. Trừ người trụ tam muội, ấy gọi là vô sanh”.

Tự thể của các pháp vốn vô sanh tánh nên gọi là chẳng tự sanh. “Chẳng phải chẳng sanh” là các pháp vì liên hệ với nhiều duyên khác nên trên bình diện chuyển biến vô thường in tuồng có sanh tương tục, mê tỉnh chưa dứt nên không thể nói không, nhưng chơn tánh vốn không nên cũng chẳng phải có. Do đó nên nói “pháp nhơn duyên sanh ra, ta nói tức là không”. Tướng vô sanh nói đây không phải trụ tam muôi mà nói vô sanh.

6- Tánh ly tự tánh

“Lìa tự tánh tức là vô sanh. Lìa tự tánh thì sát na tương tục lưu chú và dị tánh hiện. Tất cả tánh lìa tự tánh, thế nên tất cả tánh ly tự tánh”.

Lìa tự tánh tức đã chứng quả vô sanh nên gọi là “lìa tự tánh tức là vô sanh”. Tánh ly tự tánh tức là không có tự tánh thì chính khi sanh là chẳng sanh. Tương tục lưu chú, sát na chẳng dừng, tướng biến dị hiển hiện.

7- Tất cả pháp không hai

“Thế nào là không hai? Nghĩa là tất cả pháp như lạnh nóng, dài ngắn, đen trắng… đều không hai.

Đại Huệ! Tất cả pháp không hai, chẳng phải đây Niết Bàn, kia sanh tử, chẳng phải đây sanh tử, kia Niết Bàn. Vì tướng khác nhơn khác mà có tánh, ấy gọi là không hai. Như Niết Bàn sanh tử, tất cả pháp cũng thế. Thế nên không, vô sanh, không hai, lìa tướng tự tánh, nên phải tu học”.

Ngoài Niết Bàn không có sanh tử, ngoài sanh tử không có Niết Bàn. Sanh tử, Niết Bàn có nhơn khác, sanh tử Niết Bàn có tướng khác. Nhưng tướng chẳng phải hai tướng và nhơn chẳng phải hai nhơn, nên nói nhơn khác, tướng khác sinh ra tánh.

Mê, ngộ, chơn, vọng về mặt biểu kiến thấy có nhơn và tướng khác nhau nhưng cùng một bản tâm biểu hiện ra nên về thể thì không có hai. Tất cả pháp cũng như thế nên kinh nói “tất cả pháp không hai”, hoặc nói “tất cả pháp duy thức” cũng cùng nghĩa ấy.

8- Bốn tướng: Không, Vô Sanh, Không Hai, Lìa Tướng Tự Tánh

“Khi ấy Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa nầy, nói kệ rằng:

Ta thường nói pháp không

Xa lìa nơi đoạn thường

Sanh tử như huyễn mộng

Mà nghiệp kia chẳng hoại

Hư không và Niết Bàn

Diệt định hai cũng thế

Ngu phu khởi vọng tưởng

Chư Thánh lìa có không”

Đức Phật nói pháp không là nói tự tánh chơn không. Đó là xa lìa đoạn thường. Nói về nghiệp chẳng hoại, hư không, Niết Bàn, diệt định hai cũng thế, tất cả đó còn là phân biệt đoạn thường, còn là tương đối có không. Pháp Phật dạy là lìa tất cả đoạn thường, có không kể trên để chứng đến chơn không pháp tánh.

“Đức Thế Tôn lại bảo Đại Huệ Bồ Tát rằng: Nầy Đại Huệ! Không, vô sanh, không hai, lìa tướng tự tánh, khắp vào tất cả kinh điển chư Phật. Phàm có kinh đều nói nghĩa này. Vì các kinh điển thảy tùy theo tâm hy vọng của chúng sanh, vì họ phân biệt nói hiển bày nghĩa ấy mà không phải chơn thật tại ngôn thuyết. Ví như một con nai khát nước tưởng nước, rồi làm mê lầm cả bầy nai. Nai ở nơi tướng kia chấp trước thật nước, mà nơi kia không có nước. Như thế, tất cả Kinh điển nói ra các pháp vì khiến kẻ ngu phát hoan hỷ tâm, chẳng phải thật thánh trí ở nơi ngôn thuyết. Thế nên phải y nơi nghĩa chớ chấp ngôn thuyết”.

Tất cả kinh tùy nơi tâm hy vọng của chúng sinh mà Đức Phật phương tiện dùng ngôn thuyết để giải bày các pháp Không, Vô Sanh, Không Hai, Lìa Tướng Tự Tánh.

Đức Phật dạy nghĩa chơn thật không phải nằm ở ngôn thuyết. Đó là dùng ngữ để diễn đạt ý nghĩa. Đây là nói dùng ngôn ngữ chỉ ra nghĩa lý chơn thật của các pháp. Chẳng khác dùng tay chỉ mặt trăng. Ngón tay không phải là mặt trăng mà hãy nương ngón tay mới thấy được mặt trăng trên cao kia.

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com