Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Korea: Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư Vang mãi với Ca khúc Hòa hợp Dân tộc nơi biển Ta bà

11/12/202120:54(Xem: 2834)
Korea: Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư Vang mãi với Ca khúc Hòa hợp Dân tộc nơi biển Ta bà


vien kinh dai su (11)



Korea: Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư
Vang mãi với Ca khúc Hòa hợp Dân tộc nơi biển Ta bà

(“원경대종사여, 속환사바해 민족화합의 노래 불러주소서”)


 

Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư (원경당성진대종사, 圓鏡堂 性眞大宗師, 1941-2021) Phó Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão Thiền phái Tào Khê, Chủ tịch Hội đồng Giám luật Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc đã thanh thản trút hơi thở xả báo thân nhập Pháp thân, viên tịch vào lúc 10 giờ sáng ngày 6 tháng 12 năm 2021 (3/11/Tân Sửu) tại ngôi già lam cổ tự Vạn Kỳ (만기사, 萬奇寺), 548 Dongcheon-ri, Jinwi-myeon, Pyeongtaek-si, Gyeonggi-do, Hàn Quốc; Trụ thế 81 xuân; Pháp lạp 62 Hạ.

 

Lễ Truy điệu và Trà tỳ được cử hành vào lúc 10 giờ ngày 10 tháng 12 năm 2021 (7/11/Tân Sửu) tại Tổ đình Long Châu Tự (용주사, 龍珠寺), trụ sở thứ hai của Giáo khu Thiền phái Tào Khê, nơi hội họp của chư tôn đức Trưởng lão, 136 Yongju-ro, Hwaseong-si, Gyeonggi-do.

 

Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư sinh năm Tân Tỵ (1941), nguyên quán Nam Triều Tiên, Ngài là con trai duy nhất của cụ ông Phác Hiến Vĩnh (박헌영, 朴憲永, 24/5/1900-5/12/1956), hiệu Nhi Đinh (이정, 而丁), bí danh Kim Thành Tam (김성삼,金成三), chính trị gia nổi tiếng, nhà báo, nhà hoạt động độc lập, một trong những nhà lãnh đạo chính của phong trào cộng sản Triều Tiên trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Triều Tiên (1910–1945), một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng Công nhân Hàn Quốc 1925 và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, đồng thời là người sáng lập chính của Đảng Cộng sản Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (nhiệm kỳ 1948-1953); Mẫu thân của Ngài là cụ bà Trịnh Thuận Niên (순년순, 鄭順年).

 

Năm 1946, Phụ thân của Ngài, cụ Phác Hiến Vĩnh (박헌영, 朴憲永) chạy trốn tỵ nạn sang Bắc Triều Tiên để thoát khỏi áp lực của Chính phủ Quân sự Hoa Kỳ, Ngài bị bỏ lại Hàn Quốc và trở thành đứa trẻ mồi côi.

 

Năm lên 10 tuổi, Ngài được phúc duyên bởi sự đùm bọc che chở của Trưởng lão Hàn San đường Hoa Nghiêm Đại Thiền sư (한산당 엄대선사, 寒山堂 華嚴大禪師, 1925-2001) và được cạo tóc, khoác áo nâu sồng, nương chốn Thiền môn, đêm ngày ngân nga với mõ chuông, sớm kệ chiều kinh cầu đạo giải thoát.

 

Tháng 3 năm 1960, Ngài đến Tổ đình Long Châu Tự (용주사, 龍珠寺), 136 Yongju-ro, Hwaseong-si, Gyeonggi-do, đảnh lễ Tùng Đàm Chính Ẩn Thiền sư (송담정은 선사, 松潭正隱 禪師) cầu xin thụ giới Sa di và nhập chúng tu học Phật pháp tại Thiền viện Long Hoa (용화선원, 龍華禪院), Juan-dong, Nam-gu, Incheon, Hàn Quốc.

 

Tháng 3 năm 1963, Ngài đăng đàn thụ cụ túc giới tại ngôi già lam cổ tự Phạm Ngư (범어사, 梵魚寺), 546, Chungryong-dong, quận Kumjung-gu, Busan, thành phố cảng lớn nhất của Hàn Quốc, nằm ở phía đông nam của bán đảo Triều Tiên.

 

Năm 1996, Ngài tốt nghiệp đào tạo khoa Phúc lợi Xã hội Quốc gia Hàn Quốc.

 

Năm 1997, Ngài tốt nghiệp đào tạo chuyên khoa Phật học tại Đại học Đông Quốc, Seoul, Hàn Quốc.

 

Thời tuổi thiếu niên, khi nhập chúng tại Thiền viện Long Hoa (용화선원, 龍華禪院), Juan-dong, Nam-gu, Incheon, ngoài giờ học Phật pháp, Ngài đã dành hết tâm lực vào việc công phu tu tập Tổ Sư thiền pháp tham thiền thoại đầu (화두참선법, 話頭慘禪法), miên mật hành trì trong các oai nghi đi, đứng nằm, ngồi (행주좌와 어묵동정, 行住坐臥 語默動靜) dưới sự hướng dẫn của Tùng Đàm Chính Ẩn Thiền sư.

 

Ngài đã từng vân du đó đây khắp các chốn tòng lâm tự viện, hành cước tham học, và đặc biệt trong công các Phật sử tại 26 cơ sở tự viện già lam tiêu biểu như Tu Đức Tự (수덕사, 修德寺), xã Deoksan-myeon, huyện Yesan-gun, tỉnh Chungcheongnam-do; Thiền viện Định Tuệ (정혜선원, 定慧禪院), thành phố Mungyeong-si, tỉnh Gyeongsangbuk-do, Phụng Nham Tự (봉암사, 鳳巖寺), xã Gangcheon-myeon, quận Yeoju-gun, tỉnh Gyeonggi-do, Thiền viện Chư Phương (제방선원, 諸方禪院). Chỉ sau khi thành tựu công phu tu tập, sở ngộ tròn đầy thì Ngài mới tiết lộ cho thế giới biết những bí mật sâu xa của sự thành công trong cuộc sống. Hôm đó Ngài hoát nhiên Đại ngộ, khối nghi tan vỡ, Chân tâm đột nhiên sáng tỏ, Ngài ngẫu hứng thuyết kệ rằng:

 

두솔적화향자습

송하끽다심자한

원경생평수득하

만정월광로불점

 

Đâu suất trích hoa hương tự thấp,

Tùng hạ khiết trà tâm tự nhàn;

Viên kính sinh bình tu đắc hà?

Mãn đình nguyệt quang lộ bất triêm!

 

兜率摘花香自濕

松下喫茶心自閑

圓鏡生平修得何

滿庭月光露不霑

 

Hái hoa Đâu Suất đượm nồng hương,

Nhấp chén trà nhàn dưới bóng dương;

Được gì khi kính không vương bụi?

Trăng ngập đầy sân chẳng dính sương!

 

Thích Nguyên Hiền dịch

 

Bậc nhất thiên hạ Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư với từ bi tâm mãnh liệt nên đã thị hiện trần gian, nguyện tái sinh lâm phàm với cương vị Sứ giả Như Lai, góp phần cải tạo và phục hồi lại sự đổ nát của Đạo pháp và Quốc gia Dân tộc Hàn Quốc.

 

Năm 1974, Ngài được sự tín nhiệm của chư tôn giáo phẩm Thiền phái Tào Khê bổ nhiệm Ngài Trụ trì ngôi già lam Hưng Vương Tự (흥왕사, 興王寺), thành phố Yeoju-si, tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc.

 

Năm 1983, Ngài được bổ nhiệm làm trụ trì ngôi già lam Thanh Long Tự (청룡사, 靑龍寺), thành phố Anseong-si, tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc.

 

Năm 1987, Ngài được bổ nhiệm làm Trụ trì ngôi già lam Thần Lặc Tự (신륵사, 神勒寺), 282 Cheonsong- dong, thành phố Yeoju-si, tỉnh Gyeonggi-do, Hàn Quốc.v.v

 

Năm 1995, sau những năm tháng trải qua Sứ mệnh trụ pháp vương gia trì Như Lai Tạng cũng như mãi về sau, danh đức của Ngài tỏa khắp muôn phương, sức ảnh hưởng của Ngài lan rộng từ thành thị cho đến vùng nông thôn.

 

Ngay khi phải đối mặt với những khó khăn, thử thách to lớn, Ngài đã quên đi bản ngã cá nhân, hết mình vì lợi ích chung cho cộng đồng (멸사봉공, 滅私奉公).

 

Tháng 4 năm 2014, được sự tôn kính của Tăng đoàn Thiền phái Tào Khê, Ngài được Tấn phong ngôi vị Nguyên lão (원로, 元老) bậc phẩm đức cao trọng vọng.

 

Tháng 1 năm 2015, được sự tôn kính của Tăng đoàn Thiền phái Tào Khê, Ngài được Tấn phong ngôi Pháp vị Đại Tông sư (법계 대종사, 法階大宗師).

 

Tháng 12 năm 2017, được sự tôn kính của Tăng đoàn Thiền phái Tào Khê, Ngài được Tấn phong ngôi vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão, Chủ tịch Hội đồng Giám luật Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc.

 

Ngoài ra, để thể hiện sự tôn kính các vị Thiện thần Thủ hộ Già lam và tâm nguyện giáo hóa chúng sinh, trong khi nỗ lực làm việc, Ngài đã đề xuất thành lập Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử, ghi lại những khúc quanh lịch sử cận đại và đương đại, nhưng không thiên lệch về tư tưởng và ý thức hệ.

 

Từ những thập niên 1993, Ngài cùng với Giáo sư Tiến sĩ Lâm Kinh Tích (임경석, 林京錫), Đại học Sungkyunkwan, đồng thu thập hồ sơ và tài liệu, hình ảnh phụ thân của Ngài, cụ ông Phác Hiến Vĩnh (박헌영, 朴憲永, 1900-1956), và tác phẩm "Lý Chính, Phác Hiến Vĩnh Toàn tập" (이정 박헌영 전집, 李政 朴憲永全集) tổng cộng 9 tập đã xuất bản vào năm 2004. Đây là kết quả của việc tham khảo nhiều thư tịch, tư liệu gián tiếp, tư liệu hồi tưởng và chứng thực trong báo cáo thường niên, bộ sưu tập tư liệu hình ảnh trong khoảng thời gian 11 năm.

 

Vào thời điểm đó, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Ngài nói: "Vô cùng kính thương tiếc khi phụ thân kính yêu của tôi đã bị người ta kết án đủ thứ tội, nào là một trong những "lãnh đạo đảng Cộng sản" tại Nam Hàn và là "gián điệp của Mỹ" và "bè phái" của Bắc Triều Tiên. . .

 

Sau khi thành lập Đảng Công nhân Hàn Quốc vào ngày 23 tháng 11 năm 1946, phụ thân kính yêu của tôi (cụ ông Phác Hiến Vĩnh) bị trục xuất khỏi Chính phủ Hoa Kỳ và đào tẩu sang Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, sau chiến tranh Triều Tiên năm 1953 (cuộc chiến xảy ra trên bán đảo Triều Tiên giữa Bắc Triều Tiên với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước xã hội chủ nghĩa) và Nam Triều Tiên (với sự hỗ trợ đến từ Liên Hợp Quốc, trong đó quốc gia giữ vai trò nòng cốt là Hoa Kỳ).

 

 Vào ngày 15 tháng 12 năm 1955, phụ thân kính yêu của tôi (cụ ông Phác Hiến Vĩnh) bị bắt với cáo buộc tội danh làm gián điệp của Mỹ, cụ ông bị kết án tử hình vì tội "phản đảng". Cụ ông bị hành quyết vào ngày 05 tháng 12 năm 1956.

 

Cuộc chiến gây ra sự tàn phá hủy diệt ở hầu hết các khu vực trên báo đảo Đông Bắc Á Triều Tiên, chia cắt vĩnh viễn hàng triệu gia đình người Triều Tiên, đồng thời khoét sâu hơn nữa vào sự chia rẽ tư tưởng giữa hai miền cho đến tận ngày nay.

 

Chiến tranh Triều Tiên bên cạnh xung đột quân sự còn xảy ra rất nhiều tội ác chiến tranh với hàng nghìn vụ thảm sát lớn nhỏ của cả hai bên, đơn cử như Nam Triều Tiên thảm sát hàng loạt tất cả những người bị tình nghi ủng hộ, hỗ trợ cho Bắc Triều Tiên hoặc có mối liên hệ với chủ nghĩa Cộng sản, còn Bắc Triều Tiên thì tra tấn, hành quyết và bỏ đói các tù binh chiến tranh. Đây cũng là một trong những cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại với 30 tỷ đô la Mỹ cho 3 năm chiến đấu vào thời điểm những thập niên 1050-1953. . ."

 

Tập thơ xuất bản năm 2010, cũng là một sản phẩm nhân chứng lịch sử hồi tưởng, ghi lại cuộc đời và sự nghiệp của Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư qua những thời kỳ đầy biến động. Nhờ đó, Ngài đã vinh dự nhận được Giải thưởng về Văn hóa của Hiệp hội nhà báo Hàn Quốc do Nhân dân Triều Tiên trao tặng.

 

Thị hiện một đời vì dân vì nước, vì sự hòa hợp dân tộc, góp phần khôi phục Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc sau những biến động của quốc gia dân tộc. Một hôm, tự biết thân tứ đại không thể duy trì được nữa, trong linh cảm đã biết trước giờ phút vĩnh ly; trước khi viên tịch, Ngài tự tay viết kệ rằng:

 

적래시야하우수

적거순야하기탄

이석촉아말후구

아여위비헌일화

 

Thích lai thì dã hà vưu thuỳ,

Thích khứ thuận dã hà kỵ;

Ly tịch xúc ngã mạt cú,

A nhữ vy bi hiến nhất hoa.

 

適來時也何尤誰

適去順也何忌

離席促我末句

阿汝為悲獻一花.

 

Đến thì cũng chẳng ngoài ai khác,

Khi đi cũng thuận chẳng nề hà;

Ai lìa chỗ sốc ta lời cuối,

Xin tặng cho người một cánh hoa.

 (Thích Nguyên Hiền dịch)

 

Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư, Phó Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão Thiền phái Tào Khê, Chủ tịch Hội đồng Giám luật Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc, người đã suốt đời xả thân cầu đạo giải thoát, luôn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ tương lai, tiền đồ của đạo pháp dân tộc Hàn Quốc. Ngài sinh ra trong thời kỳ đầy biến động, giai đoạn bán đảo Triều Tiên trong thời kỳ Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng, và khi đến lúc khúc ca khải hoàng chào mừng Tiết Quang Phục – Ngày Hàn Quốc giành độc lập, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Nhật (15/8/1945) thì hỡi ôi, cốt nhục phân ly, cha trốn chạy sang tỵ nạn Bắc Hàn, để con thơ dại mồ côi nơi chôn nhau cắt rốn Nam Hàn, bởi thế lực siêu cường quốc Hoa Kỳ - Liên bang Nga chi phối đất nước, họ đặt ranh giới quân sự tại vĩ tuyến 38 trên bán đảo Đông Bắc Á này, sau đó thành lập hai Chính phủ riêng biệt khác nhau, và bắt đầu nội chiến giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.

 

Tại Tang lễ, trong lời chia sẻ phân ly mãi mãi, người sống kẻ chết vĩnh viễn xa cách nhau (영결사, 永訣辭), Thế Dân Đại Tông sư (세민 대종사, 世珉大宗師), Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc nhận định về Ngài rằng: "Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư đã tự tại vô quái ngại giữa sự sống và chết, xả bỏ báo thân huyễn hóa trở về thế giới bất tử. Lục căn thanh tịnh, lục trần bất nhiễm, Ngài đã vượt qua sinh tử, làm chủ sinh tử, đến đi tự tại. "

 

vien kinh dai su (12)vien kinh dai su (1)vien kinh dai su (2)vien kinh dai su (3)vien kinh dai su (4)vien kinh dai su (5)vien kinh dai su (10)



Trong bài điếu văn tại Tang lễ, Hòa thượng Viên Hạnh (원행스님), Tổng vụ Viện trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 36, Chủ tịch Liên Tôn giáo châu Á vì hòa bình (ACRP) phát biểu rằng: "Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư, một trong những cây cao bóng cả của Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc. Trên ngôi vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trưởng lão Thiền phái Tào Khê, Chủ tịch Hội đồng Giám luật Thiền phái Tào Khê, giới hạnh trang nghiêm, đức hóa của Ngài rạng ngời, hương giới đức tỏa khắp tung bay. Chỉ có Chân lý hoàn thiện mới là cơ sở cho Phật giáo đồ nương theo tu học Phật pháp. Viên Kính đường Tính Chân Đại Tông sư có đôi tuệ nhãn như thế, thỏa sức tung hoành thiên hạ, tỏa chiếu ánh đạo nhiệm mầu và hạnh đức Như Lai".

 

Hơn tám mươi năm trụ thế trần gian, Ngài đã thắp sáng ngọn đèn Trí tuệ Phật Tổ làm ấm lòng bao thế hệ trẻ, tuôn chảy suối nguồn Từ bi tâm giúp dập tắt lửa phiền tục lụy của biết bao thế hệ lầm đường lỡ bước hồi đầu hướng thiện.

 

 Clip video

 

(BTN뉴스) 조계종 원로회의 부의장 원경 대종사 원적

https://www.youtube.com/watch?v=Mc8zTKbcZSA

 

(BBS뉴스) 원경 대종사 추모 물결...‘불교 역할’ 되새겨

https://www.youtube.com/watch?v=o4mAkjvd8P4

 

(BBS뉴스) 원경대종사 추모 발길 이어져....자승스님 조문

https://www.youtube.com/watch?v=RtTvsq_AEvQ

 

(BTN직캠) 원경당 성진 대종사 추도사 _ 원행스님 (대한불교조계종 총무원장)

https://www.youtube.com/watch?v=hzFFZpweGNg

 

(추모) 조계종 원로회의 부의장 원경당 성진대종사 영결식 추도입정 육성법문_큰스님을 추모합니다

https://www.youtube.com/watch?v=NgHQEU5G6x8

 

(BTN 생중계) 대한불교조계종 원로의원 원경당 성진대종사 영결식 (12월10일 10:00)

https://www.youtube.com/watch?v=8x6YrPhoK_4

 

(BTN뉴스) "원경 대종사, 반야의 도리 삶으로 보여"

https://www.youtube.com/watch?v=5zrRWNiceRQ

Thích Vân Phong

(Tham khảo từ các nguồn: 불교신문;

법보신문; 대한불교조계종; 불교닷컴)

 

 


                              

               

                   

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]