Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hàn Quốc: Nguyệt Châu Đại Tông Sư, cựu Lãnh đạo Thiền phái Tào Khê vừa Viên tịch

30/07/202117:45(Xem: 2386)
Hàn Quốc: Nguyệt Châu Đại Tông Sư, cựu Lãnh đạo Thiền phái Tào Khê vừa Viên tịch



Hàn Quốc:
  Nguyệt Châu Đại Tông Sư, cựu Lãnh đạo Thiền phái Tào Khê vừa Viên tịch

 

Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư, cựu Lãnh đạo Thiền phái Tào Khê đời thứ 17 và 28, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Tăng già Trung-Anh (중앙승가대학교), người chủ động một chiến dịch thanh tịnh hoá đoàn thể Tăng già Phật giáo trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc, người từng tận lực cống hiến cho việc cải cách Thiền phái Tào Khê và phục hưng Phật giáo Hàn Quốc sau khi đất nước thoát ách nô lệ của đế quốc ngoại bang, nhà lãnh đạo Phúc lợi xã hội nổi tiếng thế giới đã thanh thản hồn nhiên trút hơi thở viên tịch vào lúc 9 giờ 45 phút sáng ngày 22 tháng 7 năm 2021 tại Mãn Nguyệt Đường, Tổ đình Kim Sơn Tự, thành phố Gimje, tỉnh Bắc Joeolle. Trụ thế 87 Xuân, Pháp lạp 68 Hạ.

 

Tang lễ của Ngài với tư cách là người đứng đầu Thiền phái Tào Khê, được tổ chức thời gian 5 ngày tại Tổ đình Kim Sơn Tự từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 7 năm 2021. Lễ Trà tỳ Hoả táng vào lúc 10 giờ ngày 26 tháng 7 trong khuôn viên Tổ đình Kim Sơn Tự.


Hay tin buồn của Phật giáo đồ Hàn Quốc, ngày 23 tháng 7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã đến viếng tại bàn hương án, nơi tổ chức tang lễ Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư, cựu lãnh đạo Thiền phái Tào Khê. Để tôn vinh bậc cao tăng thạc đức suốt đời cống hiến phụng sự Đạo pháp Dân tộc, hoá độ chúng sinh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In phát biểu rằng: 

 

“Tôi xin vĩnh biệt vị cao tăng vĩ đại. Tôi tin rằng, Ngài đã an nhiên nơi cõi Niết Bàn. Tôi xin chia buồn với chư tôn tịnh đức tăng già và Phật tử Hàn Quốc.

 

Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư đã đưa ra lời khuyên sáng suốt với tư cách là người anh cả của đất nước. Thật vô cùng kính tiếc khi Ngài đã vĩnh viễn rời khỏi trần gian, nơi bao trùm nỗi đau khổ của những người hàng xóm của chúng ta, không khác gì mọi người sẽ có thể vượt qua những khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

 

Tôi đã có cơ hội gặp gỡ và nhiều lần được nghe những lời quý báu của Ngài, nhưng tôi không bao giờ quên những hành động Bồ tát vô ngã vị tha, đầy lòng từ bi của vị cao tăng thạc đức, người luôn đồng hành, sẻ chia với những nỗi khổ niềm đau của chúng sinh. Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư luôn ở mãi bên tôi”.

 

Thủ tướng Chính phủ Hàn Quốc Chung Sye-kyun thắp nén tâm hương đứng trước linh đài phát biểu rằng: “Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư là một vị lãnh đạo cấp cao của Phật giáo Hàn Quốc. Thật sự rất thất vọng và vô cùng kính tiếc khi Ngài đã sớm vội từ giã trần gian. Trong tương lai, tôi sẽ kế thừa ý chí cao cả của Ngài, và trở thành một lực lượng cho nhân dân thông qua chính trị tốt.

 

Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư là một ngôi sao vĩ đại, đã thắp sáng tương lai của thế giới Phật giáo Hàn Quốc. Ngài đã tích cực tham gia nhiều phong trào xã hội dân sự để cải cách xã hội, góp phần thiết lập trách nhiệm và địa vị của cộng đồng Phật giáo trong xã hội Hàn Quốc, bằng cách tiến hành Phong trào ‘Xã hội hoá Phật giáo’. Ngài xây dựng ‘Ngôi nhà Chia sẻ’, thành lập một xã hội cộng đồng toàn cầu, để làm tất cả những gì có thể cho một thế giới mà chúng ta cùng chung sống trong sự hài hoà. Ngài đã từ giã trần gian và thanh thản nơi cõi Niết bàn, nhưng những nghĩa cử cao đẹp tuyệt vời của Ngài như vầng thái dương vẫn mãi mãi toả sáng trong tâm của quần chúng”. 

 

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-seok đã đến viếng tang và thắp nén tâm hương đứng trước linh đài phát biểu rằng: “Tôi vốn không có quan hệ gì với Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư, nhưng tôi đến đây để tưởng niệm ý chí vĩ đại của Ngài, người đã luôn xoa dịu những nỗi khổ niềm đau của những người hàng xóm”.

 

Chủ tịch Đảng Công Lý Hàn Quốc, Yeo Young-guk phát biểu trước Linh đài rằng: “Hình ảnh của Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư đi đầu trong các hoạt động của Phong trào Nhân dân Hàn Quốc, Giúp đỡ Nhân dân, Ngôi nhà Chia sẻ của Hàn Quốc. Ngài là một nhân cách lớn, hương đức hạnh của Ngài khiến chúng tôi nhớ đến giá trị của một cộng đồng chung sống, rất cần thiết trong thời đại ngày nay. Cách Ngài làm việc chăm chỉ cho sự hoà hợp các tôn giáo, một hình ảnh tuyệt vời của việc thúc đẩy sự chung sống như chính sự tồn tại, không phân biệt đối xử, và hoá giải hận thù. Tôi cầu nguyện Ngài mãi an vui cõi Niết bàn”.

 

Nghị sĩ Song Young-gil, Chủ tịch đảng Dân chủ (DP) phát biểu trước Linh đài rằng: Chúng tôi sẽ thành công và phát triển triết lý của Phong trào xã hội hoá bởi sự khai sáng của Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư. Là người trưởng thành trong Phật giáo Hàn Quốc, Ngài luôn xả thân và cống hiến hết mình cho xã hội. Đặc biệt, tôi nhớ rằng, Ngài đã yêu quý tôi rất nhiều bởi chúng tôi là người cùng một chung một đại gia đình quốc gia dân tộc, vì vậy tâm can của tôi càng đau khổ hơn và cầu nguyện Giác linh Ngài Cao đăng Phật quốc, tuỳ nguyện tái sinh Ta bà tiếp tục sự nghiệp lý tưởng độ sinh, hành Bồ tát đạo.

 

Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đăng trên mạng xã hội SNS vào chiều ngày 22 tháng 7, rằng: “Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư là một người có mối quan hệ sâu sắc với tôi. Mỗi lần tôi đến thăm Ngài, Ngài không chỉ dành cho tôi những lời động viên đầy trìu mến mà còn nêu ra một cái nhìn sâu sắc về đường hướng chính trị cần nên thực hiện. Ngài đã nói với tôi rằng cậu không thể làm điều đó và nên làm như vầy.

 

Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư luôn nói rằng, cộng đồng Phật giáo nên ‘Chia sẻ những nỗi khổ niềm đau của thế giới’ thông qua sự tham gia tích cực của xã hội. Sự cống hiến của Ngài cho ‘Ngôi nhà Chia sẻ’ rất tuyệt vời. Ngài là một người đã xả thân, quên mình vì người, luôn sẵn sàng trong và ngoài nước khi tham gia các dự án cứu trợ khẩn cấp cho những người hàng xóm bị thiên tai lớn. Tôi kính cầu nguyện giác linh Ngài cao đăng Phật quốc. Tuỳ nguyện tái lai Ta bà tiếp tục hạnh nguyện độ chúng sinh”.

 

Tỉnh trưởng tỉnh Jeonbuk-do Song Ha-jin nói rằng:  Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư là ngôi sao vĩ đại nhấy trong thế giới Phật giáo ở Hàn Quốc”.

 

Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Phật tử Hàn Quốc, Cư sĩ Hyun-min Ahn bày tỏ lòng cung kính và niềm kính tiếc vô hạn: “Với tấm lòng kính tiếc sâu sắc, cùng với sinh viên các trường Đại học trên khắp đất nước, đối với sự ra đi của Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư, Ngài luôn là cội đại cổ thụ che mát cho các sinh viên đại học như một người Thầy vĩ đại, một sự hỗ trợ mạnh mẽ, và một tàng cây cổ thụ bóng mát cho sự hào phóng.

 

Vị Đạo sư vĩ đại luôn gắn bó với lịch sử của Hiệp hội cựu Sinh viên Đại Phật Liên (대불련총동문회). Ngài đã hướng dẫn các sinh viên đại học tìm hiểu, nắm vững chánh tín chánh tư duy, hoằng dương chính pháp và thực hành lời Phật dạy. Cho thấy rằng, Ngài không tiếc bất cứ sự hỗ trợ nào về tài chính.

 

Hiệp hội cựu Sinh viên Đại Phật Liên chúng con thành tâm thắp nén tâm hương, kính nguyện ân Đức Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư an nhiên nơi cõi Niết bàn, từ bi gia hộ cho chúng con luôn tinh tấn, vững tiến bước trên lộ trình mà thuở sinh tiền Ngài đã giáo huấn chúng con”.

 

Hạ Nghị sĩ Kim Soo-heung thắp nén tâm hương đứng trước linh đài khấn rằng: “Tôi cầu nguyện cho sự Cao đăng Phật quốc bằng cách khắc sâu ý chí và lời dạy của Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư, bậc Đạo sư vĩ đại”.

 

Trong điện văn chia buồn của Phật Quang Sơn từ Đài Loan về sự ra đi của Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư, người thực hành Bồ tát đạo, không phân biệt đối xử và đã để lại dấn ấn vĩ đại của Phật giáo Hàn Quốc.

 

Đại diện Tổ đình Phật Quang Sơn, Đài Loan và các cơ sở tự viện Phật Quang Sơn trên thế giới, Thượng toạ Thích Tâm Bảo viết: “Đại chúng Tổ đình Phật Quang Sơn và các cơ sở tự viện Phật Quang Sơn cũng như các Phật tử trên toàn thế giới, bày tỏ lòng kính tiếc và chia buồn sâu sắc nhất.

 

Ngài đã đi đầu trong việc cải cách Phật giáo Hàn Quốc, trong suốt cuộc đời của Ngài lãnh đạo xã hội Phật giáo, đóng góp to lớn vào việc mang ánh sáng Từ bi, Trí tuệ, Hùng lực Phật pháp vào thực tiễn cuộc sống cộng đồng người dân, làm phong phú thế giới thông qua Phật giáo.

 

Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư với niềm tin đam mê lớn đối với việc hoạt động phúc lợi từ thiện xã hội và lợi ích công cộng. Ngài đã thành lập các tổ chức cứu trợ quốc tế, và đã nỗ lực rất nhiều tâm quyết vào giáo dục và phúc lợi từ thiện xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngài đã thực hành Bồ tát đạo để làm lợi ích cho mọi người.

 
Chúng con sẽ không bao giờ gặp lại những hình ảnh tuyệt vời của Ngài trên thế gian này nữa, Nhưng con đường của Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư sẽ luôn toả sáng đẹp mãi, hương đức hạnh của Ngài ngược gió khắp tung bay”.

 

Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư 1Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư 2Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư 3Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư 4Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư 6Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư 7Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư 8


Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hàn Quốc cũng đã gửi điện văn nhân danh Phó Đại sứ, Phó Đại sứ Hoa Kỳ ChrisDel Corso, bày tỏ sự trân trọng đối với những thành quả mà Đại Tông sư đã để lại.

 

Phó Đại sứ Hoa Kỳ ChrisDel Corso viết: “Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư đã để lại dấu ấn tuyệt vời cho cộng đồng Phật giáo Hàn Quốc, khi hai lần trên cương vị Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Viện Thiền phái Tào Khê. Ngài đã đóng góp vào sự hoà hợp tôn giáo bằng cách thể hiện vai trò lãnh đạo tại Hiệp hội các nhà lãnh đạo Tôn giáo Hàn Quốc”.

 




Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư 1

Tiểu sử

Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư

(1935-2021)


Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư xuất thế vào năm 1935 tại Sannoe, Jeongeup, tỉnh Bắc Jeolla, Hàn Quốc. Khi lớn lên, Ngài tốt nghiệp Tiểu học Sannoe và tốt nghiệp trường Trung học Trung Đông (중동중학교) ở Seoul năm 1950, nhưng sau đó phải bỏ học do Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ vào giữa thế kỷ 20.

 

Năm 1954, Ngài đến Tổ đình Pháp Trụ Tự đảnh lễ trưởng lão Kim Ô Đường Thái Điền Đại Thiền Sư cầu xin xuất gia tu học Phật pháp, và được thụ giới Sa Di năm 1954, và năm 1956 Ngài thụ giới Tỳ kheo tại Tổ đình Hoa Nghiêm, tỉnh Nam Jeolla.

 

Sau khi xuất gia, Ngài tiếp tục học thế học và tốt nghiệp trường Trung học Nông nghiệp Jeongeup và tiếp tục chương trình Phật học tại Đại học Phật giáo Hoa Nghiêm, Tổ đình Hoa Nghiêm, toạ lạc tại 12 thôn Hwangjeon, xã Masan, quận Gurye, tỉnh Nam Jeolla. Tổ đình Hoa Nghiêm là một trong những Trường Đại học Phật giáo hệ Đại thừa nổi tiếng ở Hàn Quốc.

 

Là tăng chúng tại Tổ đình Pháp Trụ Tự, Ngài là Pháp đệ của Sương Hải Đường Nguyệt Nam Đại Tông Sư (1920-1991) hậu duệ Thánh vương Lý Thái Tổ đời thứ 30, hậu duệ Hoàng thúc Lý Long Tường đời thứ 25.

 

Sau khi thụ đại giới Tỳ kheo vào thời hỗn loạn bởi thuộc địa của Nhật Bản và Chiến tranh Triều Tiên, Ngài đã được Hoà thượng Bổn sư giao trách nhiệm lãnh đạo nhiếp chúng trong chốn thiền môn.

 

Năm 1961, Ngài được Hoà thượng Bổn sư tấn phong Trụ trì ngôi Tổ đình Kim Sơn Tự, cơ sở tự viện thứ 17 của Thiền phái Tào Khê, và cùng trong năm này, Ngài đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Giáo khu Jeonbuk Thiền phái Tào Khê, Hiệu trưởng Trường Phật học Jeonbuk, tiên phong giáo dục Phật giáo địa phương và người chủ động một chiến dịch thanh tịnh hoá đoàn thể Tăng già Phật giáo trên toàn quốc Hàn Quốc.

 

Năm 1966, sau khi được bầu dân chủ vào cương vị Giáo phẩm Trung ương các nhiệm kỳ 2, 3, 4, 5 và 6 Thiền phái Tào Khê, tăng sĩ đảm nhận các trách nhiệm của Thiền phái Tào Khê, tập trung vào việc thiết lập Hiệp hội sau khi được Thống nhất Thiền phái Tào Khê.

 

Năm 1969, Ngài đã tốt nghiệp học vị Cử nhân chuyên Khoa Hành chính Công, Đại học Dongguk, Seoul.

 

Năm 1970-1973, Ngài đảm nhận chức Vụ Trưởng Bộ phận Phụ trách Tổng hợp Thiền phái Tào Khê.

 

Năm 1971-1980, Ngài đảm trách Trụ trì ngôi già Lam Khai Vận Tự, thuộc cơ sở tự viện của Thiền phái Tào Khê.

 

Năm 1973-1976, Ngài đảm trách chức Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Viện Thiền phái Tào Khê.

 

Năm 1978, Ngài đã từng là Trưởng phòng các Vấn đề chung của Thiền phái Tào Khê, và thường trực Uỷ ban Kế hoạch Trung ương Thiền phái Tào Khê.  

 

Với tư cách là Tổng Thư ký Hiệp hội Tôn giáo Hàn Quốc, đồng thời là Trưởng đoàn và Chủ tịch Phái đoàn Hàn Quốc thuộc Hiệp hội Tôn giáo Hàn-Nhật lần thứ nhất do Nhật Bản đăng cai tổ chức, Ngài đã làm việc chăm chỉ trong các hoạt động giao lưu giữa các tôn giáo.

 

Năm 1980, Ngài được tín nhiệm của chư tôn đức Tăng già Uỷ ban Trung ương Thiền phái Tào Khê Phật giáo Hàn Quốc bầu chọn và suy tôn Ngài lên ngôi vị Tổng vụ trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 17 vào tháng 4.

 

Pháp nạn (법난, 十二七法難) vào ngày 27 tháng 10 năm 1980, đã xảy ra cuộc đàn áp Phật giáo quy mô bởi chế độ độc tài, Chính quyền quân sự Hàn Quốc. Sau cuộc đảo chính và ám sát Tổng thống Pak Chung-hee vào ngày 26 tháng 10 năm 1979, Tướng Chun Doo-hwan đã thực hiện cuộc đảo chính quân sự để cầm quyền, các lực lượng quân sự nắm Chính quyền mới đã tàn sát hàng loạt công dân ở Gwangju, tỉnh Nam jeolla, với lý do trấn áp những kẻ bạo loạn. Để đánh lừa dư luận, vào ngày 27 tháng 10 năm đó, lực lượng vũ trang binh sĩ đã khám xét khoảng 5.731 cơ sở tự viện Phật giáo trên khắp đất nước với lý do bắt giữ những kẻ bị truy nã và phần tử xấu, đồng thời đã bắt giam 153 vị tăng sĩ Phật giáo Thiền phái Tào Khê. Tướng Chun Doo-hwan, người đã trực tiếp lên kế hoạch và chỉ đạo việc đàn áp người dân trong sự kiện Phong trào dân chủ Gwangju xảy ra vào năm 1980.

 

Vào ngày 30 tháng 10 năm 1980, có đến 1.776 người đã bị bắt và đã phải chịu nhiều cuộc hành hung, tra tấn dã man.

 

Đối tượng của cuộc điều tra là Đội Điều tra Hỗn hợp thuộc Bộ Chỉ huy Điều tra Liên Hợp Bộ Tư lệnh Thiết Quân luật, đội này đã nhận được chỉ thụ điều tra từ Uỷ ban Ứng cứu Khẩn cấp An ninh Quốc gia Hàn Quốc. Sau khi nhóm điều tra chung thiết lập một kế hoạch thúc đẩy thanh lọc cộng đồng Phật giáo, vào ngày 27 tháng 10 năm 1980, 153 vị giáo phẩm Thiền phái Tào Khê bị bắt giam, và 5.731 cơ sở tự viện Phật giáo trên khắp đất nước đã bị phá huỷ bởi các lực lượng vũ trang quân đội Hàn Quốc và cảnh sát. 32.000 binh sĩ đã thực thi những bạo lực và tra tấn dã man vào thời điểm đó.

 

Trong khi chống lại cuộc đảo chính quân sự, ngày 27 tháng 10 năm 1980, Ngài đã bị Bộ Chỉ huy Điều tra Liên hợp (Tư lệnh An ninh Roh Tae-woo) và bắt giam Ngài vào sáng sớm ngày 27 tháng 10.


Sau 7 tháng do chính quyền quân sự mới cưỡng chế, Ngài từ chức Tổng vụ trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 17, trong ba năm tiếp theo, Ngài đã hành hương đến các quốc gia Hoa Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Sri Lanka và Đài Loan. Thời gian Ngài ở nước ngoài để đối mặt với thực tế của Phật giáo Hàn Quốc ở nước ngoài và bắt đầu tìm kiếm hướng đi cho tương lai Phật giáo quê nhà. Chính khoảng thời gian này, Ngài tư duy rằng: “Muốn Phật giáo Hàn Quốc phát triển, chúng ta phải kế thừa truyền thống tu tập, nhưng không thể mãi ẩn nơi chốn Thiền môn, sơn lâm mà phải hoà quang đồng trần, hài hoà vào quần chúng, chia sẻ những nỗi khổ niềm đau của thế giới”.


Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư 5

 

Sau khi về quê hương, Ngài tập trung vào các hoạt động Phật sự với vai trò của một Sứ giả Như Lai, vị Bồ tát năng động và luôn sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Ngài đã góp phần giải quyết các vấn đề xã hội Hàn Quốc đang phải đối mặt trong khi là đồng đại diện của Liên minh Công dân vì Công bằng Kinh tế (Gyeongsilyeon) và Nhân dân Triều Tiên giúp đỡ lẫn nhau, là đồng đại diện thường trực của Liên minh Công dân về Thực hành Bầu cử Gongmyeng vào tháng 2 năm 1991, và là Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo vì sự Bình yên và Thống nhất Tổ quốc.

 

Năm 1994, được sự tín nhiệm của chư tôn đức tăng già, Ngài được tái suy tôn ngôi vị Tổng vụ trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 28, từ đây, Ngài đã tiên phong trong việc thúc đẩy Phật giáo độc lập tự cường và dân chủ hoá trong hoạt động của Thiền phái Tào Khê, phát động phong trào “Khai sáng Xã hội hoá”, thúc đẩy “Hiện đại hoá và Xã hội hoá Phật giáo”, đồng thời tham gia vào các dự án lao động, nhân quyền, phúc lợi xã hội, môi trường và thống nhất đất nước. Ngài hoạt động không biết mệt mỏi trong vai Sứ giả Như Lai ngay cả đã nghỉ việc tại văn phòng Tổng hợp, đảm nhận vai trò lãnh đạo tối cao Thiền phái Tào Khê, nhằm sẻ chia xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân phụ nữ và thành lập một tổ chức Từ thiện xã hội Cộng sinh toàn cầu Phật giáo Hàn Quốc.

 

Vào tháng 12 năm 1995, Ngài tham gia vào Uỷ ban xúc tiến giúp đỡ nạn nhân lũ lụt tại Bắc Hàn với tư cách là người đứng đầu bộ phận phụ trách chung.

 

Năm 1996, Ngài đại diện thường trực Phong trào Giúp đỡ Nhân dân Bắc Hàn, tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, tận lực cống hiến cho đất nước và nhân dân giữa Nam Bắc Triều Tiên, hiến kế, và tham gia tích cực trong giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng nạn thất nghiệp trên toàn quốc và suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính IMF gây ra. Với vai trò là đồng Chủ tịch Uỷ ban Phong trào quốc gia Khắc phục nạn Thất nghiệp, Ngài đã trở thành biểu tượng cho các hoạt động đóp góp xã hội của người Tôn giáo.

 

Do uy tín, đức độ, tài năng, tinh thần vô ngã vị tha mà Ngài đã được mời đảm trách trên các cương vị đồng đại diện thường trực và Chủ tịch Uỷ ban Hỗ trợ Nhân dân Hàn Quốc (1996), đồng Chủ tịch và Chủ tịch Hiệp hội các nhà Lãnh đạo Tôn giáo Hàn Quốc (1996), Cố vấn cho Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Thống nhất Quốc gia (1998), Chủ tịch Uỷ ban Hỗn hợp Khắc phục Tình trạng Thất nghiệp (1998).

 

Năm 1998, sau khi nghỉ hưu với ngôi vị Tổng vụ trưởng Thiền phái Tào Khê, Ngài đã cống hiến hết mình cho các hoạt động Phật sự, vị Sứ giả Như Lai thông qua các phong trào xã hội dân sự và các tổ chức Phi chính phủ (NGO).

 

Năm 2003, Ngài sáng lập và Chủ tịch Hiệp hội Tổ chức Từ thiện xã hội Cộng sinh toàn cầu Phật giáo Hàn Quốc, Tổ chức Phi Chính phủ Hợp tác Phát triển Quốc tế, tích cực thực hiện các dự án Cứu trợ quốc tế cho các quốc gia kém phát triển, và đã đồng cảm với những nỗi khổ niềm đau của những người hàng xóm ở 18 quốc gia nghèo thuộc khu vực châu Á, Đông Nam Á và châu Phi, Trung và Nam Mỹ, nhằm cung cấp cơ hội giáo dục cho người dân địa phương và nỗ lực phát triển kinh tế xã hội. Ngài cũng đã hoạt động tích cực với tư cách là Chủ tịch Tổ chức Cùng nhau làm việc, (trước đây là Quỹ Quốc gia về Khắc phục Tình trạng Thất nghiệp) và đã hoạt động tích cực trong hài hoà tôn giáo và hệ tư tưởng, đồng thời tiến hành các hoạt động cứu trợ quy mô lớn và nhỏ tại quê nhà và ở nước ngoài. Ngài cùng với các tình nguyện viên đã cống hiến hết mình qua hành nguyện của Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền.

 

Ngài đảm nhận vai trò lãnh đạo Thiền phái Tào Khê vì lợi ích của sự phát triển Phật giáo, đặt nền tảng cho Thiền Phái Tào Khê và sự phục hưng Phật giáo Hàn Quốc sau khi dân tộc thoát ách nô lệ của đế quốc ngoại bang, từ đó vai trò của Đoàn thể Tăng già luôn lắng nghe và chia sẻ với những chúng sinh đang đắm chìm trong bóng đêm tà kiến, mê tín, những nỗi khổ niềm đau, bất kể trong nước hay hải ngoại, vượt qua thời gian và không gian.

 

Ngài đã khơi dậy luồng gió mát Dân chủ và Hoà bình trong xã hội chúng ta, tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề xã hội dân sự, đồng thời chia sẻ kết quả với những khó khăn của thời đại.

 

Ngài đã mang lại niềm hy vọng cho thế giới, là một bậc Đạo sư và một vĩ nhân trong thời đại ngày nay.

 

Những tổ chức Phúc lợi xã hội từ thiện Phật giáo bao gồm Kenya, tổng cộng 43 cơ sở giáo dục và đào tạo tại hơn 10 quốc gia trên thế giới. Tổ chức Từ thiện xã hội Cộng sinh toàn cầu Phật giáo Hàn Quốc đã tổng kết ngân sách đầu tư lên đến mấy trăm triệu Won, góp quỹ từ nguồn của chư tôn tịnh đức tăng già và Phật tử Thiền phái Tào Khê, Hàn Quốc.

 

Tổ chức Từ thiện xã hội Cộng sinh toàn cầu Phật giáo Hàn Quốc do Ngài sáng lập và lãnh đạo, nhằm phát triển cứu trợ quốc tế phi chính phủ, đã tích cực hoạt động trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường. . . cho cư dân nông thôn vùng sâu ở các quốc gia kém phát triển.

 

Ngoài ra, Ngài đã có kế hoạch cho Tổ chức Từ thiện xã hội Cộng sinh toàn cầu, Phật giáo Hàn Quốc khuyến khích tham gia chương trình xanh hoá trường học, nhằm nâng cao trách nhiệm của các trẻ em nhi đồng, thanh thiếu niên đối với môi trường và tác động gián tiếp tới các thành viên trong gia đình các em.

 

Năm 2008, trong những năm đầu của Chính quyền Trưởng lão Mục sư Tin Lành Lee Myung-bak, Ngài đã tham gia chiến dịch chống “đề án  Kênh đào bán đảo Triều Tiên” (한반도 대운하). Cũng trong năm này, Ngài cùng với Thiền sư Trí Quán nguyên Tổng vụ trưởng Thiền phái Tào Khê đời thứ 32 công khai chỉ trích Chính quyền Trưởng lão Mục sư Tin Lành Lee Myung-bak phân biệt đối xử và thiên vị tôn giáo, và cùng chư tôn giáo phẩm tăng già Phật giáo Hàn Quốc tổ chức phát động một cuộc biểu tình quy mô trên toàn quốc để cáo buộc Chính quyền Lee Myung-bak phải tôn trọng sự bình đẳng tôn giáo.

 

Trưởng lão Mục sư Tin Lành Lee Myung-bak chỉ thị chính sách phân biệt đối xử kỳ thị tôn giáo, có ý đồ muốn Tin Lành hoá Hàn Quốc. Từ đó, Phật giáo Hàn Quốc luôn bị đe doạ trong pháp nạn của Chính quyền Trưởng lão Mục sư Tin Lành Lee Myung-bak.

 

Trước tình hình này, Chư tôn tịnh đức tăng già Phật giáo Hàn Quốc hiệu triệu tín đồ Phật tử ra tuyên cáo yêu cầu Chính phủ Lee Myung-bak phải thực thi chính sách Tự do Bình đẳng Tôn giáo.  

 

Hơn 200.000 tăng ni, Phật tử thuộc các Thiền phái Phật giáo Hàn Quốc như Thiền phái Tào Khê, Thiền phái Thiên Thai, Thiền phái Thái Cổ. . . đã xuống đường vào sau đầu giờ chiều ngày 27 tháng 8 năm 2008.

 

Đoàn người biểu tình yêu cầu Chính quyền Trưởng lão Mục sư Tin Lành Lee Myung-bak phải chính thức xin lỗi Phật giáo, yêu cầu cách chức ông Eo Cheong-soo, Cục trưởng Cục Cảnh sát  Quốc gia Hàn Quốc. Họ nói: “Nếu Chính phủ Lee Myung-bak không tiếp nhận yêu cầu của Phật giáo đồ chúng tôi một cách chân thật, chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức tôn giáo và những đoàn thể khác tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình quy mô khác khắp nơi trên toàn quốc”. Đồng thời, đoàn biểu tình thúc giục Chính quyền Lee hãy dừng ngay việc phân biệt kỳ thị tôn giáo. Phật giáo đồ Hàn Quốc hùng dũng tuyên bố: “Phật giáo đồ chúng tôi đã thực hiện chính sách dung hoà đa Tôn giáo. Nhưng nhiều trường hợp kỳ thị chống lại Phật giáo đã xảy ra từ khi Trưởng lão Mục sư Tin Lành Lee Myung-bak đắc cử Tổng thống vào tháng 2 năm 2008. Ngoài ra,  Trưởng lão Mục sư Tin Lành Lee Myung-bak rất khinh miệt Đạo Phật, điều này chính ông đã vi phạm Hiến pháp Hàn Quốc”.

 

Cuối năm 2012, đầu năm 2013, Ngài đã dẫn đoàn Tổ chức Từ thiện xã hội Cộng sinh toàn cầu Phật giáo Hàn Quốc đầu tư sở Y tế, Giáo dục lần thứ 17 tại Vương quốc Phật giáo Campuchia.

Năm 2018, Ngài được cung thỉnh lên ngôi vị Đại Tông sư Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc.

 

Năm 2019, trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, Ngài đã trực tiếp đến viếng thăm Vương quốc Phật giáo Campuchia để tiếp tục xây dựng trường học và trường Mầm non Mẫu giáo, và năm 2020, Ngài đã quyên góp 73 triệu Won cho các nhân viên Y tế khắc phục Covid-19.

 

Năm 2020, có đến khoảng hơn 15.000 người ủng hộ thường xuyên và đặc biệt là các khoản quyên góp từ thiện bởi Tổ chức Từ thiện xã hội Cộng sinh toàn cầu Phật giáo Hàn Quốc, đã đầu tư cho cơ sở Y tế, Giáo dục tại Vương quốc Phật giáo Campuchia lên đến nhiều tỷ Won. Ngài chỉ đạo cho Tổ chức Từ thiện xã hội Cộng sinh toàn cầu Phật giáo Hàn Quốc giao lưu Quốc tế Phúc lợi từ thiện xã hội, hợp tác xây dựng trường Mầm non Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học, Trung tâm Y tế, hệ thống vệ sinh. . .

 

Đồng thời, ngài lên kế hoạch để tiếp tục khảo sát và đầu tư chăm lo sức khoẻ, giáo dục trẻ em vùng nông thôn, cung cấp nguồn nước sạch, cải thiện môi trường, trang thiết bị Y tế, Giáo dục, cung ứng đào tạo nguồn nhân lực Y tế và Giáo dục. Dựa trên tinh thần từ bi, trí tuệ, hùng lực rằng các bạn và thế giới là một, đoàn thể tăng già Phật giáo đã không ngần ngại tiếp cận với những người hàng xóm có nhu cầu trên toàn thế giới.

 

Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư, người từng là nơi nương tựa của biết bao những mảnh đời bất hạnh, những người bị phân biệt đối xử,  sự ra đi của Ngài trong niềm kính tiếc của tăng tín đồ, do tuổi cao sức yếu.

 

Biết thân tứ đại giả huyễn không thể duy trì nữa, duyên hoằng pháp độ sinh Ta bà quả mãn, Ngài sai thị giả lấy giấy, bút, mực liền ghi đôi dòng kệ thị tịch:

 

天地本太空

一切亦如來

唯我全生涯

卽是臨終偈

喝!

 

천지본태공

일체역여래

유아전생애

즉시임종게

 

Thiên địa bản Thái Không,

Nhất thiết diệc Như Lai,

Duy ngã toàn sinh nhai;

Tức thị lâm chung kệ.

Hát!

 

Việt dịch:

 

Trời đất vốn Thái Không,

Hết thảy cũng Phật thôi,

Mỗi ta toàn lo sống;

Kệ lâm chung thế rồi.

Ôi!

(Thích Nguyên Hiền dịch)

 

Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư, một vĩ nhân thực sự của thời đại này, với công tâm, người đã thực hành hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền. Phật giáo đồ và nhân dân Hàn Quốc sẽ ghi nhớ và vâng lời dạy của bậc Đại Tông Sư.

 

Thuở sinh tiền Ngài thường giảng dạy rằng “Trở về nguồn nhất Tâm và vì lợi ích chúng sinh” (귀일심원요익중생, 歸一心源 饒益衆), đã tiến hành một phong trào xã hội hoá để giác ngộ hoá, hoàn thành mối quan hệ của mình với thế giới Ta bà và bước vào thế giới huỷ diệt.

 

Do đã cống hiến nhiều công đức đối với Đạo pháp và Dân tộc, Ngài đã đón nhận các Huân chương “Huân chương Quốc dân” (국민훈장), “Hoa chương Vô cùng” (무궁화장), “Đại thưởng Vạn Hải (만해대상), “Thưởng Đại Viên” (대원상), và “Đại thưởng Phổ giáo Tào Khê tông” (조계종 포교대상).

 

Những tác phẩm của Ngài lưu lại hậu thế:

 

- Tuyển Tập Tư Tưởng Bồ Tát (보살사상경구선집)

- Tư Tưởng Bồ Tát (보살사상)

- Lộ Tình Bồ Tát (보살정로)

- Hành Hương Ấn Độ (인도성지순례기)

- Lông Rùa Sừng thỏ (토끼뿔거북털)

 

Clip video:

 

Vào ngày 23 tháng 7 năm 2021, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến kính viếng tang lễ, chia buồn cùng Phật giáo Hàn Quốc và đôi dòng ký vào Sổ tang “Đức Thái Không Đường Nguyệt Châu Đại Tông Sư mãi mãi bên chúng tôi”.

 

https://www.youtube.com/watch?v=bikfOKmnXTQ

https://www.youtube.com/watch?v=MbjubIfCq1I&t=14s

 

https://www.youtube.com/watch?v=d6qbZb4NEXY

한국불교의 큰 스승 월주 대종사 영결식 및 다비식 봉행 불영TV

https://www.youtube.com/watch?v=C4luUep2tIA

https://www.youtube.com/watch?v=wWe3-e3t8ns&t=25s

https://www.youtube.com/watch?v=ALlO7PMMcBw

https://www.youtube.com/watch?v=Wit3anUblho

https://www.youtube.com/watch?v=pxQ4_G-wU14

https://www.youtube.com/watch?v=9Xt3yV7p15A

https://www.youtube.com/watch?v=cJkS9BmEflk

https://www.youtube.com/watch?v=BV3ruz7tXe0

https://www.youtube.com/watch?v=ucIM8pvU5R4&t=32s

 

Thích Vân Phong biên dịch

(Tổng hợp từ các nguồn báo PG Korea)

 





facebook-1

***
youtube
 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com 
KHÁCH VIẾNG THĂM
50,000,000