Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sự tương quan giữa Kinh Pháp cú và Kinh Bát Nhã

09/09/202015:15(Xem: 5464)
Sự tương quan giữa Kinh Pháp cú và Kinh Bát Nhã


phat bon su
Sự tương quan giữa câu kệ trong kinh Pháp cú
và chủ đề nồng cốt của câu đầu BÁT NHÃ TÂM KINH 





Sự tương quan giữa câu kệ trong kinh Pháp cú
Tất Cả Hành (1) đều VÔ THƯỜNG
Tất cả Hành (2) là Khổ
Tất Cả Pháp VÔ NGÃ
Khi Trí Tuệ ( bát Nhã ) quán chiếu
Ắt thoát ly khổ não
Đó là Thanh Tịnh Đạo
và chủ đề nồng cốt của câu đầu BÁT NHÃ TÂM KINH
Quán Tự Tại Bồ Tát:Hành  Thâm bát-nhã ba-la-mật-đa thời Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách
Chúng ta đã biết qua sự tương tác của căn - trần - thức tạo thành một chuỗi các biến hành tâm sở, làm nền tảng phát sanh sự vận hành của ngũ uẩn, tiến trình tâm – sinh – vật lý, thập nhị nhân duyên và nhiều hoạt động khác trong diễn trình của sự sống, từ đó chân lý Tứ Diệu Đế được giác ngộ và mọi người có thể giải thoát khỏi luân hồi sinh tử, mộng tưởng đảo điên.
          Tất cả những điều này là những chủ đề nòng cốt được nêu lên trong Bát-nhã Tâm Kinh. Vậy chúng ta hãy trở lại kinh Bát-nhã để xem chư Tổ muốn truyền đạt điều gì mà các ngài đã liễu ngộ từ Phật Pháp.
          * Quán Tự Tại Bồ Tát: người ta thường giải thích Quán Tự Tại là một nhân vật, là Đức Quán Thế Âm. Nhưng thật ra Đức Quán Thế Âm cũng là một nhân vật biểu tượng. Ở đây lại không nói là Quán Thế Âm mà gọi là Quán Tự Tại. Cho nên, dầu Quán Tự Tại có là một biểu tượng đi nữa thì ngay trên ngôn ngữ cũng đã hàm một ý nghĩa: Quán tức là soi chiếuTự tại là trọn vẹn với chính mình, trọn vẹn nơi tự thân, trọn vẹn với cái thực tại đang là, cái hiện hữu tại đây và bây giờ. Ở nơi chính mình đây nghĩa là ở nơi căn, trần và thức này (6 căn + 6 trần + 6 thức)Quán tự tại không có nghĩa là cứ dòm vô bên trong mình đâu. Có nhiều người tưởng lầm “hồi quang phản chiếu” là quay vô bên trong mình, là tuyệt đối nội quán. Không hẵn thế, quán tự tại là soi chiếu từ nơi sự sống đang vận hành, tức là toàn bộ căn-trần-thức, khổ, lạc, xả v.v. đó là quán tự tại. Dụng ngữ quán tự tại rất hay. Thiền tông thì dùng từ kiến tánh. Mặc dù kiến tánh là đúng, nhưng chữ kiến tánh có thể gợi lên một ý niệm sai, bởi vì kiến tánh thì người ta dễ nghĩ không kiến tướng, kiến dụng, kiến thể, kiến nhân, kiến quả hay sao? Kiến tánh theo Thiền Tông, thật ra, bao gồm tất cả các kiến ấy, là toàn diện, chứ không phải tánh với nghĩa là bản thể trong bản thể luận ngoại đạo. Có người tham công án để mong đạt được bản thể vĩnh hằng gì đó là thường kiến rồi. Không phải đâu! Có hay không có cái bản thể vĩnh hằng ấy thì vẫn kiến tánh như thường! Vậy nói quán tự tạihay hơn, chính xác hơn. Tự tại bao hàm tánh, tướng, thể, dụng…còn nói kiến tánh dễ bị lầm tưởng là sẽ kiến được một cái tánh gì đó. Kiến tánh của Thiền Tông là thấy pháp đúng như bản chất đích thực của pháp hay trả pháp về với tự tánh bản nguyên của pháp. Không phải tánh (bản thể) đối lập với tướng (hiện tượng) trong cái nhìn nhị nguyên đối đãi.
           Cho nên, quán tự tại chính là soi chiếu toàn bộ sự tương giao ngay nơi sự sống đang vận hành.
          Bồ tát: Bồ tát là bodhi satta, thường âm là Bồ-đề tát-đoảBodhi là tuệ giácSatta là hữu tình. Người Trung Hoa dịch là giác hữu tình và hữu tình giác tức là người đang học hạnh tự giác giác tha.
          Người có tuệ giác, sống với tuệ giác hoặc tu hành bằng tuệ giác là người tự giác. Người tự mình có tuệ giác và chỉ cho người khác biết sử dụng tuệ giác của họ là người giác tha.
          Giác tha thường dễ bị lạm dụng trở thành nghĩa cứu rỗi của Thượng Đế hoặc thần linh, khiến người ta ỷ lại vào tha lực. Trong khi Phật dạy: Tự mình thắp đuốc lên mà đi, nghĩa là muốn giác tha trước tiên phải tự giác.
          Tự giác cũng bị hiểu lầm là hành động ích kỷ. Thật ra bất cứ ai đạt đến tự giác đều có giác tha tùy theo công hạnh.
          Mục đích cuối cùng của đạo Phật là thành Phật, dù là Thanh Văn Phật (Sāvaka Buddha), Độc Giác Phật (Pacceka Buddha) hay Toàn Giác Phật (Sabbaññu Buddha). Cho nên tu Thanh Văn, Độc Giác hay Toàn Giác đều là Bồ tát cả. Trong đạo Phật không bao giờ có người giác ngộ mà còn ích kỷ, bởi vì ích kỷ thuộc bất thiện mà người giác ngộ đã vượt qua cả thiện lẫn bất thiện rồi.
           Hơn nữa Thanh Văn Phật, Độc Giác Phật, hay Toàn Giác Phật đều tu ba-la-mật cả. Bậc Thanh Văn Phật phải thành tựu 10 pāramī, bậc Độc Giác Phật phải thành tựu 10 upapāramī và bậc Toàn Giác Phật phải thành tựu 10 paramattha pàramī. Nghĩa là công hạnh (dụng) của Phật Toàn Giác nhiều hơn, chứ không phải Thanh Văn Giác và Độc Giác không có giác tha.
          Chúng ta không thể tưởng tượng được rằng một người hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa và chiếu kiến ngũ uẩn giai không lại là ích kỷ. Chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì chẳng còn một tí tẹo nào cho bản ngã sanh khởi, phải không? Người mà đã thấy rõ sự thật rồi, đã sống với sự thật ấy, lại còn chỉ cho người khác sống với sự thật ấy là Bồ tát đích thực rồi. Ngài Puṇṇa, một vị Thanh Văn vào thời Đức Phật còn tại thế, đã tình nguyện đến xứ Sunāparanta hoằng pháp bất chấp mọi tình huống nguy hiểm đến tính mạng, thì Thanh Văn đâu phải là ích kỷ.
          Đức Phật cũng dạy các vị Thanh Văn chia ra nhiều hướng để truyền bá con đường giác ngộ, vì lợi ích chúng sinh, vì sự an lạc cho đời, thì Thanh Văn cũng có lòng vị tha vậy. Bồ Tát đích thực thì không có đeo hàm, không có đẳng cấp, không cần bất kỳ một nhãn hiệu nào. Vì người giác ngộ ví như mặt trời. Mặt trời thì chiếu sáng, đấy là chức năng tự nhiên của mặt trời. Những vị đã giác ngộ giúp khai ngộ cho người khác là điều tự nhiên, là chuyện đương nhiên.
          Như vậy, ai tu hành đúng đắn theo đạo giác ngộ thì cũng đều là Bồ tát cả.
          ( Có người hỏi: )
          - Người ta thường nói tu Thanh Văn khác, tu Bồ tát khác, chúng ta nên hiểu ra sao?
          - Thật ra hồi nãy chúng ta đã nói rồi. Người nào đang tu đúng theo giáo Pháp của Đức Phật đều là Thanh Văn cả, và vì họ đang theo con đuờng giác ngộ nên cũng đều là Bồ tát cả. Nhưng Bồ tát có ba bậc: Bồ tát hạnh Thanh Văn, Bồ tát hạnh Đôc Giác và Bồ tát hạnh Toàn Giác. Cả ba bậc đều cùng tu ba-la-mật, đều giác ngộ giải thoát như nhau, đều có thể tướng dụng hoàn hảo, nhưng bậc thanh văn chủ về thể, bậc độc giác chủ về tướng, bậc toàn giác chủ về dụng. Như vậy nói ba bậc là nói theo dụng hạnh nhưng cùng một thể giải thoát đó là vô sanh. Vô sanh là bổn lai thanh tịnh, là ân đức A-la-hán của Chư Phật.
          Người ta thường hiểu lầm quả vị A-la-hán để dành cho Thanh Văn. Thật ra tuy nói Phật Thanh Văn, Phật Độc Giác và Phật Toàn Giác là nói theo dụng hạnh, chứ cả ba đều cùng là A-la- hán, cùng là Phật.
           Ví như cùng tốt nghiệp bác sĩ nhưng người thì đi dạy y khoa, người thì đi chữa bệnh, người lại làm phòng thí nghiệm v.v., công dụng khác nhau nhưng cũng là bác sĩ.
          - Xin hỏi vì sao thầy lại nói ai giác ngộ cũng đều là Thanh Văn cả?
          - Đúng vậy. Ví như một ông bác sĩ đang dạy học thì gọi là giáo sư, còn những người học y khoa đang tốt nghiệp thì gọi là sinh viên bác sĩ. Sự thật ai cũng là bác sĩ cả mà một bên là bác sĩ thầy một bên là bác sĩ trò vậy thôi. Và ông bác sĩ giáo sư cũng đã từng là bác sĩ sinh viên chứ đâu phải tự nhiên mà có. Bác sĩ giáo sư ví như Phật Toàn Giác, bác sĩ sinh viên ví như Phật Thanh Văn. Người giác ngộ nhờ được người khác khai thị thì gọi là thanh văn giác. Chúng ta đều là những người đang học Phật Pháp, nhờ Phật Pháp khai ngộ, nhờ chư thầy tổ khải thị thì xấu hổ gì mà không dám nhận mình là thanh văn.
Các vị có đọc bài kinh Sambudhe (chư Phật Toàn Giác) không? Trong bài kinh có khẳng định rằng, bậc Toàn Giác hạnh trí tuệ như Đức Bổn Sư Thích Ca của chúng ta, đã từng nghe pháp của 512.000 vị Toàn Giác quá khứ và cuối cùng được 28 vị toàn giác thọ ký từ Phật Nhiên Đăng cho   đến Phật Ca Diếp. Như vậy Phật Toàn Giác cũng đã từng nghe pháp (sāvaka) nghĩa là Thanh Văn. Bậc Toàn Giác có hạnh tinh tấn và đức tin lại còn học đạo kiểu Thanh Văn nhiều hơn gấp đôi gấp ba lần như vậy nữa.
          Vậy đừng chấp danh từ, chúng ta không thể hiểu nổi mật hạnh Bồ tát làm Thanh Văn và Thanh Văn làm Phật đâu, đừng lạm bàn mà mang tội vô ích.
          Hành : Thực hành
          * Thâm bát-nhã ba-la-mật-đa: phát xuất từ gambhirā paññā pāramitā tức là trí tuệ sâu xa đến bờ kia, trí tuệ đáo bĩ ngạn.
          Trước hết ta hãy xem bài kệ của Đức Phật trong kệ Pháp Cú rồi so sánh với vài đoạn kinh văn trong Bát-nhã.
               “Sabbe saṅkhārā aniccā’ti
               Sabbe saṅkhārā ca dukkhā’ti
                Sabbe dhammā anattā’ti
               Yadā paññāya passati
               Atha nibbindati dukkhe
                Esa maggo visuddhiya”.
          Nghĩa là:
              Tất cả hành vô thường
              Tất cả hành là khổ
              Tất cả pháp vô ngã
              Khi trí tuệ (bát-nhã) quán chiếu
              Ắt thoát ly khổ não
              Đó là thanh tịnh đạo” 
Trong câu pháp cú
         
Tất Cả Hành (1) đều VÔ THƯỜNG
Tất cả Hành (2) là Khổ
Tất Cả Pháp VÔ NGÃ
Khi Trí Tuệ ( bát Nhã ) quán chiếu
Ắt thoát ly khổ não
Đó là Thanh Tịnh Đạo
          Saṅkhārā trong câu 1 là hữu vi hay hành tức là các pháp duyên khởi trong thế giới tự nhiên cho nên là vô thường (anicca). Saṅkhārā  trong câu 2 ám chỉ hành trong hành uẩn nghĩa là tâm tạo tác các nghiệp cho nên là khổ (dukkha). Vậy hai loại hành này hợp lại chính là ngũ uẩn.
          Pháp - dhammā trong câu 3 bao gồm cả pháp hữu vi (2 loại hành trên) và vô vi (Niết Bàn)ngoại pháp và nội pháp đều là vô ngã (anatta). Lát nữa chúng ta sẽ trở lại vấn đề này.
          Paññāya passati là thấy hoặc quán chiếu, chiếu kiến bằng trí tuệ bát-nhã.
          Dukkha ở đây có nghĩa là khổ đế. Khổ đế không chỉ là khổ thọ mà bao hàm tất cả các cảm thọ khổ, lạc, hỷ (somanassa), ưu, xả hoặc các cảm thọ thanh lương hơn như hỷ (pīti), lạc (sukha), xả (upekkha) trong các trạng thái thiền định hữu sắc và vô sắc. Vậy dukkha là cảm giác hàm tính dễ biến hoại, ảo hoá (māyā), hư huyễn, không thật nên chỉ là ảo giác, đồng thời cũng có nghĩa là trống rỗng, vô ích, dễ nhàm chán, khó vừa ý, khó kham nhẫn, tóm lại là bất an. 
          Nibbindāti có nghĩa là thoát ly hay nhàm chánNhàm chán ở đây không có nghĩa là chán chường vì thất vọng hay chán ngán vì quá dư thừa mà bởi vì đã thấy sự vô ích, sự ảo hóa nên không còn ham mê tìm kiếm nữa. Chúng ta cũng biết khổ theo nghĩa khổ thọ: đau đớn, nhiệt não, nhưng không biết rằng niềm hy vọng tìm được cái lạc hoặc đam mê, chìm đắm trong lạc chính là nguyên nhân sinh ra khổ, nên vẫn tiếp tục hy vọng, tầm cầu và chìm đắm. Người thấy dục giới là khổ thì tìm cầu cõi sắc giới, người thấy sắc giới là khổ thì tìm kiếm cõi vô sắc. Khi quá mệt mỏi với sự thất bại trong tìm kiếm chúng ta có thể chán chường, thất chí chứ không khi nào thật sự nhàm chán, thoát ly. Chỉ có bậc trí thật sự thấy tam giới bất an như nhà lửa mới có thể nhàm chán, thoát ly, không còn ham mê, chìm đắm.
          Esa là đó, maggo là con đường, visuddhi là thanh tịnh. Esa maggo visuddhiya: đó là con đường thanh tịnh, con dường giác ngộ giải thoát. 
          Đến đây chúng ta so sánh lời Phật dạy trong kệ Pháp Cú trên với câu “hành thâm bát-nhã ba-la mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách” trong kinh Bát-nhã thì giống nhau như đúc, đúng không? Cả hai đều nhấn mạnh những trọng điểm như ngũ uẩn, 12 xứ, quán chiếu Bát-nhã, thoát ly khổ ách...y hệt như nhau. Kệ Dhammapāda, Đức Phật dạy chúng ta dùng bát- nhã để thấy rõ ngũ uẩn là vô thường, khổ, không, vô ngã. Kinh Bát-nhã, Tổ cũng nhắm vào chỗ lấy bát-nhã để soi thấy ngũ uẩn là không. Vậy chúng ta có thể thấy ngay là con đường xuyên suốt, chung nhất của tinh thần Phật Giáo từ nguyên thủy đến phát triển không có gì sai khác .
          Trở lại saṅkhārā là hữu vi hay hành. Hành có hai loại như đã nói qua. Bây giờ chúng ta nhắc lại cho rõ để khỏi nhầm lẫn.
          Hành thứ nhất là thế giới trùng trùng duyên khởi tự nhiên, chúng ta tạm đặt tên là hành tự nhiên, như đất đá, cỏ cây v.v. hầu hết thuộc sắc pháp, do tứ đại duyên hợp mà thành, trong đó không những có sắc, thanh, hương, vị, xúc thuộc vật lý mà còn có cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý sở y căn thuộc sinh lý. Đặc biệt có một số danh pháp như các tâm và tâm sở vô nhân cũng thuộc loại hành này. Hành này có uyên hợp thì sinh, duyên tan thì diệt, nên có tánh vô thường, sinh diệt, như kinh đã dạy: “Chư hành vô thường, sinh diệt là tánh”. Và Duy Thức gọi là y tha khởi tánh hoặc sinh vô tánh như chúng ta đã nói trước đây.
          Hành thứ hai là thế giới tạo tác chủ quan nội tại, thuộc danh pháp, chúng ta tạm đặt tên là hành tạo tác, như các tâm sở tham, sân, si v.v. cũng do duyên hợp mà sinh, duyên tan mà diệt, như khi có xúc, thọ, tưởng, tư và các nhóm tâm sở tương ưng hợp lại thì một tâm hiện khởi, khi hết duyên thì biến mất hoặc chìm vào bhavaṇga. Tuy nhiên, sự kết hợp những danh pháp này cũng có một số trường hợp là tự nhiên, vô nhân dị thục, không chủ quan, không cố ý tạo tác nên nó có tính chất như loại hành tự nhiên. Hành thứ hai nhấn mạnh tính chất tạo tác, nói rõ hơn là tạo nghiệp thiện ác nên không những vô thường mà chính yếu là tạo ra phiền não khổ đau. Đó là lý do tại sao câu kệ thứ hai lại dạy: sabbe saṅkhārā ca dukkhā’ti. Và Duy Thức gọi đó là biến kế sở chấp tánh hoặc tướng vô tánh.
          Loại hành thứ hai này mới là vấn đề. Nó chính là hành uẩn trong ngũ uẩn và hành (ái, thủ, hữu) trong Thập nhị nhân duyên. Hành này đóng vai trò chính trong việc tạo tác luân hồi sinh tử hoặc nghiệp thiện ác trong ba cõi sáu đường.
          Vậy hành này hoạt động như thế nào? Ví dụ, khi chúng ta nhìn một người, một đối tượng mà để cho vô minh chi phối thì hành quá khứ (xung động từ vô thức), sẽ xuất hiện dưới hình thức tưởng, hợp tác với hành hiện tại để biến tướng người ấy, đối tượng ấy theo kinh nghiệm của bản ngã chúng ta. Giả sử chúng ta là A và đối tượng là B, khi A tương quan với B qua tưởng -hành A bị vong thân để tự mặc cho mình một bản ngã A’. Bản ngã A’ dĩ nhiên chủ quan nên nhìn đối tượng B cũng biến thành B’.
Nguyên gốc A --> B
Biến tướng  A’ --> B’
(qua sự xử lý của tưởng + hành)
Tưởng là một trợ thủ đắc lực của hành nhưng vẫn thụ động vì lệ thuộc vào quá khứ, hành mới đóng vai trò chủ động trong việc tạo ra biến tướng này. Khi tưởng được hành xen vào xử lý thì cả chủ thể lẫn đối tượng đều bị biến dạng hết, không còn đúng nguyên gốc (thực tánh) nữa, phải không? Điều này rất vi tế và cũng rất phức tạp. Những thảm kịch trần gian chính là phát xuất từ hành này, nên Đức Phật dạy: “Chư hành là khổ”.   Vậy trong đời sống hằng ngày chúng ta cần phải chiêm nghiệm xem là đã thấy, nghe..., biết với thực tánh bản nguyên giữa A và B hay chỉ là mối quan hệ giữa những biến tướng A’ và B’. Đó là một khám phá quan trọng trên đường giác ngộ giải thoát.
          Đó là mới phần bên A tự biến thành A’. Còn B thì sao? Nếu A’ thấy B ra B’ thì B cũng tự biến mình thành B’’ và B’’ lại thấy A thành A’’. Vì bao giờ cũng vậy, chủ quan của mình và người khác nhau rất xa, phải không? 
             Nguyên gốc            A --> B
             Chủ quan bên A     A’ --> B’
             Chủ quan bên B     A’’<-- B’’
          Sự biến đổi từ A ra A’, A’’ và từ B ra B’, B’’ v.v. nói lên tính chất hư huyễn, không thực của ảo kiến, ảo tưởng, vọng thức chủ quan từ tưởng - hành nhào nặn ra. Tưởng và hành thì vô thường, còn ảo ảnh mà chúng tạo ra thì có vẻ như vô thường nhưng thực ra nó không có thật thì làm sao có tánh vô thường được. Chính hành hay tư tưởng tạo ra bản ngã và khổ đau. Trong A và B vốn không có ngã, ngã sở, nhưng trong A’, A’’, B’, B’’ ý niệm bản ngã bắt đầu xuất hiện cùng với những chuỗi phản ứng của ngũ uẩn, và phiền não khổ đau cũng từ đó phát sinh. Từ tham qua sân, từ thương đến ghét, đó là vô thường biến đổi của hành chủ quan làm nẩy sinh ra sầu, bi, khổ, ưu, não, lạc, hỷ v.v.  Còn A và B là bản nguyên của chủ thể và đối tượng khi chưa bị tưởng - hành can thiệp vào thì có vô thường biến đổi không? Dĩ nhiên A và B khi ở trạng thái tự nhiên không phải là hành tạo tác nhưng vẫn là hành tự nhiên cho nên vẫn có biến đổi vô thường nhưng là khách quan, theo định luật tự nhiên, nên thuộc thực tánh (sabhāva) haychân nghĩa (paramattha). Trong khi A’, A’’v.v. là biến tướng do tâm lý chủ quan nên không có thực tánh, chỉ là khái niệm thuộc chế định pháp (paññatti dhamma) mà thôi. Tuy chúng là pháp chế định, hư huyễn, không thật nhưng lại chính là đầu mối của sinh tử luân hồi.
          Hành là nhân chính tạo ra ngũ uẩn mới, vòng duyên khởi mới. Và nếu hóa giải được sự tác nghiệp của hành là vượt khỏi tam giới, là thoát ra luân hồi sinh tử, đến bờ kia và vượt qua mọi khổ ách. Sở dĩ hành (ái, thủ, hữu) tạo tác được là do vô minh. Trong vòng luân hồi thập nhị nhân duyên, hễ vô minh diệt là hành diệt và toàn bộ vòng luân hồi không còn duyên sinh được nữa.
           Như vậy, khi trí tuệ hay tri kiến như thực soi chiếu thì tưởng - hành không còn khả năng biến A thành A’, A’’, không thấy B thành B’, B’’ được nữa, nghĩa là toàn bộ ảo tưởng, ảo giác, ảo ảnh, ảo kiến, vọng thức trong khái niêm A’, A’’ – B’, B’’ đều biến mất, nhường chỗ cho thực tánh hiển lộ. Đó chính là qua bờ bên kia (paramitā), là đáo bỉ ngạn. Vì vậy trí tuệ này gọi là bát-nhã ba-la mật-đa (paññā paramitā).
          Vậy khi hành thâm bát-nhã ba-la-mật-đa, tức lấy trí tuệ thâm sâu bất động mà soi rọi thì liền thấy rõ ngũ uẩn chỉ do hành điều động, chi phối, vẽ vời, thêm thắt, chỉ là ảo giác, ảo tưởng, vọng động, biến kế sở chấp, tức là thấy toàn bộ sự chồng chất rối ren ấy vốn không thì lập tức chấm dứt toàn bộ khổ não. Cho nên nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.
Độ là vượt qua sông mê bể khổ. Vậy vượt qua tất cả khổ ách – sông mê bể khổ – nghĩa là như thế này:
Từ lâu nguyên tính A và B bị ngăn cách bởi sông mê (vô minh) bể khổ (ái dục). Vượt qua – vượt qua bờ bên kia – chính là vượt qua vô minh ái dục, vượt qua ngũ uẩn mà cụ thể là tưởng - hành. Vượt qua không phải là chạy đi đâu hay tìm kiếm cái gì khác, mà chính là trả lại thực tánh bản nguyên của các pháp để chủ thể A và đối tượng B đều như thực: Vượt qua A’, A’’, B’, B’’ để A được chính là A, B là B như chơn như thực.
A <--> B
          “Biển khổ mênh mông hồi đầu là bến”, cho nên bỉ ngạn cũng chính là thực tại hiện tiền không phải lúc nào, nơi nào khác. Quay lại là thấy ngay tức khắc, chẳng cần rong ruổi tìm kiếm đâu xa.
          Quay lại để thấy tánh tướng thực của chính mình và vạn pháp. Tánh tướng thực của mình và vạn pháp không phải là giả tướng A’, B’ và hằng trăm hằng ngàn cái phẩy do tưởng hành tạo tác.
          Chúng ta đã thấy tất cả hành vô thường và tất cả hành là khổ. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu vì sao tất cả pháp vô ngã (sabbe dhammā anattā’ ti)
          Pháp là gì? pháp khác với hành như thế nào?
          Hành ám chỉ pháp hữu vi, trong khi pháp bao hàm cả hữu vi lẫn vô vi.
         Pháp hữu vi thì vô thường, khổ và vô ngã, trong khi pháp vô vi không vô thuờng, không khổ nhưng cũng vô ngã, vì vậy không thể nói tất cả pháp vô thường hoặc tất cả pháp khổ, mà chỉ nói tất cả pháp vô ngã.
          Nhưng vì sao tất cả pháp hữu vi, vô vi đều vô ngã?
          Như chúng ta đã thấy:
          A’, A’’ và B’, B’’ v.v. chính là cái ngã ý niệm. Khi tự cho mình là hoặc áp đặt cho người khác làtức cái ngã khởi sinh. Nhưng sự khởi sinh này do ngũ uẩn dựng lên, nghĩa là do ảo giác, ảo tưởng, phi như tác ý, và sự vọng động tạo tác v.v. dựng lên, cho nên bản ngã chỉ là vọng ngã, chỉ là huyễn hoá, không có thực: vô ngã. Đây là vô ngã của pháp hữu vi.
          Còn A và B có vô ngã không? A và B là bản nguyên của pháp, là pháp tự nhiên, pháp thực tánh, không dính dáng gì cái ngã do chủ quan dựng lên, nên tự nó vốn đã là vô ngã. Chủ quan dựng lên mới là hữu vi, hữu ngã, còn thế giới tự nhiên vốn vô vi nên đồng thời là vô ngã.
          Vì vô ngã là tính bản nguyên của các pháp nên Duy Thức thức gọi là thắng nghĩa vô tánh hoặc viên thành thật tánh.
          Để dễ hiểu tôi xin tóm tắt lại như sau:
1. Tất cả hành vô thường:
 Hữu vi tự nhiên à    y tha khởi tánh à sinh vô tánh
         (Hành1)                                  (vô thường, vô ngã)
   2.  Tất cả hành là khổ:
    Hữu vi chủ quanà biến kế sở chấp tánh à tướng vô tánh   
        (Hành 2)                                (vô thường, khổ, vô ngã)
   3. Tất cả pháp vô ngã:
    Hữu + Vô vi à viên thành thật tánh à thắng nghĩa vô tánh
       (Pháp)                                                               (vô ngã)
          Trong phần 3 chỉ kể vô vi vì hữu vi đã nói trong phần 1 và 2 rồi.  
          ( Có người hỏi:)
          - Trong khi kinh Thập Độ có nói đến trí tuệ bờ kia, trí tuệ bờ trên, trí tuệ bờ cao thượng. Như vậy trí tuệ cũng có tầng bậc lớn nhỏ sao?
          - Vâng, có. Nói chung trí tuệ tuy luôn đồng nguyên, đồng thể nhưng tùy tướng, tùy dụng mà phân biệt nhiều loại khác nhau:
          Trí tuệ bờ kia (paññā pāramitā)  là trí tuệ vượt qua vô minh ảo vọng, chấm dứt sự tạo tác luân hồi sinh tử của các hành qua trực tiếp liễu tri thực tánh của pháp là chính. Gate là vượt qua sông mê biển khổ bằng lọai trí tuệ này mà tối thiểu một vị Alahán Thanh Văn Giác phải có.
          Trí tuệ bờ trên (paññā upapāramitā) là trí tuệ vượt khỏi trầm luân…nhờ tùy duyên liễu tri thực tướng của pháp là chính. Paragate là vượt qua luân hồi sinh tử bằng trí tuệ này mà tối thiểu một vị A-la-hán Duyên Giác phải có.
          Trí tuệ bờ cao thượng (paññā paramattha pāramitā) là trí tuệ vượt thoát vô minh ái dục…qua trải nghiệm đại dụng của các pháp mà liễu tri thực dụng là chính. Parasamgate là vượt qua trầm luân sinh tử bằng trí tuệ này mà một vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác phải có. 
          Thật ra cả ba bậc trí tuệ trên đều liễu tri toàn diện tánh - tướng - dụng của pháp nhưng tùy mức độ nguyện hạnh mà nhấn mạnh vào tánh, tướng hay dụng nhiều hơn mà thôi.
Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách: Chúng ta đã biết rõ ngũ uẩn được cấu tạo như thế nào nên cũng có thể hiểu tại sao soi thấy ngũ uẩn đều không thì vượt qua tất cả sự trói buộc của phiền não khổ đau. Chính hành làm cho sắc, thọ, tưởng, thức bị rối loạn, nhưng khi hành được tuệchuyển hóa thì tưởng và thức không còn chấp trì kinh nghiệm, thành kiến, quan niệm để bóp méo sự thật nữa, nghĩa là ngũ uẩn trở thành không: không ảo tưởng, ảo giác, không còn cái gọi là A’, A’’, B’, B’’, không vô minh, ái dục. Có người hiểu lầm chỗ này và họ ngồi trầm tư mà “quán không”Quán này có nghĩa là tưởng về chứ không phải chiếu kiến như trong tuệ quán nên rõ ràng cái không ấy là do tưởng mà ra.  mà biến thành tưởng không, nghĩa là B mà biến thành B’, là đã có sự tham dự của tưởng, của hành, của ngũ uẩn rồi. Như vậy làm sao mà quán không được! Chính cái ngã quán không tạo ra A’, A’’, A’’’...và B’, B’’, B’’’... Đó là người đánh mất bản nguyên, đánh mất “thực tướng vô tướng” (thực tướng không có các tướng phẩy) của các pháp. Ngũ uẩn đều không thì chấm dứt các khổ: khổ khổ, hoại khổ, hành khổ. Đó cũng chính là Thanh Tịnh Đạo.
Thật ra, kinh Bát-nhã chỉ có bấy nhiêu. Phần sau chỉ là phụ chú mà thôi.  

blank


blank


blank

Huệ Hương đã ghi chép lại những lời giảng này trong Thực Tại hiện tiền của Sư Phụ Thiền Sư HT Viên Mình và ghi trên YouTube được phát làm 3 Kỳ ( đây chỉ là lần thứ nhất ) và sẽ tiếp tục tổng hợp lại qua vài kỳ nữa ...

Trân trọng
Huệ Hương



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com 
KHÁCH VIẾNG THĂM
50,000,000