- Phẩm 01: Song Yếu (Kinh Pháp Cú)
- Phẩm 02: Không Phóng Dật
- Phẩm 03: Tâm
- Phẩm 04: Hoa
- Phẩm 05: Ngu
- Phẩm 06: Hiền Trí
- Phẩm 07: A La Hán
- Phẩm 08: Ngàn
- Phẩm 09: Ác
- Phẩm 10: Hình Phạt
- Phẩm 11: Già
- Phẩm 12: Tự Ngã
- Phẩm 13: Thế Gian
- Phẩm 14: Phật Đà
- Phẩm 15: An Lạc
- Phẩm 16: Hỷ Ái
- Phẩm 17: Phẫn Nộ
- Phẩm 18: Cấu Uế
- Phẩm 19: Pháp Trụ
- Phẩm 20: Đạo
- Phẩm 21: Tạp Lục
- Phẩm 22: Địa Ngục
- Phẩm 23: Voi
- Phẩm 24: Tham Ái
- Phẩm 25: Tỳ Khưu
- Phẩm 26: Bà La Môn
Thi Hóa: HT Thích Minh Hiếu
Lưu ý:
Kinh bên dưới bản gốc Việt dịch: HT Thích Minh Châu (câu đầu),
Câu theo sau là phần Thi Hóa của HT Thích Minh Hiếu (chữ nghiêng)
Phẩm Cấu Uế 18
235/ Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết ,
Đường trường thiếu tư lương.
235/ Thân ngươi như chiếc lá vàng,
Thoảng cơn gió nhẹ thu sang rụng rời.
Tuyền đài chốn ấy xa chơi
Tư lương chẳng có, rả rời thân tâm.
236/ Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt,
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Đến Thánh địa chư thiên.
236/ Hãy mau tỉnh giấc mê lầm
Dựng xây hải đảo, loại phần nhiễm ô.
An nhiên giữa chốn hải hồ
Chư thiên cảnh giới bến bờ không xa.
237/ Đời ngươi nay sắp tàn,
Tiến đến gần Diêm Vương.
Giữa đường không nơi nghỉ,
Đường trường thiếu tư lương.
237/ Con đường đến chốn tha ma
Diêm Vương định ước canh ba khó dời.
Đường dài không chốn nghỉ ngơi
Trăng tay mình trống biết nơi đâu về?
238/ Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt,
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già.
238/ Đừng theo vọng thức rủ rê
Tự mình nương tựa cận kề chơn tâm.
Tinh cần đóng chặt sáu căn
Lậu hoặc dứt sạch, tử sanh ở ngoài.
239/ Bậc trí theo tuần tự,
Từng sát na trừ dần,
Như thợ vàng lọc bụi,
Trừ cấu uế nơi mình.
238/Bước đầu từng chút đổi thay
Sát na chuyển hoá tháng ngày sạch trong.
Lược bụi nhơ, lấy vàng ròng
Tịnh trừ cấu uế rỗng không Thánh hiền.
240/ Như sét từ sắt sinh,
Sắt sanh lại ăn sắt,
Cũng vậy, quá lợi dưỡng,
Tự nghiệp dẫn cõi ác.
240/ Sống lợi dưỡng quá tự chuyên,
Tự thân chút lấy ưu phiền không xa.
Như sét từ sắt sanh ra
Lại ăn lấy sắt, thấy mà sợ thay.
241/ Không tụng làm nhớp kinh,
Không đứng dậy, bẩn nhà,
Biếng nhác làm nhơ sắc.
Phóng dật uế người canh.
241/ Biếng lười tụng kinh không hay,
Nhà không dọn quét mỗi ngày uế nhơ.
Sắc không chăm sóc bơ phờ
Chủ không phòng hộ, trộm quơ hết rồi.
242/ Tà hạnh nhơ đàn bà,
Xan tham nhơ kẻ thí,
Ác pháp là vết nhơ,
Đời này và đời sau.
Đàn bà tà hạnh nhơ hôi
Bố thí nhơ bẩn khiến người xan tham.
Ác hạnh làm nhớp thế gian
Cả hai đời phải chịu ngàn đắng cay.
243/ Trong hàng cấu uế ấy,
Vô minh, nhơ tối thượng,
Đoạn nhơ ấy, Tỳ kheo,
Thành bậc không uế nhiễm.
243/ Nguồn gốc chính, vô minh này
Đã che lấp tuệ, đã bày bể dâu.
Tỳ kheo thuyền trí lướt mau
Thành bậc vô nhiễm một màu sạch không.
244/ Dễ thay, sống không hổ,
Sống lỗ mãng như quạ,
Sống công kích huyênh hoang,
Sống liều lĩnh, nhiễm ô.
Dễ thay, với kẻ dối lòng
Sống như lũ quạ đầu sông kiếm mồi.
Huyênh hoang tranh thịt thây trôi,
Ăn dơ liều lĩnh, coi trời bằng vung.
245/ Khó thay, sống xấu hổ,
Thường thường cầu thanh tịnh,
Sống vô tư, khiêm tốn,
Trong sạch và sáng suốt.
Khó thay, sống hạnh khiêm cung
Khoác áo tàm quý, đức trong hạnh ngoài,
Thanh tịnh vui cầu thẳng ngay
Như trăng chiếu sáng trời mây lặng tờ.
246/ Ai ở đời sát sanh,
Nói láo, không chân thật,
Ở đời lấy không cho,
Qua lại với vợ người.
246/ Ai sống chìm trong bùn nhơ
Sát sanh trộm cướp, mắt mờ lửa tham.
Vợ người trăng gió bên thêm
Nói dối che lấp, chẳng làm điều sai.
247/ Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời nầy,
Tự đào bới gốc mình.
Rượu chè sáng xỉn chiều say
Cuộc sống buông thả, không hay trễ rồi.
Chính tự mình chôn mình thôi
Đời nầy vùi lấp nấm mồ thế gian.
248/ Vậy người, hãy nên biết,
Không chế ngự là ác,
Chớ để tham phi pháp,
Làm người khổ đau dài.
248/ Thế nên, này hỡi Thiện nam !
Nếu không chế ngự muốn ham khổ đời,
Lâu dài khổ chẳng hề vơi
Lìa ngay phi pháp, ác rời đường tu.
249/ Do tín tâm, hỷ tâm,
Loài người mới bố thí;
Ở đây ai bất mãn,
Người khác được ăn uống,
Người ấy ngày hoặc đêm,
Không đạt được tâm định.
249/ Thấy người hoan hỷ suy tư
Phát tâm bố thí lòng từ mở khai
Đức tin người gieo hạt dày
Sanh tâm bất mãn những ai cúng dường
Ăn uống đầy đủ khinh thường
Ngày đêm tâm phải chịu vương khổ nàn.
250/ Ai cắt được phá được,
Tận gốc nhổ tâm ấy,
Người ấy ngày hoặc đêm,
Tất đạt được tâm định.
250/Nếu ai muốn dứt bất an
Đào ngay gốc rễ gian tham tị hiềm,
Tâm không ganh ghét an nhiên
Ngày đêm tự tại, trú thiền đạt chân.
251/ Lửa nào bằng lửa sân !
Chấp nào bằng sân hận !
Lưới nào bằng lưới si !
Sông nào bằng sông ái.!
251/ Lửa nào mạnh hơn lửa tham !
Chấp nào kiên cố hơn sân một toà !
Lưới tình mê dắm khó qua !
Yêu thương lặn hụp ái hà cuộn trôi.!
252/ Dễ thay thấy lỗi người,
Lỗi mình thấy mới khó,
Lỗi người ta phănh tìm,
Như sàng trấu trong gạo;
Còn lỗi mình, che đậy,
Như kẻ gian, dấu bài.
252/ Dễ thay, tìm thấy lỗi người
Bới lông tìm vết, gạo xôi trấu đầy,
Lỗi mình nhìn thấy, khó thay
Khéo tay che mắt dấu bài kẻ gian.
Lỗi người ta đếm trăm ngàn
Còn mình chẳng tính, một hàng thẳng ngay.
253/Ai thấy lỗi của người,
Thường sanh lòng chỉ trích,
Người ấy lậu hoặc tăng,
Rất xa lậu hoặc diệt.
253/ Lại còn chỉ trích người sai
Như mình vô tội, lỗi dày nghiệp tăng,
Nẻo về Thánh đạo cách ngăn
Đường theo thế cuộc lại gần một bên.
254/ Hư không, không dấu chân,
Ngoài đây, không Sa môn,
Chúng sanh thích hý luận,
Như Lai, hý luận trừ.
254/ Hư không chẳng dấu chân chim
Ngoài chánh pháp Phật, đừng tìm Sa môn.
Chúng sanh ưa thích đa ngôn
Như lai cảnh giới không còn thị phi.
255/ Hư không, không dấu chân,
Ngoài đây, không Sa môn,
Các hành không thường trú,
Chư Phật không dao động.
255/ Trời xanh dầu có đến đi
Không có dấu vết, hữu vi đâu còn,
Chánh pháp mới sanh Sa môn
Chơn lý chư Phật trường tồn thế gian.