- Phẩm 01: Song Yếu (Kinh Pháp Cú)
- Phẩm 02: Không Phóng Dật
- Phẩm 03: Tâm
- Phẩm 04: Hoa
- Phẩm 05: Ngu
- Phẩm 06: Hiền Trí
- Phẩm 07: A La Hán
- Phẩm 08: Ngàn
- Phẩm 09: Ác
- Phẩm 10: Hình Phạt
- Phẩm 11: Già
- Phẩm 12: Tự Ngã
- Phẩm 13: Thế Gian
- Phẩm 14: Phật Đà
- Phẩm 15: An Lạc
- Phẩm 16: Hỷ Ái
- Phẩm 17: Phẫn Nộ
- Phẩm 18: Cấu Uế
- Phẩm 19: Pháp Trụ
- Phẩm 20: Đạo
- Phẩm 21: Tạp Lục
- Phẩm 22: Địa Ngục
- Phẩm 23: Voi
- Phẩm 24: Tham Ái
- Phẩm 25: Tỳ Khưu
- Phẩm 26: Bà La Môn
Lưu ý:
Kinh bên dưới bản gốc Việt dịch: HT Thích Minh Châu (câu đầu),
Câu theo sau là phần Thi Hóa của HT Thích Minh Hiếu (chữ nghiêng)
PHẨM SONG YẾU 1
1. "Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo".
1. Thế gian tâm vốn đứng đầu
Là duyên kết nối là cầu tương giao,
Nhiễm tâm sóng biển xôn xao
Sóng vang gào thét, nước trào bọt trôi.
Khổ đau trong kiếp luân hồi
Xe theo vật kéo, đền bồi ngựa trâu.
2. "Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình".
2.Thế gian tâm vốn đứng đầu
Là duyên kết nối là cầu tương giao.,
Tâm thanh như ánh trăng sao
Lung linh lễ hội múa chào sắc xuân,
Vui thay dù giữa non ngàn
Trăng lên bóng đứng, trăng tàn bóng nghiêng.
3. "Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi"
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
3. Mắng tôi mang lại ưu phiền
Cướp đi tài sản của riêng đâu còn.
Oán này chồng chất như non
Hận thù năm tháng chẳng mòn dược đâu.
4. "Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi,"
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.
4. Sao ai lại nỡ đánh tôi
Hại đời tan nát bằng lời nhói tim,
Không tìm dấu bóng chân chim
Trời thanh biển lặng, sóng êm an hoà.
5. "Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu”.
5. Oán thù nội kết sâu xa.
Tâm không buông xả phong ba đối đầu,
Từ bi hoá giải thương đau
Thiên thu chân lý,một màu sáng trong.
6. "Người khác không hiểu biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm."
6. Tranh chi sai đúng bận lòng
Vô thường huỷ diệt ai hòng tránh đâu ?
Hiểu ra kẻ trí vô cầu
Sá chi tranh luận, cạn sâu dứt liền
7. "Ai sống nhìn tịnh tướng,
không hộ trì các căn,
ăn uống thiếu tiết độ,
biếng nhác, chẳng tinh cần.
Ma uy hiếp kẻ ấy,
như cây yếu trước gió”.
7. Tham cầu dục lạc cảnh tiên
Buông lung tình vọng chẳng kiêng lòng trần,
Uống ăn thoả thích tăng cân
Đứng nằm nặng nhọc tinh thần mỏi mê.
Ma kia đã đến gần kề
Cành mềm giông tố, não nề kiếp sinh.
8. "Ai sống quán bất tịnh,
Khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ,
có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được,
Như núi đá, trước gió"
8. Ai kia trông thấy giật mình
Quán soi tứ đại thật tình đáng ghê!
Tinh cần quyết thoát cơn mê
Ngày đêm tỉnh thức không hề lãng xao.
Tà ma rình hại được nào,
Gió lay núi đá, đổi màu được chi..
9. "Ai mặc áo cà sa,
tâm chưa rời uế trược,
không tự chế, không thực,
không xứng áo cà sa”.
9. Ai còn ưa thích thị phi
Cửa không khoác áo khác gì diễn viên,
Trung thần ,dua nịnh đặt tên
Mang râu, cạo tóc vững bền được đâu.
10. "Ai rời bỏ uế trược,
giới luật khéo nghiêm trì,
tự chế, sống chơn thực,
thật xứng áo cà sa.
10. Nếu ai bỏ hết tham cầu
Luật nghiêm phòng hộ tự câu thúc mình,
Nhiệt tâm nguyện độ chúng sinh
Sống đời chánh hạnh, xứng hình Sa môn.
11. "Không chân, tưởng chân thật,
Chân thật, thấy không chân:
Chúng không đạt chân thật,
Do tà tư, tà hạnh."
11.Thế gian vọng tưởng vẫn còn
Thực hư lẫn lộn, giả chơn không tường,
Tư duy lạc gữa mù sương
Đường về quê cũ cố hương xa dần.
12. "Chân thật, biết chân thật,
Không chân, biết không chân.
Chúng đạt được chân thật,
do chánh tư, chánh hạnh."
12. Nếu ai định hướng chia phân
Bờ mê bến giác , giả chân rõ ràng,
Nghĩ suy sâu thẳm hai đàng
Thuyền dong về bến bình an trọn đời.
13. "Như ngôi nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập."
13. Như nhà lợp lúc mưa rơi
Không khéo che kín,nhìn trời đầy sao,
Dục tham như nước lọt vào
Cuộc đời tịnh hạnh xanh xao chết mòn.
14. "Như ngôi nhà khéo lợp,
Mưa không xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm khéo tu,
Tham dục không xâm nhập."
14. Còn như khéo lợp kín hơn
Mưa không chỗ dột, sắc son một lòng,
Dục tham gạn đục khơi trong
Thường hành trạch pháp dốc lòng tấn tu.
15. "Nay sầu, đời sau sầu,
Kẻ ác, hai đời sầu;
Nó sầu, nó ưu não,
Thấy nghiệp uế mình làm."
15. Sầu bi như áng mây mù
Phủ che tuệ giác công phu hững hờ,
Đời này khổ giữa cơn mơ
Đời sau bi luỵ, đợi chờ kẻ mê.
16. "Nay vui, đời sau vui,
Làm phước, hai đời vui.
Nó vui, nó an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm.”
16.Còn ai đã biết lối về
Đời như trăng sáng hẹn thề kiếp sau,
An vui tràn ngập sắc màu
Kiếp này hỷ lạc, kiếp sau vẹn phần.
17. "Nay than, đời sau than,
Kẻ ác, hai đời than,
Nó than : "Ta làm ác"
Đọa cõi dữ, than hơn."
17. Ai kia ác nghiệp kêu than
Nhân gieo gió dữ, quả toàn bão giông,
Khóc than nước mắt cạn dòng
Đời này vừa dứt, khổ chồng đời sau.
18. "Nay sướng, đời sau sướng,
Làm phước, hai đời sướng.
Nó sướng : "Ta làm thiện",
Sanh cõi lành, sướng hơn."
18. Người lành thoát khỏi khổ đau
Sướng vui quả thiện, ngọt ngào trái ngon,
Đời nay ăn mãi vẫn còn
Kiếp sau giống thiện được trồng khắp nơi.
19. "Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật;
Như kẻ chăn bò người,
Không phần Sa môn hạnh."
19. Kinh điển dù có thuộc lời
Buông lung phóng túng như đời chăn trâu,
Đếm bò lùa chúng qua cầu
Trắng tay, dù đẹp áo màu Cà sa.
20. "Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tĩnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa môn hạnh."
20.Sao bằng ý đẹp, ngôn hoà
Thân hành thiện nghiệp tránh xa thế trần,
Kinh điển chỉ thuộc đôi vần
Nhưng không chấp thủ tinh thần thảnh thơi,
Tỉnh thức tuệ giác rạng ngời
Tham sân từ bỏ, đời đời an vui..