Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền sư Bách-Trượng Hoài-Hải (720-814)

01/03/201908:35(Xem: 5385)
Thiền sư Bách-Trượng Hoài-Hải (720-814)


Bach Truong Hoai Hai

Thiền sư Bách-Trượng Hoài-Hải

(720-814)

 

Sư nối pháp cho Mã Tổ Đạo Nhất, và là một trong những Thiền sư danh tiếng nhứt đời nhà Đường. Đệ tử của Sư rất đông, trong đó hai Ngài Hoàng-Bá Hi-Vận và Qui-Sơn Linh-Hựu là Thượng thủ.

 

Sư họ Vương, quê ở Trường Lạc, Phúc Châu. Lúc nhỏ, theo mẹ vào chùa lễ Phật, Sư chỉ tượng Phật và hỏi mẹ: "Đây là gì?". Mẹ bảo: "Là Đức Phật". Bé nói: "Hình dung không khác với người, con sau nầy cũng sẽ làm Phật". Sư xuất gia lúc còn để chỏm và rất siêng tu Giới Định Huệ. Lớn lên, Sư làm thị giả cho Mã Tổ và được Ngài truyền tâm ấn. Câu chuyện Mã Tổ khai ngộ cho Sư rất thú vị, được kể lại như sau:

 

Một hôm Sư hầu Mã Tổ đi dạo. Thấy một bầy vịt trời bay ngang qua, Tổ hỏi: "Đó là cái gì?" Sư đáp: "Vịt trời". "Bay đi đâu?" "Bay qua". Tổ đột nhiên nắm chót mũi Sư kéo mạnh làm Sư đau quá, la thất thanh. Tổ bảo: "Ngươi lại nói bay qua đi". Nghe câu nầy, Sư chợt tỉnh ngộ. Sư để lại nhiều bài thuyết giảng quí báu trong hai tác phẩm "Bách Trượng quảng lục" và "Bách Trượng ngữ lục" trong ấy Sư đề cao ý tưởng: "Lìa bỏ tất cả vọng tưởng tức như như Phật" và khuyên Thiền sinh nên tu tập pháp môn Bất Nhị (tức tâm Vô phân biệt). Sư nói:

 

"Phàm người tu đạo nếu gặp các thứ khổ vui, vừa ý hay không vừa ý - mà tâm chẳng lui sụt, chẳng để tâm đến danh lợi, ăn mặc, chẳng tham các phước đức hay lợi ích, không bị các pháp thế gian buộc ngại, không thân mến khổ vui, tâm hằng bình đẳng, ăn cơm hẫm chỉ cốt nuôi thân, mặc áo chỉ để ngừa lạnh, ngơ ngơ như ngu như điếc - sẽ có ít phần tương ưng (với đạo). Nếu trong tâm ham học rộng biết nhiều, cầu Phước, cầu Trí - đều là ở trong sanh tử, đối với lý Đạo thật là vô ích, lại bị gió Hiểu biết thổi trôi giạt trong biển sanh tử".

 

Có vị Tăng hỏi: "Như nay thọ Giới rồi, thân khẩu được thanh tịnh, lại làm đủ các việc thiện - như thế có được giải thoát chăng?". Sư đáp: "Được ít phần giải thoát nhưng chưa được tâm giải thoát, chưa được tất các các chỗ giải thoát".

 

Tăng lại hỏi: "Thế nào là tâm giải thoát và tất cả chỗ giải thoát?". Sư đáp: "Chẳng cầu Phật Pháp Tăng, cho đến chẳng cầu phước trí hay tri giải, tình cảm nhơ sạch đều hết, lại chẳng chấp tâm không cầu là phải, chẳng trụ chỗ hết, cũng chẳng mến thiên đường sợ địa ngục, trói buộc cởi mở không ngại - tức thân tâm và tất cả chỗ đều gọi là giải thoát. Ngươi chớ cho là có được ít phần Giới, tịnh được Thân Khẩu Ý là xong - đâu biết môn Giới Định Huệ như hà sa, mà đối với Vô lậu giải thoát chưa dính được một mảy! Hãy cố gắng! Ngay bây giờ, cố tìm xét lấy, đừng đợi đến lúc mắt mờ tai điếc, tóc bạc mặt nhăn, già khổ đến thân, buồn thảm triền miên, mắt hằng rơi lệ, trong tâm hoảng sợ vì không còn một nơi y cứ, chẳng biết chỗ đi...Đến lúc ấy, muốn nghiêm chỉnh tay chân cũng không kềm được - dù có phước trí và danh dự lợi dưỡng, trọn chẳng thể cứu mình được. Vì mắt tâm chưa mở, chỉ nhớ các cảnh, không biết phản chiếu, lại chẳng thấy Phật đạo. Một đời có tạo việc thiện ác, (lúc chết) thảy đều hiện ra trước, hoặc vui hoặc sợ. Lục đạo và Ngũ uẩn đều hiện tiền. Trang sức, nhà cửa, ghe thuyền, xe cộ đẹp đẽ hiển hách - đều từ tham ái của mình hiện ra, tất cả các cảnh ác đều biến thành cảnh thù thắng. Chỉ tùy tâm tham ái chỗ nào nặng, nghiệp thức dẫn đến thọ sanh, hoàn toàn không có tự do, rồng súc tốt xấu trọn chưa định được...".

 

Đời Đường, niên hiệu Nguyên Hòa thứ 9 (năm 814), Sư thị tịch, hưởng thọ 95 tuổi, được vua ban hiệu là Đại Trí Thiền sư.

 

Lời bình: Tổ Bách Trượng có lẽ là ngôi sao sáng nhất của Thiền tông đời Đường. Ngài không ngại sửa luật của Đức Phật để mở ra một chân trời mới cho Thiền tông trong thời đại tiến bộ. Là Thiền sư chứng ngộ thượng thừa, nhưng Ngài vẫn chính thức mở rộng cửa Tịnh độ để tiếp độ vong linh, điểm nầy chưa có Thiền sư nào làm được. Lời dạy của Ngài đi thẳng vào tròng, không đượm màu sắc kỳ bí như ở các Thiền sư khác. Đệ tử đắc ngộ của Ngài rất đông, và tuy không lập ra một tông phái nào Ngài vẫn được tôn là Tổ, do tài năng và đạo đức siêu việt, kể cả chồn tinh cũng cảm phục và đến hỏi đạo nơi Ngài. Ngài xứng đáng được gọi là “con hổ mọc sừng” theo Tứ Liệu Giản của Thiền sư Vĩnh Minh.

 

Xem thêm "Bách Trượng Thanh Qui" và “Bách Trượng Ngữ lục”

 

 

Thích Phước Thiệt 18/2/2019




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com 
KHÁCH VIẾNG THĂM
50,000,000