BÁCH TRƯỢNG TÒNG LÂM THANH QUY
Việt dịch: Sa môn Thích Bảo Lạc
Chùa Pháp Bảo Sydney và Chùa Viên Giác Đức Quốc xuất bản PL. 2552 DL 2008
Quyển Đầu
BÁCH TRƯỢNG TÒNG LÂM
THANH QUY CHỨNG NGHĨA
Thanh Quy Tòng Lâm Nguyên Nghĩa Của Tổ Bách Trượng
tại Cổ Hàng Trụ Trì Diệu Vĩnh giảo chính, Chùa Giới Châu tại Việt Thành
Đây là Thanh Quy chứng nghĩa, trước hết nói rõ 5 trùng nguyên nghĩa:
1- Lấy nhơn dụ - pháp làm danh
2- Quyền - thật - tướng làm thể
3- Giữ luật lệ nội hộ làm tông
4- Y pháp rõ sự làm dụng
5- Lấy sữa đặc bơ và dụng là giáo tướng.
1.8.1 Lấy nhơn – dụ - pháp làm danh
Trước tiên về nhơn dụ - pháp làm danh. Giải Nhơn vật là Bách Trượng hai chữ. Nhơn tức là Ngài Bách Trượng – tên bổn sơn mà nhiều người quen gọi là Đại Hùng Sơn, đường Long Hưng cách Quận Trị 300 dặm tại Hồng Châu, nay thuộc phủ Nam Xương, huyện Phụng Tân. Ngài là Hoài Hải đại sư, họ Vương ở thôn Trường Lạc, xã Phước Châu. Năm 20 tuổi Ngài thế phát xuất gia với Hòa Thượng Huệ Chiếu ở Tây Sơn, thọ Tỳ kheo giới với Pháp Triêu luật sư ở Hoành Sơn, đắc pháp với Mã Tổ Đại Tịch thiền sư ở Giang Tây; nhưng thuộc đời Chánh tông thứ 2 thiền phái Nam Nhạc. Ngài trụ ở núi Nam Nhạc này, Chùa Đại Trí Thọ Thánh Thiền Tự và phát huy thiền tông rất mạnh, chuyên hành trì giới luật nghiêm minh, thường dùng Chùa Lương Triều Quang Trạch làm đạo tràng vân tập chúng tăng, tận lực lập tăng chế, cho trùng tuyên luật tạng tham bác rộng, phân tích chi li, lập quy chế; công việc làm thích hợp thời cơ. Ngoài ra, chính Ngài lấy mình làm gương mẫu như mỗi ngày ra sức làm việc làm chỉ nam cho chúng. Chúng khuyến thỉnh thôi làm việc, Ngài bảo:
- “Ta không có đức nên dùng sức người”.
Chúng bèn thôi không khuyên nữa. Ngài liền nhịn ăn và nêu rõ mục tiêu: “một ngày không làm là một ngày không ăn”, nay còn truyền rộng trong đời. Ngài viên tịch vào ngày 17 tháng giêng năm Nguyên Hòa thứ 9, thọ 95 tuổi. Đến năm Nguyên Hòa thứ 13 cải táng mộ Ngài tại núi này.
Vào niên hiệu Trường Khánh nguyên niên, Vua sắc phong Ngài là Đại Trí thiền sư và hiệu tháp là Đại Bảo Thắng Luân, và Thanh Quy Ngài được lưu hành rộng rãi. Vào đời nhà Tống (tk10) niên hiệu Đại Quang nguyên niên, được Vua phong thêm hiệu Giác Chiếu và tháp hiệu là Huệ Tụ. In khắc lại Thanh Quy vào đời Nguyên, niên hiệu Nguyên Thống năm thứ 3, Vua sắc phong Ngài là Hoằng Tông Diệu Hạnh thiền sư hiệu Tăng Đức Huy; và cho trùng tu lại Thanh Quy lưu hành chốn tòng lâm.
Xưa Tư Mã đầu đà thường lại núi Bách Trượng toản ký, trong có bậc pháp vương cư trú, làm thầy tiêu biểu trong thiên hạ, thật là ứng hợp vậy. Y cứ theo bản đồ, Bách Trượng là tên núi mà Bách Trượng nói đây thuộc về Hồng Châu vậy. Lại từ đời Đường trở đi Bách Trượng là tên người, nhưng làm nổi bật một số người trước tác. Ở đây xưng là Hoài Hải Lão Tổ Bách Trượng, đó là đã giải lược về người xong.
Tiếp đây giải thích Dụ: Hai từ tòng lâm là Dụ; tòng lâm là một nơi thảo mộc đan xen dụ cho tăng phường, nơi chúng tăng cư trú, chỗ một số tịnh hạnh nhơn tu hành, điểm phát xuất gieo mầm đạo hướng đến Thánh quả, đem lại lợi lạc cho quần sanh. Lại theo nghĩa này có đầy đủ trong các kinh luật, như Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Ly thế nhàn có bài kệ thế này:
Bồ Tát Diệu Pháp Thọ
Trực tâm đất phát sanh
Tín căn từ bi hạnh
Trí huệ ấy là thân
Phương tiện chính cành nhánh
Năm độ thêm sung thạnh
Lá định, hoa thần thông
Nhứt thiết trí quả lành.
Ngoài ra, Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược Thảo dụ cũng dùng thảo mộc tòng lâm để dụ người tùy cơ thọ sự giáo hóa. Cũng như trong luật có nêu rõ: phàm từ 4 vị tăng trở lên cho đến trăm ngàn vị cùng ở chung một nơi là đúng pháp biện sự, như nước với sữa hòa hợp gọi là tòng lâm. Suy rộng tiếng Tỳ Kheo mà xưng là Bí Sô, theo Tây Vức (Ấn Độ) gọi là cỏ có 5 đức:
1- Tánh mềm mại dụ cho đức định của vị tăng nhiếp phục được thân tâm không để thô lậu.
2- Như vải đan bện với nhau dụ huệ đức của vị tăng trong việc truyền pháp độ người như gấm bền không đứt.
3- Hương phảng phất bay dụ giới đức; hương giới thoảng mùi thơm làm cho mọi người nể trọng.
4- Hay trị lành bịnh đau nhức dụ đức giải thoát, có thể đoạn dứt phiền não làm cho mầm độc hại không khởi.
5- Không phản lại ánh sáng mặt trời, dụ đức giải thoát tri kiến; thường hướng tuệ quang Phật nhựt tỏa chiếu, giải thoát mọi tà kiến, tà nghiệp, cho nên Tỳ Kheo xưng Bí Sô là vậy.
Căn cứ hai thí dụ thảo mộc trên cho thấy làm vị tăng hoàn toàn nương vào sự tu tập làm gốc, cho nên nói rằng, trụ trì có đạo đức, tòng lâm ngày càng hưng thạnh; thiếu đạo đức tòng lâm càng thêm nguy khốn. Chúng tăng đủ 5 đức có quy củ thật xứng đáng; không quy tắc là hoàn toàn hỏng bét. Song quy tắc tòng lâm đâu phải dễ duy trì mà Tỳ Kheo cũng đâu có dễ xưng gọi được! Trên đây là giải thích dụ xong.
Tiếp theo giải thích Pháp: Hai chữ Thanh Quy là Pháp. Trước hết dựa vào sự giải thích có nghĩa là gạn cho lắng sạch, mô phạm thanh bạch, trải ra hằng ngày mà xiển dương giáo pháp Phật đà. Lại Thanh Quy chế định theo pháp có từng phẩm mục. Dựa theo cuốn 10 thuộc Hữu Bộ có đề cập 101 pháp Yết Ma, đức Phật dạy: “Vả như gặp việc mình tự ra trước chúng sám hối; không lừa dối, không che đậy. Như đối với một việc thuận theo là không thanh tịnh; ngược lại là thanh tịnh. Đây là việc bất tịnh đều không nên làm. Nếu như một việc thuận là thanh tịnh, ngược lại là không thanh tịnh. Đây là việc tịnh nên thuận theo mà làm”.
Luật Tứ Phần ghi: “Như Phật chế định không nên từ khước; không phải Phật chế thời không được chế”. Lời này dựa theo Thanh Quy Tổ Bách Trượng nhắc lại ý đó.
Ngoài ra, Kinh Phạm Võng ghi: “Lúc mời tăng phước điền cầu nguyện nên vào hàng tăng phường[8] hỏi vị Tri sự xem, nay tôi (con) muốn thỉnh Tăng cầu nguyện.”
Thầy Trị sự đáp rằng: “Cứ theo thứ tự mời thỉnh. Như thế là mời được 10 phương các bậc hiền thánh tăng.”
Ngoài ra, luật Tứ Phần cuốn 10 mục Ni Tát Kỳ Ba Dật Đề ghi rằng: “Bạch Đại Đức, nay vì Ngài nên có người gởi chiếc y giá trị này Thầy nên nhận cho”.
Vị Tỳ Kheo đó nên đáp: “Kia nhờ nói lời như thế, tôi không nên nhận y giá trị này. Nếu tôi cần y hợp thời thanh tịnh mới thọ”.
Vị Tỳ Kheo kia thay lời người ấy hỏi rằng: “Bạch Đại Đức, có người giúp việc không?”
Vị Tỳ Kheo cần y nên đáp rằng[9]: “Có, hoặc người trong tăng già lam (chùa viện) hay là Ưu Bà Tắc. Vị Tỳ Kheo chấp sự này thường vì các Tỳ kheo mà làm việc đó.”
Lại như Kinh Dược Sư ghi rằng: “Có người tuy chẳng phá giới[10] nhưng lại phá phép tắc”.
Nên biết Thanh Quy tòng lâm hồi Phật tại thế đã có rồi. Khi Phật giáo vào Trung quốc, từ đời Hán Minh Đế (thế kỷ thứ 1 Tây lịch) trở đi, nơi chúng tăng cư trú đông gọi là tòng lâm. Theo đúng giới luật hành trì là Thanh Quy vậy. Đến đời nhà Đường (thế kỷ thứ 7) thời kỳ Ngài Bách Trượng, Thanh Quy lưu hành tại Trung quốc đã hơn 600 năm rồi. Lâu ngày con người sanh tệ nên Tổ mới đề ra pháp này, ngỏ hầu gia tâm chấn chỉnh để lưu đức cho hậu thế. Kinh Hoa Nghiêm phẩm Hồi Hướng ghi rằng: “Bồ Tát lấy pháp thí làm đầu để nẩy sanh các thiện pháp thanh tịnh; gìn giữ đạt đến nhứt thiết trí”, đó là ý của Lão Tổ vậy.
Kế dựa theo lý giải thích: giới châu của Ngài Diệu Vĩnh giải chữ Thanh Quy như sau: như tâm ta vốn đầy đủ cái diệu đạo viên mãn. Luận tâm vốn viên minh; chỉ do mê, ngộ có khác; qua lại 10 cõi mà có khác biệt y-chánh báo, song pháp tánh vốn đồng và đầy đủ vậy. Nhưng tâm chuẩn mực của ta đầy đủ tất cả, hàm 10 cõi y chánh báo không thừa, là đồng nhau vậy; do cơ cảm mê ngộ nhân quả không sai lầm, là quy vậy. Thành sự lý vạn pháp nhưng không lệch, không lệch là trung vậy. Không dư thừa là giả vậy; không khác ấy là không vậy; không là giả, giả là trung, là 3 pháp quán tâm ta đó. Ba pháp quán đó có thể là dụng của quy tắc, KHÔNG chiếu chân dứt bợn trần, giả chiếu tục lồng trong vạn hữu, trung chiếu cả hai mà, không trụ ở hai. Chân là nhất chân, hết thảy chân, không tục không trung mà chẳng phải chân. Tục là nhất tục, hết thảy tục, không chân, không trung mà chẳng phải tục. Trung là nhất trung, hết thảy trung, không tục, không chân mà chẳng phải trung. Chân ấy, tục ấy, trung ấy tức là 3 đế nơi tâm ta. Ba đế ấy nương vào thể của phép tắc, do đấy bản thể khó mất, cho nên lấy pháp làm chuẩn đích. Đối với Phật giáo là luật tắc, Nho giáo là luật lệ, còn Tổ Bách Trượng gọi đó là Thanh Quy vậy. Tuy nhập thế - xuất thế không đồng, dù dứt ác sanh thiện tuy khác tên mà đồng nghĩa vậy. Đây gọi Thanh Quy là pháp như trên đã giải xong.
Đi vào phần chi tiết hẳn thấy rộng hơn như sau đây: qui định giải thích dụ cong ngay thành vuông vức, nay dựa trí đại chúng như cỏ do hộ trì giới luật trình bày. Lấy Kinh Kim Quang Minh giải thích làm thí dụ: Quy tức là pháp vậy.
1.8.2 Quyền - Thật - Tướng Làm Thể
Sách Trì Pháp Tụ ghi rằng, đạo vốn thật tế nhưng lễ, nhạc, pháp chế là quyền của chế hóa vậy. Không quyền thì giáo không lập mà đạo cũng không hành được. Khổng Tử viết bộ Xuân Thu, trước thuật sách Lễ Ký… là hoàn bị quyền pháp chế (pháp định). Muốn không dùng lời chỉ còn một cách là quán thông để hiển tỏ cái thật của tánh giác, tức hồng ân chư Phật rõ suốt ba cõi.
Pháp biến hóa một khi phát chiếu tự giác sinh hiện lượng thánh trí. Dùng khai – giá – trì - phạm của quyền - thật tướng làm hiển phát sự tin hiểu là thể dụng của hành chứng được nhất như.
Như hội Linh Sơn có số chúng đông đến trăm vạn người mà có được sự hòa hài không trái chống nhau, chẳng làm mất thanh danh như nước hòa với sữa, nên mới có câu rằng: “không trị mà chẳng loạn; không nói mà tự tin, nhìn kim tướng Phật mà cảm hóa, và chẳng cần đợi phủ dụ, khuyến cáo, răn dè mà vẫn tự răn dè vậy.” Và những người hành thiện, tránh ác mà làm phép tắc của luật nghi như mái che, đòn chống, hẳn không lưu lại gì nơi Niết Bàn cả.
Phật cố xoay mệnh lệnh bảo rằng:
- “Tỳ Kheo các con vào lúc sau khi Ta diệt độ, các con phải tôn trọng Ba La Đề Mộc Xoa (giới luật) là Thầy của các con; vương pháp ấy giáo hóa cả đại thiên mà chở che cho mai hậu.” Bậc trí chẳng vượt qua đó! Lý - Sự không hai là lời dạy bất nhị rất sáng tỏ vậy.
Vào thời kỳ chánh pháp[11] giáo pháp mới bắt đầu khởi sắc; lúc đó Phật pháp hưng thạnh, mọi lễ nghi phép tắc đều còn hòa hưỡn.
Từ Ngài Đạt Ma trở về sau mới truyền riêng tâm yếu, người thực chứng nhiều, nhưng trong số chẳng phải không có kẻ phù hư, đến phải rơi vào số không! Như lấy dung nghi tướng bề ngoài đo đạc là không đủ làm thước đo phẩm hạnh, là không đúng trình độ; không rõ phép quyền đến thật, thật ở đâu? Không cần Quyền đúng là bậc đại trí đáng làm mẫu mực; Dụng để tán thán luật tắc; Kỹ cương giềng mối ở Lan nhã vắng lặng, là long tượng dũng mãnh, không tin sao? Lý không ngoài sự mà việc Phật nơi Không môn (cửa Thiền) không bỏ một pháp. Nên lấy quyền - thật tướng làm Thể vậy.
1.8.3 Trì luật giữ nội hộ làm Tông
Cho dù Tiểu Thừa hay Đại Thừa đều phải hành trì giới luật. Một lời xấu ác đã phát ra, ngưng làm tức gìn giữ, đây cũng chính là Thanh Quy vậy. Chốn Thiền môn có điều luật cấm lỗi, ngăn quấy v.v... là để giữ luật, dứt ác. Mỗi mỗi nghi tiết như tham thiền, niệm Phật v.v... là giữ luật hành trì. Cả hai điều dứt và làm đây phù hợp với giới luật.
Ngoài ra, lấy đức cảm hóa người làm cho họ phát tâm tin Phật pháp. Trong lo việc duy trì chánh pháp, luôn đem pháp truyền bá sâu rộng, làm cho bánh xe pháp lưu chuyển mãi không ngừng, như vậy để lợi mình và lợi người: Đây gọi là giữ luật bên trong làm Tông vậy. Nếu người không giữ giới luật, không theo đúng Thanh Quy chính là ác ma tự phá diệt Phật pháp.
Kinh Phạm Võng ghi: “Phật pháp chẳng phải ngoại đạo, thiên ma phá được, như sư tử chỉ có vi trùng bên trong mới ăn thịt nó; giáo pháp của Phật cũng thế, chỉ đệ tử Phật mới tiêu diệt được mà thôi.”
Kinh Lăng Nghiêm ghi rằng: “Thế nào là kẻ tặc? Kẻ mượn chiếc áo ta, bán đứng Như Lai, tạo đủ ác nghiệp lại cho là Phật Pháp, hủy báng người xuất gia thọ giới tỳ kheo, làm người truyền đạo, do đó làm cho vô số chúng sanh lầm phải đọa vào địa ngục Vô gián.” Do chỗ tệ hại đó, khi Phật sắp nhập Niết Bàn, luôn nhắc nhở chư Tỳ kheo giữ giới luật; lại quở trách người phá giới. Người giữ đúng luật là người thật sự giữ giới mà ở đây gọi là Thanh Quy, nghĩa thật là nghiêm túc, nên lấy việc trì giới luật bên trong làm tông vậy.
1.8.4 Y pháp luận sự làm dụng
Y pháp luận sự làm dụng có hai việc:
1- Việc thường xảy ra như ngày Tết, lễ Thanh Minh, cho chí lễ Phật Đản, ngày giỗ Tổ v.v.. có ấn định thời gian tổ chức.
2- Việc bất thường như lễ Khánh Chúc, cầu thọ, nhậm chức trú trì, lui về Phương Trượng v.v... Việc trước việc sau có tổ chức hay không, không nhất định.
Như vậy, việc tuy nhiều mà ở đây chỉ nêu có 2 cũng đủ, gọi sự để làm rõ lý, vì rõ lý mới dễ giáo hóa. Nhưng việc thường gặp trở ngại phải biết khéo léo quyền biến để sự giáo hóa mới chu toàn. Xưa nay chư tăng cần phải biết rõ nghĩa này không nên bỏ bê không làm sai nghi cách (quy tắc). Người co cụm do hoặc cố chấp không hiểu biết đến đổi cách ngăn khó thực hành, nhắc tới Thanh Quy là bịnh, không sai lầm sao! Phép tắc đạo dần dần suy rồi đưa tới chỗ tệ hại ấy.
Trước hết phải đề xướng ý nghĩa luật cho thấm nhuần mà không ngại chỗ quê hèn, lấy đây làm sách tấn vậy. Vã nên y pháp luận sự mới thấy rõ việc đổi ma thành Phật, chuyển tà thành chánh, trừ gian manh đem an lạc tới mọi người, chỉnh đốn lễ nghi, trưởng dưỡng đạo đức, làm cho tòng lâm hưng thạnh. Giáo hóa chúng sanh không bỏ sót một ai, mới gọi là mạng mạch tăng bảo, nếu không giới luật, Thanh Quy thì không thể nào tồn tại được lâu dài, phải tin như thế.
1.8.5 Lấy Sữa Đặc - Dụng Làm Giáo Tướng
Ngài Thiên Thai trí giả trích dẫn Kinh Niết Bàn nói rằng: “từ bò mà có sữa cho đến bơ” 5 vị để luận một đời giáo hóa của Như Lai chia làm 5 thời:
1- “Thời thuyết Kinh Hoa Nghiêm dụ như sữa,
2- Thời nói Kinh A Hàm dụ như sữa đặc,
3- Thời nói Kinh Phương Đẳng dụ váng sữa sống,
4- Thời nói Kinh Bát Nhã dụ như váng sữa chín,
5- Thời nói Kinh Pháp Hoa, Niết Bàn dụ như bơ.”
Thanh Quy này cũng mượn dùng ví dụ của Kinh trên. Phân định sữa – bơ đều là Dụng của 5 thời Phật thuyết giáo. Kinh Phạm Võng và Kinh Hoa Nghiêm nói đồng thời, chỗ thô chỗ diệu dung hợp, mảy may tinh tế không chi chẳng phải nhứt chân pháp giới; có nghĩa là lời lẽ răn đời, tư cách, nghề nghiệp v.v.. đều hợp với chánh pháp. Nay với Thanh Quy này, nghĩa tuân thủ Kinh Phạm Võng để cho kẻ thượng căn hành trì; lý-sự vô ngại, nơi nào cũng viên mãn đặc trưng như vị sữa. Đến như Kinh A Hàm tuy chuyên về pháp sanh diệt Tứ Đế[12], nhưng quy định của Tiểu Thừa là ngộ vô sanh, vô tác; còn lý của Đại Thừa khởi từ bơ cũng phát xuất do váng mà váng sữa do sữa đặc mà có. Thanh Quy đây so với Kinh A Hàm tức nằm trong phạm vi Tiểu Thừa, khiến cho nó cũng đóng vai trò dây mực, có nền móng chớ để hư hỏng, như người có 2 tay, hai chân không thiếu lại mặc áo quần đẹp càng xinh; như bức họa khéo pha chế màu không kém làm cho màu sắc trở nên nổi bật, mới có thể so sánh sữa đặc. Cho nên lấy sữa đặc dùng làm giáo tướng.
Trước đây Ngài Tông Hy nói rằng, các lệ chốn thiền môn, dù không phân thành 2 hình thức giới luật và con nhà mô phạm, nhưng phải có một mẫu mực qui định. Như vậy, trong việc thọ dụng người tu tự nhiên có tư cách thanh cao khác thường; còn kẻ gặp việc xây mặt vào vách, là làm mất cái thể con người vậy. Vì thế, người xuất gia phải trải qua các tòng lâm, đến tham học phương xa.
Người đầy đủ kiến văn hiểu biết hẳn làm tai mắt (lãnh đạo) tức chuẩn mực để nhờ đó trang nghiêm chùa viện, thiết lập đạo tràng hoằng pháp, tức làm Phật sự ở thiền môn; thiếu một không được, như Bồ Tát đủ ba tụ giới[13] Thanh Văn bảy thiên luật[14]. Đâu còn niềm vui nào hơn của đạo pháp nữa. Đúng là tùy căn cơ mà lập giáo, kẻ hậu học sơ cơ[15] phải thật khéo léo tham vấn bậc trưởng thượng thương xót chỉ dẫn.
Trở lên bên trên 5 việc chứng nghĩa đã thuật xong. Mời chư quý độc giả theo thứ tự xem qua quyển 1 đến quyển 9 của toàn bộ sách này để nắm vững điểm cốt yếu cho việc hành trì khỏi sai sót, khuyết phạm. Mong mỏi lắm thay.
Dịch giả cẩn khải,
Sa môn Thích Bảo Lạc
[1] Người làm mẫu mực, làm gương tốt cho người khác theo.
[2] Chùa tháp thờ Phật gọi là tòa phù đồ. Như câu: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người (Quan Âm Thị Kính).
[3] Trước kia chưa có đèn điện, chùa phải dùng đèn dầu.
[4] Toàn ý nói rằng: Thiền Tông truyền tới lục Tổ tại Tào Khê là dứt, không truyền y bát nữa.
[5] Đầu non Bách Trượng: Tổ Bách Trượng lập đạo tràng hoằng hóa trên núi Qui Sơn nhiếp hóa cả hàng ngàn người tới tu học.
[6] Nhà ông Duy Ma Cật: căn nhà tịnh thát tuy nhỏ bé nhưng dung chứa mấy cũng không chật.
[7] Tiếng pháp âm hay còn gọi là hải triều âm tượng trưng giáo pháp Phật lan xa rộng mãi.
[8] Tăng phường là tòng lâm. Tri sự nhơn là người chấp sự, tức là vị trông coi chúng Tăng trong chùa. Nên theo thứ tự mời thỉnh tức là theo đúng Thanh Quy
[9] Không dám tự mình cầm y quí giá mà nên nhờ vị chấp sự nhận thay; đợi hợp thời thanh tịnh mới nhận. Đó là giữ đúng Thanh Quy.
[10] Tiếng Phạn Thi La, Trung Hoa dịch là giới; quy tắc tức là Thanh Quy vậy.
[11] Thời kỳ giáo pháp hưng thạnh. Từ đức Phật nhập diệt đến 500 năm sau, có nhiều bậc Thánh tăng xuất hiện, và nhiều vị tu chứng. Sau thời kỳ này là thời tượng pháp từ 500 đến 1500 năm sau khi Phật Niết Bàn, và nay là thời mạt pháp.
[12] Bốn chân lý căn bản thiết đặt nền móng Phật đạo là khổ, tập, diệt, đạo. Đó cũng là bài pháp đầu tiên đức Phật Thích Ca giảng tại vườn Lộc Uyển cho ông Kiều Trần Như và 4 pháp hữu cùng tu với Ngài lúc chưa thành đạo. Sau khi đạt thành chánh giác ngày mồng 8 tháng 12 năm 573 tây lịch, Đức Phật liền nghĩ ngay tới 5 người bạn đồng khổ hạnh với Ngài trong rừng già lúc trước, nên đến nói pháp cho họ nghe. Cả 5 người này đều đạt ngộ đạo mầu chứng thánh quả A La Hán.
[13] Ba nhóm giới hội tụ là nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới và nhiêu ích hữu tình giới hay nói cách ngắn gọn là đoạn ác, tu thiện và độ hết thảy chúng sanh.
[14] Thất thiên: 250 giới Tỳ kheo chia ra thàng bảy thiên đó là: 4 tội cựa ác, 13 tội hữu dư, 2 pháp bất định, 30 pháp xả đọa, 90 tội đọa, 4 tội hướng bỉ hối, 100 pháp chúng học và 7 pháp dứt sự tranh cải.
[15] Là kẻ lớp sau, lớp đàn em mới nhập môn vào đường đạo.
Tu Viện Quảng Đức