KINH
ĐẠI KHÔNG
(Mahàsunnata sutta)
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
GIẢI NGHĨA
Toàn Không
Để cho dễ hiểu, chúng ta dùng chữ nghiêng là lời Phật nói, chữ thẳng đứng để giải thích cho toàn bài Kinh, chúng ta cùng theo dõi dưới đây:
1). NỘI NGOẠI KHÔNG:
1. NHÂN DUYÊN:
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú giữa các dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở tu viện Nigrodha (Ni-câu-luật Thọ Viên).
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Kapilavatthu để khất thực. Sau khi đi khất thực ở Kapilavatthu, ăn xong, trên đường đi khất thực trở về, Thế Tôn đi đến trú xứ của Thích-ca Kalakhemaka để ở ban ngày. Lúc bấy giờ, tại tu viện của Thích-ca Kalakhemaka, có sắp đặt rất nhiều sàng tọa. Thế Tôn thấy rất nhiều sàng tọa tại trú xứ của Thích-ca Kalakhemaka, thấy vậy Thế Tôn suy nghĩ: "Rất nhiều sàng tọa được sắp đặt tại tu viện của Thích-ca Kalakhemaka. Không biết ở đấy có rất nhiều Tỷ-kheo ở không?"
Lúc bấy giờ Tôn giả Ananda cùng với rất nhiều vị Tỷ-kheo đang làm y (civarakamma) ở trú xứ của Thích-ca Ghataya.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến trú xứ của Thích-ca Ghataya, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
-- Này Ananda, có rất nhiều sàng tọa được sắp đặt tại trú xứ của Thích-ca Kalakhemaka. Không biết có nhiều Tỷ-kheo trú ở đấy không?
-- Bạch Thế Tôn, có rất nhiều sàng tọa được sắp đặt ở trú xứ của Thích-ca Kalakhemaka; có rất nhiều Tỷ-kheo trú tại chỗ ấy. Bạch Thế Tôn, nay là thời chúng con làm y.
Chúng ta thấy mở đầu Kinh nói những sự thành tựu về: sự tin tưởng (Tín), sự nghe thấy (Văn), thời gian (Thời), vị thuyết giảng (Chủ thể) là Đức Phật. Địa điểm nơi thuyết giảng là tại Tu viện dòng họ Thích Ca (Kalakhemaka) thuộc thành Xá Vệ (Nơi thuyết giảng), thấy nhiều chỗ ngồi (sàng tọa) tại Tu viện (Nguyên nhân thuyết giảng), và chỉ có Tôn giả A Nan nghe thuyết pháp (Người nghe); tất cả biểu tượng đầy đủ nhân duyên cho việc nói Kinh.
2. LỐI SỐNG CỦA TU SĨ:
Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
-- Này Ananda, một Tỷ-kheo không chói sáng nếu thích thú trong hội chúng của mình, nếu hân hoan trong hội chúng của mình, nếu hoan hỷ trong hội chúng của mình, nếu thích thú trong hội chúng của người, nếu hân hoan hoan trong hội chúng của người, nếu hoan hỷ trong hội chúng của người.
Này Ananda, nếu Tỷ-kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, hân hoan trong hội chúng của mình, hoan hỷ trong hội chúng của mình, thích thú trong hội chúng của người, hân hoan trong hội chúng của người, hoan hỷ trong hội chúng của người, có thể là một vị chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạc, độc cư lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; sự kiện như vậy không xảy ra.
Nhưng này Ananda, Tỷ-kheo nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thời vị ấy có hy vọng chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạc, độc cư lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; sự kiện như vậy có thể xảy ra.
-- Này Ananda, nếu Tỷ-kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, hân hoan trong hội chúng của mình, hoan hỷ trong hội chúng của mình, thích thú trong hội chúng của người, hân hoan trong hội chúng của người, hoan hỷ trong hội chúng của người sẽ chứng đắc và an trú với tâm giải thoát có hạn kỳ và thoải mái hay không có hạn kỳ và bất động; sự kiện như vậy không xảy ra.
-- Nhưng này Ananda, Tỷ-kheo nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thời vị ấy có hy vọng sẽ chứng đắc và an trú với tâm giải thoát có hạn kỳ và thoái mái, hay không có hạn kỳ và bất động; sự kiện như vậy có xảy ra.
Đoạn Kinh trên này, Đức Phật dạy rằng nếu vị Tăng (Tỷ-kheo) nào thích thú, hân hoan trong hội chúng của mình hoặc hội chúng của người, có thể là một vị chứng đắc tùy theo ý muốn, không khó khăn, không mệt nhọc, mà được vui xa lià lo buồn (viễn ly lạc), vui ở một mình (độc cư lạc), vui được yên tĩnh (an tịnh lạc), và vui biết rõ chân lý (chánh giác lạc); sự kiện như vậy không thể xảy ra.
Nhưng vị Tăng nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thì vị ấy có hy vọng chứng đắc tùy theo ý muốn, chứng đắc không khó khăn, không mệt nhọc, mà được vui xa lià lo buồn, khi ở một mình được yên tĩnh và biết rõ được chân lý; sự kiện như vậy có thể xảy ra.
3. AN TRÚ NỘI KHÔNG:
Thế tôn nói tiếp:
-- Này Ananda, Ta không quán thấy một sắc pháp nào trong ấy có hoan hỷ, trong ấy có hoan lạc, chịu sự biến dịch, chịu sự đổi khác mà không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Nghĩa là Đức Phật đã quán sát thấy rõ ràng là tất cả vật chất (sắc pháp) đưa đến sự hân hoan vui sướng, đều thay đổi vô thường, sinh ra buồn rầu, bi thương, lo khổ.
-- Nhưng sự (an) trú này, này Ananda, đã được Như Lai hoàn toàn giác ngộ, tức là sau khi không tác ý với tất cả tướng, chứng đắc và (an) trú nội không. Nghĩa là sự an định tâm thức không dao động (an trú) này đã được Đức Phật biết rõ ràng (giác ngộ hoàn toàn), tức là sau khi không chú tâm (không tác ý) chấp thật với tất cả hình dạng dung mạo (tất cả tướng). Ví như chấp ta (ngã), người (nhân), chúng sinh, thọ giả, sẽ đạt (chứng đắc) và an định tâm thức không dao động (an trú) Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (Nội Không). Tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không chấp cảnh là thật, mà chỉ là do duyên giả có, ảo huyển, là không.
Và nếu này Ananda, trong khi Như Lai an trú trong an trú này, nếu có những Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, quốc vương, đại thần, ngoại đạo, ngoại đạo đệ tử đến yết kiến, trong khi ấy, này Ananda, Như Lai với tâm hướng đến viễn ly, thiên về viễn ly, nặng nề viễn ly, sống độc cư, hoan hỷ trong ly dục, làm cho đoạn tận tất cả các pháp dựa trên các lậu hoặc an trú, nói lên tại chỗ ấy những lời thuần túy liên hệ đến khích lệ.
Nghĩa là trong khi Ngài an định tâm thức (an trú) này, nếu có bất cứ một người nào đến yết kiến, thì Ngài với tâm hoàn toàn dứt bỏ (viễn ly) tất cả, sống một mình (độc cư), vui thích trong lià dục (ly dục), làm cho chấm dứt (đoạn tận) tất cả các sự việc (các pháp) tham dục ô nhiễm. Ngài nói lên những lời thuần túy về tâm hướng đến tránh xa tham dục, khuyến khích sống một mình biết đủ, khích lệ vui thích trong việc dứt bỏ tham dục.
Do vậy, này Ananda, nếu Tỷ-kheo ước vọng: "Sau khi chứng đạt nội không, ta sẽ an trú", vị Tỷ-kheo ấy, này Ananda, cần phải an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm.
-- Và này Ananda, như thế nào Tỷ-kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhứt tâm... Tam thiền... chứng và trú Tứ thiền. Như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm.
Nghĩa là nếu vị Tăng mong muốn rằng: “Sau khi đạt Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (Nội Không), ta sẽ an định tâm thức không dao động (an trú)”, thì vị ấy cần phải an chỉ, an tọa thiền định, chuyên nhất và an định nội tâm như sau:
1- Lià bỏ ham muốn (ly dục), dứt bỏ các điều ác (ly bất thiện pháp) sẽ đạt an định tâm thức không dao động (an trú) bậc thiền thứ nhất (sơ thiền), một trạng thái vui vẻ (hỷ lạc) do lià bỏ tham dục sinh ra có sự suy tìm (tầm) xét soi (tứ).
2- Diệt bỏ suy tìm và xét soi, không biết (không giác) không thấy (không quán), bên trong yên tĩnh (nội tĩnh nhất tâm) đạt và an định bậc thiền thứ hai (nhị thiền), một trạng thái không suy tìm (vô tầm) không xét soi (vô tứ), được định sinh ra vui sướng (hỷ lạc).
3- Xả bỏ niệm vui do định sinh, thân cảm giác an vui, an định một tâm tịch tĩnh (nội tĩnh nhất tâm) đạt thiền thứ ba (tam thiền).
4- Diệt tất cả các khổ vui nhỏ nhiệm, diệt luôn cái vui của thân thiền định, an định một tâm tịch tĩnh (nội tĩnh nhất tâm), đạt thiền thứ tư (tứ thiền).
Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội không, tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến nội không. Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không, tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.
Nghĩa là vị ấy chú tâm (tác ý) Sáu Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (nội không); tức là Sáu Căn không dính mắc chấp thật bởi bất cứ một trần cảnh nào trong tâm. Trong khi vị ấy chú tâm đến Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp, thì tâm không thích thú, không tin tưởng (không tịnh tín), không an định tâm thức (không an trú), không hướng đến Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (không hướng đến nội không). Ở đây nói lên ý nghĩa rằng sự hành trì thiền quán chưa được thuần nhiễn, nên tâm không được thích thú tin tưởng an đinh, vị ấy cần phải hành trì kiên cố tinh tấn lâu dài.
4. AN TRÚ NỘI
NGOẠI KHÔNG:
(Còn tiếp)