THIỀN QUÁN
VỀ SỐNG VÀ CHẾT
Cẩm Nang Hướng Dẫn Thực Hành
The Zen of
Living and Dying
A Practical and Spiritual Guide
Đại Sư Philip Kapleau
HT.Thích Như Điển
TT. Thích Nguyên Tạng
Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu
Ấn Hành 2017
VẤN ĐỀ ĐAU KHỔ
Việt dịch: TT. Thích Nguyên Tạng
"Ồ, nó là thật. Nó là điều có thật độc nhất.
Đau khổ. Vậy chúng ta hãy gọi tên sự thật này, như những con người.
Chúng ta sinh ra vui sướng để vui sướng có thể trở thành đau khổ.
Chúng ta sinh ra hy vọng để hy vọng có thể trở thành đau khổ.
Chúng ta sinh ra yêu thương để yêu thương có thể trở thành đau khổ.
Chúng ta sinh ra đau khổ để đau khổ có thể trở thành đau khổ hơn.
Và từ sự biến đổi không ngừng đó,
Chúng ta có thể làm cho người khác đau khổ như sự định nghĩa chính yếu của mình".
* Lời thơ của Robert Penn Warren
Không có cuộc thảo luận về sự chết nào trọn vẹn mà không nói về vấn đề đau khổ. Chúng ta sẽ xét hai sự hiển lộ của đau khổ: Thứ nhất là sự đau khổ vốn có trong đời sống, tức là trong sinh, lão, bệnh, tử và những sự cố khác; thứ hai là sự đau đớn do bị thương, bị bệnh nặng hay một căn bệnh nguy hiểm tới mạng sống, ví dụ như ung thư. Trong cuộc thảo luận này, chúng ta sẽ xét đau đớn và đau khổ không như một sự kiện trừu tượng mà như vị thầy của đời sống. Như vậy chúng ta sẽ thảo luận cách thức chúng ta có thể học từ đau khổ cũng như cách thức chúng ta có thể chấm dứt nó, hay ít nhất cũng giảm thiểu nó.
Ở đây, tôi dùng hai từ ngữ "đau đớn" (pain) và "đau khổ" (suffering), có thể hoán đổi với nhau dù nói cho đúng thì chúng không hoàn toàn giống nhau; đau khổ là thành phần tâm lý của sự đau đớn mà người ta phải chịu. Từ ngữ mà Đức Phật dùng cho "đau khổ" là "Dukkha", một chữ sâu xa và phức tạp hơn là từ ngữ "đau khổ" mà ta thường nghe. Chúng ta cảm thấy ý nghĩa sâu xa của từ "Dukkha" khi hiểu rằng từ ngữ này đã được dùng để mô tả một cái bánh xe không quay trơn tru quanh trục của nó, hay một cái xương bị trật khớp. Vì đời sống trật khớp nên có sự cọ sát và đau đớn. Vậy "Dukkha" hàm ý đau đớn, đau buồn, phiền não, khốn cùng, hay thất vọng. Nó cũng hàm ý sự phù du, không thường tồn, và sự không trọn vẹn hay hoàn hảo.
ĐAU KHỔ CỦA ĐỜI SỐNG
Tứ Diệu Đế
Đức Phật đã phân tích những sự "trật khớp" của đời sống gây ra đau khổ và giống như một y sĩ giỏi, Ngài thực sự được gọi là Đại Y Sĩ (Great Physician), Ngài kê toa cho thuốc chữa bệnh đau khổ. Ngài gọi sự chẩn trị này là Tứ Diệu Đế hay bốn chân lý thâm diệu. Vậy giáo lý của Ngài không phải là sự quan sát sơ sài những sự kiện. Ngài phân tích nguyên nhân của sự khổ và chỉ dẫn cách giải trừ đau khổ.
Diệu đế thứ nhất "Đời là khổ", cho thấy sự phổ quát của đau khổ và đau khổ là một thành phần của đời sống, vì sinh, lão, bệnh và tử là khổ, phải sống với người mình không thích là khổ, phải xa lìa người mình thích là khổ, không có cái mình muốn là khổ, những sự mất mát là khổ, tóm lại có thân năm uẩn để chấp thủ là khổ.
Có thể nói thêm là trẻ con cũng phải chịu nhiều đau khổ, người lớn thì phiền não hay lo nghĩ suốt đời cho tới khi già yếu với sự sợ chết. Lúc nào loài người cũng phải chịu những nổi khổ vì đói lạnh, bệnh tật, thiên tai, tai nạn và chiến tranh. Vì vậy mà cuộc đời được gọi là "biển khổ" (a bitter sea of suffering).
Có nhiều người xem giáo lý của Đức Phật là bi quan và chối bỏ đời sống, nhưng kỳ thực không phải như vậy. Huston Smith viết "Cuộc đời của Đức Phật cho thấy, người ta có thể sống một đời sống tốt và đó là bằng chứng về sự lạc quan của Ngài trước tình trạng không hoàn hảo của thế gian, một tình trạng đau khổ ở bên bờ của sự hỗn loạn hoàn toàn".
Đức Phật nhận xét có những niềm vui lớn trong đời sống gia đình, trong những lạc thú của các giác quan, trong sự lành mạnh của tâm trí, và trong nhiều kinh nghiệm của đời sống khác. Có một đoạn trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada) nói về hạnh phúc như sau: "Chúng ta hãy sống hạnh phúc, chúng ta những người chứng ngộ tánh Không (hay không sở hữu gì cả). Chúng ta hãy trụ trong pháp lạc giống như những vị thần chói sáng. Sức khỏe là tặng phẩm lớn nhất, an lạc là của cải lớn nhất, sự tin tưởng là mối quan hệ tốt nhất. Niết Bàn là phúc lạc vô thượng"
200. “Vui thay chúng ta sống,
Không gì, gọi của ta.
Ta sẽ hưởng hỷ lạc,
Như Chư Thiên Quang Âm.”
204 “Không bệnh, lợi tối thượng,
Biết đủ, tiền tối thượng,
Thành tín đối với nhau,
Là bà con tối thượng.
Niết Bàn, lạc tối thượng.”
(Bản dịch của HT Minh Châu).
Nhưng khi chúng ta cảm thấy hạnh phúc và đồng thời biết rằng hạnh phúc không kéo dài mãi mãi, ở ngay trong lúc hạnh phúc đã có mầm móng của khổ đau rồi, đó là tính chất phù du của hạnh phúc chỉ nhấn mạnh đến tính chất phổ quát của khổ đau.
Diệu đế thứ hai, " Nguồn gốc của sự khổ", là như sau: Sự tham muốn gây ra luân hồi. Nó tìm hoan lạc đây đó, muốn sinh và muốn diệt.
Từ ngữ mà Đức Phật dùng để mô tả nguồn gốc của đau khổ là "tanha", tức tham muốn. Nhưng có những ý muốn đưa tới đau khổ mà cũng có những ý muốn làm cho đời sống phong phú hơn. Ví dụ, ý muốn phát triển bản thân về thể xác, tâm trí và đạo đức là có giá trị. Ý muốn giúp đỡ người khác một cách vô vị kỷ cũng rất đáng khen. Và giá trị nhất là ý muốn đạt đến giải thoát và giác ngộ.
Ý tưởng về tự ngã hay cái "ta" cũng sinh ra những tham muốn, và tham muốn lại củng cố tự ngã. Học giả John Blofeld viết: "Có thể nói rằng nguyên nhân của mọi đau khổ và luân hồi là tham muốn hay ái dục. Giống như nhiều từ ngữ Phật Giáo khác, ái dục mang ý nghĩa của chính nó cũng như từ ngữ đối nghịch, sân hận. Do vô minh, chúng ta tham muốn và bám víu vào sự vật, đồng thời giận và ghét những sự vật khác, và vì vậy chúng ta trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi bất tận. Ái dục và sân hận làm cho chúng ta nghĩ với tâm nhị nguyên về mình và về người khác, có và không, tốt và xấu, đáng thương và đáng ghét, và những cặp đối nghịch khác. Chúng ta không biết rằng vũ trụ vạn vật là do chính tâm trí của mình tạo ra - hiện hữu trong cái Tâm vốn là một với tâm của mỗi chúng ta. Nhưng nếu chúng ta sẵn lòng chấp nhận điều này, nếu chúng ta thực hành tu tập giải trừ ái dục, sân hận và những ý tưởng nhị nguyên phân biệt khác, nếu chúng ta rút khỏi cõi sắc tướng vào một chỗ trong tâm và buông bỏ tự ngã, thì khi đó những vật tâm tạo sẽ dần dần mất sức mạnh gây phiền não cho chúng ta. Tâm trí của chúng ta sẽ giống như một tấm gương phản chiếu mọi chi tiết của những gì xuất hiện ở trước nó mà vẫn không chịu một ảnh hưởng nào của những sự vật đó, dù đẹp hay xấu".
Vậy gốc rễ của đau khổ là ảo tưởng về tự ngã, phân biệt mình với tất cả những gì khác. Những ý tưởng này đưa tới tham muốn những vật để thỏa mãn sự đòi hỏi của cái "ta", và đưa tới sự bám giữ vào những vật đó vốn được xem là có thật và thường tồn mà thật ra chúng luôn biến đổi và hư hoại. Đời sống vô minh như vậy giống như cái nhà xây trên cát, nó sẽ sụp đổ.
Diệu đế thứ ba, " Sự Diệt Khổ", tức là sự giải trừ trọn vẹn ái dục, cũng như tâm vị kỷ. Việc này được thực hiện qua pháp tu Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Sự Diệt Khổ
Phật Pháp là pháp trị liệu hay pháp tu cho chính đời sống này. Lối sống có ý thức này được gọi là là đạo pháp. Đây là một phương pháp mạnh mẽ do Đức Phật đề ra để người thực hành có thể thoát khỏi ba điều độc hại tham dục, sân hận và si mê. Khi được thực hành một cách kiên nhẫn, Bát Chánh Đạo sẽ tái tạo con người, đưa tới giác ngộ và giải thoát. Đức Phật nói "Lành thay cho những ai tìm được và thực hành con đường thánh đạo giải thoát này".
Tu tập không chỉ có nghĩa là ngồi Thiền, mà còn nhiều điều khác, trong đó có sự hòa nhập trọn vẹn vào bất cứ việc gì mình đang làm, như tham thiền, đi, đứng, nằm, ngồi hay lái xe. Hành giả có sự chánh niệm, tức là có ý thức, và sự bình tĩnh trong mọi trạng thái. Vậy, tu theo nghĩa rộng nhất là có sự cảnh giác vào mọi lúc và gây dựng trạng thái tâm không có sự phê phán, phân biệt, tiên tiến và những cảm xúc độc hại tham, sân, si, ganh tị, và kiêu ngạo. Trong khi có nhiều điều để làm, nhiều nơi để đi, nhiều nhu cầu để thỏa mãn, làm sao chúng ta có thể hòa nhập tâm trí trong mỗi khoảnh khắc? Thoreau khuyên chúng ta " Hãy đơn giản hóa" (Simplify).
Tính chất của đời sống là biến đổi
Tham muốn hay bám giữ vào người và vật khác sẽ đưa tới đau khổ. Vì sự vô thường là quy luật của đời sống, nên chúng ta sẽ phải phân ly với những gì mình đang bám giữ, và sự phân ly này gây đau đớn.
Lama Anagarika Govinda (người Đức) đã nói về tính chất và hậu quả của sự bám giữ như sau: "Tính chất của đời sống là biến đổi, còn tính chất của sự chấp thủ là giữ lại, củng cố, ngăn cản sự biến đổi. Vì vậy, đối với chúng ta sự biến đổi là đau khổ. Nếu chúng ta không nhìn những vật đối tượng hay những trạng thái hiện hữu từ quan điểm chiếm hữu hay hưởng thụ một cách vị kỷ, chúng ta sẽ không bị phiền não một chút nào khi chúng biến đổi hay không còn nữa; ngược lại chúng ta vui hưởng sự biến đổi trong nhiều trường hợp, hoặc khi những trạng thái hay những đối tượng không đáng ưa không còn nữa hoặc giả sự biến đổi cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm mới hay để lộ ra cho chúng ta một tri kiến sâu xa về tính chất của sự vật, và những khả năng giải thoát lớn hơn. Vì vậy, "thế gian" hay sự biến đổi của nó không phải là nguyên nhân của đau khổ, mà đó là thái độ của chúng ta đối với thế gian, sự bám giữ của chúng ta vào nó, sự tham muốn, sự vô minh của chúng ta".
Ý nghĩa của Bát Chánh Đạo
Ý nghĩa của Bát Chánh Đạo là để giải trừ đau khổ và đạt được an lạc ngay trong đời sống phải có một sự giác ngộ. Điều kiện của giác ngộ là một đời sống đạo đức, hành thiền, và xả ly. Một điều cần phải có thêm là chứng ngộ tánh Không của vạn vật. Người ta không thể tiến trên con đường dẫn đến giác ngộ, trừ khi tâm trí thoát khỏi những phiền não do hành vi vô ý thức hay vô minh gây ra, vì vậy một lối sống dựa trên hành vi đạo đức là nền móng của sự chứng ngộ tâm linh.
Những mức độ giác ngộ
Có những mức độ giác ngộ khác nhau. Người ta có thể cảm nhận một cách mơ hồ hoặc có thể trông thấy rất rõ. Khi thực sự cảm nhận rằng Chơn Tánh của vạn vật (Essential-nature of the phenometal world) là không có một chất liệu thường tồn nào cả, chúng ta sẽ không bám giữ vào những sự vật nào nữa, vì chúng chỉ là những ảo ảnh. Và sự chết cũng được nhìn thấy là một ảo ảnh, không thật có.
Sự giác ngộ của Đức Phật sâu xa đến mức người ta hỏi Ngài: "Ngài là ai?". Hàm ý " Ngài thuộc cấp nào?".
Họ hỏi: "Ngài có phải là một vị Thần không?"
- "Không"
- " Một Thiên thần?"
- " Không"
- " Một vị Thánh?"
- " Không"
- " Vậy Ngài là gì?"
- "Ta giác ngộ".
Thật vậy, đó là ý nghĩa của "Buddha", có nguồn gốc từ cổ ngữ Ấn Độ Sanskrit, "budh", nghĩa là "thức dậy", "biết".
Ví dụ sau đây nói lên tới một mức nào đó của trạng thái tâm mà sự giác ngộ sản sinh. Một người mù từ khi mới sinh ra dần dần phục hồi thị giác của mình. Lúc đầu người đó chỉ có thể trông thấy rất mờ và tối, và cũng chỉ có thể trông thấy những vật ở gần. Khi thị giác trở nên tốt hơn, người đó có thể thấy rõ những vật ở cách vài thước, rồi mười thước, rồi một trăm thước, rồi cả một ngàn thước. Ở mỗi mức độ này, thế giới hiện tượng mà người đó trông thấy vẫn là một, nhưng sự khác nhau ở độ rõ và chính xác những sự quan sát thì lớn như sự khác nhau giữa con kiến và con voi. Thế giới không thay đổi, chỉ có nhãn quan của người đó về thế giới thay đổi.
Với sự giác ngộ, chúng ta hiểu ra rằng từ trước tới giờ mình đã nhìn thế gian cứ như là qua một cái kính đen. Bây giờ, lần đầu tiên, chúng ta nhìn sự vật theo tính chất thật của chúng, và chúng ta thấy thế gian đầy vẻ đẹp và những điều kỳ diệu mà mình đã chưa bao giờ tưởng tượng. Tất nhiên, phẩm chất của sự trông thấy đó tùy thuộc vào việc mình giác ngộ cạn hay sâu. Nhưng sự ngạc nhiên thích thú là bằng chứng của sự giác ngộ dù chỉ sơ khởi.
Nhưng giác ngộ trọn vẹn không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy đau khổ. Ngay cả Đức Phật cũng cảm thấy đau buồn, và cảm thấy một cách sâu xa, nhưng Ngài không chấp thủ những cảm xúc này.
Người không giác ngộ hay vô minh, đi qua cuộc đời một cách mê muội. Không thỏa mãn với thân phận của mình, họ không hạnh phúc trong phần lớn thời gian. Những ý nghĩ xao động trong tâm trí của họ suốt ngày. Vì vậy họ nhìn mà không thực sự trông thấy, lắng nghe mà không thực sự nghe thấy. Họ chỉ nghe thấy những ý nghĩ xao động của mình chứ không thấy những nhịp điệu của sự sống.
Đau đớn của thể xác
Chúng ta đã thảo luận về sự đau khổ hiện sinh, tức sự đau khổ của đời sống. Sự đau khổ của thể xác thì sao? Sự đau khổ trong một căn bệnh như ung thư xương là gì? hay bị thương nặng trong một tai nạn xe hơi?
Bác sĩ Cicely Saunders, Giám đốc Bệnh viện St. Christopher gần London, có ý tưởng về sự đau khổ toàn diện như sau: Sự đau khổ phát sinh không chỉ từ một sự kích thích ở thể xác mà qua một sự tương tác phức tạp của nhiều nhân tố. Sự đau khổ toàn diện gồm có bốn loại là nguồn gốc thân xác, trầm uất, sân hận và lo sợ.
Nguồn gốc thân xác là những nhân tố: Triệu chứng sức khỏe suy giảm, căn bệnh không phải ung bứu và ung thư.
Sự trầm uất là những nhân tố: Mất địa vị xã hội, mất quyền lợi và thu nhập của việc làm, mất vai trò trong gia đình, mệt mỏi và mất ngủ, cảm giác bất lực và cảm thấy mình xấu đi.
Sân hận là những nhân tố: Thủ tục rắc rối, bạn bè không đến thăm, chẩn bệnh chậm trễ, thiếu bác sĩ, khó chịu và trị liệu thất bại.
Lo sợ là những nhân tố: Sợ bệnh viện hay nhà điều dưỡng, sợ đau, lo nghĩ về gia đình, tài chánh gia đình, sợ chết, mất sự uy nghi và sự kiểm soát cơ thể, tinh thần bất an và tương lai bất định.
Khi được đề nghị mô tả sự đau đớn của mình, đa số người không biết sao. Đau là một cảm giác cơ thể bị nhuộm nhiều màu bởi những trạng thái cảm xúc, điều kiện tinh thần, quy định của văn hóa, sợ căn bệnh gây đau đớn, sợ chết vì căn bệnh, và nhận thức về tình trạng của mình liên quan tới nguyên nhân của sự đau. Thêm nữa, nhận thức về toàn thể hoàn cảnh đời sống của mình, mình đã học cách đối phó với sự đau đớn như thế nào khi còn nhỏ, sự mệt mỏi và cả mức độ lãng quên cơn đau vào bất cứ lúc nào, những điều này có ảnh hưởng tới cảm giác. Những cuộc nghiên cứu cho thấy âm nhạc, tiếng động, thôi miên hay một sự xao lãng làm cho người ta khó cảm thấy đau hơn là khi lo sợ, trầm uất và mệt mỏi. Những người bị đau đớn kéo dài đã học cách bắt buộc mình tập trung vào những hoạt động gây sự chú tâm nhiều tới mức không cảm thấy sự đau đớn, hoặc cảm thấy ít hơn. Những người chịu sự đau đớn mãn tính cho biết cách tốt nhất để giảm đau là hòa nhập tâm trí vào công việc của mình.
Ý thức về tự ngã như một người phân cách với những người khác càng chặt chẽ thì người ta càng cảm thấy đau khổ trong thể xác cũng như đau khổ trong đời sống. Theo nghĩa này thì không có ranh giới giữa hai sự đau đớn đó.
Đau cấp tính và đau mãn tính
Đau cấp tính có lợi điểm là hữu hạn chứ không vô hạn, tức là người ta biết rằng dù có thể kinh khủng, nó sẽ không tiếp tục mãi mãi. Đau mãn tính thì có thể tiếp tục, có khi tới cuối đời. Nhiều người bị đau mãn tính thực sự muốn đời mình chấm dứt sớm. Theo Bác Sĩ Robert Twycross, một chuyên gia về đau, người Anh, thì đau mãn tính thường do bác sĩ không hiểu trọn vẹn nguồn gốc của sự đau đớn của bệnh nhân, vì sự đau đớn thể xác có thể phát sinh nhiều hơn là khối u, vết rạch, vết thương, hay căn bệnh của bệnh nhân. Sự ê ẩm vì nằm ở giường, táo bón, lo sợ, kiệt sức, thay đổi thế nằm hay thay đổi trong việc dùng tay và chân trong phản ứng với sự đau, và nhiều thứ khác sẽ gây ra đau đớn. Bạn bè, thân nhân, các bác sĩ và y tá tương tác với bệnh nhân có thể với thái độ và sự đáp ứng của họ dành cho riêng bệnh nhân sẽ giúp làm giảm sự đau đớn. Sir David Smithers, Giám đốc ban xạ trị của một bệnh viện ở Anh Quốc, đặt ra một quy tắc là y sĩ của bệnh viện nên đến thăm những bệnh nhân bị bệnh thời kỳ cuối mỗi ngày. Một bác sĩ dù tài giỏi đến đâu về dược lý lâm sàng (clinical pharmacology), nếu không có thời giờ để trò chuyện, sẽ không biết gì về việc chăm sóc thời kỳ cuối. Ở đây, trò chuyện có nghĩa là "bệnh nhân trò chuyện" trong khi bác sĩ lắng nghe. Dù cần có cả thời gian lẫn cảm xúc, lợi ích của việc này là đáng kể.
Kiểm soát sự đau đớn
Giá trị của kiểm soát sự đau đớn trong việc nâng cao ý thức của người bệnh hấp hối và làm cho người đó dễ chịu được nhấn mạnh trong một cuốn băng ghi âm được thực hiện với sự bảo trợ của Bệnh viện St. Christopher:
"Mấy tuần cuối cùng trước khi chết có rất nhiều điều cần được nói tới, những sự thu xếp cụ thể cần phải được làm. Nếu trong thời kỳ này bệnh nhân bị xao lãng bởi sự đau đớn mãn tính, bị mê man bởi thuốc an thần nặng, hay không dễ chịu vì miệng khô, ê ẩm vì giường nằm hay táo bón thì một cơ hội quan trọng sẽ bị bỏ lỡ. Bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân hấp hối sẽ không tìm cách chữa hay không còn tìm phương tiện giữ cho căn bệnh ở trong sự kiểm soát. Tài năng của bác sĩ được hướng tới việc kiểm soát một loạt những triệu chứng biến đổi. Nhưng nếu bác sĩ có thể nâng mức ý thức của bệnh nhân lên trên sự bận tâm trị liệu của họ với thể xác của mình thì việc này sẽ làm cho họ có cơ hội chấm dứt sự sống của mình trong sự dễ chịu, hòa hợp với chính mình và gia đình của mình".
Có nhiều cách kiểm soát sự đau đớn làm cho bệnh nhân giữ được sự tỉnh táo. Cuốn sách này không thể xét kỹ hơn về những cách này, nhưng ngoài những phương thuốc được đề ra một cách thận trọng, chúng bao gồm thôi miên, những kỹ thuật sửa đổi hành vi, châm cứu, những kỹ thuật thư giản, tư vấn tâm bệnh học và thiền quán. Sự đau đớn của mỗi người có tính chất cá nhân, tùy thuộc vào kinh nghiệm đời sống và những kỳ vọng của người đó cũng như tùy thuộc vào tất cả những nhân tố khác đã nói ở phần trên, và như vậy không có phương cách phổ quát nào có thể được đề ra để chấm dứt hay giảm nhẹ sự đau đớn đó.
Tuy nhiên, có thể nói rằng việc giải trừ sự đau khổ của đời sống cũng sẽ giải trừ đáng kể sự đau đớn thể xác. Và sự đau đớn thể xác có thể có ích lợi lớn là thúc đẩy con người thôi tự mãn để đi tìm Chân Lý.
Thái độ đối với sự đau đớn
Sự đau đớn có thể là vị Thầy lớn nhất cuộc đời mình. Có những loại đau đớn mạnh tới mức ý thức phân biệt, ý tưởng mình là ai, sự chấp thủ vào mọi sự vật, đều biến vào lửa nguyên thủy của sự đau đớn, không có gì khác hiện hữu. Trong khoảnh khắc vĩnh cửu đó, có một cái gì không thể cảm nhận được xảy ra, và khi cơn đau giảm bớt hay tan biến, người ta sẽ không còn như trước nữa. Điều này chỉ khả hữu nếu không có sự phân cách với cơn đau, không chiến đấu, không kháng cự, không sân hận, mà chỉ kêu lên "Ôi, đau quá!".
Những nếu nghĩ "Trời ơi! Cơn đau kinh khủng này thật đáng sợ! Mình chưa bao giờ bị đau như vầy!", thì người ta sẽ vẫn là một sự tự ngã nhỏ bé, cô lập, bị lôi cuốn bởi ý muốn mình là một cái gì khác hơn mình lúc này.
Đúng là sự hòa nhập mình vào bất cứ một điều gì, đưa tâm trí rời khỏi thể xác sẽ làm cho chúng ta bớt ý thức về cơn đau, nhưng thiền quán là phương pháp đặc biệt hiệu nghiệm cho mục đích này. Có nhiều loại thiền quán, nói một cách chặt chẽ thì thiền quán là đưa một điều gì đó vào tâm trí, ví dụ như một hình ảnh, một chữ thiêng liêng để quán tưởng hay một ý niệm để suy ngẫm. Khi đạt trạng thái định, tức là hòa nhập tới mức quên mình, hành giả sẽ không có ý thức gì về thân xác của mình, đừng nói gì tới cơn đau.
Một phương pháp hiệu quả để đạt trạng thái định là thiền quán về một vấn đề căn bản đang ám ảnh mình, ví dụ như "mình từ đâu đến khi sinh ra? Mình sẽ đi về đâu khi chết?" (Where did I come from when I was born, and where will I go when I die?), hay "các vị Thầy lớn của loài người thường nói rằng mỗi người chúng ta đều hoàn hảo từ khởi thủy. Vậy tại sao bây giờ mình phải chịu đau đớn và tại sao có quá nhiều đau khổ trong thế gian như thế này?". Để giải quyết sự mâu thuẫn giữa lời dạy của các vị Thầy và những gì có vẻ trái ngược đối với chúng ta, hành giả phải vật lộn với vấn đề tâm linh này. Và tất nhiên hành giả phải tin rằng mình có thể tìm được lời giải đáp.
Người bệnh phải nằm tại giường, cũng có thể thực hành thiền quán giải trừ đau đớn, nhưng nếu có thể ngồi, thì thế ngồi thẳng lưng là cách hiệu quả nhất để tham thiền.