KINH PHỔ MÔN
GIẢI NGHĨA
(Tiếp theo)
Toàn Không
KINH VĂN 6:
CÚNG DÀNG CHUỖI NGỌC
Vô Tận Ý Bồ Tát bạch Phật: "Thế-Tôn! Con nay phải cúng dường Quán-Thế-Âm Bồ-Tát". Liền mở chuỗi ngọc bằng các châu báu nơi cổ giá trị trăm nghìn lạng vàng, đem trao cho ngài Quán-Thế-Âm mà nói rằng: "Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này".
Khi ấy Quán-Thế-Âm Bồ-tát chẳng chịu nhận chuỗi. Ngài Vô-Tận-Ý lại thưa cùng Quán-Thế-Âm Bồ-Tát rằng: "Xin Ngài vì thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc này".
Bấy giờ Phật bảo Quán-Thế-Âm Bồ-Tát: "Ông nên thương Vô-Tận-Ý Bồ-Tát này và hàng tứ chúng cùng trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhơn và phi-nhơn v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó.
Tức thời Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thương hàng tứ chúng và trời, rồng, nhơn, phi-nhơn v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần: Một phần dâng đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, một phần dâng tháp của Phật Đa-Bảo.
Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát có sức thần tự tại như thế, dạo đi nơi cõi Ta Bà".
GIẢI NGHĨA:
Vô Tận Ý Bồ Tát Bạch Phật: “Thế-Tôn! Con nay phải cúng dường Quán-Thế-Âm Bồ-Tát", nghĩa là mỗi người đều có vô số dính mắc chấp trước, bị lôi kéo bởi Năm Trần, đó là mắt bị quyến rũ bởi hình sắc đẹp, tai bị dính mắc bởi tiếng ca lời nói ngọt ngào, mũi bị lối cuốn bởi mùi thơm, lưỡi bị hấp dẫn bởi vị ngon ngọt, thân bị lôi kéo bởi cảm giác khoan khoái, ý bị suy nghĩ tưởng nhớ năm thứ vừa nêu, gọi là pháp trần.
Tất cả những thứ này, chúng làm nhân làm duyên với nhau sinh ra liên tiếp vô lượng nhớ nghĩ tưởng nhớ, nên phải một lòng chí tâm quán chiếu để thấy chúng vô thường, không thật, là giả; suy tư thấy như thế, rồi dứt bỏ chúng không nhớ nghĩđến chúng, đó là ý nghĩa “cúng dàng Quan Thế Âm”.
Liền mở chuỗi ngọc bằng các châu báu nơi cổ giá trị trăm nghìn lạng vàng, đem trao cho ngài Quán-Thế-Âm mà nói rằng: "Xin Ngài nhận chuỗi trân bảo pháp thí này": Pháp thí là bố thí giáo lý để áp dụng tu hành, Ngài Bồ Tát Vô Tận Ý là biểu trưng đại diện cho con người có vô lượng suy nghĩ tưởngnhớ. Đây gọi làvọng tưởng vì chấp cái ta, cái của ta, chấp đủ thứ điên đảo, cúng dàng chuỗi ngọc qúy giá vì được thụ lãnh giáo pháp qúy báu.
Khi ấy Quán-Thế-Âm Bồ-tát chẳng chịu nhận chuỗi, Ngài Vô-Tận-Ý lại thưa cùng Quán-Thế-Âm Bồ-Tát rằng: "Xin Ngài vì thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc này".
Bồ Tát Quán Thế Âm không nhận chuỗi trân bảo, nên Ngài Vô Tận Ý khẩn cầu: "Xin Ngài vì thương chúng tôi mà nhận chuỗi ngọc này", tại sao Bồ Tát Quan Thế Âm không chịu nhận chuỗi hạt? Vì Ngài cho rằng pháp này khó, khó hiểu, khó cho người theo đó thực hành, nên Ngài từ chối không nhận.
Nhưng Bồ Tát Vô Tận Ý thì nghĩ rằng pháp này sẽ giúp cho chúng sinh nhiều lợi lạc, nên đã khẩn khoản xin Ngài vì lòng đại bi thương xót những người được nghe học pháp này mà nhận cho; ở đây là Bồ Tát Vô Tận Ý vì lợi ích của chúng sinh mà đại diện cúng dường vậy.
Bấy giờ Phật bảo Quán-Thế-Âm Bồ-Tát: "Ông nên thương Vô-Tận-Ý Bồ-Tát này và hàng tứ chúng cùng trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhân và phi-nhân v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó”.
Nghĩa là Đức Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm nên thương xót cho tâm nhớ nghĩvọng tưởng điên đảo của hàng tứ chúng cùng trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, người (nhân) và giống người mà không phải là người (phi-nhân) v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó, vì họ học và cố công kiên trì áp dụng thực hành Pháp thí này thì sẽ được lợi lạc vô cùng.
Tức thời Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thương hàng tứ chúng và trời, rồng, nhân, phi-nhân v.v... mà nhận chuỗi ngọc đó chia làm hai phần: Một phần dâng đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật, một phần dâng tháp của Phật Đa-Bảo. Bồ Tát Quán Thế Âm liền nhận chuỗi ngọc chia làm 2 phần, một phần cúng dàng Phật Thích Ca Mâu Ni, tức cúng dàng “Báo thân” Phật Thích Ca mâu Ni bằng xương bằng thịt, một phần cúng dàng Tháp của Phật Đa Bảo là “Pháp Thân” chỉ cho tự tánh thanh tịnh.
Ở đây Quán Thế Âm tượng trưng cho người tu hành, chuỗi ngọc trân bảo biểu trưng cho Thất Bảo (Bảy thứ qúy), mà Thất Bảo lại tượng trưng cho Thất Thánh Tài gồm: Tín, (tin tưởng), Giới (giữ Giới đầy đủ), Văn (nghe học), Tàm (thẹn với mình), Qúy (xấu hổ với người), Niệm (giữ chính niệm), Định (thiền định), Xả(xa lià dứt bỏ tất cả những cái không chân).Quán Thế Âm nhận chuỗi ngọc nghĩa là người tu thực hành Thất Thánh Tài.
Khi tu hành tới nơi tới chốn, nghĩa là chẳng còn một tí nào chấp thật Thân Tâm là ta, tức là Thân Tâm mình đã đem cúng dàng hết sạch hết trơn, không còn tí gì là ta là của ta nữa; khi đóở trong thiền định, thân tâm vắng lặng thanh tịnh, lúc ấy sẽđạttrí tuệ.
Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát có sức thần tự tại như thế, dạo đi nơi cõi Ta Bà".
Nghĩa là khi tu hành quán sát xả bỏ tất cả các điều sai quấy tới mức rồi được tịch tịnh, sẽ đạt “ý sinh thân” thì ý muốn đi đâu thân đi theo đến đó trong cõi Ta Bà này, tức là đi khắp giải Ngân Hà (Milkyway), nên được tự tại vô ngại và có sức oai thần lớn lao vậy.
(Còn tiếp)