GIẢI NGHĨA
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Quyển Thứ Bảy
Phẩm Thứ Hai Mươi Lăm:
“Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn”
Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
Giảng giải: Cư sĩ Toàn Không
KINH VĂN 2:
OAI THẦN CỦA QUÁN THẾ ÂM
Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, người ấy liền được thoát khỏị.
Nếu quỉ Dạ-xoa cùng La-sát đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì các quỉ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được.
Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thảy đều đứt rã, liền được thoát khỏi.
Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu, trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có một người xướng rằng: "Các Thiện-nam-tử! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, vị Bồ-Tát đó hay đem pháp vô-úy thí cho chúng sanh, các ông nếu xưng danh hiệu thì sẽ được thoát khỏi oán tặc nầy".
Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: "Nam-Mô Quán-Thế-Âm Bồ-Tát!" vì xưng danh hiệu Bồ-Tát nên liền được thoát khỏi.
Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát sức oai thần to lớn như thế.
GIẢI NGHĨA:
Nếu lại có người sắp sẽ bị hại, xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc, người ấy liền được thoát khỏi.
Dao gậy, ví như sức tác hại của sáu căn Mắt Tai Mũi Lưỡi Thân Ý bị dính mắc lôi kéo bởi sáu trần Sắc Thanh Hương Vi Xúc Pháp, sinh ra sự đau khổ như bị cắt, bị đánh bị chém. Như khi thấy vật qúy lạ của người thì muốn có, sinh ra tìm cách này cách nọ bất chính để cho có được, như chiếm đoạt, trộm cắp, lừa đảo, đánh cướp nhà băng, tìm cách hối lộ, … để có vật qúy ấy hay để có tiền mua nó.
“Nếu người sắp bị hại” xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát”, nghĩa là người có một trong sáu Căn sắp bị lôi kéo bởi đối tượng sáu Trần, sẽ đưa đến tìm đủ thứ thủ đoạn để chiếm đoạt cho được cái đẹp, cái hay, cái thơm, cái ngon, cái êm, cái yêu, và tìm mọi cách để gạt bỏ cái xấu, cái dở, cái hôi, cái không ngon, cái khó, cái ghét.
Từ những thủ đoạn để đạt được theo ý muốn của mình đó sẽ gây phiền não cho mình và cho người. Thí dụ thấy người đẹp sinh ra say mê rồi tìm mọi cách chiếm đoạt, khi không chiếm đoạt được thì tìm cách phá hại người; do đó gây đau khổ cho mình và cho người.
Nếu quán chiếu, suy xét về những việc ấy thì thấy sự dính mắc ấy sẽ đưa đến nguy hại, rồi rời bỏ, xa lià, không nghĩ đến những thứ ấy nữa, đó là ý nghĩa của “xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát”
“Thì dao gậy của người cầm liền gãy từng khúc”, nghĩa là những hậu qủa của ý nghĩ, dính mắc đưa đến việc làm xấu đều bị bẻ gẫy phá tan tành từ trong trứng nước, nên ví như có người cầm dao gậy toan hại mà dao gậy bị gãy từng khúc là vậy.
“Người ấy liền được thoát khỏi”, nghĩa là người ấy đã ngưng bặt dứt trừ sáu Căn dính mắc lôi kéo bởi sáu Trần, đưa đến chấm dứt các việc làm tai hại, thì đương nhiên là không có hậu qủa tai họa nữa.
Như mắt thấy không bị cái đẹp hay xấu điều khiển làm cho yêu hay ghét; tai nghe không bị lời khen chê lôi kéo làm cho mê mẩn hay bực tức. Mũi ngửi không bị mùi thơm hôi hành hạ, lưỡi ăn uống không bị ngon dở chi phối, thân tiếp xúc không bị cảm giác lôi cuốn. Ý nghĩ không bị các hình ảnh âm vang, cảm giác làm cho suy nghĩ tưởng nhớ nữa; đó là được giải thoát khỏi mọi ràng buộc vậy.
Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần không còn bị dính mắc đưa đến buồn phiền đau khổ như bị cắt bị đánh nữa mà được an nhiên tự tại. Chẳng khác nào như sắp bị dao chém gậy đánh mà dao gậy đều bị gẫy từng khúc vậy. Chứ chẳng phải rằng người sắp bị đánh bị chém, mà ở đó cầu nguyện xin Quan Thế Âm hay vị Thần linh dùng phép làm cho dao gậy vừa vung lên đã gãy ra từng khúc đâu mà lầm.
“Nếu quỉ Dạ-xoa cùng La-sát đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên muốn đến hại người, nghe người xưng hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì các quỉ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được”.
Như Kinh Văn 1 đã giải thích Quỉ Dạ-xoa cùng La-sát tượng trưng tánh độc hại hung bạo tàn ác giết người, Ma quỷ, chỉ sự cám dỗ của tham, sân, gây cho không còn phân biệt được đâu là thiện đâu là ác rồi tạo ra biết bao khổ đau cho kẻ khác và cho mình.
“Đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên muốn đến hại người”, nghĩa là nhiều vô số bao trùm khắp trong giải Ngân Hà (Milkyway), ở đây tượng trưng cho người có tánh tham sân nhiều vô kể, số vô lượng vô biên, nên ví rộng lớn như một giải Ngân hà. Cứ thử nghĩ mà xem, ví như riêng về tánh tham thôi, chúng ta thấy mọi người đều muốn đủ thứ nào là muốn ăn ngon mặc đẹp, muốn nhà cao cửa rộng, muốn xe hơi nhà lầu, có trăm nghìn cái muốn, v.v…; đây là lòng tham vô đáy vậy, các tánh khác cũng tương tự nhiều vô kể, không sao nói hết được.
Mà “nghe người xưng hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát”, nghĩa là người quán sát tham sân si là nguồn gốc của mọi đau khổ, xa lià dứt bỏ những thứ này, không còn tưởng nhớ chúng một tí nào cả. Tâm không có một tí nghĩ nhớ tham sân nào cả, giống như mặt gương sạch không một hạt bụi dơ, như hồ nước trong vắt không một chút vẩn đục.
“Thì các quỉ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được”, nghĩa là khi tánh tham sân si không còn nữa, thì làm sao còn tánh độc hại hung bạo tàn ác nữa, không còn dấu vết của những thứ ấy để mà thấy, đã không còn dấu vết để thấy thì không lấy gì để hoành hành làm hại.
Như vậy sẽ không còn bị cám dỗ lôi kéo của tham sân si, tức không còn vô minh mà được giải thoát; chẳng khác nào khỏi bị Dạ Xoa và La Sát làm hại, vì vậy cho nên nói “các quỉ dữ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn người, huống lại làm hại được” là vậy.
Chứ chẳng phải với ý nghĩa rằng nếu quỉ Dạ-xoa cùng La-sát đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên muốn đến hại người. Khi chúng nghe người ấy xưng hiệu niệm Nam Mô Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì tất cả các quỉ dữ đó sợ oai danh của ngài mà không dám hé mắt nhìn và không dám làm hại người ấy; đây là lầm lẫn to lớn, vì không thể nào có chuyện tưởng tượng như thế xảy ra được.
“Dầu lại có người hoặc có tội, hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát thảy đều đứt rã, liền được thoát khỏi”.
Gông cùm xiềng xích, biểu trưng sự ràng buộc mê mờ tối tăm vì những thứ như: Được Mất, Khen Chê, Vinh Nhục, Vui Buồn. Đây là tám thứ Gió (Bát phong) làm con người mất tự do tự tại, kìm sức phát triển về thể xác lẫn tinh thần. Chúng luôn luôn điều khiển đưa đường chỉ lối cho con người phải làm thế này phải làm thế kia, từ ý nghĩ, lời nói, đến việc làm, khiến tạo ra các việc ác cao dày như núi rừng, gây thành đau khổ cho chúng sinh càng ngày càng sâu rộng như biển.
“Nếu xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát”, nghĩa là biết quán chiếu tư duy tám thứ Gió là độc hại, chúng là mồi nhử, là bả độc là ung nhọt, cần phải tránh phải lià phải dứt bỏ. Chúng là sương mù, là đêm tối cần phải thắp sáng, chúng ví như người mù không thấy đường cần phải sáng mắt ra, như người ngủ mê tăm tối cần phải thức tỉnh, tránh xa thì sẽ không có trói buộc.
“Thì thảy đều đứt rã, liền được thoát khỏi”, nghĩa là dù người có tội hay không có tội, nếu tu dứt lià được tám thứ Gió độc hại rồi, đều sẽ hết bị si mê u tối ràng buộc; hết khổ, mà được sáng suốt tự tại, cũng ví như bị xiềng xích gông cùm mà được đứt rã vậy.
Chẳng phải như có người cho rằng: dầu người có tội hoặc không tội, khi bị gông cùm xiềng xích trói buộc thân thể, chỉ cần niệm xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát hay cầu nguyện van xin vị Thánh linh nào đó dùng phép mầu làm cho hết thảy gông cùm xiềng xích trói buộc thân thể đều đứt rã và được thoát khỏi khổ nạn. Nếu cho là như thế, tin như vậy, thì rõ ràng là người mê tín dị đoan, mơ tưởng hão huyền, cần phải thức tỉnh bằng cách quán chiếu suy nghiệm bằng Thiền định thì mới có thể tự cứu mình ra khỏi u mê.
Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu, trải qua nơi đường hiểm trở, trong đó có một người xướng rằng: "Các Thiện-nam-tử! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, vị Bồ-Tát đó hay đem pháp vô-úy thí cho chúng sanh, các ông nếu xưng danh hiệu thì sẽ được thoát khỏi oán tặc này".
Oán tặc: Ám chỉ những hành động sai quấy tội lỗi như trộm cướp, tà dâm, nói dối nói châm chọc, nói thêu dệt, nói ác; do đó, mất sạch công đức lành ví như bị giặc cướp hết sạch của cải tài sản. Mà giặc cướp chỗ nào cũng tràn lan khắp cả, nhiều vô kể, vì các hành động xấu ác của chúng sinh thì nhiều vô lượng, nên nói là: “kẻ oán tặc đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên”, là vậy.
”Có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu”: Vị Thương chủ này biểu trưng chính là Đức Phật, Ngài dạy cho chúng ta vô số giáo pháp, mà giáo pháp của Phật thì qúy giá vô cùng, nên ví như nhiều của báu.
“Trải qua nơi đường hiểm trở”, nghĩa là ở trong xã hội con người có vô số việc làm điên đảo không tốt xảy ra hàng ngày, nên ví như trải qua nơi đường hiểm trở.
“Trong đó có một người xướng rằng: "Các Thiện-nam-tử! Chớ nên sợ sệt, các ông nên phải một lòng xưng danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát””, nghĩa là các người tu hạnh Bồ Tát (Thiện nam tử) không nên sợ hãi buồn phiền, mà phải nên nhất tâm nhớ (niệm), tu hành quán sát các việc làm ác là tội lỗi (Quán), rồi xa lià chấm dứt (Thế) tất cả các hành động xấu ác (Âm) ấy và chỉ làm các việc tốt lành.
“Vị Bồ-Tát đó hay đem pháp vô-úy thí cho chúng sanh, các ông nếu xưng danh hiệu thì sẽ được thoát khỏi oán tặc này", nghĩa là vị Bồ Tát đó thường đem giáo pháp tu hành để bố thí cho chúng sinh, mà chúng sinh thực hành giáo pháp ấy thì sẽ không còn sợ hãi nữa. Nếu tu hành quán sát các việc làm ác là tội lỗi, rồi xa lià chấm dứt tất cả các hành động ấy như trộm cướp, tà dâm, nói dối nói châm chọc, nói thêu dệt, nói ác; khi đã chấm dứt những hành động điên đảo, không còn hành động sai quấy nữa thì sẽ không mất công đức lành, nên nói “sẽ được thoát khỏi oán tặc” là vậy.
“Các người buôn nghe rồi, đều lên tiếng xưng rằng: "Nam-Mô Quán-Thế-Âm Bồ-Tát!" vì xưng danh hiệu Bồ-Tát nên liền được thoát khỏi”. Nam Mô là cung kính phục tùng, kính lạy tuân theo; Nam-Mô Quán-Thế-Âm Bồ-Tát là phục tùng tuân theo việc tu của Bồ Tát để quán sát việc xấu ác làm mất công đức như tham sân, tà kiến, kiêu mạn, tật đố, v.v… cần phải diệt trừ tận gốc rễ.
Thực hành kiên cố như thế, nên không còn hành động sai quấy gây tội lỗi phải bị tù tội, mà hành động chính đáng là làm các việc tốt gây công đức lành. Ví như gặp giặc cướp được thoát khỏi vậy, giặc cướp ở đây là các hành động xấu ác không còn nữa, nên nói “liền được thoát khỏi” là vì lý lẽ đó.
Chứ chẳng phải với nghĩa đen, mà có người lầm tưởng rằng: Nếu có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo nhiều của báu, trải qua nơi đường hiểm trở có những kẻ oán tặc vô lượng vô số (đầy trong cõi tam-thiên đại-thiên).
Trong đó có một người nói rằng: "Mọi người không nên sợ sệt, các ông chỉ cần một lòng cung kính niệm danh hiệu Quán-Thế-Âm Bồ-Tát, thì Ngài sẽ cứu mọi người được thoát khỏi oán tặc này". Rồi mọi người bình thường chẳng tu hành gì cả, lúc ấy chỉ vì sợ bị hại mà đồng loạt niệm theo, để mong cầu được thoát nạn; đây là lầm lẫn, chẳng có thể cầu mà được đâu.
Cụ thể chứng minh rõ ràng như đã có bao nhiêu thuyền Việt Nam vượt biển giặc hải tặc Thái Lan cướp bóc hãm hiếp giết hại. Những người trên thuyền từ già tới trẻ, nam nữ, tôn giáo khác nhau đủ cả, thuyền nào mà chẳng có người sợ tai họa sóng nước, hải tặc.
Họ chẳng thể nào quên cầu nguyện đâu và trong một thuyền có thể có nhiều người cầu nguyện, hoặc ít ra cũng có một vài người cầu nguyện trong lúc nguy nan; nhưng kết qủa được bao nhiêu phần trăm thoát nạn hải tặc cướp của hãm hiếp giết sssschết mất thây trên biển cả?!
Đó là điều minh chứng rõ ràng cho chúng ta thấy việc cầu xin là hão huyền; chỉ có những thuyền có nhiều thanh niên trai tráng dùng mưu cùng nhau tìm cách tấn công hải tặc, hoặc có súng mới chống trả lại chúng, thì được thoát khỏi tai ương mà thôi.
“Vô-Tận-Ý! Quán-Thế-Âm Bồ-Tát sức oai thần to lớn như thế”: Tên của Bồ Tát Vô Tận ý có nghĩa là chúng sinh có đủ các thứ suy nghĩ, có vô lượng tưởng nhớ và có muôn vàn ý tưởng điên đảo! Chỉ có tu hành quán sát mới thấy rõ những dính mắc đều là vô minh, mà quyết tâm xa lià, rời bỏ, đoạn dứt, thì kết qủa vô cùng to lớn thần diệu không lường hết được.
(Còn tiếp)