Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

10.Quyển Thứ Mười

08/11/201408:32(Xem: 4907)
10.Quyển Thứ Mười

Mật Tạng Bộ 2_ No.997 (Tr.571_Tr.577)

 

KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

_QUYỂN THỨ MƯỜI_

 

Hán dịch: Nước Kế Tân_ Tam Tạng Sa Môn BÁT NHÃ cùng với MÂU NI THẤT LỢI dịch
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

THỌ KÝ CHO  VUA A XÀ THẾ

_PHẨM THỨ MƯỜI_

 

Bấy giờ trong Hội, chủ của nước Ma Già Đà (Magadha) là vua A Xà Thế (Ajātaśatru) liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay Đức Như Lai ở tại đất nước của con, dưới cây Bồ Đề nói Đà La Ni với Mạn Trà La đã có vô lượng Công Đức như vậy. Vì sao nước Ma Già Đà: gió mưa chẳng đúng thời tiết, hạn hán ngập úng chẳng điều hòa, mất mùa đói kém (Durbhi-ksāntara: cơ cận) liên tiếp nhau, oán địch xâm nhiễu, vô lượng bệnh dịch, trăm ngàn tai nạn … Nguyện xin Đức Thế Tôn chặt đứt lưới nghi ngờ của con”

Khi ấy, Đức Thế Tôn khen A Xà Thế rằng: “Đại Vương! Lành thay! Lành thay! Thích hỏi nghĩa này, ở đời vị lai lợi ích nhiều cho tất cả chúng sinh.

Đại Vương hãy lắng nghe! Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo nghĩ nhớ! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Này Đại Vương! Như vua đã nói: “Ở trong nước của con thường có mất mùa đói kém, oán địch…”. Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni này dùng sáu mươi câu chi na do tha Đà La Ni để làm quyến thuộc, Đại Kim Cương Thành Mạn Trà La này có ba ngàn năm trăm Mạn Trà La dùng làm quyến thuộc. Song, tất cả đều dùng Tâm tin tưởng làm căn bản, dùng Bát Nhã (Prajña) làm con đường trước tiên; Tâm bồ Đề (Bodhi-citta) với Tâm Đại Bi (Mahākāruṇa-citta) dùng làm trang nghiêm.

Đại Vương! Tất cả Pháp tốt lành (thiện pháp) thảy đều từ Đà La Ni này sinh. Tất cả tội ác do chẳng tin Nhân Quả dùng làm căn bản

Đại Vương! Nay ông chẳng tin nhân quả, ham mê nănm Dục Lạc như gió mạnh lớn thổi Tâm tin tưởng ấy với Tâm Bồ Đề, Đại Bi Tổng Trì thảy đều đi xa

Đại Vương nay tuy có con mắt, lỗ tai… như người mù điếc chẳng nghe sấm sét, chẳng thấy mặt trời mặt trăng. Tại sao thế? Vì danh tự vua của ông còn chẳng tự mình nghe được, huống chi là âm thanh khác. Thế nào là tên gọi vua? Phàm nói vua tức là nghĩa của La Nhạ (Rāja)

Tiếng của Chữ La (RĀ) là tiếng khổ não. Tiếng khóc lóc, buồn than, không có chủ, không có nơi quy về, không có cứu giúp… thì vị vua nên an ủi dạy bảo (úy dụ) nói lời như vầy: “Ngươi đừng khổ não, Ta là chủ của ngươi, sẽ cứu giúp ngươi”. Rồi lau nước mắt, thương yêu giúp đỡ, vỗ về nuôi nấng

Nói tiếng của chữ Nhạ (JA) là nghĩa tối thắng, là nghĩa phú quý, là nghĩa tự tại, là nghĩa thù thắng, là nghĩa dũng mãnh, là nghĩa đoan chính, là nghĩa Trí Tuệ, là nghĩa hay tồi tiệt tất cả chúng sinh kiêu mạn tự cao, lấn hiếp khinh mệt người khác

 

Đại Vương! Ngày nay ông chẳng tin nhân quả, gần gũi bạn ác là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) giết cha sinh ra mình: nhốt tù, cột trói, để cho đói khát…vẫn chẳng chết rồi chặt chân của ông ấy. Lại khiến Điều Đạt (Devadatta) làm cho thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng. Lại thả Hộ Tài là con voi ác: say rượu nổi điên, dữ tợn dẫm đạp Như Lai.

Đại Vương! Nay ông lại có tội nặng rất lớn. Ấy là thiêu đốt con mắt Pháp thanh tịnh của tất cả chúng sinh, chặt đứt hết Pháp chân chính của chư Phật, đóng kín cửa Người, Trời, Niết Bàn… mở bày nẻo ác sinh tử trong ba đường (Địa Ngục, Quỷ đói, súc sinh). Tại sao thế? Vì ông là quốc vương đi ra dạo chơi vườn hoa vườn thú, chuẩn bị nghiêm mật voi, xe ngựa một vạn hai vạn. Người đánh xe, ngựa hai ba mươi vạn… dùng làm tùy tùng hộ vệ. Lại đem hết thảy máu mỡ (cao huyết) của trăm họ, dùng xoa bôi voi, ngựa”.

_Khi vua A Xà Thế nghe lời nói này xong, liền bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con suy nghĩ kỹ, chưa từng dùng máu mỡ của trăm họ để xoa bôi voi ngựa. Vì sao Đức Thế Tôn lại nói như vậy?!...”

Đức Phật nói: “Này Đại Vương! Voi ngựa của nhà vua, mỗi mỗi đều dùng Uất Kim, Long Não, Chiên Đàn, Trầm, Xạ hòa làm bùn hương dùng xoa bôi voi ngựa. Nhóm hương như vậy đều lấy ra từ trăm họ, đánh thuế trăm họ như ép mè. Hàng ngàn nhà nghèo túng, khốn khổ, tiền của chẳng thể cung cấp đủ cho chi phí của một con voi. Chính vì thế nên biết máu mỡ của trăm họ rất là dễ được, nhưng nhóm hương như vậy rất khó tìm cầu. Nếu Đại Vương nghi ngờ thì nên tự đi tuần tra, xem xét tất cả nhà tù, sẽ thấy vạn Tính chịu khổ hơn cả Đại Địa Ngục.

Đại Vương cưỡng ép cướp đoạt hết thảy tiền của của trăm họ, ban cho kẻ có địa vị khiến cho họ giàu có, ngày thêm xa xỉ. Còn người nghèo túng càng nghèo cùng hơn, khiến các người nghèo, cô độc, khốn khổ… chân đi không có đất đều cầu xuất gia. Người như vậy không có Hòa Thượng với A Xà Lê, tự mình khoác áo Cà Sa, chẳng thọ nhận Cấm Giới, không có Pháp tự ở… khiến cho các hữu tình sinh Tâm khinh kẻ chẳng muốn thấy nghe. Đấy là Đại Vương thiêu đốt con mắt Pháp ấy, chặt đứt hết Phật Pháp, đóng bít đường người Trời, mở của nẻo ác. Thế nên Ta nói Đại Vương chẳng nghe danh tự của chính mình, do Nhân Duyên này thì làm sao được Thần Lực gia hộ của Đà La Ni này!...

Đại Vương! Nay Ta sẽ nói nhân duyên của thời xa xưa (cổ tích), nhà vua nên suy nghĩ kỹ lưỡng để hiểu rõ nghĩa ấy

Này Đại Vương! Đời xa xưa có Đức Phật hiện ra, tên là Ca Diệp Ba (Kāśyapa) Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật ấy nói Pháp: chặng đầu tốt lành, chặng giữa tốt lành, chặng sau tốt lành, mở bày Phạm Hạnh (Brāhma-caryā)

Thời đó, có một vị vua tên là Cật Lý Chỉ đối với Đức Như Lai ấy sinh niềm tin trong sạch sâu xa. Nhà vua ở trong đêm được hai loại mộng.

1_Mộng thấy mười con vượn (Markaṭa: di hầu) thì có chín con vượn nhiếp loạn trong thành. Tất cả người dân, thê thiếp, nam nữ xâm đoạt thức ăn uống, phá hoại mười vật (các khí cụ phẩm vật sinh hoạt hàng ngày), liên tiếp dùng thứ chẳng trong sạch (bất tịnh) làm cho vấy bẩn nhơ nhớp. Chỉ có một con vượn giữ Tâm biết đủ, ngồi yên trên cây chẳng quấy nhiễu cư nhân (người cư trú, người có nhà ở). Thời chín con vượn đồng tâm não loạn con vượn biết đủ này, tạo làm các lưu nạn (nạn gây chướng ngại) xua đuổi ra khỏi chúng hội của vượn.

2_Mộng thấy con voi trắng giống như ngọn núi lớn ở ngay của của Đế Vương, đầu đội có cái miệng đều ăn cỏ, uống nước. Tuy luôn ăn uống nhưng thân thường gầy ốm.

Khi nhà vua tỉnh giấc thì rất sợ hãi, triệu người xem tướng (chiêm tướng giả) hỏi căn nguyên giấc mộng ấy. Người xem tướng bạch với nhà vua: “Chín con vượn tức là chín vị vua, con vượn biết đủ ấy tức là Đại Vương, đây tức là chín vị vua đồng lòng soán đoạt địa vị quý báu của Đại Vương, Con voi có hai miệng tức là chín vị vua ăn quốc ấp này kèm ăn vương quốc”.

Nhà vua nghe lời nói này thì kinh sợ, dựng đứng lông tóc, nhưng Tâm chưa quyết định, suy nghĩ muốn gặp Đức Phật để chặt đứt sự nghi ngờ này. Liền sai Tả Hữu chuẩn bị nghiêm mật mọi loại vật cúng dường, một lòng đi đến chỗ của Đức Phật Ca Diệp (Kāśyapa-buddha). Đến xong, làm lễ, đem các vật cúng dâng lên, phụng hiến Đức Như Lai rồi khom mình chắp tay, bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con ở đêm hôm qua có giấc mộng chẳng lành. Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con giải nói, khiến chặt đứt lưới nghi ngờ”

Thời nhà vua trình bày đủ giấc mộng, thưa bạch với Đức Phật

Đức Phật nói: “Này Đại Vương! Giấc mộng của nhà vua chẳng liên quan gì đến nhà vua nên đừng sinh lo sợ. Nhà vua hãy khéo nghe cho kỹ! Ta sẽ vì nhà vua nói. Đây là đời ác năm trược ở vị lai, có Đức Phật hiện ra, Hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Śākya-muṇi), sau khi diệt độ lưu lại tướng của Pháp”.

Này Đại Vương! Mười con vượn tức là mười loại Đệ Tử của Đức Phật ấy”

 

_Nhà vua bạch Phật rằng: “Thế Tốn Thế nào gọi là mười loại Đệ Tử của Đức Phật ấy?’

Đức Phật Ca Diệp nói: “Một là: nghèo túng sợ chẳng sinh sống nổi mà làm Sa Môn (Śramaṇa:danh xưng chung cho người xuất gia tu Đạo). Hai là: đày tớ có sự sợ hãi mà làm Sa Môn. Ba là: sợ hãi phải mang nợ mà làm Sa Môn. Bốn là: Tìm kiếm lỗi lầm của Phật Pháp mà làm Sa Môn. Năm là: muốn hơn người khác mà làm Sa Môn. Sáu là: vì danh tiếng mà làm Sa Môn. Bảy là: vì muốn sinh lên cõi Trời mà làm Sa Môn. Tám là: vì lợi dưỡng mà làm Sa Môn. Chín là: vì muốn cầu địa vị của vua chúa ở đời vị lai mà làm Sa Môn. Mười là: Tâm chân thật mà làm Sa Môn”.

 

_Thời Đại Vương ấy bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Mười Sa Môn này thời Tướng ấy như thế nào?”

Đức Phật ấy đáp rằng: “Đại Vương! Người nghèo túng sợ chẳng sinh sống nổi mà làm Sa Môn. Có nhiều chúng sinh chẳng tin nhân quả, tham cầu tài bảo, trợ nhau xâm đoạt, liền cảm thấy trời đất, mưa móc chẳng đúng Thời, năm loại lúa đậu chẳng chín (tức mất mùa), chẳng đóng đủ Thuế của quan, nghèo đói áp bức, mua bán nam nữ, không có chỗ nhờ cậy, lấy thứ vứt bỏ treo trên cây làm áo Cà Sa, tự cạo râu tóc làm tượng Sa Môn, không có A Xà Lê cũng không có Hòa Thượng, không có Giới, không có Pháp, tương tự Sa Môn, lâu dài nhận hành tất cả Pháp ác, vào Tăng Già Lam (Saṃghārāma: vườn rừng có Tăng Chúng cư trú) tự xưng “Ta là Luật Sư, Thiền Sư, Pháp Sư, Đại Đức”. Ngồi ở trong Chúng, nói với vị Tăng khác là: “Các ngươi đều là Đệ Tử của Ta”. Đối với nhà của Thanh Tín Sĩ, Tộc Tính, Trưởng Giả, Bà La Môn ra vào giao du tạo nhiều lỗi lầm. Đây gọi là loại thứ nhất nghèo túng sợ chẳng sinh sống nổi mà làm Sa Môn

Đại Vương! Thế nào gọi là đày tớ có sự sợ hãi mà làm Sa Môn? Ấy là kẻ nô tỳ thấp hèn tác suy nghĩ này: “Vì sao một đời phải chịu sự sai khiến của người khác?” rồi chạy trốn mà xuất gia. Đây là loại thứ hai

Đại Vương! Thế nào gọi là sợ hãi phải mang nợ mà làm Sa Môn? Ấy là có chúng sinh vay nợ công, tư tức lợi đã nhiều mà trả lại chẳng đủ, nên bị bức bách phải trốn đi mà xuất gia. Đây là loại thứ ba.

Đại Vương! Thế nào gọi là tìm kiếm lỗi lầm của Phật Pháp mà làm Sa Môn? Ấy là các Ngoại Đạo sinh Tâm ganh ghét liền cùng nhau tập hội luận bàn, ai có thông minh, căn lanh lợi, tuệ biện luận thì vào trong Phật Pháp, học hết thảy Pháp Thế Xuất Thế ấy, dòm ngó sự đúng sai ấy rồi quay vể chỗ của chúng ta, đối trước Quốc Vương, Đại Thần, Trưởng Giả… dựng cây cờ (Dhvaja) luận nghị nêu ra lỗi lầm ấy, tồi hoại phá diệt Chính Pháp của Đức Phật ấy. Đây gọi là loại thứ tư.

Đại Vương! Thế nào gọi là muốn hơn người khác mà làm Sa Môn? Ấy là hoặc có chúng sinh nghe có người (họ tên là…) khoác áo cạo tóc có nhiều kỹ năng thông đạt ba Tạng (Trīṇi-piṭakāni) thì Tâm sinh nóng bức tức liền xuất gia, học Kinh (Sūtrānta-piṭaka: Kinh tạng), Luật (Vinaya-piṭaka: Luật Tạng), Luận (Abhidharma-piṭaka: Luận Tạng)… Pháp thiện đã tu đều muốn hơn người kia. Đây là loại thứ năm.

Đại Vương! Thế nào gọi là vì danh tiếng mà làm Sa Môn? Ấy là hoặc có người tự suy nghĩ: “Nếu Ta ở nhà thì không có danh tiếng. Ta nên cạo tóc, khoác áo xuất gia, siêng học Đa Văn, thọ trì Cấm Giới, ở trong Đại Chúng ngồi Thiền, vào Định… khiến cho người vật biết tên”. Đây là loại thứ sáu.

Đại Vương! Thế nào gọi là cầu sinh lên cõi Trời mà làm Sa Môn? Ấy là hoặc có người nghe trong chư Thiên được sống lâu khoái lạc. Ta không có phương tiện để được sinh lên trên. Liền cạo tóc nhuộm áo xuất gia, tu trì Thiện Pháp đều nguyện sinh lên cõi Trời. Đây là loại thứ bảy.

Đại Vương! Thế nào gọi là vì lợi dưỡng mà làm Sa Môn? Ấy là hoặc có người trước tiên có tài bảo lài cầu nơi hơn nữa, được tịnh xá tốt, phòng viện trang sức hoa lệ. có thể dùng nghỉ ngơi, thọ dụng hết thảy tài sản của ta người. Đây gọi là loại thứ tám.

Đại Vương! Thế nào gọi là vì địa vị vua chúa đời vị lai mà làm Sa Môn? Ấy là có chúng sinh thấy nơi quốc vương tự tại, tôn sùng, phú quý, an vui liền sinh yêu thích, bèn cầu xuất gia, căn lành đã tu chỉ nguyện sẽ được ở địa vị của vua. Đây gọi là loại thứ chín.

Đại Vương! Thế nào gọi là Tâm chân thật mà làm Sa Môn? Ấy là có chúng sinh tuy sinh vào nhà Sát Lợi, Đại Thần, Tộc Tính, Bà La Môn. Hoặc sinh trong nhà Trưởng Giả, Cư Sĩ, Thương Chủ, Phú Quý… thịnh niên (tuổi từ 21 đến 29) mỹ mạo. Quán các tài sắc, phú quý, vinh hiển giống như mây nổi, bọt nước, huyễn, ánh điện… sinh diệt chẳng trụ, bèn khởi chán lìa, phát Tâm Bồ Đề. Thân có trân tài tất cả đều buông bỏ, xuất gia mộ Đạo, gìn giữ Luật Nghi, học Pháp, tu Thiền tinh cần chẳng lười biếng. Phàm chỗ đã làm đều vì chúng sinh, chỉ cầu quả Vô Thượng Bồ Đề. Đây gọi là loại thứ mười Tâm chân thật mà làm Sa Môn.

Đại Vương nên biết, như nhà vua đã nằm mộng thấy một con vượn ít ham muốn biết đủ, ở một mình trên cây, chẳng quấy nhiễu con người, tức là Sa Môn chân thật trong Pháp lưu lại của Đức Thích Ca Như Lai. Chín con vượn ấy nhiễu loạn mọi người, đồng lòng xua đuổi một con vượn tức là chín loại Sa Môn lúc trước trong Pháp lưu lại của Đức Thích Ca Như Lai, không có Pháp của Sa Môn cho nên gọi chung là tương tự Sa Môn đồng hành hạnh ác, cùng nhau xua đổi một Sa Môn chân thật ra bên ngoài Chúng.

Đại Vương! Sa Môn ác này phá Giới hành ác, ô uế tất cả nhà Tộc Tính, hướng vào quốc vương, đại thần, quan trưởng… luận nói hủy báng Sa Môn chân thật. Ngang ngạnh nói đúng sai, nói là người ác phá Giới hành ác, chẳng hợp cùng với Tỳ Kheo trì Giới của Ta cùng chung Chỉ Trụ (an bình vĩnh cửu), Bố Tát (Poṣadha:Tỳ Kheo đồng trụ, cứ mỗi nửa tháng tập hội tại một chỗ) nói Giới, cũng chẳng hợp đồng ở một Tự Xá, đồng một quốc ấp. Tất cả việc ác đều đẩy cho vị Sa Môn chân thật ấy, lừa dối quốc vương, đại thần, quan trưởng khiến xua đuổi vị Sa Môn chân thật ra khỏi quốc giới. Kẻ phá Giới tụ tại du hành, rồi cùng với quốc vương, đại thần, quan trưởng… cùng nhau có quan hệ thân mật

Này Đại Vương! Hết thảy Giáo Pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai ấy, tất cả Thiên Ma, Ngoại Đạo, người ác, Ngũ Thông Thần Tiên đều chẳng thể hoại cho đến chút phần. Nhưng Các Sa Môn ác có danh tướng này thảy đều hủy diệt khiến không có dư sót. Như núi Tu Di (Sumeru) giả sử hết thảy cỏ cây ở trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới đều đem làm củi, thiêu đốt lâu dài cũng không có hao tổn một sợi lông nhỏ. Nếu Kiếp Hỏa (Kalpāgni) dấy lửa từ bên trong sinh ra, ắt liền đốt diệt không còn dư sót tro tàn”

Bấy giờ Đức Phật Ca Diệp Ba vỉ vua Cật Lý Chỉ, một lẩn nữa nói Kệ rằng:

“_Nghèo sợ khó sống mà cạo tóc

Nói được kính dưỡng thoát nghèo cùng

Tán loạn bay cao (cao cử) cốt nhiều tiền

Trong rỗng chẳng thật như lau sậy (lô vi)

_Say mê quyến thuộc, nơi phiền não

Người này lìa xa Đại Bồ Đề

Như giữ vàng ròng, lại vứt bỏ

Nhặt củi gánh vác, sinh vui vẻ

_Danh lợi buộc quanh, thêm lười biếng

Lười tăng, diệt hết Tâm Tịnh Tín

Tâm tin đã diệt, Tịnh Giới không

Không Giới chặt hết quả người Trời

“_Lan Nhã (Araṇya: nơi vắng lặng), rừng vắng (nhàn lâm), tự an ở

Vốn cầu danh lợi với Thân Tri (bạn bè thân thích)

Xa lìa Tâm Giới, Định, Trí Tuệ

Chỉ nương hào quý (địa vị), trụ bạn thân (thân thức)

_Tự tìm ba ác với tám nạn

Nghèo cùng thấp kém, sinh biên địa

Ví như người mù đến bãi báu

Lấy đá, vứt bỏ báu Như Ý

_Phóng Dật (Pramāda), buông lung thêm thắng bại

Xa lìa Giới Hạnh, Tâm Chính Niệm

Đọa ngục A Tỳ (Acīvi) rất đáng sợ

Trải câu chi Kiếp, khó giải thoát.

_Nội Tâm luôn vì cầu danh tiếng

Thân, miệng hiện nói vì Bồ Đề

Như chim trên không, gặp gió mạnh

Rơi vào sinh tử, biển khổ lớn

_Phước mỏng đắm nhiễm Thiên Nhân Nữ

Phá Giới, xa lìa Nhân (Hetu) nghiệp Thiện (Kuśala-karma)

Phật dạy đều bị lửa Dục đốt

Như núi Tu Di gặp Kiếp Hỏa

_Không Bồ Đề Vị (mùi vị của Bồ Đề) chỉ cầu lợi

Luôn vì người nói cầu Bồ Đề

Tâm chẳng trụ ở trong giải thoát

Như con vượn được quả dừa cứng

 

_Như Lai (Tathāgata) vì cầu báu Chính Pháp

Ném thân: vách núi, hầm lửa lớn

Đã nghe Pháp xong, tùy thuận tu

Oán thân, bình đẳng đều Từ Tế (yêu thương giúp đỡ cứu vớt)

_Vì sao nghe Công Đức của Phật

Chẳng sinh một niệm, Tâm ưa thích

Chỉ yêu Phi Pháp xa Bồ Đề

Như người bị mù bày đường khác”

 

_Đức Ca Diệp Như Lai nói Kệ này xong, lại bảo vua Cật Lý Chỉ rằng: “Này Đại Vương! Giác mộng mà ông đã thấy, con voi trắng có hai miệng ở trước cửa của Đế Vương luôn ăn cỏ uống nước mà thân gầy ốm, cũng chẳng phải là việc của nhà vua. Tức là Pháp lưu lại của Đức Thích Ca Như Lai trong đời ác năm trược: trăm quan, Huyện Lệnh (lệnh trưởng) chẳng tin nhân quả, bên trên nhận lấy công danh lợi lộc, quang vinh của Đế Vương, bên dưới đối với trăm họ thì truy tìm điều Phi Lý. Tuy lại tham cầu mà nhiều thiếu thốn, thu thuế vô độ vạn dân nghèo cùng, mua bán con cháu, nghiệp nhà hỏng hết, vào chùa cạo tóc, chùa lại hoang vu, nhiều Tỳ Kheo ác phát Tâm không có Địa (Bhūmi), bèn xuất gia theo nhóm Ngoại Đạo Lộ Già Gia (Lokāyata) học điều khác lạ (dị học) theo các Kiến Đoạn, Thường. Do nhân duyên Tà Kiến nên thầy trò đều bị đọa, tự vào Địa Ngục, lại cùng với nhiều người mở cửa Địa Ngục, cùng dẫn nhau hăm hở chạy vội đến ba đường ác, đóng nẻo người Trời, không do đâu mà giải thoát được

Đại Vương nên biết hai giấc mộng này đều là tướng của Pháp lưu lại của Đức Thích Ca Như Lai, chẳng liên quan gì đến việc của nhà vua”

Vua Cật Lý Chỉ nghe nói điều này xong, chặt đứt hẳn lưới nghi ngờ, vui mừng hớn hở. Lại đem mọi loại vật cúng thượng diệu, cung kính cúng đường Đức Ca Diệp Như Lai, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải rồi lui ra.

 

_Bấy giờ, Đức Thích Ca Như Lai nói lời này xong, thời chủ của nước Ma Già Đà là vua A Xà Thế lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Như Đức Phật đã nói, các chúng sinh ác vào chốn Địa Ngục. Làm sao biết ai là người đã từng nhìn thấy? Làm sao biết sẽ đọa vào Quỷ đói với Súc Sinh, sẽ sinh làm Người Trời và ai là người đã nhìn thấy?

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo A Xà Thế rằng: “Đại Vương cần phải một lòng lắng nghe. Ta sẽ vì nhà vua nói khiến cho nhà vua được thấy biết ngay trước mặt.

Đại Vương nên biết, nếu người chết đi bị đọa vào Địa Ngục sẽ có mười lăm tướng. Nếu sinh làm Người, Trời đều có mười tướng.

_Này Đại Vương! Nhóm nào là mười lăm tướng sẽ sinh vào Địa Ngục?

1_ Đối với vợ chồng, con trai, con gái, quyến thuộc của mình thì dùng con mắt ác ngó nhìn

2_ Đưa hai tay lên sờ bắt mô phỏng hư không

4_Thiện Tri Thức (Kalyāṇa-mitra) dạy bảo thì chẳng chịu thuận theo

4_Buồn bã kêu gào, khóc lóc, khóc khàn tiếng, rơi nước mắt

5_Khi đại tiện, tiểu tiện đều chẳng hay chẳng biết

6_Nhắm mắt chẳng mở

7_Thường che đầu mặt

8_Nằm nghiêng mà ăn uống

9_Thân miệng hôi thối

10_Bàn chân, đầu gối run rẩy

11_Sống mũi nghiêng một bên

12_Con mắt trái co giựt

13_Hai con mắt đỏ ngầu

14_Gục mặt mà nằm

15_Thân co quắp, nghiêng hông trái nằm sát đất

Đại Vương nên biết, nếu lúc lâm chung có đủ mười lăm tướng thì chúng sinh như vậy quyết định sẽ sinh vào Địa Ngục A Tỳ

 

_Đại Vương nên biết, nếu lại có người khi lâm chung thời có tám loại tướng sẽ biết bị đọa vào cảnh giới Diêm Ma La trong đường quỷ đói. Thế nào là tám?

1_Thích liếm môi

2_Thân nóng như lửa

3_Thường lo đói khát, ưa nói ăn uống

4_Há miệng chẳng khép lại

5_Hai con mắt khô cằn như chim kên kên, chim công

6_Không thể đại tiện, tiểu tiện

7_Đầu gối phải bị lạnh trước tiên

8_Tay phải thường nắm lại

Tại sao thế? Vì Tâm ôm giữ sự keo kiệt cho đến chút nước cũng chẳng ban cho người.

Đại Vương! Nếu đủ tám tướng thì khi mệnh chung, quyết định sinh trong nẻo quỷ đói

 

_Đại Vương nên biết, nếu lại có người khi lâm chung có năm tướng hiện ra thì người này quyết định rơi vào nẻo súc sinh. Thế nào là năm?

1_Yêu nhiễm vợ con, tham gần gũi chẳng buông bỏ

2_Tay chân co quắp lại

3_Khắp thân đổ mổ hôi

4_Phát ra tiếng thô rít

5_Trong miệng nhấm nuốt nước bọt

Đại Vương! Nếu có đủ năm điều này thì khi mệnh chung, quyết định đọa vào nẻo súc sinh

 

_Đại Vương nên biết, nếu lại có người khi lâm chung có mười tướng hiện ra thì người này quyết định sinh trong cõi người. Thế nào là mười?

1_Khi lâm chung, sinh niệm tốt lành là: sinh Tâm như nhuyễn, Tâm phước đức, Tâm vi diệu, Tâm phát khời, Tâm không có lo lắng.

2_Thân không có khổ đau

3_Ít nói lời giống như đúng mà chẳng đúng, một lòng nghĩ nhớ cha mẹ sinh ra mình

4_Đối với vợ con, nam nữ khởi Tâm thương xót, như thường ngó nhìn không có yêu không có giận. Tai muốn nghe tên họ của anh em trai, chị em gái, bạn thân

5_Đối với Thiện, đối với ác thì Tâm chẳng thác loạn

6_Tâm ấy ngay thẳng chính đúng, không có nịnh nọt lừa dối

7_Biết cha mẹ, bạn thân, quyến thuộc hộ niệm cho ta

8_Thấy nơi sửa sang thì Tâm sinh khen ngợi

9_Dặn dò giao lại việc nhà, chỉ rõ nơi cất chứa tài bảo

10_Khởi Tâm tin tưởng trong sạch, thỉnh Phật Pháp Tăng đối diện quy kính, nói “Nam mô Phật Đà. Nam mô Đạt Ma. Nam mô Tăng Già. Nay con quy y. Nếu không có Phật ở đời thì quy y Ngũ Thông Tiên

Đại Vương! Nếu khi lâm chung có đủ mười tướng này thì quyết định được sinh ở trong nẻo người.

 

_Đại Vương nên biết, nếu lại có người khi lâm chung có mười loại tướng thì quyết định được sinh vào cõi Trời. Thế nào là mười?

1_Khởi Tâm thương xót

2_Khởi Tâm thiện lành

3_Khởi Tâm vui vẻ

4_Chính Niệm hiện tiền

5_Không có mùi hôi thối

6_Mũi không có nghiêng lệch

7_Tâm không có giận dữ

8_Đối với tài bảo của nhà, vợ con, quyến thuộc thì Tâm không có yêu luyến

9_Con mắt hiện sắc thanh tịnh

10_Ngửa mặt tươi cười, tưởng nhớ cung Trời sẽ đến nghênh đón ta

Nếu khi lâm chung có đủ mười tướng này thì quyết định sinh vào cõi Trời

Này Đại Vương! Tướng thiện ác khi lâm chung như vậy thời ông cần phải biết”

 

_Khi vua A Xà Thế nghe Đức Phật nói xong thời tự mình suy nghĩ: “Lời nói này của Đức Như Lai là sự thật hay chỉ là sự hư dối?!... Hay Đức Thế Tôn có đầy đủ biện tài nên tạm thời (quyền) nói này?!...”

Bấy giờ, Đức Như Lai biết ý nghĩ trong Tâm của vua A Xà Thế, liền dùng Thần Lực khiến cho A Xà Thế nhìn thấy tướng ác ấy. Bất chợt có Địa Ngục tràn đầy vật khí gây khổ, có các Ngục Tốt cầm nắm dụng cụ gây khổ, vô lượng chúng sinh rơi vào Địa Ngục như hạt mưa rơi nhanh. Lúc đó, Ngục Tốt trợn mắt ra oai, chỉ vào A Xà Thế mà nói lời này: “Đây là ngưới ách nghịch giết cha, hãy mau bắt giữ đưa vào trong Đại Địa Ngục A Tỳ để khổ trị (dùng sự đau khổ để sửa trị)

Khi A Xà Thế nghe lời nói này xong thì rất hoảng sợ, lông trên thân đều dựng đứng, khắp thân đổ mồ hôi, vội vàng từ chỗ ngồi đứng dậy muốn chạy trốn, nhưng lại choáng váng té xuống đất chẳng hay biết nữa. Ví như gió mạnh chặt cái cây không có gốc, lâu dài chẳng sống lại được…. cho đến dùng mọi loại phương pháp thích hợp cứu giúp  nên (vua A Xà Thế) dần dần được sống lại, luôn miệng xướng rằng: “Thế Tôn! Nguyên xin Đức Thế Tôn ban cho thọ mệnh! Nguyện xin ban cho thọ mệnh! Nguyện xin ban cho thọ mệnh! Như con ngày nay không có nơi y theo, không có chỗ nương cậy, từ nay quyết định quy y Phật Pháp Tăng”

Lúc đó, Đức Như Lai thu nhiếp Thần Lực lại, các tướng chẳng hiện, rồi hỏi A Xà Thế rằng: “Đại Vương hướng thấy các việc khổ khi vào Địa Ngục chăng?”

Thời A Xà Thế buồn rầu đáp rằng: “Nay con đã thấy. Điều mà Đức Thế Tôn đã nói, chỉ nêu lên chút phần, nơi con đã hướng thấy thì việc khổ rất nhiều. Đức Như Lai Thế Tôn là bậc Chân Ngữ, là bậc Thật Ngữ.

Thế Tôn! Con ở thân này tạo các nghiệp ác. Nay đối trước Đức Thế Tôn, các Đại Bồ Tát, Chúng Tăng, Đại Hội tỏ bày sám hối, ngưng dứt các ác, chặt đứt Tâm nối tiếp. Con từ ngày nay cho đến Bồ Đề, thề giữ năm Giới làm Ưu Bà Tắc. Như Đức Phật đã nói tất cả công năng của Nhất Tự Đà La Ni dùng Tâm Bồ Đề làm con đường trước tiên. Từ nay trở đi, một ngày ba thời tinh cần tu tập, đem căn lành này thảy đều hồi hướng cho tất cả chúng sinh”

Đức Phật khen nhà vua rằng: “Lành thay! Lành thay! Đại Vương hãy nghe cho kỹ! Nay Ta vì nhà vua nói Già Đà (Gāthā:Kệ Tụng) vi diệu của Phật quá khứ”

Liền nói kệ là:

“Nếu tạo tội năm Nghịch rất nặng

Tỏ bày sám hối, tội nhỏ nhẹ

Chặt hết nối tiếp, diệt gốc tội

Như người tráng kiện nhổ gốc cây”

Đức Phật nói Kệ xong, lại bảo nhà vua rằng: “Đại Vương nên biết ném cục sắt vào nước thì chìm mất. Nếu để các bình bát trên mặt nước tức liền nổi.

Đại Vương! Người có Trí Tuệ như cái bình bát ấy chẳng chìm trong biển khổ. Ông tạo nghiệp ác hợp vào trong Đại Địa Ngục A Tỳ một Kiếp chịu khổ. Do ông có Trí, tỏ bày sám hối nên tạm vào liền thoát ra, như nam nữ tráng kiện dùng bàn tay vỗ quả cầu, tạm thời chạm đất tức liền nảy vọt lên. Từ  lúc mệnh chung này sẽ sinh lên cõi Trời Đâu Suất (Tuṣiṭa) thấy Từ Thị Tôn (Maitreya: Di Lặc) liền được thọ ký (Vyākaraṇa)”.

Khi A Xà Thế nghe Đức Phật nói xong thì Tâm được niềm tin trong sạch, đem mọi loại vật cúng cúng dường Đức Phật, rồi quay lại chỗ ngồi của mình.

Ngay lúc Đức Như Lai nói Pháp này thời vô số câu chi na chúng sinh đều phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), ba mươi ba câu chi na do tha Bồ Tát được Tùy Thuận Nhẫn.

 

KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

ĐỨC NHƯ LAI CĂN DẶN GIAO PHÓ

_PHẨM THỨ MƯỜI MỘT_

 

Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát bạch Phật rằng: “Thật hiếm có! Bạch Đức Thế Tôn! Thật hiếm có! Bạch đấng Thiện Thệ! Đức Thế Tôn nói Đà La Ni Môn này tức là Đà La Ni quyết định màu nhiệm tối thắng của chư Phật. Dùng vô lượng Môn tên gọi, câu chữ tuyên nói, hướng vào nghĩa lý vô biên. Nghĩa ấy sâu xa tùy thuận giác ngộ Tính của nhân duyên

Khó vào  vì biếng nhác lười biếng nên không do đâu vào được

Khó hiểu kẻ chấp Đoạn Kiến, Thường Kiến nên chẳng thể hiểu được

Khó thấy vì nương bám vào sáu Xứ nên chẳng thể nhìn thấy

Khó tỏ ngộ vì người ưa thích Hạ Thừa  nên chẳng thể hiểu biết

Vượt hẳn sự tạm thời vì là cảnh thâm sâu của Bồ Tát

Không có tướng vì là Ấn chân thật của tất cả Pháp

Không có mở vì Pháp Giới bình đẳng không có năng (hướng chủ động), sở (hướng bị động)

Không có khác vì Thể đồng hư không, lìa hai tướng

Không có A Lại Gia (Ālaya: tàng thức) vì vượt qua tất cả chỗ đã nương dựa

Biết tất cả Hành của chúng sinh vì khéo hiểu tất cả Pháp nhân duyên

Được Bát Nhã thâm sâu (Gaṃbhīra-prajña) vì ánh sáng chiếu thấy Tính của các Pháp

Sinh ra các Độ (Pāramitā:Ba La Mật Đa) vì thành tựu tất cả phương tiện khéo

Khéo phân biệt Pháp vì đầy đủ bốn loại Trí không có ngăn ngại

Thân Tâm tràn khắp vì hay được các Thần Thông rộng lớn

Bình Đẳng hiểu biết Pháp vì an trụ trong Giáo Pháp của Nhất Thừa (Eka-yāna)

Không có Hạnh không có khác (vô vô dị hạnh) vì ở tất cả nơi chốn không có đối đãi

Đây không có hàng nào ngang bằng được vì tất cả không có ngang bằng, chỉ cùng với chư Phật Như Lai ngang bằng

Xa lìa hai tướng vì sinh ra Thể Tịch Diệt của các Pháp

Quán sát kỹ văn tự vì muốn an lập tất cả Pháp

Chẳng phải là lời hay nói được tức là Thắng Nghĩa Đế chân thật

Chẳng ngại tuyên nói vì hay tùy thuận khắp Thế Tục Đế

Hay sinh ra Tam Bảo, hay rộng lớn ba Thừa, hay mở ba Môn giải thoát, hay vượt ra khỏi ba cõi, hay khéo hiểu biết ba Trí, hay sinh Tam Muội Kim Cương của Như Lai, là nơi mà tất cả Pháp đã trụ, là Môn Trí Tuệ của tất cả Phật, hay nuôi dưỡng khắp tất cả chúng sinh

Thế Tôn! Các nhóm kẻ trai lành, người nữ thiện cần phải đối với Môn Vô Lượng Tam Mật Nhất Tự Đà La Ni của Thế Tôn này phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác). Nếu nghe hết thảy nghĩa lý của Pháp này thì cần phải tin nhận, cần phải viết chép, cần phải đọc tụng, cần phải tu tập, cần phải vì người mở bày tuyên nói.

Thế Tôn! Nếu hay như vậy, cho đến một bài Kệ, một câu, một chữ thời người như vậy được Phước vô lượng. Đây tức gọi là biết ơn của Phật, là nhớ ơn của Phật, là báo ơn của Phật”

 

_Khi ấy, Đức Thế Tôn khen Văn Thù Sư Lợi rằng: “Lành thay! Lành thay Thiện Nam Tử! Như ông đã nói, người như vậy đắc được Phước Đứng chẳng thể xưng lường.

Này Thiện Nam Tử! Tất cả cõi Phật mà con mắt của Phật đã nhìn thấy, giả sử có người đem tất cả vật báu tràn đầy trong các cõi ấy, cầm dùng phụng thí tất cả Như Lai thì có được Công Đức vô lượng vô biên. Nếu lại có người hay nghe một câu một chữ của Kinh này, hoặc sinh tin tưởng ưa thích, hoặc hay thọ trì, hoặc lại viết chép, hoặc đang đọc tụng, hoặc chính tu tập, hoặc rộng vì người diễn sướng tuyên nói, đi đứng ngồi nằm thường siêng năng tinh tiến. Vì khiến cho Diệu Pháp trụ lâu dài trong Thế Gian, vì khiến cho Tam Bảo chẳng đoạn tuyệt cho nên Phước Đức của người này hơn hẳng Phước Đức bố thí chư Phật lúc trước.

Lúc đó, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa này một lần nữa, nên nói Kệ là:

“_Mắt Phật đã thấy các cõi Phật

Trong đầy châu báu dâng Như Lai

Ta nói Phước này còn nhỏ nhẹ

Do chẳng nghe Kinh thâm sâu này

Nếu được nghe Diệu Kinh Điển này

Thắng nghĩa thâm sâu thảy đều tròn

Thế nên đọc tụng, thọ trì Kinh

Phước này tối thắng hơn người kia

_Chư Phật chỉ trụ ở trong Pháp

Chẳng do bố thí được Bồ Đề

Nếu có thọ trì Phật Pháp Môn

Tức là hay biết ơn của Phật

Thế nên so Phước cúng dường Phật

Chẳng bằng cúng dường Kinh sâu (thâm kinh: kinh thâm sâu) này

Nhóm Phước tối thắng thảy đều tròn

Từ đây hay sinh nơi Thiện Thệ (Sugata)

_Nếu đời không có báu Thắng Kinh (kinh thù thắng)

Phật Chủng, Pháp Thí đều không có

Cũng không nghe Pháp với tu hành

Chúng sinh thường chìm trong biển khổ

_Chúng sinh vô ân chê Điển này

Ấy phá thuyền Pháp vượt biển khổ

Chặt hết Tam Bảo, gốc tội sâu

Đọa Ngục A Tỳ không ra nổi

_Sáu Độ (sáu Ba La Mật) chiếu sáng như đèn, đuốv

Nhóm báu cát tường ngang Tu Di (Sumeru)

Thủ Lăng Nghiêm Định (Śūraṃgama-samādhi) ngang vô biên

Với tất cả Pháp từ đây ra

_Nếu có ngu si che tâm, mắt

Đây làm Tuệ Nhật (mặt trời Tuệ) phá Tâm mê

Nơi Hách Nhật (mặt trời đỏ hồng) đốt thiêu ưu não

Đây là trăng đầy, trong mát chiếu

_Lên Tối Thượng Thừa chẳng phóng dật

Bồ Tát này trụ, siêng tu hành

Hay được Đại Bồ Đề cực tịnh

Chẳng phải Thừa thấp kém đạt được

_Hết thảy người trời: thắng diệu lạc

Thanh Văn, Duyên Giác được Bồ Đề

Kinh này tất cả đều hay sinh

Như báu Ma Ni tùy Tâm Nguyện”

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói Kệ này xong, phát ra âm thanh lớn bảo khắp tất cả hàng Bồ Tát Ma Ha Tát, các Đại Chúng rằng: “Này các Phật Tử! Ta ở trong vô lượng kiếp, tinh cần chẳng lười biếng, một lòng chuyên cầu tu tập nơi Kinh Thành Tựu Bồ Đề Bất Khả Tư Nghị Bí Mật Nhất Tự Đà La Ni của chư Phật Thế Tôn này. Trong Đại Chúng này, ai hay phát khởi Tâm đại dũng mãnh làm Đại Trượng Phu (Mahā-puruṣa) hay ở sau lúc Đức Như Lai nhập diệt (Parinirvāṇa:Bát Niết Bàn) thọ trì, đọc tụng, rộng tuyên lưu bày, khiến cho Diệu Pháp này trụ lâu dài ở đời”

Khi ấy, trong Chúng: bảy mươi câu chi Bồ Tát Ma Ha Tát đều từ chỗ ngồi đứng dậy, cung kính chắp tay, khác miệng đồng âm mà bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Chúng con hay ở sau lúc Đức Như Lai diệt độ, thọ trì nơi Đức Phật này, vô số kiếp siêng năng cầu tu tập Kinh Thành Tựu Bồ Đề Bí Mật Nhất Tự Đà La Ni rộng tuyên lưu bày, khiến cho tất cả chúng sinh trong đời năm trược nghe Pháp Môn này thì Tâm được niềm tin trong sạch, cung kính tôn trọng, gieo trồng các căn lành. Nguyện xin Thần Lực của Như Lai gia bị cho”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn Nhất Thiết Chủng Trí bảo các Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: “Lành thay! Lành thay! Các ông hay phát Nguyện lớn này. Nay Ta sẽ dùng sức Uy Thần hộ trì Kinh này”

Rồi nói Kệ rằng:

“_ Như Lai nói chân thật

Thường trụ Pháp chân thật

Thần Lực của chư Phật

Ủng hộ nơi Kinh này

_Mặc giáp trụ Đại Bi

Thường trụ trong Đại Bi

Thương xót chúng sinh nên

Ủng hộ nơi Kinh này

_Được nhóm Phước viên mãn

Từ đây sinh nhóm Trí

Vì tròn đủ Phước Trí

Ủng hộ nơi Kinh này

_Hay diệt tất cả Ma

Tồi phá các Ngoại Đạo

Đoạn trừ Tà Kiến nên

Ủng hộ nơi Kinh này

_Đế Thích (Indra), Hộ Thế Vương (Loka-pāla-rāja)

Hàng Tu La (Asura), Tầm Hương (Gandharva)

Vì Ta như mang vác

Sẽ hộ trì Kinh này

_Đất với trong hư không

Các Thiên Chúng mười phương

Chư Phật gia bị nên

Sẽ thọ trì Kinh này

_Muốn được tròn Phạm Trú

Thứ tự trang nghiêm Thể

Với thủ hộ Chúng Hội

Sẽ ủng hộ Kinh này

_Sắc (Rūpa) biến làm rỗng không (Śūnya:không)

Rỗng không biến làm sắc

Không thể biến nơi Phật

Ủng hộ khiến dao động”

 

_Khi ấy, bốn vị Thiên Vương hộ giúp cho đời, đều từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đồng thanh mà bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con đối trước Đức Như Lai phát Nguyện sâu nặng, ở đời vị lại ủng hộ Kinh này với cá quốc vương, đại thần, Trưởng Giả, tất cả người dân thọ trì Kinh này”

Rồi nói Kệ là:

“_Tùy nơi nói Kinh này

Với Chúng Hội nghe Pháp

Con và các quyến thuộc

Đều sẽ cùng thủ hộ

Nếu có siêng thọ trì

Với phát ý Bồ Đề

Sẽ ở nơi bốn phương

Ủng hộ thường chẳng lìa”

 

_Lúc đó, Thích Đề Hoàn Nhân (Śakra-devānāṃ-indra) vì muốn ủng hộ Kinh Điển như vậy với người trì Kinh, nên chắp tay hướng về Đức Phật rồi nói Kệ là:

“Con nghe Phật nói đây

Kinh vi diệu tối thắng

Quyết định thành Bồ Đề

Biết ơn Phật khó báo

Vì báo đáp ơn Phật

Như chư Phật hộ trì

Sẽ thủ hộ Kinh này

Với hộ người trì Kinh”

 

_Khi ấy, Đại Phạm Thiên Vương (Mahā-brahma-deva-rāja) vì hộ Kinh này với người trì Kinh, nên chắp tay bạch Phật rồi nói Kệ là:

_Bốn Thiền, bốn Vô Lượng

Các Thừa (Yāna) với giải thoát

Đều từ Kinh này ra

Do đủ nghĩa thâm sâu

Tùy có nói Kinh này

Con buông vui Phạm Thiên

Đến nơi ấy nghe nhận

Cúng dường kèm hộ trì”

 

_Lúc đó, Đâu Suất Đà Thiên Tử (Tuṣiṭa-devaputra) vì hộ Kinh này với người trì Kinh, nên chắp tay hướng về Đức Phật rồi nói Kệ là:

“Muốn đến Trời Đâu Suất

Tiếp, sinh được giải thoát

Nên thọ trì nơi đây

Nơi chư Phật hộ Kinh

Tùy có nói Kinh này

Con buông vui cõi Trời

Trụ Diêm Phù (jaṃbu-dvīpa) ủng hộ

Vì báo ơn chư Phật”

 

_Khi ấy, Ma Thiên Tử (Māra-rājaputra), Thương Chủ Thiên Tử vì hộ Kinh này với người trì Kinh, nên chắp tay hướng về Đức Phật rồi nói Kệ là:

“Muốn cạn biển nghiệp Ma

Chẳng tùy chỗ Ma hành

Nên thọ trì Kinh này

Đầy đủ nghĩa thâm sâu

Ta nhớ ơn của Phật

Phát Tâm siêng tinh tiến

Thủ hộ nơi Kinh này

Khiến rộng tuyên lưu bày”

 

_Lúc đó, Ma Vương Ba Tuần (Māra-pāpman, hay Pāpīyas) vì hộ Kinh này với người trì Kinh, nên chắp tay hướng về Đức Phật rồi nói Kệ là:

“Nếu người trì Kinh này

Phiền não diệt, chẳng sinh

Ta chẳng vì người ấy 

Gây chướng ngại lưu nạn

Nơi có Thắng Kinh này

Ta ở gần hộ trì

Khiến Ma chẳng vào Tâm

Vì nhớ ơn của Phật”

_Khi ấy, Tô Dạ Ma Thiên Vương (Suyama-deva-rāja) vì ủng hộ Kinh với người trì Kinh, nên chắp tay hướng về Đức Phật rồi nói Kệ là:

“Mọi Bồ Đề của Phật

Ở trong Kinh này nói

Nếu người thọ trì Kinh

Đã cúng các Như Lai

Con trì Kinh của Phật

Vì câu chi Thiên nói

Khiến ân trọng nghe nhận

Phát Tâm Đại Bồ Đề”

 

_Lúc đó, Từ Thị Bồ Tát (Maitreya-bodhisatva) vì muốn ủng hộ Kinh thâm sâu này với người trì Kinh, nên chắp tay hướng về Đức Phật rồi nói Kệ là:

“Nếu buông các quyến thuộc

Siêng tu Đạo Bồ Đề

Vì thủ hộ Kinh này

Chẳng tiếc thân mạng mình

Con nương Thần Lực Phật

Thân từ Đâu Suất đến

Khiến Kinh thâm sâu này

Thường rộng tuyên lưu bày”

 

_Khi ấy, Cụ Thọ Đại Ca Diệp Ba (Mahā-kāśyapa) vì muốn hộ Kinh này với người trì Kinh, nên chắp tay hướng về Đức Phật rồi nói Kệ là:

“Xưa con theo Thế Tôn

Từng nghe trăm ngàn Kinh

Chưa từng nghe Kinh này

Pháp sâu mầu như vậy

Nay con đối trước Phật

Thọ trì nơi Kinh này

Vì các Bồ Tát nên

Khiến rộng tuyên lưu bày”

 

_Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen ngợi Thích Đề Hoàn Nhân, bốn vị Đại Thiên Vương, Đại Phạm Thiên Vương, Đâu Suất Thiên Tử, Thương Chủ Thiên Tử với Ma Ba Tuần, Bồ Tát, Thanh Văn, các người hộ Kinh… rồi nói như vầy: “Lành thay! Lành thay! Các ông quả thật là Trượng Phu dũng mãnh, vì khiến cho Diệu Pháp được trụ lâu dài cho nên hay tác tiếng rống Sư Tử lớn như vậy.

Các Thiện Nam Tử nên nghe Ta nói. Nếu các chúng sinh tu hành Đại Thừa chưa được Pháp Nhẫn thì dùng Thần Lực của Phật thọ trì Kinh này, tinh cần tu tập, tiếp đến ở chỗ của Đức Phật sau này liền được thọ ký. Như vậy hoặc hai, hoặc ba chẳng quá bảy Đức Phật quyết định sẽ được A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề Ký.

Nếu chúng sinh có chủng tính của Thanh Văn Thừa được nghe Kinh này thì ở trong Long Hoa Đệ Nhất Thanh Văn Hội của Đức Phật Từ Thị (Maitreya) sẽ là Thanh Văn tối thượng bậc nhất.

Nếu chúng sinh có chủng tính của Duyên Giác Thừa được nghe Kinh này, thọ trì tu tập thì sau khi Ta vào Niết Bàn, chẳng được nghe Pháp, ắt sẽ được thành Độc Giác Bồ Đề

Khi Đức Phật nói Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni này thời vô lượng vô số mọi loại chúng sinh phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề, vô số Bồ Tát trụ Bất Thoái Địa, vô số Thế Giới chấn động theo sáu cách. Nơi u ám mà ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chẳng thể chiếu đến đều sáng rực, tuôn mưa mọi hoa Trời rực rỡ rối rít rơi xuống

Các vị Bồ Tát từ cõi nước ở mười phương đi đến tại Hội này, vì cúng dường Đức Phật với Kinh này cho nên ở bốn mặt Đạo Trường của cây Bồ Đề đều rộng bốn do tuần, đem mọi loại báu, mọi loại hoa tạp màu nhiệm trang nghiêm đất ấy, khác miệng đồng âm bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Ngày nay chúng con được lợi ích lớn, chẳng rỗng không mà quay về, được nghe nơi Kinh Điển quyết định tối thắng vi diệu này. Nguyện xin Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni kéo dài thọ mệnh. Nguyện khiến cho Kinh này trụ lâu chẳng diệt, ở tất cả cõi nước của Diêm Phù Đề làm lợi ích lớn.

Thế Tôn! Nếu Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Quốc Vương, Đại Thần, tất cả người dân thọ trì Kinh này sẽ trừ các bệnh khổ, thọ mệnh dài lâu, hay lợi lạc khắp cho tất cả chúng sinh”.

 

_Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thật hiếm có! Bạch Đức Thế Tôn! Thật hiếm có! Bạch Đức Thế Tôn! Kinh Điển quyết định tối thắng như vậy, ngôn từ vi diệu, văn tự, câu nghĩa trang nghiêm viên mãn hay khiến cho tất cả Bồ Tát, Đại Chúng sinh sinh Tâm vui vẻ, tồi phục tất cả các Ma, Ngoại Đạo, khéo hay nhận giữ tất cả Pháp Môn, tùy thuận hướng vào biển lớn Công Đức của Như Lai. Nếu có người hay ở Kinh Điển như vậy, tinh cần tuyên bày tất cả chẳng trống rỗng (bất không)”

Lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nên dùng tên nào gọi Kinh này? Chúng con phụng trì như thế nào?”

Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: “Kinh này có đủ một ngàn danh tự. Tên gọi ấy là Tỳ Lô Giá Na Quảng Đại Tam Mật Thậm Thâm Nhất Tự Kinh, cũng gọi là Tam Giới Tối Tôn Thắng Kinh, cũng gọi là Như Lai Thuyết Đại Bi Môn, cũng gọi là Văn Như Lai Pháp Bất Không Đắc Ký, cũng gọi là Như Lai Vi Diệu Pháp Tạng, cũng gọi là Như Lai Diệu Cứu Cánh Quả, cũng gọi là Như Lai Vi Diệu Pháp Nhãn, cũng gọi là Phổ Chiếu Chư Pháp Bảo Cự, cũng gọi là Năng Đoạn Nhất Thiết Tà Kiến, cũng gọi là Hiển Thị Chư Pháp Bình Đẳng. Có một ngàn danh tự của nhóm như vậy”.

Thời Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Trong tên gọi như vậy tuy đều thâm sâu. Nguyện xin Đức Như Lai vì con quyết định nói một danh tự khiến cho con phụng trì”

Đức Phật nói: “Thiện Nam Tử! Kinh này quyết định nên gọi là Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni. Dùng danh tự này, ông nên phụng trì. Tại sao thế? Do một ngàn tên gọi đều y theo đây mà sinh ra vậy”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói Kinh này xong, thời tất cả Thế Gian, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà… vô lượng Đại Chúng nghe điều mà Đức Phật đã nói, đều rất vui vẻ, tin nhận, phụng hành.

 

KINH THỦ HỘ QUỐC GIỚI CHỦ ĐÀ LA NI

_QUYỂN THỨ MƯỜI (Hết)_

 

Dịch xong một Bộ gồm mười quyển vào ngày 17/12/2013

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com