VỀ VIỆC BẢO VỆMÔI TRƯỜNG
TRONG HÀNH TINH CỦA CHÚNG TA
(Bài nói chuyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Phật Giáo Tây Tạng tại Hội Nghị Thượng đỉnh về việc bảo vệ môi trường và phát triển, do Liên Hợp Quốc tổ chức tại Riode Jeneiro, Brazin vào ngày 07/ 07/1992).
Cánh cửa của thế kỷ 20 sắp khép lại, tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng thế giới đã trở nên nhỏ hơn, loài người trên hành tinh đã trở thành một cộng đồng lớn, các liên minh về chính trị và quân sự đã tạo ra những khối đa quốc gia, làn sóng của thương mại và công nghiệp thế giới đã cho ra nền kinh tế toàn cầu, những phương tiện thông tin của thế giới đã loại bỏ những chướng ngại về ngôn ngữ và chủng tộc.... Chúng ta phải ngồi lại gần nhau để giải quyết những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta sắp đương đầu là nạn nhân mãn, sự bùng nổ của vũ khí hạt nhân, nguồn tài nguyên thiên nhiên đã bị tiêu diệt dần và sự khủng hoảng về môi trường đang ập đến, chúng đang đe dọa bầu không khí của chúng ta, nước uống và cỏ cây cùng với cuộc sống bình yên của loài người. Có ý thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường là một nền tảng sống còn của tất cả trên hành tinh nhỏ bé này.
Tôi cho rằng chúng ta đang đối phó với những thách thức của thời đại, do đó mỗi chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống của chúng ta và công việc đó phải được thực hiện ngay từ bây giờ. Vì nó không những đem lại dự an lành và hạnh phúc cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho quốc gia mình mà còn cho cả hành tinh này. Có trách nhiệm chung ở đây tức là bớt lạm dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá bỏ những lò hạt nhân nguyên tử, đó là cái mấu chốt cho sự sống còn của loài người, cũng là một nền tảng vững chãi cho nền hòa bình thế giới.
Tôi đến với Hội nghị quốc tế kỳ này cùng với các nhà lãnh đạo trong tinh thần lạc quan và hy vọng. Cuộc họp mặt hôm nay là đánh một dấu ngoặc quan trọng trong lịch sử, một cánh cửa mới được mở ra cho lòng nhân đạo, một cơ hội để cho cộng đồng nhân loại hợp tác với nhau, là một việc chưa hề có trước đây. Mặc dù hội nghị này nó không đem lại những gì cần thiết trước mắt, nhưng trên thực tế nó rất quan trọng chi sự bình yên của muôn loài trong tương lai. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta có mặt tại đây, vai trò của chúng ta là phải kiến tạo môt tương lai tốt đẹp và vai trò này phải được mở rộng mà Liên Hợp Quốc phải đứng ra đảm trách.
Hiện nay có nhiều tổ chức phi chính phủ được thành lập bởi các nhà tiền phong có lòng nhiệt thành xuất phát từ sự quan tâm đến loài người. Họ đã làm nhiều việc để phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Tất cả các tổ chức có mặt ở đây, ai cũng muốn có sự công bằng và thực tế như cá nhân mình đã từng làm. Tuy nhiên, nếu không có sự hợp tác của tập thể thì mọi sự đạt được đều trở nên vô nghĩa và không đi đến đâu cả.
Không biết chúng ta có đồng ý điều đó hay là không, vì tất cả chúng ta hiện hữu trên hành tinh này như là một đại gia đình, dù giàu sang hay nghèo nàn, trí thức hay thất học, tùy thuộc vào quốc gia, một tôn giáo hay là môt ý thức hệ, cuối cùng mỗi chúng ta cũng chỉ là con người bình thường như bao con người khác mà thôi. Tất cả chúng ta đều ao ước có một cuộc sống bình yên và hạnh phúc chứ không một ai muốn mình chuốc lấy khổ đau. Hơn thế nữa, mỗi chúng ta đều có quyền như nhau trong việc mưu cầu hạnh phúc và vứt bỏ mọi đau khổ. Tại sao chúng ta muốn có một cuộc sống an vui, thanh bình và thạnh trị mà lại gây ra bao chiến tranh, bao đau đớn quằn quại và khổ đau cho kẻ khác. Một khi chúng ta nhận thức được điều đó, thì chúng ta phải biết tôn trọng và thương yêu lẫn nhau, chia sẻ và cảm thông cho nhau về những nỗi khổ đau, từ điều này tiến đến một nhận thức là chúng ta phải có trách nhiệm chung và phát nguyện luôn giúp đỡ người khác vượt qua mọi chướng ngại của họ.
Tất nhiên, lòng từ bi này nó phải được phát khởi từ lòng cao thượng và biết thương yêu muôn loài một cách tự nhiên, không nguyên tắc và ép buộc. Đó là một cái gì vô giá đang tiềm ẩn nơi nội tâm của chúng ta. Chúng ta không cần trở nên một thành viên của một tôn giáo, cũng càng không cần tin vào một ý thức hệ nào cả, điều quan trọng ở đây là chúng ta có toàn hảo được chơn, thiện, mỹ trong nhân cách của con người mình hay là chưa.
Sự cần thiết cho một ý thức và trách nhiệm chung có ảnh hưởng đến mọi phương diện của đời sống hiện tại. Ngày nay, những sự kiện bất an xảy ra ở một nơi nào đó trên thế giới, nhưng cuối cùng rồi nó sẽ bị ảnh hưởng đến toàn hành tinh. Do vậy, chúng ta phải giải quyết những vấn đề nghiêm trọng này từ ngay địa phương của mình và hãy quan tâm đến chúng từ lúc chúng chưa phát khởi. Thật vô ích, nếu chúng ta kêu gọi dựng lên những hàng rào ý thức cảnh giác cũng như sự phân biệt giữa các chủng tộc với ngỏ hầu không bị ảnh hưởng và liên lụy đến những tiếng vang của sự phá hủy của chiến tranh và sự ô nhiễm của môi trường. Chúng ta hãy hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc đặc trách về bảo vệ môi trường và phát triển là chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa đến các quốc gia nghèo đói và bị mối đe dọa của môi trường sống. Quả thật đây là một hình thức rất độc đáo mà chúng ta phải thảo luận kỹ trong hội nghị này.
Dĩ nhiên sự phụ thuộc cũng như tương trợ vào nhau để tồn tại là chúng được đặt trên một nền tảng của quy luật tự nhiên. Không chỉ có loài người với những hình thái trong đời sống mà còn có vô lượng những hiện tượng vật chất đang lệ thuộc vào nhau để phát triển. Tất cả những gì chúng ta đang có là đại dương, bầu trời, núi rừng và cỏ cây hoa lá và những hiện tượng vật chất đang hiện hữu xung quanh ta, chúng đã và đang vươn lên trong các dạng năng lượng hoàn hảo, nếu chúng thiếu sự tương tác với nhau thì chúng sẽ tan rã và vữa nát.
Chúng ta hãy xem xét lại những việc làm mà chúng ta đã gây tạo trong quá khứ. Sự thờ ơ không quan tâm đến môi trường là một hậu quả nghiêm trọng mà hiện tại chúng ta phải đương đầu, chẳng hạn như sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách vô ý thức, vả lại còn sử dụng chúng vào mục đích của chiến tranh, chế tạo vũ khí để tàn sát lẫn nhau. Điều này, nếu tiếp tục không được kiểm soát, cuối cùng tất cả sẽ gánh lấy mọi khổ đau mà do chính chúng ta tạo nên. Phát ngôn viên đặc trách về môi trường của Liên Hợp Quốc đã báo động rằng chúng ta đang đối phó với một làn sóng tuyệt chủng lớn nhất trong sáu mươi lăm triệu năm (65.000.000 năm), quả thật tin này là nỗi kinh hoàng khủng khiếp nhất, rõ ràng nó đã làm cho trí óc của chúng ta phải mở ra để tiếp nhận một tỷ lệ khủng hoảng đáng quan ngại.
Sự thờ ơ, không chịu nương vào nhau để phát triển và tồn tại, nó không những tàn phá đến thiên nhiên mà còn là một mối đe dọa cho xã hội loài người. Thay vì chúng ta quan tâm và giúp đỡ những người khác, thì ngược lại chúng chỉ đặt hầu hết những nỗ lực vốn có vào việc mưu cầu vật chất và lợi dưỡng cho cá nhân. Chúng ta đã trở nên quá đầy đủ trong việc theo đuổi mục đích này, mà chính bản thân không hề hay biết hoặc lãng quên đi những gì mà loài người đang cần là: sự hiểu biết, tình yêu thương lẫn nhau và cần hợp tác với nhau. Đó là một sự thật đáng buồn. Chúng ta hãy quan tâm đến những nhu cầu mà con người thật sự cần có. Quả thật, chúng ta không phải là một chủ thể được bóp nặn từ máy móc, nhưng nếu chúng ta chỉ là một thực thể của máy móc thì nó chỉ tăng thêm cho chúng ta mọi khổ đau mà thôi. Tuy nhiên, chúng ta không phải là máy móc và thật là lầm lẫn để đi tìm kiếm những nhu cầu thỏa mãn ở bên ngoài.
Để theo đuổi mục đích bảo vệ môi trường và phát triển cho đúng hướng, chúng ta cần phải làm mới lại những công việc của chúng ta đối với giá trị của con người trong nhiều lĩnh vực. Hệ thống của chính trị và quân sự, dĩ nhiên phải được đặt trên nền tảng của đạo đức, khoa học và tôn giáo cũng từ cơ bản này mà ra. Nếu không có nó, khoa học sẽ không phân biệt được những bước vũ bão của khoa học và những lợi ích của nó để đem ra phục vụ cho loài người. Môi trường xung quanh ta bị phá hủy, bị ô nhiễm là kết quả đáng buồn vì sự lầm lẫn này. Trong trường hợp đó, các tôn giáo, đặc biệt rất cần thiết.
Mục đích của các tôn giáo không phải kiến tạo chùa cao, Phật lớn, Thánh đường nguy nga và tăng thêm số lượng tín đồ.... mà tôn giáo chỉ đến với loài người và hướng dẫn họ đi ra khỏi chốn tối tăm cùng mạt mà chính họ đã gây tạo. Mỗi tôn giáo trên thế giới, dù có nhiều quan điểm khác nhau về triết thuyết của họ, nhưng trước và trên hết vẫn là những lời dạy làm giảm bớt lòng ích kỷ và hãy thương yêu lẫn nhau. Nhưng không may, có nhiều người đã nhân danh tôn giáo mà đã gây ra những cuộc đấu tranh hơn là giải quyết chúng.
Có một vần thơ tuyệt đỉnh ở trong Thánh kinh là hãy biến những thanh gươm thành những cái cày và hãy chuyển những vũ khí thành những công cụ để phục vụ loài người. Đó là những hình ảnh tuyệt vời và độc đáo nằm trong một bức thông điệp cổ xưa. Đó là một hình ảnh biểu hiện cho sự giải trừ quân bị và khí giới mà tôi cho rằng điều đó rất quan trọng để chúng ta lưu tâm trong kỳ hội nghị này. Vì rằng, nó sẽ thúc giục chúng ta trong chính sách giải trừ quân bị, đập phá những lò vũ khí hạt nhân trên toàn cầu mà bấy lâu nay chúng ta chưa hoàn tất.
Giải trừ quân bị là một sức mạnh để giải phóng và bảo vệ loài người cũng như môi trường, là giảm bớt sự nghèo đói và duy trì sự phát triển của vạn hữu trên hành tinh này. Đó là cái hoài bảo, và hy vọng của Liên Hợp Quốc mà tôi tin chắc rằng nó sẽ trở thành sự thật.
Tôi luôn luôn có cái nhìn về tương lai cho dân tộc và đất nước của tôi, một quốc gia Tây Tạng hùng vĩ, sẽ được xây dựng trên nền tảng căn bản này. Tây Tạng sẽ là một thánh địa, một quốc gia trung lập và phi quân sự. Nơi đó có những vũ khí bị cấm mang vào và con người sẽ sinh hoạt hài hòa với thiên nhiên. Điều này không phải là một giấc mơ, mà chính Tây Tạng đã thực hiện mô hình đó trải qua hơn môt ngàn năm trước khi Tây Tạng bị xâm chiếm để làm thuộc địa một cách bi thảm. Ở Tây Tạng các loài dã thú đều được bảo vệ theo giới luật của Phật Giáo. Vào đầu thế kỷ thứ 17, chúng tôi đã ban hành một đạo luật về bảo vệ môi trường và phát triển. Vì thế, Tây Tạng có thể là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có những kế hoạch về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chính yếu môi trường của chúng tôi được bảo vệ tốt đẹp là đều tùy thuộc vào bổn phận, trách nhiệm và đức tin đã thấm nhuần và ăn sâu vào tâm tư của mỗi người dân chúng tôi từ thuở thiếu thời. Ít nhất chúng tôi cũng đã trải qua hơn 300 năm với nền hòa bình và thịnh trị, chúng tôi hoàn toàn không có vũ khí và quân sự. Tây Tạng đã từ bỏ ý thức hệ gây chiến tranh như là một công dụ của quốc sách từ những thế kỷ 6 và 7.
Tôi thường nói đùa rằng cung trăng và những dải ngân hà trông rất đẹp, nhưng giả dụ chúng ta thử sống trên đó vài ngày có lẽ chúng ta sẽ buồn chán ngay. Duy chỉ có hành tinh xanh này là một cư trú tuyệt vời nhất của chúng ta. Đời sống của nó cũng chính là đời sống của ta, tương lai của nó cũng chính là tương lai của ta. Thật vậy, trái đất đóng một vai trò như một bà mẹ đối với tất cả chúng ta. Cũng như những đ㷹13;a con chúng ta phải tùy thuộc vào mọi sinh hoạt của bà ta. Quả địa cầu của chúng ta đang đương đầu với "hiệu ứng nhà kính", chúng đã ảnh hưởng và phá hủy đến tầng Ozone của chúng. Các tổ chức cá nhân và những quốc gia đơn lẻ đã phải bất lực trước cơn lốc này.
Tôi muốn kết luận rằng Bà mẹ trái đất đang dạy cho chúng ta một bài học về việc bảo vệ môi trường trên toàn cầu. Đó là một bài học mà chúng ta phải học lại từ đầu, thế kỷ tới chúng ta phải hợp tác với nhau, thương yêu lẫn nhau, chúng ta tuyệt đối không gây ra chiến tranh mà ngược lại phải sống trong an lạc và hạnh phúc. Lòng từ bi là hạt giống của nền hòa bình nếu mỗi chúng ta biết ứng dụng nó, tôi luôn hy vọng điều đó. Để bảo hộ những sự kiện trọng đại này, Liên hợp quốc phải tìm ra những giải pháp để ngăn chặn những cuộc xung đột về quân sự và kinh tế mậu dịch. Tôi rất đau lòng vì những cuộc chiến tranh vẫn còn diễn ra ác liệt trên khắp năm châu, trong lúc chúng ta đang ngồi tại hội nghị này thì tiếng súng của những cuộc giao tranh nội chiến vẫn hãy còn inh ỏi ở Nam Tư, nạn chết đói vẫn còn đe dọa hàng triệu người ở Nam Phi... Tôi luôn hy vọng và cầu nguyện cho những ngày sắp tới, tôi tin tưởng vào tinh thần từ bi và trí tuệ của chúng ta, nó sẽ sáng suốt giải quyết và hoàn tất mọi vấn đề nghiêm trọng, ai ai cũng có ý thức và trách nhiệm chung trong việc bảo vệ môi trường, chúng ta sẽ sống trong một thế giới hòa bình, trong niềm tin yêu thương và hợp tác.
Thích Nguyên Tạng dịch theo MANDALA tháng 10/1992