Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tọa Đàm 25 - 36

02/12/201211:09(Xem: 3389)
Tọa Đàm 25 - 36
THIỆN CĂN, PHƯỚC ĐỨC VÀ NHÂN DUYÊN

Tác giả: Cư sĩ Diệu Âm

 

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 25

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Diệu Âm xin trả lời câu hỏi của Kim Bình. Câu hỏi là:

- Tại sao người có TinNguyệnniệm Phật có dở một chút cũng được vãng sanh. Còn Người không “Tin” không “Nguyện” niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn” cũng không được vãng sanh?...

Xin trả lời rằng:

Hai dạng người này người nào cũng khó vãng sanh hết chớ không phải dễ đâu. Dễ là dễ hơn một chút. Người có tin, có nguyện nhưng mà tu yếu, niệm Phật ít, khó vãng sanh. Nhưng mà so ra thì dễ hơn người niệm Phật nhiều, niệm Phật ngày đêm, nhưng không tin, không nguyện.

Trước khi đi vào câu hỏi này thì Diệu Âm trực nhớ lại một câu hỏi khác có liên quan chút ít tới chỗ này. Là có một Người hỏi rằng: Tại sao những người giết cha hại mẹ, lại có cái tội nhẹ hơn người không tin vào pháp Phật?

Câu hỏi như vậy và trong câu hỏi đó, người ta nói, Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng người không tin vào câu A-Di-Đà Phật thì tội nặng hơn người giết Cha hại Mẹ!...

Thì Diệu Âm trả lời rằng, hai tội này tội nào cũng nặng hết! Không có tội nào nhẹ đâu!... Giết cha hại mẹ, cái tội này nặng lắm, phải xuống địa ngục A-Tỳ vĩnh viễn khỏi lên luôn, chứ không phải nhẹ. Cái tội không tin pháp Phật, không tin lời Phật dạy thì trong kinh Phật nói là “Nhất-xiển-đề”. Người nhất-xiển-đề tức là bỏ mất Thiện-Căn của mình, thì người này vĩnh viễn khó có thể thoát được cái ách nạn tam đồ ác đạo. Nhưng người giết cha hại mẹ là do lúc họ mê mờ, ngu độn, mà làm những chuyện sai lầm. Nhưng nếu có cơ may có người chỉ điểm, hướng đạo... người ta có thể phát tâm sám hối, kiệt thành sám hối rồi niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ thì họ vẫn có thể vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc theo cái diện “Sám Hối Vãng Sanh”. Trong kinh Phật có đưa ra trường hợp này, đó là ngài A-Xà-Vương-Thế.

Còn người không tin vào câu A-Di-Đà Phật có tội nặng là tại vì đã không tin thì không bao giờ niệm Phật, không bao giờ nguyện vãng sanh, cho nên vĩnh viễn người ta không vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Bên cạnh đó vì không tin nên thường hay phát ra những lời nói sai lầm, phạm đến cái tội phỉ báng Phật pháp. Cái tội này rất nặng! Ngài nói nặng hơn là nhắm vào chỗ này đó.

Bây giờ trở lại cái câu hỏi: Người có tin, có nguyện mà niệm Phật yếu cũng được vãng sanh. Còn người niệm Phật cho đến nhất tâm bất loạn, niệm Phật cho đến gió thổi không qua, mưa rơi không lọt nhưng không tin, không nguyện, thì quyết định không được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Tại sao lại như vậy?...

Xin thưa là Tin thuộc về thiện-căn. Nguyệnthuộc về nhân-duyên, Niệm Phậtthuộc về phước-báu. Vì trong đời này gặp cảnh khó khăn cho nên công phu của họ yếu đi, nhưng đã có tin có nguyện, nên có thời giờ thì người ta niệm Phật, có cơ hội thì người ta niệm Phật. Những người này nếu thật sự không có người nào trợ duyên trong khi xả bỏ báo thân thì cũng thật là khó đấy. Tại vì nghiệp chướng, tại vì oan gia trái chủ chướng, tại vì nghịch duyên phá hại. Nếu về cuối đời có cơ may gặp được ban hộ niệm giúp đỡ. Một người đang nằm trong cảnh chuẩn bị chờ chết, do có niềm tin và sức nguyện của họ, gặp trợ duyên làm cho họ vùng lên quyết lòng niệm Phật, họ niệm trong những giây phút trước khi xả bỏ báo thân, những ngày nằm trên giường bệnh, nhờ sự trợ niệm của những người bạn đồng tu nên hóa giải cho họ nhiều ách nạn về nghiệp khổ, về oan gia trái chủ. Chính nhờ cái cơ may hộ niệm đó mà người ta có thể vãng sanh. Dễ vãng sanh là lý do này.

Còn những người gọi là niệm Phật đến “Nhất tâm bất loạn” mà không có tin câu A-Di-Đà Phật, không có phát nguyện vãng sanh thì chư Tổ xác định là người này không thể nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được!... Nói thẳng ra, thứ nhất người không tin, không nguyện mà niệm Phật được nhất tâm bất loạn, thì điều này khó có lắm! Không có đâu! Làm gì có chuyện không tin mà niệm Phật tới nhất tâm bất loạn? Nói lời như vậy, có nghĩa chư Tổ muốn nhấn mạnh đến Tín-Nguyệnlà điểm rất quan trọng, nhất là đối với hàng phàm phu tục tử như chúng ta. Tại vì là hàng phàm phu tục tử tội chướng sâu nặng, phước báu yếu cho nên công phu khó có thể đến nhất tâm bất loạn. Không nhất tâm bất loạn nhưng nhờ tín và nguyện thì với lòng thành này sẽ cảm ứng chư vị Thiên-Long Hộ-Pháp, chư vị đồng tu đến hỗ trợ cho mình. Mình ra đi trong tư thế gọi là “Nhất Tâm Niệm Phật - Nhất Tâm Hệ Niệm” trong những giờ phút xả bỏ báo thân, chớ không phải là “Nhất Tâm Bất Loạn”.

Điểm thứ hai, người niệm Phật “Nhất Tâm Bất Loạn” mà không nguyện vãng sanh, không tin thế giới Tây-Phương Cực-Lạc thì đây là những người tự tu tự chứng. Có rất nhiều người dùng phương pháp niệm Phật để hỗ trợ cho con đường tự tu tự chứng của Họ. Muốn tự tu tự chứng thì phải là đại Bồ-Tát, Đẳng-Giác Bồ-Tát, thượng căn thượng cơ mới có khả năng chứng đắc được. Còn hạng phàm phu mà muốn cho chứng đắc thì vạn ức người tu nhiều khi tìm không ra một người chứng đắc.

Ngài Ấn-Quang Đại Sư xác định rõ ràng, người nào niệm Phật mà không chịu nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì đó là người tự tu. Câu A-Di-Đà Phật của họ có giá trị như một câu thoại đầu, chớ không có gì khác. Tức là người tự tu, thông thường họ dùng một câu nào đó để trói cái tâm của họ vào đó, câu đó gọi là câu “Thoại đầu”. Khi tâm họ trói vào đó rồi thì tất cả những vọng tưởng, những ý nghĩ khác sẽ rời ra, sau cùng họ chứng đắc gọi là “Minh tâm kiến tánh”. Những người niệm Phật mà không tin không nguyện là họ đang dùng câu “A-Di-Đà Phật” để làm câu thoại đầu. Câu “A-Di-Đà Phật” chỉ là câu thoại đầu rồi thì tự họ phải chứng đắc lấy. Nếu thật sự họ chứng đắc được, họ diệt được vọng tưởng, họ diệt được nghiệp hoặc, tức là đoạn hoặc thì chứng chơn. Chứng chơn là thành tựu.

Ngài Vĩnh-Minh có nói những người tu tự lực đoạn hoặc chứng chơn, trong thời đại của Ngài còn là thời tượng pháp, nhưng Ngài nói là mười người tu, chín người đã bị lạc đường rồi! Đến khi chết đi, Ngài nói, “Nhược Ấm Cảnh Hiện Tiền, Miết Nhĩ Tùy Tha Khứ”. Khi chết xuống rồi vì nghiệp khổ báo hại, định lực yếu đi, chỉ cần một cái niệm chao đảo, phân vân là tự nhiên ấm cảnh hiện tiền. Ấm cảnh tức là thân trung ấm ứng hiện ra, mà thân trung ấm ứng hiện ra thì nhất định phải tùng nghiệp để thọ báo. Đã tùng nghiệp rồi, thì xin thưa với chư vị, tất cả chư Tổ đều nói rõ rệt rằng, đã là nghiệp thì nghiệp thiện hay nghiệp ác vẫn phải ở trong lục đạo luân hồi, không thể nào thoát vòng sanh tử được.

Khi ngài Ấn-Quang giải thích câu nói này của ngài Vĩnh-Minh thì mình thấy còn rõ ràng hơn nữa. Ngài nói nếu những người nào tự lực tu chứng thì câu nói “Nhược Ấm Cảnh Hiện Tiền” là ngài Vĩnh-Minh nhắc nhở cho những người đã đạt đến trình độ gọi là “Minh Tâm Kiến Tánh” rồi đó chớ không phải là hạng bình thường như chúng ta đâu. Tại vì ngài Vĩnh-Minh là vị đã minh tâm kiến tánh rồi, đã minh tâm kiến tánh mà nói lên lời này, với ngụ ý là Ngài nói dù cho quý vị đã có khai ngộ, dù cho chư vị đã được định, nghĩa là tâm đã khai rồi, nhưng chỉ cần một phút phân đo mà thôi, nghĩa là lúc lâm chung chỉ cần khởi lên một cái niệm, bất cứ một niệm gì, thì “Thập Nhơn Cửu Tha Lộ”. Chữ “Tha Lộ” có nghĩa là cái tâm nó xao xuyến, nó phân vân trong lúc xả bỏ báo thân. Chỉ cần một tích tắc như vậy mà một người đã đến cái chỗ “Đại Định” đành phải tùng theo cái nghiệp đó để “Thọ nạn”.

Cho nên ngài Ấn-Quang mới nhắc nhở rõ ràng là niệm Phật điểm quan trọng nhất là “Niềm Tin” và “Sức Nguyện”. Ngài nói dù cho niệm Phật có yếu đi một chút đi nữa cũng có thể vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được.

Ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói: Tin Tưởng cho vững vàng, phát nguyện cho tha thiết. Gọi là tin sâu nguyện thiết thì dẫu cho tán tâm, loạn tâm niệm Phật cũng được vãng sanh. Ngài nói rõ rệt như vậy. Mình thấy chư Tổ nói giống giống với nhau. Còn nếu tin không vững, nếu nguyện không thiết, thì dẫu cho niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn” cũng không được vãng sanh!... Rõ ràng là chư Tổ nói giống giống với nhau.

Như vậy, đúc kết lại lời này là chư Tổ luôn luôn khuyến cáo chúng ta phải tin cho vững, đừng nên xao xuyến. Tại vì niềm tin nó khởi sự tất cả những hành trình phía sau. Hễ tin vững thì tự nhiên quyết lòng nguyện vãng sanh, mà quyết lòng nguyện vãng sanh rồi thì không ai rời bỏ câu A-Di-Đà Phật, không ai dám lơ là câu A-Di-Đà Phật. Như vậy khi mà lơ là câu A-Di-Đà Phật là bắt nguồn từ niềm tin quá yếu. Mà niềm tin quá yếu rồi thì nguyện chỉ là nguyện chơi, chớ không bao giờ nguyện thật được. Thành ra dù có niệm Phật có giỏi cho mấy đi nữa, ngày nào cũng đến Niệm Phật Đường niệm Phật đi nữa, sau cùng mình không được vãng sanh. Ý nghĩa là như vậy.

Mong cho chư vị phải vững vàng, phải củng cố “Niềm Tin”. Tất cả những lời tọa đàm của Diệu Âm đều nhằm củng cố niềm tin. Phải tin vững thì nhất định một đời này sau khi xả bỏ báo thân ta về tới Tây-Phương Cực-Lạc gặp A-Di-Đà Phật một đời thành tựu đạo quả.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 26

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Ngày hôm qua chị Diệu Hương có đến nói rằng, trong đời của Chị lần đầu tiên thấy được một hiện tượng vi diệu, đó là bác Cam Muội sau khi xả bỏ báo thân hai mươi mấy tiếng đồng hồ mà thân tướng đẹp quá, mềm mại, khuôn mặt tươi ra. Chị nói thật sự là bất khả tư nghì!...

Hồi giờ thì mình nghe nói, hoặc coi trong phim, nhưng chính mình cầm được cái tay của người ra đi mười mấy giờ rồi mà mềm như vậy, giống như người bình thường thì chưa có. Chính vì vậy mà Chị hết sức ngạc nhiên và vô cùng phấn khởi. Chị nói đây là một cơ hội làm cho niềm tin của Chị dâng lên rất cao.

Khi Diệu Âm đi tới chỗ nào, thường thường gặp những gia đình có người thân ra đi với thoại tướng tốt như vậy. Họ đến với một tâm trạng rất hân hoan, nhiều khi họ diễn tả những nỗi niềm vui mừng mà làm cho mình phải cảm động! Chính mình nhiều lúc cũng phải cảm động, không nói lên lời!... Khi thấy được người thân vãng sanh, bắt đầu từ đó họ phát tâm rất mạnh. Xin thưa thật, họ phát tâm rất mạnh…

Ví dụ như kỳ rồi ở bên Âu Châu có một vị đang nằm trong bệnh viện thiếu người hộ niệm, chỉ cần kêu một cú điện thoại, có vị ở cách xa bốn năm trăm cây số mà người ta vẫn lấy xe chạy tới để hộ niệm. Có lần anh trưởng ban hộ niệm nói, nhiều lúc cần đi hộ niệm với đường xa khoảng sáu trăm-bảy trăm cây số mà anh vẫn lái xe để đi. Anh lái xe với tốc độ một trăm tám chục, một trăm chín chục cây số giờ. Anh nói, lái vậy là cẩn thận lắm rồi đó!... Có nhiều lúc gấp quá anh đi tới hai trăm cây số giờ. Ở bên Đức có tốc độ tối đa, không giới hạn. Kỳ lạ lắm!

Mấy ngày hôm nay chúng ta nói về Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên. Thì “Thiện-Căn” là cái “Gốc”, “Phước-Đức” là cái “Thân” và “Nhân-Duyên” là cái cơ hội “Đơm bông kết trái”. Thì khi nói về thiện-căn chúng ta luôn luôn nhắc nhở đến niềm tin, củng cố niềm tin. Khi niềm tin vững thì tự nhiên chúng ta sẽ vững vàng đường đi. Có những người cách xa cả hàng ngàn cây số, khi nghe cần tới hộ niệm vãng sanh, nhưng không lái xe được nên họ phải đi xe lửa, đi xe lửa tám chín tiếng đồng hồ để tới nằm chung với người bệnh mà hộ niệm suốt. Sở dĩ họ phát tâm mạnh như vậy, vì chính trong đời của họ đã thấy ra những hiện tượng vi diệu bất khả tư nghì!...

Hôm qua nói chuyện với chị Diệu Hương, Chị Ngọc Y, mấy chị nói rằng thật sự đây là một điều quá may mắn. Tuổi đời của mình bây giờ năm mươi, sáu mươi hơn rồi mà chưa từng trải qua một lần kinh nghiệm thấy một người ra đi mà có thoại tướng tốt như vậy. Đến khi được cơ duyên biết phương pháp hộ niệm mới xảy ra hiện tượng này. Lúc đó mình mới thấy rằng, thật sự đây là một điều quá may mắn.

Chư vị nghĩ thử, thoại tướng ra đi mềm hay cứng đối với thế gian không quan trọng mấy, tại vì họ không biết! Nhưng điều này đánh giá một hiện tượng lạ lùng... Một người ra đi với cái thân tướng mềm mại, điều đầu tiên là bảo đảm cho họ đời sau không chui vào tam ác đạo trước đã. Có thể họ trở lại làm người, lên những cõi trời. Nếu thật sự một người mà có lòng tin vững vàng, quyết lòng niệm Phật đi về Tây-Phương, thêm hiện tượng đỉnh đầu ấm ấm, không lạnh bằng những chỗ khác... Thật sự cho chúng ta một niềm tin vững vàng rằng, chín mươi chín phần trăm (99%) họ được về Tây-Phương rồi đó.

Quý Vị cứ tưởng tượng, nếu hiểu một chút đạo rồi, thì hàng vạn kiếp qua ta không gặp trường hợp này đâu à!... Ta cứ chết đi, chịu đọa lạc, rồi sinh lại! Chết đi sinh lại... trải qua hàng vô lượng kiếp như vậy. Trong vô lượng kiếp đó có thể chúng ta bị đọa lạc nhiều lắm! Ghê sợ lắm mà không hay!…

Bây giờ gặp cơ may này chúng ta tìm được sự giải thoát thành đạo, ấy thế mà có nhiều người không trân quý cơ hội này, không thích, không muốn... Có nhiều người nói tới chuyện hộ niệm thì cảm thấy mệt mỏi! Có người nghe tới chuyện vãng sanh thì mĩm cười!... Ôi! Mình nghĩ thật là đau đớn cho họ!...

Trong những khi đi nói chuyện về hộ niệm, có nhiều người cứ nói rằng, tại sao mà vãng sanh dễ như vậy?... Tôi đã bảy tám mươi tuổi rồi, hồi giờ không nghe tới chuyện này, tại sao bây giờ lại nói chuyện này nhiều vậy?

Xin thưa thật với chư vị, vị này nói rằng bảy tám mươi năm không thấy thì quá ngắn! Đúng ra vị đó phải nói là: Tại sao trong vô lượng kiếp qua tôi không nghe như vậy...thì mới đúng hơn. Tại vì thật ra trong vô lượng kiếp qua vị đó đã tiếp tục trong sanh tử luân hồi, mà tiếp tục chịu đọa lạc trong ba đường ác đạo nhiều hơn là trong ba đường thiện đạo nữa là khác mà không hay!

Cho nên nói rằng,Tại sao ta tám-chín chục tuổi, bảy-tám chục tuổi không nghe, mà bây giờ mới nghe?... Đây cũng là điều quá mê muội! Vì quá mê muội nên không tin vào chuyện này! Mà không tin vào chuyện này, thì khi xả bỏ báo thân họ sẽ khóc ròng, không còn cách nào có thể cứu vãn được nữa!...

Nói lên những lời này để cho chúng ta chú ý mà củng cố niềm tin. Phải tin cho vững vàng. Nếu không tin vững vàng, thì coi chừng chính chúng ta thường gặp câu A-Di-Đà Phật mà khinh thường, mà không tin tưởng, mà giải đãi, mà tu xen tạp...thì sau cùng chính ta bị ách nạn, cái ách nạn vẫn bị chìm trong những cảnh khổ, không biết ngày nào mới giải thoát!… Còn những người suốt cả cuộc đời không tu, nhưng khi gặp câu A-Di-Đà Phật ở trong tư thế sắp chết làm cho họ giật mình tỉnh ngộ, họ quyết lòng đi, vậy mà họ có khả năng vãng sanh.

Đó là nói qua ba điểm thuộc về thiện-căn mà mấy ngày nay chúng ta đã nói qua: Một là “Tín-Căn”, hai là “Tấn-Căn”, ba là “Niệm-Căn”.

Tín-Căn” thiện lành, thì nghi ngờ chính là ác-căn. Nghi ngờ nó phá mất niềm tin của chúng ta. Mong chư vị, người nào nghi ngờ hãy mau tỉnh ngộ.

Tấn-Căn” là tinh-tấn thiện lành, đối với tinh tấn thiện lành thì cái hại của nó chính là giải đãi. Hôm nay bác Minh Trí tới nộp tờ công cứ thứ tám và hỏi tới tờ công cứ thứ chín. Tôi cảm kích vô cùng! Thật sự hay vô cùng! Điều này chứng tỏ rằng bác Minh Trí ngon hơn bác Minh Trị rồi... Hì hì!… Thật ra ta phải tranh thủ thời gian để niệm Phật. Nhất định quý vị phải thấy rằng, khi làm xong tờ công cứ thứ mười rồi, thì hình như mình có một giấy Visa, giấy hộ chiếu để đi về Tây-Phương. Phải nắm cho vững cái giấy hộ chiếu này mà đi, xin đừng khinh thường. Chúng ta là hàng sơ cơ hạ căn, chỉ cần một chút khinh thường liền có thể bị hại...

Tại sao vậy?... Tại vì đối nghịch với Tinh-TấnGiải-Đãi. Giải đãi là ác-căn chớ không phải thiện-căn. Nhớ cho kỹ điều này, tất cả các vị Bồ-Tát sợ nhất là giải đãi. Thường khi chúng ta tu hành cứ sợ đến ma này ma nọ… Chứ thật ra giải đãi chính là Ma! Mong chư vị, nếu vì phước-đức không có, mình quá bận bịu, thì thôi cũng đành rằng mình phải lo làm ăn. Chứ nếu không có bận bịu gì, thì phải cố gắng tu hành, ráng lo tu tối đa, nhất định đừng nên bỏ thời khóa, nhất định đừng nên chao đảo. Uổng lắm!... Chao đảo nó sẽ kéo luôn chúng ta trong sáu đường sanh tử đến vô lượng kiếp nữa, chứ đừng nói chi một triệu năm, hai triệu năm!... Đừng nên nghĩ tới chuyện đó nữa. Sáu trăm triệu năm tới coi chừng chúng ta cũng vẫn còn bị nạn đó! Sáu trăm triệu năm tới chưa chắc gì ta được phước phần nghe được pháp âm của đức Di-Lặc Tôn Phật đâu nhé!... Xin chư vị nhớ cho kỹ điểm này.

Điểm thứ ba là “Niệm-Căn”. Mong chư vị hãy nhớ cái điểm này. Pháp môn Niệm Phật tối kỵ là xen tạp. Nhất định niệm là niệm câu A-Di-Đà Phật.

Tất cả các pháp môn khác không tối kỵ sự xen tạp, vì họ đi con đường tự lực tu chứng. Đã tự lực thì phải sẵn sàng tìm những cái xen tạp để thử thách với ý chí, thử thách với nghị lực và dùng trí huệ sắc bén để giải thoát. Nói gọn hơn là Diệt-nghiệp, Đoạn-nghiệp để cầu chứng đắc. Còn người niệm Phật chúng ta là đi con đường gọi là Né Nghiệp, Trốn Nghiệp,không phải là diệt nghiệp. Né nghiệp thì điều quan trọng nhất là đừng để những thứ ngoại duyên chen vô trong tâm, làm cho câu A-Di-Đà Phật bị xen tạp bởi những cái ý niệm khác, xen tạp bởi những chủng tử khác. Xen tạp là điều hết sức tối kỵ!…

Nhắc đi nhắc lại cho chư vị nhớ rằng, pháp môn Niệm Phật rất tối kỵ vấn đề xen tạp. Xen Tạp về kinh điển đã hại như vậy rồi, đừng nói chi là xen tạp về những thứ thị phi, ganh tị, buồn phiền, khổ não, âu sầu... Những chuyện này mong rằng chư vị hãy bỏ đi, bỏ đi để quyết lòng đi về Tây-Phương. Nếu không bỏ, lỡ luống qua khỏi cơ hội này thì khó lắm!... Khó lắm!... Nhất định khó vô cùng!... Nhớ rằng nay đã rơi vào mạt pháp rồi, mong chư vị hiểu cho...

Hôm nay chúng ta tiến tới một điểm nữa gọi là “Định-Căn”, định-căn thiện lành. Cái “Định” đối với pháp môn Niệm Phật của chúng ta chính là người nào ưa thích câu A-Di-Đà Phật. Ưa thích gọi là “Nhạo”. Chữ nhạo này chính là “Định” đó. Chính là người ưa thích câu A-Di-Đà Phật, ngoài ra không ưa thích cái gì khác hết. Cái tâm định vào trong câu A-Di-Đà Phật. Hòa Thượng Tịnh-Không nói:

- Định” là tâm có “Chủ Định”. Tức là tâm ta cứ giữ câu A-Di-Đà Phật… Ai nói gì nói, ta nhất định không thay đổi!...

- Chúng ta quyết lòng đi về Tây-Phương… Ai nói gì nói, ta nhất định không thay đổi!...

- Ta cứ quyết định thành tâm tin tưởng A-Di-Đà Phật sẽ phóng quang cứu độ chúng ta… Ai nói gì nói, ta nhất định không thay đổi!...

Nhất định phải “Định” vào danh hiệu A-Di-Đà Phật này.

Chữ “Tín” quan trọng lắm. Có chữ “Tín” nó mới dẫn tới chữ “Định”. Không có niềm tin thường thường bị chao đảo! Cho nên, ngài Ngẫu-Ích Đại Sư nói Tin là gì?... Tin có Phật A-Di-Đà, tin có Thế Giới Tây-Phương Cực-Lạc, tin Nhân, tin Quả, tin Lý, tin Sự. Nhân là câu A-Di-Đà Phật. Quả là trở thành A-Di-Đà Phật trên cõi Tây-Phương luôn. Lý là tâm ta là A-Di-Đà Phật. Sự chính là cõi Tây-Phương, là chỗ mà ta về đó.

Chư vị cứ vững lòng như vậy mà đi thì nhất định định-căn chúng ta vững vàng. Hễ định-căn vững vàng thì tự nhiên “Huệ-căn” chúng ta phát sinh ra. Những người thích tìm hiểu này nọ, thích chạy lung tung... thì tâm hồn dễ chao đảo, chứng tỏ rằng định-căn chưa có. Định-căn chưa có chỉ vì niềm tin chưa đủ! Vì niềm tin chưa đủ, nên dù tu hành ba-bốn chục năm, năm-sáu chục năm nhưng sau cùng rồi vẫn ra đi với thân tướng cứng ngắt!…

Có nghĩa là sao?... Đã bị nạn tam ác đạo rồi! Dễ sợ quá!...

Còn nếu một người nào tin tưởng vững vàng, quyết lòng đi, nhất định đã có chỗ “Định” rồi. Từ chỗ “Định” này nhất định sẽ phát “Huệ”. Phát huệ ở đâu? Khi gặp một người nào khác nói một chuyện gì, tự nhiên mình biết rằng họ nói có đúng chánh pháp hay không? Biết liền!...

Ngày hôm nay chúng ta đang ở trong cảnh giới mạt pháp của đức Thế-Tôn rồi, không phải là tượng pháp hay là chánh pháp. Trong thời mạt pháp mà chính ta đã thấy được những người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, xin thưa thật, phải chăng trong mạt pháp mà chúng ta đã thực hiện được một đại chánh pháp để thành tựu. Cơ duyên này vô cùng quý giá!...

Nguyện mong chư vị cố gắng gìn giữ cơ duyên hy hữu này để nhất định ta được phước phần vãng sanh thành tựu đạo quả!...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 27

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong mấy ngày qua, chúng ta bàn về “Thiện-Căn”. Thiện-căn có liên quan mật thiết đến việc vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Trong thiện-căn có năm tiết mục: Tín-Căn, Tấn-Căn, Niệm-Căn, Định-Căn, Huệ-Căn. Bốn mục trước chúng ta đã bàn sơ qua rồi, hôm nay nói qua phần Huệ-Căn. Thật ra khi nói về huệ-căn thì quá cao đối với Diệu Âm. Tại vì huệ là trí huệ. Khi mình khai mở trí huệ rồi mới nói được về huệ-căn. Cho nên khi nói về huệ-căn này, mong chư vị hãy dành lại đến khi nào mình vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc rồi mới nói thì chính xác hơn.

Hôm nay chúng ta chỉ dồn lại bốn căn trước. Nếu thật sự bốn căn trước chúng ta đã có đầy đủ thì coi như cái nhân giúp cho huệ-căn phát triển đã có. Có nhiều người rất thích lý luận, triết lý cao siêu và cho đó là huệ-căn! Nhưng thực tế vô tình cho mình thấy ra những điều trái ngược, vì người đi về Tây-Phương hình như là người ta không lý luận gì hết, ấy thế mà đường vãng sanh của họ lại chắc chắn. Còn những người cứ đem sở tri kiến của mình ra diễn giải việc vãng sanh, diễn giải con đường về Tây-Phương, thì càng diễn giải càng khó được thành tựu! Đây là sự thật đã được chứng minh hết sức cụ thể.

Ví dụ như Niệm Phật Đường chúng ta vừa qua mới tiễn đưa được một người, bà cụ Cam Muội vãng sanh. Trong những lần tới hộ niệm cho bà Cụ, mình thấy bà Cụ có lý luận gì đâu?... Bà Cụ có biết biện bác gì đâu?... Bà Cụ có giảng giải gì đâu?... Hỏi bà Cụ:

- Bây giờ Cụ sao rồi?...

Bà Cụ nói:

- Niệm Phật.

- Bà Cụ chân đau lắm phải không?...

- Bỏ!… Hì hì.

- Bây giờ Cụ theo ai?...

- Theo A Di Đà Phật.

- Bà Cụ còn muốn gì nữa?...

- Muốn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Bà Cụ nói những lời hết sức mộc mạc. Chắc chắn những người ưa lý giải không thích nghe tới những lời nói này đâu. Ấy thế mà bà Cụ lại vãng sanh. Còn rất nhiều người ưa lý luận dữ lắm, giảng ý nghĩa vãng sanh là như thế nào? Ý nghĩa vãng sanh cao tột như thế nào? Huyền nghĩa của Tây-Phương Cực-Lạc như thế nào? Tư tưởng thật là liêu láng, cao siêu!... Nhưng hình như lịch sử lại chứng minh một chuyện ngược lại, càng lý luận chừng nào càng khó vãng sanh chừng đó! Càng lý luận chừng nào thì cuối đời hình như họ bị lạc vào chỗ nào đó, chứ không có một hiện tượng nào để bảo đảm rằng họ được vãng sanh!...

Chính vì vậy, khi nói đến huệ-căn thì biết chừng đâu chính những người thật thà nhất lại có huệ-căn trong đó chăng? Mấy ngày qua chúng ta thường khuyến tấn với nhau hãy quyết lòng tin tưởng. Vấn đề tin tưởng đối với những người thông minh, hiểu rộng, họ ít khi chấp nhận lắm! Như vậy chẳng lẽ những người có tấm lòng chí thành tin tưởng lại có huệ-căn chăng? Còn những người không chịu phát tâm tin tưởng, lại cứ lo luận cho ra cái mối đạo, giải cho ra cái lý diệu, vô tình họ đang bị vướng vào một chỗ, mà theo như chư Tổ thường hay nói, là Sở-Tri-Chướng chăng?...

Ngài Đại-Thế-Chí Bồ-Tát nói, đây là những người không chịu đóng ý-căn, không chịu khóa ý-căn lại. Ngài dạy “Đô nhiếp lục căn”, nhưng không chịu đóng ý-căn lại, mà cứ mở ý-căn ra. Ý-căn càng mở ra thì thường tâm bị rối giống như mối tơ quần-quần quần-quần!... Đến sau cùng rồi khi nằm xuống, ý-căn cứ thế mà ứng hiện ra. Ý-căn ứng hiện ra chính vì vấn đề tư tưởng kiến giải quá mạnh, vô tình đã làm mất đi cái tâm Chí Thành-Chí Kính-Thành Tínniệm câu A-Di-Đà Phật. Tín-Hạnh-Nguyện quá yếu, nên không hợp với đại nguyện của Đức A-Di-Đà. Không hợp đại nguyện của Đức A-Di-Đà thì con đường vãng sanh vô cùng lõng lẻo!... Chính vì vậy mà họ đành phải đi theo con đường trầm luân trong nhiều số kiếp nữa. Trong khi đó khi mình đi hộ niệm cho bà cụ Cam Muội. Hỏi cụ:

- Về Tây-Phương Cụ nhé?

- Nhất định!

- Cụ theo ai?

- A-Di-Đà Phật.

- Quyết vãng sanh nghen Cụ?

- Nhất định vãng sanh.

- Còn tiếc cái thân này không?

- Bỏ… Hì hì...

Cụ nói những lời hết sức mộc mạc như vậy thôi, ấy thế mà Cụ vãng sanh. Chứ giả sử như lúc đó bà Cụ đòi hỏi rằng ta cần hiểu cái lý này, giảng cho ta hiểu cái đạo nọ, đọc cho ta nghe bài pháp này, tụng cho ta nghe bộ kinh nọ... Bà Cụ cứ tiếp tục đòi hỏi những cái đó, thì chưa chắc gì bà Cụ ra đi có thoại tướng tốt như vậy.

Chính vì vậy, thay vì mình nói về huệ-căn, thì tốt hơn là hãy mau mau làm sao cho con đường vãng sanh của mình được bảo đảm trước đã. Đi về Tây-Phương rồi, ngài Vĩnh-Minh Đại Sư nói rằng, đi về Tây-Phương gặp được A-Di-Đà Phật rồi thì bây giờ không có huệ-căn cũng có huệ-căn, không có khai ngộ cũng khai ngộ, không có thành đạo cũng thành đạo, không hiểu lý đạo cũng hiểu lý đạo... Chỉ cần đi về Tây-Phương được là chúng ta sẽ được tất cả.

Muốn chắc chắn được đi về Tây-Phương thì đơn giản vô cùng, hãy lấy hình ảnh của cụ Cam Muội làm gương là chắc chắn nhất.

Đóng ý-căn lại… đừng mở ra! Đóng lỗ tai lại… đừng nghe! Đóng cửa khẩu lại... không thèm nói những gì khác nữa! Đóng con mắt lại... không nhìn cái gì khác nữa! Cứ một câu A-Di-Đà Phật mà niệm, cứ một hình tượng A-Di-Đà Phật mà nhìn. Tất cả những thứ tham, sân, si, mạn, thị phi, ganh tỵ... những cái gì của thế gian cứ cố gắng giảm đi, giảm đi, giảm tối đa. Tập ăn ở hiền lành. Đem cái lòng chí thành này mà niệm Phật. Xin bảo đảm với chư vị con đường vãng sanh về Tây-Phương mình đã chiếm được tới chín mươi phần trăm (90%) rồi chứ không phải ít đâu.

Cách đây không lâu có một chị tuổi năm mươi bảy ở tại Úc vãng sanh. Suốt cuộc đời của chị này không có đi chùa. Hồi nhỏ có đi hay không, không biết. Nhưng khi lập gia đình thì người chồng theo Thiên-Chúa giáo. Hiện tượng vãng sanh của chị rõ rệt là một chứng minh cụ thể cho lời nói trên. Khi theo chồng đạo Thiên-Chúa giáo chị thường đi nhà thờ. Tất cả bốn người con đều đi nhà thờ. Rõ ràng là suốt một cuộc đời của chị này hình như một câu kinh Phật cũng không biết, không biết gì hết. Ấy thế, cuối đời ở tuổi năm mươi bảy chị gặp phải bệnh ung thư ngặt nghèo, đang nằm để chờ chết, cơ may gặp được những người hộ niệm bày vẽ đường niệm Phật cầu vãng sanh. Chị hạ quyết tâm, quyết thề đi về Tây-Phương, không cần lý luận gì hết...

Chính chị đó đã hỏi Diệu Âm:

- Bây giờ tôi phải đọc kinh gì để tôi được vãng sanh?...

Diệu Âm nói:

- Bây giờ chị không cần đọc kinh gì hết. Không có kinh nào giúp cho chị được vãng sanh hết. Không có Thần-Chú nào giúp cho chị được vãng sanh hết. Chỉ một câu A-Di-Đà Phật chị niệm tới cùng cho tôi. Bắt đầu từ giờ phút này cho đến ngày chị buông báo thân ra đi, niệm một câu A-Di-Đà Phật, bốn chữ thôi, không cần gì hơn.

Chị đó tự nhiên quyết tâm tin tưởng, quyết lòng đi. Chính chị đó đã khuyên giải gia đình, khuyên giải những người thân cùng yểm trợ cho chị, để chị niệm được câu A-Di-Đà Phật. Ấy thế, chỉ bốn tháng niệm Phật mà thôi, chị ra đi để lại một thân tướng bất khả tư nghì.

Chư vị cứ nghĩ thử coi, bây giờ chúng ta lý luận để làm gì?... Có rất nhiều người thường đưa ra những sự lý luận quá hay! Vô cùng hay! Nhưng vô tình, lý luận hay quá nên mới thấy câu A-Di-Đà Phật sao đơn giản quá! Đơn giản quá thì có cái lý gì hay trong đó đâu để được vãng sanh?... Vì đơn giản quá nên chê! Không chịu cái đơn giản, chỉ thích những cái rắc rối mà thôi. Vô tình càng rắc rối chừng nào thì càng rối rắm chừng đó!... Ích lợi gì đâu!...

Chính vì vậy mà muốn có trí huệ không có cái gì khác cả. Một là tin tưởng, phải tin tưởng, tin cho vững vàng đi. Những người nào hôm nay mà chưa tin câu A-Di-Đà Phật thì mau mau giật mình tỉnh ngộ tin liền đi. Tin vững vàng!... Gọi là “Thâm Tín”, đừng có “Sơ Tín” . “Thâm tín nhân quả” thì câu A-Di-Đà Phật chính là “Nhân”, về Tây-Phương thành Phật là “Quả”. Nếu như người nào có “Thâm Tín” này nhất định người đó có “Thiện-Căn”. Những người nào không có cái thâm tín này, nhất định bây giờ dù có hình tướng như thế nào đi nữa, ta không dám nói có thiện-căn.

Tại vì sao?... Tại vì cuối đời họ không được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Đã thâm tín thì cố gắng tranh thủ thời giờ niệm Phật, ở đây niệm Phật, về nhà niệm Phật, thời khóa đừng nên bỏ. Phải cố gắng kiên trì, đừng ỷ lại.

Rồi gì nữa?... Niệm!... Đừng có nên niệm “Ta-bà”. Những điều gì mà người ta đã làm sai với mình, thì tha thứ đi. Những người làm cho mình bị thua lỗ, hãy tha thứ đi…

Ở bên Châu Âu, có một chị kia sau khi người mẹ của chị vãng sanh rồi, chị nói như thế này, chị quản lý cả một cái khu chợ, nhưng bây giờ chị không đi đòi tiền nữa. Những khu chợ người ta mướn sạp hàng của chị, nhưng mà chị không đòi nữa. Những người nào có tiền thì trả, không có tiền chị cho luôn. Tại vì bây giờ chị không còn niệm tiền nữa.

Một câu A-Di-Đà Phật như vậy mà đi. Nhất định! Hãy định vào chỗ này. Nói thẳng thắng chỉ bốn chữ này thôi, nhất định chúng ta sẽ vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Người nào về Tây-Phương trước thì phát huệ trước, người nào ở đây thì phát huệ sau.

Mong cho tất cả chư vị ai ai cũng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 28

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta đang nói về Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên. Mấy ngày qua chúng ta nói nhiều về thiện-căn, hôm nay xin bàn qua phước-đức, nhân-duyên.

Trong dịp này xin kể một câu chuyện, ở bên Âu Châu có một vị kia phát một cái tâm nguyện rất là tốt và Diệu Âm rất khen tặng. Vị đó có một tâm hồn rất là rộng rãi, rất vui vẻ với tất cả mọi người và suốt năm chị ta rất hoan hỷ, tiếp đón, cúng dường, phụng sự... tất cả các hội cũng như là Pháp Sư. Diệu Âm thấy vậy rất là vui. Thật sự vị này là một người tu hành khá tốt. Nhưng khi tiếp xúc với một vài vị khác ở Âu Châu, thì mấy vị đó có nói rằng nhiều khi tôi muốn đến với chị nhưng tôi không biết là chị đi đường nào, nên cũng thấy phân vân!

Chị đó phát một cái tâm rất là tốt, cúng dường tứ sự, lo chỗ ăn chỗ ở cho những vị tu hành, cho đồng tu khắp nơi, nhưng có một cái là đường đi hình như không được chuyên nhất lắm, vì chị tu nặng về thiện phước, là một người rất tốt. Có lẽ vì nhiều đời nhiều kiếp tu thiện tích đức, cho nên trong đời này chị gặp được Phật pháp. Chị cũng rất thích niệm Phật, nhưng vẫn bị các vị kia thường hỏi rằng:

- Sao chị không đi một đường mà đi lung tung vậy?...

Chị đó nói:

- Mình phải biết tu phước, tạo phước. Nhờ cái phước đó mình mới có khả năng vượt qua ách nạn của nghiệp chướng chứ.

Đây thật sự là một pháp tu tốt, vì tu tốt trong nhiều đời nhiều kiếp cho nên trong đời này mới có cơ duyên gặp được Phật pháp. Nhưng thật sự tu đường này thì theo trong Phật giáo chúng ta gọi là tu thiện-phước. Mấy vị kia cứ hỏi rằng tại sao chị không đi một đường, là tại vì những vị đó đang muốn quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Có lẽ các vị đó hỏi chị là vì thấy chị cứ tiếp tục “Tu Phước” nhiều hơn là quyết lòng “Tu Đắc”, gọi là đắc vãng sanh? Cái điểm cần chú ý là ở chỗ này...

Trong quá khứ tu phước-thiện, trở về đời này ta làm người nhưng vẫn còn trong lục đạo. Trong đời trước có thể là chánh pháp, tượng pháp ta có quyền rớt lại. Nhưng đến nay là mạt pháp rồi, nếu ta tiếp tục tu phước-thiện mà không chú tâm tu đường đắc vãng sanh, thì khi lỡ rớt lại trong đời sau, ta liệu có khả năng hưởng được phước-thiện trong cảnh giới mạt pháp của đức Thế-Tôn hay không? Sau đó ai sẽ hướng dẫn cho ta con đường thoát vòng sanh tử? Cho nên Diệu Âm khen chị là khen tu phước, còn các vị kia trách chị là trách tại sao chị không chịu quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc?...

Nên nhớ, nay đã rơi vào mạt pháp rồi, không phải dễ dàng đâu! Mình nghĩ rằng tu phước để đời sau có phước tu tiếp. Nhưng quên rằng đời sau Phật pháp sẽ mạt hơn đời này, đời sau cơ duyên khó hơn đời này và cái vốn phước-thiện mình tu trong đời này chưa chắc sẽ khỏa lấp được những nghiệp chướng mà mình tạo ra trong đời này, rồi trong đời sau cơ duyên tạo nghiệp chướng cũng sẽ nhiều vô tận...

Thiện chính là thiện-căn. Phước là phước-đức. Chính vì có phước-thiện nên mình mới gặp cơ duyên hôm nay. Nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng phải nhớ rằng, nghiệp chướng của chúng ta luôn luôn phát sinh song song với phước thiện. Nếu chúng ta sợ thiếu phước lo tạo phước, thì điều này tốt chứ không xấu, nhưng tu phước để hưởng phước báu nhân thiên trong đời mạt pháp phía sau, thì cái phước báu này nó kèm bên những nghiệp chướng. Nghiệp chướng mạnh hơn phước báu - Nghiệp tam ác đạo. Đời trước cái nghiệp tam ác đạo của chúng ta yếu, đời này bắt đầu mạnh, đời sau cái nghiệp chướng tam đồ mạnh hơn đời này! Như vậy dù có tu phước đức như thế nào đi nữa, đến đời sau đem so sánh ra giữa cái nghiệp tam đồ và cái phước-báu nhân thiên, thì cái nghiệp tam đồ của chúng ta nó lớn hơn vô cùng!...

Chính vì vậy mà người giác ngộ một chút thì phải quyết lòng tu đường vãng sanh. Chị đó nói:

- Bây giờ cái phước của tôi yếu quá làm sao có thể vãng sanh?

Thật ra nghiệp chướng mà chúng ta muốn diệt nó để thoát vòng sanh tử, thì chắc chắn là trong những ngày tháng qua chúng ta đã xác định rồi, không thể nào diệt được! Chắc chắn là không thể nào diệt được.

Cái phước thiện chúng ta có thể tạo. Nên tạo phước thiện. Nhưng thật ra, tu “Phước-Thiện” không khác với tu “Tịnh-Nghiệp”.

Tu phước-thiện là làm phước, còn tu tịnh-nghiệp là đem cái phước thiện này gởi về Tây-Phương. Tâm-tâm nguyện-nguyện của chúng ta lúc nào cũng đi về Tây-Phương. Như vậy nói về Sự thì giữa pháp tu phước-thiện và pháp tu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc hoàn toàn giống nhau, nhưng tu Tịnh-Nghiệp chỉ thêm một điểm nữa là tâm-tâm nguyện-nguyện chúng ta đi về Tây-Phương. Như vậy nếu trong lúc chúng ta tu phước-thiện mà đem tất cả những phước-thiện đó gởi về Tây-Phương, ngày nào cũng nguyện vãng sanh về Tây-Phương, tâm-tâm nguyện-nguyện đều hướng về Tây-Phương thì ta biến cái phước-thiện này thành con đường tu “Tịnh-Nghiệp”.

Nếu mình nghĩ rằng phước của mình yếu, nghiệp mình nặng, thì trên con đường đi về Tây-Phương chúng ta đã có chuẩn bị, đó chính là “Hộ Niệm”. Cho nên ta cần tu song song phước-thiện và đem phước thiện gởi về Tây-Phương. Nếu ta sợ rằng nghiệp chướng chúng ta lớn quá, chắc chắn nghiệp chướng luôn đi song song với thiện-căn phước-đức, thì chúng ta phải nghiên cứu thật kỹ pháp hộ niệm để trợ duyên cho nhau.

Khi tâm chúng ta thành, lòng tin vững vàng, chí nguyện vãng sanh tha thiết, thì niệm câu A-Di-Đà Phật là tất cả thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên của chúng ta đã đầy đủ. Chúng ta cứ tiếp tục tăng phước, tăng thiện và giữ vững cơ duyên là được. Còn những nghiệp chướng mà chúng ta phá không được thì sao?... Nhờ bạn đồng tu chuẩn bị cho chúng ta, hỗ trợ cho chúng ta. Và còn nhờ gì nữa?... Chính nhờ cái lòng tha thiết muốn vãng sanh về Tây-Phương, thì chư Thiên-Long Hộ-Pháp gia trì cho chúng ta.

Như vậy nếu chúng ta cải đổi đường tu một chút xíu, tức là thay vì nhắm vào phần phước-thiện, đời-đời kiếp-kiếp tu phước, đời-đời kiếp-kiếp phá nghiệp để vượt sanh tử... thì ngày hôm nay chúng ta cứ một lòng một dạ tu phước-thiện, nhưng quyết lòng đem phước-thiện đó gởi về Tây-Phương Cực-Lạc. Nghiệp chướng chẳng cần phá nữa, chỉ cần gói nó lại, quên nó đi... Hãy đem câu A-Di-Đà Phật bao trùm nó lại, thì đây là cơ hội cho chúng ta bao nghiệp lại, trùm nghiệp lại, phủ nghiệp lại, đè nghiệp xuốngđể vượt qua cái ách nghiệp này mà đi về Tây-Phương bằng cái sức nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc sẽ hợp với đại nguyện của đức A-Di-Đà. Nhờ vậy ta về được Tây-Phương Cực-Lạc.

Cho nên Diệu Âm khen chị đó là người biết tu phước, còn người ta lo cho chị đó là tại sao con đường chưa được chuyên nhất! Thật ra hai chuyện này điều nào cũng đúng hết.

Xin thưa với chư vị, thiện căn-phước đức-nhân duyên nằm ngay tại cái thời khoảng mà chúng ta niệm Phật này chứ không đâu cả. Nhờ có thiện-căn trong quá khứ, ta mới có được cơ duyên tin vào câu A-Di-Đà Phật. Nhưng mà tin không vững, tin mập mờ, tin mà còn nghi ngại rằng ta không đủ phước-thiện, nên vô tình trong lúc tu hành này chúng ta lại lơ là đường vãng sanh, làm mòn cái phước-thiện của chúng ta đi!... Đáng lẽ nương theo cơ duyên này chúng ta về được Tây-Phương, nhưng vì sơ ý, chúng ta có thể lại tiếp tục dập dềnh trong cảnh sanh tử luân hồi… Cũng như trong vô lượng kiếp qua, có lẽ cũng vì ý niệm sơ ý này mà chúng ta đã dập-dềnh dập-dềnh trong cảnh tử-tử sanh-sanh không thoát được!..

Chính vì thế, khi hiểu được con đường giải thoát rồi, xin chư vị hãy nắm cho vững cơ hội này để một đời này ta về Tây-Phương. Nhất định cơ hội thành đạo đang ở trong tầm tay của chúng ta chứ không phải ở đâu xa cả.

Mong cho chư vị cố gắng quyết lòng đi cho vững, đi cho đúng, đi cho thẳng một đường về tới Tây-Phương để thành đạo.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 29

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên!Hôm nay chúng ta nói về “Phước-Đức”. Thật ra thì mỗi người chúng ta ai cũng có một cái kho phước-báu rất lớn, nhưng nhiều khi chúng ta không biết sử dụng hoặc quên nó đi nên mới cảm thấy nghèo nàn, thiếu thốn, chứ nếu chúng ta biết dùng thì nhiều khi cái phước-báu này vô lượng, vô biên, vô giá mà chúng ta không hay.

Vì không biết nên thường khi khinh thường! Vì khinh thường cái phước báu của mình, nên suốt cả cuộc đời cứ chạy tìm phước báu. Trong khi đó thì cái phước báu vô giá của mình lại liệng ở chỗ nào đó mà không hay!…

Ví dụ như ở trong Niệm Phật Đường chúng ta trước đây có mấy cái cây, bỏ rơi rớt khắp nơi nên không thấy giá trị gì hết, nhưng khi chư vị đồng tu bứng cái cây đó đặt vào cái chậu thì mình mới thấy đẹp. Khi ra nhà ươm cây, mình thấy ở đó có một cây nhỏ hơn cây của mình mà người ta để giá bán tới hơn một ngàn đô-la. Như vậy, rõ ràng chậu cây của mình thấy vậy chứ giá trị của nó phải trên một ngàn đô-la. Chỉ vì hồi giờ mình không biết, nên không quý đó thôi!...

Ở phía trước chúng ta trồng hai cái cây đang lên xanh mướt, lá của nó đẹp lắm, phủ xuống giống như cái dù, cho nên người ta gọi là cây “Umbrella”, tức là cây lá dù. Có nhiều người chê cái cây đó! Nhưng nếu mình vào nhà ươm hỏi, thì cái cây lớn cỡ đó họ bán cũng vài trăm đô-la. Cho nên khi mình tới cái nhà ươm xem qua, rồi về nhà mình mới thấy... À!... Một cây của mình có thể tới hai ba trăm đô-la chứ không phải thường!… Nó quý như vậy mà tại mình không biết nên mình không quý.

Chúng ta có một cái phước-báu, thật sự có! Nhưng có nhiều người không biết, cho nên cứ chạy tìm phước báu!...

Có nhiều người nói ráng tu hành lên, ráng niệm Phật để tìm phước báu, có phước báu rồi đời sau tu tiếp để tô bồi thêm phước báu, chứ không có phước báu thì làm sao về Tây-Phương được?...

Tu hành như vậy vô tình cứ dẫn dắt nhau chạy tìm phước báu! Trong khi đó thì ngài Ấn-Quang nói: Niệm Phật để cầu phước-báu cho đời sau thì chẳng khác gì đem cái kho báu vô tận của mình đổi lấy một tán kẹo!... Con nít thường hay thèm kẹo!... Ngài nói như vậy.

Hướng dẫn cho chúng sanh tu hành niệm Phật để cầu phước-báu, thì đúng là dạy cho người ở lại trong lục đạo luân hồi này để tìm cái phước, gọi là “Phước-Báu Nhân-Thiên”. Trong khi kinh Hoa-Nghiêm, Phật dạy: “Vong thất Bồ-Đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp”.

Vong thất Bồ-Đề tâmlà quên mất cái tâm giác ngộ, quên cái tâm Bồ-Đề, mà chạy tu những thứ phước thiện, gọi là tu phước-báu, thì cái pháp tu này, hay hành nghiệp này Phật gọi là “Ma nghiệp”.

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói: “Phát Bồ-Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật, cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Chúng ta cứ bình tĩnh nghe những lời Phật dạy để tìm hiểu ra con đường chánh pháp mà tu.

Một người mà quên đi con đường giải thoát, lo chạy tu phước thiện để hưởng phước báu nhân thiên thì kinh Hoa-Nghiêm Phật nói, người quên con đường giải thoát, không tìm con đường giải thoát mà chỉ lo tu phước thiện, tức là tu làm người tốt, làm người thiện để cầu hưởng phước báu trong nhân thiên, thì Phật gọi đây là hành nghiệp của ma…

Trong khi đó thì kinh Vô-Lượng-Thọ dạy là phát Bồ-Đề tâm, đừng có quên Bồ-Đề tâm, niệm câu A-Di-Đà Phật chuyên nhất, cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Chứ Phật không dạy phát Bồ-Đề tâm làm việc phước thiện để đời sau tu tiếp.

Nghe những lời dạy này thấm thía vô cùng! Phát Bồ-Đề tâm là sao? Có nhiều người giảng rộng quá, giảng cao quá, nhiều khi làm cho chúng ta không biết phát Bồ-Đề tâm như thế nào!... Chứ nói cho đúng nghĩa ra, thì chính trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật thường thường đưa ra ba điểm “Tín-Nguyện-Hạnh”.

- Tin là tin câu A-Di-Đà Phật, tin pháp Niệm Phật.

- Nguyện là nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

- Niệm tức là nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật.

Như vậy rõ ràng câu: “Phát Bồ-Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” chính là ba điểm Tín-Hạnh-Nguyện này. Tín và Nguyện vãng sanh chính là phát Bồ-Đề tâm vậy.

Hòa Thượng Tịnh-Không nói đây là “Vô Thượng Bồ-Đề tâm”, không phải là Bồ-Đề tâm bình thường. Ngài Ngẫu-Ích nói rằng, tin tưởng cho vững vàng vào câu A-Di-Đà Phật, tha thiết nguyện vãng sanh Tây-Phương nhất định một báo thân này vãng sanh về Tây-Phương, thì đây là phát Vô-Thượng Bồ-Đề tâm. Như vậy thì câu phát Bồ-Đề tâm nhất hướng chuyên niệm trong kinh Vô-Lượng-Thọ chính là Tín-Nguyện-Hạnh của người niệm Phật chứ không có gì khác. Đây là con đường thành tựu đạo quả trong một đời này.

Chư Tổ nói phát Bồ-Đề tâm là Tín-Nguyện, Phật cũng nói vậy luôn. Trong kinh Niệm-Phật-Ba-La-Mật, Phật dạy người nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì một đời thành Phật, nên Phật nói thẳng rằng: Vãng sanh về Tây-Phương tức là thành Phật.

Đem tất cả những lời Phật dạy ra, đem những lời chư Tổ dạy ra, mình thấy rõ rệt rằng hướng dẫn cho người ta vãng sanh về Tây-Phương, chỉ lối cho chúng sanh vãng sanh về Tây-Phương chính là giúp cho họ thực hiện “Vô-Thượng Bồ-Đề Tâm”, thực hiện con đường thành “Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác”.

Còn nếu mình sơ ý dạy rằng: “Bà ơi! Bà không có phước-báu đâu! Bà hãy niệm Phật cầu chút phước báu để đời sau tu tiếp...”, thì bị Phật nói rằng: “Thị danh ma nghiệp!” (Đây chính là nghiệp của Ma!). Ta đã dẫn dắt người ta đi con đường ma nghiệp rồi! Không còn là chánh nghiệp nữa! Không còn là Chánh Pháp nữa!

Chính vì thế, trong thời mạt pháp này chúng ta phải chú ý cho thật kỹ phương pháp tu hành, nếu không chúng ta sẽ bị sai lạc! Sai lạc dữ lắm!...

Đi ra ngoài mình nói, tôi đang niệm Phật cầu vãng sanh, thì nhiều người nói rằng, tại sao anh lại cống cao ngã mạn như vậy?... Tại sao không tìm một chút phước báu để đời sau tu tiếp có cụ thể hơn không, mà lại nguyện vãng sanh về Tây-Phương thành Phật! Đâu mà dễ dàng vậy!...

Rất nhiều người tu học Phật mà nghĩ như vậy! Trong khi Phật dạy phải niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc...

A-Di-Đà Phật phát đại thệ rằng, người nào trước khi xả bỏ báo thân mà niệm mười câu A-Di-Đà Phật để nguyện vãng sanh Tây-Phương, nếu mà Ngài không tiếp độ về Tây-Phương, thì Ngài thề không thành Phật. Đây là cái mấu chốt rất là gần gũi, rất là cụ thể, rất là dễ dàng cho tất cả chúng ta ngồi tại đây đều vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Hôm nay mình nói về phước-báu. Xin hỏi chư vị, có cái phước-báu nào lớn bằng một người đi về Tây-Phương Cực-Lạc để thành đạo Vô-Thượng đâu? Tất cả chúng ta đã ngồi tại đây niệm Phật, thì chính trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói, sở dĩ được cơ hội này là vì trong vô lượng kiếp chúng ta đã tu bồi một cái thiện-căn, phước-đức vô lượng vô biên rồi. Cho nên chúng ta thật sự đã có được những khối phước-báu, cái gia tài vô giá mà chúng ta không biết dùng, lại nghe lời đàm tiếu của thế gian mà liệng đi, liệng hết những cái phước-báu này đi, rồi chạy tìm những thứ phước-báu sanh tử luân hồi để chịu nạn... Nên Phật nói đó là “Ma nghiệp”.

Nguyện mong chư vị thấy được đạo lý này, hãy quyết lòng một dạ mau mau trở về Tây-Phương hưởng “Đại Thiện-Căn, Đại Phước-Báu”, để một đời này thành tựu đạo quả!...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 30

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật có nói: “Vãng tích nhược bất tu phước huệ, ư thử chánh pháp bất năng văn”. Nghĩa là nếu trong quá khứ một người không tu đầy đủ Phước và Huệ, thì trong đời này gặp phải pháp môn niệm Phật không thể nào có khả năng nghe cho được.

Huệ” thuộc về Thiện-Căn. “Phước” là Phước-Đức. Cho nên tu phước rất là quan trọng. Tuy nhiên khi tu phước chúng ta cũng phải cẩn thận, nếu sơ ý thì như trong kinh Hoa-Nghiêm Phật có nói: “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”. Nghĩa là nếu một người quên mất con đường siêu thoát, không nghĩ đến con đường giải thoát lục đạo luân hồi, mà cứ lo tu phước thiện, thì Phật nói đó là hành nghiệp của ma.

Nếu có người hỏi ta rằng:

- Tại sao tu phước thiện mà Phật lại nói rằng đó là hành nghiệp của ma?...

Thì ta phải rõ ràng minh bạch nói rằng:

- Không phải!...Không phải là Phật nói tu phước thiện là hành nghiệp của ma. Mà Phật nói rằng: “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”. Nghĩa là nguời quên mất Bồ-đề tâm mà lo tu phước thiện thì đó mới là hành nghiệp của ma.

Năm chữ đầu quan trọng vô cùng! Năm chữ đầu là “Quên mất Bồ-đề tâm”. Chính vì vậy, hành nghiệp của ma là đối ứng với câu: “Vong thất Bồ-đề tâm”. Nếu một người không vong thất Bồ-đề tâm mà tu thiện pháp, thì Phật không gọi đó là hành nghiệp của ma đâu.

Mình thấy Phật nói người chỉ quên đi, lỡ quên đi con đường giải thoát để lo làm phước thiện mà Phật còn đánh giá rằng đó là nghiệp của ma, huống chi là những người lại bỏ đi con đường giải thoát!...

Hiện tại ngày nay trong vấn đề tu học, nếu lấy lời dạy này của Phật để soi chiếu, thì thật sự ta thấy có rất nhiều người đã đi lạc đường! Ví dụ Phật nói: “Thời mạt pháp niệm Phật mới thành tựu”, có nghĩa là trong thời mạt pháp này Phật tuyển chọn một pháp môn có thể đưa chúng sanh thành tựu đạo quả, đó là pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh. Vậy mà có nhiều người lại nói rằng: Tây-Phương Cực-Lạc đâu có mà cầu vãng sanh?Không tin có Tây-Phương Cực-Lạc, nên chủ trương tu là làm phước để đời sau tu tiếp... Rõ ràng, không phải là không nghe qua con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, có nghe qua nhưng họ lại bác bỏ con đường này. Họ nói rằng: Đừng có nguyện vãng sanh. Họ kêu gọi những người tu hành hãy lo tu phước đi để đời sau tu tiếp!...

Lấy lời của Phật ra ấn chứng vào đây, mới thấy rõ rệt sự hướng dẫn này sai lầm! Người học Phật mà hướng dẫn như vậy là nói sai kinh Phật. “Vong Thất” là quên đi. Lỡ quên mà lo tu thiện pháp Phật cũng nói “Thị danh ma nghiệp”, huống chi là những người không phải quên mà còn cố tình nói: Làm gì có cái chuyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc? Lo tu kiếm chút phước đi để đời sau tu tiếp. Nói đúng ra, rõ rệt là hướng dẫn cho người ta tiếp tục ở trong sáu đường sanh tử luân hồi, không cho người ta giải thoát. Đây là một tệ trạng của thời mạt pháp này!…

Trong kinh Lăng-Nghiêm Phật nói một câu như thế này: “Thời mạt pháp tà sư nói pháp như cát sông Hằng”. Bây giờ mình nghĩ coi có đúng hay không? Chính vì thế, chúng ta đang ở trong thời mạt pháp, sâu trong thời mạt pháp một ngàn năm rồi, thì phải hết sức cẩn thận!... Hôm nay chúng ta gặp được pháp môn Niệm Phật, là pháp mà Phật nói “Tam căn phổ bị”. “Tam Căn” là thượng, trung, hạ căn. Ta là phần hạ căn. “Phổ Bị” là bao đồng gia bị, Phật gia bị đại đồng. “Phàm Thánh Tề Thâu”, ta là Phàm, hạ căn là Phàm, thượng căn là Thánh. “Tề” là bằng, là bình đẳng. “Tề Thâu” là Phàm Thánh đều bình đẳng được gia bị trở về Tây-Phương thành Phật. Đây là lời Phật nói.

Chúng ta phải đem kinh ra nói cho rõ ràng để xác định đường ta đi về Tây-Phương, nhất định không thể nào sai sót được.

Trở lại câu mình đã nói hôm qua: “Vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”. Nói theo pháp Niệm Phật là con đường vãng sanh, nói theo các pháp môn khác là siêu xuất luân hồi lục đạo, “Minh tâm kiến tánh” thành đạo… Nếu ta quên mất những con đường này mà lo tu các pháp thiện lành(?), thì đó là hành nghiệp của ma!...

Tại sao lại có cái chuyện lạ lùng như vậy?...

Hôm trước bên Âu Châu, Diệu Âm có nêu ra vấn đề, là muốn phá được người tu hành khó hơn là phá những người không tu hành. Tại vì những người không tu hành thì khỏi cần phá, trước sau gì họ cũng chết, chết xong thì xuống trong tam ác đạo. Vậy phá làm chi nữa?... Đợi cho đến ngày đó, cho một đạp là xong!...

Còn những người tu hành thấy vậy mà khó phá lắm! Muốn phá được người tu hành thì phương pháp dễ nhất là làm cho họ tăng thượng mạn lên. Một khi tăng thượng mạn lên thì tự họ mở ra cái cửa để cho chư vị oán thân trái chủ dễ gia nhập vào, đưa họ tới cái chỗ thất bại. Đó là một cách để hại người tu.

Tuy nhiên nhiều lúc dùng phương pháp này để hại người tu cũng không phải dễ, tại vì người tu hành đã biết ngừa, đã đề phòng rồi.

Còn một cách nữa là làm sao giữ cho được những người tu hành này ở lại trong sáu đường sanh tử. Không cho họ có cơ hội vượt qua khỏi sáu đường luân hồi, thì nhất định không trước thì sau cũng sẽ có cơ hội để trả thù. Rõ rệt! Vì còn trong sanh tử luân hồi tức là chưa thoát nạn, mà chưa thoát nạn thì giả sử như bạn tu phước nhiều đi. Tu phước nhiều thì đời sau hưởng phước. Đúng không?... Hưởng phước thì sao?... Cũng trong kinh Phật có nói rằng: Một đời làm phước, một đời hưởng phước, rồi một đời vì cái phước đó mà đại họa. Đây chính là tam thế oán... Cho nên khi nghĩ tới câu này, mình mới thấy rõ rệt có nhiều đường tế vi vô cùng để hại chúng sanh, để hại những người tu hành!

Tại vì chủ trương một đời tu phước là dụ cho người ta tu phước. Tu phước để đời sau tu tiếp, thì quên mất đường giải thoát. Tu phước thì đời sau hưởng phước. Khi hưởng được phước rồi, thì thường thường không tu nữa. Người có phước mà không tu thì phá đạo. Phá đạo thì nương theo cái nghiệp đó mà bị đại họa! Phật gọi đây là “Tam thế oán!”.

Chính vì vậy Phật nói, người quên mất con đường giải thoát, chỉ lo làm phước thiện, thì đó ma nghiệp! Hiểu được chỗ này rồi, chúng ta hãy đem tất cả phước lành gởi về Tây-Phương để quyết định một đời này vãng sanh thành đạo, thì chúng ta mới ứng hợp được ba cái điểm Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyênđể được sanh về nước đó, như trong kinh A-Di-Đà.

Mong chư vị quyết lòng quyết dạ. Nhất định chúng ta sẽ được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thành đạo trong một báo thân này.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 31

Nam Mô A-Di-Đà-Phật.

Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyênvãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Ngày hôm nay mình đi vô trong viện dưỡng lão thăm... Khi đi vào trong viện dưỡng lão rồi mình mới ngộ ra thế nào là thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên?…

Trong nhiều đời, nhiều kiếp mình có thiện-căn, có phước-đức rồi đời này mới gặp được Phật pháp. Nhưng gặp được Phật pháp rồi tu hành để siêu thoát sanh tử luân hồi không phải là đơn giản! Không phải gặp được Phật pháp rồi mình vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc là dễ dàng đâu!... Mà thật sự gặp được Phật pháp rồi phải gặp được câu A-Di-Đà Phật. Gặp được câu A-Di-Đà Phật rồi cũng chưa chắc gì mình đã được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc!… Mà gặp được pháp môn Niệm Phật rồi, cũng còn phải biết làm sao khi mình xả bỏ báo thân mà an toàn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc mới được. Đó mới thật sự là Thiện-Căn! Thật sự là Phước-Báu! Thật sự là Cơ-Duyên này mình giải thoát!

Ngày hôm nay đi vào trong viện dưỡng lão, những người cùng đi chắc chắn đã ngộ ra điều này, là có những người tu hành đến giờ phút cuối cuộc đời không biết đường nào đi hết!... Sự kiện rõ ràng trước mắt!

Chúng ta đang ngồi tại đây niệm Phật, cái hình tướng thì không ra gì hết, trên không ra trên, dưới không ra dưới! Lỡ cỡ! Làng càng!… Ấy thế mà mình thấy có người vãng sanh, ấy thế mà hình như trong tâm của mình vững vàng là khi nằm xuống…

- Mình biết con đường nào mình đi!...

- Mình biết những gì mình phải làm!...

- Mình biết chuẩn bị tất cả. Chuẩn bị cho chính mình, chuẩn bị cho người thân của mình và chuẩn bị cho những người có duyên với mình nữa!…

Như vậy rõ ràng hình như mình ngộ ra một chỗ: Tu hành muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, muốn một đời này thoát ly sanh tử luân hồi thì...

- Cái điều mà mình cần phải làm chính là phương pháp hộ niệm.

- Cái điều mà chính mình phải lịch lãm là phương pháp hộ niệm.

Chính mình phải cần biết tất cả những chuyện này. Nếu một người lơ là về chuyện này, một ngày, hai ngày, một tháng, hai tháng… thời gian ngắn ngủi, mình tưởng rằng số phần chưa tới!... Nhưng coi chừng, có thể sẽ đón nhận một sự ân hận cho vô lượng kiếp sau!…

Hôm nay mình đi thăm một vị đã xuất gia thời gian không phải là ít, lâu lắm rồi. Ấy thế mà đến giờ phút cuối cùng... thực tế mình không biết phải nói làm sao đây?!... Mình hy vọng làm sao được duyên đến hộ niệm cho vị đó. Nếu giả sử như cứ tiếp tục để trong viện dưỡng lão, cho đến khi vị đó ra đi!... Mình thấy rõ rệt!... Đi đâu đây?... Mờ mờ, mịt mịt!…

Cho nên cái phước-đức và thiện-căn của những người biết được câu A-Di-Đà Phật, thêm nữa là biết luôn cái phương pháp hộ niệm... Ôi! quý biết chừng nào! Phải chăng được mấy điểm này đã viên mãn đường tu rồi… Nếu không biết được pháp này thì chúng ta cũng sẽ mập mờ đường đi, rồi khi nằm xuống ta cũng mơ mơ màng màng như tất cả mọi người thôi!... Nhưng ở đây, chúng ta thật là may mắn. Khi gặp được một hiện tượng như trong viện dưỡng lão, mình đành chắt lưỡi than thầm!... Làm sao có được dịp trợ duyên cho vị này đây?...

Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đã biết được cái phương pháp để cứu người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin thưa với chư vị, pháp hộ niệm là “Đại cứu tinh” cho chúng ta, chứ không phải là tiểu cứu tinh đâu. Xin tất cả đồng tu trân quý cái cơ hội này.

Trước đây không bao lâu chúng ta đi hộ niệm cho bác Cam Muội, lúc đó Diệu Âm không có ở đây nên mới nhờ chị Diệu Hương đứng ra đảm trách... Chúng ta nên nhớ rằng, đối trước một bệnh nhân khi xả bỏ báo thân không phải đơn giản đâu! Chính vì biết rằng muốn cứu một người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc không phải cần đến người nói hay đâu à! Không phải cần đến người ưa khoe tài ăn nói thao thao bất tuyệt đâu à! Mà thật sự, muốn cho họ được vãng sanh thì đầu tiên là người bệnh nhân đó phải biết “Tín-Nguyện-Hạnh”. Người hộ niệm phải biết “Tín-Nguyện-Hạnh”. Nhưng người hộ niệm phải thêm một yếu tố này nữa mới cứu người được, đó là lòng “Chí Thành-Chí Kính” của người hộ niệm. Điểm này rất là quan trọng, chứ không phải là tài ăn nói hay đâu.

Cuộc hộ niệm vãng sanh của bác Cam Muội, khi Diệu Âm về thì có nghe nhiều vị nói lại rằng, trong cuộc hộ niệm đó có người lại tới niệm Phật mà không chịu niệm hòa theo đại chúng. Đây là một điều sơ suất hết sức đáng tiếc! Tại sao lại không chịu hòa hợp theo đại chúng?... Là tại vì cứ tưởng là ta ngon! Tại vì cứ tưởng là ta giỏi! Có người thấy vị đang khai thị đó có vẻ yếu nên la lên, rầy lên!... Những điều này thật sự hoàn toàn không đúng, không hợp chút nào của một người gọi là “Chí Thành-Chí Kính”.

Xin nhớ rằng, người đứng trước bệnh nhân khai thị, không cần phải khai thị hay, nhưng mà chỉ cần người đó Chân-Thành, Chí-Thành, Chí-Kính, Khiêm-Nhường... Những đức tính này tự nó sẽ có hào quang tủa ra…

- Cảm ứng được với A-Di-Dà Phật.

- Cảm ứng được với chư vị Bồ-Tát.

- Cảm ứng được với chư vị Long-Thiên Hộ-Pháp gia trì cho người đó.

- Và nhờ cái lòng chân thành của họ mà cảm ứng với chư vị oan gia trái chủ.

Chư vị cứ để ý thì biết, có nhiều người hộ niệm họ nói rất ít, nhưng do lòng chân thành của họ lại cứu được người bệnh. Thường thường nên nhớ một điểm này, hết sức là quan trọng, là khi hộ niệm luôn luôn chúng ta chắp tay khẩn cầu:

- Nam Mô A-Di-Đà Phật. Đệ tử chúng con, thành tâm cầu nguyện, A-Di-Đà Phật, Quán-Âm Thế-Chí, Chư Đại Bồ-Tát, đại từ đại bi, phóng quang tiếp độ cho... (Tên người bệnh), vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

(Đọc từng bốn chữ một, để mọi người nhắc lại).

Quý vị nên nhớ, đọc câu này là mình đang cầu Phật phóng quang gia trì, cầu chư đại Bồ-Tát phóng quang gia trì, cầu chư Thiên-Long Hộ-Pháp đến hộ niệm với ta. Nếu trong lúc hộ niệm ta sơ ý khởi lên cái tâm cống cao ngã mạn, thì dù cho người bệnh đó được vãng sanh, nhưng coi chừng chính người khởi tâm ngã mạn này không hưởng được một chút công đức nào hết!...

Tương tự, như ở trong niệm Phật đường này chúng ta thường hay nhắc nhở với nhau, khi đã vào trong niệm Phật đường rồi chúng ta không được nói chuyện, chúng ta không được giỡn đùa trong chánh điện này… Tại vì sao vậy? Nên nhớ câu: “Tuy vô tân khách chí, diệc hữu Thánh Nhân hành”. (Nghĩa là, dù lúc đó không có một người khách nào đến, nhưng coi chừng có những vị Thánh Nhân đang kinh hành). Luôn luôn quý vị phải nhớ điều này. Trong lúc đi hộ niệm, nếu sơ ý ta la rầy, ồn ào, gây náo loạn... nhiều lúc:

- Điểm thứ nhất, làm cho người bệnh phiền não mà mất vãng sanh.

- Điểm thứ hai, ta làm cho oan gia trái chủ của vị đó nỗi cơn sân nộ lên, người ta không còn tha thứ nữa, làm cho người bệnh có thể bị trở ngại.

- Điểm thứ ba, chư Thiên-Long Hộ-Pháp đang ở đó, chư vị Bồ-Tát nhiều khi đang phóng quang tại đó mà mình không hay! Những lời nói sơ ý, thất kính... làm cho các vị phải trợn con mắt nhìn mình, chứ không phải giỡn đâu!

Người hộ niệm sơ suất, dù cho người bệnh có được vãng sanh đi nữa, thì chư vị Thiên-Long Hộ-Pháp đã trừng con mắt nhìn mình rồi!... Đại họa có thể đến với mình rồi đó!...

Ngày hôm nay mình vào trong viện dưỡng lão, chúng ta thấy được gì?... Những trường hợp quá ư đau lòng diễn ra trước mắt!... Người gọi là có tu cũng như không tu... tình trạng giống nhau!... Khi bị đưa vào trong đó rồi thì lơ lơ, láo láo!... Chỉ biết nằm đó mà chờ chết! Chờ chết mà không một ai biết cất lên một tiếng niệm Phật để hộ niệm cho người ta!... Thật không phải dễ dàng!...

Chính vì thế, chúng ta gặp được phương pháp hộ niệm, là “Đại cứu tinh”. Nhưng thật sự chúng ta muốn được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì xin nhớ cho điểm này: Chí Thành-Chí Kính là cái đạo nhiệm mầu. Nhất định phải nhớ cái điểm này!...

Chư Tổ thường hay nói câu này: “Ninh động thiên giang thủy, bất động niệm Phật nhân”. Chư vị nên nhớ, là thường thường mình ngồi tại Niệm Phật Đường niệm Phật chưa chắc gì cái tâm mình thành khẩn bằng lúc mình ngồi trước người bệnh nhân niệm Phật. Tại vì mình niệm Phật trước bệnh nhân tức là để cứu người bệnh. Trong lúc đó, mình nghĩ coi, luôn luôn có quang minh của Phật đang chủ chiếu tại đó. Tại vì tâm tâm người niệm Phật đang thành khẩn, cảm ứng chư Thiên-Long Hộ-Pháp đang hội tụ tại đó, chư vị trong pháp giới cũng hội tụ tại đó luôn. Người hộ niệm nhiều khi chỉ có mười mấy người thôi, nhưng biết đâu chư pháp giới chúng sanh nhiều có hàng ngàn người ở xung quanh mà ta không hay!... Cho nên, “Ninh động thiên giang thủy”,nghĩa là thà rằng mình quậy đục một ngàn dòng sông, tội đó vẫn còn nhẹ hơn làm động tâm đến một người đang niệm Phật. (Trong khi nơi hộ niệm có thể có hàng ngàn người đang niệm Phật).

Xin thưa thẳng với chư vị, hộ niệm giống như một pháp hội chứ không phải thường đâu. Trong những pháp hội đó, mình cầu Phật phóng quang tới, cầu Bồ-Tát ngự về, cầu Long-Thiên Hộ-Pháp bảo vệ. Với lòng thành kính mình cầu như vậy, các Ngài phóng quang tới, nhờ thế mới giúp cho một người tội chướng sâu nặng như thế này, vượt qua cái ách nạn mà về tới Tây-Phương Cực-Lạc, chứ đâu dễ gì một người phàm phu tục tử tội chướng sâu nặng này lại được vãng sanh Cực-Lạc.

Vậy thì, khi đi hộ niệm xin chư vị phải nhớ hết sức cẩn thận, hết sức chân thành, không được sơ ý. Nhớ cho, chỉ lấy lòng thành của mình ra cầu nguyện mà thôi. Ví dụ, như thấy người hướng dẫn hộ niệm đó khai thị dở!... Không sao cả. Người ta nói vấp váp!... Không sao cả. Chỉ cần lòng của họ thành là được. Nếu chúng ta bất cẩn, sơ ý làm những điều sơ suất thật là tội nghiệp! Tội nghiệp cho chính mình! Nhiều khi gây ảnh hưởng xấu đến người bệnh, làm cho huệ mạng của họ mất đường giải thoát nữa. Thật sự là tội nghiệp!...

Cho nên khi chúng ta biết được phương pháp “Đại Cứu Tinh” để cứu một người vãng sanh này, chúng ta hãy cố gắng trân quý và gìn giữ tối đa. Hãy “Hiền-Lành, Khiêm-Cung, Chí-Thành, Chí-Kính”, đó là đại tu phước-báu vậy.

Mong cho chư vị cố gắng quyết lòng, quyết dạ nương theo pháp Niệm Phật và Hộ Niệm để cứu người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 32

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên, ba điểm quan trọng để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Hôm nay chúng ta tiếp tục nói về Nhân-Duyên.

“Nhân-Duyên”chính là trong đời này ta gặp được câu A-Di-Đà Phật, niệm được câu A-Di-Đà Phật và phát lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, trong đó phương pháp hộ niệm là cái mốc điểm then chốt, cụ thể để giúp cho chúng ta thực hiện cuộc hành trình đi về tới Tây-Phương.

Khi đi hộ niệm, xin chư vị phải nhớ cho những điểm quan trọng mà trong những ngày qua chúng ta nhắc đến, đó là: “Chí-Thành, Chí-Kính, Khiêm-Cung” để cầu nguyện A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ. Trong lúc đi hộ niệm thường thường chúng ta phải cố gắng đoàn kết, bảo vệ, che chở cho nhau. Cố gắng gìn giữ khung cảnh hộ niệm càng trang nghiêm càng tốt.

Nói theo thế gian pháp, người ta gọi là: “Thiên-Thời, Địa-Lợi, Nhân-Hòa”.

Thiên-Thời có thể mình ví như A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ. Muốn A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ, xin nhớ là chúng ta phải chân thành, phải cung kính. Niệm Phật phải niệm đều, không nên tỏ ra giận dữ, tức bực hay khó chịu vì một chút sơ ý nào của bạn đồng tu trong lúc hộ niệm. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ được công đức. Và nhờ lòng thành chúng ta mới cảm ứng được với A-Di-Đà Phật, chư Đại Thánh-Chúng, Chư Bồ-Tát và chư Long-Thiên Hộ-Pháp gia trì cho chúng ta.

Địa-Lợi có thể mình ví nhưcái Niệm-Phật-Đường, Đạo-Tràng, ngôi Chùa... Thường thường ở nước ngoài thì chúng ta chỉ lập một cái Niệm-Phật-Đường rồi cùng nhau tu tập, kết đoàn với nhau để có những bạn đồng tu sát bên cạnh, vững vàng hộ niệm cho chúng ta là được.

Tuy nhiên nếu các Tự-Viện, các Chùa mà đồng thuận thì mình cũng sẵn sàng đến để giúp cho chư vị ở đó phương pháp hộ niệm, hoặc là có thể kết hợp với chư Tăng-Ni, chư Phật tử ở các Chùa để cùng hộ niệm. Việc này rất là tốt!... Muốn làm được như vậy thì chúng ta phải kính trọng họ, chúng ta không được quyền bỏ rơi một người nào hết. Những ban hộ niệm ở trong nước thì vấn đề kết hợp với các Tự-Viện, các Chùa rất là quan trọng.

Mỗi một quốc gia có một luật lệ riêng. Ở Việt Nam chúng ta thường thường có quy định là không cho phép mình tự lập ra một nhóm, rồi tự kết đoàn với nhau để làm đạo, thì chúng ta phải biết giữ giới luật này. Giữ giới đúng nghĩa là giữ luật pháp của quốc gia. Nên ở Việt Nam, Diệu Âm thường khuyên các nhóm niệm Phật, các ban hộ niệm phải kết hợp chặt chẽ với các Tự-Viện, các Chùa và thường là mình nên gia nhập vào trong sinh hoạt của Chùa, tới đề bạt với chư Thầy để mình trở nên một nhóm hộ niệm cho một ngôi Chùa đó thì rất là vững vàng. Có được như vậy thì khi mình hoạt động không có gì gọi là trái phép cả.

Thỉnh thoảng ở Việt Nam có những vị email qua, nói rằng bây giờ các Chùa không cho phép hộ niệm! Nghe như vậy, thì thường thường Diệu Âm trả lời rằng: Các Chùa không cho phép hộ niệm hay là nhiều khi chính các ban hộ niệm lại không thích tham gia với quý Thầy, không chịu cộng tác với Chùa!... Đây là điều tự mình phải xét lấy!...

Nếu một ngôi Chùa không thích hộ niệm thì chúng ta không thể nào tham gia đã đành, nhưng nhiều khi chính những ban hộ niệm thực tế cũng có những quyết định hơi sai lầm!

Đầu tiên là phương pháp hộ niệm này thật ra so với sinh hoạt ở trong nước còn hơi mới mẻ! Vì hơi mới mẻ, cho nên chúng ta cần phải kiên nhẫn và lấy lòng chí thành ra bàn thảo với nhau, thì tự nhiên tất cả đều có thể giải quyết ổn thỏa...

Có nhiều người trong các ban hộ niệm rất sơ ý, nói rằng: Tôi đi hộ niệm không cần tới Chùa làm chi!...Những lời nói này thật sự không hay! Nói theo thế gian pháp là chúng ta làm việc mà bỏ đi yếu tố Địa-Lợi. Chính các ngôi Chùa là Địa-Lợi. Ở đó có sẵn không khí trang nghiêm. Ở đó đã có sẵn Phật tử. Ở đó có những người đang tu học Phật... Chỉ cần chúng ta khôn khéo tới trình bày, thì chắc chắn phương pháp hộ niệm này rất dễ được chư vị tham gia.

Có điều đáng tiếc là thường thường những vị trong ban hộ niệm khi thấy được con đường vãng sanh này rồi thì lại phát tung phát tác lên, sinh ra một vài động thái giống như dạng tăng thượng mạn!... Những điều này vô tình có thể tạo ra sự phân biệt giữa Chùa và Ban-Hộ-Niệm. Điều này thật sự hoàn toàn không tốt!

Làm đạo chúng ta phải biết kết hợp, không được phân biệt. Phân biệt rất dễ lâm vào cái nạn mà đức Thế Tôn đã nói trong thời mạt pháp này, đó là nạn “Đấu tranh kiên cố”. Chúng ta sơ ý tách rời Ban-Hộ-Niệm riêng, Chùa riêng!... Rồi người này chê người nọ, người nọ chê người kia... Vô tình trong lúc chúng ta làm đạo mà lại cấy ra một sự chia cắt giữa pháp này, pháp nọ, giữa Ban-Hộ-Niệm với các ngôi Chùa. Điều này thật sự không tốt! Nhất định không tốt!...

Cho nên mong chư vị cố gắng, là càng kết hợp chừng nào càng hay chừng đó. Lời ăn, tiếng nói, cách cư xử lúc nào cũng hết sức cẩn thận. Nếu không cẩn thận thì chúng ta làm đạo mà coi chừng tạo ra tình trạng gọi là đấu tranh kiên cố với nhau, làm cho ngôi nhà Phật giáo bị yếu đi. Đó là điều không hay!...

Điểm thứ ba làNhân-Hòa”.“Nhân-Hòa” chính là sự hòa hài kết hợp với nhiều người.Vì phương pháp hộ niệm này, thật ra là đối với Việt Nam ta còn hơi mới mẻ, chứ đối với người Hoa, nhất là người Hoa trong Tịnh-Tông thì họ đã thực hiện rất lâu rồi. Từ thời Thiện-Đạo Đại Sư đời nhà Đường đã chủ trương hộ niệm rồi. Các Tổ đều nhắc đến hộ niệm, và trong truyện ký đã để lại rất nhiều chuyện người được hộ niệm vãng sanh. Nhưng riêng ở Việt Nam chúng ta thì vấn đề hộ niệm thật ra cũng khá mới mẻ. Vì khá mới mẻ như vậy cho nên bắt buộc chúng ta cần phải chấp nhận một khoảng thời gian thử thách kiên trì, để cho những người chưa biết về pháp môn Niệm Phật từ từ hiểu ra cái chân lý của pháp hộ niệm. Ngay như các vị Thầy, Cô cũng cần phải từ từ cho các vị nhận ra đây là Chánh Pháp...

Thật ra “Pháp-Hộ-Niệm” chính là “Pháp-Niệm-Phật”. Hộ niệm là hướng dẫn cho người bệnh, người lâm chung biết được:

- Niệm Phật như thế nào?...

- Vãng sanh như thế nào?...

- Được A-Di-Đà Phật tiếp đón như thế nào?...

- Trong lúc ra đi dễ bị những cạm bẫy gì?...

- V.v...

Chúng ta giảng giải rất kỹ cho họ thực hiện. Hộ Niệm thực tế chính là pháp Niệm Phật được ứng dụng một cách cụ thể, chính xác, đúng lúc và cần thiết giúp cho người có duyên nắm vững để đi về Tây-Phương, chứ không có gì khác hơn.

Làm đạo thì tốt, nhưng cư xử thiếu tế nhị thường sanh ra phiền não! Có nhiều vị sau khi đã hộ niệm được một số người có tướng lành vãng sanh rồi, thì thường phấn khởi quá buông ra những lời nói bất cẩn, cách cư xử hơi thiếu phần khiêm nhường!... Từ đó có thể gây ra những điều bất đồng không hay!... Đây chỉ là một lời nhắc nhở chung để chúng ta rút kinh nghiệm, sửa chữa...

Ví dụ cụ thể, có những vị ở Việt Nam khi đi hộ niệm đã đưa ra những quy luật như thế này: Khi mà tôi đi hộ niệm, nếu gia đình liên lạc với một vị Thầy thì tôi đình chỉ. Nói ra lời này thật sự quá sai lầm! Chúng ta nên biết rằng là có rất nhiều vị Tăng-Ni ở Việt Nam đã ủng hộ chương trình hộ niệm này rất mạnh. Các Ngài rất tha thiết với pháp Hộ Niệm. Nhưng đôi khi cũng có những vị vì chưa thấy qua phương pháp Hộ Niệm, nên có thể ngộ nhận. Đó chỉ là vấn đề cá nhân!... Còn người hộ niệm vừa mới vướng phải sự thử thách này thì lại đưa ra luật lệ: “Nếu gia đình mà kêu một vị Thầy tới là tôi bỏ hộ niệm”. Nói như vậy là vô tình mình vơ đũa cả nắm!...

Đây tuy chỉ là lỗi cá nhân! Nhưng một cá nhân có lỗi thì phải bỏ.

Suy cho cùng, chính mình đã làm sai trước! Trong những giờ nói chuyện sau, chúng ta sẽ cố gắng mổ xẻ cho thật kỹ chỗ này, để các ban hộ niệm, nhất là ở trong nước, phải tự mình tìm ra những lỗi lầm của chính mình trước mà bỏ đi, để chúng ta đi con đường kết hợp chặt chẽ mà làm đạo với nhau, trên dưới đồng thuận mới tốt.

Nhất định cơ duyên này sẽ cứu độ rất nhiều người.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 33

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Người thế gian lúc nào cũng thấy “Chết”, cho nên người ta cứ nói sau khi sống là chết. Chúng ta biết pháp môn Niệm Phật để vãng sanh, cho nên chúng ta cố gắng không phải để chết mà để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Người thế gian vì không biết vãng sanh cho nên khi nghe đến vãng sanh về Tây-phương Cực-Lạc thì không tin. Ta đã từng thấy người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc rõ ràng trước mắt, nên ta tin vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Người thế gian cứ bám vào cuộc sống này, sống được ngày nào sống, rồi khi chết tưởng là xong! Ta nói chết không xong, cho nên khi còn sống ta ráng cố gắng niệm Phật, để khi xả báo thân ta về Tây-Phương Cực-Lạc, không bị đọa lạc.

Chính vì thế gian không biết được là sau khi chết họ bị đọa lạc, cho nên khi nhìn thấy những hiện tượng đọa lạc của người thân sau khi chết họ tỉnh bơ, không sợ! Nhưng ta đã thấy được vãng sanh về Tây-Phương, xin chư vị quyết lòng trân quý cơ hội này để khi mình bỏ báo thân, nhất định đừng đi theo con đường đọa lạc khổ đau.

Nói về Thiện-căn, Phước-đức, Nhân-duyên, thì đây chính là một nhân-duyên mà trong vô lượng kiếp qua nay mình mới gặp được. Hãy cố gắng gìn giữ, hãy trân quý đừng để luống qua. Khi sơ ý để luống qua rồi thì chịu-thua, không ai có thể cứu mình trong những cảnh khổ mà mình phải chịu hàng triệu năm như vậy, không phải giỡn đâu!... Nghe đến những thời gian này mình phải sợ đến rợn tóc gáy!

Khi có cái cơ duyên quý báu này, mà chúng ta sơ ý không chịu gìn giữ, thì sau một vài năm, một vài chục năm nữa việc vãng sanh có thể cũng sẽ lãng quên trong lòng người và sẽ trở lại cái thời kỳ: Sống thì bám víu, chết thì đọa lạc!... Chứ chúng sanh không còn thấy con đường siêu thoát được nữa.

Hộ niệm là một “Đại Nhân-Duyên” và cũng là một “Đại Cứu Tinh” cho hàng phàm phu tục tử như chúng ta. Mong chư vị trong ban hộ niệm, người biết cách hộ niệm hãy cố gắng gìn giữ.

Như hôm qua mình đã nói qua, vì chúng sanh không quen thuộc với con đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nên khi nghe đến danh từ này họ có cái cảm nghĩ khá mỉa mai! Họ có cái niệm nghi ngờ! Người đời nhiều khi cho rằng đó là chuyện phiêu phỏng! Chúng sanh đã như vậy rồi, mà chúng ta lại không cố gắng gìn giữ nữa, thì cơ duyên cứu chúng sanh cũng sẽ phiêu phỏng giống như hoa Ưu-đàm ba ngàn năm nở một lần, nở vài ngày rồi tàn. Rất là uổng!

Trong ngày hôm qua mình nhắc đến chuyện hộ niệm cần đến: Thiên-thời, Địa-Lợi, Nhân-hòa. Thật ra là mình đang dùng danh từ của thế gian ra để mà nói cho dễ nhớ mà thôi:

Thiên-thờicó thể mình so sánh với A-Di-Đà-Phật phóng quang tiếp độ.

Địa-lợilà cố gắng kết hợp với các đạo tràng, các tự viện để mình được cái chỗ tu hành. Như chúng ta ở đây có cái Niệm Phật Đường, như vậy là đủ rồi.

Nhân-hòa” là kết hợp với nhiều người. Đừng tạo ra những sự chống đối, khích bác lẫn nhau làm cho phương pháp hộ niệm bị trở ngại, ảnh hưởng xấu đến cơ duyên cứu người vãng sanh!

Hôm nay chúng ta đi sâu một chút xíu nữa, mỗi quốc gia có một thể chế, mỗi quốc gia có một quy luật riêng. Nhất định muốn cho sự hộ niệm được bền vững ta không nên lập dị, không nên quá cứng nhắc, mà phải thủ pháp theo đúng quy luật địa phương.

Ví dụ như mình nói về “Thiên-thời”, thì cũng có thể mình nghĩ cần phải được hợp pháp, hợp lệ thì chúng ta cứu người mới tốt, không bị trở ngại. Có nhiều ban hộ niệm có vẻ hơi bất cẩn, thiếu tế nhị trong chuyện này. Ví dụ như nhà nước nói rằng, vấn đề tôn giáo phải có sự kết hợp chặt chẽ với ban tôn giáo. Có nhiều ban hộ niệm nói rằng không cần, thì Diệu Âm thường thường khuyên rằng: Cần!... Phải cần!... Tại vì mình làm đạo mà được chính quyền hỗ trợ, được các cấp hữu trách ủng hộ, thì việc làm đạo của mình mới tốt hơn, không bị trở ngại. Vì thế, khi hộ niệm chúng ta cũng cần các vị chính quyền đồng thuận mới là điều tốt.

Về mặt “Địa-lợi” thì thường thường những Niệm Phật-Đường hay những ban hộ niệm mà không tuân theo sự điều hành của các tự viện, không chịu liên hệ với những ngôi chùa, thường thường sau một thời gian cũng gặp trở ngại. Đây cũng là điều không tốt!... Hơn nữa có nhiều người trong ban hộ niệm hay nói những lời có tính chất hơi cực đoan! Điều này thật không hay!...

Mình nên hiểu rõ rệt rằng, lâu nay phương pháp hộ niệm đúng như lý, như pháp của chư Tổ để lại, không phải đã được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam, bây giờ chúng ta áp dụng chắc chắn cũng cần phải có một thời gian thử thách! Trong thời gian khởi đầu này những người hộ niệm, nếu thật sự có lòng Chí Thành-Chí Kính, cũng phải biết uyển chuyển, biết tâm lý, phải kiên nhẫn, phải thành tâm giảng giải, đem kinh của Phật ra ấn chứng, chỉ vẽ... thì mới mong có nhiều người đồng thuận được.

Chính vì thế, trong giai đoạn này Diệu Âm thấy rằng, muốn hộ niệm cho một người bệnh thì tốt nhất là chúng ta cần phải khuyên giải gia đình trước. Không nên vì lòng từ bi mà lăn xả vào trong gia đình người ta để hộ niệm được. Điều này không được tốt lắm đâu! Vì thực tế cái tâm của chúng ta thì tốt, nhưng mà vì quá nôn nóng cứu người, nên có thể nó gây ra sự bức xúc đối với những người trong gia đình, trong làng xóm. Vì thật sự là chính những vị đó chưa hiểu được việc vãng sanh, nên họ có đầy nghi ngờ và nhiều khi có người cho rằng đây là những chuyện dị đoan mê tín nữa là khác. Những trở ngại này nhiều khi làm cho chính thành viên của ban hộ niệm cũng xuống tinh thần luôn.

Cho nên, điều tốt nhất là chúng ta cần phải đợi cơ duyên chín mùi. Nói đơn giản nhất là khi mà gia đình của người bệnh đồng ý thỉnh mời mới được. Họ phải thành tâm thỉnh mời thì chúng ta mới đến. Khi đến, chúng ta cũng đừng vội vã hộ niệm liền, mà trước tiên nên gặp gia đình, con cái... giảng giải cho họ rõ ràng cái quy luật của hộ niệm, chỉ vẽ cho họ cách chăm sóc bệnh nhân, chỉ cho họ cái hướng để trợ duyên cho người bệnh tin tưởng, tha thiết phát nguyện vãng sanh. Cần phải khuyên nhắc gia đình, bắt gia đình phải thành tâm niệm Phật để hộ niệm cho người bệnh. Có được như vậy thì chúng ta mới có thể cứu được người bệnh và tránh được những phiền não sau đó.

Thì trong cái quy định cho việc hộ niệm, hôm qua chúng ta có đưa ra những người vì quá cực đoan nên đã đặt ra những điều kiện không thích hợp lắm! Ví dụ như nói:

- Nếu đã mời tôi hộ niệm thì không được mời một người nào khác, không được mời các Thầy, không được mời các Sư Cô, không được mời chùa tới, nếu mà mời tới thì tôi đình chỉ...

Xin chư vị hộ niệm chú ý, nhất định những lời nói này phải hủy bỏ. Chúng ta đưa ra những quy định như vậy sẽ gây ra xáo trộn! Không tốt! Có nhiều vị hộ niệm sơ ý đã nói những lời thiếu tế nhị, từ đó bị đánh giá là cực đoan! Vì lời nói bất cẩn mà bị đánh giá là gây chia rẽ giữa tăng và tục, giữa người tại gia và xuất gia. Nếu mà chúng ta cứ sơ ý làm những điều này, dù phương pháp hộ niệm cứu người có vi diệu tới đâu đi nữa, thì cái cơ duyên này cũng sẽ mạt đi, tận đi, mất đi một cách nhanh chóng!…

Mong chư vị hộ niệm, nhất là chư vị ở trong nước, những người nào lỡ có sơ ý về chuyện này hãy mau mau thay đổi, đừng để công cuộc hộ niệm vãng sanh bị ảnh hưởng, thua thiệt! Như vậy chúng ta cũng bị giảm đi rất nhiều công đức trong công cuộc cứu người...

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 34

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Kính bạch Sư Cô!

Cùng chư vị đại chúng!

Chúng ta đang nói về Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên.Trong mấy ngày hôm nay chúng ta chuyển qua nói về “Nhân-Duyên”. Cái nhân duyên thù thắng nhất của chúng ta là niệm Phật cầu vãng sanh.

Trong chuyện niệm Phật này, thì hộ niệm là đại Nhân-Duyên, là Đại-Cứu-Tinh đối với người phàm phu tục tử. Phàm phu tục tử thì tội chướng sâu nặng, trí tuệ thì mỏng manh, nếu không nhờ pháp hộ niệm thì dù có niệm Phật cũng khó có thể thoát qua những ách nạn trong những ngày cuối cùng…

Cho nên mong chư vị cố gắng làm sao gìn giữ, phổ biến cho rộng rãi cái Nhân-Duyên này. Nhờ vậy mà chúng ta mới cứu được nhiều người, và kết quả là sau cùng ta cũng được người đến giúp ta an toàn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Ví dụ như trong những ngày gần đây chư vị đồng tu ở Melburne cũng cố gắng đi hộ niệm cho một vị. Ban hộ niệm thì rất thành tâm, đã hộ niệm 24/24 suốt mấy tuần qua. Nhưng cơ duyên của vị này cũng không được hợp, gia đình nghe lời bàn tán bên ngoài sao đó mà mất cả niềm tin, nên quyết định không cần hộ niệm nữa!... Mình thấy rõ ràng một khi không cần hộ niệm nữa, thì dù cho người bệnh đó trước đây có niệm Phật đi nữa thì sau cùng cũng khó có thể vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được!...

Trong mấy ngày gần đây chúng ta cũng nhận được cái thơ trên internet. Trong cái thơ đó người viết cũng đã khai rõ là một vị đó còn biết pháp niệm Phật, cũng niệm Phật tinh tấn lắm, nhưng cũng có cái mộng ước là muốn cho nhất tâm bất loạn, cho nên đóng cửa tự tinh tấn một mình. Thật ra Diệu Âm cũng có mấy lần khuyên giải vị này rằng phải cố gắng kết hợp tu với đại chúng. Diệu Âm biết ở chỗ đó có ban hộ niệm. Thế mà vị đó cũng không màng gì đến chuyện hộ niệm, cứ lo tu cho chứng đắc. Đến bây giờ thì chính vị đó đã mới nói một câu: “Bây giờ thì tôi phải trả một giá quá đắc về vấn đề đóng cửa tự tu!...”.

Cho nên mình thấy cái nhân duyên để mình vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc chính là pháp niệm Phật. Nhưng mà niệm Phật để cho “Nhất tâm bất loạn”, tự mình sáng suốt theo A-Di-Đà Phật về Tây-Phương thật ra cũng không phải dễ! Nói chung tại vì nghiệp chướng quá nhiều, oan gia trái chủ quá nhiều!... Tâm cơ chúng ta quá yếu, nhiều khi khởi móng một cái niệm sơ ý cũng có thể đưa đến trở ngại! Cho nên dù pháp hộ niệm quý giá vô cùng, ấy thế chúng ta cũng phải nhớ rằng, trong nhân gian hiện giờ chuyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thật sự là quá mới mẻ đối với những người không biết Phật pháp. Mà cũng xin thưa thật là cũng hơi mới mẻ đối với những người có tu hành như chúng ta nữa là khác!

Ở các chùa, tự viện... có nơi thì có khuyến tấn vãng sanh, có nhắc nhở chuyện vãng sanh. Nhưng cũng có nhiều nơi không phổ biến sâu rộng đạo lý vãng sanh về Tây-Phương, thành ra ở đó danh từ vãng sanh về Tây-Phương giống như một chuyện huyền thoại, có người cho là “Quyền Thuyết” để khuyến tấn người tu, chứ chính nhiều người cũng không tin. (Quyền Thuyết là thuyết phương tiện dẫn dụ cho người tin theo mà tu hành chứ không có thật).

Diệu Âm xin kể ra đây một câu chuyện có thật ở Việt Nam. Một ban hộ niệm đó hộ niệm cho một vị giáo viên cấp hai đã bị ung thư. Vị giáo viên này trong lúc đang chờ chết thì cũng có cái cơ duyên gặp qua Diệu Âm tới khuyên giải. Vị này cũng đã phát tâm quyết lòng niệm Phật cầu về Tây-Phương. Người mẹ của chị cũng quyết lòng tha thiết giúp cho người con của mình được vãng sanh nên mời ban hộ niệm đến hộ niệm. Hộ niệm đâu được hai tuần thì vị đó đã ra đi trong tiếng niệm Phật của ban hộ niệm.

Nhưng khi đó lại có một chuyện đã xảy ra hết sức bất ngờ! Gia đình có quen một Tịnh-Xá ở gần đó, nên khi mới chết bốn tiếng thì hai vị Sư ở trong Tịnh-Xá hay được tới thăm. Khi tới thấy các vị đồng tu đang niệm Phật, thì hai vị Sư đó mới la rầy họ, bảo rằng không nên niệm Phật. Sự việc này làm cho các vị trong ban hộ niệm rất là bức xúc, có nhiều người buồn tức đành phải khóc!... Tại vì công phu khá khổ sở của họ đã hộ niệm hai tuần qua, và sự chuyển biến rất là tốt đẹp, công cuộc sắp hoàn thành, mà bây giờ đây bị trở ngại! Nhưng họ không biết làm sao hơn, nên cũng đành phải ra về!...

Hai vị Sư đó mới tụng kinh cầu siêu khoảng chừng một tiếng đồng hồ, rồi báo với gia đình là hãy lo việc tẩn liệm...

Nhưng cũng hay là khi hai vị đó đi rồi thì gia đình mới báo tin cho ban hộ niệm. Ban hộ niệm thấy tình cảnh tội nghiệp nên quay trở lại tiếp tục niệm Phật trợ niệm. Niệm Phật tất cả được mười chín tiếng đồng hồ, thì hiện tượng để lại cũng bất khả tư nghì, thân tướng mềm mại, tươi tốt. Khi thấy được hiện tượng vi diệu bất khả tư nghì đó, niềm tin của người mẹ mới tăng lên vững vàng.

Tuy nhiên sự việc trở ngại xảy ra đã đưa đến một hậu quả khá tiêu cực, là có những vị đồng tu trong ban hộ niệm vì quá bức xúc, vì quá thương hại, nên mới nói rằng: “Từ nay đi tới hộ niệm ở chỗ nào mà có các Thầy tới thì tôi bỏkhông hộ niệm nữa"... Hì hì!…

Khi Diệu Âm nghe tới chuyện này thì có khuyên các vị đó rằng, không nên nói như vậy. Cái gì cũng có cái giới hạn của nó, mình không nên nói chung chung như vậy mà thành ra có lỗi. Biết chừng đâu sau mười mấy tiếng đồng hồ mà thân thể của người chết đẹp như vậy, có thể làm cho các vị đó ngộ ra con đường niệm Phật hộ niệm vãng sanh chăng?... Mà giả sử như những vị đó không đồng thuận với ban hộ niệm, thì đây chẳng qua là việc cá nhân của các vị đó, chứ cớ gì mình phải nói: “Từ rày về sau gặp một Thầy nào tới thì tôi bỏ hộ niệm”. Không được nói những lời lỗ mãng mà thất lễ!... Khi gặp những trường hợp như vậy, chúng ta phải cố gắng bình tĩnh, sáng suốt một chút.

Người ngoài không tin vào pháp niệm Phật hộ niệm vãng sanh, bây giờ có trách họ thì trách cũng không được, tại vì lâu nay khó có ai nghe qua được một lời pháp nào, hay một lời giảng nào về hộ niệm vãng sanh, thì bây giờ họ không tin là đúng. Còn các Tự-Viện nhiều khi bận bịu trong các pháp tu, có những pháp tu không cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, khi gặp mình đang niệm Phật để cầu nguyện cho người bệnh vãng sanh, thì chắc chắn người ta không đồng ý là chuyện đương nhiên. Chúng ta nên biết rằng chỉ có những người tu Tịnh-Độ mới niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ, chứ còn như các vị khác, thí dụ như các vị trong giới khất sĩ người ta Thiền, mục đích của họ là phá nghiệp để chứng chơn, đắc thánh quả A-La-Hán, vượt qua tam giới. Họ đâu có cầu về Tây-Phương, nên khi thấy mình niệm Phật họ la rầy là chuyện bình thường. Chính vì vậy khi gặp những trường hợp tương tự, chúng ta phải hết sức sáng suốt, chứ không thể nào vơ đũa cả nắm được!

Thật ra thì các vị Thầy đó cũng hơi sơ ý! Chứ nếu thấy các vị Phật tử đang niệm Phật hộ niệm như vậy thì nên khen đi: “Ồ!... Các vị thành tâm lắm! Thôi bây giờ các vị ngưng một chút để cho tôi tụng kinh cầu siêu. Khi cầu siêu xong rồi tôi sẽ hợp tác với chư vị để cùng niệm Phật”. Nói như vậy thì tự nhiên sẽ hòa giải với nhau. Các vị đồng tu thì tôn kính mình, không có nói những lời sơ suất. Còn các Thầy cũng tránh được những cú sốc làm bức xúc đến các vị đồng tu.

Cho nên thường khi gặp những trường hợp như vậy chúng ta phải cố gắng bình tĩnh mới được. Tâm Bồ-Đề của chúng ta là cứu người vãng sanh, thì những thử thách như thế này chưa phải là hết đâu! Mà chúng ta phải nhớ rằng, càng thử thách chừng nào thì tâm mình càng vững chừng đó. Có như vậy thì mới làm đạo được và sau cùng chúng ta mới được phước phần có người khác vững tâm tới hộ niệm cho mình vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 35

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Kính bạch sư cô cùng đại chúng!

Hồi nãy Kim Ngọc thâu lại mấy tờ giấy cầu siêu để ghi tên thêm một người đang ở trong tiết mục cầu an lên cầu siêu. Cứ một lần ghi thêm một người tự nhiên mình thấy sự vô thường đến trước mắt! Biết vô thường như vậy, mà chúng ta không lo trước, thì khi vô thường đến mình cũng đành chịu hẩm hiu, cũng chịu đau đớn như bao nhiêu người khác, chứ không dễ gì mà giải thoát đâu!...

Chúng ta đang nói về cái cơ duyên niệm Phật, thật sự là một đại may mắn cho những người căn cơ phàm phu. Tuy nhiên thì xin nhớ cho niệm Phật để vãng sanh cũng không phải đơn giản lắm đâu!... Vì thật sự những người mà hổm nay chúng ta cầu siêu, họ cũng niệm Phật đó nhưng mà hình như họ cũng không vãng sanh. Ông bà cha mẹ quyến thuộc của chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp và trong đời này cũng vậy, họ cũng có tu đó!... Cũng có niệm Phật đó!... Nhưng mà sau cùng cũng không được vãng sanh!… Không phải dễ đâu!...

Ấy thế mà… Trước khi nói tiếp thì Diệu Âm xin đọc một cái thông báo nhỏ vừa mới gửi vào ngày 11 tháng 11 năm 2011. Cái thông báo như thế này:

Con xin kính báo một tin ạ! Ca trợ niệm đầu tiên đã thành công rồi ạ! Sau chín ngày niệm Phật, ba giờ chiều cụ mở mắt một lát rồi nhẹ nhàng ra đi và chúng con niệm Phật thêm mười bốn giờ nữa, là năm giờ sáng hôm sau. Hồi hộp mở mền ra coi, mặt bà cụ mỉm cười còn toàn thân thì mềm mại, đỉnh đầu còn nóng như đang thổi hơi nóng ra vậy. Chúng con mừng quá trời khóc lên vì vui sướng. Cuối cùng thì bà cụ đã được về với Phật. Con cảm ơn sư phụ Giác Nhàn và chú Diệu Âm Úc Châu đã khích lệ và cho chúng con những lời khuyên chánh pháp.

Lan Phương.

Trong cái thư này có cảm ơn sư phụ Giác Nhàn thì chắc có lẽ là đúng, thầy Giác Nhàn thì ở sát bên, còn chú Diệu Âm thì ở xa quá mắc mớ gì phải cảm ơn… Hì hì… Thì đây là tin vãng sanh mà cô này lần đầu tiên hộ niệm và cái ca đầu tiên của cô cũng thành công. Niệm Phật sau mười bốn tiếng đồng hồ mà thân thể mềm mại tươi hồng, đỉnh đầu lại có hơi ấm. Đây thật sự là bất khả tư nghì!...

Kính bạch sư cô cùng chư vị! Mấy ngày nay mình nghe nói thoại tướng mềm, đỉnh đầu ấm, da dẻ hồng hào đẹp, nghe thường quá, nhưng mà xin thưa thật không phải thường chút xíu nào hết! Khó vô cùng! Khó kinh khủng lắm không phải dễ đâu! Chẳng tin bây giờ chúng ta cứ làm cuộc điều tra thì biết, có thể nói rằng, trong một triệu người ra đi, tìm thử coi bao nhiêu người được thoại tướng như vậy? Nhiều khi chưa có một người, hai người đâu à. Khó lắm chứ không có dễ đâu! Ấy thế mà cô này chỉ biết phương pháp hộ niệm, rồi về áp dụng thẳng vô cho bà cụ này luôn. “Ca đầu tiên đã được thành công rồi ạ!...” Như vậy, rõ rệt là phương pháp hộ niệm chính là “Đại cứu tinh” cho người phàm phu chúng ta.

Những người có tu hành mà lơ là chuyện hộ niệm, chưa chắc gì có phước báu bằng như bà cụ này đâu à. Trong lúc còn sinh tiền, còn nói giỏi, chúng ta có thể lý luận, chúng ta có thể nói những đạo lý cao siêu!... Nhưng coi chừng nếu lơ là đến phương pháp hộ niệm thì sau cùng ngày ra đi chưa chắc gì có được thoại tướng này đâu. Những hiện tượng xảy ra đã chứng minh rõ rệt như vậy.

Cho nên khi biết được cái phương pháp hộ niệm này, Diệu Âm cứ thầm mong sao cái phương pháp này phổ biến càng sâu rộng chừng nào càng lợi ích chừng đó. Muốn phổ biến sâu rộng thì những người niệm Phật phải ngày đêm lo cái chuyện hộ niệm trước đi, nghiên cứu để nắm cho vững chuyện hộ niệm trước đi. Đó là tất cả cái vốn liếng của mình rồi đó. Nếu giả sử sau này mình bận bịu làm ăn, mình bị kẹt chỗ này chỗ nọ, mình niệm Phật có yếu một chút... thì mình cũng khỏi bị lỗ vốn. Tại vì cái vốn ví như cái gốc cây. Cái gốc vững rồi, dù lá cành có eo sèo một chút, nhưng sau cùng cành lá hoa quả cũng nở ra. Nếu chúng ta cứ lo cành, lo lá, lo hoa, lo những thứ thẩm mỹ bên ngoài, mà quên cái gốc, thì coi chừng cái gốc bị thối. Cái gốc thối thì hỏng tất cả! Cái vốn để mình vãng sanh chính là Phương Pháp Hộ Niệm đó. Tuyệt vời!... Bất khả tư nghì!...

Mình cứ tưởng tượng thử coi, bà cụ này không phải là niệm Phật tốt đâu. Nhưng mà nhờ người biết hộ niệm nhắc nhở ở sát bên cạnh thầm thì với bà cụ, trải chiếu nằm với bà cụ, niệm Phật với bà cụ, ấy thế mà sau cùng bà ra đi tốt như vậy đó.

Ở tại bên Tây Úc, một chị đó suốt cả cuộc đời theo gia đình tới nhà thờ, không có biết niệm Phật đâu!... Ấy thế mà chỉ cần phương pháp hộ niệm, các vị hộ niệm đó tới năn nỉ: “Chị ơi! Cách hộ niệm hay lắm! Tuyệt vời lắm! Chị quyết lòng tin tưởng nhé”. Họ khuyến tấn làm cho chị đó tin tưởng. Họ hướng dẫn chị phát nguyện vãng sanh. “Chị hãy phát nguyện ngay hôm nay đi, tin tưởng ngay hôm nay đi, bắt đầu khởi tâm ngay hôm nay đừng để tới ngày mai nhé”... Chị đó đã nghe theo. Giả sử nếu chị đó mà chập chờn, còn hẹn nay hẹn mai, còn tính chuyện này chuyện nọ... thì nhất định chị này không thể nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc đâu.

Dựa vào kinh nghiệm này mà ta biết được tại sao có người tu hành mà không được vãng sanh?... Là tại vì họ “Chờ để coi” trong đó!...Tại vì họ còn muốn “Để ngày mai” trong đó!... Tại vì họ muốn “Sắp xếp chuyện này chuyện nọ”...

Tại sao chỉ cần lưỡng lự như vậy mà lại mất phần vãng sanh? Thật ra:

- Tại vì niềm tin chưa đủ…

- Tại vì lòng không tha thiết vãng sanh…

- Tại vì không muốn niệm Phật chứ không có gì cả!...

Hoãn binh!… Hoãn binh để chờ đọa lạc!…

Chính vì vậy nếu chúng ta không sốt sắn, không khuyến tấn, không nhắc nhở đến chuyện hộ niệm, coi chừng một người tu ba bốn chục năm nhưng cũng chưa chắc gì bảo đảm được vãng sanh! Tại vì họ vẫn còn chờ trong đó! Tại vì họ nghĩ còn có cái gì khác hay hơn trong đó! Họ chưa tin vững vàng.

Diệu Âm xin kể lại một câu chuyện ở Việt Nam, nghe đến mình mới thấy một khi phát tâm Bồ-Đề ra, thường thường có những chướng ngại đeo theo bên cạnh. Nếu sơ ý chính mình nhiều khi cũng bị phiền não, cũng bị phân tâm.

Có một vị kia đi nói khắp nơi rằng: Những người chết rồi, đã liệm trong quan tài, kêu người tới hộ niệm thì được vãng sanh. Họ nói, chính những người hộ niệm đã tuyên bố như vậy. Và, người đó đã đánh giá rằng, những người hộ niệm đã làm những chuyện sai chánh pháp!...

Câu chuyện này đã tung ra như vậy. Thật ra người nào tuyên bố rằng, người đã chết liệm trong hòm rồi, tới hộ niệm cũng được vãng sanh, là những lời nói quá đáng! Những lời này thật là sơ ý! Nghiên cứu rất kỹ về hộ niệm, chúng ta biết rằng không dễ gì một người đã chết rồi, đã liệm trong quan tài mà đến niệm Phật thì được vãng sanh đâu!…

Nhưng người đã tung cái tin này ra để bài bác pháp hộ niệm cũng quá sơ ý! Thật ra nếu có thì đây chỉ là lỗi cá nhân của một người nào đó mà thôi! Một cá nhân nông nổi nào đó nói ra, chứ không phải tất cả những người hộ niệm đều nói như vậy...

Cho nên khi có một nguồn tin nào đó đưa ra, chúng ta cần phải sáng suốt nhận thức cho vững vàng. Niệm Phật đường chúng ta chủ trương hộ niệm, thì ngay tại trước bảng kia chúng ta đã để một thông cáo rất rõ ràng. Hộ niệm là phải biết “Tín-Nguyện-Hạnh”. Người được hộ niệm muốn được vãng sanh cần phải phát niềm tin ngay bây giờ đây.

Những người niệm Phật hai-ba chục năm, mười năm, hai-ba năm, hai-ba tháng... không cần biết! Chỉ biết người nào khi gặp câu A-Di-Đà Phật đã phát tin chưa? Nếu chưa phát lòng tin, thì hai-ba chục năm niệm Phật đó chẳng có ích lợi gì đâu!...

Ngài Trung-Phong quốc sư nói rằng, nếu không phát nguyện vãng sanh, lòng tin yếu ớt dù cho công hạnh sâu dày đến đâu nữa cũng trở nên hư thiết!... Cho nên nếu mình khoe: À!...Tôi niệm Phật hai-ba chục năm, tôi niệm Phật bốn-năm chục năm rồi, nhất định tôi phải hơn một người mới tới niệm Phật hai-ba ngày.Tự mãn như vậy là không phải!... Không phải!... Phải dựa vào niềm tin vững vàng. Niềm tin của mình chưa vững, thì mình sẽ thua những người mới niệm! Chắc chắn!... Vì bà cụ này tôi biết, không phải bà cụ niệm Phật nhiều đâu, nhưng khi gặp được những đứa cháu khuyên nhắc, bà liền lập tức quyết tâm ngày đêm niệm Phật. Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ. Còn người không tin thì thường thường chao đảo, thường thường tung ra những tin xấu làm cho pháp hộ niệm bị ảnh hưởng.

Ví dụ, trở lại chuyện một người nói rằng, người chết rồi bỏ trong hòm kêu họ tới hộ niệm thì được vãng sanh. Thật ra đây là lời sơ ý của một cá nhân nào đó thôi, chứ không phải tất cả những người hộ niệm đều sơ ý như vậy. Nhưng người dựa vào đó mà tung tin rằng, những người hộ niệm này làm những chuyện sai lầm, những người hộ niệm làm sai chánh pháp... Nói vậy cũng không đúng!... Căn cứ vào cá nhân mà cho là đoàn thể. Điều này không đúng. Không hợp chút xíu nào cả!

Cho nên mong chư vị hiểu rằng phương pháp hộ niệm thật sự là đại cứu tinh. Tại vì nó gói ghém một cách cụ thể, chính xác, cần thiết, đúng lúc, hợp thời, hợp cơgiúp cho một người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Trong khi đó nói niệm Phật một cách tổng quát quá thì khó đi vào chi tiết. Chính vì thế, Diệu Âm thường hay nói rằng cố gắng phát triển, giao lưu phương pháp hộ niệm chính là cụ thể giúp cho người niệm Phật vãng sanh về Tây-Phương.

Nguyện mong chư vị phát tâm vững vàng, cùng nhau hộ niệm để cứu người vãng sanh.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

Tọa Đàm 36

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Kính bạch sư Cô cùng chư vị đồng tu!

Trong kinh Phật Thuyết A-Di-Đà, Phật có nói: “Bất dĩ thiểu thiện-căn phước-đức nhân-duyên đắc sanh bỉ quốc”. Có nghĩa là không thể nào dùng một chút thiện-căn, ít phước-đức và nhân-duyên yếu ớt mà có thể sanh về Tây-Phương Cực-Lạc được. Câu này nhắc nhở cho chúng ta biết là về Tây-Phương Cực-Lạc quý vô cùng, không phải đơn giản đâu!...

Ấy thế mà đang ngồi đây niệm Phật, chúng ta lại có cái niềm hy vọng tràn trề được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị phải trân quý cơ hội này, nhất định không thể để luống qua. Vì một khi sơ ý để luống qua rồi thì ân hận ngàn đời vạn kiếp, sau ngàn đời vạn kiếp đó chưa chắc gì ta gặp được cơ duyên tương tự để mà vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Tu hành là nhắm tới chỗ giải thoát thành đạo. Nếu không nhắm tới chỗ giải thoát thành đạo thì tất cả những công hạnh tu hành của chúng ta đang niệm Phật tại đây trở nên vô ích! Ngài Trung-Phong nói là không còn giá trị gì nữa. Đây là nội dung ngày hôm qua chúng ta đã nói qua.

Hôm nay trước khi nói tiếp Diệu Âm xin đọc một cái tin vui vui:

“Ban Hộ Niệm Hoa Sen chùa Thanh Hà thành phố Đà Nẵng vừa hộ niệm vãng sanh cho Phật tử Lê Đình Sỉm, vãng sanh ngày 30/10/2011. Sau mười hai tiếng đồng hồ thoại tướng: Chân tay mềm mại, sắc diện hồng hào, tướng hảo và ấm ở đỉnh đầu. Đạo Tràng chùa An-Lạc Quảng Trị cùng tham gia hộ niệm với chúng tôi. Gia đình và mọi người vô cùng hoan hỷ phát nguyện cả gia đình ăn chay bốn mươi chín ngày và tất cả con gà, con heo... đang nuôi đều không bán, không giết thịt, nuôi cho đến chết. Thật là một tin vui mừng.

Nếu không có sự quyết tâm vượt hàng ngàn cây số để về quê hương khuyên người niệm Phật của Sư Huynh. Không biết đến giờ này chúng em sẽ ra sao? Xin ngàn lần, triệu lần tri ân Sư Huynh và Sư Tỷ, người hộ pháp vô danh. Xin nguyện hy sinh cả cuộc đời này để tri ân công đức của đức Thế-Tôn, chư Tổ, pháp sư Tịnh-Không, cư sĩ Diệu Âm để giúp người lâm chung vãng sanh Cực-Lạc.

Kính thư".

Đây là những tin mà thường xuyên Diệu Âm gặp được trên internet. Trong cái dịp nói chuyện này xin đọc ra để mà tạo nguồn tin, tín tâm vững vàng cho chúng ta trên con đường tu học. Trong lá thư này hình như có những điểm nhắc nhở khá sắc bén.

Thứ nhất là về “Cấm sát sanh”. Một gia đình khi thấy một người vãng sanh họ ngộ ra và phát tâm là tất cả những con vật, con gà, con heo... đang nuôi trong nhà không bán, tại vì bán thì người ta giết thịt, không ăn thịt, quyết lòng nuôi cho đến chết luôn rồi hộ niệm cho nó vãng sanh. Hay vô cùng!...

Một cái nhắc nhở thứ hai, ở đây là câu “Hàng ngàn cây số cách xa...”. Hình như lời nói này cũng có một sự nhắc nhở khá sâu. Hôm nay chúng ta có thể xoáy vào cái chuyện này. Ở Việt Nam người ta cách xa Hòa Thượng hàng ngàn cây số, hàng vạn dặm đường, ấy thế mà khi nghe lời pháp của ngài, lời nhắc nhở niệm Phật vãng sanh họ lại vãng sanh. Từng ngày, từng tuần, từng tháng đều có người vãng sanh khắp nơi. Xin thành thật, giờ phút này mà đọc những cái thơ tương tự như vầy thì không cách nào có thể đọc hết. Ấy thế chúng ta đang ở tại đây rất gần Hòa Thượng, có thể chúng ta có cái cơ duyên gặp được Ngài, nhưng coi chừng gặp được Ngài chưa chắc gì ta sẽ được vãng sanh… Chưa chắc!...

Tại sao vậy?... Tại vì ở xa mà người ta thành tâm, kính cẩn, y giáo phụng hành. Còn chúng ta ở gần mà không chịu y giáo phụng hành, không chịu thành tâm, không chịu kính cẩn, không chịu quyết lòng nghe lời Phật dạy, không nghe lời Ngài dạy… Thì coi chừng khi ta chết đi ta vẫn bị đọa lạc như thường.

Cho nên tất cả đều do duyên. Duyên chính là chỗ:

- Người nào “Thành tâm” người đó được duyên.

- Người nào “Kính cẩn” người đó được duyên.

- Người nào “Y giáo phụng hành” người đó được duyên.

Ví dụ như người ở xa hồi giờ người ta không biết, khi biết rồi họ quyết lòng tin tưởng, quyết lòng niệm Phật, ngày đêm nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì dù ở xa nhưng người ta được vãng sanh. Ta ở gần nhưng ta không chịu kính cẩn, ta không muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, ta hững hờ với chuyện nguyện vãng sanh, ta hững hờ với lời niệm Nam Mô A-Di-Đà Phật... thì coi chừng khi ra đi, chưa chắc gì ta có được phước phần vãng sanh. Có nghĩa là ta không có duyên!…

Chính vì thế mà ở tại đây chúng ta thường xuyên nhắc nhở đến pháp “Hộ Niệm”. Tại sao? Tại vì chính Hòa Thượng Tịnh-Không nhắc lên nhắc xuống không biết bao nhiêu lần, vấn đề quan trọng nhất của những người phàm phu tội chướng sâu nặng như chúng ta là “Hộ Niệm”.

- Nếu không biết hộ niệm…

- Nếu ỷ y hộ niệm…

- Nếu khinh thường hộ niệm…

- Nếu coi lướt qua sự hộ niệm…

- Nếu chỉ biết qua rồi gấp đó không thèm nghiên cứu đến!...

Thì coi chừng khi chúng ta nằm xuống không ai có thể hộ niệm cho chúng ta được!

Xin thưa trong những ngày qua chúng ta đã nêu lên rõ rệt những người có biết qua hộ niệm, nhưng sau cùng rồi ứng dụng cho chính những người trong gia đình mình không đúng cách! Hộ niệm sai lầm, làm cho người trong gia đình mình mất phần vãng sanh.

Những người nghe đến pháp hộ niệm mà không chịu để ý, không chịu nghiên cứu, thì sau cùng chính ta nằm xuống coi chừng người ta đến hộ niệm cho mình không được! Tại sao vậy?... Tại vì không chịu y giáo phụng hành. Hòa Thượng dạy muốn vãng sanh về Tây-Phương thì hãy buông xả, ta không chịu buông xả. Không chịu buông xả cái gì?...

- Ngũ dục lục trần, tham-sân-si-mạn không chịu buông xả…

- Cạnh tranh, ganh tỵ không chịu buông xả…

- Tự tư, tự lợi không chịu buông xả…

Nói thẳng ra, đơn giản nhất, con người của chúng ta sao mà những thứ tham-sân-si-mạn... vẫn còn nhiều quá nhiều. Người ở xa, hồi trước người ta cũng tham-sân-si-mạn, cống cao ngã mạn đủ thứ, nhưng khi nghe Hòa Thượng giảng, giật mình tỉnh ngộ quyết lòng chắp tay lại, cúi đầu xuống thành tâm sám hối không dám nói một lời… Nhờ thế mà họ lại được vãng sanh!... Còn mình ở đây niệm Phật hàng ngày, có cơ duyên gặp được Hòa Thượng Tịnh-Không, nhưng coi chừng sự cống cao ngã mạn hình như nó theo song song bên cạnh đường công phu tu tập, nên sau cùng bị đại nạn!...

Đừng bao giờ nghĩ rằng gần Hòa Thượng mà chúng ta dễ vãng sanh. Cái điều quan trọng không phải ở gần hay không gần, mà chính là ta có ứng dụng lời pháp của Ngài hay không, ta có chịu y giáo phụng hành hay không?...

Ngài dạy tham-sân-si-mạn phải bỏ… Chúng ta ăn thịt vẫn cứ thèm thịt, sát sanh vẫn cứ sát sanh, sân giận vẫn cứ tiếp tục sân giận, cống cao ngã mạn còn lớn hơn thiên hạ!...

Ngài dạy muốn được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc điểm quan trọng là “Khiêm-Cung, Chí-Thành, Chí-Kính”. Ta thấy người ta làm sai một chút… Ghét bỏ! Nói lên nói xuống!... Nhất định bây giờ có gặp Hòa Thượng hàng ngày đi nữa chúng ta cũng không được vãng sanh…

Hòa Thượng Ngài dạy muốn vãng sanh về Tây-Phương thì phải xả:

- Một là vật-chất phải xả. Tức là không được chiếm giữ bất cứ một cái gì hết. Thoải mái một chút.

- Hai là nhân-sự phải xả. Có nghĩa là ta không được ép buộc bất cứ một người nào hết, ta không được cạnh tranh với bất cứ người nào hết, ta không thể nào thấy người ta làm khác với mình thì tìm cách chống đối... Thế mà ta cứ việc tật đố, cứ việc chấp chước... thì nhất định ta bị trở ngại!...

Xin thưa với chư vị, con đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc nhất định không phải là ở những lý đạo cao siêu vi diệu đâu, mà ở ngay cái chỗ chân thành, thật thà, hiền lành niệm câu A-Di-Đà Phật. Mạnh dạn buông xả đi, Hòa Thượng thường dạy: “Lão thật niệm Phật". Thành tâm chân thành mà niệm Phật, cứ vậy mà đi. Kết hợp với nhau. Để chi?... Để cho một người tội chướng sâu nặng này, được quyền cỡi qua cái nghiệp chướng, được quyền đi trên cái nghiệp chướng…

- Bằng cái nguyện lực tha thiết!...

- Bằng cái sức niệm câu A-Di-Đà Phật chí thành!...

- Bằng cái tinh thần khiêm cung, thành kính cầu nguyện Ngài tiếp độ vãng sanh!...

Chúng ta gói cái nghiệp lại đi về Tây-Phương. Về Tây-Phương ta thành đạo…

Cho nên công cuộc hộ niệm cho người vãng sanh chính là đại cứu tinh cho tất cả chúng ta để một đời này vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị hiểu cho, đây là những pháp tu hành vô cùng là căn bản, vô cùng là hiền hòa, vô cùng là thấp thỏm... ấy thế mà ta vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc bất khả tư nghì, giống như anh Lê Đình Sỉm. Thật sự là một người Phật tử không có gì là cao siêu, không có lý huyền, không có đàm diệu... Ấy thế mà được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Hôm qua ta có một người vãng sanh, bữa nay ta đưa thêm một triệu chứng vãng sanh nữa thì chư vị mới thấy rõ rệt… ta niệm Phật như thế này nhất định được vãng sanh. Chỉ sợ rằng ta sơ ý không chịu “Y giáo phụng hành”, tưởng rằng vãng sanh Tây-Phương là dễ! Không phải dễ đâu!...

Mong chư vị phải bám lấy chặt cơ hội này để nhất định ta về Tây-Phương ta thành đạo Vô-Thượng…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com