Tác giả: Cư sĩ Diệu Âm
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 13
Nam Mô A Di-Đà Phật.
Hôm nay là này thứ hai đồng tu niệm Phật tinh tấn tại Leipzig. Ngày hôm nay riêng cá nhân Diệu Âm niệm Phật cũng hay, đó là nhờ hai vị đánh địa chung hay quá!... Thật sự bất khả tư nghì! Tán thán, tán thán!...
Ấy thế mới biết là khi chúng ta tu hành thì tự nhiên có chư Phật, Bồ-Tát gia trì, chư Long-Thiên Hộ-Pháp bảo vệ. Chúng ta cứ vững như vậy mà đi. Quan trọng là lòng thành chúng ta không thể nào thối chuyển. Tất cả những lời nói của Diệu Âm cũng chẳng qua là làm sao khuyến tấn cho người niệm Phật không bị thối chuyển.
Niềm tin vững vàng thì người niệm Phật sẽ vãng sanh. Niềm tin bị chao đảo thì người niệm Phật mất vãng sanh!
Niệm Phật mà niềm tin chao đảo, thay vì hưởng một đại phước-báu đi về Tây-Phương để đời-đời kiếp-kiếp được an vui, cực lạc, thành tựu đạo quả, thì ta có thể chỉ hưởng một chút phước-báu nào đó trong cõi nhân gian này, gọi là phước-báu Nhân-Thiên. Từ một cái đại phước-báu để thành tựu đạo quả, an vui cực lạc vô lượng vô biên, vô sanh vô tử, biến thành hưởng lạc một quãng thời gian rất ngắn trong cảnh khổ đau, để rồi tiếp tục chịu vạn kiếp khổ đau! Thật là một điều quá sức oan uổng!
Ngày hôm qua chúng ta nói về thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên. Phật dạy: “Thiểu Thiện-Căn, thiểu Phước-Đức, thiểu Nhân-Duyên thì không thể về Tây-Phương Cực-Lạc được”. Lời này có nhiều người không hiểu rõ, tạo nên nghi vấn nhiều khi không giải tỏa được! Hôm nay Diệu Âm lấy một lời trong kinh Vô-Lượng-Thọ ra để chúng ta coi thử có phải hình như là Phật đã giải đáp cho chúng ta rõ ràng rồi không?...
Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói một người trong đời này gặp được câu A-Di-Đà Phật, niệm được câu A-Di-Đà Phật, thì người đó trong vô lượng kiếp đã tạo ra một thiện-căn phước-đức sâu dày. Nhờ thiện-căn phước-đức đó mới phát tâm niệm được câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Cho nên khi muốn giải cho đúng nghĩa, chúng ta không thể nào quên ba bộ kinh của Tịnh-Độ. Thật ra trong các kinh, Ngài giải đáp hết rồi mà chúng ta không hay.
Chúng ta hôm nay ngồi đây niệm Phật, ta cứ lo âu rằng không biết mình có đủ thiện-căn phước-đức hay không? Thì trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói, người nào nghe câu A-Di-Đà Phật mà phát lòng tin tưởng, niệm câu danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương, thì đây là do thiện-căn phước-đức của cá nhân người đó được tu bồi đến vô lượng vô biên bất khả tư nghì từ trong vô lượng kiếp rồi mới gặp được trường hợp hôm nay.
Chư vị nghĩ coi có phải là trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật đã giải thích mối nghi cho người niệm Phật hôm nay hay không?
Diệu Âm cứ lấy kinh của Phật ra mà giải, để củng cố niềm tin cho người niệm Phật chúng ta, nhất định không được thối chuyển. Vãng sanh hay không nằm tại điểm này đây.
Trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, Phật có nói một câu rất ngắn, nhưng có huyền nghĩa rất sâu! Phật nói: “Thâm Tín Nhân Quả”. Nhân-Quả ở tại đây không phải là thứ nhân-quả bình thường, mà chính là “Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả”. Từ ba kinh này hợp lại, mình sẽ thấy rõ ràng một con đường đi từ đây cho đến ngày về Tây-Phương hình như không còn có một điểm nào làm cho chúng ta thối chuyển nữa. Phật đã giải thích rất rõ rệt!...
Một là nếu thiện-căn phước-đức mà ít thì không thể nào đi về Tây-Phương được đâu! Có nghĩa là đi về Tây-Phương được là do đại Thiện-Căn, là đại Phước-Báu, đây là điều quý vô cùng quý, quý nhất!... Trên vũ trụ nhân sinh này không có cái gì quý hơn. Xin chư vị đừng nên sơ ý. Đừng có nghĩ rằng là về Tây-Phương là đểnằm ngủ. Có nhiều người nói rằng,ởđây chúng sanh khổ quá không ở lại cứu độ họ, mà lại tìm cách đi về Tây-Phương để nằm ngủ!... Hì hì!... Ở đây ngủ không được hay sao mà lại đi về Tây-Phương để ngủ? Người ta tưởng công đức đi về Tây-Phương quý giá như một giấc ngủ!...
Có người lại nói, ở đây chúng sanh khổ quá không chịu cứu độ, lại tìm cách về trên Tây-Phương để trốn!... Người ta tưởng vãng sanh về Tây-Phương giống như là một cuộc chạy trốn! Đâu có chuyện dễ dàng như vậy? Trong vô lượng kiếp tu hành rồi, công đức đã bồi dưỡng rồi đến hôm nay mới gặp được cơ hội này và một đời đi về Tây-Phương thành tựu đạo quả. Nếu đánh giá chuyện về Tây-Phương nhẹ nhàng như vậy, thì tự mình thay vì về trên Tây-Phương hưởng đời-đời an vui cực lạc, mà còn cứu được vô lượng vô biên chúng sanh, tạo công đức vô lượng vô biên, lại biến thành một người đi trốn, một người đi ngủ, hoặc một người tạo một chút phước báu nào hữu lậu ở tại thế gian để hưởng, hưởng trong phần đoạn sanh tử một vài chục năm, hay hai-ba năm gì đó, hay là hưởng một cái danh cái vọng hão huyền gì đó!...
Diệu Âm hôm trước có nói với quý vị niệm Phật mà không cầu đi về Tây-Phương sau này làm con ông vua, trong kinh Vô-Lượng-Thọ có nói. Mà thật ra muốn đời sau được làm ông vua là phải tu thiện tích đức nữa nghen chư vị, chứ niệm Phật mà không tu thiện tích đức thì bị ngài Quán-Đảnh Đại Sư phán cho một câu chới với! Ngài phán làm sao?... “Niệm Phật coi chừng xuống địa ngục!”. Ngài nói một câu như vậy!...
Tại sao như vậy?... Tại vì…
- Niệm Phật mà không buông xả chấp trước!...
- Niệm Phật mà không chịu buông xả phân biệt!...
- Niệm Phật mà không chịu buông xả thị phi.
- Niệm Phật mà cạnh tranh, ganh tỵ, đấu tranh... rùm beng lên hết.
Cho nên hiểu kinh cần phải hiểu cho liễu nghĩa, đừng bao giờ sơ ý. Đừng cho là niệm Phật như vậy rồi thì đời sau chúng ta sẽ được thành ông vua. Làm ông vua cũng sướng chứ! Đâu biết rằng, niệm Phật để tham làm ông vua đó hả? Ngài Tịnh-Không nói hễ có tâm tham thì thành ngạ quỷ! Thành ngạ quỷ là do tâm tham, chứ Phật không đặc biệt nói tham gì. Niệm Phật mà tham! Có nhiều người còn suy nghĩ sai lầm vô cùng ở điểm này!
Chính vì vậy, khi đem ba lời nói của Phật trong ba kinh ra để giảng nghĩa cho ba chữ Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên này, Không biết là những ngày ở đây tôi có nói hết được ý nghĩa của sáu chữ này không? Nếu hiểu thấu được rồi, thì chỉ cần sáu chữ này thôi mà pháp giới vô lượng vô biên hình như chứa trọn trong đó.
Một người không biết là mình có đủ thiện-căn phước-đức hay không là do cái niềm tin chưa được tô bồi. Niềm tin chưa được tô bồi thì thiện-căn phước-đức nhiều đời nhiều khi có rồi mà mình bỏ quên chỗ nào đó. Khi trí huệ của mình chưa khai mở, thì có một viên ngọc Như-Ý đáng giá liên thành mà mình không biết, lại liệng nó vào trong cái hồ cá của anh Tâm Nhật Thuyết. Viên ngọc bị nhận chìm tận dưới đáy, lâu ngày rong rêu bao phủ! Những con cá ngày ngày bơi đùa giỡn chơi với viên ngọc, nhưng chúng đâu có để ý gì đến viên ngọc đó! Một viên ngọc vô cùng quý giá bị bỏ quên, âm thầm nằm dưới lớp rong rêu!...
Bây giờ đây chúng ta có cái thiện-căn phước-đức. Như trong kinh Vô-Lượng-Thọ nói, một người nào trong một đời này gặp câu A-Di-Đà Phật mà tự nhiên tỉnh ngộ… Thì thật ra, sự tỉnh ngộ này không phải là việc ngẫu nhiên đâu. Cho nên khi mình gặp được cơ hội này, tự mình cũng cảm thấy có phần nào được an ủi. Nghĩa là, nhất định ta có thiện-căn phước-đức sâu dày rồi. Thiện-căn phước-đức này nhất định nó sẽ là cái “Nhân” để đưa ta về trên Tây-Phương. Lúc đó “Nhân-Quả” đã hoàn toàn viên mãn, không còn sơ suất nữa.
Nhưng tại sao lại có người niệm Phật mà không được vãng sanh?... Vì thiện-căn phước-đức chưa dồn tới kịp, nên trí huệ của họ chưa phát sinh. Nếu hiểu được như vậy, thì chúng ta hãy tập tánh khiêm nhường đi, thành tâm đi, chắp tay lại tụng từng lời nói của Phật dạy đi... thì tự nhiên niềm tin này một ngày nào đó bỗng nhiên bộc phát mạnh mẽ. Nhờ niềm tin này sẽ gom tụ thiện-căn lại, gom tụ phước-đức lại. Có bao nhiêu nó phát triển thêm lên gấp ngàn gấp vạn lần. “Tín tâm thanh tịnh tức sanh Thật Tướng”, nhờ thế mà trí huệ cũng được khai mở luôn!... Tất cả đều do niềm tin này.
Có nhiều người tới đây thấy đạo tràng này chật chội quá! Chê!… Tôi nói, coi chừng cái đạo tràng tại Leipzig này sẽ trở thành một đạo tràng đệ nhất ở Âu Châu mà chúng ta không hay đó!… Tôi qua bên nhà anh Đạt chị Thủy, Niệm Phật Đường A-Di-Đà, xin quý vị cũng đừng có chê nhé. Coi chừng cũng sẽ là Niệm Phật Đường nổi tiếng của người Việt Nam tại Âu Châu mà chúng ta không hay đó!... Tại sao? Vì theo đúng như ngài Ấn-Quang nói, thì đây là những đạo tràng thành tựu đúng hợp với tiêu chuẩn của Ngài. Nên nhớ Hòa Thượng Tịnh-Không đã tán thán kiểu mẫu đạo tràng của ngài Ấn-Quang là mẫu đạo tràng thành tựu trong chín ngàn năm của thời mạt pháp. Xin quý vị đừng nên xem thường!...
Trở lại vấn đề thiện-căn phước-đức nhân-duyên, do cái “Nhân” là phước-đức, thiện-căn trong quá khứ kết tựu thành cái “Quả Niệm Phật” của ngày hôm nay. Bây giờ chúng ta lấy cái “Quả Niệm Phật” này làm cái “Nhân đi về Tây-Phương”. Bây giờ hai chữ Nhân-Duyên này tách ra, một chữ là “Nhân”, một chữ là “Duyên”. Thì cái nhân này “Nhân niệm Phật”. Cái duyên là “Duyên nguyện vãng sanh” về Tây-Phương. Cái nhân-duyên này kết với câu “Thâm tín nhân quả” trong kinh Quán-Vô-Lượng thọ mình thấy rõ ràng đường mình đi sẽ tới đâu.
Phật dạy là phải “Thâm Tín”, là phải tin cho sâu, tin cho chắc, tin cho vững!... Cái nhân quả này không phải tầm thường! Niệm Phật là “Nhân”, nguyện vãng sanh là “Duyên”, thành tựu “Quả Phật”. “Nhân-Duyên-Quả-Báo tơ hào không sai!...”Rõ ràng!…
Hôm qua có người hỏi tôi rằng, khi gặp một vị Sư, mình lạy có được hay không? Tôi nói, khi gặp chư vị tôi cũng muốn lạy luôn. Tại sao vậy? Thật ra, đáng lẽ ra tôi phải đảnh lễ tất cả chư vị, vì nếu chư vị quyết lòng đi như vậy thì nhất định chư vị sẽ là bậc đại Thánh Chúng trên cõi Tây-Phương trong một đời này, hỏi rằng tại sao tôi không đảnh lễ được?… Nếu chư vị về Tây-Phương rồi thì chư vị sẽ thành Phật, thì thật ra chúng ta đảnh lễ Phật. Xin thưa với chư vị, hỏi rằng cái thành quả của ngày hôm nay đâu dễ gì có được? Đâu có rẻ rúng như một giấc ngủ? Đâu có rẻ rúng như một vài triệu bạc được?...
Cho nên đây là một cái cơ duyên vô cùng thù thắng! Nói với nhau không phải là để chúng ta ve vuốt với nhau một chút, mà thật ra chúng ta cần củng cố niềm tin cho nhau. Phải củng cố vững vàng! Những người tới một đạo tràng niệm Phật mà rồi họ lặng lẽ ra đi, họ lạnh nhạt với câu A-Di-Đà Phật, thì mình không nên trách họ, mà hãy thương hại họ mới đúng. Tại vì họ lạnh lùng với câu A-Di-Đà Phật, thì đành rằng họ phải chịu kiếp số lạnh lùng trong vạn đời vạn kiếp nữa!…
Nếu có một cơ duyên nào đó làm cho họ tỉnh ngộ, chỉ cần họ tỉnh ngộ, họ trân quý câu A-Di-Đà Phật, thì lúc đó dù thiện-căn của họ chỉ có một chút thôi nó cũng được tô bồi lên, tô bồi lên cho đến chỗ thành tựu đạo quả luôn. Một chút phước-báu thôi, chỉ cần cái niềm tin vào câu A-Di-Đà Phật vững vàng lên, thì nhất định nó sẽ được trưởng dưỡng cho đến lúc trở thành một vị đại Thánh Chúng trên cõi Tây-Phương. Thật không phải là chuyện tầm thường!
Chúng ta ở đây đã biết được thế nào gọi là nhân-duyên, thế nào gọi là phước-đức, thế nào là cái giá trị của câu Phật nói trong kinh A-Di-Đà, thì đừng nghĩ rằng đi về Tây-Phương là nhỏ nghe chư vị. Phải biết rằng chúng ta có thiện-căn nhiều, nhưng phải cố gắng bồi đắp thiện-căn thêm nữa. Phước-báu đã có rồi, nhưng cũng phải bồi thêm phước-báu hơn nữa. Hãy lấy niềm tin này mà bồi, bồi cho đến kỳ cùng luôn. Để chi vậy?... Để nhất định ta phải về được cho tới Tây-Phương. Có phước-báu, có thiện-căn mà bồi thêm nữa thì ta lên Thượng Phẩm. Hì Hì!... Thượng Phẩm thì trong hai ba kiếp thôi mình thành Phật. “Nhất sanh thành Phật” đi bổ sứ, bổ sứ như ngài Di-Lặc cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh. Sướng biết chừng nào…
Chứ còn nếu ỷ y?... Một niệm ỷ y, một niệm khinh mạn, một niệm cho là đủ... Thì chư Tổ nói rằng, ngay lập tức chúng ta đã bị thối chuyển liền! Nhất định xin chư vị phải áp dụng cho được lời dạy của ngài Ấn-Quang: Càng tu càng khiêm nhường, càng tu càng thấy mình yếu, dù biết rằng mình có thiện-căn đi nữa, cũng cứ cho mình còn yếu mới được. Tại vì sao?... Tại vì…
- Thiện-căn nó nằm song song bên nghiệp chướng…
- Thiện-căn nó nằm song song bên oan gia trái chủ chướng…
- Thiện căn nó nằm song song bên những tội lỗi mà những lúc mê lầm mình tạo ra!...
Hãy lấy niềm tin này mà tăng trưởng thiện-căn lên, thì tự nhiên nó làm mờ dần nghiệp chướng xuống, giúp chúng ta an nhiên tự tại đi về Tây-Phương.
Nguyện mong cho chư vị hiểu được chỗ này rồi, thì hãy an nhiên tự tại, cố gắng kết hợp chặt chẽ với nhau, để chúng ta cùng được về Tây-Phương thành vị đại Bồ-Tát, cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 14
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Niệm Phật là một pháp môn “Đại Giải Thoát”, nhưng có nhiều người không trân quý là tại vì chưa nhận rõ một tương lai rất gần có thể chìm đắm trong biển khổ, bị nạn trong ba đường xấu ác! Nếu chúng ta thấy rõ nghiệp chướng của mình quá nặng, với cái nghiệp chướng này ta sẽ tới đó chịu nạn vạn kiếp, thì chắc chắn cơ hội niệm câu A-Di-Đà Phật này trở nên quý giá vô cùng, không ai dám lơ là…
Ngài Ấn-Quang sau khi đã nghiên cứu tam tạng kinh điển, mười hai phần giáo, Ngài mới giật mình tỉnh ngộ liền quay trở về một câu danh hiệu Nam Mô A-Di-Đà Phật, quyết trì giữ đến cùng không dám rời ra. Trong phòng thờ của Ngài chỉ có một ảnh tượng A-Di-Đà, đơn giản lắm, một kinh A-Di-Đà, bức tường sau bàn thờ Ngài để một chữ “Tử”, có nghĩa là Ngài tự nhắc nhở một ngày nào đó Ngài phải chết.
Một vị tôn sư mà phải để chữ “Tử” để nhắc nhở rằng bắt đầu từ giờ phút này cho đến cái ngày mãn báo thân không thể nào rời câu A-Di-Đà Phật một ly một tấc. Ta là một phàm phu, ta không phải là một đại Bồ-Tát như Ngài, thì cái cơ duyên bị nạn chắc chắn phải dễ dàng, phải nhiều hơn Ngài hàng vạn lần! Đúng ra…
- Chúng ta phải biết sợ, sợ cảnh địa ngục một ngàn lần hơn Ngài.
- Chúng ta phải sợ, sợ rơi vào tam ác đạo một ngàn lần hơn Ngài.
- Và ta phải trì giữ câu A-Di-Đà Phật một ngàn lần hơn Ngài, ta mới an tâm được.
Ấy thế mà có nhiều người gặp câu A-Di-Đà Phật vẫn còn hững hờ! Sở dĩ hững hờ là:
- Tại vì không mường tượng ra được cảnh đau khổ vạn kiếp, bị thiêu đốt vạn đời dưới địa ngục!
- Tại vì không nghĩ rằng cảnh ngạ quỷ đói khổ như thế nào!...
- Tại vì không nghĩ rằng cảnh bị lột da xẻo thịt của loài súc sanh tệ hại như thế nào!... Đau khổ như thế nào!...
Chứ nếu mà chúng ta nghĩ tới cái chuyện đó thì xin thưa câu A-Di-Đà Phật không ai dám rời đâu.
Hồi sáng chúng ta có nhắc qua câu: “Sanh tử hải trung, niệm Phật đệ nhất”. Tức là chư Tổ đặt chúng ta như đang bị chìm trong cái dòng sanh tử cuồn cuộn, bị chết chìm trong biển khổ đó. Nếu thật sự mình đang chết chìm trong biển khổ đó, nếu vớ được một cái phao, thì quý vị có thấy cái giá trị của cái phao đó không?... Chắc chắn là không bao giờ dám rời phao đó ra đâu. Mà trong những cái phao đó, chỉ cócái phao A-Di-Đà Phật là an toàn nhất, cái phao A-Di-Đà Phật là vĩ đại nhất, cái phao A-Di-Đà Phật đưa mình vượt qua cái biển khổ đó, đưa mình về cảnh an vui cực lạc nữa… Lúc đó mình mới thấy giá trị của câu A-Di-Đà Phật quý hóa không biết ngần nào? Không có gì có thể so sánh được.
Ngài Tịnh-Không thường hay nói rằng, chúng sanh mê muội không biết của quý. Ngài nói câu A-Di-Đà Phật là cái của đại quý, đại báu mà vô lượng kiếp qua mình chưa từng gặp qua, chưa từng bám được. Ấy thế mà không chịu bám, không chịu giữ! Nhiều khi chư Phật, chư Tổ, đưa cái cơ duyên thành đạo đến tận tay ta rồi mà mình vẫn hững hờ, cứ cố bám lấy những cái gọi là những phước báu tạm bợ bên ngoài. Những thứ đó hoàn toàn là tạm bợ! Hoàn toàn là giả tạm! Hoàn toàn là huyễn mộng! Đến cuối cùng chắc chắn nó lặng lẽ bỏ mình ra đi, nó không cứu được gì cho mình cả! Ấy thế mà cứ thích bám vào cái đó, cứ sờ vào cái đó!... Trong khi cái phao A-Di-Đà Phật không những cứu mình thoát ra biển khổ luân hồi trong một cuộc đời này, mà còn biến mình đời-đời kiếp-kiếp trở thành một vị đại Bồ-Tát trên cõi Tây Phương, thành đạo Vô-Thượng... Sướng ơi là sướng! Hì hì...Vậy mà không chịu bám… Hì hì!...
Cho nên tu hành chúng ta phải biết tập giựt mình! Tập giác ngộ! Khi nghe một vị Tổ nói ra một lời, mình phải tập giác ngộ kịp thời. Hễ người nào mà giác ngộ kịp thời, thì người đó vượt qua được cảnh đọa đày vạn kiếp. Người nào mà không giác ngộ kịp thời thì chắc chắn sẽ bị trầm luân trong “Cảnh ngộp-ngộp-ngộp-ngộp” đó, “Cảnh Khổ-khổ-khổ-khổ” đó, trong vô lượng kiếp nữa chứ không thể nào thoát được đâu!
Hồi trưa mình có nói đến chuyện khổ của con người ở tại cõi Ta-bà này. Phật nói cảnh này là cảnh khổ, gọi là “Khổ-Khổ”! Làm cái gì cũng khổ hết! Khổ kinh khủng lắm! Mang cái thân ngũ ấm này khổ chết luôn! Bảo đảm! Rồi nếu còn tham phước báu trên các cõi trời, cõi trời Sắc-Giới sướng lắm. Nhưng Phật nói, cõi trời Sắc-Giới còn bị “Hoại-Khổ”! Vẫn còn khổ! Ở trên trời Sắc-Giới không cần ăn nữa, không cần ngủ nữa, ngũ dục đã bỏ rồi đó mà vẫn còn phải khổ: Hoại-Khổ!... Lên đến trời Vô-Sắc-Giới còn ngon hơn nữa, sướng hơn nữa, nhưng mà vẫn còn cái “Hành-Khổ”, nghĩa là đến sau cùng vẫn đọa xuống!...
Thôi! Đừng nói làm chi những cái xa vời quá! Trước mắt đây, mình nhìn tới những người thân khi xả bỏ báo thân!... Trời ơi!... Trằn lên, trụt xuống, đau đớn không biết chừng nào! Than lên, khóc xuống, rồi khi ra đi để lại một thân tướng cứng đơ! Con mắt thì mở trao tráo! Hình tướng thấy mà sợ không dám nhìn!...
Có nhiều người, khi còn sống thì “Mẹ-Mẹ Con-Con”. Khi mẹ chết rồi, thì: “Mẹ ơi!... Phải chôn mẹ sớm đi cho rồi, chứ nhìn mẹ con thấy sợ quá, chịu không nổi!...”. Tại vì sao? Tại vì nỗi buồn buồn một chút của người con khi thấy mẹ chết, thật ra chưa thấm thía gì đối với cái khổ của chính người mẹ phải chịu hàng vạn kiếp bắt đầu từ khi tắt hơi đó! Quý vị đừng nghĩ là mình sợ cái thân chết của mẹ mình là mình khổ lắm đâu! Chính người mẹ của mình bị khổ dễ sợ lắm! Khổ đến nỗi không còn cách nào có thể diễn tả thành lời được!
Cái hiện tượng khổ đó có thể đến với mình hay không? Dễ dàng!… Dễ dàng!… Sẵn sàng bên cạnh. Tại vì mẹ mình nghiệp chướng sâu nặng, chứ còn mình có hơn gì mẹ mình đâu?... Mình rồi sau cùng cũng bị như vậy!… Cho nên người nào khát mới biết cái cảnh khổ của khát như thế nào?... Người nào chui vào hầm lửa mới biết lửa nóng như thế nào?... Đi xuống dưới địa ngục rồi mới hiểu được cảnh lửa dưới địa ngục thiêu đốt! Không phải thiêu đốt một ngày hai ngày đâu, mà thiêu đốt vạn năm!
Chính vì sợ cảnh đó, nên ngài Ấn-Quang mới khai thị bằng chữ “Tử”. Chữ “Tử” không phải là tự tử. Có nhiều người nghĩ sai! Không phải vậy! Ngài nói phải nhớ rằng lúc mình chết!... Mình chết nhưng mình không hết!... Mình không hết mà sau cái chết đó mình sẽ bị đọa lạc đau đớn lắm chư vị ơi!... Cho nên phải lo. Nếu mình hiểu được lời khai thị của ngài Ấn Quang rồi, thì nói thẳng ra, ai cũng phải lo bám cho chặt lấy cái phao A-Di-Đà Phật. Tại vì nhiều người không hiểu rằng chữ “Tử” này nó đến bất cứ lúc nào! Họ cứ tưởng rằng: “À, mình bây giờ còn đẹp gái mà, mình còn đẹp trai mà, cớ chi mà phải tu hành cho gấp?”...
Xin kể ra đây một câu chuyện để thấy thế nào gọi là cái giá phải trả của sự trì hoãn. Đó là năm 2006, ở cái làng bên cạnh làng tôi, ở đó có ba ngôi chùa và cũng có một ban hộ niệm. Ban hộ niệm đó chính tôi về khuyến tấn lập nên, người ta biết niệm Phật, biết hộ niệm. Có một anh chàng nọ lúc đó mới có bốn mươi hai tuổi, có chiếc xe Honda. Cứ mỗi Chúa Nhật thì anh chở người mẹ tới chùa để niệm Phật, tụng kinh, còn anh thì ngồi ở cái ghế đá ở ngoài hút thuốc. Tướng anh cũng đẹp trai. Người ta hỏi:
- Tại sao anh không vô niệm Phật với mẹ?
Anh đó nói.
- Bây giờ tôi lo cho mẹ tôi trước. (Bà mẹ lúc đó là tám mươi sáu tuổi).Khi mẹ tôi an phận xong tôi sẽ tu hành nghiêm chỉnh.
Tới chùa nhưng anh đó cứ ở ngoài hút thuốc lá, không vô niệm Phật. Có một bữa nọ anh bị cảm. Cảm sơ sơ nên cũng không ai để ý đến làm chi, bà mẹ cũng không kêu ai làm chi!... Cảm sơ sơ có một ngày, nhưng không ngờ ngày hôm sau anh đó chết mất. Chết ngay trong lúc bốn mươi hai tuổi. Bà mẹ của anh ta bây giờ là chín mươi mốt, chín mươi hai tuổi rồi vẫn còn sống. Còn anh đó thì đã chết từ năm hai ngàn lẻ sáu, năm-sáu năm rồi. Bà cụ đó năm nay đã chín mươi hai tuổi vẫn còn sống, còn sống neo đơn một mình không ai chăm sóc!
Chúng ta hãy tưởng tượng đi. Vì anh đó nghĩ rằng mình mới có bốn mươi hai tuổi, còn khỏe quá, chưa chết, nên anh chỉ lo cho mẹ trước. Đâu có ngờ vô thường đã đến với anh trước, đến với người mẹ sau!...
Chúng ta đi tới Niệm Phật Đường như thế này, trong đời này mà có cơ duyên gặp được câu A-Di-Đà Phật, thật là quý giá. Cái quý giá này xin thưa rằng là do thiện-căn, do phước-đức, do ta đã biết tu hành từ trong vô lượng kiếp rồi mới có. Nhờ cái nhân đó đưa đến ngày hôm nay ta mới gặp được trường hợp này mà tin tưởng lấy, mà lo tu hành để niệm Phật cầu vãng sanh.
Tuy nhiên, có nhiều người tới đây tu hành mà nghĩ: À!… Chưa đến nỗi nào chết đâu, thì cứ lo niệm Phật cầu vãng sanh làm chi?Như hôm trước ở thành phố Praha (Tiệp) có một vị hỏi:
- Có nhiều người trẻ, chưa phải đến nỗi chết, mắc mớ gì cứ niệm Phật cầu cho chết? Cầu cho vãng sanh?
Tôi trả lời:
- Nếu vị nào đó niệm Phật cầu vãng sanh mà đi liền trong lúc còn trẻ, thì thật ra vị đó là Tổ Sư rồi. Chúng ta gặp Ngài phải quỳ xuống chắp tay lại bái Tổ rồi.Vì chỉ có những vị Tổ Sư họ muốn đi là đi, muốn ở thì ở thôi. Chứ không phải Tổ thì chuyện đi đứng đó!… Đi là chết đó! Hì-Hì!... Chuyện luân hồi đó!... Chuyện mãn báo thân đó!... Không bao giờ biết trước là lúc nào đâu à!...
Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng, mình đâu có ký giao kèo với Diêm Vương? Hì hì!... Mà thật ra Ngài cũng đâu cần ký giao kèo với mình làm chi?... Mình đến đây là do nghiệp, nghiệp dẫn đến. Nghiệp dẫn đến, nó bắt mình phải trả chín chục năm thì chín chục năm mới đi, chứ sức mấy mà bây giờ mới có bốn mươi hai tuổi mà đi sớm vậy, phải không? Nhưng nếu cái nghiệp nó bắt mình lúc bốn mươi hai tuổi phải đi, thì đừng có nghĩ rằng mẹ mình tám mươi sáu tuổi sẽ đi trước nhé. Không có đâu à!…
Chính vì vậy mà chúng ta giác ngộ ra chỗ này, là trong đời này mà bắt gặp được câu A-Di-Đà Phật, đây là cái phao cuối cùng trong thời mạt pháp này, mà cũng coi chừng là cơ hội cuối cùng trong vô lượng kiếp về sau nữa chứ không phải là chuyện giỡn đâu chư vị!... Tại sao? Tại vì như một người chết xuống mà không có phần siêu sanh Tịnh-Độ, lỡ bị lạc vào một trong những đường tam ác đạo, thì nhất định không còn cách nào có thể gặp lại được Phật pháp. Bảo đảm!… Chắc chắn!…
Thời mạt pháp này chỉ còn có chín ngàn năm nữa thôi, sau đó là thời “Diệt Pháp”. Quý vị cứ nghĩ coi, nếu đi xuống dưới địa ngục, thì chín ngàn năm trên thế gian này chỉ là thời gian hai-ba ngày dưới địa ngục mà thôi, còn người ở dưới địa ngục phải trải qua hàng vạn kiếp như vậy. Hãy tính thử thời gian dài bao lâu? Vô lượng kiếp! Làm sao mà gặp lại Phật pháp đây?...
Giả sử như lỡ lọt vào hàng ngạ quỷ? Thôi! Thì cũng chịu thua rồi!... Vì muốn trở lên đầu thai lại làm người, ít ra cũng phải đợi mãn cái kiếp sống của ngạ quỷ trước. Một đời của ngạ quỷ là bao lâu?... Xin thưa, ít ra cũng vài ba chục ngàn năm là nhanh nhất đó nghe chư vị!...
Còn lọt xuống hàng súc sanh thì sao?... Bây giờ tu hành mấy đi nữa, chuyển xuống hàng súc sanh, dù được vô trong nhà tỷ phú để hưởng phước đi nữa... Thì hưởng phước có một đời, cũng vài năm gì đó rồi chết. Chết xong thì hết phước. Hết phước rồi thì đời sau cũng phải lang thang đi gặm xương trong các đống rác nào đó! Nếu chẳng may, gặp phải những người thèm thịt nữa thì thôi tiêu rồi! Hì hì!... Không cách nào mà không bị trở ngại hết trơn!...
Hiểu được như vậy rồi, mong chư vị hãy bám cho chắc lấy cơ hội này, đừng có buông ra nhé. Buông ra là chết!... Tại vì chúng ta không chịu đặt ta trong cái thế đường cùng nên mới tu tà tà!... Chứ mà thấy rằng, đây thật sự là đường cùng rồi... Làm người trong thời mạt pháp thì chúng ta thật sự đã đi tới đường cùng rồi! Đường cùng dẫn tới đọa lạc, đâu dễ gì tìm ra nẻo đường cực lạc, siêu thoát!...
Cho nên cơ hội vãng sanh này đã cuối cùng rồi mà không chịu giựt mình tỉnh ngộ, không chịu bám chắc lấy câu A-Di-Đà Phật, thì coi chừng phải rơi xuống dưới biển khổ. Biển khổ là biển tội chướng đó!... Dưới biển khổ nhìn lên mình thấy con thuyền Bát-nhã của A-Di-Đà Phật cao vời vợi đó mà đành chịu thua! Tại vì khi chân mình đã chui vô trong cái cùm, tay mình đã chui vào trong cái kẹp, mình muốn với lên rờ con thuyền Bát-nhã một chút mà rờ cũng không được! Trong khi trước đó một giây đồng hồ, mình đang đứng trên bờ mé của con thuyền Bát-nhã, nhưng không chịu đi tới mà lại bước lui!...
Biết vậy mới thấy câu nói, “Nhất niệm tương ưng nhất niệm Phật”, hay vô cùng! Nhất định phải nhớ, trong một trăm triệu người mới có một người biết niệm Phật. Quý hóa vô cùng! Ấy thế mà một người niệm Phật lại không chịu lặng lẽ hưởng cái phước phần đi về Tây-Phương, mà lại tùng với đại chúng để đi theo con đường khổ nạn! Lúc chịu khổ rồi, nhìn qua nhìn lại chung quanh toàn là người khổ hết trơn! Khổ ơi là khổ!… Đó gọi là khổ khổ! Khổ quá nên ngày nào cũng khóc: Khổ!... Khổ!... Khổ!... Khổ!... Khổ!... Khổ!... Hì!... Khổ khủng khiếp quá!...
Mong chư vị hiểu thấu mà phải sợ chữ “Khổ” này. Mau mau niệm Phật. Hãy bám chặt lấy cơ hội này để đi về Tây-Phương là con đường an toàn viên mãn nhất.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 15
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Kính bạch Sư Cô!
Cùng chư vị đồng tu!
Chúng ta có cơ duyên gặp nhau trong pháp hội niệm Phật này, và theo cơ duyên này chư vị đồng tu ép Diệu Âm nói khai thị, chứ thật ra vì bắt buộc nên Diệu Âm cũng đem lòng thành để trang trải ra đây vài ý kiến, hầu mong chúng ta giữ được niềm tin vào câu A-Di-Đà Phật.
Cái duyên pháp của A-Di-Đà Phật rộng lớn vô lượng vô biên bao trùm pháp giới, không cách nào chúng ta có thể nói hết được đâu. Mà Phật pháp là một chuỗi pháp duyên vô cùng vô tận, nhưng nếu chúng ta biết “Y giáo phụng hành” những vị Đại Sư, chư vị Tổ Sư thì ta có thể thâm nhập vào cửa đạo bằng cái duyên gì gần nhất của chính mình. Hãy mau mắn chộp lấy cái duyên đó mà phăng tới, đừng nên phân đo, đừng nên đi theo con đường gọi là “Đa tạp”.
Đa là nhiều, nhiều là không chuyên! Nghĩa là hôm nay chúng ta chộp cái đầu mối này để đi vào. Đi vào vừa thấy khó khăn hay bị chút trở ngại gì đó thì vội vã liệng cái mối này, chạy tìm cái mối khác. Chộp cái mối khác đi vào chưa được bao nhiêu lại thấy cái mối kia hay quá, lại bỏ nữa để chọn cái mối kia... Rốt cuộc tự chúng ta làm cho pháp duyên của chúng ta bị rối bùng beng đi!... Chứ thật ra, pháp Phật thì rộng vô cùng vô tận, nhưng chúng ta có thể chộp một mối, rồi chỉ từ một mối đó để thâm nhập vào đạo.
Nếu bây giờ chúng ta không biết mối nào để theo, thì hãy nghe lời đức Thế-Tôn dạy đi, câu A-Di-Đà Phật là cái mối dễ dàng nhất. Cứ chộp cái mối đó mà đi thì tự nhiên thành tựu. “Một là tất cả, tất cả là một”. Từ một mối đó ta sẽ thấy hết tất cả được Phật pháp. Ví dụ như mấy ngày nay chúng ta có duyên nói chuyện với nhau về Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên, thì chúng ta hãy chộp lấy cái mối này mà đi. Bây giờ cứ lấy cái mối này mà chúng ta phăng tới, mình phăng thử xem sẽ đi tới đâu?…
Hôm qua chúng ta nói trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật dạy một người nào tin vào câu Phật hiệu A-Di-Đà thì người có thiện-căn, phước-đức lớn lắm!... Bây giờ hôm nay chúng ta hỏi lại: Người nào là người thiếu thiện-căn?... Chắc chư vị có thể đã trả lời được câu hỏi này rồi, phải không? Người nào vậy? Là người không tin vào câu A-Di-Đà Phật. Mình thấy quá rõ rệt!...
Như vậy trong chúng ta ai là người thiếu thiện căn nhất đây? Diệu Âm xin đưa tay lên, xung phong trước. Chính Diệu Âm này là người thiếu thiện-căn nhất. Vì sao vậy? Vì năm mươi tuổi đầu vẫn chưa tin câu A-Di-Đà Phật! Chạy lung tung, còn chê nữa! Đến năm mươi tuổi đầu, có cơ duyên may mắn niệm câu A-Di-Đà Phật mới phát khởi niềm tin. Mà một khi phát khởi niềm tin thì thiện-căn có nhiều hay ít, không cần biết! Mà chỉ biết rằng đã có niềm tin thì cũng đã có chút chút thiện-căn. Có chút chút thiện căn rồi là được, mọi chuyện khác sẽ tính sau… Cứ biết có rồi cho vững tâm đã...
Có một lần đi về Việt Nam, Diệu Âm gặp lại mấy người bạn học cũ. Những người bạn mới hỏi, bây giờ bạn tu hành như thế nào? Diệu Âm nói, bây giờ tôi chỉ biết niệm câu A-Di-Đà Phật. Thì những người bạn mới nói:
- Mình là người thông minh, trí huệ, có học hành... tại sao không nghiên cứu kinh điển để hiểu rõ lý đạo cao siêu trong pháp Phật mới xứng đáng? Tại sao lại niệm câu A-Di-Đà Phật?...
Diệu Âm mới nói rằng:
- Bạn đừng có khinh thường câu A-Di-Đà Phật. “Niệm Phật là nhân, thành Phật là quả đó”.
Người bạn mới nói:
- Chẳng lẽ một con ếch đang nằm dưới giếng, hàng ngày nó kêu ộp-ộp-ộp!... Bây giờ con ếch đó niệm câu A-Di-Đà Phật chẳng lẽ nó cũng thành Phật sao?...
Những người bạn đó chê Diệu Âm ngu si giống như con ếch nằm dưới giếng tăm tối, âm u mù mịt!... Nhìn lên bầu trời chỉ thấy một cái lỗ nhỏ thế này tưởng rằng bầu trời là như vậy!... Trong khi đó thì Diệu Âm lại thầm nghĩ rằng, con ếch ở dưới giếng nó ngu si thật đó, nhưng nếu tâm nó niệm lên được một câu A-Di-Đà Phật thì con ếch đó dù ngu si nhưng nó có thiện-căn, nhờ cái thiện-căn này mà nó có thể vãng sanh về Tây-Phương thành đạo. Còn những người bạn kia tưởng mình là khôn ngoan, tưởng mình là trí huệ mà không tin vào câu A-Di-Đà Phật, thì nhất định đây là người không có thiện-căn! Phước-báu thì có thể hơn con ếch một chút. Có chút ít phước-báu nên mới có được chiếc xe Honda, mới làm được thân người, nhưng mà không tin vào câu A-Di-Đà Phật thì thiện-căn không có! Chắc chắn thiện-căn thua con ếch! Cái phước báu có trong đời này hãy cố gắng mang vào đời sau đi!... Còn không có thiện-căn, không tin vào câu A-Di-Đà Phật, thì nhất định một đời này luống qua không thể nào về tới Tây-Phương được nữa rồi!... Tương lai mình không biết là những người khôn ngoan này sẽ ngon hơn con ếch, hay là con ếch sẽ ngon hơn người đây?...
Trở về vấn đề thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên. Chúng ta chớ vội dùng cái hình tướng của thế gian ra mà đánh giá một người, coi chừng sai lầm! Một người được cho là thông minh, đĩnh ngộ, như những người bạn của Diệu Âm, có người đã trở thành giáo sư đại học, nhưng mà không tin câu A-Di-Đà Phật, chê một người niệm Phật giống như một con ếch mù mờ chui xuống dưới đáy giếng. Trong khi họ không biết rằng sự cứu độ của A-Di-Đà Phật phổ rộng khắp pháp giới chúng sanh. Ngài nói dẫu cho những chúng sanh trong hàng súc sanh, địa ngục, ngạ quỷ, mà có cơ duyên niệm được câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, dẫu cho mười niệm mà Ngài không cứu về Tây-Phương, một đời thành vị Bồ-Tát, thành đạo Vô-Thượng, Ngài thề không thành Phật.
Như vậy xin hỏi rằng:
- Cái hình tướng này có đảm bảo cho chúng ta tự khoe mình là thông minh trí huệ hay không?...
- Cái hình tướng này có bảo đảm cho mình khoe là thiện-căn phước-đức hơn người hay không?...
Xin thưa chư vị, không! Thời gian nói chuyện quá ngắn, chúng ta không thể tiếp tục được. Chiều nay chúng ta sẽ tiếp tục mổ xẻ thêm để cho rõ thế nào là thiện-căn? Thế nào là phước-đức? Thế nào là một người thành tựu? Thế nào là một người bất thành tựu?... Là một chúng sanh trong cõi ngũ trược ác thế này, xin thưa với chư vị, đã đến thời mạt pháp rồi gặp câu A-Di-Đà Phật mà không tin nữa ư? Không tin thì đại họa ứng hiện, đối đầu! Nhất định hết một báo thân này nạn tử tử sanh sanh không thể nào có hy vọng thoát ly! Mà xin thưa rằng, với nghiệp chướng sâu nặng, trí huệ thì mỏng manh như chúng ta, chắc chắn không thể nào thoát nạn được!
Chư vị đừng nghĩ rằng một chúng sanh trong pháp giới thấp kém họ thiếu cái thiện-căn hơn mình đâu. Chưa chắc! Họ đang thiếu cái phước-báu, chứ còn thiện-căn thì chưa chắc. Ví dụ, một người làm thiện, xây cầu, đắp cống, có nhiều phước báu. Nếu mà biết gìn giữ, ăn ở hiền lành, thì cái phước báu này đời sau họ có thể hưởng. Mình đang tu hành như thế này, niệm câu A-Di-Đà Phật tức là mình có thiện-căn, thiện-căn hơn những người làm phước đó. Nhưng nếu mình không đem cái thiện-căn này để về Tây-Phương Cực-Lạc, lại còn nghĩ rằng mình ngon hơn thiên hạ. Một tâm tăng thượng mạn nổi lên, cống cao ngã mạn, đố kỵ, ganh tỵ đủ thứ... Giận dữ, tham sân si mình không bỏ, đến khi mình nằm xuống, vì cái tập khí này mà không cho phép mình về Tây-Phương Cực-Lạc. Hoặc là khi nằm xuống mình khởi một niệm sân, mình khởi một niệm tham, mình khởi một niệm si, khởi bất cứ một niệm nào đó... Thì chính vì cái niệm trong tâm này biến thành “Cận tử nghiệp” đúng nghĩa nhất, làm cho chúng ta sau khi lìa bỏ báo thân đi theo cái ác niệm đó mà đầu sanh trong tam ác đạo. Nên nhớ đây là lời của Quán-Đảnh Đại Sư nói. Ta niệm Phật mà sơ ý chui xuống dưới tam ác đạo thành một con vật, một con vật mà có thiện-căn vì trong đời trước có niệm Phật.
Quý vị thấy không? Rõ rệt không? Tại vì nó sơ ý, nó không hiểu đạo, nó không biết gìn giữ cái duyên cho trọn vẹn, mà tự nó tạo ra cái nghịch duyên trong lúc xả bỏ báo thân, vô tình tu hành suốt một đời sau cùng phải chịu cảnh đọa đày! Tuy sống trong cảnh đọa đày, nhưng A-lại-da thức của con vật đó vẫn còn chứa rất nhiều chủng tử A-Di-Đà Phật, tức là nó có thiện-căn...
Một con ếch ở dưới giếng!... Chúng ta dùng cái máy niệm Phật mở xuống dưới giếng, nhiều khi tiếng niệm Phật của cái máy vang vang, làm động đến tâm con ếch, nó giựt mình, những thiện-căn của đời trước tự nhiên sống lại, A-lại da thức ứng hiện ra, làm cho nó niệm được câu A-Di-Đà Phật. Thay vì kêu “Ộp-Ộp”, thì tiếng “Ộp” thứ nhất là tiếng “A”, “Ộp” thứ hai là tiếng “Di”, “Ộp” thứ ba là tiếng “Đà”, “Ộp” thứ tư là tiếng “Phật”... để cầu sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Hì hì!... Con ếch đã đem tất cả những thiện-căn gì có được trong quá khứ mà nó đã lỡ lầm bỏ sót để hướng về Tây-Phương. Nó về Tây-Phương thành đạo…
Trong kinh có nói: “Tam ác đạo trung, lai sanh ngã sát. Thọ ngã pháp hóa, tất thành A-Nậu-Đa-La Tam-Miệu-Tam Bồ-Đề”. (Nghĩa là, chúng sanh trong ba đường ác khi sanh về nước Ta, thọ giáo pháp của Ta, tất cả đều thành Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác). Đây là lời Phật nói trong kinh Vô-Lượng-Thọ.
Như vậy, chúng ta không thể nào chê bai một người ở ngoài đường vì thấy họ không có niệm Phật. Người ta không chịu niệm Phật vì có thể, một là họ không có thiện-căn. Hai là thiện-căn chưa phát hiện được. Hiểu được vậy thì mình không được quyền chê. Mình đừng có khinh thường con cá, con gà, con vịt... là loài súc sanh mà bắt nó để ăn thịt. Ăn thịt chúng coi chừng mình ăn thịt một vị Phật đó!... Bắt một con ếch để ăn thịt là coi chừng ăn thịt một vị Phật đó, tại vì nó có thiện-căn, chơn tâm của nó là một vị Phật...
Chính vì vậy mà hôm nay chúng ta cứ phăng tới thử coi thiện-căn này sẽ đi tới đâu?...
Nhất định chúng ta phải tin vào câu A-Di-Đà Phật. Tin được vào câu A-Di-Đà Phật thì dù thiện-căn nhỏ như Diệu Âm đây mà quyết lòng thành tâm niệm Phật, thì thiện căn nhỏ này sẽ trưởng dưỡng vô cùng nhanh chóng, nhanh đến độ có thể đưa ta một đời này về tới Tây-Phương Cực-Lạc. Còn người có thiện-căn lớn ư? Lớn mà không chịu tin, thì thiện-căn đó sẽ hao mòn đi, èo uột đi, bị ém nhẹm ở một chỗ nào đó để cho tập khí nổi lên dìm cái thiện-căn này trong cảnh địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, rồi may ra trong một kiếp nào đó mới thành tựu!...
Hiểu được đạo lý này, xin chư vị hãy cố gắng gìn giữ cơ duyên này, nhất định đi về Tây-Phương, thành đạo trong một đời này.
A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 16
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Kính thưa đại chúng, hôm nay Chị Mơ đánh địa chung hay bất khả tư nghì, làm cho nhiều người niệm Phật nhiếp tâm. Sự nhiếp tâm của chư vị cao hơn Diệu Âm. Tán thán!… Tán thán!...
Hồi nãy đi ra ngoài, có một vị gặp Diệu Âm và hỏi, anh Diệu Âm có ngủ gục không? Hì hì!... Nếu có ai ngủ gục thì cũng xin tán thán luôn, vì dù có ngủ gục chút ít nhưng cũng ráng niệm Phật, vậy thì cũng ngon hơn những người không niệm Phật.
Rõ ràng trong một môi trường giống hệt nhau, có người nhiếp tâm được, có người còn hơi... tranh thủ ngủ tiếp!...
Thường thường khi chúng ta ngồi tịnh, nhất là những lúc năm phút tịnh niệm, đôi lúc chúng ta nhiếp tâm được, định cái tâm được, cảm nhận được... Có đấy!... Nhưng thông thường với hàng phàm phu như chúng ta thì sự nhiếp tâm đó không có nhiều lắm đâu. Cho nên khi nhiếp tâm được thì chúng ta cứ việc nhiếp tâm, định tâm niệm Phật, còn khi không định tâm niệm Phật được, thì xin quý vị cũng đừng nên quá ái ngại...
Những cái dạng mà chúng ta thường gặp trong lúc ngồi tịnh, một là Trạo-Cử, hai là Hôn-Trầm, ba là Vô-Ký,ba cái dạng này thường hay đến với chúng ta lắm! Chuyện này hết sức bình thường. Xin chư vị đừng nên phân tâm, cũng đừng nên chú ý đến nó nhiều quá, mất công lắm! Tại vì nói chung thì nghiệp chướng chúng ta vẫn còn khá nặng! Nghiệp chướng khá nặng có nghĩa là phước-báu chúng ta cũng không phải cao. Mình đang nói về Thiện-Căn, Phước-Đức, thì Phước-Đức tức là cái phước-báu đó.
Thứ nhất là “Hôn-Trầm”!...Như một vị đạo hữu nói, tại sao mà tôi bị hôn-trầm hoài. Tức là đôi lúc mình cố gắng công phu, nhưng mà “Nó Gục”… “Nó Gục” chứ không phải “Mình Gục”... Nói chung là bị ngủ gục. Không sao đâu! Yên chí đi! Ngủ gục thì khi giựt mình tỉnh dậy, hãy mở mắt ra, lấy hai tay dụi dụi hai mắt một chút, xoa xoa cái đầu một chút... rồi tiếp tục niệm Phật, không sao hết, đừng có ngại. Đó là do nghiệp chướng của mình nó sinh ra như vậy. Cứ ráng cố gắng! Ngủ gục vài ba lần thì sau đó hết đi. Nếu mình thường ngủ gục nhiều quá, thì Diệu Âm có một cách công phu khác, là trước khi niệm Phật nên thực hiện “Một ly công phu cà-phê”. Nhờ cách này, thì ngủ gục cũng giảm bớt đi!...Hì hì!...
Thứ hai là “Trạo-Cử”!...Cái này cũng rất hay gặp ở những người như chúng ta. Thường khi chúng ta cố nhiếp tâm, nhưng mà nhiếp tâm không được! Trong lúc chúng ta nhắm mắt để nhiếp tâm niệm Phật, thì đầu óc của ta cứ nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ, rất nhiều chuyện cứ tiếp tục hiện ra. Thì khi gặp trạo-cử như vậy xin quý vị cũng đừng có sợ. Không sao hết! Hãy nên mở mắt ra, đừng nhắm mắt lại nữa!...
Thường thường khi ngồi công phu, chư Tổ dạy chúng ta mắt nên mở ba phần, nhắm bảy phần, Nghĩa là chúng ta còn có thể nhìn thấy được những hình ảnh phía trước, nhờ vậy mà trạo-cử có thể biến mất đi.
Đây là cách đối trị trạo-cử đối với hàng phàm phu như chúng ta. Còn so sánh với những vị đã thể nhập vào trong đại định, trụ trong định vài ba năm, thì điều này mình làm không được. Nếu năng lực mình làm không nổi, nhưng cứ ráng làm đôi lúc cũng trở thành vấn đề tai hại! Tâm ý chúng ta thì muốn cho nhiếp tâm, được nhất tâm bất loạn, nhưng nhất tâm không được, mà lại bị vướng vào tình trạng trạo-cử...
Thì trạo-cử có hai dạng, dạng thứ nhất là tâm ý nghĩ tưởng lung tung. Một dạng thứ hai thì tiến sâu hơn gọi là vọng tưởng. Từ ý nghĩ sinh ra cảnh giới. Có người gặp cảnh giới lung tung của trạo-cử mà cứ tưởng là nhất tâm! Tới tình trạng này thì cũng hơi khó rồi đó!...
Từ tư tưởng sinh ra hiện tượng! Ví dụ, như mình đang suy nghĩ về oan gia trái chủ rồi đi vào ngồi niệm Phật. Mình nhắm mắt lại muốn cho nhiếp tâm nhưng nhiếp tâm không được, trong khi đó tâm mình lại cứ tiếp tục nghĩ về oan gia trái chủ...“À! Họ đang đến với mình rồi đó!...”. Khi tâm mình đang vướng như vậy mà mình không mở mắt ra, lại tiếp tục nhắm mắt để cố nhiếp tâm thì có thể một phút, hai phút, bỗng dưng mình thấy hình gì có cái dạng dạng gì đó giống như oan gia trái chủ tới!... Nếu biết cách điều trị, thì giải quyết vấn đề này cũng dễ lắm. Hãy mở mắt ra đi, dụi dụi con mắt một chút thì có thể hết. Chư Tổ dạy khi gặp trường hợp như vậy, nên dùng câu này:
Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.
(Phàm những gì có hình tướng đều là hư dối, không có thật!)
Đọc câu này cũng được, nghĩ đến câu này cũng được, hay là mình nói cho ngon một chút là quán đến câu này cũng được. Những hình ảnh mình thấy đó, hãy cho nó là hư vọng đi! Đó chỉ là những hình ảnh do tâm mình nghĩ tưởng đến mà nó sinh ra như vậy thôi!
Hôm trước Diệu Âm có đưa ra một ví dụ, nếu quý vị nhắm mắt lại đi, rồi suy nghĩ đến một con bướm. Niệm Phật mà nghĩ đến con bướm thì tự nhiên đầu tiên hình như có cái cánh lờ mờ bay bay... Nó khởi ra cái dạng hơi giống như con bướm. Nếu mình tiếp tục nghĩ đến con bướm thì từ cái dạng lờ mờ đó nó hiện ra con bướm thật. Rồi mình nghĩ con bướm bay ra cửa thì nó bay ra cửa, mình nghĩ nó quay trở vô thì nó quay trở vô. Ban đầu đó chỉ là một cái dạng hoàn toàn mờ mờ không thật. Nhưng tâm của mình cứ duyên theo nó thì sau cùng nó hiện ra rõ rệt!...
Có những hiện tượng mà nhiều người cứ nghĩ rằng mình bị oan gia này oan gia nọ, trái chủ này trái chủ nọ. Nhưng thật sự nhiều khi chỉ là vọng tưởng, những điều hão huyền, bắt nguồn từ chỗ trạo cử hơi nặng mà không biết đối trị mới sinh ra thôi. Đây là do hạ thủ công phu tu tập mà không chịu nghe kỹ lời dạy của chư Tổ. Hiểu ra thì vấn đề này thật đơn giản lắm!...
Chư Tổ nói, khi niệm Phật, mình muốn nhiếp tâm, ráng cố gắng nhiếp tâm đến nỗi cái đầu nóng lên luôn! Tình trạng này thật ra không thể nhiếp tâm được! Cái thể lực của mình đã không theo kịp cái tâm của mình. Chẳng khác gì như tập thể dục, một khi tập quá sức thì mình phải đổ mồ hôi, mệt lả người! Mệt thì tự nhiên mình cảm thấy chóng mặt, uể oải!...
Hãy mở mắt ra, dụi dụi mắt một vài cái...
Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói, đang đi ở trong Niệm Phật Đường nhưng nhiếp tâm không được, mà đầu óc lại nóng bừng, thì hãy mở mắt ra nhìn qua cửa sổ, xuyên qua bầu trời ta thấy áng mây bay bay, tự nhiên hình như có luồng thanh khí đi vào xoa dịu sự căng thẳng. Rồi hãy xoa xoa đầu một chút thì hết, tất cả khó khăn mình đều có thể tự giải quyết. Đơn giản!
Vấn đề chính là tại vì mình không biết ứng xử theo đúng căn cơ của mình, nên thường thường hay bị trở ngại như vậy mà thôi!...
Trạo-cử là dạng nghĩ này nghĩ nọ, lung tung! Khi tâm cứ nghĩ này nghĩ nọ lung tung, thì xin hãy trở về với thực tế, là mở mắt ra để được tỉnh thức. Tỉnh thức để tiếp tục niệm Phật mới tốt. Niệm Phật đừng sợ cái niệm lung tung trong tâm khởi ra, mà hãy sợ mình có tỉnh thức kịp thời để tiếp tục niệm câu A Di Đà Phật hay không?...
Như vậy tỉnh thức là mở con mắt ra. Gọi là “Thức-Tỉnh” hay “Tỉnh-Thức” cũng được. Muốn gọi sao thì gọi, đừng chấp vào danh tự làm chi. Điều quan trọng là niệm câu A-Di-Đà Phật, tiếp tục niệm câu A-Di-Đà Phật. Lúc đó hãy niệm lớn lên. Với tiếng địa chung của Chị Mơ này mà niệm lớn thì sướng lắm. Niệm Phật to lên, để chi vậy?... Niệm lớn làm cho cái lực của mình được hồi phục lại, làm cho mình nhiếp tâm lại được, và tiếng niệm có cái lực gọi là lực bố ma...
Ma là gì?... Ma là cái trạo-cử của mình đó. Tiếng niệm Phật lớn làm cho mình mất tình trạng trạo-cử đi, mất cái nghĩ lung tung đi. Những hình ảnh gì mình thấy, mình nghĩ... tự nhiên biến mất đi. Câu A Di Đà Phật đã phá tan sự trạo-cử.
Có một dạng nữa gọi là “Vô-ký”. Cái dạng này dễ làm nhiều người lầm lẫn nhất, dễ lầm lẫn hơn so với dạng trạo-cử! Tại vì trạo cử thì rõ ràng quá, chớ còn vô-ký rất khó nhận ra. Vô-ký là gì? Là ngủ thì không phải ngủ! Định thì không phải định! Nhiếp tâm thì không phải nhiếp tâm! Trạo-cử thì không phải trạo-cử! Một dạng lơ lơ, lửng lửng!... Chắc chắn cũng có nhiều người gặp phải trường hợp này.
Rất nhiều người khi mới bắt đầu tu hành thường hay lầm lẫn chuyện này, bị vô-ký rồi lại đi ra ngoài khoe rằng: Tôi là đã được định rồi! Tôi đã được nhiếp tâm rồi! Tôi đã nhất tâm bất loạn rồi!... Mà thật ra chỉ là trạng thái vô-ký, chứ không phải nhất tâm bất loạn!... Tại vì khi đã nhất tâm bất loạn tức là cảnh giới chứng đắc, phá được “Vô-Minh Hoặc” rồi, không phải đơn giản đâu. Một người đã thật sự chứng đắc thì bao giờ lại đi khoe ra? Đã khoe ra thì không thể là chứng đắc được! Mà hầu hết chín mươi chín phần trăm là rơi vào cái cảnh giới vô-ký mà họ không hay!...
Bị tình trạng vô-ký quá nặng mà người ta cứ nghĩ rằng họ đang ở trong định. Khi nghĩ rằng mình ở trong cảnh giới định tức là cái tâm đã vọng lên rồi. Tâm vọng lên thì gọi là trạo-cử chứ sao gọi là định? Mà trạo cử nổi lên trong cảnh vô-ký nên không hay! Cảm giác vô-ký đôi lúc cũng êm dịu lắm, sung sướng lắm. Người ta ngồi có thể hai ba tiếng đồng hồ, ngon lành và thoải mái nữa. Khi ra khỏi cái cảnh vô-ký nhiều khi cũng cảm thấy thoải mái lắm!... Lạ lắm!...
Chư Tổ có dạy rằng, cách tốt nhất khi mình gặp những hiện tượng lạ như vậy, thì nên đến bái kiến những vị Sư, vị Thiền Sư nào đó để xin hỏi đạo với các Ngài. Các Ngài có thể khui ra một chút đạo lý để giúp cho mình biết rõ đó là trạng thái vô-ký. Trong cảnh giới vô-ký, khi giựt mình tỉnh dậy, nhiều khi mình cũng có cảm giác lâng lâng, không biết là mình đang ở đâu đây? Đang ngồi niệm Phật với đại chúng, đang ngồi trong thiền đường, hay đang ngồi trong một cảnh giới trên mây đây?... Cảm giác đôi lúc cũng sung sướng lắm! Gặp trường hợp này, chư vị nên đánh giá rằng đó là cảnh giới vô-ký, nửa thật, nửa mơ!... Hình như mình đang ở trong mộng, mà thật ra là mình đang ngồi niệm Phật!...
Cái cảnh giới này nó cũng giúp cho ta có chút an lành đó, nhưng thật sự không phải là nhất tâm đâu, thật sự không phải là vào định đâu. Vì không rõ điều này, nên nhiều người vừa rơi vào cảnh vô-ký, đã vội vã cho rằng mình đã niệm Phật nhất tâm rồi, liền chạy ra ngoài khoe thấy này thấy nọ. Khi người ta khoe ra rằng thấy này thấy nọ, chứng cách này cách nọ thì ta có thể đoán biết rằng, hầu hết họ bị rơi vào những cảnh giới vô-ký này!...
Nếu một người thật sự đã vào định rồi, đã chứng đắc rồi, thì trí huệ đã khai, tâm hồn của họ đã an khang, thanh tịnh. Hòa Thượng thường nói, một khi thật sự được định do bởi công phu tu hành, thì đây là những người có sự hàm dưỡng tốt. Không bao giờ người có công phu hàm dưỡng tốt lại khấp khởi mừng vui vì một cơn định nào đó đâu!
Như vậy khi một người đã khấp khởi mừng vui, tự thấy mình ngon hơn thiên hạ sau một cơn “Định” nào đó, thì hầu hết đều do, một là sự hôn-trầm hơi nặng một chút mà không hay! Hai là bị tình trạng vô-ký rồi!... Vì bị vô-ký mà không được ai giải bày nên đã hiểu lầm! Rất nhiều người sau một thời gian vô-ký đã tự khoe rằng mình đã được chứng đắc. Vì tâm móng cầu chứng đắc hơi mạnh, nên thường hay mở cửa cho cái nạn gọi là “Ma” dựa. Chứ thật ra là chính cái tâm của mình đã khởi lên một cái niệm móng cầu! Khởi tâm móng cầu do tại sức định không có, tánh khiêm nhường không có, lòng chí thành không có... từ đó mới khơi nguồn cho ách nạn xảy ra!...
Hôm trước chúng ta cũng có nói qua, muốn phá một người tu hành cần phải chờ đợi sự sơ hở. Thường thường cái phương pháp hay nhất, cái phương tiện dễ nhất để oan gia trái chủ hay những vị nghịch duyên phá được chúng ta là họ giúp chúng ta tăng thượng mạn lên. Mà cách tăng thượng mạn dễ nhất là giúp cho chúng ta chứng đắc gì đó! À!... Anh muốn chứng đắc, ta cho chứng đắc luôn!...
Họ có những cái gì họ giúp mình cái đó. Ví dụ như họ có tha tâm thông. Tha tâm thông chúng sanh trong pháp giới nhiều lắm, thì người ta cho cái tha tâm thông cho mình, họ giúp cho mình được tha tâm thông. Nghĩa là gì? Tôi biết anh đang nghĩ gì, tôi biết anh hôm qua anh đã làm gì. Những cái “Chứng” nho nhỏ như vậy làm cho mình mừng vui lên. Để chi? Để cho mình không ngờ đến những đòn hiểm họa bên cạnh. Mình sơ ý, họ sẽ thừa cơ hội để trả thù!...
Muốn tránh chuyện này, đơn giản, không có gì khó khăn lắm đâu! Xin chư vị hãy rút lại những cái mừng khấp khểnh mà mình gọi là chứng đắc đi, hãy rút lại những sự tự mãn gọi là ngon lành đi, hãy rút lại cái ý niệm nhất tâm bất loạn gì đó đi. Hãy rút lại liền đi. Hãy tập tính khiêm nhường, chí thành, chí kính. Rút lại rồi, tự mình thành tâm niệm Phật hồi hướng cho pháp giới chúng sanh. Xin thưa với chư vị, chí thành cảm thông, hết liền lập tức.
Ví dụ, như một vị đã tự khoe là mình đã chứng đắc Hoa-Nghiêm Tam-Muội, khoe ra đủ thứ hết... Nhưng chỉ cần bị Hòa Thượng la một câu, mời ra ngoài, thì vài tháng sau đã xăn tay áo đánh lộn với người ta lỗ đầu chảy máu! Có sự chứng đắc nào mà kỳ lạ như vậy?!...
Một người tự khoe chứng đắc đi biểu diễn thần thông khắp nơi. Khi gặp một vị Tổ, bị Tổ la rầy, “Anh về lo nhiếp tâm để niệm Phật đi, chớ đứng đó mà cho là chứng đắc... chứng đắc!... Coi chừng có ngày anh “Queo-Râu” đó!…” Nếu anh biết giựt mình!... Giựt mình thì tỉnh ngộ!… Tỉnh ngộ thì tự nhiên những thứ “Thần-Kỳ” gì đó sẽ biến mất đi! Biến mất đi, tức là chướng nạn được hóa giải, chứ không phải anh bị thua thiệt đâu.
Bởi vì thương chúng sanh tâm ý quá hiếu kỳ, nên có nhiều lúc các Ngài phải trợn con mắt lên, hét một tiếng thật to làm cho chúng sanh giựt mình tỉnh ngộ. Còn chúng ta không đủ năng lực để hét như vậy, thì chúng ta chỉ thành tâm khuyên nhau hãy cố gắng niệm Phật. Thấy mệt mệt thì cứ mở mắt ra để cho thức tỉnh. Nếu chúng ta đang cố gắng nhiếp tâm như thế này mà thấy hình như bị mê mê! Nhiều khi cảm thấy có sự cố hơi bất thường nào đó, thì hãy mở mắt ra, xoa xoa cái đầu một chút là được rồi...
Cứ theo phương pháp đơn giản như vậy để tu hành thì tự nhiên được êm xuôi. Chúng ta đang áp dụng phương thức “Năng nhặt chặt bị”. Miễn là lòng phải thành tâm niệm Phật. Mỗi ngày cố gắng niệm thêm, niệm thêm, niệm thêm… Phước báu của chúng ta tăng lên. Nghiệp chướng của chúng ta giảm xuống. Với lòng chí thành thì chư vị oan gia trái chủ dễ thông cảm để chúng ta được an lành hoàn thành sứ mạng: Một người phàm phu được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 17
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Chúng ta đang niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Trong kinh Phật nói, chúng ta đích thị là người có Thiện-Căn, có Phước-Đức. Trong Nhân-Duyênnày, ta có hy vọng đi về Tây-Phương. Nói rằng “Có hy vọng”, có nghĩa là ta vẫn còn ngồi tại cõi Ta-bà ngũ trược ác thế này để niệm câu A-Di-Đà Phật và ngày ngày hồi hướng về Tây-Phương, để cầu mong được vãng sanh, chứ thật sự là ta chưa được vãng sanh.
Chưa được vãng sanh thì ta cũng chưa dám nhận là có phước-báu. Dù có thiện-căn cho mấy, ta cũng chưa dám nhận là đủ thiện-căn.
Hôm qua chúng ta đã bàn qua, nhiệm vụ chúng ta là phải cố gắng tô bồi thiện-căn hơn nữa, tô bồi phước-báu hơn nữa. Đừng nên sơ suất! Tại vì khi sơ suất thì với thiện-căn này đáng lẽ được trở về Tây-Phương, trí huệ khai mở, thành đạo Vô-Thượng, ta lại đành chờ thêm một thời gian nữa khi nào thiện-căn trở lại mới tính. Điều này không tốt!
Ta có phước-báu đó. Nhưng đến khi nào thật sự trở về tới Tây-Phương Cực-Lạc rồi thì mới chính thức thực tế hưởng cái đại Phước-Báunày.
Chính vì vậy, giờ đây chúng ta cũng phải biết cách gìn giữ phước báu, đừng để nó rơi rớt. Chỉ khi nào được ngự lên trên đài sen đi về Tây-Phương rồi, lúc đó mới an tâm. Bất cứ người nào cẩn thận, chu đáo, đều phải chú tâm về vấn đề này.
Hồi sáng chúng ta nhắc đến thiện-căn, bây giờ mình nhắc đến phước-báu một chút. Rồi ngày mai mình nhắc đến thiện-căn. Thế là cứ xoay quần riết ba cái này, quần cho đến khi nào mình về được tới Tây-Phương mới thôi.
“Phước-Báu” là tu thiện, làm thiện, làm lành, làm phước. Phước có bố thí pháp. Ví dụ như Diệu Âm hay thèo-lẻo cái miệng! Với cái nhân này nhiều lắm thì đời sau trở lại làm người, thành một vị tiến sĩ nói thuyết này thuyết nọ cho hay! Được nhiều người vỗ tay khen ngợi. Thật ra cái phước này không phải đích thật là loại phước ngon lành cho mình về Tây-Phương đâu.
Tu Phước còn có loại bố thí tiền tài. Người bố thí tiền tài thì được quả báo có tiền tài. Có tiền gọi là có phước-báu. Mình bây giờ tu phước, bố thí tiền thì nhiều lắm đời sau mình hưởng cái phước này là cùng. Nói nhiều lắm nghĩa là chưa chắc chắn, vì vẫn phải còn liên quan đến nhiều duyên khác nữa mới hưởng được.
Nếu như mình ăn chay. Ăn chay cũng là cách tu phước. Mấy ngày nay có nhiều người nói đến ăn chay trường. Thường bàn luận về ăn chay trường. Khoe ăn chay trường... Rồi có người còn hay hơn nữa, phát tâm phóng sanh. Làm phước thật nhiều, đời sau nếu hưởng được phước báu đó, thì thân thể của mình sẽ to, lớn, khỏe mạnh, chín mươi tuổi vẫn chưa có một bệnh nào xảy ra.
Chính vì vậy làm phước mà không biết hưởng đúng cách, thì chỉ hưởng trong lục đạo luân hồi, chưa chắc gì đã toàn thiện. Hưởng cách đó, dù có gì đi nữa cũng chỉ là phước báu hữu lậu. Tất cả những điều thiện lành mình đang nói đây đều là phước báu hữu lậu hết.
Như vậy bây giờ làm sao hưởng được cái phước báu vô lậu đây?... Hay nhất là, theo như lời ngài Tịnh-Không nói, làm phước mà không cầu hưởng phước trong đời này. Hãy dồn tất cả cái phước đó đến lúc lâm chung mới hưởng. Bây giờ có phép mầu nào đó để mình đem hết tất cả những phước của mình dồn tới lúc lâm chung mình hưởng đây? Người muốn vãng sanh về Tây-Phương là người chuyển cái phước báu hữu lậu này thành một thứ đại phước báu, thành thứ tư lương đi về Tây-Phương. Ngon lành!...
Muốn chuyển cái phước báu này thành cái tư lương về Tây-Phương, không có cái gì khác hơn là hãy tập làm cái hạnh phước báu Ba-La-Mật. Ba-La-Mật là sao? Làm mà giống như không làm, làm mà quên đi…
Ví dụ, như có nhiều vị phát tâm ghi lại những lời tọa đàm của Diệu Âm để ấn tống thành sách, sẽ có nhiều người góp tịnh tài vô để ấn tống. Diệu Âm khuyên những vị đó đừng lập danh sách gọi là “Phương Danh Ấn Tống”. Nếu có người nào trách chư vị thì Diệu Âm sẽ chịu cho. Nếu người ta nghi chư vị gạt tiền của họ thì Diệu Âm cũng sẽ chịu cho. Nhưng chư vị đừng gạt nhé! Phải làm thật lòng là được. Rồi cái tiếng xấu mà người ta nói, thì không sao đâu, tôi chịu cho. Tôi chịu mang tiếng gạt, mà tôi không có làm. Người ta chửi tôi thì cái nghiệp của tôi bay ra hết. Nghiệp bay ra hết thì tôi được tăng trưởng phước-báu lên. Vậy thì tốt chứ có sao đâu?
Hãy tập làm cái hạnh bố thí “Ba-La-Mật”, bố thí viên mãn. Tập đừng hưởng phước báu của thế gian này. Hay lắm! Điều này là thật sự là hay!
Ví dụ, khi mình tới cúng dường cho chùa, các chùa thường thường ghi danh sách lớn lắm. Để ý rồi mình mới thấy, người nào cúng cả ngàn euro thì được ghi tên lên cao nhất, chữ lớn nhất. Người cúng hàng trăm euro ở hàng thứ hai, thứ ba... Còn những người ở hàng chót nhất thì một vài chục, hoặc một vài đồng!...
Thật ra làm vậy đôi khi cũng tội nghiệp cho những người bỏ đồng tiền ra cúng dường, bố thí! Tại vì thật ra tu phước thì có phước, nhưng mà cái niệm cống cao ngạo mạn, cái niệm cạnh tranh hình như cũng từ đó phát ra... Khởi ra cái niệm này thì dù mình làm phước lớn cho mấy đi nữa, cái phước báu này cũng trở thành là “Thiểu”! Nghĩa là chút chút! Như vậy, khi gặp một nơi nào đó người ta cần phải niêm yết danh sách, thì chính ta hãy cố gắng tập quên đi. Cứ tập quên cho nhiều đi. Khi làm cái gì thường phải lên danh sách, làm cái gì cần phải lên tivi, làm một cái gì cần phải lên đài truyền thanh để mà tung ra, thì cứ để họ tung, còn chính ta phải tập quên đi.
Hòa Thượng Tịnh-Không nói: Mình làm một việc thiện mà đi khai ra một lần thì coi như mình huề vốn rồi. Người ta khen mình là huề vốn rồi. Làm một việc thiện, lại mời đại chúng gom lại một trăm người để mình tuyên bố việc thiện đó ra, thì tới một trăm người nghe, một trăm người biết. Một lần làm phước mà tới một trăm người biết thì coi chừng mình bị lỗ vốn tới 99 lần!... Ngài nói như vậy. Hay lắm!...
Thành ra muốn gìn giữ phước báu, hay nhất là chúng ta tập làm mà giống như không làm. Nếu mà ta quyết lòng coi thế gian này chỉ là chuyện tạm bợ, thời gian chỉ ngắn ngủi không có gì để cho mình lưu luyến! Thì thôi! Bây giờ bắt đầu từ đây, ráng cố gắng đoạn cái danh đó đi. Đoạn bằng tư tưởng, đoạn bằng cái tâm này, chớ không phải đoạn bằng sự tướng. Giả sử mình nói, con xin cúng dường cái này, xin Thầy đừng có lên danh sách làm chi. Nhưng mà luật lệ ở đó phải lên danh sách, thì thôi việc đó tùy duyên là được.
Về tu phước, trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, Phật có nói rõ: Pháp Nhơn-Thiên, pháp Thanh-Văn Duyên-Giác, pháp Bồ-Tát. Pháp tu bố thí thuộc về phước Nhân-Thiên, có bốn điều:
- Hiếu dưỡng phụ mẫu.
- Phụng sự sư trưởng.
- Từ tâm không sát sanh.
- Tu mười thiện nghiệp.
Sơ khởi, mình khui ra chuyện hiếu dưỡng phụ mẫu thôi, nếu làm được thì cũng ngon lắm rồi. Xin thưa rằng, khi đã nghĩ đến hiếu dưỡng phụ mẫu, thì đừng nên nghĩ rằng ngày ngày mua vài con gà để phụng dưỡng cha mẹ ăn uống no nê là được. Không phải đâu!
Cố gắng khuyên cha mẹ niệm Phật. Mấy ngày nay thấy cô Kim Bình hết lòng khuyên bà cụ niệm Phật. Đúng như vậy đó. Còn người làm mẹ được con cái báo hiếu, khuyên mình niệm Phật, thì mình cũng phải tìm cách đáp ứng cho đúng sự báo hiếu mới tốt. Đừng nên làm cho người con của mình thất vọng nhé. Người mẹ cũng nên nhớ rằng, đời này vị này là con của ta, nhưng trở ngược về trong quá khứ thì chưa biết ai là mẹ ai là con đâu. Chưa chắc đâu. Nhớ kỹ điểm này.
Khi chúng ta biết “Hiếu Dưỡng Phụ Mẫu”, thì chúng ta cũng phải biết “Hiếu Hòa” với đại chúng, với mọi người. Ta làm được sự hiếu hòa này thì ta có phước đức lớn lắm. Đừng nên, hễ mẹ của ta thì ta tiếp xử vui vẻ, lễ phép, còn bà kia không phải là mẹ của ta thì ta có quyền cự chống họ. Không tốt! Đi đến một nơi tu hành, mình chán ghét người này, mình phê phán người nọ... Làm vậy thì mình đã mang cái tội bất hiếu với cha mẹ rồi đó! Lạ lắm!...
Trong kinh Phạm-Võng có nói rõ, giúp mình hiểu được cái cảnh luân hồi trong lục đạo nó xoay vòng với nhau. Chưa chắc một người bạn của mình thật sự là bạn đâu, có thể trong đời trước họ là cha là mẹ của mình mà không hay đó. Một người phụ nữ, một người bạn khác quý mến ta, mình đừng có tưởng do mình tài giỏi, ăn nói hay ho nên người ta kính mến. Chưa chắc! Suy cho cùng ra coi chừng trong quá khứ là quyến thuộc với nhau, lại là chị mình. Không phải là chị, thì là mẹ mình. Không phải là mẹ, thì có khi là bà nội mình nữa đó...
Chính vì vậy, nếu chúng ta biết được chuyện hiếu hòa là quan trọng, thì xin chư vị cố gắng áp dụng phương thức, đừng nên kình chống lẫn nhau. Hãy cố gắng đoàn kết với nhau, hòa hợp với nhau để làm đạo. Đây là điều hay nhất. Nếu tu như thế này thôi, đối với những pháp tự lực thì vĩnh viễn đời-đời kiếp-kiếp, ta không có cái cơ hội giải thoát. Nhiều lắm chỉ hưởng được cái phước báu Nhân-Thiên là cùng. Nhưng đem những việc làm thiện lành này chiều lại ta nguyện đem công đức này, hồi hướng về Tây-Phương trang nghiêm Tịnh-Độ, thì xin thưa chúng ta đã chuyển hết tất cả cảnh giới tu hành rồi. Hay lắm! Cũng tu y hệt như vậy mà ta chỉ thêm một câu nữa thôi lại chuyển đổi được cảnh giới. Mà phải thành tâm nghen. Các Bác, các Cụ hãy thành tâm nghen.
Nếu chúng ta không đọc câu này, thì ta chỉ là những người phàm phu, vẫn tiếp tục đi trong cảnh giới phàm phu! Một phàm phu có phước hơn những phàm phu khác là cùng! Nhiều lắm chứ chưa chắc chắn đâu! Nhưng chúng ta cũng tu hành y hệt như vậy mà cứ đem tất cả những việc làm thiện lành này, chiều lại thành tâm, "Nguyện đem công đức này hồi hướng về Tây-Phương trang nghiêm Tịnh-Độ", thì mình đang tu cái hạnh “Tịnh Nghiệp”, chớ không phải là tu “Thiện Nghiệp” nữa. Lạ không! Rất nhiều người chưa biết chuyện này đâu. Cứ cho rằng tu hành thì làm lành lánh dữ là được. Sai lầm!... Chư Tổ đánh giá sai lầm! Có nhiều khi các Ngài còn trợn con mắt lên nói: “Nhà ngươi mà chỉ lo làm thiện cho nhiều, thì cái nghiệp thiện nhà ngươi lớn. Nghiệp thiện lớn thì sau cùng nhà ngươi cũng phải lăn lộn trong cảnh lục đạo luân hồi này chứ không được giải thoát!...”.
Đây là các Ngài đang la rầy một người không biết mỗi chiều đem công đức tu hành hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc đó.
Như vậy mình hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc chính vì tâm mình là tâm đi về Tịnh-Độ, chớ không phải là tâm cầu hưởng phước trong cõi Ta-bà.
Vậy thì, chuyện làm thiện làm lành này, thành thật mà nói, chỉ là trợ hạnh mà thôi!...
Nói tóm lại, người đi về Tây-Phương thì…
- Chánh Hạnh phải là niệm câu A-Di-Đà Phật.
- Chánh Nguyện phải là nguyện vãng sanh về Tây-Phương.
- Với niềm Tin dũng mãnh.
Cách tu hành thì cũng giống y hệt như mọi người, nhưng sau cùng ta vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Dù cái phước-báu này nhỏ cho mấy đi nữa, ta cũng có thể biến phước-báu này thành công đức vô lượng vô biên trên cõi Tây-Phương. Ta là người có “Đại Phước-Báu”.
Hiểu được chỗ này rồi mới thấy rõ rằng chúng ta tu có gì khác với thiên hạ đâu? Chúng ta cũng làm thiện, cũng làm lành. Đôi lúc cũng hơi buồn buồn chút chút... Có chớ!... Phàm phu làm sao không có? Làm sao hết được phiền não phải không? Nhưng mà ta đang tu tịnh nghiệp, tức là ta quyết lòng đi về cõi Tịnh-Độ. Nó khác nhau chỉ là đem tất cả công đức này hồi hướng về Tây-Phương.
Nhưng đã hồi hướng về Tây-Phương thì đừng có hồi hướng cho nhân gian nữa nhé. Những người nào đem công đức này hồi hướng cho nhân gian thì nhất định không thể nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Hồi hướng cho nhân gian là sao? Là khi mình làm một việc gì, vội đi khai báo cho rùm beng lên để thế gian này thấy được cái công đức của mình, đây là mình đang hồi hướng về nhân gian vậy! Mình tích thiện kiểu đó thì đành rằng đời này phải chịu luống qua thôi!...
Xin thưa với chư vị, pháp tu này có phải là đơn giản lắm không? Quá đơn giản! Thật sự quá đơn giản! Tại vì những điều chính yếu của cách tu hành nhiều khi chúng ta không phát hiện ra được. Chứ phát hiện ra rồi, thì thật sự ta đang đi trên con đường thẳng tắp về Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 18
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Chúng ta chỉ còn có một buổi này với ngày mai nữa là xong pháp hội này, một cơ duyên thù thắng, kết quả tốt đẹp. Trong mấy ngày nay Diệu Âm thấy là mọi người ai cũng vui vẻ. Thật sự là bất khả tư nghì! Lợi dụng trong những khoảng thời gian còn lại, Diệu Âm xin kể một vài câu chuyện nho nhỏ vui vui bên cạnh con đường đi khuyên người niệm Phật. Những câu chuyện này hình như cũng có một chút ít ý nghĩa khai thị cho chúng ta.
Cách đây tám-chín năm rồi, chín năm, năm hai ngàn lẻ hai. Có một lần Diệu Âm đi về Việt Nam, rồi đến một nhà của một đứa em, hướng dẫn cho cũng khoảng chừng hai chục người niệm Phật. Thì trong buổi niệm Phật, sau khi đi kinh hành xong rồi ngồi xuống, chính Diệu Âm đánh địa chung. Không biết lúc đó đánh địa chung có hay bằng cô Mơ ở đây hay không?... Không biết! Quên rồi!
Sau khi đánh địa chung xong thì ngồi tịnh, tức là năm phút tịnh niệm. Trong khoảng thời gian tịnh niệm năm phút đó, thì có một việc xảy ra hơi bất ngờ! Một chị đồng tu tự nhiên sao có một hiện tượng bất thường phát lên, chị nói lên với trạng thái không kềm chế được! Chị có những cử chỉ bất thường! Chị với tay chụp người này, chụp người kia. Chị nói lên những lời hình như không kiểm soát được... Chị nói:
- Chư vị Bồ-Tát ơi! Bây giờ tôi biết thế nào là tu hành rồi. Tôi đã biết con đường giải thoát rồi. Ông-Bà Cha-Mẹ tôi cũng được giải thoát rồi... Xin cảm ơn chư vị Bồ-Tát...
Chị đã gọi mấy người xung quanh đó là Bồ-tát. Mấy người chung quanh thấy vậy sợ quá phải né ra, né ra xa chỗ khác. Không biết là tâm sự của họ lúc đó như thế nào? Nhưng thật sự nỗi lo lắng hiện lên nét mặt!... Hiện tượng đó xảy ra lúc vừa mới dứt địa chung, mọi người đang ngồi tịnh niệm, rất im lặng. Tôi cũng đang ngồi tịnh niệm ở phía trên. Nghe vậy tôi mở mắt ra nhìn chị, nhìn xong tôi lại nhắm mắt lại... Còn vị đó thì tiếp tục nói lung tung. Mấy người đồng tu tưởng rằng tôi ngồi tịnh niệm nhiếp tâm quá đến nỗi không nghe thấy gì cả, nên mới kêu lên: “Anh Năm!... Anh Năm!...”. Họ kêu tôi hãy mở mắt ra xem tại sao chị đó lại bị như vậy?
Tôi mở mắt ra nhìn!... Nhìn xong rồi lại nhắm mắt nữa!... Mọi người thấy tôi sao mà bình tĩnh quá, nên cũng làm thinh luôn! Họ đành phải né xa ra để mặc chị làm sao thì làm! Mọi người đều nương vào tôi mà, nhưng thấy tôi làm thinh nên họ cũng làm thinh luôn! Chị đó nói năng lung tung khoảng một vài phút, thì bắt đầu ngồi im, không nói nữa…
Lúc đó tôi mới mở mắt ra nhìn chị, rồi tôi nhìn mọi người. Người ta tưởng rằng tôi phải làm cái gì đó, nhưng tôi chỉ mỉm cười, rồi tôi lại nhắm mắt lại nữa. Tôi đợi khoảng một phút nữa, coi thử chị đó có nói gì thêm không. Nhưng chị không nói gì nữa cả. Chị bắt đầu hiền lại rồi! Bình tĩnh lại rồi. Tôi mới cười và nói:
- Sao?... Chị muốn nói gì nữa không? Nói tiếp đi! Có muốn làm gì nữa không? Làm tiếp đi!...
Tiếng nói của tôi phá tan bầu không khí im lặng làm tất cả mọi người cùng cười rộ lên!... Nghĩa là họ cùng cười rợp cả cái phòng luôn!....
Thật ra, trong khoảng thời gian hơn mấy phút đồng hồ đó, mọi người đều bị căng thẳng quá! Không biết là chị này bị chuyện gì mà sanh ra bất bình thường!... Sau khi mọi người cười rộ lên làm cho chị đó cũng mắc cở, chị cũng cười theo luôn. Tới lúc này thì bao nhiêu sự căng thẳng mới giải tỏa hết. Đúng ra trong buổi cộng tu đó tôi sẽ không nói khai thị gì đâu, nhưng gặp phải hiện tượng đó, tôi đành phải nói vài lời để giải tỏa thắc mắc cho mọi người an tâm.
Tôi nói với mọi người nên hiểu rằng cái hiện tượng này là bình thường, chứ không có gì đáng ngại! Giả sử như trong lúc xảy ra sự việc như vậy, nếu tôi chưa từng trải qua kinh nghiệm nào, thì có lẽ buổi cộng tu đó sẽ lộn xộn lắm! Nhưng mà tôi đã có kinh nghiệm qua rồi. Ở trong Tịnh-Tông Học-Hội tôi đã từng gặp qua một vài trường hợp tương tự. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật cũng có nói về hiện tượng này, nên tôi mới bình tĩnh, vững tâm và biết ngay rằng chị này ứng ngay ở chỗ đó, chớ không có gì lạ!... Đó là hiện tượng bất chợt gặp câu A-Di-Đà Phật, họ quá vui mừng đến nỗi không còn kềm chế được!...
Chị đó đã tu tập theo pháp tọa thiền hơn mười ba năm. Sức ngồi thiền của chị kéo dài năm-sáu-bảy tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Có nhiều khi chị có thể ngồi luôn từ sáng đến chiều, trải qua trong vòng bảy-tám tiếng đồng hồ trong cảnh tịnh tâm. Khả năng tọa thiền của chị thật sự cũng khá.
Nhưng khi quý vị đồng tu mời chị đó đến niệm Phật thử cho biết. Đó là buổi tu niệm Phật thử đầu tiên của chị. Trong khi tu thử thì vô tình làm cho chị giựt mình! Chị tưởng là cách tu cũng giống như chị thường tu, nghĩa là khi vào trong Niệm Phật Đường là phải ngồi, ngồi cho thật lâu để tịnh. Từ trước tới giờ chị chưa bao giờ thấy qua cách tu nào vô trong Niệm Phật Đường chỉ có niệm Phật, niệm Phật suốt. Đi kinh hành cũng niệm Phật, ngồi xuống cũng niệm Phật, rồi khi ngồi tịnh tôi cũng nói tịnh niệm, ngồi tịnh cũng niệm Phật....
Tiếng niệm Phật từ đầu cho đến lúc ngồi tịnh niệm Phật, làm cho chị ngộ ra điều gì đó và phấn khởi quá đến nỗi kềm chế không được, nên mới phát tác lên một hiện tượng bất thường như vậy!
Trong kinh Phật, kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật có nói lên hiện tượng này. Có những người khi nghe được câu danh hiệu A-Di-Đà Phật, tự nhiên họ phát khóc, họ khóc nức nở, khóc không kềm được nước mắt! Tôi đã từng thấy có những người khóc đến nỗi mà họ phải rút từng nắm từng nắm giấy để chặm nước mắt. Chặm như vậy mà chặm cũng không kịp nước mắt.
Rồi cũng có người khi nghe câu danh hiệu A-Di-Đà Phật thì lại vui mừng. Người ta mừng vui đến nỗi ở giữa đạo tràng trang nghiêm mà họ nhảy, họ la lên, mất bình tĩnh, không kềm được sự cảm xúc! Nhiều khi áo quần cũng bay phất phới lên như bướm!...
Nguyên nhân là vì những người này trong tiền kiếp họ đã niệm Phật rồi, nay gặp nhân duyên này tạo cho họ sự cảm xúc mãnh liệt như vậy.
Thì chị này ở vào trường hợp thứ hai. Chị quá mừng vui!...
Khi chị bình tĩnh lại rồi, tôi mới nói cho vui:
- Sao?... Bây giờ chị muốn làm nữa không?...
- Thôi! Em mắc cỡ quá rồi anh Năm ơi! Em không dám làm nữa đâu. Thật ra lúc đó em mừng quá, em muốn đến lạy từng người một để cảm ơn. Em muốn lạy Phật, em lạy chư vị Bồ-Tát, cảm ơn tất cả chư vị Bồ-Tát đã giúp cho em một con đường giải thoát...
Giả sử như lúc ngộ ra đường đạo như vậy, mà gặp người không có kinh nghiệm giúp đỡ, lại lầm rằng vị này bị trở ngại, bất thường... vội phản ứng không thích hợp như chụp tay, chụp chân, kềm chế, đè xuống, v.v... thì có thể từ chỗ gọi là “Kiết” biến thành “Hung”, từ chỗ vui biến thành lộn xộn! Rõ ràng không biết đâu là “Kiết”, đâu là “Hung”? Kinh nghiệm này nói ra để khi gặp chuyện chúng ta biết cần giữ điềm tĩnh để giúp nhau. Tôi giải quyết bằng cách chờ chị im lại rồi mới nói:
- Sao? Muốn làm nữa không?...
- Thôi! Em mắc cỡ quá!
- Nếu mắc cỡ quá không làm nữa thì niệm Phật. Chắp tay lại đi...
Tôi niệm: “A-Di-Đà Phật”.
Chị đó niệm: “A-Di-Đà Phật”.
Tôi bảo chị niệm theo tôi ba tiếng “A-Di-Đà Phật”. Xong, tôi hỏi:
- Sao? Bình tĩnh lại chưa?...
- Chưa bình tĩnh lắm!...
- Chưa bình tĩnh thì niệm thêm ba tiếng nữa: “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”.
- Sáu tiếng rồi. Bây giờ bình tĩnh chưa?...
- Bình Tĩnh rồi!...
Rõ ràng đơn giản, giải quyết cụ thể.
Chính vì vậy, hồi sáng nay có người đến hỏi tôi là muốn tự tu ở nhà có được không?... Được chứ sao không. Nhưng cần cẩn thận! Nhiều khi tâm mình thành khẩn, thành khẩn thì dễ được cảm ứng, cảm ứng tốt chứ không phải xấu. Cảm ứng tốt nhưng vì quá bất ngờ, nên mình không kềm chế được niềm vui. Từ chỗ đó, đúng ra là mình được thiện lợi, nhưng vì không có một người hiểu việc bên cạnh để khuyên giải, hay tiếp trợ cho mình để cho mình được thiện lợi. Có nhiều người họ lại tưởng rằng mình bị chướng nạn! Vì hiểu lầm nên có thể tự dẫn đến chỗ lộn xộn tâm trí!...
Quý vị thấy không? Đây là trường hợp được cảm ứng tốt. Cảm ứng tốt mà sơ ý thì có thể vẫn còn trở ngại như vậy, huống chi là những cảm ứng xấu! Tại sao lại có chuyện Kiết- Hungđảo lộn như vậy?... Xin thưa tại vì thật ra là “Tâm Cơ” của mình nó yếu lắm, không phải là mạnh đâu!...
Ví dụ, khi mà ngộ ra như vậy, nếu như vị đó có tâm cơ mạnh thì sẽ điềm tĩnh vô cùng, thấy an lạc vô cùng, và tự họ nhận ra con đường giải thoát chính là câu A-Di-Đà Phật, mà mình đã cố gắng tìm. Công phu tu trì rất là cao để tìm ra đường giải thoát, nhưng trong mười mấy năm trường qua tìm không được, nay gặp câu A-Di-Đà Phật mà ngộ ra. Ngộ ra đường giải thoát, nhưng vì tâm cơ yếu, không chịu đựng nổi sự thử thách của cái ngộ đó, nên mới phát tác lên, nhảy chụp người này, chụp người nọ, làm lộn xộn giữa đạo tràng như vậy!...
Đây cũng là một lời khai thị rất hay. Chúng ta tu hành trong thời mạt pháp này, hãy nên kết nhóm với nhau mà tu hành. Chúng ta cũng nên cần có những sự hiểu biết căn bản, cụ thể để kịp thời giúp cho một người đang được cảm ứng thiện lợi, sẽ tiếp tục được thiện lợi. Như vị đó sau khi đã có cảm ứng đó rồi, mới quyết tâm, xin thề là từ nay về sau sẽ niệm Phật. Bây giờ thì chị đó niệm Phật rất giỏi, rồi cộng với công phu tu thiền định sẵn có của chị, những ngày tinh tấn tu hành, chị ngồi niệm Phật từ sáng cho đến trưa luôn.
Có những chuyện cũng tương tự như vậy, nhưng nếu không biết cách giải, có thể đưa đến chỗ trở ngại! Ví dụ như khi Ngài Lý-Bỉnh-Nam lập ra một tuần thất tinh tấn. Thì một tuần lễ đầu phát hiện có hiện tượng bị trở ngại!...
Mình ở đây cũng có tu ngày tinh tấn, nhưng thực ra là giả đò tinh tấn! Mình thuộc hàng giả đò, chứ không có tinh tấn gì hết! Nếu đúng là tinh tấn thì từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối, không được nói một lời nào. Ăn xong là phải vô Niệm Phật Đường niệm Phật liền, miên mật niệm Phật suốt một tuần lễ.
Khi phát hiện có hiện tượng trở ngại như vậy, ngài Lý-Bỉnh-Nam nói, gặp một cảm ứng như vậy, nếu mà vị chủ thất không vững, thì có thể làm trở ngại cho người ta! Cho nên Ngài nói, muốn kiết thất tinh tấn, gọi là đúng với tinh thần tinh tấn, thì chọn ra cỡ chừng sáu người cộng với người chủ thất là bảy người. Bảy người thôi, cùng nhau nhập thất niệm Phật tinh tấn trong vòng một tuần lễ.
Khi Ngài tổ chức lần thất tinh tấn thứ hai, thì không phải chỉ có một người bị trở ngại, mà có đến hai ba người bị. Bắt đầu từ đó Ngài mới khuyên rằng:
- Thời mạt pháp này, tâm cơ chúng sanh yếu quá, không chịu nổi thử thách. Cho nên xin đừng sơ ý, tổ chức tu tinh tấn bừa bãi, hay gọi là quá tinh tấn.Không tốt!...
Một khi muốn tu tinh tấn như vậy, thì luôn luôn cần phải có người chủ thất vững. Để chi vậy?... Người có cảm ứng tốt mình cũng giải được, mà người có cảm ứng không tốt mình cũng phải giải được cho họ.
Thật ra cũng không phải là chuyện nguy hại xảy ra thường xuyên. Nhưng chỉ sợ rằng là khi đối diện với những cảm ứng đó, mình có kềm chế được, có giữ được cái tâm bình tĩnh hay không?
Ví dụ như chị đó, nếu lúc đó không có một người nào vững để kềm lại, cũng có thể bị chút ít trở ngại. Trở ngại vì lầm lẫn! Đáng lẽ, lúc họ cảm thấy lâng lâng, sung sướng quá, cứ để tự nhiên cho họ hưởng cái cảm giác sung sướng đi, rồi sau đó tự nó sẽ giải nghiệp cho người ta. Có nhiều người sơ ý chạy tới cột tay, cột chân, cưỡng bức họ... Từ đó điều thuận lợi biến thành trở ngại là như vậy.
Cho nên thường thường chúng ta phải kết nhóm với nhau để tu hành. Và dù là cảm ứng tốt đi nữa, mình cũng phải quán: À! Vì cái tâm cơ mình còn yếu quá! Cảm ứng tốt này chỉ là cảm ứng tạm thời thôi! Chứ ta chưa phải là đắc đạo gì đâu!... Cũng như chị đó ngộ ra đường tu. Khi chợt ngộ, cảm giác quá mạnh, nó vượt qua sự kềm chế nên mới có động thái bất thường thôi, chứ không phải ngộ được ra như vậy là khai ngộ, hay đắc đạo gì đâu!
Tôi khuyên chị đó hãy tiếp tục tu hành. Vẫn vui vẻ thoải mái không cần sợ sệt gì nữa hết! Cứ giữ tâm thanh tịnh niệm Phật và biết rằng: À! Như vậy đường giải thoát cho chính ta là câu A-Di-Đà Phật. Chị đó bắt đầu quyết lòng niệm Phật. Sau này chị đi hộ niệm, những cuộc vãng sanh mà được chị giúp, tuyệt vời vô cùng!...
Thì đây cũng là một lời khai thị rất hay cho chúng ta về cách thức tu hành.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 19
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Chúng ta chỉ còn có một ngày hôm nay, nói chuyện với nhau. Rồi ngày mai thì mỗi người đi về mỗi nơi. Cơ duyên này cũng chỉ kéo dài một thời gian ngắn ngủi, xin tất cả hãy trân quý, để cho cái duyên này mình được đắc thiện lợi.
Ngày hôm qua mình kể ra câu chuyện của một người lần đầu tiên niệm Phật mới ngộ ra và nói lên rằng bắt đầu từ đây tôi đã biết con đường giải thoát rồi. Ông bà cha mẹ, cửu huyền thất Tổ của tôi cũng sẽ được giải thoát... Rõ rệt, trong một đời người tu hành cơ duyên chỉ đến có một lần, ngộ hay không ngộ cũng một lần, không dễ gì có lần thứ hai. Cho nên mình thấy cơ duyên niệm Phật quý giá vô cùng.
Trong lần đầu tiên đó, vị đó ngỡ ngàng mà đến nỗi không kềm được những lời nói, những cử chỉ của mình, nên phát tác ra những động tác không kiểm soát được. Chuyện này cũng giúp cho người đó, cũng như cho chính chúng ta biết rằng, dù mười ba-mười bốn năm qua tu thiền định, mức công phu cũng thật là khá, nhưng khi gặp người niệm Phật mới ngỡ ngàng ra một chuyện là sức định đó còn yếu hơn những người đang ngồi niệm Phật. Vì người biết được pháp Niệm Phật, người ta nhiếp tâm niệm Phật thì họ cũng có những cảm ứng tốt, nhưng mà không đến nỗi phải mất sự kiểm soát! Trong khi vị đó đã có công phu hơn mười ba năm và sức ngồi thiền có thể đến bảy-tám tiếng đồng hồ dễ dàng. Nhưng không ngờ khi vừa gặp một cảnh giới lạ thì kiểm soát không được, kềm chế không nổi!
Câu chuyện này cũng giúp cho ta hiểu được rằng, sự thử thách của cảnh giới không phải là đơn giản đâu! Nhiều khi ở trong những môi trường bình thường, mình tưởng là có sức định. Nhưng khi gặp một chuyện bất ngờ, thì mình thấy rõ rệt cái sức định mình không còn nữa!...
Câu chuyện này cũng nói cho chúng ta biết là tâm cơ của tất cả chúng ta trong thời kỳ mạt pháp này, thực tế không phải là cao lắm đâu. Chính điều đó cũng là một bài học, xin đừng sơ ý. Có nhiều người khi tu hành không chịu giữ tâm của mình thanh thản, nhẹ nhàng, nói theo lời của ngài Ấn-Quang là “Chí Thành-Chí Kính”, nói theo lời của ngài Tịnh-Không là “Khiêm Cung”, thì chúng ta dễ đi đến cái chỗ bị mắc lừa!…
Trong kinh có nói là khi chúng ta niệm Phật, chúng ta sẽ thấy A-Di-Đà Phật đến tiếp dẫn. Nghe vậy, nhiều người nói rằng, tu hành ta phải cầu nguyện cho Phật hiện thân ra để mình thấy... Có nhiều người khuyên rằng không nên làm như vậy. Có người lại nói, vì niềm tin của mình chưa đủ nên Phật có thể ứng hiện cho mình thấy để tạo niềm tin cho mình tu, điều này có gì đâu mà sai lạc?!…
Thì hôm nay, dựa theo câu chuyện của ngày hôm qua mình kể mới thấy rằng, với hàng chúng sanh, phàm phu căn tánh hạ liệt như chúng ta thì Phật không nỡ lòng nào ứng hiện cho mình thấy đâu... Tại sao vậy? Tại vì Phật thương chúng sanh, Phật không nỡ nào để cho chúng sanh bị loạn tâm!...
Thật ra cái vị được kể hôm qua là do cái thiện-căn tu hành trong nhiều đời nhiều kiếp đã có. Nghĩa là trong quá khứ nhiều đời nhiều kiếp vị đó có niệm Phật, nhưng vì một sơ suất nào đó mà bị mất phần vãng sanh, mất đường thành tựu. Trong suốt thời gian trôi lăn trong cảnh sanh tử luân hồi, vô tình đến ngày đó gặp được người niệm Phật, rồi cộng tu chung với họ, nên những thiện-căn phước-đức mới trỗi dậy, trỗi dậy mà kềm chế không được đến nỗi đã phát ra những động tác bất bình thường, giống như bị tẩu hỏa nhập ma vậy!...
Nếu trong trường hợp đó gặp những người thiếu kinh nghiệm, vô tình tạo cho họ những chướng nạn! Từ chỗ không có nạn mà thành ra nạn! Cũng trường hợp như vậy mà gặp những người đã biết, đã có kinh qua những chuyện đó rồi, đã hiểu được rồi, thì người ta giúp tăng thêm thiện duyên cho người đó, nhờ đó người ta tiếp tục con đường tu hành thành đạo, không có gì trở ngại hết.
Tuy nhiên, nói về tâm từ bi trong quá khứ thì có tốt, nhưng mà nói về tâm định trong hiện tại thì có trở ngại. Trở ngại chỗ nào?... Khi một người thật sự đã định, thì đối trước những sự cảm ứng đó, không bao giờ người ta lại mất sức kiểm soát như vậy đâu. Đúng không?...
Chính vì khi vị đó phát hiện như vậy thì mới ngỡ ngàng một điều: À trong lúc mà mình tập tọa thiền, cố gắng giữ tâm thanh tịnh, cố gắng làm cho vọng tưởng của mình lắng xuống, và có công phu ngồi im rất lâu. Nhưng khi vô tình gặp một sự cố bất ngờ xảy ra, hình như cái sức định đó tự nhiên không còn nữa, đến nổi phát những động tác không được trang nghiêm, làm cho nhiều người phải hoảng sợ lên!...Lúc đó mình mới biết rằng: À! Thì ra một người niệm câu A-Di-Đà Phật, thực hành pháp môn Niệm Phật là “Tối Thượng Thiền” rồi, chớ không phải là “Bình Thường Thiền” nữa đâu. “Đại Thượng Thiền” rồi chớ không phải là thứ thiền bình thường.
Thiền-Định không phải là cứ ngồi im như thế này là thiền định đâu. Ngài Tịnh-Không nói rất hay, căn cứ vào những chuyện này để chứng minh cho lời nói của Ngài rất tuyệt vời. Ngài nói, “Định” là có “Chủ Định”, chớ không phải định là ngồi im một chỗ. Hay vô cùng phải không chư vị? Cái tâm của người niệm Phật với lòng tin tưởng vững vàng, với con đường đi xác đáng và điểm về rõ rệt, thì tâm của họ thật sự đã định. Đường đi của họ định vào trong câu A-Di-Đà Phật, không còn chao đảo nữa. Cái gọi là “Tâm Viên” không còn xảy ra nữa. Cái gọi là “Ý Mã” không còn ứng hiện trong tâm của họ nữa, dù thân của họ vẫn lái xe, vẫn đạp xe đạp, vẫn cỡi xe Honda ào ào ngoài đường.
Ý chí của họ, chí nguyện của họ là nguyện vãng sanh về Tây-Phương. Hướng về đã có. Họ không còn chao đảo gì hết. Ai nói gì nói, tâm họ vẫn vững như bàn thạch. Đó gọi là “Định”.
Điểm đến của họ… Họ không cầu mong cho chứng đắc, họ không cầu mong cho cái tâm an lạc, họ không cầu mong cho cái thân thể này tráng kiện, an khang. Mà họ cầu mong làm sao hết một báo thân này nhất định về tới Tây-Phương Cực-Lạc. Đường đi, hướng về, điểm đến đã xác định trong tâm của họ rồi. Hòa Thượng nói, “Địnhlà có Chủ định”, chính tại chỗ này đây.
Chính vì có chủ định, nên tất cả những cảnh giới hào nhoáng bên ngoài, đối với họ hình như không còn ý nghĩa gì hết. Trong kinh Kim-Cang Phật nói rằng: “Ngoại bất trước tướng. Nội bất động tâm”, đây mới gọi là định, chứ không phải chúng ta ngồi, ngồi từ sáng cho đến chiều, khi gặp một cảnh người ta niệm vài câu A-Di-Đà Phật thì làm cho mình mừng vui phải nhảy lên, đến nỗi không còn kiểm soát được. Đây cũng là một lời khai thị rất xác đáng cho chúng ta.
- Niệm Phật là đường đi.
- Nguyện vãng sanh là hướng đến.
- Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc gặp A-Di-Đà Phật là điểm ta về.
Khi mà chúng ta đã định vào chỗ này rồi, thì gọi là “Đại Định”.
Cho nên chư Tổ nói, người quyết lòng niệm Phật là thực hiện pháp môn tối thượng thiền, chứ không phải là thiền bình thường đâu chư vị.
Hiểu được chỗ này, chúng ta mới thấy rõ ràng rằng, niệm Phật cũng là tu Định, ngồi định thiền cũng là tu Định, chư Tổ Sư ra ngoài chợ cũng để tu Định. Nhưng ta không đủ khả năng làm như Tổ, nên cứ kết hợp với nhau thành một nhóm nhỏ, vững vàng một đường mà đi, không còn chao đảo nữa, thì ta cũng ở trong “Đại Thiền Định” để thành tựu đạo quả trong một đời này.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 20
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Chúng ta gặp nhau là do Duyên. Chúng ta tu với nhau cũng là Duyên. Chúng ta niệm Phật là Nhân. Nhờ cái cơ duyên này ta đi về Tây-Phương Cực-Lạc...
Hàng phàm phu tục tử của chúng ta nghiệp chướng sâu nặng, oán thân trái chủ nhiều, đường tu hành của chúng ta có những trở ngại! Đó chính vì chúng ta thiếu phước, dù cho thiện-căn của mình đã có, mới đưa đến hôm nay chúng ta phát lòng dũng mãnh, tin tưởng vào pháp môn Niệm Phật, đang chí thành niệm Phật cầu về Tây-Phương.
Chúng ta phải có cái tâm nguyện rằng về được Tây-Phương, như trong kinh Phật nói “Mười niệm tất sanh”, nhưng trong tâm chúng ta cũng còn nên nghĩ rằng vì phước phần yếu kém, nghiệp chướng sâu nặng, cho nên trở ngại không phải là không có đâu!
Trong thế gian người ta nói là “Đồng hoạn tương thân”. Tự mình nhận mình là những người đồng hoạn nạn trong cảnh sanh tử luân hồi. Xin chư vị cố gắng thương mến nhau, cố gắng giúp đỡ nhau tối đa để cùng nhau thành tựu. Hãy đem lòng “Chí Thành-Chí Kính” này niệm Phật cầu Phật gia trì, thì chúng ta chắc chắn sẽ được Phật thương hại, phóng quang tiếp độ chúng ta. Trước khi được Ngài tiếp độ, thì chúng ta được các vị Bồ-Tát từ bi gia trì.
Chư vị cũng nên biết rằng, trong quang minh của Bồ-Tát, của chư Phật lúc nào cũng có các vị Thiên-Long Hộ-Pháp kèm theo sát bên cạnh. Người niệm Phật được chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ. Chắc chắn có! Chỉ vì sơ ý ta bỏ rơi sự bảo vệ của các Ngài, bỏ rơi lực gia trì của Bồ-Tát, bỏ rơi đại nguyện của A-Di-Đà Phật.... Nên sau cùng chướng nạn bao trùm chúng ta một cách tự do, làm cho chúng ta khó bề đi về Tây-Phương được...
Chính vì vậy, phương pháp tu hành của những người phàm phu như chúng ta cần phải chọn cách dễ nhất, thấp nhất, căn bản nhất mới an toàn. Xin chư vị đừng nên tìm đến những phương pháp cao quá, vì những phương pháp cao quá đòi hỏi đến những căn cơ rất cao, cần đến cái tâm rất thanh tịnh mới có thể thực hiện được. Căn cơ chúng ta thấp kém! Tâm thanh tịnh chúng ta yếu đuối!... Khi nhiếp tâm niệm Phật nhưng chúng ta vẫn có thể bị vọng tưởng! Ngồi trước bàn Phật chúng ta cũng bị hôn trầm, trạo cử... Đây là chuyện hết sức thường! Cho nên một lần trạo cử nổi lên thì tự chúng ta hãy nhắc nhở rằng: À! Nghiệp chướng chúng ta vẫn còn!...Mỗi khi đang niệm Phật mà bị buồn ngủ, chúng ta hãy nghĩ: À! Nghiệp chướng chúng ta vẫn còn!... Nhiều khi sơ ý bị rơi vào tình trạng vô ký, chúng ta đừng vội cho ta là chứng đắc nhé!...
Như vậy thì sự khiêm cung luôn luôn là điều phải nhớ. Đừng bao giờ rời khỏi hai chữ “Khiêm Cung”, thì nhất định chúng ta sẽ thực hiện được lòng chân thành, chí thành, chí kính mà ngài Ấn-Quang thường xuyên khuyên nhắc chúng sanh phải giữ trong đời mạt pháp này.
Chư vị cố gắng đến đây tu tập, mình hãy gói ghém với nhau để niệm Phật trong hoàn cảnh đơn giản, nhỏ hẹp nhưng mà tâm hồn chúng ta thành thực, hiểu biết với nhau, thì những phiền não cũng sẽ giảm bớt. Chúng ta là hạng người phàm phu, thì chắc chắn có người bị tật này, có người bị tật kia, có người thì thích nói chuyện, có người thì thích im lặng. Có người thì muốn ngồi thật nghiêm trang, có người ngồi xuống một chút thì rục rịch rồi... Chúng ta phải chấp nhận cái hiện tượng này một cách hết sức tự nhiên, để cho tâm hồn chúng ta thoải mái...
Nói chung, thay vì chúng ta la rầy, khó chịu trước một điều gì sơ xuất, thì bây giờ xin chư vị hãy cố gắng chấp nhận đi, vui vẻ lên, tha thứ cho nhau... Tha thứ được cho nhau thì đi đến một đạo tràng nào chúng ta cũng tạo được sự trang nghiêm cho đạo tràng đó. Nếu chúng ta không chịu tha thứ cho nhau, thì đến một đạo tràng dù trang nghiêm, chính chúng ta sẽ là người bị phiền não trước. Rồi chúng ta lại đi ra ngoài nói rằng chỗ đó phiền não quá!... Thật ra, phiền não là hiện tượng từ trong tâm của mình hiện ra, chứ không ở ngoài đưa vào.
Có những đạo tràng rất là lộn xộn! Nhưng khi có một người với tâm hồn thoải mái, vui vẻ, bao dung... Họ đến nói vài lời tâm lý, nhẹ nhàng, tha thứ... thì cái đạo tràng đó dần dần biến thành trang nghiêm, hiền hòa đi.
Khi mình tu hành, nếu mình gặp một người nào ở ngoài họ bài bác pháp Niệm Phật, thì xin chư vị cũng đừng nên phiền não. Đường người ta đi thì cứ để người ta đi, mình hỗ trợ người ta không được thì thôi, ít ra cũng đừng nên chống đối lại họ. Ngược lại nếu có người nào chống đối mình, thì mình cũng phải thương hại họ, tại vì đây cũng là do duyên. Hay nói rõ hơn, thiện-căn phước-đức chưa được phát lộ, nên người ta chưa tin. Trong kinh Phật nói, những người mà không tin vào câu A-Di-Đà Phật thì đời này việc thoát vòng sanh tử luân hồi không có đâu! Về Tây-Phương Cực-Lạc thì không được đâu! Vì vậy mà mình phải thương họ mới đúng.
- Chính lòng thương này làm cho mình không phiền não.
- Chính lòng thương này làm cho những sự chống đối, khó chịu hay đối nghịch giảm bớt đi...
Diệu Âm hay nói rằng, khi mình gặp một người, người đó viết thư bài bác hay nêu lên một ý kiến đối nghịch gì đó, nhất định chúng ta đừng nên để nó vướng mắc trong tâm, cũng đừng bao giờ viết lại một lời thư để trách móc hoặc tìm cách giải thích cho người ta hiểu... Không cần chuyện đó. Mà chư vị hãy dùng cách này hay hơn, là vui vẻ, thoải mái, khuyến tấn người ta. Nên nhớ là tìm cách mà khuyến tấn người ta.
Ví dụ, như một người tệ hại, nào là sai lầm, trộm cắp, cự cãi, đủ thứ hết... Khi gặp họ, mình không phải là cha mẹ, cũng không phải là police, nên mình không có quyền bắt nạt họ, mình cũng không được quyền chỉ trích họ. Mà tốt nhất là mình hãy moi tìm cái nào tốt của họ mà khen lên. Ví dụ như người đó có tài hát hay, mỗi lần gặp mình tìm cách khen cái tài hát hay của người ta trước, “Chú hát hay quá!...”
Những người mà đa tài, thì đa tình. Ví dụ anh có cái tội yêu đương lung tung... cũng được, không sao hết!... Thường thường những người có tài, thì người ta có đa tật. Những tật đó không sao đâu(!), anh hãy chấp nhận cái hiện tượng này đi. Mình cứ làm lơ những chuyện sai lầm của họ đi. Mình cứ khen cái hay của người ta lên đi. Chư vị để ý coi, người khác thì cải đổi người đó không được, mà chính những người ưa khen họ lại cải đổi họ được. Đó là thế gian pháp. Phật pháp cũng không khác gì mấy.
Chúng ta nên đến với nhau bằng những “Hạt Đậu Trắng”. Quý vị biết hạt đậu trắng không?... Đừng nên đến với nhau bằng những “Hạt Đậu Đen”. Làm như vậy thì tâm chúng ta có những “Hạt Đậu Trắng”. Hạt đậu trắng tượng trưng cho “Thiện”. Hạt đậu đen thì tượng trưng cho “Ác”. Nếu chúng ta mà cứ moi hoài moi mãi hạt đậu đen, thì một là tâm chúng ta sẽ phiền não! Hai là người bị moi ra đó sẽ phiền não! Hai cái phiền não này sẽ chống đối, cạnh tranh, chiến tranh với nhau. Rốt cuộc, tất cả đều bị thua thiệt hết! Trong chiến tranh không có người nào chiến thắng! Bây giờ thì chúng ta nên tập đối xử với nhau bằng cách khác, tập moi cho được hạt đậu trắng của người ta ra mà khen. Để chi?... Để cho hạt đậu trắng đó có duyên hay gặp môi trường thích hợp mà nở ra những hạt đậu trắng khác. Nói rõ hơn, chúng ta tìm cách bỏ thêm hạt đậu trắng vào cái hũ. Thì đến một lúc nào đó, cái hũ đó cũng còn bấy nhiêu hạt đậu đen đó, nhưng mà đậu trắng càng ngày càng nhiều hơn, nó sẽ bao hạt đậu đen lại... Bây giờ ta chỉ thấy cái hũ hình như chỉ có toàn là đậu trắng không thôi...
Xin thưa chính Phật pháp chúng ta cũng vậy đó. Nhất là tu hành trong thời mạt pháp này, nhất định chúng ta phải đến với nhau bằng cái tốt. Tìm cách quên đi hoặc cố gắng tha thứ cái lỗi của người ta. Được vậy thì nhất định... Đạo tràng này không trang nghiêm cũng trang nghiêm. Đạo tràng này không thịnh vượng cũng thịnh vượng. Đạo tràng này không thành tựu cũng thành tựu.
Cái nghi luật trong đạo tràng của chúng ta là nhắc nhở nhau đừng nên phá giới. Nhưng đối với một người phá giới đến đây tu ta cũng nhận luôn. Nhận vậy có ý nghĩa gì?... Anh hãy cố gắng giữ giới luật trong lúc tu ở đây thôi, sau đó thì ra ngoài anh phá sao phá, tôi không biết!... Mình tha thứ cho người ta. Nhờ lòng tha thứ này dễ làm cho người ta “Phản tỉnh”, tự họ phản tỉnh lấy. Có cái tâm như vậy thì chúng ta sẽ cải đổi đạo tràng này càng ngày càng tốt. Rất hay!
Chư vị nhìn Phật A-Di-Đà đi, Ngài là đại thiện, đại lành đó. Nhưng mà Ngài nói rằng, những người ngỗ nghịch thập ác mà biết hối hận, biết ăn năn, niệm danh hiệu Ngài, dẫu cho mười niệm vẫn được về Tây-Phương để thành đạo. Ngài có nỡ bỏ người nào đâu?... Còn chúng ta có thấy người khác sai sai một chút thì kệ họ chứ? Họ sai với người khác chứ có sai với mình đâu? Ghét họ làm chi?...
Tôi trực nhớ ra một câu này. Nhớ cho kỹ câu này nghen, hay lắm!
Tùy duyên tiêu túc nghiệp,
Thiết mạc tạo tân ương!
“Tùy duyên” là gặp cái duyên nào chúng ta cũng cố gắng xoa cho nhẹ đi cái “Túc nghiệp”. Túc nghiệp là cái nghiệp nặng đó. Gặp dịp nào cũng xóa cho hết cái nghiệp mình tạo gọi là tùy duyên. Duyên ác mình xóa cũng được, duyên thiện mình xóa cũng được. Người nào dù ác cho mấy, khi họ biết quay đầu đều có thể thành đạo. Quý vị để ý coi, coi chừng họ thiện hơn mình, họ lành hơn mình, xin đừng có khinh thường! Nhất định như vậy! Trong kinh Phật gọi là: “Buông đồ đao xuống, lập địa thành Phật”.
“Tùy duyên tiêu túc nghiệp” rồi, thì chính mình phải nhớ đến câu: “Thiết mạc tạo tân ương”. Nghĩa là, quan trọng nhất, cần thiết nhất là đừng có tạo thêm nghiệp mới nữa. Hay lắm!... Đừng có tạo thêm cái phiền não mới nữa.
Thấy người ta tạo ra phiền não, mình cũng phiền não!... Không tốt! Lỡ tạo rồi thì đây là phiền não cũ, từ giờ phút này mình đừng tạo thêm phiền não mới nữa. Nếu ngày mai có người tới tạo thêm phiền não mới, thì phiền não mới này là của họ, riêng mình đừng có phiền não nữa. Tại vì hễ mình phiền não tức là mình tạo thêm nghiệp chướng mới cho chính mình. Đó gọi là “Tân Ương”, là những cái nghiệp mới của mình.
Cứ vậy mà tu thì xin thưa với chư vị, đạo tràng này của chúng ta sẽ càng ngày càng thêm thanh tịnh. Nhất định đạo tràng này sẽ thành tựu và cứu độ được nhiều chúng sanh...
Mong chư vị lấy lòng đại từ đại bi của Phật ra mà tiếp xử với nhau. Chúng ta nương nhau đi về Tây-Phương bằng cái hình tướng của người nghiệp chướng sâu nặng, tội chướng thâm trọng, ấy thế mà được A-Di-Đà Phật đưa về Tây-Phương một đời thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 21
Nam Mô A-Đà Phật.
Diệu Âm vừa mới trở về sau khi đi qua bên Âu Châu gần một tháng, ở đó ngày nào cũng có tọa đàm với chư vị đồng tu về đề mục “Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên”.
Trong kinh A-Di-Đà Phật nói: “Không thể dùng ít thiện-căn, ít phước-đức, ít nhân-duyên mà có thể vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc”. Nhiều người nghe đến câu này mới sợ rằng mình không có khả năng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Thì trong suốt gần một tháng qua, chính Diệu Âm cũng dùng câu này để khuyến tấn chư vị đồng tu quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc cho được trong một báo thân này, vì Phật nói: “Ít Thiện-Căn, ít Phước-Đức, ít Nhân-Duyên không thể vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc”.
Lời nói này có nhiều ý nghĩa. Nghĩa thứ nhất là Phật khuyến tấn chúng taphải tiếp tục tu hành, phải vững tâm tu hành, phải tinh tấn tu hành để không thể nào lọt lại trong cõi Ta-bà.
Nghĩa thứ hai là Phật nói, vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc nó quý giá vô cùng vô tận, không thể nào đem cái phước-báu, cái thiện-căn nào của thế gian so sánh với chuyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Trong Kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói rằng, một người trong một đời này gặp được pháp môn Niệm Phật mà tin tưởng quyết lòng trì niệm câu A-Di-Đà Phật là do Thiện-Căn Phước-Đức của người đó đã tu trong vô lượng kiếp, và đã có giá trị vô lượng vô biên không thể nào tính đếm được!...
Đem ba cái yếu tố này Diệu Âm khuyên tất cả chư vị ở đó, sau một thời gian chư vị vững tâm, vững chí, vững đường tu, quyết lòng đi về Tây-Phương, không thể nào để cái tâm mình nghiêng ngã theo lời bàn tán của thế gian được.
Trong khi ở đó, vừa mới bước chân qua Âu Châu mấy ngày thì được tin là tại Niệm Phật Đường chúng ta hộ niệm cho một cụ vãng sanh, đây là một điều vui mừng không thể tả, mà thật ra thì chính Diệu Âm cũng lấy làm đáng tiếc là chính mình không có cái cơ may ngồi bên cạnh cụ Cam Muội, pháp danh Diệu Âm để tiễn đưa Cụ về Tây-Phương. Rõ rệt niệm Phật vãng sanh. Và nhân vì có điều bất may mắn này mà Diệu Âm cũng thấy một chuyện mừng, đó là đồng tu của Niệm Phật Đường chúng ta thật sự đã trưởng thành. Thật sự chư vị đã tự mình đưa một vị vãng sanh, đây là một điều thật bất khả tư nghì!...
Cuộc tọa đàm này khởi nguồn từ bên Âu Châu. Trước khi về thì chư vị ở đó tha thiết nói với Diệu Âm rằng, khi trở về Úc hãy tiếp tục nói cho trọn cuộc tọa đàm này. Diệu Âm cũng thấy chuyện này cần thiết, nhất là phá tan những nghi ngờ của người thế gian cho rằng chuyện vãng sanh là hão huyền, không thật.
Thì hôm nay trở về đây, Diệu Âm xin cố gắng làm tròn phần cuối của cuộc tọa đàm và mong rằng sau cuộc tọa đàm này tất cả chúng ta ai cũng vững tâm, vững dạ quyết lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc…
Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên!Cơ hội này mà chúng ta không về Tây-Phương Cực-Lạc được, thì thật sự chúng ta:
- Thuộc hạng người kém may mắn!
- Thuộc hạng người kém thiện-căn!
- Thuộc hạng người đã gặp cơ duyên thành Phật mà đành phải bỏ con đường cực lạc để chạy theo con đường đọa lạc vạn kiếp! Tương lai còn cơ hội nào nữa có thể thoát nạn được?…
Đây là điều mà chư vị phải tự mình suy nghĩ cho thật kỹ. Một bước thôi!… Bước tới ta nhất định vãng sanh về Tây-Phương. Một bước chần chờ, một niệm nghi ngờ, một lần giải đãi... nhất định cơ hội này sẽ luống qua!... Lúc đó chư vị sẽ thấy thế nào gọi là thiểu thiện-căn, thiểu phước-đức, thiểu nhân-duyên!… Sự mất mát này quá lớn! Có ân hận đi nữa cũng không được gì hơn!… Chỉ tại vì:
- Tham một chút danh vọng thế gian…
- Tham một chút vui trần tục…
- Tham một chút lợi ích nhỏ nhen vô thường của cõi đời này mà đành bỏ đi cơ hội vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Xin thưa với chư vị, lúc đó dù có khóc, nước mắt tràn như biển Nam Hải, cũng không thể nào rửa được niềm đau vô tận vô biên trong vô lượng kiếp đâu!...
Trong chuyến đi vừa rồi Diệu Âm rất thường tán thán cái mẫu người vừa mới vãng sanh ở trên tây Úc. Diệu Âm đem hình tượng đó ra để mà khuyến tấn chư vị đồng tu bên Âu Châu. Diệu Âm nói rằng, người ở bên tây Úc tôi đã gặp qua, là một người Thiên Chúa giáo không biết kinh, không đi chùa, ấy thế mà sau cùng gặp các vị đồng tu khuyến tấn, vị đó đã quyết lòng quyết dạ đi về Tây-Phương. Thấy vậy, tôi dám đoán vị này chín mươi lăm phần trăm vãng sanh. Trong khi có những người tu hành, có niệm Phật, có tới chùa mà đưa ra lập luận như thế này: Không dễ gì đem một chút thiện-căn, một chút phước-báu, một chút nhân-duyên mà đi về Tây-Phương được!... Nên họ mạnh dạn khuyên đồng tu hãy cố gắng tu hành, tìm kiếm chút phước đi để đời sau tu tiếp...
Tôi nói, những người này là những dạng người quá ư là bạc phước! Quá ư là ít thiện-căn! Quá ư khinh thường lời Phật! Không chịu y giáo phụng hành!...
Tôi khuyên các vị đồng tu khi mở một lời nói nhất định phải nói đúng kinh, đừng bao giờ nói một lời nào sai kinh. Chúng ta tới đây tu hành mà nói một lời sai kinh, đưa một ý tưởng hồ nghi, tạo cái mối hồ nghi trong đại chúng... Dù cho chư vị đến Niệm Phật Đường, đến đạo tràng, đến chùa niệm Phật suốt đời, thì suốt cuộc đời đó thay vì tạo công đức chúng ta lại tạo tội lỗi! Chúng ta tạo cảnh địa ngục cho chính chúng ta! Vì sao vậy?... Vì đưa những lời nghi ngờ này sẽ phá tan mất niềm tin của đại chúng, đoạn mất huệ căn của người ta, đánh lạc hướng vãng sanh, làm cho người ta phải chịu đọa lạc!...
Hôm nay chúng ta ngồi tại đây, quý vị biết là do thiện-căn của chúng ta đã tràn ngập trong vô lượng kiếp, phước-đức chúng ta dù không có đi nữa thì niệm một câu A-Di-Đà Phật phước sẽ tăng vô lượng. Cho nên Thiện-Căn cũng ở tại “Tâm”, Phước-Đức cũng ở tại “Tâm”. Chư vị lấy niềm tin vững vàng mà đi đi… Xin thưa thẳng rằng, cơ duyên ngồi trong đạo tràng này niệm Phật nhất định đưa chư vị vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Vậy thì, không thể nào không đi con đường “Cực-Lạc”, mà lại chọn con đường “Đọa-Lạc” để mà đi?…
Ở bên Âu Châu có một vị ung thư sắp chết, thế mà ban hộ niệm nói không nghe, tại vì không tin. Sống trong những ngày tháng chờ chết mà lại thích đi đánh casino, đánh bài. Hỏi tới thì nói rằng làm như vậy cho vui... Diệu Âm đến đó chỉ có một tiếng đồng hồ để nói chuyện. Diệu Âm nói cứng như tường đồng vách sắt.
- Cơ duyên này anh không có dễ gì tìm ra trong vô lượng kiếp đâu. Nếu ngay từ bây giờ anh không chịu đổi tâm, không chịu từ bỏ casino, thì nhất định anh phải chịu đọa lạc! Bị đọa lạc vạn kiếp anh ráng chịu lấy. Còn khi nghe những lời nói này, mà anh mau mau tỉnh ngộ đến trước bàn Phật quỳ xuống sám hối đi. Bắt đầu từ giờ phút này anh không được đi casino nữa. Anh phải tranh thủ thời gian từng giây từng phút để niệm Phật đi, tôi tin tưởng anh được tới chín mươi lăm phần trăm vãng sanh...
Tôi nói vững làm người đó đành nhận lỗi với ban hộ niệm, và tới trước bàn thờ xin lỗi sám hối. Trong thâm tâm của Diệu Âm nói nếu người đó thật sự đã sám hối, nếu người đó quyết lòng đi về Tây-Phương, thì cơ hội này nhất định anh sẽ lấy thiện-căn phước-đức và nhân-duyên này được đi về Tây-Phương. Giả sử như người đó chưa đủ thiện-căn, giả sử như người đó chưa đủ phước-báu thì cơ duyên này anh hãy phát tâm tin tưởng đi. Niềm tin vững vàng của anh nhất định sẽ đưa anh vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc…
Cũng giống như một vị ở tại tây Úc suốt cả cuộc đời không biết gì là câu A-Di-Đà Phật, không biết gì là Phật pháp, chỉ biết đi nhà thờ. Ấy thế mà chỉ cần vài tháng niệm Phật quyết lòng đi, đã vãng sanh thật sự trước mắt mọi người và làm cho cả cộng đồng tại đó giật mình ngẫn ngơ vì một người Thiên Chúa giáo vẫn được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc như thường.
Cho nên xin cầu khẩn chư vị, Diệu Âm đi đâu cũng tìm cách làm tăng thêm niềm tin cho mọi người, thì xin chư vị hãy vững vàng mà đi về Tây-Phương, để chúng ta cùng nhau hội ngộ trên cảnh Tây-Phương Cực-Lạc, một đời này thành đạo, một đời này đi cứu độ chúng sanh, đừng để vạn đời sau bị nạn trong những cảnh đọa lạc rồi mới cầu chư Phật tới cứu, không dễ như vậy đâu!...
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 22
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Kính thưa Sư Cô!
Cùng Đại chúng!
Đề tài “Thiện-căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên” đã được bàn qua ở bên Âu châu gần cả tháng rồi mà chưa xong. Từ một điểm này mình thấy hình như cũng bao trùm Pháp giới, không biết chừng nào mới nói xong? Thật đúng là: “Một là tất cả, tất cả là một”.
Chúng ta là hàng phàm phu tục tử nên chọn con đường: “Một là tất cả”. Một là một câu A-Di-Đà Phật thành tâm niệm thì ta sẽ có tất cả. Hư không pháp giới, vạn sự, vạn vật đều ứng hợp…
Đối với những vị thượng căn, Bồ-Tát thì “Một là tất cả, tất cả là một”, không còn phân biệt nữa. Khi trở về với chân-tâm tự-tánh, thì từ một chân-tâm này các Ngài có cả hư không pháp giới. Cả hư không pháp giới cũng nằm trong tâm của các Ngài, cho nên các Ngài không phân biệt.
Còn hàng phàm phu chúng ta nên đi theo con đường “Một là tất cả” hay hơn là đi con đường “Tất cả để trở về một”.Những người hạ căn mà đi con đường tu hành cho đầy đủ tất cả để thành tựu, gọi là tìm hiểu để giác ngộ, thì nhiều khi sự giác ngộ đó chưa chắc là thật, mà có thể là giác ngộ trong vọng tưởng! Vì vọng tưởng sai lầm nên mới chê người niệm Phật. Chúng ta đang đi con đường niệm Phật, thường bị người ta cho là mê muội, nhưng coi chừng người mê muội đó lại là đại giác ngộ. Họ giác ngộ con đường vãng sanh về Tây-Phương. Khi vãng sanh về Tây-Phương thì họ được tất cả.
Chính vì thế mà chúng ta được cái cơ duyên niệm câu A-Di-Đà Phật, chư Tổ vẫn thường khuyên nhắc là phải chuyên nhất. Chuyên lòng niệm một câu A-Di-Đà Phật mà đi thì sẽ thành tựu tất cả.
Trở lại vấn đề “Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên” trong kinh A-Di-Đà. “Thiện-Căn” là gì? Trong kinh A-Di-Đà Phật đưa ra danh từ này, thiện-căn chính là những căn thiện lành. Căn thiện lành có năm thứ:
Một là “Tín-Căn thiện lành”. Những người nào tin tưởng vững vàng vào câu A-Di-Đà Phật, tin vào lời Phật dạy, niềm tin sắc son vững vàng thì biết người đó có thiện-căn.
Thứ hai là “Tấn-Căn thiện lành”. Tấn là tinh tấn. Người nào tinh tấn niệm Phật, ngày ngày niệm Phật, chuyên lòng niệm Phật thì người đó có thiện-căn. Chúng ta thấy ở tại Niệm Phật Đường của chúng ta, có những người đã có thiện-căn này.
Căn thiện lành thứ ba là “Niệm-Căn thiện lành”. Niệm câu A-Di-Đà Phật. Nếu không có căn lành không thể nào niệm câu A-Di-Đà Phật được đâu! Cho nên mong chư vị hãy trân quý tất cả những căn lành này. Đã đến đây niệm Phật chứng tỏ chúng ta có thiện-căn, đừng bao giờ chạy theo những cái gì hảo huyền xa vời mà coi chừng mất phần thành tựu!...
Căn lành thứ tư là “Định-Căn thiện lành”. Thường thường chúng ta cứ nghĩ Định là Thiền-Định… Hòa Thượng Tịnh-Không nói không phải vậy!... Tâm chúng ta đã định vào câu A-Di-Đà Phật. Tâm chúng ta đã định ngay tại cõi Tây-Phương. Ý chúng ta định về Tây-Phương Cực-Lạc. Một đường, một hướng, một điểm về là chúng ta đã có “Định-Căn thiện lành”.Khi chúng ta định vào câu A-Di-Đà Phật, định về Tây-Phương Cực-Lạc thì ta có luôn “Huệ-Căn thiện lành”, tức là trí huệ phát sinh ra.
Hồi giờ chúng ta thường nghe nói thiện-căn, thì hôm nay chúng ta khai rõ ra, “Thiện-Căn” chính là năm điểm này: “Tín-Tấn-Niệm-Định-Huệ”.
Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề “Tín-Căn”. Người nào không tin vào câu A-Di-Đà Phật, không chịu quyết lòng niệm Phật, thì dù có hình tướng đẹp như thế nào đi nữa cũng không dám bảo đảm họ có thiện-căn! Một người dù nghèo nàn, hình tướng xác sơ, tầm thường, nhưng mà họ tin vào câu A-Di-Đà Phật, quyết lòng đi về Tây-Phương, không thay đổi chí nguyện, thì chiếu theo trong kinh Phật nói, họ có thiện-căn. Như vậy hồi giờ chúng ta thường nghe thiện-căn, thiện-căn... nhưng không biết định nghĩa như thế nào?... Thì “Thiện-Căn” dồn vào chữ “Tín” này. có “Tín” thì tự nhiên tất cả những cái kia đều có hết.
Chính vì vậy, đối với người quyết lòng niệm Phật, thường thường chư vị Tổ Sư hay nhắc nhở đến tín tâm. Nhất định chúng ta phải có tín tâm. Nếu người tuổi già, sắp sửa lìa xả báo thân này rồi, khuyên họ niệm Phật mà họ còn chần chừ, còn đợi cái này, còn đợi cái nọ, thì nhất định tín-căn đã bị yếu! Tín-căn yếu coi chừng nó sẽ dẫn tới tất cả những căn lành khác bị suy sụp luôn. Không có thiện-căn nên không muốn vãng sanh, mà thường tham đắm vào thân mệnh. Thân mệnh này vô thường, thời gian vài ba năm nữa nhanh như bóng câu qua cửa sổ, nhưng người vì quá tham chấp vào đó mà bị đại nạn! Bị đại nạn rồi lúc đó mới thấy cái giá trị của câu Phật nói: Bất dĩ thiểu Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên đắc sanh bỉ quốc.
Không dễ gì có chút thiện-căn, có chút phước-báu, có chút nhân-duyên mà đi về Tây-Phương Cực-Lạc được. Cũng có nghĩa là biết được đi về Tây-Phương quý giá vô cùng, thay vì chịu đọa lạc trong vô lượng vô biên kiếp, nay mình vãng sanh được cực lạc an vui thành đạo Vô-Thượng, thần thông biến hóa phi thường. Ấy thế, lại tham đắm làm chi cái thân già còm cõi, tham đắm cái thân ung thư, tham đắm cảnh khổ của cuộc đời này, mà đành chịu tới vạn kiếp trầm luân về sau. Thật đúng là người thiếu thiện-căn!
Chính vì vậy:
- Hãy lấy chữ Tín này mà chúng ta tự thấy hướng đi…
- Lấy chữ Tín này quyết lòng trưởng dưỡng thiện-căn.
- Lấy chữ Tín này niệm câu A-Di-Đà lên.
Được như vậy, xin thưa với chư vị:
- Người không có thiện-căn, thiện-căn cũng có!…
- Người không có phước-đức, phước-đức cũng có!…
- Người mà dù nghèo khổ tới đâu, dốt nát tới đâu nhất định huệ-căn cũng phát triển, nhất định phước-báu cũng tràn ngập!...
Mong chư vị một khi đã tu thì phải tìm ra con đường giải thoát, đã tu nhất định phải nghĩ đến chuyện thành tựu đạo quả. Đừng nên nhắm mắt chạy theo thị hiếu của thế gian mà tu chơi chơi, tu giỡn giỡn, tu thử, tu đụng!... Tu hành như vậy thà rằng ở nhà không hay hơn sao?...
Một người hiểu được đạo rồi, một người đã giác ngộ rồi, thì những chuyện của thế gian này nó không có giá trị gì lắm đối với con đường giải thoát của họ đâu. Mong cho chư vị hiểu được chỗ này, thì rõ ràng chúng ta đang ở trên con đường về tới Tây-Phương thành đạo.
Nếu đã tới đây niệm Phật, nếu đã gặp được Phật pháp trong đời này, lại còn gặp được cái duyên niệm câu A-Di-Đà Phật, thì Phật đã đưa con đường thành tựu tới ngay trước mũi bàn chân của chúng ta mà chúng ta không chịu đi, lại mê mờ tham chấp những chuyện thế gian, còn trằn lên trụt xuống chưa muốn vãng sanh. Rõ rệt, cơ hội chuẩn bị thành đạo mà không chịu đi thành đạo, lại muốn lùi lại, lùi lại trong bóng tối đen thùi đen thủi để chịu lấy ách nạn kinh khủng của sanh tử luân hồi!...
Xin nhớ cho, đời này là đời mạt pháp rồi, nếu luống qua khỏi cơ hội này thì nhất định vạn kiếp sau sẽ nằm trong cảnh khổ, muốn khóc nhiều khi khóc không nên lời nữa là khác! Hiểu được điều này, mong chư vị quyết lòng quyết dạ dùng tín căn, tín tâm vững vàng niệm câu A-Di-Đà Phật, nhất định ta sẽ về tới Tây-Phương Cực-Lạc để thành đạo Vô-Thượng. Quý hóa biết ngần nào mà kể.
Mong chư vị tự hiểu lấy, thân phận phàm phu tục tử này đang ở sát bờ của đọa lạc, vậy mà ta về tới Tây-Phương thành đạo. Vậy thì phải trân quý, quyết định một đời này về Tây-Phương gặp A-Di-Đà Phật để thành đạo Vô-Thượng.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 23
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Trong ngày hôm nay chúng ta bàn về Thiện-Căn. Trong ba danh từ Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyêncủa người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, trong đó thiện-căn được Phật nói đến đầu tiên. Đây là điểm hết sức quan trọng. Danh từ thiện-căn hồi giờ mình nghe qua, nhưng nhiều khi mang máng chưa rõ, thì trong ngày hôm nay mình nói rõ hơn.
Thiện-Căn đầu tiên chính là ở trong “Tín tâm thanh tịnh”.
- Người có tin vào kinh Phật là người có thiện-căn…
- Người không tin lời phật dạy là người không có thiện-căn…
- Người có tin rằng niệm Phật vãng sanh là người đại thiện-căn chứ không phải là tiểu thiện-căn…
Cho nên hồi sáng này mình có nhắc đến là khi đã tin câu A-Di-Đà Phật thì phải tin cho vững, đừng nên nghi ngờ mà nói lên những lời sơ ý làm cho người khác mất niềm tin.
Có một lần người ta hỏi Diệu Âm như thế này, trong một băng giảng, Hòa Thượng Tịnh-Không nói rằng, tội ngũ nghịch thập ác so với tội không tin vào câu A-Di-Đà Phật, thì Hòa Thượng nói là cái tội không tin nặng hơn cái tội ngũ nghịch thập ác. Người ta hỏi tại sao như vậy?...
Diệu Âm trả lời rằng tại vì người không tin vào câu A-Di-Đà Phật là người không niệm Phật. Không niệm Phật thì nhất định không được vãng sanh. Còn người tội ngũ nghịch thập ác thì lúc người ta mê mờ mà giết cha hại mẹ, nhưng mà họ vẫn còn một điều hay là họ không có cái tội không tin kinh Phật. Tức là khi có cơ duyên thì người ta sẽ tin. Khi tin Phật pháp rồi thì thiện-căn phước-đức sẽ phát khởi, nhờ thế họ có cái cơ duyên vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy, so sánh hai tội ngũ nghịch và tội không tin, thì thật ra tội nào cũng lớn cả, nhưng có tội có thể sám hối, giật mình để niệm Phật vãng sanh, còn có một tội người thế gian không thấy, nhưng đối với Phật pháp thì rất là tối kỵ, đó là những người không tin! Tại vì không tin thì không niệm, không niệm thì không đi. Mình đã không được vãng sanh thì huệ mạng của mình sẽ chìm trong cảnh đọa lạc đã đành, mà thường còn gieo cái niềm nghi ngờ cho người khác nữa. Đây là đại tội, gọi là phỉ báng Phật pháp!
Trong kinh Niết-Bàn Phật gọi những người không tin vào lời Phật là “Nhất-Xiển-Đề”. Trong kinh Thủ-Lăng-Nghiêm Phật cũng nhắc đến những người không tin Phật pháp, người không tin lời Phật dạy có thể phá tiêu Phật pháp. Cái tội phá tiêu Phật pháp dễ sợ hơn những tội khác!...
Chính vì vậy mà có những người đưa ra những lập luận nhằm để phỉ báng câu A-Di-Đà Phật, phỉ báng con đường vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nghĩ đến lời Phật dạy trong kinh mình phải giựt mình sợ đến dựng tóc gáy! Ấy thế mà người ta vẫn làm được. Những lời nhắc nhở này mong chư vị nhớ phải tin cho vững, không được sơ ý, không được chao đảo.
Thiện-căn là niềm tin. Như vậy ác-căn chính là niềm nghi ngờ! Chúng ta phải trưởng dưỡng chư thiện-căn, không được trưởng dưỡng chư ác-căn. Đối nghịch với thiện-căn chính là ác-căn. Đối nghịch với niềm tin chính là nghi ngờ. Vậy thì, những người nghi ngờ nhất định phải mau mau thay đổi. Người khôn ngoan phải thay đổi sớm đi, đừng nên sơ ý!...
Về thiện-căn chúng ta tiến thêm một điểm nữa là “Tấn-căn”, “Tấn thiện-căn”. Tấn là tinh tấn. Người tinh tấn niệm Phật là người có thiện-căn. Người giải đãi không niệm Phật là người thiếu thiện-căn! Người có niệm Phật thì có thiện-căn, nhưng mà niệm tà tà thì thiện-căn sẽ bị xoi mòn. Niệm tà-tà là cách tu giải đãi. Nếu đem bệnh giải đãi đó lây cho người khác nữa, thì coi chừng niệm Phật mà lại truyền ác-căn cho người khác đó.
Trong kinh Bảo-Tích Phật mới nói phải ly xa những người giải đãi, gọi là “Viễn ly giải đãi chi nhân". Giải đãi đối với pháp môn niệm Phật chính là người niệm Phật nhưng không muốn đi về Tây-Phương. Niệm một ngày hai-ba câu rồi tưởng vậy là xong, không thèm niệm nữa. Người lười biếng niệm Phật, thành ra nhiều khi tu suốt cả cuộc đời mà sau cùng không được vãng sanh. Không được vãng sanh thì làm chứng nhân cho chuyện niệm Phật không được vãng sanh! Đây chính là cái tội!... Cho nên giải đãi, không niệm Phật chính là ác-căn. Xin chư vị phải nhớ, ráng cố gắng niệm Phật, chứ không phải nghe nói mười niệm tất sanh thì mình cứ giải đãi cũng được. Không phải! Giải đãi thì mình đã lâm vào tình trạng gọi là trưởng dưỡng ác căn rồi vậy!...
Tinh-tấn là thiện-căn. Giải đãi thì đối nghịch với tinh-tấn nên là ác-căn. Chư vị nghĩ coi, tại sao một người hồi giờ không biết câu A-Di-Đà Phật, ví dụ như một người tu Thiên-Chúa giáo chẳng hạn, người ta đâu có biết gì về câu A-Di-Đà Phật, người ta đâu có niệm câu A-D-Đà Phật, như vậy họ có phải là người giải đãi không?... Không phải. Họ không biết. Nhưng khi biết rồi thì họ niệm ngày niệm đêm, họ không phải là người giải đãi. Còn ta biết mà ta không chịu niệm, ta ỷ y, ta là người giải đãi. Khi nãy huynh Minh Trí có thông báo rằng, hôm nay mình quỳ xuống để hồi hướng công đức... Thật ra tờ công đức này chính tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà của mình truyền ra, nhưng mỗi lần hồi hướng thì mình lại đứng. Mình đứng thì không thành tâm lắm, còn ở đó thì người ta quỳ xuống đọc nghiêm trang vô cùng. Như vậy tâm của người ta Thành Tín, còn mình ở đây loan ra tờ hồi hướng công đức đó, nhưng chưa chắc gì tâm mình thành tín bằng họ. Như vậy coi chừng thiện-căn của họ lớn hơn mình.
Tôi qua bên Âu châu, có những người ở xa từ năm-sáu trăm cây số mà họ lái xe tới để cộng tu với mình, nghe với mình, niệm Phật với mình. Còn ở tại đây chúng ta có Niệm Phật Đường sát bên nhà nhưng nhiều khi chúng ta không muốn đi. Như vậy ta là người giải đãi. Còn họ thì họ thật sự muốn tu, nhưng nơi đó không có một cái Niệm Phật Đường để họ tu. Quý vị cũng thấy đó, có những người từ bên Âu châu hàng năm họ dành một vài ngày nghỉ lễ để bay qua tận bên Úc để niệm Phật. Tại sao vậy? Tại vì ở bên đó tìm không ra một chỗ để niệm Phật. Ở đây chúng ta có Niệm Phật Đường, chư vị lại nghĩ là bình thường.
Muốn niệm Phật trong nhà, nào là bàn, nào là ghế, nào là tủ... choáng hết chỗ rồi, không thể nào đi kinh hành được. Ra ngoài mướn một cái hội trường, thì hội trường đó người ta để đủ thứ đồ đạc, muốn tu được thì phải dọn dẹp muốn chết luôn, nhưng cũng không thể nào trang nghiêm bằng cái Niệm Phật Đường được. Ấy thế mà họ cũng phải lo làm như vậy để mà niệm Phật. Như vậy rõ ràng họ là người không giải đãi. Còn mình là người giải đãi! Căn cứ vào đó mình có thể hiểu tại sao ở chỗ đó có người vãng sanh.
Ở tại chỗ này, mình thấy cái Niệm Phật Đường này vô cùng trang nghiêm, thanh tịnh vô cùng. Có đi nhiều nơi mình mới thấy điều này, trang nghiêm vô cùng! Nhưng ở đây mình lại coi thường câu A-Di-Đà Phật, lòng tín tâm của mình chưa đủ, nên mình niệm chơi chơi vài ba câu Phật hiệu là được! Mình thật sự là “Giải đãi chi nhân”. Giải đãi chi nhân bị Phật chỉ đích danh là những người mà chúng ta cần phải xa lánh, đừng nên tiếp cận họ. Tại vì tiếp cận thì ta bị lây phải cái tội đó.
Xin thưa với chư vị, khi mình hiểu ra một hoàn cảnh, thì mình mới thấy cũng tại chỗ này, Niệm Phật Đường này có thể đưa mình về tới Tây-Phương Cực-Lạc, cũng tại chỗ này bao nhiêu người rất là hâm mộ muốn tìm đến tu hành. Ở bên Âu Châu người ta muốn qua đây lắm, nhưng mà xin phép không được. Hầu hết đồng tu ở đó không có hộ chiếu tại quốc gia đó, còn dùng hộ chiếu Việt-Nam thì qua đây rất khó, nên người ta đi không được. Nếu có cơ duyên qua được, tình thật người ta muốn ở luôn đây để niệm Phật. Nhưng sự việc này đâu phải bình thường!...
Chỗ này tu hành trang nghiêm, nhưng chính ta lại giải đãi, thật uổng phí vô cùng! Nếu sơ ý để luống qua cơ hội này rồi, chúng ta chắc chắn sẽ ân hận! Ân hận vì không cách nào có thể tìm được một cơ hội khác để thay thế được. Biết được những chuyện này chúng ta cần phải giựt mình tỉnh ngộ. Có tỉnh ngộ rồi, thì ngày hôm qua chúng ta giải đãi, tự nhiên bữa nay nhất định không dám giải đãi nữa...
Ở nhà cũng phải lo niệm Phật. Tới đây cũng phải lo niệm Phật. Ngày mai chúng ta nói đến Niệm-Căn mới thấy thế nào là mối nguy hiểm vì sơ suất trong cách tu! Đừng tưởng là tới đây niệm Phật, ngày nào cũng niệm Phật, thì mình đều được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Không phải!... Niệm Phật là thiện-căn, nhưng mà coi chừng niệm xen tạp cái gì khác thì trở nên ác-căn!...
Như thế nào là ác-căn?...
- Thị phi ganh tỵ... Ác-căn nổi lên!
- Cống cao ngã mạn… Ác-căn nổi lên!
- Nói xấu người này, nói xấu người nọ… Ác-căn nổi lên!
Thiện-căn là niệm Phật thành Phật. Ác-căn bị đọa địa ngục. Ghê gớm lắm! Ngài Quán-Đảnh Đại Sư đã nói như vậy đó. Hiểu được chỗ này rồi, đường tu tự nhiên phẳng lặng, an toàn. Chúng ta kết nhóm với nhau, hộ niệm với nhau, yểm trợ cho nhau, tạo duyên lành cho nhau... chúng ta sẽ vãng sanh Tây-Phương bất khả tư nghì.
Xin thưa thật ở đây, ban hộ niệm của mình bắt đầu cũng vững rồi. Nhưng khi đi đây đi đó, chúng ta mới thấy tinh thần người tu tại chỗ này chưa chắc gì hơn được những chỗ khác. Ví dụ như chuyến đi Âu Châu vừa rồi, ngày đầu tiên người ta dẫn thẳng tôi tới chỗ hộ niệm luôn, để hộ niệm cho một người. Khai thị hộ niệm xong thì tôi phải đi tới địa điểm người ta tổ chức, nhiều người cùng đi thì chỗ hộ niệm đó thiếu người. Quý vị biết không, từ những quốc gia khác cách xa năm-sáu trăm cây số mà nhiều người đã lái xe tới đó để hộ niệm cho người bệnh.
Ở bên Âu châu có người đã phát tâm nguyện hộ niệm, dù cả hàng ngàn cây số người ta cũng đến hộ niệm. Đó chính là những người tinh tấn. Lòng tin vững vàng. nhờ lòng tin vững vàng như vậy, nên ở đó có người vãng sanh. Còn ở đây, chúng ta thật ra vừa rồi chư vị cũng có làm được công đức, đưa cụ Cam-Muội ra đi rất tốt. Đây là cái điều rất đáng tán thán. Chúng ta hãy cố gắng vững vàng hơn nữa, thành tâm hơn nữa, tinh tấn hơn nữa để cứu người. Cứu người là cứu ta. Đúng như vậy đó!...
Nguyện mong tất cả chư vị phát tâm vững vàng, để một đời này vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
Tọa Đàm 24
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Khi đi qua bên Châu Âu Diệu Âm được cơ duyên hộ niệm cho một vị tuổi đời chưa tới bốn mươi đang nằm trong bệnh viện chờ từng hơi thở ra đi. Anh ta có một người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ. Anh được ban hộ niệm ở đó hộ niệm cũng được mấy tuần rồi. Anh bị ung thư đến giai đoạn chót. Trong cuộc hộ niệm đó có một điểm rất hay là người vợ của anh mới ba mươi mấy tuổi, nhưng cô rất thành tâm khẩn nguyện A-Di-Đà Phật tiếp độ chồng vãng sanh.
Trong lúc ban hộ niệm hộ niệm, suốt mấy tuần lễ ngày nào cũng vậy người vợ lạy Phật liên tục. Cô lạy từ sáng đến chiều, lạy suốt đêm... Hai đầu gối của cô ta chảy máu ra, hai bàn tay sưng lên, nhưng cô vẫn quyết lòng lạy Phật để cầu cho chồng được vãng sanh.
Khi Diệu Âm đến đó khai thị, nói chuyện, thì có mời cô vợ đến nói chuyện với người chồng. Cô đó cầm tay người chồng và nói:
- Anh ơi! Đời của anh may mắn vô cùng mới được cơ hội này. Anh phải vững lòng vững dạ niệm Phật đi về Tây-Phương. Nhất định không thể vì vợ con mà lưu luyến tại đây nhé.
Ông chồng này rất thương vợ. Suốt cuộc đời không bao giờ cho người vợ ra khỏi nhà! Không bao giờ cho phép người vợ đi ra ngoài một mình. Ông ta là người rất quyến luyến vợ con! Tôi biết được điều này, nên tôi kêu người vợ tới đứng nói chuyện với chồng và người vợ cũng đã thành khẩn nói:
- Em ngày đêm lạy Phật cầu Phật tiếp độ anh sớm được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, để anh thoát khỏi ách nạn này.
Nhờ lòng thành tâm của người vợ mà ban hộ niệm đã hộ niệm liên tục mấy tuần lễ. Trước những giây phút ra đi họ kêu gọi những người ở các nước khác đến đó trực tiếp hộ niệm. Sau cùng anh đó ra đi để lại một thoại tướng rất là đẹp. Thật sự là may mắn!
Trong mấy ngày này mình nói về “Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên”. Thiện-căn có thể là thuộc về chính anh ta đã có cái gốc Thiện. Phước-đức có thể là nhờ bà vợ, cùng hai đứa con. Đứa con hình như là tám tuổi, sáu tuổi... nhỏ lắm. Nhờ cái phước-đức này mà gặp được ban hộ niệm đã quyết lòng hộ niệm cho anh ta và đưa đến thành quả khá tốt đẹp.
Giả sử như lúc đó anh ta còn tiếp tục thương vợ, thương con! Tiếp tục còn sợ chết! Còn tiếp tục bám víu vào cái mạng sống vô thường đã bị bác sĩ chịu thua... thì ban hộ niệm đó dù có nhiệt tâm tới đâu, chắc chắn đến giờ này anh cũng bị ngậm đắng nuốt cay rồi, không còn cách nào cứu vãn nữa!...
Chính vì thế mà cái cơ duyên này hiếm vô cùng, quý vô cùng, hy hữu vô cùng, trong vô lượng kiếp qua không dễ gì gặp được. Xin chư vị đồng tu niệm Phật, một khi đã quyết lòng niệm Phật thì phải trân quý tối đa cơ hội này, đừng bỏ qua. Đó là ý nghĩa rất là sâu sắc của các chữ Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên. Trong đó thiện-căn ví như là cội rễ của một cái cây, phước-đức ví như cái thân cây và nhân-duyên ví như là đơm hoa kết trái.
Như mấy ngày nay chúng ta nói, thiện-căn nó ở nơi “Tín-Căn”, tức là lòng tin. Lòng tin phải sâu sắc không được chao đảo. Tất cả đều từ chỗ này mà sanh ra.
Thứ hai là “Tấn-Căn”. Tấn là tinh tấn tu hành. Phải tinh tấn không được tạp tấn. Nếu hôm nay đã được cái cơ duyên này là cơ duyên thành đạo, là cơ duyên được xả bỏ báo thân để về Tây-Phương, thì phải trân quý. Một người sinh ra không trước thì sau nhất định cũng phải đi vào phần mộ. Chỉ có những người mê mờ, không biết đạo mới chấp vào cái thân này cho đó là quá lớn, là tất cả, thành ra phải chịu nạn vì cái thân này.
Tạp tấn là niệm Phật mà còn tham những chuyện khác. Tham chấp nhất định sẽ trở ngại rất lớn cho con đường thành đạo. Người tham chấp dù cho niệm Phật suốt đời đi nữa sau cùng đại nạn cũng khó tránh khỏi!...
Đây là những điều mà chúng ta đã nói ngày hôm qua, hôm kia, nhằm củng cố cái gốc của mình cho vững, đừng để cái gốc nó lung lay. Hôm nay chúng ta nói thêm một chút nữa về thiện-căn, đó là “Niệm-Căn”. “Niệm” chính là niệm câu A-Di-Đà Phật. Niệm câu A-Di -Đà Phật là đại căn lành của người muốn thành đạo, của người muốn giải thoát, của người muốn khỏi bị đọa lạc sau khi xả bỏ báo thân. Ví dụ như cái ông ở bên Đức chưa đầy bốn mươi tuổi đã ra đi. Nếu lúc lâm chung mà…
- Còn niệm còn nghĩ tới vợ con…
- Còn niệm còn nghĩ tới gia đình…
- Còn niệm còn nghĩ tới tài sản…
- Còn niệm còn nghĩ tới cái thân sắp chết…
thì nhất định sẽ bị đọa lạc, không thể nào cứu chữa được!
“Niệm” là “Niệm Phật” cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Có nhiều người bệnh xuống niệm Phật cầu cho hết bệnh, thì nhất định cái niệm này nó sẽ làm mất đi cơ hội vãng sanh.
Rất nhiều người vì không hiểu đạo, rất nhiều người vì không nghe pháp kỹ, rất nhiều người vì còn quá tham tiếc những cục thịt này, tham tiếc cái túi thịt này... nên cứ bệnh xuống thì niệm Phật cầu cho hết bệnh. Nhất định đây là đại trở ngại! Cầu hết bệnh sẽ không tương ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật. Họ vẫn còn thấy thế gian này là tất cả, vậy thì phải theo cái tất cả đó mà tiếp tục chịu sanh tử luân hồi... Trong khi cơ hội về Tây-Phương đã có trước mắt, đây thật sự là trong vô lượng kiếp qua chúng ta không dễ gì gặp qua.
Về Tây-Phương rồi thân thể chúng ta không phải èo uột như ở đây, mà gọi là: “Thanh Hư Chi Thân, Vô Cực Chi Thể”. “Thanh Hư Chi Thân” là không cần ăn mà vẫn sống. “Vô Cực Chi Thể” là trên cõi Tây-Phương thọ thân vô cực, vô lượng, vô biên không thể nào chết được.
“Thanh Hư Chi Thân” có nghĩa là thân này bao trùm khắp pháp giới. Một bước chân ở trên cõi Tây-Phương đi khắp các dãy ngân hà chứ không cần gì nói tới một quả địa cầu. Còn ở đây cái thân chúng ta không phải là thân thanh hư, mà gọi là thân Vô-Tịnh, Bất-Tịnh! Bất tịnh nên đau lên đau xuống, ngày nào cũng phải đi giải, đi bỏ... Bỏ những gì? Toàn là những thứ dơ bẩn!.. Cái lớp da này mình thấy đẹp đẹp đó! Nhưng mà sau cái lớp da đó rõ ràng toàn là thứ bất tịnh! Phật dạy: “Quán thân bất tịnh”.
Còn như một vị Thánh Chúng ở trên cõi Tây-Phương Cực-lạc nếu ứng hiện xuống đây, xin thưa rằng không cách nào chúng ta thấy được. Tại vì mắt chúng ta là mắt thịt, mắt dơ, mắt bệnh! Trong khi cái thân của họ là thân trong sạch, quá sạch, quá đẹp, gọi là “Thanh hư chi Thân”, thành ra chúng ta không thấy được.
Cho nên khi chúng ta đã gặp được cơ hội này để đi về Tây-Phương, xin chư vị phải trân quý, trân quý tối đa. Tu phải ngộ đạo, đừng tu mà mê muội! Mê muội thì thôi chịu thua, đời-đời kiếp-kiếp không biết làm sao có thể tìm được một cơ hội giống như bây giờ để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Chư vị nhớ là hiện tại chúng ta biết được phương pháp hộ niệm, nhưng coi chừng mười năm, hai chục năm, ba chục năm nữa... chưa chắc gì còn những ban hộ niệm này đâu!... Chưa chắc gì còn pháp hộ niệm này đâu!... Tại sao vậy?... Tại vì thời này mạt pháp rồi, tất cả những gì thuộc về chánh pháp của Phật đưa ra, khi vừa khởi lên thì tất cả những chướng nạn, tất cả những thử thách, tất cả những sự dèm pha, đả phá... sẽ tìm cách hạ bệ cho tiêu tan chánh pháp này. Để chi?... Để cho tất cả chúng sanh phải tiếp tục chìm trong cảnh khổ! Mạt pháp là vậy đó! Nó mạt luôn cho tới ngày diệt pháp!
Chính vì vậy chúng ta phải cố gắng loan truyền, cố gắng giao lưu, cố gắng vận động phương pháp hộ niệm. Để cho cái phương pháp hộ niệm này càng ngày càng vững, càng ngày cái gốc càng vững hơn để giúp cho chúng sanh thêm được thiện-căn, giúp cho chúng sanh thêm được phước-đức và nương theo nhân-duyên này mà có người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Chớ còn lơ là, xin thưa thật coi chừng vài chục năm tới pháp hộ niệm này sẽ không còn xuất hiện nữa, chính vì thật sự ma chướng trùng trùng đang tìm cách phá hoại không cho con người vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
Trở lại vấn đề: “Thiện-Căn” chính là cái gốc thiện lành. Cái gốc này chính cá nhân mỗi người phải thực hiện lấy, không nhờ ai thực hiện được. Tin tưởng phải vững, không được chao đảo. Tinh tấn tu hành. Ở đây niệm Phật về nhà mà niệm một cái gì nữa, thì nhất định không phải là tinh tấn, mà gọi là tạp tấn. Tạp tấn chỉ vì niềm tin không đủ. Niềm tin không đủ thì nhất định cái gốc bị lung lay! Một người có niềm tin đủ rồi, tinh tấn tu hành rồi, thì không bao giờ dám rời câu A-Di-Đà Phật được nữa.
Cách đây khoảng chừng mấy tháng, tại xứ tây Úc này có một người Thiên Chúa giáo không biết gì về niệm Phật cả, nhưng khi nghe được câu A-Di-Đà Phật thì liền chấp trì mà niệm, giữ gìn mà niệm, quyết lòng mà đi. Họ đi về Tây-Phương rõ rệt. Tín Nguyện Hạnh đầy đủ, đến nỗi ban hộ niệm dám tuyên bố người này xác suất chín mươi lăm phần trăm vãng sanh.
Trong khi có rất nhiều người tu hành mà không giữ được ba cái điểm này. Ý niệm lung lay! Phép tu hành xen tạp! Lòng tin tưởng chao đảo!... Nhiều khi muốn đoán mười phần trăm, hai phần trăm thôi, mà chúng ta không dám đoán!...
Suy nghĩ ra thì chính ta có phước-báu vì vào được Niệm Phật Đường niệm Phật, ta có phước-báu vì được những người chuẩn bị hộ niệm cho ta, nhưng coi chừng nếu thiện-căn của mình chao đảo, cái gốc của mình chao đảo... chúng ta vẫn có thể mất phần vãng sanh như thường.
Những lời nói này, hết sức là tha thiết... Mong tất cả Chúng ta ai ai cũng phải giữ cho vững để đường về Tây-Phương chắc chắn có trong một báo thân này. Ta được thành đạo…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.