- Chương I: Nghiệp dưới cái nhìn của người Phật tử
- Chương II: Chánh kiến tường giải
- Chương III: Quy luật vận hành của nghiệp
- Chương IV: Nghiệp phân tích theo Vi Diệu Pháp
- Chương V: Nghiệp và quả
- Chương VI: Mười phước nghiệp sự (Puññkiriyā - Vattthus)
- Chương VII: Các tiến trình tâm cận tử
- Chương VIII: Tái sinh
- Hỏi & đáp về nghiệp và quả của nghiệp
Tác giả: Ledi Sayadaw vànhiều Tác giả khác
Dịch giả: Pháp Thông
CHƯƠNGI:
NGHIỆP DƯỚI CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ
NGHIỆP VÀ LÝ NHÂN QUẢ-Francis Story
Có phải mọi việc xảy ra trong cuộc sống của chúng ta đều thuận theo nghiệp (kamma)cả không?” Chúng ta không thể trả lời câu hỏi này bằng sự xác nhận hay phủ nhận đơn giản được, vì nó liên quan đến toàn bộ vấn đề của tự do ý chí trái ngược với quyết-định-luận, hay nói theo ngôn ngữ quen thuộc, “định mệnh”. Câu trả lời đơn giản nhất có thể đưa ra ở đây là phần lớn những trường hợp và sự kiện chính trong cuộc đời là do nghiệp tác động, song không phải tất cả.
Nếu mọi việc được tạo điều kiện trước đến từng chi tiết bởi nghiệp hoặc bởi những quy luật vật lý của vũ trụ, ắt hẳn sẽ không có chỗ cho hoạt động của tự do ý chí trong cái mô thức nhân quả nghiêm ngặt ấy được. Và vì lý do đó, việc giải thoát tự thân khỏi cơ cấu nhân quả đối với chúng ta sẽ là điều không thể, cũng như chuyện đạt đến Niết-bàn sẽ không bao giờ xảy ra.
Trong phạm vi những sự kiện hàng ngày và những rắc rối của cuộc đời như bệnh đau, tai nạn và những kinh nghiệm đại loại như vậy, mỗi kết quả phải có hơn một nhân để tạo ra nó, và trong phần lớn các trường hợp, nghiệp (kamma)là yếu tố sắp đặt trước, nó cho những ảnh hưởng bên ngoài khả năng kết hợp và tạo ra kết quả nhất định. Trong trường hợp của tình huống liên quan đến một chọn lựa đạo đức, thì tình huống tự nó là sản phẩm của nghiệp quá khứ, nhưng phản ứng của cá nhân đối với tình huống ấy lại là một trận đấu tự do của ý chí và chủ tâm (tư tâm sở).
Chẳng hạn một người, do kết quả của nghiệp bất thiện hoặc trong kiếp này hoặc trong một kiếp quá khứ, có thể rơi vào hoàn cảnh nghèo đói tuyệt vọng, trong hoàn cảnh ấy anh ta bị cám dỗ mãnh liệt vào việc trộm cắp, hoặc vào một con đường tội lỗi nào đó sẽ đưa những nghiệp bất thiện của quá khứ ấy vào tương lai. Đây là một tình huống có nội dung đạo đức, vì nó kéo chủ thể vào một mối quan hệ của những tiềm năng luân lý. Ở trường hợp này, sự tự do chọn lựa của anh ta bắt đầu có hiệu lực; thay vì đầu hàng trước cám dỗ của tội ác, anh có quyền chọn sự lao khổ thêm nữa (để chấm dứt nghiệp bất thiện đó).
Trong vòng Thập Nhị Nhân Duyên (paṛiccasamuppāda - Pháp Duyên-khởi), các yếutố thuộc tiền kiếp, đó là vô minh và các hành nghiệp do vô minh làm duyên, được tóm tắt như tiến trình tác nghiệp thuộc quá khứ. Nghiệp này tạo ra thức (kiết sanh thức), danh và sắc, các lãnh vực nhận thức giác quan (lục nhập), xúc và thọ như những dị thục quả của nó, và các yếu tố này gọi là nhóm quả hiện tại. Như vậy cơ cấu tâm-vật-lý hay Danh và Sắc là sự thể hiện của nghiệp quá khứ hoạt động trong hiện tại, và các hiện tượng được nhận thức, được kinh nghiệm qua các ngã của giác quan (ngũ căn) cũng vậy.
Nhưng song hành với các quả hiện tại này là dòng tác nghiệp khác. Dòng nghiệp được kiểm soát bằng ý chí này là hành nghiệp hiện tại; nó là đối tác tương ứng trong hiện tại của tiến trình nghiệp quá khứ. Nó chi phối các yếu tố ái, thủ, và hữu.
Trên thực tế, điều này có nghĩa rằng dòng “sanh hữu” có gốc ở nghiệp quá khứ, vào lúc nó thể hiện ra như sự phản ứng cá nhân, chẳng hạn một mức độ tham ái phát sinh như kết quả của một cảm thọ lạc, nằm dưới sự kiểm soát của ý chí, vì thế trong khi chủ thể không có sự kềm chế đối với những tình huống trong đó anh ta hiểu rõ bản thân mình, sau khi đã tạo tác chúng trong quá khứ, anh ta vẫn có sự kiểm soát chủ quan đối với phản ứng của mình trước những tình huống ấy ở hiện tại, và chính sự kiểm soát này tạo ra những điều kiện (duyên) cho tương lai của anh. Hành nghiệp hiện tại như vậy có hiệu lực trong hình thức của những dị thục quả tương lai, và những dị thục quả tương lai này là phó bản trong tương lai của những quả nghiệp hiện tại. Một cách chính xác nó chi phối trạng thái sinh và những điều kiện trong tương lai, điều này đã được diễn tả trong (paṛicca samuppāda: Pháp Duyên-khởi) như sinh, già, chết, v.v… Toàn bộ chu kỳ ngụ ý một chuỗi năng động trong đó trạng thái do những nghiệp quá khứ tạo điều kiện cũng đồng thời là sự ấp ủ của những nghiệp hiện tại và dị thục quả tương lai của chúng.
Như vậy nghiệp không những là quy luật thiết yếu của tiến trình trở thành (sanh hữu), mà chính nó là tiến trình đó, và nhân cách đặc thù chỉ là sự thể hiện hiện tại của hoạt động của nó. Nguyên tắc của người Thiên Chúa “ghét tội nhưng thương yêu kẻ phạm tội” là vô nghĩa theo quan điểm Phật giáo. Có nghiệp, nhưng không có người tác nghiệp; “tội” và “người phạm tội” không thể tách hai; chúng ta là những hành động hay nghiệp của chúng ta, và ngoài nghiệp không có người tác nghiệp.
Các Phương Thức Duyên Hệ.
Tính chất duyên hợp của mọi hiện tượng tâm-vật-lý được phân tích dưới hai mươi bốn mặt, gọi theo Pāḷi là Paccaya(duyên hệ). Mỗi duyên trong hai mươi bốn duyên (paccaya) này là một yếu tố trợ giúp cho sự khởi sanh của các pháp hữu vi (những vật do điều kiện tạo thành). Duyên thứ mười ba là nghiệp duyên (kamma paccaya), đại diện cho những nghiệp quá khứ tạo thành căn cứ (hay duyên) của một cái gì đó sẽ sanh sau. Sáu căn và sáu cảnh, đó là, các cơ quan vật lý của thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, và nhận biết, mà như chúng ta đã thấy, xuất hiện vào lúc tái sinh kết hợp với danh-sắc, cung cấp ‘duyên’ cho sự khởi sanh của thức tiếp theo, và từ đó ‘làm duyên’ cho các phản ứng tâm lý theo sau nó. Tuy nhiên, ở đây cũng cần lưu ý rằng mặc dù nghiệp kể như ý hành (tư tâm sở) kết hợp với hiện tượng tâm lý đã khởi lên, hiện tượng tự chúng vẫn không phải là kết quả (nghiệp quả). Cách tác duyên thứ mười bốn (trong 24 duyên) là quả duyên - vipāka, kể như một duyên theo cách của nghiệp quả cho hiện tượng tâm-vật-lý, nhờ thiết lập căn cứ cần thiết trong năm lĩnh vực của ngũ thức (ngũ song thức).
Vấn đề có những sự kiện xảy ra do các nhân khác ngoài nghiệp có thể được chứng minh bằng những quy luật tự nhiên. Nếu không phải như thế, thì việc cố gắng tránh hay chữa bệnh sẽ là vô ích. Nếu có một bản chất dễ mắc một chứng bệnh nào đó do nghiệp quá khứ, và những điều kiện vật lý hiện tại tạo ra bệnh cũng có mặt, thì bệnh chắc chắn sẽ phát sinh. Cũng có trường hợp mọi điều kiện vật lý có mặt, nhưng do nghiệp duyên không có, bệnh sẽ không sinh; hoặc với sự có mặt của các nhân tố vật lý, bệnh phát sinh cho dù vắng mặt một nghiệp duyên. Bởi thế cần phải phân biệt sáng suốt giữa những bệnh được xem là kết quả của nghiệp và những bệnh chỉ do điều kiện vật lý tạo ra; nhưng vì lẽ không thể phân biệt được hai trường hợp này nếu không có tri kiến về các kiếp quá khứ (túc mệnh trí), nên mọi bệnh đều phải được điều trị theo như cách chúng được tạo ra bởi những nguyên nhân vật lý thuần tuý mà thôi. Khi Đức Phật bị Đềbàđạtđa lăn đá làm cho chân bị thương, ngài có thể giải thích rằng thương tích là quả của một tội hành hung nào đó ngài đã phạm phải trong một tiền kiếp, cộng với hành động của Đềbàđạtđa giúp cho nghiệp ấy có hiệu lực. Tương tự, cái chết dữ tợn của trưởng-lão Mục Kiền Liên là kết quả phối hợp giữa nghiệp quá khứ của ngài và sự cố ý sát nhân của nhóm đạo sĩ kình địch mà hành động của họ đã cung cấp ngoại duyên cần thiết cho cái chết ấy xảy ra.
Lý Nhân Quả
Tiến trình nhân quả trong đó Kamma(nghiệp) và Vipāka(quả) kể như phương diện nghiệp quả duy nhất, là một tác động qua lại phổ biến giữa các lực của vũ trụ. Liên quan đến vấn đề tự do ý chí trong một vũ trụ do nhân quả tạo điều kiện (thế giới duyên sanh), quan niệm về thực tại được Henri Bergson (1859-1941, cha đẻ của thuyết trực giác, sự Biến Hóa Sáng Tạo) giới thiệu được mặc nhiên công nhận là mới mẻ đối với phương Tây, đã soi sáng đáng kể trên khái niệm của đạo Phật. Bergson cho rằng cuộc sống là một sự trở thành không ngừng, vốn lưu giữ quá khứ và sáng tạo tương lai. Những vật thể cứng có vẻ vững chắc và bền lâu dường như kháng lại dòng chảy này và có vẻ có thật hơn dòng chảy, chỉ là những giai đoạn cắt ngang qua dòng chảy. Những quan niệm cho rằng tâm chúng ta mang thực thể sinh động và là một phần của thực thể ấy, nó sống và chuyển động trong thực thể ấy, những quan niệm về thực tại này đã bị quy định và giới hạn bởi những nhu cầu về sự hoạt động đặc biệt của nó.
Ở đây chúng ta có một giải thích của phương Tây về tình trạng vô minh (avijjā) – “những quan niệm về thực tại đã bị quy định và giới hạn bởi những nhu cầu về sự hoạt động đặc biệt của nó” – và chúng ta cũng có sự giải thích của ông về tính vô thường (anicca), sự trở thành không ngừng, nguyên lý của sự đổi thay. Bergson cũng gồm luôn tính vô ngã (anattā)vào hệ thống của ông, vì trong tiến trình của sự thay đổi không ngừng này, chỉ có sự thay đổi, không có “vật thể” thay đổi. Vì thế, Bergson nói, khi chúng ta xem hành động của mình như một chuỗi những bộ phận bổ sung liên kết với nhau, mỗi hành động được nhìn như vậy là do điều kiện tạo thành một cách chặt chẽ; tuy thế khi chúng ta xem toàn bộ dòng đời của mình chỉ là một và không thể tách ra được, nó có thể được tự do. Đối với dòng đời mà chúng ta có thể xem là thực tại của vũ trụ cũng thế, khi chúng ta nhìn nó đúng theo từng chi tiết mà trí tuệ giới thiệu nó đến ta, nó có vẻ như một trật tự duyên sinh thực sự, mỗi trạng thái riêng biệt có căn cứ của nó nơi một trạng thái đứng trước, tuy thế như một tổng thể, hay như một xung lực sinh động (nghiệp), nó lại tự do và sáng tạo. Chúng ta được tự do, Bergson nói, khi hành động của chúng ta xuất phát từ toàn bộ nhân cách của chúng ta, tức khi chúng ta diễn đạt nhân cách đó. Những hành động này không phải không do điều kiện tạo thành, song các điều kiện (duyên) không phải ở bên ngoài mà ở trong nhân cách của chúng ta, nhân cách ấy cũng chính là chúng ta vậy. Theo cách nói của đạo Phật, các hành (sankhāra) hay hành nghiệp của chúng ta ở quá khứ là nhân cách của ta, và nhân cách đó được quy định hay tạo điều kiện không bởi gì khác ngoài ý chí, tức cetanā (tư tâm sở) của chính chúng ta.
Bergson đã trình bày chi tiết một triết lý hoàn hảo về không gian và thời gian để đưa hiện thực vào quan điểm năng động này, quan điểm mà ông gọi là “Sự Tiến hóa Sáng tạo” (Creative Evolution), và kết luận chung của ông cho rằng vấn đề tự do ý chí đối nghịch với quyết định luận (định mệnh) đã được mặc nhiên công nhận một cách sai lầm; giống như những vấn đề bất định của đạo Phật, vấn đề không thể được trả lời vì tự thân nó là sản phẩm của sự bất nhất khác thường, rằng “quan niệm đặc biệt về thực tại đã bị quy định và hạn chế bởi những nhu cầu của một hoạt động đặc biệt” mà trong đạo Phật gọi là vô minh (avijjā), trạng thái dốt nát nguyên sơ.
Khái niệm về nhân quả trong thế giới vật lý đã trải qua những biến đổi của một trật tự quan trọng trong ánh sáng của vật lý lượng tử (quantium physics) và sự tăng trưởng kiến thức của chúng ta đối với cấu trúc nguyên tử của vật chất. Tóm lại, vị trí hiện nay có thể được tuyên bố như vầy: Trong khi người ta có thể tiên đoán định lượng những trạng thái tương lai của phần lớn những đơn vị nguyên tử, họ lại không thể định trước được trạng thái hay vị trí của bất kỳ một nguyên tử đặc biệt nào. Có một sự chênh lệch về quyền tự do hành động đối với cách cư xử của một cá nhân, điều vốn không có đối với tập thể nói chung. Trong những thời kỳ của con người, dựa vào diễn biến của những sự kiện, người ta có thể tiên đoán một quốc gia nào đó, như Gondalia chẳng hạn, sẽ lâm vào tình trạng chiến tranh vào một ngày nào đó, song họ không thể đoan chắc với bất kỳ một người Gondalia nào rằng người này sẽ tham gia tích cực trong chiến tranh. Anh ta có thể là một người phản chiến, đứng ngoài cuộc chiến theo quyết định riêng của mình; hoặc anh ta có thể đứng ngoài cuộc chiến do không đủ khả năng về phương diện thể chất. Chúng ta có thể nói rằng, “Nước Gondalia sẽ chiến tranh”, nhưng không thể nói, “Người Gondalia đó sẽ tham chiến”. Ngược lại, nếu chúng ta biết rằng một người Gondalia nào đó về phương diện thể lực không thích hợp, chúng ta có thể đoan chắc anh ta sẽ không tham chiến. Yếu tố khiến chúng ta không thể tiên đoán với mức độ chắc chắn, đó là tự do ý chí của cá nhân người Gondalia, yếu tố này có thể khiến anh ta trở thành một người theo chủ nghĩa sô-vanh (chauvinist) và là một anh hùng dân tộc, hoặc cũng có thể là một người theo chủ nghĩa hòa bình và chấp nhận làm người tù của một trại tập trung (concentration camp).
Nghiệp Hoạt Động Như Thế Nào?
Đi vào chi tiết của những cách trong đó nghiệp hoạt động, chúng ta cần hiểu rằng khi nói tới nghiệp là chỉ nói đến hành động có chủ ý. Cetanāhaṃ Bhikkhave kammaṃ vadāmi – “Ý chí, chủ ý, này các Tỳ Khưu, là những gì Như-Laigọi là nghiệp” – đây là định nghĩa do đức Phật đưa ra. Tham, sân, và si là những căn (gốc) của bất thiện nghiệp; vô tham, vô sân, và vô si (trí tuệ) là gốc của thiện nghiệp. Hạt giống được gieo như thế nào, thì cây và trái của nó sẽ là như vậy; từ một cái tâm và chủ ý không trong sạch, chỉ có những ý nghĩ, lời nói, và việc làm không trong sạch mới có thể phát ra; từ những ý nghĩ, lời nói, và việc làm không trong sạch như vậy, chỉ có thể dẫn đến những hậu quả xấu ác mà thôi.
Quả tự nó có thể xảy ra trong cùng một kiếp sống. Khi điều này xảy ra thì nghiệp đó được gọi là hiện báo nghiệp - diṭṭha dhammavedanīya-kamma - tiến trình nhân quả giữa hành động (nghiệp) và kết quả (quả) thường có thể được theo dấu một cách rõ rệt, như trường hợp một người phạm tội ác liền sau đó bị trừng phạt vậy. Những nghiệp cho quả trong kiếp kế được gọi là sanh báo nghiệp– Upapajja vedanīya-kamma. Thường những người nhớ được tiền kiếp của họ cũng có thể nhớ được nghiệp nào đã tạo ra những điều kiện hiện tại của họ.
Những nghiệp nào chín muồi trong những kiếp tiếp theo sau (kiếp kế) – nghĩa là từ kiếp thứ hai trở đi thì gọi là hậu báo nghiệp–aparāpariyā vedanīya-kamma – đây là nhữngnghiệp, do thường xuyên làm, đã trở thành thói quen và có khuynh hướng cho quả nhiều lần trong những kiếp sau đó. Tập hành duyên (āsevana paccaya)là duyên thứ mười hai trong 24 duyên và liên hệ đến tâm - nghiệp (kamma-citta, là tâm tạo tác nghiệp, để phân biệt với tâm quả, vipaka-citta, tâm hưởng quả của nghiệp quá khứ, có tính cách thụ động), trong đó những tốc hành tâm đi trước (javana-citta)là một duyên cho những tốc hành tâm nối tiếp theo sau bằng sự lập lại. Tâm lý học hiện đại gọi điều này là sự hình thành thói quen, và xem nó là một yếu tố tạo điều kiện rất mạnh của tâm và nhân cách. Đạo Phật thì nhấn mạnh đến sự lặp đi lặp lại liên tục của những việc làm thiện, những hành động từ ái, bố thí, và thường xuyên trú tâm trên những đề mục thiện, nâng cao tâm thức, như niệm tưởng những ân đức của Phật, Pháp, Tăng chẳng hạn, để thiết lập sự hình thành thói quen mạnh mẽ theo những chuẩn mực tốt và lợi ích.
Tuy nhiên, ba loại nghiệp đã mô tả ở trên có thể sẽ không cho bất kỳ quả báo nào nếu các duyên khác cần thiết cho sự trổ sanh của quả thiếu đi hoặc không có. Chẳng hạn, tái sinh trong số những hạng chúng sinh hạ liệt sẽ ngăn hay làm chậm lại những quả lợi ích của một thường nghiệp. Cũng có khi một chướng nghiệp, nếu mạnh hơn ba nghiệp kể trên, sẽ ngăn quả báo của những nghiệp ấy. Nghiệp ngăn không cho quả như vậy gọi là vô hiệu nghiệp- ahosi kamma. Cũng như, có những sự kiện xảy ra mà không có nghiệp nào kể như một nguyên nhân thế nào, ở đây cũng thế, có những hành động chỉ là những tiềm lực, vẫn chưa thực hiện được như vậy. Những hành động này, tuy nhiên, thường là những hành động hay nghiệp yếu ớt và tương đối không quan trọng, tức những hành động không do bất kỳ một xung lực mạnh mẽ nào thúc đẩy và chỉ mang theo nó chút ít ý nghĩa đạo đức mà thôi.
Về phương diện nhiệm vụ, các loại nghiệp hoạt động theo bốn cách. Thứ nhất là sanh nghiệp– janaka-kamma, nghiệp tạo ra phức hợp năm uẩn hay danh và sắc vào lúc sinh và qua mọi giai đoạn sinh của nó trong suốt đời sống. Thứ hai là trì nghiệp – upatthambhaka-kamma, là loại nghiệp không cónhững dị thục quả và chỉ có khả năng duy trì các quả nghiệp hiện hữu. Thứ ba là chướng nghiệp– upapīḷakakamma, loại nghiệp mà mãnh lực thiện hay bất thiện của nó đè nén được các quả nghiệp khác và làm trì hoãn hay ngăn lại sự trổ sanh của những quả nghiệp ấy. Loại cuối cùng trong nhóm làm nhiệm vụ này là đoạn nghiệp– upacchedakakamma, là nghiệp có tác dụng lớn đến độ nó huỷ diệt hoàn toàn ảnh hưởng của nghiệp yếu hơn và thay thế bằng những quả nghiệp của chính nó. Nghiệp này đủ sức mạnh để cắt đứt thọ mạng của một người, vì thế nó được gọi là đoạn nghiệp đúng theo nghĩa đen.
Những hành động hay nghiệp nhẹ và không quan trọng mà chúng ta làm hàng ngày tất nhiên cũng có những quả báo, nhưng chúng không phải là những nhân tố có tác dụng chi phối trừ phi những nghiệp này trở thành một phần của sự hình thành thói quen. Những nghiệp quan trọng đã trở thành thói quen, hoặc thiện hoặc bất thiện, được gọi là nghiệp thực hành thường xuyên – bahuka-kamma, và hiệu quả của chúng ưu thế hơn hiệu quả của những nghiệp không quan trọng về phương diện đạo đức hay hiếm khi được thực hiện. Những hành động nào bắt nguồn từ một xung lực đạo đức hay phi đạo đức cực mạnh và mang một hình thức quyết liệt, được gọi là trọng nghiệp – garuka-kamma, những nghiệp này cũng có khuynh hướng rơi vào nhóm hiện báo nghiệp – diṭṭhadhamma-vedanīya-kamma, và có hiệu lực trong cùng mộtkiếp sống hoặc trong kiếp kế tiếp. Những hành động như làm chảy máu một vị Phật, sát hại một vị Alahán, giết cha, giết mẹ, và cố gắng chia rẽ tăng chúng (phá hoà hợp tăng). Mặc dù đây là những nghiệp phi công đức chính, song cũng có nhiều nghiệp khác nhẹ hơn sẽ cho quả trong kiếp kế nếu vắng mặt trọng nghiệp. Đối với loại trọng nghiệp thiện cũng áp dụng như thế.
Hiện báo nghiệp cho chúng ta những dữ kiện để nghiên cứu sự hoạt động của quy luật nhân quả một cách khách quan. Thông thường thì tội ác sẽ đem lại những hậu quả của nó trong cùng một kiếp sống theo trình tự của những sự kiện có thể theo dấu được một cách rõ ràng, song điều này không phải lúc nào cũng xảy ra như vậy. Để cho một tội ác nhận sự trừng phạt xứng đáng, một cơ cấu phức tạp của các nguyên nhân phải được thực hiện. Trước hết, phải có một hành vi phạm tội hay nghiệp (kamma). Sự trừng phạt lúc đó còn tùy thuộc vào bộ luật hình sự hiện hành, vào lực lượng cảnh sát, vào tình huống tội phạm được phát hiện, và nhiều yếu tố phụ thuộc khác. Chỉ khi tất cả những yếu tố này kết hợp lại thì tội phạm mới nhận sự trừng phạt thích đáng trong cùng kiếp sống. Nếu các nhân tố ngoại lai không đủ, một mình nghiệp sẽ không tạo ra những hậu quả tức thời của nó được, và chúng ta cho là tội phạm đã thoát khỏi trừng phạt.
Tuy nhiên, vấn đề không đúng như thế, sớm hay muộn, có thể kiếp này hay kiếp kế, những tình huống sẽ liên kết lại với nhau, dù gián tiếp, và cung cấp cơ hội cho nghiệp tạo ra kết quả của nó. Do đó, theo quan điểm của đạo Phật, việc kết án tử hình không dựa trên sự cân nhắc về lòng khoan dung đối với kẻ sát nhân, một điều luôn gây tranh cãi, vì lẽ khoan dung một tội phạm hàm ý sự bất công của xã hội đối với nạn nhân, và tỏ ra thiếu sự bảo vệ đối với những người có thể trở thành nạn nhân trong tương lai; vấn đề cần phải dựa trên sự cân nhắc về nghiệp quả đối với những người làm nhiệm vụ kết án tử hình kẻ tội phạm, vì theo đạo Phật, giết hay sai bảo người khác giết đều là trọng nghiệp cả.
Trong phạm vi bài giảng này, chúng ta không thể đi sâu vào việc luận bàn về sự khác nhau trên phương diện đạo đức giữa hành động của một người giết người khác vì tham hay sân, và một người vì thực hiện bổn phận của mình đối với xã hội mà kết án tử hình người khác. Tất nhiên phải có sự khác nhau ở đây, không hoài nghi gì cả; tuy thế đối với tâm lý học Phật giáo, rõ ràng rằng không có hành vi giết người nào có thể được hoàn tất mà không khởi lên một xung lực sân hận trong tâm. Giết người một cách hoàn toàn vô tư, như trong Bhagavad Gita (là một cuốn sách biểu hiện cao nhất tôn giáo và tình yêu trong văn học tôn giáo ở Ấn Độ dưới hình thức một cuộc đối thoại giữa Arijuna và Krishna) đề xướng, là điều không thể có về mặt tâm lý; trong bất cứ trường hợp nào cũng đều phải có ước muốn hoàn tất hành vi, bằng không, hành vi không bao giờ có thể được thực hiện. Điều này áp dụng cho mọi hành động ngoại trừ hành động của vị Alahán. Vì không có một “Atman bất biến” (cái ngã không đổi), nên sự phân biệt giữa nghiệp và người tác nghiệp là điều không thể.
Tái Sinh
Cách thức, hoàn cảnh và tính chất của lần sinh kế được tạo điều kiện bởi những gì chúng ta gọi là cận tử nghiệp (maraṇāsanna-kamma), vốn là ý hành thiện hoặc bất thiện xuất hiện ngay trước khi chết. Ý hành này kết hợp với kiết sanh thức (paṭisandhi-viññṇa)hay thức nối liền giữa một biểu hiện này với biểu hiện khác. Vào sát-na ngay trước khi chết, cận tử nghiệp có thể mang hình thức của một phản xạ về một nghiệp thiện hay ác nào đó đã làm trong đời của người sắp chết. Sự kiện này đôi khi tự phô diễn như một biểu tượng đến tâm thức, giống như những biểu tượng chiêm bao của tâm lý học Frớt (Freudian). Nó cũng có thể mang theo với nó một chỉ dấu về cuộc sống tương lai, một thoáng nhìn thấy cảnh giới (loka) mà ở đó sự tái sinh sắp xảy ra. Chính do sự sanh khởi của một tâm bất thiện nào đó từ nghiệp quá khứ mà người sắp chết đôi khi biểu lộ sự sợ hãi, trong khi những người khác kinh nghiệm một cận tử nghiệp thiện với một nụ cười, thấy mình được các vị chư thiên hay bạn bè đã chết trước đó đón chào. Ai đã từng có mặt bên giường người sắp chết đều có thể nhớ lại những điển hình của hai loại cận tử này.
Chú Niệm Trong Đời Sống Và Lúc Chết
Tầm quan trọng của việc giữ cho tâm tích cực và các căn tỉnh táo cho đến sát-na tử được nhấn mạnh trong tâm lý học Phật giáo. Một phần lợi ích của việc niệm sự chết (maraṇānussati: tuỳ niệm chết, một trong mười tuỳ niệm), là nó có thể cho chúng ta khả năng tiếp cận với ý tưởng chết mà không mất tinh thần, làm chủ được các căn, và kiểm soát được các xung lực tinh thần của mình. Thay vì buộc chúng ta phải nhớ đến những tội lỗi của mình và tiến gần cái chết trong sự sợ hãi, đạo Phật dạy chúng ta nên ghi nhớ những việc thiện đã làm và bỏ qua một bên nỗi kinh sợ, giáp mặt tử thần với niềm tin an tịnh của một người mà số phận nằm trong sự kiểm soát của họ. Đây là thái độ tích cực thay cho tâm trạng tiêu cực, chán nản của các tôn giáo khác. Tâm lý học hiện đại khuyên chúng ta nên trau dồi một thái độ lạc quan như vậy suốt đời sống. Đạo Phật đi xa hơn, và cho thấy thái độ ấy là một sự che chở cần thiết khi chúng ta ở trên ngưỡng cửa của một hiện hữu mới.
Như đã nói, những ai có thể nhớ được những tiền kiếp thì cũng có thể theo dấu được tiến trình nghiệp và quả từ kiếp này đến kiếp khác. Có thể nói họ là những người duy nhất có thể phân biệt rõ những sự kiện xảy ra do nghiệp, và những sự kiện do tác nhân bên ngoài gây ra. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng nếu thiện nghiệp có ưu thế, nó sẽ tránh cho chúng ta khỏi hầu hết những lằn tên, mũi đạn của một số phận nghiệt ngã, hoặc giúp chúng ta vượt qua bất kỳ chướng ngại nào có thể có trên đạo lộ của chúng ta. Sự cố gắng của con người luôn là cần thiết, vì chính trong lúc đang thọ hưởng quả của thiện nghiệp, chúng ta cũng đang tạo ra một loạt nghiệp mới sẽ cho quả của chúng trong tương lai.
Không thể xem là quá thừa hay lặp đi lặp lại nhiều rằng sự hiểu biết đúng đắn về quy luật của nghiệp là ngược lại tuyệt đối với thuyết định mệnh. Một người sinh ra giàu có nhờ những hành động bố thí của mình trong quá khứ không nên tự mãn. Người ấy cũng ví như người có một tài khoản đáng kể ở ngân hàng, có thể hoặc sống nhờ vào số tài sản ấy cho đến khi cạn kiệt - một việc làm của kẻ ngu ngốc, hoặc có thể dùng nó như một khoản tiền đầu tư và làm cho nó tăng trưởng thêm. Sự đầu tư duy nhất mà chúng ta có thể đem theo mình từ đời này sang đời sau là thiện nghiệp. Bởi thế, lúc nào cũng vậy, mỗi người được ‘may mắn’ giàu sang, như cách nói thông thường trong dân gian, nên dùng sự giàu sang ấy một cách khôn ngoan trong việc làm thiện.
Nếu mọi người đều hiểu được quy luật nghiệp báo như vậy, ắt hẳn sẽ không còn cái tham của người giàu và lòng ganh tị của kẻ nghèo nữa. Mọi người sẽ cố gắng cho ra càng nhiều càng tốt trong các hoạt động từ thiện, hoặc ít nhất cũng biết dùng đồng tiền của mình vào những chương trình có lợi cho nhân loại. Mặt khác, những người nghèo cũng không nên có cảm giác gay gắt về sự bất công, vì họ phải nhận ra rằng tình trạng nghèo của họ chẳng qua là do nghiệp quá khứ, đồng thời những hậu quả nặng nề của nó sẽ được giải tỏa nhờ lòng quảng đại và lương tâm xã hội của người giàu. Kết quả sẽ là một chương trình chia sẻ cùng hợp tác, trong đó cả người giàu lẫn người nghèo đều có lợi.
Đây là kế hoạch sống thực tiễn mà đạo Phật khuyến khích chúng ta, một lối sống lành mạnh, đạo đức và đầy khích lệ, và đó cũng là câu trả lời cho hòa bình thế giới. Đưa được lối sống này vào thực hành chắc chắn sẽ là một bước vĩ đại hướng đến tiến bộ xã hội, và là một bước cần được thực hiện nếu chúng ta muốn cứu lấy nền văn minh nhân loại khỏi những hậu quả khủng khiếp của tham, sân, và si. Tuy nhiên, có kiến thức về quy luật nghiệp báo thôi chưa đủ, nó phải được dùng như một khoa học ứng dụng trong việc tổ chức đời sống cá nhân và quốc gia nhằm hiện thực hóa giai đoạn lịch sử nhân loại hạnh phúc hơn, ổn định hơn và quy củ hơn.