LƯƠNG VÕ ĐẾ
HT. Thích Trí Quang
Thắng lợi chân chính là ở Phật giáo chứ không phải vũ khí - A DỤC
Nội điển lục nói : "Lương vũ đế, vị Bồ tát bất tư nghị". Câu nói ấy không phải vô cớ. Ấn Độ nếu không có hoàng đế A Dục thì đại thừa Phật giáo khó phát huy một cách cực kỳ xán lạn, cũng như vậy nếu Trung Hoa không có Lương Vũ Đế thì không thể có cái Phật giáo rực rỡ ở đời Đường, đời Tùy, thâm nhập tư tưởng quần chúng, biến hóa tư tưởng xã hội. Đó là những sự thật lịch sử.
Lại chính đời Lương Vũ Đế, Phật giáo mới truyền bá qua Trung Hoa, nền tảng chưa vững chãi, trước sau lại bị nạn Ngụy vũ, Châu vũ, nếu không có Lương Vũ Đế thì Phật giáo khó mà tồn tại chứ đừng nói đến sự phát triển. Thống kỷ chép "Khi nạn Ngụy vũ, có một vị dị tăng nói : Đông độ rồi đây sẽ có một thánh vương xuất hiện, mười năm sau Phật pháp sẽ đại thịnh". Mười năm sau quả có Lương Vũ Đế ra đời và niên hiệu Thiên giám thứ ba, nhà vua cùng hàng vạn người tập trung tại điện Trùng vân tuyên bố bỏ Đạo giáo :
"Nguyện làm cho ngày sau những người đồng chân xuất gia truyền bá Chánh pháp, hóa độ hữu tình, cùng được Đại giác. Thà ở trong Chánh pháp mà chìm đắm bể khổ, không muốn quy y Lão tử để tạm được thần tiên !".
Vì vậy nên từ đó về sau dù ngồi trên ngôi hoàng đế mà hạnh đồng sa môn : Ăn thì ăn chay và ngày chỉ một bữa ; tế Giao tế Miếu thì chỉ dùng hoa quả, bánh trái. Từ vân Đại sư, người đồng thời với Lương Vũ Đế, đã nói :
"Tế tự các thức thì theo tục điển, cải cách thì theo khế kinh. Tục điển thì sát hại sanh linh, khế kinh thì chỉ trọng từ bi. Trọng từ bi thì thành muôn đức, sát hại lắm thì quả báo ở ba đường".
Thật ra Lương Vũ Đế có cố ý làm hoàng đế không ? Cứ xem lời ông đây thì biết :
"Thống trị thiên hạ không phải bản chí của tôi... Ai biết tôi không tham thiên hạ ? Chỉ người nào làm được điều mà người khác không làm nổi mới biết tâm tôi mà thôi !".
Cứ xem đó ta cũng đã có một khái niệm về Lương Vũ Đế là người thế nào. Và bao nhiêu ngộ nhận một cách mù quáng quanh ông cũng có thể tiêu tan hết. Bài này viết theo tài liệu Hải Triều âm, mục đích cũng chỉ thêm cho sự tiêu tan ấy được rốt ráo và biểu dương ra đây cái sự sáng chói của Lương Vũ Đế.
Cũng như Hoàng đế A Dục, Lương Vũ Đế trước khi tín ngưỡng Phật giáo, ông là một người xây đắp ngai vàng mình bằng tính mạng tài sản của nhân dân. Tuy nhiên, sự tín ngưỡng Phật giáo của Lương Vũ Đế là do chánh giải (lý giải giáo lý một cách đúng đắn), chứ không phải mê tín. Ta cứ nghe ông tự thuật :
"Khi nhỏ tôi học Nho giáo, nghiên cứu tứ kinh, tìm xét ngũ thư. Lớn lên, tôi học Đạo giáo, rõ biết vô vi, tinh thông pháp thuật. Bây giờ học Phật pháp mới thấy như thái dương trước các thứ ánh sáng. Nhờ Phật pháp, tôi mới rõ khổ tập, mới hiểu nhân quả, không phủ nhận giá trị muôn loài bằng lý bình đẳng, quy nạp chân như sự vật về lý vô sanh. Tâm lý chúng sanh khó duy nhất, nhưng thành kiên cố chấp thì bị pháp tan. Qui nguyên không hai nẻo mà chí cực chỉ viên dung. Phật giáo trước các giáo khác như đại thọ ngàn thước mà cây cỏ chỉ bằng mầm mống của nó. Thiệt là mây lớn mưa lớn, cây co tùy phần hấp thụ mà tươi tốt. Chỉ vì tâm trí sinh dị giải mà kết quả có sai thù, nhưng sai thù không phải tác ý nên sâu cạn chỉ vì phân biệt". - Tam giáo thi (dịch ý).
Xem đó thì thấy Lương Vũ Đế tín ngưỡng Phật giáo là nghiên cứu tinh thông trước rồi sau mới tin. Lại, đây nữa, trong Tịnh nghiệp phú, Lương Vũ Đế tự viết :
"Chính trị trên thì hôn bạo, dân tình dưới thì loạn ly, đạo quân tử ẩn mặt, đường tiểu nhân lớn thêm... Người ngay thẳng phải mất đầu, tôi trung dũng bị giết chóc, sắc phục đồng nhà Tề mà đầu ai cắm thân ấy, ai cũng xưng mình là đế chúa tôn cao, dối trá quần chúng, nghi hoặc lòng người.... Tôi phải phấn lực đứng dậy san phẳng những kẻ ấy. Khi gian hùng đã trừ, dân tình hết khổ rồi thì tôi định về vườn, cuốc rau lặt cỏ. Nhưng dưới vì lòng người thúc ép, trên sợ lẽ phải, nên bất đắc dĩ phải nhận lấy ngôi báu. Thiệt như bước xuống vực sâu, như đi trên băng mỏng... Đời có kẻ dư luận so sánh tôi với Thang, Vũ. Nhưng Thang, Vũ là Thánh, tôi là kẻ phàm phu. Tôi khi còn nhỏ vì chưa có chánh tín, chánh giải nên sát hại sanh mạng, ăn thịt ăn cá, cho đến khi lên ngôi, sơn hào hải vị đầy dẫy, nhưng trước cảnh đó, nhờ Phật pháp mà phải sa nước mắt, nghĩ rằng đây là máu thịt của cha mẹ bà con mình, giận mình chưa xả thân cúng dường họ được, bây giờ nỡ nào ngồi ăn. Nhưng chỉ tự làm, không cho ai hay. Lâu rồi có người biết, thiệt lòng khuyên tôi, nhưng điều đó đâu phải là chí trung đối với tôi. Tôi nghĩ thống trị thiên hạ không phải bản chí của tôi. Lời Đỗ Thứ nói rất đúng : Cắt lòng quăng ra giữa đất thì cũng chỉ là vài miếng thịt mà thôi. Nên ai biết được tôi không tham thiên hạ ? Chỉ người nào làm được việc mà người khác không làm nổi mới đủ điều kiện hiểu biết tâm tôi. Tôi xa lánh phòng thất, không dùng thị thiếp cung tần đã hơn 40 năm nay". Cho nên Vũ cung thật lục chép :
"Nhà vua ăn thì sơ bạc, mặc thì gai vải, mùa lạnh mùa nóng đều như nhau. Ở thì một mình, không thị vệ, không đồ chơi. Trước mắt chỉ trầm hương và pháp bảo. Lợi để cho người mà tiết kiệm phần mình".
Thiệt là những lời tả thật. Đời của Lương Vũ Đế như vậy nên thiệt không thẹn là con cháu của Tiêu Hà, lương tướng nhà Hán.
Đương thời pháp sư Huệ Ước là người đức cao trí cả, ngày mồng tám tháng tư nhà vua cầu thọ Bồ tát giới với ngài. Kinh Phạm võng nói : "Người ở địa vị thống lãnh một nước thì trước hết phải thọ Bồ tát giới đã". Nên đây là tấm lòng chân thật của Lương Vũ Đế sau khi ông thọ giới :
"Tôi nghĩ nếu không thọ Bồ tát giới thì làm sao có tâm từ bi, làm hạnh bình đẳng ? Vì vậy nên tôi cho ức triệu sanh linh đều được sung sướng"./.
- o0o -