Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Thánh Hà Tây
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
Phần 5
Mời xem kinh văn: “Vô trí diệc vô đắc”. Câu kinh văn đoạn này,một câu cũng là một đoạn. Cái này gọi là tự tánh, Niết Bàn. Trước tiên phải nói cái trí này là cái trí năng quán, còn đắc là cái lý sở chứng. Vô trí chính là nói trí năng quán không thể được. Vô đắc là cái lý sở chứng cũng không thể được. Hay nói cách khác, trí năng quán là không, cảnh giới của chỗ không đó cũng là không. Cái ý này rất sâu. Phàm là người học thuộc qua Kinh Lăng Nghiêm, ít nhiều cũng có thể thể hội được cảnh giới này. Trong Kinh Lăng nghiêm nói với chúng ta, vô minh rốt cuộctừ đâu mà có vậy? Tôn giả Phú Lâu Na đưa ra vấn đề lớn này lên Phật Thích Ca Mâu Ni, Thế Tôn bảo với ông rằng: “tri kiến lập tri, thị vô minh bổn”. Quả thực Thế Tôn thực sự chỉ cần một câu đã nói tột. Hay nói cách khác, là do có trí, có trí chính là căn bản của vô minh. Nếu như cótrí, có cái trí năng chứng, có cái lý sở chứng, năng sở chưa quên thì vô minh sẽ không thể dứt hết. Cho nên vô trí mới là chân trí, vô đắc mớilà chân đắc. Đắc đây là gì vậy? Là tự tánh cứu cánh viên mãn. Hay nói cách khác, tự tánh đến lúc này mới thực sự hiện ra viên mãn, ngay cả cáitrí năng chứng cũng không còn nữa. Tự tướng của tất cả pháp đều là không, cho nên năng thủ sở thủ, năng chứng sở chứng đều không thể được.
Nên biết Phật nói pháp, nguyên tắc nói pháp của ngài là nhằm đối trị lại với bệnh của chúng ta. Chúng sanh chấp trước tất cả pháp đều có, chorằng tất cả pháp tướng đều là chân thực, đây là cái thấy sai lầm. Từ quan điểm sai lầm này, sinh ra cách nghĩ sai lầm, cách làm sai lầm, đó chính là phân biệt, chấp trước, có lấy có bỏ, có được có mất. Họ đâu biết rằng những hiện tượng này toàn là tướng không. Đối với dạng người này thì Phật dùng cái không này để đối trị. Cái không mà Phật nói đây, cũng hoàn toàn đúng với chân tướng sự thật, hoàn toàn không phải là giả thiết, hoàn toàn không phải là hư cấu, mà để chúng ta sau khi hiểu được chân tướng sự thật, biết được các pháp là không tướng, thì sự ảo tưởng của chúng ta về tất cả pháp, phân biệt chấp trước tự nhiên liền buông xả, do đó cái bệnh chấp trước này liền trừ sạch ngay. Nhưng có bệnh thì trừ, cũng không nên chấp trước vào không. Chấp trước không thì bạn lại sai rồi, cho nên không cũng không có. Một câu này nói đến chỗ rốt ráo, thì ngay cả trí, đắc cũng là pháp duyên sanh. Hay nói cách khác, trí, đắc cũng không có tự tánh, cũng không thể được.
Tiếp theo chúng ta xem kinh văn dưới đây. Kinh văn dưới đây biểu thị ra chỗ đại dụng của tu học Bát Nhã. Công hiệu của nó chúng ta nhìn thấy rồi, là “dĩ vô sở đắc cố”. Câu này là tổng kết những điều đã nói phía trước, tất cả pháp tướng không thể được, năm uẩn, 12 xứ, 18 giới, tất cả phương pháp tu học cũng không thể được. Tứ đế, mười hai nhân duyên, cho đến trí và đắc đều không thể được. “Dĩ vô sở đắc cố”. Cái tâmđịa này thật sự trong sáng rồi, thật sự buông xả rồi, cho nên thân tâm thế giới muôn duyên đều buông bỏ. Buông xả như vậy thì vọng tình liền dứt. Vọng hết thì chân liền hiện, chân tánh liền hiển lộ ngay. Cho nên “Bồ đề tát đỏa y bát nhã ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại.” Quái ngại tức là lo nghĩ. Người thế gian chúng ta thường nói lo nghĩ không yên. Cóquái thì có chướng ngại. Nương theo ngã chấp thì khởi phiền não chướng.Phiền não chướng tâm thì tâm không thanh tịnh, tâm không tự tại, tâm không giải thoát, liền đó tạo nghiệp, trôi lăn. Cho nên cái làm chướng đại Bồ Đề này gọi là quái. Nương theo pháp chấp, thì khởi sở tri chướng.Sở tri chướng làm chướng tuệ, tuệ không được giải thoát, không hiểu được tự tâm, không thông đạt được tánh tướng. Cho dù đã đoạn kiến tư phiền não, đã ra khỏi tam giới, nhưng do có chấp pháp nên cũng chỉ có thể co cụm lại ở tiểu thừa, không thể thành Phật. Cho nên sở tri chướng làm chướng đại Niết Bàn, đây gọi là ngại. Tất cả chúng sanh đã nhận lầm tứ đại, lục trần, năm uẩn, mười tám giới. Chấp trước ngã kiến, chấp trước ngã sở, thế là mới có lục đạo luân hồi. “Bồ Tát y Bát Nhã ba la mật đa”, câu nói này phải dùng kiểu ngắn gọn rõ ràng của Trung Quốc để nói là nương theo trí tuệ cứu cánh viên mãn, đem chân tướng sự thật nhìncho rõ, thế là tâm không còn quái ngại. Cái không còn quái ngại ở đây chính là chấp ngã, chấp pháp thảy đều xa lìa, không còn vọng tưởng, chấptrước nữa.
“Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng”,công phu ở đây tiến thêm một bước nữa, chúng ta nhìn thấy quả đức của họ lại tiến thêm một bậc. “Khủng bố”, cái sợ hãi lớn nhất của người thế gian là sanh tử. Viễn ly khủng bố chính là trong nhà Phật chúng ta thường hay nói dứt sanh tử, ra khỏi tam giới, đoạn dứt sanh tử. Nguyên nhân của sanh tử luân hồi, trong tất cả kinh luận nói vô cùng cặn kẽ. Nóquả đúng là nương vào mê hoặc điên đảo mới tạo tác tất cả nghiệp thiện ác, nên chiêu cảm quả báo trong tam giới. Phàm phu không biết những chântướng sự thật này, nên tâm sợ hãi lúc nào cũng luôn thường trực. Sanh tử là sợ hãi, ác danh cũng là sợ hãi. Ác đạo đây là người đã học Phật biết sáu nẻo luân hồi là đáng sợ. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “điều sợ hãi của chúng sanh tổng cộng có 18 loại”. Ở đây chúng ta không cần nói rõ ra từng loại. Điều sợ hãi nghiêm trọng nhất hiện ra trước mắt chúng ta đây không có gì hơn là ở trong sáu nẻo sanh tử luân hồi. Tuy trong kinh Bát Nhã đã nói rất rõ ràng cho chúng ta, chỉ cần chúng ta có thể xalìa quái ngại, cũng chính là nói chúng ta xa lìa được chấp ngã và chấp pháp thì sẽ không có sợ hãi nữa. “Viễn ly điên đảo mộng tưởng”, điên đảolà vô minh, điên đảo là đảo lộn. Hay nói cách khác, chúng ta đã thấy sai, thấy điên đảo chân tướng của vũ trụ nhân sinh rồi.
Thí dụ như trong kinh nói cho chúng ta biết có bốn loại điên đảo gọi là thường, lạc, ngã, tịnh. Thường là không biết vạn pháp trong thế gian là vô thường, cho rằng có một cái thường, đây là cái thấy sai lầm, đây là cái thấy biết điên đảo. Lạc là không hiểu rằng lạc ở trong pháp thế gian là nhân của khổ. Cái ý trong câu nói này vô cùng thâm sâu. Nếu như không thật bình tĩnh mà quan sát cho tỉ mỉ thì bạn sẽ không thấy được cái chân tướng sự thật này. Tại sao vậy? Vì ham mê thọ lạc thì tự nhiên sẽ khởi phiền não tam độc tham-sân-si. Nếu như thấy được sự thật này, bạn mới hiểu được lạc không phải là việc hay, lạc không bằng khổ. Cho nên Phật dạy chúng ta phải lấy khổ làm thầy. Khi con người ở trong khổ nạn sẽ dễ dàng cảnh giác, từng giây từng phút muốn thoát ra. Con người ởtrong ái dục, có thể nói đó là mê ngày càng sâu thêm, rất khó có cái ý thoát ra, cho nên nói lạc là cái nhân của khổ. Ta điên đảo, người thế gian chấp trước cái thân thể này là mình, không biết rằng cái thân thể này là do tứ đại, năm uẩn giả hòa hợp mà có. Không những ngã không có tựtướng, mà phần trước cũng đã nói là tứ đại, năm uẩn cũng không, nên không thể được. Cái điên đảo thứ tư là tịnh, nói một cách đơn giản là không biết thân tâm của mình đều là dơ bẩn chứ không phải thanh tịnh. Cái dơ bẩn của cơ thể, chúng ta không khó lý giải. Cái dơ bẩn của tâm quả thật mà nói, xã hội hiện nay so với trước đây không biết là nghiêm trọng gấp bao nhiêu lần. Chúng ta cũng không khó nhận ra. Các thứ như vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thị phi, nhân ngã, tham sân si mạn, những ý niệm này đều là sự dơ bẩn của tâm, đây gọi là điên đảo.
Mộng tưởng là tỉ dụ. Khi nằm mộng, cảnh trong mộng là do vọng tưởng biến hiện ra, căn nguyên của vọng tưởng là ở năm uẩn. Trong kinh Lăng nghiêm nói với chúng ta: “Sắc uẩn là vọng tưởng kiên cố, Thọ uẩn là vọngtưởng hư minh, Tưởng là vọng tưởng dung thông, Hành là vọng tưởng u ẩn,Thức là vọng tưởng điên đảo”. Trong quyển thứ 10 của kinh Lăng Nghiêm nói rất rõ ràng. Từ đó cho thấy, phàm là người có vô minh, có vọng tưởng, thì họ sẽ nằm mộng, gọi là kết tưởng thành mộng. Đây là trong đạikinh Phật nói rõ cho chúng ta biết nguồn gốc của nằm mộng. Đương nhiên ởđây nói nguồn gốc của mộng, hiện tượng của mộng có đủ dạng khác nhau. Ởtrong kinh Lăng nghiêm nói cho chúng ta biết là do kết tưởng thành mộng, tức là ngày có suy nghĩ gì thì đêm sẽ mộng thấy nấy, là thuộc vào loại này. Còn một loại khác, là do tập khí từ vô thỉ kiếp, không nhất định là trong đời này, có khi là ở đời trước, có khi là ở đời trước nữa,sẽ xuất hiện trong cảnh mộng. Cũng có thể mộng thấy vị lai, cũng có quỷthần hay Phật Bồ Tát đến báo mộng. Hiện tượng trong mộng này có đủ dạngkhác nhau. Nhưng cảnh mộng là hư huyễn chứ không có thật. Cổ nhân dạy chúng ta, lúc tỉnh chúng ta có thể làm chủ được, trong mộng còn phải làmchủ được nữa thì đó mới gọi là công phu. Cho nên người tu hành, cái cảnh trong mộng này cũng là một cách kiểm tra rất tốt, kiểm tra xem côngphu của bản thân chúng ta có đến nơi đến chốn hay không? Cũng chính là ởtrong mộng có làm chủ được hay không?
“Vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn”.Đây là thành tựu tu học của Bồ Tát nương theo bát nhã ba la mật đa. Xa hẳn điên đảo mộng tưởng mới có thể đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Trước chữ Niết Bàn có hai chữ cứu cánh, ở đây phân biệt rõ không phải Niết Bàn củatiểu thừa. Tiểu thừa gọi là thiên chân Niết Bàn, chưa cứu cánh, chưa viên mãn. Cứu cánh Niết Bàn là chỗ chứng của Phật quả Viên Giáo. Bồ Tát tuy chưa chứng được viên mãn, nhưng họ có thể có phần chứng cứu cánh Niết Bàn. Cái cứu cánh này là không phải thiên chân Niết Bàn của nhị thừa.
Trước tiên chúng ta đem hai chữ Niết Bàn này ra giới thiệu một cách đơn giản. Niết Bàn là tiếng Phạn, phiên dịch ra nghĩa của tiếng Trung Quốc rất nhiều, nhưng nghĩa thường thấy nhất là dịch thành diệt trong khổ-tập-diệt-đạo ở trong Tứ Đế. Diệt là diệt phiền não. Niết Bàn của tiểu thừa là diệt kiến tư phiền não nên chưa phải cứu cánh. Vì ngoài kiến tư phiền não ra, còn có trần sa phiền não, vô minh phiền não, ngườibên tiểu thừa vẫn chưa đoạn trừ. Cho nên Niết Bàn đó gọi là thiên chân Niết Bàn. Chỗ chứng của Bồ Tát đại thừa không những đã dứt kiến tư phiềnnão, mà trần sa phiền não cũng đã dứt, vô minh cũng đã phá được mấy phần rồi, thù thắng hơn nhiều so với Niết Bàn của tiểu thừa, cho nên gọilà cứu cánh Niết Bàn. Bồ Tát phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, cũng là chứng một phần cứu cánh Niết Bàn. Từ sơ trụ đến đẳng giác có 41 cấp bậc, phần chứng từng phẩm. Từ đó cho thấy, đại Niết Bàn trên quả vị của Như Lai không phải một lúc liền có thể đạt được, mà phải dần dần mới chứng được viên mãn.
Danh từ này [Niết Bàn] còn có một cách dịch khác, cũng là nghĩa mà chúng ta thường thấy, đó là dịch thành viên tịch. Viên là viên mãn, tịchlà thanh tịnh tịch diệt. Chữ tịch này quả thật chính là nói kiến tư, trần sa, vô minh dứt rồi, tâm đã đến mức thanh tịnh tịch diệt. Viên thì sao? Là hiển lộ ra tánh đức viên mãn. Chúng ta nhìn thấy trong kinh đại thừa, Phật nói với chúng ta, viên giáo sơ trụ Bồ Tát chỉ phá một phẩm vôminh, tác dụng của họ sẽ gần giống với quả vị của Như Lai. Trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Quán thế Âm dùng phương pháp tu học phản văn văn tự tánh để thành đạo vô thượng, chứng nhập sơ trụ. Sơ trụ của Viên Giáo sẽ có năng lực tùy loài mà hóa thân, phổ độ tất cả chúng sanh trong các cõinước chư Phật mười phương. Nơi nào cần dùng thân Phật mà được độ thì họtức khắc hiện thân Phật đến thuyết pháp. Trên thực tế là Bồ Tát ở quả vị Sơ Trụ Viên Giáo có thể thị hiện hình tướng có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của vị Phật này đến độ chúng sanh. Từ đó cho thấy, ở trong cứu cánh Niết Bàn này, quả thực là có ý nghĩa của viên tịch, công đức viên mãn. Đây là đại Niết Bàn mà trong kinh luận thường hay nói. Bồ Tát nương theophương pháp bát nhã ba la mật đa, đến cấp bậc này thì nhân tròn quả đủ.Cụm từ “cứu cánh Niết Bàn” ở trong câu này, nếu như từ viên giáo đại thừa mà nói là Bồ Tát từ quả vị sơ trụ đến quả vị đẳng giác, ở trong đâylà có 42 cấp bậc, quả vị Bồ Tát đến đây là viên mãn rồi.
Hướng lên trên nữa, “tam thế chư Phật nương theo bát nhã ba la mật đa cố, đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề”.Đoạn kinh văn này nói với chúng ta một sự thật vô cùng quan trọng. Bồ Tát nương theo trí tuệ bát nhã có thể chứng được đẳng giác, từ sơ trụ đến đẳng giác của Viên Giáo. Tất cả chư Phật Như Lai cũng phải nương theo bát nhã ba la mật đa mới thành tựu được vô thượng bồ đề. Đây là nóirõ việc dạy học tu học của Phật pháp, vị trí của bát nhã chiếm ở trong đây là vô cùng quan trọng. Chẳng lạ gì khi Thế Tôn còn tại thế đã nói kinh Bát Nhã đến 22 năm. Phật Thích Ca Mâu Ni 49 năm thuyết pháp đã nói kinh Bát Nhã 22 năm, gần như chiếm hết một nửa thời gian nói pháp của Ngài.
Tổng cương lĩnh Phật pháp là tam học giới định tuệ. Bát nhã là tuệ học. Thường ngôn nói rất hay, do giới mà được định, do định mới khai mở trí tuệ. Làm sao chứng được Bát nhã đây? Phải từ định mới đạt được. Cho nên không những đại bát nhã, mà ngay cả tiểu bát nhã, ở trong Đại Tạng kinh có tiểu phẩm bát nhã, bát nhã không có ở trong kinh, ở trong kinh không có bát nhã, bát nhã cũng không ở trong ngôn ngữ của Phật, ở trong ngôn ngữ cũng không có bát nhã. Không những ở trong ngôn ngữ không có, mà bát nhã cũng không ở trong tư duy tưởng tượng. Tâm kinh là tổng cươnglĩnh của Bát Nhã. Sau khi học rồi, những chỗ mấu chốt quan trọng nhất này đều phải thể hội được. Bát nhã ở trong tất cả các pháp không, cho nên ôm kinh Bát Nhã để học bát nhã đó là sai lầm. Nhưng quí vị phải hiểurằng, lìa kinh Bát Nhã cũng không có bát nhã. Vậy chúng ta phải tu học làm sao đây? Làm sao đạt được đây? Bồ Tát Mã Minh ở trong Khởi Tín Luận có một gợi ý quan trọng cho chúng ta, gợi ý phương pháp tu học. Ngài bảovới chúng ta, dạy chúng ta đọc kinh, nghe pháp phải lìa tướng ngôn thuyết (lìa là không chấp trước); phải lìa tướng danh tự, không nên chấptrước những danh từ thuật ngữ này; phải lìa tướng tâm duyên. Cái tâm duyên ở đây chính là tư tưởng nghiên cứu. Bạn chỉ có thể nghe, không nênsuy nghĩ. Tại sao vậy? Vừa nghĩ như vậy thì liền rơi vào trong ý thức rồi. Thức thứ sáu là phân biệt, thức thứ bảy là chấp trước, cho nên vừa nghĩ liền rơi vào trong ý thức ngay, thế là sai rồi. Chúng ta nhất định phải biết, nếu như chúng ta không dùng tâm ý thức, thì đó chính là tự tánh khởi dụng. Chỉ có tự tánh khởi dụng, thì bát nhã mới hiện tiền. Cáiđạo lý này rất sâu. Bồ Tát sở dĩ có thể thành tựu, chính là họ biết cácpháp không tướng. Vì biết tất cả pháp là không, cho nên họ mới có thể xa lìa vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, dùng tâm thanh tịnh soi thấy thực tướng của các pháp. Như vậy tự nhiên liền khế nhập cứu cánh Niết Bàn.
Tiến thêm lên một bước nữa, cái này là nói, bình đẳng chân chánh sẽ giác biết chân tướng của tất cả các pháp, biết rõ triệt để cứu cánh. Cáicó thể biết rõ ở đây chính là trí tuệ bát nhã vô thượng. Ở đây bất đắc dĩ mới nói ra cái danh từ như vậy, kỳ thực trong tánh tướng đều không códanh tướng ngôn thuyết. Cho nên danh khả danh, phi thường danh; đạo khảđạo, phi thường đạo. Bất đắc dĩ dùng những danh tướng ngôn thuyết này để gợi ý cho chúng ta, làm người dẫn đường cho chúng ta. Chúng ta từ chỗgợi ý này, từ trong chỗ dẫn đường này mà khế nhập chân thực. Cho nên ở trên nhân thì gọi nó là trí, còn ở trên quả thì gọi nó là giác. Quả đạt đến chỗ tột đỉnh thì thêm vào chữ vô thượng.
“A nậu đa la tam miệu tam bồ đề”, đây cũng là thuộc về tôn trọng nên không dịch, ý nghĩa của nó là vô thượng chánh đẳng chánh giác. A dịch thành vô, Nậu Đa La dịch thành thượng, Tam Miệu dịch thành chánh đẳng, Tam Bồ Đề dịch thành chánh giác, Bồ Đề dịch thành giác. Hợp chung lại gọi là vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chánh chứng tỏ không có tà, không có mảy may tà lệch, hoàn toàn chính xác. Đẳng là bình đẳng với chỗchứng của tất cả chư Phật. Cái gọi là “song chiếu nhị biên, chuyển tám thức thành bốn trí, chứng pháp không mà ngộ chân như”. “Chân như”, hai chữ này, chân là nói pháp tánh, như là nói pháp tướng, tánh như kỳ tướng, tướng như kỳ tánh. Cổ đức vì muốn cho người ta dễ hiểu nên thườngdùng vàng và đồ dùng bằng vàng để tỉ dụ. Thí dụ vàng, lấy vàng tạo ra đồ dùng, các đồ dùng đều là vàng. Vàng dụ cho chân tánh, còn đồ dùng dụ cho pháp tướng. Vàng chính là đồ dùng, đồ dùng chính là vàng. Đây là chứng tỏ: “tướng tức là tánh, tánh tức là tướng, tánh tướng nhất như”, cho nên gọi là chân như. Đây là sự giác ngộ chân chánh thanh tịnh của chư Phật Như Lai. Từ đó giác được thực tướng của tất cả các pháp, đây chính là chân tướng. Tất cả chân tướng các pháp đã hoàn toàn giác rồi, chúng ta gọi đó là bồ đề. Bồ đề chính là cái ý này vậy. Cổ đức cũng có giải thích một cách đơn giản rằng, Bồ Đề nghĩa là chứng được pháp không.Ở đây chính là tất cả các pháp không tướng mà trong kinh đã nói, họ đã hoàn toàn biết rõ, hoàn toàn hiểu rõ, cũng đã hoàn toàn khế nhập rồi. Cái này chính là không phải là giải ngộ mà là chứng ngộ, chứng được chânnhư, chứng được đạo lý của thực tế, chứng được đạo lý của pháp tánh, cũng có thể nói chứng được những chân tướng sự thật trong pháp giới này.Phật bèn lập cho nó một cái danh từ gọi là Bồ Đề, nhằm làm phương tiện cho mục đích dạy học, Phật dùng những danh từ thuật ngữ này là để tiện lợi cho việc dạy học. Cái này là danh tướng, nó từ đâu mà có chúng ta phải biết.
Lại nói: “không thể phá hoại, không thể phân biệt, cái này gọi là bồ đề”. Lại nói: “tánh pháp chân như, tánh không thay đổi, tánh không điên đảo, cái này cũng gọi là bồ đề”. Chúng ta từ trong các cách giải thích đó mà nhận ra được nghĩa đích thực viên mãn, nghĩa thú tinh hoa của A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Phật nương theo bát nhã mà chứng đắc.
Hiện nay Tịnh Tông chúng ta, trong kinh nói với chúng ta: “niệm Phật vãng sanh, bất thối thành Phật”. Từ đó cho thấy, tinh tủy bát nhã giải ngộ đã là việc vô cùng không dễ rồi, chứng ngộ sẽ càng khó hơn nữa. Chính vì nó khó, cho nên Phật A Di Đà đại từ đại bi, lập nên thế giới Cực lạc ở Tây phương, vì chúng ta tạo nên tăng thượng duyên tốt nhất, đểchúng ta đến nơi đó tu học viên mãn Bát Nhã Ba La Mật Đa. Nếu không có bát nhã cứu cánh viên mãn, thì quí vị thử nghĩ xem, làm sao có thể khôngthối chuyển đây? Định công còn bị thối chuyển, chỉ có bát nhã chân thựcmới có thể đạt đến bất thối chuyển. Ở trong đây cổ đức vì chúng ta nói rất hay, duyên thù thắng nhất ở Tây Phương chính là những người thượng thiện đều tụ hội cùng một chỗ. Chúng ta cùng ở chung với những người chứng được bát nhã cứu cánh viên mãn, có họ chăm lo, có họ quan tâm, có họ dìu dắt, chúng ta mới có thể ở trong một đời này cũng viên chứng đượcđại bồ đề.
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư sĩBiên tập: Phật tử Diệu Hiền