Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4

27/08/201114:10(Xem: 5931)
Phần 4

Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Lược Giảng

Đời Đường, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch

Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng

Ngày hôm nay, tôi có điều này báo cho các quý vị hay là những người ở Los Angeles đây có duyên với một trong các vị Đại Bồ-tát. Khí hậu vùng Los Angeles cũng na ná giống vùng Cửu Hoa Sơn bên Trung Hoa, nhân duyên cũng tương tự, cho nên mọi người trong vùng này đều có duyên với Bồ-tát Địa Tạng. Cũng vì mối quan hệ đó mà Kim Luân Thánh Tự đã tôn ngài Địa Tạng làm chủ và thờ ngài Quán Âm làm Hộ Pháp, hộ trì cho đạo tràng. Trong tương lai chúng ta sẽ thỉnh một tôn tượng của Ngài Địa Tạng về chùa Kim Luân này.

Có một điểm quý vị nên lưu ý. Ai muốn đảnh lễ Ngài Địa Tạng thì hãy tới Kim Luân Thánh Tự. Muốn đảnh lễ Đức Quán Âm, hãy đến Vạn Phật Thánh Thành, vì ở đó Bồ-tát Quán Thế Âm làm chủ, còn ngài Địa Tạng làm Hộ Pháp, hộ trì cho đạo tràng kể trên. Nguyên nhân là tiết trời tại khu San Francisco cùng với Phổ-đà sơn có điểm giống nhau, khí hậu không khác bao nhiêu, thành thử đạo tràng của Bồ-tát Quán Âm đã đặt ở nơi đó.

Vancouver là đạo tràng của ngài Văn-thù vì ngài Văn-thù thường thường thị hiện tại đây. Ở Vancouver có một quả núi, thường phát ra ánh sáng, đó là do ngài Văn Thù phóng quang. Đạo tràng tại Seattle thì tôn ngài Phổ Hiền làm chủ, và ngài Văn-thù làm Hộ Pháp. Ai muốn chiêm bái Bồ tát Phổ Hiền thì hãy đến Seattle, cũng giống như quý vị triều bái Nga-mi sơn vậy.

Quý vị đều cư ngụ cách xa Trung quốc, muốn triều bái Bồ-tát Quán Thế Âm thì khỏi cần đi xa, chúng ta hãy đến Vạn Phật Thánh Thành; muốn triều bái Cửu Hoa Sơn thì đến Kim Luân Thánh Tự; muốn đi ngũ Đài Sơn chiêm bái ngài Văn Thù Sư Lợi thì lại đến Vancouver. Để đáp ứng nhu cầu đó mà tôi đã thỉnh cả bốn vị đại Bồ-tát, mời các Ngài đến bốn đạo tràng của địa phương này, đặng giúp cho quý vị tiện đường chiêm bái mà không cần phải mất công đi xa.

Tôi nói bốn vị Bồ tát trú tại các đạo tràng nói trên, không có nghĩa rằng quý vị đến đấy ắt sẽ trông thấy các Ngài. Đó chỉ là điều cảm ứng riêng của tôi, tôi nói ra để quý vị biết. Còn tin hay không tin là tùy tâm quý vị.

(Tới chỗ này có một đoạn chử in màu nâu do một vị đệ tử bổ giảng vì băng thâu bị sót mất)

Bấy giờ Thế Tôn, bảo A-nan rằng: Như ta khen ngợi công đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đó là những chỗ rất sâu của các hành vi chư Phật, khó hiểu đến cùng. Ông có tin không?

Nhĩ thời Thế Tôn cáo A Nan ngôn: “Như ngã xưng dương bỉ Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai sở hữu công đức, thử thị chư Phật thậm thâm hành xứ, nan khả giải liễu, nhữ vị tín phủ?”

Chúng ta tu học Phật cần phải có lòng tin chân thật, lời nguyện thiết tha thì mới có được lợi ích. Cho nên Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Lòng tin là gốc của Đạo, là mẹ của công đức, nuôi dưỡng và phát triển hết thảy các thiện căn”. Nếu lòng tin của chúng ta không đủ thì công đức không thể thành tựu được.

“Bấy giờ Thế Tôn, bảo A-nan rằng:”, lúc bấy giờ Phật bảo Tôn giả A-nan rằng; “Như ta khen ngợi công đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đó là những chỗ rất sâu của các hành vi chư Phật”, như ở trên ta vừa tán dương mọi công đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đó đều là những cảnh giới trong đó hiển xuất những hành vi thâm diệu của chư Phật; “khó hiểu đến cùng”, khó có thể hiểu tường tận, chỉ có Phật với Phật mới hiểu được mà thôi, còn như phàm phu thì không hiểu được, cũng không tưởng tượng được; “Ông có tin không?”, ông A-nan! Ông có tin không? Ông có thực thà tin những lời tôi nói mà không có chút hoài nghi nào không?

A-Nan bạch rằng: Đại đức Thế Tôn! Con đối với kinh của Phật đã nói, chẳng sanh nghi hoặc, là vì lẽ sao? Vì rằng ba nghiệp thân ngữ ý của hết thảy chư Phật đều thanh tịnh cả. Đại đức Thế Tôn! Vầng nhật nguyệt kia, làm rơi xuống được, núi Diệu Cao Vương làm nghiêng đổ được, lời chư Phật nói không có khác được.

A Nan bạch ngôn: “Đại đức Thế Tôn! Ngã ư Như Lai sở thuyết khế kinh bất sinh nghi hoặc, sở dĩ giả hà? Nhất thiết Như Lai, thân ngữ ý nghiệp, vô bất thanh tịnh. Thế Tôn! Thử nhật nguyệt luân, khả linh đọa lạc, Diệu cao sơn vương, khả sử khuynh động, chư Phật sở ngôn, vô hữu dị dã.

“A-Nan bạch rằng:”, Tôn giả A-nan đáp lại rằng; “Đại đức Thế Tôn!”Ông A-nan dùng chữ đại đức để thưa lên Phật; “Con đối với kinh của Phật đã nói”(Ngã ư Như Lai sở thuyết khế kinh), đối với khế kinh mà Phật đã giảng thuyết. Chữ “khế” là khế hợp, là ăn khớp, trên thì khế hợp với đạo lý của chư Phật, dưới thì khế hợp với căn cơ của chúng sanh; “chẳng sanh nghi hoặc, là vì lẽ sao?”con không có điều gì nghi hoặc, lý do gì?; “Vì rằng ba nghiệp thân ngữ ý của hết thảy chư Phật đều thanh tịnh cả”; bởi lẽ đối với hết thảy các chư Phật, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp của các Ngài, không có chỗ nào là không thanh tịnh, không có điểm nào là ô nhiễm, không có điểm nào là không chân thực.

“Đại đức Thế Tôn! Vầng nhật nguyệt kia, làm rơi xuống được”, bạch Thế Tôn! Vầng mặt trăng và mặt trời kia của cái thế gian này, có thể làm cho rớt xuống; “núi Diệu Cao Vương làm nghiêng đổ được”, Diệu Cao Sơn, hay còn gọi là núi Tu-di. Diệu Cao Sơn kia có thể làm cho đổ, tóm lại tất cả mọi thứ trên đời đều có thể bị biến đổi, nhưng “lời chư Phật nói không có khác được.”, những điều chư Phật nói đều là chân thật chẳng hư dối, không có cách gì mà nói khác được.

Bạch đức Thế Tôn! Có những chúng sanh, tín căn chẳng đủ, nghe nói đến những công hạnh sâu mầu của chư Phật, mà nghĩ ra rằng, làm gì chỉ niệm một danh hiệu Phật của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, mà được ngay những thắng lợi công đức, nhiều đến như vậy! Vì chẳng tin vậy, sinh ra phỉ báng, người đó ở chỗ đêm dài tối mịt, mất hết lợi lạc, đọa các đường ác, lưu chuyển vô cùng.

Thế Tôn! Hữu chư chúng sanh, tín căn bất cụ, văn thuyết chư Phật thậm thâm hành xứ, tác thị tư duy: vân hà đản niệm Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai nhất Phật danh hiệu, tiện hoạch nhĩ sở công đức thắng lợi, do thử bất tín, phản sinh phỉ báng, bỉ ư trường dạ, thất đại lợi lạc, đọa chư ác thú, lưu chuyển vô cùng.

“Bạch đức Thế Tôn! Có những chúng sanh, tín căn chẳng đủ”, Tuy nhiên, bạch Thế Tôn! Có những chúng sanh, lòng tin không đủ, hoài nghi còn nặng, vì họ không có căn lành về tín tâm, cho nên “nghe nói đến những công hạnh sâu mầu (thậm thâm sở hành)của chư Phật”, nghe nói tới những chỗ thâm sâu, tức là những hành vi tạo tác của chư Phật, trong đó toàn là những điều khó lường được về trí huệ, phước đức và thần thông diệu dụng của các Ngài; “mà nghĩ ra rằng”, những người đó đã có sẵn lòng nghi hoặc, nên họ mới khởi lên ý nghĩ này; “làm gì chỉ niệm một danh hiệu Phật của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, mà được ngay những thắng lợi công đức, nhiều đến như vậy!”, tại làm sao chỉ niệm danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chỉ một danh hiệu thôi mà lại có được vô lượng vô biên công đức và những lợi ích tột bực như vậy?; “Vì chẳng tin vậy, sinh ra phỉ báng”, bởi vậy họ chẳng tin, mà ngược lại còn sinh lòng phỉ báng. Họ bảo rằng: “Phật lừa gạt mọi người, nói những lời dối trá, làm những việc dối trá”, đại khái họ thốt ra những lời điên đảo như vậy rồi còn xui khiến người khác sanh tâm hoài nghi đối với Tam Bảo.

“Người đó ở chỗ đêm dài tối mịt, mất hết lợi lạc”, những loại người đó như ở trong đêm dài, tối mịt, mất hết mọi thứ lợi ích và hoan lạc; “đọa các đường ác, lưu chuyển vô cùng”. Bị đọa vào các đường ác, như vào địa ngục, hay làm thân quỷ đói, súc sanh, rồi cứ như vậy luân chuyển không bao giờ ngừng.

Phật bảo A-nan, nếu nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, dốc lòng trì niệm, chẳng sinh nghi hoặc, thời chẳng khi nào phải đọa đường ác. Ông A-nan ơi! Đó là những công hạnh sâu mầu của chư Phật, rất khó tin hiểu. Nay ông tin được thì nên biết rằng đó là thần lực của đức Như Lai. Ông A-nan ơi! Hết thảy các vị, Thanh văn Độc giác, cùng các Bồ tát, hàng vị đăng Địa, cũng đều chưa thể thực tin và hiểu. Duy hàng Bồ tát, còn một kiếp sanh, mới thực tin hiểu. Ông A-nan ơi! Thân người khó được, có lòng tin kính, tôn trọng Tam Bảo cũng rất khó được; nghe đến danh hiệu, Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cũng khó như vậy. Ông A-nan ơi! Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, có hạnh Bồ-tát, nhiều không xiết kể, phương tiện khéo léo, nhiều không xiết kể, nguyện lớn cũng nhiều, không sao xiết kể. Nếu lấy một kiếp, hay hơn một kiếp, để ta nói rộng, thì các hạnh nguyện của đức Phật kia, cùng những phương tiện khéo léo của Ngài không bao giờ hết.

Phật cáo: A Nan! Thị chư hữu tình, nhược văn Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh hiệu, chí tâm thọ trì, bất sanh nghi hoặc, đọa ác thú giả, vô hữu thị xứ. A Nan! Thử thị chư Phật thậm thâm sở hành, nan khả tín giải, như kim năng thọ, đương tri giai thị Như Lai uy lực. A Nan! Nhất thiết Thanh văn Độc giác, cập vị đăng Địa chư Bồ tát đẳng, giai tất bất năng như thực tín giải, duy trừ nhất sinh sở hệ Bồ tát. A Nan! Nhân thân nan đắc, ư Tam Bảo trung, tín kính tôn trọng, diệc nan khả đắc, văn Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh hiệu, phục nan ư thị. A Nan! Bỉ Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, vô lượng Bồ tát hạnh, vô lượng Bồ tát thiện xảo phương tiện, vô lượng quảng đại nguyện, ngã nhược nhất kiếp, nhược nhất kiếp dư, nhi quảng thuyết giả, kiếp khả tốc tận, bỉ Phật hạnh nguyện thiện xảo phương tiện, vô hữu tận dã.

“Phật bảo A-nan, nếu nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”,Phật bảo Ông A-nan rằng nếu các hữu tình kia, tức là những người vừa nói ở trên, được nghe đến danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “chẳng sinh nghi hoặc, thời chẳng khi nào phải đọa đường ác”, nghe rồi lại dốc lòng chí thành và khẩn thiết thọ trì, chẳng có chút gì nghi hoặc, thì những người đó chẳng khi nào phải đọa vào các đường ác; “Ông A-nan ơi! Đó là những chỗ hành vi rất sâu của các đức Phật, rất khó tin hiểu”, đó là những chỗ hành vi của chư Phật, những gì các chư Phật làm, có tầm trí huệ rất là thâm sâu, rất khó tin và rất khó hiểu.

“Nay ông tin được thì nên biết rằng đó là thần lực của đức Như Lai”, như nay ông có thể tin được và tiếp thọ thì phải biết rằng đó chẳng phải do sức của chính ông mà do oai lực thần diệu của Phật gia bị cho ông, khiến ông có được một lòng tin tuyệt đối như vậy. Tại sao vậy? “Ông A-nan ơi! Hết thảy các vị, Thanh văn Độc giác”, Này ông A-nan, không kể tới các hạng phàm phu chúng sanh, ngay đến những vị đã có tu chứng, đã được Sơ quả, Nhị quả, Tam quả, Tứ quả, của hàng Thanh văn, và Độc giác tức quả Bích-chi Phật; “cùng các Bồ tát, hàng vị đăng Địa, cũng đều chưa thể thực tin và hiểu. Duy hàng Bồ tát, còn một kiếp sanh, mới thực tin hiểu” cũng như các vị Bồ-tát chưa vào được Sơ địa, cũng chưa thể có lòng tin hiểu một cách chân thật. Chỉ ngoại trừ các vị Bồ tát chỉ còn một kiếp sanh, tức đã tới hàng Đẳng giác, hay Bồ tát nhất sinh bổ xứ mới có được lòng tin chân thực chẳng đổi.

“Ông A-nan ơi! Thân người khó được”, Ông A-nan, làm được thân người là khó; “có lòng tin kính, tôn trọng Tam Bảo cũng rất khó được”, trong Tam Bảo đối với Phật, Pháp, Tăng mà có lòng tin, cung kính và trân trong, cũng là việc khó. Vậy mà “nghe đến danh hiệu, Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cũng khó như vậy”, nghe được danh hiệu của đức Phật kia là Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì còn khó hơn nữa.

“Ông A-nan ơi! Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, có hạnh Bồ-tát, nhiều không xiết kể, phương tiện khéo léo, nhiều không xiết kể, nguyện lớn cũng nhiều, không sao xiết kể”, Phật lại bảo: Ông A-nan, Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai kia đã tu vô lượng vô biên các hạnh Bồ tát, đã vận dụng vô lượng vô biên những phương tiện khéo léo, cũng như phát những nguyện lớn nhiều không xiết kể; “Nếu lấy một kiếp, hay hơn một kiếp, để ta nói rộng, thì các hạnh nguyện của đức Phật kia, cùng những phương tiện khéo léo của Ngài không bao giờ hết”, giả dụ ta giảng giải rộng những thứ đó thì thời gian dài trong một kiếp, hay hơn một kiếp, có thể chóng hết, mà các hạnh nguyện và phương tiện khéo léo của ngài kể ra không thể hết được.

(Đến chỗ này là hết phần bổ túc thay thế cho phần thâu âm bị mất)

Trong chúng bấy giờ, có đại Bồ-tát, tên là Cứu Thoát, liền từ tòa khởi, đứng dậy kéo áo, hở vai bên phải, quỳ gối bên phải, sát xuống tận đất, cúi mình chắp tay, mà bạch Phật rằng: Đại đức Thế Tôn! Khi Tượng Pháp chuyển, có những chúng sanh, bị nhiều hoạn nạn, làm cho khốn khổ, đau ốm gầy mòn, chẳng ăn uống được, cổ ráo môi khô, thấy mọi phương tối, tướng chết hiện ra, cha mẹ thân thuộc, bạn bè quen biết, xúm quanh than khóc, thân người đau kia, vẫn nằm yên đấy, mà thấy sứ giả, của vua Diêm Ma, dẫn thần thức mình đến trước cửa tòa pháp vương Diêm Ma. Những người hữu tình, người nào cũng có, một thần câu sinh, người ấy làm gì, tội ấy phước ấy, đều được ghi lại, rồi đem trình hết, cho vua Diêm Ma. Bấy giờ vua liền, xét hỏi người ấy, tính toán mọi việc người ấy đã làm, theo chỗ tội phước, mà định xét xử ấy. Như vào lúc ấy, có người thân thuộc, hay người quen biết, những người bệnh ấy, quy y Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cho người bệnh ấy, mời đón chư Tăng, đọc tụng kinh này, đốt đèn bảy tầng, treo phướn tục mạng, có đủ năm màu, như có chỗ đó, thần thức người ấy, mà được trở về, như trong giấc mộng, thấy rõ mọi sự.

Nhĩ thời chúng trung hữu nhất Bồ tát ma-ha-tát, danh viết Cứu Thoát, tức tòng tòa khởi thiên đản hữu kiên, hữu tất trước địa, khúc cung hợp chưởng, nhi bạch Phật ngôn: Đại đức Thế Tôn! Tượng Pháp chuyển thời, hữu chư chúng sanh vị chủng chủng hoạn chi sở khốn ách, trường bệnh luy sấu, bất năng ẩm thực, hầu thần càn táo, kiến chư phương ám, tử tướng hiện tiền, phụ mẫu thân thuộc bằng hữu tri thức, đề khấp vi nhiễu, nhiên bỉ tự thân ngọa tại bản xứ, kiến Diêm-ma sứ, dẫn kỳ thần thức chí ư Diêm-ma pháp vương chi tiền, nhiên chư hữu tình, hữu câu sinh thần, tùy kỳ sở tác, nhược tội nhược phước, giai cụ thư chi, tận trì thọ dữ Diêm-ma pháp vương; nhĩ thời bỉ vương thôi vấn kỳ nhân, kế toán sở tác, tùy kỳ tội phước, nhi xử đoán chi. Thời bỉ bệnh nhân thân thuộc, tri thức, nhược năng vị bỉ quy y Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thỉnh chư chúng Tăng chuyển độc thử kinh, nhiên thất tằng chi đăng, huyền ngũ sắc tục mệnh thần phan, hoặc hữu thị xứ, bỉ thức đắc hoàn, như tại mộng trung, minh liễu tự kiến.

Đoạn kinh văn nói trên cho biết về các hạnh nguyện và những phương tiện khéo léo của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nhiều không kể xiết, nói cho đến kiếp vị lai cũng không hết được.

“Trong chúng bấy giờ, có đại Bồ-tát, tên là Cứu Thoát”, lúc bấy giờ ở trong đại chúng có một vị thuộc hàng đại Bồ-tát, tên là Bồ tát Cứu Thoát; “liền từ tòa khởi, đứng dậy kéo áo, hở vai bên phải, quỳ gối bên phải, sát xuống tận đất, cúi mình chắp tay, mà bạch Phật rằng:”, từ chỗ ngồi, đứng dậy, để lộ trần phía vai bên phải, còn đầu gối bên phải thì quỳ xuống mà bạch Phật rằng :

“Đại đức Thế Tôn!”Vị Bồ-tát này xưng lên Phật là Đại đức Thế Tôn; “Tượng Pháp chuyển thời”, khi thời Tượng Pháp chuyển, tức là khi thời kỳ Chánh Pháp đã qua, đến thời Tượng Pháp. Thời kỳ Chánh Pháp được coi là thời kỳ của thiền định kiên cố, nên có rất nhiều người chứng quả, đó là quả A-la-hán. Còn thời Tượng Pháp thì được coi là thời kỳ của chùa miếu kiên cố, người ta chuyên đúc tượng và xây chùa;

“Có những chúng sanh, bị nhiều hoạn nạn, làm cho khốn khổ, đau ốm gầy mòn, chẳng ăn uống được, cổ ráo môi khô, thấy mọi phương tối, tướng chết hiện ra”, có những chúng sanh bị nhiều thứ bệnh hoạn làm cho đau đớn khổ sở, rồi lâu ngày ốm yếu, da bọc xương, ăn không được, uống không được, cổ họng và môi khô, vậy mà nước cũng không uống được, khốn khổ vô cùng. Họ nhìn ra xung quang thì chỗ nào cũng là đen tối, tự mình cảm thấy cái chết gần kề; “cha mẹ thân thuộc, bạn bè quen biết, xúm quanh than khóc”, lúc đó cha mẹ, hoặc quyến thuộc, hoặc bạn bè, những người quen biết, ai nấy đều xúm lại khóc lóc; “mà thấy sứ giả, của vua Diêm Ma, dẫn thần thức mình đến trước cửa tòa pháp vương Diêm Ma”, còn bản thân người bệnh, vẫn nằm yên tại chỗ, mà thấy những sứ giả của vua Diêm-Ma dẫn thần thức của họ, hay còn gọi là thần hồn, đến trước tòa của vua Diêm Ma.

“Những người hữu tình, người nào cũng có, một thần câu sinh, người ấy làm gì, tội ấy phước ấy, đều được ghi lại, rồi đem trình hết, cho vua Diêm Ma”, phàm là giống hữu tình, ai nấy đều có “thần câu sinh”, nghĩa là cùng sanh ra với mình và theo mình suốt cả cuộc đời; thần này có khả năng ghi lại hết những việc mình làm, những việc thiện việc ác, rồi trình lại hết cho vua Diêm ma. Cùng lúc ấy, thần thức của những người quen biết khác cũng được đưa tới trước vua Diêm Ma. Người đó thấy hết những điều người ấy đã làm trong đời, tội nào phước nào đều hiện ra hết cả.

“Bấy giờ vua liền, xét hỏi người ấy, tính toán mọi việc người ấy đã làm, theo chỗ tội phước, mà định xét xử ấy”, lúc bấy giờ, vua Diêm Ma mới tra hỏi người ấy, tổng kết lại những điều người ấy đã làm, rồi cân nhắc hai phần tội và phước mà định việc xử đoán.

“Như vào lúc ấy, có người thân thuộc, hay người quen biết, những người bệnh ấy, quy y Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cho người bệnh ấy”, lúc ấy, nếu có thân nhân của người bệnh như cha mẹ, anh em, vợ con, hay những người quen biết, muốn vì lợi ích của người bệnh mà làm công đức, bằng cách quy y đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; “mời đón chư Tăng, đọc tụng kinh này, đốt đèn bảy tầng, treo phướn tục mạng, có đủ năm màu, như có chỗ đó”, mời thỉnh các Tăng, tức là những vị xuất gia tu hành đạo đức và giữ giới luật để tụng đọc kinh “Công Đức các Bổn Nguyện của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, đốt đèn 7 tầng, mỗi tầng 7 cây đèn, tổng cộng là 49 cây đèn, treo những lá phướn năm màu, gọi là phướn tục mạng, đại khái có những pháp hội như vậy, một chỗ nào làm như vậy; “thần thức người ấy, mà được trở về, như trong giấc mộng, thấy rõ mọi sự”, thần thức của người bệnh sẽ được trở về, giống như trải qua một giấc mộng, thấy các sự việc một cách rõ ràng, rồi nhớ lại được các cảnh giới ấy.

Hoặc qua bảy ngày, hoặc hăm mốt ngày, hoặc ba lăm ngày, hoặc bốn chín ngày, thần thức người ấy, khi được trở về, như tỉnh giấc mộng, tự mình nhớ biết, quả báo của các nghiệp thiện bất thiện. Vì tự chứng kiến quả báo các nghiệp, nên dù mắc nạn cũng chẳng dám làm những nghiệp ác nữa; vì thế cho nên những người tịnh tín, thiện nam thiện nữ, đều nên trì niệm danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tùy theo sức mình, cung kính cúng dường.

Hoặc kinh thất nhật, hoặc nhị thập nhất nhật, hoặc tam thập ngũ nhật, hoặc tứ thập cửu nhật, bỉ thức hoàn thời, như tòng mộng giác, giai tự ức tri thiện bất thiện nghiệp, sở đắc quả báo, do tự chứng kiến nghiệp quả báo cố, nãi chí mệnh nạn, diệc bất tạo tác chư ác chi nghiệp; thị cố tịnh tín thiện nam tử, thiện nữ nhân đẳng, giai ưng thọ trì Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai danh hiệu, tùy lực sở năng, cung kính cúng dường.

“Hoặc qua bảy ngày, hoặc hăm mốt ngày, hoặc ba lăm ngày, hoặc bốn chín ngày, thần thức người ấy, khi được trở về”, những thân thuộc hoặc bạn bè hoặc đọc kinh, hoặc bái “Sám Dược Sư” với hy vọng thần thức người bệnh từ chỗ vua Diêm la trở về, trong bao lâu chưa rõ, có thể trong 7 ngày, hay ba tuần lễ tức 21 ngày, hay năm tuần lễ tức 35 ngày, cho tới bảy tuần lễ tức 49 ngày. Khi trở về, người đó có cảm giác “như tỉnh giấc mộng, tự mình nhớ biết, quả báo của các nghiệp thiện bất thiện”, như y vừa ra khỏi một giấc mộng và nhớ lại rõ ràng quả báo của các nghiệp thiện và nghiệp bất thiện; “Vì tự chứng kiến quả báo các nghiệp, nên dù mắc nạn cũng chẳng dám làm những nghiệp ác nữa”, bởi tự mình chứng nghiệm những quả báo do các việc làm của chính mình, cho nên dù phải gặp nạn, người ấy cũng không dám tạo tác các nghiệp ác nữa; “vì thế cho nên những người tịnh tín, thiện nam thiện nữ, đều nên trì niệm danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tùy theo sức mình, cung kính cúng dường”, bởi vậy hết thảy các thiện nam và thiện nữ có lòng tin trong sạch đều nên thọ trì danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nghĩa là phải nhớ và tụng danh hiệu của Ngài, và tùy theo năng lực của mình để cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai một cách thiết tha cung kính.

Bấy giờ Tôn giả A Nan hỏi Cứu Thoát Bồ Tát rằng: “Bạch Thiện nam tử, nên cung kính cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai như thế nào? Còn đèn và phang tục mạng phải làm cách sao?”.

Ngài Cứu Thoát nói: Bạch Đại đức! Nếu có người bệnh, muốn thoát bệnh khổ, nên vì người ấy, bảy ngày bảy đêm, chịu giữ cho đủ, tám phần trai giới, tùy phương tiện riêng, sắm sửa đồ ăn, các thứ đồ dùng, để đem cúng dường, các vị Bí-sô, ngày đêm sáu buổi, lễ bái hành đạo, cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đọc tụng kinh này, bốn mươi chín lần, thắp bốn chín đèn, tạo bảy tôn tượng đức Như Lai kia, phía trước mỗi tượng, đặt chín cái đèn, đèn nào cũng lớn như cái bánh xe, như vậy cho đến, bốn mươi chín ngày, đèn sáng chẳng tắt; làm phướn năm màu, chiều dài bằng cả, bốn chín gang tay, phải nên phóng sanh, cho đến bốn chín các loài khác nhau, như vậy người bệnh, có thể qua được, ách nạn nguy khốn, không bị bọn quỷ, hung ác bắt giữ.

Nhĩ thời A Nan vấn Cứu Thoát Bồ tát viết: Thiện nam tử ưng vân hà cung kính cúng dường bỉ Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai? Tục mệnh phan đăng, phục vân hà tạo? Cứu Thoát Bồ tát ngôn: Đại đức! Nhược hữu bệnh nhân, dục thoát bệnh khổ, đương vị kỳ nhân, thất nhật thất dạ thọ trì bát phần trai giới, ưng dĩ ẩm thực, cập dư tư cụ, tùy lực sở biện, cúng dường Bí-sô Tăng, trú dạ lục thời lễ bái hành đạo cúng dường bỉ Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, độc tụng thử kinh tứ thập cửu biến, nhiên tứ thập cửu đăng, tạo bỉ Như Lai hình tượng thất khu, nhất nhất tượng tiền, các trí thất đăng, nhất nhất đăng lượng, đại như xa luân, nãi chí tứ thập cửu nhật, quang minh bất tuyệt, tạo ngũ sắc thái phan, trường tứ thập cửu trích thủ, ưng phóng tạp loại chúng sanh, chí tứ thập cửu, khả đắc quá độ nguy ách chi nạn, bất vi chư hoạnh ác quỷ sở trì.

“Bấy giờ Tôn giả A Nan hỏi Cứu Thoát Bồ Tát rằng:” Giảng kinh tới chỗ này, Tôn giả A-nan thấy có điều chưa được rõ, nên ông mới hỏi Bồ tát Cứu Thoát rằng: “Bạch Thiện nam tử, nên cung kính cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai như thế nào?”Xin hỏi Thiện nam tử, muốn cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai một cách cung kính, thì phải làm như thế nào? “Còn đèn và phang tục mạng phải làm cách sao?”Cây đèn tục mạng và cây phướn tục mạng là những cái gì? Bảy tầng đèn là ý nghĩa gì? Phương thức chế tạo đèn như thế nào? Bày biện ra sao? Còn cách chế tạo cây phướn, phải làm sao để chúng có khả năng tiếp nối mạng sống?

“Ngài Cứu Thoát nói:”Bồ-tát Cứu Thoát trả lời rằng: “Bạch Đại đức! Nếu có người bệnh, muốn thoát bệnh khổ, nên vì người ấy, bảy ngày bảy đêm, chịu giữ cho đủ, tám phần trai giới”, Bạch đại đức! Nếu về sau ở cõi Ta-bà này, có người ốm đau mà muốn thoát khỏi bệnh khổ thì hãy vì người đó mà giữ đủ tám phần trai giới, nghĩa là tu bát quan trai giới, trong bảy ngày bảy đêm; “tùy phương tiện riêng, sắm sửa đồ ăn, các thứ đồ dùng, để đem cúng dường, các vị Bí-sô”, lại phải nên sắm sửa các đồ ăn uống, cùng những thứ nhu yếu hàng ngày, tùy theo khả năng riêng của mình để cúng dường các chư Tăng; “ngày đêm sáu buổi, lễ bái hành đạo, cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, ngày đêm sáu thời, ngày ba buổi, đêm ba buổi, lễ bái đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai với hết cả tấm lòng chí thành khẩn thiết; “đọc tụng kinh này, bốn mươi chín lần, thắp bốn chín đèn, tạo bảy tôn tượng đức Như Lai kia”đọc kinh Công Đức Bổn Nguyện của Ngài, bốn mươi chín lần, đốt bốn mươi chín ngọn đèn, tạo bảy tôn tượng của Ngài Dược Sư; “phía trước mỗi tượng, đặt chín cái đèn”, trước mỗi tôn tượng của Ngài thì bày bảy cây đèn; có tất cả bảy tôn tượng vậy số đèn tổng cộng là bốn mươi chín ngọn; “đèn nào cũng lớn như cái bánh xe”, cỡ các cây đèn này thời to nhỏ ra sao? Nói đèn lớn bằng bánh xe, nhưng bánh xe có thứ to thứ nhỏ. Không nhất định cỡ nào, nói tóm lại điểm chủ yếu là phải thành tâm; “như vậy cho đến, bốn mươi chín ngày, đèn sáng chẳng tắt”, đốt đèn như vậy liên tục trong bốn mươi chín ngày, lúc nào đèn cũng phải sáng, không được để cho tắt. Muốn giữ được như vậy, người ta phải châm dầu luôn luôn, thì đèn mới sáng liên tục được.

“Làm phướn năm mầu, chiều dài bằng cả, bốn chín gang tay, phải nên phóng sanh, cho đến bốn chín các loài khác nhau, như vậy người bệnh, có thể qua được, ách nạn nguy khốn, không bị bọn quỷ, hung ác bắt giữ”. Làm phướn đủ năm mầu, chiều dài cỡ bốn mươi chín gang tay; phải phóng sanh, đủ các loại. Trên lá phướn, vẽ ra nhiều giống, có thể vẽ 12 con muông thú tượng trưng cho vòng hoàng đạo rồi phóng sanh các loại đó. Nói là tạp loại nghĩa là nhiều loại khác nhau, chủ yếu là nhiều, có khi hơn cả con số bốn mươi chín loại. Người bệnh có thể vượt qua được ách nạn do các thứ ác quỷ, oán quỷ chi phối. Các nạn đó bao gồm các nạn về chết đuối, chết cháy, tai nạn xe hơi, máy bay, thuyền máy v.v.., nói tóm lại, hết thảy các tai nạn đều được miễn trừ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com 
KHÁCH VIẾNG THĂM
50,000,000