J. KRISHNAMURTI
BÀN VỀ SỢ HÃI [ON FEAR]
Lời dịch: ÔNG KHÔNG – 2009 –
HarperSanFrancisco, A Division of HarperCollinsPublishers
PHẦN 2
San Francisco, 11 tháng ba 1973
Một cuộc sống mà được sống trong sợ hãi là một cuộc sống tối tăm, xấu xa. Hầu hết chúng ta đều sợ hãi trong những cách khác nhau, và chúng ta sẽ tìm hiểu liệu cái trí có thể hoàn toàn được tự do khỏi sợ hãi. Không người nào muốn được tự do khỏi vui thú, nhưng tất cả đều muốn được tự do khỏi sợ hãi; chúng ta không thấy rằng cả hai theo cùng nhau; cả hai đều được nuôi dưỡng bởi tư tưởng. Đó là lý do tại sao hiểu rõ tư tưởng là điều rất quan trọng.
Chúng ta có những sợ hãi, về chết, về sống, về bóng tối, về người hàng xóm của chúng ta, sợ hãi về chính chúng ta, sợ hãi về mất một việc làm, không-an toàn, và những tầng không nhận biết được sâu thẳm hơn của sợ hãi được che giấu trong những ngõ ngách của cái trí. Liệu có thể – và không phân tích – cho cái trí được tự do khỏi sợ hãi và thế là thực sự được tự do để tận hưởng sống? Không phải để theo đuổi vui thú, nhưng để tận hưởng sống? Điều đó không thể được chừng nào sợ hãi còn tồn tại. Sự phân tích sẽ xua đuổi sợ hãi? Hay sự phân tích là một hình thức làm tê liệt cái trí không còn được tự do khỏi sợ hãi? Tê liệt qua phân tích. Phân tích là một trong những hình thức giải trí thuộc trí năng. Bởi vì trong phân tích có người phân tích và vật được phân tích, dù người phân tích là một người chuyên nghiệp hay bạn là người phân tích. Khi có sự phân tích, có sự phân chia giữa người phân tích và vật được phân tích và thế là có xung đột. Và trong phân tích bạn cần thời gian; bạn dùng nhiều ngày, nhiều năm – cho bạn một cơ hội để trì hoãn hành động.
Bạn có thể mãi mãi phân tích toàn vấn đề của bạo lực, tìm kiếm những giải thích cho nguyên nhân của nó. Bạn có thể đọc vô số những quyển sách về những nguyên nhân của bạo lực. Tất cả việc đó đòi hỏi thời gian, và trong khi chờ đợi bạn có thể thụ hưởng bạo lực của bạn. Phân tích hàm ý sự phân chia và sự trì hoãn của hành động, và vì vậy phân tích mang lại nhiều xung đột hơn, không phải ít hơn. Và phân tích hàm ý thời gian. Một cái trí quan sát sự thật của điều này được tự do khỏi phân tích và thế là có thể giải quyết trực tiếp bạo lực, mà là ‘cái gì là’. Nếu bạn quan sát bạo lực trong chính bạn, bạo lực được tạo ra qua sợ hãi, qua không-an toàn, qua ý thức của cô độc, lệ thuộc, cắt đứt những vui thú của bạn và vân vân, nếu bạn nhận biết được tất cả điều đó, quan sát nó trọn vẹn, không phân tích, vậy là bạn có tất cả năng lượng mà đã bị phung phí qua sự phân tích để vượt khỏi cái gì là.
Làm thế nào những sợ hãi bám chặt rễ được trao cho chúng ta bởi xã hội trong đó chúng ta sống, được thừa hưởng từ quá khứ, tất cả đều được phơi bày để cho cái trí trọn vẹn, tổng thể, được tự do khỏi sự việc khủng khiếp này? Liệu nó xảy ra qua sự phân tích những giấc mộng? Chúng ta có thể thấy rất rõ ràng sự vô lý của phân tích. Và qua những giấc mộng liệu bạn có thể được tự do khỏi bạo lực?
Tại sao bạn phải nằm mơ, mặc dù những người chuyên nghiệp nói rằng bạn phải nằm mơ, nếu không bạn sẽ bị điên khùng. Tại sao bạn phải nằm mơ? Khi cái trí liên tục bị hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm, nó không có sự nghỉ ngơi, nó không có được chất lượng mới mẻ của sự trong sáng. Chỉ khi nào cái trí tuyệt đối yên lặng, ngủ, hoàn toàn tĩnh, thì nó có thể tự-làm mới mẻ chính nó. Sự phân tích những giấc mộng là một trong những sai lầm đó mà chúng ta chấp nhận quá dễ dàng? Những giấc mộng là sự tiếp tục hàng ngày của chúng ta qua giấc ngủ, nhưng bạn tạo ra trật tự trong suốt ban ngày – không phải trật tự theo một mẫu thiết kế, hay theo sự thiết lập của xã hội, hay theo những luật lệ tôn giáo; đó không là trật tự, đó là sự tuân phục. Nơi nào có tuân phục, vâng lời, không có trật tự. Trật tự hiện diện chỉ khi nào bạn quan sát sống riêng của bạn vô-trật tự đến chừng nào trong suốt những tiếng đồng hồ thức giấc. Qua sự quan sát vô-trật tự, trật tự hiện diện. Và khi bạn có trật tự như thế trong sống hàng ngày, vậy là những giấc mộng trở thành hoàn toàn không cần thiết.
Vì vậy liệu người ta có thể quan sát tổng thể của sợ hãi, ngay gốc rễ của nó, nguyên nhân của nó, hay chỉ những nhánh của nó? Liệu cái trí có thể quan sát, nhận biết được, trao chú ý trọn vẹn đến, sợ hãi, dù nó được che giấu, sâu thẳm trong cái trí, hay trong những diễn tả hàng ngày ở bên ngoài – giống như sợ hãi đau khổ ngày hôm qua sẽ quay lại hôm nay, hay sẽ quay lại ngày mai, hay sợ hãi mất việc làm, không-an toàn, bên ngoài cũng như bên trong, sợ hãi cuối cùng là chết. Có quá nhiều hình thức của sợ hãi. Chúng ta nên cắt đứt mỗi nhánh, hay giải quyết, bám chặt tổng thể của sợ hãi? Cái trí có thể quan sát sợ hãi một cách tổng thể? Chúng ta quen thuộc giải quyết sợ hãi bằng những mảnh và chúng ta quan tâm đến những mảnh và không quan tâm đến tổng thể của sợ hãi. Quan sát tổng thể của sợ hãi là trao chú ý trọn vẹn ngay khi bất kỳ sợ hãi nào nảy sinh. Bạn có thể mời mọc nó nếu bạn muốn, và quan sát sợ hãi của bạn trọn vẹn, tổng thể, không phải như một người quan sát đang nhìn sợ hãi.
Bạn biết, bạn quan sát tức giận, ghen tuông, ganh ghét, sợ hãi, hay vui thú như một người quan sát. Chúng ta muốn loại bỏ sợ hãi, hay theo đuổi vui thú. Vì vậy luôn luôn có một người quan sát, một người thấy, một người suy nghĩ, vì vậy chúng ta nhìn sợ hãi như thể chúng ta ở phía bên ngoài đang nhìn vào trong. Bây giờ, liệu bạn có thể quan sát sợ hãi mà không có người quan sát? Người quan sát là quá khứ. Người quan sát công nhận phản ứng mà nó gọi là sợ hãi dựa vào quá khứ; anh ấy đặt tên nó như sợ hãi. Vậy là ở hiện tại anh ấy luôn luôn nhìn từ quá khứ và thế là có một phân chia giữa người quan sát và vật được quan sát. Vì vậy liệu bạn có thể quan sát sợ hãi mà không có phản ứng đến nó như quá khứ, mà là người quan sát?
Tôi đã giải thích nó, hay chưa? Hãy nhìn, nếu bạn đã lăng mạ tôi hay nịnh nọt tôi, tất cả điều đó là ký ức được tích lũy, mà là quá khứ. Và quá khứ là người quan sát, là người suy nghĩ. Và nếu tôi nhìn bạn bằng đôi mắt của quá khứ, tôi không nhìn bạn mới mẻ lại. Thế là tôi không nhìn bạn đúng cách, tôi chỉ nhìn bạn bằng đôi mắt đã bị hư hỏng rồi, đã bị trì trệ rồi. Vì vậy liệu bạn có thể nhìn sợ hãi mà không có quá khứ? Điều đó có nghĩa không đặt tên sợ hãi, không sử dụng từ ngữ sợ hãi, nhưng chỉ quan sát?
Khi bạn quan sát một cách tổng thể – và tổng thể của chú ý đó chỉ có thể được khi không có người quan sát, mà là quá khứ – vậy thì toàn nội dung của ý thức như sợ hãi được tan biến.
Có sợ hãi từ bên ngoài và sợ hãi từ bên trong. Sợ hãi người con trai của tôi bị giết chết trong một chiến tranh. Chiến tranh là phía bên ngoài, sự sáng chế của công nghệ mà đã phát triển những dụng cụ hủy diệt khủng khiếp. Và bên trong tôi bám vào người con trai của tôi, tôi thương yêu cậu ấy, và tôi đã giáo dục cậu ấy để tuân phục vào xã hội trong đó cậu ấy sống, mà nói hãy giết chóc. Và thế là tôi chấp nhận sợ hãi, cả bên trong lẫn sự việc hủy diệt được gọi là chiến tranh, mà sắp sửa giết chết người con trai của tôi. Và tôi gọi đó là thương yêu người con trai của tôi! Đó là sợ hãi. Chúng ta đã thiết lập một xã hội quá thối nát, quá vô luân lý; nó chỉ quan tâm đến sở hữu càng ngày càng nhiều thêm, bảo vệ quyền lợi người tiêu thụ. Nó không quan tâm đến sự phát triển tổng thể của thế giới, của những con người.
Bạn biết, chúng ta không có từ bi. Chúng ta có nhiều hiểu biết, nhiều trải nghiệm. Chúng ta có thể thực hiện những việc phi thường thuộc y khoa, công nghệ, khoa học, nhưng chúng ta không có từ bi. Từ bi có nghĩa sự đam mê cho tất cả những con người và những động vật, thiên nhiên. Và làm thế nào có thể có từ bi khi có sợ hãi, khi cái trí đang liên tục theo đuổi vui thú? Bạn muốn kiểm soát sợ hãi, vùi sâu nó và bạn cũng muốn từ bi. Bạn muốn tất cả nó. Bạn không thể có nó. Bạn có thể có từ bi chỉ khi nào sợ hãi không tồn tại. Và đó là lý do tại sao hiểu rõ sợ hãi trong sự liên hệ của chúng ta là điều rất quan trọng. Và sợ hãi đó có thể được nhổ bật hoàn toàn gốc rễ khi bạn có thể quan sát phản ứng mà không đặt tên nó. Chính đặt tên nó là sự chiếu rọi của quá khứ. Vì vậy tư tưởng nuôi dưỡng và theo đuổi vui thú, và tư tưởng cũng cho sức mạnh đến sợ hãi – tôi sợ hãi việc gì có lẽ xảy ra vào ngày mai; tôi sợ hãi mất một việc làm; tôi sợ hãi thời gian như là chết.
Vậy là tư tưởng chịu trách nhiệm cho sợ hãi. Và chúng ta sống trong sợ hãi. Hoạt động hàng ngày của chúng ta được đặt nền tảng trên sợ hãi. Vì vậy tư tưởng có vị trí nào trong sự liên hệ của con người? Nếu nó có vị trí, vậy thì sự liên hệ là một lề thói, một vui thú và sợ hãi máy móc, hàng ngày và không ý nghĩa.
Từ quyển Đường bay của Chim Đại bàng
London, 16 tháng ba 1969
Đối với hầu hết chúng ta, tự do là một ý tưởng và không là một thực sự. Khi chúng ta nói về tự do, chúng ta muốn được tự do phía bên ngoài, làm điều gì chúng ta ưa thích, đi lại, được tự do diễn tả mình trong những cách khác nhau, được tự do suy nghĩ điều gì chúng ta muốn. Sự diễn tả phía bên ngoài về tự do dường như quan trọng lạ lùng, đặc biệt trong những quốc gia nơi có sự độc tài, chuyên chế; và trong những quốc gia đó nơi sự tự do phía bên ngoài có thể được người ta lại tìm kiếm mỗi lúc một vui thú nhiều hơn, mỗi lúc một sở hữu nhiều hơn.
Nếu chúng ta tìm hiểu kỹ càng sự tự do hàm ý điều gì, để bên trong, trọn vẹn, và tổng thể được tự do – mà sau đó tự diễn tả chính nó ra phía bên ngoài trong xã hội, trong liên hệ – vậy thì dường như đối với tôi, chúng ta phải hỏi liệu cái trí của con người, đã bị quy định nặng nề như nó là hiện nay, có thể được tự do? Nó phải luôn luôn sống và vận hành bên trong những biên giới thuộc tình trạng bị quy định riêng của nó, đến độ không có thể được tự do gì cả? Người ta có thể thấy rằng cái trí, đang hiểu rõ bằng từ ngữ rằng không có tự do ở đây trên quả đất này, phía bên trong hay phía bên ngoài, vậy thì nó bắt đầu sáng chế tự do trong một thế giới khác, một giải thoát ở tương lai, thiên đàng, và vân vân.
Hãy gạt bỏ tất cả những khái niệm thuộc học thuyết, lý thuyết về tự do để cho chúng ta có thể tìm hiểu liệu những cái trí của chúng ta, của bạn hay của tôi, có khi nào được tự do thực sự, được tự do khỏi sự lệ thuộc, được tự do khỏi sự sợ hãi, sự lo âu, và được tự do khỏi vô vàn những vấn đề, cả tầng ý thức bên ngoài cũng như những tầng sâu thẳm hơn của ý thức bên trong. Liệu có thể có tự do thuộc tâm lý hoàn toàn, để cho cái trí con người có thể bất chợt bắt gặp cái gì đó không thuộc thời gian, không bị sắp xếp vào chung bởi tư tưởng, tuy nhiên lại không là một tẩu thoát khỏi những xảy ra thực sự của sự tồn tại hàng ngày.
Nếu cái trí con người phía bên trong, tâm lý, không hoàn toàn được tự do, sẽ không thể thấy điều gì là sự thật, sẽ không thể thấy liệu có một sự thật không bị sáng chế bởi sợ hãi, không bị định hình bởi xã hội hay văn hóa mà chúng ta sống, và không là một tẩu thoát khỏi sự đơn điệu hàng ngày, cùng nhàm chán, cô độc, thất vọng, lo âu của nó. Muốn tìm được liệu thực sự có sự tự do như thế hay không, người ta phải nhận biết được tình trạng bị quy định riêng của người ta, nhận biết được những vấn đề, sự nông cạn, trống rỗng, thiếu thốn, buồn chán thuộc sống hàng ngày của người ta, và trên tất cả người ta phải nhận biết được sợ hãi. Người ta phải nhận biết được về chính người ta mà không dựa vào phản ảnh nội tâm hay phân tích, nhưng thực sự nhận biết được về chính người ta như người ta là và xem thử liệu có thể được tự do hoàn toàn khỏi tất cả những vấn đề đó mà dường như làm tắc nghẽn cái trí hay không.
Muốn tìm hiểu, vì chúng ta sắp sửa làm, phải có tự do, không phải tại khúc cuối, nhưng tại ngay khởi đầu. Nếu người ta không được tự do, người ta không thể tìm hiểu, thăm dò, hay đào sâu. Muốn tìm hiểu thật sâu thẳm, cần phải có không những sự tự do, nhưng còn cả sự kỷ luật mà rất cần thiết khi quan sát; tự do và kỷ luật theo cùng nhau – không phải rằng người ta phải có kỷ luật để tìm được tự do. Chúng ta đang sử dụng từ ngữ kỷ luật không phải trong ý nghĩa truyền thống, đã được chấp nhận, mà là vâng lời, bắt chước, kiềm chế, tuân theo một khuôn mẫu đã cố định; nhưng trái lại như ý nghĩa gốc của từ ngữ đó mà có nghĩa ‘học hỏi’. Học hỏi và tự do theo cùng nhau, tự do mang theo cùng kỷ luật riêng của nó – không phải kỷ luật bị áp đặt bởi cái trí vì mục đích đạt được một kết quả nào đó. Hai điều này là cốt lõi: tự do và hành động của học hỏi. Người ta không thể học hỏi về chính người ta nếu người ta không được tự do, được tự do để cho người ta có thể quan sát, không lệ thuộc vào bất kỳ khuôn mẫu, công thức, hay khái niệm nào, nhưng thực sự quan sát về chính người ta như người ta là. Sự quan sát đó, trực nhận đó, đang thấy đó, tạo ra kỷ luật và học hỏi riêng của nó; trong đó không có tuân phục, bắt chước, kiềm chế, hay kiểm soát gì cả – và trong đó có vẻ đẹp vô cùng.
Những cái trí của chúng ta bị quy định, đó là một sự kiện rõ ràng – bị quy định bởi một văn hóa hay xã hội đặc biệt, bị ảnh hưởng bởi những ấn tượng khác nhau; bởi những căng thẳng và áp lực của sự liên hệ; bởi những nhân tố thuộc giáo dục, khí hậu, kinh tế; bởi sự tuân phục thuộc tôn giáo, và vân vân. Những cái trí của chúng ta được đào tạo để chấp nhận sợ hãi và để tẩu thoát, nếu chúng ta có thể, khỏi sợ hãi đó, và không bao giờ có thể giải quyết, trọn vẹn và tổng thể, toàn bản chất và cấu trúc của sợ hãi. Vậy thì câu hỏi đầu tiên của chúng ta là: Liệu cái trí, bị chất nặng quá nhiều, có thể giải quyết trọn vẹn, không chỉ tình trạng bị quy định của nó, nhưng còn cả những sợ hãi của nó? Bởi vì chính sự sợ hãi thúc đẩy chúng ta chấp nhận bị quy định.
Đừng chỉ nghe nhiều từ ngữ và ý tưởng, mà thực sự không có giá trị gì cả – nhưng qua động thái của lắng nghe, quan sát những trạng thái riêng của cái trí bạn, cả từ ngữ lẫn không-từ ngữ, đơn giản tìm hiểu liệu cái trí có thể được tự do – không đang chấp nhận sợ hãi, không đang tẩu thoát, không đang nói, ‘Tôi phải phát triển sự can đảm, sự kháng cự,’ nhưng thực sự đang nhận biết trọn vẹn được sợ hãi mà trong đó chúng ta bị trói buộc. Nếu người ta không được tự do khỏi chất lượng của sợ hãi này, người ta không thể thấy rất rõ ràng, sâu thẳm; và chắc chắn, khi có sợ hãi không có tình yêu.
Vậy là, liệu cái trí có thể thực sự được tự do khỏi sợ hãi? Dường như đối với tôi đó là – dành cho bất kỳ người nào có sự nghiêm túc – một trong những vấn đề cốt lõi và cơ bản nhất phải được tìm hiểu và được giải quyết. Có những sợ hãi thân thể và những sợ hãi tâm lý. Những sợ hãi thuộc thân thể về sự đau đớn và những sợ hãi thuộc tâm lý, như là ký ức của đã trải qua sự đau đớn trong quá khứ, và ý tưởng của sự lặp lại đau đớn đó trong tương lai; cũng cả, những sợ hãi của tuổi già, chết, những sợ hãi của không-an toàn thân thể, những sợ hãi của không-chắc chắn về ngày mai, những sợ hãi của không thể là một người thành công, không thể thành tựu, của không là người nào đó trong thế giới khá xấu xa này; những sợ hãi của bị hủy diệt, những sợ hãi của bị cô độc, của không thể thương yêu hay được thương yêu, và vân vân; những sợ hãi thuộc tầng ý thức bên ngoài lẫn những sợ hãi thuộc tầng ý thức bên trong. Liệu cái trí có thể được tự do, tổng thể, khỏi tất cả điều này? Nếu cái trí nói rằng nó không thể, vậy thì nó đã tự-ép buộc chính nó thành vô dụng, nó đã tự-làm biến dạng chính nó và không thể nhận biết, hiểu rõ, không thể hoàn toàn tỉnh táo, yên lặng; nó giống như một cái trí trong bóng tối, đang tìm kiếm ánh sáng và không bao giờ tìm được nó, và thế là sáng chế ra một ánh sáng của những từ ngữ, những ý tưởng, những lý thuyết.
Làm thế nào một cái trí đã bị chất nặng bởi sợ hãi, bởi tất cả bị quy định của nó, sẽ được tự do khỏi nó? Hay người ta phải chấp nhận sợ hãi như một việc không thể tránh khỏi của sống? – và hầu hết chúng ta có chấp nhận nó, khoan dung nó. Chúng ta sẽ làm gì? Làm thế nào tôi, như con người, bạn như con người, sẽ loại bỏ được sợ hãi này? Không phải loại bỏ được một sợ hãi đặc biệt, nhưng sợ hãi tổng thể, toàn bản chất và cấu trúc của sợ hãi?
Sợ hãi là gì? Đừng chấp nhận, nếu tôi được phép đề nghị, điều gì người nói đang trình bày; người nói không có uy quyền gì cả, ông ta không là người thầy, ông ta không là đạo sư; bởi vì nếu ông ta là người thầy, vậy thì bạn là môn đồ, và nếu bạn là môn đồ bạn tự-hủy hoại chính bạn lẫn người thầy. Chúng ta đang cố gắng tìm ra sự thật của câu hỏi về sợ hãi này trọn vẹn đến độ cái trí không bao giờ còn sợ hãi, và thế là được tự do khỏi tất cả sự lệ thuộc vào một người khác, phía bên trong, phần tâm lý. Vẻ đẹp của sự tự do là rằng bạn không bao giờ để lại một dấu vết. Con đại bàng trong đường bay của nó không để lại một dấu vết; người khoa học có. Đang tìm hiểu vấn đề của tự do này phải có, không chỉ sự quan sát khoa học, mà còn cả đường bay của con đại bàng mà không để lại một dấu vết; cả hai đều được cần đến; phải có cả sự giải thích bằng từ ngữ lẫn sự trực nhận không-từ ngữ – bởi vì sự diễn tả không bao giờ là sự kiện được diễn tả; chắc chắn sự giải thích không bao giờ là sự vật được giải thích; từ ngữ không bao giờ là sự việc sự vật.
Nếu tất cả điều này rất rõ ràng vậy thì chúng ta có thể tiến tới; chúng ta có thể tự-tìm ra cho chính chúng ta – không phải qua người nói, không phải qua những từ ngữ của ông ta, không phải qua những ý tưởng hay những suy nghĩ của ông ta – liệu cái trí có thể hoàn toàn được tự do khỏi sợ hãi.
Phần nói chuyện đầu tiên không phải là một giới thiệu; nếu bạn đã không nghe nó rõ ràng và đã không hiểu rõ nó, bạn không thể tiếp tục sang phần kế tiếp này.
Muốn tìm hiểu phải có sự tự do để quan sát; phải có sự tự do khỏi những kết luận, những ý tưởng, những lý tưởng, những thành kiến, để cho bạn có thể thực sự tự-quan sát cho chính bạn sợ hãi là gì. Và khi bạn quan sát rất kỹ càng, liệu còn có sợ hãi hay không? Đó là, bạn có thể quan sát rất, rất tỉ mỉ, mật thiết, sợ hãi là gì chỉ khi nào người quan sát là vật được quan sát. Chúng ta đang thâm nhập vào nó. Vậy là, sợ hãi là gì? Nó nảy sinh bằng cách nào? Những sợ hãi rõ ràng thuộc thân thể có thể hiểu rõ được, như những nguy hiểm thuộc thân thể, mà có những phản ứng tức khắc; hiểu rõ chúng rất dễ dàng, chúng ta không cần tìm hiểu nhiều lắm. Nhưng chúng ta đang nói về những sợ hãi thuộc tâm lý; những sợ hãi thuộc tâm lý này nảy sinh bằng cách nào? Nguồn gốc của chúng là gì? Đó là chủ đề phải quan tâm. Có sợ hãi về cái gì đó đã xảy ra ngày hôm qua; sợ hãi về cái gì đó có lẽ xảy ra sau đó hôm nay hay ngày mai. Có sợ hãi về cái gì đó chúng ta đã biết rồi, và có sợ hãi về cái không biết được, mà là ngày mai. Người ta có thể tự-thấy rất rõ ràng cho chính người ta rằng sợ hãi nảy sinh qua cấu trúc của tư tưởng – qua suy nghĩ về cái đã xảy ra ngày hôm qua mà người ta sợ hãi, hay qua suy nghĩ về tương lai, đúng chứ? Tư tưởng nuôi dưỡng sợ hãi, phải không? Làm ơn, chúng ta hãy hoàn toàn chắc chắn; đừng chấp nhận điều gì người nói đang trình bày; hãy tuyệt đối chắc chắn cho chính bạn về vấn đề liệu tư tưởng có là nguồn gốc của sợ hãi hay không. Suy nghĩ về đau khổ, đau khổ tâm lý mà người ta đã có cách đây lâu rồi và không muốn nó được lặp lại, không muốn sự việc đó được nhớ lại, suy nghĩ về tất cả điều này, nuôi dưỡng sợ hãi. Liệu chúng ta có thể tiếp tục từ đó? Nếu chúng ta không thấy điều này rất rõ ràng, chúng ta sẽ không thể tiến tới thêm nữa. Tư tưởng, đang suy nghĩ về một biến cố, một trải nghiệm, một trạng thái, mà trong đó đã có một bực dọc, nguy hiểm, phiền muộn hay đau đớn, tạo ra sợ hãi. Và tư tưởng, vì đã thiết lập một an toàn nào đó, thuộc tâm lý, không muốn sự an toàn đó bị quấy rầy; bất kỳ quấy rầy nào là một nguy hiểm và thế là có sợ hãi.
Tư tưởng chịu trách nhiệm cho sợ hãi; cũng vậy, tư tưởng chịu trách nhiệm cho vui thú. Người ta đã có một trải nghiệm hạnh phúc; tư tưởng suy nghĩ về nó và muốn nó được tiếp tục. Khi điều đó không thể được, có một kháng cự, tức giận, thất vọng, và sợ hãi. Thế là, tư tưởng chịu trách nhiệm cho sợ hãi cũng như vui thú, phải không? Đây không là một kết luận bằng từ ngữ; đây không là một công thức dành để lẩn tránh sợ hãi. Đó là, nơi nào có vui thú có đau khổ và sợ hãi được duy trì bởi tư tưởng; vui thú theo cùng đau khổ, hai cái không thể phân chia, và tư tưởng chịu trách nhiệm cả hai. Nếu không có ngày mai, không có khoảnh khắc kế tiếp để suy nghĩ dựa theo hoặc sợ hãi hoặc đau khổ, vậy là cả hai sẽ không tồn tại? Chúng ta sẽ triển khai từ đó chứ? Liệu nó là một thực sự, không như một ý tưởng, nhưng một sự việc mà chính bạn đã tự-khám phá và vì vậy thực sự, vậy là bạn có thể nói, ‘Tôi đã khám phá rằng tư tưởng nuôi dưỡng cả vui thú lẫn sợ hãi’? Bạn đã trải qua những hưởng thụ về tình dục, vui thú; sau đó bạn suy nghĩ về nó trong hình ảnh, những hình ảnh của suy nghĩ, và chính suy nghĩ về nó tạo ra sức mạnh cho vui thú đó, mà lúc này là hình ảnh của tư tưởng, và khi cái đó bị cản trở liền có đau khổ, lo âu, sợ hãi, ghen tuông, bực dọc, tức giận, tàn ác. Và chúng ta không đang nói rằng bạn không được có vui thú.
Hạnh phúc không là vui thú; ngây ngất không được tạo ra bởi tư tưởng; nó là một việc hoàn toàn khác biệt. Bạn có thể bắt gặp hạnh phúc hay ngây ngất chỉ khi nào bạn hiểu rõ bản chất của tư tưởng, mà nuôi dưỡng cả vui thú lẫn sợ hãi.
Vậy là câu hỏi nảy sinh: Liệu người ta có thể kết thúc tư tưởng? Nếu tư tưởng nuôi dưỡng sợ hãi và vui thú – bởi vì nơi nào có vui thú phải có đau khổ, mà là điều quá hiển nhiên – vậy thì người ta hỏi chính mình: Liệu tư tưởng có thể kết thúc? – mà không có nghĩa sự kết thúc của nhận biết vẻ đẹp, thưởng thức vẻ đẹp. Nó giống như thấy vẻ đẹp của một đám mây hay một cái cây và thưởng thức nó trọn vẹn, hoàn toàn, tổng thể; nhưng khi tư tưởng tìm kiếm để có cùng trải nghiệm đó vào ngày mai, cùng sự thú vị mà nó đã có ngày hôm qua khi thấy đám mây đó, cái cây đó, bông hoa đó, khuôn mặt của cái người đẹp đẽ đó, vậy thì nó mời mọc sự thất vọng, đau khổ, sợ hãi, và vui thú.
Vì vậy liệu tư tưởng có thể kết thúc? Hay đó là một câu hỏi hoàn toàn sai lầm? Nó là một câu hỏi sai lầm bởi vì chúng ta muốn trải nghiệm một ngây ngất, một hạnh phúc, mà không là vui thú. Bằng cách kết thúc vui thú chúng ta hy vọng chúng ta bắt gặp cái gì đó vô hạn, mà không là sản phẩm của cả vui thú lẫn sợ hãi. Hãy hỏi tư tưởng có vị trí nào trong sống, không phải làm thế nào tư tưởng sẽ được kết thúc? Sự liên quan của tư tưởng đến hành động và không-hành động là gì?
Sự liên quan của tư tưởng đến hành động nơi hành động cần thiết là gì? Tại sao, khi có sự thưởng thức trọn vẹn về vẻ đẹp, tư tưởng lại chen vào? Bởi vì nếu nó không chen vào, lúc đó nó sẽ không được chuyển tiếp sang ngày mai. Tôi muốn tìm ra – khi có sự thưởng thức trọn vẹn về vẻ đẹp của một hòn núi, của một khuôn mặt đẹp, một dải nước – tại sao tư tưởng phải chen vào đó và đưa ra một biến dạng cho nó và nói, ‘Tôi phải có vui thú đó lại vào ngày mai’. Tôi phải tìm ra sự liên quan của tư tưởng trong hành động là gì; và phải tìm ra liệu tư tưởng có cần can thiệp khi không có nhu cầu của tư tưởng gì cả. Tôi nhìn thấy một cái cây đẹp, không có một chiếc lá nào cả, tương phản với bầu trời; nó đẹp lạ lùng và từng đó đủ rồi – chấm dứt. Tại sao tư tưởng phải chen vào và nói, ‘Tôi phải có cùng thú vị đó vào ngày mai’? Và tôi cũng hiểu rằng tư tưởng phải vận hành trong hành động. Kỹ năng trong hành động cũng là kỹ năng trong tư tưởng. Vậy là, sự liên quan thực sự giữa tư tưởng và hành động là gì? Như nó là, hành động của chúng ta được đặt nền tảng trên những khái niệm, những ý tưởng. Tôi có một khái niệm hay ý tưởng về điều gì nên được làm và điều gì được làm là sự phỏng chừng đến khái niệm, ý tưởng đó, đến lý tưởng đó. Vậy là có một phân chia giữa hành động và khái niệm, lý tưởng, ‘cái nên là’; trong phân chia này có xung đột. Bất kỳ sự phân chia nào, phân chia tâm lý, phải nuôi dưỡng xung đột. Tôi đang tự-hỏi mình, ‘Sự liên quan của tư tưởng trong hành động là gì?’ Nếu có sự phân chia giữa hành động và ý tưởng vậy thì hành động là không-trọn vẹn. Có một hành động mà trong đó tư tưởng thấy cái gì đó ngay tức khắc và hành động ngay tức khắc để cho không có một ý tưởng, một học thuyết sẽ bị hành động một cách tách rời hay không? Có một hành động mà trong đó ngay đang thấy là hành động – mà trong đó ngay đang suy nghĩ là hành động hay không? Tôi thấy rằng tư tưởng nuôi dưỡng cả sợ hãi lẫn vui thú; tôi thấy rằng nơi nào có vui thú có đau khổ và thế là kháng cự với đau khổ. Tôi thấy điều đó rất rõ ràng; đang thấy về nó là hành động tức khắc; trong đang thấy về nó được bao gồm tư tưởng, hợp lý, và suy nghĩ rất rõ ràng; tuy nhiên đang thấy về nó là tức khắc và hành động là tức khắc – vì vậy có sự tự do khỏi nó.
Chúng ta đang chuyển tải lẫn nhau chứ? Theo từ từ, nó khó khăn lắm. Làm ơn đừng nói vâng dễ dàng như thế. Nếu bạn nói vâng, vậy thì khi bạn rời sảnh này bạn phải được tự do khỏi sợ hãi. Nói vâng của bạn chỉ là một khẳng định rằng bạn đã hiểu rõ bằng từ ngữ, bằng trí năng, và vì vậy không là gì cả. Sáng nay bạn và tôi ở đây để tìm hiểu vấn đề của sợ hãi, và khi bạn rời sảnh này, phải có sự tự do hoàn toàn khỏi nó. Điều đó có nghĩa bạn là một con người tự do, một con người khác hẳn, được thay đổi hoàn toàn – không phải ngày mai, nhưng ngay lúc này; bạn thấy rất rõ ràng rằng tư tưởng nuôi dưỡng cả sợ hãi lẫn đau khổ; bạn thấy rằng tất cả những giá trị của bạn đều được đặt nền tảng trên sợ hãi và vui thú – luân lý, đạo đức, xã hội, tôn giáo, tinh thần. Nếu bạn nhận biết sự thật của nó – và muốn thấy sự thật của nó bạn phải tỉnh táo lạ thường, một cách hợp lý, một cách lành mạnh, một cách thông minh đang quan sát mỗi chuyển động của tư tưởng – vậy thì chính nhận biết đó là hành động tổng thể và vậy thì bạn hoàn toàn vượt khỏi nó; ngược lại bạn sẽ nói, ‘Làm thế nào tôi sẽ được tự do khỏi sợ hãi vào ngày mai?’
Người hỏi: Không có sợ hãi tự phát hay sao?
Krishnamurti: Bạn sẽ gọi đó là sợ hãi hay sao? Khi bạn biết lửa cháy, khi bạn thấy một vách núi đứng, nhảy thoát nó là sợ hãi? Khi bạn thấy một con thú hoang, một con rắn, bạn thối lui, đó là sợ hãi? Hay nó là thông minh? Thông minh đó có lẽ là kết quả của tình trạng bị quy định, bởi vì bạn đã bị quy định đến những nguy hiểm của vách núi đứng, bởi vì nếu bạn không làm theo bạn có thể bị rơi xuống vực và việc đó có nghĩa là kết thúc. Thông minh của bạn bảo bạn hãy cẩn thận; thông minh đó là sợ hãi à? Nhưng nó là thông minh mà vận hành khi chúng ta tự-phân chia chính chúng ta thành những quốc tịch, thành những nhóm tôn giáo? Khi chúng ta tạo ra sự phân chia này giữa bạn và tôi, chúng ta và chúng nó, đó là thông minh à? Cái đang vận hành trong phân chia đó, mà tạo ra nguy hiểm, mà phân chia con người, mà mang lại chiến tranh, đó là thông minh đang vận hành hay đó là sợ hãi? Đó là sợ hãi, không phải thông minh. Nói cách khác, chúng ta đã tự-phân chia chính chúng ta; một phần của chúng ta hành động, nơi cần thiết, một cách thông minh, như trong việc tránh một vách núi đứng, hay một xe buýt đang chạy qua; nhưng chúng ta lại không đủ thông minh để thấy những nguy hiểm của chủ nghĩa quốc gia, những nguy hiểm của sự phân chia giữa những con người? Vậy là, một phần của chúng ta – một phần rất nhỏ của chúng ta – là thông minh, phần còn lại của chúng ta không là. Nơi nào có sự phân chia, phải có xung đột, phải có đau khổ; chính bản thể của xung đột là sự phân chia, sự mâu thuẫn trong chúng ta. Mâu thuẫn đó là không được hòa hợp. Nó là một trong những đặc điểm lạ thường rằng chúng ta phải tự-hòa hợp chính chúng ta. Tôi không biết nó thực sự có nghĩa gì. Ai đang hòa hợp hai bản chất bị đối nghịch, bị phân chia? Bởi vì chính người hòa hợp không là thành phần của sự phân chia đó hay sao? Nhưng khi người ta thấy tổng thể của nó, khi người ta có sự nhận biết về nó, mà không có bất kỳ sự chọn lựa nào – không còn phân chia.