BÀN VỀ SỢ HÃI [ON FEAR]
Lời dịch: ÔNG KHÔNG – 2009 –
HarperSanFrancisco, A Division of HarperCollinsPublishers
Từ quyển Nói chuyện cuối cùng tại Saanen 1985
14 tháng bảy 1985
Từ niên thiếu chúng ta bị tổn thương. Luôn luôn có áp lực, luôn luôn có ý thức của được thưởng và bị phạt. Bạn nói với tôi một điều gì đó mà tôi bị tức giận và bị tổn thương – đúng chứ? Vì vậy chúng ta đã nhận ra một sự kiện rất đơn giản rằng từ niên thiếu chúng ta bị tổn thương, và suốt phần còn lại thuộc sống của chúng ta chúng ta đem theo sự tổn thương đó – sợ hãi bị tổn thương thêm nữa, hay gắng sức để không bị tổn thương, mà là một hình thức khác của sự kháng cự. Vì vậy, chúng ta nhận biết được những tổn thương này và nhận biết được do bởi những tổn thương đó nên tạo tác một rào chắn quanh chúng ta, cái rào chắn của sợ hãi? Chúng ta có thể tìm hiểu vấn đề của sợ hãi này? Chúng ta hãy tìm hiểu nhé? Không phải vì sự hứng thú của tôi, nhưng bởi vì chính các bạn nên tôi đang trình bày. Liệu chúng ta có thể tìm hiểu nó rất, rất sâu xa và xem thử tại sao những con người, mà là tất cả chúng ta, đã sống cùng sợ hãi trong hàng ngàn năm? Chúng ta hiểu rõ những hậu quả của sợ hãi – sợ hãi không được thưởng, sợ hãi một thất bại, sợ hãi sự yếu ớt của bạn, sợ hãi cảm giác riêng của bạn rằng bạn phải đạt đến một cái mốc nào đó mà lại không có khả năng. Và tất cả việc này nuôi dưỡng những hình thức nào đó của sợ hãi. Các bạn có thích tìm hiểu vấn đề này không? Điều đó có nghĩa là tìm hiểu nó thấu đáo đến tận cùng, và không chỉ nói rằng, ‘Xin lỗi điều đó quá khó khăn’. Không có gì là quá khó khăn nếu bạn muốn thực hiện nó. Từ ngữ khó khăn ngăn cản bạn không hành động thêm nữa. Nhưng nếu bạn có thể gạt đi từ ngữ đó vậy thì chúng ta có thể tìm hiểu vấn đề rất, rất phức tạp này.
Trước hết, tại sao chúng ta lại sống cùng sợ hãi? Nếu bạn có một chiếc xe hơi bị hỏng máy bạn đi đến một tiệm sửa xe gần nhất, nếu bạn có thể, và sau đó máy móc được sửa chữa rồi bạn tiếp tục chạy. Đó có phải bởi vì không có người nào chúng ta có thể nương nhờ để giúp đỡ chúng ta vượt qua sợ hãi? Bạn hiểu rõ câu hỏi chứ? Có phải chúng ta muốn sự giúp đỡ từ một ai đó để được tự do khỏi sợ hãi – từ những người tâm lý học, những chuyên gia liệu pháp tâm lý, những người tâm thần học, hay vị giáo sĩ, hay vị đạo sư mà nói rằng, ‘Hãy dâng hiến mọi thứ cho ta, gồm cả tiền bạc của bạn, rồi thì bạn sẽ hoàn toàn an bình’ Chúng ta làm việc này. Bạn có lẽ cười, bạn có lẽ thích thú, nhưng phía bên trong chúng ta luôn luôn đang làm việc này.
Chúng ta muốn sự giúp đỡ phải không? Cầu nguyện; cầu nguyện để được tự do khỏi sợ hãi là một hình thức của giúp đỡ. Người nói đang bảo cho bạn làm thế nào để được tự do khỏi sợ hãi là một hình thức của giúp đỡ. Nhưng ông ta sẽ không bảo cho bạn làm cách nào, bởi vì chúng ta đang cùng nhau đi, chúng ta đang dùng mọi năng lượng để khám phá cho chính chúng ta nguyên nhân của sợ hãi. Nếu bạn hiểu rõ một điều gì đó rất rành mạch bạn không phải quyết định, hay chọn lựa, hay xin xỏ sự giúp đỡ – bạn hành động – đúng chứ? Liệu chúng ta có thấy rành mạch toàn bộ kết cấu, bản chất bên trong của sợ hãi? Bạn đã sợ hãi và ký ức của việc đó quay lại và nói đó là sợ hãi.
Vì vậy, chúng ta hãy tìm hiểu vấn đề này cẩn thận – không phải người nói tìm hiểu nó rồi sau đó bạn đồng ý, hay không đồng ý, nhưng chính bạn đang cùng làm chuyến hành trình này với người nói, không phải bằng từ ngữ hay trí năng, nhưng đào sâu, thăm dò, xem xét. Chúng ta đang tìm ra – chúng ta muốn đào sâu giống như bạn đào ngoài vườn, hay để tìm nguồn nước. Bạn đào sâu, bạn không đứng bên ngoài trên quả đất và nói rằng, ‘Tôi phải có nước.’ Bạn đào, hay đi đến một con sông. Vì vậy trước hết, chúng ta hãy rất rõ ràng: Bạn muốn sự giúp đỡ với mục đích để được tự do khỏi sợ hãi? Nếu bạn muốn sự giúp đỡ vậy thì bạn đang thiết lập một uy quyền – đúng chứ? Vậy thì bạn chịu trách nhiệm cho sự thiết lập một uy quyền, một người dẫn dắt, một giáo sĩ. Vì vậy người ta phải tự hỏi trước khi chúng ta tìm hiểu vấn đề của sợ hãi này, liệu bạn muốn sự giúp đỡ? Dĩ nhiên bạn đến một bác sĩ nếu bạn bị đau đớn, hay bị nhức đầu, hay một loại bệnh nào đó. Ông ấy biết nhiều hơn về các bộ phận trong cơ thể của bạn vì vậy ông ấy sẽ bảo cho bạn biết phải làm gì. Chúng ta không đang nói về loại giúp đỡ đó. Chúng ta đang nói liệu bạn có cần sự giúp đỡ, một ai đó dạy dỗ bạn, hướng dẫn bạn, và nói rằng, ‘Hãy làm việc này, hãy làm việc kia, ngày này qua ngày khác, và bạn sẽ được tự do khỏi sợ hãi.’ Người nói không đang giúp đỡ bạn. Đó là một điều chắc chắn, bởi vì bạn có hàng tá người giúp đỡ, từ những vị lãnh đạo tôn giáo to lớn – Chúa cấm! – đến những chuyên gia tâm lý nghèo nàn, hèn kém nhất ở góc đường. Vì vậy chúng ta hãy rất rõ ràng giữa chính chúng ta rằng người nói không muốn giúp đỡ các bạn theo tâm lý bằng bất kỳ hình thức nào – được chứ? Các bạn vui lòng chấp nhận điều đó chứ? Thành thật chấp nhận điều đó chứ? Đừng nói vâng; điều đó khó khăn lắm. Trong suốt sống của bạn, bạn đã tìm kiếm sự giúp đỡ trong những phương hướng khác nhau, dù rằng một số người nói rằng, ‘Vâng, tôi không cần sự giúp đỡ.’ Nó chỉ đòi hỏi sự trực nhận, đang nhìn thấy rõ nhu cầu được giúp đỡ đã làm gì cho con người. Bạn chỉ yêu cầu được giúp đỡ khi bạn bị rối loạn, khi bạn không biết phải làm gì, khi bạn hoang mang. Nhưng khi bạn thấy rất rành mạch những sự việc – thấy, quan sát, trực nhận, không những ở bên ngoài, nhưng ở bên trong nhiều hơn – khi bạn thấy rất, rất rành mạch những sự việc, bạn không muốn bất kỳ sự giúp đỡ nào; đó kìa nó hiện diện. Và từ đó hành động đến. Cùng nhau chúng ta hiểu rõ điều này chứ? Chúng ta hãy lặp lại điều này, nếu các bạn muốn. Người nói không đang bảo cho các bạn biết làm cách nào. Đừng bao giờ đưa ra câu hỏi làm cách nào đó, và rồi thì luôn luôn có một người nào đó đưa cho bạn một sợi dây thừng. Người nói không đang giúp đỡ bạn bằng bất kỳ cách nào, nhưng cùng nhau chúng ta đi chung một con đường, tuy rằng có lẽ không cùng một tốc độ. Nhưng hãy điều chỉnh tốc độ riêng của bạn và chúng ta sẽ cùng nhau sánh vai.
Nguyên nhân của sợ hãi là gì? Làm ơn hãy tìm hiểu từ từ. Nguyên nhân – nếu bạn có thể khám phá nguyên nhân vậy thì bạn có thể làm một điều gì đó về nó, bạn có thể thay đổi nguyên nhân, đúng chứ? Nếu một bác sĩ bảo với người nói rằng ông ta bị ung thư – mà ông ta không bị – nhưng giả sử bác sĩ bảo với tôi điều đó và nói rằng, ‘Tôi có thể cắt bỏ nó dễ dàng và bạn sẽ khỏe lại.’ Tôi đi tới ông ấy. Ông ấy cắt bỏ nó và nguyên nhân chấm dứt. Vì thế nguyên nhân có thể luôn luôn được thay đổi, được nhổ bật gốc rễ. Nếu bạn bị nhức đầu bạn có thể tìm được nguyên nhân của nó, nếu bạn ăn uống không phù hợp, hay bạn hút thuốc quá nhiều, hay bạn uống rượu quá nhiều. Hoặc bạn ngừng uống rượu, hút thuốc, và mọi chuyện như thế, hoặc bạn dùng một viên thuốc để chấm dứt nó. Lúc đó viên thuốc trở thành hậu quả mà trong chốc lát chấm dứt nguyên nhân, đúng chứ? Vì vậy nguyên nhân và hậu quả luôn luôn có thể được thay đổi, ngay lập tức hay bạn tốn thời gian với nó. Nếu bạn tốn thời gian với nó, vậy thì trong khoảng thời gian đó những nhân tố khác len lỏi vào nó. Thế là bạn không bao giờ thay đổi hậu quả, bạn tiếp tục với nguyên nhân. Chúng ta có cùng nhau hiểu rõ không? Vậy thì nguyên nhân của sợ hãi là gì? Tại sao chúng ta lại không tìm hiểu nó? Tại sao chúng ta lại chịu đựng nó, khi biết hậu quả của sợ hãi, những kết cuộc của sợ hãi? Nếu thuộc tâm lý bạn không sợ hãi, không có sợ hãi gì cả, bạn sẽ không còn thần thánh, bạn sẽ không còn những biểu tượng để thờ phượng, không còn những nhân cách để kính yêu. Rồi thì bạn được tự do lạ thường phần tâm lý. Sợ hãi cũng làm người ta co rúm lại, căng thẳng, lo lắng, muốn tẩu thoát khỏi nó và do đó sự tẩu thoát trở nên quan trọng hơn sợ hãi. Các bạn đang theo kịp chứ? Vì vậy chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân của sợ hãi là gì – nguyên nhân gốc rễ của nó. Và nếu chúng ta tự-khám phá nó cho chính mình, vậy thì nó chấm dứt. Nếu chúng ta hiểu rõ nguyên nhân, hay nhiều nguyên nhân, chính trực nhận đó chấm dứt nguyên nhân. Các bạn có đang lắng nghe tôi, lắng nghe người nói, giải thích nguyên nhân hay không? Hay thậm chí các bạn không bao giờ cần đưa ra một câu hỏi như thế? Tôi chịu đựng sợ hãi, giống như người cha của tôi, người ông của tôi, nguyên cái chủng tộc trong đó tôi được sinh ra, nguyên cái cộng đồng, nguyên cái cấu trúc của thần thánh và nghi lễ đều dựa vào sợ hãi và sự khao khát để đạt được một trạng thái phi thường nào đó.
Vì vậy chúng ta hãy tìm hiểu điều này. Chúng ta không đang bàn luận về vô số hình thái khác nhau của sợ hãi – sợ hãi bóng tối, sợ hãi người vợ, người chồng của mình, sợ hãi xã hội, sợ hãi chết chóc, và vân vân. Nó giống như một cái cây có nhiều, nhiều cành, nhiều bông hoa, nhiều quả, những bông hoa trở thành quả, nhưng chúng ta đang nói về gốc rễ của cái cây đó. Gốc rễ của nó – không phải một hình thái sợ hãi riêng biệt của bạn. Bạn có thể lần ra dấu tích hình thái sợ hãi riêng của bạn từ gốc rễ của sợ hãi. Vì vậy chúng ta đang hỏi: chúng ta đang quan tâm đến những sợ hãi của chúng ta, hay đến tổng thể của sự sợ hãi? Đến tổng thể cái cây, không chỉ là một cái cành của nó? Bởi vì nếu chúng ta không hiểu rõ làm thế nào cái cây đó sống được, nó cần bao nhiêu nước, chiều sâu của đất và vân vân, chỉ cắt tỉa cành cây sẽ không được gì cả; chúng ta phải lần mò ngay gốc rễ của sợ hãi.
Vậy thì gốc rễ của sợ hãi là gì? Đừng chờ đợi tôi trả lời. Tôi không là người lãnh đạo của bạn, tôi không là người giúp đỡ của bạn, tôi không là vị đạo sư của bạn – cám ơn Chúa! Chúng ta hãy cùng nhau, như hai anh em, và tôi có ý như vậy, người nói có ý như vậy, nó không chỉ là những từ ngữ. Như hai người bạn tốt đã quen nhau từ khởi đầu của thời gian, đi cùng một con đường, cùng một tốc độ, nhìn ngắm mọi thứ quanh bạn và trong bạn, vì vậy hãy cùng nhau chúng ta tìm hiểu sợ hãi. Làm ơn, hãy cùng nhau. Nếu không như vậy, cuộc nói chuyện này sẽ chỉ là những từ ngữ, và khi chấm dứt nói chuyện bạn sẽ nói rằng, ‘Thật ra tôi sẽ phải làm gì với sợ hãi của tôi đây?’
Sợ hãi rất phức tạp. Nó là một phản ứng rất mạnh mẽ. Nếu bạn nhận biết được nó, nó là một cú choáng, không chỉ về sinh lý, về thể trạng, mà còn là một cú choáng đến bộ não. Bộ não có một khả năng, vì người ta tự khám phá cho chính mình, không phải từ điều gì những người khác nói, nó có khả năng giữ được lành mạnh bất kể một cú choáng. Tôi không biết tất cả về việc đó, nhưng chính cú choáng mời mọc sự bảo vệ riêng của nó. Nếu bạn tự tìm hiểu nó, bạn sẽ hiểu rõ. Vì vậy sợ hãi là một cú choáng – trong khoảnh khắc, hay tiếp tục trong những hình thức khác, với những diễn tả khác, trong những phương thức khác. Vậy là chúng ta sẽ tìm hiểu ngay, ngay, ngay tại gốc rễ của nó. Muốn hiểu rõ ngay gốc rễ của nó, chúng ta phải hiểu rõ thời gian, đúng chứ? Thời gian như hôm qua, thời gian như hôm nay. Tôi nhớ điều gì đó tôi đã làm, mà tôi bị thẹn thuồng hay căng thẳng, hay lo lắng, hay sợ hãi; tôi nhớ tất cả điều đó và nó tiếp tục đến tương lai. Tôi đã tức giận, ghen tuông, ganh tị – đó là quá khứ. Tôi vẫn còn ganh tị, được thay đổi chút ít; tôi hơi hơi rộng lượng với mọi thứ, nhưng ganh tị vẫn tiếp diễn. Toàn qui trình này là thời gian, đúng chứ?
Bạn xem điều gì là thời gian? Qua đồng hồ, mặt trời mọc, mặt trời lặn, sao hôm, trăng non và trăng tròn sau đó mười lăm ngày. Đối với bạn thời gian là gì? Thời gian để học một kỹ năng? Thời gian để học một ngôn ngữ? Thời gian để viết một lá thư? Thời gian để đi từ đây về nhà của bạn? Tất cả việc đó là thời gian như khoảng cách, đúng chứ? Tôi phải đi từ đây đến đó. Đó là một khoảng cách được bao phủ bởi thời gian, đúng chứ? Nhưng thời gian cũng ở phía bên trong, thuộc tâm lý; tôi là điều này, tôi phải trở thành điều kia. Trở thành điều kia được gọi là tiến hóa. Tiến hoá có nghĩa từ hạt đến cái cây. Và cũng vậy tôi dốt nát nhưng tôi sẽ học. Tôi không biết nhưng tôi sẽ biết. Hãy cho tôi thời gian để được tự do khỏi bạo lực. Bạn đang theo sát chứ? Hãy cho tôi thời gian. Hãy cho tôi một vài ngày, một tháng hay một năm và tôi sẽ được tự do khỏi nó. Vì vậy chúng ta sống bằng thời gian – không phải chỉ đi làm việc mỗi ngày từ chín đến năm giờ, Chúa cấm, mà còn thời gian để trở thành một điều gì đó. Nhìn xem, bạn hiểu rõ tất cả việc này, đúng chứ? Thời gian, chuyển động của thời gian? Tôi đã sợ hãi bạn và tôi nhớ sợ hãi đó; sợ hãi đó vẫn còn ở đó và tôi sẽ sợ hãi bạn vào ngày mai. Tôi hy vọng là không, nhưng nếu tôi không làm một điều gì đó rất nghiêm túc về nó tôi sẽ sợ hãi bạn vào ngày mai. Vì vậy chúng ta sống bằng thời gian. Làm ơn, chúng ta hãy rõ ràng về điều này. Chúng ta sống bằng thời gian, mà là, tôi đang sống, tôi sẽ chết. Tôi sẽ trì hoãn chết càng lâu càng tốt; tôi đang sống và tôi sẽ làm mọi thứ để lẩn tránh chết, mặc dầu nó không tránh khỏi. Thế là cả tâm lý lẫn sinh lý, chúng ta sống bằng thời gian.
Thời gian có là một nhân tố của sợ hãi? Làm ơn hãy tìm hiểu. Thời gian – đó là, tôi đã nói dối, tôi không muốn bạn biết; nhưng bạn rất thông minh, bạn nhìn tôi và nói rằng, ‘Bạn đã nói dối’, ‘Không, không, tôi không nói dối’ – tôi biện hộ ngay tức khắc bởi vì tôi sợ bạn phát hiện được tôi là người nói dối. Tôi sợ hãi bởi vì tôi đã làm việc gì đó, mà tôi không thích bạn biết. Mà là điều gì? Tư tưởng, phải không? Tôi đã làm một điều gì đó mà tôi nhớ và sự nhớ lại đó nói rằng, hãy cẩn thận, đừng để anh ta khám phá ra bạn nói dối bởi vì bạn đã có danh tiếng như một người thật thà, và vì vậy hãy tự-bảo vệ bạn. Vậy là suy nghĩ và thời gian theo cùng nhau. Không có sự phân chia giữa tư tưởng và thời gian. Làm ơn hãy rõ ràng về vấn đề này, nếu không bạn sẽ khá hoang mang sau này. Nguyên nhân của sợ hãi, gốc rễ của nó, là thời gian-tư tưởng.
Chúng ta có rõ ràng rằng thời gian, đó là, quá khứ, cùng tất cả những sự việc mà người ta đã làm, và tư tưởng, dù rằng dễ chịu hay khó chịu, đặc biệt nếu nó khó chịu, là gốc rễ của sợ hãi? Đây là một sự kiện rõ ràng, một sự kiện bằng từ ngữ rất đơn giản. Nhưng muốn vượt khỏi từ ngữ và thấy sự thật của điều này, chắc chắn bạn sẽ phải hỏi: Làm thế nào tư tưởng ngừng lại được? Đó là một câu hỏi tự nhiên, không à? Nếu tư tưởng tạo ra sợ hãi, mà quá hiển nhiên, vậy thì làm thế nào tôi ngừng được suy nghĩ? ‘Làm ơn hãy giúp đỡ tôi ngừng lại suy nghĩ của tôi’. Tôi sẽ là một người ngu xuẩn khi đưa ra một câu hỏi như thế nhưng tôi đang đưa ra nó. Làm thế nào tôi ngừng được suy nghĩ đây? Điều đó có thể được hay không? Hãy tiếp tục đi, thưa bạn, tìm hiểu đi, đừng để tôi tiếp tục. Suy nghĩ. Chúng ta sống bằng suy nghĩ. Mọi việc chúng ta làm đều qua tư tưởng. Chúng ta đã bàn cặn kẽ về điều này vào ngày trước rồi. Chúng ta sẽ không lãng phí thời gian tìm hiểu nguyên nhân, sự khởi đầu của suy nghĩ, nó đến bằng cách nào – trải nghiệm, hiểu biết, mà luôn luôn bị giới hạn, ký ức, và sau đó tư tưởng. Tôi chỉ đang vắn tắt lặp lại nó.
Vì vậy, liệu có thể ngừng được suy nghĩ? Liệu có thể không huyên thuyên suốt ngày, cho bộ não nghỉ ngơi, mặc dầu nó có nhịp điệu riêng của nó, dòng máu chảy lên nó, hoạt động riêng của nó? Riêng tư của nó, không phải hoạt động bị áp đặt bởi tư tưởng – bạn hiểu chứ?
Cho người nói được phép vạch rõ, đó là một câu hỏi sai lầm. Đó là ai mà ngừng suy nghĩ? Nó vẫn còn là tư tưởng, phải không? Khi tôi nói, ‘Ước gì tôi có thể ngừng suy nghĩ rồi thì tôi sẽ không còn sợ hãi’, đó là ai mà mong ước ngừng suy nghĩ? Nó vẫn còn là tư tưởng, phải không, bởi vì nó muốn một điều gì khác nữa?
Vậy thì, bạn sẽ làm gì đây? Bất kỳ chuyển động nào của tư tưởng để khác biệt cái gì nó là, vẫn còn là tư tưởng. Tôi tham lam nhưng tôi không được tham lam – nó vẫn còn là suy nghĩ. Tư tưởng đã sắp xếp tất cả những sự việc linh tinh, tất cả những công việc xảy ra trong nhà thờ. Giống như cái lều này, nó đã được sắp xếp cẩn thận vào cùng nhau bởi tư tưởng. Rõ ràng tư tưởng là gốc rễ của sự hiện hữu của chúng ta. Vì vậy chúng ta đang đưa ra một câu hỏi rất nghiêm túc, khi hiểu ra rằng tư tưởng đã làm gì, đã sáng chế được những thứ lạ kỳ nhất, máy vi tính, tàu chiến, hỏa tiễn, bom nguyên tử, giải phẫu, thuốc men, và cũng cả những sự việc nó đã thúc đẩy con người làm, đi tới mặt trăng, và vân vân. Tư tưởng là chính gốc rễ của sợ hãi. Chúng ta thấy điều đó chứ? Không phải làm thế nào để chấm dứt tư tưởng, nhưng thực sự thấy rằng suy nghĩ là gốc rễ của sợ hãi, mà là thời gian? Thấy, không phải bằng những từ ngữ, nhưng thực sự đang thấy. Khi bạn gặp đau khổ khủng khiếp, đau khổ đó không khác biệt bạn và bạn hành động ngay tức khắc – đúng chứ? Vì vậy liệu bạn thấy rõ ràng như bạn thấy cái đồng hồ, người nói, và người bạn đang ngồi bên cạnh bạn, thấy rằng tư tưởng là nguyên nhân của sợ hãi? Làm ơn đừng hỏi: ‘Làm thế nào tôi sẽ thấy được? Khoảnh khắc bạn hỏi làm thế nào, người nào đó sẵn lòng giúp đỡ bạn, vậy là bạn trở thành nô lệ của họ. Nhưng nếu chính bạn thấy rằng tư tưởng-thời gian thực sự là gốc rễ của sợ hãi – nó không cần cố ý hay một quyết định. Một con bọ cạp gây chết người, một con rắn gây chết người – tại ngay thời điểm trực nhận về chúng, bạn hành động.
Vì vậy người ta hỏi, tại sao chúng ta không thấy? Tại sao chúng ta không thấy rằng một trong những nguyên nhân của chiến tranh là những quốc tịch? Tại sao chúng ta không thấy rằng một người có lẽ được gọi là một người Hồi giáo, và một người khác có lẽ được gọi là một người Thiên chúa giáo, tại sao chúng ta lại đánh nhau vì những cái tên, vì sự tuyên truyền? Chúng ta thấy nó, hay chỉ ghi nhớ hay suy nghĩ về nó? Các bạn hiểu rõ rồi, thưa các bạn, rằng các bạn là, ý thức của các bạn là phần còn lại của nhân loại. Nhân loại, giống như bạn và những người khác, trải qua mọi hình thái của khó khăn, đau khổ, lao dịch, lo âu, cô độc, trầm cảm, buồn phiền, vui thú – mọi con người đều trải qua việc này – mọi con người khắp thế giới. Vì vậy ý thức của chúng ta, thân tâm của chúng ta, là toàn thể nhân loại. Điều này là như thế. Chúng ta miễn cưỡng làm sao đâu khi chấp nhận một sự kiện đơn giản như vậy, bởi vì chúng ta quá quen thuộc với tánh cá thể – tôi, cái tôi lệ thuộc là trước hết. Nhưng nếu bạn hiểu rõ rằng ý thức của bạn được chia sẻ bởi tất cả những con người khác đang sống trên quả đất tuyệt vời này, vậy thì toàn cách sống của bạn thay đổi. Nhưng chúng ta không hiểu rõ điều đó. Tranh luận, thuyết phục, áp lực, tuyên truyền, tất cả đều quá vô ích bởi vì chính bạn phải tự-thấy điều này.
Vậy thì, liệu chúng ta, mỗi người chúng ta, mà là phần còn lại của nhân loại, mà là nhân loại, có thể thấy một sự kiện rất đơn giản? Quan sát, thấy rằng nguyên nhân gây ra sợ hãi là tư tưởng-thời gian? Ngay lúc đó chính trực nhận là hành động. Và từ đó bạn không lệ thuộc vào bất kỳ người nào. Thấy nó rất rõ ràng. Vậy thì bạn là một người tự do.
[Dịch xong, tháng 7-2009]
Đã dịch:1-Sổ tay của Krishnamurti Krishnamurti’s Notebook
2-Ghi chép của Krishnamurti Krishnamurti’s Journal
3-Krishnamurti độc thoại Krishnamurti to Himself
4-Bàn về giáo dục On Education
5-Bàn về liên hệ On Relationship
6-Thư gửi trường học Letters to Schools
7-Nói chuyện cuối cùng 1985 tại Saanen Last Talk at Saanen 1985
8-Nghĩ về những việc này Think on these things
9-Ngẫm nghĩ cùng Krishnamurti Daily Meditation with Krishnamurti
10-Thiền định 1969 Meditaion 1969
11-Bàn về Thượng đế On God
12 –Tương lai là ngay lúc nàyThe Future is now
13 – Bàn về sống và chết On living and dying (2-2009)
14- Bàn Về Tình Yêu và Sự Cô Độc
15- Bàn Về Xung Đột, J. Krisnamurti On Conflict
16 – Sự thức dậy của thông minh (Tập I/II) The Awakening of Intelligence
17 – Bàn về sợ hãi (7-2009)On Fear