BÀN VỀ SỢ HÃI [ON FEAR]
Lời dịch: ÔNG KHÔNG – 2009 –
HarperSanFrancisco, A Division of HarperCollinsPublishers
PHẦN I
Saanen, 21 tháng bảy 1964
Muốn hiểu rõ sợ hãi, người ta phải tìm hiểu vấn đề của so sánh. Tại sao chúng ta so sánh? Trong những vấn đề kỹ thuật, so sánh phơi bày sự tiến bộ, mà là tương đối. Cách đây năm mươi năm không có bom nguyên tử, không có máy bay siêu thanh, nhưng bây giờ chúng ta có những thứ này; và trong năm mươi năm nữa chúng ta sẽ có thứ gì khác mà bây giờ chúng ta không có. Điều này được gọi là tiến bộ, mà luôn luôn so sánh, tương đối, và cái trí của chúng ta bị trói buộc trong cách suy nghĩ đó. Không chỉ phía bên ngoài làn da, như nó đã là, nhưng cũng còn cả phía bên trong làn da, trong cấu trúc tâm lý của con người riêng của chúng ta, chúng ta suy nghĩ một cách tương đối. Chúng ta nói, ‘Tôi là điều này, tôi đã là điều kia, và tôi sẽ là điều gì đó tốt đẹp hơn trong tương lai’. Sự suy nghĩ tương đối này chúng ta gọi là tiến bộ, tiến hóa, và toàn bộ cách cư xử của chúng ta – luân lý, đạo đức, tôn giáo – trong kinh doanh và trong những liên hệ thuộc xã hội của chúng ta – được đặt nền tảng trên nó. Chúng ta quan sát về chính chúng ta một cách tương đối trong liên quan đến một xã hội mà chính nó là kết quả của cùng đấu tranh tương đối này.
So sánh nuôi dưỡng sợ hãi. Làm ơn hãy tự-quan sát sự kiện này trong chính bạn. Tôi muốn là một người viết văn hay hơn, hay một người thông minh và đẹp đẽ hơn. Tôi muốn có nhiều hiểu biết hơn những người khác; tôi muốn thành công, trở thành người nào đó, được nổi tiếng nhiều hơn trong thế giới. Thuộc tâm lý, thành công và nổi tiếng chính là bản thể của so sánh, qua đó chúng ta liên tục nuôi dưỡng sợ hãi. Và so sánh cũng gây ra xung đột, đấu tranh, mà được kính trọng nhiều. Bạn nói rằng bạn phải ganh đua để tồn tại trong thế giới này, vì vậy bạn so sánh và ganh đua trong kinh doanh, trong gia đình, và trong những vấn đề tạm gọi là tôn giáo. Bạn phải đến được thiên đàng và ngồi cạnh Chúa Giê-su, hay bất kỳ đấng cứu rỗi đặc biệt nào của bạn. Tinh thần so sánh được phản ảnh trong giới giáo sĩ, trở thành một tổng giám mục, một hồng y, và cuối cùng giáo hoàng. Chúng ta rất siêng năng vun quén cùng tinh thần như thế xuyên suốt sống của chúng ta, đấu tranh để trở nên tốt hơn hay đạt được một giai cấp cao hơn người nào khác. Cấu trúc luân lý và xã hội của chúng ta được đặt nền tảng trên nó.
Vì vậy trong sống của chúng ta có trạng thái liên tục của so sánh, ganh đua này, và mãi mãi đấu tranh để là người nào đó – hay để không là ai cả, mà là cùng sự việc. Tôi cảm thấy, đây là gốc rễ của tất cả sợ hãi, bởi vì nó nuôi dưỡng ganh ghét, ghen tuông, hận thù. Nơi nào có hận thù chắc chắn không có tình yêu, và sợ hãi được sinh ra mỗi lúc một nhiều thêm.