Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Dẫn nhập

26/06/201114:29(Xem: 4272)
Chương 1: Dẫn nhập

KHO TÀNG CÁC GIÁO HUẤN SIÊU VIỆT
Tác giả: Đại sư Orgyen Kusum Lingpa, Liên Hoa dịch -
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

PHẦN I: GIẢI THOÁT NHỜ LẮNG NGHE TRONG BARDO
CHƯƠNG 1:DẪN NHẬP

Nhiều người đã tụ họp ở đây tối nay, và tôi rất vui sướng được gặp mỗi người trong các bạn. Tôi cảm kích trước việc các bạn quan tâm tới đời sống tâm linh, trước đức tin của các bạn, và trước sự nối kết giữa các bạn với giáo lý đạo Phật. Thật tốt đẹp thay việc các bạn chú tâm tới định luật nghiệp báo, nhân quả, và việc các bạn quan tâm tới những đời sống trong tương lai của mình. Điều quan trọng là phải hành xử một cách có trách nhiệm trong đời này. Tất cả chúng ta đều cần ăn uống, cần những y phục tiện dụng, và ở một mức độ nhất định, cần vui hưởng cuộc đời của chính mình. Nhưng tối quan trọng là chúng ta cần chuẩn bị cho những đời sống tương lai, bởi lẽ cuộc đời này là vô thường. Ở tuổi bốn mươi, năm mươi, sáu mươi hay bảy mươi, chúng ta phải từ bỏ cuộc sống tạm thời này. Tất cả chúng ta đều phải chết! Và vào lúc đó chúng ta không thể đem theo mình bất kỳ thứ gì. Rõ ràng là chúng ta không thể mang theo thân xác. Điều chúng ta đem theo khi từ giã cuộc đời này là tâm thức của chúng ta.

Cái chết là một sự biến đổi của tri giác, tương tự như việc đi vào trạng thái mộng mỗi đêm. Khi tâm thức rời bỏ thể xác, nó tiếp tục trải qua những kinh nghiệm tâm linh mới. Vào lúc chết, thể xác ngừng hiện hữu và tan trở lại vào các yếu tố (các đại). Lời nói (ngữ) của người đã chết cũng tan biến. Tuy nhiên, tâm là một hình thức trống không thì không chết. Từ vô thủy cho tới giây phút hiện tại, tâm thức ta đã từng đi vào nhiều trạng thái khác nhau của sự tái sinh trong sáu cõi luân hồi. Tuy thế, nó không bao giờ tồn tại mãi mãi trong bất kỳ trạng thái nào của những sự tái sinh đó.

Với trí tuệ và lòng bi mẫn vĩ đại, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã đến thế giới này và truyền dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn. Những giáo lý này khám phá con đường hướng đến giải thoát. Cốt tủy của những giáo lý này là tự chế không làm hại mọi chúng sinh, khơi dậy tâm Bồ-đề, là tâm tỉnh thức, vì sự lợi lạc của tất cả chúng sinh, và tận lực để tự đưa mình và những người khác cùng thoát khỏi đau khổ, khiến cho sự an bình và tĩnh lặng được thành tựu.

Một khi đi vào con đường này, các bạn cần xem xét động lực của các bạn. Các bạn cần kiềm chế trước những hành động không lành mạnh, bất thiện, và xoay chuyển tâm hướng về những tư tưởng, hành động lành mạnh và đức hạnh. Những tư tưởng, hành động không lành mạnh và bất thiện bị thúc đẩy bởi tham, sân, si, được gọi là ba độc. Ba độc này phải bị loại bỏ. Các giáo lý của con đường Bồ Tát đặt tầm quan trọng trong việc tích tập đức hạnh, là điều hoàn toàn tùy thuộc vào động lực của các bạn. Các bạn phát khởi động lực đúng đắn bằng cách suy tưởng rằng: Từ vô thủy cho tới giây phút này, tất cả chúng sinh, vào lúc này hay lúc khác đã từng là những cha mẹ tốt lành và thân yêu của các bạn. Các bạn nên suy xét rằng mỗi một chúng sinh đều đã từng có lúc ban tặng cho bạn cuộc đời, nuôi dưỡng bạn và đối xử với bạn hết sức tốt lành. Vì tất cả chúng sinh đã đối xử với bạn bằng một sự tốt lành vĩ đại như thế trong quá khứ nên đến lượt các bạn, các bạn cũng phải trải bày lòng tốt lành đối với họ.

Mọi người đều ước muốn hạnh phúc. Nhưng vì không hiểu làm thế nào tích tập các nguyên nhân để đưa đến hạnh phúc nên mỗi người tiếp tục tích tập các nguyên nhân tạo ra đau khổ. Việc không nhận định được cách thức loại bỏ các nguyên nhân tiêu cực này chỉ đem lại thêm đau khổ. Những gì ta ước muốn và những gì ta nhận được trái nghịch lẫn nhau. Đó là một tình huống hoàn toàn vô ích. Việc thấy được nỗi nhọc nhằn đó phải làm cho lòng bi mẫn lớn lao tuôn trào trong các bạn, phát sinh một sự xác tín mãnh liệt riêng tư là thành tựu con đường này để giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ, và cuối cùng dẫn dắt họ tới trạng thái giải thoát. Đây là sự cam kết mà tất cả chúng ta cần thực hiện. Đây chính là động lực của chúng ta.

Các giáo lý của Đức Phật chia làm hai loại: sutra (kinh) và tantra. Sự giảng giải về ý hướng hay động lực đức hạnh thì thuộc loại giáo lý kinh điển và cũng là nền tảng cho tantra. Theo con đường mật chú, Vajrayana (Kim Cương thừa), ta không chỉ nuôi dưỡng ý hướng đức hạnh mà đồng thời ta cần phát triển cách nhìn linh thánh. Các con đường sutra và tantra là những con đường tâm linh với cùng ý hướng: loại trừ các che chướng và tích tập hai loại công đức, được gọi là công đức thông thường và công đức trí tuệ. Cả hai con đường đều đưa ta thoát khỏi đau khổ đi tới giải thoát. Con đường tantra có nhiều phương pháp hơn con đường sutra và các phương pháp này đưa ta nhanh chóng đi tới trạng thái giải thoát. Con đường tantra bao gồm ít gian khổ hơn, thiết thực và trực tiếp hơn con đường sutra. Tuy nhiên, con đường tantra đưa ra yêu cầu to lớn nơi hành giả, vì thế điều cần thiết đối với hành giả là có tri giác nhạy bén và sự tinh tấn vĩ đại để việc sử dụng những phương pháp này nhanh chóng đưa tới giải thoát.

Hành giả Kim Cương thừa phải phát khởi một thái độ bi mẫn trong khi duy trì một cái nhìn linh thánh về môi trường quanh mình. Theo con đường Kim Cương thừa, một hành giả với cái nhìn linh thánh sẽ không kinh nghiệm căn phòng này là một căn phòng bình thường, được làm bằng những vật liệu thông thường. Trái lại, một hành giả như thế sẽ kinh nghiệm nó là một cảnh giới thanh tịnh. Anh ta nhận thức vị Thầy không là một con người bình thường, mà đúng hơn là một bậc giác ngộ, hiện thân của ba Thân (Pháp Thân, Báo Thân và Hóa Thân). Những người hiện diện và đang lắng nghe giáo lý được nhìn như các vị trời, thiên nữ hay các Bồ Tát. Các giáo lý được nhận thức như sự Chuyển Pháp luân vĩ đại.

Khi một người đang nhận lãnh các giáo lý, điều quan trọng là giải thoát khỏi ba khiếm khuyết của một bình chứa (pháp khí), sáu sự ô nhiễm và năm cách sai lầm trong sự hiểu biết hay nhớ tưởng.

Về ba khiếm khuyết của một bình chứa, khiếm khuyết thứ nhất là giống như một cái bình lật úp. Không thứ gì có thể đi vào một bình chứa như thế. Khiếm khuyết thứ hai là giống như một bình chứa có đáy bị rò rỉ. Không thứ gì có thể được cầm giữ. Khiếm khuyết thứ ba là giống như một bình chứa bị dơ bẩn bởi chất độc. Trong trường hợp này, bất kỳ giáo lý nào được đưa vào một bình chứa như thế, bản thân chúng sẽ bị dơ bẩn khi trộn lẫn với những tà kiến. Khi thọ nhận những giáo lý tâm linh, mỗi khiếm khuyết như trên đều phải bị loại bỏ.

Sáu ô nhiễm là (1) sự kiêu ngạo hay tự phụ, (2) thiếu đức tin, (3) thiếu quan tâm hay nỗ lực, (4) phóng tâm hướng ngoại, (5) sự thu rút vào trong hoặc sự căng thẳng, và (6) lắng nghe với sự hối tiếc hay thất vọng. Tất cả những điều này phải bị loại bỏ.

Năm cách thức sai lầm trong việc hiểu biết hay nhớ tưởng là (1) hiểu biết ngôn từ nhưng quên ý nghĩa, (2) hiểu biết ý nghĩa nhưng quên ngôn từ, (3) hiểu biết cả hai nhưng không thấu suốt, (4) hiểu biết chúng một cách lộn xộn; và (5) hiểu biết chúng một cách sai lệch. Những cách thức này cũng phải bị loại bỏ vào lúc ta nhận lãnh các giáo lý.

Khi nhận lãnh các giáo lý, ta cần cố gắng ngồi một cách khiêm tốn, lắng nghe với một tâm thức mở rộng. Bốn nhân thức cần được củng cố. Đó là nghĩ tưởng chính tự thân các bạn như người bị bệnh; nghĩ tưởng Pháp như thuốc trị bệnh; nghĩ tưởng bậc thiện tri thức như một bác sĩ tài giỏi; và nghĩ tưởng sự thực hành như cách thức để bình phục.

Hơn nữa, khi lắng nghe giáo lý các bạn cần nỗ lực phát khởi sáu ba-la-mật. Đó là: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, hay sự thấu hiểu siêu việt.

Theo truyền thống, ngay trước khi giáo lý được ban cho, một nhạc khí triệu tập các người học Pháp lại. Khi nghe âm thanh, họ lập tức nhận ra nó như một biểu thị của Pháp. Các khí cụ được dùng là những cồng chiêng, gậy gỗ, vỏ ốc, chuông, và ngay cả những hòn đá. Khi âm thanh đầu tiên được nghe thấy, nếu sự hoan hỉ phát sinh trong tâm thức ta thì chỉ riêng điều này đã có thể phá tan được những tích tập tiêu cực của nghiệp trong nhiều đời.

Tối nay, tôi đã quyết định bắt đầu các giáo lý về sáu bardo, hay sáu trạng thái trung gian. Sự thấu hiểu các bardo này đặc biệt quan trọng vào giây phút quyết định của đời các bạn, là lúc các bạn chết. Chỉ có một cách thức để chuẩn bị cho giây phút các bạn chết, và đó là bằng thực hành tâm linh. Không còn cách nào khác!

Các giáo lý về sáu bardo là các khám phá terma được Terton Karma Lingpa, một trong những bậc Thầy vĩ đại nhất của Tây Tạng, đem tới thế giới này. Karma Lingpa sinh khoảng 500 năm trước đây ở Kongpo, Tây Tạng. Ngài là một bậc chứng ngộ vĩ đại không thể nghĩ bàn. Các khám phá về sáu bardo này đến trực tiếp từ Đức Phật Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa), đến Đức Vajrapani (Kim Cương Thủ), rồi tới Guru Rinpoche (Đức Liên Hoa Sanh), và cuối cùng tới Karma Lingpa.

Theo truyền thống, giáo lý này được phân làm ba phần. Giai đoạn khởi đầu được gọi là thiện hạnh vào lúc bắt đầu. Các giáo lý chính là thiện hạnh ở khoảng giữa. Các giáo huấn cuối cùng là thiện hạnh vào lúc kết thúc. Chúng ta đã đi được những bước chuẩn bị cho thiện hạnh vào lúc bắt đầu, và những bước đó đang duy trì động lực thanh tịnh, sự tẩy trừ tà kiến, tri giác về vị Thầy tâm linh và bản thân ta trong cái nhìn linh thánh khi thọ nhận các giáo lý.

Thiện hạnh vào lúc bắt đầu liên quan tới việc chế ngự tâm thức khiến ta được thư thản và cởi mở trước các giáo lý. Bản thân các giáo lý là thiện hạnh ở khoảng giữa và cho phép ta đi tới một kết luận dứt khoát mà trong trường hợp này sẽ có nghĩa là hoàn toàn thấu hiểu sáu bardo.

Cuối cùng, thiện hạnh vào lúc kết thúc bao gồm các thực hành giúp phân biệt rõ ràng giữa luân hồi sinh tử và Niết-bàn. Bằng cách ấy, nó chuẩn bị cho chúng ta chuyển tiếp từ đời này sang đời sau.

Việc tiếp cận cái chết của ta giống như bắt gặp khuôn mặt chính mình trong một tấm gương. Chúng ta là ai, đó là cái được phản chiếu ở đấy vào lúc đó. Những gì chúng ta sẽ mang theo là công đức ta đã tích tập và điều này sẽ tùy thuộc ở các giáo lý ta đã từng thọ nhận và thực hành trong suốt đời ta. Sự quý báu của việc nhận lãnh các giáo lý như thế không bao giờ có thể bị đánh giá thấp. Chúng tuyệt đối cần thiết trong việc chuẩn bị sự chuyển tiếp từ đời này sang đời sau. Nếu các bạn đã nhận lãnh các sự truyền Pháp đúng đắn và đã thực hành chúng trong đời, thì các bạn sẽ được chuẩn bị tốt để đi vào bardo, trạng thái trung gian. Các bạn sẽ không tái sinh trong các cõi thấp mà sẽ có thể hướng tâm thức tới các trạng thái tái sinh cao hơn như các cõi người và cõi trời. Nếu các bạn tái sinh cao hơn, các bạn vẫn còn bị mắc kẹt trong vòng sinh tử và vì thế thật lý tưởng là các bạn cần nỗ lực để đạt được sự giải thoát hoàn toàn. Các giáo lý về sáu bardo mô tả chính xác điều gì xảy ra trong mỗi giai đoạn mà chúng ta sẽ trải qua và làm thế nào để chuẩn bị tốt đẹp các sự chuyển tiếp này.

Các giáo lý về sáu bardo là những cách đối trị hữu hiệu cho những ai bị ám ảnh bởi sự sân hận, tham muốn và si mê ghê gớm, tức là ba độc. Đối với những người bị ba độc đó thiêu đốt, những giáo lý này là những cách đối trị hữu hiệu. Chúng cũng là những đối trị mạnh mẽ cho những ai khinh suất đối với các cam kết và hứa nguyện mà họ đã phát khởi, cho những người có tính quy ngã và chỉ quan tâm tới những hoàn cảnh của riêng họ, chỉ nghĩ tới hạnh phúc cá nhân khi làm hại người khác. Những giáo lý này là sự đối trị hữu hiệu đối với các chướng ngại trên con đường tâm linh.

Các giáo lý về sáu bardo đã được truyền xuống qua một dòng truyền thừa không đứt đoạn của sự truyền dạy tâm linh cho tới ngay giây phút này và đã chịu đựng thử nghiệm của thời gian. Những giáo lý này cung cấp các phương pháp chuẩn bị cho đời sau của các bạn, cũng như cho giai đoạn chuyển tiếp giữa đời này và đời sau. Chúng là các giáo huấn trực chỉ tinh tuý.

Một cách lý tưởng, các giáo lý về sáu bardo cần được ban cho trong một khung cảnh nơi vị Thầy và các đệ tử gặp gỡ mỗi sáng vào lúc tám giờ, tạm ngưng khoảng giữa trưa tới hai giờ, rồi lại tiếp tục lúc hai giờ và kéo dài tới khoảng sáu giờ, liên tục theo cách này mỗi ngày trong khoảng một trăm ngày. Đó là cách tôi dạy giáo lý này ở Tây Tạng, vì đề tài rộng lớn và đòi hỏi sự soạn thảo thật công phu.

Trong quá khứ, dân Tây Tạng đã đeo túi đựng nhiều đồ dự trữ cột chặt vào ngực và vượt qua những quãng đường thật xa để nghe Pháp. Họ có thể du hành nhiều tuần hay nhiều tháng để tìm một vị Đạo sư có phẩm chất mà từ ngài họ có thể nhận lãnh các giáo lý thuộc loại này. Giáo Pháp rất khó được thọ nhận. Chúng cực kỳ quý giá! Thật hi hữu mới gặp được một vị Thầy nắm giữ những dòng truyền thừa này và đang ước muốn truyền dạy giáo lý.

Các bạn thật may mắn được tiếp đón nhiều đại Lama. Các ngài đã đến đây bởi các ngài muốn giảng dạy Pháp và giúp đỡ các bạn. Các ngài đã đi thẳng vào cửa chính của các bạn. Đó là một tình huống duy nhất. Ở Tây Tạng thì không bao giờ như thế. Có đến mười ngàn người có thể tham dự các buổi giảng Pháp ở Tây Tạng. Ở Mỹ, rất ít người đến nghe Pháp. Điều này dường như rất lạ lùng vì ai nấy đều phải chết nhưng lại rất ít người quan tâm tới việc chuẩn bị cho thời điểm thực sự là giây phút quan trọng nhất trong đời họ. Ở đây có vẻ như không có một mối quan tâm mạnh mẽ đối với Pháp. Người ta quan tâm chút ít và có thể muốn học hỏi, nhưng Pháp không thực sự đi vào trái tim họ. Mặc dù Pháp là cái gì chân chính và quý giá như vàng, nhưng nó đã không được nhận biết như thế.

Các bạn có may mắn to lớn được nghe Giáo Pháp, nhưng tâm thức các bạn lại không hoàn toàn thấu hiểu tầm quan trọng của nó. Trong đời bạn, không có gì quý báu hay quan trọng hơn việc học Pháp, thực hành Pháp và nhận thức rõ rằng vị Thầy có khả năng ban cho bạn món quà to lớn nhất mà bạn sẽ thọ nhận mãi mãi. Các bạn nên hiểu rằng, Pháp là một chất cam lồ quý giá và khi có được một cơ hội để nghe Pháp, các bạn nên thấu hiểu rằng một cơ hội như thế hiếm hoi như thế nào. Tôi để ý rằng những người phương Tây hạn chế thời gian thực hành và học Pháp chỉ trong ít giờ mỗi tuần. Như thế, thời gian còn lại để làm gì? Cũng vẫn chuyện cũ như vậy. Mọi người nói chung bị lôi cuốn trong sự vô minh luẩn quẩn và việc thâu hoạch vật chất.

Chỉ riêng các giáo lý bardo đã chiếm gần 500 trang và vì thế tôi không có thời gian để dạy rộng rãi như tôi mong muốn, nhưng tôi muốn tất cả các bạn hiểu rằng điều rất quan trọng là phải tránh tái sinh trong các cõi thấp. Điều tối quan trọng mà các bạn có thể làm trong đời này là thực hành Pháp để có thể đạt được giải thoát khi giã từ cuộc đời này. Đó là con đường mà tôi muốn chỉ cho các bạn.

Bây giờ, chúng ta vẫn còn trong vấn đề thuộc thiện hạnh vào lúc bắt đầu hay các sự chuẩn bị tiên quyết. Các chuẩn bị này cần phải xem xét lại trước bất kỳ sự thực hành nào, bởi chúng giúp điều phục tâm thức chúng ta. Bốn suy niệm, hay các sự chuẩn bị tiên quyết, là những điểm chung nhất đối với tất cả các thừa của Phật Pháp. Chúng chung nhất đối với kinh, luận, luật, con đường Bồ Tát, các phái Mật thừa gồm kriya, upa và yoga, và các nội phái gồm maha, anu và ati nói theo thứ tự. Nói chung, tất cả các thực hành đều bắt đầu với bốn suy niệm xoay chuyển tâm ta hướng về Pháp.

Suy niệm thứ nhất là về sự tái sinh làm người là quý báu và khó đạt được. Một sự tái sinh với tám sự tự do và mười đặc ân cho phép ta thực hành Pháp và đạt được giải thoát trong một đời. Suy niệm thứ hai là về sự vô thường của cuộc đời. Suy niệm thứ ba là về chân lý không thể sai lệch của luật nhân quả, chỉ chung về nghiệp. Suy niệm thứ tư là về nỗi khổ của sinh tử.

Ta không thể thực hành Phật giáo mà không có các sự chuẩn bị tiên quyết, bởi lẽ Phật giáo có nền tảng là một tâm thức từ bỏ sinh tử. Không có sự từ bỏ này thì không thể tiến bộ trên con đường. Một hành giả phải thấu hiểu rõ ràng rằng bản chất của sinh tử là đau khổ và nó không là gì khác hơn chính sự đau khổ này.

Ta phải hiểu rõ tại sao sự tái sinh làm người này thật quý báu và khó đạt được. Suy niệm thứ hai là về sự vô thường. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và đến không lời cảnh báo. Từ lúc thụ thai, khả năng xảy ra cái chết đã xuất hiện. Sự sinh ra trong sinh tử chỉ dẫn tới cái chết. Đây là một sự thật, chứ không phải một cố gắng để được bệnh hoạn. Một trẻ sơ sinh có thể chết trong thai hay lúc sinh ra. Một đứa trẻ hay người thanh niên cũng đều có thể chết. Chúng ta thường nghĩ mình sẽ sống tới bảy mươi hay tám mươi, nhưng không có gì bảo đảm cho điều đó. Không ai biết được đời mình sẽ kéo dài bao lâu. Giây phút sẽ xảy ra cái chết của chúng ta và những tình huống dẫn đến điều đó đều không chắc chắn. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta có thể chết sau tuổi năm mươi. Sự suy niệm về lẽ vô thường của cuộc đời là ích lợi trong việc có được một nhận thức sâu sắc về cái chết chắc chắn sẽ đến của các bạn, thay vì tin tưởng một cách thơ ngây rằng các bạn sống mãi.

Suy niệm thứ ba là về định luật nghiệp báo. Đây là một định luật đơn giản được Đức Phật giảng dạy. Một nguyên nhân đạo đức sinh ra một kết quả đạo đức: sự tái sinh như một vị trời hay người. Một nguyên nhân vô đạo đức sinh ra một kết quả vô đạo đức: đó là sự tái sinh trong ba cõi thấp. Nếu ta tích tập đức hạnh thì không thể không được hạnh phúc như một kết quả. Nghiệp thì bất biến. Các hạt giống các bạn đã gieo sẽ kết thành quả. Điều này không thay đổi. Bản tánh của lửa là nóng. Bản tánh của nước là ướt và lạnh. Phẩm tính của một yếu tố (đại) không biến đổi. Sự tích tập đức hạnh sẽ không bao giờ sinh ra đau khổ, vì bản tánh của đức hạnh là đem lại hạnh phúc. Sự tích tập ác hạnh sẽ không bao giờ đem lại hạnh phúc, vì bản chất của ác hạnh là đau khổ. Các hành động tiêu cực sinh ra đau khổ. Các hành động tích cực sinh ra hỉ lạc. Đây là một định luật căn bản. Học giả vĩ đại Shantideva đã nói: “Do phạm vào các hành động xấu ác, dù tôi có thể ước muốn hạnh phúc nhưng bất kỳ đến nơi đâu tôi cũng sẽ hoàn toàn bị đánh bại bởi những vũ khí của đau khổ, gây nên bởi cuộc đời xấu xa của tôi.”

Suy niệm thứ tư là về nỗi đau khổ của vòng sinh tử. Khi nghĩ tưởng về vòng sinh tử, các bạn cần thấu hiểu rằng nó trải rộng toàn bộ từ những đỉnh cao của đời sống xuống tới các địa ngục thấp nhất và bao gồm mọi sự trong đó. Con người ở trong Dục giới và cần những thứ nào đó để sống còn. Chúng ta cần thực phẩm và y phục. Chúng ta không thể chịu đựng sự lạnh lẽo hay đói khát. Chúng ta cần trải nghiệm hạnh phúc vì chúng ta không thể chịu đựng đau khổ. Chúng ta là những tạo vật của Dục giới. Trong cảnh giới của chúng ta và trong toàn bộ vòng sinh tử, bản chất nền tảng là sự đau khổ. Vào lúc chấm dứt, kết quả sau cùng của sự hiện hữu này sẽ là chịu đau khổ. Có ba loại đau khổ: đau khổ vì sự biến đổi (hoại khổ), đau khổ vì đau khổ (khổ khổ) và nỗi khổ đa hợp (hành khổ).

Có hai suy niệm được thêm vào. Suy niệm thứ năm là suy tưởng về các lợi lạc của sự giải thoát. Sự giải thoát trên con đường của Phật giáo có thể xảy ra nhờ thực hành các phương pháp có liên hệ với bất kỳ thừa nào trong chín thừa. Tất cả các vị Thanh Văn, Phật Độc Giác và Bồ Tát đều sẽ thành tựu sự giải thoát vào thời điểm thích hợp. Mọi con đường được Đức Phật giảng dạy cuối cùng đều dẫn tới trạng thái giải thoát. Trạng thái giải thoát, hay Phật quả, là thoát khỏi đau khổ. Đó là một trạng thái an bình và hạnh phúc vĩnh cửu.

Để đạt được giải thoát, các bạn cần có một bậc Thầy hay người dẫn dắt tâm linh. Đây là suy niệm thứ sáu. Không có một vị Thầy tâm linh, các bạn không thể biết được con đường và cũng không thể chuẩn bị cho đời sau. Các bạn sẽ không thể hiểu được bất kỳ điều gì về Pháp, dù chỉ là một chữ. Các bạn được hướng dẫn vào con đường đưa tới giải thoát nhờ ân huệ của vị Thầy tâm linh. Nhờ việc lắng nghe các giáo lý, suy niệm và thiền định về chúng, các bạn có thể đi lên các cấp bậc của sự phát triển và đạt tới giải thoát, sau cùng có khả năng để dẫn dắt tất cả chúng sinh tới cùng một trạng thái rốt ráo đó. Có được một vị Thầy tâm linh có phẩm tính cũng giống như có một phi công cực kỳ tài giỏi để lái máy bay, hay một bác sĩ khám phá ra một cách kỳ diệu cách chữa trị mọi bệnh tật.

Một bậc Thầy tâm linh chân thật biết đích xác điều gì cần dạy để các bạn sẽ thấu hiểu cách thức tích tập đức hạnh dẫn tới giải thoát và xa lìa đau khổ. Một bậc Thầy tâm linh chân chính có khả năng đưa đệ tử đến một hạnh phúc tạm thời trong đời này và đến một hạnh phúc vĩnh cửu tuyệt đối khi họ từ giã cuộc đời. Khi tìm được vàng, các bạn cho rằng mình đã tìm được một cái gì quý báu. Việc tìm ra được một bậc Thầy tâm linh là vật quý báu nhất mà các bạn sẽ luôn luôn bắt gặp. Các bạn cần nương tựa vào các vị dẫn dắt tâm linh chân chính và sử dụng tốt đẹp cơ hội để học hỏi với các ngài. Kết quả sẽ là hạnh phúc đích thực.

Các thực hành chuẩn bị thiết yếu là cần thiết để điều phục tâm thức. Trong vô số kiếp, tâm thức các bạn đã không thực sự xoay chuyển về Pháp và bởi điều này mà các bạn phải rơi vào tình huống hiện tại, không hiểu rõ phải làm cách nào để tự giải thoát mình khỏi đau khổ. Các bạn đã thực sự không thành tựu điều các bạn muốn trong con đường này. Tâm thức các bạn giống như một cánh đồng đá sỏi, và mặc dù các bạn thích gieo trồng vụ mùa và gặt hái, thu hoạch thích đáng, đem lại các phẩm tính giác ngộ cho các bạn, nhưng mặt đất đã không được vun trồng một cách đúng đắn. Có quá nhiều sỏi đá và những vật chướng ngại cần loại bỏ. Đây là những gì mà các thực hành chuẩn bị tiên quyết có thể giúp bạn. Chúng điều phục tâm thức để các bạn có thể quay về con đường tâm linh một lần và mãi mãi, và tuần tự chuẩn bị cho các bạn đối với các thực hành và giáo lý thực sự. Vào lúc đó, cánh đồng đã sẵn sàng. Khi cánh đồng đã được chuẩn bị đúng đắn thì các hạt giống được gieo trồng sẽ cho gặt hái một mùa thu hoạch. Khi cánh đồng tâm thức của ta đã được thuần hóa, khi động lực của ta trong sạch, khi các ác hạnh to lớn đã bị tẩy trừ, thì chúng ta sẵn sàng để nhận lãnh giáo lý.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com