Tác Giả: Sư Nguyên Hiểu nước Tân-La -Tỳ KheoThích Giác Chính dịch Việt
Nhà xuất bản Fahasa 2007
Nhân Duyên Vãng Sanh
Các nhân duyên vãng sinh được trình bày không chỉ có thể cảm ứng chánh báo trang nghiêm mà còn cảm được y báo Tịnh độ. Nhưng nhờ vào sức bổn nguyện của Như Lai, tùy cảm mà thọ dụng, chẳng phải được thành tựu nhờ sức nghiệp nhân của mình, cho nên gọi là nhân vãng sinh. Tướng của nhân này kinh luận nói đến không ít. Như kinh Quán Vô Lượng Thọ thì nêu 16 pháp quán, luận Vãng Sinh trình bày năm pháp môn tu hành. Ở đây căn cứ theo kinh Vô Lượng Thọ nêu ra ba bậc nhân.
+ Bậc Thượng,có năm ý:
1. Phương tiện phát khởi chánh nhân: Bỏ nhà thế tục, xuất gia làm Sa-môn.
2. Chánh nhân: Phát tâm Bồ-đề.
3. Tu quán: Chuyên tâm niệm Phật A-di-đà.
4. Khởi hạnh: Tạo các công đức.
Quán và hạnh này là trợ nghiệp.
5. Nguyện: Nguyện sinh về cõi Cực Lạc.
* Bốn ý trước kia là hạnh, ý thứ năm này là nguyện. Hạnh và nguyện dung hợp mới được vãng sinh.
+ Bậc Trung, có hai ý:
1. Chánh nhân: Cũng là hạnh, tuy không thể xuất gia làm Sa-môn, nhưng cần phát tâm Vô Thượng Bồ-đề.
2. Nguyện: Nguyện sinh về cõi Cực Lạc.
* Hạnh và nguyện dung hợp tạo thành nhân vãng sinh.
+ Bậc Hạ: chia ra hai hạng người, mỗi hạng lại có ba ý.
- Hạng thứ nhất: Bất định chủng tánh.
1. Chánh nhân: Giả sử không tạo dựng các công đức, thì phải phát tâm Vô Thượng Bồ-đề.
2. Trợ nhân: Chuyên tâm niệm Đức Phật A-di-đà cho đến mười niệm.
3. Nguyện: Nguyện sinh về cõi Cực Lạc
* Hạnh và nguyện dung hợp tạo thành nhân vãng sinh.
- Hạng thứ hai: Chủng tánh Bồ-tát.
1. Chánh nhân: Nghe pháp sâu xa, hoan hỷ tin thích, nhưng khác với hạng người trên, vì đã phát khởi lòng tin sâu xa.
2. Trợ nhân: Nhất tâm niệm Phật A-di-đà, vì hạng người trên không có lòng tin sâu xa, cho nên cần phải niệm mười niệm. Còn hạng người này đã có lòng tin sâu xa, do đó không cần phải đầy đủ mười niệm.
3. Nguyện: Đem tâm chí thành nguyện sinh về cõi Cực Lạc.
* Hạnh và nguyện dung hợp tạo thành nhân vãng sinh.
Kinh nói như thế, nhưng đoạn văn này trình bày tóm lược tướng của nó, gồm có hai phần là chánh nhân và trợ nhân.
1. Chánh nhân
Chánh nhân là phát tâm Vô Thượng Bồ-đề, không mong cầu dục lạc thế gian và Bồ-đề của Nhị thừa, mà một mực hướng đến Tam thân Bồ-đề[1], gọi là tâm Vô Thượng Bồ-đề. Tuy nêu chung như thế nhưng trong đó có hai ý: một là tùy sự phát tâm, hai là thuận lý phát tâm.
+ Tùy sự phát tâm:
- Nguyện đoạn hết thảy phiền não.
- Nguyện tu vô lượng pháp lành.
- Nguyện độ tất cả chúng sinh.
Nguyện thứ nhất là Chánh nhân Đoạn đức của Như Lai; nguyện thứ hai là Chánh nhân Trí đức của Như Lai; nguyện thứ ba là Chánh nhân Ân đức của Như Lai. Ba đức này hợp lại tạo thành Vô Thượng Bồ-đề. Tức ba tâm nầy đều là nhân Vô Thượng Bồ-đề, tuy nhân quả có khác, nhưng tâm lượng rộng lớn như nhau, bình đẳng, bao trùm khắp tất cả.
Như kinh chép:
Mới phát tâm và cuối cùng đều không khác
Hai tâm như thế, tâm ban đầu khó
Tự mình chưa độ, trước độ người
Nên ta kính lễ tâm ban đầu!
Quả của tâm này tuy là Bồ-đề, nhưng thật ra là Hoa báo[2] ở Tịnh độ. Sở dĩ như thế là vì lượng Bồ-đề tâm rộng lớn vô biên, lâu dài vô hạn, cho nên có thể cảm ứng được y báo Tịnh độ rộng lớn không bờ mé, chánh báo thọ mạng lâu dài vô hạn, nên ngoài tâm Bồ-đề ra không có tâm nào có thể sánh nổi. Cho nên nói tâm này là chánh nhân của cõi kia.
+ Thuận lý phát tâm là:
Tin hiểu các pháp đều như mộng huyễn, chẳng có chẳng không, lìa nói năng, bặt suy nghĩ. Nương theo tâm tin hiểu này mà phát tâm rộng lớn, tuy không thấy có phiền não, pháp lành, nhưng không thể không đoạn, không thể không tu. Cho nên, tuy nguyện đoạn trừ và tu tập, nhưng không trái với Vô nguyện Tam-muội. Tuy nguyện độ hết vô lượng hữu tình, nhưng không chấp có người độ và kẻ được độ, cho nên có thể tùy thuận không, vô tướng. Như kinh chép: “Vô lượng chúng sinh diệt độ như thế, nhưng thật ra không có chúng sinh nào được diệt độ”. Phát tâm như thế thì không thể nghĩ bàn.
Tùy sự phát tâm có thoái chuyển, nên hạng người thuộc Bất định chủng tánh cũng có thể phát tâm được. Còn thuận lý phát tâm tức không thoái chuyển, nên hàng Bồ-tát Chủng tánh mới có khả năng phát tâm được. Phát tâm như thế thì công đức vô biên. Chư Phật diễn thuyết có thể cùng tận, nhưng công đức phát tâm ấy vẫn không cùng.
2. Trợ nhân
Trợ nhân có nhiều loại, được nói rất nhiều trong kinh luận, không cần phải trình bày chi tiết cũng có thể biết được. Ở đây chỉ trình bày về mười niệm vãng sinh của bậc hạ mà thôi. Mười niệm của bậc hạ trong kinh này là trong một lời bao gồm hai nghĩa, đó là nghĩa hiễn liễu và nghĩa ẩn mật.
+ Ẩn mật là căn cứ theo quả báo thuần Tịnh độ để trình bày công đức mười niệm của bậc hạ. Như trong kinh Di-lặc Sở Vấn ghi:
“Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc bạch Phật rằng: “Công đức lợi ích của Đức Phật A-di-đà như đức Thế Tôn đã nói, nếu như người niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà mười niệm liên tục không gián đoạn liền được vãng sinh, thì nên niệm như thế nào?”.
Phật dạy: “Chẳng phải niệm phàm phu, chẳng phải niệm bất thiện, chẳng xen niệm kết sử, niệm như thế liền được sinh về cõi nước an ổn. Mười niệm:
1. Đối với tất cả chúng sinh, không hủy hạnh từ, nếu hủy hạnh từ thì hoàn toàn không được vãng sinh.
2. Phát khởi sâu lòng bi đối với tất cả chúng sinh để trừ tâm tàn hại.
3. Phát khởi tâm hộ trì Phật pháp, không thương tiếc thân mạng, không sinh lòng chê bai nhạo báng tất cả giáo pháp.
4. Trong pháp nhẫn nhục sinh lòng quyết định.
5. Tận đáy lòng thanh tịnh không tham lam lợi dưỡng.
6. Phát khởi tâm Nhất Thiết Chủng Trí, ngày ngày thường nhớ nghĩ, không xao lãng.
7. Khởi lòng tôn trọng tất cả chúng sinh, trừ diệt tâm ngã mạn, nói lời khiêm hạ.
8. Không đắm trước lời lẽ thế gian.
9. Tu tập Giác chi[3], phát khởi sâu nhân duyên thiện căn, xa lìa tâm lăng xăng tán loạn.
10. Chánh niệm quán Phật, diệt trừ các tâm nghi hoặc”.
Giải thích: Mười niệm này không có ở phàm phu, mà chỉ có ở hàng Bồ-tát từ Sơ địa trở lên. Ở trong cõi thuần tịnh là nhân của bậc hạ. Đó là mười niệm của nghĩa ẩn mật.
Nói tướng mười niệm của nghĩa hiển liễu là nói theo Tịnh độ, như trong Quán Kinh chép: “Hàng Hạ phẩm Hạ sinh, hầu hết là những chúng sinh tạo các nghiệp bất thiện, Ngũ nghịch, Thập ác, đến khi mạng chung gặp được Thiện tri thức giảng thuyết diệu pháp cho nghe, hướng dẫn niệm Phật, nếu không thể niệm được, nên xưng niệm Vô Lượng Thọ Phật thì trong mỗi mỗi niệm đều diệt trừ được tội sinh tử trong 80 ức kiếp, sau khi mạng chung liền được vãng sinh…”.
Những tâm nào gọi là chí tâm? Tại sao gọi là mười niệm tương tục? Ngài La-thập giải thích rằng: Thí như có người ở giữa đồng hoang gặp bọn giặc ác, vung đao xông thẳng đến giết hại, người kia bỏ chạy, lại phải vượt qua một con sông. Bấy giờ, người kia chỉ nghĩ đến cách vượt qua sông, đã đến bờ sông, hoặc là mặc áo vượt qua, hoặc là cởi áo vượt qua? Nếu vẫn mặc áo thì e rằng không vượt qua được; nếu cởi áo thì sợ không kịp, chỉ có nghĩ đến việc này, hoàn toàn không nhớ nghĩ việc gì khác. Ngay khi nhớ nghĩ việc vượt sông đó tức là nhất tâm. Hành giả cũng như thế, trong mười niệm này không xen niệm nào khác, hoặc niệm danh hiệu Phật, hoặc niệm tướng hảo của Phật liên tục không gián đoạn, cho đến mười niệm, chí tâm như thế gọi là mười niệm. Đó là tướng mười niệm của nghĩa hiễn liễu. Kinh này tuy nói mười niệm, cũng chính là hai nghĩa hiễn liễu và ẩn mật, nhưng trong đó, mười niệm của nghĩa hiễn liễu có một số điểm khác với Quán Kinh.
Trong Quán Kinh nói: Không trừ Ngũ nghịch, chỉ trừ tội phỉ báng kinh Đại thừa.
Kinh này nói: Trừ tội Ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp, trái ngược nhau như vậy làm sao dung thông?
Quán Kinh nói: Tuy họ tạo tội Ngũ nghịch, nhưng căn cứ theo giáo lý Đại thừa thì được sám hối. Còn kinh này nói là không được sám hối. Do nghĩa này cho nên không trái ngược nhau. Hoặc có thuyết nói mười niệm trong kinh Di-lặc Sở Vấn là chẳng phải nói theo cõi thuần tịnh, như thế thì cũng giống như trong Quán Kinh.
Đối với Tịnh độ, sở dĩ như vậy là vì mười niệm đó tuy chẳng phải niệm phàm phu, nhưng thật ra đó là tâm từ bi bình đẳng được Bồ-tát hàng Tam Hiền, Thập tín tu tập. Cho nên, hội Phát Thắng Chí Lạc trong kinh Đại Bảo Tích nói: “Bấy giờ, bồ-tát Di-lặc bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã nói, công đức lợi ích của Đức Phật A-di-đà ở thế giới Cực Lạc rằng: “Nếu có chúng sinh nào phát mười loại tâm, tùy theo mỗi tâm mà chuyên niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà, thì người đó sau khi mạng chung liền được sinh về thế giới của Phật kia”. Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là phát mười loại tâm? Do tâm này mà sẽø được sinh về thế giới của Phật kia?”.
Phật bảo bồ-tát Di-lặc rằng: “Này Di-lặc! Mười tâm như thế, hàng phàm ngu, trượng phu bất thiện đầy dẫy phiền não thì không thể phát được. Mười tâm đó là:
1. Tâm không làm tổn hại chúng sinh, đối với chúng sinh khởi lòng đại từ.
2. Tâm không bức hại, khởi lòng đại bi đối với chúng sinh.
3. Tâm vui vẻ giữ gìn, bảo vệ chánh Pháp của Phật không tiếc thân mạng.
4. Tâm không chấp trước, phát khởi lòng thắng nhẫn đối với tất cả pháp.
5. Tâm tịnh ý lạc, tức xa lìa pháp thế gian tạp nhiễm, không tham đắm lợi dưỡng, thường sinh tâm biết đủ.
6. Tâm mong cầu chủng trí Phật, không bao giờ xao lãng quên mất.
7. Tâm tôn trọng cung kính, không khinh miệt tất cả chúng sinh.
8. Tâm quyết định đối với Bồ-đề phần, không đam mê bàn chuyện thế gian.
9. Tâm thanh tịnh không tạp nhiễm, gieo trồng thiện căn.
10. Đối với Như Lai, khởi tâm tùy niệm, lìa bỏ các tướng.
Này Di-lặc! Đó gọi là Bồ-tát phát khởi mười loại tâm. Do nhờ tâm này mà được sinh về thế giới của Phật kia. Nếu không được vãng sinh thì thật là vô lý!”.
Giải thích: Kinh này và kinh Di-lặc Bồ-tát Sở Vấn đều cùng một bản Phạn, nhưng khác người dịch. Câu: “Hàng phàm ngu, trượng phu bất thiện đầy dẫy phiền não thì không thể phát tâm Bồ-đề được”, nghĩa là hàng Nhất-xiển-đề không có Phật tánh. Ngu là hàng Chủng tánh Nhị thừa nhập diệt, còn kẻ phỉ báng chánh pháp, tạo tội Ngũ nghịch gọi là bất thiện sĩ đầy dẫy phiền não. Trừ những hạng người này ra, còn lại đều thành tựu nhất tâm, được vãng sinh cõi kia, là hoàn toàn đúng! Do đó, nên biết rằng, nói: “Mười niệm chẳng phải niệm phàm phu v.v…”, đâu chỉ mười niệm của hàng Bồ-tát Địa thượng tu tập. Nếu không như thế thì hàng Bồ-tát Địa tiền nào không từ bi, há chẳng được vãng sinh ư? Như trong Quán Kinh nói người tu tập 16 pháp quán[4] được sinh về cõi Cực Lạc, được nói rộng trong phần chín phẩm vãng sinh sẽ trình bày ở mục kế tiếp. Còn luận Vãng Sinh thì nêu ra năm nhân hạnh. Luận ấy nói: “Thiện nam tín nữ, tu tập thành tựu năm Niệm môn, rốt ráo sẽ được sinh về cõi An Lạc, được gặp Phật A-di-đà”.
Năm niệm môn:
1. Lễ bái môn: thân lễ lạy Phật A-di-đà Ứng Chánh Biến Tri, vì muốn được sinh về cõi Cực Lạc.
2. Tán thán môn: miệng khen ngợi xưng tán danh hiệu và công đức trí huệ của Phật A-di-đà, vì muốn như thật tu hành pháp tương ưng.
3. Phát nguyện môn: tâm thường lập thệ nguyện, nhất tâm chuyên niệm, để cuối cùng được sinh về cõi nước An Lạc, muốn như thật tu hành pháp Xa-ma-tha.
4. Quán sát môn: dùng trí huệ quán sát, chánh niệm quán Đức Phật kia, muốn như thật tu hành pháp Tỳ-bà-xá-na: Một là quán công đức của cõi Phật; hai là quán công đức của Đức Phật; ba là quán công đức trang nghiêm của Bồ-tát.
5. Hồi hướng môn: không xả bỏ chúng sinh khổ não, tâm thường lập nguyện, lấy hồi hướng làm đầu, để thành tựu tâm Đại bi.
Giải thích Pháp số
[1] Tam thân Bồ-đề: ba thân của chư Phật: Pháp thân, Báo thân, Ứng thân. Thân nghĩa là nhóm họp, nhóm họp các pháp mà thành thân, cho nên sự nhóm họp về lý pháp gọi là Pháp thân; sự nhóm họp về trí pháp gọi là Báo thân; sự nhóm họp các pháp công đức gọi là Ứng thân.
Tên gọi và sự giải thích về ba thân trong các kinh luận đều khác nhau (xem TĐPH Huệ Quang, t. V, tr. 4191).
[2] Hoa báo: hoa nở trước khi kết trái. Chúng sinh trồng nghiệp nhân thiện hoặc ác, quả có được từ nghiệp nhân này là Quả báo (cũng gọi là Thật báo, Chánh báo), còn cái có trước quả báo thì gọi là Hoa báo. Như lấy Bất sát làm nghiệp nhân, nhờ vào nghiệp nhân Bất sát mà được sống lâu, đó là Hoa báo; chiêu cảm sâu xa đến quả Niết-bàn, đó là Quả báo. Còn như lấy việc tu thiện, niệm Phật làm nghiệp nhân sinh về thế giới Cực Lạc là Hoa báo; về sau chứng Đại Bồ-đề là Quả báo (TĐPH Huệ Quang, t. II, tr. 1835).
[3] Giác chi: những yếu tố đưa đến sự giác ngộ.
Theo nghĩa rộng, “Giác chi” chỉ chung cho 37 phẩm trợ đạo.
Theo nghĩa hẹp thì “Giác chi” chỉ nói trong phạm vi Thất Bồ-đề phần.
Theo luận Đại-tì-bà-sa, q. 96, thêm bốn Thánh chủng vào 37 phẩm trợ đạo, thành ra 41 Bồ-đề phần (TĐPH Huệ Quang, t. II, tr. 1661).
[4] Mười sáu quán môn: mười sáu pháp quán ghi trong kinh Quán Vô Lượng Thọ giúp cho hành giả niệm Phật được vãng sinh Tây Phương:
1. Quán tướng mặt trời; 2. Quán tướng nước; 3. Quán tướng đất; 4. Quán hàng cây báu; 5. Quán ao báu; 6. Quán lầu gác báu; 7. Quán tòa hoa sen; 8. Quán tượng Phật; 9. Quán tưởng chân thân Phật Vô Lượng Thọ; 10. Quán Bồ-tát Quan Thế Âm đứng hầu Đức Phật A-di-đà; 11. Quán Bồ-tát Đại Thế Chí đang hầu Đức Phật A-di-đà; 12. Quán rộng khắp: Quán tự thân sinh về thế giới Cực Lạc, ngồi kiết già trong hoa sen. Khi hoa sen nở, có 500 tia sáng màu sắc chiếu khắp thân, cho đến Phật, Bồ-tát đầy khắp hư không; 13. Quán tướng xen tạp: Tức quán chân thân Phật, hóa thân Phật, thân lớn, thân nhỏ…; 14. Quán ba phẩm bậc Thượng; 15. Quán ba phẩm bậc Trung; 16. Quán ba phẩm bậc Hạ (TĐPH Huệ Quang, t. VI, tr. 5245, 5246).
[1] Tam giới: ba cõi, gồm Cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc.
- Cõi Dục: thế giới của những loài hữu tình còn các tánh dâm dục, tình dục, sắc dục, thực dục.
- Cõi Sắc: thế giới của những loài hữu tình đã xa lìa dâm dục và thực dục của cõi Dục, nhưng vẫn còn Sắc chất thanh tịnh.
- Cõi Vô sắc: thế giới của những loài hữu tình chỉ có thọ, tưởng, hành, thức. Thế giới này không có một thứ gì thuộc về vật chất, cũng không có thân thể, cung điện, cõi nước, chỉ có tâm thức trụ sâu trong thiền định (TĐPH Huệ Quang, t. V, tr. 4103).
[2] Nhị luân phiền não: 1. Căn bản phiền não: Gồm sáu đại phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến; 2. Tùy phiền não: gồm 20 loại phiền não dựa vào căn bản phiền não mà phát sinh như phẫn, hận, phú, não, tật, xan v.v…
Trong các kinh luận, từ ngữ này có nhiều nghĩa khác nhau:
I. Theo luận Du-già Sư Địa, q. 55, hai thứ phiền não này là:
1. Căn bản phiền não: chỉ cho Vô minh hoặc. Loại phiền não này là cội rễ sinh ra các phiền não khác, nên gọi là Căn bản phiền não.
2. Tùy phiền não: chỉ cho Kiến hoặc và Tư hoặc. Loại phiền não này tùy theo các cảnh thuận hoặc nghịch mà khởi ra các phiền não tham, sân, si… nên gọi là Tùy phiền não.
II. Theo luận Đại Trí Độ, q. 7, hai thứ phiền não này là:
1. Nội trước phiền não: Chỉ cho các phiền não do không biết rõ nội tâm nên khởi lên chấp trước như: Thân kiến, biên kiến…
2. Ngoại trước phiền não: chỉ cho các phiền não do không biết rõ ngoại cảnh nên khởi lên tham trước như: Tham, sân, si…
III. Theo Hoa Nghiêm Kinh Sớ, q. 8, hai thứ phiền não này là:
1. Tùy miên phiền não: chỉ cho chủng tử vô minh phiền não tiềm phục trong tàng thức, có khả năng sinh ra các vọng hoặc.
2. Hiện hành phiền não: chỉ các phiền não tham, sân, si… do sáu căn tiếp xúc sáu trần cảnh mà hiện khởi (TĐPH Huệ Quang, t. IV, tr. 3334).
[3] Nhị biên: hai cực đoan. Thuyết này, các luận đều giải thích khác nhau:
- Luận Trung Quán, q. 4: nhị biên chỉ có, không hoặc thường, vô thường.
- Luận Thuận Trung, q. hạ: nhị biên chỉ thường, đoạn.
- Luận Nhiếp Đại Thừa do ngài Huyền Tráng dịch, ngài Thế Thân giải thích: nhị biên chỉ cho tăng ích và tổn giảm.
- Chỉ Quán Phụ Hành, q. 3: nhị biên chỉ không và giả (TĐPH Huệ Quang, t. IV, tr. 3284).
[4] Trung đạo: con đường trung chính, lìa bỏ cực đoan, không thiên về bất cứ một bên nào hoặc một quan điểm, một phương thức nào.
Trung đạo là lập trường căn bản của Phật giáo, được Đại thừa lẫn Tiểu thừa xem trọng, cho nên ý nghĩa của Trung đạo tuy có sâu cạn khác nhau, nhưng các tông đều dùng nghĩa này để biểu thị cho trung tâm giáo lý của mình. Ý nghĩa của Trung đạo gọi là Trung đạo nghĩa, chân lý của Trung đạo gọi là Trung đạo lý. Vì Trung đạo biểu thị cho tướng chân thật của vũ trụ vạn hữu, Trung đạo tức Thật tướng nên gọi là Trung đạo thật tướng (TĐPH Huệ Quang, t. VII, tr. 5845).
[5] Tăng ích, tổn giảm (Nhị chấp): hai chấp.
- Tăng ích là tình chấp, chấp trước các pháp thật có, thiên về bên hữu.
- Tổn giảm là tình chấp các pháp không có, thiên về bên vô (TĐPH Huệ Quang, t. IV, tr. 3286).
[6] Thích Luận:
1. Thích luận: luận Đại Trí Độ, vì Hiển giáo cho rằng đó là tác phẩm giải thích kinh Đại Phẩm Bát-nhã hoặc là từ gọi tắt của luận Ma-ha Diễn, vì Mật giáo cho đó là sách chú thích luận Đại Thừa Khởi Tín.
2. Thích luận: các bộ luận giải thích kinh điển.
3. Thích luận: giải thích văn nghĩa của một bộ kinh (TĐPH-Huệ Quang, t. VI, tr. 5449).
[7] Hai quan (Lưỡng trùng quan): hai lớp kiến giải đối đãi nhau như mê-ngộ, hữu-vô, nhân-quả, phàm-Thánh. Kẻ chấp trước danh tướng, cho mê-ngộ, nhân-quả… đều là hai pháp khác nhau, không dung nhiếp nhau, thành ra hai pháp đối lập nhau. Nếu không còn sự ràng buộc của các kiến chấp này thì sẽ vào được cảnh giới tuyệt đối. Mê-ngộ, nhân-quả chỉ là hai mặt của một pháp, cùng một thể, làm thể dụng lẫn nhau, cho nên dùng Quan (cửa ải) để dụ cho sự chướng ngại của kiến giải này (TĐPH Huệ Quang, t. III, tr. 2598).
[8] Thỉ giác: sự giác ngộ do trải qua sự tu tập mà có được. Luận Đại Thừa Khởi Tín cho rằng thức A-lại-da có hai nghĩa Giác và Bất giác. Giác lại có Thỉ giác và Bản giác khác nhau. Trong đó, trải qua sự tu tập hậu thiên, dần dần đoạn phá vọng nhiễm từ vô thỉ đến nay, giác biết được nguồn tâm tiên thiên, gọi là Thỉ giác, cũng tức phát tâm tu hành, thứ lớp sinh khởi trí đoạn hoặc, đoạn phá vô minh, trở về bản tánh thanh tịnh của Bản giác. Đại thừa cho rằng tâm người xưa nay lặng lẽ bất động, vô sinh vô diệt, thanh tịnh vô nhiễm, gọi là Bản giác; sau do gió vô minh nổi dậy, sinh ra những hoạt động của ý thức thế tục, từ đó có các thứ sai biệt ở thế gian, đó gọi là Bất giác; cho đến được nghe Phật pháp, khai phát Bản giác, huân tập bất giác, đồng thời dung hợp thành một với Bản giác, đó gọi là Thỉ giác (TĐPH Huệ Quang, t. VI, tr. 5430).
[9] Bản giác: tánh giác sẵn có, tức bản thể thanh tịnh đầy đủ tướng bình đẳng, lúc nào cũng hàm chứa đức sáng suốt của đại trí huệ, xa lìa những tâm niệm sai biệt của thế tục. Bản tánh của nguồn tâm ấy là giác thể xưa nay thanh tịnh, gọi là Bản giác. Luận Đại Thừa Khởi Tín của Hiển giáo, Luận Thích Ma-ha Diễn của Mật giáo và giáo nghĩa của tông Thiên Thai Nhật Bản đều có trình bày ý nghĩa về tư tưởng của Bản giác và Thỉ giác, nhưng ý chính lại khác nhau (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 276).
[10] Biên địa: nơi xa xôi hẻo lánh, những người ở nơi này chẳng được thấy nghe Phật pháp.
Biên địa của Tịnh độ Cực lạc: những người tu các công đức mà còn tâm nghi hoặc, ứng với cơ cảm đó nên sau khi chết, sinh về nơi đây, 500 năm chẳng được thấy nghe Phật pháp (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 518).
[11] Hóa sinh: các loài không do cha mẹ sinh mà chỉ do nghiệp lực sinh, như chúng sinh ở địa ngục, chư Thiên, thân trung hữu, loài người trong kiếp sơ, rồng, kim sí điểu… Các loài hóa sinh tuy đầy đủ thân căn nhưng khi chết không để lại xác. Cho nên trong Tứ sinh, loài này cao hơn hết.
Theo luận Câu-xá, q. 9, các loài hóa sinh tùy ưa thích chỗ nào mà thọ sinh chỗ ấy. Theo tông Tịnh độ, chúng sinh sinh về Cực Lạc cũng gọi là Hóa sinh (TĐPH Huệ Quang, t. II, tr. 1866).
[12] Do-tuần: đơn vị đo độ dài thời xưa ở Ấn Độ. Tiếng Phạn là Yojana, có nghĩa là mang ách, phát xuất từ chữ gốc “Yuj” chỉ đoạn đường con bò mang ách đi một ngày. Theo Đại Đường Tây Vực Kí, q. 2: “Một do-tuần chỉ lộ trình một ngày hành quân của nhà vua”. Có nhiều thuyết khác nhau về cách tính do-tuần:
1. Đổi ra câu-lô-xá: theo phong tục Ấn Độ cũng như phẩm Hiện Nghệ trong kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm, q. 4, phẩm Minh Thời Phân Biệt trong kinh Ma-đăng-ca, q. hạ đều cho rằng bốn câu-lô-xá là một do-tuần. Nhưng theo các kinh điển của Phật như Hữu Bộ Tì-nại-da, q. 21, luận Đại Tì-bà-sa, q. 136, luận Câu-xá, q. 12 lại tính tám câu-lô-xá là một do-tuần.
2. Tính theo số đo của Trung Quốc cũng có nhiều thuyết khác nhau: Theo Đại Đường Tây Vực Kí, q. 2, một do-tuần xưa được tính là 20km, theo Ấn Độ tính là 15km, trong Phật giáo tính là 8km; theo Huệ Uyển Âm Hữu Bộ Bách Nhất Yết-ma, q. 3 của Nghĩa Tịnh thì quốc tục Ấn Độ tính là 16km, Phật giáo tính là 6km (TĐPH Huệ Quang, t. I, tr. 1115).