Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Sáng Sủa Minh Bạch

27/04/201106:53(Xem: 3812)
6. Sáng Sủa Minh Bạch

NHỮNG YOGA TÂY TẠNG VỀ GIẤC MỘNG VÀ GIẤC NGỦ
Nguyên tác: The Tibetan Yogas of Dream and Sleep
Nhà Xuất Bản Snow Lion Ithaca, New York, 1998
Việt dịch: Đương Đạo - Nhà Xuất Bản Thiện Tri Thức, 2000

PHẦN BA:
SỰ THỰC HÀNH YOGA GIẤC MỘNG

6. Sáng Sủa Minh Bạch

Nếu có ai nói với chúng ta họ đã để nhiều năm nhập thất, chúng ta sẽ có ấn tượng, và đúng như vậy; loại nỗ lực này cần thiết để đạt giác ngộ. Nhưng trong đời sống bận rộn của chúng ta, một sự việc như vậy xem ra là không thể được. Chúng ta có thể muốn làm một nhập thất ba bốn năm nhưng cảm thấy rằng những hoàn cảnh của chúng ta không bao giờ cho phép điều đó. Nhưng thực tế, tất cả chúng ta đều có khả năng làm một thực hành như vậy. Trong mười năm tới của đời mình, chúng ta sẽ tiêu hơn ba năm để ngủ. Trong những giấc mơ bình thường chúng ta có thể có những kinh nghiệm đáng yêu, nhưng chúng ta cũng có thể thực hành sự giận dữ, ghen ghét hay sợ hãi. Có lẽ có những kinh nghiệm tình thức chúng ta cần có, nhưng chúng ta không cần tiếp tục theo cách làm cho chúng ta tăng thêm khuynh hướng thói quen bám chấp vào và chìm ngập bởi những xúc động và tưởng tượng. Tại sao thay vào đó chúng ta không thực hành con đường ? Ba năm ngủ này có thể được tiêu dùng cho thực hành. Một khi sự minh bạch đã vững chắc, thực hành nào cũng có thể làm được trong giấc mộng, một số còn hiệu quả hơn và với nhiều kết quả hơn khi chúng được làm ban ngày khi thức.

Yoga giấc mộng phát triển khả năng mà tất cả chúng ta đều có để cho việc nằm mộng sáng sủa minh bạch. Một giấc mộng sáng sủa, trong bối cảnh này, là một giấc mộng trong đó người nằm mộng tỉnh biết suốt giấc mộng mà anh ta hay chị ta mộng ra. Nhiều người, có lẽ hầu hết, đã có ít ra một kinh nghiệm về giấc mộng minh bạch. Có thể là một giấc ác mộng trong đó người ta biết rằng người ta đang trong một giấc mộng và tỉnh dậy để thoát khỏi. Hay đó có thể chỉ là một kinh nghiệm khác thường. Một số người thường hay có những giấc mộng minh bạch mà không có ý định chủ ý nào để làm như thế. Vì những thực hành sơ bộ và chính yếu được hòa nhập vào đời sống của hành giả, những giấc mộng minh bạch sẽ bắt đầu nảy ra thường hơn. Giấc mộng minh bạch tự nó không phải là mục đích của sự thực hành, nhưng nó là một phát triển quan trọng dọc theo con đường yoga này.

Có nhiều mức độ của giấc mộng minh bạch. Ở mức độ cạn, người ta có thể biết rằng người ta đang trong mộng nhưng có một ít sáng tỏ và không có quyền năng ảnh hưởng lên giấc mộng. Minh bạch được tìm thấy nhưng rồi mất, và cái trình tự logic của giấc mộng đánh bại chủ ý của người mộng. Ở cuối đường của sự phát triển, những giấc mộng minh bạch có thể rõ ràng đến phi thường, có vẻ còn thực hơn kinh nghiệm bình thường khi tỉnh thức. Với kinh nghiệm, tự do lớn hơn được phát triển trong mộng và những giới hạn của tâm thức được vượt qua, cho đến khi người ta có thể làm theo nghĩa đen cái gì người ta có thể nghĩ ra để làm.

Rõ ràng, những giấc mộng không xảy ra trong cùng một khía cạnh của thực tại như đời sống lúc thức. Có một chiếc xe hơi trong giấc mộng không có nghĩa là bạn sẽ không dùng xe buýt đi làm việc vào buổi sáng. Trong nghĩa này, chúng ta có thể thấy những giấc mộng là không thỏa mãn : Chúng ta cảm thấy chúng không “thực”. Tuy những công việc chuyển hóa tâm lý chưa hoàn thành, hay những khó khăn về năng lực chưa được vượt qua, những hiệu quả của giấc mộng có thể kéo dài vào đời sống lúc thức. Quan trọng nhất, trong giấc mộng những giới hạn của tâm thức có thể bị thách thức và vượt thắng. Vì như vậy, chúng ta phát triển sự linh hoạt, mềm dẻo của tâm thức, và điều này quan trọng nhất.

Tại sao sự linh hoạt, mềm dẻo của tâm thức thì quan trọng như vậy ? Bởi vì những cứng nhắc của tâm thức, những giới hạn của những quan kiến sai lầm làm che tối trí huệ và bóp nghẹt kinh nghiệm, giữ chúng ta bị mắc bẫy trong những bản sắc huyễn ảo và ngăn chúng ta tìm thấy tự do. Suốt cuốn sách này tôi nhấn mạnh vô minh, bám chấp và ác cảm quy định chúng ta và giữ chúng ta bị giam nhốt trong những khuynh hướng nghiệp lực tiêu cực. Để tiến bộ trên con đường tâm linh chúng ta phải làm nhẹ bám chấp và ác cảm cho đến khi chúng ta có thể thâm nhập vào vô minh tận nền tảng của chúng ta và khám phá trí huệ đằng sau đó. Sự linh hoạt của tâm thức là khả năng mà khi đã được phát triển, cho phép chúng ta đánh bại bám chấp và ác cảm. Nó cho phép chúng ta thấy những sự vật trong một cách mới và đáp ứng một cách tích cực hơn là bị dẫn dắt một cách mù lòa bởi những phản ứng thói quen.

Những người khác nhau chia xẻ cùng một hoàn cảnh nhưng phản ứng sai khác nhau. Một số bám chấp nhiều và một số bám chấp ít. Càng nhiều bám chấp – càng nhiều phản ứng từ sự bị điều kiện hóa theo nghiệp lực – chúng ta càng bị sai sử bởi những kinh nghiệm chúng ta gặp phải. Với sự mềm dẻo khá đủ, chúng ta không bị nghiệp dẫn dắt. Một tấm gương không chọn lựa cái nó phản chiếu ; mọi sự được tiếp đón để đến và đi vào trong bản tánh thanh tịnh của chúng. Tấm gương theo nghĩa này, là linh hoạt mềm dẻo, và nó như vậy bởi vì nó không bám chấp cũng không từ chối. Nó không cố gắng bám lấy một phản chiếu và khước từ một cái khác. Chúng ta thiếu sự linh hoạt này vì chúng ta không hiểu rằng bất cứ cái gì xuất hiện trong tánh tỉnh giác chỉ là sự phản chiếu của chính tâm thức chúng ta.

Trong những giấc mộng minh bạch, chúng ta thực hành chuyển hóa bất kỳ cái gì mình gặp. Không có biên giới nào của kinh nghiệm không thể bị phá vỡ trong giấc mộng ; chúng ta có thể làm với bất kỳ cái gì xảy ra cho chúng ta. Khi chúng ta phá vỡ những giới hạn theo thói quen của kinh nghiệm, tâm thức trở nên càng ngày càng mềm dẻo và linh hoạt. Trước tiên chúng ta phát triển sự sáng sủa minh bạch và rồi sự linh hoạt, và rồi chúng ta áp dụng sự linh hoạt của tâm thức cho tất cả đời sống của chúng ta. Chúng ta ít bị ngăn chướng bởi những bản sắc thói quen của chúng ta khi chúng ta có kinh nghiệm về chuyển hóa chúng và để mặc chúng. Chúng ta ít bị bó hẹp bởi những tri giác theo thói quen của chúng ta khi chúng ta có kinh nghiệm về sự tương đối và dễ uốn nắn của chúng.

Cũng như những hình ảnh mộng có thể được chuyển hóa trong giấc mộng, những trạng thái phiền não là những giới hạn của ý niệm có thể được chuyển hóa trong đời sống khi thức. Với kinh nghiệm về bản tánh như mộng và mềm dẻo của kinh nghiệm, chúng ta có thể chuyển hóa đau buồn thành hạnh phúc, sợ hãi thành can đảm, giận dữ thành tình thương, không hy vọng thành niềm tin, phóng dật thành hiện diện. Cái gì không tốt lành chúng ta có thể biến đổi thành tốt lành. Cái gì tối tăm chúng ta có thể thay đổi thành ánh sáng. Cái gì bó buộc chật hẹp và cứng đặc chúng ta có thể thay đổi thành rỗng rang và khoáng đạt. Hãy thách thức những biên giới đang bó buộc bạn. Mục tiêu của những thực hành này là hội nhập sự minh bạch và linh hoạt vào mỗi phút giây của đời sống, và buông bỏ cách thế bị điều kiện hóa nặng nề chúng ta có từ việc áp đặt lên thực tại, tạo ra ý nghĩa và bị mắc bẫy trong vọng tưởng.

PHÁT TRIỂN TÍNH LINH HOẠT MỀM DẺO

Những giáo lý gợi ý nhiều điều để làm trong giấc mộng sau khi sự minh bạch đã được phát triển. Bước đầu tiên trong sự phát triển tính linh hoạt trong giấc mộng, cũng như lúc thức, là nhận ra tiềm năng để làm việc đó. Khi chúng ta nghĩ về những khả năng mà giáo lý gợi ý, tâm thức hội nhập chúng vào tiềm năng của nó. Chúng ta trở nên có khả năng về những kinh nghiệm mà có thể chúng ta chưa từng ý niệm ra trước đó.

Tôi có một máy vi tính xách tay, nó là một trò vui để khám phá. Nếu tôi chọn mở một phần mục trên màn hình, một lô dữ liệu mở ra. Chọn một phần khác, và một cái gì khác xuất hiện trên màn hình. Tâm thức thì như thế. Sự chú ý đi đến cái gì đó và nó giống như chọn mở một phần mục ; thình lình một chuỗi tư tưởng và hình ảnh xuất hiện. Tâm thức nắm giữ sự chọn mở, sự chuyển dịch từ vật này đến vật khác. Đôi khi chúng ta có hai “cửa sổ” được mở, như khi chúng ta đang nói với ai đó và cũng nghĩ đến điều khác. Khi bình thường chúng ta không nghĩ đến điều này là có vô số bản ngã hay vô số bản sắc, chúng ta có thể biểu lộ những bản ngã vô số này trong một giấc mộng. Hơn là chỉ đơn giản có sự chú ý bị phân chia, trong giấc mộng chúng ta có thể phân chia thành những thân thể khác nhau đồng thời hiện hữu trong mộng.

Sau khi chơi với cái máy vi tính của tôi, một ngày nọ tôi mơ thấy mình đang nhìn vào một màn hình trên đó những phần mục xuất hiện mà tôi có thể chọn mở với tâm thức tôi, biến đổi toàn thể môi trường chung quanh. Một đề mục về rừng xuất hiện và khi tôi chọn mở nó, tôi ở trong rừng. Rồi một đề mục về đại dương, và sau khi chọn nó, tôi thình lình ở trong một khung cảnh đại dương. Khả năng làm điều này đã có sẵn trong tâm thức tôi, nhưng cách nó khởi lên như là một khả tính cho kinh nghiệm thì đến từ sự tương tác với cái máy vi tính của tôi. Những tư tưởng và kinh nghiệm của chúng ta ảnh hưởng những tư tưởng và kinh nghiệm khác nữa. Thực hành giấc mộng tác động theo sự kiện này. Những giáo lý trình bày cho chúng ta những ý niệm mới, những khả tính mới, và những dụng cụ để thực hiện những khả tính này, và rồi chúng ta có nhiệm vụ phải biểu lộ chúng trong những giấc mộng và đời sống khi thức.

Chẳng hạn, những giáo lý nói về sự nhân lên thành nhiều những sự vật trong giấc mộng. Có thể chúng ta mộng thấy ba đóa hoa. Vì chúng ta biết mình đang trong một giấc mộng và tính linh hoạt của giấc mộng, nếu chúng ta muốn chúng ta có thể làm ra một trăm đóa hoa, một ngàn đóa hoa, một cơn mưa hoa. Nhưng trước hết chúng ta cần nhận biết khả tính. Nếu chúng ta không biết loại nhân thành nhiều những sự vật này là một quyền chọn lựa, thì bấy giờ với chúng ta sự chọn lựa vẫn không hiện hữu.

Việc nghiên cứu những giấc mộng ở Tây phương đã cho thấy rằng người ta có thể cải tiến những sự khéo léo bằng cách thực hành chúng trong những giấc mộng và những giấc mộng ban ngày. Dùng giấc mộng, chúng ta có thể giảm cái tiêu cực và tăng cái tích cực, thay đổi những cách thức thói quen của chúng ta trong cuộc đời. Và điều này không chỉ cần để huấn luyện những khéo léo giúp ích chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, mà cũng còn được áp dụng ở những mức độ sâu xa nhất của đời sống tâm linh. Luôn luôn hãy nhắm đến mục đích tối thượng, phổ quát nhất, vì cái này sẽ tự động lo liệu cho cái thấp hơn. Sau giác ngộ, hoàn toàn không có vấn đề gì khi tác động đến những hiệu quả tương đối.

Tantra Mẹ kê ra mười một phạm trù kinh nghiệm trong đó tâm thức thường bị hình tướng trói buộc. Tất cả những phạm trù này cần được nhận biết, thách thức và chuyển hóa. Nguyên lý là như nhau trong tất cả, nhưng ích lợi khi để thì giờ suy nghĩ về mỗi cái để giới thiệu những khả tính của sự chuyển hóa tâm thức của chính chúng ta. Những phạm trù là : kích thước ; số lượng ; phẩm chất ; tốc độ ; thành tựu ; chuyển hóa ; lưu xuất ; du hành ; thấy ; gặp gỡ ; và những kinh nghiệm.

Kích thước. Chúng ta hiếm khi nghĩ về kích thước trong những giấc mộng của chúng ta, nhưng chúng ta làm thế trong đời sống lúc thức. Có hai phương diện về kích thước, nhỏ hơn và lớn hơn. Hãy biến đổi kích thước của bạn trong giấc mộng, trở nên nhỏ như một con côn trùng và rồi lớn như một trái núi. Lấy một chủ đề lớn và làm nó thành nhỏ. Lấy một đóa hoa nhỏ, đẹp và làm nó lớn như mặt trời.

Số lượng. Nếu có một vị Phật trong giấc mộng của bạn, hãy tăng trưởng con số lên đến một trăm hay một ngàn. Và nếu có một ngàn chủ đề, hãy biến nó thành một. Trong thực hành giấc mộng, bạn có thể đốt tiêu những hạt giống nghiệp phôi thai. Dùng tỉnh giác, hãy dẫn dắt giấc mộng hơn là để cho giấc mộng dẫn dắt ; hãy mơ hơn là để cho bạn bị mơ.

Phẩm chất. Khi người ta bị sa lầy trong một kinh nghiệm xấu, thường bởi vì họ không biết rằng nó có thể được biến đổi. Bạn phải nghĩ về khả tính của sự thay đổi, và rồi thực hành nó trong giấc mộng. Khi bạn nổi giận trong một giấc mộng, hãy biến đổi xúc động đó thành tình thương. Bạn có thể biến đổi những tính cách sợ hãi, ghen ghét, giận dữ, tham lam, tuyệt vọng, và hôn trầm mờ đục. Không có thứ nào trong những cái ấy là ích lợi. Hãy tự nói với mình rằng chúng có thể bị hàng phục bằng cách chuyển hóa chúng. Thậm chí bạn có thể nói nhỏ điều ấy để làm mạnh sự hiểu biết của bạn. Một khi bạn có kinh nghiệm biến đổi xúc động trong giấc mộng, bạn cũng có thể có nó trong đời sống khi thức. Đây là phát triển sự tự do và linh hoạt ; bạn không bị giam nhốt bởi sự điều kiện hóa trước kia nữa.

Tốc độ. Chỉ trong vài giây của giấc mộng, nhiều việc có thể hoàn thành, vì bạn hoàn toàn ở trong tâm thức. Hãy làm chậm lại kinh nghiệm cho đến khi mỗi một khoảnh khắc là một toàn thể thế giới. Hãy thăm viếng một trăm nơi chốn trong một phút. Những giới hạn duy nhất trong một giấc mộng là những giới hạn trong trí tưởng tượng của bạn.

Thành tựu. Bất cứ điều gì bạn không thể thành tựu trong đời sống, bạn có thể thành tựu trong giấc mộng. Hãy làm những thực hành, viết một cuốn sách, bơi qua đại dương, hoàn tất cái cần hoàn tất.

Một năm sau khi mẹ tôi mất, bà xuất hiện trong giấc mộng của tôi và xin giúp đỡ. Tôi hỏi bà tôi có thể làm gì. Bà đưa cho tôi một bức vẽ một cái tháp và yêu cầu tôi xây cho bà. Tôi biết tôi đang mộng, nhưng tôi chấp nhận công việc như thể có thực. Lúc đó tôi đang ở Ý, nơi có nhiều hạn chế xây cất và luật lệ khu vực. Tôi không biết làm sao có giấy phép, tiền bạc và đất đai. Thế nên tôi hỏi những hộ pháp của tôi. Đây là điều Tantra Mẹ chỉ dạy: hãy cầu những hộ pháp giấc mộng giúp đỡ khi gặp những công việc bạn không thể hoàn thành.

Trả lời cho sự yêu cầu giúp đỡ của tôi, những hộ pháp xuất hiện. Một cây bồ đề khổng lồ sừng sững trong mộng và thình lình những hộ pháp biến nó thành một cái tháp. Trong nền văn hóa của chúng tôi, chúng tôi tin rằng xây một cái tháp cho người nào đã chết giúp cho người đó tốt đẹp trong đời tái sanh tới. Mẹ tôi vui vẻ và hài lòng trong giấc mộng, và tôi cũng vậy. Tôi cảm thấy rằng tôi đã làm điều gì quan trọng cho bà, một điều có lẽ đã không xảy ra ở nhà tại Ấn Độ nơi mẹ tôi chết. Bây giờ nó đã được hoàn thành và mẹ tôi và tôi đều hoan hỷ. Cảm giác này chuyển qua cả đời sống khi thức của tôi.

Những thành tựu trong giấc mộng ảnh hưởng vào đời sống khi thức. Bằng kinh nghiệm, bạn làm việc với những dấu vết nghiệp. Hãy dùng giấc mộng để hoàn thành điều gì quan trọng cho bạn.

Chuyển hóa. Chuyển hóa là rất quan trọng cho những hành giả tantra, vì nó là nguyên lý nền tảng của thực hành tantra, nhưng nó cũng quan trọng cho tất cả chúng ta. Hãy học cách chuyển hóa chính bạn. Hãy cố gắng trong mọi sự. Tự chuyển hóa bạn thành một con chim, một con chó, một chim garuda, một sư tử, một con rồng. Hãy chuyển hóa bạn từ một người hay nóng giận thành một người bi mẫn, từ một người tham bám, ghen tỵ thành một vị Phật rỗng rang, trong sáng. Hãy tự chuyển hóa bạn thành yidam và thành dakini. Điều này rất uy lực để phát triển tính mềm dẻo và hàng phục những giới hạn của cá tính thói quen của bạn.

Lưu xuất. Điều này tương tự với chuyển hóa. Sau khi chuyển hóa chính bạn thành một yidam hay một vị Phật, hãy lưu xuất càng nhiều thân càng tốt vì lợi lạc cho những chúng sanh khác. Hãy thành hai thân, rồi ba, bốn, nhiều tới mức bạn có thể, và rồi nhiều hơn nữa. Xuyên phá giới hạn của kinh nghiệm bản thân bạn là một bản ngã đơn độc, riêng lẻ.

Du hành. Hãy bắt đầu với những nơi chốn bạn muốn đến. Bạn muốn đi Tây Tạng ? Hãy làm một chuyến đến đó. Đến Paris ? Hãy đi. Bạn thường muốn đi nơi nào ?

Điều này không giống như chỉ đến một nơi nào, điều này gần như cuộc du hành. Hãy hướng dẫn bạn một cách có ý thức đến đó. Bạn có thể du lịch đến một xứ sở khác hay đến một cõi tịnh độ nơi không có nhiễm ô. Hay du lịch đến một hành tinh khác, hay một nơi chốn bạn chưa thấy lại trong nhiều năm, hay đến đáy của đại dương.

Thấy. Hãy cố gắng thấy cái bạn chưa từng thấy trước đó. Bạn đã có bao giờ thấy Guru Rinpoche chưa ? Tapihritsa ? Christ ? Bây giờ bạn có thể. Bạn đã từng thấy Shambhala hay trung tâm mặt trời? Bạn đã từng thấy những tế bào được phân tích hay trái tim bạn đập hay đỉnh núi Everest hay cái nhìn thấy từ con mắt một con ong? Hãy phát sanh những ý tưởng cho chính bạn và rồi biến chúng thành thực trong giấc mộng.

Gặp gỡ. Trong truyền thống Tây Tạng, có nhiều câu chuyện những người gặp gỡ các vị thầy và các hộ pháp và các dakini... trong những giấc mộng của họ. Có thể bạn cảm thấy một mối liên hệ với những vị thầy quá khứ ; giờ hãy gặp các vị. Khi bạn gặp, hãy tự hỏi ngay bạn có thể gặp một lần thứ hai không. Điều ấy tạo thêm cơ hội để gặp lại các vị. Rồi hãy thỉnh cầu những giáo lý.

Kinh nghiệm. Hãy dùng giấc mộng để kinh nghiệm cái bạn chưa hề kinh nghiệm. Nếu bạn không chắc về kinh nghiệm của bạn về rigpa, bấy giờ hãy có kinh nghiệm ấy trong giấc mộng. Bạn có thể kinh nghiệm bất cứ trạng thái huyền bí nào hay bất kỳ kinh nghiệm nào của con đường đạo, dù tinh vi hay đơn giản. Bạn có thể thở dưới nước như một con cá, hay đi xuyên qua những bức tường, hay trở thành một đám mây. Bạn có thể đi du lịch vũ trụ như một tia sáng hay rơi thành một cơn mưa từ bầu trời. Bất cứ điều gì bạn có thể nghĩ ra, bạn có thể làm nó.

Hãy vượt khỏi những giới hạn của những phạm trù ở trên; chúng chỉ là những gợi ý. Chúng ta làm việc với những khuôn khổ trong kinh nghiệm của chúng ta – như tốc độ, kích thước, lưu xuất v.v... – bởi vì chúng ta bị kẹt trong sự tin vào sự có thực của những ý niệm tương đối ấy. Làm tiêu tan những biên giới trong tâm thức dẫn chúng ta đến tự do, nó là nền tảng của tâm thức. Nếu bạn nằm mộng ra một ngọn lửa đáng sợ, hãy chuyển hóa bạn thành lửa; ra một trận lụt hãy chuyển hóa bạn thành nước. Nếu một con quỷ rượt đuổi bạn, hãy tự chuyển hóa thành ra một con quỷ lớn hơn. Hãy trở thành một trái núi, một con báo, một cái cây gỗ đỏ. Hãy trở thành một ngôi sao hay cả một khu rừng. Hãy chuyển hóa bạn từ đàn ông trở thành đàn bà, và rồi một trăm người đàn bà. Hay chuyển hóa bạn từ một người đàn bà thành một thiên nữ. Hãy chuyển hóa thành những con thú vật, một con diều hâu bay trên trời hay một con nhện giăng mạng lưới tơ. Hãy chuyển hóa thành một bồ tát và biểu lộ chính bạn trong một trăm chỗ cùng một lúc, hay trong tất cả ba mươi ba địa ngục, để làm lợi lạc chúng sanh ở đó. Hãy chuyển hóa thành Siamuhka, thành Padmasam-bhava, hay hóa thần, yidam hay dakini nào khác. Sự thực hành này giống như những thực hành tantra trong đó bạn tự chuyển hóa bạn. Nó có cùng những mục đích và những lý do, nhưng dễ dàng hơn nhiều khi hoàn thành trong một giấc mộng ; bạn thực sự chuyển hóa. Vô số kinh nghiệm chuyển hóa có thể được làm trong mộng.

Hãy du lịch đến bất cứ chỗ nào bạn đã muốn đến: núi Tu Di, trung tâm trái đất, những hành tinh khác, những cõi khác. Hầu như mỗi đêm tôi đều trở về Ấn Độ – một cách du lịch rất rẻ. Hãy đến những cõi chư thiên. Hãy du lịch vào địa ngục, vào cõi ma quỷ. Nó chỉ là một ý tưởng, bạn sẽ không thực sự dự phần vào đó. Nhưng bạn sẽ được nới lỏng những bó buộc cột trói tâm thức bạn.

Hãy tham dự những thực hành và những lễ puja của chư thiên nam và nữ. Hãy tham dự với năm bộ gia đình Phật. Hãy bay xuyên qua đất. Hãy du hành qua bên trong của thân thể chính bạn. Hãy làm bạn lớn như quả đất, rồi lớn hơn nữa. Hãy nhỏ như một nguyên tử, gầy như một cây tre, nhẹ như một phấn hoa.

Nguyên lý phát triển tính linh hoạt thì quan trọng hơn những tính chất riêng biệt của giấc mộng, cũng như phẩm tính sáng rỡ của pha lê thì quan trọng hơn màu của ánh sáng phản chiếu. Những gợi ý từ những giáo lý không nên trở thành những giới hạn. Hãy nghĩ ra những khả tính mới và hãy biểu lộ chúng, cho đến khi bất cứ điều gì có vẻ giới hạn kinh nghiệm của bạn đều được tức thời thấy là dễ vỡ và không trói buộc. Sự minh bạch đem lại nhiều ánh sáng hơn cho tâm thức ý niệm, và thực tập tính linh hoạt mềm dẻo tháo lỏng những nút thắt của sự điều kiện hóa trói buộc tâm thức. Vì chúng ta bị điều kiện hóa bởi những thực thể có vẻ cứng đặc bề ngoài mà chúng ta gặp, chúng cần được chuyển hóa trong kinh nghiệm của chúng ta, làm thành sáng rỡ và trong suốt. Vì chúng ta bị điều kiện hóa bởi tính cứng đặc bề ngoài của những tư tưởng, chúng cần được tan biến vào sự tự do vô hạn của tâm thức.

Có một nguyên lý nền tảng cho sự du hành tâm linh mà chúng ta cần tiếp tục thực tập ngay cả trong sự tự do của giấc mộng. Những khả tính trong giấc mộng là vô biên, chúng ta có thể làm bất cứ sự biến đổi nào chúng ta thích đối với giấc mộng, nhưng còn quan trọng hơn nữa là chúng ta biến đổi theo hướng tích cực. Đó là hướng đi sẽ giúp chúng ta nhất cho con đường tâm linh của chúng ta. Những hành động trong giấc mộng có một hiệu quả bên trong chúng ta như những hành động trong đời sống khi thức. Có sự tự do lớn lao trong giấc mộng nhưng không có sự tự do khỏi nhân và quả nghiệp lực cho đến khi nào chúng ta tự do với nhị nguyên. Chúng ta cần kiên nhẫn và quyết tâm mạnh mẽ để phát triển tính linh hoạt mềm dẻo cần thiết để lật đổ sự thống trị của nghiệp tiêu cực.

Hãy làm việc nơi biên giới của kinh nghiệm, những bó buộc của những niềm tin bị điều kiện hóa và giới hạn. Tâm thức thật lạ lùng: nó có thể làm việc này. Bản sắc, nhân dạng của bạn thì mềm dẻo hơn là bạn tưởng tượng. Bạn chỉ cần ý thức khả tính có thể biến đổi được của kinh nghiệm và bản sắc và bấy giờ đó là khả tính thật sự. Nếu bạn tin rằng bạn không thể làm điều gì cả, bấy giờ bạn luôn luôn không thể. Đây là một điểm rất đơn giản và là điểm rất quan trọng. Vào lúc bạn nói bạn có thể làm cái gì đó là bạn đã bắt đầu.

Hãy đối xử những giấc mộng của bạn với sự tôn trọng và hội nhập tất cả những kinh nghiệm của giấc mộng, giống như đời sống khi thức của bạn vào con đường. Dùng giấc mộng để phát triển tự do, giải thoát khỏi những giới hạn, để vượt thắng những chướng ngại trong con đường của bạn, và cuối cùng để nhận biết bản tánh chân thực của bạn và bản tánh chân thực của tất cả hiện tượng, tức là sử dụng giấc mộng một cách khôn ngoan.

4 Chuẩn Bị cho Ban Đêm

Người trung bình không biết những nguyên lý của thiền định, mang những căng thẳng, phiền não, tư tưởng và những rối rắm mê mờ của ban ngày vào ban đêm. Đối với một người như vậy, không có thực hành hay thời gian đặc biệt nào được đặt riêng ra để xử lý ban ngày hay làm bình lặng trước khi vào giấc ngủ. Với họ giấc ngủ đến giữa sự phóng dật, và những tiêu cực được được giữ trong tâm thức suốt đêm. Khi cơn mộng khởi sanh từ những tiêu cực này, không có sự vững vàng ổn định trong hiện diện tỉnh thức và cá nhân bị cuốn theo những hình ảnh và mê lầm của thế giới mộng. Thân thể căng thẳng bởi lo âu hay nặng nề bởi buồn rầu, và khí trong thân thì thô và không trơn tru khi tâm thức phóng đi đây đó. Giấc ngủ bị nhiễu loạn, những giấc mơ đầy căng thẳng hay chỉ là một sự trốn thoát thích thú, và người ngủ khi thức dậy thì mệt mỏi và không được ngơi nghỉ vào buổi sáng hôm sau, thường tiếp tục ban ngày trong một trạng thái tiêu cực.

Ngay cả với người không thực hành những yoga giấc mộng hay giấc ngủ, vẫn có lợi lạc khi chuẩn bị cho giấc ngủ, xem nó là nghiêm túc. Tịnh hóa tâm thức đến mức tốt nhất trước khi ngủ, cũng như trước lúc thiền định, làm phát sanh nhiều sự hiện diện hơn và những phẩm tính tích cực. Hơn là để cho những xúc tình tiêu cực mang đi lúc ban đêm, hãy dùng bất cứ phương tiện thiện xảo nào bạn có để giải thoát bạn khỏi những xúc tình đó. Nếu bạn biết làm thế nào để cho xúc tình tự giải thoát, tan biến vào tánh không, thì hãy làm thế. Nếu bạn biết làm thế nào để chuyển hóa nó hay tạo nên cái đối trị với nó, hãy dùng hiểu biết đó. Hãy cố gắng nối kết với vị lama, yidam, và dakini ; hãy cầu nguyện đến chư Phật và những thần bổn tôn ; hãy phát khởi lòng bi. Hãy làm điều gì bạn có thể làm để gỡ thoát cho bạn căng thẳng trong thân thể và những thái độ tiêu cực trong tâm thức. Thoát khỏi sự quấy nhiễu, với một tâm thức nhẹ tênh và thoải mái, bạn sẽ kinh nghiệm một giấc ngủ yên nghỉ hơn và phục hồi sức khỏe hơn. Dù cho không thể làm phần sau của những thực hành, sự thực hành này là một cái gì tích cực mà ai cũng có thể hòa trộn vào cuộc sống hàng ngày.

Ở trên là vài chuẩn bị tổng quát cho ban đêm, nhưng chớ tự giới hạn trong những cái ấy. Điểm quan trọng là tỉnh thức với cái mà bạn đang làm với tâm thức bạn và nó ảnh hưởng bạn thế nào, và dùng sự hiểu biết của bạn để làm bình an chính bạn, trở nên hiện diện, và mở ra những khả tính của ban đêm.

CHÍN HƠI THỞ TỊNH HÓA

Có lẽ bạn đã ghi nhận sự căng thẳng nhiều biết bao được mang vào trong thân thể và sự căng thẳng ảnh hưởng đến hơi thở như thế nào. Khi có ai mà chúng ta đang có nhiều rắc rối với họ đi vào phòng, thân thể co siết và hơi thở trở nên ngắn hơn và gắt hơn. Khi chúng ta sợ, hơi thở thành nhanh và cạn. Khi buồn, hơi thở thường sâu và điểm thêm những tiếng thở dài. Và nếu người nào chúng ta thích và chăm lo đi vào phòng, thân thể thư giãn và hơi thở rỗng rang và thoải mái.

Hơn là chờ đợi kinh nghiệm để thay đổi hơi thở, chúng ta có thể chủ động thay đổi hơi thở để thay đổi kinh nghiệm của chúng ta. Chín hơi thở của sự tịnh hóa là một thực hành ngắn để làm sạch và tịnh hóa những kinh mạch và để thư giãn tâm thức và thân thể. Hình vẽ những kinh mạch có thể tìm ở trang 69.

Ngồi xếp chân trong thế thiền định. Đặt hai tay dưới bụng, tay trái trên tay phải. Hơi cúi đầu một chút cho cổ thẳng.

Hãy quán tưởng ba kinh mạch năng lực trong thân bạn. Kinh mạch trung ương màu xanh và đứng thẳng qua trung tâm của thân ; nó cỡ bằng một cây mía, và hơi rộng ra từ tim đến chỗ mở ra của nó nơi đỉnh đầu. Hai kinh mạch hai bên đường kính bằng cây bút chì và nối với kinh mạch trung ương ở chót đáy của nó, khoảng bốn inch dưới rốn. Chúng đi thẳng qua thân ở hai bên kinh mạch trung ương, cong lại dưới xương sọ, đi qua sau mắt và mở ra nơi lỗ mũi. Nơi người đàn bà kinh mạch phải màu đỏ và kinh mạch trái màu trắng. Nơi người đàn ông kinh mạch phải màu trắng và kinh mạch trái màu đỏ.

Ba hơi thở đầu

Đàn ông : Đưa bàn tay phải lên với ngón tay cái đè gốc ngón tay đeo nhẫn. Bịt lỗ mũi phải với ngón tay đeo nhẫn, hít vào ánh sáng màu lục qua lỗ mũi trái. Rồi bịt lỗ mũi trái với ngón tay đeo nhẫn tay phải, thở ra hết qua lỗ mũi phải. Lập lại như vậy ba lần hơi thở vào và ra.

Đàn bà : Đưa bàn trái lên với ngón cái đè gốc ngón tay đeo nhẫn. Bịt lỗ mũi trái với ngón tay đeo nhẫn, hít vào ánh sáng màu lục qua lỗ mũi phải. Rồi bịt lỗ mũi phải với ngón tay đeo nhẫn, thở ra hết qua lỗ mũi trái. Lập lại như vậy ba lần hơi thở vào và ra.

Với mỗi hơi thở ra, hãy tưởng tượng mọi chướng ngại liên hệ với năng lực nam bị trục khỏi kinh mạch màu trắng trong hình dạng không khí màu xanh nhạt. Những cái này gồm những đau yếu thuộc khí cũng như những chướng ngại và che chướng liên hệ với quá khứ.

Ba hơi thở thứ hai

Đàn ông và đàn bà : Đổi tay và lỗ mũi và lập lại ba lần hơi thở vào và ra. Với mỗi hơi thở ra, hãy tưởng tượng mọi chướng ngại liên hệ với năng lực nữ bị trục khỏi kinh mạch màu đỏ trong hình dạng không khí màu hồng nhạt. Những cái này gồm những đau yếu thuộc mật cũng như những chướng ngại và che chướng liên hệ với tương lai.

Ba hơi thở thứ ba

Đàn ông và đàn bà : Đặt bàn tay trái trên bàn tay phải dưới bụng, bàn tay ngửa lên. Hít vào ánh sáng màu lục có tính cách chữa lành qua cả hai lỗ mũi. Hãy quán tưởng nó đi xuống theo hai kinh mạch hai bên đến chỗ nối kết với kinh mạch chính, khoảng bề rộng bốn ngón tay dưới rốn. Với hơi thở ra, hãy quán tưởng năng lực đi lên theo kinh mạch trung ương và ra đỉnh đầu. Hoàn thành ba hơi thở vào và ra. Với mỗi hơi thở ra, hãy tưởng tượng tất cả mọi thế lực làm cho đau yếu liên hệ với những ma quỷ đối nghịch bị trục khỏi đỉnh đầu trong hình dạng khói màu đen. Những cái ấy gồm những đau yếu thuộc chất niêm dịch. Cũng như những chướng ngại và che chướng liên hệ với hiện tại.

GURU YOGA

Guru yoga là một thực hành chính yếu trong mọi trường phái Phật giáo Tây Tạng và đạo Bošn. Điều này chứng tỏ trong kinh tantra, và Đại Toàn Thiện. Nó phát triển sự nối kết trong lòng với vị thầy. Bằng cách liên tục làm mạnh lòng sùng mộ, chúng ta đến chỗ sùng mộ thuần túy, không lay chuyển, căn cứ thần lực của sự thực hành. Tinh túy của guru yoga là hòa lẫn tâm của hành giả với tâm của đạo sư.

Đạo sư chân thật là gì ? Đó là bản tánh nền tảng, vô tướng của tâm, tánh giác bổn nguyên nền tảng của mọi sự, nhưng vì chúng ta sống trong nhị nguyên, sẽ ích lợi cho chúng ta quán tưởng cái ấy trong một hình tướng. Làm như vậy là sử dụng một cách thiện xảo những nhị nguyên của tâm thức ý niệm để làm mạnh thêm lòng sùng mộ và giúp chúng ta nhắm đến thực hành và sự phát sanh những phẩm tính tích cực.

Trong truyền thống Bošn, chúng tôi thường dùng hoặc Tapihritsa như là đạo sư, hoặc Phật Shenla Odker*, ngài đại diện sự hợp nhất của tất cả chư đạo sư. Nếu bạn đã là một hành giả, bạn có thể có một bổn tôn khác để quán tưởng, như Guru Rinpoche hay một yidam hay dakini. Trong khi điều quan trọng là làm việc với một dòng phái mà bạn có một mối liên kết, bạn cần hiểu rằng đạo sư bạn đang quán tưởng là hiện thân của tất cả các đạo sư bạn đã liên kết, tất cả các vị thầy đã theo học, tất cả các bổn tôn bạn đã có những cam kết. Đạo sư trong guru yoga không chỉ là một cá nhân, mà là tinh túy của giác ngộ, tánh giác bổn nguyên nó là bản tánh chân thật của bạn.

Đạo sư cũng là vị thầy mà bạn nhận những giáo lý từ ngài. Trong truyền thống Tây Tạng, chúng ta nói rằng đạo sư

nhungyogataytang-03-2
Tapihritsa

còn quan trọng hơn đức Phật. Vì sao ? Bởi vì đạo sư là sứ giả trực tiếp của những giáo lý, người đem trí huệ của Phật đến cho đệ tử. Không có đạo sư chúng ta không tìm ra con đường của chúng ta đến với Phật. Thế nên chúng ta cần cảm thấy sùng mộ với đạo sư như đối với Phật nếu thình lình Phật xuất hiện trước mặt chúng ta.

Guru yoga không chỉ là phát sinh một cảm giác nào đó đối với một hình ảnh được quán tưởng. Nó được làm để tìm thấy tâm nền tảng trong chính bạn, tâm đó là nhất như với tâm nền tảng của tất cả các vị thầy của bạn, và của tất cả chư Phật và những bậc chứng ngộ đã từng sống ở đời. Khi bạn hòa nhập với vị guru, bạn hòa nhập với thật tánh nguyên sơ của bạn, nó là người hướng dẫn và đạo sư đích thực. Nhưng điều này không nên là một thực hành trừu tượng. Khi bạn làm guru yoga, hãy cố gắng cảm thấy lòng sùng mộ mãnh liệt đến độ tóc gáy dựng đứng, nước mắt bắt đầu rơi trên mặt bạn, và lòng bạn mở ra và tràn đầy tình thương mến lớn lao. Hãy để bạn hòa lẫn hợp nhất với tâm của guru, chính là Phật tánh giác ngộ của bạn. Đây là cách thực hành guru yoga.

Thực hành

Sau chín hơi thở, vẫn ngồi trong tư thế thiền định, hãy quán tưởng đạo sư ở trên và trước mặt bạn. Đó không phải là một bức tranh bằng phẳng, hai chiều – hãy để cho một hiện thể thực sự hiện hữu ở đó, với ba chiều, làm bằng ánh sáng, trong sạch, và với một sự hiện diện mạnh mẽ tác động cảm giác trong thân thể, năng lực, và tâm thức của bạn. Hãy phát sanh sùng mộ mạnh mẽ và suy nghĩ về sự trao tặng vĩ đại những giáo lý và cơ hội tốt đẹp lớn lao bạn đang hưởng khi liên kết với chúng. Dâng lên một lời cầu nguyện chân thành, cầu xin những tiêu cực và che ám của bạn được dẹp bỏ, những phẩm tính tích cực của bạn được phát triển, và bạn hoàn thành được yoga giấc mộng.

Bấy giờ hãy tưởng tượng nhận những ban phước từ đạo sư trong hình thức những ánh sáng ba màu tuôn chảy từ ba cửa trí huệ của ngài – cửa thân, cửa ngữ, cửa tâm – vào ba cửa của bạn. Những ánh sáng được chuyển vào theo trình tự sau : Ánh sáng trắng tuôn chảy từ luân xa đỉnh đầu của đạo sư vào luân xa đỉnh đầu của bạn, tịnh hóa và làm thư giãn toàn thân thể bạn và phương diện thể xác của bạn. Rồi ánh sáng đỏ từ luân xa cổ họng của đạo sư chảy vào luân xa cổ họng của bạn, tịnh hóa và làm thư giãn phương diện năng lực của bạn. Cuối cùng, ánh sáng xanh từ luân xa tim của đạo sư chảy vào luân xa tim của bạn, tịnh hóa và làm thư giãn tâm thức bạn.

Khi những ánh sáng vào thân thể bạn, hãy cảm thấy chúng. Hãy để thân thể, năng lực và tâm thức của bạn thư giãn, tràn ngập trong ánh sáng trí huệ. Hãy dùng tưởng tượng của bạn để làm cho sự ban phước thành ra có thực trong kinh nghiệm trọn vẹn của bạn, trong thân thể và năng lực của bạn cũng như trong những hình ảnh trong tâm thức bạn.

Sau khi nhận sự ban phước gia bị, hãy tưởng tượng đạo sư tan vào trong ánh sáng, ánh sáng này đi vào tim bạn và ở lại đó như tinh túy sâu xa nhất của bạn. Hãy tưởng tượng rằng bạn tan biến trong ánh sáng ấy, và an trụ trong tánh tỉnh giác thanh tịnh, rigpa.

Còn có những giáo huấn tỉ mỉ về guru yoga gồm trong những lễ lạy, dâng cúng, ấn, thần chú và những quán tưởng phức tạp nữa, nhưng tinh túy của sự thực hành là hòa trộn tâm thức bạn với tâm thức của đạo sư, nó chính là tánh giác thanh tịnh, bất nhị. Guru yoga có thể được làm bất kỳ lúc nào trong ngày ; càng nhiều càng tốt. Nhiều đạo sư nói rằng trong tất cả mọi thực hành, guru yoga là cái quan trọng nhất. Nó ban cho sự ban phước của dòng truyền và có thể mở ra và làm mềm dịu tấm lòng và làm bình lặng tâm thức hoang dã. Hoàn thành trọn vẹn guru yoga là hoàn thành con đường.

CHE CHỞ

Đi ngủ hơi giống với chết, một hành trình một mình vào cái không biết. Thông thường chúng ta không lo lắng về giấc ngủ bởi vì chúng ta quen với nó, nhưng hãy nghĩ về điều mà giấc ngủ kéo theo. Chúng ta tự mất mình trong một sự trống không trong một khoảng thời gian, cho đến khi chúng ta khởi lên lại trong một giấc mộng. Khi chúng ta nằm mộng, chúng ta có thể có một bản sắc khác và một thân thể khác. Chúng ta có thể ở trong một nơi chốn xa lạ, với những người chúng ta không biết, dấn thân vào những hoạt động rối rắm có vẻ rất nguy hiểm.

Chỉ ngủ trong một nơi chốn không quen thuộc có thể tạo ra lo âu. Nơi chốn có thể hoàn toàn an ninh và tiện nghi, nhưng chúng ta không ngủ như ở nhà trong môi trường quen thuộc. Có thể năng lực chỗ ấy xấu. Hay có thể chỉ sự không an ninh của riêng chúng ta làm rộn chúng ta, và ngay cả trong những chỗ quen thuộc chúng ta cũng cảm thấy lo âu khi chờ giấc ngủ đến, hay lo sợ bởi cái chúng ta nằm mộng. Khi vào giấc ngủ với sự lo âu, những giấc mộng của chúng ta trộn lẫn với sợ hãi và căng thẳng, giấc ngủ kém yên và, và sự thực hành khó làm hơn. Thế nên là một ý tốt khi tạo ra một cảm thức được che chở trước khi chúng ta ngủ và chuyển hóa nơi chốn ngủ của chúng ta thành một không gian thiêng liêng.

Điều này được làm bằng cách tưởng tượng những dakini bảo vệ khắp chung quanh chỗ ngủ. Hãy tưởng tượng những dakini như những nữ thần đẹp đẽ, những người nữ giác ngộ, màu lục và đày đủ năng lực che chở. Họ ở gần khi bạn ngủ và suốt cả đêm, như những người mẹ trông chừng cho con họ, hay những người bảo vệ bao quanh một ông vua hay hay bà hoàng hậu. Hãy tưởng tượng họ ở khắp nơi, giữ gìn những cửa lớn và cửa sổ, ngồi cạnh bạn trên giường, đi dạo trong vườn hay sân... cho đến khi bạn hoàn toàn cảm thấy được che chở.

Lại nữa, sự thực hành này thì hơn việc chỉ cố gắng quán tưởng điều gì : hãy thấy những dakini với tâm thức bạn nhưng cũng dùng sự tưởng tượng của bạn để cảm thấy sự hiện diện của họ. Tạo ra một môi trường thiêng liêng, che chở theo cách này là làm bình yên, thư giãn và xúc tiến giấc ngủ yên nghỉ. Một nhà thần bí sống như vầy : thấy điều thần bí, thay đổi môi trường với tâm thức, và cho phép những hành động, thậm chí những hành động tưởng tượng, có ý nghĩa.

Bạn có thể nâng thêm cảm thức an bình trong môi trường bằng cách để những vật có tính chất thiêng liêng trong phòng ngủ : những hình ảnh an bình, đáng yêu, những biểu tượng tôn giáo và thiêng liêng, và những vật khác hướng tâm thức bạn đến con đường.

Tantra Mẹ nói cho chúng ta rằng khi chúng ta chuẩn bị cho giấc ngủ chúng ta cần duy trì sự tỉnh giác về những nguyên nhân của giấc mộng, đối tượng để tập trung vào, những vị bảo vệ và về chính chúng ta. Giữ những cái ấy trong sự tỉnh giác, không phải như nhiều cái, mà như một môi trường đơn nhất, và điều này sẽ có một hiệu lực lớn lao trong giấc mộng và giấc ngủ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/06/2024(Xem: 1676)
Tôi rất hân hạnh viết đôi lời giới thiệu cho cuốn sách có tựa đề ‘Phật Giáo và Thánh Tích ở Sri Lanka’ (Buddhism and Buddhist Holy Places in Sri Lanka) của Ni sư Tiến sĩ TN Giới Hương. Đây là một tác phẩm truyền cảm hứng tâm đạo và được đánh giá cao sau khi Ni sư đã thực hiện hai chuyến hành hương đến Sri Lanka năm 2016 và 2023.
28/02/2024(Xem: 3018)
Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, Người đã dấn thân vượt khó cầu xin Đức Phật cho phép Ni giới được xuất gia, hội nhập Tăng Đoàn, đã mở ra trang sử rạng ngời cho Ni giới ngày nay. Với lòng hoài niêm ân xưa, chư Ni miền Nam California chúng con hằng năm đều hân hoan, thành kính tổ chức Đại Lễ Tưởng Niệm Đức Thánh Tổ Kiều Đàm Di.
31/12/2023(Xem: 2159)
Vào ngày 27/12/2023, chùa Đức Viên tọa lạc tại số 2420 McLaughlin Avenue, thành phố San Jose, Hoa Kỳ đã trang nghiêm tổ chức Lễ khai mạc khóa tu thiếu nhi mùa Đông 2023. Khóa tu được tổ chức 4 ngày, từ ngày 27/12 đến ngày 30/12/2023. Tham dự khóa tu thiếu nhi mùa Đông năm nay có khoảng 200 thiếu nhi và đông đảo chư Ni; quý vị cha mẹ, anh chị phục vụ các công việc: hướng dẫn tu học, trang trí, âm thanh, truyền thông, nhiếp ảnh, ẩm thực, vệ sinh, trật tự v.v… Các em được chia thành 9 nhóm (theo lứa tuổi) và nhóm Sen Búp. Mỗi nhóm được quý Sư cô cùng các cô, các anh, các chị lớn phụ trách. Thời gian tu học và vui chơi mỗi ngày từ 08 giờ sáng đến 07 giờ tối.
30/12/2023(Xem: 2566)
Đoàn chư Ni và Phật tử Tu viện Huyền Không (San Jose, Hoa Kỳ), chùa An Lạc (Indianapolis, Hoa Kỳ) và chùa Đức Nguyên (Việt Nam) hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ và Nepal từ ngày 01/11 đến ngày 20/11/2023 dưới sự hướng dẫn của Ni sư Thích Nữ Nguyên Thiện và Ni sư Thích Nữ Viên Tâm.
26/10/2023(Xem: 3529)
Sự hiện diện của rất nhiều người là từ bi tâm và sự cống hiến của họ đã chạm đến tâm hồn và cuộc sống của rất nhiều người. So sánh sự hảo tâm hào phóng, sự tu tập và thành quả nỗ lực của bạn, thực sự tôi chỉ là một con cá bé nhỏ. Nhưng thà làm một con cá nhỏ bé tung tăng ngâm mình trong suối nguồn từ bi, còn hơn là một con cá nhỏ bị rán trong chảo lửa giận dữ.
09/08/2023(Xem: 2340)
Nổi tiếng vì đã ưu tiên Chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) hơn là tính hám lợi vì lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản phóng túng, Vương quốc Phật giáo Bhutan, nép mình trên cao nguyên trong bầu không khí hiếm có của phía đông Hymalaya, cũng đang có những bước tiến trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Báo cáo lần thứ tư về việc Khảo sát Bảo tồn loài Hổ Quốc gia Bhutan, gần đây Trung tâm Bảo tồn loài Hổ Quốc gia Bhutan hợp tác với Chính phủ Bhutan
19/04/2023(Xem: 3119)
Trong khi các chính trị gia và nhà đầu tư trên khắp thế giới ca ngợi việc thực hành chánh niệm như một công cụ “trấn tỉnh” để giảm mức độ căng thẳng, tăng năng suất và duy trì sự tập trung, không coi trọng trí tuệ là ưu tiên hàng đầu mà là sản phẩm phụ phát sinh từ chánh niệm sâu sắc. Nhưng trí tuệ là một trong ba thành phần không thể thiếu của giáo lý nhà Phật, cùng với kỷ luật đạo đức và định tâm, để phát triển cá nhân và trau dồi tinh thần.
17/03/2023(Xem: 2754)
Phật tử Tích Lan cung nghinh HT Thông Hải với nghi thức trang trọng
24/02/2023(Xem: 4134)
Chùa Hương Sen tổ chức Hành Hương Ấn Độ và làm từ thiện từ ngày 21/06 đến 18/07/2023
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com 
KHÁCH VIẾNG THĂM
50,000,000