Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo tại Miến Điện (Buddhism in Myanmar)

31/05/202506:14(Xem: 13949)
Phật Giáo tại Miến Điện (Buddhism in Myanmar)

Phat Giao tai Mien Dien_Thich Nguyen Tang

PHẬT GIÁO TẠI MIẾN ĐIỆN

 

Bài viết mới nhất của TT Thích Nguyên Tạng

 

 

Miến Điện (Myanmar), là một quốc gia tại Đông Nam Á. Myanmar có biên giới giáp với 5 quốc gia đó là Bangladesh, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Trung Quốc; và có 2 mặt giáp biển là Biển Andaman và Vịnh Bengal. Phía Tây Mayanmar giáp với Bangladesh và Ấn Độ, phía Đông Bắc giáp với Trung Quốc (Tây Tạng và Vân Nam), phía Đông Nam giáp với Lào và Thái Lan, đặc biệt phía Tây Nam và phía Nam là Vịnh Bengal và biển Andaman. Theo số liệu điều tra dân số năm 2023, Myanmar có 55 triệu cư dân, tổng diện tích Myanmar là 676.578km2. Ngôn ngữ chính: Tiếng Myanmar. Đồng tiền: Kyat Myanmar. Ngày quốc khánh: 4/1/1948. Thủ đô: Naypyidaw (bắt đầu từ ngày 6/11/2005). Được chia thành 7 vùng hành chính và 7 bang;  thành phố lớn nhất là Yangon.
 
Tôn giáo chính của Miến Điện kể từ năm 1961 là Phật Giáo Nguyên Thủy với 90% dân số, gồm người Bamar, Rakhine, Shan, Mon và Hoa. Hiện nay trên toàn quốc Miến Điện có khoảng 500.000 Tăng Ni. Những tôn giáo khác ở Miến Điện gồm có: Ky tô giáo 5,6%;  Hồi giáo 3,8%; Ấn độ giáo 0,5%; còn Do Thái giáo, Đa Thần giáo, Vật linh giáo, v.v. chỉ chiếm khoảng 0,8% số dân.
 
Myanmar, hay Miến Điện là xứ sở  được biết đến trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo Nguyên thủy là quốc giáo. Trong những năm gần đây, Miến Điện đã đạt được vị thế đặc biệt trong Phật Giáo quốc tế khi Đại Hội Kiết Tập Kinh Điển lần thứ sáu được tổ chức tại Yangon (Rangoon) từ năm 1954 đến năm 1956, và là nơi khởi nguồn của hai hệ thống Thiền Vipassana (Thiền Quán) chính đã lan tỏa ra thế giới: thứ nhất, bắt nguồn từ Hòa Thượng Mahasi Sayadaw và thứ hai, bắt nguồn từ Thiền Sư Cư Sĩ Sayagyi U Ba Khin của Trung tâm Thiền quốc tế.
 
Về pháp hành của Phật giáo Miến Điện, có hai phương pháp phổ biến nổi bật là  thiền tập Vipassanā và tạo công đức, còn gọi là Weizza.Tạo công đức là pháp tu phổ biến nhất của Phật tử Miến Điện, Pháp hành này bao gồm việc tuân thủ Năm giới và tích lũy công đức xuyên qua việc cúng dường tứ sự đến Chư Tôn Đức Tăng, Ni.  Pháp tu Thiền quán, đã trở nên phổ biến từ đầu thế kỷ 20, là một hình thức Thiền Phật giáo được xem là dẫn đến sự giác ngộ và có thể bao gồm các khóa tu Thiền chuyên sâu.


Phật Giáo Truyền Vào  Miến Điện

 

Lịch sử thuở ban đầu của Phật giáo Miến Điện rất khó biết được, theo biên niên sử Pali ghi rằng Đại đế Ấn Độ A Dục (Asoka) đã cử hai Tỳ kheo: Sona và Uttara đến Suvaṇṇabhūmi (Vùng đất vàng Miến Điện) vào khoảng năm 228 trước Tây lịch, cùng với các nhà Sư khác như một phần trong nỗ lực truyền bá Phật giáo của đức vua. Khu vực này được xác định là ở đâu đó ở Đông Nam Á cổ đại, có thể là ở Thaton thuộc miền hạ Miến Điện hoặc Nakon Pathom ở Thái Lan.

 

Một dòng chữ khắc Andhra Ikshvaku từ khoảng thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch đề cập đến sự cải đạo của Kiratas (Cilatas) sang Phật giáo. Đây có thể là những người nói tiếng Mon-Khmer ở ​​Arakan cổ đại và Hạ Miến Điện (tức là các tiểu bang Pyu và vương quốc Mon). Các văn bản Trung Quốc thế kỷ thứ 3 nói về "Kinh đô Liu Yang ", nơi mọi người tôn thờ Đức Phật và có "vài nghìn Tăng sĩ". Vương quốc này nằm ở miền Trung Miến Điện.

 

Đến thế kỷ thứ 4, hầu hết người Miến ở Pyu đã trở thành Phật tử, mặc dù các phát hiện khảo cổ chứng minh rằng các hoạt động tiền Phật giáo của họ cũng vẫn được duy trì vững chắc trong các thế kỷ sau. Theo các văn bản khai quật được, cũng như các ghi chép của Trung Quốc, tôn giáo chủ yếu của Pyu là Phật giáo Nguyên thủy.

 

Sử gia Peter Skilling kết luận rằng có bằng chứng văn tự chắc chắn về sự hiện diện chủ đạo của Phật giáo Nguyên thủy ở Vương quốc Pyu của Sriksetra và Vương quốc Mon của Dvaravati, "từ khoảng thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch trở đi", mặc dù ông cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo Đại thừa cũng đã từng hiện diện ở Miến Điện. Bằng chứng văn tự đến từ các bản khắc chữ Pali được tìm thấy ở những khu vực này. Họ sử dụng một biến thể của chữ viết Pallava của vùng Nam Ấn.

 

Thật vậy, các văn bản Phật giáo cổ nhất còn sót lại bằng tiếng Pāli đến từ thành phố Pyu của Sri Ksetra. Văn bản này có niên đại từ giữa thế kỷ thứ 5 đến giữa thế kỷ thứ 6, được viết trên các tấm vàng nguyên khối. Sự tương đồng của chữ viết được sử dụng trong các tấm này với chữ viết của vùng Andhra-Kuntala-Pallava cho thấy Phật giáo Nguyên thủy ở Miến Điện đầu tiên đến từ vùng Nam Ấn Độ này.

 

Cũng theo sử gia Peter Skilling, các vương quốc Pyu và Mon "là những trung tâm phát triển thịnh vượng của nền văn hóa Phật giáo theo đúng nghĩa của họ, ngang hàng với các trung tâm đương thời như Anuradhapura ở Tích Lan".  Các truyền thống Phật giáo Mon-Pyu này là hình thức Phật giáo chủ đạo ở Miến Điện cho đến cuối thế kỷ 12 khi Shin Uttarajiva lãnh đạo cuộc cải cách đưa trường phái Mahavihara của Tích Lan vào Miến Điện.

 

Từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 12, các truyền thống Phật giáo Ấn Độ ngày càng lan rộng đến Đông Nam Á thông qua con đường thương mại Vịnh Bengal. Bởi vì trước thế kỷ 12, các khu vực Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia chịu ảnh hưởng của truyền thống Phật giáo Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 7, Pháp sư Nghĩa Tịnh (Yiqing, I-Tsing, YiChing, 義淨, 635–713 CE) đã ghi nhận trong chuyến du hành của mình rằng: ở Đông Nam Á, tất cả các giáo phái chính của Phật giáo Ấn Độ đều phát triển mạnh mẽ.

 

Các phát hiện khảo cổ học cũng đã xác lập có sự hiện diện của Mật Giáo, Đại thừa và Ấn Độ giáo ở Miến Điện. Ở Sri Ksetra, Pegu và các khu vực khác của Miến Điện cổ đại, Ấn Độ giáo là đối thủ mạnh của Phật giáo và thường cạnh tranh với Phật giáo. Điều này được chứng thực trong biên niên sử lịch sử Miến Điện. Các vị Bồ Tát Đại thừa nổi bật như Quan Thế Âm, Đa Văn Thiên Vương (Vaiśravaṇa)… đã được đưa vào biểu tượng của Pyu (và sau đó là Bagan). Các vị Thần của Ấn Giáo  như Brahma, Vishnu, Shiva, Garuda và Lakshmi cũng đã được tìm thấy, đặc biệt là ở Hạ Miến Điện

 

Phật giáo ở Vương quốc Bagan

 

Người dân Miến Điện cũng tiếp nhận Phật giáo khi họ tiếp xúc với nền văn minh Pyu và Mon. Ban đầu, Phật giáo Miến Điện bị chi phối bởi một nền Phật giáo chiết trung gọi là Phật giáo Ari, bao gồm các yếu tố Đại thừa và Mật Giáo cũng như các hoạt động tế lễ ảnh hưởng từ Bà la môn giáo.

 

Việc người Bamar tiếp nhận Phật giáo tăng tốc vào thế kỷ 11 dưới thời Vua  Anawrahta Minsaw (1044–1077), người đã biến Vương quốc Bagan thành một cường quốc trong khu vực thông qua việc chinh phục thung lũng sông Irrawaddy, bao gồm thành phố Thaton, Mon (Hạ Miến). Trong thời gian trị vì của ông, văn hóa Phật giáo, kiến ​​trúc và chữ viết của người Mon phần lớn được đồng hóa vào văn hóa Bamar.

 

Mặc dù các biên niên sử lịch sử sau này (như Sāsanavaṃsa) nêu nhận định rằng, vua Anawrahta đã chinh phục Thaton để có được kinh Phật và rằng, "Phật giáo Nguyên thủy thuần túy" đã được thành lập trong thời kỳ trị vì của ông, nhưng có khả năng là Phật giáo Nguyên thủy đã được biết đến ở Bagan trước thế kỷ 11. Hơn nữa, Phật giáo Nguyên thủy Bagan chưa bao giờ thực sự "thuần túy" vì nội hàm bao gồm các nghi thức tế lễ địa phương, thờ Thần Rắn Naga, Thần Vishnu của Bà la môn giáo.

 

Vua Anawrahta đã thực hiện một loạt các cải cách tôn giáo trên khắp vương quốc của mình, cố gắng làm suy yếu quyền lực của các nhà Sư Mật Giáo Ari. Biên niên sử lịch sử Miến Điện ghi nhận rằng Vua Anawrahta đã được một Tỳ kheo người Mon, Đại Sư Shin Arahan, cảm hóa đức vua cải đạo quy y với Phật giáo Nguyên thủy. Nhà vua có thể đã lo lắng về sự ảnh hưởng của các tu sĩ theo Mật Giáo Ari sống trong rừng và tìm cách lật đổ chính quyền. Các Tăng sĩ theo Mật Giáo Ari, những người ăn tối, uống rượu, có vợ con và chủ trì các nghi lễ hiến tế động vật,  bị xem là dị giáo bởi các nhóm Tăng sĩ theo Phật Giáo Nguyên Thủy chính thống  như Quốc sư Shin Arahan, tức là Ngài Dharmadassī Mahāthera (1034 – 1115) người gốc Vương quốc Thaton, là cố vấn tôn giáo cho bốn vị vua Pagan từ Anawrahta đến Alaungsithu. Ngài được ghi nhận là Sư phụ của Vua Anawrahta, và giám sát quá trình cải cách sau đó của trường phái Phật giáo trên khắp vương quốc. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy rõ ràng rằng, Phật giáo Nguyên thủy của Quốc sư Shin Arahan và Pagan thời kỳ đầu chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Ấn Độ giáo so với các tiêu chuẩn chính thống hơn sau này. Trong vòng 75 năm sau khi Quốc sư Shin Arahan viên tịch, Phật giáo Pagan đã liên kết lại với trường phái Mahavihara của Tích lan, mặc dù trường phái Conjeveram-Thaton của Ngài tồn tại thêm 200 năm nữa trước khi biến mất.

 

Vua Anawrahta đã trục xuất nhiều nhà Sư Mật Giáo Ari từ chối tuân thủ giới luật, và nhiều vị  trong số họ đã chạy trốn đến cao nguyên Popa và Shan. Vua Anawrahta cũng cho mời các Tăng sĩ Phật Giáo Nguyên Thủy  từ Mon, Sri Lanka và Ấn Độ đến Bagan. Việc làm này đã giúp phát triển Phật giáo Nguyên Thủy chính thống hơn, tập trung vào việc học tiếng Pali và triết học A Tỳ Đàm (Abhidhamma) ở Miến Điện. Vua Anawrahta cũng được biết đến là một người có công xây dựng nhiều tự viện to lớn, trong số này bao gồm Chùa Shwezigon ở Nyaung-u, Mandalayvà Chùa Shwesandaw ở Bagan, Miến Điện.

 

Tuy nhiên, Vua Anawrahta không cố gắng loại bỏ tất cả các yếu tố không phải của Phật Giáo Nguyên Thủy ra  khỏi vương quốc của mình. Thật vậy, Vua Anawrahta vẫn tiếp tục ủng hộ một số hoạt động của Phật Giáo Đại thừa. Đức vua cho phép và thậm chí thúc đẩy việc thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian đa thần giáo ở Miến Điện và cũng  cho phép người dân thờ cúng những vị Thần trong các tự viện Phật giáo, có lẽ đó là cách để thu hút và xoa dịu dân chúng và dần dần khiến họ dễ chấp nhận Phật giáo hơn.

 

Do đó, sự lan truyền và thống trị của Phật Giáo Nguyên Thủy ở Miến Điện là một quá trình dần dần kéo dài hàng thế kỷ và chỉ thực sự hoàn tất vào thế kỷ 19. Ấn Độ giáo, Mật giáo Ari và tín ngưỡng thờ cúng đa thần vẫn là những thế lực có ảnh hưởng ở Miến Điện ít nhất cho đến thế kỷ 13, mặc dù triều đình nói chung vẫn hết lòng ủng hộ Phật Giáo Nguyên Thủy.  

 

Biên niên sử Miến Điện đưa ra danh sách dài các học giả tu viện (và tác phẩm của họ) đã làm việc trong thời đại này. Một số học giả quan trọng của thời đại Bagan là Acariya Dharmasenapati, Aggavamsa Thera, Capata (Saddhammajotipala), Saddhammasiri, Vimalabuddhi, Aggapandita và Dharmadassi. Công trình nghiên cứu của họ tập trung vào sự phức tạp của ngữ pháp Pali cũng như Abhidhamma của Phật Giáo Nguyên Thủy.

 

Một nhân vật quan trọng khác của Phật giáo Bagan là Đại sư người Mon Shin Uttarajīva. Ngài là nhà lãnh đạo tôn giáo hàng đầu trong thời kỳ trị vì của các vị Vua Narathu (1167-1171), Vua Naratheinkha (1171-74) và Vua Narapatisithu (1167-1191). Trong đó Vua Uttarajiva chủ trì việc tái định hướng Phật giáo Miến Điện với trường phái Mahavihara của Tích Lan, tách khỏi trường phái Conjeveram-Thaton của Hòa Thượng Shin Arahan. Mặc dù các vị vua ủng hộ cải cách và cử nhiều Tăng sĩ đến Sri Lanka để dự lễ thọ giới, nhiều Tăng sĩ Miến Điện thuộc giáo đoàn cũ (được gọi là Maramma Sangha) đã từ chối truyền giới cho giáo đoàn mới có trụ sở tại Tích Lan của Miến Điện (Sinhala Sangha), và điều này dẫn đến sự ly khai. Sự ly khai này  đã kéo dài đến hai thế kỷ trước khi trật tự cũ cuối cùng sụp đổ.

 

Các vị vua sau này tiếp tục ủng hộ Phật giáo Nguyên thủy và giới tinh hoa học giả chủ yếu là người Mon.Vào thế kỷ 13, các vị vua và giới thượng lưu Bamar đã xây dựng vô số bảo tháp và tự viện Phật giáo, đặc biệt là xung quanh thủ đô Bagan. Những hành động hào phóng này là một cách để đạt được công đức và cũng để chứng minh rằng chính bản thân họ có sự kế thừa với quá khứ và có sức mạnh của tâm linh. Các vị vua Bagan tự xem mình là những vị Bồ tát, những người tự cho mình là người chịu trách nhiệm về công đức tinh thần của thần dân. Họ cũng tự xem mình là Pháp vương (Dhammaraja/King of Dharma), người bảo vệ và phát triển Phật giáo. Các vị vua Bagan cũng tự xem  mình là hiện thân của Thần Sakka, tức là Thích Đề Hoàn Nhân (釋提桓因), còn gọi là Đế Thích Thiên. Theo lời Phật dạy vị này vốn là người dòng dõi Bà la môn, nhờ có phước đức tu tập hạnh Bố Thí, nên được sanh lên cõi trời Đao Lợi, làm Thiên chủ của 33 cõi trời và luôn bảo vệ Chánh Pháp.

 

Quy mô quyên góp để xây dựng  tự viện Phật giáo tăng lên trong suốt thế kỷ 13 và hầu hết tự viện Phật Giáo cũng được cấp đất canh tác và được miễn thuế.  Theo thời gian, dòng chảy của cải và thành quả nông nghiệp đều đổ vào các ngôi chùa Phật giáo, kết cuộc đã gây ra áp lực kinh tế ngày càng tăng lên cho vương quốc Pagan.

 

Để thu hồi một phần tài sản này theo cách có thể chấp nhận được, các vị vua đã cho "thanh lọc" và cải cách Tăng đoàn Phật giáo. Tuy nhiên, vào thế kỷ 13, không có vị vua Miến Điện nào đủ mạnh để quản lý và cải cách Tăng đoàn, ngày càng giàu có và quyền lực hơn.

 

Và rồi các cuộc xâm lược của các quốc gia Shan và Mon lân cận cũng như các cuộc xâm lược Miến Điện của người Mông Cổ vào  thế kỷ 13, đã đưa Đế chế Bagan đến hồi kết thúc vào năm 1287.

 

Shwesandaw
 Chùa Shwezigon ở Nyaung-u, Mandalay




Shwesandaw-2

Shwezigon-2
Chùa Shwesandaw ở Bagan, Miến Điện.



Maha Bodhi Ta Htaung
Tượng Phật Thích Ca cao 116 mét tại Tu Viện Maha Bodhi Ta Htaung ở Monywa, Sagaing, cách Mandalay 136km



Phật Giáo Miến Điện từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16:


Thời đại này chứng kiến ​​sự trỗi dậy của nhiều vương quốc hiếu chiến (Miến Điện, Shan và Mon) đều tranh giành quyền lực. Vùng đất phía Tây vẫn bị chia cắt thành bốn khu vực chính trị-dân tộc chính. Ở Vương quốc Shan, người Shan đã thành lập một liên minh lỏng lẻo của các vương quốc thung lũng. Các Vương quốc Shan ủng hộ Phật giáo Nguyên Thủy theo mô phỏng của giới tinh hoa Miến Điện, mặc dù các tổ chức Phật giáo ở Vương quốc Shan không bao giờ nắm giữ quyền lực chính trị như họ đã làm ở các vùng Miến Điện. Vào thế kỷ 14, Tăng đoàn Phật giáo tiếp tục nhận được sự hộ trì từ các vị vua Shan ở khu vực như Thihathu.  Trong khi đó, vùng Arakan nằm dưới sự cai trị của Vương quốc Mrauk-u, quốc gia cũng bảo trợ cho Phật giáo Nguyên thủy.

 

Quyền lực chính ở vùng Thượng Miến thuộc về Vương quốc Ava (được thành lập vào năm 1365), bất chấp mọi bất ổn chính trị xã hội,  Thượng Miến vẫn là vùng đông dân nhất. Tuy nhiên, nền kinh tế của Vương quốc này suy yếu nghiêm trọng và tiếp tục phải bị chi phối bởi các chính sách miễn thuế tôn giáo từ Triều đại Pagan. Ngày càng có nhiều người lãnh đạo các tổ chức Phật giáo  nắm giữ quyền lực và đảm nhận các chức vụ hành chánh và lẫn quân sự trong thời đại này. Trong khi hầu hết các vị vua Ava đều ủng hộ Phật Giáo, chỉ có Thohanbwa,  được biết như là một vị vua ác nhất trong lịch sử Miến Điện, trị vì từ năm 1527  đến 1542, ông đã giết hại các Tăng sĩ uyên bác, cướp bóc kho báu từ các tự viện và đốt sách Phật Giáo. Kết cuộc ông vua bất nhân này bị cả thần dân Miến Điện căm ghét, rồi bị lật đổ và bị giết vào năm 1542.

 

Bất chấp sự yếu kém về chính trị của Vương quốc,  nền học thuật của Phật giáo vẫn phát triển mạnh mẽ trong thời gian này, với các Tăng sĩ uyên bác nổi tiếng như Ariyavamsa, Silavamsa và Ratthasara, đã  sáng tác nhiều tác phẩm để lại cho đời. Đại Sư Ariyavamsa viết Manisaramañjusa, một luận bản về A Tỳ Đàm (Abhidhammatthavibhavani), và Đại Sư Manidipa, viết bản chú giải về kinh điển Pali Atthasalini. Ngài cũng viết một số tác phẩm bằng tiếng Miến Điện, và do đó, Ngài là một trong những người tiên phong đầu tiên viết các tác phẩm Phật giáo bằng ngôn ngữ địa phương.

 

Ở các vùng Hạ Miến, người Mon chiếm ưu thế, Vương quốc hùng mạnh nhất của người Mon là Hanthawaddy do Vua Wareru (1253-1307) thành lập. Ông là người hộ trì cho Phật giáo Nguyên thủy và cũng là người chỉ đạo biên soạn bộ luật Wareru Dhammasattha, một bộ luật chịu nhiều  ảnh hưởng của Phật giáo và tập tục của Bagan.

 

Mặc dù ủng hộ Phật giáo Nguyên thủy, nhiều người dân Miến Điện trong thời kỳ này vẫn tiếp tục thực hành các nghi lễ hiến tế vật linh và các nghi lễ tôn giáo khác không phải của Phật giáo. Trong khi đó, các tu sĩ theo Mật Giáo Ari sống trong rừng vẫn tiếp tục duy trì các nghi lễ uống rượu và hiến tế động vật. Tuy nhiên, cũng có nhiều phong trào và khuynh hướng Phật giáo chính thống hơn trong thời đại này, chẳng hạn như phong trào kiêng rượu có ảnh hưởng từ thế kỷ 14 trở đi, như có thể nhìn thấy từ các bản khắc đá còn sót lại của thời kỳ đó. Đến thế kỷ 16 và 17, phong trào này dường như đã thành công trong việc thay thế việc uống rượu bằng cách uống trà.

 

Hoàng gia cũng thường thúc đẩy nhiều kế hoạch để cải cách Phật giáo. Vị vua vĩ đại nhất của Triều đại Hanthawaddy, là Vua Dhammazedi, ông từng là một Tăng sĩ người Mon, ở trên ngai vàng từ năm 1471 đến năm 1492. Theo các văn bia Kalyani, Vua Dhammazedi đã thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng đối với Tăng lữ Phật giáo bằng cách gởi hàng nghìn Tăng sinh đến Tích Lan để thọ giới và đào tạo theo truyền thống Mahavihara. Đức vua cũng cho thanh lọc lại Tăng đoàn, chẳng hạn như những nhà Sư sở hữu đất đai hoặc các hình thức sở hữu của cải vật chất khác, tất cả đều bị trục xuất ra khỏi Giáo hội.

 

Phong trào cải cách Tăng đoàn được áp dụng ở Mrauk-U, Ava, Toungoo và Prome. Những dòng truyền thừa Phật giáo Nguyên thủy từ Tích Lan này lan rộng khắp nơi ở Miến Điện thông qua các tuyến đường thương mại khác nhau, từ Vương quốc Shan, cho đến Thái Lan và Lào. Họ mang theo kinh sách và pháp khí của Phật giáo Nguyên Thủy Tích Lan và những thay đổi này đã mở đường cho công cuộc  cải cách Phật Giáo Nguyên Thủy chuẩn hóa của Triều đại Taungoo đầu tiên vào giữa thế kỷ 16.



Dhamazeti_Stone
Những văn bia dưới thời Vua Dhammazedi (1409–1492)


Phật giáo Miến Điện từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 17:

 Vào thế kỷ 16, Triều đại Taungoo của Miến Điện đã thống nhất toàn bộ Miến Điện dưới sự lãnh đạo năng nổ của Vua Tabinshwehti, trị vì từ năm 1531 đến năm 1550 và Bayinnaung (trị vì 1551–1581). Triều đại Taungoo tăng dân số đông hơn của vùng Thượng Miến cùng với nhiều loại vũ khí kiểu Châu Âu để tạo ra một đế chế lớn nhất Đông Nam Á.

 

Các vị quốc vương Taungoo đều một lòng hộ trì cho truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy. Trong thời kỳ Đế chế Toungoo đầu tiên, một phong trào cải cách do các vị vua Taungoo lãnh đạo đã diễn ra, nhằm mục đích chuẩn hóa Phật giáo của vùng Thượng Miến và khu vực Shan theo truyền thống Mahavihara. Những cải cách này được mô phỏng theo những cải cách của đức Vua Dhammazedi.

 

Trước cuộc cải cách, Phật giáo ở vùng Shan và vùng Thượng Miến vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của thuyết vật linh, Mật giáo Ari và nghi lễ hiến tế động vật và con người. Ngay cả ở vùng Hạ Miến, nơi Phật giáo Nguyên thủy chiếm ưu thế hơn, việc thờ cúng đa thần và các nghi lễ của Mật giáo Ari vẫn còn ảnh hưởng trong dân chúng.

 

Vua Bayinnaung đã cố gắng đưa hoạt động tôn giáo của đế chế mình phù hợp hơn với truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy chính thống của Tích Lan. Vua Bayinnaung đã cho ấn hành kinh điển Pali, cấp học bổng và xây dựng nhiều chùa, tháp trên khắp đế chế của mình. Một trong những ngôi bảo tháp chính được xây dựng dưới triều đại của ông là đại tháp Mahazedi ở Pegu.

 

 

Vua Bayinnaung cũng thúc đẩy các lễ truyền giới hàng loạt tại Đại Giới Trường Kalyani (Kalyani Ordination Hall) với danh nghĩa thanh lọc Tăng đoàn. Ông cũng ra lệnh cấm mọi hình thức hiến tế người và động vật trên khắp vương quốc. Đặc biệt, đức vua cấm người Shan giết nô lệ và động vật tại lễ tang của mình về sau. Vua Bayinnaung cũng cử các Pháp sư Phật Giáo Nguyên Thủy đến thuyết giảng tại Vương quốc Shan. Trong thời gian trị vì của Vua Bayinnaung, có những học giả vĩ đại xuất hiện như quý Ngài Saddhammalamkara, Dharmabuddha và Ananda.

 

Những cải cách của vua Bayinnaung vẫn được tiếp tục duy trì bởi các vị vua của triều đại Toungoo về sau, những người đã dành phần lớn nỗ lực của mình vào các dự án tôn giáo. Một vị vua quan trọng sau này là Thalun (1584–1648), được biết đến qua việc xây dựng một số tu viện và bảo tháp ở vùng Thượng Miến và các hoạt động quyên góp khác cho Tăng đoàn. Đức vua cũng bảo trợ cho nhiều bậc Trưởng lão uyên bác trong thời đại của ông, chẳng hạn như quý Ngài Tipitakalamkara, Ariyalamkara và Jambudhaja. Ngài Tipitakalamkara là tác giả của bộ luật Vinayalamkara và là tác giả của Atthasalini, trong khi Ngài Jambhudhaja là tác giả của bộ luật Vinayatthakatha.

 

Người kế thừa Thalun là Vua Pindale (1648–1661) cũng theo bước chân của cha mình, xây dựng nhiều tự viện và ủng hộ  Phật giáo như cấp học bổng cho Ngài Aggadhammalamkara, một dịch giả vĩ đại đã dịch nhiều tác phẩm A Tỳ Đạt Ma sang ngôn ngữ Miến.

 

Vào thế kỷ 17 và 18, các hoạt động của Phật Giáo Nguyên Thủy trở nên đồng nhất và thu hút ở các vùng đồi núi hơn với các vùng sông nước. Sự ủng hộ nhất quán của hoàng gia đối với truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy và sự bình định của vùng đồi Shan đã dẫn đến sự phát triển của các tu viện nông thôn (kyaungs), đã trở thành một đặc điểm gần như phổ biến trong cuộc sống làng quê Miến Điện. Các tu viện nông thôn là trung tâm giáo dục chính và đến thế kỷ 18, phần lớn nam giới trong làng đã đến học đọc và viết tại các tu viện này. Khi tỷ lệ biết chữ trở nên phổ biến hơn (trên 50%  ở nam giới).

 

Thế kỷ 17 cũng đánh dấu thời kỳ phát triển năng động nhất trong lịch sử Phật giáo Miến Điện. Nhiều sự phát triển nổi bật đã diễn ra, và chủ yếu trong số đó là nhiều kinh sách được dịch sang tiếng Miến và sự gia tăng lớn trong việc nghiên cứu luận A Tỳ Đàm  (Abhidhamma). Hoàn toàn có thể là hai sự phát triển này có liên quan đến nhau.

 

Trong nửa đầu thế kỷ, Đại sư Manirathana Thera đã chuyển ngữ  các văn bản sau sang tiếng Myanmar: Atthasalini, Sammohavinodani, Kankhavitarani, Abhidhammatthavibhavini, Sankhepavannana. Trong số năm luận bản này, chỉ có Kankhavitarani, là bản sớ giải của Ngài Phật Âm (Buddhaghosa) về giới luật (Patimokkha), không liên quan đến A Tỳ Đạt Ma. Trong nửa thế kỷ sau, Ngài Aggadhammalankara đã dịch ngữ pháp tiếng Pali từ Kaccayana, Abhidhammatthasangaha, Matika, Dhatukatha, Yamaka và Patthana sang tiếng Miến.

 

Không thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chín trong số mười hai tác phẩm được dịch là luận bản A Tỳ Đàm hoặc các bản sớ giải liên quan. Lý do  có những bản dịch này hẳn là do sự quan tâm ngày càng tăng đối với ngành tâm lý học Phật giáo trong số những người theo Phật giáo không thể tự mình đọc được bản gốc Pali. Liệu những người này chỉ là các vị xuất gia, hay những cư sĩ tại gia cũng quan tâm đến việc tự mình khám phá kinh điển, rõ ràng rất khó xác định. Tuy nhiên, một điều được biết rõ là hầu như mọi thiếu nhi nam nữ Miến đều theo học tại các tu viện, chương trình giảng dạy luôn có môn học Vô Tỷ Pháp ở đó, có lẽ đã được thiết lập vào thời kỳ này, nếu không muốn nói là sớm hơn. Chương trình giảng dạy các lớp tiểu học bao gồm các Kinh: Mangala Sutta, Metta Sutta, Ratana Sutta… ngoài ra, còn có một số giáo lý sơ cấp về A Tỳ Đàm phải được học thuộc lòng.

 

Một sự kiện gây chú ý vào thế kỷ 17 là thời gian Vua Sanay Min, vị vua thứ 13 của Triều đại Toungoo của Miến Điện, trị vì từ 1673 đến 1714, có một cuộc tranh cãi lớn đã diễn ra trong Tăng đoàn về việc liệu có thể chấp nhận được các Tăng sĩ đắp y có thể để hở một bên vai hay không. Cuộc tranh cãi này đã kéo dài trong Tăng đoàn gần một thế kỷ.

 


Bago-Mahazedi_Paya
Đại tháp Mahazedi ở Pegu, 
đường kính chân tháp là 45,72 m và cao 68,58 m



Phật giáo Miến Điện từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19:

 

Vua Mindon Min là một nhân vật chủ chốt trong quá trình hiện đại hóa Phật giáo Miến Điện. Ông lên ngôi sau khi các vùng ở Hạ Miến  bị người Anh xâm lăng vào năm 1852. Vua Mindon đã dành phần lớn thời gian trị vì của mình, nói chung là hòa bình, để cố gắng hiện đại hóa vương quốc và cải cách Tăng đoàn.

 

Sau khi chiến tranh Anh-Miến Điện lần thứ hai kết thúc, nhiều Tăng sĩ từ Hạ Miến đã đến định cư tại Mandalay sau khi họ đến đó tỵ nạn trong thời gian chiến tranh. Vua Mindon Min đã cố gắng thuyết phục những Tăng sĩ này trở về Hạ Miến để  tiếp tục công việc hoằng Pháp và một số Tăng sĩ đã chịu trở về. Tuy nhiên, nhiều Tăng sĩ ở vùng Hạ Miến bắt đầu tập hợp lại với nhau dưới sự lãnh đạo của một số nhà lãnh đạo địa phương, những người tự xem mình nằm bên ngoài sự kiểm soát của hoàng gia. Một trong những nhân vật này là Ngài Okpo Sayadaw, người đã dạy rằng Tăng đoàn không cần sự bảo vệ của một thế lực tinh hoa thế tục, miễn là họ tuân thủ nghiêm ngặt đúng theo giới luật. Phong trào của Ngài cũng thách thức quyền lực của tông phái Thudhamma và tự mình tấn phong. Ý tưởng của ông cũng đã lan đến vùng Thượng Miến và trở nên phổ biến ở đó.

 

Sự kiện nổi bật trong thế kỷ 18 là Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ 5 được tổ chức tại thủ đô Mandalay do vị vua áp chót của Miến Điện từ năm 1853 đến năm 1878 bảo trợ, đó chính là Vua  Mindon Min (1853-1878),  là một trong những vị vua được yêu thích và tôn kính nhất của Miến Điện vì những gì ông đóng góp cho Phật giáo. Vua Mindon cũng là người cho đúc tiền đồng bằng máy đầu tiên ở Miến Điện.

 

Vào năm 1871 (Phật lịch 2404), Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ 5 được tổ chức tại thủ đô Mandalay, thời gian kéo dài 5 tháng. Hội đồng Kết Tập do ba vị Trưởng lão chủ trì, đó là Tôn giả Mahāthera Jāgarābhivaṃsa, Tôn giả Narindābhidhaja và Tôn giả Mahāthera Sumaṅgalasāmi cùng với  hai nghìn bốn trăm vị Tăng (biểu trưng cho năm Phật lịch 2404). Sau khi Đại Hội Kết Tập kết thúc, Vua Mindon đã cho khắc tất cả Kinh, Luật, Luận lên các phiến đá cẩm thạch, mỗi phiến đá có chiều cao 1mét 50 và ngang 1 mét, khắc chữ đầy cả hai mặt. Tạng Kinh khắc trên 520 phiến đá, Tạng Luật có 101 phiến đá và Tạng Luận có 108 phiến đá, tổng cộng Tam Tạng có tất cả là 727 phiến. Tất cả được vua và chư Thánh Tăng đem tôn trí tại Đại bảo tháp Mahalokamarakhin và tháp Candamuni trong khuôn viên Chùa Kuthodaw của đức Vua Mindon, dưới chân đồi Mandalay, nơi đây được người đời gọi là “cuốn sách lớn nhất thế giới”, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.



Kuthodaw_Pagoda_stone_tablet
Một trong 727 phiến đá khắc Tam Tạng Kinh Điển tại Chùa Kuthodaw ở Mandalay, Miến Điện



Ku_Tho_Taw_Pagoda_&_Sandar_Muni_Pagoda,_Mandalay
Toàn cảnh Chùa Kuthodaw ở Mandalay, Miến Điện, với những bảo tháp nhỏ
tôn trì 727 phiến đá khắc Tam Tạng Kinh Điển sau kỳ Đại Hội Kết Tập lần thứ 5




King-Mindon
Tượng Vua  Mindon Min (1853-1878),
Vị vua có công bảo trợ Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ 5 tại thủ đô Mandalay, Miến Điện





Thời Kỳ Thuộc Địa Anh Quốc (1824-1948)

Sau khi Vua Mindon băng hà vào năm 1877, con trai ông là thái tử Thibaw lên ngôi, nhưng thế lực quá yếu và không thể ngăn chặn cuộc xâm lăng vùng Thượng Miến  của thực dân Anh vào năm 1886. Đây là một sự thay đổi mang tính thời đại, vì tăng đoàn Phật giáo giờ đây đã mất đi sự hộ trì của nhà nước Miến Điện lần đầu tiên sau nhiều thế kỷ.

 

Trong thời kỳ thuộc địa của Đế quốc Anh, họ cai quản Hạ Miến và Thượng Miến (từ năm 1824 đến năm 1948),  Phật giáo và các tổ chức của Phật giáo không được chính quyền thực dân bảo trợ hoặc bảo vệ. Sự hiện diện của các nhà truyền giáo và các học đường của Ky-Tô Giáo xuất hiện, đã dẫn đến sự xung đột, căng thẳng giữa Phật tử, Tín hữu và người châu Âu ở Miến Điện.

 

Khi thẩm quyền và uy tín của Tăng đoàn nhường chỗ cho giới tinh hoa thực dân cùng với sự trỗi dậy của nền giáo dục Phương Tây ở Miến Điện, mọi người đều có suy nghĩ chung rằng Phật Giáo Miến Điện đang trên đà suy tàn và có nguy cơ diệt vong. Phật giáo không chỉ thiếu sự hỗ trợ của nhà nước mà nhiều công việc quen thuộc của Tăng đoàn Miến Điện trước đây, đặc biệt là giáo dục, đang bị các tổ chức thế tục thay thế và đảm nhận.

 

Phản ứng trước cơn lốc suy tàn này là một phong trào cải cách quần chúng trên khắp đất nước, mọi người toan tính và phản ứng theo nhiều cách khác nhau đối với tình trạng thực tại. Làn sóng ấn hành kinh sách, thuyết giảng và thành lập hàng trăm Hội cư sĩ Phật tử, cũng như thúc đẩy chế độ ăn chay, cải cách giáo dục Phật giáo, đạo đức tôn giáo và thành lập trường Phật học. Những cư sĩ tại gia, bao gồm những cá nhân thuộc tầng lớp lao động như giáo viên, thương gia, nhân viên văn phòng, là những thành phần nổi bật trong sự hồi sinh của Phật giáo trong thời kỳ này. Đã đến lúc họ đảm nhận vai trò và bổn phận bảo tồn Chánh pháp, một trách nhiệm trước đây do vua chúa và giới tinh hoa hoàng gia đảm trách.

 

Một phần quan trọng của phong trào phục hưng này là việc thúc đẩy rộng rãi việc học giáo lý Phật giáo (đặc biệt là A Tỳ Đàm) kết hợp với việc tu tập Thiền quán Vipassana trong cộng đồng tu sĩ và cư sĩ.

 

Dẫn đầu trong phong trào bảo vệ và phục hưng này là Đức ĐạiTrưởng Lão Ledi Sayadaw (1846-1923), Ngài đã trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu rộng quần chúng thời bấy giờ. Ngài đã đi khắp nơi để giảng dạy và đồng thời thành lập nhiều nhóm nghiên cứu và tu Thiền  tại gia. Ngài đã viết hơn 70 đầu sách hướng dẫn Phật tử Miến tu học, những tác phẩm nổi tiếng là: “Những điều kiện cần thiết để Giác ngộ” (The Requisites of Enlightenment); “Cẩm nang về Pháp tu Thiền Quán”  (Vipassanā Dīpanī); “Cẩm nang về giáo lý Tứ diệu đế” (Catusacca Dīpanī);“Cẩm nang về Các yếu tố dẫn đến Giác ngộ” (Bodhipakkhiya Dīpanī); “Cẩm nang về phép quán niệm Hơi thở” (Anapana Dīpanī); Sammaditthi Dipani (Cẩm nang hướng dẫn về Chánh kiến) …Đức Trưởng Lão Ledi Sayadaw dạy rằng, ngay cả những đệ tử cư sĩ tại gia nếu tinh tấn hành thiền mỗi ngày vẫn đạt đến giác ngộ "ngay trong kiếp này". Những lời dạy của Ngài tạo nên niềm lạc quan phấn khích cho mọi giới và có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn lao đối với sự truyền bá pháp tu Thiền quán của những hành giả lừng danh sau này như U Ba Khin, S. N. Goenka và Mahasi Sayadaw.

 



ledi-sayadaw-1
Ngài Đại Trưởng Lão Ledi Sayadaw (1846-1923)
người có công phục hưng Phật giáo Miến Điện trong thời kỳ thực dân Anh


 

 Phật Giáo Miến Điện sau khi đất nước giành được độc lập năm 1948

 

 

Kể từ năm 1948 khi đất nước giành được độc lập từ thực dân Anh, cả chính quyền dân sự và quân sự đều ủng hộ Phật giáo Nguyên thủy.  Bộ Tôn giáo, được thành lập năm 1948, chịu trách nhiệm quản lý mọi việc về Phật giáo tại Miến Điện.

 

Thủ tướng đầu tiên của Miến Điện, ông U Nu (1907-1995) chịu ảnh hưởng của các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa và ông cũng là một Phật tử thuần thành, người đã thúc đẩy một loại hình chủ nghĩa xã hội theo quan điểm của Phật giáo. Năm 1954, Thủ tướng U Nu đã cho xây dựng hang động Maha Pasana Guha tại Chùa Kaba Aye  ở Rangoon (Yangon) để tổ chức Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ 6.





Mahasi_Sayadaw
Tôn giả Mahāsi Sayadaw (1904-1982) 

Premier_U_nu-2
Thủ tướng U Nu, vị tài trợ chính cho
Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu thứ 6



Mahapasana_Guha_Cave,_Yangon
Hang động lớn Mahā Pāsāna Gūha (dài 139 mét và rộng 110 mét; bên trong, có chánh điện dài 67 mét và rộng 43 mét) nơi diễn ra Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu thứ 6 ở Rangoon, Miến Điện

 

Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ 6

 

Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ 6 được triệu tập tại Kaba Aye ở Yangon (Rangoon) vào năm 1954, Phật Lịch 2500, 83 năm sau Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần 5 được chức tại Mandalay. Đại Hội Kết Tập lần 6 này được Thủ tướng U Nu và Chính phủ Miến Điện tài trợ bằng cách cho  xây dựng một hang động lớn Mahā Pāsāna Gūha (dài 139 mét và rộng 110 mét; bên trong có chánh điện dài 67 mét và rộng 43 mét), để làm nơi kết tập giống như Hang động Sattapānni, nơi diễn ra Đại Hội Kết Tập lần đầu tiên ở Ấn Độ.

 

Sau khi hoàn thành, Đại Hội Kết Tập đã nhóm họp vào ngày 17 tháng 5 năm 1954. Giống như các kỳ kết tập trước,  mục tiêu lần thứ 6 này là liệu có bất kỳ lời Phật dạy nào bị thay đổi, bóp méo hay không, và khẳng định để bảo tồn giá trị đích thực của Tam Tạng Kinh Điển Phật Giáo. Đại Hội Kết Tập  kỳ 6 này có một điểm độc đáo là chư Tăng đến tham dự  từ tám quốc gia khác nhau, trong đó 2.500 vị Sư Phật Giáo Nguyên Thủy  đến từ Campuchia, Ấn Độ, Lào, Nepal, Tích Lan, Thái Lan, Việt Nam (Trưởng đoàn là Hòa thượng Bửu Chơn, 1914-1979), và ngay tại quê nhà Miến Điện. Tôn giả Nyungan Sayadaw được đại hội cung thỉnh làm vị Chủ tọa. Tôn giả Mahāsi Sayadaw (1904-1982)  được công cử  làm nhiệm vụ cao cả là đặt những câu hỏi bắt buộc về Tam Tạng cho Tôn giả Bhadanta Vicittasārābhivaṃsa Tipiṭakadhara Dhammabhaṇḍāgārika (Mingun Sayādaw), người đã giải đáp tất cả những câu hỏi đó rõ ràng và thỏa đáng. Trong lúc vấn đáp như vậy, Ngài Chủ tọa và 2500 vị Tỳ kheo im lặng lắng nghe, nếu không đồng ý thì lên tiếng. Đặc biệt Ngài chủ tọa là vị làu thông Tam tạng. Ngôn ngữ sử dụng trong đại hội gồm có 3 thứ tiếng: Pàli, Miến Điện, và Anh ngữ. Vào thời điểm Đại Hội Kết Tập này nhóm họp, tất cả các quốc gia tham dự đều đã dịch xong Tam Tạng Pāḷi sang ngôn ngữ bản địa của họ, ngoại trừ Ấn Độ.

 

Việc đọc tụng lại Tam Tạng Kinh Điển kỳ 6 này mất hai năm, trong thời gian đó Tam Tạng  và các văn kiện liên quan, đã được kiểm tra cẩn thận. Bất kỳ sự khác biệt nào được tìm thấy đều được ghi lại, các chỉnh sửa cần thiết cũng đã được thực hiện và tất cả các phiên bản sau đó đã được đối chiếu. Cuối cùng, sau khi Đại Hội Kết Tập chính thức chấp thuận, tất cả các tập Kinh, Luận, Luận và các bản sớ giải đã được chuẩn bị để ấn hành bằng ngôn ngữ Miến. Thành tựu đáng chú ý này có thể thực hiện được thông qua những nỗ lực tận tụy của 2500 Tăng sĩ và Cư sĩ. Công việc của họ đã kết thúc vào tháng 5 năm 1956, đúng hai thiên niên kỷ rưỡi sau khi Đức Phật vào Niết bàn.

 

Thủ tướng U Nu cũng dẫn đầu và nỗ lực trong việc đưa Phật giáo trở thành Quốc giáo tại Miến Điện. Quốc hội Liên bang Miến Điện đã thông qua và Tổng thống Mahn Win Maung đã ban hành các điều sau đây: Đạo luật năm 1961 về Tu chính án thứ ba của Hiến pháp (sửa đổi Hiến pháp năm 1947 để đưa Phật giáo trở thành Quốc giáo vào ngày 26 tháng 8 năm 1961,  và Đạo luật Thúc đẩy và Hỗ trợ Tôn giáo Nhà nước vào ngày 2 tháng 10 năm 1961. Thủ tướng U Nu cũng biến những ngày Trai Giới Bố Tát (Uposatha) trở thành ngày lễ công cộng, yêu cầu các trường học phải dạy cho học sinh  kinh Phật, cấm giết gia súc và giảm nhẹ một số án tử hình. Mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp cho đến khi ông U Nu bị lật đổ khỏi chức vụ thủ tướng bởi  nhà độc tài quân sự của Miến Điện, ông Ne Win, người đã hủy bỏ một số chính sách tôn giáo của U Nu vào năm 1962.  Ông U Nu vẫn là một nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo, ông tiếp tục đi chiêm bái và giảng dạy Phật học khắp nơi ở  Miến Điện.

 

Trong thời kỳ quốc hội, Phật giáo cũng trở thành rào cản tư tưởng chống lại chủ nghĩa cộng sản. Cả ông U Nu và Tăng sĩ kiêm triết gia người Miến Điện, Sư U Kelatha đều cho rằng Phật giáo phải chống lại chủ nghĩa duy vật Mác-xít vốn đi ngược lại với lời Phật dạy và là mối đe dọa đối với Phật giáo.

 

Trong thế kỷ 20, phong trào  tu Thiền Vipassana của Miến Điện cũng tiếp tục phát triển và mở rộng. Nhiều Tăng sĩ và cư sĩ tại gia đã phát triển nhiều phương pháp thiền khác nhau và có nhiều thiền viện và trường thiền được mở cửa. Những nhân vật có ảnh hưởng của Thiền Phật giáo Miến Điện thế kỷ 20 bao gồm:  U Nārada, Mahasi Sayadaw và Sayadaw U Pandita, Webu Sayadaw, U Ba Khin và học trò của ông là S.N. Goenka, Mogok Sayadaw, Sunlun Sayadaw và Pa Auk Sayadaw (người nhấn mạnh vào các tầng thiền như được dạy trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Nhiều học viên phương Tây cũng nghiên cứu Thiền Phật giáo Miến Điện và mang pháp Thiền minh sát này đến phương Tây như một trào lưu mới, những người nổi tiếng này gồm có: Jack Kornfield, Joseph Goldstein và Sharon Salzberg.

 

 

Phật Giáo Miến Điện trong thời kỳ Chủ nghĩa Xã Hội từ 1962 đến 1988

 

Hiến pháp nhà nước Miến Điện  năm 1947 đã bị đình chỉ vào năm 1962. Nhưng Đạo luật phát triển tôn giáo vẫn còn hiệu lực. Các chính phủ quân sự, xã hội chủ nghĩa do nhà độc tài Ne Win và những người theo sự lãnh đạo của ông này đã cố gắng cải cách Miến Điện theo "Con đường  xã hội chủ nghĩa”.  Ông Ne Win đã giải tán Nghị viện, hủy bỏ quy chế Liên Bang bình đẳng. Các quyền tự trị của các bang dân tộc Shan, Kachin, Karen, Kaya, Chin,… bị bãi bỏ. Hiến pháp bị sửa đổi chỉ có lợi cho Ne Win, cho phép ông này tự tay nắm hết các chức vụ thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng và nhiều vị trí bộ trưởng. Ông Ne Win cũng cho đàn áp Phật giáo như một phần của cơn lốc cải cách "làm sạch Tăng đoàn", trong đó các tu viện bất ngờ bị đột kích và nhiều Tăng sĩ hoạt động chính trị bị cưỡng bức cởi bỏ y áo và bỏ tù, thậm chí một số Tăng sĩ còn bị tra tấn và chết trong trại giam.

 

Chính sách kinh tế của các chính phủ này, dựa trên quốc hữu hóa rộng rãi (theo Liên Xô và Trung quốc) đã được xem là một thất bại lớn khiến cho Miến Điện trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Những thất bại này và sự đàn áp chính trị liên tục đã dẫn đến cuộc bạo loạn lên đỉnh điểm vào ngày 8/8/1988, nên gọi là “Cuộc Nổi dậy 8888”. Để cứu vãn tình hình, ngày 19/8/1988, tướng quân đội Saw Maung đã đứng ra làm cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền Ne Win. Tuy nhiên, tướng Saw Maung cũng không có dấu ấn gì nhiều, người kế nhiệm ông là tướng quân đội Than Shwe, cũng là một nhà độc tài, cai trị quốc gia Miến Điện trong những thập niên kế tiếp.

 

Nhiều Tăng sĩ Phật giáo đã tham gia biểu tình, đặc biệt là những Tăng sĩ thuộc tổ chức Liên Minh Tăng Sĩ Miến Điện (All Burma Monks’ Alliance (ABMA).ABMA). Những Tăng sĩ này đã bị quân đội Miến đàn áp trong các cuộc biểu tình, nhiều Tăng sĩ đã bị giết.  Các Tăng sĩ Phật giáo tiếp tục phản đối và thách thức chính quyền quân sự và quân đội tiếp tục đáp trả bằng vũ lực, như khi một nhóm Tăng sĩ đang biểu tình ở Mandalay đã bị bắn chết vào năm 1990. Để đáp lại, hàng nghìn Tăng sĩ đã quyết định tẩy chay các khoản quyên góp từ bất kỳ ai có liên quan đến quân đội và gia đình của họ (và từ chối thực hiện các nghi lễ cho gia đình họ). Quân đội đã phản ứng bằng cách đột kích 133 tu viện và bắt giữ nhiều Tăng sĩ vào cuối năm 1990 và đầu năm 1991. Những vụ bắt giữ này bao gồm nhiều vị Trụ Trì cấp cao được kính trọng như Ngài U Thumingala. Hầu hết đều bị buộc phải hoàn tục và bị đưa đến các trại lao động. Vào thời điểm này, hầu hết phong trào dân chủ đã sụp đổ. Trong khi đó, tuyên truyền của nhà nước cho thấy các nhà lãnh đạo quân sự đến thăm và cúng dường tại các tu viện.

 

Một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào dân chủ là bà Aung San Suu Kyi, người thường nói về tầm quan trọng của Phật giáo đối với người dân Miến Điện, đối với phong trào dân chủ và đối với cuộc đấu tranh của cá nhân bà. Mối liên  hệ giữa bà và Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thamanya Sayadaw (1910-2003) đã góp phần vào sự nổi tiếng ngày càng tăng của cuộc tranh đấu của bà và các bài phát biểu của bà thường xuyên bao gồm các chủ đề về Phật giáo.

 

Bà Aung San Suu Kyi sinh ngày 19 tháng 6 năm 1945 tại Rangoon, Myanma (Miến Điện), là con gái của tướng Aung San, người đã lãnh đạo thành công cuộc chiến giành độc lập cho Miến Điện từ tay người Anh vào năm 1947. Nhưng ông bị ám sát ngay trong năm đó, khi Aung San Suu Kyi chỉ mới được 2 tuổi. Trong những năm 1988-1995 bà hoạt động đòi dân chủ tự do nhân quyền cho Miến Điện và bị chính quyền Myanmar quản thúc 21 năm. Năm 1991, bà được trao tặng Giải Nobel Hòa bình năm 1991.

 

Trong cuộc “Cách mạng Saffron vàng” ủng hộ dân chủ (2007), hàng nghìn Tăng sĩ Phật giáo đã tham gia rộng rãi vào các cuộc biểu tình. Khi quân đội giải tán các cuộc biểu tình, nhiều tu viện đã bị đột kích và nhiều Tăng sĩ đã bị bỏ tù, đánh đập, tra tấn và thậm chí bị sát hại. Những người khác đã bị đưa đến các trại lao động biệt lập. U Gambira là một cựu Tỳ kheo hoạt động có ảnh hưởng của phong trào ủng hộ dân chủ Miến Điện và là nhà lãnh đạo của Liên minh các Tăng sĩ trên toàn Miến Điện. Các Tăng sĩ Miến Điện được hỗ trợ bởi một mạng lưới khu vực gồm các nhà hoạt động Phật giáo từ Sri Lanka, Thái Lan, Malaysia và Singapore.

 

Cuộc đàn áp  đối với Tăng sĩ Miến Điện được xem là một trong những cuộc đàn áp tồi tệ nhất trong lịch sử của xứ này,  đã khiến chính quyền quân sự mất đi nhiều tính chính danh trong mắt nhiều người dân Miến Điện. Nó cũng làm mất luôn uy tín của Ủy ban Tăng đoàn Maha Nayaka Nhà nước (State Sangha Maha Nayaka Committee), cơ quan lãnh đạo chính thức của Tăng đoàn đứng về phía quân đội. 

 

Gần đây cũng có sự gia tăng các Tăng sĩ Phật giáo ủng hộ tình cảm dân tộc chủ nghĩa chống Hồi giáo. Một trong những người khét tiếng nhất là Tỳ kheo Ashin Wirathu, người tin rằng hầu hết người Hồi giáo là những kẻ cực đoan bạo lực đang hãm hiếp phụ nữ  trên khắp Miến Điện. Vị này lo ngại rằng người Hồi giáo (với tỷ lệ sinh cao hơn và sự ủng hộ của nước ngoài) sẽ tiếp quản Miến Điện trừ khi họ bị ngăn chặn, thông qua việc sử dụng bạo lực nếu cần.

 

Điều quan trọng cần lưu ý là bất chấp các hoạt động của nhiều tăng sĩ hoạt động khác nhau (cho dù là những người ủng hộ dân chủ hay những người theo cực đoan dân tộc chủ nghĩa), Tăng đoàn Miến Điện phần lớn đều im lặng, hay nói cách khác là họ không tán thành việc các Tăng sĩ tham gia vào các loại hình hoạt động chính trị. Nhiều Tăng sĩ Miến Điện không xem chính trị là điều mà các nhà Sư Phật giáo nên tham gia và tin rằng họ nên hoàn tục nếu muốn tham gia hoạt động chính trị.

 

 


aung_san_suu_kyi_time

f1b2217e-9c01-11e5-9aa0-28ea742fb738_486x
Bà Aung San Suu Kyi và Tướng Than Shwe,  
người cai trị đất nước với tư cách là một nhà độc tài quân sự từ năm 1992 đến năm 2011.



 

Lễ hội Phật Giáo tại Miến Điện:
 
 

Nền văn hóa Miến Điện và mọi lễ nghi của Phật giáo là bất khả phân ly. Suốt cả năm có rất nhiều lễ hội truyền thống của người Miến Điện và hầu hết đều có liên quan đến Phật giáo. Các hoạt động phổ biến bao gồm đến chùa lễ Phật, cúng dường trai phạn đến chư Tăng, Tu nữ, phát tâm thọ tám giới và tham dự các lễ diễu hành.

 

Lễ hội mừng Năm mới (giữa tháng 4) của người Miến Điện (Thingyan), còn được gọi là Lễ hội té nước, ​​tượng trưng cho việc rửa sạch tội lỗi và vận rủi từ năm trước. Mọi người đều tham gia vào các cuộc té nước bằng xô hoặc súng nước, đường phố trở nên sôi động với âm nhạc và đoàn nhảy múa.

 

Lễ hội Vesak, là ngày trăng tròn của Kason, là ngày lễ linh thiêng nhất trong tất cả các ngày lễ, vì nó đánh dấu ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật Thích Ca. Phật tử có thể ăn mừng lễ này bằng cách cúng dường tứ sự cho các tu sĩ, giữ tám giới, thiền tập và giúp giải thoát các loài động vật đang bị giam cầm. Lễ Vesak cũng được tổ chức bằng cách tưới cây Bồ đề và dâng hoa đăng cúng dường Đức Phật.

 

Lễ hội hành hương viếng Chùa cũng  được tổ chức trên khắp cả nước cũng thường rơi vào những ngày trăng tròn mỗi tháng, đặc biệt  ngày trăng tròn của tháng Tabaung (tháng 2/tháng 3), được gọi là Lễ hội Chùa Vàng Shwedagon.  

 

Lễ dâng y Matho Thingan tại Chùa Shwedagon vào đêm trăng tròn Tazaungmone (tháng 11), Lễ hội bắt đầu từ tối 14/11, gồm có cuộc thi dệt y được tổ chức tại góc Tây Nam của Chùa, sau đó là lễ trao giải cho những chiếc y hoa sen vàng. Vào rạng sáng ngày 15/ 11, ngày trăng tròn, mọi người thỉnh chiếc áo y hoa sen vàng  dâng lên cúng dường tượng Phật Padamyar Myetshin trên sân thượng, cùng với các tôn tượng Phật khác trong Chùa Shwedagon.

  

Lễ Xuất Gia Shinbyu: Nhiệm vụ quan trọng nhất của tất cả các bậc phụ huynh Miến Điện là đảm bảo con trai của họ được gia nhập Tăng đoàn Phật giáo bằng cách thực hiện nghi lễ Xuất gia Shinbyu khi con trai của họ đã lên bảy tuổi (đến 19 tuổi). Lễ Shinbyu được xem là một trong 12 nghi lễ cầu an lành trong văn hóa Miến Điện. Lễ rước tượng trưng các em thiếu nhi nam từ nhà đến chùa và nghi lễ xuất gia thay đổi từ trang phục của hoàng tử sang chiếc y của người tu khổ hạnh theo gương xuất gia ngày xa xưa của Đức Phật Thích Ca.

 

Tất cả Phật tử đều phải giữ 5 giới căn bản và những chú xuất gia Sa di (Samaṇera)  phải giữ 10 giới. Cha mẹ mong đợi họ ở lại các tu viện địa phương để đắm mình trong giáo lý của Đức Phật với tư cách là thành viên của Tăng đoàn trong ba tháng hoặc lâu hơn. Họ sẽ có một cơ hội khác để gia nhập Tăng đoàn ở tuổi 20, thọ giới Upasampada (Bhikkhu) tức là trở thành một Tỳ kheo thọ giới đầy đủ, giữ 227 giới của Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada Pātimokkha).

 



 
xuat gia sa di
Lễ rước tượng trưng các em thiếu nhi nam từ nhà đến chùa  và nghi lễ xuất gia thay đổi từ trang phục
của hoàng tử sang chiếc y của người tu khổ hạnh theo gương xuất gia ngày xa xưa của Đức Phật Thích Ca.
le xuat gia o mien dien
Lễ rước tượng trưng các em thiếu nhi nam từ nhà đến chùa  và nghi lễ xuất gia thay đổi từ trang phục
của hoàng tử sang chiếc y của người tu khổ hạnh theo gương xuất gia ngày xa xưa của Đức Phật Thích Ca.


 

Lễ Hội Ánh Sáng sau Mùa An Cư tại Miến Điện: Ba tháng gió mưa từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 10 hằng năm là Mùa An Cư (Vassa) của chư Tăng Miến Điện. Trong  thời gian này mọi người bận rộn cày ruộng, gieo mạ và cấy lúa, trong khi chư Tăng thì phải cấm túc tu bên trong tu viện của mình. Y mới được dâng cúng cho chư vị Tỳ kheo vào đầu Vassa và kết thúc bằng Lễ hội Ánh Sáng hoa đăng cúng dường Phật (Thadingyut) vào ngày trăng tròn tháng 10 hằng năm.

 

Cuối mùa An Cư lễ dâng y Kathina đến chư Tăng thường được tổ chức vào tháng 10 hoặc tháng 11. Cha mẹ và người lớn tuổi cũng nhận được sự tôn kính từ con cái và thành viên trẻ hơn trong gia đình vào đầu cũng như cuối Mùa An Cư, truyền thống tốt đẹp này được Đức Thế Tôn thiết lập từ khi Ngài còn tại thế. Tích chuyện kể rằng vào mùa An Cư lần thứ 7, năm 583 trước Tây lịch, Đức Phật được 41 tuổi, Ngài ở ẩn ba tháng trên núi gần làng Samkassa (Sankissa), thuộc vùng thượng lưu sông Ganga. Ngài quyết định bay lên cung trời Đao-Lợi (Tavatimsa) giảng về Vi Diệu Pháp (tài liệu bên PG Đại Thừa: Ngài giảng Kinh Địa Tạng) cho thiên chúng và Mẫu thân Maha Maya nghe, như một hành động biết ơn và trả ơn  đối với mẹ mình. Kết thúc Ngài được chào đón trở lại trái đất bằng một lễ hội ánh sáng lớn. Quý Giáo viên cũng nhận được sự tôn kính tương tự, một truyền thống bắt đầu từ các Trường quốc gia được thành lập để thách thức chính quyền thực dân và tiếp tục sau khi giành được độc lập bởi các trường công lập. Lễ cưới không được tổ chức trong ba tháng Vassa, một tập tục phải khiến cho cặp đôi muốn kết hôn gấp phải đợi chờ sốt ruột và dẫn đến hàng loạt các đám cưới được rầm rộ tổ chức theo sau lễ hội Ánh Sáng đặc biệt này ở Miến Điện.

 

Tất cả những lễ hội trên không chỉ thu hút đám đông người hành hương từ xa đến, thường là các đoàn xe bò,  mà còn đóng vai trò như những hội chợ lớn, nơi cả thương nhân địa phương và lưu động, dựng lên gian hàng thực phẩm, và  các buổi biểu diễn sân khấu ngoài trời miễn phí.

le hoi anh sang-1
Đức Thế Tôn chuẩn bị trở về trái đất 
sau ba tháng giảng pháp trên Cung Trời Đao Lợi



le hoi anh sang-5

le hoi anh sang
Ngày trăng tròn tháng 10 hằng năm: Phật tử Miến Điện thả đèn hoa đăng để cung đón 
Đức Thế Tôn trở về trái đất sau ba tháng giảng pháp trên Cung Trời Đao Lợi



Tu tập và tạo công đức của người Phật tử Miến Điện


 

Một yếu tố cốt lõi trong pháp hành của Phật giáo Miến Điện là tạo công đức. Điều này thường bao gồm việc làm một số việc tốt, chẳng hạn dát vàng lên tượng Phật, cúng dường thực phẩm, tứ sự cho chư Tăng và Tu nữ. Người Phật tử tin rằng những hành động thiện lành (kusala kamma) sẽ tạo ra những phước báo tốt đẹp (phala) ở ngay trong đời sống này và kiếp sau.

 

Một yếu tố quan trọng khác của Phật giáo Miến Điện là việc “giữ giới" hoặc "thiền tập". Năm giới căn bản của người Phật tử là: không giết hại, không trộm cắp, không nói dối, không ngoại tình và không uống rượu. Ngoài ra còn có những giới luật bổ sung như không ăn quá ngọ; không xem múa hát, không trang điểm, không đeo tràng hoa thơm; không ngồi nằm chỗ quá cao sang, xoa hoa…(8 giới) mà những người đệ tử tại gia Miến Điện có thể thỉnh thoảng giữ trong các ngày lễ tôn giáo, những ngày Uposatha và tại các khóa tu thiền. Một tập tục truyền thống là thỉnh cầu một Tăng sĩ truyền giới cho người đệ tử tại gia bằng cách tụng các giới luật bằng tiếng Pali.

 

Vào những ngày lễ âm lịch hoặc lễ tụng giới Uposatha (thường diễn ra khoảng một lần một tuần), Phật tử tại gia có thể thọ thêm giới và đến chùa để tích đức và hành thiền chuyên sâu hơn.

 

Một pháp hành phổ biến khác là các Tăng sĩ thuyết pháp cho các cư sĩ tại gia và các Sư trẻ. Người ta tin rằng lắng nghe lời dạy của Đức Phật là một pháp hành có công đức. Các Tăng sĩ Miến Điện thường giảng pháp với các cư sĩ theo phong cách “úp quạt xuống” (fan down) không chính thức và đàm thoại, sử dụng ngôn ngữ đơn giản và có thể bao gồm cả sự hài hước. Điều này trái ngược với bài giảng "fan up" cổ xưa và mang tính nghi lễ hơn, có nghĩa là Giảng sư che miệng bằng quạt khi nói pháp bằng tiếng Pali và phần lớn là khó hiểu đối với các cư sĩ.

 

Mặc dù hầu hết người Miến Điện ăn thịt, một số tăng sĩ Miến Điện nổi tiếng đã cải cách và khuyên mọi người ăn chay như một pháp hành từ bi. Những nhân vật này bao gồm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thamanya Sayadaw (1910-2003) nổi tiếng và những đệ tử của Ngài, những người thúc đẩy chế độ ăn chay như một cách thiết thực để nuôi dưỡng lòng từ bi. Thiền Sư Mahasi Sayadaw (1904-1982) cũng đã khuyến khích chế độ ăn chay là cách tốt nhất để đảm bảo bữa ăn của mình như lời Phật dạy cho các Tỳ kheo hãy "trong sạch theo ba cách" (pure in three ways): 1/Mắt không thấy giết, 2/ Tai không nghe giết, 3/Tâm không nghi ngờ con vật đó bị giết làm thức ăn cho mình. Phật tử Miến Điện cũng thường tránh xa những ngành nghề liên quan đến việc giết động vật, vì đó là một sinh kế sai trái với Chánh Pháp.


 

Kiến Trúc Chùa, Tháp ở  Miến Điện

 

Cảnh quan của quốc gia Miến Điện ở Đông Nam Á  được tô điểm với số lượng Chùa, Tháp đồ sộ và rộng lớn khắp nơi đầy tính  thiêng liêng và huyền bí. Phong cách kiến ​​trúc phức hợp Chùa, Tháp ở xứ này đẹp lộng lẫy,  tinh xảo, kết hợp và chiết trung từ nhiều nguồn khác nhau từ Ấn Độ và Tích Lan, để tạo nên dấu ấn riêng của Miến Điện. Số lượng lớn các công trình kiến trúc Phật giáo rải rác khắp đất nước để lại ấn tượng lâu dài cho người đến chiêm bái. Tất cả đều phản ánh di sản tâm linh lâu đời của truyền thống tạo công đức của người đệ tử Phật Miến Điện. Xây dựng chùa chiền và bảo tháp được xem là một cách để cải thiện điều kiện tái sinh và hóa giải cho những nghiệp chướng, tội lỗi đã phạm phải trong cuộc sống hiện tại. Ngoài ra, việc gây quỹ để xây dựng Chùa, Tháp cũng sẽ giúp người đóng góp được tôn trọng và có uy tín lớn, địa vị lớn ngày trong cuộc sống hiện tại. Sau đây là 10 danh lam Phật giáo Miến Điện mà khách hành hương nên viếng thăm:

 

1/ Chùa vàng Shwedagon ở Yangon: Hàng nghìn người hành hương đổ về đây mỗi ngày quanh khuôn viên của di tích tráng lệ nhất của Miến Điện, Chùa Shwedagon, một công trình kiến ​​trúc có vẻ đẹp siêu nhiên. Ngôi chùa này được xem là biểu tượng của Phật giáo Miến Điện và niềm tự hào dân tộc Miến. Tại chùa này còn lưu giữ báu vật thiêng liêng: đó là xá lợi tám sợi tóc của Phật Thích Ca Mâu Ni. Đại Bảo Tháp dát vàng của chùa cao tới 98 mét, trên đỉnh nạm 5448 viên kim cương và 2317 viên hồng ngọc, trên cùng là búp kim cương gắn một viên kim cương 76 carat (15 g). Chùa lại nằm trên đồi Singuttara, nên Bảo tháp vàng khổng lồ vươn lên giữa cảnh quan thành phố Yangon tạo nên một hình ảnh tuyệt đẹp. Khi mới đến Yangon, bạn chỉ muốn viếng thăm liền ngọn tháp dát vàng đẹp mê hồn ở đây. Bạn có thể vào khu phức hợp qua một trong bốn cổng khác nhau, mỗi cổng được canh gác bởi hai con Chinthes (Sư tử thần)  khổng lồ, đây là một loài sư tử trong thần thoại Miến Điện với thân hình màu trắng và đầu màu vàng kim.  

 

Trong bộ Đại Sử Mahavamsa kể rằng Công chúa Suppadevi của Vương quốc Vanga (ngày nay là Bengal) sanh ra một người con trai tên là Sinhabahu thông qua việc bà quan hệ với một con sư tử. Khi trưởng thành và lên làm vua, Sinhabahu khám phá ra mình vốn  là con của một con thú nên cảm thấy vô cùng xấu hổ. Một ngày kia, sư tử cha trở về kinh thành để thăm vợ con, Vua Sinhabahu dùng cung nỏ bắn hạ cha mình, nhưng bao nhiêu mũi tên bay đến trước mặt sư tử cha đều hóa thành hoa sen rơi xuống vì xuất phát từ tình thương vô điều kiện của sử tử cha, nhưng người con vẫn tiếp tục bắn và bắn, sư tử tức giận và cùng lúc ông trúng tên và ngã chết. Vua Sinhabahu cảm thấy hối hận về tội ác của mình, để đền tạ tội lỗi, vua xuống lệnh thần dân phải đặt tượng sư tử trước mỗi Chùa, Tháp để kính thờ cha. Kể từ đó hai tượng sư tử luôn xuất hiện trước cổng các Chùa Miến Điện để mọi người chiêm bái.



chua-shwedagon-01
Chùa vàng Shwedagon ở Yangon





su tu mien dien-2
Chinthes (Sư tử thần) ở Miến Điện
Chinthes_guarding_Mandalay_money
Chinthes (Sư tử thần) trên tờ tiền của Miến Điện



2/ Chùa Chaukhtatgyi ở Yangon: Ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng nhất ở thị trấn Bahan, Yangon. Chùa có thờ một trong những tôn tượng Phật nằm được tôn kính nhất tại nước Miến Điện. Tượng Phật dài 66 mét, và là một trong những pho tượng Phật nằm lớn nhất ở Myanmar.

 

Chùa được xây dựng vào năm 1899 do đại thí chủ Miến Điện giàu có, ông Po Tha cúng dường. Tôn tượng được hoàn thành vào năm 1907, nhưng không được cân đối và nhất là khuôn mặt của Đức Phật có biểu cảm dữ dằn. Vào những năm 1950, tôn tượng Phật cũ đã bị phá hủy và những người quản lý ngôi chùa bắt đầu làm việc để thay thế bức tượng mới dưới sự giám sát của U Thaung, một nghệ nhân bậc thầy của Miến Điện.

 

Khuôn viên Chùa Chaukhtatgyi có một trung tâm dành riêng cho việc nghiên cứu kinh điển, có 600 Tăng sĩ lưu trú và tu tập ở đây, họ dành cả ngày để thiền tập và nghiên cứu các văn bản Pali cổ.

 

 



Phat Niet Ban-Chaukhtatgyi ở Yangon
Tượng Phật dài 66 mét tại Chùa Chaukhtatgyi ở Yangon



3/ Chùa Shwemawdaw, Bago: Điểm chiêm bái nổi bật của Bago (cách Yangoon 91km) là Chùa Shwemawdaw. Bạn có thể nhìn thấy Bảo tháp với chiều cao 114 mét của ngôi chùa này từ khoảng cách 10km bên ngoài thành phố. Được dát vàng lộng lẫy từ chân đến đỉnh, ngôi chùa có nhiều điểm tương đồng với Chùa Shwedagon ở Yangoon. Năm 1930, Chùa Shwemawdaw đã bị ba trận động đất tấn công và gần như phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, ngôi chùa đã được trùng tu trở lại như hình ảnh hiện nay.

 

4/ Tượng Phật Shwethalyaung, Bago: Phía bên kia Bago là tượng Phật Shwethalyaung. Người ta nói rằng đây là tượng Phật nằm mô tả quan cảnh Đức Phật Thích Ca vào đêm trước khi nhập Niết bàn, được tôn kính trên khắp Myanmar như là bức tượng đẹp nhất đất nước. Với chiều dài 55 mét và chiều cao 16 mét, tôn  tượng này không lớn bằng bức tượng Kyaukhtatgyi gần đây hơn của Yangon, nhưng nhờ chất lượng và lịch sử lâu đời, pho tượng này được biết đến và yêu thích hơn nhiều so với hai bức tượng trên.

 

Tượng Phật Shwethalyaung ban đầu được đức Vua Mon Migadepa II tôn tạo bằng gạch vào năm 994, sau đó tượng xuống cấp và được trùng tu nhiều lần trước khi bị phá hủy vì thiên tai vào năm 1757. Thị trấn Bago bị tàn phá hoàn toàn đến nỗi tượng Phật khổng lồ này cũng hoàn toàn bị mất và bị rừng rậm bao phủ.Tượng Phật Shwethalyaung không được tìm thấy cho đến thời kỳ thuộc địa Anh vào những năm 1880 khi một nhà thầu Ấn Độ đào một gò đất lớn để lấy đất sử dụng trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt Miến Điện, đã phát hiện lại tôn tượng này. Công cuộc trùng tu bắt đầu vào năm 1881 và đã hoàn tất vào năm 1903.

 

5/ Chùa Maha Muni ở Mandalay: Chùa tọa lạc cách trung tâm thành phố Mandalay 3km về phía Nam, Maha Muni là ngôi chùa Phật giáo được tôn kính nhất ở Mandalay, nhờ vào tôn tượng Phật bằng vàng 2000 năm tuổi (cao 4m) tuyệt đẹp bên trong Chánh điện, có cùng tên gọi là 'Maha Muni' hay 'Bậc Đại hiền nhân'. Được những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới tôn kính. Tôn tượng có lẽ được đúc vào năm 146 sau Tây lịch, năm thế kỷ sau khi Đức Phật nhập Niết bàn.  Một đặc điểm nổi bật của thân tượng Phật, cao  3,8 mét, là lớp vàng dát mỏng. Rất nhiều lá vàng ở đây đã được dát lên tôn tượng như lễ vật  cúng dường, đến nỗi giờ đây lớp dát vàng tạo thành một lớp dày 15 cm. Khuôn mặt của Đức Phật luôn giữ được độ sáng bóng, vì  được chư Tăng trong chùa đánh bóng cẩn thận hai lần mỗi ngày vào lúc 4:30 sáng và 4 giờ chiều.

 

6/Tượng Phật Bodhi Tataung ở Monywa, Mandalay:  Một trong số những cảnh  siêu thực nhất ở Đông Nam Á là hai tôn  tượng Phật khổng lồ - một tượng đứng, một tượng nằm - trên đỉnh đồi này ở phía Đông Monywa, Mandalay, Miến Điện. Phật đài này được Hòa Thượng Sayadawgyi và  Hòa Thượng U Nārada xây dựng vào năm 1995. Đầu tiên là tượng Phật đứng khổng lồ, cao 116 mét, được cho là tôn tượng Phật đứng lớn thứ hai trên thế giới. Cầu thang xoắn ốc qua 31 tầng, biểu trưng cho 31 cõi luân hồi theo kinh điển Phật giáo. Các bức tranh trên tường ở mỗi tầng mô tả cho mỗi cõi, từ cõi địa ngục cho đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

 

Dưới chân tôn tượng Phật đứng khổng lồ này là một  tượng Phật nằm cũng khổng lồ không kém, dài 95 mét từ đầu đến chân. Hàng chục nghìn pho tượng Phật nhỏ hơn được tôn trí ngay ngắn dưới những cây Bồ Đề.




Maha Bodhi Ta Htaung
Phật Đài Bodhi Tataung ở Monywa, Mandalay

chua da vang-2
Chùa Đá Vàng, Kyaiktiyo (Bang Mon)



 

7/ Hang động Pho Win Taung ở Monywa, Mandalay: Là một quần thể hang động Phật giáo nằm cách Monywa khoảng 25 km về phía Tây và cách Yinmabin 10 km về phía Đông nam, ở thị trấn Yinmabin, huyện Monywa, vùng Sagaing, miền Bắc Miến Điện. Quần thể phức hợp này gồm  có  947 hang động lớn nhỏ, từng hang được chạm khắc vào một mỏm đá sa thạch và có nhiều tượng Phật được chạm khắc tỉ mỉ và tranh tường có họa tiết đẹp mắt, mô tả về những câu chuyện tiền thân của đức Phật trong Jataka. Các bức tượng và tranh khắc đá này có niên đại từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 18.

 

8/ Đại Tháp Shwezigon, Bagan: Một bảo tháp Phật giáo tọa lạc ở Nyaung-U, Bagan, là nguyên mẫu của bảo tháp Miến Điện, bao gồm một bảo tháp hình tròn dát vàng lá được bao quanh bởi các ngôi tháp nhỏ hơn. Đây là bảo tháp được xếp hạng là một trong những ngôi đền Phật giáo được tôn kính nhất của Myanmar. Công trình này được xây dựng bắt đầu dưới thời trị vì của Vua Anawrahta, người sáng lập Đế chế Pagan, vào năm 1059 và hoàn thành vào năm 1102, dưới thời trị vì của con trai ông là Vua Kyansittha. Trong nhiều thế kỷ, ngôi chùa đã bị hư hại do nhiều trận động đất và nhiều thảm họa thiên nhiên khác, và đã được tái tạo lại nhiều lần. Trong những lần trùng tu gần đây, đại tháp đã được phủ hơn 30.000 tấm đồng.

 

9/ Phật đài Win Sein Taw Ya, gần Mawlamyine (Bang Mon): Tượng Phật nằm lớn nhất ở Miến Điện, có chiều dài 180 mét, nằm trên đỉnh núi cách thủ đô thuộc địa cũ Mawlamyine (Moulmein) 20 km về phía Nam.

Phật đài này được Đại Sư Win Sein Taw Ya Sayadaw xây dựng vào năm 1992. Bên trong tôn tượng được thiết kế như một bảo tàng viện nhiều tầng, trưng bày tranh, ảnh về cuộc đời của Đức Phật, về giáo lý Phật giáo, đặc biệt có nhiều tranh vẽ về cảnh tra tấn ở địa ngục, giúp người xem thức tỉnh, cải tà quy chánh, làm lành lánh dữ để có đời sống an vui ở đời này và đời sau.

 

10/ Chùa Đá Vàng, Kyaiktiyo (Bang Mon): Được xem là một địa điểm hành hương nổi tiếng ở Mon State, Miến Điện. Đây là một ngôi chùa nhỏ (7,3 m)  được xây dựng trên đỉnh của một tảng đá granit. Theo truyền thuyết, bản thân Chùa Kyaiktiyo đá vàng này được đặt chênh vênh trên một sợi tóc của Đức Phật. Tảng đá cân bằng này dường như thách thức với trọng lực, vì nó có vẻ như sắp lăn xuống núi. Một truyền thuyết khác kể rằng một vị Tỳ kheo đã gây ấn tượng đẹp với vị vua cõi Trời bằng sự khổ hạnh của mình, vị vua Trời đã sử dụng thần lực của mình để mang tảng đá từ xa đến nơi đây tặng cho vị Tăng, đặc biệt  tảng đá này được chọn vì nó giống với đầu của vị Tỳ kheo kia. Đây là địa điểm hành hương Phật giáo quan trọng thứ ba ở Miến Điện theo sau Chùa Shwedagon và Chùa Mahamuni.

Đối với Phật tử Miến Điện, Chùa Đá Vàng là niềm tự hào và cũng là một báu vật linh thiêng của Myanmar. Chùa Đá Vàng có một điểm kỳ lạ là chỉ có những người đàn ông mới được đến gần, và chạm tay hay dát vàng lên phiến đá, vì người dân Miến Điện quan niệm rằng chỉ cần người phụ nữ đến gần hay chạm tay vào hòn đá vàng này, hòn đá sẽ mất thăng bằng và rơi xuống núi.



 

Nền Giáo dục Phật giáo tại Miến Điện

 

Phật tử Miến Điện có thể gửi con em mình đến các tu viện ở địa phương để được hưởng nền giáo dục Phật học, ngoài chương trình phổ thông, các em còn được học Kinh tạng Pāli, lịch sử cuộc đời của Đức Phật Gautama, 550 câu chuyện tiền thân Jataka,  quan trọng nhất là 38 pháp hạnh phúc theo lời Phật dạy.

 

Các Tăng sĩ là những giáo viên truyền thống của cả trẻ em và người lớn tuổi cho đến khi các trường học thế tục và trường đạo Ky Tô ra đời trong thời kỳ thực dân Anh. Các trường học Phật Giáo đã được phục hồi kể từ những năm 1990. Trẻ em từ các gia đình nghèo không đủ khả năng chi trả học phí, đồng phục và sách vở đã làm nảy sinh nhu cầu về một nền giáo dục Phật học miễn phí, và các nhóm thiểu số như Shan, Pa'O, Palaung, Lahu và Wa đang được hưởng lợi từ sự phục hồi này.

 

Ngày nay, các trường tu viện Phật Giáo đã hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu giáo dục cơ bản của đất nước, đặc biệt là trẻ em từ các gia đình nghèo và trẻ mồ côi, đã được bù đắp những khoảng cách đáng kể trong hệ thống giáo dục. Trẻ em tiểu học ở Myanmar theo học tại các tu viện Phật giáo để có được các kỹ năng đọc, viết và tính toán cũng như hiểu biết về lời dạy của Đức Phật. Do đó, các trường cung cấp chương trình giáo dục đạo đức và nền tảng đạo đức.

 


putting-students-first-at-phaung-daw-oo-158218745722164-monestryschool670

 

Nhìn chung, các trường tu viện Phật Giáo tiếp nhận trẻ em từ các gia đình nghèo khổ sống gần đó và không thể theo học các trường công. Nhiều trẻ mồ côi theo học tại các trường tu viện ở Yangon và Mandalay. Một số hoạt động được thực hiện như trường nội trú hoặc trường học ban ngày tùy thuộc vào tình hình tài chánh và sự hỗ trợ của cộng đồng.

 

Các trường học được yêu cầu phải hợp tác chặt chẽ với các cơ quan giáo dục của thị trấn để được chính thức công nhận. Hoạt động và tài chính phụ thuộc rất nhiều vào các khoản đóng góp và sự hợp tác từ công chúng. Học phí của hầu hết học sinh tại trường được trang trải bằng các khoản đóng góp này và một số phụ huynh đã có thể đóng góp một khoản nhỏ. Trong niên học 2004-2005, có gần 1190 trường tu viện Phật Giáo, đã cung cấp nền giáo dục tiểu học và trung học cho hơn 100.000 trẻ em trên khắp nước Miến Điện.


 

Thiền Tập tại Miến Điện

 

Thiền định là một pháp hành phổ biến và rộng rãi ở Miến Điện. Pháp tu này được cả hai giới xuất gia và cư sĩ tại gia áp dụng trong đời sống hằng ngày. Dù trước đây tại Miến Điện, hầu hết cư sĩ tại gia ít ai quan tâm đến pháp tu này, nhưng điều này đã thay đổi với sự phát triển của phong trào thiền tập Vipassana  của quảng đại quần chúng vào thế kỷ 20. Phong trào này được khởi xướng và lãnh đạo bởi những nhân vật lừng danh như Thiền Sư Mahasi Sayadaw (1904-1982), Cố Thủ tướng U Nu (1907-1995) và Thiền Sư Cư Sĩ U Ba Khin (1899-1971), những người có công thúc đẩy và tuyên bố thông điệp rằng ngay cả cư sĩ tại gia cũng có thể đạt đến giác ngộ ngang qua pháp tu Thiền quán

 

Hiện nay có rất nhiều trung tâm thiền tập trên khắp Miến Điện, chẳng hạn như Mahasi Thathana Yeiktha (một trong những trung tâm lớn nhất ở Miến Điện). Trung tâm Thiền Paṇḍitārāma ở Yangon, Myanmar.

Một trung tâm thiền định ban đầu quan trọng khác là Trung tâm Thiền định Quốc tế (I.M.C.) của Cư Sĩ U Ba Khin. Những Phật tử tại gia phần lớn đều tham gia các khóa tu thiền tại các trung tâm này, trong đó họ sẽ tuân theo nội quy và một thời khóa thiền tập miên mật hàng ngày.

 

Sau đây là một số điều lệ hướng dẫn thiền sinh của Thiền Sư Sayadaw U Paṇḍita (1921-2016), Ngài  một trong những bậc thầy lỗi lạc nhất của Thiền quán niệm Vipassanā. Ngài được đào tạo theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy Miến Điện, và là người kế vị của Thiền Sư Mahāsi Sayādaw. Ngài  đã đào tạo nhiều Thiền sư và học trò phương Tây về Thiền Vipassanā Mahāsi. Ngài là viện chủ Trung tâm Thiền Paṇḍitārāma ở Yangon, Myanmar. Ngài dạy thiền sinh ghi danh vào khóa thiền sẽ được báo trước những điều lệ sau đây để chuẩn bị tâm lý:

1/Thiền sinh phải ngồi thiền và thiền hành 14 giờ mỗi ngày

2/Thiền sinh chỉ có một bổn phận cần thực hiện, đó là thiền tập với tất cả: Lòng chân thành và kính trọng Pháp; Siêng năng tinh tấn, nỗ lực hết sức mình; Kiên nhẫn vượt chướng ngại; Duy trì chánh niệm trong từng sát na từ lúc thức chúng cho đến lúc chỉ tịnh vào buổi tối.Thiền sinh nên ở một mình và giữ im lặng. Không khuyến khích giao lưu.

3/Thiền sinh phải giữ yên tịnh, không được nói chuyện.

4/Thiền sinh phải hạn chế tối đa việc đọc và viết.

5/Thiền sinh cư sĩ tại gia phải tuân thủ 8 giới nghiêm ngặt, không được phép hút thuốc. Thiền sinh Xuất gia  phải tuân thủ tuyệt đối giới luật mà mình đã thọ theo truyền thống tông phái của  của mình.

6/Thiền sinh phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Thiền sư và không được thực hành theo các phương pháp môn khác.

7/Thiền sinh không nên tham gia vào bất kỳ hoạt động nào không liên quan đến khóa tu, ví dụ như nghe radio, nghe băng giảng, mát-xa, chụp hình, sưu tầm sách, châm cứu, tiếp khách, nấu ăn, học hoặc dạy tiếng Anh, tiếng Miến Điện, tiếng Pali…

8/Thiền sinh phải kiềm chế, thu thúc các giác quan của mình; thiền sinh phải tập luyện bản thân mình như một người mù, điếc, câm, bệnh và chết.

9/ Thiền sinh phải thực hiện mọi hoạt động một cách chậm rãi và chánh niệm.

10/Thiền sinh phải giảm thiểu tối đa việc ngủ nghỉ, chỉ được ngủ từ 4 đến 6 tiếng mỗi ngày.

11/ Thiền sinh nên tập chánh niệm liên tục, từng khoảnh khắc một, từ lúc thức dậy vào buổi sáng cho đến lúc chìm vào giấc ngủ vào ban đêm.

12/Thiền sinh không có thời gian trong khóa tu để suy nghĩ, hồi tưởng, tư biện, phân tích hoặc diễn giải.

13/Nói chung, thiền tập chỉ dành cho những ai có tâm trí bình thường và ổn định. Tuy nhiên, nếu một người không đủ sức khỏe, tâm trí không ổn định thì không thể tham dự khóa tu, đặc biệt người không giữ giới trọn vẹn thì không thể chấp nhận như một hành giả trong khóa tu.

 



thien tap tai mien dien-2


thien tap tai mien dien

 

Vai trò của Ủy ban Tăng đoàn Maha Nayaka Nhà nước Miến Điện

 

Ủy ban Tăng đoàn Maha Nayaka Nhà nước Miến Điện (The State Saṅgha Mahā Nāyaka Committee) là một cơ quan do chính phủ chỉ định gồm các Tăng sĩ Phật giáo đầy đủ giới đức, giám sát, điều hành và có thẩm quyền cao nhất đối với mọi vấn đề về Tăng đoàn nước này. Ủy ban này được xem “Hội Đồng Tăng Già Tối Cao Miến Điện) (Supreme Sangha Council of Myanmar).

 

Ủy ban được thành lập sau Đại Hội Khoáng Đại được tổ chức tại Rangoon từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 5 năm 1980. Đại Hội đã xây dựng một hệ thống phân cấp để quản lý chư Tăng ở cấp làng, xã, tỉnh và cấp quốc gia thông qua các ủy ban và đưa ra một cơ quan quản lý trung ương gồm 33 thành viên hiện được gọi là Ủy ban Sangha Maha Nayaka của tiểu bang, chịu trách nhiệm về tất cả Tăng sĩ Phật giáo trong nước. Ủy ban cũng đã xây dựng các quy định để bắt buộc Tăng sĩ trong nước phải đăng ký và nhận thẻ căn cước cá nhân.

 

Ủy ban hiện nay có 47 thành viên, bao gồm một chủ tịch, sáu phó chủ tịch, một tổng thư ký, sáu phó tổng thư ký và 33 thành viên khác, tất cả đều được Bộ Tôn giáo Miến Điện bổ nhiệm.

 

Ủy ban có trách nhiệm thu thập dữ liệu trên toàn quốc về các tu viện và Tăng sĩ, chủ yếu thông qua danh sách Tăng đoàn An cư kiết hạ hằng năm. Các tu viện phải báo cáo tên, tuổi và năm thọ giới của từng vị, và các Tỳ kheo phải xuất trình thẻ căn cước của họ. Điều này đảm bảo hồ sơ chính xác về nơi cư trú và nhân số của tu viện, cũng như tình trạng của các chùa, viện Phật giáo trên toàn quốc.

 

Ủy ban này phụ trách các tòa án xét xử các vụ việc liên quan đến tăng sĩ, bao gồm các tranh chấp dân sự, hành vi phá giới như trộm cắp, tình dục, nói dối (tuyên bố đã chứng ngộ) và các vấn đề sai lệch về giáo lý. Tòa án hoạt động ở cấp thị trấn, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Ủy Ban này có trách nhiệm kiểm duyệt giáo lý và  xác định rõ giáo lý nào là chánh truyền và ngược lại. Tất cả những ấn phẩm kinh sách các loại ở Miến Điện đều phải chịu sự kiểm duyệt và các Tăng sĩ thuyết giảng sai lệch với giáo lý chánh truyền đều  bị cấm thuyết giảng, bắt giam hoặc bị buộc phải hoàn tục.

 

Tam Tạng Pháp Sư, Quốc Bảo của Đất Nước Miến Điện

 

Tipiṭakadhara Tipiṭakakovida, Tam Tạng Pháp Sư là danh hiệu vô cùng cao quý sau khi vượt qua kỳ thi cấp cao nhất được tổ chức hàng năm ở Miến Điện kể từ năm 1948, do Bộ Tôn giáo chính phủ Miến Điện tổ chức kỳ thi kiểm tra trí nhớ của từng thí sinh về Tam tạng Kinh Luật Luận, bao gồm phần tụng đọc qua năm cấp độ và phần viết cũng ở năm cấp. Các kỳ thi yêu cầu các ứng viên phải thể hiện sự làu thông của mình về "hiểu biết giáo lý, phân biệt văn bản, phân loại nhóm và triết học so sánh của giáo lý Phật giáo".

 

Kỳ thi tụng và viết về Tam Tạng có thể được xem là kỳ thi cấp quốc gia lâu và khó nhất thế giới nhờ ứng viên thể hiện khả năng ghi nhớ siêu việt về pháp học và thông suốt toàn bộ 16.000 trang của các ngôn ngữ thuộc hệ Latin.

 

Duyên khởi ban đầu, chuẩn bị cho kỳ Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần thứ 6 năm 1954, một nghi vấn được đặt ra rằng có vị Trưởng lão nào ở Miến Điện có thể trì tụng thuộc lòng Tam Tạng hay không? Để tìm kiếm ứng viên cho nên từ năm 1948, Thủ tướng U Nu đã khởi xướng cuộc thi này nhằm tuyển chọn và tôn vinh những nhân vật xuất chúng có thể ghi nhớ và đọc thuộc lòng toàn bộ Tam Tạng Tipitaka.  Các kỳ thi từ năm 1948 đến 1952, quá khó đến nỗi không ai có thể vượt qua cho đến năm 1953, Đức Đại Trưởng Lão Mingun Sayadaw (1911-1993) đã trở thành người chiến thắng đầu tiên trong lịch sử Miến Điện ở tuổi 42 và Ngài được bổ nhiệm ngay vào vị trí Chaṭṭhasaṅgatisajaka để trả lời chính cho các câu hỏi về Pháp do Ngài Mahasi Sayadaw đặt ra trong kỳ Kết Tập Kinh Điển vào năm 1954.

 

Nội dung kỳ thi, thí sinh phải đọc thuộc lòng Tam tạng Kinh điển bằng tiếng Pali, bao gồm có  8026 trang (hơn 2,4 triệu từ  Pali), trong đó có 2260 trang của Tạng luật (Vinaya Piṭaka), 779 trang từ Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya) của Tạng Kinh (Sutta Piṭaka); và 4987 trang từ A Tỳ Đàm ( Abhidharma) của Tạng Luận (Abhidhamma Piṭaka), tiếp đó, thí sinh phải thi viết chính xác hơn 200 quyển kinh sách bằng tiếng Pali.

 

Toàn bộ quá trình thi kéo dài tổng cộng 33 ngày, từ tuần cuối cùng của tháng 12 đến tuần thứ ba của tháng 1 tại Hang động Mahāpāsāṇa của Chùa Kaba Aye ở Yangon, nơi từng diễn ra Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần 6 năm 1954. Ở phần đọc kinh, các ứng viên phải đọc một văn bản trong ba ngày, bốn lần vào buổi sáng và năm lần vào buổi chiều (mỗi lần 25 phút và nghỉ 10 phút). Nếu quên, họ sẽ chỉ được nhắc năm lần trong một ngày. Những người vượt qua kỳ thi mà không cần nhắc lần nào sẽ được đánh dấu là "visiṭṭha" (xuất sắc).

 

Người vượt qua kỳ thi sẽ được chính phủ Miến Điện ban cho tước hiệu là: Tipitakadhara Dhammabhandāgārika, tức là “Người mang trong mình Tam tạng Pháp Bảo và là Người giữ gìn kho báu Chánh Pháp” và chính thức được công nhận vào trao giải thưởng vào dịp lễ Độc Lập Miến Điện ngày 4/1 hằng năm và vị này được xem là "Quốc Bảo" của quốc gia Miến Điện, được chính phủ cúng dường phương tiện đi lại, cấp đất xây Chùa và được cúng dường tứ vật dụng đến suốt đời”.




Mingun_Sayadaw
Đại Trưởng Lão Mingun Sayadaw (1911-1993) đã trở thành người chiến thắng đầu tiên trong lịch sử Miến Điện ở tuổi 42, năm 1953

 

Tính từ năm 1948 đến nay (2025), trải qua 77 kỳ thi Tam Tạng, tuyển chọn từ hơn 500.000 Tăng sĩ, quốc gia Miến Điện có 17 vị Tam Tạng Pháp Sư, chi tiết như sau:

 

1/Bhaddanta Vicittasārābhivaṃsa Mingun Sayadaw (1911–1993) đạt kỳ thi năm 1953

2/Bhaddanta Neminda Pakkhoku Sayadaw (1928–1991) đạt kỳ thi năm 1959

3/Bhaddanta Kosalla Pyay Sayadaw (1921–1995) đạt kỳ thi năm 1963

4/Bhaddanta Sumaṅgalālaṅkāra Gandarum Sayadaw (1946–2006) đạt kỳ thi năm 1973

5/Bhaddanta Sīrindābhivaṃsa Yaw Sayadaw (1943 – ) đạt kỳ thi năm 1984          

6/Bhaddanta Vāyāmindābhivaṃsa  Yayzagyo Sayadaw (1955 – ) đạt kỳ thi năm 1995

7/Bhaddanta Sīlakkhandhābhivaṃsa Mawgyun Sayadaw (1964 –) đạt kỳ thi năm 1999

8/Bhaddanta Vaṃsapālālaṅkāra Myinmu Sayadaw      (1965 – ) đạt kỳ thi năm 1999

9/ Bhaddanta Gandhamālālaṅkāra Myingyan Sayadaw (1968 – ) đạt kỳ thi năm 2000    

10/ Bhaddanta Sunada (1955–) đạt kỳ thi năm 2004

11/ Bhaddanta Indapāla (1960 –) đạt kỳ thi năm 2004

12/ Bhaddanta Abhijātābhivaṃsa (1968 – ) đạt kỳ thi năm 2010        

13/ Bhaddanta Indācariya (1964 – ) đạt kỳ thi năm 2012

14/ Bhaddanta Vīriyānanda Kanbawza Sayadaw, đạt kỳ thi năm 1017

15/ Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa           Kyaukpadaung Sayadaw, đạt kỳ thi năm 2020    

16/ Bhaddanta Paññāsirīlaṅkāra, đạt kỳ thi năm 2024

17/ Bhaddanta Seṭṭhañāṇālaṅkāra Ye-oo Sayadaw, đạt kỳ thi năm 2025  

 

 

Tipitakadhara_Tipitakakovida_Examinations,_Mahapasana_Guha_Cave,_Yangon
Bên trong hang động Mahapasana Guha, nơi diễn ra Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu thứ 6, 
 cũng là nơi tổ chức các kỳ thi tụng đọc thuộc lòng Tam Tạng Kinh Điển ( Tipitakadhara Tipitaka Kovida)

Tipitakadhara Tipitaka Kovida en 2020
Quang cảnh  kỳ thi tụng đọc thuộc lòng Tam Tạng Kinh Điển ( Tipitakadhara Tipitaka Kovida)
bên trong hang động Mahā Pāsāna Gūha (dài 139 mét và rộng 110 mét) 6 ở Rangoon, Miến Điện

 

 

Mahapasana_Guha_Cave,_Yangon-2
Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Miến Điện đọc thư chúc mừng
Hòa thượng Kyaukpadaung Sayadaw đã giành được danh hiệu cao nhất trong Kỳ thi tuyển chọn:
"Tipitakadhara Tipitaka Kovida.” (Bậc Thông Thuộc Thấu Suốt Tam Tạng)  trong kỳ thi lần thứ 72 năm 2020
Mahapasana_Guha_Cave,_Yangon-3
Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước Miến Điện, trao tặng Bằng Chứng Nhận danh hiệu
"Tipitakadhara Tipitaka Kovida.” (Bậc Thông Thuộc Thấu Suốt Tam Tạng) Hòa thượng Kyaukpadaung Sayadaw
trong kỳ thi lần thứ 72 năm 2020
 


    

Chư Tăng tại Miến Điện

 

Chư Tăng Phật giáo được tôn kính hết lòng trong toàn xã hội Miến Điện. Theo số liệu thống kê năm 2016 do Ủy ban Tăng đoàn Maha Nayaka của nhà nước công bố Miến Điện hiện có 535.327 thành viên,  trong số này có 282.347 Tỳ kheo và  252.962 Sa Di samanera). Ngoài ra còn có 60.390 Tu nữ (thilashin).

 

Phần lớn các nhà Sư Phật giáo thuộc một trong hai Phái chính ở Miến Điện. Thứ nhất là Tông phái Thudhamma Gaing có 87,24% Tăng sĩ, và thứ hai là Phái  Shwegyin Gaing có 9,47% tăng sĩ. Các giáo đoàn nhỏ khác bao gồm ba phái của Dwara Nikaya ở Hạ Miến và Phái Hnget-twin Gaing ở Mandalay, cả hai đều có vài nghìn Tăng sĩ thành viên. Hiện nay, có chín giáo đoàn được công nhận hợp pháp tại Miến Điện, theo Đạo luật năm 1990 về các tổ chức Tăng đoàn. Các giáo đoàn Miến Điện không khác nhau về giáo lý nhưng khác nhau về pháp hành, dòng truyền thừa và cơ cấu sinh hoạt tổ chức.

 

Ngoài ra còn có nhiều phái Mật giáo nhỏ, không được bất kỳ cơ quan nào công nhận, vì họ kết hợp các yếu tố không phải Phật giáo như thuật giả kim, ma thuật và huyền bí.

 

Phần lớn Tăng sĩ Miến Điện mặc y màu hạt dẻ (đỏ đậm), một số khác mặc y màu đất son, màu y không giống như chư Tăng ở các quốc gia lân cận như Tích Lan, Thái Lan và  Lào, nơi các Tăng sĩ  thường mặc y màu vàng nghệ.

  

Tu Nữ tại Miến Điện

 

Sau khi Đế chế Bagan sụp đổ vào thế kỷ 13, Giáo đoàn Tỳ kheo Ni (Bhikkhuni) đã biến mất khỏi Miến Điện. Do đó, các nữ tu ngày nay không được xem là ngang hàng với các Tỳ kheo Tăng trong xã hội Miến Điện. Hội đồng quản lý Phật giáo tại Myanmar đã phán quyết rằng không thể có sự truyền giới hợp lệ cho phụ nữ trong thời hiện đại, mặc dù một số Tăng sĩ Miến Điện không đồng ý. Tuy nhiên, giống như ở nhiều quốc gia Phật Giáo Nguyên thủy khác, người phụ nữ đã tự tạo ra chỗ đứng cho mình là những người nữ xuất gia không được Giáo Đoàn Tăng công nhận. Ở Myanmar, những người phụ nữ này được gọi là thilashin (tu nữ).

 

Thilashin, có nghĩa là "người sở hữu đạo đức", từ Pali gọi là sīla, chỉ là một nữ tu xuất gia có lời phát nguyện giữ giới của một vị Sa Di Ni (Sāmaṇerīs) tức là  "nữ tu tập sự"giữ 10 giới. Giống như Maechi của nước láng giềng Thái Lan và Dasa Sil Mata ở Tích Lan. Một tu nữ Miến Điện giữ một vị trí nằm giữa một cư sĩ tại gia và một tăng sĩ đã thọ giới. Tuy nhiên, họ được đối xử thuận lợi hơn hầu hết các tu nữ Thái, có thể được đào tạo, hành thiền và tham gia các kỳ thi Phật học giống như chư Tăng.

 

Thilashin tuân giữ mười giới, đầu cạo tóc, mặc y màu hồng, khăn choàng màu cam hoặc màu nâu và chiếc bát khất thực bằng kim loại. Thilashin thường đi khất thực vào ngày Bố tát (tụng giới), nhận tiền hoặc nhận gạo (chưa nấu chín). Thilashins được gọi bằng danh từ kính trọng là Sayale.

 

Một số thilashins nỗ lực khôi phục lại Giáo đoàn Tỳ kheo Ni, mặc dù Chính phủ và dân chúng dè dặt vấn đề này. Một Giáo Đoàn Ni Miến Điện mới lần đầu tiên thành lập vào năm 1996, và kể từ đó, nhiều tu nữ đã thọ giới Cụ túc đầy đủ (311 giới theo Theravada). Tuy nhiên, tại Miến Điện, Thilashins vẫn là lựa chọn hợp pháp duy nhất dành cho phụ nữ vào thời điểm này. Vào năm 2003, tu nữ Saccavadi và tu nữ Gunasari đã được thọ giới làm Tỳ Kheo Ni ở Tích Lan, do đó 2 vị này đã trở thành những tu nữ Miến Điện đầu tiên trong thời hiện đại được thọ giới lớn ở Tích Lan.

bhikkhuni-ordination-2-1024x706
Những Thilashin Tu Nữ tại Miến Điện

 

 

 Nội chiến và thiên tai đã tàn phá đất nước Miến Điện

 

Cuộc nội chiến sắc tộc Miến giữa người theo đạo Phật ở địa phương và người theo Hồi giáo Rohingya từ đầu những năm 1990. Mới nhất là cuộc nội chiến đang diễn ra tại đất nước này bắt đầu từ cuộc đảo chính lật đổ chính quyến quân sự từ ngày 5/5/2021, tính đến nay đã kéo dài hơn 4 năm và chưa có hồi kết, hậu quả đã có 75.692 người chết và hơn 3 triệu người phải rời bỏ quê hương. Rồi một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra vào ngày 28/3/2025 tại Mandalay, Miến Điện đã khiến ít nhất 2.056 người thiệt mạng và hơn 3.900 người bị thương, trong đó có gần 300 người khác vẫn đang mất tích.


Cuộc nội chiến đẩm máu và trận động đất thảm khốc này đã tàn phá nặng nề xứ sở chùa tháp Miến Điện. Trong tình cảnh khủng hoảng này, đất nước đang cầu cứu sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời để vượt qua khó khăn. Cả thế giới đang dõi theo và hy vọng rằng sự phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ sẽ giúp Miến Điện hồi phục và đứng vững trở lại.




chien tranh-mien dienchien tranh-mien dien-4chien tranh-mien dien-2dong dat myanmar (1)

 

Hưởng ứng Tâm Thư Kêu Gọi Cứu Trợ của Ni Sư Tâm Lạc, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan, cũng như thể hiện tinh thần Từ bi tế độ chúng sanh, chia sẻ và xoa dịu nỗi đau thương thống khổ của nạn nhân thiên tai Miến Điện hiện nay, Đạo Tràng Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu, đã tổ chức bữa Cơm Chay Gây Quỹ giúp nạn nhân thiên tai Miến Điện: vào lúc 12 giờ trưa, Chủ Nhật 20/04/2025 với 6 món chay đặc biệt và có phần giúp vui văn nghệ của quý anh chị Ca Sĩ tại Melbourne. Quý Đồng hương, Phật tử gần xa cùng nhau  tham dự và ủng hộ, mở rộng tình thương “Lá lành đùm lá rách”, “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, cùng chung tay đóng góp chút ít tịnh tài để  cứu trợ người bị nạn. Kết quả bữa cơm chay gây quỹ và sau nhiều tháng lạc quyên, kêu gọi… số tiền đóng góp giúp nạn nhân động đất Miến Điện của Đạo Tràng Tu Viện Quảng Đức nhận được là: $91,000 Úc kim. Số tiền này đã gởi về Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội của Giáo Hội Úc Châu và được biết ngân quỹ cứu trợ Miến Điện của Giáo Hội tính đến ngày hôm nay (31/5/2025) tổng số là: $254,000 Úc Kim và Giáo Hội Úc Châu sẽ cử một phái đoàn đến tận nơi Mandalay để ủy lạo, an ủi nạn nhân từ ngày 8 đến ngày 15/06/2025 sắp tới.



 

Lời kết:

Dòng chảy lịch sử của Phật Giáo Miến Điện suốt chiều dài hơn 2000 năm thăng trầm với mệnh nước, cho dù các cuộc chiến tranh khói lửa triền miên từ vùng Thượng Miến đến Hạ Miến, nhưng niềm tin vào Phật Giáo vẫn ngự trị trong lòng của người dân Miến. Những phong tục, tập quán như tắm Phật, dát vàng tượng Phật, lễ Ánh Sáng đón Phật, lễ Xuất Gia Shinbyu, cúng dường sớt bát chư Tăng…đã trở thành một bản sắc, một nét đẹp văn hóa độc đáo ngàn đời của dân tộc Miến.

 

Người viết băn khoăn và trăn trở rằng một xứ sở xem Phật giáo là quốc giáo như thế, nhưng tại sao các cuộc xung đột sắc tộc, các cuộc nội chiến đẫm máu vẫn tiếp tục diễn ra, xé nát đất nước, làm khổ cho người dân?

 

Phải nói rằng đây là một sự thật phũ phàng, Miến Điện là “đất nước chùa tháp”, trên toàn quốc có hơn mấy chục ngàn ngôi chùa và bảo tháp, ở mỗi làng, mỗi xã đều có một ngôi chùa rộng lớn, khắp nơi đầy tích cách thiêng liêng và huyền bí, vậy mà các chính phủ quân phiệt, các lực lượng kháng chiến đã không học hỏi được gì từ lời dạy của Đức Phật “hận thù diệt hận thù, không bao giờ có được, từ bi diệt hận thù, là định luật ngàn thu”,  mà mọi người cứ tiếp tục chìm sâu trong ân oán, hận thù của chiến tranh khói lửa và nếu các bên không sớm tìm ra được giải pháp hòa giải, hòa hợp thì người dân Miến Điện vẫn tiếp tục sống trong nỗi lo âu bất tận của tiếng bom đạn, tiếng súng chiến tranh.

 

Xin chắp tay nguyện cầu mười Phương chư Phật từ bi gia hộ cho nền hòa bình sớm được thiết lập trên đất nước chùa tháp này./.

 

Viết xong trước ngày đến Myanmar ủy lạo nạn nhân động đất (tháng 6/2025)

TK. Thích Nguyên Tạng 

Tổng hợp từ các tài liệu:

- Khin Win Thanegi, The Influence Of Theravada Buddhism On Myanmar Society, Germany, 2007

- Roger Bischoff, Buddhism in Myanmar, Kandy, Srilanka, 1996

- Than Tun, Essays on the History and Buddhism of Burma. Arran 1988.


https://www.burmalibrary.org/docs24/GNLM2017-12-27.pdf

https://tipitakachantingcouncil.org/cgi-sys/suspendedpage.cgi

http://www.myanmarnet.net/nibbana/tipitaka/tpdkdhra.htm

 

https://en.wikipedia.org/wiki/Tipitakadhara_Tipitakakovida_Selection_Examinations

https://publicholidays.asia/myanmar/full-moon-day-thadingyut/#google_vignette

https://www.gnlm.com.mm/religious-titles-for-2025-offered-to-recipient-venerable-monks-and-nuns/

https://abcnews.go.com/International/live-updates/myanmar-thailand-bangkok-earthquake/?id=120257120

Sitagu Sayadaw-16
view more-2

🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️


pdf icon-2
Phat Giao tai Mien Dien_Thich Nguyen Tang

 






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
25/02/2025(Xem: 1685)
Indonesia, tên chính thức là Cộng Hòa Indonesia, là một quốc gia ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Xứ sở này bao gồm hơn 17.000 hòn đảo, trong đó có khoảng 6.000 đảo không có người ở. Trên thế giới Indonesia là quốc gia lớn thứ 14 về diện tích, với 1.904.569 km2, và là quốc gia đông dân hàng thứ tư với 280 triệu người.
04/10/2024(Xem: 7894)
Talk show: Đi Tu Để Làm Gì ? (Sean Le, Channel Người Việt Hải Ngoại phỏng vấn: HT Thích Như Điển)
29/06/2024(Xem: 7061)
Tôi rất hân hạnh viết đôi lời giới thiệu cho cuốn sách có tựa đề ‘Phật Giáo và Thánh Tích ở Sri Lanka’ (Buddhism and Buddhist Holy Places in Sri Lanka) của Ni sư Tiến sĩ TN Giới Hương. Đây là một tác phẩm truyền cảm hứng tâm đạo và được đánh giá cao sau khi Ni sư đã thực hiện hai chuyến hành hương đến Sri Lanka năm 2016 và 2023.
28/02/2024(Xem: 5641)
Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, Người đã dấn thân vượt khó cầu xin Đức Phật cho phép Ni giới được xuất gia, hội nhập Tăng Đoàn, đã mở ra trang sử rạng ngời cho Ni giới ngày nay. Với lòng hoài niêm ân xưa, chư Ni miền Nam California chúng con hằng năm đều hân hoan, thành kính tổ chức Đại Lễ Tưởng Niệm Đức Thánh Tổ Kiều Đàm Di.
31/12/2023(Xem: 4380)
Vào ngày 27/12/2023, chùa Đức Viên tọa lạc tại số 2420 McLaughlin Avenue, thành phố San Jose, Hoa Kỳ đã trang nghiêm tổ chức Lễ khai mạc khóa tu thiếu nhi mùa Đông 2023. Khóa tu được tổ chức 4 ngày, từ ngày 27/12 đến ngày 30/12/2023. Tham dự khóa tu thiếu nhi mùa Đông năm nay có khoảng 200 thiếu nhi và đông đảo chư Ni; quý vị cha mẹ, anh chị phục vụ các công việc: hướng dẫn tu học, trang trí, âm thanh, truyền thông, nhiếp ảnh, ẩm thực, vệ sinh, trật tự v.v… Các em được chia thành 9 nhóm (theo lứa tuổi) và nhóm Sen Búp. Mỗi nhóm được quý Sư cô cùng các cô, các anh, các chị lớn phụ trách. Thời gian tu học và vui chơi mỗi ngày từ 08 giờ sáng đến 07 giờ tối.
30/12/2023(Xem: 4046)
Đoàn chư Ni và Phật tử Tu viện Huyền Không (San Jose, Hoa Kỳ), chùa An Lạc (Indianapolis, Hoa Kỳ) và chùa Đức Nguyên (Việt Nam) hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ và Nepal từ ngày 01/11 đến ngày 20/11/2023 dưới sự hướng dẫn của Ni sư Thích Nữ Nguyên Thiện và Ni sư Thích Nữ Viên Tâm.
26/10/2023(Xem: 5744)
Sự hiện diện của rất nhiều người là từ bi tâm và sự cống hiến của họ đã chạm đến tâm hồn và cuộc sống của rất nhiều người. So sánh sự hảo tâm hào phóng, sự tu tập và thành quả nỗ lực của bạn, thực sự tôi chỉ là một con cá bé nhỏ. Nhưng thà làm một con cá nhỏ bé tung tăng ngâm mình trong suối nguồn từ bi, còn hơn là một con cá nhỏ bị rán trong chảo lửa giận dữ.
09/08/2023(Xem: 4047)
Nổi tiếng vì đã ưu tiên Chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) hơn là tính hám lợi vì lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản phóng túng, Vương quốc Phật giáo Bhutan, nép mình trên cao nguyên trong bầu không khí hiếm có của phía đông Hymalaya, cũng đang có những bước tiến trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Báo cáo lần thứ tư về việc Khảo sát Bảo tồn loài Hổ Quốc gia Bhutan, gần đây Trung tâm Bảo tồn loài Hổ Quốc gia Bhutan hợp tác với Chính phủ Bhutan
19/04/2023(Xem: 4426)
Trong khi các chính trị gia và nhà đầu tư trên khắp thế giới ca ngợi việc thực hành chánh niệm như một công cụ “trấn tỉnh” để giảm mức độ căng thẳng, tăng năng suất và duy trì sự tập trung, không coi trọng trí tuệ là ưu tiên hàng đầu mà là sản phẩm phụ phát sinh từ chánh niệm sâu sắc. Nhưng trí tuệ là một trong ba thành phần không thể thiếu của giáo lý nhà Phật, cùng với kỷ luật đạo đức và định tâm, để phát triển cá nhân và trau dồi tinh thần.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com