Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo ở Indonesia

25/02/202509:45(Xem: 670)
Phật Giáo ở Indonesia

Indonesia-map



PHẬT GIÁO TẠI INDONESIA

Bài viết của TT Thích Nguyên Tạng


Indonesia, tên chính thức là Cộng Hòa Indonesia, là một quốc gia ở Đông Nam Á và Châu Đại Dương, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Xứ sở này bao gồm hơn 17.000 hòn đảo, trong đó có khoảng 6.000 đảo không có người ở. Trên thế giới Indonesia là quốc gia lớn thứ 14 về diện tích, với 1.904.569 km2, và là quốc gia đông dân hàng thứ tư với 280 triệu người.

Hiến pháp Indonesia chính thức công nhận có sáu tôn giáo chính tại quốc gia này gồm: Hồi giáo, Tin Lành, Ky tô La Mã, Ấn Độ giáo, Phật giáo và Nho giáo. Dù không phải là một nhà nước Hồi giáo, nhưng Indonesia được xem là quốc gia có số tín đồ Hồi giáo đông nhất. Theo cuộc điều tra dân số năm 2023, Indonesia có: 87,06%  dân số là tín đồ Hồi Giáo, 10,47% là  tín đồ Kitô giáo, 1,68% là tín đồ Ấn Độ giáo, 0,71%  (khoảng 2 triệu người) là tín đồ Phật giáo, 0,03% theo Nho giáo. Đa số tín đồ Ấn giáo là người Bali, và đa số tín đồ Phật giáo tại Indonesia ngày nay là người Hoa, một số nhỏ khác là người bản địa Java và Sasak. Tín đồ Phật Giáo ở Indonesia phần lớn tập trung ở Jakarta, Riau, quần đảo Riau, Bangka Belitung, Bắc Sumatra và Tây Kalimantan.

Phật giáo du nhập vào Indonesia vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch, chủ yếu thông qua tuyến đường hàng hải và con đường tơ lụa giữa Indonesia và Ấn Độ. Phật giáo đạt đến đỉnh cao vào Triều đại Srivijaya, từng là một vương quốc Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á, từ khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14. Trong thời gian đó, nhiều trường đại học và tu viện Phật giáo được xây dựng, và các học giả Phật giáo nổi tiếng như Dharmapala và Sakyakirti đã giảng dạy ở đó.

Tăng Sĩ Trung Hoa có công truyền bá Phật Giáo đến Indonesia được ghi nhận như:  Cao Tăng Pháp Hiển (法顯 | Faxian ; 337-422) người đã đi bộ từ Trung Quốc đến Ấn Độ, sau 10 năm tu tập và chiêm bái Phật tích Ấn Độ, theo tài liệu do chính Ngài ghi lại trong "Phật quốc ký" rằng, trên đường trở về cố hương bằng tàu thương buôn, đoàn bị một trận bão dữ dội đã đẩy tàu của Ngài lên đảo Java và Ngài đã lưu lại ở đây năm tháng để hoằng Pháp trước khi xuống tàu hồi hương. Sự thành công của Ngài Pháp Hiển đã tạo cảm hứng cho 2 nhà chiêm bái Ấn Độ về sau, đó là Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang và Pháp Sư Nghĩa Tịnh.

Những vị khác được lịch sử Phật Giáo Indonesia nhắc tên trong quá trình mang ánh sáng Phật Pháp đến quốc gia này bao gồm: Ngài Atikuta đến Java miền Trung Ấn Độ vào khoảng những năm 650, Ngài Punyodaya đến từ Trung Quốc khoảng những năm 650, Ngài Bồ Đề Lưu Chí (Dharmaruci) đến từ Nam Ấn Độ (562-727), Ngài Nagabodhi, Ngài Vajrabodhi và Ngài Bianhong. Đặc biệt, Pháp Sư Nghĩa Tịnh (Yijing | 義淨, 635-713) một nhà chiêm bái Phật tích Ấn Độ nổi tiếng và mang về cho Trung Hoa 400 bộ kinh. Năm 671, Ngài đến hoằng Pháp tám tháng tại Sumatra và sáu tháng tại Srivijaya (Indonesia). Ngài kể rằng vào thế kỷ thứ 7, có một trung tâm Phật giáo lớn ở Java tên là Kalinga (Heling), Ngài đã hết lời tán thán về chương trình giáo dục Phật học ở Srivijaya và khuyên nhủ Tăng sinh Trung Hoa nên học ở đó trước khi lên đường du học ở Nalanda, Ấn Độ.

Một Cao tăng Ấn Độ có công truyền bá Đại Thừa Mật tông Kim Cương Thừa vào Sumatra là Đại Sư Atisa (982-1054). Các nguồn tài liệu Tây Tạng khẳng định rằng Đại Sư Atisa đã dành 12 năm ở Sumatra để giảng dạy Phật Pháp và Ngài đã trở về Ấn Độ vào năm 1025, cũng là năm mà Rajendra Chola I của Triều đại Chola xâm lược Sumatra.

Một vương quốc Phật giáo lớn khác ở Indonesia xưa là vương quốc Mataram, do gia tộc Sailendra cai trị trong thế kỷ thứ 8 và thứ 9 ở miền Trung Java. Nhiều ngôi chùa Phật giáo được xây dựng và các kinh sách Phật giáo được khắc trên các tấm bia đá (gọi là prasasti) trong thời gian này, và được coi là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Indonesia. Trong thời kỳ cai trị của vương quốc Majapahit từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15, Phật giáo và Ấn Độ giáo cùng tồn tại một cách hòa bình. Sau sự sụp đổ của Majapahit, Hồi giáo được các thương nhân từ Ả Rập, Ba Tư và Gujarat, Ấn Độ truyền đến Indonesia đầu thế kỷ 8 và 9. Vì vậy, ảnh hưởng của Phật giáo bắt đầu suy giảm sau đó, và chủ yếu chỉ giới hạn ở các khu vực miền Đông Java và Bali.

Di tích khảo cổ Phật giáo quan trọng nhất ở Indonesia là quần thể kiến trúc Batujaya, Karawang thuộc miền Tây Java. Người ta ước tính các di tích cổ của Batujaya có niên đại từ thế kỷ thứ 2, trong khi lịch sử gần đây nhất ghi nhận có niên đại từ thế kỷ thứ 12. Sau đó, một số lượng lớn các địa điểm Phật giáo đã được tìm thấy ở các tỉnh Jambi, Palembang và Riau của Sumatra, cũng như ở các tỉnh miền Trung và miền Đông Java. Trong nhiều thế kỷ, Indonesia đã chứng kiến ​​sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế chế Phật giáo hùng mạnh, chẳng hạn như Triều đại Sailendra, Đế chế Mataram và Srivijaya.

Một tác phẩm ở Bali không rõ niên đại có tên là Nagarakrtagama của một Tăng sĩ Phật giáo, đã liệt kê tất cả các ngôi chùa Phật giáo ở Bali, tổng cộng là hai mươi sáu ngôi chùa vào năm 1275, Đức Vua Kretanagara đã trải qua những nghi thức quy y theo Mật tông Kim Cương Thừa, để bảo vệ vương quốc của mình khỏi cuộc xâm lược được dự đoán là của Hốt Tất Liệt (Kublai Khan, 1215-1294, cháu nội của Thành Cát Tư Hãn) từ Mông Cổ.

 Lịch sử của Indonesia ghi chép khá ít ỏi về Phật Giáo, cho đến năm 1343 khi quốc gia này bị Đế chế Majapahit của Java-Sumatra chinh phục và sáp nhập. Majapahit là một vương quốc theo đạo Ấn giáo và Phật giáo Đại thừa ở giữa phần phía Đông Java, tồn tại từ năm 1293 đến năm 1597, trải qua 12 đời vua.

Cả Ấn Độ giáo và Phật giáo đều nhận được sự bảo hộ của triều đình, mặc dù loại hình Phật giáo thịnh hành dần dần trở nên không thể phân biệt giữa Phật Giáo và Ấn Độ giáo.  Một tác phẩm Phật giáo Java từ khoảng thế kỷ 12 ẩn chứa câu thơ mang ý nghĩa này: “Một thực thể được gọi là hai, tức là Đức Phật và Thần Shiva. Họ nói rằng chúng khác nhau nhưng làm sao có thể phân chia được? Mặc dù có sự khác biệt nhưng vẫn có sự thống nhất”.

Rõ ràng, vào thời điểm những lời này được sáng tác, một số Phật tử đang đấu tranh để duy trì tính uyên áo của giáo pháp trong khi những người khác lại nhấn mạnh vào sự tương đồng của Phật giáo với Ấn Độ giáo. Cuối cùng, cả Java và Bali đều là những đơn vị tích hợp đã chiến thắng. Cụm từ “Mặc dù có sự khác biệt nhưng vẫn thống nhất” (Bhineka tunggal ika) đã được xem là phương châm của Cộng hòa Indonesia về sau. Với sự sụp đổ của Đế chế Mahapahit năm 1515 và sự trỗi dậy của đạo Hồi, giới tinh hoa trí thức và tôn giáo cũ của Java, bao gồm cả những nhà Sư và học giả Phật giáo còn sống sót, đã tìm nơi ẩn náu ở Bali.

Đại Tháp Borobudur, niềm tự hào của Phật Giáo Indonesia

Một số địa điểm và hiện vật Phật giáo liên quan đến di sản lịch sử của Indonesia có thể được tìm thấy ở Indonesia, bao gồm Đại Tháp Borobudur xây dựng vào thế kỷ thứ 8 và Chùa Sewu ở Trung Java, Batujaya ở Tây Java, Muaro Jambi, Muara Takus và Chùa Đền Bahal ở Sumatra, v.v...

Borobudur, hiện được xem là niềm tự hào của PG tại Indonesia và là 1 trong 70 kỳ quan của thế giới được Tổ chức Unesco ghi nhận là một Thánh tích quan trọng, và đã tài trợ để trùng tu vào năm 1973. Bảo tháp hiện nay tọa lạc ở quận Borobudur, miền Nam Magelang, Trung tâm Java, Indonesia. Quần thể kiến trúc độc đáo này được xây dựng trên một ngọn đồi cao 27 mét (rộng 2 cây số rưỡi), chiều cao của tháp là 32 mét, gồm có 9 tầng với sự kết hợp của 1.600.000 phiến đá chạm trổ, 504 tượng Phật, 72 tháp hình quả chuông và 1500 tháp hình tứ giác. Bảo tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 7 và 8 Tây lịch. Theo các nhà khảo cổ thì công trình xây dựng vĩ đại này phải mất 100 năm để hoàn thành.

Ở Ấn Độ gọi Tháp là Stùpa hay Thùpa,Trung Hoa gọi là Phù Đồ hay Phật Đồ, Tích Lan gọi là Dagola, Miến Điện gọi là Pagoda, Tây Tạng gọi là Chorten hay Tumulus, tiếng Anh gọi là Tower... nghĩa là chỗ cao ráo trang nghiêm, nơi hội tụ công đức, ngôi lăng mộ lớn, nơi để tôn thờ xá lợi của Phật và các vị A La Hán. Ngay sau khi Phật nhập diệt, tại Ấn Độ 2 Bảo Tháp đầu tiên được xây dựng để phụng thờ xá lợi Phật là Câu Thi Na và Ma Kiệt Đà, là biểu tượng quan trọng của Phật giáo.

Danh hiệu Borobudur (Bà La Phù Đồ) phát xuất từ nguyên ngữ Sanskrit, có nghĩa là "Ngôi chùa ở trên đồi" (Buddhist Monastery on the hill), và nhiều nghĩa khác nhau là : "Borobudur là Borobudur", nghĩa là Borobudur chỉ là một cái độc nhất vô nhị theo kiểu cách của chính nó, không giải thích, không bàn cãi được. Theo họa sĩ Nieuwenkamp thì cho rằng "Borobudur như là một đóa sen lớn rực rỡ nổi lên giữa hồ" (a big lotus flower bud ready to bloom was floating on a lake). Ý kiến này được nhà khảo cổ N. Rangkuti (1987) đồng ý rằng hình ảnh của Borobudur trông nổi bật so với tất cả những phong cảnh bao quanh nó. Rồi từ những nghiên cứu về địa lý, các chuyên gia chứng minh rằng Borobudur vào thời điểm ấy được thiết kế ở giữa một cái hồ rất lớn, tất cả những làng mạc xung quanh Borobudur đều ở độ cao 235m so với mặt biển. Mực nước này hiện nay vẫn giống nhau so với mực nước của một cái hồ cạnh Borobudur. Rồi dựa trên bản khắc năm 842 TL, nhà khảo cổ Casparis cho rằng "Borobudur là một nơi để cầu nguyện" (a place for praying). Borobudur là "Vô lượng Phật" (Countless Buddhas), là "Núi công đức của các Bồ tát" (A mountain of the virtues of the Bodhisattava). Đối với người Indonesia thì định nghĩa đơn giản hơn, Borobudur có nghĩa là “ngôi chùa ở Bobur” ( Monastery at Budur), vì Budur là địa danh của Java (Indonesia cũ) và Boro được biến thể từ chữ Bara và Byhara, phát xuất từ chữ "Vihara" (chùa), một từ của Sanskrit.

Borobudur quay mặt về hướng đông, có 4 cửa và 9 tầng: Tầng thứ nhất được thiết tạo những tháp hình tứ giác với những hình tượng Phật và Bồ tát được chạm trổ lên đó, đặc biệt là ghi lại toàn bộ lịch sử của Đức Phật Thích Ca Mưu Ni, vị khai sáng đạo Phật, với những quang cảnh từ đản sinh, xuất gia, thành đạo, giáo hóa và Niết bàn. Tầng thứ hai, chạm trổ những chuyện tiền thân của Phật Thích Ca được mô tả trong Jataka. Tầng thứ ba, bốn và năm là trình bày hình ảnh của các vị Bồ tát như Quan Âm, Địa Tạng... đặc biệt là chuyện Sudha gặp Bồ tát Di Lặc (Maitreya) được diễn tả trong Kinh Hoa Nghiêm. Và bốn tầng tháp còn lại phía trên là phần tháp hình quả chuông. Trong mỗi tháp đều có tôn trí hình tượng Phật. Toàn bộ 1.600.000 phiến đá lớn nhỏ của Borobudur được điêu khắc và chạm trổ một cách tinh tế, sắc sảo và đẹp đẽ đã tạo nên một vẻ đẹp hùng tráng cho Borobudur.

Về mặt tổng thể, Borobudur được nhìn từ trên cao xuống trông giống như một đồ hình Mandala, biểu trưng cho cấu trúc của vũ trụ theo quan điểm của PG, trời tròn đất vuông.Thời gian xây dựng Tháp Borobudur được tính từ năm 750 đến 850 TL trong khoảng thời gian của hai Triều đại Sailendra và Sanjaya.

Triều Vua Sailendra trị vì một phần lớn ở Sumatra và tầm ảnh hưởng của hoàng gia này kéo dài đến miền Đông Ấn Độ. Các vị vua của triều đại này đều là tín đồ thuần thành của PG Đại Thừa, một tông phái PG xuất phát từ Bắc Ấn Độ, kinh điển viết bằng ngôn ngữ Sanskrit. Triều đại này đã phát tâm kiến tạo công trình vĩ đại này vào năm 750 TL như để dánh dấu sự vững mạnh của PG tại Indonesia vào thời bấy giờ.

Bảo tháp Borobudur được khám phá vào năm 1814 do công của Toàn quyền Anh quốc tại Indonesia, ông Thomas Stanford Raffles, trong tình trạng bị đổ nát và chôn vùi dưới một vùng cây cối um tùm. Người ta tin rằng bảo tháp đã bị mất tích sau cơn núi lửa xảy ra tại vùng này vào thế kỷ thứ 14. Sau đó, Toàn quyền Raffles đã cho dân làng khai quật và mọi người đều sửng sốt trước “một ngôi vườn tháp” của Java vĩ đại như thế mà bấy lâu họ không hề biết.

Đến năm 1900, chính quyền Hòa Lan tiếp thu Indonesia và họ đã thành lập một Ủy ban bảo trì Borobudur, một dự án trùng tu lại Borobudur được thực hiện ngay lập tức vào năm 1907 đến 1911 bởi tiến sĩ Th. Van Erg, một kỹ sư quân sự Hòa Lan, công trình trùng tu này đã bị ngưng lại vì những biến động của Thế chiến thứ nhất (1913-1917). Trong hai thập niên 1950 và 1960, chính quyền Indonesia có nhiều chương trình trùng tu nho nhỏ. Đến năm 1967, Giáo sư Soekmono, Chủ tịch Viện Khảo cổ Indonesia, kêu gọi tổ chức Unessco cứu vãn Borobudur và tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc này đã ghi nhận Borobudur là một di tích lịch sử quan trọng của thế giới và đã tài trợ để trùng tu lại Thánh tích này từ năm 1973 đến 1983. Công việc đại trùng tu này kéo dài ròng rã 10 năm, với 700 công nhân làm việc toàn thời, sáu ngày mỗi tuần, để khai quật, cạo rửa, tô đắp và sắp xếp lại những phiến đá bị đánh cắp... đặc biệt hãng máy tính IBM đã tài trợ cho ban trùng tu một máy điện toán để giúp tính toán đo đạt và thay thế những phiến đá chạm trổ bị đánh cắp vào những chỗ trống sao cho cân xứng.  Cuối cùng công việc trùng tu đã hoàn mãn với tổng chi phí là 25 triệu đô la, tăng gấp ba lần so với dự tính ban đầu. Trong ngày khánh tạ Borobudur, 23 tháng 2 năm 1983, Tổng thống Indonesia, ông Suharto đã phát biểu rằng: "Chính quyền Indonesia luôn quan tâm đến những di sản của lịch sử và có những kế hoạch để bảo trì. Từ nay Borobudur đã có thể chịu đựng với thời gian một ngàn năm nữa...."

 Borobudur 1 (7)

 Borobudur 1 (10)
Đại Tháp Borobudur ở Java, niềm tự hào của Phật Giáo Indonesia




Nhiều nhà Khảo cổ học và Sử học tin rằng ngôi Bảo tháp vĩ đại này được xây dựng bởi Vua Sailendras như để biểu dương sức mạnh chính trị của mình. Cũng có ý kiến cho rằng Borobudur chỉ là sản phẩm của những vị vua Phật Giáo chuyên chế, tự nhận mình là những vị Bồ tát để thực hiện công trình vĩ đại này, ngõ hầu vinh danh PG và cũng để tôn vinh chính mình. Cho dù mục đích của người tạo dựng ra nó là gì, Borobudur vẫn là Borobudur như thuở nào mà người Phật tử Indonesia thường gọi như vậy để nói lên niềm tự hào của mình.

Borobudur được xem là hòn ngọc của vùng Nam bán cầu, rõ ràng Borobudur đã trở nên nổi tiếng từ khi tổ chức Unessco biết đến, hằng năm có nhiều chục ngàn người đổ xô về chiêm bái Thánh tích này. Bốn khách sạn lớn được dựng lên ở một thành phố gần Borobudur để cung ứng cho nhu cầu du lịch nơi vùng này.

Ngày nay Borobudur nằm giữa một thung lũng được bao quanh bởi những ngọn đồi thấp, và đặc biệt là nằm ở giữa hai con sông lớn của Indonesia là Progo và Elo. Borobudur cách 90 km về hướng Đông Nam của tỉnh Semarang và khoảng 42 km hướng Tây Bắc của thành phố Yogyakarta. Du khách có thể chọn xe Taxi hoặc xe buýt để viếng thăm Thánh tích nổi tiếng này.

 Phật Giáo Indonesia ngày nay:

Theo thống kê năm 2023, Indonesia có khoảng 2 triệu công dân tự nhận mình là tín đồ Phật Giáo, hầu hết cộng đồng Phật tử tập trung ở Jakarta, Quần đảo Riau, Bangka Belitung, miền Bắc Sumatra và miền Tây Kalimantan.

Sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Sukarno vào giữa thập niên 1960, Pancasila đã được tái khẳng định là chính sách chính thức của Indonesia về tôn giáo chỉ công nhận độc thần giáo. Kết quả là, người sáng lập Tổ chức Phật giáo Perbuddhi ở Indonesia, Tỳ Kheo Ashin Jinarakkhita, đã đề xuất rằng chỉ có một vị Thần Phật giáo tối cao duy nhất, Sanghyang Adi Buddha, mặc dù cách giải thích này về Đức Phật gây tranh cãi và không được Phật giáo Nguyên thủy chấp nhận rộng rãi. Người ta cho rằng cách giải thích của Ngài Ashin được ủng hộ bởi lịch sử đằng sau phiên bản Phật giáo Indonesia trong các văn bản Java cổ và hình dạng của Đại Tháp Borobudur.

Năm 1934, Hòa Thượng Narada Thera, một nhà Sư truyền giáo nổi tiếng từ Tích Lan, đã đến thăm Indonesia lần đầu tiên như một phần trong hành trình truyền bá Phật pháp của Ngài ở Đông Nam Á. Một số Phật tử địa phương đã tận dụng cơ hội này để phục hưng Phật giáo ở Indonesia. Một buổi lễ trồng cây Bồ đề đã được tổ chức trước Đại Tháp Borobudur vào ngày 10 tháng 3 năm 1934 dưới sự chứng minh của HT. Narada, và có một số Phật tử bản địa Indonesia đã phát tâm xuất gia trong dịp này.


Narada-maha-thera

Hòa Thượng Narada Mahathera (1898-1983)

Ashin Jinarakkhita-2Hòa Thượng Ashin Jinarakkhita (1923-2002)

người tiên phong trong công cuộc phục hưng Phật giáo tại Indonesia
 

 
Năm 1955, một nhà Sư Indonesia gốc Hoa đạo hiệu là Ashin Jinarakkhita, bắt đầu chuyến du hành qua nhiều vùng khác nhau ở Indonesia để truyền bá Phật pháp. Ngài Ashin Jinarakkhita, thế danh Tee Boan An (戴满安 | Đới Mãn An) chào đời ngày 23 tháng 02 năm 1923 tại Bogor, miền Tây Java, Indonesia, Cha của Ngài là cụ ông Tee Hong Gie (戴鴻義 | Đới Hồng Nghĩa ) và Mẹ của Ngài là cụ bà Tan Sep Moy (陳世梅 | Trần Thế Mai). Ngài Ashin Jinarakkhita thông thạo tiếng Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, từng đi du học ở Hà Lan rồi trở về Indonesia làm giáo viên môn hóa học tại một số trường trung học ở Jakarta. Nhưng đến năm 1953 Ngài đến Trung Quốc xuất gia và tu học, tiếp đó, Ngài đến Miến Điện tu Thiền Quán Niệm  (Vipassanā) với Thiền Sư Mahasi Sayadaw và thọ Cụ Túc Giới tại Thiền viện Mahasi Sasana Yeiktha vào ngày 5 tháng 5 năm 1954  được Sư phụ Mahasi ban cho pháp danh là Ashin Jinarakkhita. Sau một năm tu học ở Miến Điện Ngài trở về quê hương để góp sức phục hưng Phật Pháp. Năm 1955, Ngài đứng ra thành lập Persaudaraan Upasaka-Upasika Indonesia (PUUI), tổ chức này mở lớp dạy giáo lý, hướng dẫn, đào tạo Phật tử tại gia Indonesia trở thành người con Phật chân chánh hộ trì và bảo vệ Chánh Pháp. Năm 1960, Ngài Ashin Jinarakkhita thành lập Sangha Suci Indonesia (Tăng Đoàn Indonesia), tổ chức này như một diễn đàn dành cho giới xuất gia, đến năm 1963, tổ chức này đổi qua danh xưng là: Maha Sangha Indonesia. Năm 1974, Tăng đoàn Indonesia tổ chức đại hội và thống nhất các tông phái PG Indonesia bao gồm Nam Truyền, Bắc Truyền và Kim Cương thừa.

Trong thời kỳ Trật tự mới, Tổng thống Suharto, đã xem Phật giáo và Ấn Độ giáo là những tôn giáo cổ điển của Indonesia. Trong thời cầm quyền của Tổng thống Suharto (31 năm, từ 1967 đến 1998), việc thể hiện và thực hành bản sắc văn hóa Trung Hoa hầu như bị ngăn cấm. Do đó, nhiều tín ngưỡng truyền thống của Trung Hoa như Nho giáo và Đạo giáo đã được đưa vào hoạt động chung với Phật giáo của những người gốc Hoa, chủ yếu là theo tông phái Đại thừa.

Lễ truyền giới đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy cho các Tỳ Kheo Ni ở Indonesia sau hơn một nghìn năm đã diễn ra vào năm 2015 tại Wisma Kusalayani ở Lembang, Bandung, miền Tây Java.

Ngày nay, liên quan đến nguyên tắc Pancasila, một nhà Sư Phật giáo, đại diện cho Tăng đoàn Phật giáo Indonesia, sẽ tham gia vào hầu hết các nghi lễ do nhà nước bảo trợ. Nghi lễ luôn bao gồm một lời cầu nguyện do một giáo sĩ Hồi giáo chủ trì với đại diện của các tôn giáo khác đứng thành một hàng phía sau ông. Mặc dù phần lớn Phật tử Indonesia theo Tông Phái Đại thừa Trung Quốc, nhưng thông thường đại diện của Phật giáo do Chính phủ lựa chọn lại là một Tăng sĩ theo Tông phái Phật Giáo Nguyên Thủy Indonesia.

Mỗi năm một lần, hàng ngàn Phật tử từ Indonesia và các nước lân cận đổ về Đại Tháp Borobudur để tham dự Lễ Vesak.

Ngày nay, ở Indonesia, Phật giáo chủ yếu còn sinh hoạt trong cộng đồng người Hoa và một số nhóm bản địa nhỏ của Indonesia. Hầu hết người Indonesia gốc Hoa sinh sống ở các khu vực thành thị, do đó người Indonesia theo Phật giáo chủ yếu cũng sống ở các khu vực thành thị. Mười tỉnh hàng đầu của Indonesia có dân số theo Phật giáo đáng kể là; Jakarta, Bắc Sumatra, Tây Kalimantan, Banten, Riau, Quần đảo Riau, Tây Java, Đông Java, Nam Sumatra và Trung Java.

Một nhóm nhỏ người Sasak được gọi là "Bodha" chủ yếu được tìm thấy ở làng Bentek và trên sườn núi Gunung Rinjani, Lombok. Họ đã tránh được mọi ảnh hưởng của Hồi giáo và thờ các vị Thần như Dewi Sri dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo Kim Cương Thừa và Ấn Độ giáo. Nhóm người Sasak này, một phần là do tên của bộ tộc họ, được chính phủ Indonesia công nhận là Phật tử. Hiện nay, có hơn 10.000 Phật tử trong cộng đồng của họ và một số nhỏ theo truyền thống PG Nguyên Thủy.

Các nhóm Phật tử Java cũng tồn tại và chủ yếu được tìm thấy ở các làng và thành phố ở Trung và Đông Java. Các huyện Temanggung, Blitar và Jepara có khoảng 30.000 Phật tử, chủ yếu là người Java. Ví dụ, dân số Phật tử Java bản địa hình thành nên phần lớn ở các làng miền núi của tiểu huyện Kaloran ở huyện Temanggung, Trung Java.

Hiện tại Indonesia có 3 truyền thống Phật Giáo:

1/Phật giáo Nguyên thủy: Cộng đồng Phật tử tu tập theo những lời dạy nguyên thủy của Đức Phật được ghi lại trong Kinh tạng Pali, các chùa theo nhóm này hiện có ở Bali, Sumatra và Kalimantan.

2/Phật giáo Đại thừa: Bao gồm nhiều tông phái khác nhau như Tịnh độ tông, Thiền tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông và Nhật liên Tông (PG Nhật Bản). Cộng đồng Phật tử Đại thừa sinh sống ở các nơi như Java, Jakarta, Sumatra, Kalimantan, Banten, Riau…

3/ Phật giáo Kim Cương thừa: Còn được gọi là Phật giáo Tây Tạng, ít phổ biến ở Indonesia nhưng được một số ít người bản địa thực hành, đặc biệt là người tị nạn Tây Tạng và con cháu của họ.


Kinh Phật ở Indonesia:

Kinh điển Phật giáo ở Indonesia bao gồm kinh điển Pali của Phật giáo Nguyên thủy, kinh điển Đại thừa và Phật giáo Tây Tạng. Kinh điển Pali, bao gồm Luật Tạng, Kinh Tạng và Luận Tạng, là nền tảng cho việc tu tập theo Phật giáo Nguyên thủy. Các kinh điển Đại thừa như Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm được tôn kính vì những lời dạy về lòng từ bi và tánh Không. Trong khi đó, kinh điển Phật giáo Tây Tạng, bao gồm bộ Kinh Kangyur và Luận Tengyur (nổi bật những bài giảng về Đại Trí Độ Luận và các bộ luận của Ngài Thiên Thân, Phật Hộ, Nguyệt Xứng, Long Thọ, Tịch Thiên), cung cấp những hiểu biết sâu sắc về thiền định và nghi lễ. Những câu chuyện tiền Thân Đức Phật (Jataka | 本生經) và những luận bản của PG bản địa làm phong phú thêm cho di sản văn học Phật giáo Indonesia, nuôi dưỡng mối liên hệ sâu sắc giữa các nền văn hóa đa dạng của đất nước này với lời dạy của Đức Phật.

Lễ hội Phật giáo Indonesia:

Các lễ hội Phật giáo phản ánh truyền thống và nền văn hóa đa dạng của cộng đồng Phật tử. Một số lễ hội Phật giáo đáng chú ý được tổ chức ở Indonesia là:

1/ Vesak: Được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng 5 hằng năm, Vesak là lễ hội Tam hợp kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh, giác ngộ và nhập Niết bàn (Parinirvana). Cộng đồng Phật tử tụ tập tại các ngôi chùa để cầu nguyện, rước nến và dâng lễ vật là thức ăn và hoa.

2/ Kathina: Lễ hội này diễn ra sau khi kết thúc ba tháng an cư mùa mưa (Varsa) dành cho chư Tăng PG Nguyên Thủy. Lễ dâng y Kathina bao gồm việc dâng y áo và các phẩm vật cần thiết cho người tu sĩ.

3/ Asalha Puja: Còn được gọi là Ngày Chuyển Pháp Luân (Dhammacakka) đánh dấu ngày Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên ở Vườn Lộc Uyển. Lễ hội này thường diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Āsādha, tức là tháng 7 hằng năm tại Indonesia.

Chùa Phật Giáo hiện nay ở Indonesia:

1/ Phế tích Chùa Muaro Jambi: Tiếng Indonesia gọi là  Candi Muaro Jambi, tọa lạc ở Muaro Jambi Regency, tỉnh Jambi, Sumatra, Indonesia. Chùa này được xây dựng từ thời Melayu, được xem là ngôi chùa cổ còn sót lại từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 13 sau Tây lịch. Di tích khảo cổ này bao gồm tám khu bảo tồn đền thờ đã khai quật và bao phủ khoảng 12 km vuông và trải dài 7,5 km, dọc theo Sông Batang Hari, với những ngôi chùa đổ nát vẫn chưa được phục hồi. Chùa này là một trong những quần thể kiến trúc cổ lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Đông Nam Á. Người ta cho rằng Chùa Muaro Jambi có thể là vị trí ban đầu của vương quốc Srivijaya. Nguyên nhân chủ yếu là do Muaro Jambi có mật độ chùa phong phú hơn nhiều, trái ngược với sự khan hiếm các địa điểm khảo cổ ở miền Nam Sumatra.

Candi_Muaro_Jambi_di_siang_hari
Phế tích Chùa Muaro Jambi, Tiếng Indonesia
gọi là  Candi Muaro Jambi,  tọa lạc ở Muaro Jambi Regency, tỉnh Jambi, Sumatra, Indonesia.


2/Chùa Kim Đức
(Kim Tek Ie/Vihara Dharma Bhakti/ 金德): Tọa lạc ở khu phố China Town của Glodok, Jakarta, Indonesia. Chùa xây dựng vào năm 1650, được xem là ngôi chùa Trung Quốc lâu đời nhất ở Jakarta. Ngôi chùa này từng bị thiêu rụi trong cuộc thảm sát sắc tộc Hoa kiều vào năm 1740. Sau sự cố này, Toàn quyền Gustaaf Willem van Imhoff đã thành lập một tổ chức bán tự trị cho mỗi nhóm dân tộc để giám sát và điều phối các vấn đề xã hội và tôn giáo của cộng đồng. Đối với nhóm dân tộc Hoa, tổ chức này được gọi là Kong Koan. Kong Koan đã trùng tu lại chùa này vào năm 1755. Rồi chùa Kim Đức này bị hỏa hoạn một lần nữa vào ngày 2 tháng 3 năm 2015, nguyên nhân của đám cháy xuất phát từ một mảnh bạt treo gần những ngọn nến bắt lửa và sau đó lan ra khắp tòa Chánh điện, cơn hỏa hoạn đã  thiêu hủy hơn 40 tác phẩm điêu khắc lịch sử PG và hiện vật giá trị. Chùa được trùng tu tạm thời vào năm 2019 cho cộng đồng Phật tử về sinh hoạt. Chùa Kim Đức xưa nay vẫn là trung tâm tổ chức các lễ hội của người Hoa gốc Phúc Kiến ở Jakarta.

chua kim duc

Chùa Kim Đức (Kim Tek Ie/Vihara Dharma Bhakti/ 金德):

ngôi chùa cổ gần 400 tuổi tại thủ đô Jakarta, Indonesia





3/ Chùa Buddhagaya (Bồ Đề Đạo Tràng)
: Tọa lạc ở Semarang, Indonesia. Người Hoa Phúc Kiến gọi là Chùa Đại Bá Công (Tua Pek Kong/大伯公) vì trong chùa có thờ cúng vị này như là một vị Thần giúp cho việc kinh doanh buôn bán của họ thêm thuận lợi. Kiến trúc ngôi chùa này có nguồn gốc từ thời Majapahit ( từ 1293 đến 1527), Phật giáo thời đó là quốc giáo. Với sự sụp đổ của Đế chế Majapahit và sự lan rộng của đạo Hồi, việc thực hành Phật giáo đã giảm mạnh. Phật giáo đã tái xuất hiện 500 năm sau đó. Nỗ lực đầu tiên để truyền bá Phật giáo diễn ra vào thời kỳ thuộc địa của Hà Lan thông qua Tỳ Kheo Ashin Jinarakkhita với sự khuyến khích của Đại Sư Narada Maha Thera. Vào năm 1955, địa chủ Semarang người Hoa Goei Thwan Ling có duyên gặp Ngài Ashin Jinarakkhita tại lễ Vesak 2549 tại Đại Tháp Borobudur và ông đã phát tâm cúng dường một phần đất của mình để xây dựng lại chùa Buddhagaya này. Từ năm 1955 đến cuối đời, Hòa Thượng Ashin Jinarakkhita lưu trú và phục hưng Phật Pháp tại Indonesia từ ngôi chùa này.

chua ba cong
Chùa Buddhagaya (Bồ Đề Đạo Tràng) Tọa lạc ở Semarang, Indonesia. 



4/ Chùa Lâm Tỳ Ni:
Tiếng Indonesia gọi là Taman Alam Lumbini, là chùa Phật giáo tại Desa Dolat Rayat, Berastagi ở miền Bắc Sumatra, Indonesia. Ngôi chùa được khánh thành vào năm 2010. Buổi lễ có sự tham dự của hơn 1.300 Tăng Ni và Phật tử khắp nơi trên thế giới. Taman Alam Lumbini được xem là bản sao của Chùa Shwedagon ở Yangon, Miến Điện. Kiến trúc và dát vàng đều giống như nhau. Chùa được xây dựng vào năm 2007 và hoàn tất vào năm 2010. Ngôi tháp cao 46,8 mét và rộng 68 mét.

chua lam ty ni-indonesia
         Chùa Lâm Tỳ Ni tại Desa Dolat Rayat, Berastagi ở miền Bắc Sumatra, Indonesia
                                    

5/Maha Vihara Maitreya (Chùa Di Lặc): Tọa lạc ở Medan, Bắc Sumatra, được xem là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất hiện nay ở Indonesia. Chùa được xây dựng vào năm 1991 trên diện tích 4,5 ha và được khánh thành vào ngày 21 tháng 8 năm 2008. Maha Vihara Maitreya được xây dựng như một nơi thờ cúng cho các Phật tử ở Medan nói riêng và Bắc Sumatra nói chung, vì có rất nhiều người Hoa sinh sống tại thành phố này. Đúng như tên gọi Maitreya, ngôi chùa này tụng kinh và áp dụng lời dạy của Đức Phật Di Lặc. Ngôi chùa được chia thành ba điện chính. Chánh điện thứ nhất dung chứa 1.500 người, thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Quan Âm và Quan Thánh Đế Quân (Satyakalama). Chánh điện thứ hai chứa 2.500 người, thờ Đức Phật Di Lặc. Tòa nhà thứ ba là một phòng hội họp có sức chứa 2.000 người.

 

chua di lac-3chua di lac-2

chua di lac
Maha Vihara Maitreya (Chùa Di Lặc),
Tọa lạc ở Medan, Bắc Sumatra, được xem là ngôi chùa Phật giáo
lớn nhất hiện nay ở Indonesia.

 



6/ Vihara Mahavira Graha Pusat
大叢山 (Đại Tùng Sơn): Chùa tọa lạc ở phía Bắc Jakarta. Năm 1989, Hòa Thượng Huệ Hùng (Hui Siong/Prajnavira) hiện là Chủ tịch Hội Tăng Già Thế Giới, đến hoằng Pháp và bắt đầu xây dựng ngôi chùa này với mục đích cung ứng nền giáo dục PG cho quần chúng Phật tử.

Đại Tùng Sơn xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại với một tòa nhà gồm 1 trệt và 4 lầu, mỗi tầng  có diện tích hơn 2800m2: tầng 1 và tầng 2 là Hội trường lớn có sức chứa hơn 3000 người; tầng 3 là Giảng đường; tầng 4 là Chánh điện và Thư viện, tầng 5 được thiết trí với 28 phòng họp, phòng khách v.v...; trong khi phần dưới của tòa nhà được thiết kế làm trai đường với 80 bàn.

Chùa Đại Tùng Sơn hằng năm tổ chức nhiều loại hình hoạt động tâm linh đa dạng và phong phú. Vào mỗi Chủ Nhật  từ 9 giờ sáng, một buổi lễ dành cho giới thanh thiếu niên và sinh viên, sau đó vào lúc 10:30, hơn hàng ngàn người đã đến tham dự lễ và nghe pháp thoại; cùng ngày, các lớp học tiếng Trung và các ngoại ngữ khác, lớp dạy múa lân và rồng, lớp đào tạo tình nguyện viên, lớp thảo luận về Phật pháp của phụ nữ; buổi chiều, Chư Tăng Ni  cùng quý Phật tử đến thăm các bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại các bệnh viện; vào mỗi thứ Sáu, một số Phật tử tình nguyện và Chư Tăng Ni đến thăm các bệnh nhân ung thư để động viên an ủi và cùng nhau cầu nguyện; vào mỗi chiều thứ Bảy có một buổi lễ tụng kinh tiếng Trung và sau đó là một phiên chợ thực phẩm giá rẻ dành cho những Phật tử có nhu cầu.

 

dai tung son

dai tung son-2
Chùa Đại Tùng Sơn ở thủ đô Jakarta do Hòa Thượng Huệ Hùng khai sơn và trụ trì

ht hue hung
Hòa Thượng Huệ Hùng (giữa) Chủ tịch Hội đồng Tăng già Phật giáo thế giới, Chủ Tịch Hội Phật Giáo Indonesia)
Cùng Lạt Ma Khenpo (Hồng Kông) & Thượng Tọa Nguyên Tạng (Úc Châu)
Hình chụp tại Đại Hội Tăng Già Thế Giới kỳ 11 tại Auckland, Tân Tây Lan (đầu năm 2024)
Mời xem: https://quangduc.com/a77622/members-of-wbsc-term-2024-2028
 


 

Những ngôi Chùa Phật Giáo ở Bali

Bali là một tỉnh của Indonesia, tỉnh này bao gồm đảo chính Bali và một vài đảo nhỏ lân cận, đáng chú ý là Nusa Penida, Nusa Lembongan, và Nusa Ceningan. Bali chỉ cách Darwin (Bắc Úc) 2 giờ 40 phút máy bay, nên người Úc thích viếng thăm Bali, là điểm đến đầu tiên khi họ du lịch bên ngoài xứ Úc. Bali với dân số là 3.890.757 người,  đa số là người theo Ấn Giáo, Hồi Giáo và Phật giáo.

Địa điểm thu hút khách du lịch đến Bali của Indonesia là hàng ngàn ngôi đền Ấn Giáo, chùa Phật Giáo nằm rải rác trên vùng cao nguyên và dọc theo bờ biển ở hòn đảo nhiệt đới đẹp như tranh vẽ này. Trên thực tế, một số ngôi đền, chùa đã trở thành một số địa danh mang tính biểu tượng nhất của Bali. Với hơn 20.000 ngôi đền, chùa rải rác trên đảo, du khách chắc chắn sẽ có nhiều lựa chọn! Và sau đây là 5 ngôi chùa Phật giáo hàng đầu mà chúng ta nên ghé thăm.

1/Chùa Vihara Dharmayana ở Legian, Kuta, Bali

Vượt qua khỏi dòng xe cộ đông đúc trong một khu phố nhỏ ẩn mình, là ngôi Chùa Vihara Dharmayana, được thành lập vào năm 1876 và là một trong những viên ngọc quý nguyên vẹn cuối cùng còn sót lại ở Bali, đây là một trong những ngôi chùa Phật giáo lâu đời nhất ở Kuta có niên đại 200 năm. Chùa đẹp lộng lẫy với kiến ​​trúc Trung Hoa phức hợp, màu sắc rực rỡ với những cây cột đỏ khổng lồ, những tác phẩm phù điêu khắc rồng, phượng Trung Hoa và đèn lồng đỏ cỡ lớn, đặc biệt có hồ nước bao quanh để mọi người đến phóng sanh rùa.

Vihara Dharmayana-1
    Chùa Vihara Dharmayana ở Legian, Kuta, Bali
                                                   


2/ Chùa Vihara Dharma Giri ở Tabanan, Tây Bali

Trong số những điểm tham quan hàng đầu ở Pupuan, Tabanan, phía Tây Bali là Chùa Vihara Dharma Giri, nổi tiếng nhất với tôn tượng Phật Niết Bàn khổng lồ.


3/Chùa Brahma Arama ở Banjar, Bắc Bali

Chùa được xây dựng vào những năm 1960, tọa lạc gần Bajar ở Bắc Bali, và  được xem là ngôi chùa Phật giáo lớn nhất và điểm đến bậc nhất tại Bali của các phái đoàn hành hương. Tại nơi đây, có hai tôn tượng Phật thực sự thu hút ánh nhìn của du khách, tượng Phật này trông rất đẹp được làm bằng đồng dát vàng, là món quà gởi tặng từ Sri Lanka vào năm 1977. Bên cạnh pho  tượng Phật này, trong khuôn viên chùa còn có 31 tượng làm bằng đá khác rất đẹp mắt. Nhiều du khách đến đây vì muốn đến gần với Đức Phật hơn và thích không gian tĩnh lặng  ở nơi này. Quả thật, chùa Brahma Arama không chỉ là nơi giúp du khách khám phá, phát triển tâm linh mà con là nơi cho Phật tử các giới đến cầu nguyện và thiền tập mỗi ngày. 

 


brahma-vihara-arama-1
  Chùa Brahma Arama lớn nhất
và điểm đến bậc nhất tại Bali của các phái đoàn hành hương
                                


Quy định khi đến thăm đền chùa ở Bali


a/Mặc sarong:
Giống như nhiều nơi thờ cúng khác, điều quan trọng là bạn phải thể hiện sự tôn kính bằng cách ăn mặc giản dị. Khi đến thăm các Chùa Phật giáo ở Bali, cả nam và nữ đều phải mặc sarong để che chân đến dưới đầu gối. Hầu hết các ngôi chùa đều có sarong mà du khách có thể sử dụng ở lối vào.


b/Tránh hướng chân về phía bàn thờ:
Trong văn hóa Bali, bàn chân được coi là không sạch sẽ, điều đó có nghĩa là hướng chân về phía bàn thờ được xem là hành vi bất kính. Đàn ông thường ngồi bắt chéo chân, trong khi phụ nữ sẽ quỳ gối khi cầu nguyện.


c/Quy định đặc biệt dành cho phụ nữ:
Một trong những quy định gây tranh cãi nhất đối với du khách khi đến thăm các ngôi đền, chùa ở Bali bao gồm những quy định áp dụng cho phụ nữ. Cụ thể, những phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt không được phép bước vào đền, chùa. Điều này bắt nguồn từ niềm tin cổ xưa rằng phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt là "không trong sạch" nên họ không được bước vào vùng đất thiêng. Tương tự như vậy, những phụ nữ mang thai hơn 7 tháng hoặc đã sinh con trong vòng 6 tuần trước khi đến thăm được khuyến cáo không nên vào đền, chùa.



Lời kết:

Cho dù hiện tại Indonesia là một quốc gia Hồi Giáo với số lượng tín đồ trên 80% nhưng Phật giáo vẫn có một chỗ đứng nhất định trong lòng lịch sử của quốc gia này. Sau khi trải qua thời kỳ hoàng kim của Triều đại Srivijaya và Majapahit, Phật giáo ở Indonesia cuối cùng đã suy tàn khi Hồi giáo truyền đến quốc gia này. Tuy nhiên, sau nhiều thế kỷ ngủ say, Phật Giáo đã hồi sinh trở lại ở Indonesia sau khi chính quyền thuộc địa Hòa Lan khai quật thành công Đại tháp Borobudur vào cuối thế kỷ thứ 19. Hành trình phục hưng và phát triển của Phật giáo Indonesia bắt đầu từ Hòa Thượng Ashin Jinarakkhita  ( 1923- 2002), người Indo gốc Hoa. Và hiện nay với sự xuất hiện của Hòa Thượng Huệ Hùng, Chủ tịch Hội đồng Tăng già Phật giáo Thế giới, Chủ tịch Hội Phật giáo Indonesia và cũng là Viện Chủ Chùa Đại Tùng Sơn ở thủ đô Jakarta, người có những chương trình hoằng pháp, đưa Phật Pháp vào trong lòng xã hội, chắc chắn Phật Giáo ngày càng phát triển tại xứ sở vạn đảo này./.

 

Tổng hợp theo các tài liệu:

-Chris Scarre (1999), The Seventy Wonders of the Ancient World, Thames and Hudson Ltd, London.

- Robert Storey (1992) Indonesia, A Travel SurvivalKit, Lonely Planet, Australia

- Gerald Cubitt and Christopher Scarlett (1995), This is Indonesia, New Holland Publishers, Sydney.

- Bedrich Forman (1980) Borobudur, The Buddhist Legend in Stone, Octopus, London.

- Mitra, D (1971), Buddhist Monuments, Culcutta, India

- Ven. Dr. Ditthisampanno (2023), Buddhism in Indonesia, Past and Present.

- Most Venerable Abbot  Hui Xiong (2025) Mahavira  Vihara ( 大叢山) Jakarta, Indonesia: https://mahaviragrha.com

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/10/2024(Xem: 4975)
Talk show: Đi Tu Để Làm Gì ? (Sean Le, Channel Người Việt Hải Ngoại phỏng vấn: HT Thích Như Điển)
29/06/2024(Xem: 5066)
Tôi rất hân hạnh viết đôi lời giới thiệu cho cuốn sách có tựa đề ‘Phật Giáo và Thánh Tích ở Sri Lanka’ (Buddhism and Buddhist Holy Places in Sri Lanka) của Ni sư Tiến sĩ TN Giới Hương. Đây là một tác phẩm truyền cảm hứng tâm đạo và được đánh giá cao sau khi Ni sư đã thực hiện hai chuyến hành hương đến Sri Lanka năm 2016 và 2023.
28/02/2024(Xem: 4705)
Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, Người đã dấn thân vượt khó cầu xin Đức Phật cho phép Ni giới được xuất gia, hội nhập Tăng Đoàn, đã mở ra trang sử rạng ngời cho Ni giới ngày nay. Với lòng hoài niêm ân xưa, chư Ni miền Nam California chúng con hằng năm đều hân hoan, thành kính tổ chức Đại Lễ Tưởng Niệm Đức Thánh Tổ Kiều Đàm Di.
31/12/2023(Xem: 3586)
Vào ngày 27/12/2023, chùa Đức Viên tọa lạc tại số 2420 McLaughlin Avenue, thành phố San Jose, Hoa Kỳ đã trang nghiêm tổ chức Lễ khai mạc khóa tu thiếu nhi mùa Đông 2023. Khóa tu được tổ chức 4 ngày, từ ngày 27/12 đến ngày 30/12/2023. Tham dự khóa tu thiếu nhi mùa Đông năm nay có khoảng 200 thiếu nhi và đông đảo chư Ni; quý vị cha mẹ, anh chị phục vụ các công việc: hướng dẫn tu học, trang trí, âm thanh, truyền thông, nhiếp ảnh, ẩm thực, vệ sinh, trật tự v.v… Các em được chia thành 9 nhóm (theo lứa tuổi) và nhóm Sen Búp. Mỗi nhóm được quý Sư cô cùng các cô, các anh, các chị lớn phụ trách. Thời gian tu học và vui chơi mỗi ngày từ 08 giờ sáng đến 07 giờ tối.
30/12/2023(Xem: 3399)
Đoàn chư Ni và Phật tử Tu viện Huyền Không (San Jose, Hoa Kỳ), chùa An Lạc (Indianapolis, Hoa Kỳ) và chùa Đức Nguyên (Việt Nam) hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ và Nepal từ ngày 01/11 đến ngày 20/11/2023 dưới sự hướng dẫn của Ni sư Thích Nữ Nguyên Thiện và Ni sư Thích Nữ Viên Tâm.
26/10/2023(Xem: 4930)
Sự hiện diện của rất nhiều người là từ bi tâm và sự cống hiến của họ đã chạm đến tâm hồn và cuộc sống của rất nhiều người. So sánh sự hảo tâm hào phóng, sự tu tập và thành quả nỗ lực của bạn, thực sự tôi chỉ là một con cá bé nhỏ. Nhưng thà làm một con cá nhỏ bé tung tăng ngâm mình trong suối nguồn từ bi, còn hơn là một con cá nhỏ bị rán trong chảo lửa giận dữ.
09/08/2023(Xem: 3286)
Nổi tiếng vì đã ưu tiên Chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) hơn là tính hám lợi vì lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản phóng túng, Vương quốc Phật giáo Bhutan, nép mình trên cao nguyên trong bầu không khí hiếm có của phía đông Hymalaya, cũng đang có những bước tiến trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Báo cáo lần thứ tư về việc Khảo sát Bảo tồn loài Hổ Quốc gia Bhutan, gần đây Trung tâm Bảo tồn loài Hổ Quốc gia Bhutan hợp tác với Chính phủ Bhutan
19/04/2023(Xem: 3886)
Trong khi các chính trị gia và nhà đầu tư trên khắp thế giới ca ngợi việc thực hành chánh niệm như một công cụ “trấn tỉnh” để giảm mức độ căng thẳng, tăng năng suất và duy trì sự tập trung, không coi trọng trí tuệ là ưu tiên hàng đầu mà là sản phẩm phụ phát sinh từ chánh niệm sâu sắc. Nhưng trí tuệ là một trong ba thành phần không thể thiếu của giáo lý nhà Phật, cùng với kỷ luật đạo đức và định tâm, để phát triển cá nhân và trau dồi tinh thần.
17/03/2023(Xem: 3519)
Phật tử Tích Lan cung nghinh HT Thông Hải với nghi thức trang trọng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com