Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

26. Bạch Y Quán Âm

06/04/201114:36(Xem: 3887)
26. Bạch Y Quán Âm

TRUYỀN THUYẾT VỀ BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Diệu Hạnh Giao Trinh dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu

26. BẠCH Y QUÁN ÂM

Sau khi hiển hóa ở Trung Nguyên rồi, Bồ Tát Quán Âm bèn đi vân du ở biển Tây.

Hôm ấy, vừa đúng phiên chợ ở trấn Phù Dung, một thị trấn nhỏ nằm ngay dưới chân núi Phong Hoàng, người qua kẻ lại đông đúc náo nhiệt, chen chúc nhau trên mọi nẻo đường. Cứ dọc theo con đường lớn đi thẳng về phía trước thì ở góc đông bắc của chợ sẽ thấy có một tấm bảng viết bốn chữ lớn “Chữa bệnh cứu đời” đập ngay vào mắt. Nhìn kỹ, sẽ thấy dưới tấm bảng ấy có che một tấm lều vải 6 cạnh màu xanh, và trong tấm lều có một ni cô xinh đẹp thanh tú, với vẻ mặt hiền lành dễ mến, cùng hai cô chú sa di nhỏ khiêm tốn nhã nhặn ngồi bên cạnh.

Người ta làm sao biết được ba người ấy chính là Ngài Quán Âm cùng Long Nữ, Thiện Tài hóa phép biến thành?

Vừa đúng lúc ấy có một cụ già tay chống gậy, đi đứng khổ sở, khập khiễng bước vào lều, quỳ xuống đất nghe “bịch” một tiếng, nước mắt tuôn xuống dầm dề trên gò má già nua, cầu xin rằng:

– Ni sư đại từ đại bi, xin cô trị giùm tôi cái chân què này, nếu không thì mẹ già, vợ yếu và con thơ khó bề sống sót, tôi van cầu ni sư...

Cụ già khóc ngất, khuôn mặt tiều tụy hằn lên những nếp nhăn đau đớn sở khổ khiến ai nhìn cũng phải xót xa thương cảm. Ngài Quán Âm quan sát tình cảnh ấy, trong tâm tự động khởi lên lòng từ bi, vội vàng đỡ ông lão dậy mà hỏi một cách hoà nhã, thân thiết:

– Thưa bác, chân bác sao thế?

– Ôi!

Ông lão thở dài một tiếng và kể lể nguyên do với một giọng nói đẫm lệ.

Số là trấn Phù Du có một ông quan lớn, ỷ có người cậu làm quan Tể Tướng trong triều nên độc ác tàn bạo, coi trời không bằng cái vung, trong chu vi một trăm dặm dưới chân núi Phong Hoàng, không ai là không biết tiếng. Hơn nữa, ông có một thằng con trai, đó là một cậu công tử bụng dạ nham hiểm, chỉ biết chơi bời lêu lổng, trêu hoa ghẹo nguyệt, thật là một tên ác bá khét tiếng một vùng, trăm họ không ai là không oán hận tên nghiệt chủng này và đặt tên cho hắn là “con cọp họ Hoa”.

Ông lão nói trên là một trong những người làm công trong nhà họ Hoa này. Có một buổi tối nọ, “con cọp họ Hoa” mò đến cửa phòng cô em vợ hắn, ông lão ngỡ đâu là kẻ cướp vào nhà, trong cơn hoảng hốt vớ lấy bình hoa ném vào người hắn. Con cọp họ Hoa thẹn quá hóa khùng, bèn đánh đập ông lão một trận chết đi sống lại, từ đó chân ông trở nên tàn phế. Ông quan cha biết con làm chuyện đồi phong bại tục, không những đã không dạy dỗ mà còn trách mắng ông lão làm vỡ bình hoa của mình, rồi không chữa trị bệnh cho ông lão, lại chê ông đi đứng không nhanh nhẹn nữa nên đá ông ra khỏi nhà.

Ngài Quán Âm nghe xong, an ủi rằng:

– Thưa bác, bác đừng buồn khổ lo lắng gì nữa, bần ni sẽ chữa lành chân cho bác.

Long Nữ, Thiện Tài vội dìu ông lão ngồi lên cái ghế gỗ, Ngài Quán Âm dùng tay xoa chỗ bị thương rồi quan sát kỹ lưỡng bệnh tình, xong nắn bóp chữa trị. Không lâu sau, Ngài để cho ông đứng dậy đi thử, ông lão đi vài bước, thấy mình đi đứng dễ dàng nhanh nhẹn như xưa, không còn thấy đau đớn nữa, chẳng khác chi người bình thường. Ông lão bất giác kêu lên:

– Đúng là thần y! Chỉ trong phút chốc mà ni sư đã chữa lành cho tôi cái chân tàn phế cả năm nay rồi!

Nói xong, ông vội quỳ xuống đất khấu đầu lạy tạ không ngừng, bàn tay run run thò vào ngực móc ra một vài đồng bạc lẻ dâng lên cho Ngài Quán Âm. Nhưng Ngài đời nào chịu nhận tiền, vội đỡ ông lão lên nói:

– Bác ơi, không có chi đâu, chữa bệnh cứu đời là bổn phận của bần ni mà!

Trở lại người bị đặt tên là “con cọp họ Hoa”, tên thật của hắn là Hoa Tuấn Phương, lúc ấy đang ở nhà, cùng phu nhân làm bộ ve vãn, nói những lời cợt nhả. Hoa công tử mặt mày sáng sủa, dáng người hiên ngang chững chạc, chỉ có con mắt là để lộ ra một thứ ánh sáng tham lam, dâm đãng. Phu nhân Lâm San Trân tuy ăn mặc sang trọng, trang điểm lộng lẫy, vàng ngọc đeo sáng lòa nhưng khuôn mặt xinh đẹp kia không giấu được nét tàn phá của thời gian, những nếp nhăn nơi đuôi mắt nói lên một cách vô tình rằng tuổi thanh xuân của phu nhân đã bắt đầu qua rồi. Lối trêu ghẹo cợt nhả của Hoa công tử làm cho phu nhân ghê tởm và buồn nôn.

Lúc ấy, cô a hoàn Ngọc Hương mở cửa bước vào phòng thưa rằng:

– Bẩm quan, bẩm phu nhân, có tiểu thư Mỹ Nương đến chơi!

Tiểu thư Mỹ Nương tên thật là Lâm San Mỹ, em ruột của phu nhân Lâm San Trân, là một cô gái nhan sắc mặn mà, da dẻ nõn nà mịn màng, ở Lâm gia phủ cách trấn Phù Dung không xa, cha mẹ đã qua đời lại không có anh em. Phu nhân San Trân mong muốn em gái ở lâu với mình nhưng chuyện không hay xảy ra năm ngoái với anh rể khiến cho Mỹ Nương không bước chân đến Hoa gia từ lâu.

San Trân nghe nói có em gái tới chơi, mừng rỡ vô cùng, vội vàng tiến ra cửa đón chào, nhưng khi Mỹ Nương thấy chị thì nước mắt tuôn như mưa, bi thương thống khổ, nhào vào lòng chị mà kêu ú ớ khiến cho mọi người kinh ngạc.

Hoa Tuấn Phương đứng cách đó không xa, nhìn San Mỹ rồi nhìn qua Ngọc Hương, thở dài mà nói:

– Lạ kìa, làm sao một cô gái trẻ tuổi như thế đột nhiên biến thành câm?

San Trân cũng chất vấn Xảo Nhi, cô a hoàn chuyên theo bầu bạn với Mỹ Nương.

Xảo Nhi quỳ xuống đất run rẩy sợ hãi mà thưa rằng:

– Tội nô tỳ đáng chết! Đêm qua cô nương vừa mới thổi đèn đi nghỉ thì bỗng nhiên có một người đàn bà mang mặt nạ xông vào phòng, cô nương la lên một tiếng rồi bất tỉnh nhân sự. Nô tỳ ở phòng bên cạnh nghe rất rõ, nhưng khi qua đến thì không còn thấy tăm hơi người đàn bà bịt mặt kia nữa. Nô tỳ vội vàng lay tỉnh cô nương, cho cô nương uống chút nước thì cô nương an tĩnh trở lại. Hôm nay sáng sớm, cô nương thấy đau nơi cổ họng, sau đó thì nói không ra tiếng nữa.

San Trân rất ngạc nhiên nhưng thấy em mình cứ ú ớ thì vừa đau lòng vừa lo sợ, ôm em gái vào lòng khóc oà lên khiến ai nấy hoảng hốt, không biết phải làm sao.

Vừa đúng lúc ấy, tên gia đinh của nhà họ Hoa từ phiên chợ trở về, gọi Hoa công tử sang một bên kể lại chuyện có một ni cô xinh đẹp tuyệt trần vừa đến thị trấn của mình, và nhắc đến tài trị bệnh cao siêu của ni cô. Nghe thế công tử mê mẩn, híp tít cả mắt, bèn quay trở về phòng nói với phu nhân:

– Nương tử! A Cẩu mới kể rằng ở ngoài chợ có một vị thần y có thể chữa bệnh, không bệnh nào là không chữa được. Hay là chúng ta đi mời cô ta về đây chữa bệnh cho Mỹ Nương?

San Trân ngừng khóc tức thì, vội vã giục chồng mau ra phố nghênh tiếp thần y về. Hoa công tử và A Cẩu vội chạy ra chợ, thấy ở dưới tấm lều vải xanh có một thiếu nữ cốt cách thanh nhã đoan trang, má đỏ môi hồng, nước da trắng mịn, cử chỉ cao quý, vai khoác một tấm áo bào trắng tinh phủ dài xuống đất như một dòng thác trắng. Đôi mắt cô như hồ nước mùa thu, nhưng vô cùng tinh anh, thâm thuý.

Cả đời Hoa công tử chưa bao giờ thấy một cô gái xinh đẹp dường ấy nên cứ đứng chết trân ở đấy mà nhìn một cách đắm đuối. A Cẩu thấy thái độ chủ nhân như thế vội giật chéo áo của công tử, lúc ấy “con cọp họ Hoa” mới sực tỉnh, lập tức tiến đến chào hỏi.

Ngài Quán Âm đang một mặt bóp lưng cho một bà lão một cách chuyên chú, một mặt hỏi:

– Quý công tử đến đây muốn khám bệnh chăng?

– Không, không, tôi đến đây thỉnh ni sư về...

Hoa gia là một gia đình danh giá, đình viện lầu các hoa lệ khỏi cần nói. Chỉ biết là Ngài Quán Âm được mời đến gian nhà giữa, lập tức khám xét cổ họng của Mỹ Nương, nhận định rằng bệnh của cô là do một chất thuốc gây ra. Ngài rất ngạc nhiên, ngước mắt nhìn quanh một vòng, quan sát chị em họ Lâm và hai cô a hoàn Ngọc Hương và Xảo Nhi đứng bên cạnh, thần thái của mỗi người mỗi khác khiến Ngài hiểu được phần nào mọi sự. Ngài vỗ về cánh tay Mỹ Nương an ủi:

– Tiểu thư đừng lo, bần ni có cách chữa.

Nói xong Ngài lấy ra một cây kim bạc, bắt đầu châm cứu cho Mỹ Nương. Đột nhiên Mỹ Nương bật kêu lên “Chị ơi!” rồi khóc lớn.

Chuyện lạ xảy ra khiến cho cả Hoa gia trên dưới đều bị kinh động, người làm công dập dìu tiến đến bái kiến vị thần y này. Hoa Tuấn Phương rất lấy làm đắc ý, xua tay quát tháo:

– Bay đâu! Mau dọn tiệc rượu ra đây cho ta tạ ơn vị ni sư y thuật cao minh này một cách trọng thể!

Ngài Quán Âm vội vàng lắc đầu từ chối:

– Không nên phí phạm như thế, trà lạt cơm nguội đủ rồi!

Rồi Ngài nói tiếp ngay:

– Trời đã tối, thầy trò bần ni không có chỗ nghỉ đêm, xin quan lớn và phu nhân bố thí cho một chỗ nghỉ nhờ một đêm, không biết có được không?

Long Nữ, Thiện Tài ngầm biết ý Ngài nên cũng lên tiếng cầu xin phụ họa. Dĩ nhiên Hoa Tuấn Phương rất đẹp lòng, vui vẻ trả lời:

– Được! Được! Đừng nói một đêm, chỉ cần ni sư đồng ý tới đây ở thì ở cả đời cũng là điều vinh hạnh cho Hoa gia này!

Phu nhân San Trân nghe thế lườm chồng một cách khinh ghét nhưng Ngài Quán Âm vẫn giữ nét mặt tự nhiên đáp:

– A Di Đà Phật! Đa tạ thí chủ!

Ăn cơm tối xong, mọi người phân tán, già trẻ lớn bé đều trở về phòng ngủ của mình. Ba thầy trò ngài Quán Âm về căn phòng nằm ở gian bên phải của căn nhà mà nghỉ ngơi một lúc. Đột nhiên, Ngài Quán Âm như biết trước chuyện gì vội lay Long Nữ, Thiện Tài dậy, ba người bước lên một áng mây lành bay lên không trung, đứng ở phía trên sân vườn Hoa gia mà nhìn xuống, quan sát kỹ luỡng mọi động tĩnh ở phía dưới.

Trong bóng đêm mênh mang, ánh trăng bàng bạc, Hoa Tuấn Phương vừa mới tỉnh cơn say rượu, rời khỏi ghế ngồi rón rén trở về phòng. Nhờ ánh sáng trăng, thấy phu nhân đang say giấc nồng, hắn bèn lẻn ra ngoài đi thẳng tới cái chõng ở gian nhà bên phải, nơi ba thầy trò ngài Quán Âm nghỉ đêm. Nào ngờ cửa chỉ khép hờ, trong phòng không một bóng người. Con cọp họ Hoa như cái bong bóng xì hơi, tức giận vì không ăn được quả tươi đã làm cho mình thèm rỏ dãi cả ngày hôm nay, bèn dứt khoát phóng lao phải theo lao, thu hết can đảm mò đến cửa phòng của Mỹ Nương ở gian nhà bên trái.

Đúng lúc hắn đang mò mẫm tìm con dao nhỏ đã chuẩn bị sẵn trong người để cạy then cửa thì nghe “vèo!” một tiếng, một bóng người mang mặt nạ phi tới như tên bắn. Hoa công tử bị đánh một chưởng ngã lăn xuống đất, đang định la lên cầu cứu thì bị người mang mặt nạ kia đưa tay bịt miệng.

– Con quỷ háo sắc, làm cho cô nương đây hết hồn!

Người bịt mặt nói khẽ. Hoa Tuấn Phương nghe giọng người đàn bà rất quen thuộc, nhìn kỹ thân hình liền hiểu ngay cô ta là ai, bèn hung dữ nói rằng:

– Mi là gì mà dám xen vào chuyện của ta?

– Không xen thì thôi, tôi đi gọi phu nhân dậy.

Hoa Tuấn Phương biết mình đuối lý, không dám làm to chuyện, chỉ đành để cho người đàn bà bịt mặt muốn làm thì làm, ngoan ngoãn đi theo cô ta đến ngọn giả sơn ở vườn hoa sau nhà. Dưới một gốc liễu, người đàn bà nọ như không chờ đợi được nữa, ôm chầm lấy Hoa công tử, dán chặt bộ ngực đẫy đà của mình vào người hắn. Gái lăng loàn gặp quỷ háo sắc, chuyện cẩu thả đương nhiên khó tránh. Hai người ôm nhau lăn xuống đất, chốc chốc có tiếng thì thà thì thầm, chốc chốc vang lên âm thanh dâm đãng lanh lảnh.

– Cưng ơi, nàng đến phòng Mỹ Nương làm gì vậy?

Hoa Tuấn Phương chua chát hỏi.

– Hứ! Chàng là con cọp họ Hoa, chắc bị con yêu tinh ấy hớp hồn nên chưa chịu chừa! Nói cho chàng biết, có thiếp thì không có nó, đừng có mơ tưởng hão huyền!

Nghe thế Hoa công tử kinh dị hỏi:

– Chính nàng hại Mỹ Nương thành người câm phải không? Nàng thật là độc hại!

– Hí hí! Nếu chàng không hồi tỉnh mà cứ tiếp tục trêu hoa ghẹo nguyệt, không nghĩ đến tình vợ chồng không cưới lâu đời của đôi ta thì đừng trách cô nương đây vô tình! Còn cái cô ni cô đã mê hoặc chàng, chàng hãy đuổi ngay ra khỏi cửa cho thiếp!

Ngài Quán Âm nhìn thấy tất cả, nghe thấy tất cả, bèn chắp tay lại lẩm bẩm:

– A Di Đà Phật! Nghiệt tội! Nghiệt tội!

*

Như một tấm lụa xanh vô tình che đậy mọi tội ác, màn đêm từ từ lùi bước. Sáng hôm sau, ở sân lớn của vườn nhà Hoa gia mọi sự đều diễn tiến như mọi ngày thường. Người làm công dậy sớm chùi rửa dọn dẹp, đột nhiên nghe từ gian nhà trái có tiếng thét lớn “A!” khiến cho không khí tĩnh mịch của sân vườn bỗng trở nên hỗn loạn. Mọi người chạy túa đến, chỉ thấy cô a hoàn Xảo Nhi mềm nhũn nằm dưới đất, mặt mày xanh mét. Nhìn lên giường thì thấy Mỹ Nương hôn mê bất tỉnh, máu tươi từ đôi mắt tuôn ra lai láng.

Chính trong lúc mọi người đang luống cuống thì vị ni cô hôm qua đã bước tới gần trấn tĩnh:

– Đừng lo, bần ni có thuốc hay.

Nói xong ni cô lấy một viên thuốc màu vàng óng ánh bỏ vào miệng Mỹ Nương, chỉ một lúc sau Mỹ Nương tỉnh dậy nhưng còn rất đau đớn, mở mắt ra không nhìn thấy gì cả.

Hoa Tuấn Phương đứng một bên quát rằng:

– Cô dùng phép phù thủy, yêu ma gì mà mới chữa bệnh câm hôm qua, hôm nay lại biến thành bệnh mù? Bay đâu, mau lôi cô ta ra phủ quan nghiêm trị!

Lời nói vừa dứt, một bầy chó săn tay sai đã nhe răng giương vuốt xông tới. Long Nữ và Thiện Tài phất nhẹ bàn tay, không biết tại sao bọn tay sai lại bị đẩy lùi, loạng quạng luống cuống trông thật buồn cười. Ngài Quán Âm nói một cách ung dung, rành mạch và kiên định:

– Tạm thời bần ni chưa muốn rời khỏi nơi này, còn cần phải chữa lành cặp mắt của tiểu thư Mỹ Nương.

San Trân vội vàng quỳ xuống đất, khấu đầu nói:

– Đa tạ ni sư cứu người trong cơn hiểm nạn, chị em chúng con suốt đời không bao giờ dám quên ơn sâu đức trọng của ni sư. Còn quan nhân nhà con nói lời vô lễ, thỉnh ni sư đừng để ý.

– Giải trừ đau khổ của người khác là bổn phận của bần ni.

Nói xong Ngài Quán Âm bước đến bên giường, tiếp tục trị liệu cho Mỹ Nương. Chỉ thấy bàn tay Ngài cách đôi mắt bệnh nhân khoảng ba tấc, miệng lâm râm câu gì, từ lòng bàn tay phóng ra những tia sáng màu vàng rực, đưa tới đưa lui mấy lần, trong khoảnh khắc Mỹ Nương sáng mắt, thấy lại được. Những người đứng tại chỗ chứng kiến được sự việc thần kỳ như thế, không ai là không kinh dị tán thán.

Hoa Tuấn Phương cũng rất lấy làm lạ, nhưng nhớ lại sự việc xảy ra hôm qua ở vườn sau và những lời nói của người đàn bà bịt mặt, bèn tiến lại gần mà nói:

– Đa tạ pháp sư, nhưng xin miễn thứ cho tôi, tôi không thể giữ pháp sư ở lại được!

– A Di Đà Phật, vậy thì bần ni xin cáo từ.

Ngài Quán Âm đứng dậy rồi bèn nói với chị em họ Lâm rằng:

– Phu nhân, tiểu thư xin bảo trọng, chúng ta sẽ có ngày gặp lại!

Nói xong cùng Long Nữ, Thiện Tài chậm rãi ra đi trong niềm tri ân lưu luyến của chị em họ Lâm.

Một vài ngày sau, có một gánh hát rong dọn về đến thị trấn Phù Dung. Gánh hát gồm ba cha con, họ đều tự đàn tự hát, âm nhạc vô cùng mỹ diệu, ai nghe cũng phải khen là tuyệt! Hôm ấy Hoa gia lại treo đèn kết hoa, mời ba cha con đến đàn hát giúp vui. Giọng ca của hai cô gái du dương thanh thúy, lời ca lại cảm động thấu tâm can, điệu vũ thì lại nhẹ nhàng phất phới như tiên nữ, nên chủ tớ Hoa gia ai cũng bị hấp dẫn mê say. “Con cọp họ Hoa” lại mơ tưởng viễn vông, cặp mắt không rời khuôn mặt xinh đẹp, thân người yểu điệu của hai nàng ca nữ, trong phút mê mẩn đến hoa cả mắt, không kềm chế được hắn nhéo đùi của Mỹ Nương đang ngồi bên cạnh. San Mỹ xấu hổ đỏ cả mặt, phu nhân San Trân thì chỉ lo hân thưởng màn kịch, không hề hay biết những gì đang xảy ra chung quanh. Chỉ có cô a hoàn Ngọc Hương là nhìn Hoa công tử đăm đăm, đôi mắt phóng ra những tia ghen hờn.

Tối hôm ấy ba cha con hát rong nghỉ đêm lại ở mái tây. Giữa đêm mây đen cuồn cuộn, sấm chớp ngang trời, sau đó là một trận mưa trút nước. Đột nhiên, một bóng đen bước vào phòng của Mỹ Nương, tiếp đến một bóng đen khác cũng bước sau bén gót.

Khi bóng đen thứ nhất bước vào phòng thì Mỹ Nương đã sợ hãi mà thức giấc rồi.

– Mỹ Nương, ta nhớ nàng muốn chết, đáng lẽ ta phải cưới nàng làm vợ ngay từ đầu!

Nghe tiếng, Mỹ Nương đã đoán ra đây là ông anh rể bất lương. Cô vừa hận vừa xấu hổ, lấy hết sức bình sinh đẩy bóng đen đang xông tới, nhưng sức nhi nữ làm sao đối địch lại với một người hung bạo, trong phút chốc “con cọp họ Hoa” đã ôm chặt lấy San Mỹ. Đúng cái lúc chỉ treo đầu mành ấy, bóng đen thứ hai hung dữ tiến tới nắm lấy con cọp họ Hoa xô sang một bên, quát rằng:

– Đi chỗ khác cho ta!

Cũng ngay lúc ấy, một ánh chớp loé lên, San Mỹ nhìn thấy người mới tới bịt mặt bằng một tấm vải đen, tay cầm một con dao bén, nhắm ngay chính mình mà xông tới. Cô hét lên một tiếng kinh hoàng, ngã xuống bất tỉnh. Hoa công tử vội vàng tiến lên ngăn cản nhưng người bịt mặt nọ sát khí đằng đằng nói rằng:

– Để thiếp đâm chết con yêu tinh này cho chàng đỡ phải ngày thương đêm nhớ!

Đột nhiên một trận cuồng phong nổi dậy, cuộn lấy một cái bình sứ đen, và “xoảng” một tiếng, bình sứ bể tan tành, miểng sứ bắn lên tung tóe bốn phía. Một trong những mảnh sứ bể ấy văng lên trúng ngay vào mắt phải của người bịt mặt. Tuy thế người này vẫn chưa bỏ ý định giết chết Mỹ Nương, một tay bưng con mắt phải đang chảy máu lênh láng, tay kia huơ dao lên xông về phía Mỹ Nương. Hoa Tuấn Phương chen vào giữa, đã không ngăn cản được mà còn bị đâm vào họng, thét lên một tiếng thê thảm, ngã lăn xuống đất. Người bịt mặt cố mở to con mắt trái còn lại, thấy mình đâm nhầm người, thẹn quá hóa khùng, bèn nhổ dao trên họng Hoa công tử chĩa vào ngực tình địch, nhưng làm sao cũng không với tới được Mỹ Nương. Một trận gió mạnh nữa tạt đến khiến người này đầu óc choáng váng, lảo đảo ngã xuống đụng phải cái bàn, con mắt trái không nghiêng không lệch mà lại đâm thẳng xuống góc bàn, máu chảy đầy mặt, bất tỉnh nhân sự.

Cơn mưa thịnh nộ không biết ngừng lại từ bao giờ, một làn ánh sáng bạc ửng lên ở phương đông. Lâm San Mỹ trong lòng hãy còn sợ hãi, mở to đôi mắt hoảng hốt kêu lên:

– Có biến! Cứu tôi với!

Toàn nhà Hoa gia trên dưới nghe tiếng hét đều lật đật ngồi dậy, không kịp sửa soạn, người thì vừa chạy ra vừa cài nút, người thì cứ thế mà lết dép tới. Đến phòng Mỹ Nương, chỉ thấy Hoa công tử cùng với một người đàn bà bịt mặt đang nằm trong vũng máu, ai nấy đều sợ thất thần, còn San Trân thì xỉu ngay tại chỗ. A Cẩu vội vàng lột mặt nạ của người bịt mặt xem là ai, thì ra không ai khác hơn là cô a hoàn Ngọc Hương, khiến mọi người đều kinh dị sững sờ.

Lúc ấy người cha của hai cô ca nữ đưa đến ba viên thuốc quý, bỏ vào miệng vợ chồng họ Hoa cùng Ngọc Hương. Chẳng bao lâu, ba người đều tỉnh lại hết. Ngọc Hương hai tay bưng lấy mắt, đau đớn lăn lộn dưới đất, Hoa Tuấn Phương thì nói không ra tiếng, chỉ biết ú ớ loạn lên.

San Trân quỳ trước mặt ông lão dập đầu cầu xin:

– Thưa cụ, xin cụ làm phước giúp đỡ, cứu quan nhân nhà con.

Dập đầu xuống rồi ngước mắt lên thì đột nhiên thấy cụ già nhân từ kia đã biến thành vị ni cô mấy ngày trước. Người xung quanh thấy thế kinh dị há hốc giương mắt nhìn, họ mới hiểu rằng ba cha con gánh hát rong chính là ba thầy trò vị ni cô hóa phép mà thành.

Ngài Quán Âm nghiêm túc, trang trọng nói rằng:

– Hoa gia có nhiều điều tà ác, đã tạo ra tội nghiệt quá nặng nề. Nhân ác quả ác, nhân thiện quả thiện, tất cả những việc xảy ra hôm nay là do điều tà ác báo ứng mà ra.

Nói xong Ngài chắp hai tay lại mà nói nhẹ “tội nghiệt! tội nghiệt!”

A Cẩu túm lấy Ngọc Hương quát lên:

– Con a đầu khốn khiếp, tại sao mi lại bịt mặt, có phải chính mi đâm công tử không?

Ngọc Hương trấn tĩnh mạnh dạn trả lời:

– Tiểu nữ làm sao dám làm như thế, chính Hoa công tử đến phòng tiểu thư Mỹ Nương mưu đồ bất chánh, tiểu thư không chịu thuận tùng nên lấy dao đâm công tử, con nghe tiếng chạy đến không ngờ cũng bị tiểu thư đâm mù hai mắt rồi còn lấy vải đen bịt mặt. Oan uổng cho con lắm!

Nhưng làm sao lừa dối qua được đôi mắt huệ của ngài Quán Âm! Đêm qua, chuyện gì xảy ra, xảy ra như thế nào Ngài đã biết hết. Hai trận gió lớn thần kỳ kia, là do chính Ngài đã thổi hơi pháp từ miệng ra để cứu Mỹ Nương.

Hoa Tuấn Phương cực lực muốn biện giải nhưng không nói ra được nửa chữ, nóng lòng quá bèn ú ớ loạn lên, mồ hôi từ trên đầu tuôn xuống lả chả. San Trân vừa khổ đau vừa phẫn nộ, trong cơn tức giận, nhìn thấy cây cột, bèn lao tới muốn đâm đầu tự sát nhưng bị ngài Quán Âm tinh mắt nhanh tay chụp lấy ngăn cản.

San Mỹ thấy chị mình quá khổ đau không muốn sống nữa nên vội tiến đến cầu xin:

– Pháp sư tôn kính, xin Ngài cứu mạng cho họ lần này!

Ngài Quán Âm đáp:

– Niệm tình Mỹ Nương tâm địa thiện lương, tôi có thể chữa cho mắt cô Ngọc Hương sáng trở lại, và chữa cho Hoa công tử nói lại được. Song với điều kiện là cô Ngọc Hương phải nói rõ ra tiền nhân hậu quả tại sao ba lần làm tội ác như thế, bằng không sẽ không bao giờ có thuốc chữa.

San Trân nhìn chồng có miệng mà không nói được, giận dữ mắng Ngọc Hương:

– Con a đầu tiện tỳ, còn chưa thú thật nữa hay sao? Muốn quan lớn đánh chết hả?

Không còn cách nào khác, Ngọc Hương đành phải thú thật tự sự. Thì ra cô a hoàn Ngọc Hương đã dan díu với Hoa công tử từ lâu nhưng đến khi Mỹ Nương xuất hiện thì bị công tử đối xử lạnh nhạt. Bị lửa ghen thiêu đốt, cô muốn giết chết Mỹ Nương để tiếp tục giấc mộng làm vợ không cưới của Hoa công tử, nên lần đầu đổ thuốc câm vào chén nước, lần thứ hai ném vôi vào mắt và lần thứ ba muốn đâm cho chết, nào ngờ...

Nghe đến đây, mọi người căm phẫn sùng sục, bèn tay đấm chân đá con điếm thối tha mà hằng ngày vẫn làm ra vẻ cao nhã kia. Ngọc Hương rút vào góc phòng, cầu xin tha mạng luôn mồm.

Ngài Quán Âm bình tĩnh nói:

– Tội nghiệt đã khai, lẽ ra phải bị trừng phạt nặng nề. Nhưng nay ta niệm tình tiểu thư Mỹ Nương đã có lòng tốt cầu xin cho, nên tha cho mấy người phen này. Nếu không hối cải thì không những bị câm, bị mù mà cả tính mệnh cũng khó bảo toàn.

Nói xong Ngài chắp tay tụng kinh Kim Cang và đọc chú Đại Bi để tiêu tai trừ bệnh cho hai tội nhân. Chẳng bao lâu sau, Hoa Tuấn Phương nói lại được và Ngọc Hương cũng thấy đường lại như cũ. Chủ tớ Hoa gia đều quỳ mọp xuống đất khấu đầu lạy tạ. Hoa Tuấn Phương càng cảm ơn sâu vô tận nên muốn cúng lụa, cúng tiền, tuy nhiên tất cả đều bị ngài Quán Âm cự tuyệt. Hai chị em họ Lâm thì nước mắt đoanh tròng, không nói ra được lòng cảm khái của mình.

Lúc ấy ba thầy trò ngài Quán Âm ra đến giữa sân, bỗng nhiên trên đất bằng bỗng cuộn lên một đám mây trắng, ba người bước lên áng tường vân ấy. Đám mây bay lên không trung rất mau, trong phút chốc ba người xuất hiện chân tướng. Lúc ấy mọi người mới biết vị ni sư kia thật ra là bậc Bồ Tát đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm Quán Thế Âm, còn hai cô cậu sa di nhỏ chính là Long Nữ và Thiện Tài đồng tử vẫn đứng hai bên phải trái của Ngài Quán Âm. Họ thấy Ngài Quán Âm mặc tấm cà sa trắng, vai khoác chiếc áo khoác dài bằng bạc, đầu đội phong mão kiểu nữ, tóc thả dài, đi chân đất, tay trái cầm hoa sen, tay mặt bắt ấn “dữ nguyện”, khuôn mặt từ bi hiền hậu, đoan trang khả kính, vô cùng trang nghiêm. Ba pháp tướng của ba vị theo từng đóa, từng đóa mây trắng lơ lửng từ từ biến mất.

Mọi người vừa kinh sợ vừa vui mừng, quỳ lạy một cách chân thành, miệng không ngớt niệm thánh hiệu của Ngài. Từ đó về sau, toàn thể Hoa gia đều quy y Phật Pháp, trong nhà có thờ một tấm tranh vẽ pháp tượng “Bạch Y Quán Âm”, sớm tối thắp hương cầu nguyện, thời thời cúng dường và đâu đâu cũng nghe tiếng tụng niệm. Tâm trí họ từ từ khai mở, bước lên con đường đạo làm thiện tích phước.

Hoa công tử nhờ được huân tập Phật Pháp nên chuyên tâm dồi mài kinh sử, về sau được bảng vàng đề tên, ra làm quan thì làm việc chính sự một cách thanh liêm, kính tin Phật Pháp, được mọi người ai ai cũng ủng hộ kính mến. Ngay tại Hoa phủ, trong ngoài mọi người hoà thuận an lành, trên dưới vui vẻ.

Tranh vẽ Ngài Quán Âm hiển hóa được hậu thế đặt tên là “Bạch Y Quán Âm”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com