- Lời giới thiệu
- Lời của người dịch
- Chương một: Cần phải hiểu rằng Luân Hồi là có thật
- Chương hai: Đức Phật dạy về thuyết luân hồi
- Chương ba: Bằng chứng của luân hồi
- Chương bốn: Bằng chứng lý luận: Thuyết luân hồi
- Chương năm: Phật giáo, khoa học, và chủ nghĩa khoa học
- Chương sáu: Chi tiết về luân hồi
- Chương bảy: Kết luận
- Phụ lục
Thuyết Luân Hồi Và Phật Giáo Tây Phương
(Rebirth And The Western Buddhist)
Lời Giới Thiệu
Nguồn:Martin Willson - Thích Nguyên Tạng dịch
Khi tham dự lễ kỵ Tổ Minh Hải, thuộc môn phái Lâm Tế Chúc Thánh, tại chùa Pháp Hoa, Nam Úc, vào ngày mồng 7 tháng 11 năm Ất Dậu, nhằm ngày 7 tháng 12 năm 2005 vừa qua, Đại Đức Thích Nguyên Tạng đưa tôi bản dịch quyển “Rebirth and Western Buddhist“ (Thuyết Luân Hồi và Phật Giáo Tây Phương) nhờ đọc lại bản dịch và viết lời giới thiệu. Ở đây, chúng tôi xin ghi lại những điểm chính như sau:
Về nội dung của sách, Tác giả tóm lược thuyết luân hồi và sự hiểu biết của mình qua kinh nghiệm của một Tiến Sĩ Vật Lý, xuất gia học đạo theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng. Nhờ đó qua 7 chương, kể cả chương kết luận, Tác giả đã nêu ra những bằng chứng đầy thuyết phục người đọc, nhất là những người Tây Phương, kể cả Phật Tử cũng như không Phật Tử.
Chương thứ nhất, tác giả nói về quan điểm của mình đối với những người Tây Phương khi đánh giá sai lầm về thuyết luân hồi của Đạo Phật.
Chương hai tác giả chứng minh thuyết luân hồi qua kim khẩu của Đức Phật, sau khi chứng đạo và các kinh điển khác của cả Bắc Tông lẫn Nam Tông về luân hồi và tái sanh là những việc có thật.
Chương ba gồm nhiều bằng chứng về luân hồi khác nhau để chứng minh cho người Tây Phương thấy rõ đó là sự thật, gồm có những việc như: nhớ lại kiếp trước một cách tự nhiên và qua sự tu tập, người ta có thể tự nhớ lại quá khứ của mình, đồng thời ngày nay có những nhà thôi miên học đã thôi miên nhiều người, để họ nhớ về kiếp trước. Ngoài ra, có nhiều người khác cho biết về kiếp trước của mình như thế nào, qua sự tự cảm nhận chính mình và sự nhận biết người khác trong một kiếp quá khứ nào đó.
Chương bốn, Tác giả trích dẫn lập luận của Ngài Lama Losan Gyatso về tâm thức và vật thể dựa theo Trung Quán Luận của Ngài Long Thọ, Nhơn Minh Luận cũng như các thuyết khác của Đại Thừa. Tuy những dẫn chứng nầy có tính cách thuyết phục, nhưng chưa làm cho người Tây Phương tin tưởng. Ở đây có hai vấn đề được nêu ra. Một là sự tái sanh ấy do chính một vị Thánh Nhơn nói ra, có lẽ không ai bác bỏ và vấn đề thứ hai phải được chứng minh là cái tâm ở đâu và từ đâu mà có, thì người Tây Phương mới tin. Do vậy, tác giả dựa vào một số sự kiện Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trình bày để dẫn chứng về việc nầy.
Chương năm nói về Phật Giáo, Khoa học và chủ nghĩa khoa học. Tác giả phản bác lập luận của Lénin và của Dawin. Vì Tác giả dựa theo Duy Thức Học để chứng minh và chấp nhận một sự tương tức của tâm thức cũng như sắc uẩn, mà giữa Phật Giáo và Khoa Học có thể giải thích được về sự hiện hữu nầy của tâm thức, qua cái nhìn của Phật Giáo và sự cấu thành thể chất, qua lý luận của Khoa Học.
Thật ra, những việc đánh giá như thế nầy không mới, theo nhà bác học Albert Einstein, một người Đức gốc Do Thái, dạy học ở Thuỵ Sĩ và có quốc tịch Hoa Kỳ. Vào thế kỷ thứ 20, khi nhân loại có mặt trên quả địa cầu nầy cả 6 tỷ người, mà các khoa học gia trên thế giới đã bình chọn ông là người đại diện cho 6 tỷ người ấy, là cha đẻ của thuyết tương đối. Chính Albert Einstein đã xác định rằng: “Phật Giáo không cần đi tìm nơi khoa học. Vì trong Phật Giáo đã đầy đủ tính chất khoa học rồi“
Ngày nay, các nhà khoa học của Tây Phương vẫn đi tìm mọi thứ, trong đó có cái tâm, nhưng kết quả là vô vọng. Vì khoa học chỉ chứng minh được là A hoặc B, chứ làm sao thấy được trong A có B, ngoài A không thể tồn tại được B. Do vậy mà khoa học muôn đời, nếu có đi tìm cũng chỉ đi tìm được cái giới hạn của nó, chứ không thể đi tìm được cái vô hạn của tâm thức và cái vô giới hạn của kiếp nhân sinh được.
Chương thứ sáu, theo tác giả là một chương tương đối quan trọng. Vì Tác giả bác bỏ lập luận, ngay cả của các vị Lama Tây Tạng cho rằng, trước con gà phải có cái trứng và trước cái trứng phải có con gà; nhưng trên thực tế ngày nay khoa học đã chứng minh lùi lại rằng, con gà ấy chẳng nhứt thiết phải là một con gà nguyên thuỷ, mà là một loại tổng hợp và bị biến thể, bởi nhiều loại sinh vật khác nhau, để trở thành con gà và từ đây tác giả chứng minh rằng, tâm thức cũng như vậy. Đó chỉ là kết quả do sự chung đụng và sự kết hợp để trở thành con gà và cái tâm cũng trải qua nhiều thời gian khác nhau, để thay đổi và thành tựu.
Tác giả chấp nhận thuyết luân hồi và sự tái sanh từ cõi nầy sang cõi khác, và cõi người không nhất thiết phải là khó đầu thai vào, như kinh điển vẫn thường hay nói. Sự đầu thai ấy có nhiều giai đoạn ở trước, trong và sau khi thai nhi sanh ra, chứ không nhất thiết phải là lúc tâm thức vừa rời khỏi thân trung ấm. Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định cõi người là cõi dễ đi lên mà cũng dễ đi xuống, cho nên sanh làm người khó là thế.
Chương thứ bảy cũng là chương cuối cùng. Tác giả xác định luân hồi là có thật. Tuy nhiên, thuyết duy vật biện chứng và thuyết tiến hoá vẫn còn ngự trị ở người Tây phương. Do vậy tác giả mong muốn và đề nghị là phải làm sao chứng minh thuyết luân hồi trong Phật Giáo thật rõ, dưới dạng khoa học nhiều hơn nữa chứ không phải dưới dạng mê tín, chắc chắn Phật Giáo sẽ được người Tây Phương ngày càng tin tưởng vào Phật Giáo nhiều hơn nữa.
Nhận xét về tác giả, chúng ta thấy rằng Ngài có đầy đủ tư cách để nói về khoa học qua sự nghiên cứu của mình. Đồng thời từ khoa học, ngài đã vượt cao hơn một bực nữa, đi vào lãnh vực tái sanh của Phật Giáo, đặc biệt là Phât Giáo Tây Tạng. Dưới một hình tướng của một vị Tăng sĩ người Anh, mặc Tăng bào theo Phật Giáo Tây Tạng. Hy vọng rằng khi diễn giảng tại Thuỵ Sĩ, tại Anh, tại Úc, hay tại Mỹ, hoặc bất cứ nới nào trên thế giới, tác giả tạo ra được nhiều lợi lạc cho người nghe hơn, mà người nghe đó lại là người Tây phương nữa.
So với người Đông phương, việc nầy họ chấp nhận một cách dễ dàng hơn, vì họ tin nơi Đức Phật hoặc qua phát Bồ Đề Tâm, để rõ như Ngài Santideva đã hướng dẫn. Tuy nhiên, để khuynh hướng tái sanh ấy được nhiều người Tây Phương chấp nhận dễ dàng, tác giả viết ra quyển sách nầy, để chứng minh và thuyết phục họ; nhưng rất tiếc là sách quá mỏng để đọc và hy vọng lần khác, khi tái bản, tác giả sẽ thêm vào nhiều câu chuyện chứng đạo của các bậc Thánh hay những kiếp trước của Đức Phật, để có nhiều minh chứng hơn. Nhưng dẫu sao đi nữa, đây vẫn là tác phẩm hay đáng đọc.
Trong sách này còn có thêm Phần Phụ Lục, phần nầy Đại Đức Thích Nguyên Tạng đã dịch các bài tiểu luận của nhiều Tác giả liên quan về vấn đề tái sanh theo quan niệm của cả Đông phương lẫn Tây phương.
Riêng tiểu luận “Đạo Đức học Phật Giáo trong hoàn cảnh Tây phương“ tác giả James Whitehill cho rằng các nhà nghiên cứu Tây phương, Phật Tử cũng như không Phật Tử đã đi quá xa về vấn đề đạo đức học của Phật Giáo qua cái nhìn của tánh không. Tác giả đề nghị rằng Phật Giáo phải được ghép vào tư tưởng đạo đức của Tây phương thì Phật Giáo mới có thể phát triển mạnh ở những nước Tây phương được.
Phần’’ Đạo lý Phật Giáo Tây phương“ Tác giả cũng đã nhận xét rất xác thật rằng: Đức hạnh của một Tăng sĩ Phật Giáo Tây phương hay một tín đồ Phật Giáo, nên dựa vào các Ba La Mật để triển khai, khiến cho ’’đức hạnh giác ngộ“ ấy có thể thâm nhập vào trong cộng đồng và xã hội.
Về ’’những câu hỏi phê bình đưa đến việc tự nhiên hóa ý niệm nghiệp báo trong đạo Phật“ của Giáo Sư Dale S. Wright đã cho thấy được rằng: Tác giả muốn tách rời quan niệm về nghiệp báo trong quá khứ mà Phật Giáo đã chủ trương. Nghĩa là nên tổ chức một xã hội tự do, tự quyết và có trách nhiệm thì con người thời nay dễ thâm nhập hơn. Vì lẽ cho đến ngày nay vẫn còn nhiều người Tây phương vẫn chưa chấp nhận thuyết luân hồi va nghiệp báo một cách rốt ráo.
Trong khi đó ’’Kinh Nhân Quả Ba Đời“ do Hòa Thượng Thích Thiền Tâm dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt bằng lối câu hỏi theo thể thơ và đã trả lời cũng theo thể ấy. Ở đây đã ví dụ rất rõ ràng về kiếp trước như do thường ăn chay niệm Phật; nên kiếp nầy thông minh trí tuệ. Hoặc giả sở dĩ đời nay sống lâu là do đời trước đã phóng sanh nhiều loài vật.
Tóm lại Hòa Thượng Thích Thiền Tâm qua ’’Kinh Nhân Quả Ba Đời“ đã chứng minh có nhân quả và luân hồi do nghiệp báo của đời trước liên hệ đến đời nay qua 45 hình thức đầu thai khác nhau là việc hiển nhiên.
So ra giữa Đông và Tây vẫn còn khác biệt nhiều về vấn đề tái sanh. Do vậy muốn cho người Tây phương dễ chấp nhận về thuyết tái sanh và luân hồi của Đạo Phật, Phật Giáo Tây phương cần phải có nhiều thời gian hơn nữa để hiểu và làm quen với Phật Giáo; không nhất thiết phải đứng trên quan điểm hữu thần để nhìn Phật Giáo, lúc ấy việc tái sanh mới dễ dàng chấp nhận được.
Dịch giả từ Anh văn sang Việt ngữ cũng là một Tăng sĩ. Do vậy, các danh từ Anh văn dầu khó đến đâu, Đại Đức Thích Nguyên Tạng cũng chuyển dịch một cách tài tình, không vấp phải lỗi chính tả hay ý chính của tác giả là một điều “bất khả tư nghì“. Thầy Nguyên Tạng vừa là Phó trụ trì Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, vừa là chủ biên trang nhà quangduc.com rất nổi tiếng trên thế giới, thế nhưng còn dành nhiều thời giờ để dịch và viết cho đến nay đã hơn 10 tác phẩm như thế nầy, không phải là điều mà ai cũng có thể làm được. Xin trân trọng giới thiệu dịch giả và dịch phẩm nầy đến với quý vị Phật Tử Việt Nam của chúng ta, làm quen với ngôn ngữ Phật Giáo, qua thuyết luân hồi và tái sanh, với ngòi bút điêu luyện của Thầy Nguyên Tạng.
Tôi chỉ tốn có 4 tiếng đồng hồ, để xem lại bản thảo và một tiếng đồng hồ, để viết lời giới thiệu nầy, thì quả thật là quá ít, so với một tác phẩm giá trị như vậy; nhưng điều quan trọng ở đây không phải là thành phẩm mà là tính chất, nội dung của quyển sách mới là điểm chính. Kính mong quý vị hãy trang trọng mở sách ra đọc và nghiền ngẫm những dẫn chứng mà Tác giả, để rõ thêm về một kiếp sống của nhân sinh trên quả địa cầu nầy.
Viết tại núi đồi Đa Bảo Sydney, Úc Đại Lợi
nhân lúc nhập thất lần thứ 3 tại đây.
Ngày 8 tháng 12 năm 2005.
Sa Môn Thích Như Điển