- Phẩm Thứ Nhất: Bồ-Tát Được Thọ Ký
- Phẩm Thứ Hai: Cúng Dường Được Thọ Báo
- Phẩm Thứ Ba: Thọ Ký Bích-chi Phật
- Phẩm Thứ Tư: Bồ-Tát Ra Đời
- Phẩm Thứ Năm: Làm Ác Đọa Ngạ Quỷ
- Phẩm Thứ Sáu: Chư Thiên Cúng Dường
- Phẩm Thứ Bảy: Chư Phật Ra Đời
- Phẩm Thứ Tám: Các Vị Tỳ-Kheo Ni
- Phẩm Thứ Chín: Các Vị Thanh Văn
- Phẩm Thứ Mười: Các Nhân Duyên Khác
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
PHẨM THỨ TƯ: BỒ-TÁT RA ĐỜI
NGƯỜI CẢN ĐƯỜNG PHẬT
Lúc ấy, Phật ở gần thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc.
Hôm đó, Phật cùng chư tỳ-kheo đắp y, mang bát vào thành khất thực như thường lệ. Đến một ngõ hẻm kia, gặp một người bà-la-môn cản đường lại. Người này lấy ngón tay vạch lên mặt đất một lằn ngang, nói rằng: “Nếu các người muốn đi qua khỏi đây, phải nộp cho ta đủ số 500 đồng bạc.”
Bấy giờ, đức Thế Tôn cùng chư tỳ-kheo mặc nhiên đứng lặng giữa đường, không bước đến được.
Tin Phật bị cản đường lan ra khắp nơi, đến tai vua Ba-tư-nặc cùng các vị thân hào Tỳ-xá-khư, Phú-lan-na... Những người này, ai cũng mang đủ số bạc đến cho người bà-la-môn ấy, nhưng ông ta đều không chịu nhận.
Ông trưởng giả Tu-đạt nghe việc Phật gặp nạn cản đường của người bà-la-môn như vậy, liền mang đến đủ số 500 đồng bạc đến mà đưa cho. Người bà-la-môn ấy nhận bạc và để cho Phật đi qua.
Bấy giờ, chư vị tỳ-kheo thấy sự kỳ quái ấy, liền thưa hỏi Phật: “Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Thế Tôn gặp phải nạn cản đường của người bà-la-môn đây và mặc nhiên chấp nhận, lại do nhân duyên gì mà ông ta không chịu nhận bạc của ai, chỉ nhận của trưởng giả Tu-đạt?”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà phân biệt giảng nói.
“Về thuở quá khứ cách đây đã vô số kiếp, xứ Ba-la-nại có vị vua tên là Phạm-ma-đạt-đa. Thái tử con vua tên là Thiện Sanh, một hôm cùng các vị thân hữu đi dạo chơi trong thành, gặp một đám đổ súc sắc ăn tiền bên đường, cả nhóm liền ghé lại xem chơi. Khi ấy, có vị công tử con quan phụ tướng đại thần cùng đi, liền vào chơi và đặt cuộc thua mãi đến số 500 đồng bạc. Vị công tử ấy chẳng chịu chung tiền. Thái tử Thiện Sanh thấy vậy liền nói với người đổ súc sắc: ‘Ngươi cứ yên tâm, nếu người này không trả, ta sẽ trả thay cho.’
“Về sau, vị công tử ấy ỷ thế lực nên chẳng chịu trả tiền cho người đổ súc sắc ấy. Còn thái tử cũng vô tình quên mất lời nói của mình.
“Từ đó đến nay dẫu rằng đã qua vô số kiếp, người đổ súc sắc ấy vẫn thường theo đuổi mà đòi món nợ xưa.”
Phật lại bảo chư tỳ-kheo: “Thái tử Thiện Sanh thuở ấy, chính là ta ngày nay đây. Vị công tử con quan phụ tướng, nay là trưởng giả Tu-đạt, còn người bà-la-môn cản đường ta hôm nay chính là người đổ súc sắc ăn tiền 500 đồng bạc ngày xưa.
“Vì vậy, các ngươi nên nhớ, phàm có nợ người khác, bất cứ là nợ gì, hãy sớm lo mà trả. Ta chỉ nợ một lời nói, mà cho đến nay thành Phật cũng không thoát khỏi nạn vừa rồi.”
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.