Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

78. Hai vua giảng hòa

04/03/201103:31(Xem: 6366)
78. Hai vua giảng hòa

MỘT TRĂM BÀI KINH PHẬT
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải

PHẨM THỨ TÁM: CÁC VỊ TỲ-KHEO NI

HAI VUA GIẢNG HÒA

Lúc ấy, Phật ở thành Xá-vệ, trong vườn Kỳ thọ Cấp Cô Độc. Vua Ba-tư-nặc cùng với vua Phạm-ma khi ấy thường tranh chấp nhau, đôi bên đều dùng đến cả bốn đạo quân lớn là quân cưỡi voi, quân cưỡi ngựa, quân đi xe và quân đi bộ.

Khi ấy, hoàng hậu của hai vua có thai, cùng sinh nở một lúc. Một người sinh trai, một người sinh gái. Vua Ba-tư-nặc đặt tên cho công chúa là Sai-ma.

Hai vua vui mừng lắm, đều ban lệnh ra cho tất cả quân binh rằng: “Thu hồi quân binh, ban thưởng các thứ tài vật, đôi bên cùng nhau hòa giải. Cho hai đứa trẻ sau này sẽ kết hôn cùng nhau. Hai nước từ nay không tranh chấp nữa, cho đến con cháu nhiều đời sau cũng vậy.”

Đến năm thái tử con vua Phạm-ma được 7 tuổi, vua sai mang các thứ báu vật, trân bảo sang làm lễ cầu hôn với công chúa con vua Ba-tư-nặc. Công chúa Sai-ma nghe chuyện, tâu với vua rằng: “Thân người rất khó được, nay con được thân người. Thân thể rất khó toàn vẹn, nay con được toàn vẹn. Lòng tin rất khó phát sinh, nay con phát sinh lòng tin. Phật pháp rất khó gặp, nay con được gặp. Xin cha đừng buộc con vào vòng khổ ách, phải vĩnh viễn lìa xa các bậc thiện tri thức. Chỉ xin cha thương tưởng cho con được xuất gia theo Phật.”

Vua đáp lại rằng: “Khi con còn trong thai, ta đã có lời hứa với vua kia. Nhờ có con mà hai nước giảng hòa, dứt được nạn đao binh. Nay nếu con không thuận kết hôn, tức là ta mang tội chẳng giữ lời hứa. Vua kia tất sẽ xem ta là thù địch. Chư thiên cũng giận ta mà không phù trợ. Đối với các vị đại thần và dân chúng, cũng đều xem ta là hạng chẳng giữ chữ tín, đi ngược lại với pháp chế của các vị tiên vương. Con chẳng từng nghe vua A-xà-thế, vua Ba-cù-lỵ... cho đến cả chục vị vua như thế, đều do nói không đúng sự thật mà đọa vào địa ngục. Nay con lại muốn ta nuốt lời, để phải sa vào địa ngục mà chịu khổ như các vị vua ấy hay sao? Con thật không nên nói những lời ấy mà cầu xin ta từ chối việc hôn nhân.”

Vua Ba-tư-nặc nói vậy rồi, tức tốc sai người sang báo với vua Phạm-ma là trong vòng bảy ngày phải tiến hành ngay hôn lễ.

Công chúa Sai-ma nghe vua sai sứ đi hối thúc gấp rút như vậy, trong lòng sầu khổ bi lụy, liền cởi bỏ hết các thứ trang sức châu báu, mặc áo thô vải xấu, lên tận lầu cao, quay mặt về hướng tinh xá Kỳ Hoàn mà khấn nguyện rằng: “Đức Như Lai Thế Tôn từ bi thương xót hết thảy chúng sanh, trong một ý nghĩ có thể biết hết sự việc trong ba đời. Nay con lâm nạn, khổ não cùng cực, xin được cứu độ.”

Bấy giờ đức Thế Tôn từ xa đã thấu hiểu tâm nguyện chí thành của công chúa Sai-ma, chỉ trong chớp mắt liền hiện đến trước mặt công chúa mà thuyết pháp cho nghe. Công chúa nghe xong liền đắc quả A-na-hàm.

Đúng hạn bảy ngày, vua Phạm-ma đưa người đến để đón dâu, số đông đến trăm ngàn người đều mang theo y phục đắc tiền và những trân bảo, vàng ngọc quý giá.

Vào tới trong cung muốn xem mặt cô dâu, liền hốt nhiên nhìn thấy công chúa Sai-ma hiện thân giữa không trung, biến hóa đủ mười tám phép, hiện bên đông, mất bên tây, lại hiện bên nam, mất bên bắc, đi đứng nằm ngồi giữa hư không thật tự tại, rồi từ giữa không trung mà hạ xuống.

Vua Ba-tư-nặc thấy công chúa hiện phép thần thông như vậy, trong lòng hổ thẹn, nói rằng: “Ta thật ngu si, không biết con đã tu đắc thần thông như vậy, nên mới đem chuyện ô nhiễm của trần thế mà buộc vào con. Nay ta xin sám hối, thuận cho con xuất gia.”

Vị vương tử con vua Phạm-ma cũng sinh lòng tín kính, liền nói rằng: “Ta cũng ngu si không chút hiểu biết, nên mới nghĩ đến chuyện kết hôn với người. Nay xin thành tâm sám hối.”

Công chúa Sai-ma được lời của vua cha rồi, liền đến tinh xá Kỳ Hoàn lạy Phật cầu xuất gia. Phật liền hứa thuận. Từ đó thành tỳ-kheo ni, chuyên cần tu tập đắc quả A-La-hán.

Bấy giờ, chư tỳ-kheo thấy vậy liền thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo ni Sai-ma trước đây đã tạo phước đức như thế nào, mà nay được sinh vào hoàng tộc, chẳng vướng vào ái dục, lại được gặp Phật, xuất gia chưa bao lâu đã thành đạo quả?”

Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà phân biệt giảng nói. Về khoảng giữa Hiền kiếp này, xứ Ba-la-nại có vị Phật ra đời hiệu là Ca-diếp.

Trong chúng hội của Phật, có người phụ nữ thường hay có chuyện xích mích với chồng. Ngày kia cả hai cùng đến lễ bái một vị tỳ-kheo mà thọ giới Bát quan trai. Nhân đó cùng nhau phát lời nguyện rằng: “Nhờ công đức này, nguyện trong đời vị lai chúng tôi đều được sinh vào nhà hào tộc, quyền quý, có chuyện tranh chấp nhau đều nhờ chúng tôi mà hòa giải.” Phát nguyện như vậy rồi, đến khi mạng chung thường được sinh vào hoàng tộc.”

Phật lại dạy rằng: “Cha của người chồng ngày ấy, nay là vua Phạm-ma. Cha của người vợ, nay là vua Ba-tư-nặc. Người chồng khi ấy, nay là con trai vua Phạm-ma. Người vợ khi ấy, nay là tỳ-kheo ni Sai-ma đó.”

Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com