Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

98. Người không thể chết

04/03/201103:31(Xem: 5875)
98. Người không thể chết

MỘT TRĂM BÀI KINH PHẬT
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải

PHẨM THỨ MƯỜI: CÁC NHÂN DUYÊN KHÁC

NGƯỜI KHÔNG THỂ CHẾT

Lúc ấy, Phật ở thành Ba-la-nại, trong vườn Lộc. Trong thành có vị quan phụ tướng đại thần, giàu có chẳng ai bằng, nhưng không con nối dõi. Khi ấy, ở bờ sông Hoàn-già có miếu thờ thần Ma-ni-bạt-đà, tiếng đồn là thiêng liêng lắm, dân chúng trong vùng ai cầu khấn điều gì cũng đều đến đó.

Quan phụ tướng liền mang lễ vật đến nơi ấy. Người khấn rằng: “Ta không có con, nghe nói thần miếu này có công đức lớn, thường giúp đỡ cho nhiều người được tròn sở nguyện. Vì vậy ta đến đây mà cầu khấn. Nếu giúp ta sanh được một đứa con nối dõi, xin đem nhiều vàng bạc, châu báu đến cúng thần, lại dùng hương thơm quý nhất mà tô lên tượng thần. Bằng như chẳng ứng nghiệm gì, ta sẽ phá nát miếu, dùng phân dơ bôi trét lên tượng thần.” Khấn như vậy rồi về.

Thần miếu nghe lời khấn rồi liền tự suy nghĩ: “Người này là bậc quan quyền, thế lực mạnh lắm, chẳng phải kẻ tầm thường mà có thể sanh vào làm con nhà ấy. Sức ta có hạn, chẳng thể đáp ứng lời nguyện ấy. Bằng như chẳng được vừa ý, người đã nói tất là làm, chắc miếu thờ phải bị hủy hoại.”

Liền đến thưa lên với thần Ma-ni-bạt-đà. Thần Ma-ni-bạt-đà cũng chẳng đủ sức giúp, liền đến cầu nơi chỗ vua Tỳ-sa-môn. Vua Tỳ-sa-môn nói: “Sức ta cũng chẳng thể giúp người ấy có con được.”

Liền đến chỗ vua trời Đế-thích mà cầu giúp đỡ. Đế-thích nói: “Chuyện ấy khó lắm, cũng phải chờ lúc thuận tiện, sẵn đủ nhân duyên.”

Bấy giờ có một vị thiên tử hiện năm tướng suy, phước báu đã hết, sắp phải mạng chung. Đế-thích liền gọi đến, bảo rằng: “Ngươi nên sanh vào nhà quan phụ tướng ấy.” Thiên tử đáp: “Tâm nguyện của tôi là xuất gia học đạo. Nay sanh vào nhà quyền quý, vinh hoa, muốn lìa đi sẽ rất khó. Vì vậy muốn sanh vào nơi gia cảnh tầm thường, dễ bề ra đi xuất gia học đạo.” Đế-thích liền nói: “Ngươi cứ thuận sanh vào nơi nhà ấy. Nếu muốn xuất gia, sau này ta sẽ giúp cho.”

Vị thiên tử ấy nghe theo lời Đế-thích, mạng chung tìm đến đầu thai vào nhà quan phụ tướng. Khi sanh ra hình dung tốt đẹp, khôi ngô tuấn tú, ai thấy cũng đem lòng yêu mến. Quan phụ tướng mời thầy đến xem tướng. Hỏi rằng: “Nhờ đâu ngài có được đứa con này?” Đáp: “Ta cầu khẩn ở miếu thờ bên bờ sông Hoàn-già mới được.” Nhân đó liền đặt tên là Hoàn-già-đạt.

Khi đã khôn lớn, y như sở nguyện từ kiếp trước, liền thưa lên cha mẹ xin được xuất gia nhập đạo. Cha mẹ đáp rằng: “Nhà ta sản nghiệp to lớn, chỉ có mỗi mình con để nối dõi trông nom, làm sao có thể cho con xuất gia được? Ta còn sống đây, chẳng thể cho phép con xuất gia nhập đạo.”

Hoàn-già nghe vậy lòng buồn rầu áo não, suy nghĩ rồi muốn tự hủy thân, định thác đi sanh vào nhà dân giả mới có thể xuất gia học đạo. Nghĩ vậy rồi liền thẳng đường lên núi cao, liều thân nhảy xuống. Chẳng ngờ rơi xuống đến chỗ đất bằng mà thân thể chẳng hề hấn gì. Liền ra nơi sông rộng nhảy xuống trầm mình, lại theo nước mà giạt vào bờ, cũng không tổn hại chi. Túng nước, liền uống thuốc độc vào. Không hiểu sao thuốc độc cũng chẳng có tác dụng gì.

Hoàn-già-đạt quay về suy nghĩ, nay phải phạm vào phép nước, để vua bắt mà giết đi mới được. Nghĩ rồi liền tim cách thực hiện.

Khi đó hoàng hậu với chư thể nữ đi du ngoạn, đến chỗ ao đẹp mát mẻ muốn tắm, liền sai giăng màn bao quanh mà tắm. Quần áo cởi ra mang treo lên một nhánh cây trong rừng.

Hoàn-già-đạt dò biết, liền lẻn đến chỗ khu rừng ấy, vào trộm lấy hết quần áo mà mang đi. Người canh giữ bắt được, liền dẫn đến chỗ vua A-xà-thế mà trình rõ mọi chuyện. Vua nghe qua nổi giận, lấy cung tên ra muốn tự tay bắn chết. Tên bắn ra liền quay trở lại rơi dưới chân vua. Ba lần đều như vậy, không sao bắn được.

Bấy giờ, vua kinh sợ, ném cung tên xuống đất, lên tiếng hỏi rằng: “Ngươi có phải là hàng trời, rồng hay quỷ thần hiện thân đó chăng?” Hoàn-già-đạt đáp: “Xin vua hứa cho một điều, rồi tôi mới có thể nói ra.” Vua liền đáp: “Ta hứa.”

Hoàn-già-đạt nói: “Tôi chẳng phải trời, rồng, quỷ thần chi cả, chính thật là con trai quan phụ tướng. Vì tôi muốn xuất gia mà cha mẹ không cho, nên muốn hủy thân để được đầu thai nơi khác mà xuất gia học đạo. Chẳng ngờ nhảy núi, té sông, uống thuốc độc, thảy đều không chết được. Vì vậy cố phạm vào phép vua để được bỏ mạng. Nay vua cũng chẳng giết được tôi, xin thương tình giúp tôi được xuất gia.”

Vua nghe chuyện rồi, liền nói: “Cho ngươi xuất gia.” Nói rồi đích thân dẫn đến tinh xá Kỳ Hoàn, lễ Phật rồi kể lại mọi việc như vậy. Phật liền thuận cho xuất gia nhập đạo.

Phật liền vì người mà thuyết pháp. Nghe qua rồi tâm ý liền khai mở, đắc quả A-La-hán, đủ Ba trí sáng, Sáu phép thần thông, Tám môn giải thoát.

Vua A-xà-thế thấy việc như vậy liền thưa hỏi Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo Hoàn-già-đạt đây trước đã tạo những nhân duyên gì, nay nhảy núi, té sông, uống thuốc độc, tên bắn, thảy đều không chết, giờ được gặp Phật xuất gia đắc đạo?”

Phật bảo vua A-xà-thế: “Về thuở quá khứ cách đây đã vô số kiếp, xứ Ba-la-nại có vị vua tên là Phạm-ma-đạt-đa, cùng với những cung nhân thể nữ cùng đi du ngoạn trong khu rừng kia. Trong lúc vui chơi, liền bảo các cung nữ hòa giọng hát lên giúp vui. Lúc ấy, có một người ở gần đó cất giọng hòa theo tiếng hát. Vua nghe giận lắm, sai người bắt dẫn theo về.

Về đến kinh đô, chẳng tra hỏi nhiều, truyền đem ra chém. Có vị đại thần đi ngang nhìn thấy tù nhân sắp chém, liền hỏi xem tội gì. Quân lính thuật lại tội trạng, đại thần liền bảo: “Chưa vội giết, giữ đó chờ ta đến gặp đại vương.”

Quan đại thần vào gặp vua, tâu rằng: “Người ấy tội không nghiêm trọng lắm, sao phải tội chết? Cho dù có cất giọng mà hát theo, nhưng chẳng làm việc chi dan díu, tà vạy. Xin đại vương nghĩ lại tha cho tội chết.”

Vua nghe lời nói đúng, không biết trả lời sao, liền thuận tha cho người ấy. Tội nhân được tha, đội ơn vị đại thần, theo phụng sự người rất cần mẫn, không hề ngơi nghỉ. Nhiều năm như vậy, rồi tự suy nghĩ: ‘Chuyện dâm dục hại người thật là đáng sợ hơn cả đao kiếm. Ta ngày trước bị nguy khốn, nghĩ lại cũng do lòng dục.” Nghĩ vậy rồi, liền thưa với vị đại thần rằng: ‘Xin cho tôi được xuất gia học đạo.” Đại thần vui vẻ nói: “Không dám trái ý ông. Mai sau thành đạo quả, xin trở về gặp nhau.”

Người ấy liền đi lên chốn rừng sâu núi thẳm, chuyên tâm tu tập quán xét, chẳng bao lâu thành Phật Bích-chi.

Phật Bích-chi quay về chốn cũ, đến nhà vị đại thần. Đại thần được gặp lại vui mừng, sanh lòng kính ngưỡng, liền thiết lễ long trọng cúng dường Phật Bích-chi. Phật Bích-chi thọ nhận rồi, liền bay lên hư không, hiện đủ mười tám phép biến hóa. Đại thần thấy rồi sanh lòng hoan hỷ, vui mừng, liền phát nguyện rằng: ‘Phật Bích-chi này trước nhờ ơn tôi mà được toàn mạng sống, nay mới thành Phật. Nguyện nhờ công đức này mà từ nay về sau tôi luôn luôn được sống lâu và giàu có, lại luôn luôn được đầy đủ trí tuệ, đức độ.’”

Phật bảo vua A-xà-thế: “Vị đại thần cứu mạng người khi xưa, nay chính là Hoàn-già-đạt đó. Do nguyện lực khi xưa, nên chẳng bao giờ gặp nạn chết yểu, lại đến nay gặp Phật xuất gia đắc đạo.”

Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com