- Phẩm Thứ Nhất: Bồ-Tát Được Thọ Ký
- Phẩm Thứ Hai: Cúng Dường Được Thọ Báo
- Phẩm Thứ Ba: Thọ Ký Bích-chi Phật
- Phẩm Thứ Tư: Bồ-Tát Ra Đời
- Phẩm Thứ Năm: Làm Ác Đọa Ngạ Quỷ
- Phẩm Thứ Sáu: Chư Thiên Cúng Dường
- Phẩm Thứ Bảy: Chư Phật Ra Đời
- Phẩm Thứ Tám: Các Vị Tỳ-Kheo Ni
- Phẩm Thứ Chín: Các Vị Thanh Văn
- Phẩm Thứ Mười: Các Nhân Duyên Khác
Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
PHẨM THỨ NĂM: LÀM ÁC ĐỌA NGẠ QUỶ
NGƯỜI XẤU NHƯ QUỶ
Lúc ấy, Phật ở gần thành Tỳ-xà-ly, ven sông Di-hầu. Trong thành có một trưởng giả tên là Giá-la, vừa gặp được một người vừa ý, mới cưới làm vợ.
Người vợ khi mang thai, bỗng nhiên trở nên hôi hám lạ thời, chẳng ai dám đến gần. Người chồng hỏi: “Ngày trước bà không hôi hám thế này, sao nay bỗng nhiên thay đổi, trở nên hôi hám đến thế?” Vợ đáp rằng: “Điều này chắc hẳn là do đứa con đang mang trong bụng. Do nghiệp lực của nó mà khiến ra có chuyện như vậy.”
Khi đủ ngày tháng, bà hạ sinh một bé trai hình dung cực kỳ xấu xí, khó coi. Lại khi sinh ra có phân dơ bao quanh người, hôi hám cùng cực. Dần dần lớn lên, cứ muốn tìm đến những chỗ dơ nhớp có phân người, khuyên can, dạy dỗ cũng chẳng rời xa những nơi ấy được.
Cha mẹ, thân thuộc họ hàng thấy sự kỳ quái, dơ nhớp như vậy dần dần không chịu nổi, xô đuổi ra chỗ xa vắng, chẳng cho về nhà nữa. Từ đó thằng bé lang thang tìm những chỗ dơ nhớp mà ở, ăn phân dơ, uống nước tiểu người, xem đó là những món ngon lạ nhất. Nhân dân đều nghe biết, gọi nó là quỷ Diêm-bà-la.
Trong xứ ngày ấy có một thầy ngoại đạo đi du phương, tình cờ gặp Diêm-bà-la, liền thốt ra lời này: “Lành thay!” Diêm-bà-la từ bé đến lớn chưa từng được ai thân cận, gần gũi, ngay cả đến cha mẹ còn xa lánh, nên nghe thầy ngoại đạo nói lời thân mật với mình thì vui mừng không kể xiết, liền quỳ dưới chân thầy mà cầu xin được thâu nhận làm đệ tử.
Thầy ngoại đạo nhận Diêm-bà-la làm đệ tử, dạy phải sống lõa thể, lấy tro hòa nước bôi trét lên khắp người, gọi đó là phép tu tịnh hạnh.
Diêm-bà-la tuy nghe theo thầy, nhưng vẫn không bỏ được tập tính cũ, thời tìm đến ở những nơi dơ nhớp và ăn phân người, uống nước tiểu. Những kẻ đồng tu ngoại đạo thấy vậy thì la mắng thậm tệ, hoặc có khi lấy gậy gộc mà đuổi đánh. Nhiều lần như vậy, Diêm-bà-la sợ quá trốn ra bờ sông, tìm được một cái hang sâu mà lánh vào đó, đêm đêm mới rời hang mà đi kiếm ăn.
Nơi bờ sông ấy có 500 ngạ quỷ hình thể cực kỳ xấu xí, gớm ghiếc. Đám ngạ quỷ ấy thấy Diêm-bà-la đến ở gần bên nhưng vẫn thản nhiên, không hề chê bai hay mắng nhiếc gì. Diêm-bà-la thấy vậy mừng lắm, thường nghĩ rằng: “Ta sống với loài người từ bao lâu nay, chỉ toàn nghe những lời chê bai, la mắng, lại còn đòn roi đánh đập, xô đuổi, khổ não cùng cực. Thật chẳng bằng như nay sống chung với lũ quỷ này, thoát được những nạn khổ ấy.”
Không ngờ lũ quỷ ấy tuy chẳng chê bai hình dạng của Diêm-bà-la, nhưng khi thấy chàng ta tìm ăn phân người, uống nước tiểu thì thảy đều ghê sợ, chẳng muốn ở gần, mới rủ nhau bỏ đi nơi khác. Diêm-bà-la buồn rầu thảm thiết, nói rằng: “Ta mang thân xấu xí, chưa từng có bạn hữu. Nay gặp được các ngươi tưởng là cùng chung thân phận, có thể sống với nhau mà chia sẻ vui buồn. Ngờ đâu nay các ngươi cũng muốn bỏ ta mà đi.” Nói như vậy rồi, trong lòng đau đớn khôn nguôi, nằm lăn trên đất chẳng muốn dậy.
Đức Thế Tôn ngày đêm thời lấy tâm đại bi quán sát chúng sanh, biết nơi nào có thể độ thoát được đều tùy duyên mà đến cứu độ cho. Bấy giờ Phật thấy biết Diêm-bà-la sầu khổ cùng cực, biết là cơ duyên đã đến nên hiện thân đến nơi ấy mà thuyết pháp cho nghe.
Diêm-bà-la được nghe Phật thuyết pháp rồi, sinh lòng vui mừng khôn xiết. Lại được thấy thân Phật với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, hào quang chiếu sáng quanh thân rực rỡ, trong lòng vô cùng hoan hỷ, liền quỳ xuống chí thành lễ Phật, thưa rằng: “Bạch Thế Tôn! Người hạ tiện, xấu xí, dơ nhớp như con đây, có thể nào xuất gia được chăng?”
Phật dạy Diêm-bà-la rằng: “Trong đạo pháp của ta, không có hạng người nào mà lại không được xuất gia cả.”
Diêm-bà-la nghe vậy thì vui mừng khôn xiết, liền quỳ lạy, cầu thỉnh xin được xuất gia nhập đạo. Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói rằng: “Lành thay đó, tỳ-kheo!” Tức thì râu tóc tự nhiên rụng sạch, áo cà-sa hiện nơi thân, thành một vị sa-môn oai nghi đầy đủ.
Diêm-bà-la được Phật độ cho xuất gia rồi, trong lòng hoan hỷ, liền đọc kệ rằng:
Nay nhờ ơn Phật,
Được tròn sở nguyện.
Bỏ thân dơ nhớp,
Được thành sa-môn.
Phật bảo Diêm-bà-la rằng: “Nhà ngươi nay đã được xuất gia thành đệ tử của ta rồi đó.”
Diêm-bà-la từ đó chuyên cần tu tập, chẳng bao lâu chứng quả A-La-hán, có đủ Ba trí sáng, Sáu phép thần thông, hàng trời người thảy đều kính ngưỡng.
Bấy giờ, chư tỳ-kheo thấy việc như thế, liền thưa hỏi Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chẳng hay tỳ-kheo Diêm-bà-la đây trước đã tạo những ác nghiệp gì mà nay phải chịu khổ báo như vậy? Lại có nhân duyên gì được gặp Phật và tu tập sớm đắc đạo quả?”
Phật liền đọc cho chư tỳ-kheo nghe bài kệ rằng:
Đã tạo nghiệp thiện, ác,
Trăm kiếp đều chẳng mất.
Đều do nghiệp, nhân duyên,
Nên chịu quả như thế.
Chư tỳ-kheo nghe kệ rồi, liền thưa hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn! Chẳng hay nhân duyên quá khứ như thế nào? Xin vì chúng con giảng giải cho được biết.”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Các ngươi hãy chú tâm lắng nghe, ta sẽ vì các ngươi mà phân biệt giảng nói. Vào giữa Hiền kiếp này, tuổi thọ con người kéo dài đến bốn mươi ngàn năm. Khi ấy, xứ Ba-la-nại có Phật ra đời hiệu là Ca-la-ca Tôn-đà, cùng với các vị tỳ-kheo đi giáo hóa khắp nơi, đến một nước tên là Bảo Điện.
Vua nước ấy liền cùng với quần thần ra khỏi thành nghinh tiếp Phật, thỉnh Phật vào thành thọ nhận cúng dường trong ba tháng. Phật nhận lời.
Nhà vua được Phật nhận lời, liền truyền cho sắp xếp, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để cúng dường. Lại cho xây dựng một khu tự viện rất nhiều phòng ốc dành cho chư tăng, thỉnh một vị tỳ-kheo đứng đầu coi sóc, quản lý mọi việc.
Ngày nọ, có vị tỳ-kheo đã chứng quả A-La-hán đi hành hóa phương xa, ghé vào tự viện ấy. Những người thiện tín đang làm công việc trong tự viện, nhìn thấy oai nghi của vị A-La-hán đều vui mừng chiêm ngưỡng, thỉnh vào phòng trong nấu nước thơm cúng dường cho ngài tắm rửa, lại lấy các thứ bột hương chiên-đàn quý giá để bôi lên thân ngài.
Bấy giờ vị tỳ-kheo chủ trì nơi ấy vừa đi ra ngoài về, thấy việc như vậy thì sinh lòng ganh ghét, sân hận, liền buông lời thóa mạ rằng: “Ngươi là người xuất gia, sao dám lấy hương thơm của người khác mà dùng trên thân mình như vậy?”
Vị A-La-hán nghe lời nói đó, liền lấy lòng từ bi mà thương xót cho vị tỳ-kheo ấy, biết rằng ông ta sẽ phải thọ khổ báo vì lời nói ấy. Ngài muốn giúp ông sinh lòng hối cải để giảm bớt tội nghiệp, nên liền bay lên giữa hư không, hiện đủ mười tám phép thần biến. Vị tỳ-kheo kia thấy vậy vô cùng hổ thẹn, hối hận, liền lễ bái cầu xin sám hối.
Do nghiệp duyên như thế, đã năm trăm kiếp qua rồi, người ấy vẫn thường phải thọ thân xấu xí, dơ nhớp, chẳng ai dám đến gần.”
Phật bảo chư tỳ-kheo: “Tỳ-kheo buông lời xúc phạm vị A-La-hán ngày xưa, nay chính là tỳ-kheo Diêm-bà-la đó. Nhờ khi ấy đã sám hối với vị A-La-hán kia, nên nay mới được gặp ta và xuất gia đắc đạo.”
Phật thuyết nhân duyên của Diêm-bà-la rồi, chư tỳ-kheo thảy đều tự biết phòng hộ các nghiệp thân, miệng, ý, lìa bỏ lòng ganh ghét, sân hận, lánh sợ đường sinh tử, có người đắc quả Tu-đà-hoàn, có người đắc quả Tư-đà-hàm, có người đắc quả A-na-hàm, có người đắc quả A-La-hán, lại có nhiều người phát tâm cầu quả Phật Bích-chi, cũng có người phát tâm cầu quả vô thượng Bồ-đề.
Các vị tỳ-kheo nghe Phật thuyết nhân duyên này xong thảy đều vui mừng tin nhận.