Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

6. Bảy ngày sau khi chết

02/03/201115:09(Xem: 7138)
6. Bảy ngày sau khi chết

NGƯỜI TÂY TẠNG NGHĨ VỀ CÁI CHẾT
Tác giả: Nguyên Châu - Nguyễn Minh Tiến dịch

GIẢNG LUẬN của đức Lạt-ma Chőgyam Trungpa Rinpoche

6. Bảy ngày sau khi chết

a. Ngày thứ nhất

Luận vãng sanh chỉ rõ, bốn ngày sau khi chết thì bắt đầu ngày thứ nhất của thân trung ấm. Thần thức đột nhiên tỉnh giấc, lưu trú trong chân tâm sáng suốt, hiểu được rằng mình đang ở trong giai đoạn thân trung ấm và sắp lưu chuyển trở lại trong cõi Ta-bà. Cảm nhận trong giai đoạn này đều là ánh sáng và hình ảnh, chưa thấy vật chất và sắc thể.

Ngũ uẩn của thần thức một khi bắt đầu hoạt động trở lại, thức uẩn liền lập tức biến thành không gian, là yếu tố chứa đựng tứ đại.

Trong trạng thái lúc này, thần thức sẽ cảm nhận một không gian có sắc xanh, và đó là cảnh giới của Phật Đại Nhật.[38]Phật Đại Nhật được mô tả là đức Phật có hào quang sắc trắng. Ngài có bốn mặt, cùng một lúc nhìn ra bốn hướng. Ngài cầm trên tay bánh xe có tám nhánh, tượng trưng cho không gian và thời gian. Biểu tượng của Phật Đại Nhật là tính chất mênh mông linh hoạt của thức, tượng trưng cho thức uẩn.

Cảnh giới này cũng chứa đựng những yếu tố của cõi trời, thuộc về lục đạo. Không gian có hào quang xanh biếc, không biên giới, không cùng tận. Trong không gian đó, cõi trời của lục đạo tỏa một sắc trắng nhạt như một luồng sáng nhỏ trong đêm. Thần thức thường có khuynh hướng đi về ánh sáng trắng đó, ánh sáng của cõi trời. Cõi trời là một dạng của cõi Ta-bà được nhìn thấy lúc này.

Cảnh tượng này cũng có thể xảy ra trong đời sống hằng ngày. Mỗi một khi ta có niềm hoan hỷ sâu lắng của thiên giới, lúc đó ta cũng có thể cảm thấy dấu vết của cõi Phật Đại Nhật. Thông thường, cảm nhận được cõi Phật Đại Nhật là tiếp cận cái vô cùng, cái không biên giới, cái vô ngã, và vì thế không phải đơn giản và dễ chịu đối với những người thường.

Đi vào cõi trời chính là rời bỏ cõi Phật Đại Nhật, rời bỏ chân như tịch tịnh vắng lặng để đi vào lục đạo. Dù rằng cõi trời, theo như thông thường mà nói, là cõi an lạc nhất của thế giới Ta-bà, nhưng nơi đây vẫn còn chịu mọi trầm luân sanh tử vô thường. Chính do nơi ác nghiệp mà thần thức đột nhiên sợ hãi hào quang rực rỡ chói lòa của cõi Phật Đại Nhật, và muốn trốn chạy ra khỏi cõi Phật này.

b. Ngày thứ hai

Trong ngày thứ hai, thần thức sẽ cảm nhận một hào quang sắc trắng, khi yếu tố nước hiện ra dưới dạng của pháp thân. Kinh chỉ rõ cõi này nằm về phía đông, là cõi của Phật Bất Động. Đức Phật Bất Động ngồi trên voi trắng, tay cầm chày kim cương (Vajra) biểu tượng cho vật thể bất hoại.

Nếu cảnh giới Phật Đại Nhật là do thức uẩn biến hiện, thì cảnh giới Phật Bất Động là do sắc uẩn biến hiện trong thể tánh chân như. Cảnh giới này tràn ngập hào quang màu trắng, và biểu hiện của sắc uẩn trong cõi Ta-bà là địa ngục, phát ra một ánh sáng xám đục. Bị ác nghiệp chiêu cảm, thần thức có thể sanh tâm sợ hãi với hào quang sắc trắng chói lòa, và do đó hướng về ánh sáng xám đục của địa ngục. Cảnh giới Phật Bất Động là cảnh giới của tri kiến vững chắc bất hoại, nên nếu thần thức kiên tâm giữ vững chính kiến thì có khả năng an trú được trong cảnh giới này.

c. Ngày thứ ba

Trong ngày thứ ba, thần thức sẽ cảm thấy một hào quang sắc vàng, biểu hiện yếu tố đất trong thể tánh chân như. Cõi này nằm ở phía nam, là cảnh giới của Phật Bảo Sanh.[39]Phật Bảo Sanh tay cầm báu vật, tượng trưng cho sự sung mãn, tăng trưởng. Cảnh giới này do thọ uẩn biến hiện.

Yếu tố của thế giới Ta-bà trong cảnh giới này là cõi người. Trong hào quang sắc vàng của cảnh giới Phật Bảo Sanh, cõi người xuất hiện dưới dạng của một thứ ánh sáng màu xanh nhạt. Thần thức tái sanh làm người thường sợ hãi hào quang sắc vàng của cõi Phật Bảo Sanh và thấy ánh sáng xanh nhạt của loài người là êm dịu thích hợp với mình.

d. Ngày thứ tư

Qua ngày thứ tư, yếu tố lửa xuất hiện thành một cảnh giới ở phương tây, là cảnh giới của Phật A-di-đà.[40]Phật A-di-đà tay cầm một đóa hoa sen tượng trưng cho lòng từ bi. Dù trong mọi cảnh bùn lầy nhơ nhớp, hoa sen vẫn mọc lên thơm tho trong sạch.

Cảnh giới Phật A-di-đà do tưởng uẩn biến hiện, có hào quang sắc đỏ, tượng trưng cho chánh tri kiến trong từ bi. Thế giới Ta-bà hiện ra trong cảnh giới này bằng cõi ngạ quỷ, phát ra một ánh sáng vàng nhạt trong hào quang sắc đỏ mênh mông của đức Phật.

e. Ngày thứ năm

Qua ngày thứ năm, yếu tố gió xuất hiện thành một cảnh giới ở phương bắc, cảnh giới của Phật Bất Không Thành Tựu,[41]tay cầm chày kim cương, ngồi trên chim thần Ca-lâu-la.[42]

Cảnh giới này do hành uẩn biến hiện, tràn ngập hào quang màu xanh lục. Thế giới Ta-bà xuất hiện trong cõi này bằng cõi a-tu-la, phát ra một ánh sáng màu đỏ nhạt. Hãy nhớ rằng giác ngộ là Niết-bàn, mê lầm là thế gian. Ở đây Niết-bàn là cõi Phật Bất Không Thành Tựu, và thế gian là cõi a-tu-la.

f. Ngày thứ sáu

Đến ngày thứ sáu một cảnh tượng mới mẻ xuất hiện: bốn mươi hai vị thiện thần, bốn vị thiên tướng, năm vị Phật và sáu cõi của thế giới Ta-bà cùng lúc hiện ra. Thần thức choáng váng sợ hãi, toàn thể vũ trụ như choáng ngợp, đầy hình ảnh.

Các vị thiên tướng lần đầu xuất hiện, bốn vị ở bốn cửa thành, thần thức có cảm giác như bị vây phủ bốn phía. Nghiệp báo làm thần thức thêm sợ hãi, đây là lúc thần thức thấy cõi lục đạo có vẻ như an toàn và thu hút mình. Tất cả cảnh tượng này đều do tâm thức biến hiện, tùy thuộc vào những xúc cảm, sự thèm khát của chính tâm thức.

g. Ngày thứ bảy

Tất cả cảnh tượng của những ngày qua xuất phát từ trong thần thức, biến hiện thành thiện thần. Qua ngày thứ bảy những biến hiện bắt đầu có tính vô ký, nghĩa là không thiện không ác. Đây là cảnh giới của Phật Minh Trì,[43]chủ về trí huệ, hay chánh kiến. Trong cảnh giới này, thế giới Ta-bà xuất hiện bằng cõi súc sanh, biểu hiện của sự vô minh, thiếu ý thức.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com