- 01. Luân hồi
- 02. Hiện tượng khi chết
- 03. Con người và nghiệp quả
- 04. Nghiệp Sát hại
- 05. Nghiệp quả và Tướng diện
- 06. Nghiệp quả vả Sức khỏe
- 07. Nghiệp quả và Tài năng
- 08. Nghiệp quả và Nhân cách
- 09. Nhân cách và Tình cảm
- 10. Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp
- 11. Chuyển Nghiệp
- 12. Tôn giả Xá Lợi Phất (Đệ nhất trí huệ)
- 13. Tôn giả Mục Kiền Liên (Đệ nhất thần thông)
- 14. Tôn giả Đại Ca Diếp (Đệ nhất tu khổ hạnh)
- 15. Tôn giả Ca Chiên Diên (Đệ nhất luận nghị)
- 16. Tôn giả Phú Lâu Na (Đệ nhất thuyết pháp)
- 17. Tôn giả A Na Luật (Đệ nhất thiên nhãn)
- 18. Tôn giả A Nan (Đệ nhất đa văn)
- 19. Tôn giả La Hầu La (Đệ nhất mật hạnh)
- 20. Tôn giả Tu Bồ Đề (Đệ nhất giải Không)
- 21. Tôn giả Ưu Bà Ly (Đệ nhất trì giới)
Lê Sỹ Minh Tùng
09. Nhân cách và Tình cảm
Tình cảm phát xuất từ con tim, mà đã từ con tim thì có lúc chúng ta thương, có khi chúng ta ghét, giận hờn, si mê… bởi vậy có một triết gia Tây phương nói rằng: ”Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào hiểu nổi”.
Khi một người chạy theo tiếng gọi của con tim, chẳng hạn như một chàng trai nhìn thấy một cô gái trẻ đẹp khiến lòng anh ta phát sinh một tình cảm ưu ái và muốn chiếm đoạt về mình. Thứ tình cảm ưu ái nầy phát xuất từ tâm lý vị kỷ của con người, đó là muốn thâu góp mọi thứ tốt đẹp trên thế gian. Đây chính là hệ quả của tâm lý tham lam mà thôi.
Gần đây báo chí đăng tin có một thiếu phụ rất giàu tìm cách chiếm đoạt tình cảm của một chàng đẹp trai có vợ, nhưng không thành công. Sự thất vọng đã biến bà ta từ tình yêu trở thành thù hận nên tìm cách trả thù cho hả dạ. Vậy thứ tình cảm yêu mến hay hận thù của người đàn bà nầy cũng phát sinh từ tâm lý tham lam, ích kỷ chớ không phải là thứ tình yêu chân thật.
Nói tóm lại, khi nói về tình cảm thương ghét của con người thì hễ cái gì thỏa mãn được lòng tham muốn thì sự ưa thích sẽ phát sinh, còn cái gì ngăn cản lòng tham muốn thì sự thù ghét sẽ xuất hiện. Do đó tình cảm của con người chỉ là một trò lừa dối của chấp ngã mà thôi.
Có một loại tình cảm mãnh liệt hơn các loại tình cảm khác đó là tình yêu nam nữ. Thứ tình cảm nầy khá phức tạp bởi vì nó bao gồm từ những cuộc tình cao thượng, chân chính đến những trò đùa giỡn ái tình và lợi dụng tình ái. Vậy duyên nghiệp từ quá khứ đã chi phối cho loại tình cảm nầy thế nào?
Nếu hai người quả thật có duyên nợ từ tiền kiếp thì họ sẽ yêu nhau chân thành và đi đến hôn nhân để trả xong nợ quá khứ và có thể tiếp tục gây thêm nợ cho mai sau.
Nếu không có nợ mà chỉ có duyên thì họ sẽ yêu nhau qua một giai đoạn rồi gặp trắc trở để rồi tình cảm phai nhạt dần theo năm tháng.
Còn trường hợp tình yêu đơn phương thì sao? Đó là người nầy mơ tưởng đến người kia nhưng không được đáp lại. Đối với họ thì người kia chính là mẫu người lý tưởng mà họ hằng mong ước từ sắc đẹp cho đến nhân cách. Nhưng rất tiếc vì không có duyên từ trong tiền kiếp nên họ chỉ đón nhận bao sự lạnh lùng chua chát mà thôi.
Nếu đời nầy có một chàng trai đa tình đã dẫm lên không biết bao nhiêu cuộc đời của phụ nữ thì dĩ nhiên kiếp sau anh ta sẽ chuyển thân làm người nữ để chịu đựng sự bạc tình của người khác.
Nói thế thì tình yêu bên ngoài có thể che phủ bằng những bông hoa tươi thắm, nhưng thật ra bên trong nó được che lấp bằng những bản chất ích kỷ và hưởng thụ của con người. Thật vậy, chính cái bản năng hưởng thụ đã thúc đẩy trai gái tìm đến với nhau và cũng chính cái bản năng hưởng thụ nầy đã thúc đẩy họ làm khổ cho nhau. Trong bất cứ xã hội nào cũng có rất nhiều cặp vợ chồng gây gổ, đánh đập, giết hại lẫn nhau gây đau thương cho mình và cho con cái.
Thêm vào đó, có những vụ ngoại tình đưa đến ly dị chỉ làm khổ mọi người và tạo ra lắm nghiệp nhân không tốt cho họ về sau.
Đối với sự công bằng của luật nghiệp quả thì nếu ta chiếm vợ người thì trước sau cũng bị người đoạt vợ của ta. Còn nếu hành hạ vợ mình thì dĩ nhiên kiếp sau sẽ bị đọa làm người nữ để bị hành hạ trở lại. Kẻ muốn ly dị, bỏ rơi con cái sẽ trở thành mồ côi, hiu quạnh ở đời sau.
Vì có những đau khổ, bất hạnh trong đời sống lứa đôi nên có một triết gia Tây phương đã thốt lên rằng: ”Chỉ có những triết gia chân chính mới sống hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng tiếc thay, nếu là triết gia chân chính, họ sẽ không bao giờ lập gia đình”.
Phật dạy rằng:
- Người đời có nhiều sự ham muốn, nhưng ham muốn nữ sắc là hơn hết. Vì sắc đẹp nên sinh lòng ham mến (yêu) nên cái ham mến là hơn hết. May thay! Chỉ có một sắc đẹp, chứ có hai thì tất cả mọi người trong thiên hạ, không ai tu nổi.
Luật Nghiệp Quả không dừng lại ở đây mà còn ảnh hưởng đến những gia đình mà cha mẹ đánh đập, chửi mắng hay thù ghét con cái của mình. Thật ra đây chỉ là sự bình đẳng mà thôi vì đời trước khi còn làm cha mẹ thì nó đã đối xử tàn tệ với con cái của nó. Đến kiếp nầy duyên nghiệp đưa đẩy nó rơi vào gia đình có bậc cha mẹ tánh tình hung dữ và miệng lưỡi ác độc để trả lại những nỗi khổ mà nó đã gây ra cho người khác.
Ở Việt Nam có rất nhiều gia đình đông con mà cha mẹ lại không thương con đồng đều. Tại sao gia đình có năm, sáu đứa con mà cha mẹ chỉ thương nhất có một người? Không có gì khó hiểu cả bởi vì trong những đời trước cha mẹ hiện tại đã mang nặng ân nghĩa với đứa con đó nên bây giờ khiến cha mẹ thương yêu, cưng chìu đứa con đó hơn.
Thêm nữa, trong đời quá khứ nếu kết duyên với con cái thì đời nầy chúng ta gặp lại chúng. Nếu là phước duyên thì chúng đến để báo đền ơn nghĩa ngày xưa. Chúng quan tâm, lo lắng và giúp đỡ mọi chuyện cho cha mẹ. Chúng cố gắng học hành, trở thành người tốt để đem niềm vui cho cha mẹ. Còn nếu là ác duyên có nghĩa là chúng đến để đòi nợ, gây khổ cho cha mẹ. Cha đau mẹ yếu chúng chả cần quan tâm. Chúng chỉ thích ăn chơi trác táng, phung phí tiền bạc, tương lai đen tối và gây phiền não cho gia đình. Thay vì cố gắng tạo dựng một tương lai tốt đep cho cuộc đời của mình thì trong tâm chúng chỉ để ý đến cái gia sản to lớn của cha mẹ mà thôi.
Tóm lại, một khi tình cảm phát xuất từ con tim thì đau khổ, phiền não còn dính liền với con người bởi vì những tư tưởng đó được cấu tạo bởi lòng tham lam, ích kỷ. Vì thấy sự nguy hại của cảm tình nên Đức Phật đã dạy cảm tình là mê muội, không sáng suốt và chạy theo dục vọng để dẫn con người đến chỗ khổ đau. Muốn có cuộc sống an vui, tự tại thì con người phải quay về sống với trí tuệ chân thật của họ. Vâng, chỉ có trí tuệ sáng suốt mới có đủ công năng đưa con người vượt qua mọi đau khổ để đến được cảnh giới an vui, hạnh phúc. Sống với trí tuệ là sống với lòng vị tha của từ, bi, hỷ, xả.
Do đó nếu con người biết đem tình thương chân chính của sự hy sinh, độ lượng và vị tha vào trong cuộc sống thì tình yêu đó sẽ không còn đậm màu sắc ảm đạm của bản năng ích kỷ. Thật vậy, con người bị dục vọng thiêu đốt và màn đen vô minh che lấp. Chỉ có ánh sáng trí tuệ mới có thể dập tắt ngọn lửa ái dục cũng như xé toang màn vô minh ấy để giúp cho con người thoát ly cảnh khổ.