- Chương 1: Thiền định: Tại sao phải bận tâm?
- Chương 2: Tu thiền không phải là
- Chương 3: Tu thiền là gì?
- Chương 4: Thái độ và Quan điểm
- Chương 5: Sự Tu tập
- Chương 6: Làm gì đây với thân của bạn?
- Chương 7: Làm gì đây với Tâm của bạn?
- Chương 8: Cấu trúc của sự tu tập
- Chương 9: Tổ chức sự Tu tập
- Chương 10: Đối diện với khó khăn
- Chương 11: Đối diện với Vọng tâm – I
- Chương 12: Đối diện với Vọng tâm – II
- Chương 13: Chánh Niệm (Sati)
- Chương 14: Chánh niệm so với sự tập trung
- Chương 15: Tu thiền trong đời sống hàng ngày
- Chương 16: Những gì cho bạn
CHÁNH NIỆM CƠ BẢN
Thiền sư: Henepola Gunaratana
Dịch Việt: Lương Thanh Bình
Mọi thứ nói trên thì vẫn còn nằm trong phạm vi của lý thuyết. Bây giờ đây hãy vấn thân vào sự tu tập thật sự. Vấn đề là làm ra sao cái mà chúng ta gọi là “tu thiền.”
Trước hết, bạn cần phải thiết lập một thời khóa biểu cho sự tu tập, một khoảng thời gian mà bạn dành riêng cho thiền định chứ không bất cứ gì khác. Khi bạn còn bé chưa biết đi, người tập cho bạn đi, đã gặp không biết bao là khó khăn để dạy cho bạn khả năng này. Họ dìu tay của bạn, khích lệ, giúp cho bạn đứng với một chân này trước chân kia, cho đến khi nào bạn có thể tự mình làm lấy. Những giai đoạn hướng dẫn này đã hình thành một quá trình tập luyện cho nghệ thuật đi.
Trong tu thiền, chúng ta cũng theo phương pháp tương tự như vậy. Chúng ta bỏ ra một khoảng thời gian nhất định để dành riêng cho sự phát triển khả năng tâm linh này mà được gọi là Chánh niệm. Chúng ta sắp xếp sao cho hoàn cảnh chung quanh ít phân tán đến mức tối thiểu, vì khả năng này vốn không phải là loại dễ học thành. Chúng ta đã dùng gần trọn cả đời mình để bồi đắp cho những thói quen hoàn toàn trái ngược lại với sự vận hành lý tưởng của tâm chánh niệm liên tục. Muốn bỏ đi những thói quen này, đòi hỏi chúng ta một chu trình hữu hiệu. Như đã nhắc qua trước đây, tâm của chúng ta giống như một ly nước bẩn. Mục đích của tu thiền là gạn lọc bùn cặn để chúng ta có thể thấy những gì đang xảy ra trong đó. Cách tốt nhất là để cho nó ở yên một chổ, rồi chờ một thời gian đủ lâu cho nó lắng đọng. Cuối cùng rồi bạn có một ly nước trong. Trong tu thiền, chúng ta dành riêng khoảng thời gian trong ngày cho quá trình gạn lọc này. Khi nhìn từ bên ngoài trông dường như là hoàn toàn vô ích, chúng ta ngồi bất động như một tảng đá nhưng bên trong có rất nhiều hiện tượng luôn xảy ra. Sau khi những tư tưởng rời rạc lắng đọng, chúng ta còn lại trạng thái tâm trong sáng để đối diện với những gì sắp xảy đến cho đời sống của chúng ta.
Đó không có nghĩa là chúng ta phải làm một điều gì để thúc đẩy sự lắng đọng này, nó chỉ là một tiến trình luôn xảy ra một cách tự nhiên. Ngồi trong chánh niệm sẽ đưa đến sự lắng đọng này. Thật ra, nếu chúng ta có một thoáng tác ý nào để thúc đẩy cho sự lắng đọng này thì sẽ mang đến kết quả hoàn toàn trái ngược. Vì bởi đó là sự ức chế cho nên nó không có kết quả. Cố gắng gượng ép bỏ đi phiền não ra khỏi tâm, bạn chỉ làm tăng thêm sức ép cho tâm mà thôi. Có thể là bạn tạm thời làm được điều này nhưng theo thời gian bạn sẽ làm cho những phiền não này tăng trưởng mạnh thêm hơn. Chúng ngủ ngầm trong tiềm thức để chờ cơ hội nhảy vọt ra, đến lúc ấy bạn hoàn toàn bất lực đối với chúng.
Phương pháp tốt nhất để gạn lọc những cặn bả của tâm là cứ để cho nó tự lắng động. Đừng cho thêm năng lượng vào tình trạng đang có mà chỉ quan sát dòng hiện tượng một cách khách quan. Dần dần đến cuối cùng nó cũng phải lắng xuống và sẽ ngừng lại ở đó nếu bạn không cung cấp năng lượng để cho nó vùng dậy. Chúng ta xử dụng năng lượng cho thiền định chứ không phải dùng nó để đàn áp vọng tâm. Sự phấn đấu duy nhất của chúng ta là kiên nhẫn chánh niệm.
Thời gian tọa thiền cũng giống như cuộc giải phẩu cho ngày hôm ấy của bạn. Mọi sự xảy ra trong ngày đã được tích trữ trong tâm ở nhiều dạng khác nhau, cảm xúc tình cảm. Trong suốt thời gian mọi sự phát sinh, bạn bị lôi cuốn trong cái khung ép của hoàn cảnh mà cơ bản phải đối diện và giải quyết dù cho bạn có hiểu biết nó rõ ràng hay không. Chúng được tích trữ trong tiềm thức, nơi mà chúng tạo nên những tai hại lớn lao nhất. Để rồi bạn lấy làm ngạc nhiên những căng thẳng này từ đâu tới. Tất cả những cù cặn này lần lượt xuất hiện trong dạng này hay dạng khác trong suốt buổi tọa thiền. Bạn có cơ hội nghiên cứu, thấy ra cái thực chất của chúng, để rồi sẽ buông bỏ chúng đi. Những buổi tọa thiền nghiêm chỉnh là để tạo ra cái hoàn cảnh tốt cho sự buông bỏ này. Chúng ta cứ tái lập chánh niệm trong những chu kỳ thời gian thường xuyên để gợi cảm cho tâm, rời xa những hoạt động sinh hoạt làm quấy động tâm. Cho nên chúng ta tìm nơi vắng vẻ ngồi êm lặng và bất động để chờ cho chúng trổi dậy. Rồi sau đó chúng sẽ tan biến đi. Cái hiệu quả này tương tự như là xạc điện cho một cái bình chứa năng lượng. Tọa thiền giống như là xung chứa thêm năng lực cho chánh niệm vậy.
Nơi ngồi
Tìm một nơi yên lặng, tách biệt, chỉ có một mình bạn mà thôi. Nó không cần thiết phải là một địa điểm lý tưởng như là giữa một cánh rừng. Đó dường như là điều không tưởng cho phần lớn trong chúng ta, nhưng nơi ấy phải tương đối thoải mái và nhất là không bị ai phá rối. Nơi đó nên ít có ai lai vãng. Bạn muốn dành tất cả mọi chú tâm của mình cho thiền định mà không phải lo là mình trông như thế nào đối với người khác. Cho nên nơi càng vắng lặng chừng nào thì tốt hơn chừng ấy. Cũng không cần phải có một căn phòng cách âm, nhưng âm thanh quả thật làm xao lãng, tránh được nếu có thể nhất là lời người trò chuyện và âm nhạc. Tâm có khuynh hướng bị thu hút bởi những loại âm thanh như thế khó mà kềm chế được, rồi sự tập trung bị đánh mất.
Có vài nét chi tiết giúp cho bạn dùng được để tạo nên một hoàn cảnh thuận lợi. Một căn phòng mờ ánh đèn cầy và nén hương trầm thì rất tốt. Dụng cụ điểm thời gian lúc bắt đầu và kết thúc cũng có ích. Đây chỉ là những nét linh tinh mà thôi. Chúng có tác dụng cho một số người nhưng không ảnh hưởng và liên hệ gì với sự tu tập cả.
Bạn có lẽ sẽ tìm thấy một chút lợi ích khi ngồi một chổ quen thuộc. Một chổ dành riêng cho tọa thiền là một điều kiện tốt cho nhiều người. Bạn dần dần quen thuộc và cảm thấy dễ dàng thoải mái nơi chổ ấy, cũng như đi sâu vào tâm tập trung nhanh hơn. Nó cũng giống như hoàn cảnh kéo bạn mau trở lại nơi mà đã dừng lại hôm trước. Điều này cần phải thí nghiệm mới thấy được. Hãy thử vài nơi và chọn ra chốn tốt nhất. Nơi mà bạn cần tránh là làm bạn mất tự nhiên và nhiều nguyên nhân gây ra sự xao lãng.
Cũng có nhiều người tìm thấy lợi ích khi ngồi chung trong một nhóm với nhau. Tuân thủ theo một lịch trình nhất định làm cho nhiều người cảm thấy có sự nâng đỡ và ủng hộ lẫn nhau cũng là điều hữu ích trong lối tu tập. Vì lời hứa mà bạn phải tuân thủ cho đúng, đó cũng là một cách để trị cái chứng bệnh “tôi bận quá” để rồi đi lung tung. Bạn có thể tìm một nhóm tu tập trong địa phận của bạn, không cần biết họ có cùng pháp tu với bạn hay không miễn là ngồi trong êm lặng là được. Mặt khác, bạn cũng nên tự cảm thấy đủ trong sự tu tập của mình. Đừng bao giờ ỷ lại vào sự có mặt của nhóm người giống như là động cơ thúc đẩy chính. Thực hiện đúng đắn là, tọa thiền là niềm hạnh phúc. Nhóm người chỉ là trợ duyên mà thôi chứ không phải cái nạng cho bạn.
Khi ngồi
Nguyên tắc quan trọng nhất là: khi tọa thiền thì áp dụng thuyết trung đạo của đạo Phật. Đừng quá sức mà cũng không làm cho có lệ. Điều đó không có nghĩa là bạn chỉ ngồi khi nào có hứng nổi lên. Mà nó có nghĩa là bạn phải có thời khóa và tuân thủ theo nó một cách bền bĩ. Đặt ra thời khóa là một hành động đáng khích lệ. Nhưng nếu thời khóa tạo ra nhiều khó khăn cho bạn thì thời khóa đó không thích hợp cần phải thay đổi. Tu thiền không phải là một trách nhiệm hay bổn phận gì cả.
Tu thiền là sinh hoạt tâm lý. Bạn sẽ đối đầu với những sự thô thiển của tư tưởng và tình cảm. Bởi vậy, cái tư thế chuẩn bị tọa thiền có tác động tới kết quả cả buổi thiền hôm đó. Những gì bạn kỳ vọng thường là những gì bạn sẽ có được. Cho nên khi có một tâm trạng tốt thường mang lại kết quả cao. Nếu bạn ngồi với một tâm thái nặng nhọc, mệt mõi thì những thứ ấy là những gì bạn sẽ gặt hái được. Cho nên hãy tạo cho mình một tuyến trình tốt, khả thi, thích hợp với những bộ phận khác trong đời sống của mình. Để rồi, nếu bạn bắt đầu cảm thấy đi dần vào dòng giải thoát thì hãy thay đổi.
Sáng sớm là thời gian rất tốt cho tu tập. Tâm của bạn còn mới vì còn chưa nghĩ gì đến những trách nhiệm trong ngày sắp đến, cho nên thiền định là một cách tốt để bắt đầu cho một ngày. Nó sẽ trang bị cho bạn sẵn sàng để trực diện với mọi hoàn cảnh tốt hơn. Bạn có thể trải qua hết ngày dễ dàng hơn. Chắc chắn là bạn luôn luôn tỉnh táo. Bạn sẽ không làm được điều gì tốt đẹp nếu bạn luôn ngồi ngủ gật cả, cho nên hãy ngủ đầy đủ. Rửa mắt hay tắm trước khi bắt đầu. Nếu có thể hãy tập thể dục cho máu huyết lưu thông hay làm bất cứ gì để cho bạn hoàn toàn tỉnh hẳn trước khi ngồi tọa thiền. Nhất là đừng bao giờ cho bị kẹt vào những hoạt động trong ngày, nếu không bạn sẽ bỏ qua buổi tọa thiền một cách dễ dàng. Xem việc ngồi tọa thiền là việc quan trọng nhất trong buổi sáng vậy.
Buổi tối cũng là thời khóa tốt cho sự tu tập. Tâm của bạn đầy ắp những rác rưởi đã tích trữ trong ngày, do đó loại bỏ chúng đi trước khi đi ngủ lại là một điều tốt. Thiền định sẽ làm sạch và trẻ lại tâm của bạn. Tái lập lại chánh niệm thì giấc ngủ của bạn mới có lợi ích. Khi mới bắt đầu tu thiền, một lần một ngày là đủ. Nếu bạn cảm thấy ngồi thêm thì cũng không sao, nhưng đừng bao giờ quá độ. Có hiện tượng kiệt sức mà chúng ta thường hay gặp ở nhiều thiền sinh mới. Họ lao vào trong sự tu tập mười lăm giờ cho một ngày trong vòng vài tuần, để rồi khi những vấn đề của đời sống bắt kịp theo, thì họ nhận ra và cho là tu thiền thì tốn nhiều thời gian quá, hy sinh nhiều quá, họ không thể có thời gian cho những thứ này nữa. Đừng bao giờ rơi vào tình trạng này. Đừng kiệt sức mình trong tuần lễ đầu tiên. Hãy vội vã một cách từ từ. Giữ cho sự phấn đấu của bạn đều đặn và bền vững. Hãy cho mình có thời gian để thể nhập sự tu tập vào đời sống, và để nó phát triển từ từ một cách êm ả.
Trong khi sự thích thú tu thiền lớn mạnh dần, bạn sẽ tạo thêm thời gian cho lịch trình tu tập của mình. Hiện tượng tự phát này xảy ra mà không cần có sự ép buộc nào cả.
Những thiền giả nghiêm chỉnh thường tạo cho mình từ ba tới bốn giờ trong một ngày để tu tập mà vẫn sống một đời sống bình thường như mọi người một cách tự nhiên thoải mái.
Ngồi bao lâu
Cũng tương tự như trên: ngồi bao lâu tùy theo khả năng của bạn nhưng đừng quá độ. Những thiền sinh mới nên bắt đầu với thời gian hai mươi tới ba mươi phút. Ban đầu thật là khó mà ngồi lâu hơn để có lợi ích. Nhất là với người tây phương thì thế ngồi này thật không quen, cho nên cần thời gian cho thân thể điều chỉnh theo. Khả năng tâm linh cũng có phần mới lạ không kém và cũng cần có thời gian điều chỉnh nữa.
Khi nào bạn quen dần với tiến trình, thời gian có thể kéo dài thêm từng chút một. Chúng tôi khuyến khích là sau chừng một năm liên tục tu tập thì bạn nên ngồi ổn thỏa trong một giờ mỗi lần.
Điều quan trọng là: Thiền Minh Sát tuệ không phải là một pháp tu khổ hạnh. Tự hành hạ bản thân không phải là mục đích. Chúng ta gắng công vun trồng chánh niệm chứ không phải cơn đau. Cơn đau thì không thể nào tránh khỏi nhất là ở đôi chân. Chúng ta sẽ nói sâu thêm về cơn đau và cách xử lý nó trong chương 10. Có những phương pháp dành riêng và thái độ mà bạn sẽ học để chạm mặt với những cơn đau. Điểm muốn nói ở đây là: Đây không phải là một cuộc thi đua chịu đựng sự khắc nghiệt. Bạn không cần phải chứng minh bất cứ điều gì cho bất kỳ ai. Cho nên, đừng bao giờ ép buộc mình phải ngồi với cơn đau kinh khủng để đạt được trọn đúng một giờ đã định. Đó chỉ là một buổi tu tập vô ích đối với cái bản ngã. Đừng bao giờ làm quá sức vào lúc ban đầu. Hãy biết khả năng giới hạn của bạn, và đừng tự buộc tội lấy mình vì không thể ngồi như một cục đá trong thời gian dài hơn.
Khi tu thiền trở nên một phần của cuộc sống, bạn có thể kéo dài buổi tọa thiền dài hơn một giờ. Tính theo lẽ thường, chọn thời gian bao lâu còn tùy thuộc vào điều kiện cuộc sống của bạn ở thời điểm này cho phép. Để rồi sau đó, ngồi chừng năm phút dài hơn mức đã ấn định. Không có một luật lệ cứng ngắc nào về thời gian tọa thiền. Ngay cả, nếu bạn đã tập được khả năng vững chãi ở khoảng thời gian ngắn nhất, nhưng cũng sẽ có một ngày nào đó điều kiện thân thể làm cho bạn không thể nào ngồi lâu tới mức đó. Điều đó không có nghĩa là bạn phải bỏ đi cả ngày hôm ấy. Ngồi thường xuyên là điều quan trọng chính yếu. Ngay cả, mười phút tu tập cũng có thể rất ư là hữu ích.
Sẵn đây cũng cần nhắc thêm, khi bạn chọn thời gian cho buổi tọa thiền thì hãy chọn trước khi vào ngồi, chứ đừng bao giờ quyết định trong khi đang tọa thiền. Điều này rất dễ làm cho tâm bị trạo cử. Trạo cử là một trong những trạng thái mà chúng ta muốn quan sát một cách chánh niệm. Cho nên hãy chọn khoảng thời gian thích hợp rồi giữ lấy nó.
Bạn có thể dùng đồng hồ để đo buổi tọa thiền, nhưng đừng hé nhìn nó mỗi hai phút để xem mình ngồi ra sao. Sự tập trung sẽ không thể tích tụ và sự dao động sẽ phát sinh ngay. Bạn sẽ thấy được mình lo ra trước khi thời buổi tọa thiền chấm dứt. Đó không phải là tu thiền — mà đó là nhìn đồng hồ đếm thời gian đi qua. Đừng nhìn vào đồng hồ cho đến bao giờ bạn nghĩ rằng thời gian ấn định cho buổi ngồi đã đi qua rồi. Thật ra, bạn không cần phải kiểm lại với đồng hồ mỗi buổi tọa thiền. Thông thường, bạn nên ngồi chừng bao lâu bạn muốn thôi. Không có gì bí ẩn cho khoảng thời gian bao lâu để ngồi cả. Tốt nhất là chỉ chọn cho mình khoảng thời gian ít, ngắn nhất. Nếu không có ấn định mức thấp nhất, bạn sẽ dễ bị mắc vào những buổi ngồi thật ngắn. Bạn sẽ vùng chạy mỗi khi những gì không hài lòng xảy ra, hay những khi bạn cảm thấy bất an. Như thế thì không tốt. Những kinh nghiệm này sẽ mang lại nhiều lợi ích nếu thiền giả chịu đối diện và học hỏi chúng. Bạn cần phải học cách quan sát chúng một cách rõ ràng và trầm tĩnh. Nhìn chúng trong chánh niệm. Khi làm được đủ mức, chúng sẽ không còn điều khiển bạn được nữa. Bạn sẽ thấy rõ ra thực chất của chúng: chỉ là những xung lực, phát sinh rồi diệt đi, chỉ là một phần của dòng vận hành. Rồi đời sống của bạn sẽ bình thản ra một cách tự nhiên.
“Kỷ luật” là một từ ngữ rất đáng sợ cho phần lớn trong chúng ta. Nó gợi ra hình ảnh của một người đang đứng phía trên bạn và trên tay có cầm một cây roi, nói rằng bạn đang phạm lỗi. Nhưng tự kỷ luật thì khác biệt hẳn. Nó là một khả năng nhìn thấu suốt qua khuyết điểm của chính mình và xuyên thủng tận cùng cái bản chất bí ẩn của chúng. Chúng không còn có sức mạnh đàn áp bạn nữa, mà sẽ phơi bày tính lừa dối của chúng đối với bạn trong bấy lâu nay. Sự khát khao của bạn đã từng gào thét, đập phá để áp chế bạn; rồi chúng gạt gẫm, dỗ dành, đe dọa bạn mà đâu cần phải dùng cây roi. Thế mà bạn vẫn thua cho chúng đến trở thành một thói quen. Bạn nghe theo chúng bởi vì bạn chưa từng bận tâm nhìn kỷ xem sự đe dọa kia có thật hay không. Chúng hoàn toàn không thật có. Cho nên chỉ có một cách duy nhất để học được bài học này mà thôi. Những từ ngữ trong trang giấy này không làm được điều đó. Nhưng nhìn vào bên trong và quan sát những cù cặn trổi lên — bất an, bồn chồn, nóng nảy, đau khổ — chỉ nhìn chúng xuất hiện mà không cần phải can dự với chúng. Rồi trong sự ngạc nhiên của bạn, chúng chỉ đơn giản ra đi. Chúng phát sinh để rồi hoại diệt đi. Chỉ đơn giản thế thôi. Có một từ ngữ khác cho “tự kỷ luật”, nó là “Kiên nhẫn.”