Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm Thứ Hai: Phát Tâm

01/12/201018:07(Xem: 7428)
Phẩm Thứ Hai: Phát Tâm

 

PHÁT BỒ ĐỀ TÂM KINH LUẬN
Bồ Tát Thế Thân tạo
Tam Tạng Pháp Sư Cưu La Ma Thập dịch Hán
Tỳ Kheo Thích Nhất Chân dịch Việt

PHẨM THỨ HAI
PHÁT TÂM

Bồ tát phát Bồ Đề tâm ra sao? Tu tập Bồ Đề bằng những nhân duyên gì? Nếu Bồ Tát (1) gần gũi thiện tri thức, (2) cúng dường chư Phật, (3) tu tập thiện căn, (4) chí cầu thắng pháp, (5) tâm thường nhu hòa, (6) gặp khổ nhẫn nại được, (7) từ bi thuần hậu, (8) thâm tâm bình đẳng, (9) tin ưa Đại Thừa, (10) cầu trí huệ Phật.

Nếu người nào có đủ mười pháp như thế, thì mới có thể phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.

Lại có bốn duyên phát tâm tu tập Bồ Đề. Thế nào là bốn?

  1. Một là tư duy chư Phật mà phát Bồ Đề tâm.
  2. Hai là quán thân tai hại sai lầm mà phát Bồ Đề tâm.
  3. Ba là từ mẫn chúng sinh mà phát Bồ Đề tâm.
  4. Bốn là cầu quả tối thắng mà phát Bồ Đề tâm.

Tư duy (về) chư Phật mà phát Bồ Đề tâm lại gồm có năm việc.

- Một là tư duy chư Phật khắp mười phương quá khứ, vị lai, hiện tại, khi mới ban đầu phát tâm cũng đầy phiền não tính, y như mình hiện giờ. Rốt cuộc các Ngài đã thành chính giác, làm bậc vô thượng tôn. Do bởi duyên ấy nên (ta phải) phát Bồ Đề tâm.

- Hai là tư duy tất cả ba đời chư Phật phát đại dũng mãnh, Ngài nào cũng đắc được vô thượng Bồ Đề. Nếu Bồ Đề này là pháp có thể đắc được, thì ta cũng phải đắc được. Do duyên cớ ấy nên phát Bồ Đề tâm.

- Ba là tư duy tất cả ba đời chư Phật phát đại minh huệ, ở trong mạng (lưới) vô minh kiến lập thắng tâm, tích tập khổ hành, mà đều có thể tự kéo mình ra vươn lên khỏi ba cõi. Ta cũng như thế, sẽ tự kéo mình thoát khỏi (ba cõi). Do duyên cớ ấy nên phát Bồ Đề tâm.

- Bốn là tư duy tất cả ba đời chư Phật là bậc (tráng lực) trong loài người, các Ngài đều vượt khỏi biển lớn phiền não sinh tử. Ta cũng là trượng phu, cũng sẽ vượt khỏi được. Do duyên cớ ấy nên phát Bồ Đề tâm.

- Năm là tư duy tất cả ba đời chư Phật phát đại tinh tiến, xả thân mạng tài sản để cầu nhất thiết trí. Giờ ta cũng sẽ học theo chư Phật. Do duyên cớ ấy nên phát Bồ Đề tâm.

Quán thân tai hại sai lầm mà phát Bồ Đề tâm cũng gồm năm duyên sự:

- Một là tự quán thân mình (gồm) năm ấm bốn đại, đều có thể khởi tạo vô lượng ác nghiệp. Do muốn lìa bỏ (thân này nên phát Bồ Đề tâm).

- Hai là tự quán thân mình (gồm) chín lỗ thường chảy ra (các thứ) hôi bẩn không sạch. Do muốn lìa bỏ (thân này nên phát Bồ Đề tâm).

- Ba là tự quán do bởi thân mình có tham sân si, vô lượng phiền não đốt cháy thiện tâm. Do muốn lìa bỏ (thân này nên phát Bồ Đề tâm).

- Bốn là tự quán do bởi thân mình như bong bóng, như bọt nước sinh diệt trong từng niệm một, là cái pháp có thể xả được. Do muốn vất bỏ (thân này nên phát Bồ Đề tâm).

- Năm là tự quán do bởi thân mình vô minh che đậy, thường tạo ác nghiệp, luân hồi sáu nẻo. Do không lợi ích gì hết (nên phát Bồ Đề tâm).

Cầu quả tối thắng mà phát Bồ Đề tâm cũng gồm có năm duyên sự:

- Một là thấy chư Như Lai tướng tốt trang nghiêm, quang minh trong suốt, ai thấy được thời trừ hết phiền não. Do vì tư tập (tướng tốt này nên phát Bồ Đề tâm).

- Hai là thấy chư Như Lai pháp thân thường trụ, thanh tịnh không ô nhiễm. Do vì tu tập (pháp thân này mà phát Bồ Đề tâm).

- Ba là thấy chư Như Lai (có) các pháp tụ thanh tịnh là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Do vì tu tập (các pháp tụ này mà phát Bồ Đề tâm).

- Bốn là thấy chư Như Lai có mười lực, bốn vô sở úy, đại bi, ba niệm xứ. Do vì tu tập (các pháp này mà phát Bồ Đề tâm).

- Năm là thấy chư Như Lai có nhất thiết trí, thương xót chúng sinh, từ bi che khắp, có thể làm chính đạo cho tất cả các kẻ ngu mê. Do vì tu tập (nhất thiết trí này mà phát Bồ Đề tâm).

Từ mẫn chúng sinh mà phát Bồ Đề tâm cũng gồm năm duyên sự:

- Một là thấy các chúng sinh bị phiền não trói buộc.

- Hai là thấy các chúng sinh bị đủ loại khổ cuốn vây.

- Ba là thấy các chúng sinh tích tập các nghiệp bất thiện.

- Bốn là thấy các chúng sinh tạo các ác cực nặng.

- Năm là thấy các chúng sinh không tu chính pháp.

a) Vô minh trói buộclại gồm có bốn loại:

- Một là thấy các chúng sinh bị si ái mê hoặc mà chịu khổ hết sức mãnh liệt.

- Hai là thấy các chúng sinh không tin nhân quả mà tạo tác ác nghiệp.

- Ba là thấy các chúng sinh lìa bỏ chính pháp, tin (theo) tà đạo.

- Bốn là thấy các chúng sinh chìm trong sông phiền não bị bốn dòng xô giạt.

b) Các loại khổ cuốn vâylại có bốn loại:

- Một là thấy các chúng sinh sợ sinh lão bệnh tử (song) không chịu cầu giải thoát, mà còn tạo nghiệp.

- Hai là thấy các chúng sinh ưu sầu khổ não mà cứ thường tạo tác không chịu ngưng nghỉ.

- Ba là thấy các chúng sinh ái biệt ly khổ mà không giác ngộ (mà cứ theo đó làm) phương tiện nhiễm trước.

- Bốn là thấy các chúng sinh oán tắng hội khổ thường ganh hiềm, rồi lại tạo oán.

c) Tích tập các nghiệp bất thiệnlại có bốn loại:

- Một là thấy các chúng sinh vì ái dục mà tạo tác các việc ác.

- Hai là thấy các chúng sinh biết dục sinh khổ mà không chịu bỏ dục.

- Ba là thấy các chúng sinh tuy muốn có được sung sướng mà lại không có đủ giới.

- Bốn là thấy các chúng sinh tuy không thích khổ mà lại tạo khổ không ngừng.

d) Tạo các ác cực nặng lại có bốn loại:

- Một là thấy các chúng sinh hủy phạm trọng giới, tuy có lo âu mà vẫn phóng dật.

- Hai là thấy các chúng sinh khởi tạo cực ác (như) năm nghiệp vô gián, (mà vẫn) ngoan cố che đậy không biết hổ thẹn.

- Ba là thấy các chúng sinh huỷ báng Đại Thừa phương đẳng chính pháp, cứ tự ngu chấp mới khởi kiêu mạn.

- Bốn là thấy các chúng sinh tuy có thông triết, song toàn đoạn thiện căn. (Đã thế) lại trở ngược cống cao, vĩnh viễn không chịu hối cải.

e) Không tu chính pháplại có bốn loại:

- Một là thấy các chúng sinh ở trong tám nạn không nghe (được) chính pháp, không biết tu thiện.

- Hai là thấy các chúng sinh gặp (được) Phật xuất hiện nơi đời (được) nghe chính pháp mà không thọ trì nổi.

- Ba là thấy các chúng sinh nhiễm thói quen ngoại đạo, khổ thân tu nghiệp, vĩnh viễn lìa ngoài xuất yếu.

- Bốn là thấy các chúng sinh tu đắc phi tưởng phi phi tưởng xứ định, cho đó là Niết Bàn. Dè đâu thiện báo (một khi) dứt hết vẫn đọa vào ba đường (dữ).

Bồ tát thấy chúng sinh do vô minh mà tạo nghiệp nên (như) ở mãi trong đêm dài chịu khồ, lìa bỏ chính pháp, không còn biết đâu là nẻo ra. Vì các chúng sinh ấy nên phát đại từ bi, chí cầu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, như cứu lửa cháy trên đầu. (Với tâm niệm rằng) tất cả chúng sinh mà có khổ não, ta sẽ cứu vớt khiến không còn sót chút nào.

Các Phật tử, hiện tôi đã nói qua các duyên sự phát tâm của bậc Bồ Tát sơ hành. Nếu mà nói rộng ắt là vô lượng vô biên.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com