VÌ SAO PHẢI SIÊU ĐỘ VONG NHÂN
HT. Tịnh Không
Nguồn gốc việc siêu độ
Trong nhà Phật, việc siêu độ vô cùng phổ biến. Có thể nói thời đại này, vong nhân là đối tượng chủ yếu của Phật sự. Trước đây Phật giáo dạy người sống, Phật giáo ngày nay lại độ cho người chết
Đó là lý do Phật giáo bị nhìn nhận dưới góc độ mê tín dị đoan. Nhiều người cho rằng Phật giáo là tôn giáo thấp kém, họ kịch liệt bài xích. Trong khi Phật giáo đích thực không phải để siêu độ người chết.
Lão pháp sư Đạo An đã từng giảng, nguồn gốc của việc siêu độ bắt đầu từ thời đại Đường Minh Hoàng. Thời đức Phật không có, Phật giáo truyền đến Trung Quốc thời kỳ đầu cũng không ghi chép sự việc này. Đến thời đại của Đường Minh Hoàng, vì vua Đường sủng ái Dương Quí Phi, khiến nhân dân và triều thần bất mãn, mới có loạn An Lộc Sơn nổi tiếng trong lịch sử suýt nguy cấp đến cả quốc gia dân tộc. Với sự đắc lực của Quách Tử Nghi, một vị đại tướng đương thời đã bình định cuộc nổi loạn, tuy nhiên, quân dân tử thương rất nhiều. Sau khi bình định cuộc nổi loạn, triều đình tại mỗi chiến trường chính, xây dựng một miếu thờ gọi là Khai Nguyên tự, vì đúng vào niên hiệu Khai Nguyên, thỉnh cao tăng đại đức, tụng kinh, bái sám truy điệu cho quân dân tử nạn. Đây là lễ truy điệu do triều đình cử hành, gọi là pháp hội siêu độ. Từ đó dân chúng học theo, mỗi khi có người qua đời, người dân cũng thỉnh pháp sư đến làm Phật sự siêu độ, tạo phong tục cho đến ngày nay.
Tuy nhiên pháp hội siêu độ vào thời đó cũng không nhiều, một năm chỉ có đôi ba lần, công việc chủ yếu của tự viện am đường vẫn là giảng kinh thuyết pháp. Chúng ta cần hiểu rõ đạo lý này. Chúng tôi đã xây dựng đạo tràng ở Đài Bắc, thư viện nghe nhìn Phật giáo, mỗi năm cũng chỉ có ba lần pháp hội siêu độ: Thanh Minh, Trung Nguyên, Đông Chí. Phương thức chủ yếu là mở khoá Phật thất, dùng công đức niệm Phật hồi hướng cho người mất. Ngày cuối cùng Phật thất, tổ chức tam thời hệ niệm. Hiện tại, rất nhiều nơi cũng dùng phương cách này. Ấn Quang đại sư năm xưa còn sống, niệm Phật đường của chùa Linh Nham Sơn không có Phật sự. Phật tử yêu cầu siêu độ tổ tiên, người thân quyến thuộc thì đều để bài vị ở niệm Phật đường, chùa không làm riêng lẻ cho bất cứ ai mà lấy công đức niệm Phật của đại chúng ở niệm Phật đường hồi hướng. Cách làm này rất đáng được học tập và nhân rộng.
Vì sao phải tụng kinh siêu độ?
Ý nghĩa của tụng kinh siêu độ so với hình thức truy điệu của thế gian hẳn nhiên là sâu hơn. Truy điệu thế gian chỉ mang mục đích kỷ niệm, tưởng nhớ, tuyên dương những cống hiến lúc người đó còn sống, xong rồi quên lãng. Nhưng ý nghĩa tưởng nhớ trong Phật pháp thì sâu hơn. Tụng kinh, niệm danh hiệu Phật Bồ Tát là kiểu truy điệu có ý nghĩa thực chất nhất.
Người xưa có câu: “Thế gian hảo ngữ Phật thuyết tận”. Việc tốt ở thế gian đức Phật đều đã làm. Cho nên chúng ta hãy học theo lời đức Phật để truy điệu người quá cố bằng những việc tốt mà thuật ngữ nhà Phật gọi là công đức chân thực. Người mất nhìn thấy việc làm của chúng ta, họ vô cùng hoan hỷ. Người sống thực tập như lý như pháp thì lợi ích người mất nhận được một phần. Đạo lý này người bình thường khó có thể hiểu được, đôi khi còn cho là hoang đường. Chỉ khi tu học, chúng ta mới liễu ngộ, mới hiểu được chân tướng sự thật. Ngày nay ít người hiểu hoặc hiểu sai quá nhiều. Cho nên cần phải nâng cao cảnh giới của mình thì mới có thể có nhận thức chân thực triệt để.
Kinh Địa Tạng đưa ra hình ảnh nữ Bà la môn siêu độ mẹ mình, không thỉnh pháp sư đến làm Phật sự, không hề mời người đến tụng kinh, mà cô dùng phương pháp tu học. Dùng bản thân đích thực quay đầu, đoạn ác tu thiện, sửa chữa lỗi lầm, chân thành sám hối. Sau đó lấy công đức này để tưởng nhớ mẹ. Mẹ cô nhờ đó mới triệt để đoạn ác tu thiện, đích thực phá mê khai ngộ, bà từ địa ngục liền được sinh thiên. Thế nhưng nếu tư duy và quan sát tỉ mỉ, chúng ta sẽ thấy nữ Bà la môn nhờ mẹ tạo ác, đọa địa ngục, nên cô mới có động lực quyết tâm tu hành nghiêm túc. Công phu của cô là cảnh giới A La Hán, thật sự chuyển phàm thành thánh. Người giúp cô đạt đến cảnh giới này chính là mẹ cô. Nhờ duyên của mẹ thúc đẩy cô tu hành chứng quả. Khi đã chứng quả, công đức đạt được lại làm vẻ vang cho mẹ mình. Mẹ cô siêu sinh từ địa ngục lên cung trời Đao Lợi. Chúng sinh ngày nay chỉ biết làm theo hình tướng mà không hiểu nội dung thực chất cho nên không đạt hiệu quả lớn.
Vì sao phải tạo nhiều tượng Phật? Số tiền này đem cứu giúp người nghèo khổ bị nạn không tốt hơn sao?
Không thể nói không có lý, cũng không thể nói hoàn toàn có lý. Vì sao? Chúng ta chỉ thấy gần mà không thấy xa. Cứu giúp người nghèo khổ là giải pháp nhất thời, còn tạo nhiều tượng Phật là việc cứu người dài lâu. Nhà Phật tạo tượng không phải vì niềm tin mê tín. Ông Dương, trưởng ban tôn giáo nhà nước Trung Quốc, thời gian qua tiếp xúc với chúng tôi đã nói đến ý nghĩa giáo dục của tượng Phật. Chúng tôi cũng đã bày tỏ, nhà Phật đem giáo dục và nghệ thuật hợp lại thành một thể. Giáo dục đạt đến nghệ thuật hóa tối cao, nhà trường và bảo tàng cùng kết hợp, không những tạo tượng mà tất cả các thiết chế đều là công cụ dạy học, từ tượng Phật đến kiến trúc của nhà Phật. Đời sống cũng là công cụ dạy học, thậm chí tham gia sự kiện, chúng tôi ăn mặc không khác người bình thường. Chúng tôi đặc biệt tìm bộ áo tràng lam màu cà phê vì màu này tượng trưng của nền văn hoá đa nguyên. Các loại màu sắc trộn lẫn với nhau, gồm đỏ, vàng, lam, trắng, đen, mà người Trung Quốc thường gọi là ngũ sắc tượng trưng cho năm chủng tộc thống nhất thành một. Màu sắc này là màu của hợp nhất. Thân thể này của chúng tôi là tổng hợp của tất cả tôn giáo, tất cả các chủng tộc, tất cả chúng sinh tận hư không khắp pháp giới.
Theo kinh Hoa Nghiêm, “một chính là tất cả, tất cả chính là một”. Một màu áo này của chúng tôi chính là các loại màu khác nhau của mọi người. Chúng ta ngày nay cần phải đoàn kết tôn giáo, hòa hợp chủng tộc, đó là giáo học của nhà Phật. Đại kinh thường nói “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, màu này là màu tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới. Chúng ta ăn cơm, dùng bát, thức ăn mỗi nhà cho đều đựng chung một bát, ẩm thực khác nhau hợp lại thành một. Cũng vậy, chúng ta hoà trộn các chủng tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau, hợp lại thành một. Đời sống đều là biểu pháp, mỗi niệm không quên.
Từ đó mà đạo tràng của nhà Phật có hình thức thống nhất. Ở Trung Quốc, bước vào trước tiên phải từ tam môn, tam môn Thiên Vương Điện, thấy được bồ tát Di Lặc với hình ảnh hòa thượng Bố Đại, bụng rất to bao dung khắp cả pháp giới, mỉm cười đón mọi người, tâm thường hoan hỷ, điều gì cũng có thể chịu đựng. Tứ Đại Thiên Vương biểu tượng hộ pháp cho chính mình. Ở phương Đông, Trì Quốc Thiên Vương biểu trưng cho chức trách. Dù địa vị là gì, trong ngành nào, chúng ta phải nỗ lực làm tốt. Cống hiến cho xã hội, cho chúng sinh không phải vì bản thân. Tạo phước cho chúng sinh, nhất định phải làm hết chức trách.
Trên tay cầm đàn tỳ bà, không phải vì vị đó thích ca hát. Tỳ bà là biểu pháp, đại biểu cho trung đạo, nhà Nho gọi là trung dung. Có nghĩa là làm việc phải đến nơi đến chốn, vừa đủ, không nên quá mức. Chúng ta đối với người, với việc, với vật cũng vậy, đều phải vừa chừng, giữ nề nếp và tròn bổn phận. Chẳng hạn, hiện nay trên thế giới lễ tiết của mỗi nước khác nhau. Lễ kính nhất là ba lần cúi chào, dành cho tình huống gặp người tôn kính. Hai lần cúi chào chứng tỏ người ngạo mạn. Bốn lần cúi chào chứng tỏ người đó nịnh bợ.
Phương nam có Tăng Trưởng Thiên Vương, “tăng trưởng” là cầu tiến, mỗi ngày mỗi mới, quyết không dừng ở hiện tại, cầu trí tuệ, trí tuệ phẩm đức phải tiến bộ, sự nghiệp thăng hoa, đời sống ngày càng viên mãn.
Cho nên tạo tượng có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc, giúp chúng ta hiểu và sửa sai. Nhìn thấy bồ tát Di Lặc bao dung, chúng ta liền nghĩ mình chưa bao dung, sinh tâm hổ thẹn mà quyết tâm học tập theo ngài. Ý nghĩa của công đức tạo tượng so với cứu giúp người nghèo khổ sâu xa vô cùng. Danh hiệu Phật Bồ Tát đại từ đại bi vô lượng vô biên biểu trưng trí tuệ của tự tánh vô lượng vô biên, đức năng vô lượng vô biên, tướng tốt vô lượng vô biên. Ý nghĩa giáo dục là như vậy
Phật giáo là trường đại học đầy đủ các khoa, nhưng chỉ dùng danh hiệu Phật Bồ Tát làm đại diện. Nó là giáo dục mà không phải là tôn giáo, là trí tuệ, nghệ thuật mà không phải là mê tín. Nơi nào phổ biến giáo dục Phật pháp, nơi đó không có người nghèo khổ. Phương cách cứu giúp này mới triệt để. Vì mỗi người đều có tâm thiện, nghĩ thiện, làm việc thiện, mỗi người đều có thể hiến dâng mình, vì xã hội, vì chúng sinh, tạo phước thì thế giới này là thế giới của hạnh phúc.
Đem tiền đi cứu giúp người nghèo khổ là việc tạm thời, còn dùng tiền để tạo tượng, hoằng dương giáo dục của Phật Đà mới là cách cứu giúp lâu dài, triệt để, và viên mãn nhất. Kinh Phật nói, dùng bảy báu của đại thiên thế giới đem cứu khổ cứu nạn, công đức đó không bằng người có tâm vì tất cả chúng sinh nói chỉ vỏn vẹn bốn câu kệ khiến người khai ngộ. Cứu tế không thể giải quyết vấn đề vì đời sống dựa vào cứu giúp. Phật không dùng cách cứu tế để giúp đỡ người, ngài dạy chúng ta mở trí tuệ, có năng lực, dạy chúng ta tự sản xuất không những có thể nuôi sống mình mà còn có thể giúp ích xã hội. Vì vậy lợi ích công đức thù thắng của Phật pháp là vô lượng vô biên. Tiếc là ngày nay rất ít người giảng giải, rất ít người phát huy rộng rãi nên khiến mọi người trong xã hội hiểu lầm. Đây cũng là lỗi của bốn chúng đệ tử Phật môn chúng ta do chưa làm hết trách nhiệm.
Cẩn Dịch : Vọng Tây Cư Sĩ
Biên Tập: PT. Giác Minh Duyên
Source: thuvienhoasen