Từ những kinh phát triển, các vị Tổ đã triển khai pháp Phật từ nguyên thủy để tu hành bằng những ngôn ngữ phương pháp thích hợp với thời đại và quảng diển tư tưởng thực tế, cũng như đào sâu tư duy về đệ nhất nghĩa trong các kinh Phật dạy. Các pháp luận bắt đầu xuất hiện, những pháp môn riêng rẻ từ các vị Tổ với phương cách khác nhau. Đặc biệt là Lục Tổ Huệ Năng, Ngài dùng đốn giáo, tức Pháp Vô Niệm Vô Tướng Vô Trụ để vạch trần bản lai diện mụccủa con người để biết thể nhập bản tâm. Bản tâm chơn thật được Tổ Bồ Đề Đạt Ma truyền y bát và kinh Lăng Già cho ngũ Tổ là Huệ Khả. Chủ đích của kinh là lấy tâm làm chủ, lấy cửa không làm pháp, nên cửa vào của kinh Lăng Già là trí bát nhã thấy các pháp như huyễn từ đó cứu cánh là thể nhận ra bản tâm chân thật; đó cũng là cách hàng phục vọng tâm và an trụ tâm như trong kinh Kim Cang mà Lục Tổ được ngộ đạo và pháp môn của Ngài được đúc kết trong Kinh Pháp Bảo Đàn.
I. Xuất Xứ
Lục Tổ dặn các đệ tử rằng: ’’Sau khi ta tịch, muốn làm lợi ích cho người sau các ngươi nên ghi những lời ta dạy thành một quyển sách đề tên là PHÁP BẢO ĐÀN KINH (đáng lẽ là quyển Ngữ Lục). Quyển kinh này do ngài Pháp Hải, một thiền sư, đệ tử của Lục Tổ, trụ trì chùa Bảo Lâm ghi lại… Khi được Ngũ Tổ truyền y bát cho Huệ Năng đi về phương Nam rồi, một vị tăng tên là Trần Huệ Minh chạy trước mọi người đuổi kịp Huệ Năng để dành y bát nhưng không được, nên đành liền làm lễ thưa: “Mong cư sĩ vì tôi nói pháp”. Huệ Năng bảo: “Ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi vì ông nói”. Huệ Minh im lặng giây lâu. Huệ Năng bảo: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng TọaMinh?”.
Trước khi tìm hiểu câu Bản Lai Diện Mụccần triển khai những đặc điểm thiết yếu của tự tính.
II. Đặc Tánh
1/. Kiến Giải Tánh Giác
Từ nghe được người đọc kinh Kim Cang, Huệ Năng đã có hợp duyên với Phật pháp và dòng ký ức luôn sôi sụt trong Mạt Na thức của Ngài không gián đoạn, đến lúc Ngài nghe đọc bài kệ do Thượng Tọa Thần Tú trình pháp Tánh,
Thân là cội bồ đề,
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn phải lau chùi,
Chớ để dính bụi bặm.
Nên ngài hiểu rằng bài kệ trên chỉ là những hiện tượng vô thường, là vạn vật sanh diệt đổi thay. Cây bồ đề vốn có tướng sanh diệt, và so sánh tâm như đài gương sáng là không thấy được tánh giác. Bản tâm hay bản tánh thường hằng không thay đổi, thể tánh không (không một vật) thì bụi bặm bám vào đâu. Cho nên làm một bài kệ khác như sau:
Bồ đề vốn không cây
Gương sáng cũng chẳng đài,
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi bặm.
Bồ đề chỉ cho tánh giác, tánh giác không có hình tướng thì không phải là cây, đây là bác câu"Thân như cây bồ đề". Thần Tú nói thân cây nầy là cây bồ đề, Ngài nói trái lại, "Bồ đề là tánh giác, tánh giác thì không có hình tướng mà nói là cây." Câu thứ hai, Ngài Thần Tú nói, "Tâm như đài gương sáng," như vậy gương sáng hay đài sáng. Gương tự nó sáng không cần có đài mới sáng. Câu ba, "Xưa nay không một vật" tức là chỗ chơn thật đó xưa nay không một vật huống nữa là dính bụi bặm?. Ngài Thần Tú nói "Luôn luôn phải lau chùi" nhưng xưa nay nó không dính một vật thì chùi cái gì?
Ngay lúc đó Lục Tổ đã thấy tánh rồi nên phân biệt rõ ràng mọi hiện tượng có hình tướng thì thay đổi vô thường và hư vọng, còn tự tánh là tánh 'không' thanh tịnh thường hằng không thay đổi, đó là bộ mặt thực xưa nay.
2/. Đại Ngộ Tự Tánh
Khi Ngũ Tổ lén đến chỗ giã gạo thấy Huệ Năng đeo đá giã gạo, mới hỏi rằng, "Người cầu đạo vì pháp quên mình đến thế ư?". Tổ lại hỏi, "Gạo trắng hay chưa?. Huệ Năng thưa, "Gạo trắng đã lâu, còn thiếu giần sàng." Tổ lấy gậy gõ vào cối 3 tiếng rồi đi. Huệ Năng liền hội được ý Tổ; đến khi trống đổ canh ba liền lén vào thất. Tổ lấy áo cà sa che chung quanh không để người thấy, vì nói kinh KIM CANG, đến câu, "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm," Huệ Năng ngay lời đó đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh, mới thưa Tổ rằng:
Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt,
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động,
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp!
Thật vậy, ngay khi nghe kinh Kim Cang Huệ Năng đã đại ngộ thấy tánh minh. Tự tánh vốn yên lặng như hư không. Tự tánh không thì không một niệm làm gì có sanh diệt. Tự tánh vốn đầy đủ vì nó như hư không bao trùm vạn vật sắc tượng, mặt trăng, mặt trời, sao, núi, sông, đất liền, suối khe, cỏ cây, rừng rậm, người lành người dữ, pháp lành pháp dữ, thiên đường địa ngục, tất cả biển lớn, các núi Tu Di thảy đều ở trong hư không, tánh không của người đời cũng như thế. Tự tánh vốn không dao động vì nó yên ổn không động không rung chuyển. Tự tánh cũng không lìa muôn pháp.
III. Bản Lai Diện Mục Là Bộ Mặt Thật Xưa Nay
Bản lai diện mục tức bộ mặt thật xưa nay. Có nhiều cách vạch rõ ra bộ mặt thật này. Với sự nhận thức thường tình mà xét thì tâm được kết cấu như sau:
a). Cảm Giác hay Nhận Diện(Sensation).
Ngũ giác quan là phương tiện tiếp xúc với trần cảnh để nhận diện ảnh hay hay bóng dáng của trần cảnh. Đó là chúng ta cảm giác được hình ảnh của sự vật qua ngũ giác quan mà thôi. Thí dụ, khi ta thấy con bò là thấy trước tiện hình ảnh con vật hội tụ ở võng mạc cuả mắt mà thôi và hình ảnh ấy được truyền dẩn bởi thị giác thần kinh lên não, lúc đó ta mới nhận diện hay cảm nhận được hình ảnh con vật. . Đó là CẢM GIÁC. Vậy, khi nhận diệnđược hình ảnh (thấy), ấn tượng chấn động lực (nghe), không khí hay hơi (ngửi), ấn tượng kích thích (nếm), hình ảnh tiếp giáp của da hay cơ thể (xúc) là thể khôngcủa đối tượng qua tiền ngũ căn. Thí dụ, như thị giác, sự vật chiếm cứ trong không gian (hư không) một dung thể không: sự vật và dung thể không của nó khắng khít nhau như một, thì thể không của nó là hình ảnh sự vật được hội tụ ở võng mạc mắt khi mắt nhìn sự vật. Do đó khi thấy sự vật cụ thể ở trong không gian là thấy hình ảnh của nó ở võng mạc của mắt mà thôi. Tướng khôngcủa sự vật là đối tượng (nhãn trần) được nhãn căn (mắt) nhận diện trước khi nhận thức (perceive) tên đối tượng.
Vậy bộ mặt thật sự vật xưa nay không phải là tướng khôngcủa chúng hay sao? Bản lai diện mục là tánh khôngnên mọi ái thủ hữu đều không hệ lụy thì làm gì có thiện ác, là cảm giác, là hình ảnh không (tướng không của sự vật) trước khi sanh ra thứcnên nó còn trinh nguyên là các pháp không tánh. Đó là muôn pháp không lìa tự tánh không.
b). Tri Thức Nguyên Thủy: Vô Niệm
Trí Vô Phân Biệt hay Vô Thời Không: Vượt qua chủ khách, Tánh Giác (Hư không) hay Tâm trực nhận thể không của sự vật (chơn thật). Tánh không của Tánh Giác thể nhập hay đồng nhứt với tướng không của sự vật, mà không có một niệm nào, đó là vô niệm. Từ kết cấu của tri thức nguyên thủy chúng ta có thể biết được khi giác trí tuệ (trí vô phân biệt hay trí vô thời không) phủ định giác thức hay muôn pháp là đã không có một khởi niệm nào rồi vì khi cái biết phi thời gian thì làm gì có niệm sanh.
* Thực Tại Tuyệt Đối hay Chân Lý Tối Hậu: Vô Thời Không
Đứng trên phương diện chân lý tối hậu, thì tự tính tuyệt đối của sự vật đều có tướng không. Nhắc lại, tánh Hư Không, đức Phật giải thích: A Nan! Ngươi phải biết trong Tạng Như Lai, Tánh giác tức là thiệt hư không, Hư Không tức là Thiệt Tánh giác, thanh tịnh bản nhiên, đầy khắp thế giới... Vậy Thiệt Tánh giác hay Tự Tính Tuyệt Đối của Tâm hay Vật, Chủ Thể hay Khách thể đứng trên bình diện Vô Thời Không đều là Thiệt Hư Không; Thiệt Hư Không là Chơn Như của Tâm hay Vật, là Thực Tại Tính, là Niết Bàn. Chân tính của Tâm hay Chân Ngã và Chân Tính của Sự Vật đều là Thiệt Hư Không, mà Thiệt Hư Không là Tánh Giác mà Tánh Giác là cái Dụng của Chơn Tâm. Chơn Tâm là Tự Tính Tuyệt Đối, là Thực Tại Tính Vô Thời Không là vượt khỏi nhân duyên, nhị nguyên đối đãi chủ khách. Vậy trực nhận bản tánh tự nhiên của Tâm cũng chính là trực nhận bản tính tự nhiên của sự vật. Tâm và Vật lúc bấy giờ là đồng Tánh Không.
* Bản Lai Diện Mục Đồng Thể Không với Chân Như, với Tri Thức Nguyên Thủy, với Tuệ Giác , với Bản Tâm, hay với Tự tính của Tâm và Vật…
Cái không gian dung chứa sự vật và sự vật chiếm cứ không gian là một. Nói gọn là sự vật và dung thể không của nó là một. Chuyển Thức Thành Trí nên Thức và Trí là một thể không. Sắc không khác không, và không không khác sắc. Cái chân lý thì nó chính là nó, không có tự tính nào áp đặt lên nó, không thể dùng ngôn ngữ, công ước để cưỡng ép lên tánh chất của nó. Nó là nó không có gì ngoài nó. Nó là dung thể không của sự vật nên nó không vượt ra khỏi sự vật. Theo Tử Thư Tây Tạng gọi là chân lý tự nó trống rỗng và trần trụi như Hư Không vô biên và không có tỳ vết. Đó cũng gọi là Chơn Không. Do đó Tánh giác là Thiệt Hư Không hay Hư Không là Thiệt Tánh giác. Tánh Giác là Chân Trí hay là cái dụng của Chơn Tâm.
Làm sao cái Biết nhận thức được tự tính khôngcủa đối tượng? Đối tượng mà ta nhận thấy (nhận biết của tâm) thật ra chỉ là thấy hình ảnh không của đối tượng mà thôi. Như thấy con bò là thấy bóng dáng (cảm giác không) con bò ở võng mạc của mắt. Cái Biết của Tâm là phi vật chất (thể không); cái Thấy bóng dáng của đối tượng cũng phi vật chất (tướng không) đồng thể với tâm nên tâm mới nhận thức được.
Hình ảnh đối tượng trong võng mạc mắt là bào ảnh của nó. Bào- Ảnh hay Như-Là-Tính-Thể(tự tính không) của sự vật là đối tượng nhận thức của Tâm (cái biết ở thể không). Tính- Thể của Tâmvà Như-Là-Tính-Thể của sự vật đều đồng thể, nên sự nhận thức mới thành hình. Sự vật có thể xem là sản phẩm của Tâm. Nếu sự vật không được tính-thể hóa còn gọi Như-Là-Tính-Thể để đồng Tính-Thể của Tâm thì sự nhận thức không thể hiện được. Đó là quy luật: Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng thể tương thông.
- Bản Lai Diện Mục Tức Chân Như Pháp Giới. Luận Cứ của ĐạI Thừa.
Đứng trên phương diện cứu cánh thì Đại Thừa được diễn tả Niết-Bàn là Tâm Chân Như. Đại Thừa còn biểu thị ý nghĩa vĩ đại của tâm bao gồm toàn thể pháp thế gian và pháp xuất thế gian, cũng như thể dụng bao la của nó, cho nên Khởi Tín khuyến cáo chúng ta tu ngay vào Chân Như. Với phương pháp luận giải ĐạiThừa rất ư là phong phú và nghiên cứu Tâm rất là tỉ mỉ làm cho chúng ta ôn lại các lời Phật dạy trong các kinh điển rất rõ ràng dễ hiểu và còn hiểu xa hơn nữa. Đọc kỹ Đại Thừa Khởi Tín nhận rõ được Tánh Không của Tâm mình thật vĩ đại như hư không. Như theo Cụ Trần Trọng Kim nhận xét Tâm Đại Thừa trong kinh Lăng Già như sau, "Kinh Lăng Ca - trước trực chỉ nhất tâm chân như để làm cho rõ cái nghĩa tam giới duy tâm, - sau chỉ thị nhất tâm sinh diệt để làm cho rõ cái nghĩa vạn pháp duy thức." Đại Thừa luận chủ yếu diễn tả chân tâm và vọng tâm với những khía cạnh biến diệt của nó và phương pháp trực chỉ nhân tâm.
Sau này các vị Đại sư, Trí giả luận giải tư tưởng Đại Thừa một cách chi tiết và theo thời gian và thời đại khi mà dòng tư duy con người phát triển với lịch trình chuyển hóa tư tưởng và ngôn ngữ càng lan rộng và sâu sắc hơn. Những tư tưởng theo lịch sử được quan niệm nhận thức và càng thay đổi theo dòng thời gian là lẻ tất nhiên của thế giới hiện tượng hay lý vô thường ở thế gian. Một điều chắc chắn là chân tâm hay chân như qua lời Phật dạy trong các kinh điển nguyên thủy vẫn không thay đổi, là tự tính tuyệt đối, là đệ nhất nghĩa mà Phật luôn nhắc nhở trong các kinh giảng như pháp thấy biết như chơn nhãn nhĩ thân ý, chơn lục căn, chơn lục trần, chơn lục thức, đó là chơn trí hay chánh trí hay pháp an trú vào không tánh, pháp không chấp thủ thì làm gì có ưu khổ và nghiệp quả sanh tử luân hồi. Xét kỷ thì Chân Như và Pháp an trú vào không tánh không khác.
Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 3, của dịch giả Thích Chơn Giám, đức Phật giảI thích Hư Không có hai loại: Tánh Hư Không và Tướng Hư Không.
1/. Tánh Hư Không:
Tánh Hư Không đức Phật giải thích: “A-Nan! Ngươi phải biết trong Tạng Như Lai, “Tánh Giác” tức là thiệt hư-không, “hư không” tức là “thiệt tánh giác” thanh- tịnh bản nhiên, đầy khắp pháp giới…”
Theo Đại Thừa Khởi Tín , Ngài Mã Minh nói: “Tâm Chơn-như là cái tâm tánh bất sanh bất diệt, Thể và Tướng nó to lớn bao trùm tất cả các pháp” (Nhứt pháp giới đạI tổng tướng pháp môn thể).
Hai đoạn kinh trên cho thấy, Tánh Giác của Tạng Như Lai ở bên kinh Thủ Lăng Nghiêm giải thích chính là Tâm Chơn Như của Đại Thừa Khởi Tín trình bày, nguyên vì Tạng Như Lai theo Đại Thừa Khởi Tín là hình tướng của Tâm Chơn Như. Tánh Giác của Tạng Như Lai và Tâm Chơn Như, cả hai đều bao trùm cả pháp giới. Hơn Nữa Tánh Giác tức là Tánh Hư Không. Thế nên Tánh Hư Không không ngoài Tâm Chơn Như, đều thuộc môi trường sống của vạn pháp, có công năng bao trùm cả thế giới Chơn Như và cả thế giới mê vọng của muôn loài chúng sanh trong mười pháp giới. Bởi lý do trên, đức Phật mới gọi Tánh Hư Không là Không Đại.
2/. Tướng Hư Không:
Tướng Hư Không, cũng theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, quyển 3, đức Phật giải thích: “Chẳng qua theo nghiệp của chúng sanh, mà pháp hiện ra đó thôi”. Tướng Hư Không này “như một giống hư không, ứng lượng của chúng sanh…. đầy khắp mười phương.” Chỗ nào có phương hướng xứ sở là chỗ đó có Tướng Hư Không. (Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức, trang 56-57)
IV. Hệ Quả
Qua kinh Pháp Bảo Đàn, từ “bản lai diện mục” Tổ lập ra đốn pháp thể nhập bản tâm. Pháp môn của Ngài trước lập Vô Niệm làm tông, Vô Tướng làm thể, Vô Trụ làm bổn để nhận ra tánh giác của mình. Với pháp môn này căn bản dựa trên kinh Kim Cang và kinh Bát Nhã, "Tông tức là chủ, vô tướng là cái không tướng, vô trụ, bổn là gốc." Đó là ba điểm mấu chốt trong lối dạy đạo của Ngài.
1. Vô Niệm.
Lục Tổ dạy, "Này Thiện tri thức! Trí tuệ quán chiếu trong ngoài sáng suốt, biết bổn tâm mình, nếu biết bổn tâm tức là gốc của sự giải thoát. Nếu được giải thoát tức là Bát Nhã tam muội, tức là vô niệm. Sao gọi là vô niệm? Nếu thấy tất cả pháp mà tâm không nhiễm trước, ấy là vô niệm."
Trí tuệ quán chiếu trong ngoài tức là thấy biết như chơn như thật lục căn lục trần lục thức, nói chung thấy biết tất cả các pháp như chơn như thật. Quán chiếu sáng suốt là tuệ tri hay biết một cách sáng suốt tức là biết rõ ràng (do bổn tâm) các pháp như là các pháp, chỉ có các pháp đó mà thôi, không có gì ở ngoài các pháp đó, không có niệm nào khác nữa. Khi chúng ta quán chiếu các pháp hay các đối tượng mà bản tâm thanh tịnh, đó là vô niệm; nghĩa là lục căn tự nhiên tiếp xúc với sáu trần nên có sáu thức, ta tri nhận trọn ven chỉ có sáu thức đó mà thôi, không thêm thức nào khác. Thí dụ, tôi thấy con bò (giác thức nguyên sơ), biết có tánh thấy (con bò) thôi (giác trí tuệ), (chỉ biết có thấy con bò mà thôi, không thêm niệm nào khác nữa; nếu biết con bò rồi còn tìm hiểu thêm đặc tính con bò hay thêm trần cảnh khác nữa thì tạo ra quan niệm, tư tưởng, lý luận để phát sanh ái thủ hữu, là gây ra dây oan trái, là tà niệm rồi, không phải là vô niệm.) Vô niệm đây, nói theo tâm lý học, là giác trí tuệ. Khi ta nhận thức niệm đầu cảm giác để có chơn thức, rồi tri nhận chơn thức đó là ta có giác trí tuệ Đầu tiên ta thấy (Cảm giác) hình ảnh con vật, nhận thức được tên nó là con bò (nhãn thức hay tâm thức, giác thức) tri nhận giác thức đó mới có giác trí); và nếu ta nhận thức niệm đầu của con bò để có chơn thức, rồi tri nhận chơn thức đó mới có giác trí tuệ. Như trong kinh Kim Cang Phật dạy cách hàng phục tâm bằng cách, đưa tất cả các thực tại giả lập (chúng sanh) vào thực tại tuyệt đối (vô vi niết bàn: hư không) mà không còn thấy các thực tại giả lập đó nữa. Nên muốn hàng phục tâm (vô niệm), hành giả trực nhận (quán chiếu) thể không của sự vật, ngay đó lìa tứ tướng (Xa bốn tướng: Ngã, Nhân, Chúng sanh, Thọ giả, là không có khái niệm, không lập lại, để có ý tưởng về sự vật). Kỹ thuật để kiến tánh là tri nhận thực tại điểm của giác trí. Chúng ta biết rằng giác trí có thời gian vẫn còn liên hợp với thức sanh tư tưởng vẩn vơ nên xem như là giác thức, tâm thức, hay vọng tâm. Dòng tâm thức trôi chảy, tam thời bất khả đắc.Quá khứ đã qua tiền ngũ căn không thể nắm bắt, tương lai chưa đến làm sao nắm bắt được, hiện tại là cái đang là nối tiếp những sát na sanh diệt không ngừng, cũng không thể nắm bắt được. Tuy nhiên cái đang là của dòng tâm thức là cơ hội tốt để chúng ta có thể dùng tuệ quán nhắm ngay thực tại điểm của giác trí đang là. Vọng tâm và chân tâm cùng ở một tâm. Cái chuyển động là vọng, cái cố định là chân. Cho nên BT Long Thọ nói, cái đến thật có trong cái đang đến. Vậy cái chân tâm thật có trong cái vọng tâm, hai cái tuy hai mà một, và chân lý không đến từ cái bất động.Vậy, chúng ta nên nhớ, để trực chỉ minh tâm kiến tánh thành Phật cũng đồng với pháp vô niệm của Huê Năng.
"Nhận thức niệm đầu của Cảm Giác để có Chơn Thức. Rồi tri nhận Chơn Thức nầy để có Giác Trí Tuệ và xa lìa tứ tướng; và khi vọng khởi (suy nghĩ, tư tưởng, tưởng tượng, nhớ lại v.v...), ta Biết là tưởng thức và xa lìa nó ngay; và cứ như thế, chúng ta tiếp tục tri nhận từng sự việc vô thời gian." (Phổ Nguyệt)
2. Vô Tướng
Vô tướng là như thế nào? Ngay nơi tướng mà lìa tướng đó gọi là vô tướng. Tổ lại định nghĩa thế nào lấy vô tướng làm thể. "Ngoài lìa tất cả tướng gọi là vô tướng, hay lìa nơi tướng tức là pháp thể thanh tịnh." Ngay các tướng chúng ta không dính mắc các tướng thì đó là pháp thể của mình lúc nào cũng thanh tịnh.
Trong kinh Kim Cang,Phật đã chỉ rõ về thân tướng không của "Sắc thinh hương vị xúc pháp' khi tri nhận là đã hòa nhập vào tánh giác mà tánh giác là thiệt hư không bao la vô giới hạn. Khi ta thể hiện tánh không, dòng tâm thức không còn vẩn đục nghĩa là trong sáng hay còn gọi là phước đức. Vậy khi hàng phục tâm và an trụ được tâm là ta đã tạo ra nhiều phước đức không thể nghĩ lường ví như hư không vậy.
Phàm những gì có tướng đều là hư vọng, giả lập hay duyên khởi, nên không thể thấy Như Lai bằng thân tướng được. Thân tướng thật không phải thân tướng, vì khi nhận thức thân tướng của đối tượng nào, ta chỉ thấy thể không của nó ở lục căn mà thôi. Khi tri nhận thể không của Như Lai (Biết được, Tánh Giác), thể không của thân tướng đã hòa nhập vào hư không, nên thấy các thân tướng không phải là tướng nữa mà là tánh hư không là thật tướng không của Như Lai.
3. Vô Trụ
Vô trụ là thế nào? Bản tánh con người là vô trụ, nên mới lập vô trụ làm bản, tức là bản tánh của chúng ta không dính, không mắc, dính mắc đó là vọng chớ không phải bản tánh. Vô trụ là ngay nơi cảnh không dính không kẹt.
Ngay khi thể nhận thực tướng của sự vật (các chúng sanh, những thực tại giả lập hay đối tượng), liền lìa ngay tướng giả lập đó (đối tượng) và cả tứ tướng, tức là không có thời gian kéo dài sự tri nhận ấy. Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật bảo Tu-bồđề cách thức an trụ tâm như sau" Khi chơn tâm hiển bày (hàng phục tâm rồi) thì phải gìn giữ chơn tâm ấy bằng cách: Bồ-tát không có chỗ trụ mà bố thí, tức là không trụ vào Sắc, thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp mà bố thí." Trụ là bám vào, dựa vào, lập lại. Bố thí là ban bố, cho ra cái mình có, cái mình biết, xả bỏ. Muốn an trụ tâm Bồ-tát không bám vào, không trụ vào (không lập lại, vô thời gian) tất cả các thực tại giả lập (Sắc thinh hương vị xúc pháp) mà phải xả bỏ cái mình biết đó (dứt ngay sự tri nhận ấy).
Dụng Thiền
* Tứ Oai Nghi, "Dụng tức khắp tất cả chỗ, cũng không dính mắc tất cả chỗ, chỉ thanh tịnh nơi bản tâm, khiến sáu thức ra sáu cửa đối trong sáu trần không nhiễm, không tạp, đi lại tự do, thông dụng không kẹt tức là Bát Nhã tam muội." Ngài dạy thật là cụ thể. Ngài bảo tất cả các pháp mà tâm không nhiễm, không trước, đó là vô niệm; vì không nhiễm không trước nên dụng khắp tất cả chỗ nhưng không dính ở tất cả chỗ, chỉ bản tâm mình thanh tịnh. Khi bản thân tâm thanh tịnh thì sáu ra sáu cửa: lỗ tai có cái biết của lỗ tai, con mắt cũng có cái biết của con mắt..., sáu thức ra vào đối tiếp với sáu trần nhưng không dính, không lẩn trong sáu trần, đi lại tự do, như vậy gọi là tam muội.
Đi đứng nằm ngồi đều dụng công. Khi đi, thấy biết đường đi, nếu thấy biết, nghe biết, ngữi biết, nếm biết, chạm biết, xúc biết, ý biết (suy nghĩ biết) thì tuệ tri cái biết và không trụ vào chúng nữa. Các oai nghi nào cũng vậy. Đặc biệt, thân cử động hay hoạt động gì đều biết, nghe gì đều biết, nói hay trả lời đều biết, cảm giác gì biết hay ý nghĩ gì đều biết.
* Tọa Thiền. Tổ dạy chúng rằng: Pháp môn toạ Thiền này vốn không chấp nơi tâm, cũng không chấp nơi tịnh, cũng chẳng phải chẳng động. Nếu nói chấp tâm, tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không có chỗ chấp vậy. Nếu chấp tịnh, bởi vì vọng niệm che đậy chơn như, chỉ không có vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh. Khởi tâm chấp tịnh trở lại sanh ra cái tịnh vọng. Vọng không có chỗ nơi, chấp ấy là vọng; tịnh không hình tướng trở lại lập tướng tịnh, nói là công phu, người khởi kiến giải này là chướng tự bản tánh trở lại bị tịnh trói.
Nầy Thiện Tri Thức! Nếu người tu hạnh bất động, chỉ khi thấy tất cả người, không thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người tức là tự tánh bất động. Này thiện tri thức! Người mê thân tuy bất động, mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người (tức là) cùng đạo đã trái nhau, chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng đạo.
Tổ dạy chúng rằng: Nầy thiện tri thức! sao gọi là tọa Thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại, ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện áctâm niệm chẳng khởi gọi là tọa, trong thấy... tự tánh chẳng động gọi là thiền. Này thiện tri thức, sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong chẳng loạn là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn, bản tánh tự tịnh tự định, chỉ vì thấy cảnh, suy nghĩ cảnh tức là loạn; nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn ấy là chơn định vậy. Nầy thiện tri thức! Ngoài lìa tướng tức là thiền, trong chẳng loạn tức là định. Kinh Bồ Tát Giới nói: Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh. Này thiện tri thức! Trong mỗi niệm tự thấy được bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo.
Tọa thiền đặc biệt hơn, tâm dễ thanh tịnh hơn. Tự tánh sẽ hiển lộ trong vô niệm vô tướng hay vô trụ. Trong thân, khi ngứa biết ngứa, nghe tiếng biết nghe tiếng, hoặc thở vô biết thở vô, thở ra biết thở ra, thở vô ra dài ngắn đều biết, bụng phình xẹp biết bụng phình xẹp, buồn ngủ biết buồn ngủ, cảm giác gì đều biết. Nhớ việc gì biết nhớ, suy nghĩ biết suy nghĩ, v.v... lúc nào cũng tĩnh giác; phải quán chiếu các đối tượng tự nhiên có trong thân tâm hoặc cảnh ngoài đột nhận, nên đốn ngộ là tĩnh giác ngay hay lập tức biết. Tọa thiền càng lâu thì thì tâm càng thanh tịnh nhiều hơn trong các oai nghi khác. Tuy vậy, trong tứ oai nghi lúc nào cũng tĩnh giác ngay trong các hoạt động của thân khẩu ý kể cả lúc ăn uống, ngủ nghỉ.
V. Kết Luận
Pháp vô niệm của Lục Tổ là pháp thể nhập tánh giác, là tự tính toàn diện, là sự hòa nhập bản lai diện mục (tánh không) giữa tự tính của tâm và vật. Vô niệm chớ không phải là nhứt niệm vô minh. Nhứt niệm là một niệm của căn trần thức là tâm thức hay tâm thường tình vốn hệ lụy đến ái thủ hữu. Cho nên từ tâm thức nguyên sơ hay chơn thức (Tâm Thức) ta tri nhận (Trí: Tuệ Tri, Biết) chơn thức đó để có tánh giác hay giác trí tuệ. Đó là ta thể hiện được vô niêm, vô tướng rồi, vì không còn dính mắc, niệm khởi, hay không có tướng nào xen vào. Đó tức là Tâm (Trí) tri nhận ngay thực tướng hay thể không của đối tượng, là nhận được phước đức không lường bao la như hư không.
Vô niệm là sự nhận thức đối tượng với sự tri nhận tánh không của đối tượng mà không trụ vào đối tượng đó nữa, nghĩa là khi tri nhận thực tại giả lập, ngay đó ta không có khái niệm hay ý tưởng gì đến thực tại giả lập đó. Muốn giữ vô niệm lâu thì phải "vô sở trụ' tức là không bám vào sắc, thinh.. mà phải xả bỏ sắc thinh... khi mình biết là sắc thinh..., vì nếu trụ vào sắc thinh... một sát na thì sắc thinh...ấy không còn thật nữa. "Sắc tức thị không'” (Bát Nhã). Sắc tức thì biến thành không... thời gian huyễn hóa sự vật. Chân Trí (hay Chân Tâm) được hiển lộ ngay nơi đối tượng hiện quán. Đó là pháp môn đốn ngộ, thấy tánh ngay, định huệ bình đẳng. Bồ Đề Đạt Ma nói hiện tại là bồ đề, vì không có quá khứ đầy đau khổ, không có tương lai để gây thêm tội lỗi, thì ngay bây giờ (sát na hiện tiền) há không phải bồ đề sao! Trong khoảnh khắc hiện tại, chân lý xuất hiện tại đó (không gian) và lúc đó (thời gian) mà thôi. Thực tướng được hiện bày ở trạng thái vô thời không vì có thời gian chạy dài trong không gian thì mọi vật đều trở nên huyễn hóa. Vậy muốn đạt được giác ngộ tự tính thì phải theo cách dạy của Phật: Hàng Phục Tâm và An Trụ Tâm (Kinh Kim Cang) hay của Lục Tổ pháp vô niệm vô tướng và vô trụ (kinh Pháp Bảo Đàn). Đó là để đạt được chân lý tối hậu, là tự tính tuyệt đối, là chân tâm, là tánh giác hay là thể nhập bản lai diện mục (bản tâm), đó là đốn pháp vậy.
Phổ Nguyệt, 2008
Tham khảo
- Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức. Nguyễn Thắng Hoan. Nguồn Sống xuất bản năm 1996. San Jose, USA.
- Kinh Pháp Bảo Đàn Giảng Giải (Chữ nghiên). Hòa Thượng Thích Thanh Từ. Sách xuất bản năm 1992. Thiền Viện Thiền Chiếu, VN.
- Cốt Tủy kinh Kim Cang, kinh Lăng Già, kinh Nhất Dạ Hiền. (Phổ Nguyệt)