Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Về Khái Niệm Phương Tiện Thiện Xảo

31/10/201109:28(Xem: 5097)
Về Khái Niệm Phương Tiện Thiện Xảo
VỀ KHÁI NIỆM PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO
Thích Nguyên Hiệp

Phương tiện thiện xảo (S. upāya kauśalya; P. upāya kosalla) là một khái niệm quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Khái niệm này được đề cập đến trong một số bản kinh như Pháp Hoa, Bát Nhã, Duy Ma Cật và Phương Tiện. Và khái niệm này được hiểu theo nhiều cách khác nhau, tùy theo từng ngữ cảnh.

Thường, phương tiện thiện xảo được hiểu như là một phương cách mà chư Phật và Bồ Tát sử dụng trong việc thuyết giảng giáo pháp cho những đối tượng khác nhau, tùy theo căn cơ của họ, đưa họ đến giác ngộ theo một cách hiệu quả nhất.

Và như vậy, người sử dụng phương tiện thiện xảo là người có thể biết được căn cơ và tâm thức của những đối tượng cần giáo hóa, qua đó truyền trao cho họ những giáo lý và phương pháp tu tập thích hợp với khả năng của họ. Nói cách khác, người thực hành phương tiện thiện xảo là người có đủ trí tuệ và từ bi: trí tuệ thấy rõ căn cơ của chúng sanh và truyền trao cho họ những giáo pháp thích hợp; từ bi là động lực thúc đẩy việc cứu độ chúng sanh.

Trong Phật giáo Đại thừa, trí tuệ, từ bi và phương tiện thiện xảo là ba phẩm tính không thể thiếu của một vị Bồ Tát. Có thể nói như thế này, trí tuệ là nội dung, lòng từ bi là sự thể hiện nội dung đó, và phương tiện thiện xảo là cách chuyển đổi nội dung thành một hành động cụ thể. Trong Bodhisaṃbhāraka (Bồ-đề tư lương luận)ngài Long Thọ xem lòng từ bi là kết quả của việc kết hợp của trí tuệ và phương tiện thiện xảo: “Trí tuệ bát nhã là mẹ của chư Bồ Tát, phương tiện thiện xảo là cha của họ, và lòng từ bi là con gái của họ.”

Những thời kỳ giáo hóa khác nhau của Đức Phật, điều được trình bày qua một số kinh điển Đại thừa, và về sau qua “hệ thống phán giáo” của các tông phái Phật giáo Trung Hoa, cũng được xem là áp dụng phương tiện thiện xảo. Khái niệm này cũng chỉ cho những việc làm “bất khả tư nghì” của chư vị Bồ Tát vì lợi ích của chúng sanh, hoặc vì lợi ích của số đông. Trong Thập Địa kinh, khi đạt tới quả vị thứ bảy là Viễn hành địa, một vị Bồ Tát sẽ có đủ những phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh. Bên cạnh, trong đời sống thực tế, khái niệm này còn được hiểu theo những chiều hướng khác nhau, và cũng được “thực hành” với những “mục đích” khác nhau.

Thuật ngữ “phương tiện thiện xảo” ít xuất hiện trong các kinh tạng Nikāya. Trong Theragāthā của Tiểu Bộ Kinh, thuật ngữ này được đề cập trong một bài kệ: “Với phương tiện thiện xảo/Ta, bà con mặt trời/ Được hướng về chánh lý/ Làm ta thoát sanh hữu.”(Theragāthā, 158).Trong Suttanipāta, cũng thuộc Tiểu Bộ Kinh, thuật ngữ này lại được nhắc đến:“Như người được leo lên/ Chiếc thuyền mạnh vững chắc/ Được trang bị đầy đủ/ Mái chèo và tay lái/ Người như vậy ở đây/ Giúp nhiều người ngược dòng/ Rõ biết những phương tiện/ Thiện xảo và sáng suốt.”(Suttanipāta, kệ 321).Khái niệm này cũng xuất hiện trong kinh Saṅgīti (Phúng tụng) của Trường Bộ kinh III.

Nếu ta hiểu phương tiện thiện xảo là những phương cách giáo hóa “thiện xảo” khác nhau của Đức Phật thì điều này đã xuất hiện trong kinh tạng Nikāya. Trong kinh tạng Nikāya, ta thấy Đức Phật đã dùng nhiều phương thức khác nhau để giáo hóa chúng sanh; những phương thức đó có khi là những lời dạy về các chuẩn tắc đạo đức, có khi chỉ ra những phương pháp tu tập cụ thể, có khi bằng những câu chuyện ẩn dụ, có khi là sự thể hiện thần thông và cũng có khi bằng sự im lặng.

Phần đầu của bài viết này tìm hiểu một vài khía cánh liên quan đến “phương tiện thiện xảo” như được tìm thấy trong kinh tạng Nikaya.

Phương cách giáo hóa của Đức Phật

Sau khi chứng ngộ, vào lúc đầu Đức Phật không có ý định truyền giảng những gì mà Ngài đã giác ngộ, bởi vì nhận thấy rằng những sự thật mà Ngài chứng đắc khó cho người khác lãnh hội. Nhưng sau lời thỉnh cầu của Phạm thiên Sahampati và quán sát căn tánh của chúng sanh, thấy mặc dù có người chưa đủ căn trí để lĩnh hội giáo pháp, nhưng có người có thể thọ nhận được, Đức Phật đã bắt đầu vận chuyển pháp luân, truyền giảng lại những gì mà Ngài thấy biết từ sở chứng của mình.

Việc Đức Phật chưa vội chuyển pháp luân sau khi chứng ngộ và đợi đến khi có lời thỉnh cầu của Phạm thiên Sahampati, được xem là một “phương tiện thiện xảo” trong bước đầu hoằng hóa độ sinh của Ngài. Giữa một nền văn hóa và triết học ảnh hưởng sâu sắc Bà-la-môn giáo, việc thỉnh cầu của một vị thần của chính tôn giáo đó muốn nói lên rằng xã hội đó đang cần đến một nguồn giáo pháp mới giúp họ đạt được những lợi ích trong đời sống tâm linh. Và giáo pháp được thuyết giảng là bởi vì có người đang khát khao cần đến.

Khi xã hội cần đến nguồn giáo pháp mới ấy rồi, nhưng để giáo pháp ấy đến được với mọi người từ những giai tầng khác nhau trong xã hội lại cần đến một sự hóa độ “thiện xảo”. Kinh Thánh Cầu (Trung Bộ I) đã ví dụ chúng sanh trong cõi đời như những hoa sen ở trong hồ: có hoa sen đã vươn lên khỏi mặt nước, nhưng cũng có những hoa sen chưa vượt lên khỏi mặt nước. Chúng sanh ở trong cõi đời cũng vậy, có người “ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm.”Vì chúng sanh căn trí khác nhau, nên giáo pháp dù rằng chỉ có “một vị duy nhất là vị giải thoát”, cần được truyền giảng bằng những phương cách khác nhau.

Như chúng ta đã biết, bài pháp đầu tiên Đức Phật thuyết giảng cho năm anh em tôn giả Kiều Trần Như là Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana), và sau đó là Vô Ngã Tướng (Anattalakkhana), và năm vị này chứng đắc quả vị A-la-hán sau khi nghe những thời pháp này. Tiếp theo Đức Phật giáo hóa Yasa và 54 người bạn của ông. Sau đó Ngài đến Uruvela và hóa độ 30 thanh niên; rồi hóa độ ba anh em Ca Diếp (Kassapa) thờ lửa cùng với 1.000 đệ tử của họ. Những sự kiện này xảy ra vào năm đầu tiên sau khi Đức Phật giác ngộ. Vào năm thứ hai, việc hóa độ Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên được xem là điểm mốc quan trọng trong việc hoằng hóa của Ngài.

Ta thấy rằng, hầu hết những người được Đức Phật hóa độ đầu tiên là những người trước đó đã thực hành đời sống tôn giáo, có đời sống tâm linh sâu và có căn trí cao; và họ đã dễ dàng đắc được thánh quả chỉ qua một thời pháp, do “ít nhiễm bụi đời”và nhờ vào sự“lợi căn”. Việc hóa độ những người này và rồi họ trở thành những người đầu tiên mang sứ vụ truyền giảng giáo pháp, được xem là phương tiện thiện xảo trong việc khởi đầu truyền bá giáo pháp của Đức Phật. Việc theo Đức Phật của những người đệ tử đầu tiên, với sự ảnh hưởng của họ trước đó, hẳn giúp cho việc truyền bá giáo pháp được thuận tiện hơn.

Nhưng sự nghiệp truyền bá giáo pháp của Đức Phật không chỉ dừng lại nơi những người có căn trí cao. Trong suốt 45 năm hoằng hóa, Đức Phật đã gặp nhiều hạng người, xuất thân từ những giai tầng xã hội khác nhau. Đọc kinh sách, chúng ta có thể thấy được sự linh hoạt của Đức Phật trong việc truyền bá giáo pháp và cảm hóa quần chúng. Có những đối tượng Đức Phật giảng dạy cho họ về giáo lý Duyên khởi, Vô ngã, Tứ đế, nhưng có những đối tượng Đức Phật giảng dạy cho họ những chuẩn tắc đạo đức, những cách thức hành xử trong đời sống hằng ngày, như những mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa ông chủ và người làm công, giữa bạn bè với nhau… (những điều này được trình bày trong kinh Thiện Sanh, Trường Bộ Kinh).

Trong Kinh tạng, đôi khi ta thấy, dù Đức Phật không thừa nhận các Vedas và hệ thống triết học của Bà-la-môn giáo, nhưng cũng có trường hợp Ngài lại dạy cho các Bà-la-môn cách thức sinh về thế giới Phạm Thiên. Chẳng hạn như trường hợp Đức Phật dạy cho hai thanh niên Bà-la-môn cách thức hợp nhất với Phạm thiên, qua việc thực hành tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ và xả.

Chúng ta có thể tìm thấy nhiều trường hợp hóa độ “thiện xảo” khác của Đức Phật ở trong Kinh tạng. Ở đây xin dẫn ra thêm vài trường hợp có thể xem là nổi bật.

Thứ nhất là việc Đức Phật cảm hóa Angulimala. Angulimala vốn là một tên cướp khét tiếng, đã từng giết vô số người vô tội, lấy ngón tay xâu thành chuỗi và đeo lên cổ. Đức Phật vì muốn cảm hóa nên đã vận sức thần thông đến trước ông. Khi thấy Đức Phật đi ở phía trước, Angulimala đã cố sức đuổi theo với hy vọng sẽ có được ngón tay cuối cùng xâu vào xâu chuỗi của mình. Nhưng ông đã không thể nào đuổi theo kịp Đức Phật. Vô vọng, ông đã thét lớn bảo Đức Phật hãy dừng lại.

Đức Phật trả lời rằng Ngài đã dừng lại rồi, cho dù Ngài đang đi; và hỏi Angulimala đã dừng lại hay chưa. Sau đó Đức Phật giảng giải rằng, Ngài đã dừng là dừng các ác nghiệp, những điều gây tổn hại cho chúng sanh; và khuyên Angulimala hãy dừng tay lại, chớ nên tiếp tục giết hại đồng loại. Lòng từ bi và phương cách giáo hóa thiện xảo của Đức Phật đã cảm hóa được Angulimala. Sau đó ông xuất gia và chứng đắc thánh quả.

Câu chuyện khác là việc Đức Phật hóa độ cô Kisa Gotami. Kisa Gotami đau buồn cùng cực khi người con nhỏ của cô qua đời. Cô ôm xác con đi khắp nơi với hy vọng sẽ tìm được người có thể cứu sống được đứa con tội nghiệp của mình. Và rồi cô tìm đến Đức Phật.

Đức Phật bảo với cô rằng, Ngài sẽ cứu sống con của cô nếu cô xin được cho Ngài một nắm hạt mù-tạc tại một nhà mà nơi đó trong quá khứ chưa từng có người chết. Cô Gotami vâng lời và đi tìm xin hạt mù-tạt theo lời yêu cầu của Đức Phật. Nhưng cô không thể tìm ra được hạt mù-tạt tại một gia đình mà ở đó chưa từng có người thân qua đời trong quá khứ; và điều này đã giúp cô hiểu ra rằng cái chết là một vấn đề không ai tránh khỏi, khác nhau là nó đến sớm hay muộn. Hiểu được sự thật đó, cô ôm xác con vào rừng chôn cất và sau đó quay lại với Đức Phật, xin phép xuất gia và về sau đã chứng được thánh quả.

Những câu chuyện được dẫn ở trên là một vài trong vô số những câu chuyện liên quan đến những phương cách giáo hóa thiện xảo của Đức Phật. Những phương cách giáo hóa này dù khác nhau, nhưng chúng đều được đặt cơ sở trên trí tuệ và từ bi.

Sự im lặng của Đức Phật

Đức Phật đã từng im lặng trước những câu hỏi siêu hình, như: thế giới là thường hằng hay vô thường, hữu biên hay vô biên; sinh mạng và thân là một hay là khác; Như Lai tồn tại sau khi chết hay không tồn tại sau khi chết… Trong một số trường hợp Đức Phật cũng từ chối câu hỏi có ngã hay không có ngã; và đôi khi cũng từ chối trả lời về sự vận hành của nghiệp. Sự im lặng của Đức Phật trước những câu hỏi siêu hình này đã đưa đến những ý kiến “trái chiều” của hậu thế; và người ta cũng tốn rất nhiều bút mực để bàn luận về vấn đề này và ghán ghép Ngài thuộc vào trường phái này hay trường phái kia. Chẳng hạn như gán cho Ngài thuộc trường phái bất khả tri, hay hoài nghi.

Ở một góc độ, “sự im lặng của Đức Phật” trước những câu hỏi siêu hình có thể được xem là một “phương tiện thiện xảo” trong giáo hóa. Trong Tương Ưng Bộ kinh, khi du sĩ Vacchagotta hỏi rằng con người có tự ngã hay không có tự ngã, Đức Phật đã im lặng trước câu hỏi này. Và khi du sĩ Vacchagotta đi rồi, tôn giả Ananan hỏi rằng tại sao Đức Phật không trả lời những câu hỏi của vị du sĩ ấy, thì Đức Phật đáp rằng, nếu Ngài trả lời có tự ngã thì điều đó xác định rằng Ngài ủng hộ thuyết thường hằng; còn nếu Ngài bảo không có tự ngã thì điều đó có nghĩa rằng Ngài ủng hộ thuyết đoạn diệt.

Có người cho rằng rằng sự im lặng của Đức Phật trước câu hỏi có ngã hay không có ngã là một cách gián tiếp xác định không có ngã, bởi vì trong những bài kinh trước đó, như kinh Vô ngã tướng chẳng hạn, Đức Phật đã khẳng định rằng không có ngã. Nhưng đối với du sĩ Vachagotta, Đức Phật đã giữ thái độ im lặng, vì nghĩ rằng câu trả lời của Ngài không đem lại lợi ích cho vị du sĩ này.

Trong một số trường hợp khác, Đức Phật dạy rằng việc quán chiếu khổ đau, nguyên nhân của khổ và tu tập đoạn trừ khổ đau thì quan trọng và thiết thực hơn việc tìm hiểu những câu hỏi siêu hình. Tuy nhiên, sự im lặng của Đức Phật đã trở thành đề tài tranh luận của hậu thế; và sự im lặng của Ngài cũng đã mở ra một cánh cửa khác trong việc phát triển Phật giáo về sau.

Giáo pháp là một phương tiện

Trong kinh Ví Dụ Con Rắn (Alagaddùpama sutta, Trung Bộ I), Đức Phật dạy rằng người học đạo nên áp dụng giáo pháp vào trong đời sống theo một cách thức khôn khéo và đúng đắn. Giáo pháp chỉ là một phương tiện, và nếu người sử dụng phương tiện đó với mục đích giải thoát khổ đau, thì người đó được xem là có trí tuệ. Còn người học giáo pháp chỉ vì“muốn chỉ trích người khác” hay chỉ vì“muốn khoái khẩu biện luận”, thì người đó đang nắm giữ giáo pháp sai lạc, được xem là không thiện xảo và trí tuệ trong việc học Phật.

Cũng trong kinh Ví Dụ Con Rắn, Đức Phật đưa ra một ví dụ rằng, có người đi đến một vùng nước rộng, có nhiều nguy hiểm, và người này đã dùng nhành cây và các vật dụng khác để kết thành một chiếc bè để vượt qua vùng nước sâu rộng và nguy hiểm đó. Và sau khi đưa ra ví dụ này, Đức Phật hỏi các tỳ-kheo rằng, nếu người dùng chiếc bè để vượt qua vùng nước ấy, sau đi đã qua bờ bên kia rồi, vẫn chấp chặt vào chiếc bè, thì người ấy có phải là người có trí tuệ không. Các tỳ-kheo trả lời rằng “không”. Người được xem là có trí tuệ, là người sau khi đã qua đến bờ bên kia rồi, biết bỏ đi chiếc bè ấy.

Chiếc bè trong bài kinh này được ví với giáo pháp, nó như một phương tiện để đưa người qua biển khổ; và một người khi đã “vượt qua bờ bên kia” rồi thì hãy bỏ chiếc bè lại. Và bài kinh kết lại rằng “Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp.”

Những ý tưởng ở trên chúng ta cũng có thể tìm thấy trong kinh Kim Cương. Và với câu nói “chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp” trong kinh Ví Dụ Con Rắn, cho thấy rằng giáo pháp chỉ là một phương tiện, không phải là chân lý. Tuy nhiên người ta phải cần đến phương tiện đó để đạt đến chân lý; nhưng khi đã đạt được chân lý thì cần phải bỏ phương tiện ấy đi. Điều này cũng tương tự như những gì được nói trong kinh Viên Giác: giáo pháp như ngón tay, và chân lý như mặt trăng, phải nương theo ngón tay để thấy mặt trăng nhưng đừng lầm chấp ngón tay là mặt trăng.

Về phương diện Phật học, các câu chuyện Tiền thân nhấn mạnh một điều rằng, để thành tựu Phật quả, người ta cần phải trải qua nhiều kiếp thực hành Bồ Tát hạnh với các Ba-la-mật. Công việc của một Bồ Tát thì không giới hạn ở trong tự viện, hay ở nơi một hình thức nào. Bồ Tát trong các câu chuyện Tiền thân, xuất hiện với những hình thức khác nhau. Nhưng cho dù hiện thân với hình thức nào, một vị Bồ Tát luôn cho thấy là có trí tuệ, luôn phát khởi lòng từ bi và hành động với nhiều “phương tiện thiện xảo” khác nhau vì lợi ích của kẻ khác.

Ở trên chúng ta tìm hiểu một vài vần đề ở trong kinh tạng Nikāya mà chúng ít nhiều liên hệ đến khái niệm “phương tiện thiện xảo”. Như đã nói từ lúc đầu, khái niệm “phương tiện thiện xảo” chính yếu được sử dụng trong Phật giáo Đại thừa. Vì vậy để hiểu rõ hơn về khái niệm này, chúng ta cần thảo luận thêm với việc dẫn chứng những kinh và luận Đại thừa có liên quan. Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong một bài viết khác.

(Tập san Hoằng pháp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]