Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hình Ảnh Con Người Qua Bài Phổ Thuyết Sắc Thân Của Trần Thái Tông

03/04/201108:24(Xem: 3603)
Hình Ảnh Con Người Qua Bài Phổ Thuyết Sắc Thân Của Trần Thái Tông




Duc The Ton 1



Sắc thân con người là hữu hạn vì bị giới hạn bởi hai đầu: Sanh và tử, có và không, đến và đi, một và khác. Con người có vượt qua được những giới hạn của những cặp phạm trù đối đãi kia hay không là ở chỗ con người có chịu thanh lọc tâm thức để thăng hoa đời sống hay không. Nếu con người mải mê chạy theo những dục vọng thấp hèn thì con người sẽ tha hoá và phải bị đọa lạc, phải chuốt lấy những khổ đau và hệ lụy.

I. DẪN NHẬP

Đến cuối đời Lý, đất nước Đại Việt thường xuyên rơi vào loạn lạc, giặc giã, trộm cướp khắp nơi. Vua Cao Tông hoang dâm vô độ. Vua Huệ Tông đam mê tửu sắc, lại thêm mắc bệnh không có con trai nối nghiệp, truyền ngôi cho con gái là Chiêu Hoàng. Khi Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh, cơ nghiệp nhà Lý đã về tay nhà Trần.  

Một khi nhà Lý không còn vai trò chính trị đối với đất nước, thì việc Trần Thái Tông lên ngôi đã đáp ứng nhu cầu cấp bách của đất nước lúc bấy giờ. Trước hết nhà Trần phải thống nhất giang sơn về một mối, trên dưới đoàn kết một lòng, cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Đồng thời, khi lên ngôi Trần Thái Tông đã chấn chỉnh, thiết lập lại kỷ cương nhà Trần. Điều đó có thể thấy qua hai tác phẩm Quốc Triều Thông Chế và Quốc Triều Thường Lễ của ông.

Trong những năm cầm quyền, dù bận trăm công ngàn việc, nào là việc triều chính, nào là chống giặc Nguyên Mông, nào là mở mang bờ cõi, nhưng vua vẫn dành thì giờ để nghiên cứu kinh Phật. Không những thế, vua còn dành thì giờ để tu tập, thiền định và đã viết nhiều sách khải ngộ Phật pháp. Khóa Hư Lục là một trong những tác phẩm của ông.

Khóa Hư Lục được Trần Thái Tông viết ra vào những thời điểm khác nhau và chứa đựng nhiều nội dung Phật pháp khác nhau.

Dưới đây chúng ta tìm hiểu một phần nội dung của Khóa Hư Lục. Đó là hình ảnh con người qua bài “Phổ Thuyết Sắc Thân.”

II. HÌNH ẢNH CON NGƯỜI QUA BÀI “PHỔ THUYẾT SẮC THÂN” CỦA TRẦN THÁI TÔNG

1. Giới Thiệu Tác Giả và Tác Phẩm

1. 1. Tác giả

Trần Thái Tông tên húy là Cảnh, trước tên húy là Bồ, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218). Trần Cảnh là con thứ của Trần Thừa, mẹ họ Lê.

Tổ tiên họ Trần là người đất Mãn, có người tên Kinh đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Đến đời Lý Cao Tông nhờ công đánh dẹp Quách Bốc, dần dần có thế lực trong triều đình, Trần Thị Dung trở thành hoàng hậu của Lý Huệ Tông, Trần Thủ Độ làm Điện tiền chỉ huy sứ, Trần Khánh Tự được ban tước Minh tự và Trần Cảnh mới tám tuổi được nhận chức Chi hậu chính chi ứng cục, hầu cận Lý Chiêu Hoàng.

Do sự sắp đặt của Trần Thủ Độ, Chiêu Hoàng đã lấy Trần Cảnh làm chồng. Ngày 11 tháng Chạp năm Ất Hợi (1226), Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Thái Tông lên ngôi hoàng đế.Trần Thái Tông ở ngôi 33 năm (1226 – 1258), nhường ngôi 19 năm, thọ 60 tuổi, băng ở cung Vạn Thọ, táng ở Chiêu Lăng.[1]

Trần Thái Tông là ông vua có công với nước, đã lập nên kỷ cương nhà Trần. Không những thế, ông còn là thiền gia nổi tiếng đặt nền móng cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm và là nhà văn, nhà thơ lớn suy niệm về con người.

1. 2. Tác phẩm

Theo Thánh Đăng Ngữ Lục, tác phẩm của Trần Thái Tông gồm có Văn Tập, một quyển (đã thất lạc hoàn toàn), Chỉ Nam Ca tức Thiền Tông Chỉ Nam Ca, một quyển (hiện chỉ còn bài tựa Thiền Tông Chỉ Nam Tựchép trong Khóa Hư Lục), Khóa Hư Lục, mười quyển (Trong Khóa Hư Lục, ngoài hai bài tựa trên còn có các bài tựa Kim Cang Tam Muội Kinh Tự, Bình Đẳng Sám Hối Văn Tự, Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi Tự).

Ngoài các tác phẩm trên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư còn ghi tác phẩm của vua Trần Thái Tông gồm: Năm 1251, viết bài minh dạy các hoàng tử về đạo trung, hiếu, hòa, tốn, ôn, lương, cung, kiệm; năm 1264, làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng qúy mến Trần Thủ Độ. Hai tác phẩm này hiện không còn. Thái Tông còn viết Quốc Triều  Thông Chế, 20 quyển, Quốc Triều Thường Lễ, 10 quyển và tập thơ Trần Thái Tông Ngữ Tập.

2. Hình Ảnh Con Người Qua Bài “Phổ Thuyết Sắc Thân”

2. 1. Quan điểm Phật giáo về sắc thân

Theo triết học Phật giáo, con người được hình thành do sự vận hành của Mười hai Nhân duyên. Mười hai nhân duyên sanh thì con người (Ngũ uẩn tức một tổ hợp gồm năm yếu tố) sanh. Trong năm uẩn thì sắc uẩn được xem là sắc thân vật lý của con người. Các uẩn còn lại (thọ, tưởng, hành, thức tức cảm giác, tri giác, ý chí, tâm thức) thuộc về tâm lý. Một con người hoàn thiện được xây dựng trên hai mặt vật lý và tâm lý. Hay nói cách khác, con người là tập hợp của năm uẩn. Mà năm uẩn do nhân duyên sinh. Đã do nhân duyên sinh thì không thực có. Do đó, con người là một thực thể Vô ngã (không có thực thể tồn tại độc lập, không có linh hồn trường tồn, không có đấng sáng tạo vĩnh cửu). Nhưng thông thường con người có thói quen suy nghĩ sai lạc về thân, cho rằng thân này là ta, là tự ngã của ta. Thực ra, thân người ta có nhưng chỉ là giả có. Vì nó là một tổ hợp được hình thành bởi nhiều yếu tố khác nhau. Các yếu tố đó phụ thuộc lẫn nhau và mỗi một yếu tố phụ thuộc vào các yếu tố còn lại. Cái gì được hình thành bởi các yếu tố khác nhau và phụ thuộc lẫn nhau thì không phải là chính nó.

Như thế, sắc thân năm uẩn của con người cũng chính là thân phận con người trong cõi đời này. Con ngươi ai ai cũng muốn hạnh phúc, sung sướng. Nhưng do nhận thức sai lầm về con người mình nên thường con người không tìm được nguồn an lạc, hạnh phúc. Trái lại, con người thường chuốt lấy quá nhiều khổ đau. Giải phóng con người ra khỏi những bế tắc kia là nhiệm vụ lớn của triết học, văn học, đặc biệt là  triết học, văn học Phật giáo. Và do đó, sắc thân con người trở thành đề tài quan trọng của văn học. Nói cách khác, trong văn học, con người là nhân vật trung tâm.

Đây cũng chính là đề tài lớn của văn học Trung đại Việt Nam, đặc biêt là bộ phận văn học Phật giáo.

Thật thế, từ thời Lý, các thiền sư và Phật tử đã đưa ra quan niệm về sắc thân và tìm cách giải phóng nó ra khỏi những ràng buộc khổ đau. Các Thiền sư như Viên Chiếu, Diệu Nhân, Viên Học, Đạo Huệ . . . đã đưa ra những quan niệm về sắc thân con người để trả lời cho những câu hỏi muôn thuở như: Con người từ đâu đến, đến để làm gì, sau khi chết sẽ đi về đâu . . .

2. 2. Quan điểm sắc thân của các Thiền sư đời Lý

2. 2. 1. Quan điểm sắc thân của Ni sư Diệu Nhân

Sanh, lão, bệnh, tử là một trong những nỗi khổ của con người, nhất là cái khổ sợ chết. Nhưng Ni sư Diệu Nhân nói rằng, đó là việc thường nhiên không có gì phải khổ hết. Bởi nó là quy luật tuần hoàn của con người, của vũ trụ đất trời. Con người cứ an nhiên tự tại mà vui sống, đừng sợ hãi, đừng mong cầu gì cả. Sự an lạc, hạnh phúc và giác ngộ giải thoát là ở ngay cuộc sống hiện thực này – bây giờ và ở đây, đừng tìm cầu đâu xa nữa. Cố công tìm cầu giác ngộ giải thoát, cầu Phật, cầu thiền bên ngoài là việc làm sai lầm, chỉ thêm ràng buộc mà thôi.

“Sanh lão bệnh tử

Tự cổ thường niên

Dục cầu xuất ly

Giải phược thiêm triền.

Mê chi cầu Phật

Hoặc chi cầu thiền

Thiền, Phật bất cầu

Uổng khẩu vô ngôn.”

(Sanh già bệnh chết

Xưa nay lẽ thường.

Muốn cầu thoát ra

Mở trói thêm ràng.

Mê đó tìm Phật,

Lầm đó cầu thiền.

Phật, thiền chẳng cầu

Uổng miệng không lời)[2]

2. 2. 2. Quan điểm sắc thân của Thiền sư Viên Học

Thiền sư Viên Học cho rằng, sắc thân con người hoạt động được chẳng qua chỉ là sự tiếp xúc giữa sáu giác (sáu căn), sáu đối tượng của giác quan (sáu trần) và sáu thức. Sự tiếp xúc giữa căn trần sẽ sanh ra những lỗi lầm tai hại, lôi kéo con người trôi chảy theo bến vọng bờ mê. Con người cần sống an lạc tỉnh thức, đừng sống say chết mộng nữa.

Lục thức thường hôn chung dạ khổ,

Vô minh bị phú cửa mê dung.

Trú dạ văn chung khai giác ngộ

Lãn thần tịnh sát đắc thần thông.

(Sáu thức tối tăm khổ đêm dài,

Vô minh che đậy mải mê say.

Sớm tối nghe chuông lòng tỉnh giác,

Thần lười dứt sạch, được thần thông.)[3]

Nếu ni sư Diệu Nhân khuyên con người hãy sống an nhiên tự tại với ông Phật thường hằng ở lòng mình thì Thiền sư Viên Học kêu gọi con người hãy gióng lên tiếng “chuông lòng tỉnh giác” để vượt thoát những mê đắm ở đời. Rõ ràng là cùng nội dung sống an lạc tỉnh thức giữa cuộc đời bão loạn này, chỉ khác cách nói mà thôi.

2. 2. 3. Quan điểm sắc thân của Thiền sư Đạo Huệ

Trong số các thiền sư đời Lý, Thiền sư Đạo Huệ là người nói rõ nhất về sắc thân.

Sắc thân dữ diệu thể,

Bất hiệp bất  phân ly,

Nhược nhân yếu chân biệt,

Lô trung hoa nhất chi.”

(Sắc thân cùng diệu thể,

Chẳng hợp chẳng chia lìa.

Nếu người cần phân biệt,

Trong lò một cành hoa.)

Theo ông, sắc thân có thể thấy được, sờ mó được. Hình ảnh trong lò một cành hoa là hình ảnh rất sống động, cho thấy sắc thân con người chính là con người đang hiện hữu giữa cuộc đời. Và chết chưa hẳn là hết. Chết và sống chẳng qua là sự tan hợp của các yếu tố ngũ uẩn và tứ đại. Sự tồn tại và tan rã của sắc thân con người là sự tan hợp của năm yếu tố và bốn đại chứ không có gì khác. Khi chúng hợp lại thì con người hiện hữu, sống, hoạt động. Khi chúng tan rã thì tiếp tục đến một đời sống mới. Thế thôi.

Như mây tan rồi tụ

Nhật nguyệt chiếu không cùng.

Sự tuần hoàn của con người cũng như sự tuần hoàn của vũ trụ đất trời, “như mây hợp rồi tan”, như mặt trời luôn chiếu sáng.

Chính vì vậy, diệu thể và sắc thân chỉ là một - một thực thể thống nhất. Bản chất hai mặt của cuộc đời là “trong lò một cành hoa.”

2. 3. Quan điểm sắc thân của Trần Thái Tông

Quan điểm sắc thân của Trần Thái Tông qua bài “Phổ Thuyết Sắc Thân” không còn mang tính ước lệ, trừu tượng như của Đạo Huệ nữa mà được giải quyết một cách dứt điểm, đề cập một cách cụ thể.

Các ngươi hãy xem lại cho kỹ, sắc thân này khi chưa vào bào thai thì do đâu mà có? Ấy là ‘niệm’ dấy, duyên gặp, năm uẩn hợp thành, dáng vóc lầm sinh, hình dung giả lộ.”[4]

So với Quan điểm sắc thân thời Lý, quan điểm sắc thân thời Trần đã có sự chuyển biến rõ rệt. Quan điểm sắc thân thời Trần không còn mang tính trừu tượng nữa mà được trình bày một cách cụ thể như đoạn văn dẫn trên cho thấy.

Sắc thân hữu hạn này ngày đêm tiếp xúc với sáu trần mà trở nên ô nhiễm hay thanh tịnh. Và cứ thế, đời sống con người trải qua bốn chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt.

2. 3. 1. Sắc thân chính là thân phận và tình yêu con người

Sắc thân con người là hữu hạn vì bị giới hạn bởi hai đầu: Sanh và tử, có và không, đến và đi, một và khác. Con người có vượt qua được những giới hạn của những cặp phạm trù đối đãi kia hay không là ở chỗ con người có chịu thanh lọc tâm thức để thăng hoa đời sống hay không. Nếu con người mải mê chạy theo những dục vọng thấp hèn thì con người sẽ tha hoá và phải bị đọa lạc, phải chuốt lấy những khổ đau và hệ lụy. Điều này được chứng thực qua đoạn văn sau:

Hoặc gái hoặc trai, hoặc xinh hoặc xấu. Hết thảy đều để cho tâm buông đi, không làm sao trở gót quay về. Nẻo đường sinh tử cứ ruổi rong, mặt mũi nguyên xưa mất hết. Do thế chỉ giương mắt, bề ngoài xem xét, nào ai hay ngoái đầu, hướng nội soi mình. Lúc đến, sinh thực hóa sinh, nơi đi, mộng tràn nói mộng. Lăn lăn lộn lộn, vội vội vàng vàng. Lấy ảo làm chân, bỏ không theo sắc.”[5]

Nhưng cũng từ trong đời sống vô thường đầy ô nhiễm này mà chúng ta vượt qua được những cảm xúc nông nỗi, những dục vọng tầm thường để thăng hoa đời sống tâm thức, thì chúng ta sẽ vượt qua giới hạn của các cặp phạm trù đối đãi và đạt đến Pháp thân vô hạn, tình yêu vô lượng, bất sinh bất tử, không đến không đi, không một không khác.

Muốn đạt đến chỗ vô sanh bất diệt trong thế giới sanh diệt này, trước hết, phải siêng năng hành trì, tụng kinh, niệm Phật, tham thiền nhập định. Khi lĩnh hội được tâm Phật, ý tổ rồi thì không cần phải trì giới, tụng kinh nữa mà ngay nơi đây được giải thoát, an nhiên tự tại: “Như chưa thấu Phật tâm ý tổ, trước hãy nên trì giới tụng kinh. Đến lúc hay Phật là không, tổ là không, thì giới chẳng ần trì, kinh không cần tụng. Ở ảo sắc cũng là chân sắc, nơi phàm thân cũng thực pháp thân. Phá lục tặc làm lục thần thông, đưa bát khổ thành bát tự tại.”[6]

Rõ ràng, giữa thế giới hữu hạn và thế giới vô hạn, giữa sanh diệt và vô sanh bất diệt chỉ cách nhau trong gang tấc. Nếu khéo chuyển hóa những khuyết tật, những bất toàn trong thế giới hữa hạn này thì chúng ta sẽ đạt đến bờ bên kia sanh tử khổ đau một cách dễ dàng. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ tri nhận thực tại vô thường, khổ, vô ngã để luôn sống tỉnh thức và chuyển hóa cái hữu hạn thành cái vô hạn, chuyển phàm thân thành pháp thân ngay tại cuộc đời này. Chính Thái Tông là người đã gia tâm tham thiền và tìm ra được con người thực của chính mình. Vua đã tham thoại đầu nổi tiếng của thiền sư Lâm Tế về “con người thực không vị trí” (vô vị chân nhân).

Thiền sư Lâm Tế một hôm khai thị đại chúng: “Này qúy vị, trên khối thịt đỏ au kia, có một con người thực không vị trí, hay ra vào trước mắt qúy vị. Nếu qúy vị không biết [con người thực không vị trí ấy] là ai thì chỉ cần hỏi lão tăng đây.” Có một vị tăng bước tới hỏi: “Xin cho biết con người thực không vị trí ấy là gì?” Thiền sư liền đánh vị tăng ấy, và nói: “Con người thực không vị trí ấy là cái cức khô gì đâu?” (Lâm Tế Lục).[7]

Trần Thái Tông muốn tìm ra cho được con người thực không vị trí mà thiền sư Lâm Tế nêu ra. Con người thực ấy chính là chân tâm, là tính giác ở mỗi con người. Nhưng con người thực không vị trí ấy nằm ở đâu? Thiền sư Lâm Tế cho biết nó ngay trên “khối thịt đỏ au” của mỗi người. Còn Thái Tông Tông thì nói nó nằm ngay trên sắc thân ngũ uẩn, tứ đại này mà ông đã mô tả qua đoạn văn hiện thực sau đây:

Gáo đầu lâu, hoa cài ngọc giắt, túi da thối, xạ ngát hương xông. Cắt lụa là che bọc máu hồng, giồi son phấn át thùng phân thải (…). Những hẹn một đời già với bách tùng, chẳng ngờ tứ chi rệu như mái dột. Hồn phách tuy về với qủy, hình hài còn gửi nhân gian. Tóc lông răng móng chửa tan, nước mắt bọt mốm đã ứa. Rữa nát chảy tràn máu mủ, thối tha nồng nặc đất trời. Xám ngoét chẳng dám nhìn, xanh bầm thật đáng khiếp! Bất kể giàu nghèo đều vào cõi chết, hoặc quàn trong nhà thì bọ sinh dòi khoét, hoặc vất ngoài lộ thì quạ rỉa chó tha. Người đều bịt mũi đi qua, con hiếu phải lấy dành đậy điệm. Vun thu hài cốt, chôn cất thịt xương. Quan quách, mặc đám lửa ma trơi giữa nội hoang, nấm mồ phó muôn dặm mịt mù nơi non quạnh. . . .”[8]

Sắc thân ấy không phải là con người chân thật của ta. Vậy thì chúng nằm ở đâu? Thái Tông đã tham thoại đầu này. Ông đã vén được bức màn mây mù dày đặc kia lên và đã nhìn thấy dáng núi hùng vĩ hiện lên nơi chân trời xanh biếc:

“Vô vị chân nhân xích nhục đoàn,

Hồng hồng bạch bạch mạc tương man.

Thùy tri vân quyển, trường không tịnh,

Thúy lộ thiên biên, nhất dạng san.”

(Vô vị chân nhân, thịt đỏ au,

Hồng hồng trắng trắng chớ lừa nhau.

Ai hay mây cuốn trời quang tạnh,

Núi hiện chân trời, biếc một màu.)

2. 3. 2. Thái độ sống của con người đối với tự thân và xã hội

Một khi con người đã liễu ngộ được bản chất thật của đời sống, con người sẽ tự do ra vào giữa thế giới vô thường ảo ảnh này. Với tinh thần tỉnh thức, không chấp trước, không kẹt và hình thức giáo điều, con người bước ra khỏi thế giới tư duy hữu ngã, thế giới phân biệt giữa các cặp phạm trù sanh và tử, đến và đi, có và không, một và khác. Con người sẽ sống an nhiên tự tại, sống vững chãi thảnh thơi như thế núi hùng vĩ nơi chân trời xanh biếc: “Ai hay mây cuốn trời quang tạnh, núi hiện chân trời, biếc một màu.” Lúc bấy giờ, con người ra vào sanh tử cũng như thay quần áo vậy.

“Sanh tợ như sam

Tử tợ như khố.”

(Sống như mặc áo

Chết như cởi quần)

(Trần Nhân Tông)

Rất nghệ sĩ. Rất phiêu bồng. Rất mực chịu chơi mà cũng thật thâm sâu. Phải là con người từng sống, từng trải nghiệm và đạt ngộ với một tâm hồn nghệ sĩ mới viết nên được hai câu thơ hàm súc, sâu lắng và tài tình như thế. Đến thế kỷ XXI này cũng chưa chắc có thi nhân nào viết được hai câu thơ ngắn gọn và thâm thúy như thế. Con người giác ngộ là vậy. Con người tự do là vậy. Con người ấy luôn sống trong trạng thái hồn nhiên, an nhàn “Sanh tử nhàn nhi dĩ” (Tuệ Trung Thượng Sĩ).

Con người sở dĩ sống lo âu, sợ hãi, khi vui khi buồn là vì chưa thấu triệt được lẽ sắc không, chưa nhìn thấy lẽ thật của vấn đề sanh tử. Một khi nhìn thấy được bộ mặt thật của nó rồi thì cứ an nhiên nhìn hoa nở, bướm lượn, oanh ca:

“Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không

Xuân về hoa nở rộn trong lòng

Chúa xuân nay đã thành quen mặt

Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng.”

(Trần Nhân Tông)

Hiểu lẽ sắc không, con người sẽ có thái độ sống tích cực, không ngại cái hữu hạn của thế giới này mà luôn tìm cách chuyển hóa cái hữu hạn thành cái vô hạn. Con người luôn sẵn sàng đối diện với cái chết mà không sợ chết, tự hoàn thiện bản thân, tự giác ngộ, sống nhân văn hơn mà phục vụ đạo đời một cách viên mãn, hoàn thành cùng lúc cả ba nhiệm vụ: dựng nước, giữ nước và mở nước.

III. KẾT LUẬN

Qua bài “Phổ Thuyết Sắc Thân”, Trần Thái Tông chỉ cho chúng ta thấy những khuyết tật, bất toàn của thân phận con người trước những sự thật vô thường, khổ, vô ngã của cuộc đời. Nhưng không phải nêu ra những vấn đề đó để rồi bi quan yếm thế, chán nản như nhiều người đã hiểu lầm, mà nêu ra những sự thật cốt yếu là nhắc nhở, cảnh tỉnh con người. Con người cần phải chuyển hoá tất cả những bất toàn, những giới hạn, những nỗi khổ niềm đau trong sắc thân của chính mình thành cái hoàn hảo, cái vô hạn. Từ đó sẽ đi đến thiết lập một đời sống an lạc giải thoát ngay trên sắc thân giả huyễn này. Lúc đó, “Ở ảo sắc cũng là chân sắc, nơi phàm thân cũng thật pháp thân.”

Như vậy, hình ảnh con người qua bài Phổ Thuyết Sắc Thân của Trần Thái Tông chính là thân phận và tình yêu thương con người. Sắc thân hay thân phận con người được chuyển hóa thành pháp thân (con người hoàn hảo, con người giác ngộ) ngay tại cuộc sống trần thế này. Khi đó, không còn có sự phân biệt phàm thân hay sắc thân, Phật hay chúng sanh gì nữa, bởi “chúng sanh dữ Phật đồng” (chúng sanh và Phật không khác).

 
TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lê Mạnh Thát, Toàn Tập Trần Thái Tông, Tp.HCM: NXB Tổng Hợp Tp. HCM, 2004.; Toàn Tập Trần Nhân Tông, Tp. HCM: NXB Tp.HCM, 2000.; Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, Tp.HCM: NXB TP.HCM, 1999.

Thích Thanh Kiểm (dịch), Khóa Hư Lục, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2003.

Hội Nghiên Cứu và Giảng Dạy Văn Học Tp. HCM, Bình Luận Văn Học, Tp.HCM: NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2006.

Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Hà Nội: NXB Văn Học, 2000.

Nguyễn Công Lý, Văn Học Phật Giáo Thời Lý – Trần Diện Mạo và Đặc Điểm, Tp.HCM: NXB Đại Học Quốc Gia Tp. HCM, 2003.

Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2004.; Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải, Tp.HCM: NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2004.

Thích Phước Đạt, “Đặc Trưng Tinh Thần Thiền Học của Trần Thái Tông,” Tập San Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, (Tp. HCM), số 34 (3 – 2006).

 

 


[1] Theo Lê Đức Thọ (dịch), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, II, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 2004, tr. 7 và Viện Văn Học, Thơ Văn Lý - Trần, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1989, tr,19 – 20.

[2] Dẫn theo Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2004, tr. 175.

[3] Sđd, tr. 176 – 177.

[4] Lê Mạnh Thát (dịch), Toàn Tập Trần Thái Tông, TP. HCM: NXB Tổng Hợp TP. HCM, tr. 345.

[5] Cùng trang sđd.

[6] Sđd, tr. 347.

[7] Dẫn theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Hà Nội: NXB Văn Học, 2000, tr. 244.

[8] Lê Mạnh Thát (dịch), Sđd, tr. 345 – 346.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/01/2024(Xem: 1007)
Tỉnh Thức Đối Diện với Bệnh tật và Cái Chết_Tỳ Kheo Analayo_Bình Anson dịch
06/06/2023(Xem: 6266)
Bất cứ trong một tôn giáo, một triết học nào, phần nhân sinh quan vẫn là quan trọng. Chúng ta theo một tôn giáo mà không biết quan niệm nhân sinh trong tôn giáo ấy như thế nào, thực là một khuyết điểm lớn lao. Ở đây, chúng ta chỉ riêng bàn về phần nhân sinh quan Phật giáo để tìm hiểu Phật giáo quan niệm về đời sống con người như thế nào ?
21/05/2023(Xem: 1251)
Con người thường sợ cái chết nên làm mọi cách để níu kéo sự sống, níu kéo bằng tiền bạc, bằng thuốc men, thức ăn, bằng các hoạt động thể chất. Việc giữ gìn, duy trì sự sống là một điều cơ bản mà bất cứ ai sống trên đời này cũng phải làm để mong mình sống lâu, sống thọ chứ không ai mong mình chết sớm, hay nói đúng hơn là ai cũng sợ cái chết bởi không có một loài động vật có máu huyết nào lại không sợ chết, nhưng sợ chết, không muốn chết thì con người vẫn không thể thoát được cái chết, cho nên thay vì sợ hãi thì chúng ta hãy tập đối diện với quy luật sinh tử như thế nào để vừa giữ được tinh thần lạc quan, vừa duy trì được sự sống của mình một cách trọn vẹn nhất.
22/03/2022(Xem: 3028)
Tôi không ngạc nhiên lắm khi biết dù tác phẩm Chết và Tái sinh ( Death & Rebirth ) đó TT Thích Nguyên Tạng soạn dịch ấn bản lần đầu tiên vào năm 2001 và được tái bản đến 9 lần rồi mà vẫn không đủ cung cấp, cho nên sắp tới Tu Viện Quảng Đức cho tái bản lần thứ 10 để cống hiến bạn đọc gần xa. May mắn thay trong thư viện tí hon của tôi có tác phẩm này được tái bản lần thứ bảy vào mùa Vu Lan báo Hiếu 2007 mà lời ngỏ của tác giả đã đánh động đến con tim của người đọc …qua câu chuyện Luật Sư Brendan Keilar sinh sống tại Melbourne / Australia đã bị bắn chết thật kinh hoàng khi tuổi mới 43 để trả giá cho hành động rất ngưỡng phục ( vì đã can thiệp cứu người).
02/12/2021(Xem: 15868)
Nam Mô A Di Đà Phật. Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa quý đồng hương Phật tử thân mến, Kể từ ngày 12/04/2020, nước Úc của chúng ta cũng như các nước khác trên toàn thế giới đã bắt đầu bị đại dịch Covid hoành hành và lây lan một cách nhanh chóng. Hai năm qua toàn thế giới đã phải chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế, chính trị, xã hội, thương trường. Ngay cả đời sống tinh thần của mọi người dân cũng bị ảnh hưởng không ít, nhất là đối với những gia đình đã phải nhìn thấy người thân ra đi trong sự cô đơn lạnh lẽo, không người đưa tiễn. Biết bao hoàn cảnh đau thương... Tính đến hôm nay nước Úc của chúng ta đã được ổn định phần nào, trên 80% người dân đã được tiêm ngừa theo quy định của chính phủ, cũng như việc không còn phải lockdown, người dân được đi lại tự do giữa các tiểu bang cũng như được hội họp, sinh hoạt hội đoàn và tôn giáo. Trong đại dịch, 2 năm qua nước Úc số người bị nhiễm Covid lên đến 113,411 người và số người không may mắn đã ra đi vĩnh viễn là 1,346 người.
01/08/2021(Xem: 9639)
Chuông mõ gia trì là 2 pháp khí rất quan trọng trong nghi thức hành trì và tu tập mỗi ngày đối với người đệ tử Phật. Tiếng chuông, tiếng mõ rất là quen thuộc gần gũi trong sự hành trì tu tập hằng ngày của người Phật tử, nhất là Phật tử theo truyền thống Bắc tông. Phật tử theo truyền thống Nam tông trước kia thì không có gõ mõ, thỉnh chuông khi tụng kinh, nhưng bây giờ đã có chuông rồi, còn bên Bắc tông thì chuông mõ đã có từ ngàn xưa.
26/06/2021(Xem: 11932)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
01/11/2020(Xem: 16362)
1/Đệ nhất đại nguyện: quốc vô ác đạo. Đại nguyện thứ nhất: Cõi Cực-lạc không có các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy) 2/Đệ nhị đại nguyện: bất đọa ác đạo. Đại nguyện thứ hai: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc không đọa vào các đường ác. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 3/ Đệ tam đại nguyện: thân chơn kim sắc. Đại nguyện thứ ba: Thân của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có sắc vàng. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 4/ Đệ tứ đại nguyện: hình sắc tương đồng. Đại nguyện thứ tư: Hình sắc của chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều bình đẳng, không đẹp xấu khác nhau. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy 5/Đệ ngũ đại nguyện: túc mạng trí thông. Đại nguyện thứ năm: Chúng sinh ở cõi Cực-lạc đều có túc mạng thông, biết rõ các kiếp quá khứ. Nhất tâm đảnh lễ Nam Mô Đại từ đại bi A Di Đà Phật. (1 lạy)
09/09/2020(Xem: 6714)
Hỏi: Thưa Thầy, luân hồi thật sự được hiểu thế nào trong Phật Giáo, hay vấn đề này bị nhầm lẫn với thuyết tái sinh trong Bà La Môn Giáo và một số tín ngưỡng Tây Phương, vì từ Hán Việt “tái sinh” tiếng Pháp viết là "réincarnation” là sự lặp lại về đơn vị gốc, ví dụ: Người giàu nghèo sang hèn v.v… cứ thế trở lại nguyên gốc. Còn tiếng Phạn saṃsāra là luân hồi là lang thang, trôi nổi. Nếu dùng bật lửa đốt cháy cây nến, điều kiện tạo lửa từ bật lửa sẽ gồm đá đánh lửa, hộp nhựa đựng khí gas, ống thông nhau, ống dẫn ga, bánh xe tạo lực ma sát vào đá lửa, vô số phân tử hóa học trong khí gas, môi trường xung quanh v.v… Trong khi các duyên bắt lửa của ngọn nến chỉ có 2 yếu tố cơ bản gồm thân đèn làm bằng sáp và tim làm bằng vải… Vậy ngọn lửa từ bật lửa có quan hệ gì với ngọn lửa của cây nến? Như thế luân hồi không phải là sự tái sinh nguyên bản mà là tâm lang thang trôi lăn chìm nổi vì tham sân si, không biết tàm quý để rồi chúng sanh cứ mãi bị cái vòng xoay đó làm cho đau khổ?
08/06/2020(Xem: 6726)
Thần đồng 9 tuổi tốt nghiệp đại học, chuẩn bị học tiến sĩ
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567