Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Tông Chỉ Nam

21/09/201409:49(Xem: 5811)
Thiền Tông Chỉ Nam
THIỀN TÔNG CHỈ NAM 
THE COMPASS OF ZEN
Nguyên tác Anh ngữ: Thiền sư Sùng Sơn 
Thích Giác Nguyên dịch Việt

Thien Tong Chi Nam
chandung_va_thu_but



LỜI NGƯỜI DỊCH

zenmasterseungsahnTrải qua bốn mươi năm cất bước du phương nơi hải ngoại (1962 –2002),Thiền sư Sùng Sơn đã chứng minh thành lập hơn 120 Trung tâm và Trường Thiền Quan Âm khắp nơi trên thế giới. Xuất thân từ dòng Thiền Tào Khê của Lục Tổ Huệ Năng, ngài tỏ ngộ lúc 22 tuổi và được Thiền tổ Cổ Phong ấn chứng vào năm 1949, kế thừa Tổ vị đời thứ 78 từ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, trở thành một Thiền sư nổi tiếng với khả năng chuyển hóa Đạo Phật đến phương Tây rất trong sáng và rõ ràng. (Xin xem phần tiểu sử ở cuối sách)

Tác phẩm “Thiền Tông Chỉ Nam” hay còn gọi là “La Bàn Thiền” này, chủ yếu dựa trên các cuộc Pháp thoại của Thiền sư Sùng Sơn qua sự trình bày giáo lý căn bản của Phật giáo. Nhất là sự đổi mới về Thiền để thích ứng với thời đại, nhưng không đánh mất phong cách đốn ngộ truyền thống. Nội dung rất phong phú, qua những lời khai thị tràn đầy trí tuệ, những mẩu chuyện mang tính Đạo đức Nhân văn, sâu đậm Tình Người của một Thiền sư hiện đại khả kính. Đây là cuốn sách “gối đầu giường” cho những Tăng ni tu tập tại Hàn Quốc, cũng như các môn sinh trực thuộc dòng Thiền Tào Khê do ngài lãnh đạo. 
 
Hy vọng quý độc giả khi xem qua cũng sẽ tìm thấy một hướng đi đích thực cho việc nghiên cứu và tu tập trong đời sống hằng ngày bằng khả tính trí tuệ sẵn có mà không bị vọng thức đánh lừa.

Vì nhớ lời phát nguyện trước ân sư khi ngài còn hiện tiền, tôi xin được chuyển ngữ những tác phẩm tiếng Anh của ngài hoằng hóa Thiền tông tại hải ngoại, để báo đền công ơn khai thị và gieo chút Pháp duyên với toàn thể Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước. Do đó, tôi thực hiện dịch phẩm cuối cùng này của ngài trong sự cố gắng hết sức mình ở độ tuổi về chiều, thân mang nhiều nghiệp bệnh chi phối.

Đặc biệt tri ân tấm lòng cố Giáo thọ Thích Giác Hoàng – Đại Nguyện, đã hướng dẫn tôi đến bái kiến, cầu pháp nơi Thiền tổ Sùng Sơn vào năm 1999 khi ngài sang thăm viếng VN. Và đại đệ tử của ngài là Thiền sư Đại Quang (Dae Kwang) người Mỹ, viện trưởng Trường Thiền Quan Âm tại Cumberland, quận hạt Providence, bang Rhode Island, trực tiếp bảo lãnh tôi sang Hoa Kỳ vào giữa năm 2002.

Tôi cũng không quên ơn Sư cô Minh Nguyện đã cung dưỡng thực phẩm, thuốc men, trợ giúp duyệt lỗi văn bản trong khi chuyển ngữ và cư sĩ Nhuận Báu cùng cháu Phan quang Châu trình bày bìa. Thiết nghĩ việc làm này không được chuyên nhất, chắc chắn không sao tránh khỏi những sai sót. Ngưỡng mong quý độc giả và các bậc thiện hữu tri thức hoan hỷ bổ chính, để cho dịch phẩm này được hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn tất cả.

Thành phố Soquel, California, Hoa Kỳ.
Chùa núi Dược Sư Phật giáo Tây Tạng,
Ngày vía Bồ tát Địa Tạng hóa thân, năm Quý Tỵ ( 2013 )
Thích Giác Nguyên
Cẩn bút


LỜI GIỚI THIỆU
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni luôn luôn khai thị những giáo lý rất quan trọng về Nghiệp hay Luật Nhân Quả. Ngài thuyết minh luật này rất đơn giản qua Bốn Chân Đế: “Sự khổ–Nguyên nhân của khổ– Sự khổ có thể dứt trừ– Con đường dứt khổ”.

Đời sống này được thánh thiện là do nơi thực hành Giáo pháp, nếu đã sống được như vậy, ắt sẽ sanh về cảnh giới an lành và người đệ tử chắc chắn sẽ vui hưởng dài lâu nơi đó. Dẫu cho không tin có thế giới bên kia, hoặc đời sau, thì ít nhất trong cuộc đời này, nếu ai biết nương về Pháp bảo, họ sẽ được tự do giải thoát những sự thù nghịch và phiền não.

Luật của nghiệp thực sự có hậu quả báo ứng rõ ràng, cho nên những người không tạo ác, không thể bị đau khổ. Dù luật của Nghiệp có quả báo như thế nào, nhưng đối với những người (xuất gia) có đời sống thanh tịnh, vẫn luôn luôn nhận được sự tôn kính từ các hàng thiện nam tín nữ sáng suốt của họ, và mang lại hạnh phúc trong cuộc sống này. Nếu bất cứ ai chấp nhận lời dạy của Pháp bảo, rồi thực hành, tất sẽ được thành tựu đạo quả giải thoát. Đây là Bốn Chân Đế được áp dụng tu tập cho hết thảy các hàng đệ tử của Đức Phật.


Lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 10 năm 1980. Đất nước Cam Bốt của tôi đã trải qua một cuộc xung đột, biến loạn khủng khiếp. Tôi đến làm công việc hòa bình ở đây, mục đích tham dự Hội nghị Thế giới về Tôn giáo và Hòa bình, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Cam Bốt đã có nhiều vấn đề từ cuộc chiến tranh và xung đột dân sự (nạn diệt chủng), khiến cho nhiều người đã chết. Nhưng dường như không được mấy ai chú ý.

Khi mới đến Hoa Kỳ, tôi rất ngỡ ngàng và xa lạ, không chỗ nương thân, các nguồn tài trợ hầu như chẳng có. Bất chợt tôi gặp Thiền sư Sùng Sơn, sau đó tôi biết được ngài là vị Tổ sư đời thứ 78, trong dòng Thiền từ Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đến Tổ Bồ-đề Đạt-ma và các vị Tổ sau này. Ngài là một bậc thầy vĩ đại, xuất thân từ Hàn Quốc, nhưng lúc đó, tôi chỉ thấy ngài là một tu sĩ khiêm tốn, bình dị. Ngài đã cho tôi một chỗ dung thân và giúp làm công việc di trú của tôi, trong khi không ai có thể giúp đỡ hay ủng hộ tôi điều đó. Hầu như không mấy ai quan tâm. Tôi hết sức lo buồn, vì không biết làm cách nào có thể mang lại sự chú ý đến tình hình trong nước tôi cho thế giới hiểu thấu. 
 
Mặc dù chúng tôi lúc ấy chưa quen biết nhau, nhưng Thiền sư Sùng Sơn liền ra tay giúp đỡ tôi. Tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng đủ thứ. Ngài nói: "Bạn là một nhà sư, bạn không nên quá lo lắng." –Tại sao? Tôi hỏi. Ngài bảo: –Bạn là một nhà sư, vì vậy bạn đã có bốn triệu đô la rồi ! Tôi không thể tin những gì ngài đã nói. Nghe có vẻ một chút điên rồ đối với một tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy như tôi. –"Ngài nói thế có ý nghĩa gì?" Tôi hỏi. –Vì bạn là một nhà sư, bất kỳ ngôi chùa nào trên thế giới đều là nhà của bạn, do đó, bạn đã có một triệu đô la rồi. Ngoài ra, bạn sẽ luôn luôn nhận được y phục từ các đệ tử Phật, đó là hai triệu đô la. 
 
Đối với toàn bộ cuộc sống của bạn, nhiều người sẽ luôn luôn cung cấp cho bạn thực phẩm để bạn có thể tu hành và dạy Giáo pháp cho người khác là ba triệu đô la. Tiếp theo, mọi người sẽ cho bạn thuốc men y tế khi cơ thể của bạn đau yếu, đó là bốn triệu đô la. Tất cả bạn phải làm là chỉ có tu hành và truyền bá Giáo lý cho người khác. Nó rất đơn giản. Bạn là một nhà sư, vì vậy bạn cũng là một triệu phú. Tại sao bạn phải lo lắng? Ha ha ha!

Thiền sư Sùng Sơn là một bậc thầy vĩ đại của tôi và là người bạn tốt nhất. Khi tôi ở Nữu Ước, ngài đã cung cấp nơi ăn chốn ở, thuốc men, và y phục. Ngài đã dành cho tôi tất cả lòng yêu thương tử tế thực sự. Thậm chí ngài còn yêu cầu tôi giảng dạy giáo lý Truyền thống Nguyên thủy cho các môn sinh của ngài tại Trung tâm Thiền Nữu Ước, nơi tôi tạm trú. Ngài cho phép tôi ở lại lâu dài miễn là tôi thích, để truyền bá Phật Pháp tại Hoa kỳ và giúp đỡ cho đất nước Cam Bốt của tôi. Tôi không bao giờ quên được ơn này.

Không biết – Đi th ng. Đây là nếp sống và sự giáo hóa của Thiền sư Sùng Sơn. Nếu chúng ta thực tập điều này, sau đó chúng ta không có vấn đề gì ở tương lai. Và khi không có vấn đề, tức nhiên không có sự căng thẳng.

Tất cả hành trạng về Thiền sư Sùng Sơn là giảng dạy về Thiền. Ngài luôn luôn gắn liền với vị trí là ở đây và bây giờ, trong từng giây phút hiện tại và trong tất cả các hành động của mình. Điều này rất trang trọng, rất quý hiếm. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nói chuyện, lắng nghe và làm việc – mọi khoảnh khắc, cuộc sống của Thiền sư luôn luôn rất sáng suốt. Đó là lý do tại sao ngài là một bậc thầy vĩ đại. Sự giảng dạy của ngài có thể nhìn thấy rõ ràng trong từng niệm niệm, tất cả bằng lời nói và hành động, thể chất lẫn tinh thần của Thiền sư. Ngài luôn luôn ứng dụng theo cách này, tôi biết rõ kể từ khi mới gặp ngài.

Thiền bao gồm tất cả giáo lý, trong đó có Phật giáo Nguyên thủy. Tám Con đường Chánh (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn, Chánh mạng, Chánh niệm và Chánh định), tất cả đã nhận ra trong Thiền mà bạn sẽ thấy trong cuốn sách này. Đó cũng là Bốn Chân Đế ( Khổ, Tập, Diệt, Đạo).

Vì vậy, chúng tôi nương theo Đại thiền sư Sùng Sơn như một bậc thầy và là người bạn thân quý nhất của chúng tôi. Hằng mong được như vậy. Với sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc.

Tăng thống Phật giáo Cam Bốt
Samdech Preah Mahà GHOSANANDA, Trung tâm Thiền Providence, Cumberland, Rhode Island. Hoa Kỳ Ngày 24 tháng 04, năm 1997


LỜI NÓI ĐẦU

Các vị Thiền sư khét tiếng là làm cho lông mày của mình rớt ra. Bởi vì lòng Từ bi rộng lớn, các ngài lao vào cỏ dại của chân lý tương đối. Các ngài quy định tánh dược, kê toa, sau đó hốt thuốc với những phương cách giải độc, cho đến khi môn sinh cuối cùng không còn nhầm lẫn, choáng ngợp bởi bệnh tham ái chẳng hạn, rồi thốt lên: "–A! Thì ra là như thế ! Cảm ơn ngài rất nhiều, tôi hoàn toàn khỏe hẵn rồi !" Chân lý vượt ra ngoài phạm trù ngôn ngữ. Đó là điều mà trong Kinh Kim Cương Đức Phật đã huấn thị: "Ngay cả Chánh pháp còn bỏ, huống chi phi pháp." Thế thì tại sao phải lắm lời như thế?

Vào thế kỷ thứ chín, Đại thiền sư Dược Sơn (745– 828 ) hoặc (750–834), ngài cho biết: "Trong cửa tiệm của tôi buôn bán tất cả các mặt hàng hóa. Khi có ai đến tìm kiếm phân chuột, tôi sẽ bán cho phân chuột. Họ đến tìm mua vàng, tôi sẽ bán vàng nguyên chất." Vàng nguyên chất có nghĩa là không vàng, không có gì để bán, không có gì để mua. Trong thực tế, cửa tiệm đóng, bắt tay khách hàng và đi ra ngoài uống trà.

Tăng hỏi Thiền sư Mã Tổ:
– Tại sao ngài dạy tức Tâm, tức Phật?
Mã Tổ nói: –Vì để làm cho đứa bé thôi khóc.
Tăng hỏi: –Khi đứa bé thôi khóc rồi thì thế nào?
Mã Tổ đáp: –Thì ta dạy chẳng phải Tâm, chẳng phải Phật.(Phi Tâm, phi Phật)
Tăng hỏi: – Làm thế nào với người không bị vướng mắc cả hai thứ này?
–Ta sẽ bảo hắn, chẳng phải chúng sanh. (Phi vật)
Tăng hỏi: –Nếu gặp người không vướng mắc gì hết, ngài khuyên thế nào?
Mã Tổ nói : –Ta sẽ để cho họ thể hội Đạo lớn.

Thiền sư Sùng Sơn là một vị thầy khai sanh, một nhà phát minh chuyên nghiệp đáng kinh ngạc, với phương tiện thiện xảo rất phong phú. Trong những ngày đầu, sau khi đến Hoa Kỳ, ngài muốn thay đổi tiêu chí dạy Thiền của ngài vài tháng một lần. Một tháng –“Chỉ đi thẳng” mà ngài muốn lập lại thường xuyên, đến nỗi dường như nó là bài hát vĩ đại cho chủ đề toàn thể vũ trụ, ngay cả ở độ sâu thẳm trong những giấc mơ của chúng ta. Sau đó vài tháng – “Hãy làm ngay”.Rồi kế tiếp là – “Đừng kiểm tra tâm người khác. " Bạn chỉ nhận biết.

Tuy nhiên, tất cả những phương cách giảng dạy thật kỳ diệu này và tất cả những giáo lý bạn sẽ tìm thấy trong Thiền Tông Chỉ Nam là những biến thể trên một chủ đề duy nhất. Thiền sư Sùng Sơn đã từng nói cả vạn lần là tôi mang sự giáo hóa đến Hoa Kỳ chỉ với “Tâm Không Biết". Đó là tất cả những gì bạn cần biết: “KHÔNG BIẾT”. Điều hiển nhiên là nếu bạn đang ở trong chợ tìm phân chuột, ngài sẽ bán cho bạn những viên chất lượng tốt nhất, và nếu bạn muốn có một chuyến du lịch mở rộng xuyên qua các miền cỏ dại, ngài sẽ là một hướng dẫn viên tuyệt vời. Đại lộ và hàng chục con đường phụ dẫn, tất cả có mặt trong Thiền Tông Chỉ Nam. Tuy nhiên, nếu bạn lỡ đánh mất phương hướng, kim la bàn này có thể giúp bạn tìm ra đường về, nó luôn luôn chỉ về trục Bắc – Nam thật chính xác. Bởi vì nó xuất phát trực tiếp từ trái tim Bồ tát của Thiền sư Sùng Sơn.

Stephen Mitchell



LỜI BAN BIÊN TẬP

Trong những năm đầu thập niên 1970, vào một chiều Xuân, có Thiền sinh trẻ tên See Hoy, bước vội lên những bậc thang phía trước của Trung tâm Thiền tại Los Angeles. Cậu ta đi vào cửa chính, điều chỉnh tọa cụ (rakasu) của mình, và tự ngồi cùng với các môn sinh khác, chuẩn bị sẵn sàng cho phiên tọa thiền buổi tối. Sau đó mọi người lần lượt thỉnh nguyện (dokusan). Khi chuông reo, cậu bước vào phòng tham vấn và đảnh lễ Đại lão Hòa thượng Thiền sư Kozan, rồi ngồi xuống chỗ của mình.Sau khi cậu trình bày thực hành Công án và cuộc tham vấn kết thúc. Trước khi lui ra, See Hoy kéo cuộn giấy đánh máy từ dưới tọa cụ của mình và trải phẳng trên sàn nhà phía trước mặt Hòa thượng. Cậu nói:

–Kính bạch Hòa thượng. Cách đây vài hôm, có người đã đưa cho con tập tài liệu này. Vị ấy bảo rằng nó sẽ làm tỏ rõ một số vấn đề về Phật giáo và Thiền tông. Con xin thầy cho biết ý kiến.

Các trang từ 15 trở đi, một số có chứa những dòng chữ Trung Quốc, viết tay với năng lực rất mạnh và rõ ràng. Mỗi dòng đều kèm theo một hàng chữ bên dưới đã được đánh máy và dịch sang tiếng Anh. Sau khi vuốt xấp tài liệu ngay ngắn chừng giây lát, cậu ta cầm hai tay và dâng đến cho Hòa thượng, ông chỉ nhận nó và để phía sau lưng mình rồi bấm chuông, báo hiệu chấm dứt của cuộc tham vấn. Thiền sinh đảnh lễ lui ra.

Vài tuần trôi qua, Hòa thượng chả nói gì đến See Hoy về sự tìm hiểu trong tập tài liệu ghi chép ấy. Rồi một ngày, như thường lệ, lúc kết thúc buổi tham vấn, Hòa thượng quay ra sau lưng lấy tập tài liệu. Lần này, thay vì cuốn lại như ông đã nhận được nó, tập tài liệu đánh máy được gấp cẩn thận vào một cái kẹp, ông mở ra xem vào trang đầu.Một hồi lâu, Hòa thượng vẫn giữ im lặng. Đôi mắt ông quét từng trang giấy từ trên xuống dưới. Sau đó, ông hắng giọng:

– Thật là hay, hay lắm. Ở đâu mà con có được tập tài liệu này?

See Hoy trả lời:– Dạ thưa, con nhận được nó từ nơi Đại thiền sư Sùng Sơn, người Hàn Quốc, trong lần gặp mới đây tại Los Angeles.

– Ừ! Im lặng trong giây lát, Hòa thượng nói:–Đây là tất cả những gì con cần biết về Phật giáo. Không phải là một từ duy nhất, hoặc nhiều hay ít .

– Vậy thì, con có nên nghiên cứu nó chăng? See Hoy hỏi.

–Vâng, tốt lắm, bởi tất cả đều là phương tiện. Nghiên cứu trong này chắc chắn sẽ làm sáng tỏ sự hiểu biết của con về phương cách tu tập và giảng dạy về Thiền.

Mấy năm sau, See Hoy được truyền Pháp và trở thành Thiền sư, ông kể lại câu chuyện về cuốn “Thiền Tông Chỉ Nam” thêm sâu sắc, và đánh giá cao sự trình bày về Phật giáo trong đó. Lúc bấy giờ ông chỉ là một môn sinh trẻ tuổi, đang cố gắng tìm ra phương cách tu tập của mình. Mà trong những phương pháp tu tập đó có rất nhiều giáo lý phổ biến tại Los Angeles vào những năm đầu thập niên 1970. Mặc dù qua tập tài liệu có khuôn khổ ngắn gọn, nhưng có lần ông đã nói với một nhóm Thiền sinh Quốc tế, tham dự khóa tu ba tháng Thiền thất rằng, La bàn này đã làm sáng tỏ tâm thức của ông về cốt lõi hoặc bản chất của lời Phật dạy hơn bất kỳ kinh sách khác mà ông từng đọc.

Hơn nữa, Pháp môn Thiền tại Hoa Kỳ vào những năm cuối 1960 và đầu thập niên 1970 đã rộng mở. Có rất nhiều bậc thầy, đạo sĩ châu Á thực hiện nhiều cuộc giáo hóa. Những Trung tâm Thiền định mới tạo lập, đại diện chính thức cho tất cả các truyền thống tâm linh phương Đông, đã mọc lên như nấm sau cơn mưa mùa Xuân ở các thành phố lớn và gần nhiều trường đại học. Trong số những người truyền giáo của thập niên 1960, đã có một sự tiến bộ, quan tâm chia sẻ trong cuộc sống cộng đồng tu viện. Và có một dòng chảy tư tưởng rất lớn của những cuốn sách mới, trình bày nhiều cách tiếp cận khác nhau về Thiền – Con đường Giác ngộ .

Sự phô diễn này hơi choáng ngợp, đã trở thành mối lợi lạc cho ai nấy cứ phát triển các truyền thống tâm linh rời rạc để chiếm vị thế chủ đạo ở phương Tây. Tuy nhiên, số lượng những cơ hội này đã tạo ra một phong trào rầm rộ, nơi mà hầu hết các giáo lý được phơi bày quá dễ dàng, đường phân cách trong sáng từ những lời dạy không hiệu quả, (năng thuyết bất năng hành) do đó không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ hiểu. Ngày nay nước Mỹ đã trở thành trung tâm mua bán tâm linh, nó có những dãy kệ chất đầy nhiều sản phẩm tư tưởng ( tôn giáo, thiền, triết học và thần học ).

Thiền sư Sùng Sơn cũng cho biết về tình hình nước Mỹ thời đó, qua cuốn Thiền Tông Chỉ Nam, ngài nói: “Nước Mỹ giống như một cửa hàng bách hóa. Có rất nhiều bậc thầy tuyệt vời và nhiều phong cách giảng dạy khác nhau. Nhưng những người đó đã đưa ra sự giảng dạy thế nào về Chân lý của Đức Phật? Làm thế nào thiền sinh có thể khám phá theo cách của họ thông qua các cửa hàng này? Điều đó không phải lúc nào cũng rõ ràng, minh bạch. Vì hầu hết những môn sinh phương Tây không hiểu về Giáo lý Nguyên thủy của Đức Phật, cho nên nhiều người đã tin theo một cách sai lầm. Do vậy, La Bàn Thiền xuất hiện.”

Thiền Tông Chỉ Nam là tinh yếu cốt lõi của đạo Phật, bởi một bậc thầy tỏ ngộ nổi tiếng đáng kể. Nó đã được hình thành do Thiền sư Sùng Sơn trong những năm đầu của thập niên 1970. Mục đích làm sáng tỏ cho các môn sinh của ngài ở phương Tây, để họ dễ nắm bắt những nguyên tắc quan trọng nhất trong ba truyền thống Phật giáo. Không có dụng ý bác bỏ hoàn toàn việc tụng kinh bái sám, Thiền sư Sùng Sơn đã phát minh ra La bàn như là cách bổ sung cho các thiền sinh phương Tây. Nhằm giúp họ khám phá một cách dễ dàng giữa các truyền thống khác nhau, mà không cần phải lội qua các dòng sông chữ nghĩa của Tam tạng Kinh văn rộng lớn.

Có lần ngài từng bảo, Thiền Tông Chỉ Nam chỉ trình bày xương tủy của Đạo Phật, còn tất cả thịt da của Phật giáo được giảng dạy khác nhau một cách phổ quát. Ngày nay, ở phương Tây, bạn có thể tìm thấy thịt Tiểu thừa, thịt Đại thừa và thịt Thiền tông. Phật giáo Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Quốc, Tây Tạng, Hàn Quốc và Nhật Bản…..toàn là da thịt. Nhưng tiềm ẩn cốt lõi giáo huấn của Đức Phật là gì? Công việc tuyệt vời của Thiền Tông Chỉ Nam là để trình bày xương tủy này một cách đơn giản nhưng không phải quá giảm thiểu.

Thiền Tông Chỉ Nam không chỉ dành cho các môn sinh tu Thiền. Theo Thiền sư Sùng Sơn, nó được chuẩn bị khởi đầu với hai mục đích: Thứ nhất, để làm sáng tỏ cốt tủy của Đạo Phật cho bất cứ ai quan tâm hiểu biết Giáo lý Chân thừa. Thứ hai, để mở rộng quan điểm cho thiền sinh của mình, nghĩa là họ không thể chỉ chuyên biệt với phong cách tu Thiền. Chính vì vậy, nó nói lên rằng, vị Thiền sư này đã bỏ quá nhiều công sức hướng dẫn môn sinh của mình về Giáo cũng như về Thiền. Nhằm mục đích nâng cao tầm nhìn rộng rãi qua những lời giáo huấn của Đức Phật, không để bị tách biệt Pháp môn này với Pháp môn khác cho là thiết yếu, hoặc chỉ chú tâm đến việc chuyên tu Thiền. 
 
Do đó, có môn sinh hỏi ngài trong một buổi giảng thuyết bắt nguồn từ cuốn sách này: “Tại sao ngài là một Thiền sư, lại trình bày giáo lý của Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo?” Ngài đã trả lời: “Hãy về nhà và tìm trong tủ thuốc của bạn, có bao nhiêu loại thuốc mà bạn đã có trong đó? Chỉ có một thứ thôi sao?” Ngài khuyến khích các môn sinh của mình hãy giữ quan điểm này để hiểu xương tủy của giáo lý Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo, cũng như họ sẽ hiểu được xương tủy của Thiền.

Hơn hai mươi năm, La bàn này được sử dụng trong dòng Thiền, được thành lập tại các Trường Thiền Quan Âm ở phương Tây do Thiền sư Sùng Sơn lãnh đạo. Khởi đầu án văn căn bản từ trang 31 đã được áp dụng cho những môn sinh vỡ lòng để khai tâm và là bản đồ đơn giản của giáo lý Đạo Phật. Nó cũng được dùng để đào tạo những vị Pháp sư Giáo thọ và kiểm tra môn sinh trong các cuộc tham vấn Công-án.

Mặc dù nó được phổ biến rộng rãi trong các Trường Thiền Quan Âm, nhưng người ta hiếm khi phát tán bên ngoài Tăng đoàn. Như những năm qua, môn sinh yêu cầu Thiền sư chú giải về các chủ đề khác nhau trong văn bản. Thiền sư Sùng Sơn chỉ cung ứng vài bài quan trọng của các cuộc tham vấn trong La bàn. Bắt đầu từ năm 1977, các Pháp sư Giáo thọ tại khóa tu Dõng Mãnh Tinh Tấn, được tổ chức ở Providence, Tiểu bang Rhode Island. Trong những cuộc thỉnh nguyện, tham vấn, ngài đã giải thích chi tiết hơn về các khía cạnh khác nhau của truyền thống Phật giáo.

Văn bản hiện nay là một quá trình biên soạn của một số buổi khai thị mà Thiền Sư Sùng Sơn đã đưa vào trong cuốn “Thiền Tông Chỉ Nam” từ năm 1977. Nó bao gồm các bài giảng mà ngài đề ra tại Trung tâm Thiền Providence (tháng 4 năm 1988), Trung tâm Thiền Lexington (tháng 5 năm 1988), Trung tâm Thiền Hong Kong (tháng 3 năm 1993), Trung tâm Thiền Quốc tế ở thủ đô Seoul tại Chùa Hoa Khê, Nam Hàn (khóa Kiết Đông 1993-1994), Trung tâm Thiền Xin-ga-po (mùa Xuân 1994), và Trung tâm Thiền Bồ Đề Đạt Ma, tại Los Angeles (tháng 12 năm 1995). Văn bản này cũng bao gồm các tài liệu được dịch lần đầu tiên từ các cuộc tham vấn mà Thiền sư Sùng Sơn đưa vào “Thiền Tông Chỉ Nam” chính nơi quê hương Hàn Quốc của ngài.

Những cuộc khai thị ban đầu được công bố trong hai cuốn sách tại Triều Tiên là Thanh Sơn Lưu Thủy (Núi Xanh Nước Chảy) và Nguyệt Hiện Thiên Giang (Trăng Hiện Ngàn Sông), ban biên tập độc quyền sử dụng trong văn bản này. Cuối cùng, các văn bản hiện nay bao gồm các tài liệu được cung cấp bởi Thiền sư Sùng Sơn, về những chủ đề khác nhau, có liên quan trong suốt các buổi vấn đáp Công án hằng ngày của ngài với môn sinh tại Trung tâm Thiền Quốc tế thuộc Tổ đình Hoa Khê ở thủ đô Seoul từ 1994 đến 1996.

Một trong những phẩm tính tuyệt vời của Thiền sư Sùng Sơn là năng lực trí tuệ của ngài tự nhiên lạ thường và gần như vô hạn. Đối với những người đầy đủ thắng duyên đã tham dự qua những buổi khai thị của ngài, rồi từ đó các trang sách này đã được thu thập, hoặc ít nhất là nhìn thấy các đoạn băng video, tức thì nhận ra rất sáng tỏ rằng, có cái gì đó hoạt dụng ngoài tầm của một bậc thiên tài thuần khiết. Nó không bị ngăn chặn bởi sự hiểu biết bằng trí não.

Các văn bản trong “Thiền Tông Chỉ Nam” hầu hết là những lời khai thị của Thiền sư Sùng Sơn. Nó kết hợp một sự tinh khiết, sáng tạo, tuệ giác. Với sự nắm bắt học thuật nghiêm túc của văn bản ở vào từng thời điểm và hầu hết mọi người đều hoan hỷ khả tín. Vì tất cả cùng một trọng điểm – cốt lõi – như nhau, nghĩa là làm thế nào để chúng ta tỉnh thức và giúp đỡ thế giới này trong từng sát na, từng khoảnh khắc. Văn bản này cố gắng gìn giữ sự thanh thoát, tự nhiên bằng ngôn ngữ của Thiền sư Sùng Sơn, và phong cách giảng dạy độc đáo của ngài, qua các phương tiện thiết thực như là chất liệu chính nó.

Văn bản này không thể coi như là một luận đề học tập. Nó không cần thiết để cung cấp bất kỳ loại nghiên cứu hình thức của tính xác thực trong học tập, với các văn bản tương phản, hoặc phương thức truyền thống của Biểu thức (Duy thức). Cũng giống như tác giả đã cung cấp những cuộc hội thuyết. La bàn là biểu đồ trực tuyến. Nó chỉ thẳng tinh yếu uyên nguyên mà không dựa trên biểu hiện lịch sử. La bàn được ứng dụng trong giáo lý truyền thống (giáo ngoại biệt truyền) từ cái nhìn sâu sắc hoàn toàn Giác ngộ và không phụ thuộc quá nhiều về quy ước. Đây là phong cách giáo hóa của một Thiền sư.

Sau hết, điều nên biết về việc sử dụng thuật ngữ Tiểu Thừa 
( Hinayana: xe nhỏ ) chứ không phải là thuật ngữ theo phương thức cổ điển Thèravàda để chỉ Phật giáo Nguyên thủy. Hẳn nhiên là không có ý miệt thị ở đây. Việc sử dụng thuật ngữ này đã được nghiên cứu suốt một quá trình lâu dài. Trong đề cương của ngài bằng văn bản ban đầu của “Thiền Tông Chỉ Nam”, cũng như trong các cuộc tham vấn được dựa theo cuốn sách này. Thiền sư Sùng Sơn sử dụng từ Tiểu thừa như thuật ngữ truyền thống để tham khảo giảng dạy Phật giáo trước khi rộ nở hoa trái của Phật giáo Đại thừa ( Mahayana Buddhism ).

Đối với hầu hết những độc giả thuộc hệ phái Thèravàda, cho thấy một truyền thống sống động của Phật giáo với nguồn gốc từ Đông Nam Á hơn là thời kỳ Nguyên thủy lúc Phật tại tiền. Đó là giai đoạn lịch sử chuyển tiếp của Phật giáo và những lời dạy được liên kết. Ngoài ra, trong việc truyền bá Thiền tông, ngài Sùng Sơn đặc biệt nhấn mạnh không vướng mắc hoàn toàn vào ngôn ngữ. Nó như một phương tiện chính của sự thoát khỏi những đau khổ gây ra do tâm ý khái niệm của chúng ta. Đó là phù hợp với tinh thần Thiền và việc sử dụng hệ phái Tiểu thừa vẫn được duy trì.

Bao gồm ở phần cuối của tác phẩm này là phụ lục trình bày mười Công án thiết yếu, mà Thiền sư Sùng Sơn đã chọn lọc để thay mặt cho toàn bộ 1.700 Công án Trung Quốc và Hàn Quốc. Nó đã được ứng dụng tại hai quốc gia này từ lâu và bây giờ đến phương Tây. Trong “Mười Cổng”, tác giả nhấn mạnh điểm thiết yếu nhất trong từng chi tiết của mỗi Công án. Không qua các văn thơ, luận giải mờ đục thông thường, hoặc học hỏi theo lối tầm chương trích cú, nhưng xuyên suốt trực tiếp qua cách trình bày tỉ mỉ về bản chất của tự thân Công án.

Phần văn bản này cũng có thể độc lập như là một cột mốc quan trọng trong lịch sử giáo hóa Thiền tông và sự truyền dẫn đến phương Tây. Nó đưa ra cách sử dụng của những Công án, đó là tính cân nhắc kỹ lưỡng trong sự biểu hiện của tự thân Công án. Đặc biệt là cách giảng dạy nghiêm túc, đòi hỏi từng khoảnh khắc ứng dụng trực giác bén nhạy, và tự phát của tình huống Công án thay đổi trong cuộc sống hằng ngày. Điều đó có thể được nhìn thấy rõ ràng nhất trong phác họa của Thiền sư Sùng Sơn, với chức năng chính xác của chủ thể và đối tượng từ những Công án trong đời sống thường nhật. Cách ứng dụng được cân nhắc, thể hiện cho sự thích nghi thay đổi của một “núi” Công án tu tập theo truyền thống, dẫn đến vô số tình huống của cuộc sống hiện tiền trong xã hội đương đại.

Điều đó đã thực hiện đúng bốn năm để lắp ráp các phiên bản hiện hành của La bàn Thiền này, từ một mảng của các nguồn văn bản, tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Anh. Trong thời gian đó, tôi đã được duyên may, với sự hỗ trợ của một Cộng đồng Bồ tát Quốc tế trải khắp ba châu lục.

Điểm đặc biệt phải nhắc tới với sự hướng dẫn của Thượng tọa Thiền sư Đại Quang (Dae Kwang), Viện trưởng Trường Thiền Quan Âm Providence, Cumberland, bang Rhode Island. Thiền sư Wu Bong, Trung tâm Thiền Quan Âm Parisien tại thủ đô Pháp và Giáo thọ Stanley Lombardo, giáo sư Văn học Cổ điển tại Đại học Kansas duyệt xét ở giai đoạn cuối.

Cũng xin cảm ơn sự sắp xếp của giáo thọ Do-Mun tại Trung tâm Thiền quốc tế Seoul; Ni sư giáo thọ Hương Nghiêm (Hyang-Um) tại Thiền Viện Tú Phong, Hồng-kong; Thầy giáo thọ Mu-Sang Sunim, tại Trung tâm Thiền Đạt Ma, Los Angeles; Thượng tọa Chong-An; Thượng tọa Hae-Tong (Lee, Jae-Gyun); Thượng tọa Myong, JW Harrington, của Trường Thiền Quan Âm; Kim Yong-Hyong của Konghang-Dong tại Seoul; Lee Hyong-Yong tại Paris và Seoul; Ji-Eun ở Đại học Georgetown và Apkujong-Dong tại Seoul; Park Song-Chol của trường Đại học Đông Quốc thủ đô Seoul; cũng như các vị: Lee Mun-Gyun, Kim Tae-Ok và Lee Jong-Hoon. Prakash Shrivastava (Mu Soeng) của Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Barre và Richard Streifeld đã trình bày tài liệu này trong giai đoạn sớm nhất. Dyan Eagles, chủ tịch của Dharma Craff, như mọi khi, tích cực đóng góp rộng rãi, vô giá.

Nhất là xin kính dâng đến Hòa thượng Đại thiền sư Sùng Sơn, với lòng biết ơn sâu sắc không thể đo lường sánh kể. Cuối cùng, cuốn sách này được hình thành từ sự sắp xếp của Thiền sư Su Bong (See Hoy Liau), cho đến khi ông thị tịch vào tháng 7 năm 1994. Ông làm việc ngày đêm rất chăm chỉ để duyệt xem văn bản giáo lý này trước khi cho xuất bản. Tưởng cũng nên nhắc lại, trong thời gian ngắn trước đây, khi còn là một môn sinh vừa ở độ tuổi thanh niên, See Hoy Liau đã có được tài liệu Thiền Tông Chỉ Nam trong tay và rồi cách đây ba năm (1994), ông là một Thiền sư trẻ sớm nhập Niết bàn. Ông đã đi đâu?

Bây giờ bạn đang nắm giữ La Bàn Thiền trong tay của bạn. Hy vọng bạn sử dụng nó để tìm phương hướng riêng cho bạn, cũng là nơi ông đã đi và nơi mà tất cả mọi người chúng ta đều phải đi.

Sa môn Thích Huyền Giác (P. Muenzen)
Thiền viện Đồi Kim Cương.
Trung Tâm Thiền Providence,
Cumberland, Rhode Island. USA
Ngày 01 tháng 8, 1997
 

XEM TIẾP TOÀN BỘ NỘI DUNG:
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]