Phật Pháp
Cho Mọi Người-2
Tổng Hợp & Biên Dịch
Diệu Liên Lý Thu Linh &
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
MỤC LỤC
Phần 1. Giáo Lý Căn Bản
Làm Sao Để Bày Tỏ Lòng Yêu Kính Đức Phật
Năm Mới
Hãy Nhìn Phiền Não Bằng Con Mắt Khác
Chế Ngự Căng Thẳng
Nghi: Cánh Cửa Dẫn Đến Trí Tuệ
Năm Cách Sống Hạnh Phúc Hơn Theo Phật Giáo
Quán Niệm Hơi Thở
Quán Niệm Xứ
Tâm Lý Nóng Nảy
Phần 2. Quan điểm Của Phật giáo Về Các Vấn đề Xã Hội
Thái Độ Của Người Phật Tử Đối Với Của Cải Vật Chất
Tài Sản Là Phương Tiện Đưa Đến Hạnh Phúc
Suy Gẫm Về Tiền Bạc
Phật Giáo & Doanh Nghiệp
Các Loại Vợ
Hòa Thuận
Phật giáo Và Sức Khỏe Tâm Thần
Hãy Là Bác Sĩ Cho Chính Mình
Những Vấn đề Trong Gia đình Hiện Đại Và Giải Pháp Của Phật giáo
Gia Đình Là Vị Thầy Tâm Linh
Phần 3. Một Số Kinh Nghiệm Tu Tập
Sa-di Bom
Cuộc Sống Ở Tu Viện
Cha Mẹ & Con Cái
Thầy & Trò
Ảnh Hưởng Của Thiền Vipassana Nơi Làm Việc
Rời Khỏi Chiếu Thiền
Hồi Ức Về Cuộc Sống Ở Một Tu Viện Tây Tạng
Phần 4. Hỏi & Đáp
Hỏi Từ Trái Tim: TS Thích Nhất Hạnh Giáo Huấn Về Sự Tu Tập
Phỏng Vấn Với Ngài Gehlek Rimpoche
Trong Vùng Sáng Của Tử Thần
Cuộc Phỏng Vấn Với HELEN TWORKOV: Phật giáo có thể tồn tại ở Mỹ?
LỜI NGƯỜI DỊCH
Với quyển Phật Pháp Cho Mọi Người, chúng tôi tương đối đã đạt được phần nào kết quả khi có thể mang những bài pháp thoại của nhiều tác giả đến với người đọc, nhất là những người sơ cơ như chúng tôi.
Cũng đã ba năm kể từ quyển sách đó được phát hành, cũng đã có thêm nhiều bài pháp được chúng tôi chuyển ngữ. Theo sự gợi ý của một số thân hữu, lần này chúng tôi cũng xin tổng hợp các bài dịch rải rác đó đây để mang đến cho quý độc giả xa gần một luồng gió mát của chân Pháp. Mong là chúng tôi không phụ lòng mong đợi của quý độc giả. Dầu đã hết sức cố gắng, nhưng chúng tôi chắc rằng sẽ khó thể tránh những thiếu sót trong phần dịch thuật và biên tập, mong quý tôn sư, quý độc giả hoan hỷ chỉ bày.
Lần nữa chúng tôi xin cảm tạ quý đạo hữu luôn chung tay với chúng tôi trong Phật sự này, để một số sách luôn đến tay quý độc giả dưới dạng ấn tống.
Nguyện cho phước báu trong Pháp thí này được chia sẻ đến chư thiên, quý ân sư, quý ân nhân, đạo hữu, thân quyến và mọi chúng sanh.
Diệu Liên Lý Thu Linh
Vu Lan 2014
Phần 1
Giáo Lý Căn Bản
Làm Sao Để Bày Tỏ Lòng Yêu Kính Đức Phật
Đại Đức Tiến Sĩ Dhammasami
Đại đức Tiến sĩ Khammai Dhammasami sinh năm 1965, tại Laikha, bang Shan, Miến Điện, với tên gọi là Kham Mai. Ông thọ giới sadi ở tuổi thiếu niên tại tu viện Sirimangala, một chi nhánh của Thiền viện Mahasi.
Đại đức Dhammasami đã hoàn tất văn bằng Sasanadhaja Dhammacariya tại Đại học Sasana Mandaing Pali, Pegu, Miến Điện, 1985. Thông thường phải mất ba năm học mới lấy được văn bằng này, nhưng đại đức Dhammasami chỉ mất một năm vào năm ông 19 tuổi khi còn là một chú sadi. Ông lấy bằng Thạc Sĩ năm 1992 tại Đại học Buddhist & Pali tại Tích Lan. Bằng Tiến sĩ tại Đại học Oxford, Anh quốc, năm 2004.
***
Có nhiều cách để mừng ngày Tam Hợp (Vesak), nhất là ở các nước theo Phật giáo Nguyên thủy như Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào và Campuchia. Phật tử rảo quanh chùa, tay cầm đèn sáp, là hình ảnh người ta thường thấy ở Thái Lan, là cách hành lễ khác hẳn với các nước Phật giáo láng giềng khác. Người Miến Điện thì hành lễ tưới cây Bồ Đề vào ngày lễ quan trọng đó. Dựng lên các hình ảnh và diễn tả lại cuộc đời của Đức Phật bằng đủ loại đèn điện nhấp nháy lại là cách tổ chức lễ Vesak đặc biệt của Tích Lan. Trong các nước theo Phật giáo, người ta thường thấy các Phật tử đến chùa tu Bát Quan Trai, nghe qúy Sư giảng Pháp, cúng dường chư tăng, phóng sinh chim cá, và đôi khi thả cả trâu bò sắp bị làm thịt. Các thiền viện chật cứng các thiền sinh đến tập tu một ngày. Vesak được xem là ngày quốc lễ ở nhiều quốc gia ở Đông Nam Á –ngay cả ở Indonesia, là một quốc gia Hồi giáo.
Ở quê tôi, bang Shan, Miến Điện, Phật tử thường tham dự khóa tu một ngày vào mỗi ngày rằm, kể cả trong lễ Vesak. Họ hành tịnh khẩu, lắng nghe các thi ca về các tiền kiếp của Đức Phật (Jataka), do các cư sĩ đã được huấn luyện để đọc các thi ca này. Họ được gọi là các thầy Sa-lay. Một câu chuyện thường kéo dài năm, sáu tiếng đồng hồ. Các câu chuyện lấy bối cảnh dựa trên nền văn hóa Shan, để người dân địa phương có thể hiểu về vị Bồ Tát (Bodhisatta) này. Khi cần thiết người ta bổ sung thêm vào các câu chuyện những lời dạy của Đức Phật, trích từ trong các kinh điển. Đây là nét văn hóa Phật giáo Shan độc đáo.
Chúng ta có thể hiểu là những quốc gia này đã tạo ra các cách mừng lễ Vesak sao cho đám đông quần chúng có thể tham gia. Họ đốt đèn để biểu tượng cho trí tuệ sáng suốt mà Đức Phật đã đạt được khi Giác Ngộ.
Ở Thái Lan, người ta gọi đó là ‘Wien-thien’ (đốt đèn đi thành vòng tròn). Ở Shan, Miến Điện, tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, người ta đốt một cây đèn rất dài và to, làm bằng cây thông. Họ đốt cây đèn dưới đất. Đèn cháy hàng giờ. Đó là những thứ người ta sử dụng để nhắc nhở chúng tôi chánh niệm –chánh niệm về trí tuệ và sự Giác Ngộ của Đức Phật. Đó là một phần văn hóa của đất nước chúng tôi.
Trí tuệ hay cái nhìn sáng suốt về bản chất thực sự của cuộc sống là điều thiết yếu để giúp chúng ta vượt thoát khổ đau trong cuộc đời. Đó là thứ trí tuệ mà chúng ta biểu tượng bằng ánh sáng và tôn kính Đức Phật vì sự Giác Ngộ của Ngài. Trong bài Pháp đầu tiên, Đức Phật đã so sánh trí tuệ với ánh sáng.
Thả cá là để nhớ đến lòng từ bi bao la của Ngài, là động lực chính khiến Đức Phật cố gắng đạt được Giác Ngộ.
Trong mọi lễ Vesak, chúng ta luôn ngưỡng vọng đến Đức Phật Gautama. Vì Ngài là người đã khám phá ra con đường Đạo và đã truyền dạy lại cho các đệ tử của Ngài. Do đó, vào ngày lễ Vesak, chúng ta nghĩ đến Đức Phật, đến cuộc đời của Ngài để chúng ta có thể hiểu Ngài hơn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rắng Đức Phật không bao giờ nói về cuộc đời của Ngài ngoài phạm vị các bài Pháp. Có lẽ Ngài cho là không cần thiết, dầu chúng ta rất muốn được hiểu thêm, hiểu nhiều hơn nữa.
Đức Phật còn nói rằng nếu chúng ta không hiểu Pháp thì chúng ta không thể hiểu được Ngài. Do đó, chúng ta cần hiểu Pháp hơn là tìm hiểu con người Đức Phật.
Khi chúng ta học hỏi, suy nghĩ thấu đáo, chúng ta sẽ thấy rằng Pháp mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta hoàn toàn không có tính cách cá nhân. Đức Phật không hề cá nhân hóa sự khám phá của Ngài. Pháp là việc mỗi cá nhân phải tự thực hành. Là việc mỗi cá nhân tự khám phá, không phải là điều ta có thể chia sẻ với gia đình hay quốc gia.
Trong khi thực hành Pháp, chúng ta có thể giúp đỡ người khác bằng cách chỉ cho họ con đường, nhưng không thể thực hành thay họ. Pháp chỉ có tính cách cá nhân trong phạm vi đó.
Chúng ta hành thiền trong ngày Tam Hợp (Vesak) để đánh dấu một ngày quan trọng -ngày Thái tử Siddhartha Gautama đản sinh, Thành Đạo và nhập Niết bàn.
Nhân dịp này, chúng ta hãy quán tưởng đến lời Phật dạy, những lời phản ảnh sự quan tâm của Đức Phật đối với chúng ta. Ngài đã dạy rằng: “Chánh niệm giúp ta thoát vòng sinh tử trong khi tâm thất niệm đưa ta đi mãi trong vòng luân hồi sinh tử”. Đó cũng là những lời dạy cuối cùng của Ngài.
Chánh niệm là nền tảng cho mọi điều thiện. Không chỉ thế, nó còn là yếu tố tiên quyết trên con đường tu tập của chúng ta. Nó tạo tác và duy trì tâm trí ta. Nó cân bằng mọi yếu tố khác trên con đường đạo.
Hãy tận dụng mọi ưu thế của cuộc sống. Hãy quán tưởng Pháp. Áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày của bạn. Cuộc sống là sinh và diệt, đến rồi đi, có và không. Hãy chánh niệm về điều đó.
Đó là cách chúng ta cần làm để bày tỏ lòng ngưỡng vọng đến Đức Phật.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(lược dịch theo How To Best Honour the Buddha, Venerable Dhammasami, 1997)
Năm Mới
Sokei Shigetsu Sasaki
Ngài Sokei Shigetsu Sakaki, một trong những thiền sư Nhật Bản đã đến Mỹ hoằng pháp rất sớm, và đã cống hiến cả cuộc đời mình để giới thiệu Thiền đốn ngộ (Sudden Awakening Zen) cho người Mỹ. Thiền sư bắt đầu thuyết giảng ở Manhattan từ những năm 1930.
Lúc ấy hẳn là Thiền sư Sokei cũng không chắc rằng những lời Ngài dạy có được ai nhớ đến không, nói chi đến việc sau này chúng được in thành sách. Mang Thiền đến với nước Mỹ, Thiền sư Sokei nói, là một việc làm mông lung giống như cắm một cánh hoa sen vào vách đá, với hy vọng rằng nó sẽ cắm rể.
Thiền sư mất vào tháng 5 năm 1945.
Bài này trích trong The Zen Eye (Con Mắt Thiền) là tổng hợp các bài pháp thoại của Thiền sư.
***
Mỗi đầu năm, chúng ta luôn có cảm giác như mình được làm mới trở lại. Những người không có tín ngưỡng thường không cảm thấy sự bắt đầu làm mới lại cuộc đời là có ý nghĩa gì lắm. Nhưng người Phật tử chúng ta cảm thấy hạnh phúc vì đã hoàn thành công việc của năm cũ và sẽ bắt đầu công việc của năm mới. Chúng ta cảm thấy như mình phải bắt đầu cuộc đời mới lại từ gốc rễ. Giống như khi dọn dẹp nhà cửa. Ta phải dở chiếu, dở thảm lên, quét dọn bụi bặm từ dưới sàn nhà trở lên. Người không có tín tâm sẽ không thể hiểu được sự dọn mình này.
Khi chúng ta thực sự có tín tâm, ta sẽ nương tựa vào dharmakaya (body of dharma –Pháp thân), ta đặt nền tảng trên dharmakaya. Chúng ta không chấp thủ, không thành kiến đối với dharmakaya, và nương trú vào đó. Nương trú vào tâm thức hiện tiền. Dầu bạn có tin vào điều đó hay không, nó vẫn thực sự hiện hữu, vì thế ta cũng nương trú trong giây phút hiện tại. Chúng ta có được một giáo lý mang đến cho ta một nền tảng vững chải, chân chánh. Không nương theo giáo lý của Đức Phật, cuộc sống của ta sẽ mất bao ý nghĩa.
Tôi biết một diễn viên –anh ta là bạn tôi. Khi đã trở thành một Phật tử, thì trước khi lên sân khấu, anh đều trì chú. Cách hành xử của anh hoàn toàn đổi khác. Đó là tín ngưỡng. Chỉ đến nơi thờ tự, quỳ lạy, đọc tụng “Ôi, Thượng đế ở trên trời”, và cầu mong được ban phước lành thì đó không phải là tín ngưỡng chân chánh. Trong mỗi giây phút sống, dầu bạn làm gì, bạn cũng mang trong lòng niềm tin, chân lý vô bờ này. Lúc đó bạn mới có thể chú tâm vào công việc mình làm, trong từng phút giây.
Đến bữa ăn, tại sao bạn phải trang trọng trải khăn bàn, và dọn thức ăn trong những chén sứ dĩa bạc khác nhau? Có thể bạn không nghĩ đến, nhưng đó cũng là tín ngưỡng. Tín ngưỡng ở trong tâm bạn, và bạn trở thành một người thuần tịnh, nhất tâm.
Chuyện rằng có một người đốn cũi đi vào rừng, gặp một chú sói con, ông mang về nhà và nuôi dưỡng nó. Sói con đi theo người tiều phu như một chú chó con. Một ngày kia, nó theo ông vào rừng, và ông lỡ tay giết nó. Vì ông đang đốn cây, sói con đi ngang qua, cây đổ trên người nó, đè chết nó. Người tiều phu cảm thấy ân hận, nhưng bỏ xác sói lại đó và đi về nhà. Sói mẹ đã tìm thấy xác con. Rồi từ trong rừng, đổ ra một bầy sói hung dữ vào làng để trả thù dân làng. Đàn sói vào làng, ăn thịt trẻ con, giết hại gia súc.
Dân làng đi cầu cứu với một vị thiền sư. Thiền sư bảo: “Ta sẽ đi gặp bầy sói, ngăn cản chúng vào làng, gây bao tai hại cho dân làng”. Đêm đó, vị thiền sư chờ đợi bầy sói trên đường chúng thường đi ngang qua. Ngài thiền tọa ngay tại đó. Bầy sói đến -một, hai, ba, bốn con. Chúng vây quanh thiền sư, gầm gừ. Bất thình lình một con phóng qua người thiền sư. Dân làng tin rằng khi một con sói phóng lên đầu ai, nó phóng uế vào mắt nạn nhân để người đó không còn nhìn thấy gì. Lúc đó cả bầy sẽ lao vào tấn công nạn nhân. Vị thiền sư không hề lay động, không sợ hãi, vẫn lắng sâu trong thiền định, như một cây cổ thụ trụ vững chải trên mặt đất, trong thiên nhiên vô tri giác, không bao giờ biết sợ. Thất bại, bầy sói bỏ đi và không bao giờ trở lại làng nữa.
Những câu chuyện như thế thường là giả tưởng, nhưng rất phổ thông trong dân gian Nhật Bản và Trung Hoa. Họ thường có những câu chuyện kể về các vị thiền sư bị sói lang bao vây, nhưng không thể làm hại họ. Làm sao vị hành giả có thể giữ được bình tĩnh trong những hoàn cảnh như thế. Họ đã đạt đến mức độ mà tâm thức họ dường như là tâm vô tri giác của thiên nhiên. Ngày nay chúng ta không làm được như thế. Chúng ta không làm được vì sự chú tâm của ta liên quan đến những vấn đề hoàn toàn khác với các vị thiền sư thời cổ xưa. Tâm thức của các vị thiền sư dường như đồng bản thể với tâm thức của thiên nhiên, vạn vật. Tâm họ không có gì ngoài thiền định. Ngược lại, tâm của chúng ta thì lại lo nghĩ đến những vấn đề của nền văn minh hiện đại. Nền văn minh ngày nay khác với những ngày đó. Chúng ta không thể làm được những gì mà các vị thầy thời xa xưa đã làm, mà chúng ta cũng không muốn thể nghiệm chúng. Chúng ta có quan điểm riêng của mình và không muốn làm theo ai. Nhưng chúng ta cần phải có một nền tảng -đó là tâm thức.
Nếu có ai hỏi tôi “Tín ngưỡng của ông là gì?” Tôi sẽ trả lời rằng: “Cuộc sống hằng ngày là tín ngưỡng của tôi”. Chúng ta không cần phải kêu gọi “Ôi, Thượng đế!” hay bất cứ danh xưng gì. Chúng ta chỉ cần chấp tay lại và định tâm. Đó là tín ngưỡng. (. . . )
Thành phố New York là một kiến trúc của tâm, một biểu hiện của tâm. Nếu bạn về vùng quê, thì đó là thiên nhiên, nhưng thành phố New York không là gì cả, ngoại trừ tư duy. Quán sát thành phố New York dưới cái nhìn đó cũng khá thú vị. Tôi thích thành phố New York hơn đồng quê vì New York phản ảnh tâm thức nhân loại (human mind), trong khi đồng quê chỉ là thiên nhiên (nature mind). Thành phố là tướng tâm nhân loại, còn đồng quê là tướng tâm thiên nhiên
Bước đầu của việc luyện tâm là dừng tâm loạn động, sau đó là giải phóng, buông thả nó. Trước hết là dừng sự chuyển động của tâm, rồi quán sát sự chuyển động đó. Ta có thể nói ngắn gọn về thiền như thế. Suy cho cùng, không có gì trong Phật giáo ngoại trừ việc tu tập để dừng sự chuyển động của tâm lại, và quán sát sự chuyển động của tâm. Và phải thực hành sự quán sát đó trong từng giây phút.
Được thế rồi thì khi bạn giao tiếp với người, khi ăn uống, hay khi bạn làm bất cứ điều gì cũng với tâm chánh niệm. Không có gì trong Phật giáo ngoại trừ để tìm ra bí mật của sự chuyển động tự nhiên của tâm thức. Đó không phải là triết học như ở phương Tây, sự huyền bí của phương Đông chỉ là thiền. Người Tây phương nghĩ rằng việc quán sát từng chi tiết nhỏ của tâm, trong từng phút giây, thật là vô ích. Nhưng khi bạn đã tập luyện quán sát bằng cách đó trong hai, ba năm, bạn sẽ thấy là tâm bạn giống như một khu vườn đẹp đẻ, được chăm sóc kỹ lưỡng. Vì thế, hãy quán sát nó đêm ngày. Rồi thì, không chỉ là bạn sẽ cảm nhận được chính tâm thức của mình mà bạn còn có thể cảm nhận được tâm thức của người khác nữa. Sau khi mọi công án đã được giải, bạn sẽ tập quán sát chính tâm mình và tâm của người. Bạn tập hướng dẫn nó và biết điều gì đang xảy ra trong đó. Tất cả các vị thiền sư xưa kia khi không có công án nào để nghiền ngẫm, đã thực hành như thế. Tất cả những quyền lực siêu nhiên có thể giúp ta đọc được tâm người khác cũng là do công phu tu tập như thế.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược dịch theo New Year’s, The Zen Eye, NXB Weatherhill, NY 1994)
Hãy Nhìn Phiền Não Bằng Con Mắt Khác
Lama Zopa Rinpoche
Lama Zopa Rinpoche sinh năm 1946 ở Thami, trong vùng núi Everest của Nepal, không hẳn xa nơi hang Lawudo, là nơi mà bậc tiền bối của Ngài, Lama Thubten Yeshe, đã thiền định trong suốt 20 năm cuối đời. Lama Zopa Rinpoche là vị lãnh đạo tâm linh của Tổ Chức Bảo Tồn Truyến Thống Đại Thừa (Foundation for the Preservation of the Mahayana Tradition) và coi sóc mọi hoạt động nơi đó.
Lama Zopa Rinpoche là một vị thầy khả kính đã dạy về con đường giải thoát cho hàng ngàn người, và hang trăm đệ tử của ngài đã trở thành tu sĩ.
“Mỗi ngày hãy tu tập hạnh Bồ tát. Người đời không thể nhìn thấy được tâm bạn, cái họ có thể thấy được là sự thể hiện của hành động và lời nói nơi thân bạn. Hãy canh giữ chúng như thể bạn là người gác cửa, người bảo vệ, hay như thể bạn là cha mẹ chăm sóc cho con, hoặc là người thầy và tâm bạn chính là đệ tử của mình”.
Lama Zopa Rinpoche
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta khó tránh khỏi những hoàn cảnh trái ý nghịch lòng, khiến ta phải khổ đau, phiền não. Đó là vì tâm yếu đuối của chúng ta không thể xem chướng ngại như cơ hội để ta rèn giới hạnh, đón nhận phiền não như là nhân của quả hạnh phúc. Nếu không thể chấp nhận cách suy nghĩ này, ta không thể luyện tâm có được cái nhìn như thế.
Thay vì xem những điều không như ý do chúng sanh hữu hình hay vô hình mang đến cho ta là phiền não, ta cần huân tập thói quen xem chúng là cơ hội để tu tập của ta, là nhân đưa đến hạnh phúc. Muốn đưọc thế, bưóc đầu ta tập chấp nhận những việc trái ý nhỏ, rồi dần dần khi đã quen, ta sẽ có thể đón nhận những thất vọng, phiền não lớn hơn, không để chúng làm tâm ta xao động. Lúc đó ta sẽ hoan hỉ đón nhận chướng ngại, mà không theo thói thường tình là tìm đủ mọi cách để trốn tránh chúng.
Thực tập chuyển hóa tâm như thế không phải là để phiền não, khổ đau không xảy đến cho ta nữa, mà là để ta có thể dùng phiền não, khổ đau phát triển tâm trên con đường đi đến giác ngộ. Không phải là ta không còn kẻ thù, không còn bịnh hoạn, mà là ta không còn để chúng làm tâm ta bị phiền não. Ta không để chúng làm cản trở công việc tu hành của ta. Hơn thế nữa chúng còn giúp ta phát triển tâm, để ta càng gắng công tu hành hơn.
Phiền não, khổ đau làm thế nào giúp đưọc cho việc tu hành của ta? Muốn đưọc thế, ta cần phải luyện tâm bằng hai phương cách. Trước hết, ta cần phải bỏ thái độ chống đối, tránh né phiền não, khổ đau, thứ đến ta cần phải luyện tâm chấp nhận mọi phiền não, khổ đau bằng thái độ an nhiên, tự tại. Khi thực hành thành công, có nghĩa là khi ta thực sự cảm thấy an lạc, chứ không phải khổ sở khi đối mặt với phiền não, thì lúc đó phiền não không còn là chướng ngại trên đường tiến tới giác ngộ.
Tai Hại Của Tâm Tiêu Cực:
Tất cả chúng ta đều có thể bị quấy rầy bởi những chúng sanh quanh ta. Khi tâm còn có thói quen chỉ nhìn thấy khía cạnh phiền não của mọi vấn đề, ta càng thấy hình như những hoàn cảnh không thuận lợi thưòng xảy đến cho ta. Ta gặp những người chống đối ta nhiều hơn. Nếu chỉ những việc nhỏ nhặt, không quan trọng cũng có thể khiến tâm đau khổ, ta sẽ trở nên một người dễ cáu gắt. Nguyên nhân chính của vấn đề là tâm cùng cực ích kỷ của ta.
Khi chúng ta nhìn mọi thứ như đều có vấn đề, thì việc nhỏ mọn như phải ăn đồ nguội lạnh cũng khiến tâm ta bất ổn. Cách ăn mặc, vẻ dáng của người khác nếu không hợp mắt ta, cũng khiến ta bực bội, khó chịu. Tiếng ồn trong đêm khuya đánh thức ta dậy cũng khiến ta nổi giận. Để rồi suốt ngày hôm sau, người chung quanh phải nghe ta ca cẩm: "Đêm hôm qua tôi không thể ngủ được vì thứ này, thứ kia". Chỉ ngủ không đủ giấc cũng đã là một vấn đề, một phiền não không thể tưởng được.
Bản tánh của tâm là thường suy nghĩ theo thói quen. Khi ta có thói quen xem tất cả mọi việc gì không theo đúng ý mình là có vấn đề, thì việc nhỏ cũng thành vấn đề lớn. Tâm ta do đó luôn cảm thấy nặng nề, đau khổ. Khiến ta không thể chịu đựng được gì. Tất cả mọi người, mọi việc đều trở thành kẻ thù, chướng ngại cho ta. Tất cả những gì ta nghe, thấy, ngửi, sờ, nghĩ đều khiến ta bực bội. Cuộc đời ta dần dần sẽ đầy những khổ đau, chán nản, nghi ngờ, đưa đến sụp đổ tinh thần. Ta sẽ khó có thể được hạnh phúc dầu chỉ một ngày, hay một giờ.
Tuy nhiên vì không biết tất cả là do lỗi của ta, do thói quen suy nghĩ của tâm, ta quay qua đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh bên ngoài. Và càng nghĩ là tại lỗi của người khác, ta càng thấy thêm tức giận, khổ đau. Giống như đổ dầu thêm vào ngọn lửa đang cháy. Các bậc thánh thì trái lại, đều coi mọi người là bạn, bất cứ việc gì xảy đến, họ đều chấp nhận đưọc. Tất cả đều là duyên lành, tất cả đều là không.
Hãy Chuyển Hóa Tâm:
Khi bạn gặp chướng ngại gì, đừng quên xét đến những khía cạnh tích cực của chúng, và hãy nhớ thực hành từ bi hỉ xả, thì mọi việc đều trở nên dễ chấp nhận hơn. Lúc đó, chướng ngại không còn làm bạn đau khổ nữa.
Dầu bạn có bao nhiêu vấn đề, cũng không cần phải để chúng bận tâm bạn. Khi phải đối mặt với những việc không như ý, điều quan trọng là hãy nghĩ đến những khổ đau, bực bội bạn phải gánh chịu, nếu như bạn có thái độ không chấp nhận chúng.
Nên nhớ, có những hoàn cảnh ta có thể sửa đổi, nhưng cũng có những cảnh ngộ, ta phải chấp nhận chứ không thể làm gì khác hơn. Thí dụ, dầu bạn có ước ao thế nào căn nhà của bạn cũng không thể biến thành vàng. Mặt đất không thể thành mặt trời hay ngược lại. Vậy tại sao phải để chúng làm ta bực bội, tức giận?
Dầu cho việc gì xảy ra, hãy tự nhủ: "Đây là một cơ hội cho ta tu tập". Ngay đối với các tai nạn như bị rắn cắn, dầu vết thương có bị mổ sẻ, ta cũng cần nhớ là ta đã may mắn được cứu sống.
Hãy suy gẫm về những kinh nghiệm sống của ta, về những gì mà ta coi là vấn đề và hậu quả của cách suy nghĩ đó. Dựa vào đó, hãy lập quyết tâm rằng: "Từ bây giờ, dù gặp hoàn cảnh gì, tôi cũng không để tâm phải phiền não vì chúng. Tôi sẽ tiếp nhận mọi chướng ngại với một thái độ tích cực hơn". Thái độ cứng rắn, quyết tâm như thế rất cần cho ta.
Quyết tâm đó sẽ thúc đẩy ta tinh tấn luyện tâm như người nài kiên nhẫn tập luyện con ngựa của mình. Dầu gặp chướng ngại, lúc nào người nài cũng cố gắng làm chủ con ngựa, để không bị té ngã, ảnh hưởng đến mạng sống của mình. Người nài có thể làm được điều đó, do cơ thể anh đã trở nên thuần thục với mọi động tác của ngựa. Cũng thế, khi gặp chướng ngại hay hoàn cảnh khó khăn, ta phải nhanh chóng chấp nhận chúng một cách an nhiên, không để chúng xáo động tâm ta. Thái độ chấp nhận chướng ngại cần phải an nhiên như thể ta đón nhận món quà, hay thửơng thức âm nhạc. Làm được như thế thì lúc nào ta cũng hạnh phúc dù ta bị phê bình, sống trong nghèo khó, thất bại, bịnh hoạn hay cận kề cái chết. Không có gì có thể làm tâm ta xáo động. Ta sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc. Không cần một cố gắng nào, ta sẽ tự nhiên nhận thấy được những lợi ích của các chướng ngại. Và càng thấy được sự lợi ích của chúng, ta càng không ngại ngần khi đối mặt với chúng.
Xem Chướng Ngại Như Niềm Vui:
Điều quan trọng là bạn cần phải chuẩn bị chu đáo trước khi có thể thực sự thực hiện đưọc những điều trên. Có sự luyện tập nhuần nhuyễn thì khi rơi vào nghịch cảnh, ta mới có thể dể dàng áp dụng phương thức chuyển tâm quen thuộc.
Để có thể chuyển phiền não thành an vui, không thể chỉ có thái độ xem phiền não là cách giúp ta tu tập. Như thế vẫn chưa đủ, ta còn cần phải xem phiền não như là một điều kiện tất yếu giúp ta thực hành các đạo hạnh.
Hãy chấm dứt ý nghĩ ghét bỏ các phiền não. Hãy nuôi dưỡng tâm rộng mở đón nhận chúng sẽ giúp tâm được an vui. Bằng cách đó, ta có thể tiếp tục tu tập mà không cảm thấy chán nản, lo âu. Cứ tiếp tục luyện tâm như thế, ta sẽ có thể chuyển đồi tâm ta thành an nhiên tự tại.
Nhờ thế dù ta gặp phải hòan cảnh nào, tâm ta vẫn an nhiên. Có nghĩa là ta dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh của mình hơn. Đó là cách giúp ta đối mặt với bịnh tật và những vấn đề khác trong cuộc sống.
Tóm lại, hãy luyện tâm để ta có thể nhìn thấy mặt tích cực của mọi vấn đề. Một hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, tùy thuộc vào cách nhìn, cách phán đoán sự việc của ta. Hạnh phúc hay khổ đau, tất cả tùy thuộc vào cách nhìn, vào thái độ của ta.
Diệu Liên-Lý Thu Linh
(Trích dịch theo Transforming Problems into Happiness)
Chế Ngự Căng Thẳng
Lily de Silva, Ph.D
Lily de Silva theo học tại đại học Ceylon, Peradeniya, tại đó bà đã nhận được bằng Cử Nhân hạng Danh dự Tối ưu (First Class Honor), giải thưởng Woodward về tiếng Pali và bằng Tiến sĩ vào năm 1967. Bà đã nhiều năm dạy học tại đó và nhận chức Khoa Trưởng Ban Pali và chương trình Phật Học cho đến khi nghỉ hưu năm 1994. Tiến sĩ de Silva cũng là người biên tập Digha Nikaya Atthakatha Tika (Bộ Yếu giảng của Trường Bộ Kinh), được Hội Ngữ Văn Pali (Pali Text Society) xuất bản thành ba bộ, và bà cũng là người thường xuyên viết bài cho các tờ tập san nghiên cứu Phật giáo nổi tiếng.
***
Căng thẳng (Stress) là một từ trong môn khoa học kỹ thuật được khoa tâm lý học và y học chấp nhận. Nó được giải nghĩa một cách đơn giản. Căng thẳng trong khoa kỹ thuật có nghĩa là áp lực trên một khu vực. Cũng tương tự như trong thời hiện đại này chúng ta gặp vô số áp lực, và chúng ta thấy rằng rất khó để đối diện với những sức ép này , căng thẳng được gọi là “căn bịnh của nền văn minh”.
Phillip Zimbardo trong quyển sách Tâm Lý Chủ Yếu Và Đời Sống (Essentials Of Psychology & Life), vạch ra bốn phạm trù có liên quan với nhau, mà tại thời điểm đó chúng ta phản ứng lại với áp lực xảy ra nơi môi trường xung quanh chúng ta. Bốn phạm trù đó là: Cảm xúc, hành vi, sinh lý, và nhận thức. Những phản ứng của cảm xúc đối với căng thẳng là buồn bã, chán chường, tức giận, khó chịu, và thất vọng. Những hành vi phản ứng là thiếu sự tập trung, hay quên, quan hệ cá nhân sai lạc, và năng suất làm việc kém. Những phản ứng sinh lý bao gồm thân căng thẳng, có thể dẫn đến nhức đầu, đau lưng, loét dạ dày, huyết áp cao, kể cả những căn bịnh chết người. Đối với nhận thức, căng thẳng có thể khiến ta đánh mất lòng tự trọng và hy vọng. Tệ hơn người đó có thể tự tử.
Để hiểu được sự căng thẳng, chúng ta hãy xem xét các yếu tố môi trường khác nhau mà ở đó nó gây ra áp lực cho con người hiện đại. Trong thời đại nguyên tử, ngay cả sự sinh tồn của các loài cũng đang bị đe dọa. Chiến tranh hạt nhân đe dọa tất cả nhân loại trên địa cầu, không phân biệt người đó sống ở đất nước có vũ khí hạt nhân hay không.
Sự bùng nổ dân số đe dọa con người cùng với sự thiếu thốn thực phẩm trầm trọng; ngay hiện tại một phần lớn dân số nhân loại đang thiếu ăn hay đang bị chết đói, suy dinh dưỡng. Ô nhiễm môi trường gây ra nguy cơ cho sức khỏe và bịnh tâm thần, chậm phát triển. Nhiều người có tay nghề cao vẫn bị thất nghiệp là một vấn nạn toàn cầu đang gia tăng.
Nhịp sống bắt đầu rối loạn, con người chỉ gấp rút hoàn thành nhiệm vụ nầy đến nhiệm vụ khác mà chẳng có bất cứ thời gian nghỉ ngơi nào. Điều này thực là mâu thuẫn trong thời đại các thiết bị tiết kiệm sự lao động sẵn có, miễn phí và được sử dụng đến một mức độ chưa từng có. Sự cạnh tranh về giáo dục và những cơ hội việc làm thực quá nghiêm trọng, và nó đã phần nào đóng góp vào sự gia tăng tỷ lệ của việc tự tử. Sự hưởng thụ những khoái lạc giác quan đã tăng trưởng đến mức độ mê luyến và nó trở nên giống như uống nước biển để giải khát. Sự kích thích liên tục các giác quan hiện nay được xem như một nhu cầu, và như vậy máy phát thanh bỏ túi với tai nghe (earphones), kẹo cao su và mỹ phẩm được bày bán khắp mọi nơi. Sự kích thích các giác quan tiếp tục phát triển không chút dừng lại, nhưng sự thỏa mãn thì còn xa mới đạt được. Hèn gì con người bị kẹt cứng nơi đây, bị rối loạn và thất vọng một cách khủng khiếp, và cuộc sống con người trở nên căng thẳng một cách không chịu nổi. Đây là trường hợp mà Phật giáo miêu tả như “rối loạn bên trong và rối loạn bên ngoài, con người bị vướng mắc vào những rối loạn.”
Trong khi những nhận xét trên được thành lập từ quan điểm của các nhà nghiên cứu, trong điều kiện hiện đại, Phật giáo cũng có những nhận xét tương tự từ quan điểm tâm lý. Con người kinh nghiệm căng thẳng và đau khổ bởi vì năm trạng thái tâm lý bao bọc toàn thể cá tính của con người. Các trạng thái này được gọi là _“nivarana”, trong tiếng Pali có nghĩa là chướng ngại. Chúng ngăn chận hạnh phúc và che mờ tầm nhìn về bản thân của con người với môi trường xung quanh, và sự tương tác giữa hai bên. Những chướng ngại này càng dầy, càng mờ đục, thì con người phải trải nghiệm nhiều đau khổ và căng thẳng hơn. Ngược lại nệ các chướng ngại này mỏng và rải rác hơn, thì con người sẽ ít khổ hơn và hạnh phúc tương ứng gia tăng. Năm chướng ngại này là sự khao khát thú vui nhục dục (tham), sự tức giận (sân), lười biếng (si), âu lo (mạn) và nghi ngờ (nghi). Kinh điển Pali minh họa ảnh hưởng của các chướng ngại này bằng năm ví dụ có tính cách hùng biện. Tâm thức bị chế phục bởi ham muốn thú vui nhục dục được so sánh với nước có màu ngăn chận việc phản ảnh trung thực của sự vật trong nước. Như vậy, con người bị mê luyến với ham muốn thú vui nhục dục không thể nhận thức rõ ràng về bản thân hoặc người khác hoặc môi trường xung quanh. Tâm thức bị đè nén bởi sự phẫn nộ được so sánh với nước đang sôi, không thể nào nhìn thấy được phản ảnh chính xác. Con người bị sự phẫn nộ áp chế không thể nào phân biệt được sự việc một cách chính đáng. Khi tâm thức bị kiềm kẹp trong sự lười biếng, nó giống như nước bị rêu bao phủ: ánh sáng không thể nào chạm đến nước và không thể phản ảnh. Người lười biếng không có bất cứ sự cố gắng nào để hiểu biết đúng đắn. Khi lo âu, tâm thức giống như lốc nước, cũng không thể nào có được sự phản ảnh chính xác. Người âu lo luôn luôn bất an, không có khả năng đánh giá đúng đắn một vấn đề. Khi tâm thức ở trong trạng thái nghi ngờ được so sánh với nước bùn đặt trong bóng tối không thể phản ảnh. Do đó, tất cả năm chướng ngại tước đoạt tâm thức khỏi sự hiểu biết và hạnh phúc và gây ra nhiều căng thẳng, khổ đau.
Phật giáo đề xuất một kế hoạch hành động có phương pháp cho việc dần dần loại bỏ căng thẳng và gia tăng hạnh phúc và hiểu biết. Trong bản kế hoạch này bước đầu tiên được kiến nghị là Gìn giữ Ngũ Giới bao gồm tránh việc sát hại, trộm cắp, gian dâm, nói láo và uống rượu, hay sử dụng các chất kích thích. Sự căng thẳng tăng lên bởi cảm giác tội lỗi, và ngũ giới giúp cho con người giải thoát ý thức khỏi cảm giác tội lỗi. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) nói rằng người làm việc xấu ác, đau khổ đời này và ở những đời sau; mặt khác, người làm những việc thiện hạnh phúc đời này và ở những đời sau.
Phật giáo tin tưởng một cách vững chãi rằng việc xấu ác gia tăng sự căng thẳng trong khi đó việc thiện lành gia tăng hạnh phúc. Bên cạnh việc giữ gìn ngũ giới suốt cuộc sống, Phật giáo khuyến khích các Phật tử tham gia định kỳ vào Bát Quan Trai. Các giới luật được bổ sung thử thách, huấn luyện con người hướng đến một cuộc sống đơn giản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hơn là thỏa mãn lòng tham của mình. Theo Phật giáo, một cách sống cần kiệm, có ít nhu cầu và dễ dàng hài lòng được nhiệt liệt khen ngợi.
Bước kế tiếp trong quá trình luyện tập là điều phục các giác quan. Khi các giác quan không được điều phục, chúng ta trải nghiệm sự căng thẳng trầm trọng. Đầu tiên chúng ta phải hiểu các giác quan bị điều phục có nghĩa gì. Khi con người với đôi mắt nhìn thấy một hình dạng đẹp, con người liền bị vật đẹp ấy hấp dẫn; khi thấy một vật khó chịu, liền sanh lòng ghét bỏ. Tương tự như vậy, với các giác quan khác. Do đó nếu con người không điều phục được các giác quan của mình, liên tục bị hấp dẫn hay bị khó chịu bởi các đối tượng của giác quan, cũng như trong cuộc sống khi chúng ta thức, các dữ liệu của giác quan liên tục tác động đến chúng ta. Khi bị lôi kéo vào những định hướng khác nhau bởi sự kích thích của các giác quan, chúng ta trở nên rối loạn và đau khổ.
Các giác quan của chúng ta có những lĩnh vực hoạt động và đối tượng khác nhau, và mỗi giác quan là chúa tể trong lĩnh vực riêng nó, và chúng có thể thống trị con người một cách tập thể và nghiêm khắc. Nếu ta cho phép các giác quan thống trị mình, ta sẽ bị rối loạn kinh khủng. Nếu chúng ta khẳng định bản thân và điều khiển các giác quan, chúng ta có thể có được niềm vui thuần khiết (avyasekasukha), được gọi như vậy bởi vì niềm vui nầy không bị ô nhiễm. Trong khi dục vọng gia tăng căng thẳng, niềm vui tâm linh làm giảm đi sự căng thẳng và gia tăng tinh thần an lạc.
Bước thứ ba trong việc khống chế căng thẳng là sự nuôi dưỡng tinh thần lành mạnh qua việc hành thiền (bhavana). Như chúng ta chăm sóc và nuôi dưỡng cơ thể với thực phẩm thích hợp và sự thanh khiết, tâm thức cũng cần sự nuôi dưỡng thích hợp và thanh tịnh. Tâm thức bất an nhất khi nó ở trạng thái chưa thuần phục, nhưng một khi nó đã được huấn luyện và trở nên vững chãi hơn, nó sẽ mang lại hạnh phúc to tát. Phật giáo quy định hai phương thức thiền căn bản cho việc thuần phục tâm thức được gọi là thiền định và thiền minh sát (samatha và vipassana), sự tĩnh lặng và sự thấu hiểu sâu sắc. Thiền định là phương thức tịnh hóa tâm thức bất an, trong khi thiền minh sát là phương thức để hiểu rõ bản chất chân thật của các hiện tượng nơi thân và tâm. Cả hai phương thức đều hữu ích rất nhiều cho việc khắc phục căng thẳng. Kinh Sa Môn Quả (Samaññaphala Sutta) giảng giải bằng năm sự so sánh thích hợp như thiền định làm giảm sự căng thẳng được gây ra bởi năm chướng ngại. Người thực tập thiền định sỡ hữu được cảm giác nhẹ nhàng và đây là cảm giác gánh nặng được bỏ xuống như một minh họa cho sự so sánh. Năm so sánh đó như sau: Một người gom tiền để kinh doanh bằng cách mượn nợ, việc kinh doanh phát đạt, họ trả hết nợ và ngày ngày quản lý dễ dàng tài chính kinh doanh của mình. Người như vậy trải nghiệm qua cảm giác nhẹ nhàng. Sự so sánh thứ hai miêu tả một người đau khổ rất nhiều với căn bịnh mãn tính. Sau cùng anh ta bình phục, thức ăn trở nên ngon hơn và anh ta lấy lại sức khỏe. Người này trải nghiệm qua cảm giác nhẹ nhàng. Sự so sánh thứ ba nói về cảm giác nhẹ nhàng mà một tù nhân hưởng sau khi mãn hạn tù. Sự so sánh thứ tư là như người nô lệ được giải thoát khỏi chế độ nô lệ. Sự so sánh thứ năm nói về một người giàu có bị lạc trong sa mạc đáng sợ không có thức ăn. Khi đến được nơi an toàn, ông ta trải nghiệm được cảm giác nhẹ nhàng. Khi năm chướng ngại gây ra căng thẳng bị tiêu trừ khỏi tâm thức, niềm vui to tát và sự hân hoan xuất hiện tương tự như cảm giác nhẹ nhàng đã được miêu tả trong các so sánh. Phương thức tốt nhất và hữu hiệu nhất để khắc phục căng thẳng là thiền định hoặc nuôi dưỡng tâm thức. Nhưng ít nhất ở khúc dạo đầu phải là việc giữ giới.
Việc nuôi dưỡng các cảm giác tích cực như từ ái (metta), bi ái (karuna), hỷ lạc (mudita) và buông xả (upekka) là một cách để chinh phục căng thẳng. Các mối quan hệ cá nhân là một trong những nguyên nhân thường gây ra căng thẳng trong cuộc sống gia đình và nơi công sở. Từ ái là thái độ lành mạnh tích cực mà con người có thể nuôi dưỡng với lợi ích cho bản thân và những người khác trong các mối quan hệ cá nhân. Bi ái là cảm xúc mà con người có thể quan sát và giúp đỡ những người khốn khổ. Hỷ lạc là khả năng vui cùng với niềm vui của người khác. Đây là việc làm khó khăn cho một người có cá tính xấu, vì niềm vui của người khác chỉ mang lại sự ganh tỵ cho người này. Nơi nào có sự ganh tỵ thì nơi đó chẳng có sự đồng lòng, và nơi nào chẳng có sự đồng lồng nơi đó chẳng có tiến bộ. Việc nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực này đại diện cho hai sự tiến bộ về vật chất và tâm linh.
Sự trầm tĩnh là thái độ cần được chấp nhận khi đối diện với những thăng trầm trong cuộc sống. Có tám cách thức tự nhiên của thế giới mà chúng ta phải đối diện trong đời. Đó là được và mất, hữu danh và vô danh, lời khen và tiếng chê, hạnh phúc và đau khổ. Nếu con người luyện tập bản thân để gìn giữ cá tính trầm tĩnh mà không cần phấn khởi hoặc phiền muộn khi đối diện với những thăng trầm trong cuộc sống, con người có thể tránh được căng thẳng và có cuộc sống đơn giản an lành và hạnh phúc. Chúng ta không thể thay đổi thế giới để nó mang lại hạnh phúc cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi thái độ của chúng ta đối với thế giới, như vậy chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng phát sinh do các hoàn cảnh xảy ra xung quanh chúng ta. Phật giáo giúp cho chúng ta các phương thức để mang lại sự thay đổi tốt đẹp cho các hành vi của chúng ta.
Diệu Ngộ-Mỹ Thanh
(Trích dịch từ One Foot In The World: Buddhist Approaches to Present-day Problems – Bước Chân Vào Đời: Phương cách Giải quyết Những Vấn đề Hiện đại theo Phật giáo, NXB Phật giáo BPS Wheel Publication Số 337 /338)
Nghi: Cánh Cửa Dẫn Đến Trí Tuệ
Sri Krisna Prem
Krisna Prem hay Krishnaprem (1898-1965), sinh ra ở Luân Đôn, với tên Ronald Henry Nixon, là người khao khát khám phá tâm linh. Ông sang Ấn Độ vào đầu thế kỷ 20. Ông cùng với vị thầy tâm linh của mình, Yashoda Ma, xây dựng một nơi tu tập tại Mirtola, gần Almore, Ấn Độ. Ông là một trong những người Tây phương tu theo Ấn Độ giáo. Ông rất được tôn kính và có nhiều đệ tử người Ấn.
***
Thường người ta có thái độ rất sai lầm về tâm nghi. Thay vì coi Nghi như con đường dẫn đến trí tuệ, họ coi đó là sai lầm, là điều không bao giờ nên xảy ra. Tâm nghi là cánh cửa trí tuệ, là lý do tại sao khoa học dựa trên nghi vấn và thí nghiệm đã rất tiến bộ, trong khi tôn giáo, dựa vào lòng tin mù quáng vào các kinh điển đã được viết ra hằng trăm hay ngàn năm trước, đã dần dần đánh mất lòng tin của con người. Tất cả những trí tuệ ta có được là kết quả của lòng nghi ngờ của ai đó đối với một vấn đề gì đó, trong khi đa số lại không hề nghi ngờ gì. Điều đó đúng cho cả trong lãnh vực tôn giáo tín ngưỡng cũng như khoa học.
Hiện nay tôn giáo là gì? Phần lớn tôn giáo bao gồm việc chấp nhận một cách mù quáng vào những tín ngưỡng đã được dạy bởi các bậc tiền bối, trưởng lão. Người ta tsuy nghĩhường nói: "Tôn giáo tôi nói điều này, điều nọ; giáo hội dạy thế này, thế kia; kinh điển phán thế kia, thế khác". Không kể tôn giáo nói gì, giáo hội truyền chi, kinh điển dạy chi! Điều quan trọng duy nhất là sự thật; mà sự thật chỉ có thể đạt được khi người ta bỏ ngoài tai những điều giáo hội hay kinh điển nói, và chỉ tìm kiếm sự thật không mỏi mệt, không sợ hãi, bằng tất cả tâm hồn, cho đến khi ta có thể giác ngộ được sự thật.
Không kể trên con đường tìm kiếm ta đã phải đánh mất bao niềm tin, tan vỡ bao ảo vọng. Sự thật luôn vượt lên mọi vật, và những ai ngại bước trên con đường tụ do tìm kiếm sẽ chẳng bao giờ đạt đến Sự Thật. Như người lương thiện không sợ ai chất vấn hành tung của mình, người đi tìm sự thật, sẽ không ngại chất vấn những điều mình tin tưởng, vì người ấy biết rằng sự thật không bao giờ bị lay chuyển, trong khi những gì bị lay chuyển trước các nghi vấn đều không phải là sự thật, không có giá trị thật sự.
Tuy nhiên chớ lầm tâm nghi chân thật với thói quen vô ý thức thích tranh cãi chỉ để cho có chuyện tranh cãi, hay chỉ để phô trương sự hiểu biết của mình. Ngược lại cũng đừng nên để sự nghi ngờ đưa ta đến chỗ từ chối có một kết luận nào đó về các vấn đề căn bản không thể bàn cãi được. Thí dụ, việc con người không thể hiểu về nguồn gốc vũ trụ, không nên dẫn đến chỗ từ chối chấp nhận những gì khác có thể được chứng minh là sự thật, giống như nếu khả năng của một nhà khoa học không thể hiểu về tính cách căn bản của dòng điện, thì sự kiện đó không thể đưa đến việc ông từ chối chấp nhận rằng cái máy phát điện hoạt động.
Tâm nghi chân thật, trái lại, là những dấu hiệu khởi đầu của sự tiến bộ. Nếu một người học trò có lòng nghi vấn, thì người thầy giáo không nên coi đó là dấu hiệu của sự cứng đầu, mà nên khuyến khích em, vì đó là những dấu hiệu chứng tỏ em có sự suy nghĩ độc lập, và việc biết tự suy nghĩ là những bước đầu trên con đường tìm kiếm sự thật.
Đã có những bước khởi đầu, ta không nên dừng lại ở đó. Người ta không nên cứ mãi sống trong sự nghi ngờ, vì điều đó sẽ làm đầu óc ta yếu đuối, sẽ hủy diệt mọi hành động và sự tiến bộ. Một khi lòng nghi ngờ dấy lên, ta phải cố gắng tìm lời giải đáp cho đúng. Nhưng thường là người ta dập tắt nó bằng sự im lặng, xua đuổi nó ra khỏi tâm trí, hay ảo tưỏng rằng nó không hiện hữu. Tuy nhiên, hành động như thế là vô ích. Lòng nghi ngờ được chôn kín trong lòng ta, và ở trong tận chốn sâu thẳm đó, nó vẫn âm thầm hiện hữu, đầu độc tâm hồn của kẻ có lòng nghi hoặc, giống như một mụt nhọt ẩn náu trong thân thể. Rồi để làm bặt đi tiếng nói nghi ngờ trong trái tim mình, kẻ đầy lòng nghi hoặc đó lại lớn tiếng tuyên bố này nọ, càng ngày càng hăng say, và chính vì tự trong lòng họ chẳng có niềm tin vào các điều đó, họ lại kêu gọi người khác tin chúng, để có cảm giác rằng có rất nhiều người đứng về phiá mình. Do đó việc đè nén lòng nghi vấn là nguồn gốc của các mục đích tuyên truyền tôn giáo, và sự thật thường là chính những kẻ cố lôi kéo người khác nghe theo những suy nghĩ của mình, hay tôn giáo của mình, lại là người đầy lòng nghi hoặc ở bên trong. Đó là con đường của những kẻ cuồng tín và đạo đức giả, vì thế khi có lòng nghi vấn về điều gì, ta phải cố gằng tìm câu trả lời.
Bước thứ nhất là phải chắc chắn rằng mình đã hiểu đúng vấn đề, và để hiểu rõ vấn đề, ta cần phải lắng nghe những người có trình độ hay tham khảo sách báo nói về các đề tài ta thắc mắc, cũng rất cần thiết.
Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu, và nếu ta vẫn chưa tìm được câu trả lời, thì ta phải chuẩn bị để tự tìm lời giải đáp cho chính mình. Để làm được điều đó, ta cần phải có hai điều: tâm hoàn toàn chân thật và lòng kiên trì cố gắng không mệt mỏi. Chúng ta không nên để các thành kiến hay tham vọng làm ảnh hưởng đến cuộc tìm kiếm của mình. Chúng ta phải thẳng thắn đối mặt với mọi yếu tố, dữ liệu, không che giấu chúng với ý nghĩ rằng nếu ta ngoảnh mặt đi thì chúng sẽ biến mất.
Kế đến là sự nỗ lực. Sau khi đã hiểu rõ vấn đề là gì, ta phải dồn hết nỗ lực vào việc tìm kiếm lời giải đáp, giống như người đang đói sẽ dồn hết nỗ lực vào việc tìm kiếm thức ăn. Suốt ngày ta cần suy gẫm về vấn đề phải tìm lời giải đáp. Không chỉ trong lúc thiền quán, mà bất cứ lúc nào ta cũng phải quán tưởng, sau khi đã làm được như thế, ta cần phải định tâm để lời giải đáp có thể đến với ta. Khi đầu óc ta đã suy nghĩ rốt ráo, ta có thể chắc chắn rằng câu trả lời sẽ đến với ta; nếu không thì có lẽ chúng ta đã không suy gẫm đủ hay vấn đề đặt ra để tìm kiếm không rõ ràng. Không ích lợi gì khi ta cố gắng giải đáp một bài toán trong đó ta chưa hiểu hết mọi điều kiện, từ ngữ. Thí dụ, hỏi tại sao Thượng đế tạo dựng nên vũ trụ không lợi ích gì khi bạn còn chưa hiểu từ ngữ Thượng đế đối với bạn có ý nghĩa gì. Chỉ khi nào các khái niệm đã rõ ràng thì câu trả lời mới có thể đến với chúng ta.
Tuy nhiên, nếu bạn đã chắc chắn rằng mình biết điều mình muốn kiếm tìm, mà vẫn không tìm ra được lời giải đáp, thì bạn còn phải tiếp tục suy nghĩ, suy nghĩ mãi đến khi sự suy gẫm chín mùi. Rồi, một ngày, khi bạn định tâm, lời giải đáp sẽ hiện ra như tia chớp trong đầu hay như một giấc mơ trong lúc ngủ.
Nhưng cũng đừng vì những gì bạn đã thấy trong giấc mơ hay trong lúc thiền định, mà nghĩ rằng đó chính là sự thật, là điều Thượng đế đã tiết lộ cho bạn. Vì những giấc mơ và các ảnh hiện thường hoàn toàn sai lạc. Bạn phải suy gẫm về câu giải đáp cẩn thận, xem nó có làm thỏa mãn tâm trí bạn không. Nếu là không, bạn bắt đầu trở lại. Nếu là có, thì đúng là bạn đã tìm được lời giải đáp cho chính mình, nhưng không nên coi đó là sự thật cuối cùng. Rất có thể vì bạn chưa sẳn sàng để hiều sự thật vẹn toàn, nên bạn chỉ có thể có câu trã lời gần nhất với điều bạn hiểu. Vì thế với những hiểu biết vừa khám phá ra được, bạn phải luôn chuẩn bị để sửa đổi những gì trước đó bạn ngỡ là sự thật, giống như một nhà khoa học luôn sẳn sàng buông bỏ những lý thuyết trước đó của mình khi khám phá ra những điều mới lạ khác.
Do đó ta có thể thấy là con đường đi đến sự thật rất khó nhọc. Sai lầm này tiếp nối sai lầm khác có thể xảy ra, nhưng nếu bạn kiên trì không mệt mỏi, và không bao giờ buông bỏ hy vọng thì trước sau gì bạn cũng đạt được cái trí tuệ mà nếu đã biết, mọi thứ khác đều biết. Đó là con đường chắc chắn và an toàn duy nhất. Những con đường khác sẽ dẫn bạn vào những chiếc bẫy của lý thuyết hay lạc lỏng trong các khu rừng ảo tưởng. Ý kiến bạn có thể nghe đó đây, nhưng nếu bạn cần sự thật, thì bạn phải dấn bước trên con đường đó thôi, mặc bao khó nhọc. Với hành trang là lòng chân thành cộng với nỗ lực, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Sự thật tiềm ẩn trong bạn. Chính bản thân bạn phải tìm kiếm và thể nghiệm. Rồi bạn sẽ khám phá ra sự thật trong chính bản thân mình.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển Ngữ theo Doubt: Doorway to Knowledge, Yoga International 2-3/98)
Năm Cách Sống Hạnh Phúc Hơn Theo Phật Giáo
Francesca Biller
Francesca Biller là một phóng viên thời sự. Các bài viết của cô đã được đăng trên báo chí, phát trên đài truyền thanh, truyền hình trải gần hai mươi năm nay. Là phóng viên, cô đã viết về những vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế, những vấn đề về phụ nữ, gia đình, truyền thông, văn hóa, trẻ em và những vấn đề thời sự khác. Cô đã nhận được các giải thưởng như Giải Edward R. Murrow, hai giải Golden Mike và bốn giải nhất của Hội Nhà Báo Chuyên Nghiệp.
Cô đã tự sự về mình như sau: “Tôi lớn lên bên cạnh người mẹ Nhật. Bà là một Phật tử. Cha tôi là người Anh gốc Nga, theo đạo Do Thái. Tôi đã tìm hiểu về nhiều tôn giáo, phong tục và văn hóa với tư cách cá nhân, trong vai trò của người làm mẹ, làm báo và người đi tìm chân lý. Hiện giờ tôi thực sự hạnh phúc hơn vì tôi đã biết chấp nhận bản thân, và người khác như họ là, và nhận thức mỗi ngày là một ngày mới, ngày đặc biệt, và tôi mãi mãi hàm ân về điều đó.
Khi còn nhỏ, tôi không biết có được một người mẹ Phật tử là điều may mắn như thế nào. Tôi chỉ nghĩ là tất cả trẻ em đều lớn lên với món quà của trí tuệ, tình thương sâu đậm và một cảm giác bình an thực sự.
Nhưng sau khi tôi đã bay xa tổ ấm của mẹ, tôi mới biết rằng thế giới bên ngoài không yên ổn, không tử tế, và không an bình chút nào. Tôi nhanh chóng nhận ra thế giới bên ngoài thường là một nơi đầy rẫy những đớn đau, nghiệt ngã, sân hận và quá ồn ào đối với đôi tai quá nhạy cảm của tôi. Nhưng chính sự nhạy cảm, chánh niệm mà tôi đã học được trong Phật giáo đã giúp tôi vượt qua những đau khổ, những thất vọng não nề mà tôi đã nếm trải.
Những giai đoạn đau khổ như thế là khi tôi phải chứng kiến đứa con bé nhỏ của mình trải qua một ca phẫu thuật mổ tim, phải chịu đựng một mối liên hệ chẳng tốt đẹp suốt nhiều năm, và chịu đựng những thương tích nghiêm trọng trong một tai nạn xe hơi.
Cũng có những lúc tôi cảm thấy thất vọng, buồn chán trước những áp lực của cuộc sống. Đó là những trải nghiệm trong các mối liên hệ trong từng ngày, việc sinh con và nuôi dưỡng chúng, cố gắng chăm sóc hay tìm người thân cận có thể chăm sóc cho cha mẹ già của mình và những năm tháng đầu đời của tuổi trưởng thành khi ta cảm thấy quá cô đơn. Khi lớn tuổi hơn, quán xét lại cuộc đời mình và có thể sống từng ngày với một tinh thần sảng khoái, và hy vọng là sáng suốt hơn, thì những điều dạy dỗ của người mẹ Phật tử của tôi luôn thầm thì những lời dịu dàng, đồng cảm đi thẳng vào tâm hồn tôi.
Một giáo lý căn bản của Phật giáo dạy rằng hạnh phúc hay khổ đau là trách nhiệm của từng cá nhân. Điều đó có nghĩa là tất cả chúng ta đều hoàn toàn làm chủ việc chuyển đổi cuộc sống của chúng ta. Thật là một tư duy mới mẻ, tràn đầy giác ngộ!
Tôi tin rằng những bài học về cuộc đời mà tôi đã học được từ Phật giáo sẽ tiếp tục truyền sức sống và ban trải sức mạnh, uy lực thực sự của chúng cho tôi khi tôi đối mặt với những nỗi sợ hải, thách thức và những cuộc chiến đấu với đau khổ mà giờ tôi mới biết rằng chúng chỉ là một phần trong kinh nghiệm sống của một kiếp người.
Tôi hy vọng là năm khía cạnh của trí tuệ Phật giáo dưới đây sẽ giúp bạn được an lành.
- 1. Thiền
Không dễ hành thiền. Nếu dễ, nó sẽ không thể mang đến cho bạn sự tự tại, tĩnh lặng thực sự. Giống như tất cả những nỗ lực đáng theo đuổi khác, thiền cần được thực tập, cần kiên nhẫn và tinh tấn để được lợi ích từ những phần thưởng vô giá mà nó sẽ mang lại.
Thiền đã được sử dụng hằng bao nhiêu thế kỷ để hàn gắn tâm linh, thanh tịnh tâm và ngay cả trị liệu, hỗ trợ những đau đớn thể xác trầm trọng và tổn thương tâm lý.
Trong một thế giới đầy tốc độ, đầy bạo động nơi mà gần như tất cả mọi thành viên trong đó đều bị áp lực, bị căng thẳng thì việc tập hành thiền là một cách để giúp chúng ta được chữa trị và quan trọng hơn nữa được phát triển và tập bình tĩnh ngay trước cả những trận bão đời to lớn nhất.
Một phần trong quá trình này đơn giản bắt đầu bằng việc tập ngồi yên, im lặng và thực sự thư giãn. Hành động này có thể giúp được bất cứ ai, dù họ đang khổ đau hay đang muốn tìm một cuộc sống có ý nghĩa, có lý tưởng hơn. Hành động có chủ ý này hay đúng hơn bất-hành (non-act) này của thiền là một phương cách đã được kiểm nhận, rất hữu hiệu trong việc giúp người ta chữa trị những tâm bệnh hay ngay cả thân bệnh nặng. Kể cả những ai bị chứng trầm cảm sau chấn thương trong chiến tranh và những xáo trộn tâm lý như tâm thần và trầm cảm nặng.
Có rất nhiều cách hành thiền, và không có cách nào là cách duy nhất đúng cho tất cả mọi người. Nhiều người sợ hành thiền vì họ trước tiên đã nghĩ là mình không hợp với phương cách đó. Nhưng chính vì thế mà những người này cần hành thiền –để buông thư nội tâm và để gạt bỏ mọi ý nghĩ tiêu cực sang một bên. Điều quan trọng cần nhớ chỉ là bắt đầu hành thiền, và thử nghiệm những phương cách thiền khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy phương cách hợp với bạn.
Bắt đầu Như thế nào
Hãy tìm đọc vài quyển sách về Thiền, trao đổi với những người đã có kinh nghiệm hành thiền, tham dự các khóa thiền để tìm hiểu thêm.
Mỗi ngày, tôi thường bắt đầu thời thiền tập của mình bằng cách rất đơn giản là ngồi yên, nhắm mắt trong vài phút. Tắt điện thoại, truyền hình, máy tính và cả âm nhạc để bạn có thể cảm nhận và ngay cả nghe được hơi thở của chính mình. Đừng bỏ cuộc nếu lúc đầu bạn cảm thấy lo âu hay bồn chồn, không có cách đúng hay sai trong thiền tập. Hành thiền cũng không phải là một cuộc chạy đua hay thi tài. Nếu lúc bắt đầu bạn có thể ngồi yên trong năm phút, thì ít nhất là bạn biết rằng mình đang trên đường tiến tới một bản ngã chân thật hơn và hy vọng là một con người có sức khỏe hơn.
Trên tất cả, hãy kiên trì thực hành. Những chuyển biến mà bạn sẽ nhận thấy là tâm đổi thay và rồi cuộc đời của bạn cũng thay đổi theo.
- 2. Bắt đầu Mỗi Ngày Với một Động Lực Tích Cực
Thay vì chỉ hy vọng là bạn sẽ có một ngày bình an và những trải nghiệm tích cực, hãy làm cho điều đó xảy ra.
Nói cách khác, trước khi bước ra khỏi một giấc ngủ sâu để đi vào guồng máy của cuộc sống bận rộn, hãy dành ra năm hay mười phút quán tưởng đến những cảm giác và quan điểm tích cực sẽ xảy ra trong ngày. Cách này sẽ giúp bạn dễ trải nghiệm sự bình an trong ngày trước mặt, và đón nhận bất cứ điều gì có thể xảy ra trong ngày.
Động Lực và quan điểm của tôi bao gồm:
Tôi sẽ giữ bình tĩnh trong mọi giao tiếp với người khác.
Tôi sẽ giữ tâm bình an, tĩnh lặng và hạnh phúc trong tất cả mọi việc tôi làm.
Tôi sẽ giữ sự giác ngộ tích cực suốt ngày và luôn học hỏi từ người khác.
Tôi sẽ xem mọi người đều dễ thương, hiền lành và cởi mở như tôi, và tôi sẽ không phán xét người.
Mục đích của hành động này là để chính bạn làm người tạo tác ra những cảm giác đầu tiên trong ngày của mình, và dĩ nhiên là chúng sẽ ảnh hưởng đến trọn ngày của bạn. Những cảm giác đầu tiên trong ngày ảnh hưởng rất lớn đến tâm trạng của bạn trọn ngày. Nếu bạn cố gắng biến các tư duy trên thành một phần của tâm thức và vô thức của mình, thì bạn không những sẽ có một ngày bình an hơn, mà nó cũng ảnh hưởng đến người khác một cách tốt lành như thế.
- Thực hành Chánh niệm
Trí não, tâm tư, nghĩ suy của ta có thể là những món quà tuyệt vời, quí báo mà ta có thể tặng cho bản thân, nếu như ta biết sử dụng chúng đúng cách. Nhưng như tất cả chúng ta đều biết, tâm thường dẫn ta đến những cách suy nghĩ đầy sai lạc, những cuộc độc thoại nội tâm đầy tiêu cực và đầy dằn vặt, khiến ta cảm thấy khó chịu, nếu không muốn nói là chúng khiến ta tự cô lập, rồi rơi vào trầm cảm.
Nhiều bệnh nhân trầm cảm cho là họ luôn thấy mệt mỏi, ngay cả những người chẳng phải làm gì, vì các cảm xúc tiêu cực thực sự là những độc tố làm bải hoải tâm thân.
Thực hành chánh niệm có nghĩa là thay vì chỉ nếm trải các cảm xúc, tiếp nhận đau khổ, bạn sẽ trở nên ý thức hơn về các cảm giác và suy tư của mình, do đó có thể làm cho chúng tốt hơn. Khi bạn ý thức hơn về các cảm xúc của mình, bạn sẽ dễ nghĩ ra cách hành động và giải pháp cho những vấn đề đưa bạn đến suy nghĩ tiêu cực.
Phương cách Thực hành Chánh niệm
Bắt đầu bằng cách ý thức hơn về các cảm xúc của mình khi chúng khởi lên, dầu đó là cảm thọ vui, đau đớn, hưng phấn, bâng khuâng, sợ hãi hay sân hận. Thực sự cảm nhận chúng một cách tường tận là sự khởi đầu tiên quyết trong việc làm chủ các cảm xúc và tìm đường đi đến sự bình an.
Sau đây là một số những lời nguyện tâm linh đầy chánh niệm của tôi:
Tôi không để quá khứ làm khổ tôi nữa.
Tôi biết rằng những niềm vui trong cuộc sống mạnh mẽ hơn bất cứ nỗi khổ đau nào.
Tôi chỉ có ngày hôm nay. Tôi có thể khiến nó trở thành gì, bằng cách nào (mà) tôi muốn.
Tôi thực sự yêu thương các con, khi chúng khổ hay vui, tôi cũng cảm nhận được điều đó.
Những khổ đau trong quá khứ giúp tôi hôm nay trở thành người luôn đồng cảm với kẻ khác.
Mục đích của những lời nguyện này là để vung trồng năng lực tích cực cho các cảm thọ vui hay buồn của ta. Nhưng chúng ta chỉ có thể khám phá ra những năng lực đó là gì khi ta đầy chánh niệm.
Bắt đầu… Hãy bắt đầu đi.
- Trước khi ăn, hãy cúng dường lên Đức Phật
Có lẽ không có hành vi nào của con người tự động, máy móc hơn là hành động ăn uống, tuy nhiên đó lại là hành động thực sự có thể mang đến an bình, tĩnh lặng cho bạn hơn cả, đồng thời cũng khiến thân bạn được mạnh khỏe hơn. Dĩ nhiên, bạn sẽ tự hỏi, “Làm sao tôi có thể cúng dường thực phẩm lên Đức Phật? Điều đó có nghĩa là gì?”
Hãy bắt đầu bằng cách tưởng tượng rằng tất cả mọi thực phẩm bổ dưỡng đều được làm từ hoa trái thanh cao để giúp ta tăng trưởng được mọi trí tuệ. Kế đến, tưởng tượng rằng Đức Phật là ánh sáng trong tâm bạn và rằng khi bạn ăn, bạn cúng dường hoa quả thanh cao đó đến Đức Phật, đồng thời bạn cũng nuôi dưỡng, làm no đầy chính tâm thân bạn. Hãy phác họa tư tưởng đó ra và ăn trong chánh niệm, cảm niệm sự hàm ân đối với hành vi ăn và món quà mà nó mang đến cho ta. Làm như thế cũng giúp bạn ăn chậm lại, giúp bạn có thể quán tưởng thực phẩm của bạn từ đâu mà có, làm sao nó đến được trên bàn ăn của bạn, đến miệng bạn, để bạn được dưỡng nuôi.
Tôi cúng dường thực phẩm lên Đức Phật như thế nào.
Khi tôi hình dung ra Đức Phật đang ở trong tôi. Tôi nghĩ đến Ngài như một đứa bé dịu dàng, dễ thương mà tôi chỉ muốn nuôi dưỡng và làm cho nó hạnh phúc.
Khi chuẩn bị thức ăn, tôi làm một cách chậm rãi, cẩn thận và với chánh niệm. Thái rau củ thật đẹp mắt, gọn ghẻ và đảo trộn chúng một cách nhẹ nhàng, một cách kiên nhẫn. Dầu đó là rau, cá hay trái cây, tôi hình dung rằng Đức Phật trong tôi sẽ thưởng thức món ăn đó hơn nếu tôi ăn chậm rãi, và cảm nhận từng mùi vị trong đó.
Hành động chánh niệm trong ăn uống không chỉ làm cho nghi thức ăn uống luôn trở nên tích cực, mà nó còn khiến thực phẩm tôi ăn trở nên dinh dưỡng hơn, do đó tôi trở nên một chúng sanh lành mạnh hơn từ trong ra ngoài.
- 5. Nhìn Lại Ngày Qua
Điều này cũng tương tự với việc bắt đầu một ngày bằng những tiêu chí và ý hướng tâm linh tích cực. Khi điều này được thực hiện, nó sẽ mang đến cho ta một ngày tĩnh lặng và tốt đẹp hơn, tất cả đều như thế. Nhưng cũng quan trọng như việc có được một khởi đầu tích cực trong ngày, ta cũng cần chấm dứt một ngày với cùng cường độ trong chánh niệm và quán chiếu.
Thay vì để đầu óc ta đầy rẫy những suy nghĩ như: “Tôi mệt rã người, may mà hết ngày rồi” hay “Lại một ngày nhàm chán/vất vả đã qua”, sao không thay vào đó bằng cách nhìn lại ngày đã qua với chút quán chiếu nhẹ nhàng?
Lý do khiến nhiều người cảm thấy không hạnh phúc hay thỏa mãn trong cuộc sống là vì họ quá khắc khe với bản thân hay không ý thức đến suy nghĩ và hành động của bản thân. Khi quán chiếu về ngày đã qua, bạn có thể giúp bản thân không lặp lại cùng một sai lầm hay thiếu sót, và bằng cách suy nghĩ cẩn thận về ngày đã qua như thế nào, bạn muốn thay đổi nó ra làm sao, bạn có thể khám phá ra được nghệ thuật làm chủ tâm, và phương cách để hành động, phản ứng trong những hoàn cảnh khác.
Bạn cũng có thể có những giấc mơ thú vị, đầy khám phá và trầm tư nếu những gì trong đầu bạn trước khi đi vào giấc ngủ là những suy tư sâu sắc, chứ không phải là những vọng tưởng bâng quơ.
Dầu tri thức không phải lúc nào cũng hữu hiệu, nhưng nó có thể hướng bạn đến một con đường thiên về tâm linh để bạn được hạnh phúc hơn, nếu bạn biết tập làm thế nào quán chiếu về tư tưởng và hành động của mình.
Quán chiếu về ngày đã qua như thế nào?
Hãy tìm một chỗ ngồi yên tĩnh, trên giường, trên ghế hay bất cứ đâu mà bạn không bị làm phiền trong ít nhất mười lăm phút. Nhắm mắt lại và quán chiếu về ngày đã qua như thể nó là một cuốn phim hay một quyển sách; ghi nhận về những hoàn cảnh khác nhau mà bạn có mặt trong đó, về những người mà bạn đã giao tiếp và các cảm thọ của mình. Sau đó, suy nghĩ về việc bạn muốn hành động, hay cảm xúc khác đi như thế nào, nếu như bạn lại rơi vào hoàn cảnh đó.
Những điều bạn cần tự hỏi:
Có thể tôi cần nhiều kiên nhẫn, tử tế và dịu dàng trong giao tiếp với người phải không?
Tôi có chân thật đối với bản thân trong mọi hành động của mình?
Làm thế nào để ngày mai tôi có thể là người hiểu biết, thông cảm hơn đối với bản thân và người khác?
Điều gì khiến ngày hôm nay của tôi tuyệt vời và hạnh phúc?
Điều gì khiến tôi cảm thấy hàm ân?
Xin nhắc lại, điều quan trọng nhất là phải biết thương yêu, tha thứ cho bản thân về những sai lầm của mình. Chỉ khi nào bạn có thể tha thứ cho bản thân, thì bạn mới có thể tha thứ cho người khác.
Hành động nhìn lại một ngày đã qua không chỉ giúp bạn biết rõ hơn về bản thân, hy vọng là nó cũng sẽ giúp bạn trở nên một người tốt hơn, người có tâm linh, người biết yêu thương đối với bản thân và người khác, mà còn là người hạnh phúc hơn.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển Ngữ theo Five Ways To Be Happier & Less Depressed Through Buddhism, đăng trên Elephant Health & Wellness Facebook, ngày 18/1/2013)
Quán Niệm Hơi Thở
Ven. Ajahn Sumedho
Thiền sư Ajahn Sumedho, trụ trì của Trung Tâm Phật giáo Amaravati ở Anh quốc, là vị đệ tử Tây phương kỳ cựu nhất của đại lão thiền sư quá cố Ajahn Chah người Thái Lan.
Ajahn Sumedho, thế danh là Robert Jackman. Ông sanh năm 1934 tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington, Mỹ và lớn lên trong một gia đình đạo Tin Lành cùng với một người chị. Từ năm 1951 đến 1953, ông học tiếng Trung Hoa và Sử học tại Đại học
Năm 1966, ông đến Thái Lan, tìm hiểu thêm về đạo Phật, tu thiền và sau đó thọ giới sa di tại một ngôi chùa quê hẻo lánh thuộc tỉnh Nong Khai, miền đông bắc Thái Lan. Sư Sumedho tu học thiền minh sát (Vipassana) với ngài Ajahn Chah tại tu viện Wat Nong Pah Pong, thuộc tỉnh Ubon trong hơn 10 năm.
***
Chúng ta không hay chú ý đến những việc tầm thường. Chúng ta thường chỉ nhận biết hơi thở của mình khi hơi thở không bình thường, như lúc chúng ta lên cơn suyễn hoặc lúc chúng ta chạy quá sức. Tuy vậy, với cách quán niệm hơi thở, chúng ta sử dụng hơi thở bình thường của mình để làm đề tài cho việc thiền định. Chúng ta không cố gắng làm cho hơi thở dài hơn, ngắn hơn hay điều khiển nó theo một phương thức nào, chỉ đơn giản là ngồi yên theo dõi nhịp hơi thở ra vào một cách bình thường. Hơi thở không phải là vật gì đó mà chúng ta tạo ra hay tưởng tượng ra. Nó chỉ là một quá trình tự nhiên của cơ thể liên tục hoạt động cho đến khi mạng sống chấm dứt. Dù ta có chú tâm vào hơi thở hay không, hơi thở vẫn luôn hiện diện, và ta có thể quay về hơi thở bất cứ lúc nào. Chúng ta không cần có bất cứ trình độ chuyên môn nào để theo dõi hơi thở. Chúng ta không cần phải đặc biệt thông minh, chúng ta chỉ cần tự tại và nhận biết hơi thở ra vào của chính mình. Trí tuệ không dựa vào học hỏi các lý thuyết, triết lý vĩ đại, mà là nhờ vào sự quan sát những việc tầm thường.
Tuy nhiên do hơi thở thiếu tính chất hấp dẫn hoặc lôi cuốn, vì thế chúng ta có thể trở nên chán ngán và không thích nó. Chúng ta luôn ham muốn phải có thêm vật gì đó, tìm kiếm vật gì hấp dẫn và lôi cuốn chúng ta, dù ta không cố ý làm thế. Nếu nghe âm nhạc, ta không nghĩ, “Tôi phải chú tâm đến điệu nhạc quyến rũ, hấp dẫn này” – chúng ta không thể tự chủ, bởi vì điệu nhạc có sức thu hút, lôi kéo ta. Nhịp điệu của hơi thở bình thường, không hấp dẫn, và không có sức thu hút. Hơi thở rất yên tịnh, và phần đông chúng ta không quen với sự yên tịnh đó. Đa số thích cái ý niệm yên tịnh, nhưng lại thấy kinh nghiệm theo dõi hơi thở thật là chán ngấy và dễ làm nản lòng. Họ mong muốn một sự kích thích, một cái gì đó lôi cuốn họ. Với cách quán niệm hơi thở (anapanasati), chúng ta chú tâm vào một đối tượng trung dung, chúng ta không cần phải thích hay không thích hơi thở, mà chỉ cần chú tâm vào sự hít thở ở lúc bắt đầu, lúc giữa, và lúc kết thúc. Kế đó chú tâm vào sự thở ra, lúc bắt đầu, lúc giữa, và lúc kết thúc. Nhịp thở nhẹ nhàng sẽ chậm hơn nhịp suy nghĩ, đưa chúng ta về với tĩnh lặng, giúp ta chấm dứt suy nghĩ. Tuy nhiên, chúng ta không nên cố gắng để sở hữu bất cứ gì từ nơi thiền quán, hay thiền chỉ. Vì tâm thức luôn cố gắng đạt được hoặc sở hữu cái gì đó hơn là hài lòng một cách nhún nhường với hơi thở, nên hơi thở không chậm lại, hoặc yên tĩnh, do đó chúng ta trở nên dễ nản lòng.
Lúc đầu, tâm thức hay đi lang thang. Một khi nhận biết mình đã đi lang thang, không còn chú ý đến hơi thở, chúng ta chỉ cần trở về với hơi thở một cách nhẹ nhàng. Chúng ta phải thật kiên nhẫn và luôn luôn quyết tâm bắt đầu lại. Tâm thức của chúng ta không quen bị kiềm chế, chúng đã được huấn luyện phải liên kết vật này với vật kia, và có ý kiến về tất cả mọi sự việc. Thói quen sử dụng trí thông minh của chúng ta để nghĩ ra nhiều cách khôn ngoan, khiến ta thường trở nên quá căng thẳng, sốt ruột khi không làm được việc đó, và khi thực tập cách quán niệm hơi thở, chúng ta thấy chán ngán, muốn chống đối nó. Giống như một con ngựa hoang lần đầu bị đóng yên cương, nó nổi giận với những thứ đã cột nó.
Khi tâm thức đi lang thang, chúng ta bực bội và thất vọng, cự tuyệt và chán ghét mọi thứ. Nếu vì thất vọng, ta cố gắng bắt tâm thức đứng yên với ý chí tuyệt đối, thì ta chỉ có thể theo dõi hơi thở trong một thời gian ngắn, rồi tâm thức lại tiếp tục đi lang thang nơi khác. Vì vậy, thái độ đúng đắn đối với việc quán niệm hơi thở là phải thật kiên nhẫn, coi như chúng ta có rất nhiều thời gian để không hấp tấp, để có thể buông bỏ hoặc vứt hết những việc thế gian, những vấn đề tài chánh hay khó khăn của cá nhân. Trong lúc này, không có gì để cho chúng ta phải lo, phải làm, ngoài việc theo dõi hơi thở.
Nếu tâm thức di động đến việc hít vào thì hãy cố gắng chăm chú đến sự hít vào. Nếu tâm thức di động đến việc thở ra thì cố gắng chăm chú đến sự thở ra. Giữ sự chú tâm vào hơi thở ra vào. Luôn luôn quyết tâm bắt đầu lại. Bắt đầu với mỗi một ngày mới, lúc khởi đầu cho mỗi cái hít vào, trau dồi tâm thức của người sơ cơ, không mang theo vật gì từ mới đến cũ, đừng để lại dấu vết, giống như một ngọn lửa mừng.
Một cái hít vào và tâm thức đi lang thang, thế là chúng ta lại phải đưa tâm trở về với hơi thở, và đó là một khoảnh khắc của chánh niệm. Chúng ta luyện tập tâm thức như một bà mẹ tốt luyện tập con của mình. Một đứa trẻ không biết nó đang làm gì, cứ đi lang thang. Nếu người mẹ nổi giận, đánh nó, đứa trẻ sẽ trở nên sợ hãi, và thần kinh dễ bị rối loạn. Một người mẹ tốt thì khác, bà xem chừng đứa trẻ, luôn luôn để ý đến nó, và nếu nó đi lang thang thì bà đưa nó trở về bên mình. Phải có tính kiên nhẫn như vậy chúng ta mới không tự trách, không ghét bỏ hơi thở, không bực bội mỗi khi chúng ta không được yên tĩnh với cách quán niệm hơi thở (anapanasati).
Đôi lúc chúng ta quá nghiêm khắc với mọi việc, hoàn toàn thiếu sự vui vẻ, hạnh phúc, thiếu sự hài hước, chỉ là đè nén lại mọi thứ. Hãy làm cho tâm thức vui vẻ, hãy nở nụ cười trên gương mặt! Hãy thư giãn và thanh thản, không có áp lực về việc phải thành tựu điều gì đặc biệt – không có gì để đạt đến, không có gì quan trọng, hay đặc biệt. Và khi tự hỏi, ta đã làm được việc gì trong ngày để xứng đáng với những gì ta sở hữu? Chỉ là một hơi thở được hít vào với chánh niệm? Điên rồi sao? Nhưng nó vẫn ý nghĩa hơn những gì mà đa số nói về sinh hoạt trong ngày của họ.
Chúng ta không chiến đấu với sức mạnh của ma quỷ. Nếu chúng ta cảm thấy chán ghét cách quán niệm hơi thở (anapanasati), thì hãy ghi nhớ lấy nó. Đừng cảm thấy đấy là một việc mà ta phải làm. Hãy xem đó như là sự giải trí, một thứ tiêu khiển mà ta thật sự thích thú khi thực hành. Khi ta nghĩ «Tôi không làm được», hãy nhận biết đó là sự chống cự, sự sợ hãi hoặc thất vọng, rồi sau đó hãy thư giãn. Đừng để cho việc thực tập trở thành một việc khó khăn, một gánh nặng.
Lần đầu khi tôi thọ giới, tôi rất là hà khắc, dữ dội và nghiêm nghị đối với bản thân, như một cái cây cằn cỗi, khô đét, và tôi luôn suy nghĩ trong trạng thái khủng khiếp, «tôi phải làm … tôi phải làm…» Những lúc đó, tôi tập chú tâm vào sự an lạc. Nghi ngờ và bồn chồn, bất mãn và chán ghét – dần dà tôi có thể suy nghĩ về an lạc, lặp đi lặp lại hai từ này, thôi miên chính bản thân tôi để thư giãn. Những nghi ngờ về bản thân lại xuất hiện «Tôi không làm được việc này. Thật là vô dụng. Tôi muốn được cái gì đó». Nhưng chú tâm về hai từ an lạc đã giúp tôi thư giãn, yên tĩnh trong lúc đó. Đây là một phương thức mà bạn có thể sử dụng. Như vậy, khi bắt đầu căng thẳng, chúng ta dùng phương thức này để được an lạc, và chúng ta trở về với việc quán niệm hơi thở (anapanasati).
Ban đầu, chúng ta cảm thấy vụng về một cách thảm hại như khi chúng ta học chơi đàn guitar. Khi bắt đầu chơi đàn thì các ngón tay của chúng ta thật vụng về, coi như là hết hy vọng. Nhưng khi thực hành được một thời gian thì chúng ta đạt được kỹ xảo và việc chơi đàn trở nên dễ dàng.
Chúng ta học làm nhân chứng cho những gì đang xảy ra nơi tâm thức, như vậy chúng ta có thể biết khi nào chúng ta bồn chồn, căng thẳng hoặc chúng ta đang ù lì. Chúng ta nhận biết hết, và chúng ta không cố gắng để thuyết phục bản thân là không phải như vậy. Chúng ta hoàn toàn nhận biết mọi sự việc như nó là. Chúng ta cố gắng chống đỡ để chú tâm vào một hơi thở được hít vào. Nếu không làm được như vậy, thì ít ra chúng ta cũng có thể chú tâm vào một nửa hơi thở hít vào. Như vậy, chúng ta không cố gắng để trở nên hoàn hảo liền lập tức. Chúng ta không cần phải làm mọi việc đúng hết như vài ý kiến được đưa ra, nhưng chúng ta cần khắc phục những khó khăn đang hiện diện trước mắt. Nếu tâm ta luôn tán loạn, thì chỉ có trí tuệ mới nhận biết được là tâm đang đi lang thang khắp nơi – đấy mới là sự sáng suốt. Nghĩ rằng chúng ta không nên tự chán ghét bản thân, hoặc cảm thấy thất vọng; điều này chỉ là tự nhiên thôi, vì bản chất của chúng ta là như vậy – đó là gốc rễ si mê.
Chúng ta không bắt đầu như là một thiền sinh hoàn hảo. Chúng ta không làm những tư thế theo Iyengar [*], trước khi chúng ta có thể gập người xuống và đụng các ngón chân của mình. Cách đó chỉ là làm hại bản thân thôi. Chúng ta có thể nhìn thấy các tư thế trong quyển sách «Light on Yoga» (Ánh Sáng Yoga), và thấy Iyengar đang quấn đôi chân quanh cổ, với tất cả các tư thế hết sức ngoạn mục, nhưng nếu chúng ta thử làm theo thì chắc chúng ta sẽ được đưa vào nhà thương gấp.
Vì vậy, chúng ta bắt đầu thử gập người từng chút một, bắt đầu ở thắt lưng, quan sát cái đau và sức chịu đựng, tập duỗi ra từ từ. Đối với quán niệm hơi thở (anapanasati) cũng không khác, trước tiên chúng ta nhận biết cách thức và bắt đầu từ đây. Chúng ta giữ vững sự chú tâm lâu hơn một chút, để bắt đầu hiểu sự tập trung tư tưởng là như thế nào. Đừng làm như siêu nhân (Superman) khi chúng ta không phải là siêu nhân. Ta tuyên bố, «Tôi sẽ ngồi và theo dõi hơi thở suốt đêm» , rồi khi làm không được, ta nổi giận. Hãy lập một thời khoá biểu thực tập mà ta nghĩ mình có thể thực hành được. Thực tập, phát triển tâm cho đến khi ta biết thế nào là cố gắng hết sức và thế nào là để thư giãn.
Lúc chúng ta đang tập đi thì đương nhiên bị té. Hãy nhìn những đứa bé. Tôi chưa thấy một đứa bé nào có thể tự nhiên biết đi. Trước khi bước đi, đứa trẻ phải học bò, bám vào các vật dụng để đứng lên, rồi té, nhưng nó lại lồm cồm bò dậy tiếp tục tập đi. Thiền định cũng giống vậy. Chúng ta nhận biết trí tuệ bằng cách quan sát si mê, lầm lỗi, suy ngẫm và tiếp tục thực tập.
Nếu chúng ta suy nghĩ về nó nhiều quá, sẽ thấy vô vọng. Nếu các đứa trẻ suy nghĩ nhiều thì chúng sẽ không bao giờ biết đi, bởi vì khi chúng ta nhìn thấy đứa bé tập đi, ta thấy vô vọng quá phải không? Cũng vậy, chúng ta có thể nghĩ thật là không hy vọng gì ngồi thiền được, nhưng chúng ta vẫn cố gắng tiếp tục.
Thật là dễ dàng khi chúng ta tràn đầy hăng hái, thật sự có cảm hứng về vị thầy và bài giảng, nhưng sự hăng hái và cảm hứng là những trạng thái vô thường, rồi chúng sẽ đưa ta vào sự buồn tẻ, với các ảo tưởng. Khi chán nản, chúng ta càng phải cố gắng hơn trong thực tập; khi chán nản, muốn bỏ cuộc, chúng ta thường muốn tái sanh vào nơi nào đó hấp dẫn, lôi cuốn hơn. Tuy nhiên, với sự sáng suốt, với trí tuệ, chúng ta phải kiên nhẫn chịu đựng chuỗi thời gian thất vọng đầy ảo tưởng này. Chỉ như vậy chúng ta mới thôi củng cố các thói quen và chúng ta sẽ hiểu được thế nào là sự đoạn diệt, hiểu được thế nào là tâm trống rỗng và yên tĩnh.
Nếu chúng ta đọc sách thấy nói rằng không cần cố gắng, hãy để mọi việc xảy ra một cách tự nhiên, không gò bó, thì chúng ta sẽ nghĩ lệch lạc rằng ta chỉ cần nằm ườn ra đó, như vậy ta sẽ rơi vào trạng thái ù lì.
Khi thực tập, cá nhân tôi đã từng rơi vào trạng thái ù lì, do đó tôi nhận ra sự quan trọng của tư thế ngồi lúc thiền. Tôi thấy rằng sẽ không đi đến đâu khi cố gắng một cách thụ động. Lúc đó, tôi sẽ ngồi thẳng lên, ưỡn ngực ra, và dồn hết năng lượng vào tư thế ngồi thiền, hoặc tôi trồng cây chuối. Mặc dù trong những buổi đầu tôi không có nhiều năng lượng, tôi vẫn thu xếp để làm bất cứ việc gì đòi hỏi sự cố gắng. Tôi cố chịu đựng ít nhất là trong vài giây, rồi dẫu tôi lại thất bại, cũng vẫn còn hơn là không cố gắng chút nào.
Càng chọn con đường dễ dãi nhất, chúng ta càng dễ dàng buông xuôi theo những ham muốn, tinh thần sẽ trở nên uỷ mị, thiếu tập trung và rối rắm.
Thật là dễ dàng khi suy nghĩ, càng dễ hơn khi ngồi và luôn suy nghĩ hơn là không suy nghĩ gì, đấy là thói quen mà chúng ta đã huân tập được từ lâu. Kể cả với ý nghĩ «Tôi không nên suy nghĩ » cũng là một ý nghĩ. Để tránh suy nghĩ, chúng ta phải lưu tâm tới nó, cố gắng quan sát và lắng nghe nó, bằng cách quan tâm tới dòng chảy của ý thức. Chúng ta đừng nghĩ nhiều về tâm thức, mà chỉ nên quan sát nó. Chúng ta nhận diện các ý tưởng hơn là để bị chúng lôi cuốn. Ý tưởng là một chuyển động, nó là một năng lượng, nó đến rồi đi, nó không phải là trạng thái thường hằng của tâm thức. Không đánh giá, hoặc phân tách, chúng ta chỉ việc nhận dạng ý tưởng là ý tưởng, thì nó bắt đầu chậm dần và ngừng bặt. Đây không phải là sự huỷ diệt, chỉ là giúp cho ý tưởng ngừng lại. Đấy là tình thương. Khi sự suy nghĩ theo thói quen bắt đầu mờ nhạt, không gian to lớn mà chúng ta không bao giờ biết đến sẽ hiện diện.
Chúng ta làm chậm lại mọi việc bằng cách chăm chú vào hơi thở tự nhiên, làm lặng yên các cơ cấu mang tính chất nghiệp quả, và như vậy là chúng ta nói đến thiền chỉ (samatha), hoặc tĩnh lặng, cho đến tột đỉnh của sự yên tịnh.
Tâm thức trở nên dễ uốn nắn, thuần thục và linh hoạt. Hơi thở trở nên nhẹ nhàng. Tuy vậy, chúng ta chỉ thực tập samatha (thiền chỉ) đến điểm upacara samathi (tập trung lân cận), chúng ta không cố gắng để chăm chú vào đối tượng và bước vào Jhana (thiền định).
Lúc này chúng ta vẫn còn chú tâm đến đối tượng và vòng ngoại biên của nó. Các loại khích động của tâm thức đã giảm rất nhiều và chúng ta vẫn có thể hoạt động bằng cách sử dụng trí tuệ. Với trí tuệ, chúng ta tiếp tục quán sát, và đấy là vipassana (thiền minh sát) – quan sát để thấy rõ bản chất của mọi thứ mà chúng ta đang trải nghiệm: tính chất vô thường, không như ý và vô ngã. Anicca (vô thường), dukkha (khổ) và anatta (vô ngã) là những khái niệm mà chúng ta không thể tin được, nhưng chúng ta vẫn có thể quán sát chúng.
Chúng ta quán sát sự bắt đầu và kết thúc của hơi thở. Chúng ta quan sát cái gì là bắt đầu, không nên nghĩ nó là gì, chỉ là quan sát nó, biết rõ nó, với sự chú tâm tối thiểu vào hơi thở lúc ban đầu và lúc kết thúc. Cơ thể tự động thở, hơi thở ra vào tùy thuộc vào nhau, chúng ta không thể điều khiển bất cứ gì. Hơi thở thuộc về thiên nhiên, không thuộc về chúng ta, hơi thở là vô ngã. Khi chúng ta nhận biết điều này, chúng ta đang thực hành vipassana (thiền minh sát).
Sự hiểu biết về Thiền mà chúng ta học được từ Thiền Phật Giáo thật là giới hạn –thiền sư Ajahn Chah gọi điều này là sự hiểu biết của con trùng đất – Nó không làm cho bạn tự hào, không thổi phồng bạn, không làm cho bạn cảm thấy bạn là người quan trọng, cũng không cho bạn cảm giác thành đạt.
Trong cuộc sống đời thường, sự thực tập này không quan trọng và không cần thiết, không ai viết bài báo chạy tít với những dòng, «Tám giờ tối nay, Thầy Sumedho tập hít thở !» Đối với một số người, suy nghĩ để giải quyết các vấn đề thế giới rất quan trọng, làm sao để giúp tất cả mọi người trên các đất nước đang phát triển, làm sao để sắp đặt lại thế giới cho ngăn nắp.
Đối với những vấn đề này, việc theo dõi hơi thở thật là vô nghĩa, và đa số nghĩ rằng «Tại sao lại mất thời gian để làm việc ấy? » Một số người đã đối chất với tôi về điều này. Họ nói, «Các vị tu sĩ làm gì mà ngồi đó? Các vị đã làm gì để giúp đỡ nhân loại? Các vị thật là ích kỷ, các vị đòi hỏi người ta dâng tặng thực phẩm trong khi các vị chỉ ngồi đó và theo dõi hơi thở. Các vị là người trốn tránh xã hội thực tại». Nhưng thế giới thực tại là như thế nào? Ai trốn tránh và trốn cái gì? Có gì để phải đối mặt? Chúng ta hiểu rằng khi người ta nói «thế giới thực tại», tức là thế giới mà họ đang tin tưởng vào, thế giới mà họ đang sống, hoặc thế giới mà họ quen biết và thân thuộc.
Nhưng thế giới đó chỉ là một trạng thái của tâm thức. Thiền định thật ra là đối chất với thế giới thực tại, nhận diện và biết rõ nó là gì tốt hơn là chỉ tin tưởng suông hoặc bào chữa, hay cố gắng huỷ diệt nó trong tư tưởng. Bấy giờ thế giới thực tại hoạt động trên một mô hình giống nhau, xuất hiện, biến mất như hơi thở.
Chúng ta không lý thuyết về bản chất tự nhiên của mọi vật, không lấy ý tưởng triết học của người khác, và cố gắng hợp lý hoá chúng; nhưng bằng cách theo dõi hơi thở, chúng ta thật sự quan sát bản chất của thiên nhiên. Khi theo dõi hơi thở, chúng ta thật ra đang theo dõi thiên nhiên. Xuyên qua sự hiểu biết về bản chất tự nhiên của hơi thở, chúng ta có thể hiểu được thiên nhiên và các hiện tượng bị điều kiện hoá. Nếu chúng ta cố gắng am hiểu các hiện tượng bị điều kiện hoá trong những thời gian khác nhau, sự khác biệt và phẩm chất của chúng, v…v… , việc này sẽ trở nên phức tạp, tư tưởng của chúng ta sẽ không có khả năng am tường toàn bộ. Chúng ta chỉ nên học tính đơn giản.
Như vậy, với tâm thức yên tịnh chúng ta có thể chánh niệm về một dạng tuần hoàn. Chúng ta thấy tất cả mọi vật đều xuất hiện và biến mất. Chu kỳ đó được gọi là samsara, bánh xe sanh tử.
Chúng ta quan sát chu kỳ bánh xe sinh tử của hơi thở. Chúng ta hít vào và rồi thở ra. Chúng ta không thể chỉ hít vào hoặc chỉ thở ra, hít vào thở ra tuỳ thuộc vào nhau. Thật là phi lý khi suy nghĩ «Tôi chỉ muốn hít vào. Tôi không muốn thở ra. Tôi từ bỏ việc thở ra. Cuộc sống của tôi chỉ là sự hít vào liên tục», điều này thật là tức cười. Nếu tôi nói như vậy với bạn, chắc bạn nghĩ tôi điên rồi, nhưng đa số thật sự làm vậy.
Người mê muội chỉ muốn đắm mình vào sự náo nhiệt, khoái lạc, tuổi trẻ, sắc đẹp và sức mạnh. «Tôi chỉ muốn những vật đẹp đẽ. Tôi không muốn biết đến những thự xấu xí. Tôi chỉ muốn khoái lạc, niềm vui sướng, và óc sáng tạo, nhưng tôi không muốn buồn bã hoặc thất vọng». Cũng là một dạng điên khùng như khi bạn nghe tôi nói «tôi không chịu nỗi việc hít thở. Tôi không muốn hít thở nữa». Khi quan sát sự tham đắm vào sắc đẹp, khoái lạc nhục dục, và tình yêu, ta thấy chúng luôn đưa đến thất vọng, như vậy thái độ của chúng ta là phải tách rời khỏi những ham muốn này. Đó không phải là sự đoạn diệt, hoặc tiêu huỷ bất cứ ham muốn nào, chỉ là buông bỏ chúng, không bám víu. Chúng ta không tìm kiếm sự hoàn hảo trong bất cứ phần nào của chu kỳ tuần hoàn, nhưng nhận biết sự trọn vẹn nằm trong nguyên chu kỳ đó, bao gồm già, bệnh và chết. Vật gì tự xuất hiện sẽ vươn lên tột đỉnh của nó, và rồi sẽ tự biến mất, đấy là sự trọn vẹn.
Khi ta nhận thấy tất cả sankharas (ngũ uẩn) mang mô hình đến rồi đi, ta bắt đầu nhìn vào bên trong sự lặng yên và không bị điều kiện hoá của tâm thức. Chúng ta bắt đầu kinh nghiệm suññata hoặc rỗng không, không phải là sự quên lãng hay hư vô, chỉ là một trạng thái tâm trong sáng tĩnh mịch. Chúng ta quay lại với sự rỗng không hơn là những điều kiện của hơi thở và tâm thức. Sau đó chúng ta có một viễn cảnh về những điều kiện và sẽ không còn mù quáng phản ứng theo chúng.
Có những vật bị điều kiện hoá, vô điều kiện hoá, và sự hiểu biết. Hiểu biết là gì? Có phải là kỷ niệm? Có phải là ý thức? Có phải là tôi? Tôi chẳng bao giờ tìm thấy câu trả lời nhưng tôi có chánh niệm.
Trong Thiền Phật giáo, chúng ta ở nơi cái biết, có chánh niệm, tỉnh thức, làm Phật trong hiện tại, biết rằng mọi vật đến và đi, và vô ngã. Chúng ta áp dụng sự hiểu biết này đối với mọi vật, bị điều kiện hoá, và vô điều kiện hoá. Đấy là chuyển hoá, tỉnh thức hơn là trốn tránh, và mọi vật đều ở nơi bình thường. Chúng ta có bốn tư thế bình thường về ngồi, đứng, đi và nằm – chúng ta không đứng bằng đầu hoặc búng người hay cách nào khác. Chúng ta sử dụng bốn tư thế và hơi thở bình thường, bởi vì chúng ta tiến về phía trước, điều bình thường nhất, vô điều kiện hoá. Các điều kiện thì khác thường, nhưng sự an lạc của tâm thức, vô điều kiện hoá, quá bình thường đến nỗi không ai nhận thấy nó. Nó luôn luôn hiện diện vào mọi lúc, nhưng chúng ta không khi nào nhận biết nó, vì chúng ta quá tham đắm vào những gì bí hiểm và thần kỳ. Chúng ta bị cuốn theo những gì đến và đi, những gì kích thích và làm chúng ta thất vọng. Chúng ta bị cuốn theo những thứ đó và quên bẳng vị trí của sự hiểu biết. Một khi thế giới được chúng ta hiểu biết đúng nghĩa thì chúng ta sẽ không còn ảo tưởng về nó.
Sự trải nghiệm về Luân Hồi (samsara) là một điều kiện của Niết Bàn. Khi chúng ta nhận biết chu trình của thói quen và phẩm chất của nó, chúng ta sẽ nhận biết Niết Bàn. Sự hiểu biết có tính chất Phật chỉ có hai việc: điều kiện hoá và vô điều kiện hoá. Đây là một nhận biết tức thời các vật như chúng là, và không còn tham đắm hay bám víu. Ngay lúc này, chúng ta có chánh niệm về những điều kiện của tâm thức, những xúc cảm của thân thể, những gì chúng ta thấy, nghe, nếm, đụng chạm, ngửi và suy nghĩ cũng là sự rỗng không của tâm thức. Sự điều kiện hoá và vô điều kiện hoá là những gì mà chúng ta có thể nhận biết.
Vì thế, lời dạy của đức Phật là một lời dạy trực tiếp nhất. Sự thực hành của chúng ta không phải là để giác ngộ mà là để sống trong thực tại của sự hiểu biết.
Diệu Ngộ-Mỹ Thanh
(Trích & Chuyển ngữ từ Now is The Knowing-Hiện Tại là Tuệ Giác)
Chú Thích : [*] B.K.S. Iyengar là một du sĩ đương thời nổi tiếng về thuật Hatha.
Quán Niệm Xứ
Venerable Mahasi Sayadaw
Hòa Thượng Mahasi Sayadaw là tác giả của rất nhiều tác phẩm về thiền định và kinh điển Phật giáo, bằng tiếng Miến Điện. Các bài giảng của ngài về kinh điển Phật giáo được dịch sang tiếng Anh và được Hội Đồng Phật Giáo Sasananuggaha ấn hành (
Lời Giới Thiệu
Theo lời yêu cầu của cá nhân Ngài Đại Sứ, U Nu, và Ngài Thado Thiri Thudhamma U Thwin, Chủ Tịch Hội Đồng Phật Giáo Sasananuggaha, thượng tọa Mahasi Sayadaw, Bhadanta Sobhana Mahathera, đã từ Shwebo đến Rangoon vào ngày 10, tháng 11, năm 1949.
Từ ngày đầu khai
Như thế, do nhu cầu to tác của các chi nhánh trung tâm thiền Mahasi Sapatthana Vipassana, cũng như yêu cầu của công chúng, bài giảng này được ấn hành thành sách vào năm 1954. Quyển sách nay đã được ấn hành tới lần thứ sáu. Cũng vì sự hứng thú mẫn nhuệ và nhu cầu khát vọng của vô số người mộ đạo ngoại quốc không biết tiếng Miến-Điện, bài giảng này đã được dịch giả U Pe Thin dịch sang Anh-ngữ.
Tháng 12, năm 1957
***
Vinh danh Bậc Giác Ngộ Viên Mãn
Khi tra cứu bài Pháp này của Đức Phật, điều quan trọng cho tất cả mọi người là trau dồi phẩm hạnh (sila), thiền định (samadhi), và trí tuệ (pañña). Người tu học chắc chắn phải sở hữu ba phẩm hạnh này. Đối với các cư sĩ, sự đo lường tối thiểu của phẩm hạnh là việc gìn giữ Ngũ Giới. Đối với các vị tỳ-khưu là việc gìn giữ Ba-la-đề-mộc-xoa (Patimokkha), giới luật dành cho các vị tu sĩ. Bất cứ người nào gìn giữ giới luật thanh tịnh sẽ được tái sinh trong cảnh giới an vui như là cõi người, hoặc cõi trời.
Tuy nhiên, dạng thông thường của đạo đức thế gian (lokiya-sila) không thể nào là biện pháp ngăn chận việc rơi xuống các cõi thấp hơn, như cõi địa ngục, cõi súc vật, hoặc cõi ngạ quỷ. Vì vậy, cần phải trau dồi đạo đức xuất thế (lokuttara-sila). Khi một người hoàn toàn đạt được phẩm hạnh này, họ sẽ được an toàn và không rơi xuống các cõi thấp hơn, và luôn luôn có được cuộc sống hạnh phúc, được tái sinh làm người hoặc làm các vị trời (deva). Do đó, tất cả mọi người cần phải xem việc thi hành đạo đức xuất thế là nhiệm vụ của mỗi cá nhân.
Đấy là hy vọng thành công của bất cứ người nào nỗ lực một cách chân thành. Thực là tội nghiệp nếu như ai đó không lợi dụng cơ hội tốt này để đạt được những phẩm chất cao hơn, một người như vậy, không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ là nạn nhân cho nghiệp xấu của chính họ, họ sẽ bị lôi xuống những cõi thấp và đau khổ hơn, như cõi địa ngục, cõi súc sinh, hoặc cõi ngạ quỷ, nơi mà mạng sống kéo dài cả mấy trăm ngàn hoặc triệu triệu năm. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh ở đây rằng, đọc được Bài Giảng của Đức Phật là cơ hội duy nhất để thực tập trên con đường đạo đức (magga-sila) để đạt kết quả đạo đức (phala-sila).
Tuy vậy, không thể chỉ thi hành phẩm hạnh đạo đức mà thôi. Việc thực hành thiền định (samadhi) hoặc sự tập trung cũng rất cần thiết. Thiền định là trạng thái bất động hoặc tĩnh lặng của tâm thức. Tâm thức thông thường hoặc chưa thuần hóa thường có thói quen đi lang thang đến những nơi khác. Nó không thể bị quản thúc, nó chạy theo bất cứ tư tưởng, ý nghĩ hoặc sự tưởng tượng nào, v…v… Để tránh việc tâm thức đi lang thang, nó cần được liên tục chăm chú đến một đối tượng được chọn sẵn để mà tập trung vào đó. Thực tập lâu dài, tâm thức dần dần từ bỏ những thác loạn và tập trung vào đối tượng mà nó được chỉ dẫn. Đây gọi là thiền định.
Có hai loại thiền định: thiền định thế gian (lokiya-samadhi) và thiền định xuất thế (lokuttara-samadhi). Trong hai loại này, loại thứ nhất bao gồm sự tập trung về thế gian, như bốn loại thiền về sắc giới (rupa-jhanas) --- chuyên tâm về sắc giới --- và bốn loại thiền về vô sắc giới (arupa-jhanas) --- chuyên tâm về vô sắc giới. Những loại thiền này đều có thể đạt được bằng cách thực tập thiền tĩnh lặng (samatha-bhavana) với phương pháp như tập trung sự chú tâm vào hơi thở, lòng từ (metta), tập trung vào các đối tượng (kasina), v..v… Nhờ thành tựu các phẩm hạnh này, ta sẽ được tái sinh ở cõi trời phạm thiên. Mạng sống của một vị phạm thiên rất dài, khoảng một chu kỳ thế giới, hoặc hai, bốn, hoặc tám chu kỳ thế giới, có thể lên đến khoảng 84.000 chu kỳ thế giới. Nhưng cuối cùng đến khi mạng sống kết thúc, một vị phạm thiên vẫn phải chết và tái sinh làm người hoặc làm một vị trời.
Có hai loại trí tuệ: thế gian và xuất thế. Hiện nay, sự hiểu biết về văn chương, nghệ thuật, khoa học, hoặc những việc khác thuộc về thế gian thường được xem là một loại trí tuệ, nhưng dạng trí tuệ này chẳng có liên quan chi đến việc phát triển tinh thần (bhavana). Nó cũng chẳng được coi là đáng khen, bởi vì vô số vũ khí hủy diệt đều được phát minh ra bởi các loại hiểu biết này, chúng luôn luôn bị ảnh hưởng bởi sự tham đắm, giận hờn và những động cơ tà ác khác. Nếu một người sống một cuộc sống phẩm hạnh, họ có thể có một cuộc sống hạnh phúc ở cõi cao hơn, nhưng họ vẫn chưa được giải thoát khỏi các ô nhiễm của sự tham đắm, giận dữ và si mê, trong nhiều dịp họ có thể làm những việc đáng chê trách. Và rồi họ sẽ là nạn nhân của chính nghiệp xấu họ gây ra, bị tái sinh trong cõi địa ngục hoặc trong những cõi thấp kém, đau khổ hơn. Như vậy, thiền định thế gian cũng không phải là sự an toàn nhất định. Việc nên làm là thiền định xuất thế, thiền định về đường đạo đức (magga) và kết quả (phala). Để đạt được thiền định điều thiết yếu là phải trau dồi trí tuệ (pañña). Mặt khác, tinh thần thực sự của trí tuệ thế gian, chỉ có thành tích và không có bất cứ nhược điểm nào. Trí tuệ thế gian thực sự bao gồm kiến thức xử dụng trong việc cứu trợ và phúc lợi, không tạo ra nguy hại nào; học để đạt được kiến thức về hàm nghĩa thực sự hoặc ý nghĩa của kinh sách; và ba loại kiến thức phát triển thiền minh sát tuệ (vipassana-bhavana), như kiến thức có được từ việc học tập (sutamaya-pañña), kiến thức từ sự tư duy (cintamaya-pañña), trí tuệ từ sự phát triển thiền định (bhavanamaya-pañña). Phẩm hạnh của trí tuệ thế gian có thể đưa đến cuộc sống hạnh phúc ở các cõi cao hơn, nhưng nó cũng không thể nào tránh khỏi nguy cơ bị tái sinh trong cõi địa ngục hoặc các cõi đau khổ hơn. Chỉ có sự phát triển của trí tuệ xuất thế (lokuttara-pañña) mới có thể dẹp được nguy cơ này một cách chắn chắn. Trí tuệ xuất thế là trí tuệ của đạo quả. Để phát triển trí tuệ này cần phải tiếp tục thực tập thiền minh sát tuệ (vipassana-bhavana) ngoài ba nguyên tắc đạo đức, thiền định, và trí tuệ. Khi phẩm hạnh của trí tuệ được phát triển hợp lệ, những phẩm hạnh cần thiết của đạo đức và thiền định cũng đều sẽ đạt được.
Sự Phát Triển Trí Tuệ
Phương pháp phát triển trí tuệ này là quan sát tính vật chất (rupa) và tinh thần (nama) --- hai nguyên tố duy nhất hiện hữu trong mỗi con người --- với cái nhìn hiểu biết về bản chất chân thật tự nhiên của nó. Hiện tại, các thử nghiệm trong việc quan sát phân tách về thể chất thường được thực hành trong các phòng thí nghiệm với đủ loại dụng cụ, nhưng những loại phương pháp này không thể đối phó với tâm thức. Phương pháp của đức Phật không đòi hỏi bất cứ loại dụng cụ hoặc sự viện trợ nào từ bên ngoài. Nó có thể đối phó thành công với cả hai thứ, vật chất và tinh thần. Xử dụng tâm thức của chính bản thân cho mục đích phân tách, bằng cách tập trung vào tất cả các hoạt động của thể chất lẫn tinh thần khi chúng xảy ra nơi bản thân. Bằng cách tiếp tục lặp đi lặp lại dạng thực tập này, có thể đạt được sự tập trung cần thiết, và khi sự tập trung trở nên mẫn nhuệ, tiến trình không gián đoạn của sự xuất hiện và biến mất của sự vật hay tâm ý đều có thể được cảm nhận một cách sinh động.
Con người duy nhất chỉ bao gồm rõ ràng trong hai nhóm thể chất và tinh thần. Thể chất rắn của cơ thể như hiện giờ thuộc về nhóm thể sắc. Theo liệt kê thông thường của hiện tượng vật chất, có tất cả là hai mươi tám loại trong nhóm này, nhưng tóm tắt có thể lưu ý rằng thân thể là một khối vật chất. Thí dụ, nó giống như một con búp-bê bằng đất sét hoặc lúa mì, nó chẳng là gì cả, chỉ là một bộ sưu tập của các hạt đất sét hoặc bột. Thể chất thay đổi hình dạng (ruppati) theo tình trạng vật lý nóng, lạnh, v…v… , và vì vậy sự thay đổi hình dạng này dưới tình trạng vật lý trái ngược, nó được gọi là rupa theo tiếng Pali. Nó chẳng sở hữu bất cứ giác quan hiểu biết nào về đối tượng.
Trong Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), các nguyên tố về thể chất và tinh thần được phân loại một cách tương ứng như “trạng thái với đối tượng” (sarammana-dhamma) và “trạng thái không đối tượng” (anarammana-dhamma). Yếu tố của tinh thần có đối tượng, nắm chặt đối tượng, và biết đối tượng, trong khi vật chất chẳng có đối tượng, chẳng cầm giữ đối tượng, và chẳng biết đối tượng. Như vậy trong Vi Diệu Pháp nó được trực tiếp ghi nhận rằng vật chất không có giác quan để biết đối tượng. Một thiền giả cũng có thể nhận biết được như vậy, rằng “vật chất không có giác quan để nhận biết”. Khúc cây và trụ cột, gạch, đá và đất là khối thể chất. Nó chẳng sở hữu bất cứ giác quan hiểu biết nào. Thể chất làm nên cơ thể cũng tương tự như vậy --- nó chẳng có bất cứ giác quan hiểu biết nào. Thể chất trong cơ thể người chết giống y như cơ thể người sống --- nó chẳng sở hữu bất cứ giác quan hiểu biết nào. Tuy nhiên, con người có tư tưởng rằng thể chất của người sống sở hữu giác quan hiểu biết về đối tượng và sẽ mất đi giác quan này khi chết. Điều này thực sự không phải vậy. Thực tế, thể chất không sở hữu bất cứ giác quan nhận biết đối tượng nào khi sống cũng như khi chết.
Vậy bây giờ cái gì nhận biết các đối tượng? Đấy là tâm thức, nó xuất hiện dựa vào thể chất. Trong tiếng Pali, nó được gọi là nama, bởi vì nó nghiêng về (namati) đối tượng. Tinh thần cũng được nhắc đến như là ý nghĩ hoặc ý thức. Tinh thần xuất hiện dựa vào thể chất: nương vào mắt, ý thức của mắt (cái thấy) xuất hiện; nương vào tai, ý thức của tai (cái nghe) xuất hiện; nương vào mũi, ý thức của mũi (cái ngửi) xuất hiện; nương vào lưỡi, ý thức của lưỡi (cái nếm) xuất hiện; nương vào thân thể, ý thức của thân thể (xúc chạm) xuất hiện. Có vô số loại xúc chạm, tốt hoặc xấu.
Trong khi lĩnh vực rộng lớn của sự xúc chạm chạy xuyên suốt theo chiều dài của cơ thể, bên trong và bên ngoài, cảm giác về cái thấy, nghe, ngửi và nếm xuất hiện trong khu vực của chúng --- mắt, tai, mũi và lưỡi --- mỗi giác quan chiếm một diện tích rất nhỏ nơi cơ thể. Những cảm giác xúc chạm, thấy, nghe, v…v… chẳng là gì cả, chỉ là những yếu tố tinh thần. Nơi đó tinh thần ý thức cũng xuất hiện --- ý nghĩ, ý tưởng, tưởng tượng, v…v… --- dựa vào nền tảng tâm thức. Tất cả những cái này đều là yếu tố của tinh thần. Tinh thần hiểu biết về một đối tượng, trong khi thể chất chẳng biết chi về đối tượng.
Thị giác
Con người thông thường tin tưởng rằng trong trường hợp của cái thấy, đó là con mắt thực sự nhìn thấy. Họ cho rằng cái thấy và mắt là một và giống y như nhau. Họ cũng nghĩ rằng: “Cái thấy là Tôi,” “Tôi nhìn thấy sự vật,” “Con mắt, cái thấy, và Tôi là một và là cùng thuộc một người”. Thực tế không phải như vậy. Con mắt là một vật và cái thấy là một vật khác, và không có thực thể riêng biệt như “Tôi” hoặc “tự ngã”. Duy nhất chỉ có thực tế của cái thấy xuất hiện nương tựa vào mắt.
Cho một tỉ dụ, nó giống như trường hợp của một người ngồi trong nhà. Căn nhà và con người là hai vật thể riêng biệt: căn nhà không phải là người, người không phải là căn nhà. Tương tự như vậy, cũng giống như lúc nhìn thấy. Con mắt và cái thấy là hai thứ riêng rẽ: con mắt không phải là cái thấy, cái thấy không phải là con mắt.
Một tỉ dụ khác, nó giống như trường hợp một người đang ở trong phòng, khi họ mở cửa, nhìn qua cửa sổ, họ thấy rất nhiều vật. Nếu như được hỏi, “Ai đang nhìn thấy? Cửa sổ hoặc là con người thực sự nhìn thấy?” Câu trả lời là, “Cửa sổ không sở hữu khả năng nhìn thấy; chỉ có con người mới nhìn thấy”. Nếu được hỏi lần nữa, “Con người có thể nào nhìn thấy mọi vật bên ngoài mà không cần cửa sổ?” Câu trả lời sẽ là, “Không thể nào xuyên qua tường nhìn thấy mọi vật bên ngoài nếu như không có cửa sổ. Con người chỉ có thể nhìn qua cửa sổ.” Tương tự như vậy, trong trường hợp của cái thấy, có hai thực tế của con mắt và cái thấy. Con mắt không nhìn thấy, cũng không phải là thấy con mắt, nhưng không thể có được hành động nhìn thấy nếu như không có con mắt. Thực tế, cái nhìn xuất hiện nương vào con mắt.
Trong mỗi giây phút của cái thấy, hiển nhiên nơi cơ thể chỉ có hai yếu tố rõ rệt là vật chất (con mắt) và tinh thần (cái thấy). Hơn nữa, còn có yếu tố thứ ba của vật chất --- đối tượng thị giác. Có lúc đối tượng thị giác được nhận thấy nơi thân và có lúc nó được ghi nhận ngoài thân thể. Thêm vào đối tượng thị giác còn có ba yếu tố, hai yếu tố (con mắt và đối tượng thị giác) thuộc về thể chất và cái thứ ba (cái thấy) thuộc phần tinh thần. Con mắt và đối tượng thị giác, thuộc về vật chất, chẳng sở hữu khả năng nhận biết đối tượng, trong khi cái thấy, thuộc về tinh thần, có thể nhận biết được đối tượng thị giác và nhận rõ nó như thế nào. Bây giờ trong khi nhìn thấy, rõ ràng duy nhất chỉ có hai yếu tố riêng biệt, vật chất và tinh thần, và sự xuất hiện của cặp yếu tố riêng biệt này được gọi là cái thấy.
Người không thực hành thiền định sâu sắc cho rằng cái thấy thuộc về “ngã,” “tự ngã,” “thực thể sinh động,” hoặc “con người”. Họ cho rằng “cái thấy là Tôi,” hoặc “Tôi là cái thấy,” hoặc “Tôi là cái biết.” Quan điểm hoặc sự tin tưởng này trong tiếng Pali được gọi là sakkaya-ditthi. Sakkaya nghĩa là một nhóm vật chất (rupa) và tinh thần (nama) hiện hữu một cách riêng biệt. Ditthi có nghĩa là quan điểm và sự tin tưởng sai lầm. Từ phối hợp sakkaya-ditthi có nghĩa là nơi tự thân có sự tin tưởng hoặc quan điểm sai lầm về hai yếu tố nama (tinh thần) và rupa (vật chất), không đúng với thực tế hiện hữu của chúng.
Để tỏ tường hơn, chúng ta giải thích rộng hơn về việc nắm giữ quan điểm, niềm tin sai lầm. Ngay giây phút nhìn thấy, sự vật thực sự hiện hữu là con mắt, đối tượng thị giác (cả hai là vật chất), và cái thấy (tinh thần). Nama (tinh thần) và rupa (vật chất) là thực tế, nhưng con người giữ quan điểm rằng nhóm yếu tố này là ngã, hoặc tự ngã, hoặc một thực thể sinh động. Họ cho rằng “cái thấy là Tôi,” hoặc “cái mà được nhìn thấy là Tôi,” hoặc “tôi nhìn thấy thân thể của tôi.” Như vậy quan điểm sai lầm này đã xem hành động đơn giản nhìn thấy là tự ngã, là sakkaya-ditthi, quan điểm sai lầm về ngã.
Khi một người chưa giải thoát khỏi quan điểm sai lầm về ngã, người đó không thể nào mong đợi thoát khỏi nguy cơ rơi xuống những cõi đau khổ như địa ngục, súc sinh, hoặc ngạ quỷ. Cho dù người ta có thể sống một cuộc sống hạnh phúc nơi cõi người hoặc cõi trời bằng phẩm hạnh và những nghiệp lành, tuy vậy họ vẫn có thể bị rơi xuống những trạng thái hiện hữu đau khổ hơn vào bất cứ lúc nào, một khi các nghiệp xấu ác phát khởi. Vì lý do này, đức Phật đã chỉ ra điều thiết yếu để con người thực tập và loại bỏ quan điểm sai lầm về ngã.
“Để một vị sa-môn tiến triển một cách có chánh niệm để loại bỏ quan điểm sai lầm về ngã”. (sakkaya-ditthippahañaya sato bhikkhu paribbaje).
Để giải thích: cho dù điều ước mong của mọi người là tránh khỏi lão, bịnh, tử, không một người nào có thể ngăn ngừa sự kiện này. Sau khi chết, tiếp theo là sự tái sinh. Sự tái sinh vào bất cứ trạng thái hiện hữu nào không dựa vào ước mong của chúng ta. Ta không có khả năng tránh khỏi sự tái sinh nơi cõi địa ngục, súc sinh, hoặc cõi ngạ quỷ chỉ bằng cách mong ước có một lối thoát. Sự tái sinh diễn ra ở bất cứ trạng thái hiện hữu nào tùy vào nghiệp của ta: ta chẳng có chọn lựa nào khác. Do đó, vòng sinh tử, samsara (vòng luân hồi), thực rất đáng sợ. Vì vậy ta cần tự thân nỗ lực làm quen với những điều kiện đau khổ trong vòng luân hồi, rồi tu tập để tìm ra lối thoát khỏi luân hồi, để đạt đến Niết Bàn.
Nếu như lối thoát khỏi luân hồi không thể hoàn tất ở hiện thời, ít ra việc cần nên làm là nên có một nỗ lực để thoát khỏi vòng tái sinh trong các cõi địa ngục, súc sinh và ngạ quỷ. Trong trường hợp này, điều thiết yếu là thực tập để loại bỏ hoàn toàn quan điểm sai lầm về vật chất và tinh thần (sakkaya-ditthi) nơi tự thân; nó là gốc rễ của sự tái sinh nơi các cõi đau khổ. Sakkaya-ditthi chỉ có thể bị hủy diệt hoàn toàn bằng con đường đạo quả: Ba phẩm hạnh xuất thế, giới, định và tuệ. Do đó điều bức thiết là thực tập để phát triển các phẩm hạnh này. Để thực hành ta phải làm thế nào? Bằng phương pháp ghi nhận hoặc quán sát, ta cần phải thoát khỏi thẩm quyền của nhiễm ô (kilesa). Ta cần phải thực hành bằng cách liên tục ghi nhận hoặc quán sát mỗi hành động của cái thấy, nghe, v..v… trong các quá trình cấu thành thể chất và tinh thần, cho đến khi thoát khỏi sakkaya-ditthi, quan điểm sai lầm về ngã.
Vì những lý do đó, phương cách này luôn được sử dụng cho việc thực tập thiền minh sát tuệ. Bây giờ các thiền giả đến đây với mục đích thực tập phương pháp thiền minh sát, có thể hoàn thành khóa thực tập và đạt được đạo trong thời gian rất nhanh. Quan điểm về cái tôi có thể bị tiêu diệt hoàn toàn và cuối cùng có thể an toàn vượt thoát nguy hiểm trong sự tái sinh ở các cõi địa ngục, súc vật và ngạ quỷ.
Trong lĩnh vực này, việc thực tập chỉ đơn giản là sự ghi chép hoặc quán sát tất cả các yếu tố hiện hữu ở mỗi lần nhìn thấy. Cần được ghi nhận là “thấy, thấy” trong mỗi trường hợp nhìn thấy. Bằng những từ “ghi chép” hoặc “quán sát” hoặc “chuyên tâm” có nghĩa là gìn giữ tâm thức chuyên chú vào một đối tượng với cái nhìn thực rõ ràng.
Sau khi chuyên tâm vào đối tượng, và cái thấy được ghi nhận là “thấy, thấy,” khi mà đối tượng bị nhìn thấy được ghi nhận, khi ý thức nhìn thấy được ghi nhận, có khi ở nơi con mắt, nơi mà ta nhìn thấy, được ghi nhận. Mục đích thành công là khi ta có thể ghi nhận một cách rõ ràng bất cứ một trong các điều được ghi nhận này. Nếu không, dựa vào cái thấy này sẽ xuất hiện sakkaya-ditthi, tại đây cái thấy sẽ ở trong dạng của một người hoặc cái gì đó thuộc về người ấy, như là sự trường tồn, thích thú, với cái tôi. Như vậy tại đây sẽ xuất hiện sự ô nhiễm của tham đắm, và rồi sẽ nhanh chóng tạo thành hành động, và sẽ mang lại sự tái sinh trong một kiếp sống mới. Như thế, tiến trình duyên khởi bắt đầu hoạt động và vòng tròn quái ác của luân hồi sẽ xoay vòng không ngừng nghỉ. Để ngăn chận sự xoay vòng của luân hồi từ gốc rễ của cái thấy, điều thiết yếu là ghi nhận “thấy, thấy” trong mỗi lần nhìn thấy.
Thính Giác
Cũng như vậy, trong trường hợp của thính giác, chỉ có hai yếu tố rõ rệt, vật chất và tinh thần. Thính giác xuất hiện nương vào tai. Trong khi cái tai và tiếng động là hai yếu tố vật chất, âm thanh lại là một yếu tố thuộc về tinh thần. Để hiểu biết rõ ràng bất cứ điều nào của hai loại vật chất và tinh thần, mỗi dịp nghe được thì ghi nhận “nghe, nghe.” Vì vậy, nên ghi nhận “ngửi, ngửi” khi ngửi, và “nếm, nếm” khi nếm.
Cảm xúc nơi thân cũng cần được ghi nhận y như vậy. Có một loại yếu tố vật chất như sự nhạy cảm của thân thể, nơi mà thân thể nhận được sự xúc chạm. Mỗi loại xúc chạm, dù dễ chịu hoặc khó chịu, thường chạm vào sự nhạy cảm nơi thân thể, và từ nơi thân ý thức xuất hiện, khi sự xúc chạm xuất hiện, nó liền cảm giác hoặc biết ngay được. Bấy giờ nó được xem là mỗi lúc có sự xúc chạm liền có hai yếu tố vật chất --- sự nhạy cảm nơi thân thể và đối tượng hữu hình --- và một yếu tố tinh thần --- biết rõ được sự xúc chạm.
Để biết được những điều này một cách rõ ràng vào mỗi giây phút xúc chạm, như khi ghi nhận “xúc chạm, xúc chạm”, thực tập sự ghi nhận ngay lúc ấy. Điều này chỉ đơn thuần là hình thức phổ biến của sự xúc chạm. Có những hình thức đặc biệt đi kèm với những cảm giác đau đớn hoặc khó chịu, như cảm giác cứng ngắc hoặc mệt mỏi của thân thể hay tứ chi, cảm giác nóng, đau đớn, tê rần, ê ẩm, v…v… Bởi vì cảm giác (vedana) chiếm ưu thế trong những trường hợp này, nó cần được ghi nhớ như “cảm giác nóng,” “cảm giác mệt mỏi,” “cảm giác đau đớn,” v…v…
Cũng cần nhắc lại rằng có vô số cảm giác xuất hiện từ sự xúc chạm nơi tay, chân, v…v…, và mỗi khi cúi xuống, co duỗi tay chân, hoặc di chuyển. Bởi vì tinh thần muốn di chuyển, co duỗi hoặc cúi xuống, các hoạt động thuộc về vật chất xuất hiện hàng loạt như di chuyển, co duỗi hoặc cúi xuống, v…v…. (Không thể ghi nhận những sự kiện này ngay từ đầu. Nó chỉ có thể được ghi nhận sau một thời gian có kinh nghiệm thực tập). Tất cả các hoạt động di chuyển, thay đổi, v…v… đều được phần tinh thần thực hiện. Khi ý chí tinh thần muốn co duỗi, liền xuất hiện hoàng loạt sự chuyển động nội tại nơi tay hoặc chân. Khi ý chí tinh thần muốn di động, liền xuất hiện hàng loạt sự chuyển động ngoại tại hoặc sự di chuyển tới, lui. Và ngay tại thời điểm đó người ta ghi nhận sự xuất hiện và sự biến mất rất nhanh của chúng sau đó.
Mỗi khi cúi xuống, co duỗi, hoặc những hoạt động khác, trước tiên xuất hiện hàng loạt những ý định, những giây phút thuộc về tinh thần, tạo thành hoặc gây ra hàng loạt những hoạt động thuộc về tay chân, như sự cứng rắn, cúi xuống, co duỗi, hoặc di chuyển tới lui. Các hoạt động này xuất hiện đối nghịch với những yếu tố vật chất khác, sự nhạy cảm nơi thân, và mỗi lần có sự xúc chạm giữa những hoạt động thuộc về vật chất và những phẩm chất nhạy cảm, ý thức về thân tức thời xuất hiện, nó cảm giác hoặc biết được cảm giác của sự xúc chạm. Do đó, rõ ràng rằng các hoạt động thuộc về vật chất là những yếu tố chiếm ưu thế trong những trường hợp này. Điều thiết yếu là ghi nhận các yếu tố chiếm ưu thế. Nếu không, chắc chắn quan điểm sai lầm sẽ xuất hiện, nó xem các hoạt động này như là “Tôi” --- “Tôi cúi xuống,” “Tôi co duỗi tay chân,” “đôi tay tôi,” hoặc “đôi chân tôi.” Thực tập việc ghi nhận này như “cúi xuống,” “co duỗi,” “di chuyển,” được thực hiện với mục đích loại bỏ những quan điểm sai lầm.
Tâm Thức
Dựa vào cơ sở tinh thần xuất hiện một loạt những hoạt động tinh thần, như suy nghĩ, tưởng tượng, v…v… hoặc nói tổng quát, một loạt hoạt động thuộc về tinh thần xuất hiện nương tựa vào thân thể. Thực tế, mỗi trường hợp là một kết hợp của tinh thần và vật chất, cơ sở tâm thức thuộc về vật chất, và sự suy nghĩ, tưởng tượng, v…v… thuộc về tinh thần. Để có thể ghi nhận được những gì thuộc về vật chất hoặc tinh thần một cách rõ ràng, chỉ cần ghi nhận trong mỗi trường hợp, “suy nghĩ,” “tưởng tượng,” v…v…
Sau khi thực tập với phương pháp được chỉ dẫn ở trên, có thể sự chú tâm được cải thiện. Ta ghi nhận rằng tâm thức không còn đi lang thang nữa nhưng dừng lại ở một đối tượng nhất định. Đồng thời, năng lực ghi nhận được phát triển một cách đáng kể. Mỗi lần ghi nhận, ta nhận thấy chỉ có hai tiến trình thuộc về vật chất và tinh thần: một sự phối hợp giữa đối tượng (vật chất) và trạng thái tinh thần (tinh thần), cả hai xuất hiện cùng một lúc.
Lại nữa, trong khi tiến hành xa hơn với thực tập về sự chiêm niệm, sau một thời gian, ta ghi nhận rằng chẳng có gì tồn tại thường hằng, mọi thứ đều trong trạng thái lưu động. Mỗi lần xuất hiện là những điều mới lạ. Mỗi thứ cần được ghi nhận khi nó xuất hiện. Bất cứ gì xuất hiện rồi biến mất ngay tức khắc, và rồi tức thời một cái khác xuất hiện. Lần nữa nó được ghi nhận và rồi nó biến mất. Như vậy, tiến trình xuất hiện và biến mất cứ tiếp tục, rõ ràng nó cho thấy rằng chẳng có gì thường hằng. Thế rồi ta hiểu được rằng “tất cả mọi vật không thường hằng” bởi vì ta nhận thấy chúng xuất hiện và tức thời biến mất. Đây là sự thấu hiểu sâu sắc về vô thường (aniccanupassana-ñana).
Và ta biết rằng “những gì xuất hiện và biến mất không có gì đáng để ham muốn”. Đây là sự thấu hiểu sáng suốt về khổ (dukkhanupassana-ñana). Lại nữa, ta thường kinh nghiệm vô số cảm giác đau đớn nơi thân, chẳng hạn như mệt mỏi, nóng bức, nhức mỏi, và mỗi lần ghi nhận những cảm giác này, ta thường cảm thấy thân thể là một tập hợp của đau khổ. Đây cũng là sự thấu hiểu sáng suốt về khổ.
Và mỗi lần ghi nhận, ta thấy rằng các yếu tố vật chất và tinh thần xuất hiện tùy vào bản chất tự nhiên và sự điều kiện hóa của chúng, chứ không tùy thuộc vào ước muốn của ta. Như thế ta thấy rằng “chúng là những yếu tố; chúng không thể bị cai trị; chúng không phải là một người hoặc một thực thể sống”. Đây là sự thấu hiểu sâu sắc về vô ngã (anattanupassana-ñana).
Khi hoàn thành những thấu hiểu sâu sắc về vô thường, khổ, và vô ngã, sự trưởng thành về đạo (magga-ñana) và quả (phala-ñana) xảy ra và ta đạt được Niết Bàn. Đạt được Niết Bàn là bước đầu, khi con người đạt giải thoát ra khỏi vòng tái sinh, thoát khỏi những cõi đau khổ. Vì vậy, mọi người cần phải nỗ lực để đạt được bước đầu, đạo và quả của vị nhập lưu, là sự đo lường tối thiểu chống lại sự tái sinh bất hạnh.
Thực Tập Của Người Sơ Học
Phương pháp thực sự của việc thi hành thiền minh sát đã được giải thích là ghi nhận, hoặc quán sát, hoặc chiêm niệm, những sự kiện xảy ra liên tục nơi thị giác, thính giác, v…v… tại các cánh cửa của sáu giác quan. Tuy nhiên, thực là khó cho một người sơ học theo dõi những sự kiện liên tục này khi chúng xảy ra, vì sự chú tâm (sati), thiền định (samadhi), và hiểu biết (ñana) vẫn còn yếu kém. Những giây phút nhìn thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và suy nghĩ xảy ra rất nhanh chóng. Dường như cái thấy xảy ra cùng lúc với cái nghe, và cái nghe xảy ra cùng lúc với cái thấy, thấy và nghe đồng thời xảy ra. Bởi vì chúng xảy ra quá nhanh, không thể nào phân rõ cái gì xảy ra trước và cái gì xảy ra sau.
Thực tế, thị giác không xảy ra cùng lúc với thính giác, hoặc thính giác xảy ra cùng lúc với thị giác. Những sự kiện như vậy chỉ có thể xảy ra từng cái một. Tuy vậy, một thiền giả mới bắt đầu thực tập và chưa phát triển đầy đủ chánh niệm, sự chú tâm và hiểu biết, sẽ không thể nào có khả năng quán sát tất cả những giây phút này một cách đơn độc khi chúng xuất hiện từng loạt. Vì vậy, người sơ cơ không cần phải theo dõi nhiều thứ. Người ấy chỉ cần bắt đầu việc quán sát với một vài thứ.
Thị giác và thính giác chỉ xảy ra khi sự chú tâm nằm ở đối tượng. Nếu ta không để ý đến quang cảnh hoặc âm thanh, ta có thể để thời gian trôi qua mà chẳng có giây phút nào ghi nhận được thị giác và thính giác khi chúng xuất hiện. Khứu giác hiếm khi xảy ra. Kinh nghiệm vị giác chỉ có thể xảy ra khi ta ăn. Trong trường hợp thấy, nghe, ngửi và nếm, thiền giả có thể ghi nhận chúng khi chúng xuất hiện. Tuy nhiên, những cảm xúc nơi thân luôn hiện hữu. Thường lúc nào chúng cũng hiện hữu một cách rõ rệt. Trong lúc ta ngồi, cảm giác tê cứng hoặc cảm giác khó chịu nơi thân rõ ràng được cảm nhận. Vì vậy sự chú tâm cần phải được hướng vào tư thế ngồi và nên ghi nhận như “ngồi, ngồi, ngồi.”
Ngồi
Ngồi là tư thế thẳng của cơ thể gồm một loạt hoạt động thể chất, do ý thức thúc đẩy gồm một loạt hoạt động thuộc về tinh thần. Nó giống như trường hợp một quả banh bằng nhựa được thổi phồng lên và có dạng tròn thông qua sự bành trướng của không khí ở bên trong. Tư thế ngồi tương tự như cơ thể được giữ trong tư thế thẳng, xuyên qua tiến trình liên tục của các hoạt động vật lý. Cơ thể này là một gánh nặng, do vậy cần đến một phần lớn năng lượng để giữ vững tư thế thẳng này. Con người thông thường phỏng đoán rằng cơ thể này được nâng lên và gìn giữ trong tư thế thẳng đứng bằng các thớ gân. Giả định này chính xác trong một ý nghĩa nào đó vì gân, máu, thịt và xương chỉ là phần vật chất. Yếu tố cứng để giữ cơ thể trong tư thế thẳng thuộc về nhóm vật chất và xuất hiện là gân, thịt, máu, v…v…, xuyên suốt cơ thể, giống như không khí trong quả banh nhựa.
Yếu tố cứng là yếu tố không khí, được gọi là vayo-dhatu. Cơ thể được giữ trong vị thế thẳng bằng yếu tố không khí ở dạng cứng, nó liên tục hiện hữu. Khi ngủ hoặc buồn ngủ, ta có thể ngã xuống vì sự cung cấp của phần vật chất mới trong dạng cứng bị cắt ngang. Trạng thái tinh thần trong khi rất buồn ngủ hoặc ngủ là bhavanga, “sự sống tiếp tục” hoặc dòng chảy của tiềm thức thụ động. Trong quá trình của bhavanga, các hoạt động tinh thần vắng mặt, và vì lý do này, cơ thể nằm yên trong khi ngủ hoặc khi rất buồn ngủ.
Trong khi thức, các hoạt động tinh thần liên tục xuất hiện mạnh mẽ và cảnh giác, bởi vì các hoạt động này yếu tố không khí xuất hiện hàng loạt dưới dạng cứng. Để biết sự thật này, điều quan trọng là ghi nhận tư thế của thân một cách chăm chú như “ngồi, ngồi, ngồi.” Điều này không có nghĩa là cảm giác cơ thể cứng ngắc cần phải tìm tòi và ghi nhận một cách đặc biệt. Sự chú tâm chỉ cần chăm chú vào nguyên dạng của tư thế ngồi, nghĩa là, phần dưới của cơ thể ở dạng cong và phần trên của cơ thể thẳng.
Có thể thấy rằng chỉ thực tập việc quán sát tư thế ngồi rất dễ dàng và không đòi hỏi nhiều sự cố gắng. Trong những trường hợp này, khí lực (viriya) ít nhưng sự chuyên tâm (samadhi) thì nhiều. Ta thường có cảm giác lười biếng và chẳng muốn tiếp tục ghi nhận “ngồi, ngồi, ngồi” liên tục trong một thời gian khá dài. Tính lười biếng thường xảy ra khi phải chuyên tâm quá sức và không có đủ khí lực. Đây chẳng là gì cả, chỉ là trạng thái lười biếng và mê mệt (thina-middha).
Cần phát triển thêm khí lực, và vì lý do này, cần phải gia tăng một số đối tượng để ghi nhận. Sau khi ghi nhận “ngồi,” sự chú ý cần được hướng đến một chỗ ở cơ thể nơi mà sự xúc chạm được cảm nhận và ghi nhớ như “xúc chạm.” Để phục vụ mục đích này, bất cứ chỗ nào nơi chân hoặc tay hoặc hông, nơi mà sự xúc chạm được cảm nhận một cách rõ ràng. Thí dụ, sau khi ghi nhận tư thế ngồi của cơ thể là “ngồi,” chỗ mà ta cảm giác được cần được ghi nhận là “xúc chạm.” Và việc ghi nhận cần được lặp đi lặp lại, thay phiên nhau xử dụng hai đối tượng tư thế ngồi và chỗ bị chạm đến, là “ngồi, chạm, ngồi, chạm, ngồi, chạm.”
Các từ “ghi nhận,” “quán sát” và “chiêm niệm” được sử dụng ở đây để hướng dẫn sự chuyên tâm vào một đối tượng. Thực tập chỉ đơn giản là ghi nhận hoặc quán sát hoặc chiêm niệm là “ngồi, chạm.” Những người đã từng kinh nghiệm trong việc thực tập thiền có thể thấy rằng cách thực hành này thực dễ bắt đầu, nhưng những ai lần đầu tiên chưa có bất cứ kinh nghiệm nào có thể thấy cách này thực sự rất khó khăn.
Lên – Xuống
Một dạng thực tập đơn giản và dễ dàng hơn cho người sơ cơ: Với mỗi hơi thở, nơi vùng bụng xuất hiện sự chuyển động phồng lên – xẹp xuống. Người mới học cần phải bắt đầu với thực tập ghi nhận sự chuyển động này. Sự chuyển động lên xuống này được ghi nhận dễ dàng bởi vì nó thô và vì vậy nó thích hợp hơn cho người sơ cơ. Như trong trường học nơi các bài học đơn giản được dễ dàng học thuộc, thực tập của thiền minh sát cũng như vậy. Người sơ học sẽ thấy dễ dàng để phát triển sự chiêm niệm và hiểu biết với sự thực tập đơn giản và dễ dàng.
Lần nữa, mục đích của thiền minh sát là bắt đầu thực tập bằng cách chiêm niệm các yếu tố nổi bật nơi cơ thể. Hai yếu tố tinh thần và vật chất, tinh thần thì tinh tế và kém nổi bật, trong khi vật chất thì thô và nổi bật hơn. Vì vậy, ngay từ đầu, trình tự thông thường của một thiền giả là bắt đầu thực tập bằng cách chiêm niệm các yếu tố vật chất.
Liên quan đến tính cụ thể, cái được đề cập ở đây bắt nguồn từ vật chất (upada-rupa), nó tinh tế và kém nổi bật, trong khi bốn yếu tố vật chất chánh (maha-bhuta-rupa) — đất, nước, lửa và không khí --- thô và nổi bật hơn. Vì vậy, không khí cần được ưu tiên theo thứ tự của đối tượng được chiêm niệm. Trong trường hợp phồng lên – xẹp xuống, yếu tố nổi bật là yếu tố không khí hoặc vayo-dhatu. Tiến trình cứng và các chuyển động nơi vùng bụng được ghi nhận trong khi chiêm nghiệm chẳng là gì cả, mà do các công năng của yếu tố không khí. Do đó, yếu tố không khí được ghi nhận ngay từ đầu.
Theo những lời chỉ dẫn trong Kinh Quán Niệm Xứ (Satipatthana Sutta), ta cần phải chú ý một cách tương ứng đến các hoạt động đi trong khi đi, các hoạt động đứng khi đứng, cũng như khi ngồi và khi nằm. Ta cần phải chú tâm đến các hoạt động của thân mỗi khi chúng xuất hiện. Về phương diện này, các bài bình luận ghi rằng ta cần phải chú tâm vào yếu tố không khí trước tiên, rồi mới đến ba yếu tố khác. Thực ra, tất cả bốn yếu tố chánh đều chi phối mọi hành động nơi thân, điều trọng yếu là nhận ra bất cứ yếu tố nào trong bốn yếu tố, hoặc là hai sự chuyển động phồng lên và xẹp xuống xảy ra một cách rõ ràng với mỗi hơi thở, và bắt đầu bằng sự ghi nhận các chuyển động này. Nhằm mục đích thông tin, một số tính năng cơ bản trong hệ thống thiền minh sát đã được giải thích như sau.
Phác Thảo Các Bài Thực Tập Cơ Bản
Khi chiêm niệm về sự phồng lên và xẹp xuống, thiền giả cần phải hướng tâm thức về vùng bụng. Sau đó thiền giả sẽ biết sự chuyển động hướng lên hoặc bụng đang phình ra khi hít vào, và sự chuyển động hướng xuống hoặc sự co thắt khi thở ra. Cần ghi nhận bằng tâm thức rằng “lên” khi sự chuyển động nằm ở trên và “xuống” khi sự chuyển động nằm ở dưới. Nếu tất cả các cử động này không được ghi nhận rõ ràng, chỉ cần giữ sự chú tâm nơi chúng, một hoặc hai tay cần được đặt lên bụng.
Thiền giả không cần phải thay đổi phương cách hít thở tự nhiên của mình. Thiền giả cũng không cần cố gắng thở chậm bằng cách giữ lại hơi thở, hoặc thở nhanh hoặc thở sâu. Nếu như thiền giả thay đổi dòng chảy hít thở tự nhiên của mình, thiền giả sẽ mệt mỏi rất nhanh. Vì vậy, thiền giả phải giữ mức độ tự nhiên của hơi thở và tiến hành với sự chiêm niệm về lên và xuống.
Khi sự phồng lên của bụng xuất hiện, tinh thần cần ghi nhận “lên”, và khi bụng xẹp xuống, tinh thần cần ghi nhận “xuống”. Ý niệm ghi nhận của những từ này không cần phải phát âm. Trong thiền minh sát, quan trọng là biết rõ đối tượng hơn là biết tên hay chữ của nó. Vì vậy, điều cần thiết cho thiền giả là nỗ lực để có chánh niệm về sự chuyển động lên và xuống, ngay từ khi nó bắt đầu cho đến nó khi kết thúc, như là các chuyển động này được nhìn thấy bằng cặp mắt vậy. Khi sự phồng lên xảy ra, tâm thức cần theo sát sự chuyển động này, như trong trường hợp một cục đá văng vào bức tường. Mỗi khi có sự chuyển động phồng lên là tâm thức liền biết ngay. Tương tự như vậy, mỗi khi có sự chuyển động xẹp xuống xảy ra là tâm thức liền biết ngay.
Khi không có đối tượng hiển hiện, thiền giả cần tiếp tục thực tập việc ghi nhận hai chuyển động này như “lên, xuống, lên, xuống, lên, xuống.” Vì vậy, trong khi bận rộn với thực tập này, có thể nhiều khi tâm thức đi lang thang. Khi sự tập trung yếu ớt, thực là khó khăn để điều khiển tâm thức. Dù tâm thức được hướng dẫn hướng đến sự chuyển động lên, xuống, tâm thức sẽ không trụ lại ở đây mà lang thang ở những nơi khác. Đừng để tâm thức này đi lang thang một mình. Khi nhận thấy tâm thức đi lang thang, nên ghi nhận ngay là “đi lang thang, lang thang, lang thang”. Khi ghi nhận được một hoặc hai lần thì tâm thức đi lang thang thường dừng lại, và việc thực tập ghi nhận “lên, xuống” của bụng được tiếp tục. Và rồi khi nhận thấy tâm thức đã đến một chỗ, cần ghi nhận “đến, đến, đến.” Rồi khi các chuyển động được ghi nhận rõ ràng, cần nhanh chóng quay về với thực tập “lên, xuống” của bụng.
Khi gặp một người trong trí tưởng tượng, cần được ghi nhận “gặp, gặp,” sau đó quay trở lại với thực tập thường ngày. Đôi khi thực ra chỉ là sự tưởng tượng khi ta nói chuyện với người trong trí tưởng, và cần được ghi nhận “nói, nói.” Mục đích thực sự là ghi nhận mỗi một hoạt động tinh thần khi nó xảy ra. Thí dụ, cần được ghi nhận là “suy nghĩ” ngay giây phút suy nghĩ, và “ phản ánh,” “kế hoạch,” “biết,” “tham dự,” “vui mừng,” cảm thấy lười biếng,” “cảm thấy vui vẻ,” “ghê tởm,” v…v…, tùy vào trường hợp khi mỗi hoạt động xảy ra. Sự chiêm niệm về các hoạt động tinh thần và ghi nhận chúng được gọi là cittanupassana, sự chiêm niệm về tâm thức.
Bởi vì con người chẳng có sự hiểu biết có ích nào về thiền minh sát, họ thường không ở vị trí biết rõ về trạng thái thực sự của tâm thức. Điều này tự nhiên làm cho họ có cái nhìn sai lầm, xem tâm thức là “người,” “ngã,” “thực thể sống.” Họ thường tin rằng “sự tưởng tượng là Tôi,” “Tôi là cái suy nghĩ,” “Tôi là kế hoạch,” “Tôi đang biết rõ,” v…v… Họ tin rằng có một thực thể sống đang hiện hữu hoặc một cái tôi đã từ tuổi thơ lớn dần đến trưởng thành. Thực tế, một thực thể sống như thế không từng hiện hữu, nhưng cái hiện hữu là tiến trình liên tục của các yếu tố tinh thần xảy ra từng cái một, mỗi lần một yếu tố xảy ra và liên tục không dừng. Thực tập về sự chiêm niệm được thi hành với mục đích khám phá ra bản thể chân thật của thân tâm phức tạp này.
Liên quan đến tâm thức và cách thức nó xuất hiện, đức Phật đã nói trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada - v.37)
Durangamam ekacaram
asariram guhasayam
ye cittam saññamessanti
mokkhanti marabandhana.
Đi xa, lang thang đơn độc,
Vô hình, và ẩn trong hang.
Những ai kiềm chế tâm thức
Chắc chắn thoát khỏi ràng buộc của Ma Vương.
Đi xa. Tâm thức thường lang thang đi xa. Trong khi cố gắng thực tập chiêm niệm trong phòng thiền, người hành thiền thường bắt gặp tâm thức mình đi lang thang đến các nơi xa xôi, thành thị, v..v… Người ấy cũng nhận thấy tâm thức mình có thể đi lang thang đến những nơi rất xa mà họ đã biết ngay giây phút đang suy nghĩ hoặc tưởng tượng. Sự thực này được khám phá với sự chiêm niệm.
Đơn độc. Tâm thức xuất hiện đơn độc, từng giây phút, tiếp nối nhau. Những ai không nhận thấy thực tế rằng tâm thức hiện hữu trong cuộc sống, họ không biết rằng các tâm thức mới luôn luôn xuất hiện ở từng giây phút. Họ nghĩ rằng cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ của quá khứ và hiện tại thuộc về họ và cùng là một thứ tâm thức, và rằng ba hoặc bốn hành động của cái thấy, nghe, xúc chạm, biết thường xảy ra cùng một lúc.
Những quan điểm này đều sai lầm. Thực tế, mỗi giây phút tâm thức xuất hiện và biến mất liên tiếp nhau, cái này rồi cái kia. Khi thực tập lâu dài sẽ nhận thấy được điểm này. Các trường hợp tưởng tượng và kế hoạc được nhận diện một cách rõ ràng. Sự tưởng tượng biến mất khi nó bị ghi nhận là “tưởng tượng, tưởng tượng,” và kế hoạch cũng biến mất khi nó bị ghi nhận “kế hoạch, kế hoạch.” Những giây phút xuất hiện, ghi nhận và biến mất hiển hiện như một tràng chuỗi hạt. Tâm thức trước đó không phải là tâm thức sau này. Mỗi cái đều riêng biệt. Những đặc điểm của thực tại được nhận diện tùy vào từng cá nhân, và với mục đích này ta có thể tiến hành sự thực tập chiêm niệm.
Vô hình. Tâm thức chẳng có thực chất, nó vô hình. Không dễ dàng phân biệt nó như trường hợp của vật chất. Trong trường hợp của vật chất, thân thể, đầu, tay và chân rất nổi bật và dễ dàng được ghi nhận. Nếu như hỏi việc gì xảy ra, việc ấy có thể được hiển thị và xử lý. Tuy nhiên, không dễ dàng để miêu tả tâm thức bởi vì nó chẳng có thực chất hoặc hình dạng. Vì lý do này, không thể nào thực hiện, phân tích các thử nghiệm về tâm thức.
Tuy vậy, ta có thể hiểu cặn kẽ tâm thức nếu nó được giải thích là cái mà biết được đối tượng. Để hiểu về tâm thức, điều cần thiết để chiêm niệm tâm thức ở mỗi giây phút khi nó xuất hiện. Khi sự chiêm niệm thuận tiện tiến xa, cách tiếp cận đối tượng của tâm thức được hiểu một cách rõ ràng. Nó hiển hiện trong mỗi giây phút của tâm thức, nó trực tiếp nhảy vọt về phía đối tượng. Sự chiêm niệm là quy định để hiểu rõ về bản chất chân thật của tâm thức.
Ẩn trong hang. Vì tâm thức hiện hữu nương tựa vào nền móng của tinh thần và các cánh cửa giác quan nơi thân thể, nó được xem như ẩn trong hang.
Những ai kiềm chế tâm thức chắc chắn thoát khỏi ràng buộc của Ma Vương. Tâm thức cần phải được chiêm niệm ở mỗi giây phút khi nó xuất hiện. Vậy tâm thức có thể bị điều khiển bằng sự chú tâm. Thành công trong việc điều khiển tâm thức, thiền giả đạt được sự tự do, thoát khỏi ràng buộc của Ma Vương, Thần Chết. Điều quan trọng là ghi nhận tâm thức ở mỗi giây phút khi nó xuất hiện. Khi nó bị ghi nhận, tâm thức liền biến mất. Thí dụ, bằng cách ghi nhận một hoặc hai lần “ý định, ý định,” ngay lúc bị ghi nhận, ý định liền tiêu mất. Sau đó cần quay về với thực tập ghi nhận thường lệ nơi bụng “lên, xuống, lên, xuống”.
Trong khi ta tiến hành với thực tập thường lệ, ta có thể cảm giác rằng ta muốn nuốt nước miếng. Cần ghi nhận là “muốn,” và khi ngậm nước miếng, “ngậm,” và khi nuốt, “nuốt,” theo trình tự nó xảy ra. Lý do để chiêm niệm trong trường hợp này là bởi vì quan điểm bền bỉ của cá nhân, “muốn nuốt là tôi,” “nuốt cũng là tôi.” Thực tế, “muốn nuốt” thuộc về tính chất tinh thần và không phải “tôi,” và “nuốt” thuộc về tính chất vật lý và cũng không phải “tôi.” Giây phút đó chỉ xuất hiện tính chất tinh thần và vật chất. Bằng cách chiêm niệm này, ta có thể hiểu rõ ràng tiến trình của thực tại. Cũng vậy, trong trường hợp khạc nhổ, nó cũng cần được ghi nhận như “muốn” khi ta muốn khạc nhổ, và “cúi xuống” khi cổ cúi xuống (cần làm một cách từ từ), như “nhìn, thấy” khi nhìn, và “khạc nhổ” khi khạc nhổ. Sau đó, tiếp tục quay về với thực tập thường lệ.
Bởi vì ngồi một lúc lâu, cơ thể sẽ có cảm giác khó chịu, tê cứng, nóng, v…v… Các cảm giác này cần được ghi nhận khi nó xảy ra. Tâm thức cần được chú tâm vào một chỗ và ghi nhận như “tê cứng, tê cứng” khi cảm thấy tê, và “nóng, nóng” khi cảm giác nóng, và “đau, đau” khi cảm thấy đau, “tê rần, tê rần” khi có cảm giác rần rần trên da, và “mệt, mệt” khi cảm thấy mệt mỏi. Những cảm giác khó chịu này là dukkha-vedana và sự chiêm niệm về các cảm giác này là vedananupassana, sự chiêm niệm về cảm giác.
Do thiếu kiến thức về các cảm giác này, nên tồn tại một quan điểm sai lầm về cá tính của tôi hoặc cái tôi, nghĩa là, “tôi cảm thấy tê cứng,” “tôi cảm thấy đau,” “tôi cảm thấy khỏe trước đó nhưng giờ tôi cảm thấy khó chịu,” theo cách có một cái tôi. Thực tế, các cảm giác khó chịu phát sinh vì những ấn tượng khó chịu nơi thân. Giống như ánh sáng của một bóng đèn có thể tiếp tục cháy sáng nếu có nguồn cung cấp năng lượng liên tục, và trong trường hợp của các cảm giác, nó xuất hiện mỗi lần mỗi mới khi tiếp xúc với các dấu ấn khó chịu.
Điều quan trọng là hiểu rõ những cảm giác này. Ngay từ lúc đầu ghi nhận “tê cứng, tê cứng,” “nóng, nóng,” “đau, đau,” ta có thể cảm thấy các cảm giác khó chịu đang dần tăng lên, và ta ghi nhận tâm thức xuất hiện ý muốn thay đổi tư thế. Tâm thức này cần được ghi nhận “muốn, muốn.” Sau đó cần quay về với cảm giác và ghi nhận “tê cứng, tê cứng” hoặc “nóng, nóng,” v…v… Nếu ta tiến hành bằng phương pháp này, với sự chiêm niệm và sự kiên nhẫn bền bỉ, cảm giác khó chịu sẽ biến mất.
Có một câu nói rằng, sự kiên nhẫn dẫn đến Niết Bàn. Rõ ràng câu nói này được áp dụng nhiều hơn trong trường hợp chiêm niệm. Cần rất nhiều kiên nhẫn trong sự chiêm niệm. Nếu một thiền giả không thể chịu đựng các cảm giác khó chịu với lòng kiên nhẫn, mà thường thay đổi tư thế trong khi chiêm niệm, vị ấy không thể đạt được sự tập trung. Không có sự tập trung thì chẳng có cơ hội đạt được sự thấu hiểu sâu sắc (vipassana-ñana), không có sự thấu hiểu sâu sắc, con đường đạo và quả Niết Bàn không thể nào đạt được.
Sự kiên nhẫn rất quan trọng trong việc chiêm niệm. Sự kiên nhẫn cần nhất để chịu đựng những cảm giác khó chịu nơi thân. Hầu như không có bất cứ trường hợp xáo trộn nào từ bên ngoài mà không cần đến sự thực tập kiên nhẫn. Có nghĩa là việc quán sát khantisamvara, hạnh nhẫn nhịn. Khi cảm giác khó chịu xuất hiện, tư thế tức thời không được thay đổi, mà cần ghi nhận liên tục “tê, tê,” “nóng, nóng,” v…v… Các cảm giác đau đớn là bình thường và nó sẽ biến mất. Trong trường hợp ta có sự tập trung mạnh mẽ, sẽ thấy rằng cảm giác đau đớn mãnh liệt sẽ biến mất khi ta nhẫn nại chịu đựng và ghi nhận nó. Sau khi cảm giác đau đớn tan biến, ta cần quay lại thực tập thường lệ ghi nhận nơi bụng “lên, xuống.”
Mặt khác, có thể cảm giác đau đớn hoặc khó chịu không tức thời biến mất kể cả khi ta ghi nhận nó với sức nhẫn nại cao tột. Trong trường hợp này, ta không còn cách nào khác là thay đổi tư thế. Dĩ nhiên, ta phải đầu hàng những lực lượng mạnh hơn. Khi sự chú tâm chưa được mạnh mẽ, các cảm giác đau đớn sẽ không biến mất nhanh chóng. Trong những trường hợp này, tâm thức lúc ấy thường xuất hiện ý muốn thay đổi tư thế, và ý định này cần được ghi nhận “muốn, muốn.” Sau đó, ta cần ghi nhận từng cử động “giở (tay/chân), giở” và tiến về phía trước.
Các hoạt động của thân thể cần được làm một cách chậm rãi, và những động tác chậm rãi cần được theo dõi và ghi nhận theo trình tự “giở, giở,” “di chuyển, di chuyển,” “xúc chạm , xúc chạm,” và khi để tay chân xuống, ghi nhận “để xuống, để xuống.” Nếu như chẳng còn gì để ghi nhận khi tiến trình thay đổi tư thế đã hoàn tất, quay về với thực tập thường lệ ghi nhận nơi bụng “lên, xuống”.
Trong quá trình này không có sự ngừng nghỉ hoặc dừng lại. Hành động trước đó được ghi nhận và hành động sau đó cần phải liên tục được ghi nhận. Tương tự như vậy, sự chú tâm trước và sau cần phải liên tục, và hành động nhận biết trước và sau cũng như vậy. Tương tự, sự chú tâm, tập trung và hiểu biết phát triển dần dần qua từng giai đoạn, và dựa vào sự phát triển hoàn toàn của chúng, giai đoạn cuối cùng của con đường đạo sẽ đạt được.
Trong thực tập thiền minh sát, điều quan trọng là bắt chước người đốt lửa. Trước khi có diêm quẹt, để đốt lửa, người ta cần phải liên tục cọ sát hai nhánh cây vào nhau và không được ngừng giữa chừng. Khi các nhánh cây trở nên nóng lên, cần phải nỗ lực hơn nữa, và phải liên tục cọ sát chúng vào nhau, không được ngừng. Chỉ khi nào ngọn lửa bắt đầu bén cháy, người ta mới có thể nghỉ ngơi. Tương tự như vậy, một thiền giả cần phải chăm chỉ thực tập, phải luôn ghi nhận không được dừng lại ở giữa hai hành động nối tiếp nhau, và sự tập trung trước và sau cũng cần được ghi nhận. Sau khi đã nhận biết các cảm giác đau đớn và ghi nhận chúng, bạn cần quay lại với sự thực tập bình thường bằng cách ghi nhận nơi bụng, “lên, xuống”.
Trong khi bận rộn với thực tập thường lệ, bạn có thể cảm thấy ngứa ngáy chỗ nào đó trên thân. Bạn phải hướng tâm thức đến nơi đó và ghi nhận “ngứa, ngứa.” Ngứa ngáy là một cảm giác rất khó chịu. Khi cảm giác ngứa xuất hiện, tâm thức liền muốn chà hoặc gãi. Tâm thức này cần được ghi nhận “muốn, muốn,” không gãi hay chà vào chỗ đó, nhưng phải ghi nhận cơn ngứa đó “ngứa, ngứa.” Khi ta bận rộn với sự chiêm niệm theo cách thức này, cái ngứa trong nhiều trường hợp sẽ tự biến mất và ta có thể quay về với thực tập thường lệ và ghi nhận “lên, xuống”.
Mặt khác, nếu như cơn ngứa không biến mất, nhưng cần phải chà hay gãi, nên đưa sự chú tâm về các giai đoạn tiếp nối cần được ghi nhận như “muốn, muốn.” Và tiếp tục ghi nhận “giở tay, giở tay” khi giơ tay lên, “chạm vào, chạm vào” khi bàn tay chạm vào nơi bị ngứa, “chà, chà” hoặc “gãi, gãi” khi bàn tay chà hay gãi vào chỗ ngứa, khi rút tay lại ghi nhận “rút tay, rút tay”, khi bàn tay chạm vào thân thể “chạm vào, chạm vào”, và sau đó cần tiếp tục sự chiêm niệm thường lệ như “lên, xuống”. Trong mỗi trường hợp cần thay đổi tư thế, sự chiêm niệm về các giai đoạn tiếp nối cần được thực hành và ghi nhận một cách cẩn thận và tương tự nhau.
Trong khi cẩn thận tiến hành sự chiêm niệm, ta có thể nhận thấy các cảm giác đau đớn hoặc khó chịu tự động xuất hiện nơi thân. Thông thường, con người thay đổi tư thế khi họ cảm thấy có chút mệt mỏi, khó chịu hoặc nóng mà không cần để ý đến các sự kiện này. Sự thay đổi tư thế được thi hành một cách lơ đễnh khi hạt giống đau đớn bắt đầu nẩy mầm. Và các cảm giác khó chịu xuất hiện rất rõ rệt. Vì lý do đã nói trên đây, như một quy định, các tư thế ẩn giấu các cảm giác đau đớn khỏi tầm nhìn. Thường người ta nghĩ rằng họ cảm thấy khỏe cả ngày lẫn đêm. Họ nghĩ rằng các cảm giác đau đớn chỉ xuất hiện vào thời điểm của một chứng bệnh nguy hiểm.
Thực tế hoàn toàn ngược lại với điều người ta nghĩ. Hãy thử xem một người có thể giữ tư thế ngồi trong thời gian bao lâu mà không di động hay thay đổi tư thế. Sau một lúc ngồi chừng năm hoặc mười phút, ta sẽ cảm thấy không thoải mái, và ta sẽ bắt đầu cảm thấy không thể chịu nổi sau mười lăm hoặc hai mươi phút. Rồi ta cảm thấy như bị cưỡng bách phải di động hoặc thay đổi tư thế bằng cách ngẩng hay cúi đầu, di động tay hoặc chân, hoặc lay động thân hình về phía trước hoặc phía sau. Vô số hành động thường xảy ra trong một thời gian ngắn, và con số sẽ trở nên to lớn nếu được đếm trong thời gian một ngày. Tuy vậy, không một ai nhận thức được yếu tố này bởi vì chẳng ai thèm chú ý đến nó.
Trong mỗi trường hợp đều có trình tự như thế, trong trường hợp của thiền giả, bạn phải luôn chú tâm đến các hành động của mình và tiến hành sự chiêm niệm, các thể nghiệm theo tính chất tự nhiên của nó được nhận diện một cách rõ ràng. Chúng hoàn toàn tự tiết lộ bản thân theo đúng với bản chất tự nhiên của chúng và bạn có thể quán sát cho đến khi nhận diện chúng đầy đủ.
Dù có cảm giác đau đớn xuất hiện, thiền giả vẫn tiếp tục ghi nhận. Thường thì bạn không nên cố gắng thay đổi tư thế hay cử động. Khi tâm thức muốn thay đổi xuất hiện, ta liền nhận diện nó và ghi nhận “muốn, muốn,” sau đó ta quay lại với cảm giác đau buốt và tiếp tục ghi nhận lấy nó. Bạn chỉ thay đổi tư thế hoặc cử động chỉ khi nào cơn đau đã quá sức chịu đựng. Trong trường hợp đó, ta cũng bắt đầu ghi nhận tâm thức muốn thay đổi, và tiến hành ghi nhận cẩn thận mỗi giai đoạn trong quá trình của các cử động. Đây là lý do tại sao các tư thế không thể nào ẩn giấu các cảm giác đau đớn. Thường người hành thiền nhận thấy cảm giác đau đớn lan dần từ nơi này, nơi kia hoặc cảm thấy nóng, đau buốt, ngứa ngáy, hoặc cả thân hình là một khối đau. Như vậy các cảm giác đau đớn quá mạnh mẽ cho nên các tư thế không thể ẩn giấu chúng.
Nếu bạn có ý thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng, trước tiên bạn cần ghi nhận ý định trong đầu như “ý định, ý định,” và tiến hành với việc an bài tay chân theo trình tự tiếp nối bằng cách ghi nhận “giở,” “cử động,” “co duỗi,” “chạm vào,” “ấn vào,” v…v… Khi thân thể nghiêng về phía trước, cần ghi nhận “nghiêng, nghiêng.” Trong khi đứng dậy, thân sẽ có cảm giác nhẹ nhỏm khi thực hiện hành động đứng dậy. Sự chú tâm cần được tập trung vào những yếu tố này và ghi nhận “đứng, đứng.” Động tác đứng dậy cần được thi hành một cách chậm rãi.
Trong quá trình thực tập quan trọng là thiền giả hành động một cách yếu ớt, chậm rãi trong tất cả mọi hoạt động, như một người yếu sức, bịnh hoạn. Có thể thí dụ đúng nhất ở đây là đứng lên như một người bị đau lưng kinh niên. Bệnh nhân luôn cần cẩn thận và cử động chạm rãi để tránh khỏi bị đau thêm. Cũng y như vậy, thiền giả cần phải cố gắng cử động chậm rãi trong tất cả mọi hành động. Cử động chậm chạp cần thiết để cho phép sự chú tâm, tập trung và hiểu biết bắt kịp nhau. Ta thường luôn sống một cách lơ đễnh và ta chỉ bắt đầu nghiêm túc thực tập để giữ chánh niệm nơi thân. Đây chỉ là khởi đầu, và chánh niệm, sự tập trung và hiểu biết chưa được gia tăng tốc độ trong khi tốc độ của tiến trình thân và tâm lại chuyển động quá nhanh. Vì vậy bắt buộc phải làm cho các tiến trình ở tốc độ nhanh chậm lại, để cho chánh niệm và sự hiểu biết có thể bắt kịp tốc độ. Như vậy, lúc nào các cử động chậm chạp cũng đều có thể được thực hiện theo mong muốn.
Hơn nữa, thiền giả nên cư xử như một người mù xuyên suốt thời gian thực tập. Một người chẳng có bất cứ hạn chế nào sẽ không nhìn cẩn thận vì họ nhìn mọi vật và mọi người một cách thờ ơ. Họ cũng chẳng có được trạng thái tinh thần vững chãi và tĩnh lặng. Mặt khác, người mù cư xử với thái độ điềm tĩnh bằng cách ngồi nghiêm chỉnh mắt nhìn xuống. Họ không nhìn hướng này hướng kia để nhìn vật hay người bởi vì họ mù và không thể nhìn thấy. Thái độ điềm tĩnh này rất đáng để noi theo. Thiền giả cần cư xử với thái độ tương tự trong khi thực tập sự chiêm niệm. Bạn không nên nhìn bất cứ nơi nào. Tâm thức của bạn chỉ hướng đến đối tượng mà bạn đang chiêm niệm. Trong tư thế ngồi, bạn phải chăm chú ghi nhận “lên, xuống.” Kể cả khi những việc lạ đang xảy ra gần đó, bạn cũng chẳng nhìn đến. Bạn đơn giản chỉ ghi nhận “thấy, thấy” và rồi tiếp tục với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống.” Thiền giả cần xem trọng thực tập này và thực hành nó một cách nghiêm chỉnh, cho đến độ bị nhìn lầm là người mù.
Trong lĩnh vực này một số nữ thiền giả được xem là có tư thế hoàn hảo. Họ cẩn thận thi hành thực tập này một cách nghiêm chỉnh tùy vào các lời chỉ dẫn. Thái độ của họ điềm tĩnh và họ luôn luôn chăm chú vào đối tượng của sự chiêm niệm. Họ chẳng nhìn tới nhìn lui. Khi họ đi, họ luôn luôn chăm chú vào những bước chân. Bước chân của họ nhẹ nhàng, bình thản và chậm rãi. Mỗi một thiền giả cần phải noi theo gương của họ.
Thiền giả cũng cần nên giống như người điếc. Thường thường, khi ta nghe một tiếng động, ta liền nhìn tới nhìn lui, nhìn về hướng phát ra tiếng động, hoặc ta hướng tới người đối diện đang nói chuyện với ta và trả lời họ. Ta không cư xử với thái độ chậm chạp. Ngược lại, người điếc cư xử với thái độ điềm tĩnh. Họ không để ý đến bất cứ tiếng động hay câu chuyện nào bởi vì họ không nghe được. Tương tự như vậy, thiền giả cần phải giữ thái độ giống y vậy, không để ý đến những câu chuyện phiếm, cũng không cố ý nghe bất cứ câu chuyện hoặc cuộc đối thoại nào. Nếu tình cờ nghe thấy tiếng động hoặc cuộc đối thoại, bạn cần phải ghi nhận tức khắc “nghe, nghe,” và rồi quay trở về với thực tập thường lệ và ghi nhận nơi bụng “lên, xuống.” Bạn cần tiến hành việc chiêm niệm một cách chăm chú, đến nỗi bị nhìn lầm là một người điếc.
Cần ghi nhớ rằng thiền giả chỉ quan tâm đến việc chăm chú thực tập sự chiêm niệm. Những gì nghe được hay thấy được đều không phải là việc đáng quan tâm. Kể cả khi chúng có vẻ thú vị hoặc kỳ lạ, bạn cũng chẳng nên để ý đến. Khi thấy bất cứ điều gì, bạn đều nên ngó lơ như thể chẳng thấy. Cũng vậy, bạn cần bỏ qua các tiếng nói hoặc tiếng động như là bạn chẳng nghe được gì. Khi cơ thể cử động, bạn cử động một cách yếu nớt và chậm rãi như thể đang bị bịnh và rất yếu sức.
Những Sự Thực Tập Khác:
Đi
Vì vậy, cần nhấn mạnh rằng khi đứng dậy cử động của cơ thể cần được thi hành một cách chậm rãi. Khi đã đứng dậy rồi, cần ghi nhận “đứng, đứng.” Nếu ta nhìn quanh, cần được ghi nhận “nhìn, nhìn”, và khi bước đi mỗi bước cần ghi nhận “bước phải, bước trái” hoặc “đi, đi.” Ở mỗi bước, sự chú tâm cần được hướng vào gót chân khi nó di chuyển từ điểm giở chân lên đến khi đặt chân xuống.
Trong khi đi với những bước nhanh hoặc đi dạo, việc ghi nhận từng phần của mỗi bước chân như “bước phải, bước trái” hoặc “đi, đi” cần được ghi nhớ. Trong trường hợp đi chậm, mỗi bước cần chia ra ba phần --- giở chân, bước tới và đặt chân xuống. Lần đầu thực tập , cần ghi nhận hai phần của mỗi bước: “giở chân” bằng cách chú tâm vào sự chuyển động của chân giở lên từ ban đầu đến lúc kết thúc, như “đặt chân xuống” bằng cách chú tâm vào cử động đặt chân từ ban đầu cho đến kết thúc. Như vậy thực tập bắt đầu với mỗi bước đầu tiên bằng cách ghi nhận như “giở chân, đặt chân” cho đến khi kết thúc.
Thông thường, khi bàn chân đặt xuống và được ghi nhận “đặt xuống,” chân kia bắt đầu giở lên để bắt đầu bước kế tiếp. Đừng để cho điều này xảy ra. Bước kế tiếp chỉ nên bắt đầu sau khi bước thứ nhất hoàn toàn kết thúc, như “giở chân, đặt chân” cho bước đầu tiên và “giở chân, đặt chân” cho bước thứ nhì. Sau hai hoặc ba ngày thi hành thực tập này sẽ trở nên dễ dàng, và rồi thiền giả chỉ cần thực tập bằng cách ghi nhận mỗi bước có ba phần “giở chân, di chuyển, đặt chân.” Hiện tại, thiền giả cần bắt đầu thực tập với ghi nhận “bước phải, bước trái,” hoặc “đi, đi” trong khi đi nhanh, và ghi nhận “giở chân, đặt chân” trong khi đi chậm.
Ngồi
Trong khi đi, ta có thể có ý muốn ngồi xuống. Ta nên ghi nhận “muốn.” Nếu ta chợt nhìn lên, ghi nhận “nhìn, thấy, nhìn, thấy” ; tiến về phía chỗ ngồi ghi nhận “giở chân, đặt chân” ; khi dừng lại ghi nhận “dừng, dừng.” Khi ngồi xuống cơ thể sẽ trở nên nặng nề và như bị trì xuống. Sự chú tâm cần được hướng vào những điểm này và ghi nhận “ngồi, ngồi, ngồi”. Sau khi ngồi xuống rồi, những cử động của chân tay được đưa về vị trí nhất định. Cần ghi nhận “cử động”, “cúi xuống”, “co duỗi”, v..v.. Nếu không có gì để làm và ta chỉ ngồi một cách yên lặng, ta cần quay về với thực tập thường lệ ghi nhận nơi bụng “lên, xuống”.
Nằm
Trong khi chiêm niệm ta có cảm giác đau đớn hoặc mệt mỏi hoặc nóng, ta cần phải ghi nhận những điều này và rồi quay về với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống.” Nếu ta cảm thấy buồn ngủ, ta có thể ghi nhận “buồn ngủ, buồn ngủ” và tiến hành ghi nhận tất cả các hành động trước khi nằm xuống: ghi nhận tư thế của chân và tay “giơ lên,” “ấn xuống,” “cử động,” “hỗ trợ”; khi thân thể nghiêng ghi nhận “nghiêng, nghiêng”; khi chân co duỗi ghi nhận “co duỗi, co duỗi”; và khi thân thể ngả xuống và nằm thẳng ghi nhận “nằm, nằm, nằm.”
Hành động nằm xuống tầm thường nhưng cũng quan trọng và không được xem thường. Mọi khả năng giác ngộ trong một thời gian ngắn đều có thể xảy ra. Trên đường phát triển toàn diện sự tập trung và hiểu biết, sự giác ngộ có thể đạt được trong thời gian hiện tại khi cúi xuống hoặc co duỗi. Ngài A-Nan đạt được quả vị A-la-Hán cũng ngay trong lúc ngài vừa đặt lưng xuống giường.
Vào đầu tháng thứ tư sau khi đức Phật nhập diệt, các vị tỳ khưu đã hội tụ và mở cuộc họp hội đồng đầu tiên để phân loại, kiểm tra, xác nhận và đọc lại tất cả những bài giảng của đức Phật. Khi ấy có năm trăm vị tỳ khưu được chọn ra để kết tập. Một trong những vị tỳ khưu, ngài A-Nan là sotapanna, một vị nhập lưu, trong khi bốn trăm chín mươi chín vị kia đều là A-la-hán,
Để được tham dự vào hội đồng như một vị A-la-hán cùng cấp bậc với những người khác, ngài A-Nan đã cố gắng tiếp tục thiền định một ngày trước khi đại hội kết tập bắt đầu. Đó là vào ngày thứ tư của tháng Savana (tháng tám) nhằm lúc trăng tàn. Ngài A-Nan tiến hành sự tập trung chánh niệm nơi thân và tiếp tục thiền hành cả đêm. Có lẽ nó cũng giống phương pháp ghi nhận “bước phải, bước trái” hoặc “đi, đi.” Ngài chăm chú chiêm niệm các tiến trình của tinh thần và vật chất trong mỗi bước đi cho đến khi trời sắp hừng đông vào ngày hôm sau, nhưng Ngài vẫn chưa đạt được quả A-la-hán.
Rồi Ngài A-Nan nghĩ rằng: “Ta đã cố gắng hết sức của mình. Đức Phật có nói: ‘A-Nan, ông sở hữu đầy đủ các sự hoàn thiện (paramis). Hãy tiến hành thực tập thiền định. Ông chắc chắn sẽ đạt được quả vị A-la-hán trong một ngày gần đây’. Ta đã hết sức cố gắng, nỗ lực của ta có thể so sánh với một trong những người thiền định giỏi nhất. Lý do gì mà ta vẫn thất bại?”
Và rồi Ngài nhớ lại: “À! Ta quá hăng hái duy nhất trong việc thiền hành. Đã bỏ quá nhiều sức lực mà không đủ sự tập trung, đây có lẽ là lý do cho trạng thái bồn chồn này. Nên ngừng việc thiền hành để thăng bằng lại năng lượng với sự tập trung và tiến hành việc chiêm niệm trong tư thế nằm.” Ngài A-Nan liên vào phòng của mình, ngồi xuống giường, và bắt đầu nằm xuống. Nghe rằng Ngài đạt được quả A-la-hán ngay khi vừa nằm xuống, hoặc đúng hơn là ngay giây phút chiêm niệm ghi nhận “nằm, nằm”.
Trong các bài bình luận, phương pháp đạt quả A-la-hán này được ghi chép lại như một sự kiện kỳ lạ, vì nó nằm ngoài bốn tư thế thông thường đứng, ngồi, nằm và đi. Ngay giây phút giác ngộ, tư thế của Ngài A-Nan không thể là tư thế đứng vì chân của Ngài đã rời mặt đất, cũng không phải tư thế ngồi vì thân thể của Ngài đã nghiêng về một phía, gần đụng gối nằm, tư thế cũng không hẳn là nằm vì đầu của Ngài chưa đụng vào gối và thân thể chưa nằm thẳng.
Ngài A-Nan là một vị nhập lưu và rồi Ngài đã phát triển ba giai đoạn cao hơn --- đạo quả Tư Đà Hàm (một lần trở lại), đạo quả A-Na-Hàm (không trở lại), và cuối cùng là đạt được đạo quả A-la-hán. Những việc này xảy ra chỉ trong một lúc. Vì vậy việc chăm sóc kỹ lưỡng rất cần thiết cho việc thực tập sự chiêm niệm, không có sự thư thả hoặc thiếu sót.
Trong khi nằm xuống, sự chiêm niệm cần được thi hành một cách cẩn trọng. Khi thiền giả cảm thấy buồn ngủ và muốn nằm xuống, cần ghi nhận “buồn ngủ, buồn ngủ,” “muốn, muốn”; khi giơ tay ghi nhận “giơ tay, giơ tay”; tay ấn xuống ghi nhận “ấn, ấn”; sau khi cơ thể nghiêng và ngả xuống ghi nhận “nằm, nằm.” Tư thế nằm xuống cần được thi hành một cách thật chậm rãi. Khi chạm vào gối cần ghi nhận “chạm vào, chạm vào.” Cơ thể có rất nhiều chỗ bị chạm vào nhưng mỗi lần chỉ cần ghi nhận một chỗ là được.
Tư thế nằm có rất nhiều động tác của cơ thể như động tác của tay chân. Những hành động này cần được ghi nhận cẩn thận như “giơ lên,” “co duỗi,” “cúi xuống,” “chuyển động,” v…v… Khi xoay người cần ghi nhận “xoay, xoay,” và khi không còn gì đặc biệt để ghi nhận, thiền giả cần tiến hành thực tập thường lệ ghi nhận nơi bụng “lên, xuống.” Trong khi ta nằm ngửa hoặc nghiêng, thường thì chẳng có gì đặc biệt để ghi nhận và ta quay lại thi hành thực tập thường lệ “lên, xuống”.
Có nhiều lúc tâm thức đi lang thang trong khi ta đang nằm. Tâm thức lang thang này cần được ghi nhận “đi, đi” khi nó đang lang thang, khi nó đến nơi, ghi nhận “đến, đến”, ghi nhận “kế hoạch,” “suy nghĩ,” v…v… ghi nhận bằng phương pháp giống nhau cho mỗi trạng thái như khi ta đang ngồi thiền. Các trạng thái tinh thần biến mất khi nó bị ghi nhận một hoặc hai lần. Cần tiếp tục quay về với thực tập thường lệ “lên, xuống”. Cũng có những lúc nuốt nước miếng hay khạc nhổ, có những cảm giác đau đớn, nóng, ngứa ngáy, v…v…, hoặc các động tác của thân đang thay đổi tư thế hoặc tứ chi đang chuyển động. Mỗi một cử động cần được chiêm niệm khi nó xảy ra. (Một khi sức tập trung được mạnh mẽ, có thể thực tập sự chiêm niệm về mỗi cử động mở hay đóng của mí mắt, và nháy mắt.) Sau đó, ta cần quay lại với thực tập thường lệ khi không còn gì khác để ghi nhận.
Ngủ
Dù trời đã khuya và đến giờ đi ngủ, không nên từ bỏ niệm và đi ngủ. Bất cứ người nào quan tâm đến thiền định cần phải sửa soạn để đối diện với nguy cơ nhiều đêm không ngủ.
Kinh sách nhấn mạnh sự cần thiết phát triển bốn phẩm chất năng lượng (caturanga-viriya) trong thực tập thiền định: “Trong cuộc đấu tranh khó khăn, ta có thể trở thành da bọc xương, chỉ còn xương và gân khi thịt và máu đã dần khô cạn, nhưng ta không từ bỏ nỗ lực của ta khi ta chưa đạt được mục đích bằng sự kiên trì, năng lượng và nỗ lực của con người”. Những chỉ dẫn này cần được thi hành với sự cương quyết. Nếu như có đủ sự tập trung mạnh mẽ, ta có thể không cần ngủ, nhưng nếu cơn buồn ngủ thắng thì ta sẽ muốn ngủ.
Khi ta buồn ngủ, ta có thể ghi nhận “buồn ngủ, buồn ngủ”; khi mí mắt bắt đầu nặng trĩu, ghi nhận “nặng, nặng”; khi cặp mắt cảm thấy bị lòa, ghi nhận “lòa, lòa.” Sau khi chiêm niệm theo phương pháp đã chỉ, ta có thể bớt buồn ngủ và cảm thấy khỏe khoắn trở lại. Cảm giác này cần được ghi nhận “cảm giác khỏe, cảm giác khỏe,” sau đó trở về với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống”. Tuy vậy, mặc dù có sự cương quyết, ta vẫn cảm thấy không thể thức được nếu ta rất buồn ngủ. Trong tư thế nằm, ta ngủ dễ dàng hơn. Như thế, thiền giả sơ cấp cần cố gắng gìn giữ tư thế ngồi và đi .
Tuy nhiên, trời càng về khuya, ta bắt buộc muốn nằm và tiến hành việc chiêm niệm ghi nhận sự lên xuống nơi bụng. Trong tư thế này thiền giả có thể sẽ ngủ gục. Trong khi ngủ, không thể nào tiếp tục việc chiêm niệm. Đây là thời gian nghỉ ngơi cho thiền giả. Một tiếng đồng hồ ngủ sẽ cho ta một tiếng thư thả, và nếu tiếp tục ngủ cho đến hai, ba hoặc bốn tiếng, ta sẽ được nghỉ ngơi lâu hơn, nhưng ta không nên ngủ hơn bốn tiếng, vì thông thường ngủ bốn tiếng là đã đủ.
Thiền giả cần bắt đầu chiêm niệm ngay từ phút giây thức dậy. Thiền giả luôn bận rộn chiêm niệm, ghi nhận trong suốt thời gian còn thức, đây là công việc thường xuyên mà thiền giả làm với sự hứng thú thực sự để đạt được đạo quả. Nếu như không thể có được giây phút thức tỉnh, ta cần phải bắt đầu với sự thực tập thường lệ ghi nhận nơi bụng “lên, xuống.” Nếu bắt đầu nhận thấy mình đang suy nghĩ, ta cần chiêm niệm ghi nhận “suy nghĩ, suy nghĩ” và rồi trở về với sự thực tập thường lệ ghi nhận sự “lên, xuống.” Nếu ta bắt đầu nghe tiếng nói hoặc tiếng động gì khác, ta phải bắt đầu ghi nhận “nghe, nghe” và rồi trở về với thực tập thường lệ. Khi thức dậy có thể có những động tác thân thể xoay hướng này hướng kia, tay chân cử động, v…v… Những cử động này cần được chiêm niệm theo trình tự tiếp nối.
Nếu ta nhận thấy trạng thái tinh thần đưa đến những hành động khác nhau nơi thân, ta bắt đầu chiêm niệm ghi nhận tâm thức. Nếu nhận thấy cảm giác đau đớn, ta bắt đầu ghi nhận những cảm giác đau đớn, và rồi tiếp tục ghi nhận những cử động nơi thân. Nếu ta giữ yên lặng và không động đậy, ghi nhận thực tập thường lệ “lên, xuống” cần được tiếp tục. Nếu ta có ý đứng dậy, cần ghi nhận “muốn, muốn” và rồi tiến hành ghi nhận những cử động theo trình tự bằng cách đưa tay chân đúng về vị trí. Cần ghi nhận “giơ lên, giơ lên” khi cơ thể đứng dậy, “ngồi, ngồi” khi cơ thể thẳng đứng và ở vị thế ngồi, và cần ghi nhận bất cứ cử động nào khi đưa tay chân về vị trí. Nếu không còn gì đặc biệt để ghi nhận, quay về với thực tập thường lệ ghi nhận sự “lên, xuống” nơi bụng.
Như vậy chúng ta đã nhắc đến các đối tượng cần được chiêm niệm có liên hệ với bốn tư thế và sự thay đổi từ tư thế này sang tư thế khác. Đây chỉ là một mô tả trong các phác thảo của các đối tượng chánh để chiêm niệm trong lúc thực tập. Tuy nhiên, khi bắt đầu thực tập, rất khó khăn để chiêm niệm theo dõi tất cả những đối tượng này. Có nhiều thứ bị bỏ sót, nhưng khi đạt đủ sức mạnh tập trung, việc theo dõi sẽ dễ dàng trong khi chiêm niệm, không những theo dõi được các đối tượng đã kể qua, mà còn có thể theo dõi nhiều hơn nữa. Với sự phát triển dần dần của tâm thức và sự tập trung, khoảng cách hiểu biết sẽ nhanh nhẹn hơn, do đó nhận thức được nhiều đối tượng hơn. Thật rất cần thiết để thực tập cho đến trình độ này.
Tẩy rửa và Ăn uống
Sự chiêm niệm cần được thi hành trong khi rửa mặt vào buổi sáng hoặc khi tắm. Thông thường, ta hành động nhanh chóng trong những giây phút này theo bản chất tự nhiên của hoạt động, sự chiêm niệm cần được thi hành khi có thể trong những trường hợp này. Khi với tay để cầm lấy gáo múc nước, cần ghi nhận “với, với”; khi cầm cái gáo ghi nhận “cầm, cầm”; khi nhúng gáo vào nước ghi nhận “nhúng, nhúng”; khi đưa gáo hướng về thân thể ghi nhận “đưa, đưa”; khi xối nước lên người hoặc lên mặt ghi nhận “xối, xối”; khi cảm thấy lạnh ghi nhận “lạnh, lạnh”; khi kỳ cọ ghi nhận “kỳ cọ, kỳ cọ,” v…v… Có rất nhiều hành động khác nhau nơi thân thể khi thay hoặc sửa soạn quần áo, sắp xếp giường hoặc “ra” (drap) trải giường, khi mở cửa, v…v… Những hành động này cần được chiêm niệm chi tiết theo trình tự.
Khi ăn cơm, sự chiêm niệm cần được bắt đầu vào lúc nhìn vào bàn ăn và ghi nhận “nhìn, nhìn”; khi tay với tới cái dĩa ghi nhận “với tới, với tới”; khi bàn tay chạm đến thức ăn ghi nhận “chạm, nóng, nóng”; khi thu nhận các món ăn ghi nhận “thu nhận, thu nhận”; khi gắp lấy thức ăn ghi nhận “gắp, gắp”; khi giơ tay đưa thức ăn ghi nhận “đưa, đưa”; khi cổ cúi xuống ghi nhận “cúi xuống, cúi xuống”; khi thức ăn được đưa vào miệng ghi nhận “đưa vào, đưa vào”; khi rút tay về ghi nhận “rút tay, rút tay”; khi bàn tay chạm vào dĩa ghi nhận “chạm vào, chạm vào”; khi cổ thẳng lại ghi nhận “thẳng, thẳng”; khi nhai thức ăn ghi nhận “nhai, nhai”; khi nếm thức ăn ghi nhận “nếm, nếm,” khi ta thích vị ấy ghi nhận “thích, thích”; khi ta cảm thấy hài lòng ghi nhận “hài lòng, hài lòng”’ khi nuốt ghi nhận “nuốt, nuốt.”
Đây là minh họa cho thói quen chiêm niệm mỗi khi ăn một phần thức ăn cho đến khi bữa ăn chấm dứt. Trong trường hợp quá khó khăn để theo dõi tất cả các hành động ngay khi bắt đầu thực tập. Ta sẽ bỏ sót khá nhiều. Tuy nhiên, thiền giả không nên ngại ngùng, mà phải tiếp tục cố gắng theo dõi bằng hết khả năng của mình. Khi thực tập dần dần tiến bộ, sẽ dễ dàng hơn để ghi nhận thêm nhiều đối tượng đã được nhắc đến ở đây.
Những chỉ dẫn cho thực tập chiêm niệm bây giờ coi như đã hoàn tất. Như chúng đã được giải thích chi tiết và trong chừng mức nào đó, sẽ chẳng dễ dàng gì để nhớ hết tất cả. Vì lợi ích của việc ghi nhớ dễ dàng, một bản tóm tắt ngắn những điểm quan trọng và thiết yếu được đưa ra.
Tóm Tắt Những Điểm Thiết Yếu
Trong khi đi, thiền giả chiêm niệm về hoạt động của mỗi bước chân. Trong khi ta đi nhanh, mỗi bước cần được ghi nhận một cách rõ rệt “bước phải, bước trái”. Tâm thức cần được chăm chú hướng vào gót chân chuyển động theo mỗi bước. Khi ta đi chậm rãi, mỗi bước cần được ghi nhận qua hai phần như “giở lên, để xuống.” Khi ta ngồi, thực tập chiêm niệm thường lệ cần được thi hành bằng cách ghi nhận sự chuyển động của bụng “lên, xuống, lên, xuống.” Bằng cách chiêm niệm tương tự ghi nhận sự chuyển động “lên, xuống, lên, xuống” cần được thi hành khi ta nằm xuống.
Trong khi chiêm niệm ghi nhận “lên, xuống,” đôi lúc tâm thức bỏ đi lang thang và ta không nên để nó tiếp tục đi lang thang nhưng cần ghi nhận nó tức thời. Khi tâm thức tưởng tượng, cần ghi nhận “tưởng tượng, tưởng tượng”; khi suy nghĩ ghi nhận “suy nghĩ, suy nghĩ”; khi tâm thức bước ra ngoài, ghi nhận “đi ra, đi ra”; khi tâm thức đến một chỗ, ghi nhận “đến, đến,” v…v… ghi nhận mỗi một sự kiện xảy ra, và rồi tiếp tục với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống”.
Khi có cảm giác mệt mỏi nơi tay, chân hoặc nơi thân, hoặc nóng, tê rần, đau hoặc ngứa ngáy, các cảm giác cần được theo dõi và ghi nhận tức thời như “mệt,” “nóng,” “tê rần,” “đau,” “ngứa,” v…v… tùy vào trường hợp. Sau đó quay về với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống.”
Khi có những động tác cúi xuống hoặc co duỗi tay chân, hoặc chuyển động cổ hoặc tứ chi hoặc người nghiêng về phía trước và phía sau, các cử động này theo thứ tự cần được theo dõi và ghi nhận theo trình tự. Sau đó, quay về với thực tập thường lệ ghi nhận “lên, xuống.”
Đây chỉ là bài tóm tắt. Bất cứ đối tượng nào cần được chiêm niệm trong quá trình thực tập đều được các thiền sư nhắc đến khi đưa ra những lời chỉ dẫn trong cuộc phỏng vấn hằng ngày với các thiền sinh.
Nếu ta tiến hành với phương pháp thực tập như chỉ dẫn, con số đối tượng sẽ tăng dần theo thời gian. Lúc đầu ta sẽ bỏ sót nhiều thứ vì tâm thức thường đi lang thang, vì chẳng có sự kiềm chế nào. Tuy nhiên, thiền giả không cần thất vọng về việc này. Sự khó khăn này ta thường gặp phải khi bắt đầu thực tập. Sau một thời gian, tâm thức có thể không còn trốn học đi chơi vì ta bắt được nó mỗi khi nó lang thang. Vì vậy tâm thức cần được chăm chú trụ vào đối tượng mà nó được hướng dẫn.
Khi bụng phồng lên tâm thức liền ghi nhận điều đó, và như vậy đối tượng và tâm thức trùng hợp nhau. Khi bụng xẹp xuống tâm thức liên ghi nhận điều này, và như vậy đối tượng và tâm thức trùng hợp nhau. Luôn luôn lúc nào cũng có một cặp, đối tượng và tâm thức nhận biết đối tượng, trong mỗi lần ghi nhận. Hai yếu tố này, đối tượng vật chất và tâm thức nhận biết, luôn xuất hiện từng cặp, và ngoài cặp này chẳng có bất cứ gì hiện hữu trong dạng của người hay ta. Thực tế này được nhận biết bởi từng cá nhân sau một thời gian thực tập.
Sự thực vật chất và tinh thần là hai vật khác nhau rõ rệt, chúng cần được nhận thức rõ ràng trong khi ghi nhận nơi bụng sự “lên, xuống.” Hai yếu tố vật chất và tinh thần được nối nhau từng cặp và trùng hợp xuất hiện, vì khi tiến trình vật chất xuất hiện và tiến trình tinh thần liền nhận biết nó. Tiến trình vật chất rời rạc xảy ra cùng lúc với tiến trình tinh thần nhận biết nó. Tương tự như vậy khi giơ lên, di chuyển, và đặt để vật gì: có những tiến trình tinh thần xuất hiện và biến mất cùng lúc với các tiến trình tinh thần nhận biết chúng. Vật chất xuất hiện và biến mất cùng lúc với tiến trình tinh thần nhận biết nó. Sự hiểu biết này đối với vật chất và tinh thần xuất hiện rời rạc được gọi là nama-rupa-pariccheda-ñana, tuệ phân biệt vật chất – tinh thần. Đây là giai đoạn sơ bộ về toàn bộ thực tập của sự hiểu biết sâu sắc. Giai đoạn sơ bộ này rất quan trọng và cần được phát triển với phương pháp thích hợp.
Tiếp tục thực hành sự chiêm niệm trong một thời gian, ta sẽ có được sự tiến bộ về chánh niệm và tập trung. Ở trình độ cao này bất cứ lúc nào ghi nhận ta sẽ nhận thấy mỗi tiến trình xuất hiện và biến mất ngay giây phút ấy. Tuy nhiên, với người không được chỉ dẫn thường cho rằng thân và tâm luôn ở trạng thái thường hằng xuyên suốt cuộc sống, rằng thân từ lúc nhỏ lớn lên và trưởng thành, tâm thức non trẻ ấy lớn dần và trưởng thành, và thân và tâm là một và là cùng một người. Thực tế không phải như vậy. Chẳng có gì là thường hằng cả. Mọi thứ hiện hữu trong một lúc rồi biến mất. Chẳng có gì tồn tại kể cả một cái nháy mắt. Các sự thay đổi xảy ra rất nhanh và nó cần được nhận biết ngay lúc ấy.
Trong khi chiêm niệm bằng cách ghi nhận “lên, xuống”, v…v…, ta nhận thấy các tiến trình này xuất hiện và rồi biến mất, cái này rồi cái kia tiếp nối nhau nhanh chóng. Khi nhận thấy rằng mọi thứ đều biến mất ngay tại điểm mà ta nhận diện nó, thiền giả biết rằng chẳng có gì thường hằng. Sự hiểu biết về bản chất vô thường của mọi vật là aniccanupassana-ñana, sự hiểu biết có chánh niệm về vô thường.
Thiền giả nhận biết rằng trạng thái của mọi vật luôn thay đổi và là phiền não, và không nên ham thích. Đây là dukkhanupassana-ñana, tuệ chiêm niệm về đau khổ. Khi đau khổ, có nhiều cảm giác đau đớn, thân và tâm phức tạp được xem như là rất nhiều đau khổ. Đây cũng là tuệ chiêm niệm về khổ.
Nhận thấy rằng các yếu tố vật chất và tinh thần không bao giờ đúng theo mong muốn của ta, nhưng chúng xuất hiện theo bản chất tự nhiên và sự điều kiện hóa của riêng chúng. Trong khi tham dự vào việc ghi nhận các tiến trình, thiền giả hiểu rằng tất cả các tiến trình này không thể bị điều khiển và chúng không phải là con người, hoặc một thực thể sống động hoặc một bản ngã. Đây là anattanupassana-ñana, tuệ chiêm niệm về vô ngã.
Khi ta phát triển hoàn toàn tuệ về vô thường, khổ và vô ngã, ta có thể đạt được Niết Bàn. Từ xa xưa, các vị Phật, A-la-hán và các vị thánh thiện (Ariyas) đã đạt được Niết Bàn qua phương pháp thiền minh sát. Đây là đại đạo, đạt đến Niết Bàn. Thiền Vipassana (minh sát tuệ) bao gồm bốn satipatthana, các áp dụng cho chánh niệm, và satipatthana thực sự là đường đưa đến Niết Bàn.
Các thiền giả áp dụng phương cách thực tập này cần nên nhớ rằng họ đang đi trên con đường mà các vị Phật, A-la-hán và các vị thánh thiện đã đi qua. Cơ hội này dành cho họ rõ ràng là vì parami (ba-la-mật), nghĩa là, những nỗ lực trước đó của họ trong việc tìm kiếm và mong muốn đạt đạo, cũng như những điều kiện chín muồi trong hiện tại. Họ cần phải vui mừng trong lòng vì có được cơ hội này. Họ cần phải an tâm rằng khi đi trên con đường này không dao động, họ sẽ đạt được kinh nghiệm cá nhân về sự tập trung và trí tuệ sẽ được phát triển cao tột, cũng như các vị Phật, A-la-hán và các vị thánh thiện đã đạt được. Họ sẽ phát triển trạng thái tinh khiết về sự tập trung mà trong cuộc sống trước đó họ chẳng bao giờ biết đến, và do đó họ hưởng thụ được các lạc thú trong sạch như là quả của sự tập trung cao độ.
Do đó các thiền giả cần quyết tâm tiến hành thực tập sự chiêm niệm với tín tâm, tin tưởng rằng nó chắc chắn sẽ đưa đến sự phát triển đạo quả thánh thiện và đạt đến Niết Bàn. Họ sẽ được giải thoát khỏi các quan điểm sai lầm về ngã và rời bỏ sự nghi ngờ tâm linh, và họ sẽ không còn trôi nổi trong vòng luân hồi, tái sinh vào những cõi địa ngục, súc sinh, và ngạ quỷ.
Nguyện cho tất cả các thiền giả nỗ lực được thành công.
(1) Đôi Điều Về Tác Giả
Hòa thượng Mahasi Sayadaw, U Sobhana Mathera, là một trong những vị thiền sư nổi tiếng thời hiện đại và là vị lãnh đạo trong sự hồi sinh thiền Vipassana thời hiện đại. Sinh trưởng gần thành phố Shwebo ở Miến Điện vào năm 1904, ngài được thọ giới sa-di vào năm mười hai tuổi, và nhận giới tỳ-khưu vào năm hai mươi tuổi. Ngài nhanh chóng thể hiện bản thân là một học giả về kinh điển Phật giáo, và vào năm thứ năm sau khi thọ giới tỳ-khưu, ngài giảng dạy kinh điển tại thiền viện ở Moulmein.
Sau khi thụ giới, vào năm thứ tám ngài rời Moulmein, tìm kiếm phương pháp hữu hiệu và rõ ràng về thực tập thiền định. Ở Thaton, ngài gặp được một vị thiền sư nổi tiếng, hòa thượng U Narada, cũng được gọi là Mingun Jetawun Sayadaw. Dưới sự hướng dẫn của hòa thượng Sayadaw, ngài đã thực tập và trải qua sự đào tạo chuyên sâu về thiền Vipassana (thiền minh sát tuệ).
Năm 1941, ngài trở lại quê quán và ở đây ngài giới thiệu việc thực tập thiền Vipassana có hệ thống. Vô số người, tu sĩ cũng như cư sĩ, bắt đầu thực tập và đạt được kết quả to tác dưới sự chỉ dẫn chu đáo của ngài.
Năm 1949, sau khi vị thủ tướng của Miến Điện, U Nu, và Ngài U Thwin, các thành viên của Hội đoàn Phật giáo Sasananuggaha, mời ngài Mahasi Sayadaw đến Rangoon để hướng dẫn việc thực tập thiền. Ngài nhận lời thỉnh cầu và ở lại
Dưới sự hướng dẫn của ngài, hàng ngàn người đã thực tập ở tại
Hòa thượng Mahasi Sayadaw cũng nhận được bằng vinh dự học thuật, Agga Mahapandita (Đại Thành Tựu giả) vào năm 1952. Trong Hội Đồng Phật Giáo lần thnày ứ sáu, ở tại Rangoon từ năm 1954 đến 1956, ngài thể hiện các nhiệm vụ của một người chuyên đặt câu hỏi (pucchaka), vai trò này được hòa thượng Mahakassapa thể hiện ở Hội Đồng Phật Giáo lần thứ nhất. Hòa thường Mahasi Sayadaw cũng là một thành viên của ủy ban điều hành, có quyền uy tối hậu, chịu trách nhiệm việc hệ thống hóa các văn bản đã được biên soạn tại Hội Đồng.
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
(Chuyển ngữ theo:
http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/mahasi/wheel370.html)
Tâm Lý Nóng Nảy
Paramahansa Yogananda
Paramahansa Yogananda (1893-1952), tên thật Mukunda Lal Ghosh, là một du già người Ấn. Ông đã mang những lời dạy vế Thiền và Kriya Yoga giới thiệu đến hàng triệu người phương Tây qua các sách của ông.
***
Trên đường phát triển triển tâm linh, làm chủ được cảm xúc, tránh trạng thái quá nhạy cảm, dễ nóng giận là điều rất quan trọng. Khi phân tích tâm lý nóng nảy, nhạy cảm này, người tu thấy rằng đó là kết quả của sự hiểu lầm, của mặc cảm tự ti hay của ngã mạn. Tính nhạy cảm, nóng nảy bộc lộ cho ta thấy một hệ thống thần kinh thiếu tự chủ. Khi ý nghĩ bị xúc phạm chạy qua đầu, thì lập tức các phản ứng chống trả lại nổi lên. Có người phản ứng bằng sự dỗi hờn, đau khổ ở bên trong, mà không tỏ dấu hiệu giận dữ ra ngoài. Kẻ lại biểu lộ tình cảm nóng giận qua sự thay đổi rõ ràng trên nét mặt, trong đôi mắt –và thường có những lời nói không êm tai đi kèm theo. Dù dưới hình thức nào, tính nhạy cảm, nóng nảy cũng làm chủ nhân của nó phải đau khổ, và tạo ra những xung đột gây đau khổ cho người khác nữa. Mục đích sống ở đời là phải luôn tạo ra sự bình an, dễ chịu cho mọi người. Ngay cả khi bị đối xử không tốt, có đủ lý do để phản ứng, ta cũng phải biết tự kiềm chế, làm chủ mình trong những trường hợp như thế.
Bản tánh tự nhiên của con người là nhạy cảm, nóng nảy. Và khi tình cảm không sáng suốt này làm chủ ta, ta sẽ đánh mất trí tuệ. Nếu lúc đó có sai quấy, ta vẩn thấy mình suy nghĩ đúng, hành động đúng, cảm xúc đúng. Chỉ khi nào sự u mê đó không còn, thì ta mới có thể phán đoán đúng điểm mạnh, điểm yếu của mình cũng như của người một cách trung thực chứ không qua con mắt của thành kiến, chấp ngã.
Nhiều người lầm nghĩ rằng khi bị chỉ trích, phê bình, họ phải tự bào chữa, biện hộ, và làm như thế họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Những người như thế giống như các con nghiện, mỗi lần đụng đến thuốc, họ lại sa đà theo thói quen của mình. Phải cứng rắn chống lại sự nhạy cảm, nóng nảy. Không được quá dễ cảm xúc, quá tự ái.
Một người quá nóng nảy, tự ái chỉ đau khổ một cách vô ích: vì thường không ai biết là người ấy đang đau khổ, nói gì đến lý do đau khổ. Điều này càng khiến người đó đau khổ thêm trong cái vỏ ốc cô độc của mình. Cũng không ích lợi gì để ngồi ‘tái diễn’ lại những sự xúc phạm trong đầu, khiến ta thêm đau khổ. Tốt hơn hết là ta buông bỏ nó bằng cách làm chủ các nguyên nhân gây ra sự nhạy cảm, nóng nảy đó.
Lúc còn trẻ, tôi là người rất nhạy cảm, tự ái; do đó hay chuốc lấy đau khổ cho bản thân. Vì biết tánh tôi như thế, bạn bè lại cố tình chọc nghẹo, và họ rất lấy làm thích thú khi tôi nổi khùng. Lúc đó, chính tôi tự phá đi sự bình an của mình. Tôi đau khổ không hoàn toàn do người khác gây ra, mà chính là do tôi quá nhạy cảm với lời nói của người khác. Tôi khám phá ra rằng, tôi càng cãi với những người làm tôi tức giận, họ càng lấy làm thích thú. Cuối cùng tôi quyết định không để ai khuấy phá sự bình an của mình. Tôi để mặc họ muốn ‘chỉ trích, phê bình’ bao nhiêu cũng được. Tôi không màng tới, như thể là tôi không có mặt ở đó, hay không nghe, không thấy gì. Chẳng bao lâu sau, họ cũng hết hứng thú chọc phá tôi, rồi dần dần họ trở thành bạn bè tốt của tôi. Đòi hỏi người khác phải kính trọng, tử tế với mình là vô ích. Cần phải tỏ ra xứng đáng được như thế. Nếu bạn tôn trọng, tử tế, lịch sự với người khác một cách chân thật, thì họ cũng tôn trọng, lịch sự, tử tế lại với bạn như thế. Đừng bẻ quặt, bóp méo ý tốt của người khi họ góp ý xây dựng với ta, vì tánh quá nhạy cảm của mình. Nhất là đối với những người ở vị trí lãnh đạo tâm linh hay trong đời thường, vì họ có thể thấy những điều bạn không thể thấy. Hãy lễ phép và lịch sự; nhưng nếu cảm thấy nóng giận thì lập tức làm chủ tình cảm thiếu lý trí đó, làm chủ mình.
Với tất cả tấm lòng, tôi tập không bao giờ để mình bị nóng giận nữa. Tôi cảm thấy tự tại, an bình với chính mình. Chính vì bạn không thấy an ổn với bản thân, nên bạn trở nên nhạy cảm, dễ giận. Đó là thái độ của hạng phàm phu. Trái lại, người có bản lĩnh luôn tha thứ người khác dù họ có bị xúc phạm, bị đau đớn đến thế nào. Đó mới là cách sống đúng. Đừng chờ đợi đến ngày mai, hãy thực hành cách sống đó ngay hôm nay.
Lúc nào cũng phải làm chủ các cảm xúc của mình. Để ngọn lửa nóng giận lan vào tim, ấp ủ nó ở đó, rồi nó sẽ thiêu đốt đời sống nội tâm ta. Người khôn ngoan sẽ biết kiềm chế cảm xúc của mình, biết rằng chúng chính là ma vương chực chờ phá hoại sự an bình của tâm. Tánh nóng nảy là một thói quen nguy hiểm, nó có thể làm chủ cuộc đời ta, tước đoạt hạnh phúc của ta.
Có một sự khác biệt giữa tâm lý nhạy cảm và nhạy cảm tâm linh. Người có một đời sống tâm linh nhạy cảm sẽ biết kiểm soát tình cảm của bản thân, biết rõ tình cảm người khác, nhưng họ không để những phản ứng tâm sinh lý làm họ dao động –giống như vết dầu có thể ở trên mặt nước mà không tan lẫn vào nước. Trong khi tâm lý nhạy cảm giống như bóng ma luôn ám ảnh bạn. Nó hành hạ tinh thần bạn, khiến bạn nghĩ rằng tất cả thế giới này là kẻ thù của bạn. Những người quá nhạy cảm thường đổ lỗi cho người khác làm họ đau khổ, trong khi họ phải hiểu rằng chính họ tự gây ra vết thương cho bản thân. Tốt nhất là tự trách mình vì tính quá nhạy cảm, nóng nảy, hơn là giận dỗi người khác.
Không nên tỏ thái độ giận dữ trước ai. Phải âm thầm sửa đổi mình. Nếu cần, hãy lánh đi chỗ khác, tránh xa người khác cho đến khi cơn sốt nóng nảy dịu đi. Hãy nhớ rằng gương mặt ta là tấm gương phản ảnh nội tâm ta. Hãy để tấm gương đó phản chiếu sự an bình trong tâm hồn ta.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trích dịch theo The Psychology of Touchiness, Yoga International)
Phần 2
Quan Điểm Của Phật Giáo Về Các Vấn Đề Xã Hội
Thái Độ Của Người Phật Tử Đối Với Của Cải Vật Chất
Rajah Kuruppu
Rajah Kuruppu, Chủ Tịch Hội Những Người Phụng Sự Đức Phật (Servants of Buddha Society), Chủ nhiệm Ban Biên Tập tạp chí The Vesak Sirisara.
Ông sinh ra trong một gia đình danh vọng và giàu có. Cha ông là Bộ Trưởng Chính Phủ Địa Phương và Văn Hoá. Bản thân ông cũng đã giữ những chức vụ như Thư Ký Chính Phủ, Bộ Khai Triển Kế Hoạch và Đầu Tư. Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 60, ông dốc toàn thời gian và sức lực vào nhiều Phật sự, như là từ thiện và xây nhà cho người nghèo.
***
Người giàu có được coi là có đầy đủ hay dư thừa tài sản. Có nhiều loại tài sản như tiền bạc, hay kiến thức hoặc thông tin kinh tế, tâm linh. Tuy nhiên bài viết này chỉ đặt trọng tâm vào quan điểm của Phật giáo đối với của cải vật chất và kinh tế.
Mặc Cảm Tội Lỗi
Người Phật tử không nên có mặc cảm tội lỗi vì sinh ra trong gia đình giàu có, được thừa hưởng gia sản hay khi tích luỹ của cải vật chất. Những điều này cần được coi là quả của nhân thiện trong quá khứ. Luật nhân quả đóng một vai trò quan trọng trong triết lý của Phật đạo. Nhân thiện sẽ đưa đến kết quả lành và nhân bất thiện sẽ đem lại quả xấu ác. Do đó, được sanh vào gia đình giàu có là quả của nhân thiện trong những kiếp trước trong vòng sinh tử luân hồi. Được thừa hưởng gia tài và tích lũy được tài sản trong kiếp này cũng được coi là quả của hành động thiện lành trong chính kiếp sống này hay những kiếp quá khứ. Những hành động thiện lành như bố thí, rộng lượng sẽ đưa đến quả giàu có trong tương lai.
Sự Nghèo Khó
Nhiều tôn giáo cho rằng sống trong sự nghèo khó là được gần hơn với đấng thượng đế đầy quyền lực. Tuy nhiên, Phật giáo không chấp nhận việc có một đấng tối cao có toàn quyền định đoạt số phận của nhân loại. Đối với người Phật tử chỉ có Đức Phật, vị Thầy mà trời và người không thể so sánh với, là người có thể dìu dắt đệ tử của Ngài ra khỏi bản chất khổ đau của cuộc sống trong luân hồi. Hơn thế nữa, Phật giáo không lý tưởng hoá sự nghèo khó mà còn coi sự nghèo khó là nguồn gốc của tội ác và là chướng ngại của sự tiến bộ tâm linh. Nghèo khó là trái ngược với giàu có, và những ai phải chịu đói khổ, thiếu ăn khó thể có phương tiện, điều kiện để hướng tới sự phát triển tâm linh. Người Phật tử thường trải lòng từ bi đến những người phải bị nghèo đói và Đức Phật, chính Ngài cũng khuyên các vị vua chúa trong thời của Ngài hãy dùng mọi phương tiện để xoá bỏ đói nghèo. Có lần Đức Phật đã quán sát thấy một người đến nghe Pháp của Ngài đang bị cơn đói hành hạ, nên đã dạy đệ tử của Ngài trước tiên phải cho người đó ăn vì người ta không thể thâu nhận được giáo lý của Đức Phật khi họ đang đói.
Sự Tích Luỹ
Phật giáo không giới hạn mức độ của cải vật chất mà người ta có thể tích lũy được. Điều giới hạn duy nhất là của cải đó phải được tạo ra bằng những phương tiện chân chính, công bắng, không làm hại đến sự phát triển tâm linh của mình và lợi ích của người khác. Một yếu tố trong Bát Chánh Đạo của Đức Phật để giúp ta thoát khỏi những khổ đau trong luân hồi là chánh mạng. Khi kiếm sống, ta cần tránh những nghề nghiệp liên quan đến vũ khí; đến con người như là mua bán nô lệ, mua bán phụ nữ; cướp mạng sống của con người; chế tạo thuốc độc và những chất gây say. Ta cần phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện, không thể bị chê trách, kết tội. Trong Phật giáo, sự chủ tâm rất quan trọng. Đức Phật đã nói như sau: “Hỡi các tỷ kheo, ta coi sự chủ tâm, tư tâm sở là nghiệp (cetanaham Bhikkhave, kammam vadami)”. Khi đã có chủ tâm, người ta sẽ biểu hiện ra bằng hành động, lời nói hay ý nghĩ. “Nếu con người tạo ra của cải vì lòng tham muốn, hay để tỏ ra thành công hơn người khác, để trở nên trác táng, sống một cuộc đời quá hoang phí, vô tâm, thì đó là hành động bất thiện. Trái lại, nếu ta làm việc chăm chỉ hầu tích lũy tài sản để hoàn thành trách nhiệm với gia đình, thân quyến, bạn bè, mục đích thiện và để giúp những người cần được giúp đở thì những hành động đó được coi là thiện lành, đáng được tán thán”.
Một điển hình cho việc tích lũy tài sản một cách đúng đắn vì những mục tiêu đáng được tán thán trong thời của Đức Phật là ngài Anathapindika, một người giàu có nổi tiếng. Ngài tạo ra tài sản bằng sức lực của mình để hoàn thành các trách nhiệm và để ủng hộ những mục tiêu xứng đáng, mà nổi tiếng nhất là giúp đở Đức Phật trong việc hoằng dương chánh pháp.
Chất Chứa Và Bám Víu
Sự chất chứa và bám víu vào của cải, dầu đã được kiếm bằng những phương tiện đúng đắn, cũng tạo ra nghiệp ác. Sự chất chứa và bám víu vào tài sản là chướng ngại đối với việc thanh tịnh hoá tâm, để đưa đến việc đạt được mục tiêu cuối cùng của người Phật tử là Niết bàn. Hơn thế nữa, việc chất chứa và bám víu không giúp ta có được hạnh phúc, an bình trong chính kiếp sống này vì của cải vật chất đó không được sử dụng để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác.
Một trong những người giàu nhất trên thế giới trong những năm cuối dưới thời thực dân Anh ở Ấn Độ là Nizam của Hyderabad. Ông ta bỏn xẻn đến nỗi hút cả những mẫu thuốc lá còn thừa lại của khách. Khi bác sĩ đến nhà để đo điện tâm đồ (E.C.G) cho ông, thì máy đo không thể hoạt động. Cuối cùng bác sĩ khám phá ra rằng để tiết kiệm điện, ông ta đã giảm cường độ điện trong nhà, đến nỗi không chiếc máy điện nào có thể hoạt động trong ngôi nhà đó. Phòng ngủ của gia đình Nizam thì giống như một căn lều trong khu ổ chuột với giường gối tả tơi, vài ba chiếc ghế, mấy gạt tàn thuốc tràn đầy những mẫu thuốc lá thừa và những chiếc giỏ rác. Sự kiện này đã được ghi lại trong quyển sách nổi tiếng, Freedom At Midnight (Tự Do Lúc Nửa Đêm), thiên sử về sự đấu tranh dành độc lập của dân Ấn Độ, do các tác giả Larry Collins và Dominique Lapierre thực hiện.
Hoàng đế Pasenadi, nước Kosala, có lần đã bạch với Đức Phật rằng ông đã đến Kho Bạc Nhà Nước để thừa nhận tài sản của một người rất giàu có, chết đi mà không có người thừa hưởng gia tài. Người này khi còn sống, dù rất giàu có, đã sống rất khổ sở, thiếu thốn. Đức Phật đã giải thích rằng trong một tiền kiếp, người này đã bố thí rộng rãi, nhưng sau đó lại hối hận, nên đã tạo ra nghiệp ác. Do hành động thiện là bố thí, nên ông có thể tích luỹ được tài sản nhưng lại không có ý muốn sử dụng nó cho lợi ích của bản thân hay cho người khác vì hành động bất thiện của việc tiếc nuối, hối hận vì đã bố thí. Sự giàu có như thế đã được so sánh với một hồ nước trong lành, mát mẻ, sạch sẻ nhưng ở trong một khu rừng thâm sâu hiểm hóc. Người ta khó thể đến được hồ nước vì lẽ đó. Cũng thế là việc có của cải, tài sản nhưng không có ý muốn dùng nó để đem lại lợi ích cho bản thân và cho người khác.
Người Xuất Gia & Người Tại Gia
Đức Phật đã tạo ra những giới luật khác nhau cho người xuất gia và tại gia. Người xuất gia đã từ bỏ thế giới vật chất và đời sống thế tục để dốc toàn lực và thời gian của họ vào việc phát triển tâm linh và đem lại lợi ích cho xã hội. Họ không được tự do tạo ra của cải. Tài sản riêng của họ phải giới hạn đến mức tối thiểu trong thực phẩm, y áo, thuốc men và chỗ trú ngụ. Một vị tu sĩ có thể nhận những phẩm vật khác cho Tăng đoàn, nhưng nếu cá nhân người ấy có nhiều vật sở hữu riêng, thì điều đó phản ảnh sự tham đắm và bám víu, không đúng với giới luật của người tu. Những giới hạn về việc tạo ra tài sản cá nhân như thế không áp dụng đối với người tại gia. Người cư sĩ cần có nghề nghiệp để hỗ trợ gia đình và bản thân. Có người bằng lòng với việc sở hữu một tài sản khiêm tốn, nhưng cũng có người dựa vào nhiều tài sản vật chất hơn. Đối với Phật giáo, nếu người cư sĩ tạo ra của cải bằng phương tiện chân chính, để sử dụng cho mục đích thiện lành thì không bị lên án. Phật giáo cũng có quan điểm tương tự về quan hệ tình dục. Tu sĩ không được có quan hệ tình dục nhưng người cư sĩ thì được phép, miễn là hành động đó không làm hại đến người khác và tuân theo luật lệ hôn nhân gia đình.
Các Giới Hạn
Người khôn ngoan phải biết giới hạn của đồng tiền. Dầu có người nói rằng tiền mua được tất cả, nhưng suy nghĩ như thế thì thật là nông cạn. Ngay chính một nhu cầu đơn giản thường nhật như một giấc ngủ ngon, tiền cũng không mua được. Nhiều người sống trong những ngôi nhà cao sang, với bao tiện nghi dành cho sự ngủ nghỉ, nhưng họ cũng không thể ngủ ngon giấc dầu dùng cả đến thuốc ngủ. Ngược lại, có những người thật nghèo khổ, lại ngủ ngon lành dưới một gốc cây, đầu gối trên cánh tay. Hơn nữa, ta không thể dùng tiền bạc để xua đuổi tuổi già, bệnh tật và cái chết hay dùng tiền bạc để kéo dài tuổi thọ. Cũng đúng là tiền bạc có thể giúp ta giảm bớt phần nào cái khổ của tuổi già và bệnh tật. Thí dụ, của cải vật chất có thể giúp người già được thoải mái hơn, và khi bệnh tật, người giàu có thể tìm được những phương tiện chữa trị và tư vấn tốt hơn. Tuy nhiên, tuổi già, bệnh tật và cái chết không thể tránh được nhờ giàu có. Lúc chết, ta phải để lại phía sau tất cả tài sản, cũng như người thân yêu, bạn bè. Những lời dạy của Đức Phật liên quan đến vấn đề này được tìm thấy trong Trung Bộ Kinh vẫn còn nguyên giá trị: “Khi đã đến lúc chết, không ai, dầu là quyến thuộc hay bạn bè, có thể ngăn chặn điều này xảy ra. Của cải phải để lại cho người thừa tự, còn người chết chỉ có thể mang theo nghiệp của mình”. Không có của cải, tài sản nào có thể mang theo qua thế giới bên kia. Tiền bạc không có nghĩa lý gì sau khi chết. Cái có thể được chấp nhận trong cuộc hành trình vào tương lai trong luân hồi, sau khi chết chính là nghiệp của mình, cả thiện và ác nghiệp. Chỉ có những hành động thiện giúp được chúng ta trong kiếp lai sinh trong làn sóng dữ của luân hồi. Cả người giàu và nghèo, người khôn và kẻ dại đều phải đối mặt với những thăng trầm của cuộc sống –những thành bại, hạnh phúc và khổ đau. Kẻ dại thì vui mừng với sự thành công, đau khổ tràn đầy với thất bại. Nhưng người trí thì không để những biến cố này lay động họ, vì họ biết rằng đó là thế gian, và rằng tất cả đều vô thường. Do đó, trí tuệ vượt trội hơn tài sản vật chất vì nó giúp ta hạnh phúc, bình an trong tâm và trong cuộc sống. Dầu tiền bạc, của cải vật chất có thể là quan trọng khi chúng được sử dụng cho các mục đích cao cả, nhưng cũng không nên quá đề cao nó. Những giới hạn của nó đối với việc đạt được mục tiêu đi đến Niết bàn của người Phật tử cũng cần phải được xét đến. Dầu ta có thừa nhận rằng tiền bạc là vốn quý để cải thiện an sinh xã hội và tạo ra hoàn cảnh thuận tiện cho sự phát triển tâm linh, nhưng ta cũng cần phải nhớ rằng xét cho cùng, chính là sự trưởng thành về tâm linh và trí tuệ mới đưa ta đến việc đạt được Niết bàn.
Những Rủi Ro
Người trí cũng biết rõ về những rủi ro của việc giàu có. Người giàu có thường có khuynh hướng trở thành khoe khoang, đánh mất đức tính khiêm cung cao quý. Ngoài ra họ cũng có khuynh hướng phát triển tâm bám víu mạnh mẽ vào những quyền lợi mà sự giàu có mang đến cho họ như quyền lực, vị thế, được nể trọng và có thể hưởng thụ những tiện nghi vật chất. Hơn thế nữa, một phần tài sản của họ cũng có thể bị đổ vào các hành vi bất thiện, trái với giới luật của Đức Phật như là sử dụng chất gây say, các loại thuốc độc hại, tham gia vào các hoạt động tình dục không chính đáng và cờ bạc. Ý thức được những nhược điểm này của sự giàu có, người trí luôn giữ tâm tỉnh giác để đảm bảo rằng sự giàu có không đưa họ vào con đường bất thiện. Trái lại, họ sẽ sử dụng tài sản của mình cho những hoạt động thiện lành, hữu ích và hoằng dương chánh pháp để đem lại an ủi tâm linh cho người. Những lời dạy sau đây của Đức Phật được ghi lại trong kinh Pháp Cú đã làm rõ hơn vấn đề này. “Tiền bạc chỉ huỷ hoại kẻ ngu, chứ không phải người sống có mục đích”. Mục đích ở đây là Niết bàn hay là sự giải thoát khỏi những khổ đau của luân hồi sinh tử, mà ta có thể đạt được qua việc thực hành theo Bát Chánh Đạo của giới, định và tuệ. Người trí sẽ không lạc bước khỏi con đường này chỉ vì sự giàu có của mình, mà sẽ sử dụng tài sản cho sự phát triển tâm linh của bản thân và của người khác.
Sự Đo Lường Giá Trị
Điều quan trọng cần ghi nhớ là Phật giáo không đo lường giá trị của một cá nhân hay một quốc gia qua của cải vật chất. Phật giáo cũng không bài bác sự tích lũy tài sản, coi đó là một hành vi xấu xa. Phật giáo thực sự đo lường giá trị của tiền bạc qua những phương cách kiếm tiền và việc chúng được sử dụng cho mục đích gì. Tiền bạc, của cải vật chất kiếm được bằng những phương tiện chân chánh và được sử dụng cho những mục đích thiện lành sẽ thực sự có giá trị.
Lời Kết
Do đó, Phật giáo không kết án sự thừa kế, sự kiếm tiền và tích lũy tài sản của người cư sĩ. Nếu tài sản được kiếm bằng những phương tiện chân chánh, không làm hại đến người khác, và được dùng để hoàn thành các bổn phận, cho những mục đích thiện lành, và người sở hữu không chất chứa, bám víu vào những của cải đó, thì không có gì trái với đường lối sống theo Phật giáo. Điều quan trọng là người trí cần phải ý thức đến những hậu quả tai hại mà tiền bạc có thể đem đến, để cảnh giác, để đảm bảo là tài sản của mình không hướng đến những hoạt động xấu ác làm hại bản thân và người khác.
Thông thường sự giàu có dễ đưa đến những hậu quả bất thiện. Những lời dạy của Đức Phật với hoàng đế Pasenadi của Kosala được ghi lại trong Tương Ưng Bộ Kinh đáng để cho ta suy gẫm và khiến người giàu có phải cảnh giác. “Thưa Đại Vương, những người, có được tài sản lớn, mà không bị chúng làm say đắm, không bị dẫn dắt đến sự vô tâm và sự hưởng thụ vô ý thức gây tai hại cho người, rất hiếm hoi trên đời này”.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ theo Buddhist Attitude Toward Wealth, Nguồn: www.buddhisttimes.net/2010/03/01)
Tài Sản Là Phương Tiện Đưa Đến Hạnh Phúc
Tiến sĩ Mehm Tin Mon (Saddhamma Jotikadhaja)
Tiến sĩ Mehm Tin Mon, Cố vấn Ban Tôn Giáo Miến Điện. Ông sanh tại làng Kamawet, thị trấn Mudon, bang Mon, Miến Điện, năm 1934. Cha mẹ ông đều là những Phật tử thuần thành, sống bắng nghề nông. Thuở nhỏ ông học rất giỏi, được nhiều giải thưởng xuất sắc trong các ngành Vật Lý, Hoá học, Toán.
Năm 1957, ông được học bổng nhà nước để sang Mỹ học tại đại học Illinois. Năm 1960 ông lấy bắng Tiến sĩ Khoa học tại đây.
Ông là giảng viên và khoa trưởng của Khoa Hoá học ở nhiều đại học tại Miến Điện. Năm 1992 ông nghỉ hưu. Trong thời gian còn làm việc, ông quản lý Hội Phật giáo của Khoa Y, Hội Phật giáo Khoa Giáo dục và Hội Phật giáo của Đại học Mawlamyine, Miến Điện.
Tiến sĩ Tin Mon đã viết hơn 30 đầu sách về giáo dục và Phật giáo. Ông du hành khắp nơi trong nước (Miến Điện) để thuyết pháp và dạy các khoá học ngắn, chuyên sâu về Vi Diệu Pháp.
***
Vị thế của con người trong xã hội thường được đánh giá qua những của cải vật chất mà người đó đã tích luỹ được trong đời. Trong thời xưa cũng như thời nay, con người thường có quan niệm rằng tích luỹ của cải vật chất là mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của họ. Nhưng các triết gia như Aristotle đã cho rằng đó là một quan niệm rất hẹp hòi và sai lầm về đời sống của con người. Aristotle đã thiết lập một phương cách đo lường vật chất, qua đó tài sản được xếp hạng thấp nhất, so với các điều kiện của sức khỏe, tâm linh, và đạo đức. Quan điểm này cũng được thể hiện qua câu nói ta thường được nghe là: “Khi đánh mất tài sản, không có gì mất mát theo. Khi mất sức khỏe, chúng ta bị mất mát chút gì đó, và khi phẩm hạnh mất thì chúng ta mất tất cả”. Của cải vật chất mang đến cho chúng ta những thứ cần thiết để giúp ta sống, và vì chúng ta phải còn sống mới có thể sống một cuộc đời tốt đẹp, hữu ích, nên chúng ta không thể thiếu một số lượng của cái vật chất nào đó. Tuy nhiên, vì sống tốt đẹp khác xa với chỉ được sống, nên của cải vật chất không thể tự nó làm cho đời sống của chúng ta đáng sống. Aristotle đã phân biệt giữa hai phương cách tích luỹ, tạo ra tài sản. Phương cách thứ nhất là kiếm vừa đủ tiền để duy trì một gia đình tươm tất với nguồn cung cấp vừa phải, để có một cuộc sống thoải mái, tiện nghi vừa đủ. Phương cách kiếm tiền thứ hai là để tích luỹ tài sản chỉ vì tiền. Aristotle nhận thấy có nhiều người nghĩ rằng mục đích sống duy nhất của họ là để tích luỹ tiền của không giới hạn. Nguyên do khiến những người này có quan niệm như thế vì họ chỉ nghĩ đến việc sống, chứ không phải sống tốt đẹp, xứng đáng. Theo Aristotle, những người đó có thể thành công trong việc trở nên rất giàu có, nhưng họ có thể kết thúc cuộc đời mình mà không hiểu tại sao họ không được các vị hiền giả đánh giá là có một cuộc sống hạnh phúc, xứng đáng. Giống như Aristotle, Plato cũng quan niệm rằng người “bòn xẻn, chỉ mê đắm của cải vật chất” sẽ kết thúc trong khổ đau. Theo Plato, “Muốn sống thật cao đẹp, đồng thời giàu sang tột độ”, là điều khó thể có. Điều này cũng được nói đến trong Thánh kinh, “Người giàu khó vào cửa thiên đàng, cũng giống như con lạc đà khó chui qua lỗ kim”. (Mathew 19.23-24) Nhưng chúng ta không nên dựa vào những nhận xét này để cho rằng của cải vật chất, tài sản hay việc sở hữu chúng là sai trái. Cái sai là khi ta coi việc tạo ra của cải là mục đích cuối cùng, duy nhất trong đời để quá bám víu vào tài sản của mình. Chúng ta phải coi tài sản và việc sở hữu tài sản chỉ là phương tiện đưa đến hạnh phúc, chứ không phải là cứu cánh trong đời. Nhiều vị thầy tâm linh đã khẳng định rằng việc sở hữu một tài sản khổng lồ thường dẫn đến việc mù quáng trước những vấn đề đạo đức. Họ không cho rằng tiền bạc là gốc rễ của mọi tội lỗi; nhưng họ nhấn mạnh rằng việc ta quá tham đắm với tiền bạc sẽ đưa ta đến sự huỷ hoại đạo lý. Quá bám víu vào sự thành công vật chất sẽ đưa đến thất bại trong tâm linh. Đức Phật đã giải thích rõ ràng rằng lòng tham đắm tiến bạc hay của cải là biểu hiện của lobha (tham, mong cầu, chấp chặt), là gốc của tất cả mọi khổ. Đức Phật cũng đề ra phương cách đối trị được biết đến là Bát Chánh Đạo để hoàn toàn huỷ diệt lobha phát khởi trong tâm như một pháp đồng sanh. Khi tham dục được hoàn toàn huỷ diệt, bứng gốc khỏi tâm, thì tính cao thượng tột bậc và sự an bình dài lâu sẽ được thiết lập ngay trong kiếp sống này.
Ái Dục
Bị ái dục, một loại lobha, chế ngự, nhiều người chạy đuổi theo dục lạc, vì họ coi đó là thứ đáng được hưởng thụ nhất trên đời. Ái dục phát khởi từ sự hưởng thụ khoái lạc của ngũ căn. Khi các căn trần như một chiếc đồng hồ vàng đẹp đẽ, một âm thanh dễ chịu, một mùi thơm, một vị ngon và một xúc chạm nhẹ nhàng, tiếp xúc với ngũ căn tương ưng là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, thì cảm giác dễ chịu cùng với niềm vui và sự bám víu khởi lên trong tâm. Cảm giác dễ chịu, niềm vui và sự bám víu cấu thành dục lạc. Do đó các căn trần như phụ nữ đẹp, âm nhạc, dầu thơm, đồ ăn, thức uống ngon, quần áo, trang sức hợp thời trang, là những nguồn cung cấp dục lạc cao độ, dễ trở thành các đối tượng rất được ưa chuộng. Thêm nữa, tiền bạc, tài sản, vị trí, quyền lực cao, cũng đem đến cho người ta nhiều dục lạc, nên cũng được săn đuổi ráo riết. Tuy nhiên, dục lạc không phải là thứ hạnh phúc dài lâu. Nó chỉ nhất thời, chóng qua, và người ta phải luôn nỗ lực để nắm giữ nó. Ngoài ra, ta cũng chóng chán với chỉ duy nhất một đối tượng giác quan (căn trần) và dục lạc mà nó mang đến. Vì thế người ta lại phải luôn đi tìm đối tượng mới. Do đó sự luôn ráng sức để tìm kiếm dục lạc thực sự khiến ta rất mỏi mệt và phiền não. Hơn nữa, dục lạc khơi lên ngọn lửa của tham, mong cầu, dục hay bám víu (lobha). Tựa như nhiên liệu làm bùng lên ngọn lửa, dục lạc cũng thổi bùng lên tham đắm. Nếu ta có thể tìm được khoái cảm trong muôn ngàn đối tượng, thì lòng tham đắm của ta còn được nhân lên thành hàng vạn lần hơn. Ta chấp chặt vào chúng và cứ muốn được hưởng thụ thêm lên. Theo Đức Phật, lòng tham cầu, ái dục hay bám víu (lobha), là ngọn lửa nóng nhất trên thế gian này. Sự chấp ngã, tình yêu lứa đôi, lòng tham đắm tiền tài, địa vị, dục lạc đều là biểu hiện của lobha. Vì sự tham đắm này mà con người luôn phải âu lo. Và cũng vì nó mà người ta phải khổ đau, thất vọng khi tình yêu, hay người ta yêu, hay tài sản ta trân quý bị mất đi. Người ta thường ca tụng tình yêu lứa đôi là tuyệt vời. Điều đó có thể đúng như khi Romeo và Juliet được ở bên nhau, nhưng cả hai đã chọn cái chết khi tình yêu của họ bị cản ngăn. Vì dục lạc thường gắn với ngọn lửa của dục vọng và lửa vô minh, nên nó thường không trọn vẹn và là khúc dạo đầu của khổ đau. Tham đắm trong dục lạc khiến ta đánh mất đạo lý và tự do luyến ái tạo ra những căn bệnh như AIDS, bệnh lậu và trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật khắp nơi trên thế giới.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(chuyển ngữ theo Wealth is a Means to Happiness, 2006)
Suy Gẫm Về Tiền Bạc
Michael Carroll
Michael Carroll, trong sự nghiệp kinh doanh suốt 25 năm của mình đã giữ các chức vụ điều hành ở nhiều công ty như American Express, Simon & Schuster và Walt Disney. Ông còn tư vấn và tập huấn về kinh doanh thương mại cho các công ty như Procter & Gamble, Starbucks, AstraZeneca, vân vân.
Michael đã nghiên cứu về Phật giáo Tây Tạng từ năm 1976, đã hoàn tất chương trình Phật học năm 1982, và là một giáo thọ được truyền thừa trong dòng thiền của thiền sư Tây Tạng Chogyam Trunpa.
Michael đã dạy ở các trường như đại học Columbia, đại học St. Mary, trường Cao Đẳng Swarthmore, Tu viện Sơn Thiền (Zen Mountain) và nhiều trung tâm tu học khác ở khắp nước Mỹ, Canada và Âu Châu.
***
Bạn sẽ làm gì nếu tất cả tiền bạc, tài sản của bạn mất đi trong nháy mắt? Điều đó vẫn xảy ra hằng ngày đối với hàng ngàn người trên thế giới, vì thế quán tưởng, suy gẫm về một điều có thể xảy ra như thế không phải là viễn vông. Hãy thử tưởng tượng trong chốc lát rằng bạn không có việc làm, và cũng không còn đồng xu: Bạn sẽ làm gì? Cảm giác thế nào? Bạn có nhìn thế giới bằng con mắt thù hận hay thân thiện? Nếu phải ra sống bên lề đường, và trở nên vô hình đối với người đi trên đường, bạn sẽ phản ứng làm sao? Nếu bạn có gia đình, hẳn là người thân của bạn cũng khó tránh khỏi khổ đau. Một tai họa như thế sẽ hủy diệt bạn hay cho bạn thêm trí tuệ?
Trở thành khánh kiệt và không thể làm tròn bổn phận của mình là điều chúng ta không muốn xảy ra cho bất cứ một ai. Nhưng khi quán tưởng, suy gẫm như thế về của cải, tiền bạc –tưởng tượng rằng bỗng nhiên ta hoàn toàn không còn gì, phải đối mặt trực tiếp với cuộc đời, mà không có sự bảo vệ, che chở bằng tài sản- chúng ta có thể đạt được trí tuệ về nỗi sợ hãi khi kiềm sống.
Khi quán tưởng như thế, hãy xem chúng ta phụ thuộc vào tiền bạc đến mức độ nào. Có tiền, chúng ta có nhiều lựa chọn: có nhà, đi du lịch, nghỉ hưu sớm, được chữa trị bởi các bác sĩ giỏi, con cái chúng ta có thể đi học ở những trường danh giá nhất. Không có tiền, dường như có quá nhiều rủi ro: không có nhà, gia đình không được bảo đảm, sức khỏe, và ngay cả việc có được mâm cơm trên bàn cũng là điều không chắc chắn. Tiền bạc dường như đã chạm đến tận huyết mạch của ta: đó là lòng ham sống. Nhưng nếu tài sản chúng ta biến mất; hoàn cảnh đó có đánh gục ta hay ta có thể trở nên chín chắn hơn? Ngược lại, nếu có thật nhiều tiền, chúng ta có làm chủ cuộc đời mình không? Có hay không có tiền, chúng ta có trở nên một người hoàn toàn khác không? Quán tưởng về tiền bạc, của cải, giúp ta nghĩ đến những điều có thể xảy ra này.
“Quán tưởng về tài sản” giúp ta khám phá ra tất cả những điều ta vẫn thường nghĩ về tiền, giúp ta mổ xẻ được những ‘nỗi lo sợ về tiền bạc”. Có thể là chúng ta có tiền, nhưng sợ mất chúng; hoặc đã mất chúng, và tha thiết mong tìm lại được. Có thể chúng ta đang cần tiền, và đang lo lắng không biết làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn; hay chúng ta ra vẻ như có tiền vì hy vọng sẽ sớm có được một số tiền. Có thể ta có rất nhiều tiền và ta biết nhiều người cũng dòm ngó muốn có số tiền đó, hay chúng ta mặc cảm tội lỗi vì con cái chúng ta đã bị đồng tiền làm hư hỏng. Bằng việc cảm nhận mọi khía cạnh của đồng tiền –sự lo lắng vật chất, nỗi bất an tinh thần, sự giải thoát, ngay cả nỗi lo sợ bị làm nô lệ của tiền bạc- chúng ta có thể trở nên thành thật hơn với bản thân về sự dính mắc hay e dè trước đồng tiền.
Bằng việc quán tưởng về tiền bạc, chúng ta có thể cảm nhận được cả hai mặt của đồng tiền: nó có thể dìm ta xuống mà cũng có thể đưa ta lên; đôi khi nó thật cám dỗ nhưng có lúc ta cũng ghê sợ nó; nó giúp ta thực hiện được nhiều điều mà đôi khi cũng làm trở ngại ta. Từ đó, ta có thể hiểu rõ hơn những nghịch lý của đồng tiền: càng cần đến tiền, ta càng ít có nó; càng có nhiều tiền, ta càng muốn có thêm. Có người làm thật nhiều mà kiếm chẳng được bao nhiêu tiền; kẻ khác dường như làm rất ít mà tiền vô như nước. Khi quán tưởng đến của cải, tiền bạc bằng cách đó, ta khám phá ra rằng tiền là một trong những nghịch lý của cuộc đời, khiến ta có cái nhìn rộng hơn về tính chất khó lường, hay thay đổi của đồng tiền và của cải vật chất.
Khi quán tưởng về của cải, chúng ta có thể cũng nên suy gẫm về thế giới quanh ta. Một cặp vợ chồng nổi tiếng đưa nhau ra tòa vì không biết phải chia $120 triệu đô la như thế nào; hiện tại có bốn mươi tám ngàn đứa trẻ đang chết đói mỗi ngày, suốt hàng thập kỷ qua; các nước trên thế giới chi trả hàng tỷ đô la cho chi phí quân sự; bác hàng xóm lúc nào cũng dang tay giúp đở cho người cơ nhỡ, dù chỉ với ít đồng tiền; những kẻ cướp của, giết người; công việc từ thiện và những kẻ khốn khó. Khi chúng ta khai triển quan điểm của mình về của cải, tiền bạc theo hướng đó, thì tiền bạc, của cải không còn là mối quan tâm của cá nhân nữa mà là phương cách để ta có thể thấu hiểu thế giới quanh ta.
Quán tưởng về của cải, tiền bạc giúp ta tự hỏi về sự hiểu biết của bản thân đối với đồng tiền. Thực sự có điều gì ở bên ngoài có thể mang đến cho ta hạnh phúc hay sự an toàn bền vững trong một thế giới luôn đổi thay không? Tiền bạc và của cải vật chất thực sự có đem lại lòng tin và niềm vui cho ta? Chắc chắn là chúng ta cần phải có tiền để trang trải cho những nhu cầu thiết yếu, nhưng không có tiền bạc nào có thể giúp ta, thí dụ như, làm giảm đi sự đau đớn của đứa con bệnh ung thư máu. Không có tiền bạc nào có thể làm cho cha mẹ ta chậm già đi hay trả lại cho ta tuổi trẻ. Tiền bạc cũng không giúp ta trở nên một người nghệ sĩ tài hoa hay một người bạn tốt; nó cũng không khiến ngọn gió trở nên mát lành hay bầu trời xanh trong hơn.
Có thể đồng tiền là một vấn đề hoàn toàn bao quát hơn? Trong một cuộc hội thảo về “Tài Sản và Giá Trị của nó”, một thành viên đã định nghĩa tài sản là có thật nhiều những gì có ý nghĩa nhất đối với bản thân. Khi quán tưởng tài sản theo quan điểm này, ta khám phá ra rằng chúng ta đang nói đến một vấn đề thật sâu xa: đó là cảm giác an lạc của bản thân. Chúng ta có thể nào tìm lại được tài sản ban đầu của mình, hạnh phúc của chúng ta: cảm giác tự tại về giá trị và sự giàu sang của ta đơn giản chỉ vì chúng ta hiện hữu? Chúng ta có thể sống trong thế giới luôn biến đổi và đầy áp lực này mà cảm thấy thoải mái –tự tin, đầy năng lực và hoan hỷ không? Nếu quán sát đến tận gốc rễ của đồng tiền, chúng ta phải tự hỏi mình một câu hỏi rất căn bản: Chúng ta có tự tại với cuộc sống của mình?
Phát triển được một mối liên hệ có ý nghĩa đối với tài sản, tiền bạc là thử thách chính yếu của công việc. Chúng ta làm việc để thành tựu nhiều thứ; nhưng để được trả lương –bằng ngân phiếu, lợi nhuận, tài khoản, phí, tiền mặt, của cải vật chất- là chính. Dĩ nhiên, khi nói đến tiền bạc, cũng có nhiều điều dễ làm: sự chính xác và cẩn trọng, cân đối tài khoản, trả các chi phí đúng thời hạn, đừng ăn cắp hay lường gạt, đóng thuế, giúp đỡ người khác khi có thể. Nhưng những vấn đề gay go, nghiêm trọng mà tiền bạc, tài sản có thể khiến ta phải đối mặt thì quan trọng hơn –và khi quán tưởng về chúng giúp ta quán sát chúng một cách rốt ráo. Chúng ta cảm nhận thế nào về đồng tiền? Cảm thấy bị đe dọa, ám ảnh, ngại ngùng, âu lo hay dễ chịu? Những cảm giác này nói điều gì về chúng ta? Chúng ta có đủ nghị lực để đối mặt với cuộc đời nếu ta thiếu thốn tiền bạc hơn hiện tại? Nếu thiếu thốn tiền bạc, ta có cảm thấy bất an hơn trong cuộc sống? Đó là những điều chúng ta cần luôn quán tưởng trong cuộc sống.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(chuyển ngữ từ Contemplate Wealth, NXB Shambhala, 2004)
Phật Giáo & Doanh Nghiệp
Sid Kemp
Sid Kemp bắt đầu hành thiền từ những năm 1980. Đến năm 1985, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã yêu cầu ông chia sẻ những kinh nghiệm tu tập của ông với người khác. Sid đã học và hành nhiều giáo thuyết, nghiên cứu về các truyền thống Thiền Việt Nam, Đại Hàn và Nhật, cũng như về Phật giáo Nguyên Thủy và Tây Tạng. Kể từ khi ông hành hương về đất Phật năm 2001, ông đã phối hợp các giáo thuyết này với nhau, đồng thời phát triển sâu hơn công phu hành thiền của mình.
Phương cách chính của Sid trong việc truyền đạt Phật giáo là áp dụng những giáo lý cốt lõi của Phật giáo vào các môi trường làm việc ở Mỹ. Từ năm 2001, Sid đã viết tám quyển sách về kinh doanh dựa trên quan điểm của một người Phật tử và chia sẻ các tư tưởng Phật giáo mà không cần phải nhắc đến Phật giáo, về các đề tài như phối hợp lãnh đạo và cách giải quyết các vấn đề.
***
Trong chương này, về công việc làm của tôi, tôi hy vọng là có thể thảo luận về những vấn đề như:
-Kinh doanh/thương mại có những vấn đề và thách thức gì?
-Giáo lý và phương cách thực hành nào của Phật giáo có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp –và doanh nhân trong đời sống kinh doanh- giải quyết các vấn đề và đối phó với các thách thức?
-Các giải pháp của Phật giáo tương ưng thế nào với các quan điểm kinh doanh hiện hành?
-Phật giáo có thể mang các phẩm chất độc đáo nào đến cho những thách thức trong một đời sống kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, có ích lợi cho xã hội?
Đây là những vấn đề mà tôi quan tâm với tư cách là một Phật tử, đồng thời cũng là một doanh nhân trong suốt mười lăm năm qua.
Phật giáo, đặc biệt quan tâm đến hạnh phúc và một cuộc sống hòa thuận trong chính kiếp sống này, có rất nhiều điều có thể cống hiến cho thế giới doanh nghiệp ngày nay, một thế giới đầy khó khăn và rối rắm. Định nghĩa hiện đại của cá nhân tôi về phương cách thực hành Phật giáo, dựa trên sự nghiên cứu để tìm những nối kết chung trong 2600 năm của Phật giáo toàn cầu, là sống trong tỉnh thức và tự tại, là cho phép tình thương yêu và trí tuệ chảy tràn trong tôi, vươn đến những nỗi đau và niềm vui của cả thế giới, đưa đến sự hàn gắn và phát triển đầy sáng tạo. Khi tư vấn hay khi dạy về doanh thương, tôi không sử dụng các ngôn ngữ của Phật giáo như thế này. Nhưng tôi nhận thấy là có nhiều doanh nhân rất muốn và có thể huân tập sự tỉnh thức và tự tại. Doanh nhân cũng muốn giải quyết các vấn đề, giống như ta muốn diệt bỏ khổ đau. Khi cùng nhau thực hành như thế, chúng ta sẽ thay đổi được cách ta sống trong đời sống kinh doanh, tạo được một không gian sống bớt những khổ đau, và thêm niềm vui.
Khổ Diệt là cốt lõi của những lời dạy đầu tiên của Đức Phật trong Tứ Diệu Đế. Những lời dạy này hay kinh này được sắp xếp như một toa thuốc. Đầu tiên giáo lý đó nêu lên tất cả các bệnh trạng, các rối loạn –tất cả những khổ đau- chứ không chỉ một loại bệnh nào. Tứ diệu đế nói rằng khổ có mặt ở khắp mọi nơi, rằng nó có căn do, rằng nó có thể được chữa trị, và rằng có phương thuốc chữa trị nằm trong sự thực hành tỉnh thức và tự tại.
Khổ trong doanh nghiệp là như thế nào? Xin thưa người làm kinh doanh cũng khổ đau giống như mọi người khác. Sau đây là một vài thí dụ:
-Kinh doanh thất bại; người ta phải chết.
-Một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, làm tổn hao thời giờ và tiền bạc; một số người phải mắc bệnh.
-Một số môi trường kinh doanh đầy mâu thuẫn; một số người và gia đình cũng thế.
-Doanh nghiệp thường có những sản phẩm hay dịch vụ tuyệt vời, nhưng không sản xuất ra được trên thị trường; người ta cũng thường có những giấc mơ tuyệt vời, nhưng không thể biến chúng thành hiện thực.
Danh sách này có thể dài bất tận. Vài năm gần đây, nền kinh tế Mỹ đã nhìn thấy cái giá của lòng tham trong các hoạt động của những công ty như Enron, Comcast và Adelphia. Tôi đã chứng kiến hệ quả khủng khiếp của lòng sợ hãi đối với các doanh nghiệp –nhất là ở thành phố
Giáo lý và phương cách tu tập trong Phật giáo đều có ích trong kinh doanh. Điểm mấu chốt là tất cả chúng ta –doanh nhân hay không- đều ôm ấp các vấn đề của mình, không biết giải quyết chúng. Phương cách của Phật giáo là chánh niệm về các vấn đề này và nói “đây là khổ, và có phương cách chữa trị khổ”. Sau đó chúng ta bắt tay vào việc –với phương cách rõ ràng, có phương hướng và vô hại- để thỏa hiệp các bất đồng, giải quyết các vấn đề và đạt đến mục tiêu. Đó là ngôn ngữ trong kinh doanh. Ngôn từ trong Phật giáo để diễn tả cùng một khái niệm là thực hành chánh niệm và tự tại, thăng bằng (trung đạo) để diệt khổ.
Có một số tư tưởng căn bản trong Phật giáo rất giá trị đối với doanh nghiệp. Chuyển đổi các từ ngữ Phật học này sang ngôn từ dùng trong kinh doanh, thương mại rất ích lợi:
- Các trạng thái khổ (các vấn đề, các tranh cãi, và các bất đồng kéo dài). Trong Phật giáo, các vấn đề này được bao gồm trong Thánh Đế Đầu Tiên.
- Chúng ta có thể giải quyết các vấn đề, chấm dứt các khổ. Trong Phật giáo, đó là Thánh Đế Thứ Ba.
- Có sự liên hệ giữa hành động của chúng ta và hậu quả mà chúng ta phải hứng chịu, khi nói chung về khổ, cũng như trong kinh doanh. Trong Phật giáo, đó gọi là nghiệp. Trong kinh doanh, đó gọi là nguyên nhân và hậu quả, và đó cũng là chìa khóa giúp ta khám phá ra nguyên do để giải quyết vấn đề. Nếu chúng ta thay đổi nguyên nhân, thì vấn đề (khổ) sẽ được giải quyết.
- Tỉnh thức trong hành động, ý nghĩ và cảm nhận của mình, sẽ giúp ta thay đổi được chúng. Nhờ đó ta sẽ bớt khổ và đạt được kết quả tốt hơn. Trong Phật giáo, đó là mục tiêu của công phu hành thiền và quán chiếu bản thân.
Việc tôi áp dụng Phật giáo vào doanh nghiệp đã giúp tôi tìm ra được phương cách để chia sẻ các tư tưởng này với doanh nhân. Thí dụ, đây là một số khái niệm phổ biến trong kinh doanh có thể giúp mở ra cánh cửa đưa đến những môi trường làm việc lành mạnh và hiệu quả hơn.
- Làm việc theo Nhóm (team work). Chúng ta có thể tập làm việc với nhau, điều đó sẽ mang đến kết quả tốt. Phật giáo đã có 2600 năm kinh nghiệm hình thành các hình thức nhóm có tổ chức, phù hợp với văn hóa địa phương. Từ ngữ để chỉ các nhóm, cộng đồng này trong Phật giáo là Tăng đoàn (Sarigha).
- Giảm căng thẳng. Căng thẳng quá gắt gao và xung đột trong những nơi làm việc tạo ra nhiều vấn đề cho cá nhân và cho cả công ty, trong khi có những việc chúng ta có thể tìm ra tiếng nói chung. Lợi ích đầu tiên mà thiền có thể mang đến cho ta là sự thư giãn; kế đến là ý thức về các nguyên do đưa đến căng thẳng, giúp ta phân tích vấn đề, đưa đến một giải pháp hiệu quả.
- Hiệu quả của cá nhân và nhóm. Những ai có ý hướng muốn thay đổi để đạt được kết quả sẽ cởi mở hơn trong việc quan sát chính các hành động của mình. Phật giáo, nhất là trong truyền thống thiền, đã có một lịch sử lâu dài trong việc cùng nhau phân tích vấn đề, cùng nhau giải quyết vấn đề, để đạt được các mục đích qua sự lãnh đạo và làm việc trong nhóm một cách hiệu quả.
- Tránh một môi trường làm việc có quá nhiều xung đột. Luật pháp cũng như các điều lệ trong các công ty hiện nay nghiêm cấm sự đối xử phân biệt đối với phụ nữ, người thiểu số và các nhóm thuộc những nguồn gốc văn hóa khác biệt. Sự có mặt của một môi trường làm việc có nhiều xung đột hay phân biệt đối xử có thể gây nhiều mất mát, tổn hại cho các doanh nghiệp. Do đó, đã có nhiều công ty bỏ ra kinh phí cho những lớp huấn luyện để thay đổi hành vi của các công nhân. Phật giáo đã có các phương tiện giúp phát triển nhân cách từ 2600 năm trước. Trọng điểm của các lớp huấn luyện đó là sự ý thức về hậu quả của các hành vi của mình đối với tha nhân. Trong ngôn ngữ Phật giáo, đây là hai phương cách tu tập cốt lõi: ý thức về thân, về vị thế và nghiệp.
- Đạo đức trong kinh doanh. Tất cả mọi người đều đã chịu ảnh hưởng vì những xì-căng-đan của các doanh nghiệp lớn được phát hiện vào năm 2001. Luật pháp đã phải được chỉnh sửa, và câu hỏi là làm thế nào để thay đổi văn hóa trong doanh thương là một đề tài nóng bỏng hiện nay. Thực hành theo Phật giáo là phương tiện giúp cá nhân cũng như đoàn thể hành động một cách có đạo đức trong cuộc sống cũng như ở các môi trường kinh doanh. Thương trường tạo ra đau khổ, đồng thời cũng chịu khổ. Thí dụ: Khi một công ty dịch vụ không thành công, khách hàng, công nhân, chủ nhân hay những người mua chứng khoán của công ty cũng bị thua lỗ. Khi một doanh nghiệp không được điều hành tốt, người làm việc ở đó không thể thấy thoải mái. Và khi một doanh nghiệp đi sai đường, nó góp phần vào việc làm tăng theo khổ đau trên thế giới. Ứng dụng Phật giáo vào trong doanh thương, theo tôi, là huân tập vung trồng chánh niệm về khổ và vui, về nguyên do của khổ, vui, trong thương trường. Khi những người làm kinh doanh trở nên ý thức về các hành động của mình, cũng như hậu quả của các hành động đó, thì những điều sau đây sẽ trở nên hiển nhiên:
-Doanh nghiệp sẽ thành công
-Doanh nghiệp đem lại lợi ích cho khách hàng
-Môi trường làm việc ở các doanh nghiệp này lành mạnh, thoải mái, tốt đẹp
-Nhận ra được những tiêu cực mà doanh nghiệp có thể mang đến cho mọi người chung quanh, để bắt đầu thay đổi.
Chăm Sóc Bản Thân
Chăm sóc bản thân là điều quan trọng bậc nhất mà tôi thực hiện để chia sẻ phương cách tu tập và các giáo lý rút tỉa từ Phật giáo để áp dụng trong thương trường. Tôi thực hành chánh niệm –đặc biệt là chánh niệm và quán sát- để tôi có thể duy trì chánh niệm cả ngày. Tôi thực hành tự tại, định tĩnh, để tôi không bị xao động, không sa vào các thói quen của tâm trong việc phát khởi bực tức, sân hận, nói lời hằn học, thô lỗ. Tôi cũng không để tâm trạng của người khác ảnh hưởng đến mình, rồi lại truyền sự bực bội đó lên người khác nữa. Nếu tôi duy trì được chánh niệm và định tĩnh, thì Trí tuệ và tâm Từ bi rộng lớn sẽ tự nhiên tràn chảy trong tôi. Dòng chảy đó sẽ hóa giải mọi chướng ngại –đầu tiên là trong bản thân tôi, rồi lan sang người khác. Và như thế là mỗi ngày giáo lý Phật giáo đều được ứng dụng vào thương trường qua thân và tâm của tôi.
Suốt 20 năm qua, tôi đã phát triển sự thực hành nghiêm mật bao gồm hành thiền, quán tứ niệm xứ và thể dục nhịp điệu, tất cả đều được thực hành trong chánh niệm. Chúng ta có thể học tập nghệ thuật tĩnh tọa theo truyền thống Phật giáo. Các thể loại khác như yoga, t’ai chi, và qi gong (khí công), tất cả đều có thể tập tốt hơn với chánh niệm về thân. Những nghiên cứu gần đây nhất cho thấy rằng cơ bắp sẽ phát triển nhanh nhất khi ta chú tâm đến chúng trong khi luyện tập. Tất cả các thể loại tập luyện này giúp đem tâm đến thân, tập trung tỉnh thức vào ngay đây và ngay giây phút này. Từ đó việc luôn có mặt trong hiện tại sẽ trở thành một thói quen, không chỉ trong khi thực hành, mà suốt ngày, và không chỉ riêng cho bản thân tôi, mà cho tất cả những ai tôi tiếp xúc, phục vụ.
Theo tôi, chỉ có các buổi thực tập nghiêm chỉnh không thì chưa đủ. Để có thể có mặt một cách hiệu quả, có nghĩa là tỉnh thức (là Phật) trong từng giây phút suốt cả ngày. Để vung trồng sự thực hành liên tục tâm Phật, tôi gom cả ba yếu tố:
-Thực hành bài bản, như đã trình bày ở trên.
-Những sự gián đoạn, như dừng lại và thở mỗi khi tôi thay đổi việc đang làm, mỗi khi tôi nhìn thấy người mới đến, hay mỗi khi tôi dùng điện thoại.
-Sự thực hành ‘ngẫu hứng’, không chính thức, như là thực tập chánh niệm khi viết, khi soạn thư hay suy tư về một vấn đề.
Cần phải nói thêm về những sự gián đoạn, vì chúng mang đến lợi ích lớn lao mà không cần nhiều công sức. Tôi thích sử dụng mọi gián đoạn hay sự thay đổi môi trường như là một cách để dừng lại, quán thân, rồi thở vào, thở ra.
Thí dụ, nếu tôi sắp mở một cánh cửa, tôi sẽ dừng lại và thở. (Thử nghĩ xem bạn sẽ có bao nhiêu cơ hội để thư giãn khi đi từ chỗ gửi xe đến văn phòng làm việc). Nếu điện thoại reo, tôi sẽ dừng lại và thở. Nếu có ai bước vào văn phòng, tôi sẽ dừng lại và thở. Dĩ nhiên tôi làm việc này một cách kín đáo, khó ai nhận biết. Điều mà người ta có thể nhận thấy là, khi tôi trả lời điện thoại hay chào hỏi ai, tôi thực sự có mặt với họ.
Sử dụng các phương cách của sự tự quán chiếu, sự chăm sóc bản thân, và sự tỉnh giác, để đối phó với các trạng thái tâm, lắng đọng hay lao xao và thân, tôi đặt tất cả thân tâm mình vào chánh niệm, để những vấn đề và quan điểm chưa được thông suốt của tôi không trở ngại đến việc Trí tuệ và Tình thương trong sáng, rõ ràng, có thể có mặt trong môi trường làm việc.
Phối hợp sự thực hành nghiêm túc, với những gián đoạn và sự thực hành không chính thức, tôi hướng đến việc được tỉnh thức và tự tại trong từng giây phút, để tôi có thể thực sự có mặt trong từng hoàn cảnh.
(…)
Lắng Nghe
Trên phương diện tâm linh, tôi nghĩ lắng nghe là biểu hiện quan trọng nhất của sự tu tập của chúng ta. Con người rất thông minh. Khi chúng ta lằng nghe chăm chú, người nói cũng sẽ chú tâm đến điều họ nói. Dầu chúng ta chỉ gợi ý nhẹ nhàng cho họ, người được ta lắng nghe cũng sẽ tự tìm được giải pháp cho bản thân, và đó thường là một giải pháp thực dụng và khôn ngoan. Vì đó là giải pháp họ tự nghĩ ra, họ sẽ tin tưởng vào đó. Và vì tin tưởng vào giải pháp, người đó sẽ khiến nó thành sự thật.
Trên phương diện kinh doanh, tôi nghĩ đó là một kỹ năng quan trọng nhất nhưng lại ít được rèn luyện nhất ở những nơi làm việc. Bạn có tìm được khóa học nào ở trung học hay đại học dạy về nghệ thuật lắng nghe không? Có nhiều lớp giúp người ta đọc, viết, hay nói, nhưng chẳng bao giờ có lắng nghe. Nhưng tôi nhận thấy rằng, trong một phòng họp mà có nhiều người biết lắng nghe, thì ta dễ khám phá ra nhiều sáng kiến để chia sẻ.
Người biết lẳng nghe sẽ nghe với lòng kiên nhẫn, và không có thành kiến. Là người biết lắng nghe, ta sẽ bắt đầu bằng tâm trống rỗng, không biết. Chúng ta gạt qua một bên mọi nhu cầu muốn bày tỏ ý kiến của mình (ít nhất là chờ một lát sau), và cố gắng giúp người nói cảm thấy tự tin để khai triển ý tưởng và bộc bạch chúng. Chúng ta cũng có thể lặp lại ý kiến của người nói, để xác nhận là chúng ta đã hiểu đúng. Tôi nhận thấy rằng kỹ năng biết lắng nghe là phương cách ngăn ngừa sự xung đột rất hiệu nghiệm. Hầu hết các xung đột bắt nguồn từ hiểu lầm, và lắng nghe tạo nền tảng cho thông cảm, hiểu biết.
Khi dạy các kỹ thuật để động não (brainstorming), tôi đặt trọng tâm vào việc tạo ra một không gian cho việc biết lắng nghe. Tôi dùng ẩn dụ này: Chỉ hỗn hợp nước và bột, không ai ăn nổi. Nhưng nước, bột, bột nổi, muối và đường sẽ làm ra những chiếc bánh thơm ngon. Cũng thế, chỉ có con người và vấn đề sẽ đưa đến tranh cãi. Nhưng nếu ta thêm vào thời gian, không gian và sự tập trung, chúng ta sẽ có những buổi động não rất hữu hiệu. Thời gian và không gian được tạo ra bằng cách tổ chức những buổi họp không gián đoạn. Sự tập trung được tạo ra bằng cách mổ xẻ vấn đề thấu đáo và lắng nghe nhau. Lúc đó con người, cũng giống như bột bánh, nở ra theo hoàn cảnh. Lúc đó chúng ta không chỉ giải quyết các vấn đề, mà còn tạo dựng một môi trường bền bĩ cho lòng tin và hợp tác.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trích dịch theo Buddhism For Business, 2009)
Các Loại Vợ
Mithra Wettimuny
Bạo hành trong gia đình luôn đưa đến đổ vỡ. Dư luận gần đây đều bức xúc trước những thông tin về việc chồng đốt vợ, giết vợ, tạt acid vợ, vân vân. Thật khó có một giải pháp vẹn toàn cho vấn đề đó. Dưới đây là một bài viết ngắn nhằm soi một chút ánh sáng vào vấn đề này qua lăng kính Phật giáo.
***
Người phụ nữ có cần chịu đựng một ông chồng nát rượu và hay đánh vợ không?
(Câu hỏi này đã được gửi tới mạng Beyond The Net, là một trang điện tử của Phật giáo Nguyên Thủy ở Tích Lan, và được Giáo Sư Mithra Wettimuny trả lời. Giáo sư đã tu Thiền với ngài Thiền sư Matara Sri Nanarama theo truyền thống ẩn tu trong rừng của Thiền viện Nissarana, Tích Lan.)
Để có thể trả lời thẳng câu hỏi này, chúng ta cần xem xét nhiều khía cạnh quan trọng. Người nghiện rượu hay thường uống rượu đến say xỉn là kẻ dại khờ. Người chồng mà phải dùng đến bạo lực với vợ là người đầy sân hận và cũng là kẻ dại khờ. Người mà phạm cả hai lỗi này thì hoàn toàn là kẻ ngu.
Trong kinh Pháp Cú Đức Phật đã dạy rằng thà sống một mình còn tốt hơn là sống với kẻ ngu. Đó là vì khi bạn thường xuyên phải tiếp xúc với kẻ ngu thì điều đó sẽ làm phát khởi những tính chất bất thiện trong bạn. Do đó bạn sẽ không bao giờ phát triển theo hướng thiện lành.
Tuy nhiên, bản tính con người thường dễ nhìn người khác để phán xét hơn là soi lại bản thân mình. Cũng trong kinh Pháp Cú, Đức Phật đã thuyết, “Đừng nhìn lỗi của người, những cái tốt hay xấu của họ, mà hãy tự quan sát hành động của chính mình, xem xét những gì bạn đã làm được, và những gì còn chưa hoàn tất”.
Từ hai lời dạy này của Đức Phật, chúng ta có thể tạo nền tảng cho quyết định phải đối phó như thế nào đối với vấn đề được nêu trong câu hỏi. Do đó trước khi kết tội người chồng và đi đến một kết luận nào, trước hết người vợ hãy tự xét lại mình.
Trước tiên người vợ phải hiểu rõ ràng rằng mình là người vợ tốt hay xấu. Về phương diện này, Đức Phật đã dạy rằng có bảy loại vợ trên thời gian này. Đó là:
- 1. Loại vợ này không thương yêu chồng. Người này có thể giết chồng nếu có cơ hội. Người vợ này không lắng nghe chồng, không trung thành, không biết giữ gìn tài sản cho chồng. Một người vợ như thế được gọi là “Vợ Sát Nhân”.
- 2. Cũng có loại vợ không biết gìn giữ tài sản cho chồng, ăn cắp, phung phí của cải của chồng, không vâng lời và không trung thành với chồng. Loại vợ này được gọi là “Vợ Ăn Cắp”.
- 3. Lại có loại vợ hành xử độc đoán, tàn nhẫn, đàn áp, hống hách, cứng đầu, không trung thành, không gìn giữ tài sản của chồng. Loại vợ này được gọi là “Vợ Độc Đoán”.
- 4. Lại có người vợ chăm sóc chồng như người mẹ chăm con. Quan tâm đến tất cả mọi nhu cầu của chồng, gìn giữ tài sản của chồng, trung thành, hết lòng vì chồng. Người vợ đó được gọi là “Vợ Từ Mẫu”.
- 5. Có người vợ xem chồng như người anh lớn của mình. Kính trọng chồng, khiêm hạ, vâng lời, bảo vệ tài sản và trung thành với chồng. Loại vợ đó được gọi là “Vợ Huynh Muội”.
- 6. Có người vợ xem chồng như bạn. Đối xử với chồng như người bạn thân thiết lâu ngày mới gặp. Người vợ này khiêm hạ, dễ bảo, trung thành và biết bảo vệ tài sản của chồng. Loại vợ này được gọi “Vợ Bằng Hữu”.
- 7. Cũng có loại vợ luôn phục tùng chồng dưới bất kỳ hình thức nào, không than phiền, chịu đựng những thiếu sót của chồng, nếu có, một cách âm thầm, dễ bảo, khiêm hạ, trung thành và bảo vệ tài sản của chồng. Loại vợ này được gọi là “Vợ Tận Tụy”.
Đó là bảy loại vợ có thể tìm thấy trên thời gian. Trong số họ, ba loại vợ đầu tiên (Vợ Sát Nhân, Vợ Ăn Cắp và Vợ Độc Đoán) trong hiện tại họ sống khổ sở, lúc chết sẽ bị đọa đày [thí dụ như tái sinh vào cõi súc sanh, cõi ngạ quỷ, a-tu-la và địa ngục].
Bốn loại vợ còn lại, Từ Mẫu, Huynh Muội, Bằng Hữu và Tận tụy, thường sống hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại, và chết được vào cõi cực lạc [thí dụ cõi chư thiên hay cõi người].
Do đó, người vợ cần phải quán xét bản thân kỹ lưỡng để xem mình thuộc loại vợ nào. Nếu người vợ thấy bản thân mình thuộc vào ba loại vợ đầu tiên, thì rõ ràng là người đó phải tự sửa mình trước khi có thể kết án chồng. Việc làm này suy cho cùng cũng là vì lợi ích của người vợ.
Nếu người vợ thuộc vào bốn loại vợ hiền, mà phải sống với người chồng say xỉn và hay đánh vợ là một trường hợp thật sự ngoại lệ, có thể bị vướng vào hoàn cảnh này là do nghiệp duyên (hành động có chủ tâm trong quá khứ).
Nếu sau khi đã là người vợ tốt như đã miêu tả ở trên, nhưng người chồng vẫn tiếp tục làm kẻ nát rượu và đánh vợ (trường hợp này rất hiếm, hoàn toàn ngoại lệ), thì người vợ phải đi đến quyết định có tiếp tục sống chung với chồng hay chia tay. Người vợ phải chắc rằng mình không sống để phải khổ sở hơn. Thí dụ trong hoàn cảnh mà những tính chất bất thiện cứ phát khởi trong tâm (thí dụ sân hận, oán thù, sợ hãi, căm ghét, v.v.). Nếu đó là kết quả của việc sống chung với nhau, thì tốt hơn là chia tay một cách êm thấm. Vì như đã nêu trên trong kinh Pháp Cú rằng, “Thà sống một mình hơn là sống với kẻ ngu, giống như con voi sống một mình trong rừng”, hay “như vị vua đã bỏ ngôi, vào sống trong rừng”. Đây là quyết định cần thiết lập để người phụ nữ có thể tự phát triển trên con đường chân chính, hầu đạt được trí tuệ, và tự giải thoát khỏi khổ đau.
Mặt khác, nếu hoàn cảnh đặc biệt này được chấp nhận bằng sự chịu đựng với lòng từ bi, thì ở một giai đoạn nào đó trong luân hồi không thể tránh khỏi, người đó chắc chắn sẽ được vào thế giới chư thiên, được hưởng hạnh phúc siêu thế, niết bàn, và sẽ đạt được trí tuệ, giải thoát khỏi tất cả mọi khổ đau, do đã thiết lập một nền tảng dựa trên sự hy sinh và chịu đựng với tâm từ bi.
Tóm lại, trong hoàn cảnh đặc biệt này, người vợ cần quán chiếu tâm mình thật cẩn thận trong một thời gian và từ đó đi đến quyết định đúng cho cuộc đời của mình.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển Ngữ theo Beyond The Net)
Hòa Thuận
Làm thế nào để yêu thương người khác mà không đánh mất bản thân
Christopher K. Germer
- Christopher K. Germer là một nhà tâm lý học trị liệu, chuyên môn về phương pháp trị liệu hôn nhân gia đình và chữa trị lo lắng bằng Chánh niệm. Ông là đồng biên tập viên của tạp chí Mindfulness and Psychotherapy (Chánh niệm và Tâm Lý Trị Liệu)
***
Có thời gian tôi đã đi đến kết luận rằng: Con người cơ bản không thể hòa hợp với nhau. Hãy thử nghĩ xem. Chúng ta sống trong những cơ thể riêng biệt, chúng ta trải qua thời thơ ấu khác nhau, và bất cứ lúc nào, sự suy nghĩ, tình cảm của mỗi người cũng khác, ngay chính với những người thân nhất, gần gủi nhất với chúng ta. Nếu kể đến những khác biệt trong sự hình thành con người, điều kiện, và hoàn cảnh sống, thì việc chúng ta có thể hòa hợp được với nhau là một phép lạ.
Dầu vậy, chúng ta vẫn ao ước được liên kết với tha nhân. Sự muốn chia sẻ, kết nối là bản chất tự nhiên của con người. Ở mức độ sâu thẩm nhất, chúng ta liên hệ với nhau một cách chặt chẻ, vậy mà những trải nghiệm hằng ngày của chúng ta dường như chứng minh ngược lại. Chúng ta chịu đựng những sự bầm vập, tổn thương trong các mối liên hệ. Điều này đưa đến một vấn đề nan giải của con người: “Làm sao tôi có thể có được tiếng nói trung thực mà vẫn cảm thấy gần gủi với bạn bè, với người thân yêu? Làm sao tôi có thể thỏa mãn các nhu cầu cá nhân trong giới hạn của gia đình, của xã hội?”
Với kinh nghiệm của người tư vấn về hôn nhân, tôi nhận thấy rằng những đổ vỡ trong các mối liên hệ là do không kết nối với nhau. Sự thiếu kết nối đưa đến đổ vỡ trong tình cảm chúng ta dành cho nhau; mà nhà tâm lý học, Janet Surrey đã mô tả như sau, “chúng ta” trở thành “tôi” và “anh/em”. Một số đổ vỡ rất rõ ràng, hiển nhiên, như cảm giác bị phản bội trong ta khi khám phá ra sự không chung thủy của người phối ngẫu. Số khác có thể khó khám phá hơn. Thí dụ, một sự đổ vỡ, thất vọng vi tế hơn có thể xãy ra, khi một cuộc đối thoại bị gián đoạn liên tục bởi người nghe lo trả lời điện thoại di động, hoặc một kiểu tóc mới không được để ý đến, hay trên giường ngủ, người vợ hay chồng đi vào giấc ngủ trước, để người kia nằm bơ vơ trong bóng tối. Và gần như là chắc chắn rằng đã có sự đổ vỡ, mất liên kết khi hai người thấy mình không ngừng nói về “mối liên hệ” của họ và nó đã tiến triển ra sao.
Đức Phật đã nói đến sự buông xả như một cách để giải quyết khổ đau. Trong các mối liên hệ, điều này có nghĩa là chấp nhận sự không thể tránh né của những đổ vỡ đau lòng, và dùng chúng để vượt lên sự khủng hoảng tình cảm. Chúng ta tránh né khổ đau một cách bản năng, nhưng thường không ý thức được điều đó. Khi đối mặt với những tính cách không được tốt đẹp của mình –sợ hãi, sân hận, ghen tuông, hối hận, nhàm chán- chúng ta có khuynh hướng co cụm về mặt tình cảm, và hướng sự chú tâm của mình vào việc khác. Nhưng không dám đối mặt với tình cảm của mình, chối bỏ chúng ta đã cảm giác thế nào, hay chuyển sự sợ hãi, lỗi lầm vào người khác, chỉ làm chúng ta xa cách hơn với người mà ta muốn gần gủi.
Thực hành chánh niệm -một phương cách sâu sắc để có mặt trong những lúc khổ đau trong cuộc đời- là một công cụ hữu hiệu để tháo gở các chướng ngại và để tìm lại hạnh phúc trong các mối quan hệ. Chánh niệm đòi hỏi sự ý thức và chấp nhận về kinh nghiệm trước mắt, ngay hiện tại. Một số nhà tâm lý học, trong đó có Tara Bach và Marsha Linehan, đã nói về sự chấp nhận cơ bản (radical acceptance) –radical có nghĩa là ‘gốc”- để nhấn mạnh đến khả năng nội tại, sâu thẳm để đón nhận những tình cảm tích cực và tiêu cực của chúng ta. Sự chấp nhận ở đây không có nghĩa là chịu đựng hay bỏ qua các hành vi lạm dụng. Đúng hơn, sự chấp nhận thường có nghĩa là ý thức trọn vẹn việc chúng ta đang đau đớn đến thế nào ở một thời điểm nào đó, là điều chắc chắn sẽ đưa đến sự tự tin hơn và những chuyển đổi sáng tạo.
Một trong những thử thách cam go nhất đối với nhà tâm lý học và nhà trị liệu sử dụng phương pháp thực hành chánh niệm, là nhắc nhở người tham vấn về nhu cầu quán sát sự bất an tình cảm của mình và giải quyết nó trực diện thay vì tìm cách tránh né nó. Nếu chúng ta tiếp cận nỗi đau một cách chánh niệm và đầy bi mẫn, nỗi đau sẽ tự nhiên chuyển biến. Hãy quán xét xem điều gì đã xảy ra cho một đôi vợ chồng mà tôi tư vấn trong chương trình trị liệu hôn nhân gia đình.
S. và M. sống trong “địa ngục lạnh.” Các cặp vợ chồng ở địa ngục lạnh là những đôi có lòng trách oán nhau thâm sâu, hay nghi ngờ lẫn nhau, và trao đổi với nhau bằng những giọng lạnh lùng, kiệm chữ. Nhiều cặp đã sống với nhau như thế trong bao năm, lạnh nhạt với nhau đến độ có nguy cơ ly dị.
Mỗi hai tuần họ đến tư vấn với tôi, nhưng sau năm tháng trị liệu thất bại, S. quyết định đã đến lúc phải nộp đơn ly dị. Cô thấy rõ ràng là M. sẽ không bao giờ thay đổi –anh ta sẽ không làm ít hơn sáu mươi lăm tiếng mỗi tuần hay biết tự chăm sóc bản thân (anh ta dư cân đến hơn 20 ký lô, còn thêm tật hút thuốc). S. còn cảm thấy chán nản hơn khi M. không hề cố gắng để làm cho cuộc hôn nhân của họ được thành công; họ ít khi đi ra ngoài với nhau, và hai năm rưỡi nay chưa hề đi nghỉ phép ở đâu. S. cảm thấy cô đơn như bị ruồng bỏ. Còn M. thì cảm thấy vợ không biết ơn mình đã làm việc thật cực nhọc để lo cho gia đình.
Quyết định ly hôn của S. là một bước ngoặt –nó tạo cho họ ‘món quà của sự tuyệt vọng”. Lần đầu tiên, M. dường như muốn quán xét xem cuộc đời anh đã trở nên đau khổ đến mức nào. Trong một buổi tư vấn, khi hai vợ chồng nói về một cơn bão tuyết lớn ở vùng Denver, M. nhắc đến việc người cha 64 tuổi của anh phải lần đầu tiên nghỉ việc ở nhà trong suốt hai mươi năm qua. Tôi hỏi điều đó có ý nghĩa gì đối với M. Với đôi mắt đẫm lệ. M. nói rằng giá mà cha anh biết an hưởng cuộc sống hơn. Tôi hỏi lớn, vậy anh có bao giờ muốn điều đó xảy ra cho bản thân không. “Tôi rất sợ”, anh trả lời. “Tôi luôn sợ không biết điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nghỉ làm. Tôi còn sợ nếu mình không lo lắng về công việc –sợ rằng tôi có thể sơ sót điều quan trọng gì đó khiến toàn bộ công trình kinh doanh sụp đổ trước mắt tôi”.
Nghe vậy, S. như sáng ra. “Vì vậy mà anh đã không quan tâm đến vợ con và cả sức khỏe của mình sao?”, cô hỏi chồng. M. chỉ gật đầu, trong khi nước mắt anh tuôn trào. “Trời ơi”, S. kêu lên, “vậy mà tôi nghĩ là tại tôi –rằng tôi không tốt, tôi gây phiền muộn cho anh. Thì ra cả hai chúng ta đều lo lắng –nhưng mỗi người một cách. Anh thì lo lắng về công việc của mình, còn tôi thì lo lắng cho cuộc hôn nhân của chúng ta”. Cảm giác khổ đau vì sự thiếu kết nối đã chia cách họ bao nhiêu năm giờ bắt đầu rã tan….
Với việc cố gắng chấp nhận bản thân và bi mẫn đối với bản thân đã giúp cả hai, S. và M., chuyển hóa được những tình cảm tiêu cực của họ. Trong các mối liên hệ, đằng sau những tình cảm mãnh liệt như là sự xấu hổ, sân hận thì thường có thông điệp lớn rằng “Tôi cần anh/em!” Thật là điều trái tự nhiên và đau khổ khi không chia sẻ sự có mặt của mình với những người thân yêu.
Tất cả chúng ta đều có những điểm nhạy cảm riêng –những nút nóng- có thể bùng nổ trong những mối liên hệ thân thiết. Sự thực hành chánh niệm giúp chúng ta nhận diện chúng và tháo gở những phản ứng theo thói quen, để chúng ta có thể kết nối lại với người thân yêu. Chúng ta có thể giải quyết một cách chánh niệm những vấn đề thường xảy ra với phương pháp bốn-bước đơn giản:
(1) Cảm nhận cảm giác đau đớn của sự không kết nối.
(2) Chấp nhận rằng nỗi đau đó là tự nhiên và là một dấu hiệu lành mạnh của sự không kết nối, và nhu cầu chuyển hóa.
(3) Phân tích những vấn đề hay quan điểm cá nhân phát khởi trong ta với lòng bi mẫn.
(4) Hãy tin tưởng là một giải pháp hoàn hảo sẽ đến đúng lúc.
Chánh niệm có thể chuyển hóa tất cả những mối liên hệ cá nhân –với điều kiện chúng ta phải chấp nhận nỗi đau không thể tránh khỏi trong các mối liên hệ. Khi chúng ta quay lưng lại với nỗi đau của mình, thì ta khó tránh việc phải bỏ rơi người thân yêu cũng như chính bản thân. Nhưng khi chúng ta hướng đến bất cứ điều gì phát khởi trong ta với chánh niệm và bi mẫn, chúng ta có thể thực sự có mặt, và quan tâm đến bản thân cũng như người thân yêu.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược dịch theo Getting Along, Tricycle Teachings: 12 Months of Dharma)
Phật giáo Và Sức Khỏe Tâm Thần
Thiền sư Thánh Nghiêm
Bài thuyết pháp của Thiền sư Sheng-Yen (Thánh Nghiêm) vào ngày 25 tháng 10, 1990 tại Bệnh viện Đa Khoa San Francisco.
***
Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ. Chính ở nơi đó Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói đến những vấn đề của bệnh khổ. Bệnh khổ bắt đầu từ lúc sinh; khi ta được sinh ra, là khổ đau đã bắt đầu. Người chưa từng có bệnh khổ là người chưa có mặt trên cõi đời. Khổ chỉ chấm dứt sau khi chết. Trong cõi đời, chúng ta phải chịu đựng những sự đau đớn, khổ não nơi thân và tâm, nhưng tâm bệnh có thể được chữa khỏi bằng Phật pháp.
Đức Phật nhận thấy rằng cứu chữa cho tâm quan trọng hơn là cho thân. Người có tâm lành mạnh và hành vi thiện lành sẽ ít bị vấn đề nơi thân hơn là người có tâm bệnh. Nếu tất cả những vấn đề của tâm đều được giải trừ, thì đó là giải thoát. Người có thân mạnh khỏe nhưng tâm bệnh sẽ đau khổ nhiều hơn là người chỉ có những vấn đề nơi thân.
Thân bệnh thì đau đớn; tâm bệnh thì khổ não. Phật pháp không thể giúp chúng ta khỏi đau đớn. Phật pháp không phải là thuốc tê, nhưng nó có thể giúp diệt trừ khổ não.
Theo Phật giáo, có ba nguyên nhân gây ra khổ:
- Vô Minh Về Sự Khởi Thủy (Không biết về sự Không-Có cái bắt đầu)
Các tôn giáo ở phương Tây thường thuyết giảng về sự khởi đầu. Khoa học Tây phương đặt giải thuyết về nguồn gốc của trái đất, và vũ trụ. Vấn đề của sự khởi đầu khá khó giải quyết. Đức Phật cho rằng không có sự khởi đầu. Trong một vòng tròn đâu là điểm khởi đầu. Dầu rằng có thể có một điểm khởi đầu, nhưng bạn hãy thử cố gắng đi, bạn sẽ không thể tìm ra nó. Do đó chúng ta nên chấp nhận không có điểm khởi đầu. Nếu bạn hỏi, “Khổ đau từ đâu đến?”, người con Phật sẽ trả lời, “Khổ từ vô thủy đến”.
- Vòng nhân/quả của khổ não:
Quả mà ta đang hứng chịu trong hiện tại là do nhân gây ra trước đó. Quả này ngược lại sẽ trở thành nhân cho quả tương lai. Càng sống, chúng ta càng không ngừng tạo ra nhân tương lai.
- Những Khổ Não:
Có ba nhân tạo ra khổ não:
- Môi Trường:
Trong chuyến đi này tôi thực sự có cơ hội được tận mắt thấy thành phố
Sớm hôm nay khi tôi ngồi cùng xe với bà chủ nhà. Lúc bà hắt hơi, tôi hỏi, “Bà bệnh sao?” Bà ấy trả lời, “Không, tôi chỉ bị dị ứng với không khí lạnh. Đúng vậy ngay ở
- B. Các Mối Liên Hệ
Các mối liên hệ có thể mang đến cho chúng ta nhiều phiền não. Ai chịu trách nhiệm cho phần lớn những khổ não của chúng ta? Phần đông nghĩ chính là kẻ thù của họ. Thật ra không nhất thiết là như vậy. Thủ phạm có thể chính là chồng, vợ hay con của ta. Người mà chúng ta thường tranh cãi nhất không phải là kẻ thù của ta mà chính là những người thân thiết nhất của ta. Hằng ngày chúng ta không chỉ phải đương đầu với người thân mà còn bao nhiêu người khác nữa, có người ta biết, người không. Có người giúp ta, người cản trở ta. Chúng sanh không dừng tranh hơn thua với nhau.
Hôm qua khi tôi thuyết giảng tại đại học Stanford, có thính giả than phiền là những kẻ trí thức thực sự rất ích kỷ. Dĩ nhiên người trí thức là những người thông minh. Lý ra họ phải giúp đỡ và hỗ trợ nhau. Điều họ không nên làm nhất là xâu xé nhau. Tuy nhiên, ngay chính người thông minh cũng không tránh khỏi thói nhỏ mọn, tỵ hiềm trong bản tánh của con người. Tôi thường hỏi, “Ở đây có ai chưa từng ganh đua với người khác hay không cảm thấy người khác ganh đua với mình? Có ai không?” Câu trả lời luôn là không.
- C. Xáo Trộn Cảm Xúc
Kẻ thù lớn nhất của chúng ta không ở bên ngoài. Chúng ta phiền não phần lớn chính là do tâm ta. Chúng ta luôn thay đổi cảm xúc. Chúng ta có thể chuyển từ hống hách đến rụt rè, với thời gian chúng ta thay đổi cái nhìn về sự vật. Do đó, chúng ta bị xáo trộn và cảm thấy bất lực, không thể quyết định điều gì. Ta lo lắng về được, mất, phải hay trái, và không thể quyết định phải làm gì. Điều này thực sự là khổ sở. Có nhiều người phải khổ như thế, nhưng lại tin rằng họ không có vấn đề gì. Khi họ phủ nhận rằng họ có vấn đề, họ có thể nhảy cỡn lên, quậy tưng, đưa bản thân đến những trạng thái giận dữ cùng cực. Có lần tôi hỏi một người như thế, tại sao anh có quá nhiều phiền não. “Đâu phải tại tôi”, anh ta phản kháng, “chính là tại mấy kẻ đốn mạt kia đã làm cho tôi khổ thế này”. Thực sự, chính anh ta gây ra phiền não cho mình.
Hôm qua tôi đi cùng xe với bốn người. Mấy người này tham gia vào một cuộc tranh cãi quyết liệt. Một người nói với tôi, “Xin lỗi Sư phụ vì chúng tôi tranh cãi quá nhiều”. Tôi trả lời, “Quý vị tranh cãi với nhau, đâu phải chuyện của tôi”. Thực ra tôi có nghe họ cãi vả không? Dĩ nhiên là có. Nhưng tôi không tham gia câu chuyện. Sáng nay, một trong bốn người đó lại nói với tôi, “Tôi chịu không nổi khi nghe người ta tranh cãi nhau. Âm thanh của nó khiến tôi khó chịu”. Bạn có thể nghĩ là anh ta đang phản ứng lại điều gì đó ở bên ngoài mình. Sự thật chính anh ta mới làm cho mình bị phiền não. Phiền não từ trong anh mà ra.
Phật giáo phân ra năm loại tâm phiền não: tham, sân, si, mạn và nghi. Khi bị xáo trộn, chúng ta có thể cố gắng phân tích trạng thái tâm phiền não đó. Khi đã có thể xếp phiền não của mình vào loại nào, và quán chiếu về nó, thì ta có thể giảm thiểu cường độ của nó. Khi bị tham làm chủ, chúng ta có thể quán: “Tôi đang tham, tôi có những ham muốn mạnh mẽ”. Sau đó trạng thái tâm tham sẽ tự động giảm thiểu.
Khi sân, chúng ta cũng có thể quán: “Tại sao tôi lại sân đến thế? Tôi đang khổ do tâm sân”. Bằng cách đó tâm sân và phiền não sẽ bắt đầu giảm xuống. Ta phải quay nhìn vào, không phải hướng ra ngoài. Đừng phân tích vấn đề, hãy phân tích chính tâm của bạn.
Khi ta lầm lỗi và cảm thấy hối tiếc về điều gì đó, tốt nhất là ta phải quán chiếu xem mình đã làm gì. Nếu thực sự đó là một hành động bất thiện, hãy quán: “Tôi đã hành động không khôn khéo”. Từ đó ta sẽ bớt phiền não, ân hận.
Mạn, tự nó cũng là một loại phiền não. Nhận biết về các cảm xúc này khi chúng khởi lên, sẽ giúp ta chế ngự được chúng.
Nghi cũng là một loại phiền não. Nghi sẽ cản trở chúng ta quyết định. Ta sẽ không thể tin tưởng tha nhân cũng như bản thân. Đó đúng là phiền não. Nếu bạn biết mình bị tâm nghi hoặc quấy nhiễu, bạn cần phải quán như sau: “Tôi cần phải hoàn thành công việc này, công việc nọ, nên tốt nhất tôi phải tin tưởng rằng mình có khả năng và đó là việc cần phải làm”. Nếu thực sự tin như thế, ta sẽ có thể hoàn thành bất cứ điều gì ta muốn làm.
Trạng thái tâm Nghi có thể ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống của ta. Thí dụ một người đã quyết định kết hôn, nhưng quyết định này lại bị lung lay bởi tâm nghi. Người đó ngần ngại không biết cuộc hôn nhân của mình có tan vỡ, liệu người hôn phối có bỏ rơi mình sau khi thành hôn, hoặc người đó có thiếu trung thực, có giấu diếm mình điều gì không? Nếu tâm nghi này không được chế ngự, người đó sẽ rất khổ sở trước ngưỡng cửa hôn nhân và sẽ đau khổ suốt cuộc hôn nhân. Dầu không có lý do gì thực sự có thể khiến cho đôi lứa phải chia tay, nhưng chính tâm nghi sẽ tạo ra lý do để đưa đến những vấn đề trong cuộc sống vợ chồng.
Nếu bạn có những nghi hoặc như thế, hãy tự nhủ: “Nếu tôi thực sự có quá nhiều nghi hoặc, thì quyết định kết hôn là hành động rồ dại. Nếu tôi thực sự muốn kết hôn, tôi cần chấp nhận người phối ngẫu, hoàn toàn chấp nhận người đó”. Nếu ta không thiết lập được một thái độ như thế, thì tốt hơn ta nên sống độc thân, vì hôn nhân sẽ chỉ mang đến cho ta sự khốn khổ. Có ai không có tâm nghi hoặc không? Tôi chưa từng gặp ai hoàn toàn không có tâm nghi.
Theo Phật giáo, có năm nguyên nhân đưa đến sự xáo trộn của tâm:
- Theo đuổi một đối tượng mà không xét đến những ưu và khuyết điểm của mình. Nói cách khác là ta không biết mình có gì và không bao giờ bằng lòng với cái mình có. Hoặc khi phải đối mặt với hoàn cảnh vượt ngoài tầm kiểm soát của mình, ta lại luôn dằn vặt với ước muốn chống lại điều không thể tránh khỏi. Nhiều người, nhất là những người trẻ, tin rằng khả năng của họ là vô hạn. Nhìn những gì người khác đã thực hiện, họ nghĩ rằng, họ cũng có thể làm được như thế. Nhưng khi những điều kiện không thuận lợi phát sinh, họ cảm thấy là cá nhân họ bị trù dập, nên phản kháng lại thay vì chấp nhận những gì đang xảy ra.
- Có ước muốn được phát triển và thành công vô độ. Người có tâm lý xáo trộn này luôn muốn khuếch trương cái mình có. Họ muốn dàn trải tầm ảnh hưởng của mình vượt ngoài mọi giới hạn. Người cố sức tạo danh để cả thế giới biết đến mình. Kẻ lại dùng quyền lực để đè bẹp những ai dám đối đầu với họ. Những cuộc tranh đấu vì quyền lực như thế có thể xảy ra giữa các quốc gia hay chính trong các gia đình. Một người vợ có thể cố gắng điều khiển chồng hay ngược lại. Lòng tham muốn thống trị người khác thể hiện một tâm lý bị xáo trộn.
- Khi đạt được một mục đích hay vật chất gì đó, lòng tự mãn phát sinh. Thái độ đó có thể dẫn người ta đến sự vô tâm và coi thường người khác. Người tự mãn có thể nghĩ rằng họ có quyền xúc phạm hay gạt người khác qua một bên tùy theo ý thích cá nhân của mình.
- Khi không đạt được một mục đích gì đó thì sinh tâm chán nản. Người với tâm lý bị xáo trộn này thường dễ chán nản, không còn tự tin nơi bản thân. Người này cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác.
- Nghi hoàn toàn chế ngự tâm. Cảm giác bất an nặng nề. Lòng tự tin mau chóng tàn lụi.
Tôi không phải là nhà tâm lý học hay tâm thần học. Tôi không có kiến thức sâu sắc về tâm lý học cổ điển mà tôi cũng không rành mạch trong việc phân loại các bệnh tâm thần nói chung. Tôi chỉ dựa trên quan điểm Phật giáo phân loại các vấn đề tâm bệnh như trên. Từ năm loại tâm bệnh này có thể sản sinh ra vô số các tâm bệnh khác. Nên nhớ là Phật giáo không quan tâm đến nguyên nhân hay bệnh lý của các yếu tố đặc biệt đưa đến sự khủng hoảng tinh thần của người bệnh. Phật giáo chỉ quan tâm đến việc nhận biết và trừ bỏ các xáo trộn tâm lý.
Giờ tôi sẽ nói về phương cách làm thế nào để quân bình tâm và chữa trị các tâm bệnh.
Chúng ta thường đối mặt với những xáo trộn tâm lý của mình bằng cách sử dụng hai phương cách không hiệu quả. Đầu tiên là sự chối bỏ: “Tôi không có bệnh. Tôi không có vấn đề gì cả. Không có gì sai lệch nơi tôi cả”. Cách thứ hai là tự chữa trị: luôn quay lại trong đầu các sai sót và những gì mà người đó nghĩ là thuốc chữa cho mình. Hành động này thiết lập một giả định sai trên một sai sót khác. Cả hai phương cách này chỉ khiến vấn đề thêm tệ hại và nghiêm trọng hơn.
Các bác sĩ tâm thần và tâm lý học sử dụng phương pháp thổ lộ, tâm sự để phân tích và giúp giải thích các vấn đề của con bệnh. Dầu đúng là mục tiêu của phương pháp này là để người bệnh có thể nhận ra hiện thực, nhưng theo quan điểm của Phật pháp, nó chỉ có tính cách nhất thời và chưa hoàn chỉnh. Đó là vì bác sĩ chỉ có thể khám phá ra một phần của vấn đề, và chính bản thân người bệnh cũng chỉ có thể biết một phần chứ không phải là một bức tranh toàn diện của căn bệnh của mình. Và vấn đề lại tiếp tục xảy ra sau các buổi tư vấn, do đó đôi khi người bệnh phải tiếp tục điều trị hằng mười hay hai mươi năm mà không có kết quả thực sự. Chỉ việc này thôi cũng khiến bác sĩ bệnh theo luôn.
Cách chữa trị của Phật giáo có thể chia làm hai lãnh vực chính: thay đổi tư duy và các phương pháp thực hành.
A. Thay đổi tư duy
- 1. Tư duy về nhân quả
Dầu tư duy này thuộc tôn giáo, nhưng nó cũng là thực tại. Nó là một thực tại vì trong suốt cuộc sống của chúng ta, bất cứ chúng ta làm gì, cũng có sự phản hồi hay hậu quả của hành động của chúng ta. Dựa trên tín tâm, chúng ta tin rằng đã có kiếp sống trước kiếp này, và kiếp trước đó nữa, vân vân và không biết bao nhiêu kiếp sống trong quá khứ. Nhiều thứ hiện chúng ta đang phải nếm trải có vẻ bất công, nhưng đó chỉ là hậu quả của những hành động mà ta đã làm trong quá khứ. Có tin như thế, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận những gì xảy ra cho ta, dầu tốt hay xấu.
- 2. Tư Duy về Nhân Duyên
Tất cả các pháp sinh và diệt là do sự tích lũy và tương tác của nhiều yếu tố khác nhau. Nhân của hoa là hạt giống, nhưng đất, nước, và ánh sáng mặt trời phải có mặt để cây có thể sống. Thiếu thời gian hay sự bứng rể, hoặc thiếu nước, thiếu ánh sáng mặt trời sẽ khiến cây hoa khô héo, rồi chết đi.
Khi đạt được điều gì, ta không cần phải quá vui mừng, hay hãnh diện. Không cần biết chúng ta đã đạt được bao thành tích, điều đó không thể xảy ra nếu không có sự giúp đỡ trực tiếp hay gián tiếp của nhiều tha nhân. Và do chúng ta cũng biết rằng những gì hôm nay có mặt, một ngày nào đó cũng sẽ qua đi, nên ta không cần phải quá thất vọng khi đối mặt với những nghịch duyên hay chướng duyên. Châm ngôn cũng có câu, “Sau cơn mưa, trời lại sáng”.
Tâm thanh tịnh sẽ giúp ta dễ dàng đón nhận khổ đau hay hạnh phúc. Đó là biểu hiện của tâm lành mạnh.
- 3. Từ Bi
Người ta thường muốn kẻ khác có lòng bi mẫn đối với mình, nhưng lại ít khi nghĩ đến việc có lòng từ bi đối với người khác. Có nhiều người khi lầm lỗi thì đòi hỏi phải được tha thứ: “Đừng so sánh tôi với một vị thánh!” họ nói. Nhưng khi thấy người khác làm lỗi thì họ sẽ nói, “Bạn thật là thiếu năng lực. Tại sao bạn không làm đúng ngay lần đầu!”
Lòng từ bi đòi hỏi bốn yếu tố:
+ Hiểu rõ các nội kết của bản thân và phát triển sự hài hòa nội tại.
+ Thông cảm với những khiếm khuyết của người.
+ Tha thứ lỗi của người.
+ Quan tâm đến khổ đau của người khác.
Yếu tố thứ nhất rất quan trọng. Để có thể tự tại với chính mình, ta cần phải có tâm thanh tịnh, bình an.
Để được như thế, ta phải luôn chánh niệm về giáo lý nhân quả và nhân duyên. Điều đó sẽ giúp ta có được tâm bình an, tĩnh lặng. Được thế ta mới có thể từ bi, đồng cảm, tha thứ và quan tâm đến người.
B. Các Phương pháp Thực Hành.
- 1. Niệm Phật. Phương pháp này là thường niệm hồng danh Phật. Có hai lý do để hành phương pháp này. Trước hết, niệm hồng danh Đức Phật để được vãng sinh vào cõi Tịnh Độ sẽ mang đến cho ta niềm hy vọng về tương lai, do đó giúp ta dễ dàng buông bỏ hiện tại. Thứ đến, niệm Phật cũng giúp ta giải tỏa được những vấn đề tâm thần. Khi tâm lý bạn bị xáo trộn, bạn có thể dẹp bỏ sân, si và những vấn đề tâm thần khác bằng cách chú tâm vào niệm danh hiệu Phật. Tôi thường khuyên mọi người, “Khi quý vị nổi giận, muốn la mắng ai, hãy niệm danh hiệu đức A Di Đà”. Làm vậy ta đã gửi tâm sân của ta đến Đức Phật A Di Đà. Nó trở thành việc của Ngài.
- 2. Hành Thiền
Tọa thiền giúp ta thâu nhiếp tâm tán loạn và thanh tịnh hóa tâm uế nhiễm. Có nhiều phương cách hành thiền cũng như nhiều cấp bậc chứng đắc mà chúng ta không có thời gian để đi sâu vào chi tiết ở đây. Tuy nhiên, tôi có thể giới thiệu khái quát với quý vị về một số chứng đắc mà quý vị có thể đạt được:
Khi quý vị đạt đến một điểm mà tâm không còn vọng tưởng, thì đó gọi là thiền chỉ (samadhi). Khi ở trong trạng thái đó, không có ai, không có vấn đề gì có thể quấy nhiễu quý vị. Từ trạng thái định đó, quý vị có thể phát triển tuệ về vô ngã. Đó là sự giác ngộ trong Thiền Phật giáo (Ch’an hay Zen). Để đạt được giác ngộ là được giải thoát khỏi các tâm bệnh, tâm xáo trộn. Khi quý vị luôn ở trong trạng thái này, không thối hoái, đó được gọi là Đại Ngộ. Nếu không thì quý vị chỉ được Tiểu Ngộ. Các vấn đề của tâm lúc trước có thể tái xuất hiện nếu quý vị chỉ đạt đến mức độ này, nhưng quý vị sẽ biết cách hóa giải chúng. Ngay nếu như chỉ đạt được Tiểu Ngộ cũng đã là một bước quan trọng. Nhưng hãy nhớ rằng khi quý vị mới bắt đầu hành thiền đó cũng là một bước quan trọng vậy.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ dựa theo bài Buddhism and Mental Health được đăng trên báo Ch’an Newsletter – Số. 90, Tháng 1, 1992)
Hãy Là Bác Sĩ Cho Chính Mình
Lama Thubten Yeshe
Lama Thubten Yeshe đã thuyết giảng bài này ở Hội Trường Melbourne, Úc Châu, vào tháng Tư, năm 1975. Bài giảng này do ông Nicholas Ribush hiệu đính.
***
Phương thức mà chúng ta sống và suy nghĩ về mọi việc thường dựa vào mặt hưởng thụ vật chất. Chúng ta cho rằng việc thọ nhận vật chất là điều quan trọng nhất, và chúng ta cống hiến bất cứ gì để cho chúng ta vui thú, sự nổi tiếng cũng dựa trên căn bản vật chất. Kể cả khi mọi việc xuất hiện từ nơi tâm thức, chúng ta cũng chỉ hoàn toàn lo lắng đến những thứ bên ngoài, và không bao giờ nhìn vào bên trong, chúng ta không bao giờ hỏi cái gì đã làm cho các vật ấy trở nên hấp dẫn.
Tuy vậy, tâm thức này là một phần không thể tách rời khỏi chúng ta; chúng ta còn sống thì tâm thức này còn hiện diện trong chúng ta. Như vậy, chúng ta lúc nào cũng đứng ngồi không yên. Không phải là cơ thể chúng ta đứng và ngồi, mà là tâm thức của chúng ta – tâm thức hoạt động theo cách riêng của nó mà chúng ta không thể nào hiểu nổi. Cho nên, đôi lúc chúng ta phải tự kiểm soát lấy chính bản thân; không phải kiểm soát cơ thể mà là kiểm soát tâm thức, chính tâm thức sai bảo chúng ta phải làm gì. Bạn cần phải biết tâm lý của chính mình, hoặc, trong ngôn từ tôn giáo, có thể gọi là bản chất nội tại của bạn. Nhưng bạn gọi nó là gì cũng được, quan trọng là bạn phải biết tâm thức của mình.
Đừng nghĩ rằng kiểm soát và biết về bản chất của tâm thức chỉ là một chuyến du lịch Châu Á. Đây là một quan niệm sai lầm; đấy không phải là chuyến du lịch Châu Á, mà là chuyến du lịch của chính tâm thân. Làm sao bạn có thể tách rời cơ thể, hoặc hình ảnh của bạn khỏi tâm thức? Bạn không thể nói, « Tôi có quyền lực tách rời cơ thể khỏi tâm thức». Việc này là điều không tưởng. Bạn nghĩ rằng mình là một người tự do trong thế giới, đang hưởng thụ mọi thứ. Ấy là do bạn nghĩ thế thôi, nhưng thật sự bạn không có chút tự do nào. Tôi không cho rằng bạn đang bị ai đó điều khiển; chỉ là sự bám víu của chính bạn, và bạn đang bị đàn áp bởi tâm thức hỗn loạn này. Nếu như bạn có thể khám phá ra cái gì đã đàn áp bạn, tâm thức hỗn loạn sẽ tự động biến mất. Như vậy, việc hiểu rõ về tâm thức của bản thân là giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tâm thần.
Có ngày thế gian thật tốt đẹp; ngày kế thế gian thật là tệ. Làm sao bạn có thể nói như thế! Nói một cách khoa học, thế giới không thể nào thay đổi triệt để như vậy. Chỉ là tâm thức của bạn cho thấy như vậy thôi. Đừng cho rằng đây là giáo điều hay tín ngưỡng; việc chúng ta đứng ngồi không yên không phải do giáo điều hay tín ngưỡng. Tôi không nói đến tôn giáo; tôi muốn nói về cách thức mà bạn đang sống, cách sống ấy đã làm cho bạn đứng ngồi không yên. Con người và ngoại cảnh không thay đổi triệt để; những đổi thay đều là từ trong tâm thức của chính bạn. Dĩ nhiên là bạn hiểu được điều này – thật là đơn giản.
Cũng vậy, có người nghĩ rằng thế giới này thật đẹp và con người thật là tử tế, kỳ diệu, nhưng người khác lại cho rằng con người và mọi vật đều xấu xa. Ai đúng? Làm thế nào để giải thích việc này một cách khoa học? Đây chỉ là một phóng ảnh của tâm thức. Mỗi người trong một thế giới tri giác. Như vậy, bạn có cảm giác, «Hôm nay như thế này, ngày mai thế khác; ông này như vầy, bà nọ như thế kia». Nhưng đâu có người phụ nữ nào đẹp mãi và hoàn toàn không thay đổi? Ai sẽ là người đàn ông mãi mãi đẹp trai? Những việc này không thật hiện hữu. Chúng chỉ là những sáng tạo của tâm thức mà thôi.
Cũng thế, bạn không nên đòi hỏi vật chất làm bạn thoả mãn và làm cho cuộc sống của bạn trở nên hoàn hảo; việc này cũng không thể nào xảy ra được. Làm sao bạn có thể thoả mãn với vô số vật chất? Có thể nào bạn hài lòng khi ngủ với trăm người khác nhau? Việc này không thể nào. Sự hài lòng đến từ tâm thức. Tâm thức bất mãn luôn khao khát thay đổi từ người này sang người khác; từ chuyến du lịch này sang chuyến du lịch khác, không bao giờ bạn được thoả mãn. Đấy chỉ là tâm thức của bạn.
Bạn thấy đó, nếu bạn không hiểu tâm lý của chính mình, bạn có thể không biết cái gì đang xảy ra trong tâm thức bạn, cho đến khi tâm thức sụp đổ và bạn trở nên hoàn toàn điên rồ. Người ta điên vì thiếu sự sáng suốt nội tại, thiếu khả năng kiểm soát tâm thức của chính mình. Họ không thể tự giải thích; họ không biết cách nói chuyện với chính mình. Như vậy, họ luôn luôn lo lắng về ngoại vật trong khi tâm thức nội tại của họ đang kiệt sức cho đến khi nó rạn vỡ. Họ hoàn toàn không biết gì về thế giới nội tại; tâm thức họ hoàn toàn hợp nhất với sự si mê, thay vì thức tỉnh và tiến hành việc tự phân tích. Kiểm soát thái độ tâm thức của bạn là việc rất cần thiết; chủ yếu là bạn phải trở thành bác sĩ của chính mình.
Các bạn là những người thông minh: các bạn biết vật chất không thể mang lại hạnh phúc cho mình. Tuy nhiên, các bạn không cần phải lên tàu làm vài chuyến du lịch có tính cách hành hương, để khảo sát tâm thức của mình. Một số người cho rằng họ cần làm thế; họ nghĩ rằng cách thức tự phân tách là một cái gì đó thuộc về tôn giáo và tâm linh. Để thực hành điều này, không nhất thiết bạn phải là một môn đồ của triết lý này hay tôn giáo nọ. Nhưng nếu bạn muốn hạnh phúc, bạn cần phải xem lại cách sống của bạn. Việc này, bạn không cần phải đặt mình vào một loại tôn giáo nào; tâm thức của riêng bạn là tôn giáo của bạn đó.
Khi bạn xem lại tâm thức của mình, bạn không nên hợp lý hoá hay thúc đẩy nó. Hãy thư thả. Đừng bực bội khi các trở ngại xuất hiện. Chỉ nên nhận biết chúng và thấy được gốc rễ của chúng. Hãy làm quen với nó: Đây là một loại trở ngại. Tại sao việc này trở thành một vấn đề? Tâm thức nào đã biến việc ấy thành một trở ngại? Tâm thức nào cảm thấy rằng đây là một trở ngại? Việc này thật đơn giản, và khi bạn xét lại kỹ càng, trở ngại ấy tự động biến mất. Việc ấy đơn giản quá, phải không nào? Để làm được như vậy, bạn không cần phải tin vào một cái gì. Đừng tin vào gì hết! Mọi thứ đều giống nhau, bạn không thể nói: «tôi không tin là tôi sỡ hữu một tâm thức». Bạn không thể chối bỏ được tâm thức của mình. Bạn có thể nói, tôi chối bỏ những vật gì thuộc về Á châu – cái này tôi đồng ý. Nhưng bạn có thể chối bỏ được chính mình hay không? Có thể nào bạn chối bỏ cái đầu, cái mũi của bạn? Bạn không thể chối bỏ được tâm thức của mình. Như vậy, hãy đối đãi với chính bạn một cách sáng suốt, và cố gắng khám phá nguồn gốc chân thật của hạnh phúc.
«Khi già tôi sẽ giống cha mẹ tôi. Tôi sẽ có bánh và kẹo sô-cô-la nhiều như tôi mong muốn, và rồi tôi sẽ hạnh phúc». Bạn có thể có những suy nghĩ như thế trong đầu. Giờ bạn có rất nhiều bánh và kẹo sô-cô-la, nhưng bạn đang chán nản. Và bạn cho rằng nếu điều này chưa làm bạn hạnh phúc, bạn sẽ mua một chiếc xe hơi, một cái nhà, truyền hình, có vợ - sau đó, bạn sẽ hạnh phúc. Rồi bạn cũng có đầy đủ mọi thứ, nhưng cũng có thêm nhiều vấn đề. Chiếc xe hơi là một vấn đề; căn nhà là một vấn đề khác; vợ cũng là một vấn đề; con cái cũng thế. Lúc ấy, bạn sẽ nghiệm ra rằng, «Ô, đây không phải là hạnh phúc».
Như thế, cái gì là hạnh phúc? Hãy suy nghĩ cho tận cùng và xem xét lại; việc này rất quan trọng. Xét lại cuộc sống của bạn từ nhỏ cho đến bây giờ - hãy suy ngẫm. Đây là thiền định. Thiền định có tính chất phân tách. Lúc ấy, tâm thức của tôi như vậy đó; bây giờ thì tâm thức tôi như thế này. Tâm thức thay đổi khi vầy, khi khác. bạn thấy đó, tâm thức của bạn thay đổi rất nhiều lần, nhưng mà bạn cũng vẫn chưa biết rõ việc gì sẽ mang lại chân hạnh phúc cho bạn. Giải thích của tôi về việc này là … bạn đã sai lạc rồi. Tôi không cần biết bạn rành đường đi nước bước ở thành phố, bạn biết đường về nhà, biết rõ chỗ nào để mua kẹo; nhưng mà tôi biết, bạn đang sai lạc; bạn không thể tìm thấy mục đích của mình. Hãy xem xét lại một cách chân thật, bạn sẽ thấy tôi nói đúng.
Bởi vậy, đức Phật nói, bạn chỉ cần biết bạn là gì, tại sao bạn hiện hữu; thế là đủ. Bạn không cần làm gì khác nữa. Chỉ là hiểu rõ tâm thức của chính mình: nó hoạt động ra sao; làm thế nào mà ham muốn, bám víu xuất hiện; tại sao có mê lầm; các cảm xúc từ đâu tới. Chỉ cần biết bản chất thật của mọi thứ ấy; chỉ cần như vậy đã đủ mang lại cho bạn hạnh phúc, và an lạc. Cuộc sống của bạn thay đổi hoàn toàn; mọi vật sẽ bị đảo lộn; cái mà bạn cho rằng ghê tởm sẽ trở nên đẹp đẽ. Việc này thật sự có thể xảy ra.
Tôi chắc chắn rằng nếu như tôi nói với tất cả các vị là các vị chỉ sống cho kẹo sô-cô-la và kem, các vị sẽ nghĩ là tôi điên rồ. Không, không, không, tâm thức ngạo mạn của các vị nói thế. Nhưng hãy nhìn sâu vào mục đích cuộc sống của các vị. Các vị ở đây làm gì? Để được tiếng khen? Thâu gom tài vật? Cố gắng làm đẹp? Tôi không phóng đại đâu – các vị hãy tự suy xét, và rồi các vị sẽ thấy. Xuyên qua sự khảo sát kỹ càng, các vị sẽ thấy rõ rằng nếu nguyên cuộc sống của các vị là để tìm kiếm hạnh phúc, qua các vật như kẹo và kem, như vậy, cuộc sống làm người của các vị đâu có ý nghĩa gì. Loài chim và chó cũng có thái độ tương tự về cuộc sống. Nếu các vị nghĩ rằng các vị thông minh, như vậy các vị hãy cống hiến cuộc sống của các vị cho những mục đích cao cả hơn mục đích của những con gà!
Tôi không quyết định cuộc sống của bạn, nhưng bạn phải tự kiểm điểm lại. Thà là sống một cuộc sống hợp nhất còn hơn là sống trong sự rối loạn tinh thần. Mặt khác, cuộc sống của bạn không đáng giá, không ích lợi gì cho mình hay tha nhân. Hãy tự hỏi, vậy bạn sống cho cái gì –cho kẹo sô-cô-la hay thịt nướng? Có thể là học vấn. Nhưng mà học vấn cũng đến từ tâm thức. Không có tâm thức, cái gì là học vấn, cái gì là triết lý? Triết lý là cách suy nghĩ của một người, cách gom góp những ý nghĩ lại theo phương thức nào đó. Không có tâm thức, thì cũng không có triết lý, không có giáo điều, không có môn cao học nào. Tất cả mọi thứ này đều xuất phát từ tâm thức.
Làm thế nào để kiểm soát tâm thức? Chỉ cần quan sát cách tâm thức nhận thấy và hiểu biết về một đối tượng nào đó mà nó giao tiếp -cảm giác gì– thoải mái hoặc khó chịu – xuất hiện.
Kế đó, bạn xem lại: Khi tôi nhận biết hình ảnh này, cảm giác xuất hiện; xúc cảm hiện hữu; tôi phân biệt được bằng cách này, tại sao vậy? Đây là cách để xem xét tâm thức, chỉ có như vậy; rất đơn giản.
Khi bạn xem xét tâm thức của mình một cách đứng đắn, bạn sẽ thôi không đổ lỗi cho người khác; bạn hiểu rằng các hành động xuất phát từ tâm thức vẩn đục, lọc lừa. Khi bạn bận rộn lo lắng về vật chất, những vật bên ngoài, bạn hay đổ lỗi cho vật hay người về những trở ngại mà bạn gặp phải. Sau đó, bạn khổ sở vì kế hoạch của bạn dựa vào hiện tượng bên ngoài, hơn là nhìn rõ các vật ấy đúng theo thực chất của chúng. Như vậy, bạn có thể hiểu rõ cái nhìn của bạn chỉ là khái niệm mơ hồ - thái độ, hoặc bản chất tự nhiên của chính tâm thức bạn.
Bạn có thể cho rằng mọi thứ thật là mới lạ, nhưng không phải vậy. Bất cứ lúc nào, khi bạn bắt đầu làm việc gì, đầu tiên hãy xem xét có nên làm hay không, và rồi sẽ quyết định. Nếu như bạn đã làm qua rồi, tôi sẽ chỉ cho bạn một cách mới; sự khác biệt là bạn thực hành chưa đủ. Bạn cần phải xem xét kỹ hơn. Để làm điều này, bạn không cần phải ngồi trong góc một mình – bạn có thể xem xét tâm thức của bạn bất cứ lúc nào, kể cả khi nói chuyện hay làm việc với những người khác. Cũng vậy, bạn không nên nghĩ rằng khảo sát tâm thức là việc dành riêng cho những người đi du lịch ở Á châu. Đừng nên nghĩ như vậy.
Bạn cũng nên biết thực chất của tâm thức rất khác biệt so với thịt xương của cơ thể vật lý. Tâm thức giống như một tấm gương soi, phản chiếu mọi thứ không phân biệt. Nếu như bạn có sự hiểu biết sáng suốt, bạn sẽ điều khiển được phản ảnh nào mà bạn muốn nó hiện diện ở cái gương tâm thức. Nếu như bạn hoàn toàn không biết điều gì đang xảy ra nơi tâm thức của bạn, cái gương ấy sẽ phản ảnh lại tất cả mọi thứ rác rưởi – những thứ có thể làm cho bạn bệnh hoạn về mặt tâm lý.
Sự xem xét sáng suốt của bạn sẽ giúp bạn phân biệt được những phản ảnh nào có lợi, và phản ảnh nào có thể mang đến những trở ngại về mặt tâm lý. Dần dà, khi bạn hiểu rõ thực chất của chủ thể và khách thể, tất cả vấn đề của bạn sẽ tan biến.
Một số người nghĩ rằng họ rất mộ đạo, nhưng cái gì là mộ đạo? Nếu bạn không khảo sát bản chất thật của chính mình, không đạt được trí tuệ, thì bạn mộ đạo cách nào đây? Chỉ là ý nghĩ cho rằng bạn mộ đạo – Tôi đạo Phật, Do Thái – chẳng giúp ích gì hết. Nó cũng chẳng giúp gì cho bạn; và cũng không giúp được người khác. Nếu bạn có trí tuệ, bạn có thể thật sự giúp đỡ mọi người.
Vấn đề lớn nhất của nhân loại thường nghiêng về tâm lý hơn vật chất. Từ khi sinh ra đời cho đến khi chết, con người luôn bị điều khiển bởi các nỗi khổ tinh thần. Một số người không bao giờ chịu để ý đến tâm thức của họ khi mọi việc ổn thoả, nhưng khi có chuyện – một tai nạn hoặc một chuyện ghê gớm nào đó xảy ra – họ liền nói, Thượng đế, xin hãy giúp con. Họ cho rằng họ sùng đạo, nhưng thật ra họ chỉ đùa vui thôi. Trong hạnh phúc hay buồn phiền, người thực hành cần mẫn vẫn giữ được ý thức kiên định và bản chất chân thật của thượng đế. Bạn không thực tế và không sùng đạo khi bạn quên chính bản thân mình trong lúc bạn bận rộn hưởng thụ các thú vui trần thế, và bạn chỉ quay lại với thượng đế khi có việc không may xảy ra. Chắc chắn là thượng đế không giúp nổi rồi.
Có rất nhiều tôn giáo hiện hữu mà chúng ta đã biết qua, sự giải thích của họ về thượng đế hoặc Phật hoặc gì gì đi nữa, cũng chỉ là những chữ đơn sơ bắt nguồn từ tâm thức; chỉ có vậy. Do đó, những chữ này không quan trọng lắm.
Quan trọng là bạn hiểu rõ mọi vật – tốt và xấu; tất cả các loại triết lý hay giáo điều – đều bắt nguồn từ tâm thức. Tâm thức rất hùng cường; vì vậy nó cần có một sự hướng dẫn chắc chắn. Một chiếc phi cơ mạnh mẽ cần một phi công giỏi; phi công tâm thức của bạn cần có sự hiểu biết sâu sắc, cần có trí tuệ về mặt tâm thức. Khi ấy, năng lực mạnh mẽ mới có thể được hướng dẫn để làm lợi ích cho cuộc sống hiện tại, hơn là để nó chạy nhảy mặc sức như một con voi điên, vì nó sẽ làm thương tổn đến chính bản thân bạn cũng như những người chung quanh.
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
(Chuyển ngữ theo:
http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/mahasi/wheel370.html)
Những Vấn đề Trong Gia đình Hiện Đại
Và Giải Pháp Của Phật giáo
Sư Cô Chân Đẳng Nghiêm
Sư Cô Chân Đẳng Nghiêm, thế danh là Huỳnh Thị Ngọc Hương, là đệ tử của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, tại Deer Park, bang California, Mỹ.
Kết cấu và sự an lành của gia đình phản ảnh cũng như ảnh hưởng đến kết cấu và sự an lành của xã hội. Trong thời hiện đại, nhiều gia đình trên thế giới đều khổ đau vì tình trạng ly dị, bạo lực, căng thẳng, áp lực thời gian, bế tắc trong liên hệ, vân vân. Đơn vị gia đình cần gấp rút sửa đổi, để các thế hệ tiếp nối được có một tương lai. Việc giữ và thực hành năm giới, được truyền dạy từ thời của Đức Phật và được Tăng đoàn Làng Mai sửa đổi lại, có khả năng giải quyết những vấn đề xã hội hiện đại, mang đến cho thế giới một hướng ra. Năm giới phản ảnh rõ ràng giáo lý của Đức Phật và đưa ra những cách thực hành cụ thể có thể áp dụng cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, giới tính, văn hóa, và tôn giáo.
- 1. Giới Thứ Nhất: Bảo vệ sự sống
*Vấn đề Hiện tại:
Ăn uống quá độ, kết quả là đem lại bịnh hoạn cho thân, hủy hoại môi trường; Chiến tranh và bạo lực trong gia đình và ngoài xã hội.
*Giáo lý của Đức Phật: Kinh Kim Cang là giáo lý cổ xưa nhất về việc bảo vệ môi sinh.
*Cách Thực Hành:
-Ăn Chay: Khuyến khích chúng ta dùng ít thịt và các thực phẩm chế biến từ sữa để giảm hiệu ứng trái đất ấm dần lên.
-Bất bạo động: Kêu gọi sự dàn xếp hòa bình ổn thỏa giữa những người trong một nước hay các dân tộc khác nhau.
- 2. Giới Thứ Hai: Khoan Dung
*Vấn đề Hiện tại:
Chủ nghĩa cá nhân. Sự cô đơn và tách biệt
*Giáo lý của Đức Phật: Kinh Từ Bi (Metta Sutta) dạy về tình thương yêu và bi mẫn.
*Cách Thực Hành: Giáo dục về Hòa bình; Lục hòa; Tạo ra các đạo tràng như là nơi nương tựa cho gia đình và xã hội; Chánh mạng.
- Giới Thứ Ba: Tình dục chân chánh
*Vấn đề Hiện tại:
-Con số ly dị cao; Vấn đề của Gia đình chỉ có mẹ hoặc cha; Mại dâm và băng đảng. Các bịnh lây qua đường tình dục, thí dụ, HIV, AIDS, Viêm gan, vân vân.
-Lạm dụng tình dục và bóc lột trẻ em.
*Giáo lý của Đức Phật: “Sự Trống Vắng của Việc Truyền thừa:” Cha mẹ trao truyền cho con cái tất cả những gì về họ và tổ tiên của chúng.
*Cách Thực Hành: Những phương cách để bảo vệ và duy trì tình dục, hơi thở và năng lực tinh thần, có nghĩa là, sự tiêu thụ một cách có chánh niệm về bốn loại thực phẩm; thiền định; thể dục; hoàn toàn buông thư, vân vân.
-Tình dục chân chánh; Bảo vệ trẻ em tránh khỏi sự lạm dụng thể xác và tình dục.
-Hiệp ước Hòa bình; Năm Điều Ghi Nhớ.
- 4. Giới Thứ Tư: Ái ngữ và biết lắng nghe
*Vấn đề Hiện tại:
Hiểu lầm, tình trạng không thể giao tiếp với nhau trong gia đình.
*Giáo lý của Đức Phật: Chánh ngữ. Ái ngữ, nghe sâu lắng, đồng sự. Bảy cách để chấm dứt các cuộc tranh cãi.
*Cách Thực Hành: Ái ngữ và lắng nghe; Trao đổi với tinh thấn trách nhiệm; Thông tin có trách nhiệm; Cách thực hành Làm Mới lại; thực hành Ánh đèn sáng. Phòng Thở cho gia đình.
- Giới Thứ Năm: Sự tiêu thụ có chánh niệm.
*Vấn đề Hiện tại: Tiêu thụ quá trớn; nghiện ngập, những vấn đề thể xác và tâm thần.
*Giáo lý của Đức Phật: Bốn loại thực phẩm trong “Bài giảng về Máu thịt của con”.
*Cách Thực Hành: Cách sống đơn giản; tiêu thụ có chánh niệm đối với bốn loại thực phẩm; Các sinh hoạt trong gia đình với nhau như trao đổi về Phật pháp; Phòng thở, vân vân.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển dịch theo MODERN FAMILY SITUATION AND THE BUDDHIST RESPONSE, 8/3/2008, tại Tu Viện Deer Park, California)
Gia Đình Là Vị Thầy Tâm Linh
Lama Zopa Rinpoche
Trên đường đến viếng thăm Học viện Root vào tháng 12, năm 2005, Lama Zopa Rinpoche được nghe bác tài lái xe bày tỏ là bác rất tức giận gia đình và xin ngài Lama Zopa Rinpoche dạy cho vài bài chú tụng để giúp bác giải quyết vấn đề. Dưới đây là những lời hướng dẫn của ngài Lama Zopa Rinpoche dành cho bác tài, nhưng chúng cũng có thể áp dụng cho chúng ta.
***
Ra là bác đang rất giận gia đình. Tuy nhiên tôi muốn nhắc nhở rằng phát khởi lòng sân hận là không tốt, bác phải tìm giải pháp khác. Bác phải có trách nhiệm ngăn chặn vấn đề đó. Ngay khi nhận ra điều đó, thì bác đã tiến một bước đến hạnh phúc và bình an. Không nhận ra điều đó sớm, bác cũng như các thành viên khác trong gia đình sẽ không có được an bình trong cuộc sống hằng ngày, trong từng phút giây. Chúng ta càng có thể giảm bớt sự nóng nảy, giận dữ thì chúng ta càng có thể mang hạnh phúc, bình an đến cho tất cả mọi chúng sinh trên thế giới này. Kể cả hàng tỷ người trên thế giới và cả tỷ người ở quê hương Ấn Độ của bác. Dĩ nhiên, khỏi nói, là kể cả gia đình, hàng xóm và bản thân bác nữa.
Nếu sân hận có thể hoàn toàn được diệt trừ bằng cách hành thiền và tạo công đức, có nghĩa là bác đã dừng được việc làm hại đến tất cả mọi chúng sinh, đem lại hạnh phúc, an vui cho mọi người, không chỉ trong kiếp sống này mà trong tất cả các kiếp sống tương lai. Điều đó thật khó tin, khó tưởng tượng là bác, chỉ một cá nhân bác, lại có thể mang lợi ích đến cho bao người như thế.
Đúng ra, bác nên xem gia đình là vị thầy tâm linh vĩ đại của mình. Đức Phật đã nói rằng: Ai là kẻ thù của bạn, ai khiến bạn phải sân hận, người đó là vị thầy tâm linh của bạn. Vì sao? Đức Phật giải thích, vì họ dạy cho bạn cách huân tập lòng kham nhẫn. Để bạn luyện tâm kham nhẫn với họ. Người duy nhất có thể giúp bác thực hành điều này là người gây hấn với bác. Bác sẽ không có cơ hội để thực tập điều này với thân hữu, với người xa lạ, và dĩ nhiên là không thể với chư Phật, những vị đã không còn lòng sân hận. Vì thế kẻ thù là những bậc thầy vĩ đại; họ giúp bạn tiêu trừ sân, giúp bạn dừng lại việc gây hại cho người khác. Nhờ thế bao người được an vui, hạnh phúc. Không có sân hận thì sẽ có được hòa hợp, hạnh phúc, ngay chính trong gia đình –trong cuộc sống và trong tâm của mọi người cũng như của chính bạn.
Như thế bác thấy rằng những người gây hấn với bác hoặc chỉ trích bác, những người có tâm sân giận, lăng mạ và chỉ trích bác bằng lời lẽ của họ, hay ngay cả dùng thân đánh bác, họ là những người tử tế và đáng quý nhất. Bác phải thấy rằng họ là những người tử tế nhất trong đời bác, những người đáng quý nhất trong đời bác.
Ngoài ra, nếu khởi tâm sân hận, bác sẽ tạo cho mình nghiệp xấu, dẫn đến việc phải chịu khổ trong địa ngục. Nếu bác không có tâm tham, sân và si, thì không có địa ngục. Như thế có nghĩa là những người đã giúp bác hiểu về tâm sân, thực hành tánh kham nhẫn, thì họ là những người hộ trì cho bác, bảo vệ cho bác khỏi tái sinh vào địa ngục, nơi kẻ có tội phải trải qua những hình phạt đau đớn nhất trong a tăng kỳ kiếp.
Vì thế, khi bác sắp sửa khởi tâm sân, khi bác cảm nhận được nó sắp xảy ra, hãy nhớ đến những gì sẽ xảy ra cho bác ở địa ngục, với bao đau khổ. Sân cũng khiến cho nhiều người khác phải hứng chịu cùng cảnh ngộ. Vì khi họ sân giận lại bác, họ cũng phải tái sinh vào địa ngục, thay vì một cuộc sống hạnh phúc, thay vì được tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp hơn.
Đôi khi bác cũng có thể đặt mình vào vai trò của họ; nghĩ rằng họ là mình khi họ đang bài bác mình. Nếu bác làm được như thế khi người khác đang phê phán mình thì thật thú vị. Chúng ta luôn nghĩ kẻ khác xấu, bất công đối với mình, nhưng chúng ta ở đâu? Ta không thể tìm thấy ‘bản ngã’. Ta không thể tìm được con người đang bị phiền não trong thân này, từ đỉnh đầu xuống đến gót chân. Ta không thể tìm thấy ‘cái ngã’ trong mũi, trong tai, hay trên đầu mũi.
Dĩ nhiên là có một ‘cái tôi’ đang tạo nghiệp xấu, đang hoang tưởng và đang khiến nhiều chúng sanh phải rơi vào địa ngục bằng cách khiến họ giận dữ, nhưng đó là điều chúng ta không thể tin. Bác cũng không thể tìm được điều đó trong tâm hay nơi thân, hay trong cả hai nơi. Phân tích sâu sắc hơn về đề tài này là điều đáng làm. Nó sẽ là một khám phá sâu sắc và gây sốc. Cho đến giờ bác tin rằng có một ‘cái ngã’ ở trong thân này, trong lồng ngực, nhưng giờ khi bác khám xét, bác không thể tìm ra nó. Ở đây tôi muốn nói đến ‘cái tôi’ mà ta thường tin vào, theo cách mà ta thường tin.
Nhà đại học giả Ấn Độ, Shantideva, nói rằng khi bạn thực hành hạnh kham nhẫn, không để tâm sân khởi lên, bạn có thể ví như mình là khúc cây hoặc quán niệm về ngã như là món kem hay ly Coca-Cola.
Cũng nên nghĩ đến sự tử tế của kẻ thù, người đang giận dữ với bác, đang lăng mạ bác hay bất cứ gì. Điều đó giúp bác thực hiện được tâm kiên nhẫn ba-la-mật, con đường đưa đến giác ngộ. Không làm được như thế, bác sẽ không thể đạt được hoàn toàn giác ngộ. Không làm được như thế, bác sẽ không thể trở thành một vị Phật để giải thoát bao chúng sanh khỏi biển khổ của luân hồi và giúp họ giác ngộ, niềm hạnh phúc vĩ đại nhất. Vì thế người mà bác coi là kẻ thù, và đánh giá tâm sân hận của họ là xấu xa, thực ra đang giúp bác thực hành kham nhẫn. Người đó thực ra là đang ban tặng bác sự tự do, sự giải thoát khỏi khổ và giác ngộ bằng cách giúp bác tu tập theo con đường Đại thừa (Mahayana), của kham nhẫn ba-la-mật.
Ngay chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và bao chư Phật khác trong quá khứ cũng là những chúng sinh bình thường như chúng ta, với những lầm lỗi, ảo tưởng và phiền não như chúng ta. Nhưng rồi họ giác ngộ được bản chất của khổ, thực hành kham nhẫn, phát triển tâm trên con đường đạo, và đạt được giải thoát, giác ngộ. Nhờ đó họ có thể giúp bao chúng sanh giải thoát khỏi khổ và đi đến giác ngộ. Các vị ấy đã chỉ cho chúng ta, cho bao chúng sinh trên thế giới này, con đường hoàn hảo để đi đến hoàn toàn giải thoát. Các vị ấy hướng dẫn chúng ta phương cách đạt được hạnh phúc, được tái sinh vào cõi tốt đẹp hơn, và hạnh phúc tuyệt đối của việc được giải thoát khỏi luân hồi và đạt được hoàn toàn giác ngộ.
Ngoài thiền quán, hãy cố gắng trì tụng OM MANI PADME HUM -chú tụng của Bồ Tát Quán Âm, vị giác ngộ của lòng Từ Bi- mỗi ngày cho tất cả chúng sanh, để mang tất cả mọi chúng sanh, mọi loài ngạ quỷ, a-tu-la, súc sanh, loài người và chư thiên đến giác ngộ.
Một loại chú khác nữa là chú tụng của Đức Phật Di Lặc, vị Phật của Tình Thương –OM MUNI MUNI MARA SOHA. Chú tụng này sẽ giúp ta phát triển tình thương yêu đến người khác, giảm sân hận, tâm độc từ bao nhiêu kiếp.
Tôi sẽ rất hoan hỷ khi bác biết trì tụng các chú này, cũng như hành thiền. Thực tập kham nhẫn và từ bỏ sân hận.
Xin nhắc lại: Ngày nào mà bác dừng sân hận, bác sẽ mang đến cho gia đình, cho thế giới và cho bản thân nhiều hạnh phúc. Nếu không dừng lại, bác sẽ đem lại nhiều hậu quả, khổ đau cho bản thân và cho người.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(chuyển ngữ từ The Family As One’s Spiritual Guru, Mandala April/May 2006)
Phần 3
Một Số Kinh Nghiệm Tu Tập
Sa-di Bom
Phra Peter Pannapadipo
Peter Robinson trở thành tu sĩ Phật giáo ở tuổi bốn mươi lăm. Sư Phra Peter Pannapadipo đã thiết lập Quỹ Giáo Dục Học Sinh (Students’ Education Trust – SET) -một tổ chức từ thiện để giúp học sinh nghèo và các sa-di trẻ được tiếp tục học lên cao. Vì người tu sĩ không thể kiếm tiền hay trực tiếp gây quỹ, nên sau mười năm, Sư Peter đã tạm thời cởi áo hoàn tục để điều hành tổ chức SET ở Thái Lan.
+++++
Truyền thống Phật giáo Nguyên Thủy ở Thái Lan cho phép các bé trai được đến chùa tu gieo duyên trong thời gian một hay hai năm. Sau đó, người sa-di có thể quyết định tiếp tục tu hay hoàn tục. Dưới đây là câu chuyện của một chú sa-di như thế. Chúng tôi hy vọng câu chuyện nhẹ nhàng này sẽ giúp chúng ta có thêm chút hiểu biết về phong tục này ở Thái Lan, cũng như có được đôi giây phút thư giãn trong mấy ngày Xuân.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi rất kính ngưỡng các vị sa-môn và các chú sa-di ở tu viện trong làng. Tôi nghĩ là các chú sa-di, dầu ít tuổi, cũng rất nghiêm túc trong việc giữ giới luật của họ. Quan sát họ đi khất thực mỗi sáng, tôi thấy họ hành xử rất đúng mực, có vẻ được huân tập rất tốt. Tôi chưa bao giờ thấy họ phạm giới luật, và họ đã khiến tôi muốn trở thành một đứa trẻ tốt. Từ khi trở thành một chú sa-di, tôi đã sống ở nhiều tu viện. Giờ tôi biết rằng ở chốn riêng tư, hành vi của các thầy và các chú sa-di không phải lúc nào cũng đúng. Một số người chỉ tỏ ra như thế khi có các vị cư sĩ ở chung quanh.
Khi đọc về quý sư hay các chú sa-di có tà hạnh trên báo chí, tôi đâm lo ngại là người ta sẽ nghĩ rằng tất cả các tu sĩ đều giống nhau. Điều đó không đúng. Tôi công nhận là chính bản thân tôi không phải lúc nào cũng tốt –thỉnh thoảng tôi cũng rất hư đốn- nhưng phần lớn các chú sa-di đều cố gắng tuân giữ giới luật và tu hành nghiêm chỉnh. Họ rất cố gắng để có thể là tấm gương đạo đức cho người cư sĩ. Một số ít tỏ ra bất cần, nhưng điều đó cũng không khác dầu người ta là tu sĩ hay cư sĩ, giàu hay nghèo; lúc nào cũng có kẻ xấu, người tốt. Ngay cả các chính trị gia Thái Lan cũng không tuân giữ năm giới luật của Đức Phật, dầu họ cũng phải làm gương tốt cho người dân thường. Tôi chỉ là một chú sa-di mười lăm tuổi, nên điều duy nhất tôi có thể làm để giúp người khác là cố gắng hết sức để hành xử đúng đắn và tuân giữ giới luật. Nhưng đôi khi điều đó cũng khó, nên tôi cũng chưa làm tốt mấy bổn phận của mình.
Tôi nghĩ các giới luật rất quan trọng, dầu với các vị tu sĩ hay cư sĩ. Chúng không khó hiểu, nhưng khó giữ. Chúng ta không chỉ đọc tụng chúng trong chùa, nghiên cứu trong sách vở, hay thuộc lòng trong trí nhớ. Chỉ làm như thế thì dễ rồi, nhưng chúng ta cũng phải thực hành chúng trong đời sống thường nhật. Chí ít điều chúng ta có thể làm được là biết rằng mình đã phạm giới khi chúng ta lỗi lầm. Như thế ít nhất là chúng ta sẽ cố gắng làm tốt hơn trong tương lai.
Ai cũng biết giới thứ nhất, không sát sanh. Giới này đặc biệt khó khăn. Vì chỉ cần bước đi, chúng ta cũng có thể vô tình dày xéo lên các côn trùng và làm chúng chết. Nhưng nếu chúng ta không cố tình giết chúng, tôi nghĩ là đó không phải là phạm giới…. Tôi không bao giờ cố ý làm hại sinh vật nào, dẫu là con kiến hay con muỗi, dầu chúng có cắn tôi. Mà không, nếu chúng cắn tôi, có thể là tôi vẫn đập chúng, do thói quen đã huân tập trước khi tôi được biết về giới luật này, nhưng tôi phải cố gắng để dần dần thay đổi hành động này. Tôi nghĩ Đức Phật khi đi trong rừng cũng có thể dẫm lên các côn trùng, nhưng tôi chắc chắn rằng ngài không cố ý vì ngài rất nhân từ. Tôi nghĩ Đức Phật là người nhân từ nhất từ trước đến nay.
Tôi nghĩ giới thứ tư về việc không nói dối, cũng khó giữ. Đôi khi người ta cũng phải nói dối để bảo vệ bản thân. Thí dụ, nếu tôi thấy một chú sa-di lớn làm điều gì sai, chú ấy cũng có thể dọa đánh tôi, nếu tôi nói ra sự thật. Nên nếu sư trụ trì có hỏi, tôi cũng phải nói dối, vì sợ bị đánh.
Giới thứ sáu, không được ăn sau ngọ, tôi nghĩ là không phù hợp đối với các chú sa-di. Tôi chỉ là một đứa trẻ, mà nếu không được ăn vào buỗi chiều, tôi bị đau bụng. Tôi biết các sư và các chú sa-di lớn không được ăn nhiều vì như thế khi hành thiền sẽ bị bù ngủ, nhưng chúng tôi đâu có phải hành thiền. Có lần, sư trụ trì bắt gặp tôi ăn vào buổi chiều, nên sư quở trách tôi. Sư bảo rằng tôi là một chú sa-di hư, nên phạt tôi phải quét cả chùa. Sau khi phải tiêu hao hết năng lượng vào việc quét chùa, tôi lại đói, và lại phải ăn vụng. Tôi rất xấu hỗ vì đã phạm giới này, nhưng có thể là Sư trụ trì không bị đói như tôi. Tôi không hiểu sao Sư ăn quá ít mà vẫn mập mạnh… Đúng là thật khó khi bạn chỉ là một chú sa-di ở tuổi mười lăm.
Tôi không nhớ gì về mẹ tôi vì cha mẹ tôi đã chia tay khi tôi mới lên một. Từ đó không bao giờ tôi gặp lại mẹ. Lớn lên, tôi thường rất giận khi bị trẻ con trong làng chọc ghẹo, vì tôi là đứa trẻ duy nhất không có mẹ. Chúng bảo rằng mẹ tôi bỏ đi vì bà không thương tôi, và vì tôi là một đứa trẻ quá xấu xí. Dầu biết là chúng nói không đúng sự thật, nhưng tôi vẫn khóc vì chúng. Cha rất thương tôi, nhưng tôi cũng cần có mẹ để được hạnh phúc như bao bạn bè. Cha tôi tái hôn lúc tôi được năm tuổi. Dầu trong các chuyện cổ tích, các bà mẹ ghẻ rất ác, nhưng tôi may mắn được mẹ kế thương như là con đẻ, nên tôi rất hạnh phúc. Tôi rất thương nhớ mẹ kế, nhưng vì chùa tôi ở rất xa làng, phải mất gần mười ba tiếng trên xe buýt mới tới. Lâu rồi tôi không về thăm nhà vì tiền xe buýt cũng rất đắc.
Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học ở trường làng, tôi không biết phải làm gì. Cha mẹ không có tiền gửi tôi đi học xa, nên tôi nghĩ chắc là tôi phải làm công việc đồng án, hoặc đi Bangkok hay Pattaya để tìm việc làm. Nhưng tôi không muốn phải làm thứ gì cả. Công việc đồng án thì cực nhọc, nhưng tôi cũng nghe nhiều chuyện không tốt về thành thị, và những điều có thể xảy ra cho một đứa trẻ trai. Tôi chỉ mới mưới hai, không có nhiều suy nghĩ về tương lai, nhưng tôi thực sự muốn hoàn tất chương trình trung học phổ thông. Cha mẹ không có điều kiện giúp tôi, nên tôi bắt đầu làm công việc đồng án. Cũng không khó nhọc như tôi tưởng vì bạn bè tôi cũng làm ở những cánh đồng bên cạnh, nên chúng tôi vẫn có thể vừa làm việc, vừa chơi đùa.
Một ngày kia, cha bắt gặp tôi sử dụng thuốc kích thích. Bạn tôi đã cho tôi cả viên, nhưng tôi đã bẻ ra và vứt đi phân nửa, hy vọng là không có con gà nào ăn phải nó. Thực ra tôi cũng không muốn uống nửa viên thuốc này, nhưng mấy đứa trẻ khác đều uống, nên tôi không muốn bị coi là khác biệt. Tôi biết là tôi rất ngu khi làm thế. Đêm đó cha tôi đã khuyên nhủ tôi rất nhiều. Ông không giận dữ với tôi, nhưng tôi nghĩ ông nhận ra rằng phải tách biệt tôi ra khỏi đám trai trẻ trong làng.
Cha khuyên tôi xuất gia. Ngoài việc muốn tôi không tiếp xúc với ma túy, cha mẹ tôi cũng có khó khăn trong việc nuôi dưỡng con cái, dầu họ rất thương yêu chúng tôi. Nếu được xuất gia, tôi không còn là gánh nặng kinh tế cho họ nữa, vì tôi sẽ sống ở chùa. Tôi phân vân trước việc xuất gia, nhưng tôi không muốn nói ra để cha phải thất vọng hay để khiến cha thêm khó xử. Tôi đã nghĩ đời sống xuất gia sẽ rất khó cho tôi, vì đôi khi tôi rất hư hỏng. Tôi đã sợ rằng nếu tôi phạm giới luật, thì quả xấu sẽ xảy đến cho tôi trong tương lai.
Tôi trở thành một chú sa-di ở chùa làng năm tôi mười hai tuổi. Có khoảng sáu chú nữa, trạc tuổi tôi, cũng ở trong chùa. Tôi đã quen biết họ trước, nên dễ kết bạn với nhau, và điều đó giúp tôi bớt cô đơn. Mỗi sáng tôi cũng đều nhìn thấy cha mẹ khi tôi đi khất thực qua nhà. Thật buồn cười khi nhìn thấy cha mẹ giữ lễ đối với tôi, chứ không phải là ngược lại. Lúc đầu tôi cũng thấy ngượng ngùng, nhưng đó là phong tục của người Thái đối với người tu sĩ. Chùa tôi trú ngụ ít Phật sự. Không ai trong chúng tôi có nhiều việc phải làm trừ việc quét dọn quanh chùa. Ở đó tôi cũng không được đi học, nên tôi sinh lười biếng, suốt ngày gần như chỉ ngủ giống như các chú sa-di khác trong chùa. Nếu không có biến cố sau đây xảy ra thì chắc tôi sẽ ở chùa đó suốt đời. Đó là một buổi tối kia, tôi đã phạm giới ăn phi thời, và đêm đó một con quỷ gớm ghiếc đã hiện ra ám tôi.
Tôi rất sợ ma, nhưng chưa bao giờ thấy chúng. Các chú sa-di khác đã bảo là có một con quỷ sống trên cây cổ thụ trong chùa. Tôi thưa với sư trụ trì là tôi rất sợ, nên sư đã xăm vào cánh tay và ngực tôi hình ảnh của những con chim và cá linh mà Sư bảo là chúng sẽ xua đuổi ma quỷ đi.
Tôi không biết ngạ quỷ có sống ở những xứ sở khác không, nhưng ở Thái Lan có rất nhiều. Chúng rất tham ăn nhưng không bao giờ được thõa mản, vì bụng chúng thì to mà miệng thì nhỏ, nên chúng luôn phải ăn. Người Thái tin rằng nếu bạn là một người tham lam, lúc nào cũng muốn được nhiều, nhiều hơn nữa, thì bạn sẽ tái sinh làm ngạ quỷ. Tôi biết là ngạ quỷ đang đuổi theo tôi vì tôi đã ăn phi thời… Khi nhìn thấy ngạ quỷ, tôi chết đứng một chỗ, nhưng rồi tôi hét lên và chạy về thất, không dám nhìn lại phía sau vì tôi chắc chắn là nó đang đuổi theo tôi, để phạt tôi là một sa-di tham ăn, hư hỏng.
Tôi chạy đến thất của Sư trụ trì, dọng cửa ầm ầm. Sư mở cửa cho tôi vào và hỏi lý do, nhưng tôi sợ đến không cất tiếng nổi, chỉ biết khóc. Sau khi được Sư trấn an, tôi kể cho Sư nghe tôi đã thấy gì. Tôi thú nhận rằng tôi đã phạm giới ăn phi thời. Sư trụ trì đeo một tượng Phật quanh cổ tôi, và bảo rằng nó sẽ bảo vệ tôi.
Sau kinh nghiệm khủng khiếp đó tôi quyết định rời chùa, đến tá túc ở một chùa cách làng đến hai trăm ki-lô mét, để có thể tiếp tục việc học. Cha mẹ tôi rất buồn vì tôi phải đi xa làng quê. Họ biết là họ sẽ không được gặp tôi trong một thời gian dài. Tôi cũng buồn, nhưng tôi cố gắng tỏ ra là một sa-di biết kiềm chế, không khóc khi từ giã mẹ, nhưng sau đó, khi một mình trên xe buýt, tôi đã khóc.
Chùa mới có trường lớp rộng lớn nhưng chúng tôi chỉ được học tiếng Pali và Phật Pháp. Tôi nghĩ tiếng Pali không ích lợi gì cho tôi, nhưng Phật pháp thì ích lợi đối với mọi người. Mỗi tuần tôi có một ngày được đi học ở trường đặc biệt của chính phủ nơi tôi có thể học các môn học khác của bậc trung học. Tôi đã học được năm thứ hai. Tôi rất thích học các môn, nhất là tiếng Anh.
Tôi rất hạnh phúc trong thời gian làm sa-di, giờ nghĩ lại tôi mừng là cha tôi đã khuyến khích tôi làm điều đó. Làm sa-di, tôi được có nhiều cơ hội mà tôi không thể có nếu chỉ là một đứa trẻ bình thường sống trong làng quê. Nếu sống ở nhà, tôi chỉ biết làm công việc đồng án, nhưng sống ở chùa tôi được đi học. Công việc ở chùa không quá nhọc nhằn, và không ai cố sức cám dỗ tôi sử dụng ma túy. Tôi có nhiều huynh đệ tốt, được học hành miễn phí, không phải lo lắng về cơm áo, không phải dựa vào cha mẹ về vấn đề tiền bạc.
Dầu tương lai sẽ như thế nào, tôi cũng không bao giờ quên thời gian sống làm sa-di, ngay cả lúc về già. Cuộc sống của một sa-di có thể khá nhọc nhằn đối với một đứa trẻ trai như tôi. Tôi nghĩ để có thể là một sa-di hiền thiện, đứa trẻ cũng phải rất đặc biệt. Nhưng dầu là đứa trẻ bình thường như tôi, cũng có thể học được rất nhiều điều, nếu người đó hết sức cố gắng. Tôi tin là nhờ thời gian sống làm sa-di mà tính cách, hành vi của tôi đã được chuyển đổi rất nhiều. Khi trở về cuộc sống của người cư sĩ, tôi chỉ phải giữ năm giới luật, không còn phải lo lắng về việc ăn phi thời và một số giới luật khác mà người sa-di phải giữ. Ngoài việc cho tôi cơ hội để học tập, tôi tin rằng việc được sống làm sa-di trong một thời gian, được học Phật pháp sẽ giúp tôi trong tương lai được trở thành một người tử tế, từ bi, bác ái. Tôi nghĩ là tôi sẽ làm được như thế.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Lược dịch theo Novice Bom, NXB Arrow Books, 2001)
Cuộc Sống Ở Tu Viện
Eko Susan Noble
***
Khi Susan Noble quyết định rằng nghiệp của cô là phải trở thành một nữ tu sĩ Phật giáo trong dòng tu Shingon khổ hạnh ở Nhật, một người bạn Nhật đang là nữ tu tại đó đã nói: “Không thể bỏ cuộc được đâu. Phải cố đến chết thôi’. Không ai nghĩ là cô có thể vượt qua các nghi thức khởi đầu đầy cam go.
Đó là sáu năm về trước, nhưng không những không bỏ cuộc, mà giờ bà còn có thể trở thành một trong những người ngoại quốc đầu tiên được đề cử làm trụ trì của một chùa Phật giáo Nhật: đó là chùa Daifukuji ở Koryo, cách Tokyo khoảng 230 dặm. Nhưng những chướng ngại mà bà phải vượt qua để thể hiện được nghiệp của mình có thể khiến những rào cản thương mại mà các doanh nghiệp phương Tây ta thán dường như quá nhỏ mọn…
Susan Noble, 36, sinh trưởng ở Oregon, Mỹ. Cô tu tập theo Thiền Phật giáo cho đến khi biết về hệ phái Shingon, mà cô cho là ít kén chọn và cởi mở đối với người bình thường hơn.
Hệ phái Shingon được thiết lập do một tu sĩ người Nhật, Kobo Daishi, vào thế kỷ thứ 9, sau một chuyến viễn du đến Trung Quốc. Hệ phái Shingon chủ yếu dựa trên việc tụng niệm và các nghi thức khác ở tu viện, hơn là phong cách ẩn dật, tĩnh lặng như bên Thiền tông.
***
Tôi được xuất gia, tu học ở Mt. Koya là nơi xuất phát dòng Shington (Chân Ngôn Thông). Mt. Koya nằm trong một quần thể các dãy núi cách thành phố Osaka, trung tâm Nhật Bản khoảng 35 kilomét về phía Nam. Mt.Koya được coi là một thánh địa, mà theo phong tục của hơn một ngàn năm trước, phụ nữ không được đặt chân lên đó. Vì lẽ đó dòng tu này chỉ mới nhận ni sinh trong thời gian gần đây, trong khi các tăng sinh đã bắt đầu được nhận từ năm 1872, mặc dù vẫn có nhiều nữ cư sĩ theo tông này đã tu chứng từ nhiều thế kỷ trước.
Trong khoảng một trăm năm trở lại đây, các nữ tu bắt đầu được thọ giới chính thức và được tu học ở Mt.Koya. Ni chúng cũng phải giữ đủ các giới như bên Tăng.
Ở ni viện Mt.Koya, các nữ tu phải tự học, dưới sự hướng dẫn của vị trụ trì. Tuy nhiên, cũng có thời gian ngắn, họ được rèn luyện chung với các Tăng ở Viện Đào Tạo Tăng, là nơi được thành lập rất sớm. Giờ thì Ni viện có thể đón nhận khoảng 16 Ni sinh hàng năm đến tu học trong một cơ sở khang trang.
Người ngoại quốc đến Nhật để tu học Phật pháp thường được giới thiệu đến các thiền viện nơi có thể thỏa mãn các yêu cầu cá biệt của họ. Họ có thể tham gia các khóa tu thiền chuyên sâu ở các thiền viện mà không cần phải biết tiếng Nhật. Tuy nhiên, theo truyền thống của dòng Shington, thiền sinh bắt buộc phải đọc được các kinh bằng chữ Hán cũng như tiếng Sanskrit. Dầu đã có các Tăng người Tây Phương đến tu tập ở đây, tôi là người phụ nữ Tây Phương đầu tiên được thọ giới theo truyền thống của Shington, và cũng là người phụ nữ đầu tiên đã bước vào các chùa đào tạo Tăng hay Ni ở trên ngọn núi Mt.Koya. Khi tôi bắt đầu đến đây tu học, giới báo chí, truyền thanh đặc biệt chú trọng đến sự kiện này. Và điều đó đã mang đến cho tôi nhiều phiền toái ở thời điểm đó. Nhưng giờ nghĩ lại, tôi thầm cảm ơn họ, vì nhờ đó mà chúng tôi có các tài liệu quý báu về sự huấn luyện cổ xưa trong dòng Shington, và có thể sử dụng chúng để giới thiệu với tất cả những ai muốn muốn tìm hiểu về Shington.
Cảnh quan thiên nhiên của núi Mt.Koya hoàn toàn khác biệt. Trên cao thường có các chấn động khác thường, vì đó là một trong những nơi được coi là thánh địa ở Nhật. Theo truyền thống Phật giáo ở Á Đông, các ngọn núi thiêng với những năng lượng đặc biệt và các mỏ nam châm thường được dành làm nơi thờ phụng các đấng thần linh. Tôi được biết là các phi cơ không bay qua vùng núi Mt.Koya vì các chấn động trên núi làm ảnh hưởng đến hệ thống radar của phi cơ. Tôi rất hãnh diện được phép tu tập ở đó, dầu trường hợp của tôi có thể nói cũng chỉ là một trường hợp thử nghiệm, tôi vẫn thấy phải cố gắng hết sức mình. Tôi đã phải hứa là sẽ tuân theo mọi giới luật nghiêm túc, không có trường hợp ngoại lệ, dầu tôi không phải là người Nhật. Với những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ mà tôi phải đương đầu hàng ngày, đây quả là một thử thách lớn, nhưng ước muốn được trở thành một đạo sư (priest) theo truyền thống Shington là niềm mong ước lớn nhất của đời tôi. Kinh nghiệm tu tập ở đây dầu thật quý báo, nhưng xét về nhiều mặt, cũng gây nhiều trở ngại cho tôi.
Người ta thường lãng mạn hóa về cuộc sống trong một thiền viện tráng lệ trên một ngọn núi huyền bí, những giá trị tinh thần thực sự nằm trong liên hệ giao tiếp căng thẳng của cuộc sống chung đụng với mười lăm người phụ nữ khác.
Sự tu tập theo truyền thống Shington bắt đầu bằng nghi lễ xuất gia cho các cư sĩ: qua đó chúng tôi bắt đầu xuống tóc, nhận y áo, và thọ 10 giới luật. Khóa thứ nhất và thứ ba dành cho việc học các nghi thức lễ bái căn bản, tụng niệm các kinh mỗi sáng, chiều cũng như chuyên sâu vào các môn học. Chúng tôi học cách mặc y, cách ngồi, cách tụng, cách sống theo các điều lệ trong những tu viện Phật giáo Nhật Bản.
Khóa tu thứ hai bắt đầu khi chúng tôi thực hành các nghi lễ trang nghiêm trong hành thiền gọi là bốn giai đoạn chuẩn bị cho sự tu tập giải thoát. Đây là thử thách cam go của truyền thống Shington: một trăm ngày tu chuyên sâu về nghi thức gọi là “nghi quĩ” (Sadhana) thường được dùng trong Kim Cương thừa, gồm các bài chú về những phép tu thiền định đặc biệt (1). Phải thực hành viên mãn các nghi thức này rồi mới được truyền thừa Pháp, được coi như đã bước vào thứ bậc đầu tiên trong hàng giáo phẩm, và được thọ giới Tỳ kheo. Những thứ bậc cao hơn chỉ có thể đạt được sau nhiều năm học hỏi, thực hành chuyên sâu.
Bốn giai đoạn chuẩn bị cho sự tu tập giải thoát này được coi là rất cam go. Đó là quá trình thanh tịnh hóa thân tâm, cũng như quyết định xem người tu sĩ có căn duyên gắn bó với truyền thống Shington không. Nhiều giờ liên tục ngồi thiền khiến bao nhiêu vọng tưởng khởi dậy, phải đối mặt với sai lầm ta đã phạm phải trong quá khứ.
Chúng tôi thường thức dậy từ 2 giờ sáng và thực hành Nghi Quỹ từ 12 đến 15 tiếng mỗi ngày. Ngồi thiền trên gót chân theo lối của người Nhật trên mặt sàn gỗ cứng, chỉ được trải một lớp chiếu mỏng, đối với các bạn đồng tu người Nhật cũng đã khổ thân, huống gì là tôi. Phải chú tâm quyết liệt trong các nghi thức và thiền định theo nghi quĩ là một thử thách cam go về tâm đối với mọi người. Rồi lại còn những câu hỏi cứ khởi lên: “Không biết mình có qua được thử thách này không?” Trong 16 phụ nữ tham gia khóa tu lúc bắt đầu, đậu lại chỉ còn 11.
Theo chương trình tu tập, chúng tôi còn phải dự một cuộc hành hương chiêm bái cả ngàn cây số để viếng 88 ngôi chùa trên đảo Shikoku. Phải mất hơn 2 tháng nếu đi bộ, nhưng chúng tôi tổ chức đi bằng xe buýt với sự tham gia của các cư sĩ khắp mọi miền trên đất Nhật. Một chuyến đi giàu ấn tượng và rất cảm động, vì phần đông các Phật tử tham gia đã lớn tuổi, và đây là chuyến đi mà họ hằng ấp ủ suốt cuộc đời. Cuối chuyến đi ai cũng rơi lệ vì cảm xúc. Riêng tôi, lòng chánh tín của họ đã khích lệ tôi thêm tinh tấn, và cuộc hành hương để lại những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tu tập của tôi. Căn duyên sâu xa nào đó đã mang tôi, một phụ nữ Mỹ, đến với nhóm phụ nữ Nhật hoàn toàn xa lạ. Thật là một kinh nghiệm hữu ích cho tôi và cả họ. Khiến chúng tôi phải nhìn lại mình, xét lại bao thành kiến sẵn có, để thay đổi bao cách nhìn, cách nghĩ của chúng tôi.
Chính phụ nữ là những người đầu tiên mang Phật giáo đến Nhật. Sự kiện này dù không được ghi trong sách vở, nhưng hầu như ai cũng biết. Vào khoảng 552 Tây lịch, có 3 phụ nữ Nhật gốc Triều Tiên đã từ Nhật trở về bán đảo Triều Tiên. Họ xuất gia ở đó rồi trở về dựng lên ngôi chùa Phật giáo đầu tiên trên đất Nhật, dưới sự bảo trợ của một gia đình quý tộc.
Khi Phật giáo được truyền từ Ấn Độ, về phía Bắc vào các nước như Trung Hoa, Triều Tiên rồi đến Nhật Bản, có nhiều quan điểm khác nhau về cách giữ các giới luật. Ngay như ở Ấn Độ, không lâu trước khi viên tịch, Đức Phật đã tuyên bố một số giới luật không quan trọng có thể được sửa đổi. Nhưng rõ ràng là ở Nhật, đã có rất nhiều thay đổi táo bạo.
Một bước ngoặt quan trọng về sự thay đổi các giới luật trong quá trình phát triển Phật giáo ở Nhật Bản do lão sư Saicho thuộc phái Tào Động khởi xướng. Saicho đã viết về các giới luật và cho rằng việc phải tuân theo 250 giới luật đã được tạo hình ở Ấn Độ là không thích hợp với người Nhật. Lý giải của Ngài không trái ngược với những lời dạy cuối cùng của Đức Phật cũng như đạo đức văn hóa của Nhật Bản, nên đã dẫn đến sự hình thành của các giới luật bố tát như đã được đề ra trong thời đại Heian (781-1191) trong dòng Tào Động và Chân Ngôn tông.
Vào năm 1224, Ngài Shinran, người đã sáng tạo ra Jodo Shinshu, một tông phái cho rằng phải hòa hợp giữa đạo và đời. Có nghĩa là không có sự khác biệt giữa đạo và đời. Do đó ông công khai lâp gia đình với một sư cô. Đó là một việc làm không được chấp nhận thời điểm đó. Từ đó mới có việc người tu sĩ vẫn lập gia đình. Và sau này hầu như các tôn giáo phái ỏ Nhật không còn giữ giới độc thân. Với cách giữ giới luật như thế của Phật giáo Nhật Bản dẫn đến các mâu thuẫn với các truyền thống Phật giáo khác, vì chúng quá khác biệt với những giới luật xuất phát từ Ấn Độ.
Cũng có lúc Phật giáo bị đàn áp ở Nhật Bản. Đó là lúc Hoàng đế Meiji ra sắc lệnh vào năm 1872 cho phép các tu sĩ Phật giáo ăn thịt, lập gia đình một cách chính thức, để tóc, giữ tên dòng họ và bãi bỏ truyền thống đi khất thực. Vào năm 1865 ở Nhật có hơn nửa triệu Tăng Ni. Năm năm sau con số đó chỉ còn lại 77.000. Chùa chiền bị đóng cửa, thường xuyên bị lục soát, kiểm tra và rất nhiều hình thức tôn giáo quan trọng bị sửa đổi. Việc nới lỏng giới luật là một phương cách hết sức khôn khéo nhằm đánh đổ sức mạnh của Giáo hội. Vì sự thay đổi đó, đa số Tăng Ni không thể tiếp tục cuộc sống ở tu viện, vì thế họ trở về đời sống thế tục. Khi giai đoạn đàn áp đã được xóa bỏ, nhiều chùa chiền lại được mở cửa. Các tu sĩ, thay vì từ bỏ vợ con, lại mang vợ con họ trở lại chùa. Do đó họ đã lập ra tiền tệ cho Phật giáo ở xã hội Nhật Bản sau này. Phần đông các chùa ở Nhật Bản, chính yếu là do cha truyền con nối.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển Ngữ theo Monastic Life, Woman & Buddhism, NXB Wisdom)
Cha Mẹ & Con Cái
Ajahn Jayasaro
Tỳ Kheo Jayasaro (thế danh: Shaun Chiverton) sinh năm 1958, tại Anh Quốc. Năm 1979, ông tham dự khóa thiền tích cực với Sư Sumedho.
Tháng 9, năm đó ông đến Thiền viện Wat Pa Pong ở miền Đông Bắc Thái Lan, nơi ông đã thọ giới xuất gia với vị Thiền sư trưởng lão nổi tiếng, ngài Ajahn Chah và tu học theo Truyền Thống Forest Tradition, là một truyền thống thuộc Phật giáo Nguyên Thủy.
***
Tôi nghĩ hẳn là mẹ tôi đã phải chịu bao khó nhọc khi mang thai tôi. Lúc đầu bà bị hành buồn nôn mỗi sáng, thời gian sau thì đi đứng trở nên khó khăn. Mọi chuyển động đều đau đớn và không thuận lợi. Nhưng mẹ tôi đã chấp nhận cái khổ này vì bà tin rằng có điều gì đó rất đáng công, và điều gì đó chính là tôi.
Khi còn nhỏ, việc gì tôi cũng phải nhờ đến cha mẹ, vậy mà không hiểu sao tôi coi chuyện đó là bình thường –phải đâu bổn phận của họ là phải cung cấp, cưu mang, còn tôi chỉ có quyền nhận? Sau này, tôi có duyên được tu tập theo Phật giáo để phát triển một nơi nương tựa thực sự ở bên trong, vì cha mẹ tôi đã tạo cho tôi một chỗ nương tựa bền vững, đáng tin cậy ở bên ngoài khi tôi còn trẻ. Họ đã thiết lập cho tôi một nền tảng vững bền để tôi có thể toàn tâm toàn trí tu tập, chiến đấu với uế nhiễm.
Năm 20 tuổi, tôi đến Thái Lan để thọ giới xuất gia. Cha mẹ tôi không phản đối vì họ muốn cho con trai có thể sống theo ý nó muốn và được hạnh phúc. Cha mẹ tôi đã chấp nhận việc này và buông bỏ tất cả mọi kỳ vọng họ đã đặt vào tôi. Năm ngoái, mẹ tôi đã thú nhận rằng ngày tôi ra đi là ngày buồn nhất trong đời của mẹ. Nghe vậy tôi rất xúc động. Điều gây ấn tượng ở tôi là mẹ đã rất chịu đựng và che giấu nỗi khổ đau này suốt hai mươi năm vì mẹ không muốn tôi phải bức rức vì chuyện này.
Sau khi đã trở thành một tu sĩ, đôi khi tôi không thể không tự trách mình. Khi còn sống bên cạnh mẹ cha, mỗi ngày tôi đều có cơ hội để làm điều gì đó, hầu đáp lại chút tình thương mà họ đã dành cho tôi, nhưng tôi hầu như chẳng làm gì cả. Giờ tôi ước muốn bày tỏ lòng biết ơn bằng trăm ngàn cách thì lại không thể vì tôi đã là tu sĩ và sống cách xa họ hàng ngàn dặm. Thật đáng trách. Tôi chỉ còn có thể làm những gì mà các vị tu sĩ vẫn làm hơn hai ngàn năm nay, là rải tâm từ đến cho họ mỗi ngày.
Ở Thái Lan chúng tôi thường nghĩ tưởng đến ‘boon khoon’ (công ơn) cha mẹ. Boon Khoon là niềm tin rằng mỗi khi ta nhận được sự giúp đỡ, lòng tử tế của ai đó –nhất là khi được ban tặng- là chúng ta đã mang một cái ơn. Thiện nhân là người biết trọng ơn nghĩa, và ơn nghĩa sâu dày nhất trong tất cả mọi ơn nghĩa là ơn nghĩa đối với cha mẹ. Đức Phật đã dạy chúng ta phát triển lòng biết ơn sâu sắc đến với cha mẹ, và ý hướng đáp trả ơn cha mẹ bằng những phương cách tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện.
Lúc nhỏ, tôi đã không được dạy dỗ về các giá trị này. Dĩ nhiên, trong nền văn hóa phương Tây cũng có tình thương yêu, gắn bó giữa cha mẹ và con cái, nhưng nói chung sự quan tâm, lòng biết ơn lẫn nhau thường ít được coi trọng. Trong khi các giá trị khác như là tự do cá nhân, tính tự lập thì lại được chú trọng hơn. Tình cảm thâm sâu, gắn bó giữa cha mẹ và con cái có thể cũng được nhiều người cảm nhận, nhưng nó không được truyền thông rộng rải như một đạo lý chung trong xã hội như trong văn hóa Phật giáo, thí dụ như ở Thái Lan.
Việc chúng ta phải coi trọng công ơn cha mẹ có thể được tìm thấy trong giáo lý của Đức Phật về Chánh kiến trong đời sống thế tục, nền tảng giúp ta hiểu điều này điều nọ trong cuộc sống. Trong kinh điển Pali, Đức Phật dạy rằng ta phải tin rằng cha ta là thật, mẹ ta là thật. Có thể bạn sẽ bỡ ngỡ khi đọc điều này phải không? Tại sao Đức Phật phải dạy chúng ta một điều quá hiển nhiên? Có ai không biết rằng mình được sinh ra trong cõi đời này là vì cha mẹ mình thực sự có?
Chúng ta cần phải hiểu rằng những lời dạy đó chỉ là ẩn dụ thôi. Điều Đức Phật muốn dạy là chúng ta cần phải biết rằng có một ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái, một ý nghĩa mà ta phải chấp nhận và tôn trọng. Mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái thật sâu sắc và huyền bí. Đức Phật dạy rằng không có nghiệp báo nào nặng hơn hành động giết cha hay mẹ. Trong từ ngữ Pali đó là anantariya kamma –nghiệp này nặng nề đến nỗi người gây nghiệp không thể nào tránh khỏi những hậu quả gớm ghê, dầu người đó có thật tâm hối hận đến mức độ nào. Như thế khi Angulimala có thể trở thành một vị A-la-hán dầu đã giết 999 người, thì điều đó sẽ không thể xảy ra nếu ông giết chỉ một người, mà người đó là cha hay mẹ ông.
Đức Phật không dạy về mối liên hệ thâm sâu này như là một phương tiện thiện xảo để quảng bá các giá trị trong đời sống gia đình. Nhưng đó là một chân lý vượt thời gian mà Ngài đã khám phá ra và sau đó truyền dạy lại vì lợi ích của chúng sanh. Giáo lý quan trọng đó dạy rằng mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái rất sâu dày và có thể đã diễn ra qua nhiều kiếp sống. Do đó, chúng ta phải chấp nhận, tôn trọng, và gìn giữ mối liên hệ đó.
Tóm lại, có thể nói rằng được sinh ra trong kiếp này là để chúng ta tiếp tục ‘bổn phận còn dang dở’ đối với mẹ cha. Có khi công việc còn dang dở này được thể hiện ra một cách không tốt đẹp, như khi đứa bé bị cha mẹ bỏ rơi, hay bị cha mẹ bạo hành thân xác hay tâm hồn. Có những hoàn cảnh như thế, và dường như ngày càng nhiều hơn. Nhưng những điều tệ hại mà cha mẹ có thể mang đến cho con cái như thế cũng không xóa bỏ được mối liên hệ thâm sâu này. Kiếp sống này chỉ như là một cảnh trong vở tuồng nhân sinh dài dẵng, chúng ta không biết điều gì đã xảy ra trong những kiếp quá khứ. Sống trong một xã hội nhân ái, dĩ nhiên chúng ta phải làm mọi cách để bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm phạm. Chúng ta phải tỏ rõ việc không thể chấp nhận những điều đó, và phải đối xử với các bậc cha mẹ phạm tội này đúng theo quy luật xã hội hiện hành. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải bảo vệ tâm khỏi sự sân hận và thất vọng bằng cách tự nhắc nhở rằng chúng ta chỉ thấy một phân cảnh ngắn của một vở trường kịch, mà phần lớn đều xa tầm mắt nhìn của ta. Quán chiếu dựa trên chân lý này giúp nạn nhân của những việc bạo hành, xâm phạm có thể tìm được phương cách để tha thứ cho những người có liên quan.
May thay, có rất ít các cha mẹ hoàn toàn nhẫn tâm với con cái. Phần đông, như các kinh điển đã nói, cha mẹ đều như các đấng Phạm Thiên đối với con cái, với tình thương yêu không lay chuyển, với tâm từ bi và niềm hoan hỷ. Trong một số kinh, Đức Phật đã dạy chúng ta làm thế nào để đáp trả tấm lòng trời biển của cha mẹ. . . .
Đức Phật thuyết rằng nếu có người muốn trả ơn cha mẹ bằng cách cõng cả hai lên vai, cả trăm năm, tận tụy phụng dưỡng họ, dầu họ có tiểu tiện trên vai; hoặc dâng tặng cho cha mẹ bao của cải, mang đến cho cha mẹ bao chức quyền, địa vị cao sang –dầu người con có thể làm tất cả những điều này cho cha mẹ, người đó vẫn chưa thể bù đắp cho những gì mà cha mẹ đã làm cho họ.
Tuy nhiên, nếu cha mẹ không có hoặc ít có lòng tin vào Phật pháp, thì người con có thể khơi dậy lòng tin đó nơi cha mẹ, hoặc nếu cha mẹ không biết tuân giữ giới hoặc trì giới không nghiêm mật mà người con có thể giúp cha mẹ chuyển đổi, sống đạo đức: thí dụ người con có thể giúp cha mẹ keo kiệt tìm được niềm vui trong việc bố thí, giúp đỡ người khác hay giúp cha mẹ phát triển trí tuệ để chiến thắng tâm uế nhiễu, chấm dứt khổ đau, thì người con đó đã hoàn thành được những nhiệm vụ được coi là thực sự trả được công ơn mà người đó đã mang đối với cha mẹ. . . .
Cách hành xử của con cái đối với cha mẹ thay đổi theo từng gia đình, vì điều đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố; thí dụ như số con cái trong gia đình, độ tuổi của con cái; con cái còn sống trong gia đình hay đã ra riêng, ở gần hay ở xa cha mẹ, vân vân.
Khi cha mẹ già yếu, người con có hiếu phải chăm sóc họ. Nếu thực sự điều này không khả thi (chứ không phải là viện lý do), thì họ phải thăm viếng cha mẹ thường xuyên, hay chí ít cũng phải gọi điện thoại hay viết thư thăm hỏi cha mẹ đều đặn, cũng như thông tin cho cha mẹ biết cuộc sống của mình thế nào. Biết rằng con cái vẫn tưởng nhớ, quan tâm đến mình là liều thuốc có thể mang đến cho cha mẹ tâm bình an, liều thuốc này còn hiệu lực hơn cả các loại thuốc do bác sĩ kê toa. Chúng ta phải giúp đỡ cha mẹ trong tất cả khả năng của mình. Khi cha mẹ đau yếu, nếu ta có thể giúp tiền chữa bệnh thì quá tốt, nhưng nếu ta nghèo, không thể làm điều đó thì hãy mang đến cho cha mẹ những gì ta có –thí dụ như thời gian. Hãy ngồi bên họ, đọc cho họ nghe hay chăm sóc họ theo cách tốt nhất mà chúng ta có thể làm (thí dụ tắm rửa, làm vệ sinh, đút ăn hay bóp tay bóp chân cho họ) –những việc làm này đối với cha mẹ đôi khi còn giá trị hơn tiền bạc hay bất cứ món quà vật chất nào mà ta dành tặng cho họ.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trích Dịch theo Daughters & Sons)
Vu Lan 2013
Thầy & Trò
Tỳ Khưu Thanissaro
Tỳ Khưu Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oberlin năm 1971 với chuyên ngành về Lịch sử Tri Thức Âu Châu, ông theo học thiền với Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko ở Thái Lan và xuất gia năm 1976. Năm 1991 ông giúp xây dựng Lâm Từ Viện ở San Diego, California, nơi ông là trụ trì. Ông là một dịch giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của ông có thể được tìm thấy trên mạng có tên: www.accesstoinsight.org
***
Trong Phật giáo Nguyên Thủy, mối liên hệ giữa Thầy và các đệ tử cũng giống như giữa một nghệ nhân và các học trò học nghề của họ. Pháp là một kỹ năng, giống như nghề mộc, bắn cung hay nấu ăn. Bổn phận của người thầy là truyền được tài nghề không chỉ bằng lý thuyết hay thực hành, mà còn phải tạo ra những tình huống để củng cố thêm sự khéo léo và khả năng quan sát mà người học trò cần có để trở nên thiện nghệ. Bổn phận của người học là tìm chọn một vị thầy đáng tin cậy –vị có tay nghề vững chắc, mục tiêu đáng tin cậy- và chí công vô tư. Suy cho cùng, không có cách chi bạn có thể trở nên một nghệ nhân giỏi chỉ bằng cách quan sát vị thầy một cách thụ động hay chỉ biết tuân theo lời dạy của ông. Bạn không thể trốn tránh trách nhiệm cho những hành động của mình. Bạn phải quan tâm đến hành động của mình và những hậu quả của chúng, đồng thời sử dụng sự khéo léo và thái độ cởi mở để sửa đổi lỗi lầm, vượt qua trở ngại khi chúng phát sinh. Điều này đòi hỏi bạn phải dung hòa giữa lòng kính trọng thầy của mình với lòng tôn trọng luật nhân quả đối với lời nói, việc làm và ý nghĩ của mình.
Không lâu sau lễ thọ giới của tôi, Ajaan Fuang Jotiko, thầy tôi, đã dạy: “Nếu con muốn học hỏi, con phải tư duy như kẻ cắp, tìm phương cách làm thế nào để đánh cắp tri thức cho mình”. Ít lâu sau, tôi mới hiểu người định nói gì. Trong những năm đầu tiên tu học với Sư, tôi thấy Sư không có ai làm thị giả để giúp đỡ Sư với những việc như là: dọn dẹp thất, nấu nước tắm, chăm sóc khi Sư bệnh, vân vân. Cho nên, dầu là một người ngoại quốc –chỉ bập bẹ tiếng Thái và có lẽ là người thô lỗ nhất mà Sư đã gặp- tôi cũng nhanh chóng nhận lãnh vai trò làm thị giả cho người. Thay vì chỉ dẫn cho tôi phải sắp xếp mọi thứ vào đâu hay khi nào phải làm điều chi, thì Sư để cho tôi tự quan sát mà làm. Nếu tôi làm đúng, Sư không nói gì. Nều sai, Sư sẽ chỉ ra lầm lỗi của tôi –nhưng vẫn không giải thích rõ ràng điều sai trái. Tôi phải tự mình quán sát: Khi dọn lều thất, Sư đã để mọi thứ ở đâu? Và tôi phải kín đáo quán sát, chứ nếu tôi chăm chăm theo dõi thì Sư sẽ đuổi tôi ra ngoài. Vì Sư dạy, “Nếu ta phải giải thích mọi thứ cho con, con sẽ quen với việc mọi thứ đều được dọn sẵn mâm cho mình. Như thế thì khi gặp vấn đề trong lúc hành thiền, làm sao con biết cách đối phó, khi con chưa hề có kinh nghiệm trong việc tự mình giải quyết và trải nghiệm vấn đề?
Vì thế tôi đành dẹp tự ái qua một bên và xem các sai lầm của mình như những vị thầy. Trước đây, tôi chưa bao giờ có thể chấp nhận rằng mình sai về vấn đề gì. Nhưng cuối cùng khi tôi có thể chấp nhận mình có sai sót, thì tôi bắt đầu tìm được nội lực mà tôi cần có để bắt đầu làm đúng.
Dầu vậy, vấn đề dung hòa lòng tôn kính vẫn khó đối với tôi. Sư Ajaan Fuang rất đầy đủ giới đức, trí tuệ và từ bi, nên tôi luôn tin tưởng vào cách đối xử của Sư đối với tôi. Do đó tôi cảm thấy vô cùng tôn kính người. Dầu vậy, Sư vẫn là một chúng sanh với những khiếm khuyết của mình. Theo truyền thống giáo dục Thiên Chúa giáo, tôi được dạy phải dành sự tôn kính tuyệt đối cho người không có lỗi lầm, vì thế tôi cảm thấy xốn xang trong lòng khi phải chứng kiến những lúc Ajaan Fuang không được hoàn toàn hoàn hảo. Đồng thời tôi cũng không biết phải làm gì với tính cách độc lập đã hằn sâu trong tôi. Rồi một ngày, không hiểu vì lý do gì, Ajaan Fuang bỗng nói với tôi về chuyện ngài có lần không đồng ý với chính sư phụ của mình, ngài Ajaan Lee Dhammadharo.
Lúc cuối đời, ngài Ajaan Lee cho xây một tu viện trên một vùng đầm lầy ở ngoại ô thành phố Bangkok. Các vị thí chủ muốn có một chánh điện, nên đó là công trình được xây dựng đầu tiên trong tu viện. Khi đổ móng, họ làm một khối bê-tông ngay dưới chỗ mà họ sẽ đặt tượng Đức Phật lên trên, và cất vào đó những báu vật như: xá lợi Phật, các ảnh tượng Phật, các bùa chú, các kinh, vân vân. Rồi họ lấp kín cửa lại để dành cho thế hệ tương lai. Theo truyền thống Phật giáo Thái Lan, các hình tượng Phật đều xoay mặt về hướng đông –là hướng mà Đức Phật xoay mặt về trong ngày Người đạt được giác ngộ -vì thế khối bê-tông được đặt dưới tòa nhà hướng về phía tây, dưới chỗ chính tượng sẽ được đặt. Tuy nhiên, giữa lúc công trình đang xây dựng, Ajaan Lee đổi ý, quyết định đặt tượng Phật ở phía đông của tòa nhà, hướng mặt về phía tây. Dù Sư không giải thích gì về sự di chuyển bất thường này, các đệ tử của Sư đều suy đoán là ngài muốn nói: Pháp sẽ đi về hướng Tây.
Tuy nhiên, không ai nhận thức rằng như thế khối bê-tông không còn nằm theo cùng hướng với bức tượng, cho đến khi tòa nhà đã được hoàn tất. Điều đó có nghĩa là nếu người ta đi vào tòa nhà bằng cửa tây, họ sẽ bước lên trên các báu vật đựng trong khối bê-tông, là điều hoàn toàn cấm kỵ đối với người Thái. Vì thế một buổi tối kia Ajaan Lee đã nói với Ajaan Fuang, “Hãy tụ họp các sư lại, rồi chuyển khối bê-tông qua phía bên kia tòa nhà”. Ajaan Fuang tự nghĩ, “Khối bê-tông đã được đặt dính dưới đất, còn bên dưới chánh điện thì không có gì ngoài bùn đất”. Tuy nhiên, Ajaan Fuang biết rằng nếu ông nói rằng không thể di chuyển được khối bê-tông, thì Ajaan Lee sẽ nói, “Nếu Sư không muốn làm thì tôi sẽ tìm người khác”. Vì thế, sáng hôm sau, sau
buổi điểm tâm, Ajaan Fuang lựa chọn các sư và các sa-di mạnh khỏe trong tu viện để chui xuống dưới gầm nhà, dùng dây kéo khối bê-tông sang phía đông. Họ hì hục cả ngày cũng không di chuyển được tấc nào.
Như thế giờ là lúc lên tiếng, phát biểu ý kiến- và đề nghị một giải pháp khác cho vấn đề. Tối hôm đó, Ajaan Fuang đến gặp Ajaan Lee và nói, “Sao ta không xây một khối bê-tông khác phía dưới tượng, rồi phá mở khối bê-tông cũ, lấy hết các báu vật ra, chuyển qua khối bê-tông mới, rồi đóng bít lại?” Ajaan Lee khẽ gật đầu, và thế là vấn đề được giải quyết.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(chuyển ngữ theo Think Like A Thief, trong Head & Heart Together)
Ảnh Hưởng Của Thiền Vipassana Nơi Làm Việc
S. S. Joshi
Để tìm hiểu mức ảnh hưởng của Thiền Vipassana (Thiền Minh Sát) nơi làm việc, chúng tôi phỏng vấn những người đã theo học khóa Thiền Vipassana trong vòng mười ngày. Những câu hỏi cũng được đặt ra cho những đồng nghiệp của họ để biết về kết quả thu thập được sau khi họ thực tập Thiền Vipassana.
Kết quả cho thấy thực hành thiền Vipassana không chỉ có nhiều chuyển hoá trong đời sống mà còn tăng cường năng suất và hiệu quả làm việc.
***
Thường thường tất cả đều nhận thấy có những đổi thay tốt đẹp nơi những người thực tập Thiền Vipassana, và mang lại được nhiều lợi ích cho nơi họ làm việc. Sau khóa thực tập, họ trở nên cởi mở, tin tưởng và thân thiện hơn. Họ làm việc một cách hăng say. Sự mệt mỏi, căng thẳng biến mất ; vấn đề ganh tỵ, khó chịu, mặc cảm đều giảm đi một cách rõ rệt.
Bây giờ chúng ta hãy nhận xét kết quả của từng cá nhân sau thời gian tu tập:
- Ông Balle, Nhà quản Lý (Nghiên cứu & Khuếch trương), thực tập Thiền Vipassana trong vòng mười năm. Ông nói là ông đã giảm bớt sự nóng nảy, cộc cằn. Ông suy nghĩ nhiều lần trước khi trả lời. Ông không còn xẵng giọng với mọi người như trước kia nữa. Những người dưới quyền ông giờ có thể đến gần ông trò chuyện và không khí trở nên thân mật hơn, ở nhà cũng như ở sở. Niềm tin của ông đối với mọi người được tăng lên.
Ông cảm thấy thoải mái đối với mọi hạng người. Chẳng hạn, ở sở có một người mà không ai ưa hết, thế mà ông thân được với người này và bây giờ cả hai trở nên bằng hữu.
Ông Balle nhận thấy được sự lợi ích của Thiền Vipassana, nên đã giới thiệu một người bạn thông minh nhưng cộc tính học một khóa Vipassana.
Sau đó, người bạn này cũng thay đổi rõ rệt, ông ta dễ thương hơn đến nỗi gia đình và bạn bè đều rất đổi ngạc nhiên. Một thời gian sau, người bạn này giới thiệu hai, ba người bạn Bác sĩ khác đến học Thiền Vipassana.
Nhờ ông Balle bớt nóng giận và trở nên tin tưởng vào những cộng sự viên, và họ làm việc tích cực, có hiệu quả hơn.
Trước kia, những tiến trình của một dự án mất rất nhiều công sức và thời gian; đôi lúc phải thực hiện nhiều lần mới có kết quả như ý muốn. Bây giờ, sau khi thực tập Vipassana, những ý kiến cũng như quyết định của ông Balle đã trở nên chính xác và có hiệu quả hơn. Việc làm tiến hành một cách mỹ mãn mà không mất thời gian. Kết quả là hàng sản xuất gia tăng trong một thời gian rất ngắn.
Tất cả những người thực tập Vipassana và đồng nghiệp của họ, đều công nhận rằng có những đổi thay khả quan nơi họ cũng như nơi làm việc.
- Ông Kulkani (Ban hành sự) hay bực tức và căng thẳng khi mà thuộc hạ lầm lỗi hay không làm theo ý của ông. Sau khóa thực tập Vipassana, ông lẳng lặng nhìn 65 lỗi của thuộc hạ và từ tốn chỉ dẫn họ sửa sai. Sự chú tâm và bình tĩnh của ông gia tăng thì sự căng thẳng được giảm bớt. Do đó, kết quả của mức sản xuất cũng trội hơn lúc trước.
- Những đồng nghiệp của một người thực tập Vipassana nói rằng: sau khóa tu tập, ông ta dễ chịu hơn với mọi người và bớt hung hăng. Ông suy nghĩ trước và sau đó hành động một cách thích ứng tùy theo trường hợp. Đồng nghiệp cảm thấy thoải mái hơn khi gần ông ta.
- Ông B. Sitharam (Tổng Quản Lý) thực tập 10 ngày trong tháng giêng 1993. Sau khóa tu tập thứ I, ông ngừng hút thuốc và uống rượu. Ông thực tập Vipassana mỗi ngày trong vòng một tiếng đồng hồ. Vợ ông thì thực tập khóa học tháng 11, 1993.
- Ông N.P. Joshi (Phụ tá quản lý) cảm thấy sau khóa tu học Vipassana, ông trở nên lễ phép hơn và bắt đầu quan tâm đến mọi người. Vợ ông cũng thực tập một khóa vào tháng giêng năm 1994, và quan niệm về cuộc sống của bà sau đó cũng thay dổi. Bây giờ đứa con trai 9 tuổi cũng sửa soạn học một khóa vào tháng 5, 1994.
- Ông P. J. Shah (Nhân viên môi giới) thực tập Vipassana một tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ông nói mặc dầu tâm trí đôi lúc bực dọc, sau buổi thực tập, tâm thần ông trở nên sảng khoái, minh mẫn hơn. Sự nóng nảy cũng được giảm bớt. Ông làm việc có hiệu quả hơn. Mọi quyết định của ông trở nên chính xác và nhờ đó ông tự tin hơn.
- Ông Pathah (Nhân viên cửa hàng) thực tập Vipassana từ tháng 7, 1992. Trước đó ông hay ngủ vào giờ ăn trưa. Bây giờ giấc ngủ trưa không còn cần thiết nữa, vì tinh thần ông không mỏi mệt. Ông làm việc nhanh hơn. Ông thường làm xong tất cả công việc trước khi tan sở. Nhờ vậy ông có thời gian rảnh rỗi để lo việc ở nhà. Thuộc hạ của ông bảo là ông dễ chịu hơn, bớt nóng nảy, bớt căng thẳng. Đồng nghiệp ông cũng khen ông làm việc có hiệu quả và chính xác hơn. Chứng tỏ Thiền Vipassana đã giúp ông cải thiện đời sống của chính mình và nơi chốn làm việc, ông là một nhân viên khá hoàn toàn.
Những nhận xét chung về nhân viên có thực tập Vipassana như sau: họ luôn luôn làm xong công việc được giao phó trong ngày, ít khi nào công việc bị dời lại cho ngày hôm sau. Chứng tỏ họ có sự chú tâm ''đặc biệt,'' do đó họ làm công tác nhanh hơn; họ cũng bỏ luôn những thói quen xấu như: hút thuốc, uống rượu. Sự tin tưởng, quan tâm, biết giúp đỡ lẫn nhau trong một đoàn thể làm cho công tác ở sở không còn khó khăn hay trở ngại như lúc trước.
Nếu chúng ta biết áp dụng Thiền Vipassana cho mọi người cùng thực tập thì trong một đoàn thể hay một xã hội đều sẽ có được nhiều lợi ích.
Tóm lại, chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn là Thiền Vipassana có một ảnh hưởng rất tốt cho chính bản thân cũng như đối với mọi người chung quanh. Thêm vào đó, Vipassana cũng giúp cho sự sản xuất gia tăng nơi chốn công sở. Người tốt thì việc tốt.
Diệu Ngộ Mỹ Thanh
(chuyển ngữ theo http://www.vridhamma.org/Effect-on-Work-Environment-94)
Rời Khỏi Chiếu Thiền
Phần đông những người hành thiền hay thực tập Yoga, sống trong hai thế giới khác nhau. Thế giới của giây phút hành thiền – khoảng tiếng đồng hồ khi chúng ta có thể tạm dừng cuộc đời rộn rịp lại. Trong thế giới này, chúng ta có thể tạm dừng các giác quan, không cho chúng lăng xăng chạy đuổi theo các đòi hỏi và quyến rủ của cuộc sống để chú tâm vào hơi thở, thân và ý. Chúng ta có thể dẹp bỏ những lo âu và toan tính cho tương lai. Chúng ta có thể cảm nhận và thưởng thức sự tuyệt vời của giây phút hiện tại. Thay vì phải chạy đuổi hết hơi vào việc “kiếm sống”, chúng ta có thể dừng lại để nhận ra thực tế là chúng ta đang sống.
Nhưng việc gì sẽ xảy ra khi chúng ta rời khỏi chiếu Thiền? Dĩ nhiên là chúng ta lại trở về với thế giới thứ hai. Trở lại với những dòng xe cộ nghẹt cứng trên các ngã đường. Trở lại với văn phòng nơi có bao nhiêu công việc đang chờ chúng ta giải quyết, điện thoại, fax, thư điện tử (e-mail) thúc giục… Rồi lại đến giờ phải phóng ra đường đi rước con, mua sắm, nấu nướng, ăn uống, nghe tin tức và cuối cùng nằm vật ra giường, quá mệt mỏi để làm gì khác hơn là nằm trước TV bấm đài này đài kia. Không có kiên nhẫn xem những quảng cáo với các sản phẩm hứa hẹn sẽ làm cuộc đời ta đáng sống hơn, làm ta lại muốn chạy ra đường mua thứ này, sắm thứ kia. Và trong thế giới thứ hai này, hình như chúng ta không bao giờ có đủ. Ngay cả thì giờ dành cho đời sống tâm linh cũng góp phần làm chúng ta thêm bận rộn, thời gian chúng ta thêm eo hẹp. Đã có bao nhiêu lần bạn bắt gặp mình hối hả chạy đến chùa nghe thuyết pháp hay đến thiền viện để tập thiền?
Vậy chúng ta phải làm gì đây? Có lẽ câu trả lời nằm trong những điều chúng ta "không phải làm". Câu trả lời nằm trong điều kiện là chúng ta phải sống chậm lại và đơn giản hóa cuộc sống của mình. Dẹp bỏ các vướn mắc. Phải biết chọn lựa chỉ những gì thật cần thiết, thật hữu ích cho cuộc sống và những gì thực sự làm cho cuộc đời chúng ta thêm ý nghĩa. Hãy giảm mua sắm những thứ xa xỉ. Hãy tiêu xài ít lại. Hãy tiết kiệm. Tránh mắc nợ. Hãy trả nợ đã mượn. Hãy sử dụng lại những thứ phế thải. Hãy chạy chiếc xe cũ thay vì cứ vài năm lại đổi model một lần. Hãy tránh xa những cám dỗ bên ngoài. Một bữa ăn ngon miệng ở nhà sẽ rẻ hơn bữa ăn ở hàng quán. Hãy tắt truyền hình để bạn được sống trong tĩnh lặng.
Kết quả, theo các nhà hiền triết, các nhà thông thái từ nhiều thế kỷ, không phải như thế là cuộc sống của chúng ta bị giới hạn, nghèo nàn đi, chính thực ra đời sống tâm linh của chúng ta sẽ tràn trề, giàu có hơn. Ý hướng tìm đến một cuộc sống đẹp hơn, đơn giản hơn không có gì mới mẻ. Phật, Chúa, Lão Tử, Gandhi và các triết gia Hy Lạp đã sống cuộc đời mình như thế. Điều mới là càng ngày càng có nhiều thanh niên nam nữ bình thường sống trong các nước công nghiệp tiên tiến nhất thế giới lại tìm cách trở về với những cách sống đơn giản bằng cách làm ít đi và hưởng thụ ít hơn. Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây ở Mỹ, đã có đến 72% những người ở lứa tuổi 40 đến 49 tỏ ý, "Tôi muốn đơn giản hóa đời sống của mình".
Sống giản đơn tạo cho con người một cách nhìn mới về những thói quen trong quá khứ của họ, giúp họ thay đổi thói quen của mình. Con người sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn vì sự tự do tìm được, vì cảm thấy mình không còn bị lệ thuộc.
Sống giản đơn cũng là một việc tất yếu để sinh tồn trong một thế giới mà nguồn của cải vật chất không phải là vô tận. John Robbins, tác giả quyển "Diet For A New America" nói, "Chúng ta đang hủy hoại trái đất. Sự phồn vinh dẫn đến ô nhiễm môi trường, không phải là phồn vinh thực sự. Đó là cái lợi nhỏ trước mắt, nhưng tai hại lâu dài về sau". Ernest Callenbach, tác giả quyển "Living Cheaply With Style" đã đưa ra lý thuyết "Tam Giác Xanh -- Green Triangle" về Môi trường, Sức khỏe và Tiền bạc. Ông nói "Khi bạn làm tốt cho một thứ, hai thứ còn lại cũng được lợi". Lý thuyết này được cho là đúng đến 96-98% trong các trường hợp. Ông thí dụ, "Nếu bạn có một chế độ ăn uống kiêng cữ, sức khỏe bạn sẽ tốt hơn, bạn sẽ tiết kiệm tiền dễ dàng và dĩ nhiên nó cũng tốt cho môi trường vì việc chăn nuôi gia súc ăn thịt làm hại môi trường". Hay nếu bạn đi bộ hoặc đi xe đạp thay vì lái xe hơi thì không khí đỡ ô nhiễm, phổi bạn tốt hơn, thể dục được cơ thể và tiết kiệm tiền xăng dầu, bảo quản xe.
Ngoài việc giản đơn đời sống vật chất, đời sống nội tâm cũng cần được giản lược. Hãy dẹp bỏ những suy nghĩ cũ không còn lợi ích gì cho ta, những vết thương tình cảm, lòng hối hận, ghen tương, hờn dỗi... Hãy bắt đầu bằng sự chú tâm theo dõi mọi hành động, mọi vọng tưởng của chúng ta.
Theo Janet Luhrs, biên tập của báo Simple Living Journal, bước ban đầu để đi đến cuộc sống đơn giản là theo dõi, chú tâm vào tất cả những việc làm, hành động của chúng ta suốt cả ngày. "Chỉ có sự chú tâm mới dắt chúng ta đi đúng đường".
Sống đơn giản, thật ra chỉ giản đơn là áp dụng thực tập thiền vào mỗi giây phút của cuộc sống. Đó là phương cách để tập trung lại những sự phân tán, chia rẽ trong cuộc sống của chúng ta. Áp dụng vào đời sống thường ngày những phương cách chúng ta đã học được khi ngồi Thiền, như sự theo dõi, chú tâm, kỷ luật vào thế giới thứ hai khi chúng ta đã rời chiếu Thiền, một cách chuyên cần, sẽ giúp chúng ta sống an bình trên cõi đời đầy bất trắc và đầy nguy hiểm này.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Tổng hợp từ 'OFF THE MAT' & Living Simply)
Tâm Lý Học Tích Cực - Hồi Ức Về Cuộc Sống Ở Một Tu Viện Tây Tạng
Margaret Blanch
Lần đầu tiên được gặp một vị sư Tây Tạng, tôi không thể tin là ông ‘bình thường’ như thế nào. Ông tiếp chuyện với tôi bằng tiếng Anh và có vẻ rất tự tại, khiến tôi ngay lập tức cảm thấy rất thoải mái. Trước đó tôi cảm thấy khá lo lắng vì vừa nhận ra mình đang ở một nền văn hóa thật khác biệt. Đó là ở Darjeeling, Ấn Độ, nơi tôi sẽ dạy tiếng Anh trong một tu viện Tây Tạng trong khoảng bốn tháng. Tu viện này, thực ra là một viện cao học về Phật giáo Tây Tạng, ở trong một ngôi làng dưới các rãnh núi Hy Mã Lập Sơn, mà tôi phải mất bốn tiếng lái xe Jeep để đến đây. Ở viện Phật học, các vị sư trẻ học lấy bằng Cử Nhân về Triết Lý Phật giáo và tuân giữ thời khóa kỷ luật mỗi ngày. Điều này bao gồm việc trì kinh một mình và chung với chúng, học kinh điển, dự các lớp tiếng Tây Tạng, phụ việc trong bếp, và thư giãn chút ít. Nhiều vị sư chơi đá banh, đá cầu khi Khenpo (thầy hiệu trưởng) không có mặt quanh đó, với những món đồ tự chế từ những thứ vương vãi quanh đó như là các áo cũ.
Trước khi đến Ấn Độ, tôi là một sinh viên ngành tâm lý ở Melbourne, Úc. Tôi xin nghỉ sáu tháng để du lịch đến đây và dự định sẽ trở về học năm cuối là năm học mà giờ tôi đã hoàn tất. Tôi muốn tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng sau những gì tôi đã học được ở hai trung tâm Phật giáo Đại Thừa ở Anh quốc năm năm về trước. Ở đó tôi cũng học được các khái niệm về hội họa Tây Tạng, đặc biệt là tranh mandalas. Điều này giúp tôi khi sống ở tu viện có thể hiểu được những gì là niềm tin sâu sắc của người tu sĩ cũng như những mục tiêu cá nhân của họ, tuy nhiên nó không thể giúp tôi đoán được phong cách qua đó họ biểu hiện những điều này trong cuộc sống đời thường.
Điều tôi thích nhất trong Phật giáo là nó chú trọng đến sự hiểu biết sâu xa về tâm. Và ai cũng dường như rất hạnh phúc! Vị thầy Tây Tạng giải thích rất rõ ràng cho tôi nhiều khái niệm trong Phật giáo. Ông dạy rằng nếu tôi muốn tìm hiểu về Phật giáo và Tâm lý học thời tôi nên đọc về Vi Diệu Pháp, giáo lý có tính cách tâm lý của Đức Phật, và kinh điển Đại Thừa của hệ phái Đại Thừa. Các giáo lý này cho tôi thấy sự hiểu biết về tâm có thể sâu sắc đến mức nào dưới cái nhìn của Phật giáo. Tôi cũng nhận ra được sự tương ưng giữa Tâm Lý Học phương Tây và Triết lý Phật giáo, thí dụ sự phân tích tâm một cách có hệ thống và sự chú trọng vào việc giảm thiểu căng thẳng để được an lạc.
Các vị sư ở đây sống dường như rất hạnh phúc dù cuộc sống của họ đơn giản. Họ sở hữu rất ít vật chất hay gần như không có gì, thực phẩm dường như không thay đổi ở mỗi bữa ăn (không có nhiều loại rau củ ở các chợ gần đó), và không luyến ái ‘gia đình’ giống như tôi. Khi tôi đến tu viện, quý sư nói họ không thể tưởng sao tôi mang nhiều thứ đồ đến thế! Khi tôi hỏi lý do, họ bảo họ không có nhiều thứ thì không phải lo mất chúng.
Quý sư không phàn nàn về thực phẩm, không luôn muốn ăn những món lạ, món mới. Vào những ngày ‘đặc biệt’, chúng tôi được dùng momos (bánh bao Tây Tạng) thay vì cơm. Nhưng các vị trường chay thì vẫn dùng cơm mà vẫn vui vẻ. Tôi thì ngược lại luôn mong ngóng tới những ngày được thưởng thức các món ngon, thức lạ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm hoi, các sư huynh sẽ nấu món họ ưa thích, như bánh bao phô mai, trong thất của họ. Dường như họ thích những món đơn giản, mộc mạc, họ hoàn toàn hạnh phúc với điều đó.
Mới đến tu viện hai ngày tôi đã tìm gặp hai vị thầy vì cảm thấy rất phiền não. Tôi cảm thấy mình ở trong một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, khó hòa hợp. Không thể trao đổi, chia sẻ với ai dễ dàng nên tôi càng thấy nhớ nhà. May mắn là các vị sư này nói được tiếng Anh. Họ khiến tôi cảm thấy được an ủi hơn khi biết rằng họ đã xa cách gia đình hơn mười hay mười lăm năm nay mà không nhớ đến gia đình. Họ đã đi bộ từ Tibet đến Ấn Độ, và đã phải chịu đựng bao nhiêu điều khổ sở mà tôi không thể tưởng được. Tôi đoán là họ không hiểu tại sao tôi khóc khi tôi phải giải thích với họ tôi cảm xúc như thế nào và lý do, trong khi ý nghĩ nhớ nhà dường như rất lạ lẫm đối với họ. Họ có lời khuyên cho tôi –hãy xem ‘Star Movies’ (Phim về các hành tinh)- mỗi đêm khi các sư học hành! Tôi nhẹ cả người khi biết không có việc hành thiền trong đó.
Trải nghiệm này cho thấy rằng các vị sư chỉ sống trong từng phút giây, chú tâm nhất đến giây phút hiện tại, chứ không phải dựa vào quá khứ hay tương lai.
Điều đó giải thích tại sao họ không bám víu vào những tình cảm trong quá khứ, và có thể làm bạn lành của nhau. Những tình bạn này dầu không nhất thiết hay tiêu cực nhưng chúng luôn có mặt trong hiện tại. Tôi phải làm quen với cách tạo mối tương quan này. Tôi thấy từ ‘goodbye’ không được sử dụng nhiều và quý sư có khi đi đâu đó một khoảng thời gian mà không hề nói gì, hoặc tự nhiên thông báo sẽ đi đâu đó, nhưng bạn phải làm quen với điều đó thôi!
Điều này tỏ rõ quan điểm của Phật giáo về vô thường trong cuộc sống hằng ngày và sự quan trọng của việc không bám víu vào những luyến ái tiêu cực. Chính cảm nhận rằng chúng ta không thể luôn tính toán, làm chủ hay bám víu vào điều gì, dầu tốt hay xấu, có nhiều khả năng giúp ta được ổn định tâm lý và tu tập.
Điều làm tôi ngạc nhiên khi sống ở tu viện là tôi rất được coi trọng, và quý sư cũng rất tử tế với tôi. Tôi chưa bao giờ ở trong một vị thế được tôn trọng như thế, hình như người thầy ở tu viện này được ngưỡng mộ nhiều hơn so với ở đất nước tôi. Trong lớp dạy đầu tiên của tôi, Khenpo đã nói với các vị sư là tôi sẽ là một cô giáo tuyệt vời vì tôi đã qua trường lớp ở đại học. Còn tôi thì chỉ nghĩ đến việc mình không có chút kinh nghiệm dạy học nào, và thường nghĩ ra các giáo trình trong một phút bất chợt nào đó.
Tuy nhiên, tôi không chỉ được coi trọng trong lớp học, mà dường như trong mọi sinh hoạt khác của tôi. Tôi được mời dùng bữa đã được chuẩn bị cho ngài Rinpoche (vị lãnh tụ tôn giáo ở tu viện, 13 tuổi) để ngài Rinpoche có thể thực tập giao tiếp bằng tiếng Anh. Phụ tá của ngài Rinpoche luôn cố gắng tìm cách giúp đở tôi. Sư dạy tôi nấu các món ăn Tây Tạng, và khi tôi bệnh, Sư còn nấu ăn cho tôi. Tôi không có thói quen luôn nhận được sự phục vụ. Tôi nhớ lần đầu tiên khi tôi hỏi mượn cây chổi để quét phòng, tôi được báo là ‘phụ tá’ của tôi sẽ làm việc ấy. Cho tới lúc đó tôi không hề biết là vị sư mang bình thủy nước nóng cho tôi mỗi buổi sáng là ‘phụ tá’ của tôi. Tôi phải tập chấp nhận rằng đó là nghi thức trong tu viện để không cảm thấy áy náy. Thật khác với ở quê hương tôi nơi việc phải dựa dẫm vào người khác và nhờ vào người khác là điều không được tốt. Trong lúc các vị sư cảm thấy cần phải giúp đỡ tôi và điều đó sẽ mang lại nghiệp lành cho họ. Và tôi cũng thấy đó là do lòng tôn trọng sâu sắc đối với mọi chúng sanh. Tất cả các vị sư đều tôn trọng lẫn nhau, không bao giờ đối xử tệ với các huynh đệ, không oán trách các sư trưởng. Vào cuối tuần khi các sư được phép xem truyền hình, ngài Rinpoche luôn được giữ cục điều khiển (remote control) và được ngồi ở ghế nệm. Các vị sư khác rõ ràng là rất thích được ở bên ngài, là bạn tốt của ngài, nhưng luôn biểu lộ lòng tôn kính vào bậc nhất đối với ngài. Hành vi này có thể là do quan niệm vô ngã trong Phật giáo và sự chú trọng đến các mối liên hệ với người khác. Đó cũng có thể bắt nguồn từ giới luật cơ bản về lòng từ bi đối với người và sự tôn trọng đối với tất cả mọi sinh linh.
Thời gian ở tu viện giúp tôi có sự hiểu biết sâu xa đối với các quan điểm Phật giáo, giúp tôi hiểu chúng có thể hữu ích như thế nào đối với tâm lý học Tây phương. Quá trình hiểu, đoán biết và giải mã tư duy là một mối quan tâm lớn trong tâm lý học và nó có nhiều ứng dụng, kể cả việc giúp những người có vấn đề. Trong các xã hội phương Tây có rất nhiều người bị các bệnh như trầm cảm, tự ti. Tôi quan sát thấy là các Phật tử không quan niệm hay khổ vì các trạng thái này giống như thế. Tôi thấy rằng các quan điểm Phật giáo có thể được gắn với các phương cách chữa trị cho các bệnh này. Cụ thể là tâm lý học phương Tây lâu nay thường chú trọng đến việc chữa trị những vấn đề tâm thần tiêu cực, trong khi Phật giáo dường như nhấn mạnh đến việc làm phát khởi hạnh phúc, là điều có khả năng đem lại lợi ích cho mọi người. Điều này tương quan đến một lãnh vực trong tâm lý học Tây phương, được gọi là tâm lý học tích cực, chú trọng vào việc khuyến khích, tìm tòi những yếu tố đem lại an lạc. Tôi thấy rằng lãnh vực này sẽ còn ích lợi hơn nếu kết hợp với các khái niệm và phương pháp của Phật giáo. Thật vậy, bao gồm Phật giáo vào trong tâm lý học là điều tôi muốn phát triển xa hơn nữa.
Tôi rất hàm ân vì đã có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống trong một tu viện Phật giáo Tây Tạng, thâu thập được những hiểu biết đặc biệt mà tôi không thể nào có được ở quê nhà. Tôi cảm thấy tri kiến đó hiển lộ cho tôi một cách cụ thể tới mức độ qua đó một tâm thức tích cực, tĩnh lặng có thể giúp ta đối mặt với nhiều áp lực trong cuộc sống hiện đại.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(chuyển ngữ từ A Psychology of Joy – Reflections from Living in a Tibetan Monastery, tạp chí Buddhistdoor International, 2013-04-17. Bài viết này được in lần đầu tiên trên tờ Bodhi Journal, Số 2, Tháng 1, 2007).
Phần 4
Hỏi & Đáp
Hỏi Từ Trái Tim: TS Thích Nhất Hạnh Giáo Huấn Về Sự Tu Tập
Những câu hỏi này được ghi lại vào ngày 7 tháng 4, 2013 tại buổi pháp thoại thứ ba của Thiền sư TNH tại khóa tu dành cho Các Nhà Giáo tại Thái Lan, vào tháng 4, 2013. Trong bài pháp thoại này, Thiền sư đã trả lời các câu hỏi không chỉ xuất phát từ những vấn đề cá nhân mà cả những vấn đề trong phạm vi giáo dục. Các đề tài trao đổi bao gồm cả việc thực tập chánh niệm đối với người trẻ.
***
H (Hỏi): Thưa Thầy, khi chúng con cố gắng thực tập hạnh lắng nghe sâu lắng, thì đối tượng tiếp xúc lại dùng những lời lẽ hung bạo, nói những điều xấu ác để làm tổn thương người khác và bản thân họ, thì làm sao chúng con có thể duy trì hạnh lắng nghe sâu lắng.
TS (Thiền sư): Mục đích của việc lằng nghe với lòng từ bi là để giúp người khác bớt khổ đau. Khi người ta tràn đầy đau khổ thì họ khó sử dụng ái ngữ. Có lẽ những đớn đau, chua chát, bạo lực, thất vọng và sân hận trong lòng họ đã biểu hiện ra bằng những lời nói và hành động tai hại. Vì thế khi lắng nghe quý vị hãy nhớ một điều: người này đang đầy đau khổ. Tôi lắng nghe là để giúp người đó bớt khổ đau. Hành động chánh niệm này có hai khía cạnh: trước hết là nhận ra được sự khổ đau trong lòng người đối diện, kế tiếp là nhớ lại mục đích của hạnh lắng nghe của ta. Trong lúc lắng nghe, hãy chánh niệm về những điều này và sử dụng năng lượng của từ bi để bảo vệ mình khỏi bị ảnh hưởng bởi những lời nói độc hại. Nếu làm được như thế thì những lời nói đó không thể làm tổn thương quý vị lâu dài. Nếu quý vị không giữ được tâm từ bi, thì đừng cố gắng buộc mình phải tiếp tục lắng nghe kẻo quý vị thất niệm, và tâm quý vị sẽ không được bảo vệ nữa. Hãy đợi đến một lúc khác để thực hành hạnh lắng nghe, khi quý vị tràn đầy từ bi, thông cảm.
H: Thưa Thầy, chúng con có nhận một nhân viên vào phụ trách việc huấn nghệ. Nhưng anh ta thường dùng những lời lẽ xúc phạm đối với phụ nữ, hay những người khác sắc tộc. Chúng con không thể chịu đựng được những lời lẽ này. Chúng con muốn hỏi là, làm sao chúng con có thể bày tỏ với anh ta sự khó chịu của mình về cách ứng xử của anh ta một cách thân thiện nhất?
TS: Thầy không nghĩ là quý vị cần phải chuyển đổi cách ăn nói của người đó. Nhưng quý vị cần chuyển đổi cách lắng nghe của mình. Nếu quý vị nhận ra được nỗi khổ đau của anh ta, và anh ta đã thể hiện điều đó ra ngoài như thế nào, thì quý vị có thể lắng nghe bất cứ điều gì anh ta nói mà không bị bực tức. Nếu quý vị có thể lắng nghe với tâm từ bi, người nói dần dần sẽ tự họ thay đổi cách nói năng, quý vị không cần phải bảo họ làm thế.
H: Thưa Thiền sư, chúng con làm việc với những người dân thuộc một bộ tộc trên núi. Họ phải giết thú, phá rừng, góp phần vào việc làm nóng trái đất –cách kiếm sống của các bậc phụ huynh này dựa trên việc sát hại mạng sống. Làm sao chúng con có thể dạy con cái họ cách bảo vệ sự sống?
TS: Nếu quý vị có thể nấu những bữa ăn chay cho họ, thì rất tốt. Dần dần hy vọng là họ có thể thay đổi thói quen ăn uống. Quý vị cần tìm những phương cách thiết thực để chỉ cho họ thấy sự khổ đau của các sinh vật, có thể một bộ phim tài liệu về cảnh thú vật bị làm thịt để ăn, họ sẽ cảm nhận được nỗi đau của những con thú mẹ. Điều đó còn giáo dục họ hơn là một bài pháp thoại hay những lời giáo huấn trừu tượng. Quý vị có thể gầy dựng một vườn rau, trồng rau xanh, rồi mời họ cùng tiếp tay với quý vị. Vườn rau không những có thể được duy trì, sản sinh thực phẩm, mà còn có thể được dùng để dạy cho con cái của họ những phương cách sống khác. Hãy chỉ cho bọn trẻ thấy là chúng có thể thể hiện tình thương yêu bằng cách ăn những thực phẩm hữu cơ, rằng chúng ta không cần phải ăn thịt. Người có lòng từ bi là người hạnh phúc. Vậy quý vị hãy làm như thế đi, rồi quý vị sẽ thành công.
H: Thưa Thầy, chúng con muốn áp dụng những phương pháp của Thầy vào trường học, nhưng thầy hiệu trưởng, hay giám hiệu không chấp nhận việc này. Chúng con phải làm thế nào để có thể áp dụng chúng mà không bị đuổi việc?
TS: Có nhiều cách để đem các phương cách này vào trường học. Cách tốt nhất là đem các bài học về chánh niệm vào lớp học một cách khéo léo, tinh tế. Nếu quý vị bảo các em học sinh bắt đầu buổi học bằng cách thở có chánh niệm, thì ai có thể ngăn cấm quý vị? Quý vị cần để cho người ta cảm nhận được những đổi thay trong lớp học. Nếu lớp học trở nên tốt hơn, các em học sinh tử tế hơn thì mọi người sẽ bắt đầu chú ý. Giả thử quý vị hướng dẫn một buổi thư giãn hoàn toàn; không kể đến thời gian dài hay ngắn, chắc chắn là nó sẽ gây ảnh hưởng trên lớp học. Quý vị cũng cần dành thời gian để tiếp xúc với thầy hiệu trưởng và các bạn đồng nghiệp để bàn về phương cách làm cho học sinh cảm thấy yên tâm hơn, và những việc cụ thể cần làm. Khi một thầy hay cô giáo thực hành chánh niệm thì mọi thứ về người đó đều thay đổi, người ngoài sẽ nhận thấy điều đó và sẽ hỏi vị thầy hay cô giáo đó về sự tự tại của họ. Khi người ta thấy được điều đó, họ sẽ không ngăn trở quý vị được an lạc. Nếu quý vị không biết được cảm giác an lạc của chánh niệm thì quý vị không thể đem nó vào lớp học. Một cách nữa là quý vị có thể viết về những lợi ích của việc thực hành chánh niệm và chia sẻ điều đó với các bạn đồng nghiệp hay cấp trên. Có rất nhiều kết quả có thể chứng minh rằng chánh niệm đã mang đến ích lợi cho môi trường giáo dục như thế nào.
H: Thưa Thầy, con đang đau khổ nhưng khi con đang cố gắng để thoát ra khỏi nguồn gốc của khổ đau của mình, thì học trò con tìm đến, muốn con giúp giải quyết những vấn đề của họ, rồi mẹ con lại gọi điện thoại báo là cha con muốn làm hại bà. Làm sao con có thể cùng lúc giải quyết khổ đau từ ba nguồn lực như thế?
TS: Quý vị cần lắng nghe những vấn đề của học trò và mẹ của mình, nhưng chỉ giải quyết trước một vấn đề! Nên rõ ràng là trước tiên quý vị cần nói với bà mẹ là mình sẽ trao đổi với bà, rồi quán xét vấn đề và gọi lại cho bà. Làm như thế là hợp lý. Để không bị choáng ngợp bởi quá nhiều vấn đề cùng một lúc, chúng ta cần biết vung dưỡng bản thân để có đủ sức mạnh mà giải quyết nhiều vấn đề.
Có hai việc: trước tiên, phải biết đối phó với khổ đau, và thứ đến là phải biết vung trồng hạnh phúc. Quý vị phải biết cách chữa lành vết thương và cũng cố bản thân. Ở đây Thầy xin nhắc lại thí dụ việc đi đến trường: đi như thế nào để có thể nuôi dưỡng bản thân. Làm những công việc thường ngày cũng vậy, làm như thế nào để chúng trở thành nguồn nuôi dưỡng ta. Khi cuộc sống hằng ngày nuôi dưỡng ta, ta sẽ có đủ sức mạnh và không bị choáng ngợp bởi nhiều vấn đề cùng lúc. Nếu một bác sĩ nhận thấy bệnh nhân của mình quá yếu, không thể chịu đựng phẫu thuật, ông sẽ dời việc phẫu thuật lại chờ cho bệnh nhân mạnh lên trước. Biết cách sống an lạc trong từng giây phút rất quan trọng trong việc giảm bớt khổ đau. Khi quý vị mở vòi nước, quý vị cảm thấy an lạc. Khi đánh răng, quý vị thấy hạnh phúc. Biết hàm ân và vui vẻ làm tất cả những việc đơn giản hằng ngày này rất quan trọng, chính chánh niệm sẽ giúp quý vị tỉnh thức trước những khổ đau và các giải pháp.
H: Thưa Thầy, khi con thực tập, con cũng cảm nhận được một vài chuyển hóa, nhưng chúng không bền lâu. Thí dụ, con có thể nhận thấy tâm sân của con khởi lên và để cho nó qua đi, nhưng con chỉ làm được đôi ba lần như thế, nên con cảm thấy rất nản lòng. Làm sao con có thể duy trì được kết quả của công trình tu tập của con?
TS: Nếu quý vị buộc mình phải thở, với ý nghĩ rằng điều đó là tốt, thì đó không phải là cách tu tập thông minh. Nhưng nếu quý vị bắt đầu thở theo một phương cách mà quý vị cảm thấy bình an, tự tại trong ba, bốn giây phút đầu tiên, thì đó là cách thực hành đúng. Đừng cố thực tập trong đau khổ. Đức Phật đã dạy rằng Pháp hoàn hảo ở khúc đầu, khúc giữa và khúc cuối. Quý vị cần phải cảm thấy an bình, hạnh phúc suốt quá trình thở vào, thở ra của mình, không chỉ ở khúc cuối. Vì thế hãy từ bỏ cách thực hành là phương tiện, và an lạc là kết quả của cách thực hành này. An lạc không phải là đích đến mà chỉ là con đường. Không có con đường nào đưa đến việc buông thư. Buông thư chính là con đường. Quý vị không thể buộc mình phải buông thư! Cách tu tập tốt là chúng ta không phải khổ trong quá trình tu tập! Nếu chúng ta khổ khi thiền hành, thì đó không phải là cách tu tập tốt! Nếu chúng ta tập thở theo tiếng chuông mà cảm thấy khổ, thì đó không phải là cách tu tập tốt. Hãy vui vẻ khi thực hành, thì quý vị không phải có câu hỏi này!
H: Thưa Thầy, phần đông chúng con sống trong những thành phố lớn, nên khi có dịp đến tu tập tại các chùa, thì chúng con lại thấy rất khó thực hành theo. Rồi khi trở về thành phố, thật khó giữ, khó nhớ những điều đã học được.
TS: Làm người xuất gia dễ tu tập hơn người cư sĩ. Khi quý vị sống trong tăng đoàn, quý vị được sống trong một môi trường lý tưởng. Vì thế việc duy trì, giữ gìn giới pháp dễ hơn khi ta sống trong tăng đoàn với các bạn đồng tu. Đức Phật luôn đi cùng với rất nhiều vị tỳ kheo vì Ngài hiều rất rõ thực tại đó. Chúng tôi chỉ theo gương Đức Phật bằng cách mời theo nhiều vị tu sĩ và cư sĩ có nhiều kinh nghiệm tu tập. Nếu quý vị muốn tu dễ, hãy trở thành một tu sĩ!
Nếu không, quý vị phải thành lập các đạo tràng cư sĩ dầu quý vị ở nơi đâu. Ở thành phố, một đạo tràng cư sĩ sẽ thay thế tăng đoàn của các tu viện. Đó là lý do tại sao những khóa tu như thế này có thể khơi nguồn cảm hứng để người cư sĩ có thể duy trì việc tu tập bằng cách thành lập hay tìm ra các đạo tràng. Thông thường vào ngày cuối khóa tu người ta mới tìm ra được, nhất là những người sống cùng một thành phố. Rất nhiều đạo tràng tu tập của cư sĩ đã được thành lập khắp nơi trên thế giới. Ở Đức có hơn 80 đạo tràng của cư sĩ tu theo pháp môn Tịnh độ. Ở Anh, có khoảng 100. Trong các thành phố như Luân Đôn và Nữu Ước, nhiều khi có đến 10. Vì thế khi quý vị trở về, hãy tìm hiểu, hãy họp thành nhóm để mỗi tuần tụ họp lại một lần đi kinh hành trong chánh niệm, ăn cơm chánh niệm và nghe pháp với nhau. Tôi luôn thực hành kinh hành ở các trạm xe lửa hay phi trường. Nếu đến các siêu thị, tôi cũng làm như thế! Khi quý vị thực tập như thế thì quý vị biết phải mua gì, phải không mua gì! Đôi khi tôi bước ra khỏi siêu thị mà không mua thứ gì! Đó là Phật giáo ứng dụng mà quý vị có thể đem vào thực tế.
H: Thưa Thầy, làm thế nào để con cháu có thể hàn gắn lại với những bậc cha mẹ hay ông bà, những người đã làm tổn thương, đã xâm phạm họ? Chúng con cũng muốn thương yêu các bậc trưởng bối, nhưng vết thương của chúng con quá sâm đậm.
TS: Khi cha mẹ của chúng ta đau khổ và họ không biết làm thế nào để giải tõa nỗi đau đó, họ sẽ chuyền nó qua cho chúng ta. Vì thế hãy quan sát nỗi đau của quý vị, quý vị sẽ thấy nỗi đau của cha mẹ trong đó. Nếu chúng ta không thể chuyển hóa nỗi đau đó, chúng ta cũng sẽ trao truyền nó lại cho con cái chúng ta. Đó là luân hồi khổ đau.
Thông thường chúng ta nghĩ là cha mẹ ở bên ngoài chúng ta, rằng họ là người khác. Điều đó không đúng; họ ở trong chúng ta, hoàn toàn có mặt trong từng tế bào trong cơ thể chúng ta. Những nỗi khổ và niềm vui của mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta cũng là của cha mẹ chúng ta. Nếu quý vị không chuyển hóa được nỗi đau của cha mẹ bên trong chúng ta, thì chúng ta cũng sẽ khiến cho những người chúng ta thương yêu nhất khổ đau.
Quý vị đừng tìm cách thay đổi người cha hay mẹ ở bên ngoài quý vị mà không chuyển hóa người cha hay mẹ bên trong quý vị. Hãy nhớ rằng chúng ta là sự tiếp nối của cha mẹ chúng ta. Chúng ta sẽ mang họ vào tương lai. Vì thế mỗi khi quý vị bước đi, hãy mời gọi người cha, người mẹ bên trong quý vị cùng bước, để họ có thể tận hưởng những điều kỳ diệu của cuộc sống và có thể được chuyển hóa ở bên trong quý vị. Hãy uống trà cùng họ, để họ có thể được chuyển hóa ở bên trong quý vị. Hãy thay đổi người cha, người mẹ ở bên trong quý vị trước, điều đó dễ làm hơn, trước khi hướng tâm đến người cha, người mẹ ở bên ngoài. Chúng ta có thể chuyển các bậc cha mẹ ở bên trong thành những người dễ thương, vui vẻ, đồng cảm, và chấm dứt sự luân hồi của họ trong ta. Sau đó quý vị mới có thể đủ sức giúp người cha, người mẹ bên ngoài thay đổi. Nhưng phải đợi đến lúc đó, vì người cha sân hận trong ta khi phải đối mặt với người cha giận dữ bên ngoài sẽ chẳng đem lại lợi ích gì! Tôi cũng đã chứng kiến nhiều người con đã quay trở lại giúp đở cha mẹ mình. Nương tựa Tam Bảo, giữ năm giới là con đường hoàn hảo nhất để chữa lành các vết thương và chuyển hóa tốt hơn.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Chuyển ngữ từ Questions from the heart: Advice about practice from Thich Nhat Hanh, Nguồn: Buddhistdoor Magazine, April 2013)
Phỏng Vấn Với Ngài Gehlek Rimpoche
Mark MaGill
Ngài Gehlek Rimpoche chào đời ở Lhasa, Tây Tạng năm 1939. Năm 4 tuổi, Ngài đã được công nhận là một vị lạt-ma tái sinh. Trước khi rời bỏ Tây Tạng năm 1959, ngài là một trong những vị lạt-ma cuối cùng hoàn tất chương trình tu học tại viện Phật học nổi tiếng và lớn nhất Tây Tạng, Tu viện Drepung.
Năm 25 tuổi, ngài hoàn tục. Những năm sau đó ngài làm việc ở đài phát thanh All India Radio, và làm biên tập viên cho Library of Tibetan Works and Archives (Thư Viện Sách và Văn khố Tây Tạng) ở Delhi. Cuối những năm 1970, ngài được hai vị Thầy là ngài Kyabje Ling Rimpoche và ngài Kyabje Trijang Rimpoche, giao trách nhiệm hướng dẫn các đệ tử Tây phương. Năm 1985, ngài thiết lập một trung tâm Phật học tại Hà Lan và năm 1987, lập trung tâm thiền Jewel Heart (Kim Cang) tại Ann Arbor, tiểu bang Michigan, Mỹ. Trung tâm này giờ có nhiều chi nhánh khắp nước Mỹ, cũng như trên thế giới. Ngài Gehlek Rimpoche được cộng tác viên biên tập của tạp chí Tricycle, Mark Magill, phỏng vấn vào tháng tư tại tư gia ở thành phố Nữu Ước.
***
Chúng ta luôn phải đối mặt với những mất mát –mất tài sản, bạn bè, người thân, cha mẹ. Mất đi sự trẻ trung, tóc rụng, mắt mờ, tai lãng, đãng trí và cuối cùng là mất chính thân này. Vậy, thưa ngài, chúng ta học được điều gì từ đó?
Chúng ta chỉ có hai lựa chọn. Một là cố gắng một cách điên cuồng để đảo lộn mọi thứ, hai là cố gắng chấp nhận hoàn cảnh. Luân hồi sinh tử, sự hiện hữu hằng ngày của chúng ta, là khổ. Và sự mất mát cũng là một phần của luân hồi sinh tử. Cá nhân tôi, khi rời bỏ Tây Tạng, tôi đã trải nghiệm việc đánh mất quê hương, tài sản, các vị thầy, đệ tử, bạn bè, thị giả, trong chớp mắt.
Ta phải hành xử thế nào trước những mất mát đó, thưa ngài?
Khi phải chạy trốn cái chết thì những sự mất mát đó không thành vấn đề. Nhưng khi không còn phải chạy nữa, thì bạn bắt đầu nghĩ đến những thứ bạn cần. Bạn cần ăn, nhưng không có thực phẩm. Cần một chỗ trọ, nhưng không có mái nhà. Cần một phương tiện di chuyển nhưng không có…
Cần một tách cà phê mà không có.
Không có đến cái bình làm cà phê. Nhưng trong trường hợp của tôi, việc cảm nhận rằng tôi còn được sống khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Điều đó và sự hiểu biết rằng cuộc đời này giống như một màn ảo thuật. Nó có mặt hôm nay, rồi ngày mai biến mất đi. Hiểu được như thế sẽ giúp ta dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh hơn. Nếu không, ta sẽ than trách, khổ đau một thời gian dài. Tuy nhiên làm như thế là ta đã tự tước đoạt của bản thân quyền được hưởng thụ cuộc sống tuyệt vời này và nắm bắt được những cơ hội mà nó mang đến cho ta. Đó là sự lựa chọn của bạn. Thế giới mà chúng ta đang sống là vô thường. Nó có thể thay đổi từ tốt đến xấu hay ngược lại. Chúng ta phải hiểu điều đó. Nhưng cũng không có nghĩa là ta không được quyền than thở. Không có gì sai nếu bạn cảm thấy tiếc nuối. Nhưng khi bạn đã quyết định để nó qua đi, và tiến về phía trước, thì sau đó bạn không nên tiếp tục nghĩ đến nó.
Nghĩa là sao, thưa ngài?
Nghĩa là ta phải rèn luyện ý chí. Ta phải sử dụng đến sức mạnh tinh thần, cái mà ta vẫn thường gọi là ý chí.
Thưa ngài, làm sao để phát triển ý chí?
Đó là bạn phải tự nhủ mình: “Ta còn nhiều việc quan trọng phải làm trong đời. Ta muốn sống có ích cho bản thân và cho người khác. Vậy tại sao ta lại hành động như một con vật ngu ngốc và tự đẩy mình vào hố tuyệt vọng? Sao ta không dùng trí tuệ của mình để hành xử tốt hơn?” Bạn cần lập luận như thế và tự nhắc nhở bản thân rằng bạn đã quyết định quên đi điều bất hạnh của mình. Dĩ nhiên, bạn cần thời gian để than thở, tiếc nuối. Nhưng khi thời gian đó đã qua đi, hãy để nó qua đi. Hai năm trước đây tôi đến Hòa Lan và đánh mất túi xách của mình, trong đó có 10.000 đô tiền mặt. Tiền trong tất cả tài khoản của tôi cộng lại cũng không đến con số đó. Trong túi xách còn có cả thẻ tín dụng và giấy chứng minh của tôi. Đó lại là ngày cuối tuần, tôi không thể làm được gì, kể cả việc rời khách sạn.
Trong thời gian đó tôi cho phép mình được than thở về sự mất mát của cải, vì tôi không thể làm gì khác hơn. Nhưng đến sáng thứ hai, tôi quyết định dừng lại. Tôi hồi hướng tài sản bị mất đến tất cả mọi chúng sanh, nhất là đến người đã lấy được nó. Mặc dầu vậy, cứ mỗi hai mươi phút sau tôi lại nghĩ, “Trời ơi, tôi mất quá nhiều. Thật xấu hổ nếu người khác biết được điều đó”. Khi đó, tôi tự nhủ rằng mình đã hồi hướng tài sản đó rồi. Nó không còn là của mình nữa. Nó đã qua đi. Vậy mình than thở cho cái gì?
Thưa, ngài cho rằng việc trân quý sự sống của mình đã giúp ngài chấp nhận các biến đổi khi ngài buộc phải rời bỏ quê hương. Như thế có phải là trong chừng mực nào đó, sự trân quý đối trị được tâm trạng tiếc nuối, khổ đau vì mất mát?
Sự trân quý có thể không phải là thuốc chữa, nhưng nó cũng giúp ta đối phó với hoàn cảnh.
Tôi nhận thấy rằng mỗi khi ông mua thứ gì, dù cho cá nhân mình hay cho người khác, ông đều mua loại có chất lượng tốt nhất. Đó cũng là thói quen của tôi từ thuở nhỏ. Gia đình tôi cũng khá giả. Họ không bao giờ mua hàng thứ phẩm. Ngay hiện tại tôi cũng không mua hàng dỏm. Khi tôi để mắt đến thứ gì, hình như nó cũng là thứ đắt tiền nhất. Tôi thà xài giày cũ hơn là mua giày dỏm. Đó là thói quen. Nên ta thấy là thói quen còn khó bỏ hơn là hệ quả của khổ hay ái. Tôi đã đánh mất tất cả khi tôi rời bỏ quê hương, nhưng thói quen thì vẫn theo tôi.
Thói quen khiến ngài chọn lựa những sản phẩm chất lượng nhất. Nhưng ta không thể sở hữu chúng mãi. Điều đó có thành vấn đề không, thưa ngài?
Không, không thành vấn đề. Khi nào chúng không còn, thì chúng không còn.
Thưa ngài, sở hữu những sản phẩm giá trị có ích lợi gì không? Ta được gì từ việc trân quý chất lượng? Theo tôi, khả năng cảm nhận là một cách để đo lường. Ta không thể trân quý điều gì nếu ta sợ mất nó.
Đúng vậy. Nếu ta thực sự trân quý điều gì, thì ta sẽ tận hưởng nó. Nếu ta không thể thưởng thức, hưởng thụ nó thì nó sẽ trở thành một gánh nặng hơn là một niềm vui. Nỗi lo sợ đánh mất nó sẽ làm chủ ta. Ta phải luôn sống trong nỗi sợ hãi. Đối với quyền lực cũng thế. Ngay tổng thống nước Mỹ cũng trở thành tù nhân. Ông ta đâu thể nói chuyện với bất cứ ai. Ông ta được canh gác, bảo vệ suốt ngày, đêm. Đó là luân hồi. Hỷ lạc bị biến thành ác mộng. Các ngôi sao âm nhạc, tài tử màn ảnh chắc chỉ đở hơn tổng thống chút đỉnh. Họ cũng phải núp sau lưng các vệ sĩ, sợ tai họa có thể xảy ra. Những người bình thường như chúng ta phải trân quý cuộc sống của mình vì sự tự do mà chúng ta được tận hưởng. Đối với các sở hữu cũng thế. Chúng ta sẽ không thể hưởng thụ chúng khi chúng ta bị nô lệ bởi nỗi sợ phải đánh mất chúng. Vấn đề không phải là vật chất; mà chính là thái độ của chúng ta. Sẽ không có vấn đề gì khi chúng ta có thể trân quý và hưởng thụ chúng.
Có lần tôi đến giảng pháp ở Hồng Kong. Sau đó có vị thính giả hỏi tôi, “Vậy con có nên lái xe Rolls Royce nữa không?” Tôi bảo, nếu anh còn lái xe Rolls Royce thì tốt. Nhưng khi anh để chiếc Rolls Royce lái mình thì không được rồi.
Chúng ta muốn có quyền lực, địa vị, giàu có, danh phận. Nhưng khi có được chúng rồi, thì chúng ta lại để chúng sai khiến mình. Chúng ta cần phải hiểu rằng tất cả những gì chúng ta đang có sẽ mất đi. Kết thúc của sự giàu sang là nghèo túng. Của danh vọng là quên lãng. Của sống là chết. Đó là bản chất của luân hồi sinh tử.
Sự trân quý bạn bè hay những sản phẩm có chất lượng tự động khiến ta thích thú, thưa phải không ạ?
Không có gì sai với sự thích thú. Chỉ khi ta bắt đầu bám víu vào đó, ta mới sinh lòng sợ hãi. Khi không bám víu vào đó, ta mới cảm thấy trân quý, và thích thú.
Nếu bạn là người keo kiệt, thì sự mất mát sẽ khiến bạn đau khổ hơn. Ngược lại, sự trân quý sẽ giúp bạn không khổ đau vì mất mát.
Chúng ta có thể áp dụng điều này vào các mối liên hệ với người như thế nào?
Hãy dừng tranh cãi với người thân trong gia đình, với bạn bè. Hãy bắt đầu biết trân quý họ. Hãy sống hạnh phúc bên nhau. Đừng tìm lỗi của người. Hãy bắt đầu biết trân quý cá tính của người khác. Cuộc sống rất ngẳn ngủi. Cho dù ta có sống đến trăm tuổi, biết ta sống được bao lâu với đầy đũ ngũ căn?
Thời gian chúng ta dành cho nhau khá hạn chế. Làm sao để khi người thân ra đi, ta có thể trân quý khoảng thời gian đã sống với nhau, hơn là hối hận rằng ta đã uổng phí thời gian, rằng giá mà ta đã hành xử tốt hơn. Điều đó là sự an ủi của ta. Nó giúp ta vượt qua sự mất mát, buồn đau.
Giả thử rằng ta đã có thể sống như thế. Nhưng khi người thân yêu ra đi, chúng ta vẫn buồn đau. Chúng ta phải làm thế nào? Thí dụ, ngài rất thân thiết với thi sĩ Allen Ginsberg. Sự ra đi của ông ấy đã ảnh hưởng đến ngài thế nào?
Allen là một người tuyệt vời –tử tế, cởi mở, thẳng thắng và biết quan tâm đến người. Ông ấy không gian dối ai. Không ích kỷ bao giờ. Nên, tôi rất trân quý các đức tính đó. Khi ông ra đi, tôi rất buồn. Chắc chắn đó là một sự mất mát lớn đối với tôi. Nhưng tôi vui vì ông ấy đã có một đời sống tốt đẹp, sống theo con đường đạo. Ông ấy đã chuẩn bị cho cái chết của mình. Tôi có thể nói từ kinh nghiệm bản thân rằng ông ấy đã chờ đón cái chết thay vì than thở vì nó.
Thưa, dầu vậy, ngài vẫn luyến tiếc ông ấy?
Chắc chắn là tôi rất nhớ ông ấy. Nhưng nỗi nhớ đó không làm tôi đau khổ, vì tôi biết ông đã ra đi nhẹ nhàng, rằng ông đã mãn nguyện. Ta biết rằng vô thường phải xảy ra. Đó là tiến trình tự nhiên. Ta nhớ người thân đã mất, và ước ao rằng họ vẫn còn với chúng ta. Điều đó không tránh khỏi. Nhưng nếu ta hiểu rằng đó là một tiến trình tự nhiên, thì nó không làm ta bấn loạn.
Theo truyền thống Tây Tạng, điều quan trọng là ta phải làm tất cả những gì có thể để giúp người sắp ra đi. Trong trường hợp của Allen, chúng tôi đã tổ chức nhiều nghi lễ. Nếu bạn đã làm tất cả những gì có thể để chắc chắn rằng người thân ra đi nhẹ nhàng, thì bạn phải nên vui mừng chứ, vì đó là sự kết thúc, chấm dứt tốt đẹp.
Xin ngài hãy nói về sự buông xả, và ‘đi tới’.
Đối với những ai tin vào tái sinh thì sự bám víu của chúng ta sẽ khiến cho người chết khó tái sinh. Khi chưa được tái sinh, thì thần thức của người chết không có xác thân để nương tựa. Họ vẫn quẩn quanh bên ta. Họ thấy ta khóc lóc. Nhưng ta không thể thấy họ, khiến họ rất khổ đau. Điều đó còn có thể khiến họ phải chết trong thân trung ấm bardo (khoảng thời gian tiếp nối giữa chết và tái sinh). Vì thế việc ta vẫn bám víu vào người chết không chỉ là tự làm khổ mình mà còn gây khó khăn cho người chết. Đối với bất cứ sự mất mát nào, khi cái gì đã qua, hãy để nó qua đi. Nếu bạn mất đôi mắt, khóc lóc sẽ không giúp bạn nhìn thấy lại được. Nó chỉ khiến bạn khó thích nghi với hoàn cảnh mới mà thôi. Trong trường hợp đó, các giác quan khác sẽ hỗ trợ bạn thôi. Bằng chứng là ta vẫn có thể dạy cho người mù đọc chữ, đi đường và giao tiếp. Đó là cách bạn tôn vinh cuộc sống.
Thưa ngày, như thế có nghĩa là các hành động tích cực sẽ giúp chúng ta buông xả?
Đúng vậy.
Còn có gì khác nữa có thể giúp ta buông xả?
Hiểu rằng tất cả đều vô thường. Đó là bản chất thực tại. Không có gì khác hơn là luân hồi sinh tử. Ở phương Tây có câu nói rằng bạn không muốn tai họa xảy ra cho kẻ thù của mình. Trên quan điểm tâm linh, chúng ta cũng có thể có một quan điểm tương tự. Chúng ta có thể chú nguyện rằng sự mất mát đó là để thay thế cho sự mất mát của người khác, để cho dù kẻ thù của ta cũng không phải khổ đau vì mất mát. Đó là một cách hay để buông xả.
Sự bám víu tất cả là ở trong tâm. Thay đổi tâm hành sẽ giúp ta chuyển hóa. Cảm xúc, khổ đau hay niềm vui đều chỉ là tâm tưởng. Vì thế chúng ta phải làm chủ tâm. Đó là lý do tại sao tôi đã nói ở trên rằng chúng ta cần phát triển tâm với trí tuệ. Tuệ đến từ việc quán sát, lý luận một cách kiên nhẫn với bản thân. Chúng ta không thể gò ép hay sai sử tâm, nhưng việc chúng ta nhìn bản chất của sự mất mát như thế nào có thể thay đổi tất cả. Có nhiều loại mất mát. Có khi ta đánh mất cả xã hội và văn hóa. Điều đó chắc chắn sẽ tạo ra nhiều đau khổ. Chúng tôi đã mất quê hương, và bao người đã khổ đau. Nhiều truyền thống đã bị mai một. Chính Phật giáo qua bao thể kỷ cũng đã bị loại khỏi quốc gia này đến quốc gia khác, nhưng mỗi lần như thế nó vẫn được phục hồi, có thể còn mạnh mẽ hơn trước đó.
Vậy còn vấn đề cho rằng đây là thời mạt Pháp thì sao thưa ngài?
Sự mất mát nào cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Nói chung, thì đúng đây là thời kỳ thoái hóa.
Nhưng theo quan điểm của tôi thì chúng ta đang sống trong một thời kỳ tốt đẹp nhất khi mọi con đường tâm linh đều có thể được tìm thấy trên các danh mục quảng cáo. Khi chúng ta bắt đầu nhìn sự mất mát và biến đổi theo quan điểm này, thì câu hỏi được đặt ra là chúng ta nên than thở hay vui mừng vì điều đó.
Như thế buông xả có nghĩa là thuyết phục tâm bằng sự hiểu biết, trí tuệ. Thưa ngài, vậy còn việc để cho nó qua đi, để tiến lên phía trước thì sao?
Đó là tiếp tục mục đích sống. Tiếp tục đi trên con đường tâm linh. Tiếp tục làm việc. Tiếp tục kiếm sống.
Chúng ta trải nghiệm một sự mất mát. Chúng ta than khóc, rồi chúng ta buông xả. Chúng ta đi tới. Từ đó chúng ta học được điều gì?
Khi vị thầy bổn sư của tôi, ngài Kyabje Trijang Rimpoche viên tịch, đó là một cú sốc lớn đối với tôi. Có thể là lớn nhất. Vì ngài giống như một người cha. Tôi tiếp xúc với ngài hầu như mỗi ngày. Khi tôi thắc mắc bất cứ điều gì, ngài luôn có lời khuyên giải cho tôi, dầu đó là câu hỏi về chính trị, kinh tế, tâm linh hay văn hóa. Ngài là nguồn an ủi, động viên và giáo huấn tôi. Nguồn tin cẩn và ánh sáng. Khi nhìn thấy thi thể của ngài và biết rằng nó không còn có thể trã lời tôi, tôi đã thật sự sốc. Kìa là người tôi đã dựa dẫm vào. Người mà tôi nghĩ là hoàn toàn có thể dựa vào. Giờ nền tảng đáng tin cậy, vững chắc đó đã mất đi. Không chỉ mất đi, mà còn bị tiêu hủy, thiêu đốt. Lúc đó tôi hiểu là ngay chính một người mà ta hoàn toàn có thể dựa vào cũng sẽ mất đi.
Ngài đã ứng dụng điều đó như thế nào?
Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể dựa vào vị thầy để được dìu dắt, hướng dẫn, nhưng phải biết rằng vị thầy đó sẽ ra đi. Cuối cùng chúng ta chỉ có thể dựa vào bản thân. Chúng ta không thể dựa vào ai hay bất cứ điều gì ngoại trừ bản thân. Theo quan điểm Phật giáo là dầu sống, dầu chết, ta cũng chỉ có thể dựa vào bản thân.
Có người phản ứng lại điều đó bằng cách nói, “Nếu thế thì tôi sẽ không thân cận với ai …”.
Phản ứng như thế là không đúng. Nói thế có khác gì nói, “Dầu gì tôi cũng chết, vậy hôm nay tôi chết cho rồi”. Nếu thế thật uổng phí cho một kiếp người.
Thưa ngài, làm sao ta tránh được thảm kịch đó?
Có thể tất cả đều giống như một màn ảo thuật, nhưng đó là cuộc đời. Chúng ta phải sống với sự hiểu biết rằng tất cả chỉ là mộng, là ảo, nhưng trong cõi mộng ảo đó, chúng ta phải không chỉ như là một người có trách nhiệm, mà còn phải là khuôn mẫu cho người khác nữa. Đó là bổn phận của người biết tu tập. Nếu chúng ta tự tách mình ra khỏi cuộc sống, thì không những ta đã bỏ qua một cơ hội quý hiếm, mà ta còn làm bao người thất vọng.
Như thế ‘đi tới’ có nghĩa là tiếp tục thể nhập.
Vâng, tiếp tục thể nhập với sự hiểu biết rằng đây là vô thường. Với tuệ giác rằng đây là mộng ảo, đây là luân hồi sinh tử. Như thế sẽ giúp chúng ta hiểu bản chất của thực tại và bản chất của mất mát. Tuệ tri đó giúp chúng ta biết phải tiếc thương như thế nào. Nó giúp chúng ta biết buông xả như thế nào và tiếp tục sống như thế nào. Đó là cách chúng ta thực sự có thể rèn luyện để biết tôn vinh cuộc sống quý báu và tuyệt vời này như thế nào.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Dịch từ An Interview with Gehlek Rimpoche, Tricycle, Feb.2003).
Trong Vùng Sáng Của Tử Thần
Helen Tworkov
Rick Fields, nhà thơ, nhà văn, đệ tử của ngài Chogyam Trungpa Rinpoche và các vị thầy Tây Tạng theo truyền phái Kagyu và Nyingma, được xét nghiệm mắc bệnh ung thư phổi vào năm 1995. Ông từng là Tổng Biên tập của tạp chí Yoga Journal và có công thành lập tạp chí Tricycle vào năm 1991. Ông là tác giả của nhiều sách, nổi tiếng nhất là How The Swans Came to The Lake (Lịch Sử Phật giáo tại Mỹ, NXB Shambhala, 1981), và Code of The Warrior (Phong Cách Của Người Chiến sĩ). Cuộc phỏng vấn này do Helen Tworkov thực hiện ở California, vào tháng 5.1997. Ông mất vào ngày 6 tháng 6, 1999.
***
Helen Tworkov (HT): Khi biết mình bị ung thư, ông đã phản ứng như thế nào?
Rick Fields (RF): Phản ứng đầu tiên của tôi là ‘ván bài đã lật ngửa’ vì căn bệnh này cả năm nay đều bị chẩn đoán sai, nên nó đã trở nặng, tôi phải làm gì đó khá táo bạo, tích cực.
HT: Ông có lo lắng về tiến triển của căn bệnh?
RF: Không. Quan điểm của tôi là “Tôi sẽ sống đến khi phải ra đi”. Là điều ai cũng phải thế thôi. Tôi thấy thật vô ích khi nói: “Bạn còn bốn tháng để sống”. Và tôi không muốn trao sức mạnh đó cho ý kiến của một ai, dù đó là một vị giác ngộ tâm linh hay một bác sĩ đại tài. Tôi không tin vào việc tiên đoán tương lai.
HT: Giữa sự chấp nhận cái chết và sự cố gắng để chữa lành căn bệnh nan y này, ông thấy thế nào?
RF: Trước sau gì tất cả chúng ta đều phải chết. Chết là một hiện thực, nó đến không báo trước bao giờ. Và thân này, tấm thân này đây, sẽ trở thành một cái xác. Phật giáo luôn nhắc nhở ta điều đó. Vài vị bác sĩ trước đó đã cho tôi biết các thống kê về ung thư phổi di căn thời kỳ thứ tư, rất trầm trọng. Khi biết được như thế, tôi bảo với họ là tôi không muốn nghe thêm nữa. Có lợi ích gì đâu? Tôi sẽ sống đến khi tôi chết thôi. Dầu cho các vị bác sĩ có bảo với tôi là tôi còn bốn tháng nữa hay năm năm nữa, tôi vẫn chỉ sống đến khi tôi chết. Thì họ cũng vậy, họ cũng chỉ sống đến khi họ phải chết. Họ nghĩ là họ biết đến khi nào tôi phải chết, nhưng liệu họ có biết khi nào họ chết không. Nếu tôi chết khi đang chiến đấu với căn bệnh thì cũng chẳng sao. Sớm muộn gì tôi cũng chết thôi.
HT: Khi ông chiến đấu với ung thư, căn bệnh có giống với cái gì đó ở bên ngoài ông? Nó có trở thành một phần dị biệt của thân mà ông phải chiến đấu?
RF: Lúc đầu, tôi có cảm tưởng như có cái gì đó đang xâm chiếm tôi. Dĩ nhiên, chính là do các tế bào trong thân thể tôi gây nên, nên nó cũng là một phần của tôi. Nhưng phản ứng đầu tiên của tôi là với bản năng của một chiến sĩ, tôi phải chiến đấu thôi. Sau lần xạ trị (radiation treatment) đầu tiên, tôi trì chú và quán tưởng – nhất là quán tưởng về một vị thần hung dữ - để giúp tôi diệt trừ các tế bào ung thư trong quá trình chữa bệnh.
HT: Căn bệnh có ảnh hưởng đến cách sống của ông không? Ông có bớt vướng mắc vào những điều nhỏ nhặt, u mê, khờ khạo để tạo ra đau khổ cho mình và cho người chung quanh không?
RF: Có thể. Nhưng tôi cũng có những thói quen đã thành tật, các vọng tưởng, ảo vọng và tôi cũng bám víu vào cuộc sống này. Có thể câu hỏi cần được đặt ra là: Câu nói ‘Tôi sẽ sống cho đến khi tôi chết’ có nghĩa như thế nào? Sống có nghĩa là gì? Có ít nhất là hai lựa chọn: một là tìm một chỗ ẩn cư, hai là tiếp tục cuộc sống gọi là trần tục này. Tôi vẫn tiếp tục làm việc. Tiếp tục có những mối liên hệ. Tiếp tục viết chút đỉnh. Tôi vẫn tiếp tục sống. Dầu cuộc sống như thế đôi khi cũng rất buồn cười. Có nhiều lúc tôi lại nghĩ mình nên tìm một chỗ ẩn tu, và cố gắng đạt được giác ngộ viên mãn trước khi chết. Nhưng đồng thời, tôi cũng nghĩ: “Nếu tất cả chỉ là để được sống, và tôi đang chiến đấu để được sống, thì tại sao không sống cho trọn vẹn?” Và tôi đã chọn con đường đó. Dầu nó có thế nào.
HT: Ông đối phó thế nào với sự tự thương hại?
RF: Tôi nghĩ sự thương hại đi kèm theo cái ngã. Khi điều đó xảy ra lần đầu, tôi có cảm giác như tất cả căn nghiệp đều đổ dồn lên đầu tôi, trêu cợt tôi, long mắt nhìn tôi. Nhưng tôi nhìn trả lại ngay. Đó là bản chất của người chiến sĩ... Tôi nhớ ngài Chogyam Trungpa Rinpoche đã nói: “Sống hay chết. Cả hai đều tốt cả”. Tôi không muốn biến cái chết trở thành kẻ thù của tôi. Chết không phải là kẻ thù. Nó là một phần của ta, nó là một phần của cuộc sống. Ung thư có thể bị coi như kẻ thù - ở những giai đoạn khác nhau. Nhưng cái chết, dù đến với ta bằng cách nào, hay bất cứ lúc nào, cũng không phải là kẻ thù của ta. Ta phải trân trọng nó. Đó là thái độ đúng đắn của một người chiến sĩ. Đối với người chiến sĩ, chết không phải là kẻ thù. Khi các tay kiếm sĩ samurai lâm trận, họ mang theo mình túi tiền nhỏ để dành cho đám tang của mình. Nếu bạn bước vào một đấu trường, không sợ hãi, và chấp nhận cái chết có thể xảy ra cho mình, thì bạn sẽ chiến đấu can trường hơn -thực ra còn có thể thắng nữa- hơn là nếu bạn vào trận với lòng sợ hãi. Phần lớn giáo lý của đức Phật và của các trường phái tâm linh khác chú trọng vào việc phá bỏ lòng sợ hãi cái chết của chính mình. Sợ cái chết của chính mình là sợ sự sinh ra của chính mình hay sợ chính cuộc sống của mình.
Phần vì khi bệnh, tôi coi như đó là một cơ hội để trả nghiệp bệnh hoạn cho cả tha nhân trong tinh thần Bồ Tát. Đó là một cái nhìn khác với phương Tây khi người ta nghĩ về bệnh hoạn. Cái nhìn Bồ Tát đảo ngược mọi thứ. Theo học thuyết Vajrayana (Kim Cương thừa), điều này có nghĩa là hãy chấp nhận mọi hoàn cảnh xảy ra và xem đó là một phần của con đường đạo. Không chỉ những hoàn cảnh thuận lợi, mà bất cứ hoàn cảnh nào cũng thế. Người ta có thể nói rằng: “Cầu xin cho căn bệnh tôi đang mang giúp tôi có thể chịu đựng thêm bệnh hoạn của kẻ khác, để họ thoát khỏi sự đau đớn”. Làm như thế người ta chế ngự được sự thương thân và chấp ngã, vì khi mang bệnh, câu hỏi đầu tiên sẽ là: “Tại sao là tôi?”
HT: Ông có ảo tưởng gì về những ngày cuối đời mình?
RF: Tôi muốn được tỉnh táo cho đến giây phút cuối cùng. Việc chứng ngộ dễ dàng xảy ra ở những giây phút ấy khi con người không còn bị ngoại cảnh chi phối, và bản thể thuần khiết của tâm lúc ấy sẽ chập chờn chói sáng quanh ta. Và để đạt được điều đó cũng không khác gì việc tu tập thiền hiện nay. Đó không phải là một điều bí mật thần kỳ gì, mà khi bạn đã hành thiền ngay trong hiện tại, thì bạn sẽ tiếp tục hành thiền cả trong giây phút cuối cùng của cuộc sống. Hãy luôn nhớ rằng Phật tánh chẳng sanh, chẳng diệt. Tâm niệm như thế khi bạn hành thiền, xem đó như cái nền, như con đường đạo, như cái quả ta gặt hái, tôi cho đó là việc làm hữu ích nhất.
HT: Trong hoàn cảnh của mình, ông giải quyết cách nào đối với sân hận hay tuyệt vọng?
- Không có cách duy nhất cả, mà luôn thay đổi. Có lần một mình từ nơi chuyên tu lái xe trở về, tôi chợt bật khóc. Rồi nó dẫn đến sự nổ bùng những đau khổ, giận hờn bên trong tôi. Ngồi trong xe, tôi bắt đầu la khóc không kiềm chế. Đó là những giây phút xúc động mãnh liệt vì tôi có thể tuôn ra hết những cảm xúc của mình.
Tôi tức giận đối với căn bệnh đã đến để chiếm đoạt cuộc đời tôi. Tôi luôn phải canh chừng nó, nếu không nó sẽ chiếm hữu tôi bằng cách biến tôi thành một thứ luôn xoay vòng theo nó; trong khi điều tôi tranh đấu để giữ là một cuộc sống linh hoạt, uyển chuyển mà tôi có thể đón nhận bằng nhiều cách. Điều quan trọng là bạn nhìn căn bệnh dưới góc cạnh nào. Ung thư góp phần giúp tôi có sự tỉnh thức hay nhận biết Phật tánh của mình hơn. Nhưng tôi sân hận vì thấy căn bệnh này đã xáo trộn hết cả cuộc đời tôi.
HT: Các vị thầy của ông, họ phản ứng như thế nào?
RF: Trước tiên họ nói là: “Ai cũng phải chết. Chết là hiện thực”, chứ không phải là: “Chúng tôi sẽ chữa cho anh, anh sẽ bình phục”. Trong cách nói đó có vẻ như là: “Anh còn chờ đợi gì nữa? Anh đã được sinh ra, thì giờ anh sẽ ra đi”. Gần như là “thì có gì mà làm ầm ĩ?” Nhưng sau đó, họ nhẹ nhàng hơn: “Đó là dịp may để anh tu”.
HT: May mắn vì ông là người biết tu?
RF: May mắn chỉ vì tôi có thời gian để chuẩn bị, hơn là vì biết tu hay không. Tây phương thì lại cho là may mắn nếu ai đó được ra đi trong giấc ngủ hoặc đứng tim hay chết bất đắc kỳ tử. Nhưng với ung thư thì mình có thời gian để suy gẫm về tất cả mọi thứ và sửa soạn cho cái chết. Bên phái Kagyu Ngundro (Phật giáo Tây Tạng) thường hay tụng niệm bốn câu chú, trong đó có câu thứ hai ngài Trungpa Rinpoche đã dịch là:
Chết là một điều rất thực
Đến khi có ai ngờ
Thân rồi, xác đó mà thôi.
Sự chết là điều duy nhất chắc chắn trong cuộc đời ta; nhưng văn hóa, xã hội ta (Mỹ) lại dường như muốn quên nó đi. Cho nên, trong một mức độ nào đó, các bệnh vô phương cứu chữa lại là một cơ hội giúp ta hướng về đời sống tâm linh của mình. Nếu thế thì ta lại phải đối mặt với câu hỏi là ta phải làm gì đây, và làm thế nào. Có những giáo lý nhằm vào việc chữa trị khuyên người ta duy trì sự sống mà cũng không chối bỏ cái chết. Dầu gì đi nữa, những sự suy nghĩ cho rằng tiến trình của cái chết cũng là một kinh nghiệm đáng quý, là một con dao hai lưỡi; nó hữu ích, có thể như thế, nhưng có ai không muốn duy trì sự sống càng lâu càng tốt. Tôi cũng vậy thôi.
HT: Sự tu tập của ông có thay đổi gì không sau khi biết mình bị bệnh?
RF: Căng thẳng hơn. Theo kinh nghiệm bản thân, tôi đã nghĩ là sự tham thiền của mình tốt hơn, kết quả hơn tùy thuộc vào thời gian tôi bỏ vào đó. Nhưng theo Phật giáo thì không phải thế. Có người đã nói sự ám ảnh của cái chết giúp ta có thể chủ tâm hơn vì ta bắt đầu suy gẫm về mọi thứ nhưng không phải với thái độ cầu mong hay chờ đợi, mà là ngay giây phút này. Và tất cả mọi sự tu tập cũng chỉ để được như thế, luôn tỉnh thức trong giờ phút hiện tại.
HT: Có nghĩa là ông đã bỏ nhiều thời gian hơn mỗi buổi sáng để thực hành hay ông đã thực hành với sự chú tâm hơn?
RF: Chú tâm hơn và chuyên cần hơn. Bất kể chuyện gì, mỗi sáng tôi đều tọa thiền. Và tôi nhận ra là không cần biết tôi đã ngồi bao lâu, quan trọng là tôi đã có sự chú tâm không. Việc hành thiền không thay đổi dù tôi có bệnh. Không có gì khác giữa tôi và những người tu tập bình thường khác. Bạn nhập thiền, xả thiền, nản chí, thoải mái, chứng ngộ hay lo ra. Hình như tất cả không phải vì những cái quan trọng, mà là vì những cái không quan trọng. Bạn nhìn ra thế giới và thấy con người đau khổ vì những chuyện gì đâu.
HT: Bệnh lúc thuyên giảm, lúc không, đã ảnh hưởng đến ông như thế nào?
RF: Khi bệnh tôi thuyên giảm, người ta nói về sự hồi phục mầu nhiệm của tôi. Nhưng khi căn bệnh tái phát, tôi phải chấp nhận nó cách khác. Tôi đã có thể sống với căn bệnh. Một trạng thái đồng hiện hữu. Tôi đã dành nhiều thời gian trong ngày để hành thiền hơn, chú trọng vào việc thanh tịnh hóa và tăng thêm sức mạnh cho cơ thể, cho các tế bào v.v… gần như tưởng tượng ra sự chuyển đổi của các tế bào ung thư, chứ không phải sự hủy diệt của chúng. Chuyển đổi thành các tế bào lành mạnh, thành các tế bào lành bệnh. Có thể sẽ có phương thuốc chữa trị, nhưng bây giờ thì chưa, thì phải tìm cách sống chung với nhau, tìm cách để kiềm chế nó ở mức độ không đến nỗi đe dọa cuộc sống. Có lúc tôi nghĩ không phải là tôi đang bị căn bệnh đe dọa tính mạng, mà chính cuộc đời tôi đang đe dọa căn bệnh, hiểu theo nghĩa là tôi đang kiềm chế không cho căn bệnh làm chủ tôi.
HT: Ông có tiên đoán gì về bệnh của mình?
RF: Lại cũng câu hỏi đó! Có lẽ không được tốt. Chắc chắn là tôi sẽ chết. Nhưng khi nào thì tôi không muốn nghe những lời tiên đoán của ai. Như tôi đã nói, tôi sẽ sống và ở đây tôi nhấn mạnh – cho đến khi tôi chết. Có một điều mà căn bệnh đã làm rõ hơn cho tôi là: Phật pháp đã giúp tôi đoạn đầu đời, đã hữu ích cho tôi đoạn giữa, và – tôi chắc chắn là – sẽ tốt đẹp ở đoạn cuối đời tôi thôi.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trích dịch từ In The Light of Death, Tricycle 1998 – The Buddhist Review)
Cuộc Phỏng Vấn Với HELEN TWORKOV
Phật giáo có thể tồn tại ở Mỹ?
Amy Edelstein
Bà Helen Tworkov, nguyên là Biên Tập Viên Tạp Chí Tricycle, là một nhân chứng đã sống qua nhiều giai đoạn của lịch sử Phật giáo ở Mỹ. Bà là một trong những người đầu tiên sang Á châu để tìm hiểu Phật giáo, một trong những người đã góp công vào việc biến những danh từ Phật giáo như Nghiệp, Niết bàn và Giác ngộ thành những từ ngữ quen thuộc ở cửa miệng người Mỹ.
Là người thành lập cũng như biên tập của tạp chí Tricycle, một tạp chí PG rất được ưa chuộng ở Mỹ, bà Helen Tworkov đã có nhiều cơ hội tiếp xúc, phỏng vấn, tu tập với các vị thầy Phật giáo có nhiều ảnh hưởng ở cả Đông và Tây phương. Có lẽ hơn ai hết, bà có thẩm quyền để nhận xét về sự hình thành, phát triển của Phật giáo ở Mỹ.
Khi được hỏi về lý do đầu tiên khiến bà hướng về PG, mắt bà sáng lên, xúc động hồi tưởng về những động lực đã khiến bà chọn con đường đi khác với mọi người ở tuổi đời trẻ trung đó.
Bức xúc về chiến tranh ở Việt Nam, thất vọng về một nền văn hóa hầu như bế tắc, Helen Tworkov, cũng như nhiều người thuộc về thế hệ của bà đã hướng về Á châu, về PG để tìm sự chuyển đổi cho bản thân họ cũng như cho xã hội Mỹ lúc bấy giờ.
Ở khoảng thời gian đó, bà đã được đọc những bài viết của Thiền sư D.T Suzuki về vô thường và cái chết. Bà nói: “Thật là khác với những điều xã hội đã nói với chúng tôi, những điều chúng tôi đọc được thật chính đáng, và hoàn toàn không có tính cách thần thoại hay lạ lẫm”. Nên khi vừa tròn hai mươi hai tuổi, Helen Tworkov đã sang Nhật, trở thành một trong những người Tây phương đầu tiên, cũng như một trong những người phụ nữ Tây phương đầu tiên trên đường tìm đến nền văn hóa tâm linh của Đông phương.
Sau đây là lược dịch bài phỏng vấn của Amy Edelstein, phóng viên Báo What is Enlightenment, với Helen Tworkov.
***
+ Bà đã theo dõi sự phát triển của PG suốt 25 năm qua với tư cách là Phật tử cũng như trong vai trò biên tập viên của tạp chí Tricycle. Bà có thể nói gì về những thay đổi mà bà nhận thấy được?
-Có rất nhiều thay đổi. Ngày nay PG được nhiều người biết đến và Phật pháp được nhiều người chú tâm nghiên cứu. Ngày nay, hiện tượng đó không phải là một hình thức phản kháng xã hội. Nhưng vào những năm sáu mươi, đã có phong trào chống đối xã hội, đòi hỏi chuyển đổi xã hội, chuyển đổi con người, lúc đó khó mà phân biệt là PG bắt nguồn từ phong trào chống chiến tranh hay ma túy. Lúc đó người ta cảm thấy quá thất vọng về xã hội đương thời, rất nhiều người trong chúng tôi bắt đầu hướng về PG, không biết có vì một động lực chung nào đó không, như với chúng tôi ngày xưa, điều đó thì tôi không rõ.
+Tu viện và sự thoát ly cuộc sống thế gian là truyền thống của PG. Nhưng ở các Giáo hội PG Mỹ, gần như người ta tránh nói về sự thoát ly đó. Hình thức tu viện không được các Phật tử Tây phương chấp nhận lắm. Vậy mà có những người như giáo sư Robert Thurman lại cho rằng PG sẽ không thể trường tồn ở Mỹ nếu như không có sự phát triển của các tu viện truyền thống. Ý kiến của bà thế nào?
-Tôi cũng nghĩ như thế.
+Vì hình thức tổ chức của tu viện là quan trọng hay chính vì sự các tu viện đòi hỏi người sống ở đó từ bỏ cuộc sống thế gian là quan trọng?
-Tôi nghĩ là người ta cần phải có một không gian vật lý cụ thể để tạo áp lực cho sự tu tập. Rất khó tập trung chuyên sâu vào Phật pháp khi chúng ta không có một nơi mà ta có thể nói: “Ở đây ta chỉ cần chuyên tu”. Ngày nay người ta thấy các vị tu sĩ lăng xăng đây đó, vừa phải lo việc giác ngộ, phải tiếp xúc với người này người nọ, phải nhớ giữ giới luật. Nhưng không phải chỉ có vậy, một số ít còn phải lo phát triển nghề nghiệp, tạo dựng nhà cửa, làm thứ nọ thứ kia. Trong khi công việc của một tu sĩ là phải lo hành Phật pháp.
+Bà đã so sánh tu viện như những chiếc nồi áp suất – nhưng áp suất của cái gì? Để tạo ra gì đó, hay để chuyển đổi vô minh thành giác ngộ? Hình như đó là điều mà ít người Tây phương muốn để ý đến.
-Đúng thế. Ông đã nêu vấn đề xã hội Tây phương cảm thấy dị ứng đối với sự phát triển của các tôn giáo. Tôi thấy xã hội này đặc biệt không chấp nhận sự yên lặng, thanh tịnh. Sự yên lặng dễ làm xã hội Mỹ cảm thấy bị đe dọa. Đó là lý do tại sao người ta ít thấy các tu viện được hình thành ở đây, ngay cả các tu viện Công giáo cũng dần dần biến mất. Vì tu viện là biểu tượng của sự im lặng. Tu viện là không gian vật lý, nhắc nhở chúng ta rằng: “Hãy ngừng lại, hãy chậm bước, hãy lắng dịu xuống”. Nhưng xã hội Mỹ không thích những điều như thế. Người ta cảm thấy bị đe dọa trước sự yên lặng, nhưng sự ồn ào, náo động thì lại được đón tiếp nồng hậu.
+Điều gì sẽ giúp chúng ta duy trì được sự giác ngộ truyền thống?
-Tôi nghĩ chính là các tu viện. Các tu viện giúp duy trì truyền thống giác ngộ. Không phải vì chỉ có ở tu viện người ta mới đạt được giác ngộ, nhưng tu viện là biểu tượng, là hình ảnh gợi cho ta nhớ đến tính khả thi của giác ngộ. Không có các tu viện, điều này rất khó thực hiện.
+Như thế bà có nghĩ là các tu sĩ Tây phương thực hiện được điều đó không?
-Tôi mong cho tất cả các tu sĩ đều hoàn toàn đạt được giác ngộ. Nhưng điều đó không thể có rồi. Thực tế là càng ngày tôi càng thấy có một số giảng sư giảng giải Phật pháp nhưng không hiểu gì lắm về những điều mình nói. Đó là điều khó thể tránh được.
+Nhưng ý kiến của bà thế nào về những điều ấy?
-Có rất nhiều Thiền sư hay đạo sư Thiền, nếu ở trong môi trường lý tưởng của Thiền truyền thống, có lẽ ít nhất họ cũng đạt được kinh nghiệm về…
+Bất nhị nguyên?
-Tôi chắc là họ phải có ít nhiều kinh nghiệm về điều đó. Quan trọng là họ đạt được điều đó qua sự hiểu biết của chính mình. Nhưng rõ ràng sự thực không phải thế. Khi nhìn lại các vị thầy đã huấn luyện các thế hệ trước đó, và nhìn lại thế hệ truyền thừa của các vị thầy ở Mỹ ngày nay, bạn sẽ thấy một sự cách biệt rất lớn. Và đó là nhận xét chung cho tất cả tông phái, không riêng gì PG Tây Tạng, Nguyên thủy hay Thiền tông. Và có lẽ người nhận biết rõ điều đó không ai khác hơn chính là các vị thầy người Mỹ - những người đã được học hỏi với các vị thầy chân chính. Họ biết điều ấy hơn ai hết.
Tuy nhiên cũng khó nói với những người vừa tìm đến với PG gần đây – thế hệ Phật tử thứ hai và thứ ba – rằng vào những năm 60, 70, chúng ta đã quá may mắn được tiếp nhận các vị đạo sư từ những nơi khác tới đây. Theo tôi, các vị ấy không phải là những nhà truyền giáo bình thường. Họ là các vị đạo sư được tuyển chọn, xuất sắc ngay trong xứ của họ. Trước Đức Đạt lai Lạt ma, chúng ta đã có các vị như Dudjom Rinpoche, Kalu Rinpoche, Karmapa và Trungpa Rinpoche. Và họ mang theo nguồn pháp tuyệt vời đến trao tặng cho ta.
+Kết luận, bà nghĩ là Phật giáo đã mang đến cho chúng ta những gì?
-Tôi nghĩ là Phật giáo mang đến cho chúng ta những gì văn hóa chúng ta không có, thí dụ như các phương pháp kiểm soát tâm. Giúp ta hiểu được rằng tâm có khả năng tạo ra bao đau khổ cho chính bản thân, cho người quanh ta, nhưng đồng thời tâm cũng có thể hóa giải những đau khổ đó. Và quan trọng là bất cứ ai cũng có thể ứng dụng lời Phật dạy để làm cho cuộc đời họ thêm hạnh phúc.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trích dịch từ Is Buddhism Surviving In America, Tricycle 1998)