Viễn chinh Nam Kỳ
Nguyên tác: Histoire deL’EXPÉDITION DE COCHINCHINE en 1861
Người dịch: Hoang Phong
---o0o---
CHƯƠNG VIII
Ðề cương:
Cục diện Nam Kỳ miền duới sau khi thành Kì hòa và thành My-thô bị mất.__Chỉnh đốn binh bị._Tổ chức dân sư.
Chiến thắng Kì hòa và Mỹ-thô gây tiếng vang vô cùng rộng lớn trên toàn cỏi Á - châu. Bọn phưu lưu dẫy đầy trên các vùng biển nước Tàu kéo nhau đổ đến Saĩgon,_ từ dân miền núi Fo-kien, dân đảo Hải nam, dân Quảng đông, dân Ả rập, Ấn độ, cho đến dân các bộ lạc Karing và Xong. Bọn phưu lưu người Âu châu tại Shang-haĩ, Hong-kong, Batavia[1]và Manille vì còn e ngại các cuộc biểu dương lực lượng quân sự còn có thể xảy ra nên vẫn đứng xa chờ đợi. Người An nam bị rúng động mạnh. Họ nhiều lần khoe khoan với triều đình Xiêm la và Cao miên là người Pháp không thắng họ được, họ thường dẫn chứng các trận đánh ở Touranne [2]như là các chiến thắng vẻ vang của họ, tuy có những lần tạm thời thua chạy nhưng không phải vì thế mà họ thất bại [3]Vị phó vương An nam cho các quan chức của hai tỉnh vừa bị mất hay rằng ông không thể ra lịnh gì cho họ cả trước khi có sự chuẩn y của triều đình Huế. Từ nghìn xưa đến giờ vẫn thế, cứ mỗi lần có sự xáo trộn ở Nam kỳ miền dưới là giặc cướp xuất hiện khắp nơi; tình trạng xã hội tại hai tỉnh lỵ xinh đẹp của ta là Saĩgon và My-thô lâm vào mối nguy bị tan rã là vậy.
Trong hoàn cảnh đó, vị tổng tư lịnh nghĩ rằng nên tạm thời ngưng việc chinh phạt, nếu không muốn trông thấy phần lãnh thổ đã lọt vào tay ta lâm vào cảnh điêu tàn. Quân sĩ đã kiệt lực, thương vong quá nhiều do dịch tả, sốt rét, kiết lỵ; mùa mưa biến Nam kỳ miền dưới thành một vùng lầy lội mênh mông, hồ ao rải rác khắp nơi; quả thật là những lý do mạnh mẻ để ngưng việc đánh chiếm thêm. Ðây là lúc mà người Pháp phải tự xử lý những hậu quả do chính mình gây ra sau khi chiếm đoạt một vùng lãnh thổ ba ngàn dậm vuông và đuổi hết những người cầm quyền cũ. Sau đây là lời một vị hoàng đế Ðông phương đã nói với một vị thái thú Trung đông: ‘’Ông nghỉ rằng tôi có thể đứng từ xa để cai trị được không? Tại sao các ông đến đây để chinh phạt chúng tôi, mà lại không cai trị nổi chúng tôi?’’ Tất cả phương châm của chiến tranh chinh phạt đều nằm trong nét dễ hiểu này.
Vì vậy các cuộc hành quân đều ngưng lại, các hoạt động quân sự được giới hạn trong khu vực lãnh thổ thuộc hai tỉnh đã chiếm mà thôi. Thành Kì hòa bị san bằng đã trả lại cho con sông Don-naĩ một quang cảnh tuyệt vời; đối với sông Cambodge, sau khi thành My-thô đã bị chiếm, quang cảnh cũng trở lại như xưa Ðó là hai con sông tuyệt đẹp, mà ta hoàn toàn chủ động dễ dàng với những phương tiện sẵn có. Tuy nhiên, sông không thể so sánh với núi hay sa mạc trên phương diện biên thùy, nhất là trong một xứ mà người dân rất thích sống lưu động trên sông nước. Thật ra thì vùng Lưỡng Hà[4]này mới chỉ bao gồm có tỉnh Bien-hoa, giữa Nam kỳ miền dưới và lãnh thổ Huế còn có cả một vùng núi non làm biên giới thiên nhiên. Ta chỉ có thể so sánh nơi đây là vùng Lưỡng Hà khi nào chiếm hết toàn thể lãnh thổ mà thôi. Xâm chiếm tức khắc không thể thực hiện được vì các lý do vừa kể: quân lính kiệt lực, mùa mưa và tình trang hổn loạn hiện nay.
Cũng đúng lúc để ta đặt lại vấn đề có nên đánh chiếm thành Bien-hoa hay không và nếu đánh gục đường tuyến địch trên sông Don-naĩ để đặt đầu cầu trên đất địch, tức là Bien-hoa, thì có lợi ích như thế nào? Ðánh chiếm vị trí này để mở đường lên phía bắc, thì quả là người An nam sẵn sàng dưng cho ta, chỉ cần báo trước họ là đủ; nhưng vào thời điểm này chỉ là một chiến thắng quân sự vô nghĩa. Một khi đánh chiếm Bien-hoa sẽ đưa tới hai quyết định ta phải chọn: hoặc là tàn phá hết vị trí này hoặc là chiếm giữ. Giải pháp thứ nhất đưa đến một hậu quả vô bổ; giải pháp thư hai đưa đến một hậu quả nguy hại.
Vậy thì Bien-hoa là gì? Là vỏn vẹn một vị trí ranh giới. Ví như chúng ta phá hủy Bien-hoa, người An nam sẽ rút về hậu tuyến, tức trên đường ra Huế, như thế họ lọt ra ngoài tầm kềm tỏa của ta. Hiện nay là mùa rất thuận lợi cho việc đào xới. Ta có thể tin rằng họ sẽ chờ ta đánh và dành cho ta những bất ngờ bằng cách đào hào đắp lũy cố thủ với các chướng ngại phòng ngự phụ thuộc mà họ thành thạo một cách phi thường. Tóm lại chẳng có lợi gì cho ta cả.
Còn nếu ví như ta chiếm giữ vị trí này. Bien-hoa sẽ trở thành một đầu cầu của ta nằm hẳn trên đất địch, nhưng lại hoàn toàn cô lập. Nếu chúng ta muốn phong tỏa nhanh chóng Bien-hoa, cũng như phong tỏa Saĩgon trước kia, thì cần có năm trăm quân, một số đồn nhỏ để nối liền với tỉnh Gia-dinh, một số pháo hạm để làm chủ trên nhánh sông Bien-hoa. Tất cả những chuyện này cũng chỉ để xua quân An nam được bốn đến năm dặm trên đường ra Huế, chẳng có ích lợi gì thêm cho phần lãnh thổ thuộc địa của ta đã chiếm.
Theo ý kiến chung cũng như theo nguyên tắc quân sự thì trong hoàn cảnh như thế ta nên chú ý vào bối cảnh toàn diện hiện nay mà không nên để ý đến khía cạnh riêng của một vấn đề; vì vậy không thể nào có quyết định gởi một đạo quân viễn chinh đi đánh Biên-hòa. Sông Don-naĩ là một biên giới tạm thời; hữu ngạn thuộc về ta, tả ngạn thuộc người An nam trừ ra hai vị trí trên tả ngạn ta phải giữ: một là ngôi làng thiên chúa giáo nằm đối diện với Saigon, hai là Fou-yen-mot do ta trang bị mạnh mẽ để kiểm soát toàn vùng. Làng thiên chúa giáo trung thành với ta, bảo vệ họ là chính đáng và rất đúng trên phương diện chính trị. Fou-yen-mot dùng để canh chừng toàn xứ, và cũng là nơi ta lấy gỗ để bán; ngoài ra khi cần thiết ta sẽ xuất quân từ đây để đánh bọc hậu vào phía bắc Bien-hòa khi cần chiếm vị trí này.
Ðể khống chế toàn lãnh thổ ta thiết lập hệ thống bố trí quân sự như sau:
Thành lập một đường tuyến chiến lược chắc chắn từ đồn Testard, các đồn Tong-keou, đồn Oc-moun, đồn Tay-theuye cho đến thành Tay-ninh, các đồn lũy liên đới hỗ trợ với nhau, kéo dài từ Saĩgon dọc theo biên giới giữa Nam kỳ và vương quốc Cao-miên. Sông Don-naĩ sâu, tàu bè cở lớn có thể lưu hành dễ dàng vào sâu tới sáu mươi dặm trong đất liền kể từ bờ biển; trên sông tấp nập tàu bè chuyên chở lớn nhỏ, hộ tống hạm, pháo hạm. Như thế kể như tại tỉnh Saĩgon và mặt giáp ranh với tỉnh Bien-hoa ta có hai đường tuyến quân sự, hỗ trợ nhau và cách nhau từ năm đến tám dặm. Ðường tuyến thứ nhất gồm các lực lượng lưu động trên sông, có khả năng hiện diện khắp nơi; có thể đặt đại pháo ở hàng trăm vị trí khác nhau để nhắc nhở cho quân thù là bất cứ một manh nha khởi nghĩa nào cũng sẽ bị quân sĩ tăng viện của ta đến tận nơi để trừng trị. Ðường tuyến thứ hai gồm có thành đồn trải dọc song song với sông Don-naĩ. Về phía sông Cambodge, My-thô là trại quân lớn và ta có cả một hạm đội canh chừng mạnh mẽ khắp phần tứ giác phía đông và phía tây, kiểm soát tất cả kinh rạch và sông Cambodge. Quân sĩ hành quân ngoài Saĩgon lên tới 1 425 người, như thế ta đã chiếm tối đa diện tích lãnh thổ mà ta có đủ sức để giữ.
Nếu như quân An nam dám mạo hiểm để tấn công ta thì cách bố trí vừa thấy đủ sức chống lại họ. Bị đẩy lui về Bien-hoa quân An nam thấy phía sau quân ta có thể dồn lại dễ dàng bất cứ chỗ nào để đánh tan họ nếu họ có ý muốn tấn công. Cho đến bây giờ, nếu ví như ta chưa đủ sức ngăn chận các cuộc hành quân từ Huế vào, thì đã có các biên giới thiên nhiên giữa Nam kỳ miền nam và Nam kỳ miền trung bảo vệ: đó là vùng núi non xuất phát từ núi Vi. Phần đất của người Âu châu chiếm giữ dựa vào dãy núi đá, về phía nam thì có sông Cambodge làm ranh giới và ba tỉnh miền nam áng ngữ, không có gì phải sợ quân địch xua quân từ miền bắc; nhưng thực ra ta lại gặp phải nhiều khó khăn trong việc bình định phần lãnh thổ đã chiếm. Người An nam không để ta yên một lúc nào hết, họ dung túng giặc cuớp trong khắp Nam kỳ miền dưới[5]Các tỉnh Ha-tien, An-gian, Vinh-long phì nhiêu một cách kỳ lạ, họ hoàn toàn có thể tự túc được. Chỉ cần vỏn vẹn một vài hiệu lịnh của triều đình, một vài tuyên cáo, không hơn không kém là các tỉnh này sẽ lọt ra khỏi lãnh thổ thuộc địa tương lai mà ta hoạch định thiết lập cho nước Pháp. Ðiều khó khăn để ta biểu dương uy quyền của kẻ xâm lăng là bản chất thiên nhiên của toàn vùng, nơi này gồm hàng ngàn đường sông rạch có thể so sánh với một vùng Kabylie [6]đầy sông ngòi. Sông rạch tạo ra một hệ thống mạng lưới quá rộng lớn đầy kẻ hở không thể ngăn chận hết sự xâm nhập của người An nam
Khi toàn lãnh thổ rộng lớn từ bờ biển Tàu cho đến ranh giới Cao miên lọt vào tay ta, thì các quan chức của triều đình Huế từ các cấp tổng đốc, phouvà huyenđều bỏ trốn hết; nhưng các chánh tổng, xã trưởng và các viên chức hội đồng xã đều ở lại làng của họ. Các điều khoản trong tuyên cáo của ta vào tháng ba và tháng tư 1861 bảo đảm luật pháp, tài sản và phong tục cho họ. Ta không vội gì áp dụng những công thức tuyệt vời của Tây phương mà chỉ nên bảo đảm tài sản sẵn có, tìm cách tránh cho họ những thói xấu mà họ chưa hề biết, nhất là cứ để họ như trước, tức là người nông dân lo trồng lúa và đánh cá. Thật vậy, nếu có một đường hướng chung để giúp ta cai trị thì ta phải sớm khám phá ra nó, càng sớm càng hay, sau khi ta xâm chiếm Saĩgon và My-thô. Vị chỉ huy trưởng Pháp phải đối đầu với một dân tộc mà luật lệ của họ, phong tục của họ ông ta đều mù tịt; ngôn ngữ họ dùng là một trong ba ngôn ngữ của cả vũ trụ này mà khi nói lên thì giống như hát. Những người thông ngôn thì thiếu, hành chánh An nam bị nứt rạn, một nữa nhân viên đã bỏ trốn. Sau hết ta có thể xem như dân tộc An nam bị những người lãnh đạo của họ bỏ rơi, đang thèm khát tự do, sẵn sàng bảo vệ đức tin Thiên Chúa của mình[7]Ta phải công nhận khi bước chân vào sâu trong lãnh thổ Nam kỳ miền dưới, ta nhận thấy ngay dân chúng được nhào nặn theo lối uy quyền phụ hệ của Á châu. Ta cũng có ngay cảm giác là các quan chức Nam kỳ khác xa với các quan chức hành chánh hèn nhát và lạm quyền của Tàu. Về phần người theo thiên chúa giáo, trước đây thì họ trốn lánh; nhưng trên đường chinh phạt My-thô, khi các pháo hạm đem đến nhiều chiến thắng cho thấy người An nam càng ngày càng khó bảo vệ vùng tứ giác, thì họ ra mặt ngay và biến những người ngoại đạo thành một thứ nô lệ [8]Trong số quân sĩ của thành Kì hòa và My-thô, người nào không rút về Bien-hoa hoặc các tỉnh miền nam Cao miên thì làm giặc cướp để sinh sống; sau đó họ lại trở về đầu quân và gây thêm nhiều lẫn lộn và bối rối cho ta. Chỉ cần những xáo trộn thật nhỏ cũng có thể nguy hại đến phong tục của một dân tộc, dân Nam kỳ miền dưới gánh chịu nạn cướp bóc là thế. Trong những ngày đầu, sau tiếng sét giáng xuống thành Kì hòa, một mối kinh sợ bao trùm tâm hồn người An nam. Nổi kinh hoàng bị người Âu châu xâm chiếm họ giữ kín không nói ra; các làng mạc xin đầu thú và xin ta cử người cai quản. Trước bộ tham mưu của ta, các xã trưởng và chánh tổng nối đuôi nhau không ngớt. Họ quỳ gối và dập đầu để thỉnh nguyện, theo cái tư thế tuy đã thành khuôn mẫu ở Á châu, nhưng lại va chạm mạnh đến quan niệm của người Âu châu về nhân phẩm con người. Bằng một dọng như cầu kinh của người An nam, họ vừa run vừa cầu khẩn ta đừng bỏ rơi dân chúng trong thôn xã của họ và bày tỏ sự sợ hải giặc cướp hoành hành.
Hoàn cảnh đặc biệt đó cho thấy ngay các quyết định ta phải làm. Ngay trước mắt là cơ cấu thị xã của họ ta phải giữ nguyên một cách cẩn thận. Các cấp bực của triều đình Huế, như tổng đốc, tỉnh trưởng, quận trưởng đều trốn hết, phần sợ hãi người Pháp phần vì trung thành với hoàng đế An nam. Vị chỉ huy trưởng của ta đưa một số sĩ quan đến những nơi còn bỏ trống để làm đại biểu cho mình bên cạnh dân chúng An nam. Vai trò của họ đối với dân An nam vừa chinh phục xong cũng giống như các đại biểu gọi là Missi Dominici[9]ở thế kỷ thứ mười tám.Một số mang chức phou, một số mang chức huyen. Họ vẫn dùng lại ấn dấu của người An nam,vì dưới con mắt người Á châu điều này rất hệ trọng. Chức vị của các đại biểu hoàn toàn có tánh cách dân sự; nhưng họ có thể trưng tập quân đội được cử bên cạnh để trợ lực cho mình và để bảo đảm uy quyền. Vì vậy ở mỗi tỉnh, mỗi quận đều có một vị chỉ huy quân sự và nhân viên dân sự. Các ông phouvà các ông huyencứ mỗi tám ngày là phải phúc trình với vị chỉ huy trưởng về tình hình trên toàn xứ. Ranh giới lãnh thổ vẫn giữ nguyên như trước, các vị đại biểu chỉ huy các cơ quan An nam vừa kể không được vượt quá giới hạn các thành phố và làng mạc đã qui định trong khu vực của mình.
Việc cử người đại diện cho chính quyền Pháp trong vòng tứ giác từ phía đông do biển bao bọc cho đến biên giới sát với nước Cao miên cũng chẳng phải là việc khó khăn gì; cái khó là họ không biết tiếng An nam mà phải đối đầu với những trường hợp phản bội và những người thông ngôn chỉ biết nói bập bẹ.
Tại xứ này bắt buộc phải biết tiếng An nam và tiếng Tàu để giao dịch và viết lách văn thư, nhưng đó là những thứ ngôn ngữ ta không hiểu thấu nổi. Cần có sự cải tiến chung cho Á châu bằng cách đưa hai mươi bốn chữ cái vào ngôn ngữ của họ để làm sáng tỏ bất thần cả một thế giới huyền bí mà ta có thể bị gạt gẩm dễ dàng; tất cả đều quanh co, lắc léo. Trong số các rào cản mà Á châu dùng ngăn chận ta thì chữ viết là thành trì kiên cố nhất. Người Âu châu nào cũng khựng lại trước những chữ viết bằng dấu gẩy gập lại, giống như tâm trí con người sống ở cái phần đất này trên thế giới đã do ảnh hưởng chung quanh mà bị méo mó đi. Sách vở tiếng An nam ta có vào năm 1861 vỏn vẹn chỉ có một cuốn tự điển, giá bán khá đắt, gồm một vài ngữ vựng dịch ra bằng bốn thứ tiếng: muốn hiểu các ngữ vựng này thì phải biết tiếng la tinh, vì thế không thể nào phổ biến tiếng An nam một cách thỏa đáng cho quân sĩ nào của ta chỉ biết đọc qua loa. Vị chỉ huy trưởng liền cho phiên dịch gấp rút một sách ngữ vựng Pháp-Annam và Annam-Pháp: hệ thống dấu do cha Al. Rodes sáng chế ra được giữ nguyên để soạn sách ngữ vựng, hệ thống dấu dùng để xác định cách chuyển dọng trong một ngôn ngữ giống như hát mà không cần phải ghi chú thêm. Quyển sách này phải đem đi in tận bên Ấn độ:vì cách đánh dấu quá khó làm trở ngại rất nhiều cho việc ấn loát. Trong khi chờ đợi sách phổ biến, ở Saĩgon có hai trường học được thành lập, một dùng đào tạo thông ngôn, một dùng để dạy tiếng Pháp cho trẻ con An nam. Trường thứ nhất do một linh mục sẵn sàng chiếu cố giúp ta, ông này biết rành tiếng An nam, thật là một điều hiếm hoi, kể cả những người nói được ngôn ngữ này cũng không biết rành rọt được như ông. Ông buộc lòng phải ứng biến mà tạo ra một phương pháp giảng dạy khác hơn cách mà ông đã học, và ông đã vui lòng thực hiện việc này cho quân đội viễn chinh. Học trò của ông gồm một số sĩ quan và nhất là thủy quân và lính bộ có phép đặc biệt cho miễn công tác, họ là những người quyết tâm lưu lại luôn trong xứ. Hầu hết người Pháp nào kiên trì đeo đuổi việc học đều trở thành những người thông ngôn mà ta có thể tin được phần nào. Trường học tiếng An nam góp công giúp nền quản lý của Pháp thoát ra khỏi ảnh hưởng giáo điều Cơ đốc, vì các vị giám mục xem sự quản lý của Pháp là thiếu hạnh kiểm; có một danh từ la tinh đại khái ám chỉ điều này như một sự mưu mẹo, lạm quyền và tham nhũng giống như của châu Á.
Trường học tiếng An nam còn mang lại một điều tốt nữa. Hiểu biết một ngôn ngữ là phương tiện hay nhất để thấu hiểu phong tục của một dân tộc: muốn hiểu một chữ hay những cách nói lắc léo của một ngôn ngữ thì phải hiểu chữ này hay cách nói như thế được đem dùng vào những trường hợp nào. Vài chữ và vài cách diễn đạt đơn sơ nhất đã hé mở cho ta thấy phía sau cái vẻ đau buồn rộng lớn của người An nam là cả một thế giới ý tưởng vô cùng phong phú: nếu hiểu rằng người An nam cũng là con người thì sự hung bạo của ta sẽ bớt đi. Nhưng khi ta trừng phạt nặng nề những kẻ nào làm hại ta thì cũng là một việc dễ hiểu thôi. Khi ta biết được một chữ, ta thường hay lập đi lập lại;ta sẽ kính nể một dân tộc hơn khi ta có thể nói được ngôn ngữ của họ, nhất là một ngôn ngữ khó cực kỳ như vậy. Sau hết ta cũng tự lấy làm lạ có những người Pháp chịu rời bỏ xứ sở của mình để cùng sống với một dân tộc xa xôi; đương nhiên họ chấp nhận sẽ chết ở đây, cuộc sống lưu vong là mục đích của đời họ; điều lạ lùng này đã làm xúc động và sưởi ấm một vài con tim với một chút lòng từ thiện thiên chúa.
Mục đích của trường học thứ hai là dạy tiếng Pháp cho trẻ em An nam. Việc dạy tiếng Pháp mới có lần đầu trong xứ An nam: vì từ trước người An nam học ngoại ngữ chỉ gồm có tiếng la tinh và tiếng Anh. Giáo điều thiên chúa ở các tỉnh đều giảng bằng tiếng la tinh. Theo thông lệ hoàng đế Tự Ðức mỗi năm gởi mười lăm học sinh trẻ sang Singapour học tiếng Anh.
Tiếng An nam và tiếng Pháp đồng lượt được truyền bá là giai đoạn tối cần trong việc chinh phạt của ta, kết quả lại tạo ra một thứ ngôn ngữ chung giống như ngôn ngữ sabir[10]mà người Ý đã mang đến cho nước Thổ nhỉ kỳ. Nhưng phải nói rằng người Tàu tích cực hơn người An nam vì họ là những người đầu tiên được ta huấn luyện. Mỗi tối, người buôn bán ở Saĩgon và Cho-leun sau khi ghi chép sổ sách xong thì họ thay phiên nhau lập đi lập lại bài học mà họ gọi là học tiếng Pháp. Một vài thành ngữ quy ước và vài tiếng Mã lai cũng thường nghe nhắc đi nhắc lại trong các mẩu đối thoại dùng như những điểm chuẩn cho dể hiểu nhau. Việc chiếm đóng Canton [11]từ trước và sự sinh sống lẫn lộn giữa một ngàn năm trăm cu li người Tàu và quân đội Pháp cho thấy một vài dấu hiệu chứng tỏ bắt đầu có sự hiểu ý lẫn nhau. Củng như tất cả các dân tộc chọn chủ nghĩa hình thức, lễ độ là cả một khoa học xã hội; những thương gia từ khắp miền biển Tàu đổ về đây chăm chú nghiên cứu học hỏi cách ăn nói, cười hỏi, xã giao của các người lính thủy và lính bộ; quân lính của ta là những người duy nhất mà họ có thể gần gủi để tìm hiểu tập quán người Âu châu. Các dân tộc Á châu đều có tinh thần nhất quán trong cách suy luận: không có một thương gia nhỏ nhoi nào ở Saĩgon này mà lại không tin rằng mình đã đánh giá đúng nước Pháp sau khi mới tiếp xúc với một người dân Pháp duy nhất; nói một cách khác thì họ tin rằng một người cai và một vị đại tướng cũng đều có cùng một cách cư xử như nhau.
Vì thế đã phát sinh một ngôn ngữ chung, mặc dù ảnh hưởng của Anh ngữ cho đến nay vẫn hết sức là mạnh; ngôn ngữ chung đã phát sinh từ khi có hai mươi ngàn quân Pháp sang đánh bên Tàu và sau đó kéo xuống đánh chiếm Nam kỳ.
Một vài sĩ quan trong số người được cử nắm giữ các chức vụ hành chính chịu khó học tiếng An nam và nghiên cứu phong tục của người An nam. Nhưng sau những hung bạo của chiến tranh, việc học hỏi dù có đi chăng nữa cũng mang rất nhiều thiển cận. Tinh thần suy nghĩ bình đẳng thật là hiếm hoi; trong một vài trường hợp đặc biệt lắm mới có một người Âu châu chịu hạ cố mà nhìn xuống xem những gì đã xảy ra cho một dân tộc nổi danh man rợ, để đủ sức hy sinh mà trút bỏ định kiến có sẵn của mình đối với họ. Vào thế kỷ mười bẩy và mười tám, vài người hiểu biết rộng rãi và nhiều nghị lực như Pallu du Ruault, giám mục Héliopolis, Pigneau de Behaine, giám mục Adran, đại tá công binh Victor Olivier không tin rằng họ đã hy sinh đời mình một cách vô ích để khai hóa cho người An nam. Thật quả họ là những người Pháp vĩ đại mà vết tích công trình vẫn còn đó, từ biển Tàu cho đến ranh giới tận cùng của đế quốc An nam! Họ biết cách làm lắng xuống cái ngạo mạn của một dân tộc khuấy động nhất và hiếu chiến nhất ở Á châu[12]Người An nam đều nghe họ. Nhưng tất cả những gì mà họ quan sát thấy đã theo họ mà mất mát khi họ vĩnh viễn ra đi Có lúc người Hòa lan và người Anh cũng làm như họ nhưng đều thất bại: ví dụ như Crawfurth và Mackensie chẳng hạn. Cho đến mãi gần đây, cũng chưa có ai biết rõ ràng về đặc tính nhân chủng của người An nam. Khi đi sâu và sống chung trong làng mạc của họ, giữa ruộng đồng và rừng rú của họ, ta mới nhận ra những nét đặc biệt của tánh tình người An nam; trước đây ta chỉ biết cơ cấu quản lý thôn xã, tổ chức hành chính và tánh khí đặc biệt chung của các dân tộc Á châu nơi họ mà thôi; trong đó gồm có sự kính trọng tập thể làng mạc và uy thế vương quyền. Một vài nét mà ta nhận thấy trên diện mạo và tính tình người An nam còn xa mới tượng trưng được bản chất toàn diện của họ; nhưng phải nói hẳn ra đó là duy nhất những gì mà ta có thể hy vọng đã quan sát được đúng. Hình như cũng có một sự trùng hợp nào đó trong những thiếu sót của chân dung người An nam mà ta không biết được; càng tìm cách xác định cho thật đúng, ta càng nhận ra một cách rõ ràng những điều ta chưa biết nơi họ. Nghiên cứu về đặc tính, diện mạo và tinh thần người An nam không phải là một chuyện vô bổ không hợp thời trong hoàn cảnh chiến tranh ở Nam kỳ như hiện nay: tìm hiểu tường tận về khả năng và phong tục của dân tộc An nam cho ta thấy một cách hùng hồn những thiếu sót mà người Pháp đã vấp phải.
[1]Batavia là Jakarta ngày nay, (ghi chú của người dịch).
[2]Tức Ðà nẳng ngày nay, (ghi chú của người dịch).
[3]Xin mạn phép được nhắc lại là thủy sư đề đốc Rigault de Genouilly và vị cố vấn quân sự và chính trị của ông là Giám mục Pellerin sau khi đánh chiếm Ðà nẳng (1858), trông chờ vào việc nổi dậy của một số người An nam để tiếp tay đánh vào Huế, nhưng việc nổi dậy không sảy ra. Ðóng binh cố thủ tại Ðà nẳng, quân lính bị dịch tả, sốt rét, kiết lỵđành phải bỏ nơi này để đánh Saigon (1859). Tại Saigon cũng không thấy ai nổi loạn, lại phải cố thủ chờ đại binh kéo từ Tàu sang (1861), (theo Stanley Karnow, Viêtnam, WGBH, 1983), (ghi chú của người dịch).
[4]Trong nguyên bản là Mésopotamie, tức vùng Trung đông nằm giữa hai con sông Tigre và Euphrate, thuộc I-rắc ngày nay. Một trong những nền văn minh sáng chói và lâu đời nhất của nhân loại (thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ I trước Thiên Chúa) đã phát sinh ởđây; tổ chức làng mạc sinh và canh nông cũng đã phát triển tại vùng này từ những thếkỷ thứ IX đến thứ VII trước Thiên Chúa, (ghi chú của người dịch).
[5]Biết đâu cũng có du kích lẻ tẻ lẫn lộn với giặc cướp khắp nơi ?(ghi chú của người dịch).
[6]Kabylie là một vùng núi non thuộc bắc Algérie, rất khó kiểm soát, hầu hết do sắc dân Berbère cư trú, họ luôn luôn nổi dậy và yêu sách quyền bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của họ, (ghi chú của người dịch).
[7]Những người nông dân An nam chất phác ở giữa thế kỷ 19 thèm khát tự do, và dân tộc An nam sẵnsàng bảo vệ đức tin Thiên Chúa của mình ? Có lẽ hơi khó hiểu một chút! (ghi chú của người dịch).
[8]Nguyên văn:..Ẩ.avaient reduit les paĩens en une sorte d’esclavage. Xin minh chứng để tránh hiểu lầm. Ðộng từ ‘’réduire’’ trong câu tiếng Pháp có nghĩa nặng hơnđộng từ ‘’xem’’ trong câu tạm dịch, (ghi chú của người dịch).
[9]Khâm sai, quan thanh tra (ghi chú của người dịch).
[10]Nói chung là một loại ngôn ngữ đơn giản hóa, pha trộn nhiều ngôn ngữ khác nhau, dùng vào việc buôn bán và giao dịch thông thường, (ghi chú của người dịch).
[11]Tức là Quảng châu bên Tàu, (ghi chú của người dịch).
[12]???, (ghi chú của người dịch).
---o0o---
Trình bày: Nhị Tường