Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương III - THỰC HÀNH THIỀN TĨNH LẶNG

24/04/201314:09(Xem: 4991)
Chương III - THỰC HÀNH THIỀN TĨNH LẶNG

Chương III

THỰC HÀNH THIỀN TĨNH LẶNG

Sau khi đã biết về lý thuyết tổng quát các chương trình Thiền tĩnh lặng phối hợp với Thiền hoạt động cùng các lợi ích đặc biệt Thiền mang đến, giờ đây chúng ta thực hành bước thứ nhất là Thiền tĩnh lặng để chuẩn bị cho việc tập Khí Công Tâm Pháp.

1. Chú Tâm Vào Hơi Thở

Tất cả các chương trình ứng dụng Thiền để phát triển sức khỏe và giảm trừ bệnh tật hiện nay đều đặt trên nền tảng chú tâm vào hơi thở thoải mái cùng thực hành buông thư hay buông xả Tâm, thư giản Thân .

Cách thực hành rút ra từ lời daỵ của Đức Phật trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Đa số các tổ chức Thiền và phát triển sức khoẻ hiện nay do các trường đại học hay do các nhà thương hướng dẫn đều rút ra từ lời dạy này, nhưng họ không nhắc nhở gì đến kinh Quán Niệm Hơi Thở vì ngại bị hiểu lầm là muốn phổ biến tư tưởng tôn giáo. Chỉ có� ông Frank Jude Boccio, một người dạy Yoga soạn cuốn Mindfulness Yoga, là có nói rõ rằng cách thực hành các động tác là hoàn toàn theo tiến trình được chỉ dẫn trong kinh Quán Niệm Hơi Thở. Thật ra, bất cứ người nào có tôn giáo hay không, mà nếu thực hành đúng, thì cũng đạt được kết quả như Đức Phật đã kinh nghiệm về niềm hạnh phúc kỳ diệu nơi Tâm và sự sung sướng bình an nơi Thân.

Trước khi đọc các trang kế tiếp, chúng ta nên để sách xuống và thực hành bước đầu tiên: Thở vào thở ra thật thoải mái. Khi thở, không cần kéo dài thêm hay làm ngắn lại. Hơi thở vào của chúng ta thường ngắn hơn hơi thở ra một chút, khi chú tâm thoải mái vào hơi thở chúng ta chỉ biết hơi thở vào và hơi thở ra, có cái dài và có cái ngắn, biết hay cảm nhận một cách trực tiếp về mỗi hơi thở vào hay hơi thở ra và độ dài của chúng mà không nói (thầm) như hơi thở vào ngắn, hơi thở ra dài. Tâm vắng lặng được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu.

1.Ban đầu chúng ta dành mười phút để tập chú tâm thoải mái vào hơi thở. Vị nào quen thở đan điền, thở bụng, thì thở đan điền, vị nào chưa quen thì thở thường, sau này sẽ tập thêm cách thở đan điền. Chúng ta có thể ngồi trên ghế, giữ lưng cho thẳng, nếu ai bị đau lưng không thẳng lưng được thì ngồi dựa lưng, nếu vị nào không ngồi được phải nằm thì nằm thẳng lưng và buông xả toàn thân. Chúng ta cũng có thể ngồi trên gối tròn để ngồi thiền, lưng thẳng, cổ thẳng, hai bàn tay để thoải mái trên đầu gối hay để theo ấn định tâm.

2.Sau khi ngồi thoải mái, chúng ta chú tâm nhẹ nhàng và tự nhiên vào hơi thở: Thở vào cùng lúc biết hơi thở vào, thở ra cùng lúc biết hơi thở ra. Để các ý tưởng bớt khởi lên và lôi kéo chúng ta chúng ta có thể đếm số: Thở vào thở ra đếm Một, thở vào thở ra đếm Hai, cho đến Mười thì bắt đầu đếm Một lại. Nếu quen niệm Phật thì thở vào niệm �Nam Mô A�, thở ra �Di Đà Phật� hay một câu nào đó thích hợp với niềm tin của người� tập.

3.Trong trường hợp bị các ý tưởng khởi lên lôi kéo chạy theo chúng, thì tự nhắc nhở 'chú tâm thoải mái vào hơi thở' và bắt đầu đếm Một lại. Sau mười phút, đứng lên đi bộ hay thiền hành. Đi thong thả và chú tâm thoải mái vào hơi thở và bước chân: Thở vào đếm bước chân bước tới: Một, Hai, Ba, thở ra đếm bước chân bước tới: Một, Hai, Ba. Đi bộ tối thiểu mười phút. Nếu thấy ưa thích đi bộ thì tăng lên mười lăm hai hai mươi phút. Nếu đi bộ hơn mười phút thì sau mười phút chúng ta không đếm số Một, Hai, Ba khi bước chân bước tới nữa mà chỉ biết khi thở vào, bàn chân bước tới, khi thở ra bàn chân bước tới. Đây là Thiền hoạt động: bước đi với tâm vắng lặng và tĩnh thức.

4.Sau khi tập chú tâm vào hơi thở vài ngày và thực hành Thiền tĩnh lặng (ngồi) và Thiền hoạt động (bước) chúng ta sẽ quen dần và cảm thấy thích thú khi thực hành vì cảm giác buông thư sẽ xuất hiện đưa đến niềm vui trong sáng trong Tâm và sung sướng nơi Thân do chất thần kinh �dẫn �truyền (neurotransmitter) xuất hiện và truyền đikhắp thân thể.

5.Tiếp theo là tập thở nhẹ nhàng và sâu hơn một cách tự nhiên như� trong lời dạy đặc biệt của các vị Thầy tại chùa Thiếu Lâm về bí mật của cách thở cùng duy trì sự thấy biết trong sáng, tỉnh thức và linh động như một ngọn đèn lồng tỏa ánh sáng liên tục như sau.

"Một ngọn đèn lồng thắp sáng trong thiền đường và tiếp tục tỏa ánh sáng trong suốt bốn mùa. Người tu thiền giúp ngọn đèn lồng này cháy qua hơi thở� Khi luyện thở khí công, người tập được hướng dẫn bởi ba nguyên tắc: Thứ nhất là duy trì sự vắng lặng của Tâm, thứ hai là sự mềm mại của Thân và thứ ba là sự êm dịu và trọn vẹn của hơi thở. Sự vắng lặng là do nơi Tâm Không (hay tâm rỗng lặng) tâm chỉ thấy biết tánh chân thật, vạn pháp (mọi hiện tượng) rơi vào chốn không như đá chìm đáy biển. Trong trạng thái mềm mại, các bắp thịt nhuyễn như cát lún, trong đó máu chảy theo hơi thở khí công một cách trơn tru. Hơi thở vào và hơi thở ra phải sâu, dài, trọn vẹn và đều đặn, để cho hơi thở vào và hơi thở ra không sai biệt chút nào cả."

Như vậy, khi tập thở theo thiền hay khí công cần nhớ bốn yếu tố:

1.Chánh niệm là sự thực hành chú tâm nhẹ nhàng nơi hơi thở và thấy biết rõ ràng, đó chính là ngọn đèn thắp sáng Tâm cùng làm cho bộ não êm dịu.

2.Tâm vắng lặng, đừng chạy theo các ý tưởng hay cảm xúc.

3.Thân thể buông xả thật thoải mái.

4.Hơi thở êm dịu, tập thở sâu và dài hơn một tí (cùng lúc để 10% sự chú tâm vào hơi thở)� để gia tăng sự tỉnh thức, nhưng đừng chú tâm quá nhiều sẽ làm chóng mệt. Sau khi quen dần thì hơi thở trở nên sâu, dài và đều đặn một cách tự nhiên.

2. Tập Thở Đan Điền

Thở đan điền hay thở bụng, còn gọi là thở hoành cách mô, là khi thở vào bụng phình ra, khi thở ra bụng xẹp xuống. Thở đan điền làm cho bộ não thư giản nhanh chóng và Tâm buông xả dễ dàng. Hiện nay nhiều nhà thương và nhiều bác sĩ nhắc nhở bệnh nhân tập thở đan điền mà họ gọi là thở hoành cách mô để làm dịu bớt các loại đau nhức cũng như làm giảm căng thẳng.


image301

Hình 1 (3-1) Thở Vào Phồng

image302

Hình 2 (3-2) Thở Ra Xẹp


Khi thở vào bụng phình ra. Nhớ đẩy nhẹ thành bụng ra phía trước để cho bụng phình ra và nhớ đừng có đẩy hơi (dồn hơi) xuống phía dưới (vùng hậu môn) vì làm như vậy là ép hơi như� rặn, có thể đưa đến bệnh trĩ.

image303Khi thở ra thì đẩy nhẹ thành bụng vào. Thở vào và thở ra thật nhẹ nhàng như cánh cửa hai chiều mở ra và mở vào trơn tru, không nín hơi, không tưởng tượng hơi chạy xuống đan điền vì làm như vậy sẽ chóng mệt. Ban đầu tập năm phút, rồi tăng lên mười phút. Khi thấy thở quen dần thì tăng lên mười lăm phút rồi tăng lên hai mươi phút. Khi đi bộ ngoài trời hay đi thiền hành tập thở đan điền rất tốt. Sau một thời gian bụng sẽ quen dần cách thở và tự động thở đan điền mà không cần sự cố ý, như một người tập lái xe, sau khi đã thuần thục thì lái rất tự nhiên.

Hình 3 (3-3) Ba Đan Điền

3. Ba Đan Điền

Ngoài đan điền hạ nơi vùng bụng, trong thân thể chúng ta còn có đang điền trung và đan điền thượng. Đan điền trung liên hệ đến năng lượng của tình thương và hệ miễn nhiễm. Đan điền thượng liên hệ đến vùng não phía trước trán và có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì sự chú tâm thoải mái và cảm nhận niềm an vui và sung sương nơi Tâm và nơi Thân. Như vậy, đan điền không phải là một điểm mà là một vùng có chức năng quan trọng trong việc cảm nhận các nguồn năng lượng tốt đẹp và từ đó tác động vào những vùng khác trong cơ thể.

4. Các Chất Thần Kinh Dẫn Truyền Tốt

Chúng ta cần biết thêm về ba đan điền vì ba vùng đó có vai trò rất quan trọng trong việc tập luyện cho có kết quả khỏe mạnh và an vui kỳ diệu nơi mỗi chúng ta. Khi tập thở nhẹ nhàng, chậm và có sự chú tâm thoải mái thì Tâm của chúng ta dần dần trở nên vắng lặng, bộ não thư giãn, các chất thần kinh dẫn truyền tốt đẹp xuất hiện, trong đó có chất rất quan trọng là chất en-đọt-phin (endorphin). Endorphin thật ra là một tập hợp gồm nhiều chất trong hệ thần kinh của con người cũng như loài vật. Các endorphins cùng một nhóm chất hóa học có liên hệ là en-ki-pha-lin (enkephalin, rất giống với endorphins tiết ra từ vùng cấu tạo dưới đồi nơi bộ não và kết vào nút thần kinh cảm thụ, ngăn chặn tín hiệu báo có cơn đau) là thành phần của một nhóm lớn hơn có tác dụng như nha phiến, làm giảm các đau nhức và làm cho buồn ngủ gọi là ô-pi-oai (opioid). Tuy nhiên, các opioids là� hóa chất do cơ thể sản xuất ra nên tuy có tác dụng làm giảm đau như chất nha phiến mà lại không có các phản ứng phụ gây tai hại mà lại làm cho cơ thể cảm thấy khỏe khoắn hơn. Các nhà thần kinh học tin rằng các chất endorphins và enkephalins (có thể gọi chung là endorphins) kiểm soát sự nhận thức của bộ não cũng như giúp cho cơ thể giải trừ sự căng thẳng và sự đau nhức. Không những vậy mà các chất này cùng chất dopamine có thể đưa đến cảm giác rất vui sướng và thoải mái nơi Thân và nơi Tâm. Điều đặc biệt hơn nữa là hệ thần kinh chúng ta sản xuất ra các chất trên khi chúng ta ngồi Thiền, chạy bộ lâu, đi thiền hành, tập khí công, yoga, dưỡng sinh, thở sâu và đều, cười vang tiếng, ăn các thứ gia vị, đua xe hơi, châm cứu, chỉnh xương cùng một số các hoạt động tạo ra sự vui sướng trong thân thể.

5. Sự Quan Trọng Của Chất Endorphins

Chúng ta cần biết rõ hơn những chất endorphins vì chúng đóng vai trò rất quan trọng trong niềm vui, giải trừ căng thẳng, làm bớt các thứ đau nhức, gia tăng cảm giác khỏe mạnh và nhất là tạo ra điều kiện cho một niềm vui sướng lớn lao xuất hiện. Chất endorphins là sự ghép hai chữ endogenous morphine hay mọt phin (một loại nha phiến làm giảm đau) do cơ thể sản xuất, được các nhà thần kinh học khám phá ra vào năm 1975. Cơ thể chúng ta có trên 20 loại endorphins trong đó chất beta-endorphin được xem như có tác động mạnh mẽ nhất trên bộ não và thân thể khi chúng ta tập luyện. Cho đến nay, ngoài rất nhiều tác động tốt đối với cơ thể, các nhà nghiên cứu thấy các chất endorphins tạo ra năm kết quả thật tốt đẹp mà chúng ta cần phải nhớ như sau.

1.Làm cho sự trẻ trung kéo dài (lão hóa chậm lại).

2.Làm cho hệ thống miễn nhiễm mạnh mẽ hơn. Chất beta-endorphins có thể kích động các tế bào lùng và diệt (NK: Natural Killer) các tế bào ung thư trong cơ thể, làm gia tăng sức mạnh của hệ miễn nhiễm chống lại các bệnh tật.

3.Làm giảm sự đau đớn.

4.Làm giảm sự căng thẳng là đầu mối của rất nhiều bệnh tật.

5.Làm cho xuất hiện một trạng thái an vui và sung sướng kỳ diệu nơi thân và tâm.

Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy khi ngồi thiền, đi thiền hành, tập khí công (tai chi là một loại khí công), tập dưỡng sinh, tập yoga, chạy bộ, đi bộ, tập vận động hiếu khí (aerobic) cơ thể cũng sản xuất ra chất endorphins đưa đến cảm giác khỏe mạnh. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế hướng dẫn các bệnh nhân thở sâu và quán tưởng (tưởng thấy các hình ảnh vui tươi, tích cực) làm giảm đau và mau lành bệnh. Âm nhạc cũng đóng góp vào việc sản xuất chất endorphins. Một cách tổng quát, các cuộc nghiên cứu y khoa cho thấy khi chúng ta có cảm gián hớn hở, vui tươi thì cơ thể có khả năng làm giảm bớt những hậu quả tai hại của sự căng thẳng gây nên, làm chúng ta bớt đi rất nhiều mệt mõi, lo lắng, buồn rầu, bệnh tật hay chết sớm.

Các endorphins khi xuất hiện sẽ tạo thành một dòng thác tuôn xuống từ bộ não đến khắp nơi trong cơ thể như một thác nước đổ xuống. Nói khác đi, các endorphins hòa hợp với nhau trong trong sự khích động phát sinh ra những phản ứng làm vui tươi hay ngăn chặn sự lan truyền của cảm giác đau đớn. Ban đầu chỉ có một endorphin tác động vào endorphins khác rồi lan rộng ra mạnh mẽ như một dòng thác đổ, tác động mạnh mẽ vào cảm xúc và sự suy nghĩ của chúng ta, nhờ thế chúng ta cảm thấy vui tươi, thoải mái, tích cực, yêu đời.

6. Vận Động Làm Endorphins Xuất Hiện

Chúng ta đã biết chất endorphines xuất hiện khi ngồi Thiền và khi vận động. Chúng thuộc loại các thần kinh dẫn truyền gồm hàng trăm thứ mà ba loại quan trọng chúng ta cần biết đến là endorphines, enkephalins và serotonin. Chúng là những chất họt môn (hormone) do các hạch nội tiết trong cơ thể chúng ta sản xuất ra. Chất hormone được truyền vào máu và chuyển đi khắp thân thể. Từ đó chúng tác động vào hệ thống tâm-sinh lý của các tế bào hay các bộ phận khác trong cơ thể.

Những endorphins là các chất hormone thần kinh (neurohormone), là những phân tử được vùng cấu tạo dưới đồi trong bộ não (hypothalamus) sản xuất và chuyển vào máu bởi tuyến yên (pituitary gland), vùng dưới đồi trong não. Có bốn loại endorphins khác nhau là Alpha, Beta, Gamma và Sigma, trong đó Beta endorphins là những chất rất quan trọng cho sức khỏe của chúng ta. Ví dụ khi chúng ta chạy bộ, chạy một hồi thì thấy chân bị đau nhức rất khó chịu. Vào lúc đó, chất endorphins được tiết ra rồi theo dòng máu đến các tế bào thần kinh cảm thụ đau và kết vào các mút thần kinh thụ nhận nha phiến (opioid) và ngăn chận tế bào thần kinh phát ra các tín hiệu về cơn đau nhức. Do đó, cảm giác đau không còn được chuyển đến bộ não nên dù chân tay hay bộ phận nào trong người chúng ta bị đau nhức nhưng tin tức không được gởi đi nên chúng ta không cảm thấy đau, không khác gì chúng ta được tiêm thuốc tê loại mạnh.

Cơ thể chúng ta hết đau và từ đó phát sinh ra một cảm giác an lạc, mạnh khỏe, vui tươi vì không những đau nhức biến mất mà sự căng thẳng cũng không còn. Chúng là những viên thuốc chống đau thiên nhiên, không có phản ứng phụ xấu như uống thuốc an thần hay giảm đau. Ngoài ra, endorphins cũng có tác dụng gia tăng sức hoạt động của hệ miễn nhiễm, gia tăng sức khỏe và giúp cơ thể duy trì sự trẻ trung hay không bị lão hóa theo mức độ bình thường.

Khi tập luyện, vận động như tập hiếu khí (aerobic), chạy bộ thì cơ thể sản xuất chất endorphins đưa đến cảm giác vui sướng. Nhưng, cũng như cảm giác vui sướng do hút nha phiến tạo ra, cơ thể con người thích nghi dần với mức độ số lượng chất endorphins. Nói khác đi, ban đầu chỉ cần chạy bộ ba cây số là cảm giác vui sướng mà những người chạy bộ gọi là 'chạy phê' (runner high) xuất hiện, sau đó phải tăng lên bốn cây số, năm cây số, sáu cây số thì cảm giác này mới xuất hiện. Ví dụ một người tập hiếu khí trong 30 phút thì mức beta endorphins tăng lên gấp năm lần so với khi họ ngồi yên. Nhưng sau đó họ phải tập 40 phút, rồi dần dần tăng hơn nữa thì mới có được mức độ beta endorphins như trước đây. Đây có thể nói là một điều bất tiện, nhiều người trở nên 'nghiền chạy bộ', nghiền tập dượt tức là họ có thể bỏ công ăn việc làm, bỏ phế gia đình để tìm niềm vui sướng trong nhiều giờ vận động mỗi ngày. Vậy làm sao giải quyết vấn đề này?

7. Chất Dopamine

Có một chất thần kinh dẫn truyền thứ hai không kém quan trọng, đó là chất đô-pa-min (dopamine) khi xuất hiện cũng đưa đến cảm giác vui sướng. Chất này được các nhà nghiên cứu tìm ra từ lâu và biết đó là một chất hóa học quan trọng mà cơ thể con người tiết ra để làm giảm cơn đau đớn hay đưa đến cảm giác an vui sung sướng. Các nhà nghiên cứu gọi đó là "ban thưởng", mạch thần kinh tạo ra cảm giác an vui sung sướng như khi ăn ngon, vận động, ngồi Thiền, gặp những người thương yêu hay nghe những bản nhạc hay.

Giáo sư Robert W. Gear, Ph.D, chuyên nghiên cứu về sự đau nhức tại viện đại học UCSF San Fransisco, cho biết kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy vùng "Các nhân nằm kế nhau" (nucleus accumbens) có vai trò rất quan trọng trong sư động viên con người để hành động theo một chiều hướng nào đó hầu tìm đến sự vui sướng mà bảo vệ đời sống và nối tiếp giống nòi.

Trong bộ não, vùng "Các nhân nằm kế nhau" này là một hệ thống các sợi thần kinh nằm ở phía dưới thùy trán trước của bộ não tiết ra chất dopamine tạo ra những cảm giác sung sướng để đáp ứng lại những sinh hoạt bảo tồn đời sống cùng nòi giống như� ăn vào lúc đói, uống nước lúc khát, tình dục, vận động. Nhà thần kinh học Richard Davidson cho rằng chất thần kinh dẫn truyền dopamine tạo thuận duyên cho những tín hiệu của những cảm xúc tốt như tình thương, lòng tha thứ, giữa vùng vỏ não trước trán bên trái (VNTT bên trái) với các trung tâm cảm xúc trong bộ não trong đó có vùng "Ban Thưởng Niềm Vui Sướng" hay "Các nhân nằm kế nhau" (nucleus accumbens). Khi điều đó xảy ra, chúng ta cảm thấy sung sướng, vui tươi. Tuy nhiên, không phải chỉ có sự sung sướng, vui tươi, hạnh phúc lành mạnh khích lệ con người hoạt động� theo một chiều hướng tốt đẹp để đạt được những điều nói trên mà cả những hành động tai hại như hút cần sa, ma túy, rượu, cờ bạc, hút thuốc, cũng lôi kéo con người vì chúng cũng tạo ra những khoái cảm dù là những khoái cảm tai hại vì chúng sẽ dần dần hủy diệt sức khỏe và cả hệ thống thần kinh tạo ra niềm vui sướng này.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy vùng "Các nhân nằm kế nhau" (nucleus accumbens) là bộ máy tạo ra sự ban thưởng niềm an vui sung sướng bằng cách tiết ra những liều thuốc rất mạnh làm giảm đau (chất như thuốc phiện làm giảm đau hay opioids) và nhất là chất dopamine làm phát sinh cảm giác an vui, tích cực. Những kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những người bị căng thẳng kinh niên, bị trầm cảm, hay giận dữ, lo âu, sợ hãi, đã khích động thân thể tạo ra các chất hóa học làm cho yếu hệ thống miễn nhiễm, đưa đến bệnh tật, khó lành bệnh và làm cho đời sống ngắn đi. Ngược lại, sự phấn chấn vui tươi bảo vệ chúng ta chống lại sự căng thẳng, bệnh tật và chết non. Những người có đời sống vui tươi thì có thái độ tích cực, họ là những người mạnh khỏe, ít bị bệnh tật so với những người có thái độ tiêu cực như bệnh tim mạch, cao máu, tiểu đường hay các chứng bệnh khác.

Như thế, hạnh phúc và niềm vui sướng không phải là chỉ ở nơi Tâm mà còn có nguồn gốc căn bản nơi Thân hay bộ não mà nhiều cuộc nghiên cứu khoa học, đã trình bày ở phần trước cũng như các phần sau, cho biết khi số lượng� dopamine và endorphin gia tăng trong cơ thể một cách tự nhiên (do chính cơ thể sản xuất) thì những kết quả tốt đẹp nói trên xuất hiện. [1]

8. Ta Phải Tích Cực Trong Sự Phát Triển Sức Khỏe

Chúng ta thường đón nhận sự chăm sóc từ bác sĩ rồi uống thuốc men để chữa trị bệnh tật. Có nhiều bác sĩ hiện nay cổ động chương trình mỗi người phải tự chăm sóc đời sống của mình qua tập Thiền, vận động và dinh dưỡng tốt để phát triển sức khỏe và hạnh phúc trong đời sống. Họ đã thành lập rất nhiều trung tâm y khoa Thân và Tâm để hướng dẫn cho bệnh nhân cũng như những người chưa bệnh theo đường hướng nói trên.

Bác sĩ James S. Gordon, giám đốc trung tâm y khoa Thân Tâm (Center for Mind-Body Medicine) ở vùng thủ đô Hoa Kỳ Washington, D.C. đã nghiên cứu các chương trình Thiền áp dụng hiện nay và chia làm ba loại chính.

1.Thiền chú tâm vào một đối tượng như đếm hơi thở, đọc một chữ hay câu đều đều.

2.Thiền tỉnh thức với tâm mở rộng và thoải mái.

3.Thiền vận động như� cử động tay, chân hoặc thân đều đặn.

Tất cả ba thứ trên đều đưa đến trạng thái buông thư. Buông thư và chữa trị bệnh tật là phạm vi nghiên cứu và hướng dẫn của bác sĩ Herbert Benson. Ông nhấn mạnh rằng rất nhiều cuộc nghiên cứu y khoa đã cho thấy khi thực hành Thiền thì trạng thái buông thư xuất hiện làm cho mức độ chuyển hóa năng lượng giảm xuống, tim đập chậm lại, áp xuất máu giảm, phổi thở dịu đi, các làn sóng não chậm lại. Quan trọng nhất trong sự thực hành là không suy nghĩ và lập đi lập lại đều đặn. Sự thực hành tương đối đơn giản nhưng rất hiệu nghiệm vì làm cho sự căng thẳng giảm đi rất nhiều. Bác sĩ Benson cho biết từ 60% đến 90% những người bị bệnh đi khám bác sĩ là do sự căng thẳng nơi Thân Tâm gây ra, đưa đến các chứng lo âu, trầm cảm nhẹ, giận dữ, thù hận, cao huyết áp, các chứng tim đập không đều, các chứng đau nhức, hiếm muộn con cái, mất ngủ, cùng nhiều thứ bệnh khác.

Nhiều người biết Thiền giúp cho họ giảm trừ bệnh tật, gia tăng sức khỏe nhưng họ không thực hành được thường xuyên, nếu mỗi người tìm được một phương pháp Thiền thích hợp mà họ có thể thực hành lâu dài thì rất tốt cho họ đồng thời giảm bớt gánh nặng y tế cho xã hội nói chung. Do đó, chúng ta cần nhớ:

  • Thiền có ba loại: hai loại thuộc thiền tĩnh lặng và một loại thuộc thiền hoạt động.

  • Mỗi người chọn lấy loại thiền thích hợp cho mình để áp dụng hàng ngày.

  • Chúng ta có thể ghi tên theo học Thiền tại các trung tâm khắp nơi tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác.


Hiện nay có nhiều chương trình giúp chúng ta tạo ra điều kiện thuận lợi có đời sống vui tươi cùng thái độ tích cực trong sinh hoạt hàng ngày như :

  • thực hành sự chú tâm thoải mái vào hơi thở (cảm nhận cảm giác ngon khi ăn uống hay ăn trong sự chú tâm thoải mái, đi bộ, tập thể dục hay thể thao),

  • tập Thiền tĩnh lặng (như ngồi Thiền),

  • tập Thiền hoạt động (như khí công, yoga, dưỡng sinh, taichi, đi thăm các vùng phong cảnh đẹp, sống vui vẻ, cảm thông với những người trong gia đình, viết hồi ký ghi rõ những lúc cảm thấy sung sướng cùng nguyên nhân phát sinh, những lúc lo âu, giận hờn, buồn rầu, bất an cùng những nguyên nhân của chúng).


Nếu chúng ta muốn tham dự vào các chương trình do các bác sĩ nổi tiếng hướng dẫn, thì ngoài hai chương trình của tiến sĩ Kabat Zinn và bác sĩ Herbert Benson đã đề cập trước đây, chúng ta cũng có thể ghi tên nơi chương trình của bác sĩ Andrew Weil thuộc viện đại học Arizona nhằm phát triển sức khỏe toàn diện gồm Thân, Tâm và Thần (bên khí công thì gọi là tinh, khí và thần) mà cơ thể con người đóng một vai trò quan trọng trong sự tự chữa lành bệnh tật cho mình. Điều này có vẻ đi ngược dòng với y khoa hiện nay vì nhiều bác vẫn chú trọng việc chữa trị bệnh tật theo cách thông thường

Bác sĩ Weil nhấn mạnh đến khả năng cơ thể có thể điều trị bệnh tật và làm cho mạnh khỏe trở lại. Ông ta cho ví dụ nếu một người bị vi trùng bên ngoài xâm nhập làm bị bệnh, bác sĩ cho bệnh nhân uống thuốc để giảm số lượng vi trùng trong cơ thể xuống đến mức cơ thể đủ sức đối kháng, tiêu diệt vi trùng và tự giúp cho mình phục hồi khỏe mạnh. Đây là một phương pháp phối hợp chữa trị của nhiều truyền thống y học Đông và Tây cùng mang một ý nghĩa tích cực về sự làm cho thân thể lành mạnh. Bác sĩ Weil cho một ví dụ là có một bệnh nhân đến gặp ông ta sau khi được chẩn đoán là bị bịnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthitris) và được nhà thương cho vào chương trình chữa trị uống thuốc thứ mạnh với nhiều phản ứng thuốc tai hại và phải trả tiền thuốc men là 20 ngàn mỹ kim một năm. Khi đến với chương trình bác sĩ Weil, ông ta thực hành một chương trình ăn uống mới là loại bỏ tất cả các chất béo (mỡ) từ thịt cá, rồi thực hành chương trình làm giảm căng thẳng do việc mất công ăn việc làm cùng cái chết của cha ông tạo ra. Giờ đây ông ta gần như không cần phải dùng thuốc men trong sự chữa trị nữa và sức khỏe của ông ta phát triển khả quan.

Các chương trình phát triển sức khỏe của ba trung tâm nói trên nhấn mạnh đến cách làm cho cơ thể thoải mái, tinh thần buông thư, thực hành thở theo Thiền hay chú tâm thoải mái vào hơi thở, ăn uống lành mạnh và sống đời vui tươi. Do đó, khi thực hành Thiền tĩnh lặng và Thiền hoạt động của Khí Công Tâm Pháp, chúng ta thực hành đúng theo cách thức nói trên trong khi ngồi yên lặng, trong khi tập luyện, và nhất là chú tâm thoải mái vào hơi thở vào và hơi thở ra khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, nói chuyện, làm việc, lái xe, tóm lại là trong mọi hoạt động càng nhiều càng tốt. Như ngài Đạt Lai Lạt Ma nói mục đích của đời người là sống an vui hạnh phúc, các nhà khoa học nói trên nhắc nhở thêm là muốn có an vui, khỏe mạnh và hạnh phúc thì thực hành sống đời tỉnh thức: Biết về hơi thở vào, hơi thở ra, thân thể khi ngồi yên hay khi hoạt động, trạng thái tinh thần của chính mình cùng các xúc cảm và nguyên nhân tạo ra chúng, chúng ta thấy hai bên thật gần gũi nhau.

Theo lời chỉ dẫn tốt đẹp trên, chúng ta xác nhận lại mục đích mình mong muốn:

  • Tôi muốn được khỏe mạnh và hạnh phúc.

  • Tôi thực hành thiền tĩnh lặng và thiền hoạt động theo khả năng của mình hàng ngày.

  • Ngày hôm nay tôi bắt đầu thực hành vì tôi biết rõ "Con đường ngàn dặm chỉ bắt đầu bằng một bước chân đầu tiên". Tôi để sách xuống và ngồi thở thoải mái trong 10 phút.


Trong tuần lễ đầu tiên, chúng ta dành thì giờ để tập thở, ban đầu thở thường sau đó tập thở đan điền theo cách hướng dẫn ở phần trên. Khi tập thở đan điền, có thể ngồi, đi, đứng hay nằm đều được cả, miễn sao thực hành sự chú tâm thoải mái nơi hơi thở vào và hơi thở ra cùng cảm nhận thành bụng phình lên và xẹp xuống theo hơi thở. Ban đầu tập 10 phút, sau đó tăng dần cùng với cảm giác vui thích khi chú tâm thoải mái vào hơi thở đan điền.




[1]Để tìm hiểu chi tiết hơn, xin quý vị vui lòng đọc thêm các tài liệu nghiên cứu liên hệ đến các vấn đề nói trên và đã được viện dẫn nơi chương 1 và Chương 2. Ngoài ra còn có các tài liệu nghiên cứu sau đây.

J. Matthew Neal. The Pituitary Gland. Basic Endocrinology, An Integrative Approach. Blacwell Science; 2000

2.Taylor DV, Boyajian JG, James N, Woods D, Chicz-Demet A, Wilson AF, Sandman CA. Acidosis Stimulates Beta-Endorphin Release During ExerciseJournal of Applied Physiology,1994

3.The Antidepressive Effects of Exercise. Neurochemistry cited 2003 December. Available from: WRL:��� http://sulcus.berkeley.edu/mcb/165_001/papers/manuscriptsSynthesis of Catecholamines. University of Washington. � Audgust 2000 [cited 2003 December 1] Available from URL:http://courses.washington.edu/chat543/cvans/catechol

5.� James N. Campbell, Endorphins, Worlbook on Line Reference Center, 2005, World Book, Inc.

6.� Mindfulness Yoga, Frank Jude BoccioWisdom Publication, 2004

7.� Messengers of Paradise by Charles F. Levinthal, Doubleday, 1988

8.� Molecules of Emotion by Candace B. Pert, Simon & Schuster, 1997

9.� Messengers of Paradise by Charles F. Levinthal, Doubleday, 1988

10. Robert F. Gears, K.O. Aley, PhD, bài khảo cứu liên hệ về chất giảm đau thiên nhiên trong Journal of Neuroscience, August 15.

11. Medical, Science, Sports and Exercice 27 (1995), Herbert Benson trang 765-776

12. Vào mạng lưới và đánh chữ Andrew Weil, đi vào chương trình làm cho phát triển sức khỏe trong tám tuần lễ, nếu thấy thích hợp có thể ghi danh liền.


Khí Công Tâm Pháp Toàn Tập
Thầy Phụng Sơn


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]