Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. 28/03/93 - 03/04/93 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

23/04/201319:55(Xem: 3525)
03. 28/03/93 - 03/04/93 tại Chùa Từ Ân, Quận 11

DUY LỰC NGỮ LỤC

QUYỂN HẠ

(Bài giảng trong các năm (1992 - 1999)

HT. THÍCH DUY LỰC

----o0o---

Bài giảng trong các năm 1992 - 1999

3.

28/03/93 - 03/04/93 Thiền Thất tại chùa Từ Ân, Q11

Hỏi: Xin Sư phụ giảng rõ về cách khởi nghi tình?

Đáp: Pháp môn tham Tổ Sư Thiền chú trọng chữ NGHI, tình trạng nghi gọi là nghi tình. Từ nghi đến ngộ, nghi là nhân, ngộ là quả. Không nghi không ngộ, nên nói bất nghi bất ngộ; nhân nhỏ quả nhỏ, nên tiểu nghi tiểu ngộ, nhân lớn quả lớn, nên đại nghi đại ngộ.

Đối với hai chữ THOẠI ĐẦU, theo sự giải thích của ngài Hư Vân thì “thoại đầu là chỗ trước khi chưa có câu thoại”, là đầu tiên của lời nói, tức chưa nổi niệm muốn nói, mới gọi là thoại đầu, cũng gọi là vô thỉ vô minh, Thiền tông gọi “Đầu sào trăm thước”, “Đáy thùng sơn đen”, ngài Nguyệt Khê gọi là “Hầm sâu đen tối”, chứ không phải là câu thoại, chỉ dùng lời nói để chỉ thị chỗ trước khi chưa có lời nói, cho nên nói “tham thoại đầu”, chứ chẳng phải tham câu thoại đó.

Hành giả tham thiền bất cứ tham câu nào, hễ có dấu hỏi tức nghi tình, vừa nhìn vừa hỏi, gọi là “khán thoại đầu”, “chiếu cố thoại đầu”. Phải lấy thoại đầu làm đối tượng, không được lấy câu thoại làm đối tượng, nếu ở trong lời nói tức thành thoại vĩ . Tiếc rằng nhiều người theo tôi mười mấy năm, vẫn còn hiểu sai nghĩa thoại đầu, chẳng những nổi niệm, lại còn chấp vào câu thoại, khiến cách xa thoại đầu, chẳng những không phải thoại vĩ lại cách thoại vĩ không biết bao xa!

Phật Thích Ca truyền pháp môn này, gọi là Giáo ngoại biệt truyền, là pháp thiền trực tiếp, tức không cho nổi lên một niệm. Tất cả pháp môn khác, thiền quán khác đều dùng cái biết để tu, dùng ghi nhớ biết, tìm hiểu biết để tu. Còn Tổ Sư Thiền thì ngược lại, không cho tìm hiểu, ghi nhớ và suy nghĩ.

Hỏi: Thiền tông này do Phật Thích Ca niêm hoa thị chúng, truyền pháp cho ngài Ca Diếp, nhưng tại sao trong Kinh Nikaya không thấy ghi nhận?

Đáp: Kinh Nikaya gồm Trường A hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và Tạp A Hàm, thuộc pháp Tiểu thừa. Ông đã thọ giới Bồ tát chưa? Trong Bồ Tát Giới 48 giới khinh dạy: “Nếu mình tu theo pháp Tiểu thừa, hoặc dạy người khác tu, đều là phạm giới. Đã thọ giới Bồ tát, phải học theo Bồ tát Đại thừa. Nay tạm gác qua pháp xuất thế gian, chỉ nói theo pháp thế gian:

Tiểu thừa là tiểu học, Trung thừa là trung học, Đại thừa là đại học; trong bài của tiểu học làm sao lại có ghi bài của Đại học? Tiểu học chỉ thích hợp cho căn cơ tiểu học, người đã vào đại học, chẳng lẽ lại lui sụt trở về học bài của tiểu học? Nay lại đem bài tiểu học dẫn chứng bài đại học là sai, như thế có phải phạm giới không?

Mặc dù Tiểu học cũng do Phật Thích Ca dạy, nhưng đó chỉ thích hợp cho căn cơ thấp, khi nào học xong rồi phái lên lớp, lên trung học đại học. Người không chịu lên lớp, Phật quở là “tiêu nha bại chủng”, là “hạt giống cháy”. Nay lại đem những bài tiểu học ra để dẫn chứng bài đại học không đúng, chẳng có trong tiếu học, vậy có đáng buồn cười không?

Cho nên học Phật không biết nghĩa chữ Phật, học tham thoại đầu không biết nghĩa hai chữ “thoại đầu”, đối với những người mới học không nói làm chi, nhưng những người đã học lâu năm mà vẫn còn chấp vào câu thoại, Đức Phật nói là “thật đáng thương xót!”

Hỏi: Nếu ai ai cũng dùng chánh nghi để quét sạch hồ nghi của khoa học, thì thế gian dựa vào đâu để sống?

Đáp: Hồi xưa chưa có khoa học, người ta vẫn sống và còn sống yên vui hơn bây giờ. Hiện nay, đủ thứ bệnh hoạn, thiên tai, nhân họa. Ví như ở nước ngoài, đáng lẽ khoa học phát minh xe hơi để tiện lợi cho sự đi lại, nay do xe hơi quá nhiều không đủ đường đi khiến giao thông cứ bị ách tách, đi làm tám tiếng, phải tốn thêm bốn tiếng đồng hồ trên xe. Ai cũng muốn đi nhanh để kịp giờ nên tai nạn xe hệ cứ xảy ra mãi. Theo sự thống kê về tai nạn giao thông ở Mỹ, bình quân mỗi ngày có đến 57 ca tử vong! chưa kể trương hợp bị thương, ấy là hậu quả của khoa học đem lại cho loài người.

Tham thiền là không cho bộ não làm chủ, là muốn tước đoạt chủ quyền của bộ não để Phật tánh làm chủ, bộ nào chỉ là đầy tớ do Phật tánh sai khiến chỉ làm điều lành, mới đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Hỏi: Tu theo pháp môn tham thoại đầu, bệnh tâm thần có hết được không?

Đáp: Bất cứ bệnh gì đều do nhân quả, sanh lão bệnh tử là do nhân của mình gieo, gieo nghiệp nhân phải trả nghiệp quả. Còn việc tham thiền là muốn đạt đến tự do tự tại vĩnh viễn, giải thoát tất cả khổ. Hễ tất cả khố giải thoát rồi, đâu còn bệnh tâm thần nữa! Nói theo ngài Lai Quả là trị bệnh sanh tử, bệnh sanh tử hết thì tất cả bệnh đều hết.

Bây giờ, bất kể có bệnh cũng tu, không bệnh cũng tu, có nghiệp chướng cũng tu, chẳng nghiệp chướng cũng tu. Nói đến nghiệp chướng, ở Thiền đường nước Mỹ có một vị kỹ sư điện toán, học thức rất cao, đến hỏi tôi:

- Con nghiệp chướng nặng quá, thầy có cách nào giúp con trừ nghiệp chướng không?

Tôi hỏi: Vậy nghiệp chướng của ông sanh khởi từ chỗ nào ông có biết không?

Ông ấy suy nghĩ mãi không ra.

Tôi nói: Nói nghiệp chướng của ông, ông còn không biết, vậy chứng tỏ chẳng có nghiệp chướng. Ông biết thế nào là năng và sở chứ? Cũng như tôi thường thí dụ, tánh thấy là cái năng thấy, cảnh vật là sở thấy. Cũng thế, cái gọi “nghiệp chướng” là cái sở biết, sở suy nghĩ của ông, còn cái tâm năng biết, năng suy nghĩ đó vốn là trong sạch, không có nghiệp chướng. Cái sở thì chẳng phải tâm, nhưng vì tâm vô hình tướng, khó mà hiểu được. Tôi phải dùng hai chân để thí dụ:

Hai chân là năng đi, còn con đường có gai góc cức sình là sở đi cũa hai chân. Con đường đó đâu phải của ông? Nếu hai chân ông, không dẫm lên thì đâu có dính mắc mà phải rửa cho sạch! Cức sình thúi cách mấy, dơ cách mấy, mặc kệ nó, đâu có dính dáng đến ông? Tại ông ham đi, ham dẫm lên chỗ gai góc cức sình, rồi than dơ than khổ. Chỉ cần ông đừng đi, hai chân vốn sạch sẽ. Tâm năng biết, năng suy nghĩ, thì tam năng biết vốn thanh tịnh, chỉ cần không biết tới, không suy nghĩ thì đâu có vướng mắc? Đâu cần giữ cho sạch, quét cho sạch!

Nay tham thiền nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình, mới không suy nghĩ.

Hỏi: Thế nào là công đức, thế nào là phước đức? Tại sao công đức không có hết, mà phước đức lại có hạn trong Tam giới?

Đáp: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ giải thích: Công đức là tự tánh sẵn có, chẳng phải ở ngoài, chẳng do tạo tác. Đã sẵn có thì chẳng có sự bắt đầu, cũng là nghĩa vô sanh; vô sanh tức vô diệt, nên không hết được, còn phước đức do tạo mới thành, có thành ắt có hoại. Phước đức có số lượng, hưởng dần sẽ hết, công đức không số lượng, nên không hết. Do đó, Chư Phật chư Tổ chỉ muốn chúng ta kiến tánh, thì công đức hưởng hoài không hết.

Hỏi: Tại sao Sư phụ nói pháp Tham Tổ Sư Thiền như một sợi chỉ treo chuông ngàn cân?

Đáp: Sở dĩ tôi nói Thiền Tông ngày nay như một sợi tóc treo chuông ngàn cân, có thể đứt bất cứ lúc nào, vì năm 1992, khi tôi đi thăm Hòa thượng Đức Lâm đang trụ trì chùa Cao Mân, lúc đó đã 79 tuổi. Theo tôi thì sau khi ngài Đức Lâm tịch, sẽ chẳng còn ai kế thừa.

Trước kia, chùa Kim Sơn, chùa Cao Mân đều là Thiền đường danh tiếng, thiền sư Lai Quả kiến tánh ở chùa Kim Sơn, và thiền sư Hư Vân kiến tánh ở chùa Cao Mân. Nay chỉ có chùa Cao Mân còn giữ đạo tràng Thiền tông, chùa Kim Sơn đã trở thành khu du lịch, trong thiền đường, chỉ có hai cụ già tham thiền, kể như một đạo tràng Thiền tông danh tiếng khắp thế giới của Trung Quốc đã bị chấm dứt, còn lại chùa Cao Mân, như sợi tóc treo chuông ngàn cân, không biết sẽ bị đứt lúc nào.

Nay Tăng chúng ờ chùa Cao Mân có khoảng chín mươi người, ni chúng được mười chín người nhưng không ở ngay trong chùa. Khi tôi hỏi về công phu thì “Khi hỏi câu thoại đầu, nghi tình nổi lên, rồi sau đó biến mất”, Tôi biết là do không có khán, tức không nhìn vào thoại đầu và tôi bảo họ phải nhìn vào thoại đầu.

Một số người thực hành theo hướng dẫn, nên nghi tình được kéo dài hơn, tập dần như thế mới giữ được nghi tình kéo dài, còn hỏi là để tăng cường nghi tình.

Theo ngài Nguyệt Khê, chỉ có nhìn, không hỏi. Tôi xem lịch sử Thiền tông từ bảy ngàn Tổ, vị nào cũng nói khán thoại đầu và tham thoại đầu, tức chiếu cố thoại đầu. Nhưng nay tôi thấy phần nhiều chỉ tham câu thoại chứ không phải tham thoại đầu, khán câu thoại mà chẳng phải khán thoại đầu, ấy là sai. Cho nên, tôi muốn hành giả tham thiền phải thực hành cho đúng, muốn cho nhiều người được kiến tánh để kế thừa Thiền tông này, khiến không bị chấm dứt.

Hỏi: Pháp Thiền chúng ta đang tu tập là vì cá nhân hay vì chúng sanh?

Đáp: Vì cá nhân mà cũng vì chúng sanh. Chánh pháp phải phá ngã chấp, cái ngã này là cá nhân, cũng ở trong chúng sanh, nên không phân biệt cá nhân hay chúng sanh.

Hỏi : Một ngày nào đó giải thoát được phiền não trong thế giới này thì được nhân quả gì?

Đáp: Nhân quả là ở trong mở mắt chiêm bao, nếu từ mở mắt chiêm bao thức tỉnh, thì nhân quả đã chẳng dính dáng đến mình.

Hỏi: Làm sao với biết được sự tu tập này đến giai đoạn thành công?

Đáp: Việc đó phải hỏi cô; muốn đến đích thì tự cô phải đi. Phải xem quyết tâm của cô, đi mau thì mau đến, đi chậm thì chậm đến. Nếu không chịu đi, chỉ đứng một chỗ mà hỏi tôi chừng nào đến, tôi làm sao biết được?

Hỏi: Nghi tình dùng tâm để tham hay dùng bộ não để tham?

Đáp: Phương tiện là dùng bộ não, dùng sự không biết của bộ não chấm dứt tất cả biết của bộ não. Đến sau cùng nghi tình bùng nổ, sự biết của bộ não tan rã và sạch hết, cái biết của Phật tánh hiện ra, gọi là kiến tánh thành Phật.

Hỏi: Có một vị Phật tử do điều kiện sức khỏe yếu, có thể uống bia hoặc sữa không?

Đáp: Từ ngũ giới, mười giới đến hai trăm năm mươi giới, ba trăm bốn mươi tám giới, mặc dù cấm uống rượu, nhưng có khai, giá, trì, phạm. Thế nào gọi là khai? Trong giới luật có tánh giới và giá giới, những gì liên quan đến sát, đạo, dâm, vọng, là tánh giới, có nhân quả. Còn giá giới, giá là che chở, thì có thể khai vì không hại đến chúng sanh khác nên không có nhân quả.

Vì như uống rượu, đáng lẽ không có lỗi, nhưng nếu uống say, có thể phạm bốn giới sát, đạo, dâm, vọng, nên Phật cấm uống rượu. Trường hợp có bệnh, thầy thuốc dùng rượu làm thuốc, phải công khai báo cáo vì lý do bệnh, nên phải uống rượu, thì không phạm giới, gọi là khai. Hoặc, loại rượu đó uống không say, cũng là khai; hoặc muốn uống nước lại lấy nhằm rượu, hoặc không cho đó là rượu, như xào thức ăn bỏ rượu vào cũng không phạm.

Hỏi: Tham thiền đến khi chết mà chưa kiến tánh, kiếp sau có tiếp tục không?

Đáp: Trong lịch sử Thiền tông, có ghi câu chuyện về ông Huỳnh Đình Kiên đời nhà Đường như sau:

Huỳnh Đình Kiên, pháp danh Sơn Cốc, làm quan đến chức Thượng Thư. Lúc ông 26 tuổi, giữ chức Huyện trưởng. Một hôm, sau khi ăn tiệc sinh nhật của mình, nghỉ trưa tại dinh phủ, nằm chiêm bao thấy một mình đi theo con đường nhỏ, gặp một cụ bà mời vào dùng cơm ăn xong từ giã đi về.

Sau khi thức giấc, cảm thấy cảnh chiêm bao này sao giống như có thật bèn nảy ý đi tìm. Một mình đi ra ngoài, quả nhiên tìm được con đường trong chiêm bao, đi đến một ngôi làng, gặp ngay cụ bà trong chiêm bao. Ông hỏi: Hôm nay nhà cụ có làm lễ gì không?

Cụ nói: Có, hôm nay là đám giỗ lần thứ 26 của con gái tôi. Lúc sinh thời, con tôi chỉ lo tu, không lập gia đình, đến lúc lâm chung, tự biết giờ chết. Con tôi có một cái rương, tự nó khóa lại và cất giấu chìa khóa, nói rằng “kiếp sau sẽ tự đến mở khóa”. Ông Kiên nghe đến đây, thình lình nhớ lại chuyện xưa, hỏi:

- Chìa khóa cô ấy để ở đâu, cụ có biết không?

- Không.

Ông kiên nói: Tôi biết.

Bèn tự mình vào nhà lấy chìa khóa mở rương, trong đó đựng đầy văn chương, các bài thi đậu tú tài, thi đậu cử nhân của kiếp này, kiếp trước đã làm sẵn, rồi ông rước luôn cụ bà về phủ phụng dưỡng. Sau đó, theo Thiền sư Huỳnh Long tham thiền được kiến tánh.

Sự tích trên có ghi lại trong lịch sử Thiền tông và Chỉ Nguyệt Lục, kể cả trong cuốn Từ Hảicủa Từ điển Trung Quốc.

Hỏi: Tịnh độ tông trì kinh niệm chú, có công dụng như tham Thiền không?

Đáp: Ông đã hiểu lầm, trì chú thuộc Mật tông, chứ không thuộc về Tịnh độ. Tịnh độ thì niệm Phật, mà nếu niệm hiệu Phật A Di Đà là thuộc Tây phương Tịnh độ, niệm hiệu Phật Lưu ly Quang Như lai là thuộc Dược sư Tịnh độ, (cũng gọi Đông phương Tịnh độ), còn Đâu Suất Tịnh độ niệm hiệu Phật Di Lặc, ba Tịnh độ này đều có người hoằng đương, phổ biến nhất là Tây Phương Tịnh độ, ngoài ra còn có vô lượng vô biên Tịnh độ.

Hỏi: Công án của một vị Tăng hỏi Tổ kiến tánh “Phật là gì?”, Tổ đáp: “Ba cân mè”. Con cho là ý của Tổ muốn chỉ đó là cái đang dùng của Sư phụ?

Đáp: Không phải, bây giờ cứ tham đi, không thể giải thích, không thể cho là Hai chữ “cho là xài” không được, ấy là kiến giải. Tham thiền là để chấm dứt tất cả suy nghĩ, tìm hiểu, ghi nhớ, tất cả hoạt động của bộ não, chẳng thể qua bộ não suy nghĩ, cho là bất cứ cái gì, cuối cùng cái không biết của bộ não cũng sạch luôn, Phật tánh mới có thể hiện ra khắp không gian thời gian.

Hỏi: Tại sao Duy Ma Cật nói tham sân si là giải thoát?

Đáp: Tham sân si sanh khởi từ chỗ nào? Nếu không biết tức không có, đâu cần đối trị? Tham sân si chỉ là sở biết của tâm, do tâm biết và suy nghĩ, cho là mình có tham sân si, nhưng tâm năng biết đó vốn là không. Tại tâm ham suy nghĩ, ham biết, lấy cái sở suy nghĩ cho là của mình. Thật ra đó chỉ ở ngoài tâm, đâu phải của mình! Thí dụ hai chân vốn không có cức sình, tại ham đi con đường đó nên bị dính mắc, rồi mới cho cức sình đó là của mình, cần phải rửa cho sạch! Chỉ cần hai chân không dẫm lên con đường đó là được rồi!

Hỏi: Có tham cũng có nghi tình, không tham cũng có nghi tình, vậy lấy có tham hay không tham?

Đáp: Đã tự động có nghi tình, suốt ngày hai mươi bốn giờ không gián đoạn chưa? Bây giờ chưa phải hoàn toàn không biết, tức còn biết, lâu lâu xen lẫn giữa biết và không biết, ấy là thô tâm dụng, chẳng phải không hỏi mà tự động có nghi tình. Nếu không hỏi tiếp, dễ lọt vào vô ký không mà tự mình chẳng hay. Nay vẫn phải hỏi tiếp và nhìn, vừa hỏi vừa nhìn để tăng cường nghi tình.

Hỏi: Xin Sư phụ giải đáp về cái biết của Lục Tổ: Cái biết đầu tiên khi ngài nghe câu kinh Kim Cang; kế đó, Ngài không học hành mà làm được bài kệ, được Ngũ Tổ xác nhận đã đến Bảo sở; Thứ ba: khi ngài trả lời câu hỏi của Ngũ Tổ “Gạo đã trắng từ lâu, chỉ thiếu sàng thôi”; Thứ tư: Khí Ngũ Tổ gõ vào cái cối ba cái, ngài biết canh ba vào phòng Tổ để nhận y bát?

Đáp: Tôi không biết sự thắc mắc của ông ở đâu? Những việc kể trên chẳng phải bổn phận của hành giả tham thiền. Bổn phận hành giả tham thiền chỉ đề khởi câu thoại, vừa nhìn vừa hỏi vào thoại đầu, ngoài ra, những hành vi của chư Tổ đừng biết tới, sau này ngộ rồi sẽ tự hiểu. Bây giờ, ông cần giữ nghi tình cho miên mật, nếu cho là biết cái đó là sai, tốn thì giờ mà chẳng dính đáng đến sự kiến tánh của mình.

Hỏi: Tại sao trong trí Bồ đề mà chẳng thấy thanh tịnh?

Đáp: Bồ đề là tiếng Ấn Độ, dịch nghĩa Đại giác. Phật tánh bất nhị, chẳng có thanh tịnh hay không thanh tịnh, nên tâm Kinh nói “bất cấu bất tịnh”. Nay thấy thanh tinh hay không thanh tịnh đều là do bệnh chấp thật, vì có thanh tịnh mới có không thanh tịnh; thanh tịnh vốn không, làm sao có cái “không thanh tịnh”!

Thanh tịnh hay không, ấy là lời nói của thế gian, Bồ đề chẳng thể dùng lời nói để diễn tả, “Trong trí Bồ đề thấy không thanh tịnh” cũng thế, là do bệnh chấp vào một bên. Kinh Lăng Nghiêm nói “do con mắt bệnh nên thấy hoa đốm trong hư không”, sự thật trong hư không đâu có hoa đốm .

Hỏi: Trong cảnh giải thoát sao sanh ra ràng buộc?

Đáp: Trong Kinh Pháp Bảo Đàn,Lục Tổ nói với Pháp sư Ấn Tông: “Chỉ nói kiến tánh, không nói đến Thiền định giải thoát. Vì theo ý Pháp sư Ấn Tông, giảng Kinh thuyết pháp, cần có thiền định mới đưa đến giải thoát. Tại sao Lục Tổ lại nói như thế?

Lục Tổ nói: “Phật pháp là pháp bất nhị, thiền định giải thoát là nhị pháp”.

Hỏi: Thế nào là pháp Bất nhị của Phật pháp?

Lục Tổ nói: Pháp sư giảng Kinh Niết bàn, trong Kinh, Cao Quý Đức Vương Bồ tát hỏi Phật:

- Phạm tội ngũ nghịch và nhất xiển đề có đoạn dứt thiện căn Phật tánh không?

Phật nói: Thiện và bất thiện là pháp tương đối, Phật tánh chẳng phải thiện hay bất thiện, nên chẳng thể đoạn đứt.

Tại sao? Loạn với định là tương đối, vì có tán loạn mới cần thiền định, nếu chẳng tán loạn, đâu cần thiền định? Cũng thế, đã không trói buộc, đâu cần giải thoát? Cho nên, Lục Tổ nói Pháp môn Tổ Sư Thiền là Tối thượng thừa, khác hơn Giáo môn là vậy.

----o0o---

Vi tính: Minh Trí - Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com